Đoàn Thị Cảnh SINH THÁI HỌC CHÍNH TRỊ VÀ VẤN ĐỀ SINH KẾ - TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU NGƯỜI HOA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - TC Nhân lực KHXH - Viện Hàn lâm KHXH VN

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 16

SINH THÁI HỌC CHÍNH TRỊ VÀ VẤN ĐỀ SINH KẾ - TRƯỜNG HỢP

NGHIÊN CỨU NGƯỜI HOA TP HỒ CHÍ MINH

Người Hoa ở Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có quá trình
sinh sống lâu đời và đang trong quá trình nhất hóa vào dân tộc Việt Nam. Quá trình
ấy có sự tác động của sinh kế, chính sách, các chuyển biến lịch sử. Vì thế để đánh giá
vấn đề sinh kế hiện nay của cộng đồng này cần chú ý đến những yếu tố như chính
sách, vốn xã hội của cộng đồng. Bài viết trên cơ sở sinh thái học chính trị chỉ ra
những đặc thù về sinh kế của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, những khó khăn
lẫn thuận lợi của một cộng đồng ít nhiều có màu sắc riêng trong khối các dân tộc
thiểu số Việt Nam.

Từ khóa: sinh thái học chính trị, sinh kế, người Hoa thành phố Hồ Chí Minh

1. Mở đầu
Sinh thái học chính trị là nghiên cứu các mối quan hệ giữa các yếu tố chính
trị, kinh tế và xã hội với các vấn đề và sự thay đổi của môi trường. Thuật ngữ "sinh
thái chính trị" lần đầu tiên được đặt ra bởi Frank Thone trong một bài báo xuất bản
năm 1935 (Frank Thone, 1935, tr 186-188). Kể từ đó nó đã được sử dụng rộng rãi trong
bối cảnh địa lý nhân văn và sinh thái nhân văn, nhưng không có định nghĩa hệ thống.
Năm 1972, nhà nhân chủng học Eric R. Wolf trong một bài báo có tựa đề Ownership
and political ecology, trong đó ông thảo luận về cách các quy tắc địa phương về
quyền sở hữu và thừa kế làm trung gian giữa những áp lực phát ra từ xã hội lớn hơn và
những đòi hỏi của địa phương hệ sinh thái (Wolf E,1972, tr 205). Các nhà nhân chủng
học tiếp tục phát triển khái niệm của ông là Michael J. Watts, Susanna Hecht trong
những năm 1970 và 1980.
Về mặt lịch sử, sinh thái chính trị tập trung vào các hiện tượng trong và ảnh
hưởng đến thế giới đang phát triển; kể từ khi lĩnh vực này ra đời, nghiên cứu chủ yếu
nhằm tìm hiểu các động lực chính trị xung quanh vật chất và các cuộc đấu tranh gay
gắt về môi trường trong thế giới thứ ba; nghiên cứu trong các ngành nhân học trong
một bối cảnh thế giới mới của thế kỷ 20, 21.
Bối cảnh sinh kế: Sinh thái học chính trị đặt ra việc nghiên cứu các vấn đề xã
hội dưới mối quan tâm sự thay đổi chung về chính sách, đặc biệt là các tác động các
dòng chảy lớn gọi là chủ lưu của thế giới cũng như của quốc gia tác động lên các
nhóm cộng đồng. Xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa cùng với sự ra đời của các công
ty đa quốc gia, sự phát triển của mạng lưới thông tin (internet), quá trình di cư và đan
xen dân cư giữa các dân tộc có nền văn hóa khác nhau là một bối cảnh hoàn toàn khác
so với nghiên cứu dân tộc học trước đây. Bối cảnh đó đã làm thay đổi ít nhiều những
hệ sinh thái mang tính tương đối khép kín (ở khía cạnh ít giao lưu, tiếp xúc với các nền
văn hóa khác) trước đây, thêm vào đó là những tác nhân mới được đưa vào từ các
chính sách can thiệp của nhà nước, của các công ty xuyên quốc gia, tổ chức phi chính
phủ quốc tế, giao lưu văn hóa...tạo nên một hệ sinh thái mới của cộng đồng bản địa.
Sinh thái học chính trị quan tâm tới các quan hệ quyền lực và đặc biệt là những
xung đột hàng ngày, các liên minh và đàm phán, đặc biệt trong vấn đé tiếp cận và quản
lý các nguồn tài nguyên giữa m ột bên là các thể chế can thiệp và một bên là cộng
đồng bản địa (Heann, 2006; Sutton, 2010).
Không cần phải quá nhiều khảo sát chúng ta dễ dàng nhận thấy các tác động
toàn cầu, và quy luật hiện đại hóa đã phá vỡ các mối quan hệ bên trong một cộng
đồng; trong đó cần phải kể đến các tác nhân:
+ Môi trường toàn cầu hóa
+ Sự thay đổi môi trường, tư liệu sản xuất dẫn đễn sự thay đổi sinh kế.
+ Chính sách quốc gia đối với dân tộc.
Từ đó việc nghiên cứu dân tộc học cần đặt ra nhu cầu xem xét các tác nhân trên,
ảnh hưởng của môi trường và sinh kế; mối quan hệ và sinh kế (vốn xã hội) mới có thể
nhìn nhận được cấu trúc, tổ chức cộng đồng các dân tộc thiểu số; dự báo những
chuyển đổi sinh kế hay các mối liên hệ sinh kế xuyên quốc gia.
Các khuynh hướng dân tộc học cổ điển nằm trong lĩnh vực của Sử học miêu tả
quá trình ăn mặc ở đi lại của dân tộc chính vì thế cho đến bối cảnh ngày nay gần như
không phù hợp. Nó phù hợp phần lớn ở thế kỷ 18, 19 trong các cuộc đụng độ lớn của
các nền văn hóa, nhu cầu hiểu biết bộ mặt các dân tộc rất lớn và nhu cầu quản lý của
nhà cầm quyền đối với các dân tộc mà chân dung của họ khác rất nhiều so với dân tộc
đa số.
Ở bối cảnh mới, có lẽ chân dung lướt qua một người Ê đê hay người Hoa,
Khmer ở Việt Nam hiện nay không quá khác người Kinh, do ảnh hưởng của các biến
đổi theo quy luật thì sự nghiên cứu một cộng đồng, đặc biệt là sinh kế cộng đồng cần
tập trung và cấu trúc bên trong, tổ chức xã hội và đặc biệt là vốn xã hội của cộng đồng.
Sinh thái chính trị chỉ ra các biến đổi lớn đang là dòng chủ lưu: Toàn cầu hóa;
Thị trường hóa; Hiện đại hóa.
Sinh thái thay đổi, môi trường tự nhiên thay đổi thì cơ chế xã hội của cộng đồng
sẽ thay đổi. Cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh vốn không phải là cộng
đồng bản địa, có tổ chức xã hội cao nên ảnh hưởng sinh kế do biến đổi sinh thái không
phải là chủ đạo mà sẽ chịu tác động lớn bởi chính sách và kế thừa những vốn xã hội
của cộng đồng trước đó hình thành nên những vốn xã hội mới trong môi trường mới.
2.Trường hợp nghiên cứu người Hoa ở Tp Hồ Chí Minh
Nếu như các dân tộc bản địa ở Việt Nam có một nguồn gốc lịch sử khá thuần
nhất, liên quan đến cơ chế sinh tồn của họ ở tại nơi họ sinh sống, gắn liền với điều
kiện tự nhiên, tư liệu sản xuất tự nhiên thì sự biến đổi của cộng đồng phụ thuộc vào
sinh thái tự nhiên rất nhiều. Còn người Hoa Việt Nam nói chung và người Hoa ở thành
phố Hồ Chí Minh nói riêng là một trường hợp đặc thù dựa trên các hoàn cảnh sau:
+ Lịch sử cư trú, hình thành cộng đồng
+ Chính sách quốc gia
+ Vốn xã hội: các liên kết kinh tế, liên kết đô thị, liên kết tài chính.
2.1 Lịch sử cư trú
Đặc điểm chính của cộng đồng người Hoa hiện nay vốn là là cộng đồng di dân
– có nhiều phức tạp về mặt chính sách pháp lý do lịch sử để lại.
Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lâu đời, từ thế kỷ 16, 17 cộng đồng
chia theo 5 nhóm ngôn ngữ: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ
(Hakka). Cách chia này cơ bản phù hợp với thực tế lịch sử để lại là chế độ Bang hội
của người Hoa. Mỗi Bang có trụ sở là Hội quán. Hiện nay chế độ Bang hội không còn
như trước, nhưng dấu ấn lịch sử và nhu cầu thực tế cộng đồng người Hoa vẫn sinh
hoạt theo nhóm ngôn ngữ. Hội quán vẫn là cơ sở đại diện cho người Hoa, có hội quán
là đại diện cho nhóm người Hoa Quảng Đông (như Tuệ Thành), người Hoa Hẹ (như
Sùng Chính), người Triều Châu (như Nghĩa An)…cũng có hội quán là cơ sở chung
của các nhóm người Hoa như Phước Sơn là đơn vị sinh hoạt chung của các nhóm
người Hoa Quảng Đông, Triều Châu. Phúc Kiến và cả nhóm “Minh Hương” (trường
hợp con lai cha Hoa mẹ Việt, phân biệt với nhóm Minh Hương thời Nguyễn).
Quận 5, 10, 11, 6, 8 hiện nay là một phần của Chợ Lớn xưa, còn giữ toàn bộ
những thiết chế văn hóa của người Hoa để lại trong lịch sử. Đây là một đặc trưng riêng
khiến người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh có một tổ chức xã hội có thể khác người
Hoa ở các vùng khác hiện nay. Đồng thời Thành phố Hồ Chí Minh lại nằm trong vùng
không gian rộng lớn đặc thù của người Hoa ở Nam Bộ. Nam Bộ là nơi tập trung người
Hoa có tỉ lệ cao nhất cả nước tính theo vùng và kéo dài trong quá trình lịch sử.
Người Hoa ở Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có kinh tế
phát triển và tập trung các ngành nghề đặc thù tạo nên cố kết cộng đồng. Sự tập trung
đông đúc và có quá trình cộng cư dài lâu ở Nam Bộ, Chợ Lớn xưa hình thành nên một
cộng đồng đặc thù, dòng chảy di dân vẫn tiếp diễn hiện nay, ngoài cộng đồng người
Hoa ở thành phố thì tiếp tục đặt ra một vấn đề dòng chảy di dân hiện nay tuy không
lớn, nhưng sẽ hòa cùng với dòng chảy trước đây hay sẽ là một dòng hải ngoại của
người Trung Hoa tại Việt Nam.
Trong lịch sử, tuy chưa có những thống kê mang tính chính thức ở quy mô toàn
quốc, song trên sử liệu cho thấy người Hoa Nam Bộ đã có những thời điểm tập trung
đông đúc, chiếm tỉ lệ cao trên cả nước. Về kinh tế, với sự góp sức của người Hoa, từ
thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, trên vùng đất Nam Bộ đã hình thành nhiều thương cảng
lớn như: Sài Gòn - Chợ Lớn, Hà Tiên, Bãi Xàu…và có một nền kinh tế đạt được đỉnh
cao ở một vài giai đoạn. Có thể nói, có mặt từ sớm ở Nam Bộ và tạo dựng được cơ sở
kinh tế đáng nể cùng với hệ thống tín ngưỡng phong tục đặc thù, văn hóa người Hoa
có thể xem như một cơ tầng văn hóa hình thành và ảnh hưởng sâu sắc nên diện mạo
văn hóa Nam Bộ sau này. Những biến động chính trị giai đoạn 1978-1979 ảnh hưởng
mạnh đến cộng đồng này, giảm số lượng người Hoa ở Việt Nam và thay đổi tính khép
kín. Thống kê số liệu người Hoa ở Nam Bộ từ 1976 đến nay giảm rõ rệt: 1976:
949.825, 1979: 877.691, 1989: 850.614; 1999: 809.516; 2009: 770.955; 2019:
656.3961. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh số lượng giảm đột ngột: từ 800.000 năm
19762 còn 382.826 năm 2019 (chiếm 4,26% dân số thành phố vào năm 2019 là tộc
người nhiều thứ hai sau người Kinh ở thành phố3).
Là một dân tộc có nguồn gốc di dân, việc nghiên cứu người Hoa ngoài xem xét
những thể hiện về chân dung một dân tộc, cần luôn phải nhìn được mối quan hệ xuyên
quốc gia và dòng di dân hiện nay. Khi người Hoa định cư ổn định và là một bộ phận
của dân tộc Việt Nam, tạo thành dòng chủ lưu thì những dòng di dân nhỏ lẻ sau này
khuynh hướng vẫn sẽ hòa vào dòng chủ lưu đó chính là sự phù hợp của vấn đề di dân
và quản lý dân tộc.
2.2 Yếu tố chính sách
Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện sống tập trung ở Quận 5, Quận 6,
Quận 11, Quận 10 và rải rác các quận còn lại. Trong đó quận 5, quận 6 là một phần

1
Ban Chi đạo Tổng điều tra dân sổ Trung ương, Dân số Việt Nam 01/Ị0/1979, Hà Nội, 1983, tr. 104;
Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số năm 1989, Hà Nội, 1991, tr. 66;
Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, Hà Nội, 1999. tr. 21;
Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Hà Nội, 2009, tr.134;
Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Hà Nội, 2020, tr.55, 57.
2
Theo báo cáo Sơ lược Tư bản Hoa kiều Sài Gòn – Chợ Lớn (Hội nghị cán bộ Bắc Giang) – TTLTQG III.
3
Tổng cục thống kê (2020), Kết quả toàn bộ điều tra dân số và nhà ở 2019, tr177-179.
của trung tâm Thành phố Chợ Lớn xưa, vốn có lịch sử quản lý đặc thù thời kỳ thuộc
Pháp và trước 1975. Cần điểm lại một vài thay đổi lịch sử để nhìn nhận yếu tố đặc thù
của cộng đồng này; trong đó quan trọng nhất là chính sách về quốc tịch.
Một Nghị định của Pháp ngày 24 tháng 8 năm 1933 về tình trạng quốc tịch
của người Minh Hương như sau: Người Minh Hương được chia thành ba loại đối
tượng của Đế quốc Pháp ở Châu Á (tức là công dân Pháp), người dưới sự bảo hộ của
Pháp (tại thuộc địa Việt Nam), và người nước ngoài (tức là công dân Trung Quốc) 4.
Hoa kiều là những người ngoại quốc đến Việt Nam tìm việc, phải đóng thuế cư trú,
phải gia hạn thẻ cư trú và không có quyền bỏ phiếu. Về sau, với sự can thiệp của triều
đình Mãn Thanh và chính quyền Quốc Dân Đảng, tất cả những người Hoa hay người
Minh Hương còn giữ phong tục tập quán Trung Hoa đều là công dân Trung Hoa hải
ngoại; phủ nhận các chính sách của triều Nguyễn đã thi hành với người Minh Hương
đã từng áp dụng người Minh Hương giống luật dành cho người Việt Nam. Dụ số 10
ngày 7-12-1955 của chính phủ Ngô Đình Diệm qui định một cách thống nhất quốc tịch
người Hoa sinh sống tại Việt Nam (Nam Việt Nam): tất cả những người Minh Hương
hay người có gốc Hoa, bất luận mang quốc tịch nào trước đây, được sinh ra và lớn lên
tại miền Nam đều là người Việt Nam. Dụ số 52 và 53 ban hành năm 1956 buộc tất cả
người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải gia nhập quốc tịch và cấm người ngoại quốc
hoạt động kinh doanh trong 11 nghề (Công báo VNCH 1956).
Chính sách dân tộc năm 1973 của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống
nhất quy định tên gọi người Hoa cho dân tộc Hoa đã sống lâu đời ở Việt Nam, có nền
văn hóa đặc thù. Bảng danh mục này đã được đăng trong tạp chí Dân tộc học, số 1
năm 1974 và "Các dân tộc ít người ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc" (Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978). Nhằm phục vụ Tổng điều tra dân số cả nước vào năm
1979, tháng 12-1978, bảng danh mục 54 dân tộc được Ủy ban Khoa học xã hội Việt
4
Dẫn theo “Ramses Amer, Les politiques françaises envers les Chinois du Viêt Nam: études des migrations et des
réponses du colonisateur, Recherche en sciences humaines sur l'asie du Sud-Est 6/2010”. Cho đến nay chúng tôi
chưa tiếp cận được toàn văn nghị định trên Công báo Đông Dương, hay Công báo Nam Kỳ theo tính chính thống của
nó và vì thế dẫn thứ cấp. Tất nhiên độ tin cậy của một tài liệu thứ cấp cần xem xét; nhưng rõ ràng là có nhiều chứng
cứ về việc người Hoa ở Việt Nam trước 1945 là với thân phận pháp lý là Hoa kiều.
Nam và Hội đồng Dân tộc thống nhất trình Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đã ủy nhiệm
cho Tổng cục Thống kê ban hành "Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam" theo
Quyết định 121-TCTK/PPCĐ ngày 2-3-1979. Theo danh mục này, ở nước ta có 53
dân tộc thiểu số và 1 dân tộc đa số. Dân tộc Hoa còn có các tên gọi khác: Hán, Triều
Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Hạ, Xạ Phạng (thực chất chính là cộng đồng
theo nhóm).
Chỉ thị 62 - CT/TW ngày 8/11/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác
định: “Người Hoa bao gồm những người có gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít
người ở Trung Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam và con cháu của họ sinh ra và
lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng
văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân tộc Hán và tự nhận
mình là Người Hoa”.
Cho đến nay, người Hoa đã trở thành một dân tộc cùng phát triển với các dân tộc
Việt Nam, có nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa lẫn vấn đề quản lý hội quán trong
cộng đồng. Vai trò quản lý hành chính của chính quyền ngày nâng cao và vai trò của
Bang hội giảm xuống chính là một yếu tố quyết định việc người Hoa gia nhập vào
cộng đồng dân tộc lớn trong một chính sách chung và những quy luật chung. Chính
sách dân tộc hiện nay tuy có nhiều điểm phát huy được sức mạnh dân tộc, song chưa
thấy tính đặc thù của cộng đồng, chưa phát huy tiềm năng di sản người Hoa như một
vốn xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước hiện nay; chưa có nhiều chính sách
trong vấn đề di dân định cư người Hoa từ Trung Quốc sang hiện nay và mối quan hệ
với người Hoa sở tại.
2.3 Vốn xã hội của người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, quan trọng nhất chính là
nghiên cứu vốn xã hội. Người Hoa đô thị kinh doanh, mạng lưới tài chính, các mối
quan hệ kinh tế của họ thay đổi thì tính chất tổ chức sẽ thay đổi. Người Hoa thành phố
Hồ Chí Minh tập trung phần lớn ở quận 5, 10, 11, 6, 1, 8 – trong đó quận 5 tính tập
trung trung tâm cao hơn cả.
*Mô hình liên kết kinh tế và cộng đồng nhóm của người Hoa trên địa bàn Thành
phố Hồ Chí Minh: Cộng đồng người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh có tính cố kết
ngành nghề chặt chẽ và bố trí nơi ở cũng rất đặc thù. Họ có những khu phố, những khu
dân cư, những gia tộc và những gia đình chuyên về một ngành nghề, trong đó kinh
doanh buôn bán vẫn là nghề nghiệp chủ đạo của họ. Các cộng đồng nhóm ngoài việc
sinh hoạt tín ngưỡng chung còn sinh sống quần tụ tại một vài địa điểm đặc trưng.
Người Quảng Đông tập trung trong các đơn vị địa lý gọi là hạng, người Triều Châu
sống ở các lí, còn người Hẹ tập trung trong các ngõ gọi là các phường. Tổ chức sinh
sống đặc thù như vậy khiến họ cố kết cộng đồng rất cao. Những hội đoàn của người
Hoa là một tổ chức nghề nghiệp, trong đó không chỉ có liên kết nghề nghiệp mà còn là
liên kết ngôn ngữ, nhóm. Hoạt động nghề nghiệp của họ lớn mạnh mang tính chuyên
nghiệp cao. Các đoàn nghệ thuật vừa là ngành nghề, vừa là hội theo mô hình câu lạc
bộ tồn tại ở quận dày đặc. Các đoàn nghệ thuật này vẫn hoạt động ngành nghề đủ sức
về kinh tế và nhân sự là nguồn nhân lực chất lượng cao của cộng đồng người Hoa tạo
nên vốn xã hội đặc biệt. Ngoài ra hệ thống các trường Hoa ngữ trên địa bàn thành phố
cũng góp phần tạo nên sự đặc thù về ngôn ngữ, các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, võ
thuật người Hoa hoạt động rất phát triển, kết tinh nên những nghệ nhân lớn.
Kinh tế phát triển, yếu tố ngành nghề đặc thù và nhân lực dồi dào là thế mạnh của
các hội đoàn người Hoa. Vì thế người Hoa không chỉ gắn kết cộng đồng về mặt dân
tộc, ngôn ngữ mà còn là cố kết chặt chẽ theo thân tộc, ngành nghề, địa bàn cư trú.
Chính đây là nguồn lực để có thể phát huy những giá trị văn hóa của người Hoa và là
điều kiện đảm bảo cho cộng đồng người Hoa có một đời sống kinh tế rất phát triển qua
rất nhiều biến thiên của lịch sử
*Hội quán người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh - liên kết tín ngưỡng, đồng
hương
Do lịch sử phát triển của Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay còn gần
như toàn bộ các cơ sở thiết chế văn hóa tín ngưỡng của người Hoa, trong đó các hội
quán đóng vai trò quan trọng trong liên kết tín ngưỡng và thực hành di sản.
Gia Định thành thông chí, (Trịnh Hoài Đức) Quyển 4, Phong tục chí, mục 7a
Trấn Phiên An chép thiên “Phố chợ Sài Gòn”: “Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố
có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng
hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội
quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu.”
Đây là các hội quán chính của cộng đồng người Hoa, tập trung chính ở quận 5,
quận 10, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, có tính đại diện trên toàn thành
phố, thậm chí một vài hội quán như Tuệ Thành, Hải Nam, Nghĩa An còn có tính đại
diện cho người Hoa ở khu vực Nam Bộ.
Cộng đồng 5 nhóm theo ngôn ngữ của người Hoa sinh hoạt theo hội quán. Có
những hội quán vốn là công sở của Bang thời trước, đại diện cho một nhóm ngôn ngữ
và cũng là cơ sở tín ngưỡng của nhóm. Sau này, theo sự mở rộng của các nhóm người
Hoa, các hội quán cũng có chuyển biến, nhất là ở tín ngưỡng thì không còn khu biệt
trong nhóm cộng đồng nhỏ nữa. Nên ở thời điểm hiện tại, có nhiều hội quán còn yếu
tố đặc thù của nhóm, cũng có nhiều hội quán sinh hoạt cộng đồng lớn - thường đó là
hội quán mà yếu tố tín ngưỡng đặc thù và các sinh hoạt tín ngưỡng đậm nét.
Điểm qua những hội quán đại diện sẽ thấy được sự tập trung của người Hoa tại
đây.
+Người Hoa Quảng Đông sinh hoạt chính ở hội quán Tuệ Thành (Miếu Thiên
Hậu 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5) và Hội quán Quảng Triệu (122 Võ
Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1); đây là hai ngôi miếu thờ Thiên Hậu
Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa - Quảng Đông, gốc ở huyện Tuệ Thành (Trung
Quốc).
+Người Hoa Triều Châu sinh hoạt chính ở Hội quán Nghĩa An, tức chùa Ông
(678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5). Không rõ hội quán được xây dựng năm
nào, có lẽ muộn nhất là đầu thế kỷ XIX, vì khoảng năm 1818, khi viết về chợ Sài Gòn
xưa trong sách "Gia Định thành thống chí", Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến hội quán
Triều Châu. Theo bia trùng tu, hội quán đã trải qua 5 lần trùng tu lớn: 1866, 1902,
1969, 1994 và đại trùng tu 2014.
Hội quán được gọi là chùa Ông vì đối tượng thờ tự chính là Quan Thánh Đế
Quân. Ngoài ra phối thờ: Văn Xương Tinh Quân, Phước Đức Chính Thần… ngựa
Xích Thố, Mã Đầu tướng quân...
+Cộng đồng người Hoa nhóm Phúc Kiến sinh hoạt chính ở các hội quán: Tam
Sơn, Ôn Lăng, Hà Chương, Nhị Phủ.
Lời mở đầu Điều lệ Hội quán Nhị Phủ có ghi “Nhóm ngôn ngữ Phước Kiến đã
xây dựng Nhị Phủ miếu làm Hội quán để tập hợp hầu hết những người Hoa có quê
quán tại Phước Kiến về đây. Trước hết là để dâng hương cúng lễ các vị thần phù hộ
mình trong cuộc sống hằng ngày, sau là thăm hỏi giao tế và tương thân tương trợ, làm
từ thiện và các công tác xã hội” (Ban quan trị hội quán Nhị Phủ, 2007, tr. 23). Đó cũng
chính là tinh thần gắn kết xã hội ở cả tâm linh và cuộc sống cộng đồng mà Hội quán
Nhị Phủ cũng như của người Hoa Phúc Kiến ở Thành phố đã thực hiện từ xưa cho đến
nay. Hội quán nổi trội trong các hoạt động tương trợ kinh tế, các hệ thống nghề nghiệp
đặc thù của người Hoa.
+ Người Hoa Hải Nam sinh hoạt chính ở Hội quán Hải Nam. Tên gọi ban đầu là
Hội quán Quỳnh Phủ, người dân thường gọi là chùa Bà Hải Nam. Địa chỉ hiện tại của
hội quán: 276, đường Trần Hưng Đạo B, phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là cơ sở thờ tự Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị phối thờ: Ý Mỹ Nương Nương,
Thủy Vỹ Nương Nương, 108 vị Chiêu Ứng Anh Liệt…cùng các vị thần linh khác của
người Hoa. Hội quán hiện nay là nơi lưu giữ và phát huy văn hóa người Hoa Hải Nam,
đặc sắc nhất là Quỳnh kịch.
+ Cộng đồng người Hẹ (Hakka) ở thành phố có dân số ít nhất trong nhóm người
Hoa. Họ sinh hoạt ở các hội quán Sùng Chính ( 2 đơn vị: một là hội quán có lịch sử từ
thế kỷ 19 ở 678 Nguyễn Trãi, Quận 5 và một là đơn vị đang hoạt động như hội tương
tế ở 17 Trương Đình Hội, Phường 16, Quận 8). Hội quán Sùng Chính sinh hoạt theo
trục dọc; tức là toàn bộ người Hẹ trên Việt Nam đều lấy tên là Sùng Chính để đặt tên
hội quán, thể hiện tính thống nhất về mã văn hóa rất cao. Hội quán Sùng Chính Quận 5
hiện nay không rõ nét là một cơ sở thờ tự, thờ các vị thần của người Hoa nói chung
không có đối tượng thờ tự chính, song lại là cơ sở đại diện có tính lịch sử của người
Hẹ ở vùng Nam Bộ xưa, đóng góp lớn nhất chính là Y viện Sùng Chính (bệnh viện
Chấn thương chỉnh hình trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Có thể
thấy, các hội quán nằm tập trung trên địa bàn quận 5, 10, 1, 11, 8 hình thành nên một
không gian văn hóa tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng 5 nhóm ngôn ngữ. Hoạt động
quản trị của hội quán chặt chẽ, ban quan trị đại diện cho người Hoa có vai trò lớn
trong việc giữ gìn di sản văn hóa người Hoa..
Sự tập trung vẫn chủ yếu ở quận 5 – là trung tâm của Chợ Lớn xưa. Các hội quán
nằm gần nhau, tập trung trên hai phường 11 (6 hội quán) và phường 14 quận 5, bố trí
chủ yếu trên các tuyến đường: Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục…Trong không gian
khu vực nhỏ như vậy có thể tập trung san sát các hội quán, dịp lễ hội tạo thành không
khí nhộn nhịp, náo nhiệt, quy tụ các sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng của người Hoa cũng
tập trung ở một khu vực, thuận lợi cho việc phát triển cộng đồng lẫn phát triển du lịch.
Hội quán có lịch sử lâu đời, là những di tích lịch sử về kiến trúc nghệ thuật. Cho
đến ngày nay các hội quán vẫn tổ chức ban quản trị, mô hình hoạt động tự quản rất
chặt chẽ và có nội lực. Hội quán là nơi lưu giữ di sản và vai trò của ban quản trị hội
quán có tính chất đặc biệt to lớn trong việc giữ gìn và phát triển cộng đồng cho đến
ngày nay.
*Liên kết kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao: Đây chính là phần lớn của
sinh kế người Hoa. Người Hoa có lịch sử mạng lưới liên kết kinh tế thế giới, và tại TP
HCM vốn xã hội của họ chính là những nền tảng nhân lực đó. Các hoạt động từ đường
– các liên kết tương tế hội hay hoạt động đồng hương đều có tính liên kết kinh tế. Bên
cạnh đó, cộng đồng người Hoa ở Quận 5, quận 10, quận 6 và quận 11 có tính cố kết
ngành nghề chặt chẽ và bố trí nơi ở cũng rất đặc thù. Họ có những khu phố, những khu
dân cư, những gia tộc và những gia đình chuyên về một ngành nghề, như: nghề làm
đầu lân, nghề khắc triện, nghề múa lân sư rồng, nghề làm đèn lồng, nghề làm Đông y,
nghề đầu bếp và kinh doanh đầu mối nguyên liệu ẩm thực… và tất nhiên kinh doanh
buôn bán vẫn là nghề nghiệp chủ đạo của họ. Các cộng đồng nhóm ngoài việc sinh
hoạt tín ngưỡng chung còn sinh sống quần tụ tại một vài địa điểm đặc trưng. Người
Quảng Đông tập trung trong các đơn vị địa lý gọi là hạng, người Triều Châu sống ở
các lí, còn người Hẹ tập trung trong các ngõ gọi là các phường. Tổ chức sinh sống đặc
thù như vậy khiến họ cố kết cộng đồng rất cao. Những hội đoàn của người Hoa là một
tổ chức nghề nghiệp, trong đó không chỉ có liên kết nghề nghiệp mà còn là liên kết
ngôn ngữ, nhóm. Như hội đoàn Sư Trúc Hiên không chỉ là hội đoàn về ngành nghệ
thuật đại la, mà còn liên kết cộng đồng người Triều Châu. Hoạt động nghề nghiệp của
họ lớn mạnh mang tính chuyên nghiệp cao. Múa lân sư rồng là một nghề theo cả đời,
có thể đảm bảo kinh tế cho một gia đình, hoặc làm việc trong hội quán có lương như
một chức danh nhân viên văn phòng, đảm bảo kinh tế. Ngoài ra, có thể kể một vài
ngành nghề tập hợp thành phố riêng, nổi tiếng của Quận 5: nghề đông y ở đường Hải
Thượng Lãn Ông, nghề làm triện quanh hội quán Nhị Phủ và Ôn Lăng, nghề làm và
buôn bán đèn lồng ở đường Lương Nhữ Học… Các đoàn nghệ thuật vừa là ngành
nghề, vừa là hội theo mô hình câu lạc bộ tồn tại ở quận dày đặc: Đoàn Đại La Cổ Hội
phụ mẫu Sư Trúc Hiên, CLB Ca nhạc cổ tiếng Quảng Đông, Đội văn nghệ hội quán
Hải Nam, Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông, Nhạc xã Hải Thanh, Nhạc xã Diễm
Lan Hương, Nhạc xã Nghệ Thanh, Nhạc xã Hữu Nghị, Nhạc xã Nam Phương, CLB
Văn nghệ tiếng Hoa. Các đoàn nghệ thuật này vẫn hoạt động ngành nghề đủ sức về
kinh tế và nhân sự để trở thành lực lượng quan trọng của nguồn nhân lực. Các đoàn
Lân Sư Rồng phát triển mạnh mẽ, tụ hội ở quận 5: Nhơn Nghĩa Đường, Tinh Anh
Đường, Hải Nam Liên Hữu, Hải Nam Hào Quang Đường, Tâm Hoa Đường, Hải Nam
Minh Hào Đường, Hào Dũng Đường, Hùng Dũng Đường, Tinh Nghĩa Đường, Huy
Nghĩa Đường, Đoàn Rồng Kim Long Phúc Kiến… 5 Ngoài ra hệ thống các trường Hoa
ngữ trên địa bàn quận 5, 10, 11, 6... cũng góp phần tạo nên sự đặc thù về ngôn ngữ,
các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, võ thuật người Hoa hoạt động rất phát triển, kết
tinh nên những nghệ nhân lớn.
5
Danh sách các hội đoàn - ngành nghề do Trung tâm văn hóa Quận 5 cung cấp, 2019
Do ảnh hưởng của tính hiện đại và toàn cầu, liên kết ngành nghề hiện nay không
chỉ trong cộng đồng người Hoa theo nhóm như trước đây, yếu tố khép kín về dân tộc
cũng mất đi; các hình thức gia truyền dần thay thế bởi liên kết ngành nghề khi mà cư
trú đã không còn là thuần nhất người Hoa; phá vỡ tính nhóm trong các ngành nghề.
Tiêu biểu có thể thấy các đoàn Lân sư rồng dần tập trung ở quận 11 chứ không còn ở
trung tâm quận 5 và liên kết các nhóm người Hoa trong nhân sự của mình chứ không
còn là những đoàn hoạt động chỉ thuộc một nhóm Hoa như trước 1975.
Kinh tế phát triển, yếu tố ngành nghề đặc thù và nhân lực dồi dào là thế mạnh của
các hội đoàn người Hoa. Vì thế người Hoa không chỉ gắn kết cộng đồng về mặt dân
tộc, ngôn ngữ mà còn là cố kết chặt chẽ theo thân tộc, ngành nghề, địa bàn cư trú.
Chính đây vốn xã hội của sinh kế cộng đồng người Hoa. Yêu tố chủng tộc, đồng
hương, tín ngưỡng thống nhất, tổ chức xã hội cao chính là những yếu tố duy trì sinh
kế. Việc phá vỡ một khâu trong vốn xã hội này chính là mô hình làm đổ vỡ sinh kế có
thể nhìn thấy ở các khối dân tộc thiểu số khác hay trong đại dịch Covid vừa mới qua ở
thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Vốn xã hội không được duy trì, việc đứt đoạn những
khâu cung cấp khiến tổ chức đình trệ. Thuận lợi của cộng đồng người Hoa chính là
việc tạo nên những tổ chức có liên kết chặt chẽ qua tín ngưỡng, đồng hương, hình
thành những mối quan hệ nội tại trở thành sức mạnh phát triển kinh tế của cộng đồng.
Cách thức tổ chức đó hiện nay vẫn còn, song ít nhiều bị phá vỡ và cũng nằm trong xu
thế toàn cầu hóa, giảm dần tính khép kín của cộng đồng.
3. Kết luận
Các khuynh hướng nghiên cứu quản lý dân tộc học cần phải có sự phù hợp với
đối tượng. Các nghiên cứu sử giai đoạn trước cho đến nay cơ bản khó phù hợp với
quản lý dân tộc. Nghiên cứu dân tộc Hoa trước đây do có bộ phận Hoa kiều – vấn đề
nhập cư di cư rất lớn khiến cộng đồng đông, mạnh song khép kín và không thể hiện
tinh thần dân tộc chung Việt Nam. Nghiên cứu hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến
lịch sử, tổ chức xã hội người Hoa với trình độ phát triển cao cần được duy trì như một
vốn xã hội để tiếp tục phát triển được di sản của người Hoa trong quá khứ. Nhận thức
và đánh giá đúng cộng đồng người Hoa có lịch sử lâu đời ở Việt Nam hiện nay sẽ tạo
nên dòng chủ lưu của dân tộc Hoa ở Việt Nam, dễ ảnh hưởng đến các di cư sau này
hòa nhập vào đấy. Xu thế toàn cầu hóa, các vấn đề quốc tế; dòng chủ lưu của mỗi dân
tộc mới chính là yếu tố quyết định đến sự biến đổi của dân tộc đó.
Nghiên cứu và xây dựng chính sách sinh kế dân tộc cần đánh giá trên cơ sở
chính sách, các xung đột đã tạo lập nên một hệ sinh thái như thế nào trong câu chuyện
của dân tộc; xác định các nguồn tư liệu sản xuất và vốn xã hội của cộng đồng dân tộc
mới có thể xây dựng một chính sách sinh kế phù hợp. Bên cạnh đó, việc đánh giá mối
quan hệ xã hội thể hiện tổ chức cộng đồng, từ đó cũng sẽ dự báo được các mối quan hệ
Cùng với quy luật toàn cầu hóa, các liên kết tổ chức xã hội dần sẽ phải thay đổi,
đó chính là bối cảnh mới để nghiên cứu các dân tộc trên cơ sở sinh kế, sinh thái chính
trị; đánh giá lại các liên kết sinh thái mới đánh giá được mối quan hệ bền vững và dự
báo sự phát triển của cộng đồng dân tộc, mà ở bài viết này, cộng đồng người Hoa
thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ.
Người Hoa ở Việt Nam phần lớn không còn nhiều nơi tập trung thành cộng
đồng lớn; riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh sự tập trung thành cộng đồng và lưu giữ
nhiều di sản có giá trị là một điều kiện để phát triển, biến di sản – trong đó vốn xã hội
của người Hoa thành một sức mạnh để phát triển dân tộc trở thành tài sản chung của
dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo


1. Haenn, Nora & Wilk, Richard (Editors), (2006), The environment in
Anthropologỵ - A Reader in Ecology, Culture, and Sustainable Living, New
York University.
2. Ramses Amer, (6/2010) Les politiques françaises envers les Chinois du Viêt
Nam: études des migrations et des réponses du colonisateur, Recherche en
sciences humaines sur l'asie du Sud-Est.
3. Sutton, Park Q & Anderson, E.N, 2nd ed, (2010) Introduction to cultural
ecoỉogy, Alta Mira Press.
4. Thone F, (1935), Nature rambling: we fight for grass. The Science
Newsletter, (27/717), tr 186-188.
5. Wolf E, (1972), Ownership and political ecology, Anthropological
Quarterly 45(3), tr 205.
6. Đoàn Thị Cảnh, 2021, Tổ chức cư trú của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay, Tạp chí nghiên cứu văn hóa Việt Nam số 4.2021, Viện nghiên
cứu Văn hóa, tr 43-52.
7. Tsai Maw Kuey, (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Thư viện quốc
gia, Paris.
8. Dụ số 52, Công báo Việt Nam Cộng Hòa 1956, tr 2259-2260.
9. Dụ số 53, Công báo Việt Nam Cộng Hòa 1956, tr 2284.
11. Ban quản trị Hội quán Nhị Phủ, Kỷ yếu Hội quán Nhị Phủ, 2007, Hà Nội :
Nhà xuất bản Thông tấn, tr 23
12. Ban Chi đạo Tổng điều tra dân số Trung ương, 1983, Dân số Việt Nam
01/Ị0/1979, Hà Nội, tr. 104.
13. Sơ lược Tư bản Hoa kiều Sài Gòn – Chợ Lớn (Hồ sơ Hội nghị cán bộ Bắc
Giang 1976) – TTLTQG III.
14. Tổng cục Thống kê, 1991, Tổng điều tra dân số năm 1989, Hà Nội, tr. 66.
15. Tổng cục Thống kê, 1999, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm
1999, Hà Nội, tr. 21.
16. Tổng cục Thống kê, 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm
2009, Hà Nội, tr.134.
17. Tổng cục Thống kê, 2020, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm
2019, Hà Nội, tr.55, 57, 177-179.

You might also like