Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH VÀ LÀ NỮ KH PHẢI NAM

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca hiện đại Việt Nam. Người yêu thơ
mệnh danh chị là “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”. Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thủy
chung, giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. “Sóng” là bài thơ hay
nhất của Xuân Quỳnh viết về đề tài tình yêu được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1967)
và đã để lại nhiều xúc cảm cho người đọc.

Sóng là một hình tượng động, bất biến chính vì vậy mà sóng được các nhà thơ chọn
làm thi liệu để biểu tượng cho tình yêu. Nếu Xuân Diệu mượn sóng để biểu tượng cho
tình yêu thì Xuân Quỳnh lại mượn sóng để biểu tượng cho những cung bậc tình cảm
của người phụ nữ trong tình yêu với thật nhiều những khát khao và biến động. Hai hình
tượng sóng và em luôn sánh đôi sánh cặp với nhau, sóng là em và em cũng là sóng.
Sóng và em hòa quyện với nhau, soi chiếu nhau, tôn lên những vẻ đẹp vừa đa dạng lại
vừa phong phú.

Hình tượng sóng trước hết được gợi ra từ âm điệu và nhịp điệu. Âm điệu trong bài thơ
là một trong những yếu tố hàng đầu của thi ca. Nó gây ấn tượng trực tiếp, đầu tiên với
người đọc. Người đọc bị cuốn hút, bị ảnh hưởng bởi độ ngân vang của từ ngữ, nhịp
điệu câu thơ. Và tất nhiên chi phối âm điệu thơ bao giờ cũng là trạng thái, cảm xúc của
nhà thơ. Âm điệu của bài thơ sóng là âm điệu của những con sóng trên biển cả, nhịp
điệu của những con sóng liên tiếp, triền miên, vô hồi vô hạn, khi dào dạt sôi nổi, lúc dịu
êm sâu lắng, lúc dữ dội thét gào…Song, âm điệu của bài thơ không chỉ đơn giản là âm
điệu của những con sóng biển mà đó còn là hình ảnh ẩn dụ của con sóng lòng nhiều
cung bậc, nhiều sắc thái cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu.

Mở đầu bài thơ là hình tượng sóng gắn liền với những cung bậc tâm trạng:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Con sóng biển muôn đời vẫn thế, khi dữ dội – ồn ào, khi dịu êm – lặng lẽ. Con sóng khi
giận dữ thì ào ạt xô bờ, phá phách cuốn đi tất cả những gì nó muốn, có khi lại hiền hòa
dịu êm sâu lắng. Hai thái cực của con sóng cũng là mâu thuẫn trong tâm trạng, cảm xúc
của người phụ nữ khi yêu, lúc nổi giông tố thì dữ dội, ồn ào, mạnh mẽ, khi nguôi ngoai
thì hiền hòa, dịu dàng, sâu lắng thiết tha. Thật tinh tế khi nhà thơ nhận ra trong cái dữ
dằn, dông bão của tình yêu chiều sâu của nó là êm dịu, lặng lẽ. Cái êm dịu, hiền hòa
đằm thắm là căn cốt, là điểm về của mọi xáo trộn tâm hồn. Đó là quy luật cuộc đời hết
mưa là nắng, hết giận là thương. Vì thế nhà thơ không đảo trật tự từ “dịu êm, lặng lẽ”
lên trước mà để sau, diễn tả thật đắc địa cái tính khí của tình yêu mà vẫn dịu dàng, tha
thiết đầy nữ tính. Mỗi con sóng nhỏ bé nhưng lại chất chứa trong nó bao khát vọng lớn:

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Xuân Quỳnh đã tìm ra cái quy luật của cuộc sống tình yêu là sự vận động: “ Bởi tình yêu
muôn thuở/ Có khi nào đứng yên”. Nếu sông không hiểu nổi mình thì sóng sẽ dứt khoát
từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp của sông để tìm ra biển lớn, để được thể hiện mình, sống
hết mình.

Với Xuân Quỳnh, biển bao giờ cũng khơi dậy những khát khao, ước vọng lớn lao: “Suốt
cuộc đời biển gọi ước mơ/ Nỗi khát vọng những phương trời chưa đến”. Đó không phải
là tư tưởng của người phụ nữ phóng túng, ngang tàn mà đó là khát vọng đẹp, khát vọng
mạnh mẽ của trái tim không chấp nhận sự chật hẹp, tù túng, tầm thường của tình yêu,
dám vươn tới dù phải trải qua bão tố để đến với biển lớn tình yêu, tìm cho được sự
đồng điệu, đồng cảm. Đây là một quan niệm minh bạch, rất quyết liệt, rất khao khát
trong tình yêu nhưng không cam chịu, nhẫn nhục. Tình yêu là thế đó, như biển kia
không thể lặng sóng, con người không thể sống thiếu tình yêu, nhất là tuổi trẻ.

Ôi con sóng ngày xưa

Bồi hồi trong ngực trẻ

Cũng như sóng, tình yêu mãi mãi trường tồn, vĩnh cửu với thời gian ngày xưa – ngày
nay và cả ngày sau cũng thế. Đó là căn cốt của cuộc sống, là khát vọng muôn thuở của
con người. Xuân Diệu từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu !”. Nhất là tuổi trẻ,
tình yêu lại càng nồng cháy, rạo rực, bồi hồi trong trái tim mỗi khi khao khát yêu đương.

Trước muôn trùng sóng bể

Khi nào ta yêu nhau

Biết bao thế hệ đi tìm lời giải thích tình yêu là gì? Tình yêu đến bao giờ? Khi nào? Vì
sao con người yêu nhau? Nhưng

Nơi tình yêu bắt đầu

Cũng là nơi khó nhất

Trái tim dù biết hát

Nhưng chuyện tình dễ đâu

Tình yêu là thế giới đầy bí ẩn, dù ai có là “nữ hoàng” của vương quốc tình yêu thì cũng
khó có thể chiếm lĩnh, cắt nghĩa được tất cả. Xuân Quỳnh cũng tự bộc bạch những băn
khoăn, những nỗi niềm thật hồn nhiên, chân thực: “Trước muôn trùng sóng bể” – trước
không gian rộng lớn người ta thường nghĩ đến cái hư vô hay cái cô đơn, nhỏ bé, hữu
hạn của con người, kiếp người, nhưng Xuân Quỳnh lại nghĩ về anh – em, nghĩ về biển
và sóng, sóng và gió, nơi bắt đầu tình yêu của anh và em. Cái tôi trữ tình cảm nhận quy
luật của tình yêu, nó cũng thật khó hiểu, bất ngờ như thiên nhiên vậy. Nó chiếm lĩnh tâm
hồn ta để rồi có khi lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lí trí, đến – đi bất chợt, và rất
mong manh.

Tình yêu luôn đồng hành cùng nỗi nhớ, chẳng biết tự bao giờ ca dao đã ghi lại cái cảm
xúc thật chân thành và nóng bỏng của lòng người trong nỗi nhớ tình yêu: “Nhớ ai ra
ngẩn vào ngơ”, “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Đến
với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ trong tình yêu cũng được diễn tả khắc khoải, da diết, mãnh liệt
như thế, nhưng theo một cách khác:

Con sóng dưới lòng sâu

Cả trong mơ còn còn thức

Khổ thơ dôi hẳn hai câu thơ để đủ sức ôm chứa những cảm xúc vô bờ của nỗi nhớ tình
yêu. Hoài Thanh đã từng đánh giá: dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến câu chữ
không thể đi theo những đường viền có sẵn, ý thơ xô đẩy, khuôn khổ thơ phải lung lay.
Khổ thơ này được đánh giá là hay nhất trong bài, có người nói đó là cái đỉnh của Sóng.
Bởi Xuân Quỳnh đã diễn tả thật xúc động nỗi nhớ tình yêu, nỗi nhớ vắt ngang tiềm thức,
xuyên thấu cả cõi thực và cõi mộng “cả trong mơ còn thức”

Tác giả đã sử dụng hai hình ảnh so sánh thật đắc địa: nỗi nhớ của sóng và em. Sóng thì
nhớ bờ, em thì nhớ anh. Sự so sánh cộng hưởng diễn tả cái nỗi nhớ vô biên tuyệt đích
trong tình yêu. Lời thơ giản dị nhưng ý thơ thì đạt đến độ sâu lắng, thấm thía khôn cùng.

Nhớ và khát khao về một tình yêu hạnh phúc, Xuân Quỳnh nguyện dâng trọn trái tim
cho người mình yêu, thật chân thành, táo bạo, mạnh mẽ, thủy chung:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Hướng về anh một phương

Dù ngược dù xuôi, dù Nam dù Bắc, dù xa xôi khó khăn, trắc trở,…thì lòng em vẫn nghĩ
về anh, hướng về anh một phương. Thật mãnh liệt như ca dao:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua


Tầng sâu của ngôn từ là thông điệp về một tình yêu thủy chung. Một tình yêu mãnh liệt,
chung thủy, kiên định, không thay lòng đổi dạ dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Biết rằng
ngay trong cảm thức của chính mình, thi sĩ luôn có những dự cảm, lo âu về sự tàn phai,
đổ vỡ cùng với những bất trắc, bởi “Lời yêu mỏng manh như màu khói”…Thế nhưng
Xuân Quỳnh vẫn tin tình yêu là “Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng”. Đây chính là nét
đẹp tuyệt vời trong quan niệm tình yêu của thi sĩ Xuân Quỳnh. Một tình yêu mạng đậm
truyền thống phương Đông giàu tính nhân bản:

Trái tim em nằm trong lồng ngực

Giây phút nào em chẳng đập vì anh

Ba khổ cuối của bài thơ là những chiêm nghiệm về tình yêu, cuộc đời và khát vọng:

Ở ngoài kia đại dương

Để ngàn năm còn vỗ

Cuộc đời nhà thơ dù phải chịu nhiều đắng cay, đổ vỡ trong tình yêu nhưng người phụ
nữ ấy vẫn hồn nhiên, tha thiết yêu đời, vẫn ấp ủ hi vọng và tin vào hạnh phúc, tương lai.
Nếu sóng là em, bờ là anh thì khát vọng của sóng là luôn hướng vào bờ, tìm vào nơi
nương tựa của cuộc đời. Xuân Quỳnh rút ra một triết lí: quy luật của tự nhiên cũng như
quy luật của cuộc đời, không thể nào khác được. Xuân Quỳnh vẫn luôn khao khát tìm về
bến đỗ của đời mình như con sóng kia dù còn muôn vàn khó khăn, cách trở. Bằng sự
chiêm nghiệm của trái tim nhạy cảm, nhà thơ nhận ra sự chảy trôi của thời gian, thấm
thía cái vô hạn của thời gian, cái hữu hạn của kiếp người:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Lo âu, khắc khoải về sự ngắn ngủi, nhỏ bé mong manh của đời người không chỉ có ở
Xuân Quỳnh mà trong thơ ca trung đại, nhiều nhà thơ như Hồ Xuân Hương cũng đã
cảm nhận được điều đó: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”. Rồi đến Xuân Diệu – ông hoàng
thơ tình cũng vội vàng cuống quýt muốn tắt nắng, buộc gió để được tận hưởng hương
sắc cuộc đời:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua


Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Nếu Xuân Diệu chạy đua với thời gian để được tận hưởng những giây phút ngắn ngủi
của đời người thì ngược lại, ở Xuân Quỳnh: thời gian – cuộc đời càng ngắn, càng nhiều
nỗi lo thì nữ sĩ càng khát khao gắn bó với cuộc đời, càng muốn được hi sinh, hiến dâng
cho tình yêu nhiều hơn:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Thi sĩ muốn hóa thân, hòa tan thành trăm con sóng nhỏ để ngàn năm, muôn thuở hát
mãi khúc tình ca biển khát bờ. Qua đó ta có thể thấy được khát vọng của một trái tim
muốn được sống mãi, được yêu mãi thật rộng lớn và mãnh liệt:

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi

Đó chính là sự thánh thiện trong trái tim người phụ nữ giàu yêu thương – Xuân Quỳnh.

Bài thơ đã vận dụng thành công thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, đối lập
kết hợp với thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp mang đậm
phong cách và cá tính của tác giả thông qua những trắc trở, suy tư và khát vọng trong
tình yêu.

Tóm lại, thông qua bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh muốn gửi gắm tới độc giả một quan niệm
về tình yêu vĩnh cửu, vĩnh hằng . Càng đọc “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những
người phụ nữ Việt Nam, thủy chung, son sắc, luôn sống hết mình với một tình yêu.
Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi và là “nữ hoàng của thi
ca tình yêu”.

You might also like