Chipheothuctinh0 1

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

CHÍ PHÈO

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng bộc bạch: “Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời
thì truyện ngắn là cái mặt cắt của dòng đời…chỉ lướt qua một đường vân trên cái khoảng gỗ
tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc”. Đúng vậy, truyện ngắn đã
biến những gì đẹp đẽ nhất thành bất tử và nhà văn đã biến những thăng trầm, nghiệt ngã nhất trên
từng trang truyện thành vĩnh cữu với bạn đọc. Trong đó, không thể không nhắc đến nhà văn Nam
Cao với kiệt tác sáng giá nhất nền văn xuôi nước nhà – Chí Phèo. Chí Phèo là kết tinh những
thành công của Nam Cao trong đề tài người nông dân, vừa phản ánh xã hội nông thôn trên bình
diện đấu tranh giai cấp, vừa thể hiện vấn đề con người bi thương tha hóa. Qua hình tượng nhân
vật Chí Phèo, Nam Cao đã dõng dạc khẳng định nhân phẩm của người nông dân nghèo trong khi
bị xã hội vùi dập đến mất cả hình người, tính người. Tất cả được thể hiện rõ nét nhất ở quá trình
thức tỉnh của Chí Phèo.
Quay về xã hội Việt Nam thời kỳ 1939-1945, lúc Nam Cao bước vào con đường văn học
cũng là khi Chiến tranh thế giới thứ hai lan tràn đến xứ thuộc địa nghèo khổ, xơ xác. Đời sống
tinh thần người dân như một vũng bùn tù đọng, còn cơ thể xã hội đang lên cơn sốt để chờ ngày
lột xác. Vậy nên, ông am hiểu và thấm thía số phận của những người nông dân nghèo khổ và Chí
Phèo không phải là một hiện tượng đơn độc cá biệt mà mang ý nghĩa tiêu biểu cho một lớp
người, một tình trạng xã hội. Nam Cao đã khắc hoạ cuộc đời trên dốc trượt xuống đáy xã hội của
hắn qua từng bi kịch: bị tha hoá, thức tỉnh và bị cự tuyệt quyền làm người. Trong đó, quá trình
thức tỉnh có thể coi là một trong những chi tiết sáng giá nhất, là “bụi vàng” của tác phẩm:
Truyện kể rằng, Chí Phèo bị bỏ lại bên cái lò gạch cũ trong làng khi còn đỏ hỏn, được
dân làng chuyền tay nhau nuôi nấng rồi lớn lên làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Đến năm hắn hai
mươi tuổi, chỉ vì cái ghen tuông vô cớ và tằn tiện của tên Bá Kiến lạm quyền ích kỉ, Chí bị đẩy
vào tù. Hắn từ một người chăm chỉ, hiền lành bỗng chốc biến thành kẻ chẳng ra người ngợm:
“cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm
gườm trông gớm chết!”. Hắn bước ra khỏi tù với những tiếng chửi rền trời và say khướt từ ngày
này sang tháng nọ. Đây cũng là khi, Chí mất đi hoàn toàn nhân hình vốn có và lún sâu trong cái
đầm lầy tội lỗi, nơi mà thực dân phong kiến “quẳng” con người trong sạch của hắn vào.
Khi cả cái làng Vũ Đại ruồng bỏ, khai trừ Chí ra khỏi xã hội loài người thì Nam Cao đã
tìm thấy đâu đó trong thâm tâm con người ấy những khát khao được yêu thương, mơ ước một lần
nữa được hòa nhập lại với thế giới. Ông cho hắn một cơ hội được làm người và cũng là thể hiện
chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm: Trong một lần say khướt, Chí “gặp Thị Nở - một người đàn
bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng…Họ ăn nằm với nhau rồi cùng ngủ say dưới ánh trăng”. Chí ngã
bệnh, Thị nấu cho Chí bát cháo hành không chỉ để giải cảm mà còn giải cả những độc tố chất
chứa trong hắn, để hắn thức tỉnh và khao khát được làm người. Sự xuất hiện của Thị chính xác là
bước ngoặt độc đáo đầy tính nhân văn trong tác phẩm.
Thị Nở cùng những săn sóc giản dị, đầy ân tình đã loé sáng như một tia chớp trong chuỗi
ngày tăm tối dằng dặc của Chí Phèo. Thật ra, hai kẻ khốn cùng ấy, lần đầu tiên tìm thấy ở nhau
chút tình cảm của con người. Hai kẻ không định nghĩa được hạnh phúc, lại hạnh phúc khi có
nhau. Từ sau đêm gặp Thị, Chí bắt đầu quá trình hồi sinh, trước hết là tỉnh rượu: hắn “thấy
miệng đắng, lòng mơ hồ buồn” và bắt đầu “sợ rượu” – biểu hiện rõ nét nhất cho thấy Chí dần
thoát khỏi cơn say dai dẳng. Mấy giác quan vì rượu mà tê liệt của hắn cũng vì vậy mà ì ạch hoạt
động trở lại. Hắn thấy trời đã sáng sau chục năm tối tăm. Hắn cảm được cái nắng đang chói
chang, chiếu rọi qua túp liều trơ trọi. Hắn nghe được tiếng chim đang hót. Hắn thấy người “bủn
rủn”, chân rã rời sau những ngày lê bước khắp làng trong cơn say điên loạn. Trước khi gặp Thị,
Chí hoàn toàn mất ý niệm thời gian, về bản thân: “chưa bao giờ hắn tỉnh…để nhớ rằng hắn có ở
đời”. Còn giờ đây, hắn nhận ra “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá…tiếng cười nói của những
người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Những cái tiếng ấy hôm nào chả có, nhưng
hôm nay bỗng vang động sâu xa trong lòng hắn như là tiếng gọi tha thiết của sự sống vẳng đến
đôi tai lần đầu tiên tỉnh táo. Người ta tỉnh rượu cũng là khi người ta thoát khỏi trạng thái u mê
mà nhớ ra mình là ai, mình làm gì. Còn hắn, hắn thấy “nao nao buồn”. Buồn vì thì ra, hắn đã bị
xã hội bất công nhấn chìm lâu như vậy. Buồn vì hắn nhớ ra bản chất mình vốn là cái thiện cái
đẹp, nhớ rằng mình vốn có mơ ước có khát khao, đơn giản chỉ là về “một gia đình nho nhỏ.
Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Chính Thị đã hồi sinh cái mưu cầu ấy, về người vợ và
người chồng hắn hằng tơ tưởng. Hắn buồn còn vì hắn tỉnh dậy muộn quá, khi hắn đã “ở cái dốc
bên kia của đời” và vì cả hắn “già mà vẫn cô độc”. Chí đã lảo đảo trên sườn dốc cuộc đời cheo
leo dài vô tận, nhưng trận ốm này đã làm hắn dậy và nhận thấy hắn cũng là người, cũng sợ “ đói
rét và ốm đau”, hơn hết là sợ cô độc. Chí Phèo núp dưới cái túp lều cạnh bờ sông từ thửo nào
nhưng đến giờ mới được soi mình dưới mặt nước trong vắt. Có lẽ trước đây, những cặn bã, dơ
bẩn của xã hội đã ngăn hắn tìm thấy nhân hình mình, đến tận bây giờ, nhân tính của hắn mới
được hồi sinh. Lần đầu, hắn tỉnh dậy sau cơn say triền miên cũng là lần đầu, hắn tỉnh dậy sau
kiếp sống bán mình cho quỷ dữ. Chính thức, hắn đã hết say!
Cũng may là, Thị thương cảm cho cái thân “ốm mà nằm còng queo một mình” của Chí
mà đưa bát cháo hành nóng hổi đến tay hắn, và bát cháo ấy còn hơn một chi tiết nghệ thuật, trở
thành một biểu tượng, siêu mẫu trong văn học hiện đại Việt Nam:
Suốt chục năm bị cả xã hội gạt bỏ, lần đầu, hắn được cảm nhận hơi ấm từ tình người, từ
bát cháo nóng hổi: Chí ăn bát cháo Thị nấu, hắn thấy ngạc nhiên, “mắt hình như ươn ướt”. Chí
đang khóc, giọt nước mắt là biểu hiện tính người trở lại, là “căn cước” làm người của Chí. Rồi
Chí tự than thân, rằng “tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?”. Vì trước giờ có
ai nấu cho hắn đâu mà ăn? Và muốn có, “hắn phải doạ nạt hay là giật cướp”. Ở ngay đúng cái
thời cùng cực như Chí Phèo, Nguyên Hồng từng khao khát sự chăm nom thế này: “Giá ai cho tôi
một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi!...Không! Không có ai cho tôi cả. Vì người ta có phải mẹ tôi đâu”
(Những ngày thơ ấu). Chí cũng vậy, hắn sinh ra đã lọt thỏm giữa xã hội mặc người giẫm đạp,
không ai nâng niu, chăm bẵm. Hắn khao khát, thèm muốn cái tình người nhỏ nhoi đến với mình.
Và hôm nay, hơi cháo hành nóng đến nỗi xông thẳng lên mặt hắn, làm hắn toát mồ hôi, và cũng
là lúc những bực tức, cô đơn trong hắn đang vơi đi còn những xấu xa, độc ác đang bị gột rửa chỉ
để lại bản chất hiền lương ban đầu.
Hơi cháo hành phả vào hắn làn sương cuốn đi tất cả những dằn vặt lờ mờ đeo bám đầu óc
bấy lâu. Nó làm hắn nghe rõ, thấy rõ và cảm nhận rõ rằng mình đang sống. Nó làm quá khứ,
tương lai dồn dập hiện về trong suy nghĩ hiện tại của hắn. Thật ra, hắn vẫn luôn khao khát được
sống cuộc đời bình thường với một tình cảm yêu thương thực sự và hướng thiện là bản năng cốt
lõi tồn tại trong hắn. Nhờ vào bát cháo, cái bản năng ấy đang trỗi dậy mạnh mẽ, giành giật quyền
làm chủ con người. Hắn tỉnh ngộ, trở về cái thời “muốn làm nũng” và “thấy lòng thành trẻ con”
mà đáng lẽ hắn được trải qua. Rồi hắn lại ăn năn hối cãi về thời gian mà tội lỗi ngự trị trong
mình, sợ hãi khi hắn không còn đủ sức liều mạng nữa, hắn sẽ đi về đâu? Bởi thật ra, “thứ nhất sợ
kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”, ở cái xã hội mà công lý nằm trong tay kẻ có quyền
và kẻ mạnh, Chí buộc phải trở thành một cái thằng liều hơn người, phải liều mới có thể được
sống. Chí nghĩ về hiện tại, về bát cháo của Thị, về việc Thị “sẽ mở đường cho hắn” trở về với
lương thiện, với nguyện vọng “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Hắn gấp rút
muốn được xây dựng cái đời người mình lại từ đầu. Hắn muốn, hắn ước và khao khát được hoàn
lương hơn bao giờ hết. Hắn thấy “tự nhiên nhẹ người”, lần đầu tiên sau những tháng ngày mà cơ
thể, tâm hồn hắn không còn nặng nề bởi quằn quại và cô độc kìm chặt, hắn thấy nhẹ nhõm. Có
lẽ, giọt mồ hôi lăn qua từng vết sẹo trên gương mặt đã làm hắn rát bỏng trong khao khát “ thèm
lương thiện”, “muốn làm hoà với mọi người” và được quay trở về “cái xã hội bằng phẳng thân
thiện của những người lương thiện”.
Sau cả đời bị dồn nén vào bước đến cùng đến mức phải hoá quỷ, bát cháo ấy không chỉ
dừng lại ở thứ cháo nóng giải cảm mà còn là tình người hiếm hoi mà Chí nhận được, là hạnh
phúc muộn màng và quý giá vô ngần mà lần đầu tiên trong đời hắn được hưởng. Là sự đồng cảm
duy nhất với hắn suốt chục năm dằng dặc hắn nhốt cái lương thiện của mình trong vỏ bọc của
một con quỷ dữ. Là thứ xuất phát từ tự nguyện, chân thành mà vượt lên trên mọi định kiến của
xã hội đang thối rửa về mọi mặt, kể cả nhân cách của con người. Trong các tác phẩm của mình,
Nam Cao luôn thể hiện lòng muốn vươn tới “tâm hồn trong sạch và mơ ước tới cảnh sống,
những con người thật đẹp”. Ông cũng viết trong “Sống mòn”: “Chừng nào người còn phải giật
của người từng miếng ăn thì mới có ăn…thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích
kỉ”. Lần này, Thị đã vượt qua được những nhỏ nhen, xấu xí mà dang tay đón nhận Chí, dẫn dắt
hắn đến với con đường đến với lương thiện. Vì vậy, Thị hoàn toàn có quyền “kiêu ngạo vì đã
cứu sống một người”. Người ta gọi Chí Phèo là quỷ nhưng chính tầng lớp thống trị cũng như bọn
cường hào đương thời mới thực sự là quỷ dữ. Bắt đầu dồn hắn vào chỗ đen tối là Bá Kiến, tay sai
của phong kiến, thực dân. Chốn chôn thân hắn là ngục tù thực dân, nơi chẳng cải tạo hắn tốt hơn
mà trực tiếp bẻ gãy từng xương sống của hắn, biến hắn thành què quặt, ngất ngưỡng. Chí Phèo
có chăng cũng chỉ là nạn nhân của thời cuộc, của những tội ác mục rỗng thối nát chất chồng hết
lớp này đến lớp khác. Còn Thị thì khác, Thị đã bỏ lại mọi định kiến xã hội mà dang tay ôm lấy
hắn vào lòng, chăm sóc và nâng niu cái tính người còn sót lại bên trong hắn. “Không phải tất cả
chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta đều làm được những điều nhỏ nhặt
với tình yêu vĩ đại” (Mẹ Teresa). Bằng tình yêu thương, sự đồng cảm to lớn của mình, Thị đã
giúp Chí tìm lại được những bản chất lương thiện bấy lâu chìm khuất, hé mở cho Chí men theo
con đường lương thiện mà trở lại làm người, trở lại làm anh canh điền chân chất hoà nhập vào
cộng đồng. Mặc cho Nam Cao đặc tả “cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công”
nhưng tâm hồn Thị thì sáng ngời hơn hẳn mấy gương mặt xán lạn chốn ngục tù Vũ Đại. Nhìn
như thế, ta sẽ thấy Thị Nở là người phụ nữ đẹp nhất trong văn học Việt Nam.
Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo là một trong những đoạn văn thể hiện sâu sắc ý nghĩa
nhân văn và giá trị nhân đạo của tác phẩm, đồng thời là một thành công nghệ thuật đặc sắc của
Nam Cao. Tác giả đã khéo léo lựa chọn những chi tiết rất chân thực, miêu tả tâm lí nhân vật sắc
sảo hiện lên ý nghĩa của sự hồi sinh là sự khẳng định sức sống của thiên lương, chứng minh rằng
lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Không
thế lực nào có thể hủy diệt.
Nam Cao đã ném ra giữa trang văn tên lưu manh Chí Phèo, để qua đó, ta cảm nhận rõ giá
trị hiện thực ở sự phản ánh mâu thuẫn giữa giai cấp bị trị và thống trị xưa cũ, đồng thời là giá trị
nhân đạo bởi sự cảm thương sâu sắc trước niềm tin vào bản chất lương thiện của con người. Tác
phẩm tuy như lời thì thầm nhưng đeo bám trí óc người đọc dai dẳng. Đặt ra câu hỏi rằng: chẳng
phải, ta nên phá bỏ đi cái “lò gạch cũ”, bỏ lại những tằn tiện, ô uế trong lòng mình để chấm dứt
những “Chí Phèo con” trong cái vòng sinh diệt bất tận đó hay sao?

“Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh làm việc với hiện thực, một vật
liệu cũng cứng như gỗ” (Gabriel Márquez). Có lẽ, Nam Cao thật sự là “người thợ lành nghề”
nhất trong số những người thợ lành nghề nơi công xưởng văn học Việt Nam. Bằng tài năng nghệ
thuật của mình, ông đã thành công xây dựng nên hình tượng nhân vật Chí Phèo một mình chống
chọi với thời cuộc để giữ lấy cốt cách thiện lương. Đồng thời, tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa
phong kiến tàn bạo cướp đi nhân tính con người, chôn vùi bản chất lương thiện trong họ. Tuy
đoản mệnh ở đời, nhưng Nam Cao đã trường cửu trong nghệ thuật, đưa tác phẩm “Chí Phèo”
thành một áng văn chương tuyệt mĩ, trường tồn với nền văn học nước nhà, vượt qua mọi sự băng
hoại của thời gian, để lại muôn vàn giọt nước mắt ở đời!

You might also like