Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

3.

Cấu tứ và hình ảnh thơ ca


a. Tứ thơ và cấu tứ thơ ca
- Tứ thơ là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển một bài thơ, là trung
tâm của quá trình sáng tạo thơ ca. Nó nâng đỡ và tạo nên một dòng chảy tư tưởng xuyên suốt cho
tác phẩm. Nguyễn Xuân Nam khẳng định: “Tứ trong toàn bài là hình tượng xuyên suốt cả bài thơ
thể hiện tư tưởng nghệ thuật của bài thơ”. Còn Trần Đình Sử thì cho rằng: “Tứ thơ là sự kết hợp
của hình ảnh sống động với ý nghĩa thơ sao cho hình ảnh càng triển khai ra thì càng khơi sâu thêm
nhiều ý nghĩa của bài thơ”. Chủ đề trữ tình có thể giống nhau nhưng sẽ có nhiều bài thơ hay khác
nhau đó chính là bởi tứ của mỗi bài thơ. Chẳng hạn, cùng thể hiện một chủ đề là ngợi ca sức mạnh
của tình yêu, tình yêu sẽ khiến cho khuyết điểm của con người trở nên hoàn hão, thế nhưng ca dao
có rất nhiều tứ thơ khác nhau:
“Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho...”
hay:
“Yêu thì củ ấu cũng tròn
Không yêu thì quả bồ hòn cũng vuông”
hoặc:
Yêu nhau nghèo khó chẳng chê
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
Tứ thơ chính là ý tưởng bao quát toàn bài biểu hiện trong sự liên kết những cảm xúc, suy
nghĩ và hình ảnh, biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ. Nó không phải là
một ý tưởng hoàn toàn trừu tượng mà đã có sắc thái cụ thể của đời sống qua một hình ảnh, một tâm
trạng, một suy nghĩ được chọn lọc làm điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc. Nói cách khác, tứ
thơ là ý tưởng của bài thơ trong vóc dáng cụ thể của nó. Như vậy nếu xét về cấu tạo của một tứ thơ,
ta sẽ thấy nó có cả phần “linh hồn” và phần “thể xác”. “Linh hồn” của tứ thơ là ý tưởng, là tâm sự,
là những nỗi niềm được tích tụ trong quá trình sống mà nhà thơ có nhu cầu muốn giãi bày chia sẻ
và “thân xác” của tứ thơ là những sự kiện, những hình ảnh của cuộc đời mà nhà thơ từng chứng
kiến (hoặc do cuộc sống gợi ý mà tưởng tượng ra). Tứ thơ chỉ đạo trực tiếp hướng vận động và
phát triển của cảm xúc, suy nghĩ và xây dựng hình ảnh. Tứ thơ đưa bài thơ thoát khỏi sơ đồ ý khô
khan, trừu tượng để hiện diện như một cơ thể sống. Nhờ có tứ thơ, tổ chức của bài thơ trở nên chặt
chẽ, mọi yếu tố cấu tạo đều liên hệ mật thiết với nhau và đều hướng về một ý tưởng – hình ảnh
trung tâm. Khi nắm được tứ của một bài thơ ta sẽ hiểu được hướng phát triển của bài thơ. Chẳng
hạn với bài thơ Tràng giang của Huy Cận, khi nắm được tứ thơ của bài thơ là tứ thơ sóng đôi giữa
một dòng sông dài của thiên nhiên trong không gian hữu hình và một dòng sông của tâm tưởng
trong không gian vô hình thì người đọc sẽ dễ dàng hiểu được mạch cảm xúc của bài thơ. Tứ thơ vô
cùng phong phú, đa dạng do sáng tạo là thuộc tính của thơ. Yêu cầu lý tưởng là mỗi bài thơ phải có
một tứ thơ độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên trong thực tiễn sáng tạo thơ ca ta thường gặp một số
dạng tứ thơ như: tứ thơ qui nạp, tứ thơ diễn dịch, tứ thơ đối lập, tứ thơ song song, tứ thơ tương
đồng...
- Nếu tứ thơ là ý tưởng toàn bài trong vóc dáng cụ thể của nó thì cấu tứ gắn liền với việc xác
định, hình dung hướng phát triển của hình tượng thơ, cách triển khai bài thơ, sao cho toàn bộ nhận
thức, cảm xúc, cảm giác của nhà thơ về một vấn đề, đối tượng, sự việc nào đó có thể được bộc lộ
chân thực, tự nhiên, sinh động và trọn vẹn nhất. Cấu tứ thơ sẽ song hành cùng với tứ thơ trong
khâu khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Trong truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, hình tượng
của các thể loại này vận động trong khuôn khổ của những sự kiện, tình huống được xác lập thành
cốt truyện và phân định thành những thành phần, những nấc thang phát triển rõ rệt, nhưng với thơ
ca thì mọi cái đều không xác định rõ ràng. Và để trả lời cho những câu hỏi như: Hệ thống cảm xúc
và suy nghĩ trong thơ sẽ vận động theo hướng nào? Bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu? Hình
tượng thơ đi qua những chặng nào? nhà thơ cần phải xây dựng được một cấu tứ trong bài thơ,
còn bạn đọc sẽ cần phải xác định và hình dung ra được cấu tứ của bài thơ đó. Xét trong quá trình
sáng tác, cấu tứ là hoạt động tư duy để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật. Nhà lí luận văn học
Trung Quốc, Lưu Hiệp đã nói: “Cái kì diệu của cấu tứ là làm cho tinh thần nhà văn gặp gỡ với
sự vật khách quan”, còn xét như một thành quả sáng tạo, cấu tứ là sự cắt nghĩa, lí giải và khái quát
hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và
miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm. Một trong những nét đặc sắc trong thơ Nguyễn Bính là nghệ
thuật xây dựng cấu tứ. Cấu tứ thực - ảo hay còn gọi là cấu tứ không xác định là một mô-tip quen
thuộc, linh hoạt và độc đáo trong thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ thường đặt những sự vật, hiện tượng
có thực như giậu mùng tơi, dây lưng đũi, cây cau, giàn giầu... bên cạnh những vật thể, yếu tố, khái
niệm không xác định để từ đó tạo hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn: hội chèo làng Đặng trong
"Mưa xuân" được miêu tả khá tỉ mỉ qua sự hồi hộp thấp thỏm đón chờ của cô gái - như là sự việc
vừa xảy ra rất thật thì bỗng tác giả viết:
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày
Như vậy sự việc ấy lại như lọt vào thăm thẳm không cùng của vô số những sự việc đã diễn ra! Hay
ở trong bài Xuôi đò, kênh cảm hứng này cũng xuất hiện. Cái thật là sự việc:
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
lại được đặt bên cái ảo:
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...
Cũng có khi yếu tố xác định lại được đặt bên yếu tố không xác định. Hình ảnh cô gái mơ:
Cô hái mơ ơi! cô gái ơi
Chả trả lời nhau lấy một lời
được đặt bên không xác định:
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi
hoặc hình ảnh của những yếm lụa sồi, dây lưng đũi của em:
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Lại được đặt bên cạnh hình ảnh hương đồng gió nội
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Chính cách lập tứ như vậy tạo ra những khả năng liên tưởng phong phú, thi vị, tạo ra sức lấp lánh,
đa dạng của hình tượng thơ.
- Một bài thơ thường có một cách cấu tứ và một cái tứ riêng. Tuy nhiên, vì mối liên hệ nhân
quả tất yếu giữa cấu tứ và tứ mà trong nhiều trường hợp, người ta đã đồng nhất hai khái niệm này.
Khi đó, tìm hiểu cấu tứ bài thơ cũng đồng nghĩa với việc tìm hiểu tứ thơ của bài thơ.
b. Hình ảnh thơ ca
- Khái niệm: Hình ảnh trong thơ là những tưởng tượng hình ảnh mà người viết thơ sử dụng
để diễn tả, truyền đạt ý nghĩa, cảm xúc và thông điệp của mình. Những hình ảnh này có thể là
những mô tả về con người, cảnh vật, tình cảm, sự kiện hay bất cứ thứ gì mà tác giả muốn
truyền đạt qua bài thơ của mình. “Hình ảnh thơ là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta
sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy” (Nguyễn Đình Thi)
- Vai trò của hình ảnh: Hình ảnh có vai trò qua trọng trong đời sống của con người. Đó chính
là sự sống phản ánh vào trong con mắt ta, là một nguồn thông tin quý báu, cần thiết cho cuộc
sống. Hình ảnh còn là một công cụ diễn đạt nhạy bén, trực tiếp, nó nói lên được những điều mà
ngôn ngữ khái niệm không thể làm được. Và đối với văn học nói chung và thơ ca nói riêng, hình
ảnh có vai trò quan trọng trong chức năng diễn đạt và biểu đạt.
+ Gợi mở trí tưởng tượng: Hình ảnh trong thơ khơi dậy và mở rộng trí tưởng tượng của
người đọc. Nhờ vào hình ảnh, người đọc có thể hình dung và hiểu sâu hơn về cảm xúc, tình huống,
nhân vật hoặc một trạng thái được mô tả trong bài thơ.
+ Tạo sự sống động: Hình ảnh sử dụng ngôn ngữ màu sắc, âm thanh, hình ảnh một cách tinh
tế để tạo ra hình ảnh vivi và sống động, giúp người đọc cảm nhận được sự thực tế và chân thật của
nội dung thơ.
+ Truyền tải cảm xúc: Hình ảnh trong thơ có thể tác động đến trạng thái tâm trạng của người
đọc, gợi lên những cảm xúc sâu sắc và tạo ra sự kết nối tinh thần giữa tác giả và người đọc.
+ Tăng tính thẩm mỹ: Hình ảnh đẹp, tinh tế và sáng tạo trong thơ tạo ra sự tương tác hài hòa
giữa ngôn từ và trực quan, làm tăng tính thẩm mỹ cho bài thơ.
- Đặc điểm của hình ảnh trong thơ ca.
+ Hình ảnh trong thơ ca là hình ảnh ảo. Hình ảnh thơ là hình ảnh ảo của sự vật mà ngôn ngữ
thơ gợi lên trong óc tưởng tượng của chúng ta qua những khái niệm và qua những biểu tượng. Có
lẽ chính bởi vì nó không cụ thể, cho nên hình ảnh ảo mới có thể hài hoà được với cái ngôn ngữ
khái niệm, rất trừu tượng, nhưng lại có khả năng diễn đạt nội tâm của văn thơ:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...
(Thâm Tâm)
Những câu thơ trên là những câu thơ giàu hình ảnh, nhưng chỉ là những hình ảnh trừu tượng, hình
ảnh của khái niệm. Tuy nhiên, chúng vẫn cho phép người đọc tưởng tượng được, dù không phải là
cùng những hình ảnh cụ thể mà nhà thi sĩ đã chính mắt nhìn thấy, nhưng cũng là những hình ảnh
đủ để nói lên một khung cảnh sông nước, một cái đẹp của hoàng hôn, và một tâm sự lãng mạn.
+ Hình ảnh trong thơ ca còn là hình ảnh mở. Trong thơ ca ngoài cái đẹp tự thân của ngôn
ngữ (câu chữ, nhạc điệu, nhịp điệu, ...), ngoài cái đẹp của nội dung ( tư tưởng chủ đề, những rung
động tâm hồn, những cung bậc cảm xúc, ...) mà tác phẩm chuyên chở ra, còn có cái đẹp của
những hình ảnh mà tác giả tạo nên trong óc tưởng tượng của người đọc thông qua ngôn ngữ. Ta
gọi loại hình ảnh này là hình ảnh “mở”, vì nó cho phép người đọc được tưởng tượng, không như
cái đẹp được thể hiện một cách quá cụ thể, cố định, bằng vật liệu, chất liệu, màu sắc, v.v. của một
bức hoạ, một bức tượng, một công trình kiến trúc. Cái khả năng tạo ra những hình ảnh mở của
ngôn ngữ thơ ca, chính là một trong những yếu tố có sức quyến rũ không thể nào thay thế được của
thơ.
+ Hình ảnh thơ ca là hình ảnh tượng trưng. Hình ảnh trong thơ ca có sức hấp dẫn độc đáo,
gợi nên ý niệm về cái đẹp. Cái đẹp được gợi lên qua những hình ảnh trong thơ ca chỉ là một cái
đẹp ảo, tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, song nó có đủ những nét tượng hình để gợi lên
cho người đọc một ý niệm về cái đẹp của đối tượng được mô tả. Bên cạnh đó, hình ảnh trong thơ
ca còn phát huy trí tưởng tượng của con người. Vì thế hình ảnh thơ ca là hình ảnh tượng trưng.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chẳng hạn, nhà thơ cũng chỉ mô tả được hai nàng Kiều bằng
những nét ẩn dụ, rất tượng trưng như :
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đăn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh
(Nguyễn Du)
Hay khi đọc những vần thơ trong bài thơ “Thời gian” của Văn Cao
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi những tiếng sỏi trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hátcòn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.
Ta thấy hình ảnh “Thời gian qua kẽ tay” gợi liên tưởng đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô
hình, cái hữu hạn và vô hạn, hình ảnh “Khô những chiếc lá”, “Rơi những kỷ niệm” gợi lên liên
tưởng về sự lụi tàn, mờ nhạt của sự vật theo thời gian như lá rơi vào mùa thu, kỷ niệm quá lâu dần
bị con người lãng quên. Còn những hình ảnh “câu thơ còn xanh”, “bài hát còn xanh” gợi liên tưởng
về sự trường tồn của những giá trị nghệ thuật theo thời gian. Khép lại bài thơ là một hình ảnh đẹp
“đôi mắt em như hai giếng nước” tượng trưng cho người con gái mà tác giả yêu thương, nó cũng
luôn tồn tại cùng với thời gian đó là sự đẹp đẽ và tình yêu của con người. Qua những hình ảnh đó,
nhà thơ đã giúp người đọc hiểu ra một triết lý nhân sinh sâu sắc: thời gian có thể làm lụi tàn, phai
mờ đi một số sự vật, kỷ niệm nhưng đứng trước cái đẹp, tình yêu của con người thì nó luôn trường
tồn theo thời gian và năm tháng.
- Thơ sử dụng ngôn từ tinh tế và hình ảnh ấn tượng để diễn đạt ý nghĩa. Hình ảnh trong thơ
được tạo hóa bằng cách sử dụng các từ ngữ mô tả chi tiết, tạo ra hình ảnh sống động trong tâm trí
người đọc. Những hình ảnh này tác động trực tiếp đến giác quan, gợi lên các cảm xúc mạnh mẽ
trong tâm hồn bạn đọc.

You might also like