Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 15

TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐA MINH

Lớp Thần II


MÔN ÂN SỦNG

ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH SỐ 5

GIÁO THUYẾT VỀ ÂN SỦNG CỦA


CORNELIUS JANSENIUS & PASQUIER QUESNEL
VÀ KẾT ÁN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN: LM. PHANXICÔ XAVIÊ HỒ ĐỨC BÌNH, O.P.

DANH SÁCH THÀNH VIÊN TỔ 4:

1. AMBRÔSIÔ M. PHẠM VĂN LÝ


2. PHÊRÔ NGUYỄN NGỌC LÝ
3. PHÊRÔ TRẦN VĂN NAM
4. GIUSE HÀ TÀI PHÁT
5. PHÊRÔ HỒ PHÙNG THIÊN PHÚC
6. PHANXICÔ XAVIÊ PHAN THIÊN QUANG
7. GIUSE NGUYỄN PHÚ QUÝ
8. GIUSE PHẠM VĂN QUỲNH

Niên Khóa 2022-2023


MỤC LỤC

Dẫn nhập
Phần 1: Cornelius Jansenius và kết án của Giáo Hội Công giáo ............................................. 1
I. Đôi nét về Cornelius Jansenius và nguồn gốc học thuyết ................................................... 1
II. Giáo thuyết của Cornelius Jansenius về ân sủng ................................................................. 2
1. Với bản tính thuở ban đầu ................................................................................................... 2
2. Sau khi sa ngã ...................................................................................................................... 2
3. Với bản tính đã được sửa chữa ............................................................................................ 3
4. Trọng tâm tư tưởng của Cornelius Jansenius ...................................................................... 3
III. Lập trường của Giáo Hội Công giáo trước những sai lầm của Cornelius Jansenius .... 4
1. Người công chính có thể tuân giữ các điều răn của Chúa ................................................... 5
2. Ân sủng hoạt động và tự do của con người trong tình trạng bản tính sa ngã. ..................... 6
Phần 2: Giáo thuyết về ân sủng của Pasquier Quesnel và kết án của Giáo Hội Công giáo .. 7
I. Giáo thuyết về ân sủng của Pasquier Quesnel ...................................................................... 7
1. Con người, sự nghiệp .......................................................................................................... 7
2. Nguồn gốc học thuyết.......................................................................................................... 7
II. Tóm lược thuyết ân sủng của Quesnel ................................................................................... 7
III. Lập trường của Giáo Hội Công Giáo ..................................................................................... 9
1. Tính không thể kháng cự của ân sủng ................................................................................. 9
2. Đức tin hoặc sự hoán cải là “ơn đầu tiên” Thiên Chúa ban cho tội nhân ........................... 9
3. Ngoài Giáo Hội không có ân sủng để nhận lãnh ............................................................... 10
4. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ dành cho những kẻ được tuyển chọn............................... 10
5. Không có ân sủng, con người hoàn toàn không thể làm được bất cứ việc tốt lành nào. ........... 11
6. Mọi hành vi của một người có tội đều là tội .................................................................... 11
Tạm kết ..................................................................................................................................... 12
GIÁO THUYẾT VỀ ÂN SỦNG
CỦA CORNELIUS JANSENIUS, PASQUIER QUESNEL
VÀ KẾT ÁN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Dẫn nhập
Con người sống ở trên đời luôn luôn đi tìm Chân lý và khao khát cho mình được hạnh
phúc vô biên. Thế nhưng, Chân lý và hạnh phúc vô biên mà con người tìm kiếm chỉ có nơi
Thiên Chúa, Đấng Tối Hảo. Và, để con người tìm được Chân lý và hạnh phúc vô biên, Thiên
Chúa luôn luôn ban ân sủng như là phương tiện cho họ. Ân sủng là hồng ân siêu nhiên mà
Thiên Chúa đã ban cho con người hoàn toàn vô điều kiện, làm cho con người được dự phần
vào tương quan thần linh: “Thiên Chúa chọn con người và như thế, họ là kẻ được Thiên
Chúa yêu thương trong tự do”1.
Ân sủng là điều cần thiết để đạt tới sự sống, ân sủng giúp chúng ta đạt được cùng đích
tối hậu của cuộc đời chúng ta. Ân sủng với mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người trong
tiến trình kế hoạch cứu độ, là một trong những vấn đề quan trọng nhất đã từng làm chủ đề
cho suy tư thần học qua nhiều thế kỷ dài trong quá khứ, và đây cũng là đề tài được các thần
học gia tranh luận rất nhiều, trong dòng chảy đó, đã có không ít những quan điểm sai lạc về
ân sủng. Một trong những quan điểm sai lạc đó có thể kể đến giáo thuyết về ân sủng của
Cornelius Jansenis và Pasquier Quesnel. Trong bài viết của nhóm sẽ chỉ giới hạn phạm vi
trình bày quan điểm về ân sủng của hai vị này và những kết án của Giáo Hội liên quan về
những quan điểm đó.
Phần 1: Cornelius Jansenius và kết án của Giáo Hội Công giáo
I. Đôi nét về Cornelius Jansenius và nguồn gốc học thuyết
Thần học gia Cornelius Jansenius sinh ngày 28 tháng 10 năm 1585 tại Acquoy – Hà
Lan, và mất ngày 6 tháng 5 năm 1638. Ông tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại Louvain và dạy
môn Kinh Thánh, rồi trở thành hiệu trưởng của trường đại học đó vào năm 1635. Đến năm
1636, Cornelius Jansenius trở thành giám mục của Ypres. Ông là một học giả uyên thâm
nuôi ý hướng cải cách Giáo Hội.
Trong tác phẩm được xuất bản sau khi ông qua đời, ông chủ trương tiếp tục khai triển,
với một vài sửa sai, công cuộc minh giải tư duy của Augustinô, và đây là đầu mối cho chủ
nghĩa Jansenius xuất hiện. Tác phẩm chính của ông được xuất bản vào năm 1940, mặc dù bị
Giáo hoàng Urbanô VIII lên án vào năm 1642 nhưng nó vẫn có tầm quan trọng lớn trong
phong trào chủ nghĩa Jansen2. Chủ nghĩa này liên kết với các khuynh hướng Pháp giáo
(Gallicanisme) và tư tưởng của Ferbron để dần dần lâm vào cảnh rối đạo và ly khai3.

1
K.Barth, Ladottrina dell’elezione divina, (Torino, 1983), tr.155. Lm Hồ Đức Bình O.P. trích trong Thần học
về ân sủng (Học viện Đa Minh: Sài Gòn, 2020), tr. 23.
2
Marc Marie Escholie, Cornelius Otto Jansen, truy cập ngày 31/10/2022, https://www.britannica.com/biogra
phy/Cornelius-Otto-Jansen
3
X. Gerhard L. Muller, Ân sủng luận qua các tác giả, Dg. Nguyễn Văn Hòa, O.P., tr. 331.

1
Trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa nhân bản hiện đại vốn tự hào về lý trí và luôn tỏ ra
lạc quan với tự do của con người. Jansenius và Jean du Vergier de Hauranne, tu viện trưởng
Saint Cyran (1582 - 1643), chú tâm lo canh tân Giáo Hội bằng cách trở về với các giáo phụ
với khuynh hướng thiên về thánh Augustinô. Jansenius không dùng lập luận trừu tượng của
thần học Kinh Viện (chủ yếu dựa vào hữu thể học) nhưng ông mô tả một cách cụ thể (bằng
tâm lý học và sử học) tình trạng hoàn toàn suy đồi của con người sau khi sa vào vòng tội lỗi,
qua đó ông cho thấy con người tuyệt đối cần được ân sủng Thiên Chúa thúc đẩy4. Cornelius
Jansenius ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thần học của nhà thần học Michael Baius.
II. Giáo thuyết của Cornelius Jansenius về ân sủng
Jansenius trình bày về các luận đề về ân sủng trong một tác phẩm sau khi ông chết,
quyển Augustinus (1640)5. Lý lẽ trong tác phẩm Augustinus của Jansenius quả là hoàn hảo.
Nó bắt đầu bằng việc phân biệt ba tình trạng của bản tính con người: thuở ban đầu, sa ngã
và được sửa chữa. Cấu trúc của mỗi tình trạng đều được Jansenius xây dựng một cách chi
tiết. Chủ đề xuyên suốt tác phẩm là mối bận tâm về ý chí của con người trong tương quan
với Thiên Chúa tương ứng với từng giai đoạn khác nhau6.
1. Với bản tính thuở ban đầu
Jansenius cho rằng với bản tính trước sa ngã Ađam có sự tự do để hành động trước
điều tốt và điều xấu (sự tự do trung lập), để chọn hay khước từ Thiên Chúa. Cùng với tự do
này, Ađam làm những gì mà bản tính có xác hồn của con người nhận thấy cần phải có và
phải làm. Nhưng Ađam có thể nhận hoặc khước từ ơn trợ giúp này. Ađam còn được nhận
những ơn khác phù hợp cho sự sống đời đời7.
Ân sủng của Thiên Chúa như một sự “trợ giúp làm điều kiện tất yếu” (adjutorium sine
quo) nhờ đó Ađam làm việc thiện trong một thái độ dửng dưng tích cực (“active Indiferenz”)8
Cornelius Jansenius đã quá đề cao tự do mà quên rằng tự do cần phải có sự trợ lực
song hành của ân sủng để con người được cứu độ và được nâng lên cứu cánh siêu nhiên.
2. Sau khi sa ngã
Jansenius cho rằng sau khi sa ngã ân sủng đã mất đi mãi mãi. Ông quan niệm không
thể có một cái gì gọi là bản tính tự nhiên thuần khiết. Trong tình huống sa ngã phạm tội, con
người sống trong sự thống trị của lòng tham. Sau khi sa ngã, bản tính con người đã bị thay
đổi do dục vọng và tình trạng này được lưu truyền cho con cháu. Con người không còn tự
do ngay từ bên trong, điều duy nhất còn lại nơi con người là khả năng tự do trước điều ép
buộc ngoại tại.9

4
X. Gerhard L. Muller , Sđd, tr. 331.
5
X. Tân lịch sử Giáo hội- Cuốn III, cải cách và phong trào cải cách (1501-1714), tr. 81.
6
X. Cao Chu Vũ, O.P., Khảo Luận Về Ân Sủng, (TTHVĐM, 2019-2020), tr. 199.
7
Lm. F.x. Hồ Đức Bình, sđd, tr. 186.
8
X. Gerhard L. Muller, Sđd, tr.331.
9
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, sđd, 237.

2
3. Với bản tính đã được sửa chữa
Jansenius nói về bản tính con người được sửa chữa nhờ và qua công nghiệp của Đức
Kitô, nhưng Đức Kitô không ban lại sự tự do thuở đầu của Ađam. Vì bản tính thuở ban đầu
đã bị đánh mất. Nên, ân sủng được ban sau sa ngã hệ tại ở đức mến mà Chúa Thánh Thần
phú vào linh hồn; mà niềm vui của đức mến thì đối nghịch với khoái lạc của dục vọng. Hơn
nữa, ý chí luân lý của bản tính sa ngã là một khả năng thụ động, nên con người sẽ bị lôi kéo
về phía có hấp lực mạnh hơn. Do đó, con người bị ảnh hưởng bởi hai thái cực vui thích đối
nghịch nhau.
Như vậy, theo ông, nơi tội nhân, không có bất cứ sự thay đổi nào tự sâu xa, họ mãi mãi
là tội nhân. Và ông cũng cho rằng, tội nguyên tổ là không thể xóa sạch dù có Phép Rửa, và
không lời cầu xin hay ân sủng nào có thể loại trừ vĩnh viễn10.
4. Trọng tâm tư tưởng của Cornelius Jansenius
Vì tội nguyên tổ, ý chí con người không còn tự do và không có khả năng làm bất cứ
điều gì tốt. Tất cả mọi hoạt động của con người hoặc phát xuất từ thú vui trần thế có nguồn
gốc là tình dục hoặc phát xuất từ hoan lạc thiên giới là sản phẩm của ân sủng. Tình dục hoặc
ân sủng áp chế ý chí và ý chí không còn tự do.11
Khi được ân sủng Thiên Chúa kích thích, khát vọng của con người trở thành tình yêu
Thiên Chúa. Không thể nào có một tình yêu Thiên Chúa theo nghĩa tự nhiên. Tình yêu do
ân sủng khơi dậy luôn luôn công hiệu và con người không thể cưỡng lại. Không thể có một
ân sủng vừa đủ (sufficiens) nhờ đó con người có thể tự mình quyết định đón nhận ơn công
chính hóa. Ơn được Thiên Chúa tuyển chọn có nghĩa là được Thiên Chúa tuyển chọn từ đại
quần chúng bị kết án (massa damnationis). Đã được Thiên Chúa tuyển chọn là con người
phải yêu mến Thiên Chúa và không có cách nào cưỡng lại tình thương đó. Không được
Thiên Chúa tuyển chọn để yêu thương Người là lâm vào cảnh suy vong. Đức Kitô chỉ chết
cho những kẻ được Thiên Chúa tiền định.12
Từ các thái cực trên ta thấy, tâm điểm thần học của Jansenius là khái niệm khoái lạc
ưu thế. Theo ông, chúng ta nhất thiết phải hành động theo điều chúng ta vui thích hơn. Và
ông cũng khẳng định, chỉ có ân sủng mới có thể cho con người khả năng thực hiện những
việc tốt lành. Cũng vậy, con người lãnh nhận ân sủng dưới hình thức của một khoái lạc ưu
thế, hoặc không nhận lãnh ân sủng, hoặc nếu có thì chỉ là ơn mọn, không sinh ích lợi gì. Nếu
ân sủng được ban cho thì chắc chắn con người đồng thuận; còn nếu ân sủng không đến thì
chắc chắn con người phạm tội vì dục vọng sẽ lôi kéo và thắng thế. Chính vì thế, thuyết
Jansenius đi đến thái độ bi quan và cho rằng: mọi việc con người làm đều là tội, trừ khi có
đức tin và hoạt động dưới tác động của đức mến13.
Tựu chung, thuyết của Jansenius không nhìn nhận ơn thường sủng cũng như ơn hiện
sủng theo quan điểm Công giáo. Nên ông cũng kiên định rằng, vì tội nguyên tổ mà ý chí con

10
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, sđd, tr. 187-188.
11
X. Lm F.X. Tân Yên, Ân Sủng: Khảo luận thần học về Ân Sủng, (Tân Định, 2000), tr. 30.
12
Gerhard L. Muller, sđd, tr. 332.
13
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, Sđd, tr. 188-189.

3
người không còn tự do và không có khả năng làm được bất kì điều gì tốt lành. Mọi hoạt
động của con người phát xuất từ hai năng lực khác nhau: từ tình dục và từ thiên giới. Vì thế,
hai thế lực này sẽ định hướng và lôi kéo con người đi theo nên ý chí không còn tự do.
Cũng bởi lẽ này, ông cũng cho rằng, ơn thường sủng có nghĩa là lòng từ ái của Thiên
Chúa, Đấng quy gán sự thánh thiện của Đức Kitô cho những kẻ đã được nên công chính.
Còn ơn hiện sủng là một loại trợ giúp tác động trực tiếp đến linh hồn, mà không cần sự ưng
thuận tự do của con người, để làm những việc tốt lành. Vì thế, đối với những việc làm này,
chỉ một mình Thiên Chúa chịu trách nhiệm14.
III. Lập trường của Giáo Hội Công giáo trước những sai lầm của Cornelius Jansenius
Tại Pháp, từ năm 1638 Thánh Cyran lên án các thành phần trong Giáo Hội ủng hộ và
chấp nhận lạc thuyết trong tác phẩm Augustinus của Cornelius Jansenius, nhất là nhà giảng
thuyết Isaac Habert trong 3 bài giảng tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã truyền bá tư tưởng của
tác phẩm này. Đức Urban VIII công khai kết án và nghiêm cấm đọc tác phẩm Augustinus
của Cornelius Jansenius trong sắc chỉ In Eminenti Ecclesiae Militantis được ký vào ngày 6
tháng 3 năm 1642 và chính thức phổ biến vào ngày 19 tháng 6 năm 1643. Thế nhưng, giáo
thuyết này được sự đồng thuận của nhiều chính trị gia đương thời, và ngay cả một số thành
viên trong hàng giáo sĩ nên họ tiếp tục truyền bá tư tưởng và đệ đơn yêu cầu được kháng án.
Liên tiếp 2 lần thất bại sau đó của giáo thuyết này trước Tổng Hội của hàng giáo phẩm Pháp
(tháng 7 năm 1649 và năm 1650). Giám mục Habert của giáo phận Vabres đại diện thu thập
85 chữ ký của hàng ngũ Giám mục để xin Đức Giáo hoàng can thiệp để xem xét kỹ 5 mệnh
đề được rút ra từ chính tác phẩm.
Năm 1656 trong sắc lệnh Ad Sanctam Beati Petri Sedem, Đức Alexandria VII tiếp tục
lên án giáo thuyết này. Năm 1669, Đức Clememt IX sử dụng biện pháp ôn hoà với hy vọng
họ hiệp thông lại với Giáo hội, nhưng lại bị đả kích bởi các giáo sĩ theo giáo thuyết. Tháng
7 năm 1705, Đức Giáo hoàng Clement XI ra sắc lệnh Vineam Domini với nội dung lấy lại
tư tưởng của Giáo hoàng Innocent X qua hiến chế Cum Occasione và sắc lệnh Ad Sanctam
Beati Petri Sedem của Đức Alexandria VII. Năm 1709, Giáo hoàng Clement XI ra lệnh giải
tán nữ đan viện Port-Royal là nơi truyền bá tư tưởng của giáo thuyết Jansenius cách mạnh
mẽ. Tuy nhiên, áp lực của nhiều Giám mục theo giáo thuyết này khiến giáo thuyết vẫn tiếp
tục tồn tại và lan rộng. Năm 1748, Giáo hoàng Benedict XIV tái xác nhận về nội dung giảng
dạy ở các trường học Công giáo và đòi hỏi nghiêm ngặt việc loại bỏ các ảnh hưởng của giáo
thuyết Jansenius. Năm 1794, Giáo hoàng Pius VI lên án sự khắc kỷ của những phong trào
ảnh hưởng từ giáo thuyết Jasenius15.
Những tư tưởng chính yếu của Jansenius được tổng hợp trong bộ Augustinus mà ông
dành cả đời mình để soạn thảo. Tác phẩm này đã bị Tòa Thánh kết án là sai lầm và nghiêm

14
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, Sđd, tr. 189-190.
15
X. Thomas Carson và Joann Cerrito, bs., “Jansen, Cornelius Otto (Jansenius)”, New Catholic Encyclopedia,
tập 7, tái bản lần thứ 2 (Farmington Hills: Gale, 2003), tr. 715.

4
cấm đọc. Trong Hiến chế Cum Occasione (ban hành 31/6/1652), Đức Innôcentê X đã kết án
năm mệnh đề sai lầm của Cornelius Jansenius như sau:16
Dz 2001. Có một vài giới răn của Thiên Chúa mà những người công chính dù muốn
và cố gắng đến đâu, theo sức lực mà họ hiện có, cũng không thể nào tuân thủ; họ thiếu cả
ân sủng nhờ đó họ có thể tuân thủ các giới răn đó.
Dz 2002. Trong tình trạng bản tính tự nhiên đã sa ngã, người ta không bao giờ kháng
cự ân sủng nội tâm.
Dz 2003. Trong tình trạng bản tính tự nhiên đã sa ngã, việc xét công trạng hay tội
trạng không đòi hỏi con người phải được tự do đối với sự nhất thiết (nessicitate), mà chỉ
cần được tự do đối với sự ép buộc (coactione) là đủ.
Dz 2004. Những kẻ theo thuyết Pélage bán phần (semipelagiani) chấp nhận ân sủng
nội tâm đến trước [chuẩn bị] cho từng hành động, ngay cả cho việc bắt đầu tin, là cần thiết;
nhưng họ lạc đạo trong việc họ muốn rằng ân sủng đó phải là một điều gì đó mà ý chí có
thể chống lại hoặc tuân theo.
Dz 2005. Nói rằng Đức Kitô đã chết hay đã đổ máu vì mọi người không trừ một ai là
theo thuyết Pélage bán phần.
Vào triều đại của Giáo Hoàng Alexanđê VIII, đã có Sắc lệnh cuả Thánh bộ
(7/12/1690)17 chỉ ra những sai lầm của phe Jansenius. Xin chỉ trích vài ý liên quan đến vấn
đề ân sủng:
Dz 2305. Dân ngoại, người Do Thái, kẻ lạc đạo và các loại tương tự, tuyệt đốt không
chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ Đức Giêsu Kitô và ta có lý mà từ đó rút ra kết luận rằng ý
muốn nơi họ trần trụi và không được trang bị, thiếu ân sủng sung mãn (gratia suficiens)
Dz 2306. Trong tình trạng chúng ta đang sống, ân sủng sung túc không hữu ích cho
bằng độc hại, khiến cho chúng ta có thể cầu nguyện một cách chí lý: Lạy Chúa, xin giải
thoát chúng con khỏi ân sủng sung mãn.
Dz 2307. Mọi hành động của con người đều là vì yêu thương Thiên Chúa hoặc vì yêu
chuộng thế gian: Nếu là yêu mến Thiên Chúa, hành động đó là đức ái của Chúa Cha; nếu
là yêu chuộng thế gian, nó là ham muốn xác thịt, nghĩa là xấu.
1. Người công chính có thể tuân giữ các điều răn của Chúa
Trái với mệnh đề “có vài giới răn mà người công chính không thể giữ”, Công Đồng
Trentô khẳng định sự cần thiết của cầu nguyện để có thể tuân giữ luật Chúa. Trong khảo
luận Bản tính và ân sủng, thánh Augustinô nói: “Không ai có thể nói người công chính
không thể tuân giữ các điều răn của Chúa, đó là một phát biểu thiếu suy nghĩ, đã bị các giáo
phụ kết án vạ tuyệt thông”18. Công Đồng Orange đã ấn định: “Về sự trợ giúp của Thiên

16
Heinrich Denzinger, Đại tập Denzinger – Tín biểu và định thức của Giáo Hội Công giáo trong lãnh vực đức
tin và phong tục, Dg: Nguyễn Văn Hòa (Hà Nội: Tôn Giáo, 2019), số 2001-2005.
17
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2305-2307.
18
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, sđd , tr. 220.

5
Chúa, chúng ta đã được tái sinh và đã được chữa lành cũng phải luôn luôn kêu xin sự trợ
giúp của Thiên Chúa để đạt tới cùng đích tốt lành hay để có thể kiên trì trong sự thiện”19.
Sự cần thiết của ơn trợ giúp đặc biệt để kiên bền trong ân sủng được Công Đồng Trentô
khẳng định: “Ai nói rằng con người có thể nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ các
việc mình làm – do sức lực của bản tính con người hay do giáo huấn của Luật – mà không
nhờ đến ân sủng Thiên Chúa ban nhờ Đức Giêsu Kitô, thì kẻ đó phải bị trục xuất”20. Nghĩa
là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, con người có thể kiên trì trong sự thiện.
Hơn nữa, “những kẻ được công chính hóa đã trở thành ‘bạn hữu của Thiên Chúa’, họ
ngày càng đổi mới, nghĩa là bằng cách giết chết những chi thể xác thịt của họ và đưa chúng
ra làm khí cụ phục vụ sự công chính nhằm được thánh hóa, nhờ tuân giữ các giới răn của
Thiên Chúa và của Giáo Hội; họ tăng trưởng trong đức công chính họ đã nhận được nhờ ân
sủng Đức Kitô, khi cộng tác với các việc lành và còn lời này nữa ‘anh em thấy đó, nhờ hành
động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi’ (x Gc
2,22)”21
Các giới răn của Thiên Chúa hoàn toàn có thể tuân giữ được.
Quả là Thiên Chúa không đưa ra những lệnh truyền bất khả thi, nhưng
khi ra lệnh, Người mời gọi anh làm điều anh có thể làm, và cầu xin điều anh
không thể làm; các giới răn của Người không nặng nề (x.1Ga5,3), ách của
Người êm ái và gánh của Người nhẹ nhàng (x.Mt 11,30). Quả vậy, ai là con
cái Thiên Chúa đều yêu mến Đức Kitô; ai yêu mến Người thì giữ các lời của
Người (x. Ga 14,23) mà việc này thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa lúc nào
cũng khả thi.22
2. Ân sủng hoạt động và tự do của con người trong tình trạng bản tính sa ngã.
Chúng ta có thể dựa vào cách giải thích của thánh Augustinô về sự chuẩn bị và tự do
của con người trước ân sủng.
Trong các mệnh đề này, phái Jansenius cho rằng tình yêu do ân sủng thôi thúc luôn
công hiệu và con người không thể kháng cự. Theo đó, một khi đã được Thiên Chúa tuyển
chọn thì con người phải yêu mến Thiên Chúa và không thể chống lại. Nếu không được tuyển
chọn thì con người tất yếu bị hư mất. Đức Kitô chỉ chết cho những kẻ đã được Thiên Chúa
tiền định tuyển chọn. Vì thế, thuyết Jansenius bị Giáo Hội Công giáo kết án “là vô đạo, phạm
thánh, ô nhục, không xứng đáng với việc thờ phượng Thiên Chúa và là lạc giáo. Nếu hiểu
Đức Kitô chỉ chết cho những kẻ được tiền định.”23 Điều này trái ngược với quan điểm thần
học Công giáo khi cho rằng ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa24.
Sự chuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng đã là một công trình
của ân sủng. Điều này là cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của

19
Heinrich Denzinger, Sđd, số 380.
20
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1551.
21
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1535.
22
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1536.
23
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2006.
24
X. Lm. F.x. Hồ Đức Bình, Sđd, tr. 221-222.

6
chúng ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, và vào việc thánh hóa nhờ đức
mến. Thiên Chúa kiện toàn nơi chúng ta điều Ngài đã khởi sự,“vì Ngài khởi
sự bằng cách tác động để chúng ta ước muốn, Ngài kiện toàn bằng cách cộng
tác với những người đã muốn.25
Sáng kiến tự do của Thiên Chúa đòi hỏi ‘sự đáp trả tự do của con người’,
bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, khi ban cho
họ, cùng với sự tự do, khả năng nhận biết và yêu mến Ngài. Linh hồn chỉ tự
nguyện mới có thể tiến vào sự hiệp thông của tình yêu. Thiên Chúa trực tiếp
đụng chạm và đánh động trái tim con người. Ngài đặt trong con người sự
khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ mình Ngài có thể làm thỏa mãn.26

Phần 2: Giáo thuyết về ân sủng của Pasquier Quesnel và kết án của Giáo Hội
Công giáo
I. Giáo thuyết về ân sủng của Pasquier Quesnel
1. Con người, sự nghiệp
Pasquier Quesnel sinh 14 tháng 7 năm 1634 tại Paris, Pháp và mất ngày 2 tháng Mười
hai, năm 1719 tại Amsterdam, Hà Lan. Xuất thân trong một gia đình quý tộc cổ đại, ông tốt
nghiệp triết học và thần học tại Sorbonne. Ông là môn đệ xuất sắc của Jansenius, trở thành
thủ lãnh nhóm người theo Jansenius dưới quyền Anoine Arnauld.
2. Nguồn gốc học thuyết
Thuyết ân sủng của Quesnel là một học thuyết mà ông đã hệ thống hóa các quan niệm
của Michael Baius và Jansenius. Tác phẩm Reflection phản ánh rõ nét quan điểm của
Jansenius nhưng ông tránh không đồng hóa tư tưởng của mình với thuyết Jansenius.
II. Tóm lược thuyết ân sủng của Quesnel
Chúng ta có thể tóm lược thuyết ân sủng của Pasquier Quesnel qua 6 điểm sau:27
Thứ nhất, Quesnel nói về tính không thể kháng cự của ân sủng. Ông cho rằng chỉ
một số ít người được tuyển chọn do được tiền định mới được lãnh nhận ân sủng. Vì thế,
chắc chắn họ sẽ nhận được ơn cứu độ vì tính không thể kháng cự của ân sủng. Còn những
người không được tuyển chọn, không được ban ân sủng nên sẽ bị kết án:
Có thể kể ra 2 mệnh đề sau:
- “Ân sủng là hoạt động của bàn tay Thiên Chúa không điều gì có thể cản trở hay trì
hoãn”. 28 (Mt 20,34)

25
Augustinô, De Gratia et libero arbitrio, 17,33:PL 44,901.
26
GLHTCG, số 2002.
27
X. Hồ Đức Bình, Sđd, tr. 225-229.
28
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2410.

7
- “Khi Thiên Chúa muốn cứu linh hồn và dùng bàn tay ân sủng của Người mà tác
động bên trong thì không có ý chí nào kháng cự Người”.29 (Lc 5,13)
Thứ hai, Đức tin hoặc sự hoán cải là “ơn đầu tiên” Thiên Chúa ban cho tội nhân,
như thế các tội nhân không hoán cải hay những người ngoại giáo không có đức tin thì đều
không nhận được ân sủng dưới bất kỳ hình thức nào, bằng không thì đức tin và sự hoán cải
không còn phải là ân sủng đầu tiên nữa.
- “Không ân sủng nào được ban tặng mà không nhờ đức tin”.30 (Mc 11,25)
- “Đức tin là ân sủng mở đầu và là nguồn suối của mọi ân sủng khác”.31 (2Pr 1,3)
- “Ân sủng đầu tiên Thiên Chúa ban cho người tội lỗi là tha thứ tội lỗi.32 (Mc 11, 25)
Thứ ba, ngoài Giáo Hội không có ân sủng để nhận lãnh.
- “Không có ân sủng nào được nhượng ban ở ngoài Giáo hội”.33 (Lc 10,36). Theo
ông, Giáo Hội không phải là một cơ cấu hữu hình, có phẩm trật và vâng phục Tòa
Thánh. Vì chỉ những kẻ được tuyển chọn hoặc được tiền định mới là những phần
tử của Giáo Hội. Do đó, “ân sủng không được ban ở ngoài Giáo Hội” .
Thứ tư, ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ dành cho những kẻ được tuyển chọn.
- “Khi Thiên Chúa muốn cứu độ một linh hồn nào đó và Người đụng đến nó cách
nội tại bằng bàn tay ân sủng của Người thì không ai có thể kháng cự”.34
- “Tất cả những ai Thiên Chúa muốn cứu nhờ Đức Giêsu Kitô đều chắc chắn được
cứu”.35 (Ga 20,19)
- “Đức Giêsu Kitô đã nộp mình chịu chết để mãi mãi giải phóng bằng máu Người đổ
ra những người con đầu lòng, nghĩa là những người được tuyển chọn, khỏi tay thiên
thần tiêu diệt”.36 (Gl 4,4-7)
Thứ năm, không có ân sủng, con người hoàn toàn không thể làm được bất cứ việc
tốt lành nào. Ông mô tả ân sủng là “kết quả do bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, Đấng
mà không gì có thể gây trở ngại hay giới hạn Ngài”
- “Không có ân sủng của Đấng giải phóng, kẻ tội lỗi chỉ tự do để làm điều ác mà
thôi”.37 (Lc 8,9)
- “Ý chí mà không được ân sủng đến trước [nâng đỡ] chỉ có ánh sáng để mà lầm lạc,
chỉ nhiệt thành để mà đâm đầu [xuống vực thẳm], chỉ mạnh mẽ để mà chịu tổn
thương. Nó có khả năng làm mọi việc ác, nhưng không có khả năng làm bất cứ việc
thiện nào.38 (Mt 20,34)

29
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2413.
30
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2426.
31
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2427.
32
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2428.
33
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2429.
34
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2413.
35
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2430.
36
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2432.
37
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2438.
38
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2439.

8
Không có ân sủng chúng ta không thể yêu thương bất cứ điều gì mà chính chúng ta
-
không bị kết án.39 (2Tx 3,18)
Thứ sáu, mọi hành vi của một người có tội, ngay cả việc cầu nguyện và tham dự
Thánh lễ đều là tội.
- “Lời cầu nguyện của bọn vô đạo là một tội mới và điều Thiên Chúa ban cho họ là
một phán quyết mới dành cho họ”.40 (Ga 10,25)
Nhìn chung, học thuyết của Pasquier Quesnel chỉ là hệ thống hóa các quan niệm của
Baius và Jansenius. Các mệnh đề chính của ông dựa trên sự nhầm lẫn giữa trật tự tự nhiên
và trật tự siêu nhiên. Ông đề cao vai trò của ân sủng nhưng lại phủ nhận ý chí tự do.
III. Lập trường của Giáo Hội Công Giáo
Đức giáo hoàng Clemente XI đã kết án các sai lầm của Quesnel trong hiến chế
Unigentius Dei Filius cùng với 101 mệnh đề ngày 08/09/1713. Trong số các thuyết bị Đức
giáo hoàng Clemente XI lên án năm 1713, có 101 luận điểm bị kết án nhưng nhóm xin lược
qua một số điểm như sau:
1. Tính không thể kháng cự của ân sủng
Ân sủng được ban cho tất cả mọi người cách nhưng không và cần sự đáp trả của con
người.41
“Ân sủng là một hồng ân, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên
Chúa ban cho chúng ta để chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Ngài: trở thành
con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và
vào sự sống muôn đời”42
Theo thánh Augustinô, ân sủng là chung cho hết mọi lương dân cũng như cho Kitô
hữu, cho người đạo đức cũng như cho người bất chính và nếu phải nói ân sủng đặc biệt cho
Kitô hữu thì đó chính là lời giảng dạy của Đức Kitô.43 Thánh Augustinô còn nói: “Khi tạo
dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến con, nhưng để cứu chuộc con, Ngài cần có sự
cộng tác của con.”
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên Chúa cho mưa xuống trên người công chính cũng
như kẻ bất lương” (Mt 5,46)
2. Đức tin hoặc sự hoán cải là “ơn đầu tiên” Thiên Chúa ban cho tội nhân
Công trình đầu tiên của ân sủng của Chúa Thánh Thần là sự hối cải,44 việc này thực
hiện sự công chính hóa theo lời rao giảng của Chúa Giêsu lúc khởi đầu Tin Mừng: “Anh em
hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Dưới tác động của ân sủng, con người
quay về với Thiên Chúa và quay lưng lại với tội lỗi, và như vậy đón nhận ơn tha thứ và sự

39
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2440.
40
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2459
41
GLHTCG, số 2001.
42
GLHTCG, số 1996.
43
Hồ Đức Bình, Sđd, tr. 225.
44
GLHTCG, số 1989.

9
công chính từ trên cao. “Sự công chính hóa … không chỉ là sự tha tội, nhưng còn là sự thánh
hóa và canh tân con người nội tâm.”45
Giáo Hội cho rằng Thiên Chúa ban ơn túc sủng cho những người vô tình chưa tin Chúa
để họ được cứu độ. Ngài cho họ những phương tiện nội tại và ngoại tại để có thể đạt tới hiểu
biết chân lý và ban sức mạnh siêu nhiên trợ giúp ý chí để người ta vâng phục trật tự của ơn
cứu độ.46
3. Ngoài Giáo Hội không có ân sủng để nhận lãnh
Theo thánh Phaolô: “Thiên Chúa là Đấng nhân từ muốn cho mọi người được cứu độ”
(1Tm, 2,4).
Đức Giêsu Phục Sinh trao cho các môn đệ sứ mệnh: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ
và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ, còn
ai không tin thi sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16)
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 776 giải thích: “xét như một bí tích, Giáo Hội là
công cụ của Đức Kitô. Giáo Hội được Người sử dụng như công cụ để mang ơn cứu độ cho
tất cả mọi loài”47.
Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin hay được tẩy rửa bằng máu
như vậy vẫn được cứu rỗi.48 Còn những người dự tòng chết trước khi lãnh nhận bí tích Thánh
Tẩy mà khao khát tỏ tường muốn lãnh nhận bí tích này, liên kết với việc thống hối các tội
lỗi của họ và với đức mến, cũng được bảo đảm cho họ ơn cứu độ mà họ đã không thể lãnh
nhận qua bí tích.49
Trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (LG, 16), Giáo Hội khẳng định: “Thật vậy, những
ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người,
nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành
động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm thì vẫn có
thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu” và “Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện
hảo nơi họ như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi
người ban cho để cuối cùng họ nhận được sự sống.”50
4. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ dành cho những kẻ được tuyển chọn
Trong Tin Mừng thánh Máccô, sau khi phục sinh Đức Giêsu đã trao cho các tông đồ
sứ mạng: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15-16).
Như vậy, với lệnh truyền này Đức Giêsu muốn thông truyền ơn cứu độ thông qua Giáo hội,
và ơn này dành cho hết thảy mọi người chứ không ban cho riêng một dân hay một cá nhân
nào. Cũng trong chiều hướng này, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích rằng: “Xét

45
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1528.
46
X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16. AAS 57 (1965) 20.
47
GLHTCG, số 776.
48
X. GLHTCG, số 1258.
49
X. GLHTCG, số 1259.
50
X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16. AAS 57 (1965) 20.

10
như một bí tích, Giáo Hội là công cụ của Đức Kitô. Giáo Hội được Người sử dụng như công
cụ để mang ơn cứu độ cho tất cả mọi loài.”51
Còn khi nói về Giáo Hội và những người không thuộc Kitô giáo, trong hiến chế tín lý
Lumen Gentium có viết: “Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa
Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của
ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc của mình theo sự hướng
dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên
Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng
không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.”52
5. Không có ân sủng, con người hoàn toàn không thể làm được bất cứ việc tốt lành nào
Mặc dù con người, bản tính người, ý chí người bị tổn thương, bị yếu đuối đi do tội
nguyên tổ, nhưng trí tuệ tự nhiên của con người còn biết Chúa hiện hữu được, vì thế khả
năng trí tuệ tự nhiên của con người làm được điều tốt tự nhiên xét trên bình diện luân lý.53
Nhờ lý trí, con người nhận ra tiếng Thiên Chúa thúc đẩy mình “làm điều tốt và tránh
việc xấu”. Luật này vang vọng trong lương tâm của con người.54 Người không biết Chúa,
người không tin Chúa cũng làm được những điều tốt tự nhiên xét trên bình diện luân lý.
6. Mọi hành vi của một người có tội, ngay cả việc cầu nguyện và tham dự Thánh lễ
đều là tội
Trước hết, những người đã phạm tội, giờ đây, với ân sủng thúc giục và trợ giúp, họ sẵn
lòng trở lại với ơn công chính hóa của Người bằng cách ưng thuận và tự do cộng tác với ân
sủng đó.55 Con người dọn mình để đạt tới đức công chính khi, với ân sủng Thiên Chúa thúc
giục và trợ giúp, họ để đức tin đâm mầm nơi họ.56 Việc dọn mình hay chuẩn bị này có hậu
quả là chính sự công chính hóa mà việc này không chỉ là ơn tha tội mà thôi mà còn vừa là
ơn thánh hóa, vừa là sự đổi mới con người bên trong nhờ việc con người tự nguyện đón nhận
ân sủng và các tặng phẩm của ân sủng.57
Những việc chuẩn bị trên cũng đã là một ân sủng, chính xác hơn là ơn hiện sủng. Ơn
hiện sủng (gratiae actuales) là những can thiệp của Thiên Chúa, hoặc vào lúc khởi đầu cuộc
hối cải, hoặc trong tiến trình của công cuộc thánh hóa.58 Người tội lỗi không còn ơn thánh
hóa, người tội lỗi phải nhờ ơn hiện sủng mới làm những điều tốt siêu nhiên, nhưng không
có công trạng, chỉ giúp mình chuẩn bị nhận lãnh ơn công chính hóa.59 Vậy việc tham dự
Thánh Lễ là điều tốt siêu nhiên, không thể nói đó là tội.

51
GLHTCG, số 776.
52
X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16. AAS 57 (1965) 20.
53
Heinrich Denzinger, Sđd, số 2756.
54
X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16. AAS 58 (1966) 1037.
55
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1525.
56
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1526.
57
Heinrich Denzinger, Sđd, số 1528.
58
X. GLHTCG, số 2000.
59
X. Lm F.X. Tân Yên, Sđd, tr. 30.

11
Tạm kết
Tóm lại, nhìn chung, giáo lý về ân sủng của Jansenius và Quesnel rất bi quan. Giáo
Hội đã thể hiện rõ quan điểm của mình khi kết án giáo thuyết của hai ông, đồng thời Giáo
Hội cũng cho thấy rằng ân sủng không phải là một điều gì xa lạ với con người. Đó là sự trợ
giúp của Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta đáp lại lời kêu gọi là trở thành nghĩa tử
của Ngài. Như vậy, ân sủng hoàn thiện con người và giúp con người thành toàn được những
khát vọng và nhu cầu thâm sâu nhất của mình, dẫn chúng ta vào sự thân mật của sự sống
Thiên Chúa Ba Ngôi.

12
THƯ MỤC THAM KHẢO

Các văn kiện Giáo Hội


- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực
thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nxb Tôn giáo Hà Nội, 2012.
- Heinrich Denzinger. Đại tập Denzinger – Tín biểu và định thức của Giáo Hội
Công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục. Bd: Nguyễn Văn Hòa. Hà Nội:
Tôn Giáo, 2019.

Sách
- Lm FX. Hồ Đức Bình O.P. Thần học về ân sủng. Học viện Đa Minh: Sài Gòn, 2020.
- Cao Chu Vũ, O.P. Khảo Luận Về Ân Sủng. TTHVĐM, 2019.
- Thomas Carson và Joann Cerrito, bs. “Jansen, Cornelius Otto (Jansenius)”, New
Catholic Encyclopedia, tập 7. Tái bản lần thứ 2, Farmington Hills: Gale, 2003.
- Lm FX. Tân Yên. Ân Sủng: Khảo luận thần học về Ân Sủng. Tân Định, 2000.
- K.Barth. Ladottrina dell’elezione divina. Torino, 1983.
- Gerhard L. Muller. Ân sủng luận qua các tác giả. Dg: Nguyễn Văn Hòa, O.P..
Không rõ nhà xuất bản và năm xuất bản.

Tài liệu Internet


- Marc Marie Escholie, Cornelius Otto Jansen, truy cập ngày 31/10/2022,
https://www.britannica.com/biography/Cornelius-Otto-Jansen

You might also like