PPNC Final

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 11

Nhóm 11 – Lớp CQA – Khóa QH19-21:

1. Nguyễn Thị Bảo Hoa – 2157060043


2. Dương Thu Hương – 2157060049
3. Vũ Ngọc Thiên Thanh – 2157060095
4. Hồ Thị Thu Thủy – 2157060105
5. Nguyễn Ngọc Phương Thúy – 2157060107
Giảng viên giảng dạy môn Phương pháp nghiên cứu khoa học trong Quan hệ Quốc tế:
TS. Hoàng Cẩm Thanh
27/4/2023

ĐỀ CƯƠNG PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Cách Trung Quốc sử dụng truyền thông tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008

để gia tăng quyền lực mềm

I. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

1. Chủ đề, câu hỏi, và giả thuyết nghiên cứu

Chủ đề nghiên cứu: Cách Trung Quốc sử dụng truyền thông tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008

để gia tăng quyền lực mềm.

Câu hỏi nghiên cứu: Trung Quốc đã sử dụng truyền thông tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008

như thế nào để gia tăng quyền lực mềm?

Giả thuyết nghiên cứu: Trung Quốc đã chính trị hóa truyền thông để gia tăng quyền lực

mềm quốc gia thông qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Đối tượng nghiên cứu: Hiệu quả truyền thông mà Trung Quốc đạt được trong quá trình gia

tăng quyền lực mềm.

1
Phạm vi nghiên cứu: Lĩnh vực truyền thông Trung Quốc trong quá trình đăng cai tổ chức

Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề và giá trị của bài nghiên cứu

a) Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Theo bài báo khoa học The Image of the Beijing Olympic Games as Constructed in

Chinese Media, truyền thông đại chúng chính là công cụ do Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng

để tiến hành các hoạt động chính trị trong kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 (Wardęga 2014). Thứ

nhất, truyền thông đã đem đến một hình ảnh về kỳ Thế vận hội “đậm chất Trung Quốc”. Thứ hai,

truyền thông giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh, giành lại vị trí xứng đáng trên trường quốc

tế, chấm dứt “thế kỷ ô nhục” (Wardęga 2014, 58). Thứ ba, tính chính trị của kỳ Thế vận hội cũng

được thể hiện thông qua các bài báo về sự góp mặt của các vị lãnh đạo thế giới ở kỳ Thế vận hội,

minh chứng cho tính hiệu quả về chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Wardęga 2014, 65).

Thứ tư, truyền thông giúp nâng cao tinh thần yêu nước và ý thức về bản sắc chung - “Một Trung

Quốc” của nhân dân Trung Quốc trong và ngoài nước (Wardęga 2014, 66). Mặc dù đã phân tích

và làm rõ nhiều mặt của việc Trung Quốc sử dụng truyền thông ở kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008,

bài viết lại chưa cho thấy được tầm ảnh hưởng cũng sự tác động mạnh mẽ của chính phủ Trung

Quốc lên lĩnh vực truyền thông trong thời gian này.

Bài nghiên cứu The Beijing Olympics as a Campaign of Mass Distraction công nhận Thế

vận hội Bắc Kinh 2008 chắc chắn là một dấu ấn rõ ràng về sự trỗi dậy quyền lực và uy tín của

Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các diễn đàn học thuật (Brady

2009, 24). Đặc biệt, Brady đã xem xét chiến lược truyền thông về Olympic được Đảng Cộng sản

Trung Quốc triển khai trong hai chiều kích: trong và ngoài nước. Đối với trong nước, mục tiêu

2
cuối cùng của công tác tuyên truyền là giáo dục tư tưởng quần chúng (Brady 2009, 13-16). Đối

với quốc tế, chính phủ muốn thực hiện mục tiêu “Re-branding China”, đó là hình ảnh một Trung

Quốc cởi mở, hội nhập, văn minh; nhất là khi quốc tế đã có ấn tượng xấu về Đảng và Nhà nước

Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn 1989 (Brady 2009, 8-11). Có thể thấy, đây là một bài viết

với quan điểm rất sắc bén, chỉ ra những “tinh vi” trong cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố

tình sử dụng truyền thông để điều hướng dư luận. Dẫu vậy, bài nghiên cứu này tập trung chủ yếu

vào truyền thông bên trong nội bộ Trung Quốc, còn cách mà Thế vận hội ảnh hưởng đến truyền

thông quốc tế và quyền lực mềm của Trung Quốc lại chưa được đào sâu và phát triển.

Bài nghiên cứu “Brand China” in the Olympic context communications challenges of

China’s soft power initiative cho thấy trong đánh giá sau Thế vận hội, chính phủ Trung Quốc thừa

nhận sự yếu kém trong tiếng nói của mình trên các phương tiện truyền thông quốc tế (đặc biệt là

phương Tây) và phản ứng bằng một kế hoạch đầu tư 6 tỷ đô la Mỹ để tăng cường năng lực truyền

thông nước ngoài như một phần của sáng kiến “quyền lực mềm” (Brownell 2013, 63). Văn phòng

thông tin và Bộ Ngoại giao nước này là cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập các thông điệp về các

vấn đề chính trị nhạy cảm (Brownell 2013, 70-71). Kết quả, các thông cáo được đăng tải về hình

ảnh của Trung Quốc và các vấn đề mà Thế vận hội thực sự đối mặt tại nước ngoài là rất thưa thớt

(Brownell 2013, 79). Bài viết đóng góp một góc nhìn mở hơn về sự tương tác với truyền thông

nước ngoài nhằm củng cố và gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc thông qua Thế vận hội.

Dẫu vậy, những kết quả về sự tương tác này vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được làm rõ hay có liên kết

với các tác nhân được tác giả nêu ra xuyên suốt bài phân tích.

Trong bài báo The 2008 Beijing Olympics opening ceremony: visual insights into China's

soft power, Chwen Chwen Chen, Cinzia Colapinto và Qing Luo cho rằng một chiến dịch truyền

thông lớn cả trong và ngoài nước đã được chính phủ Trung Quốc phát động nhằm quảng bá bản

3
sắc và hình ảnh quốc gia mình đến với thế giới. Đồng thời, đây cũng là một nhánh nhỏ quan trọng

trong chương trình nghị sự về quyền lực mềm của Trung Quốc (Chen, Colapinto & Luo 2009, 195)

thể hiện rõ nét sự nỗ lực nhằm khẳng định bản sắc và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Ở

bài viết này, Chwen Chwen Chen, Cinzia Colapinto và Qing Luo tập trung khai thác sâu về hình

ảnh của buổi lễ khai mạc với sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng đến từ nước chủ nhà Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài viết chỉ tập trung vào phân tích những hình ảnh nổi bật tại buổi lễ khai mạc mà

chưa đề cập đến hiệu quả to lớn đạt được nhờ sức mạnh của truyền thông ở nhiều khía cạnh khác

như nâng cao thương hiệu quốc gia, thu hút khách du lịch,… ảnh hưởng đến mục đích của quá

trình gia tăng quyền lực mềm thông qua Thế vận hội của chính phủ Trung Quốc.

Bài nghiên cứu Media, the Olympics and the Search for the “Real China” đã chỉ ra cách

mà truyền thông xoay vần giúp định hình thương hiệu Trung Quốc trong mắt độc giả quốc tế

(Latham 2009, 27). Báo giới Trung Quốc coi Olympic là cơ hội để ghi lại sự thật: “Hãy để thế giới

nhìn thấy Trung Quốc thực sự” (Latham 2009). Điểm mạnh của bài nghiên cứu này là tác giả đã

nhìn nhận tác động hai chiều khi truyền thông chịu ảnh hưởng bởi tình hình chính trị đầy biến

động và cách mà truyền thông chi phối nhận thức của người xem đến các vấn đề chính trị dựa trên

cơ sở thực tiễn, mà cụ thể ở đây là các sự kiện chính trị, để thấy rõ sự chi phối của ý đồ chính trị

đến cách mà truyền thông vận hành. Tuy vậy, dù có nhiều góc nhìn đa dạng về vấn đề nhưng quan

điểm cụ thể của tác giả trong bài viết vẫn rất mờ nhạt.

Nhìn chung, chiến lược gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc thông qua truyền thông

tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã thu hút sự quan tâm to lớn đến từ nhiều học giả khác nhau trên

thế giới. Những giả thuyết được đưa ra đa số chia sẻ quan điểm rằng đã có sự tính toán rõ ràng

trong cách mà Đảng và Nhà nước Trung Quốc sử dụng truyền thông như một quân bài chính trị

nhằm gia tăng quyền lực mềm thông qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

4
b) Giá trị của bài nghiên cứu

Giá trị khoa học của đề tài cung cấp góc nhìn mới về cách Trung Quốc sử dụng truyền

thông nhằm nâng cao quyền lực mềm trong quá trình Thế vận hội diễn ra bằng việc chính trị hóa

truyền thông không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả quốc tế. Từ đó, cung cấp một khía cạnh

mới kết hợp với các nghiên cứu trước để có góc nhìn đa chiều, tối ưu trong vấn đề truyền thông về

Thế vận hội và quyền lực mềm; trở thành tiền đề mới cho các nghiên cứu sau này nếu muốn tiếp

cận với Thế vận hội Bắc Kinh 2008 ở phương diện truyền thông.

Về giá trị thực tiễn, bài nghiên cứu đem đến một góc nhìn rõ ràng về cách tiếp cận của

truyền thông đối với một sự kiện quốc tế và hiệu quả to lớn mà nó đem lại cho hình ảnh quốc gia.

Từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra chiến lược truyền thông hiệu quả thông qua việc

tối ưu hóa các nguồn lực để đạt đến mục đích chính trị cuối cùng.

II. Phương pháp nghiên cứu

1. Mục đích áp dụng phương pháp nghiên cứu

Nhóm quyết định chọn kết hợp hai phương pháp nghiên cứu là phương pháp nghiên cứu

trường hợp điển hình và phương pháp phân tích diễn ngôn.

Với phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình, nhóm hướng đến mục tiêu mô tả quá

trình Trung Quốc sử dụng truyền thông tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 để gia tăng quyền lực mềm

thông qua các tình huống diễn ra trong thực tế và kiểm chứng lý thuyết “Thiết lập chương trình

nghị sự”. Ngoài ra, nhóm còn kết hợp áp dụng phương pháp phân tích diễn ngôn để tìm hiểu, phân

tích và làm sáng tỏ các tầng ý nghĩa phía sau sự vận động của ngôn ngữ và các phương thức biểu

đạt được chính quyền Trung Quốc khéo léo sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

5
Sự kết hợp này góp phần mang đến những kết quả xác đáng bổ sung cho câu trả lời của

nhóm dành cho giả thuyết nghiên cứu được đặt ra: “Trung Quốc đã chính trị hóa truyền thông để

gia tăng quyền lực mềm quốc gia thông qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008”. Hai phương pháp này

được kết hợp cùng nhau để mang lại câu trả lời toàn diện hơn về cách mà truyền thông được chính

trị hóa trong các tình huống cụ thể để gia tăng quyền lực mềm và cách mà cấu trúc và ý nghĩa của

ngôn ngữ trong các diễn ngôn được phân tích.

2. Thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy lý thuyết “Thiết lập chương trình nghị sự” có

thể giải thích cho câu hỏi nghiên cứu được đặt ra. Vì thế, bài nghiên cứu sẽ đi theo hướng kiểm

chứng lý thuyết để chứng minh cho giả thuyết “Trung Quốc đã chính trị hóa truyền thông để gia

tăng quyền lực mềm quốc gia thông qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008”. Lý thuyết “Thiết lập chương

trình nghị sự” được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1972 bởi các giáo sư đại học Maxwell

McCombs và Donald Shaw. Khi khảo sát các cử tri Bắc Carolina trong cuộc bầu cử tổng thống

Hoa Kỳ năm 1968, họ đã phát hiện ra rằng những vấn đề người dân cho là quan trọng nhất cũng

là những vấn đề mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin là quan trọng nhất. Lý thuyết

này đề xuất rằng các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng đến những gì mọi người nghĩ bằng

cách thiết lập chương trình nghị sự cho các cuộc thảo luận công khai. Nó cho thấy rằng một chủ

đề càng nổi bật trên các phương tiện truyền thông thì càng có nhiều khả năng nó được công chúng

coi là quan trọng.

Trong trường hợp của Trung Quốc, việc đẩy mạnh sử dụng phương tiện truyền thông trong

quá trình tổ chức và quảng bá Thế vận hội có thể được coi là nỗ lực định hình chương trình nghị

sự toàn cầu. Bằng cách giới thiệu sự phát triển kinh tế, di sản văn hóa và những thành tựu quốc tế

của mình, Trung Quốc hy vọng sẽ cải thiện hình ảnh quốc gia và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của

6
mình. Lý thuyết “Thiết lập chương trình nghị sự” trong trường hợp này được xét ở ba yếu tố. Thứ

nhất là về nội dung tin. Ở đây, Trung Quốc chọn lọc những nội dung tin, những tít báo chẳng hạn

như “người Trung Quốc giành huy chương vàng”, “hành động đẹp của các vận động viên”,... đăng

lên các phương tiện truyền thông chính thống, tạo ra sức hút kể cả đối với những người đọc không

có nhiều kiến thức về thể thao. Thứ hai là yếu tố tần suất với việc những bài báo được đăng với

tần suất dày đặc, từ nhật báo tới tuần báo, và trên cả các phương tiện thông tin đại chúng như phát

thanh truyền hình, báo giấy, báo điện tử,… Thứ ba kèm theo đó là yếu tố tốc độ đưa tin sát với thời

gian thực dẫn đến việc nhận thức người dân về Thế vận hội bị chi phối bởi “hiện thực” và “hiện

thực thông qua truyền thông”. Việc các chương trình được tường thuật trực tiếp, các đầu báo được

phát hành với tốc độ nhanh chóng khiến cho người đọc, người nghe nhận được thông tin một cách

tốc hành, sẽ tạo ra tâm lý rằng người nghe đã nhận được trọn vẹn thông tin về Thế vận hội. Điểm

yếu của lý thuyết này là khi người nghe đã có những hiểu biết về nhiều vấn đề xung quanh Thế

vận hội, sẽ khó mà lay chuyển được suy nghĩ của họ về hình ảnh của quốc gia này.

Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình:

Đầu tiên, nhóm sẽ áp dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình để tập trung

khảo sát và phân tích cách mà ngôn ngữ được sử dụng trong các trường hợp cụ thể liên quan đến

Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nhằm tìm hiểu các đặc điểm chung và hệ thống hóa các thông tin thu

thập được. Tiến hành phương pháp này, nhóm sẽ thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xác định các trường hợp cụ thể mà Trung Quốc đã sử dụng truyền thông trong

Thế vận hội Bắc Kinh 2008 để tăng cường quyền lực mềm. Ví dụ: Các chương trình truyền hình

thời sự, quảng cáo, các sự kiện nghệ thuật và văn hóa,…;

7
Bước 2: Khảo sát, phân tích cách mà Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ và các công cụ truyền

thông để tạo ra một hình ảnh tích cực về đất nước, về các nhân vật lịch sử, chính trị của Trung

Quốc trong tâm trí của khán giả; thúc đẩy quyền lực mềm bằng cách tạo ra sự đồng ý, ủng hộ của

người xem đối với các giá trị, văn hóa và các yếu tố khác của Trung Quốc;

Bước 3: Tìm hiểu các đặc điểm chung của việc sử dụng truyền thông trong Thế vận hội

Bắc Kinh 2008 và các ứng dụng của chúng trong việc gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc.

Phương pháp phân tích diễn ngôn:

Phương pháp phân tích diễn ngôn được sử dụng kết hợp để phân tích cấu trúc, tính chất, ý

nghĩa và thông điệp của diễn ngôn trong một ngữ cảnh cụ thể, từ đó có thể tìm ra các thông tin

tiềm ẩn, tư duy và quan điểm của người nói hay người viết. Ở đây, phân tích diễn ngôn được tiến

hành ở cấp độ vi mô, tức là phân tích ngôn ngữ tập trung vào các yếu tố tại mức câu hoặc từ trong

văn bản để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của chúng. Trong phân tích diễn ngôn cấp độ vi mô, các yếu

tố cần được xem xét bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, trật tự từ, tiền đề và biến đổi

âm thanh. Bằng cách phân tích các thông điệp này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách Trung Quốc

sử dụng truyền thông để thúc đẩy quyền lực mềm của họ và tạo ra ảnh hưởng đến quan điểm của

khán giả, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu để cải thiện tình hình. Cụ thể, việc phân tích diễn ngôn

được nhóm thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tập hợp và phân tích các tài liệu văn bản, bao gồm các bài báo, tuyên bố chính

thức của chính phủ, phát sóng truyền hình, đoạn phim,… để xác định các phong cách diễn ngôn

và ngôn từ được sử dụng trong chiến lược truyền thông của Trung Quốc;

8
Bước 2: Phân tích các bản tin chính thống, nguồn tin phản đối hoặc nhận xét của các nhà

báo, ý kiến công chúng thông qua các kênh truyền thông để hiểu cách những thông điệp của Trung

Quốc được hiểu và đánh giá trong các nhóm người khác nhau;

Bước 3: Phân tích các bức ảnh, đoạn phim, video và các sản phẩm truyền thông khác để

xác định điểm nhấn và bố cục được sử dụng trong chiến lược truyền thông của Trung Quốc;

Bước 4: Đánh giá các kết quả phân tích và xác định cách mà những điểm mạnh và điểm

yếu của chiến lược truyền thông của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quyền lực mềm tại Thế vận

hội 2008.

3. Thu thập dữ liệu

Bài viết thu thập dữ liệu chủ yếu từ Internet, tập trung vào xác định, tìm kiếm, phân tích và

sắp xếp một cách khoa học các dữ liệu thứ cấp cần thiết và có liên quan từ nguồn thông tin, tài liệu

sẵn có để đưa vào nghiên cứu. Nhóm tiến hành khảo sát tiêu đề, nội dung tin và hình ảnh minh họa

trong các bài quảng bá Thế vận hội trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong cả ba mốc

giai đoạn của Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là giai đoạn trước, trong và sau sự kiện.

Các video quảng bá được chọn để phân tích là dữ liệu được phát hành trên kênh Youtube

chính thức “Olympics” của Uỷ ban Olympic quốc tế - đơn vị quản lý và tổ chức Thế Vận hội và

kênh Youtube chính thức của chủ nhà Thế vận hội Bắc Kinh 2008 - Trung Quốc - “beijing2008”.

Bên cạnh đó, nội dung phát sóng của Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trên các kênh truyền hình uy tín

hàng đầu của tám quốc gia được mệnh danh là “vùng đất truyền thông” bao gồm Đức, Pháp, Vương

quốc Anh, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Phi cũng được chọn cho mục đích tham

khảo. Các tờ báo được tham khảo bao gồm nhật báo và tuần báo, chủ yếu từ năm thành phố cũng

là năm trung tâm cơ quan báo chí ở Trung Quốc, đó là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành

9
Đô và Vũ Hán, tương ứng, đại diện cho miền Bắc Trung Quốc, miền Đông Trung Quốc, miền Nam

Trung Quốc, miền Tây Trung Quốc và miền Trung Trung Quốc (Cao 2007).

Dựa trên sự phân chia giữa nhà nước và thị trường, báo chí Trung Quốc được chia thành

báo của Đảng và báo thương mại xét theo các yếu tố như cách thức tổ chức, thị phần, sức hút nội

dung, khung tin tức trong phạm vi đưa tin, cũng như tương tác giữa quyền lực nhà nước và sức

mạnh thị trường. Với loại báo thứ nhất là báo của Đảng, có thể tiếp tục được phân thành hai loại.

Loại đầu tiên có cơ quan được điều hành và kiểm soát trực tiếp bởi Bộ Tuyên truyền Trung ương

Đảng Cộng sản Trung Quốc ở các thứ bậc hành chính khác nhau từ chính quyền trung ương, các

tỉnh và khu tự trị cho đến các thành phố. Loại còn lại có cơ quan được điều hành bởi các tổ chức

chính phủ hoặc liên quan đến chính phủ, chẳng hạn như “các tổ chức chính thức, bán chính thức

hoặc phi chính thức, các cơ quan hành chính hoặc các doanh nghiệp lớn của nhà nước” (Zhou,

2007, 8). Loại báo thứ hai là các bài báo thương mại “hiện chiếm đa số các đầu báo ở Trung Quốc

về số lượng phát hành cũng như doanh thu quảng cáo” (Zhou, 2007, 9). Đây là loại báo ít bị chính

quyền trung ương kiểm soát hơn, có quyền tự chủ cao hơn và cũng được ưa chuộng hơn bởi các

cư dân ở khu vực đô thị.

Đối với báo của cơ quan Đảng, nhóm lựa chọn đầu báo của các cơ quan Đảng cấp cao nhất

trong năm thành phố đó là The People’s Daily ở Bắc Kinh, Jiefang Daily ở Thượng Hải, Nanfang

Daily ở Quảng Châu, Sichuan Daily ở Thành Đô và Hubei Daily ở Vũ Hán. Xếp theo cấp bậc hành

chính, The People’s Daily (hay còn gọi là Nhân Dân Nhật Báo) là một tờ báo quốc gia và các hãng

báo còn lại là báo cấp tỉnh. Về khảo sát các tờ báo thương mại, nhóm chọn những tờ báo hàng đầu

được phát hành ở năm thành phố theo thống kê của tổ chức nghiên cứu truyền thông Century

Chinese International Media Consultant Inc. năm 2008, đó là Beijing Evening News ở Bắc Kinh,

Xinmin Evening News ở Thượng Hải, Guangzhou Daily ở Quảng Châu, Chengdu Business News

10
ở Thành Đô và Chutian Metropolis Daily ở Vũ Hán. Ngoài ra, Tuần báo Southern Weekly ở Quảng

Châu, tuần tin tức hàng đầu lưu hành ở Trung Quốc cũng được lựa chọn để phân tích. Lý do nhóm

lựa chọn các tờ báo này bởi đây đều là những hãng báo lớn, phổ biến và uy tín, có tính chính thống,

hầu hết đều được phát hành thành báo in và báo điện tử vì thế có sự đa dạng trong cách tiếp cận,

từ đó có lượng độc giả đông đảo bao gồm độc giả cả trong nước và ngoài nước. Đây cũng là những

đầu báo có hàm lượng thông tin cao với độ chính xác và độ tin cậy cao.

Tài liệu tham khảo:

Brady, Anne-Marie. “The Beijing Olympics as a Campaign of Mass Distraction.” The China
Quarterly, vol. 197, Mar. 2009, pp. 1–24, https://doi.org/10.1017/s0305741009000058.
Accessed 22 Apt. 2023.

Brownell, Susan. ““Brand China” in the Olympic Context.” Javnost - the Public, vol. 20, no. 4,
Jan. 2013, pp. 65–82, https://doi.org/10.1080/13183222.2013.11009128. Accessed 20 Apr.
2023.

Cao, P. “Zhongguo wudai baoye shichang dianping (Overview of five centers of newspapering in
China).” Qingnian Jizhe, 2007, pp. 18, http://qkzz.net/magazine/1002-
2759/2007/18/2227162_2.htm. Accessed 22 Apr. 2023.

Chen, Chwen Chwen, et al. “The 2008 Beijing Olympics Opening Ceremony: Visual Insights into
China’s Soft Power.” Visual Studies, vol. 27, no. 2, June 2012, pp. 188–95,
https://doi.org/10.1080/1472586x.2012.677252. Accessed 20 Apr. 2023.

Latham, Kevin. “Media, the Olympics and the Search for the ‘Real China.’” The China Quarterly,
no. 197, 2009, pp. 25–43. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/27756421. Accessed 24 Apr.
2023.
Wardęga, Joanna. The Image of the Beijing Olympic Games as Constructed in Chinese Media.
ruj.uj.edu.pl/xmlui/bitstream/handle/item/7512/wardega_the_image_of_beijing_olympic_
games_2014.pdf?sequence=1&isAllowed=y. Accessed 25 Apr. 2023.

Zhou, Xiang. “The State and Market Dynamism in the Chinese Press: A Comparative Study of
Framing the Internet in China in the People’s Daily and Beijing Youth Daily.” 57th Annual
Conference of International Communication Association. San Francisco, CA. 2007.
Accessed 25 Apr. 2023.

11

You might also like