Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG THEO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG

CHUYÊN ĐỀ 1

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG


(8 TIẾT)

Nhóm biên soạn: PGS.TS. Trần Xuân Bách (Chủ biên)


TS. Lê Thị Duyên
TS. Hà Văn Hoàng

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2023


NỘI DUNG 3
THỰC THI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Mục tiêu nội dung 3:

- Xác định được các văn bản quy định việc quản lý nhà nước về GDPT
- Phân tích được công tác thanh tra, kiểm tra đối với GDPT
- Phân tích được công tác kiểm định chất lượng GDPT

3.1. Văn bản quy định quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông
Hệ thống các văn bản quy định quản lý nhà nước về GDPT
- Nghị định số: 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ, Quy
định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
- Luật số: 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội, Luật Giáo
dục.
- Thông tư số: 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Ban hành điều lệ trường tiểu học.
- Thông tư số: 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2018 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ
thông có nhiều cấp học.
- Nghị định số: 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ, Quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thông tư số Số: 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 05 năm 2020 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành đã đề cập một cách toàn diện đến các
lĩnh vực quản lý nhà nước ở trường phổ thông, trong đó tập trung vào ba nội dung lớn
đó là:
- Quản lý về chuyên môn: Quy định về Chương trình GDPT,
- Quản lý nhân sự: Quy định về tiêu chuẩn đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó, giáo
viên…
- Quản tài chính: Quy định về nguồn chi ngân sách; cơ sở vật chất, trang thiết

1
bị…
Ngoài các văn bản QLNN về GDPT nói chung, thì các cơ sở GDPT sẽ cần thực
hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của UBND Tỉnh, Thành phố, Sở Giáo dục
và Đào tạo, UBND quận/huyện, Phòng Giáo dục và đào tạo phù hợp với từng giai đoạn,
năm học.
3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông
3.2.1. Khái niệm cơ bản
a. Khái niệm thanh tra đối với GDPT:
Là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định
của cơ quan quản lý nhà nước về GDPT đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật,
nhiệm vụ, quyền hạn, nội quy, quy định về tiêu chuẩn, quy tắc hoạt chuyên môn thuộc
lĩnh vực GDPT của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục và đào tạo ở
cơ sở GDPT trong phạm vi cả nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm
bảo và nâng cao chất lượng GDPT. Thanh tra giáo dục thực hiện nhiệm vụ:
- Thanh tra việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục.
- Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương
pháp giáo dục; quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực
hiện các qui định về điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo
dục;
- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giáo dục
theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
- Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính;
- Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực
giáo dục theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng;
- Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về giáo dục; đề nghị sửa
đổi, bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
b. Khái niệm kiểm tra đối với GDPT:
Là quá trình xem xét thực tế, đánh giá thực trạng so với mục tiêu, kế hoạch giáo
dục của nhà nước và nhà trường phổ thông nhằm phát hiện các mặt tích cực, sai lệch, vi
phạm để đưa ra các quyết định điều chỉnh kịp thời, kiểm tra trong quản lý giáo dục và
2
đào tạo gồm kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và tự kiểm tra
của người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo.
Kiểm tra nội bộ trường học, về thực chất gồm hai hoạt động:
- Hiệu trưởng tiến hành kiểm tra công việc, hoạt động, mối quan hệ của các thành
viên, bộ phận và những điều kiện, phương tiện phục vụ dạy học và giáo dục trong nhà
trường.
- Việc tự kiểm tra của các bộ phận, cá nhân trong trường.
3.2.2. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông
a. Cơ sở pháp lý của công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông
Để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông cần căn cứ
vào các cơ sở pháp lý sau:
- Nghị định số: 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về
tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục;
- Thông tư số: 39/2013/TT- BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.
- Chỉ thị số: 5972/CT-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2016, về việc tăng cường
công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo;
- Quyết định số: 2692/QĐ- BGDĐT ngày 26 tháng 07 năm 2017 Quyết định Ban
hành quy định về công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Luật số: 43/2019/QH14, Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2019 của Quốc
hội;
- Nghị định số:04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ((được sửa đổi, bổ sung tại
Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ);
- Chỉ thị số: 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của Bộ GDĐT về việc tăng cường
công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại
học;
- Công văn số: 623/BGDĐT-TTr ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo về việc Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục;
- Luật số: 11/2022/QH15, Luật Thanh tra, ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Quốc
hội;
3
- Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm
học; quy định khung kế hoạch thời gian năm học đối với GDPT được ban hành hàng
năm;
- Các công văn hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra theo từng năm học đối với
GDPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông
Việc thanh tra, kiểm tra đối với GDPT được thực hiện như sau:
- Về vị trí, chức năng: Thanh tra và kiểm tra đối với GDPT đều là những công cụ
quan trọng của nhóm một chức năng của hoạt động quản lý nhà nước, là hoạt động mang
tính chất phản hồi của chu trình quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý
nhà nước có thể phân tích, đánh giá, theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm
vụ quản lý nhà nưới về GDPT đã đề ra.
- Về mục đích hoạt động: Thông qua hoạt động thanh tra và kiểm tra nhằm giúp
cho chủ thể quản lý nhà nước về GDPT phát huy những nhân tố tích cực; phòng ngừa,
phát hiện, xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của các
chủ thể, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với GDPT và đưa
ra các biện pháp tổ chức thực hiện tiếp theo để đạt kết quả như mong muốn.
- Về đối tượng: Hoạt động của các cơ sở GDPT, các cơ quan, tổ chức, cá nhân
tham gia vào lĩnh vực GDPT theo quy định của pháp luật.
- Về cách thức thực hiện: Khi tiến hành hoạt động thanh tra và kiểm tra chủ thể
đều thực hiện biện pháp nghiệp vụ về thu thập, phân tích, so sánh, kiểm tra, đối chiếu,
xác minh thông tin để đưa ra nhận xét, đánh giá một cách chính xác, khách quan, trung
thực về đối tượng được thanh tra, kiểm tra chỉ ra kết quả làm được, tồn tại, hạn chế,
nguyên nhân và biện pháp khắc phục, xử lý.
Điểm tương đồng giữa thanh tra với kiểm tra hiểu theo nghĩa rộng thì thanh tra
là một loại hình đặc biệt của kiểm tra, ngược lại nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thanh tra lại
bao hàm cả kiểm tra. Các hoạt động, thao tác nghiệp vụ trong một cuộc thanh tra như
việc kiểm tra sổ sách, tài liệu của đối tượng thanh tra; so sánh, đối chiếu, đánh giá, xác
minh… tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra…đó là kiểm tra.
Mặc dù công tác thanh tra và kiểm tra đối với GDPT có rất nhiều điểm tương
đồng, trong quá trình thực hiện cũng có thể được tiến hành đồng thời. Tuy nhiên giữa
hoạt động thanh tra và kiểm tra đối với GDPT cũng có nhiều điểm khác biệt, cụ thể là:
4
*Đối với công tác kiểm tra giáo dục phổ thông:
- Chủ thể: tiến hành kiểm tra rộng rất đa dạng từ các cơ quan nhà nước, tổ chức
chính trị - xã hội đến công tác tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Cơ quan
quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, cấp, người có thểm quyền trong quan hệ quản
lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Mục đích kiểm tra GDPT: (1) Kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình triển khai
thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo; các kết luận của lãnh đạo Bộ và việc thực hiện chức năng, nhiệm
vụ được giao đối với các cơ sở GDPT; (2) Giúp cơ sở GDPT kiểm tra thực hiện đúng
quy định pháp luật; (3) Phòng ngừa vi phạm, kiến nghị biện pháp xử lý khi có dấu hiệu
vi phạm; điều chỉnh hoạt động quản lý cho phù hợp.
- Nội dung kiểm tra GDPT: (1) Kiểm tra việc triển khai thực hiện văn bản quy
phạm pháp luật về giáo dục; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào
tạo; (2) Kiểm tra việc triển khai thực hiện các kết luận, các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ
Giáo dục và Đào tạo; (3) Kiểm tra việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được
giao của đối tượng kiểm tra.
- Phạm vi hoạt động: Hoạt động của kiểm tra thường được tiến hành theo bề rộng,
diễn ra liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong đó có cả hình thức mang
tính quần chúng. Phạm vi rộng bao quát toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý cơ sở
giáo dục.
- Hình thức kiểm tra: Kiểm tra theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt; Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có
dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.
- Tính chất kiểm tra: Kết luận mang tính chất pháp lí nội bộ, kiến nghị, đề nghị
điều chỉnh, chấn chỉnh trong quản lý nhà nước về GDPT.
- Thời gian, thủ tục tiến hành: Hoạt động kiểm tra thường linh hoạt vận dụng quy
trình thanh tra vào thực hiện công tác kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là thời gian Đoàn kiểm
tra làm việc trực tiếp với đối tượng kiểm tra. Tùy theo hình thức kiểm tra để người ra
Quyết định kiểm tra quy định về thời hạn kiểm tra nhưng không quá 5 ngày làm việc.
Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Thời gian và thủ
tục tiến hành linh hoạt không nhất thiết phải theo các bước như thanh
* Đối với công tác thanh tra GDPT
5
- Chủ thể thanh tra GDPT: Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật mới được tiến hành thanh tra. Cơ quan nhà nước có quyền
theo quy định của pháp luật được thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong
lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện;
Thanh tra Bộ, Sở giáo dục và Đào tạo.
- Mục đích thanh tra GDPT: Thanh tra đối với GDPT nhằm phát hiện hạn chế,
bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước
có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành
vi vi phạm pháp luật; giúp cơ sở GDPT, tổ chức, cá nhân liên quan đến GDPT thực hiện
đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về GDPT; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của cơ sở GDPT, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GDPT.
- Nội dung thanh tra GDPT:
(1) Thanh tra hành chính: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo
dục; chính sách, pháp luật khác có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với
cơ sở GDPT; Thẩm quyền, đối tượng thanh tra tài chính đối với GDPT theo phân cấp
quản lý nhà nước về giáo dục là thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh tra huyện.
(2). Thanh tra chuyên ngành: Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục; biên
soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; sản xuất, quản lý, sử dụng thiết bị giáo
dục; Thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục; tổ chức và hoạt động của
cơ sở giáo dục; hoạt động chuyên ngành giáo dục của cơ quan quản lý giáo dục; Thực
hiện quy chế chuyên môn; mở ngành đào tạo; quy chế đào tạo; quy chế thi cử; thực hiện
nội dung, phương pháp giáo dục; in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; Thực hiện
quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ chính sách đối với người
học; Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục; thực
hiện phổ cập giáo dục; Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn
lực tài chính khác; Tổ chức quản lý, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công
nghệ; Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục; Thực hiện các
quy định khác của pháp luật về giáo dục.
- Phạm vi hoạt động: phạm vi hoạt động của thanh tra thường hẹp, chuyên sâu về
nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp, cách thức tiến hành cụ thể, vậy nên cần
cân nhắc chọn lọc một cách kĩ lưỡng, thậm chí phải qua kiểm tra sau đó mới quyết định
6
thanh tra để đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả và tính mục đích của
thanh tra. Phạm vi thanh tra chuyên sâu ở một hoặc một số nội dung với đối tượng cụ
thể trong hoạt động giáo dục và đào tạo.
- Hình thức thanh tra: Thanh tra theo theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch
đã được phê duyệt; Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm
vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra đối với cơ sở GDPT; Thanh tra
đội xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân của cơ sở GDPT có dấu
hiệu vi phạm pháp luật.
- Tính chất thanh tra: Kết luận mang tính pháp lý cao làm cơ sở để xử lý, chấn
chỉnh, uốn nắn, điều chỉnh đối tượng được thanh tra đối với GDPT.
- Thời gian, thủ tục tiến hành: Hoạt động thanh tra được pháp luật quy định
nghiêm ngặt về hình thức, trình tự, thủ tục tiến hành. Thời gian thanh tra được quy định
cụ thể đối với cuộc thanh tra theo thẩm quyền của chủ thể tiến hành. Trình tự, thủ tục
được luật định thành quy trình và bước thực hiện
3.3. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông
Kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông: là hoạt động đánh giá
(bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ cơ sở GDPT, cơ sở giáo
dục thường xuyên đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công
nhận cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên đạt tiêu chuẩn chất lượng
giáo dục của cơ quan quản lý nhà nước1.
Cơ sở pháp lý của công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông như:
- Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy
trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục
thường xuyên.
- Thông tư số: 17/2018/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn
quốc gia đối với trường tiểu học.
- Thông tư số: 18/2018/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục

1
Điều 2, Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở
giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

7
và Đào tạo, Ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn
quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ
thông có nhiều cấp học.
- Luật số: 43/2019/QH14, Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2019 của Quốc
hội;
Mục đích của công tác kiểm định chất lượng GDPT: Nhằm xác định trường phổ
thông đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến
chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo
công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của
trường tiểu học; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công
nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Quy trình và chu trình kiểm định chất lượng GDPT
Về quy trình kiểm định chất lượng GDPT được thực hiện theo 3 bước sau:
Bước 1. Tự đánh giá
Bước 2. Đánh giá ngoài
Bước 3. Công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục
Về chu trình kiểm định chất lượng GDPT
Chu trình kiểm định chất lượng GDPT là 5 năm. Trường phổ thông được công
nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo 4 cấp độ khác nhau. Sau ít nhất 02 năm kể
từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm
định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn.
Tiêu chuẩn đánh giá trường phổ thông
Công tác kiểm định chất lượng đối với GDPT được dựa trên bộ tiêu chuẩn và tiêu
chí là:
- Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường (gồm 10 tiêu chí).
Tiêu chí 1.1: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường
Tiêu chí 1.2: Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các
hội đồng khác
Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác
trong nhà trường
Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng
Tiêu chí 1.5: Khối lớp và tổ chức lớp học
8
Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản
Tiêu chí 1.7: Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên
Tiêu chí 1.8: Quản lý các hoạt động giáo dục
Tiêu chí 1.9: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
Tiêu chí 1.10: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học
- Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh (Gồm 4 tiêu
chí).
Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên
Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên
Tiêu chí 2.4: Đối với học sinh
- Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (gồm 6 tiêu chí).
Tiêu chí 3.1: Khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập
Tiêu chí 3.2: Phòng học, phòng học bộ môn và khối phục vụ học tập
Tiêu chí 3.3: Khối hành chính - quản trị
Tiêu chí 3.4: Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước
Tiêu chí 3.5: Thiết bị
Tiêu chí 3.6: Thư viện
- Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội (gồm 2 tiêu chí)
Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ học sinh
Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các
tổ chức, cá nhân của nhà trường
- Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục (đánh giá trường tiểu học
gồm 5 tiêu chí, đánh giá trường trung học gồm 6 tiêu chí).
Đối với đánh giá trường tiểu học
Tiêu chí 5.1: Kế hoạch giáo dục của nhà trường
Tiêu chí 5.2: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học
Tiêu chí 5.3: Thực hiện các hoạt động giáo dục khác
Tiêu chí 5.4: Công tác phổ cập giáo dục tiểu học
Tiêu chí 5.5: Kết quả giáo dục
Đối với đánh giá trường trung học
Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông
9
Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn,
học sinh có năng khiếu, học sinh gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện
Tiêu chí 5.3: Thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo quy định
Tiêu chí 5.4: Các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp
Tiêu chí 5.5: Hình thành, phát triển các kỹ năng sống cho học sinh
Tiêu chí 5.6: Kết quả giáo dục
Công nhận và cấp chứng chỉ đạt kiểm định chất lượng giáo dục
Các trường phổ thông đạt kiểm định chất lượng giáo dục khi thỏa mãn đủ 2 điều
kiện là: Có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục; có kết quả
đánh giá ngoài đạt từ mức 1 trở lên. Trong đó có 4 mức độ được công nhận đạt kiểm
định chất lượng giáo dục.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn đánh
giá ngoài, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định cấp Chứng nhận trường đạt
kiểm định chất lượng giáo dục theo cấp độ trường phổ thông đạt được. Chứng nhận
trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị 05 năm. Ít nhất 05 tháng trước thời
hạn hết giá trị của Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường phổ
thông phải thực hiện xong quy trình tự đánh giá theo quy định đăng ký đánh giá ngoài
theo quy định để được công nhận lại. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của trường
phổ thông được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào
tạo.
Trường hợp Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục còn thời hạn
mà trường tiểu học không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá thì Chứng nhận trường
đạt kiểm định chất lượng giáo dục bị thu hồi. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ
ngày có kết luận của sở giáo dục và đào tạo về việc trường phổ thông không còn đáp
ứng các tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết
định thu hồi Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Quyết định thu hồi
Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục của trường phổ thông được công
bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.
Để công tác kiểm định chất lượng GDPT đạt được hiệu quả cao, góp phần nâng
cao chất lượng giáo dục thì các trường tiểu học, trung học cần làm tốt các trách nhiệm
là: 1) Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lập kế hoạch xây dựng và phát
triển phấn đấu từng giai đoạn trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn; 2)
10
Tổ chức tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận
trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục khi xét thấy đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá
trường phổ thông theo quy định; 3) Căn cứ kết quả đánh giá ngoài, bổ sung, hoàn thiện
báo cáo tự đánh giá; thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng trong báo cáo tự đánh giá,
các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và chỉ đạo của cơ quan quản lý. Hàng năm
báo cáo kết quả thực hiện cải tiến chất lượng đối với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp
để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát; 4) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên
quan đến các hoạt động của nhà trường, các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công
tác đánh giá ngoài; phản hồi ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài đúng thời hạn; 5)
Duy trì, phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xây dựng trường đạt
chuẩn quốc gia để không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng.
Kiểm định và bảo đảm chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ sở
giáo dục phổ thông thực hiện cam kết chất lượng đối với xã hội và người học. Công tác
kiểm định chất lượng GDPT có ý nghĩa rất quan trọng để các trường phổ thôngxác định
rõ được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác giáo dục và đào tạo, từ đó có giải pháp, kế
hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng.

11
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục.
2. Trần Hồng Thắm (2012), Một số giải pháp đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối
với giáo dục phổ thông, Tạp chí Khoa học ĐHSP Thành phổ Hồ Chí Minh.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11
năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy định về tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo
dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Điều lệ trường tiểu học.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học
phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình trung cấp lý luận chính
trị - hành chính, Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, NXB Lý luận
Chính trị, Hà Nội.

12

You might also like