Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 14

CHƯƠNG 2

GIÁO DỤC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH

2.1. Một số khái niệm


2.1.1. Con người
Theo C. Mác và F.Ăng ghen thì con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là một thực thể
xã hội.
- Trước hết con người là một thực thể tự nhiên, là sản phẩm của sự tiến hóa lâu
dài của thế giới tự nhiên. Con người mang trong mình sức sống của tự nhiên, vận
động và phát triển theo các quy luật tự nhên - sinh học. Vì vậy, muốn phát triển con
người thì trước hết phải tạo điều kiện cho con người thỏa mãn các nhu cầu bản năng.
- Con người còn là một thực thể của xã hội, là sản phẩm của quá trình xã hội hóa,
được thực hiện khi con người gia nhập vào xã hội. Do đó, con người mang trong mình
một tổng thể các thuộc tính xã hội, và mang bản chất xã hội.
Trong luận cương về Phơ Bách, C.Mác đã đưa ra quan điểm rất khoa học về con
người. Ông cho rằng: “Bản chất của con người không phải là cái gì trừu tượng, vốn
có của mỗi cá nhân riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là
tổng hòa các mối quan hệ xã hội”.
Như vậy, theo C.Mác bản chất của người không phải là cái gì trừu tượng, chung
chung, bất biến, không thể thay đổi được mà bản chất của con người bao giờ cũng
được hình thành, được bộc lộ, được thể hiện rõ nét trong chính cuộc sống, trong các
hoạt động thực tiễn đa dạng và phong phú.
Những tồn tại khách quan bao giờ cũng tác động vào con người thông qua các
quan hệ xã hội phức tạp giữa con người với thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy, với
các hình thức hoạt động và giao lưu, hoặc dưới các hình thức của những quan hệ tác
động trực tiếp và gián tiếp của môi trường.
Con người không chỉ là sản phẩm của xã hội mà con người bao giờ cũng tồn tại
với tư cách là chủ thể hoạt động có ý thức. Con người lại tác động trở lại tồn tại khách
quan, làm biến đổi môi trường tự nhiên, môi trường sống, làm thay đổi các mối quan
hệ và các thể chế xã hội, phát triển xã hội. Thông qua quá trình đó mà con người
không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Tóm lại, con người là một bộ phận của tự nhiên, là một thực thể của tự nhiên, là
khâu tiến hóa cao nhất của tự nhiên, là một sinh vật sống có ý thức, có tư duy, ngôn
ngữ. Đồng thời con người còn là một thực thể của xã hội, là sản phẩm của xã hội,
mang bản chất xã hội. Vì vậy mọi thuộc tính, phẩm chất của con người đều được hình
thành thông qua sự tác động của xã hội, thông qua mối quan hệ giữa người với người.
2.1.2. Nhân cách
Nhân cách là một khái niệm phức tạp và có nhiều quan niệm khác nhau, sau đây
là một số khái niệm hay gặp:
“Nhân cách là tổ hợp các thái độ, các thuộc tính riêng trong quan hệ hành động
của từng người với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do loài người sáng tạo, với xã hội
và với cá nhân” (GS. Phạm Minh Hạc trong “Vấn đề con người trong công cuộc đổi
mới”, Hà Nội, 1994)
“Nói đến nhân cách là nói đến đặc trưng của một con người theo khía cạnh sự
gia nhập của người đó vào chỉnh thể xã hội. Khái niệm nhân cách bao hàm toàn thể
các nét, các mặt, các phẩm chất có ý nghĩa xã hội trong một con người. Những thuộc
tính này đều được hình thành trong quá trình tác động qua lại giữa người đó với
những người khác trong xã hội và phản ánh hoàn cảnh sống nhất định của họ. Nhân
cách là mức độ chiếm lĩnh của mỗi cá nhân những sức mạnh bản chất (tự nhiên và xã
hội) của loài người” (GS. Đặng Vũ Hoạt trong “Giáo dục học” - Tập 1, NXBGD,
1987).
“Khi nói đến nhân cách ta hiểu đó là sự thống nhất giữa phẩm chất và năng lực,
giữa đức và tài; đó là một tổ hợp thống nhất giữa bốn nhóm thuộc tính tâm lý cơ bản
của nhân cách: xu hướng; tính cách; khí chất và năng lực” (GS.TS. Nguyễn Quang
Uẩn trong “Giá trị, Định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị”, Hà Nội, 1995).
“Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý cá nhân, thể hiện
bản sắc cá nhân và giá trị xã hội, phù hợp với yêu cầu của xã hội và của thời đại”
(PGS.TS Phạm Viết Vượng trong “Giáo dục học”, NXB ĐHSP, 2012).
Các định nghĩa trên đã đề cập đến những đặc điểm bản chất của nhân cách gồm:
- Một hệ thống các thuộc tính ổn định của con người. Những thuộc tính này rất đa
dạng bao gồm các mặt như năng lực, đạo đức, trí tuệ, thể chất, trình độ thẩm mỹ...,
các thuộc tính này phải phù hợp với yêu cầu của xã hội và của thời đại.
- Mỗi người có nhân cách riêng (có những nét chung và có những nét khác biệt).
- Nhân cách định hình ở một giai đoạn nhất định và được coi là ổn định khi đã trở
thành một chủ thể xã hội.
Tóm lại, nhân cách là toàn bộ những thuộc tính đặc biệt tạo nên giá trị và bản sắc
của cá nhân, được hình thành và phát triển trong hệ thống các quan hệ xã hội, trên cơ
sở tiến hành các hoạt động và giao lưu nhằm chiếm lĩnh những giá trị vật chất và tinh
thần của xã hội.
2.1.3. Sự phát triển nhân cách
Con người khi sinh ra chưa có nhân cách, nó chỉ được hình thành và phát triển
trong quá trình sống của con người. Việc hình thành và phát triển nhân cách diễn ra
bằng cách lĩnh hội, kế thừa các giá trị do các thế hệ trước để lại thông qua học tập, lao
động, giao lưu, vui chơi…
Sự phát triển nhân cách bao gồm các mặt cụ thể sau đây:
- Phát triển về thể chất: biểu hiện ở sự tăng trưởng và thay đổi về chất của cơ thể,
cụ thể như chiều cao, cân nặng, cơ bắp và sự hoàn thiện các giác quan, các chức năng
cơ thể.
- Phát triển về mặt tâm lý, ý thức: biểu hiện ở biến đổi cơ bản về chất trong các
quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, nhu cầu, nếp sống, ý chí…, nhất là sự hình thành
các thuộc tính mới của nhân cách như đạo đức, tình cảm, thẩm mỹ, trí tuệ, năng lực,
xu hướng.
- Sự phát triển về mặt xã hội: Trên cơ sở của việc hình thành các thuộc tính mới
của nhân cách và sự phát triển về mặt ý thức, cá nhân tích cực, tự giác tham gia vào
các mặt khác nhau của đời sống xã hội, trở thành chủ thể trong các mối quan hệ trong
nhà trường, gia đình và xã hội và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách
2.2.1. Vai trò của yếu tố di truyền – bẩm sinh đối với sự hình thành và phát triển
nhân cách
2.2.1.1. Khái niệm di truyền, bẩm sinh
Di truyền là sự tái tạo ở trẻ những thuộc tính sinh học nhất định, giống với cha
mẹ; là sự truyền lại từ cha mẹ đến con những phẩm chất và đặc điểm nhất định đã
được ghi lại trong cấu trúc gen. Những thuộc tính được di truyền bao gồm cấu trúc
giải phẫu - sinh lý của cơ thể, những đặc điểm của cơ thể người, các phẩm chất của hệ
thần kinh.
Bẩm sinh là những thuộc tính sinh học khi sinh ra đã có
2.2.1.2. Vai trò của yếu tố di truyền, bẩm sinh đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách
Thực tiễn cho thấy rằng bố mẹ là người da trắng thì con cũng da trắng, bố mẹ là
người da vàng thì con cũng là người da vàng. Nhưng bố nói được nhiều thứ tiếng, con
lớn nên có nói được nhiều thứ tiếng như bố không?, bố mẹ là người phạm tội, con cái
liệu có giống như bố mẹ không?. Trong một số gia đình, dòng họ thường xuất hiện
những người tài qua các thế hệ, phải chăng là có sự di truyền tài năng? Như vậy, hiện
tượng di truyền là có thật, nhưng cái gì di truyền được và cái gì không, di truyền, ảnh
hưởng như thế nào đến sự phát triển nhân cách. Đây là vấn đề phức tạp vì vậy còn
nhiều tranh luận, nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Nhưng chúng ta sẽ
từng bước phân tích, dựa trên các cơ sở khoa học cũng như thực tiễn về vấn đề này để
có sự thống nhất ở một số điểm cơ bản sau: di truyền có quyết định trước nhân cách
con người không, các yếu tố như bẩm sinh, tư chất, kiểu hình thần kinh có ảnh hưởng
như thế nào đối với sự hình thành và phát triển năng lực, nhân cách.
Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng coi di truyền, bẩm sinh, sinh học
giữ vai trò tiền đề đối với sự phát triển nhân cách, không quyết định trước kiểu nhân
cách. Quan điểm này được thể hiện như sau:
- Di truyền, bẩm sinh, sinh học đảm bảo cho loài người tiếp tục tồn tại (về mặt
sinh học), đồng thời giúp con người thích ứng với những biến đổi của các điều kiện
tồn tại của nó (ví dụ: các phản xạ bản năng giúp đứa trẻ có thể tồn tại được nhờ sự
nuôi dưỡng, cơ thể sống của con người có thể thay đổi để thích nghi với một số thay
đổi có giới hạn của những điều kiện xung quanh).
- Nhân cách chỉ hình thành, phát triền và tồn tại trên một cơ thể người sống, trong
đó sự lành lặn về não bộ và các cơ quan thần kinh, các giác quan có vai trò to lớn đối
với sự phát triển nhân cách. Yếu tố bẩm sinh, sinh học thuận lợi sẽ là tiền đề thuận lợi
cho sự hình thành, phát triển nhân cách. Ngược lại, bất cứ sự thiếm khuyết hoặc tổn
thương nào về mặt sinh học, đặc biệt là thiếm khuyết, tổn thương về cơ quan thần
kinh và các giác quan đều tạo ra những bất lợi cho việc hình thành, phát triển nhân
cách.
- Phản ánh tâm lý là chức năng của một dạng vật chất có tổ chức và tiến hóa cao,
đó là não bộ của con người. Nhờ có khả năng phản ánh này mà các quá trình tâm lý
phức tạp, ý thức, nhân cách con người mới có thể hình thành và phát triển dưới tác
động của hoàn cảnh xung quanh. Ở một số loài vật cũng có não bộ nhưng không có
khả năng phản ánh như não bộ của con người, nên có sống trong xã hội loài người
cũng không thể có ý thức, nhân cách.
- Nhưng di truyền không quyết định trước nhân cách, dù có tư chất người mà
không sống trong xã hội loài người cũng không thể có nhân cách. Các trường hợp trẻ
em ngay từ nhỏ đã bị lạc và được thú rừng nuôi đã minh chứng điều đó; Có cùng một
đặc điểm di truyền nhưng sống trong những điều kiện xã hội khác nhau, hoạt động
khác nhau thì nhân cách cũng khác nhau. Trường hợp quan sát và nghiên cứu trên trẻ
sinh đôi cùng trứng đã kết luận điều này.
- Tư chất là một số đặc điểm sinh học của con người giúp cho họ có thể thành
công trong một hoặc một số hoạt động nhất định. Những tư chất đó có sẵn trong cấu
tạo của não, và trong các cơ quan như cơ quan cảm giác, các cơ quan vận động …
Tư chất chỉ là điều kiện để sau này thực hiện có kết quả, hình thành năng lực ở một
hoặc một số hoạt động nào đó. Song điều này không có nghĩa là tư chất quyết định
sẵn nhân cách (cụ thể là năng lực). Tư chất có trở thành năng lực hay không còn phụ
thuộc vào hoàn cảnh thực tiễn, hoạt động học tập và lao động, rèn luyện, tích lũy kinh
nghiệm của cá nhân đó; người có tư chất có thể tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực
hết sức rộng rãi mà không quy định trước một hoạt động nào. Sự thành công đó còn
do yếu tố hoàn cảnh, sự lựa chọn và rèn luyện của cá nhân…
- Các thuộc tính về loại hình thần kinh không định trước những nét tính cách sau
này của con người, mặc dù chúng có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các
nét tính cách. Có những nét tính cách khác nhau được hình thành trên cùng một kiểu
hình thần kinh, và ngược lại có những nét tính cách giống nhau nhưng có trên nhiều
kiểu hình thần kinh. Kiểu hình thần kinh là cơ sở sinh lý thần kinh của khí chất,
nhưng khí chất mang bản chất xã hội, chịu sự chi phối của các đặc điểm xã hội, biến
đổi do rèn luyện và giáo dục.
- Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người khi sinh ra không bị định trước bởi một
hành vi và giá trị nào về mặt xã hội, ngoài những hành vi bản năng để làm điều kiện
sống. Các phẩm chất và năng lực chỉ có thể có được trong quá trình sống và hoạt động
trong xã hội, giao tiếp với những người xung quanh với những điều kiện độc đáo,
không lặp lại.
- Cơ thể con người có sự biến đổi qua các giai đoạn lứa tuổi, sự biến đổi này khá
phức tạp và nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của giai đoạn đó.
Đó chỉ là ảnh hưởng của sinh lý đối với tâm lý, nó không quyết định trước nhân cách.
Ví dụ, tình cảm khác giới, tình yêu nam nữ chỉ này sinh ở một giai đoạn nhất định, nó
thường gắn với việc dậy thì của cơ thể. Tuy nhiên, tính chất của tình yêu chịu sự chi
phối của hoàn cảnh xã hội, của hoạt động, của giáo dục.
Tóm lại, di truyền, bẩm sinh có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và
phát triển nhân cách, tuy nhiên nó chỉ là yếu tố tiền đề cho sự hình thành và phát triển
nhân cách, không quyết định trước nhân cách hay quy định xu hướng phát triển nhân
cách của các cá nhân, cũng như không giới hạn trình độ phát triển của nhân cách.
2.2.1.3. Phê phán những quan điểm sai lầm về vai trò của yếu tố di truyền, bẩm
sinh
Qua sự phân tích trên đã khẳng định yếu tố di truyền, bẩm sinh chỉ tạo tiền đề
phát triển nói chung, phát triển nhân cách nói riêng của con người. Nhận thức rõ điều
đó, chúng ta cần phê phán các quan điểm sai lầm khi đánh giá về vai trò của yếu tố di
truyền, bẩm sinh:
Quan điểm duy tâm trong “ Thuyết ưu sinh”, thuyết “Định mệnh do di truyền” đã
tuyệt đối hóa vai trò của yếu tố di truyền. Những người theo trường phái này cho
rằng, tư chất của con người được qui định trước hành vi của người đó, qui định trước
phẩm chất và trình độ hoạt động trí tuệ của con người. Theo họ, trẻ em sinh ra có
những yếu tố sinh học thuận lợi hoặc bất lợi sẽ quyết định mặt “thiên tài” hoặc “đần
độn” sau này của trẻ. Phái “Nhi đồng học” (Lan truyền mạnh ở phương Tây vào cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) cho rằng, nhân cách, đạo đức của con người cũng mang
tính di truyền vì thế cha mẹ thuộc tầng lớp nào sẽ quyết định vận mệnh của con cái họ
như vậy. Theo họ, con cái của những nhà bác học, những người giàu có sẽ trở thành
những người thông thái, thành đạt, giàu có, còn con cái của những người lao động
bình thường, những kẻ trộm cắp, rượu chè, cờ bạc... cũng chỉ là những người như cha
mẹ chúng.
Ngược lại với các quan điểm trên, thuyết “Giáo dục là vạn năng” lại phủ nhận
hoàn toàn vai trò của di truyền. Những người theo trường phái này cho rằng, yếu tố di
truyền không có vai trò gì đối với sự phát triển nhân cách.Con người trở thành tốt hay
xấu, thiện hay ác, tài giỏi hay đần độn... hoàn toàn do giáo dục quyết định...
Những quan điểm trên hoặc là đề cao quá mức, hoặc phủ nhận hoàn toàn vai trò
của yếu tố di truyền, bẩm sinh đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, đều là
những quan niệm sai lầm, phản khoa học.
2.2.1.4. Kết luận sư phạm
- Trong quá trình giáo dục cần chú ý đúng mực đến vai trò là tiền đề, là điều kiện
của yếu tố di truyền, bẩm sinh đối với sự phát triển nhân cách.
- Cần tổ chức các hoạt động và giao tiếp, tạo điều kiện để tìm hiểu, sớm phát hiện
những HS có năng khiếu đặc biệt, có tư chất; những mặt hạn chế riêng để có cách tác
động phù hợp.
- Phát huy tính tích cực của cá nhân trong quá trình giáo dục; quan tâm, động
viên, khích lệ học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
2.2.2. Vai trò của yếu tố môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách
2.2.2.1. Môi trường và các loại môi trường
Môi trường là hệ thống những yếu tố, hoàn cảnh bên ngoài, những điều kiện tự
nhiên, xã hội tác động đến cuộc sống và hoạt động của con người.
Phân chia một cách khái quát nhất, có hai loại môi trường là môi trường tự nhiên
và môi trường xã hội:
- Môi trường tự nhiên là điều kiện địa lý, sinh thái.... Nó có ảnh hưởng rất lớn đến
sự phát triển thể chất, đến cuộc sống và hoạt động của con người.
- Môi trường xã hội ở phạm vi rộng đó là chế độ chính trị - xã hội, thể chế kinh
tế, chính sách, nền văn hóa của quốc gia. Ở phạm vi hẹp, đó là một bộ phận của môi
trường lớn, hay còn gọi là hoàn cảnh - cái trực tiếp tác động đến cuộc sống của các cá
nhân. Môi trường nhỏ đó là các mối quan hệ gia đình, nhà trường, nhóm bạn, địa
phương, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị ở nơi sinh sống. Môi
trường nhỏ tác động trực tiếp đến trẻ, môi trường lớn ảnh hưởng đến trẻ thông qua
môi trường nhỏ. Song môi trường nhỏ có tính độc lập tương đối, chịu sự biến đổi dễ
dàng và nhanh chóng hơn.
2.2.2.2. Vai trò của yếu tố môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách
Khi nói ảnh hưởng của môi trường đến sự hình thành và phát triển nhân cách,
trước hết và chủ yếu muốn nhấn mạnh đến môi trường xã hội mà trong đó chính các
hệ thống, các quan hệ chính trị, kinh tế, tư tưởng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thông qua
địa vị giai cấp, địa vị xã hội của cá nhân. Vai trò đó được thể hiện cụ thể như sau:
- Một là, môi trường đưa ra những yêu cầu khách quan đối với nhân cách con
người trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thực chất đó là mô hình, kiểu mẫu
nhân cách con người mà xã hội xem là mục tiêu phấn đấu phải xây dựng cho bằng
được, đồng thời cũng xem đó là nguồn động lực cho sự phát triển liên tục của xã hội.
Mặt khác mỗi thành viên trong xã hội cũng phải coi mẫu nhân cách đó là mục tiêu của
bản thân để học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo mô hình nhân cách đó nhằm đáp ứng
các yêu cầu của xã hội và như vậy các cá nhân đã góp phần tích cực vào sự nghiệp
chung của xã hội.
- Hai là, môi trường tạo ra các phương tiện, điều kiện cho sự hình thành và phát
triển nhân cách theo các yêu cầu khách quan đã được xác định. Đó là những điều
kiện, phương tiện giúp cho con người tham gia vào các hoạt động và giao lưu với
những nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, nhờ đó mà các cá nhân có thể
chiếm lĩnh được các kinh nghiệm xã hội, các giá trị văn hóa của loài người để hình
thành và hoàn thiện nhân cách của bản thân.
- Ba là, môi trường quan tâm đặc biệt, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả
những khả năng hiện có của con người với nhân cách đang phát triển, nhằm không
ngừng thúc đẩy bản thân nó phát triển theo những định hướng mà môi trường đã xác
định. Nói cách khác, mỗi con người với nhân cách đang phát triển được môi trường
kích thích sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển môi trường ngày càng văn minh,
hiện đại. Và cũng chính trong quá trình đó, trong môi trường đó con người có điều
kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhân cách của bản thân.
- Bốn là, môi trường ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách con
người thông qua các mối quan hệ xã hội đa dạng như: quan hệ giai cấp, dân tộc, gia
đình; quan hệ sản xuất; quan hệ tư tưởng... Nhờ có các quan hệ xã hội này mà môi
trường và con người tác động qua lại với nhau, trên cơ sở đó nhân cách con người
được hình thành và phát triển. Vì thế mỗi người đều cần phải tham gia vào các mối
quan hệ cụ thể nhất định nhằm chiếm lĩnh các kinh nghiệm xã hội, các giá trị đạo đức,
nhân văn... để trên cơ sở đó có thể hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của
bản thân phù hợp với những yêu cầu chung của xã hội.
- Năm là, môi trường ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, song
ảnh hưởng đó theo chiều hướng và mức độ khác nhau đối với các loại thành phần xã
hội khác nhau, thậm chí ở các cá nhân khác nhau. Bởi vì trong cùng một môi trường
xã hội nhưng mỗi thành viên lại có vị trí xã hội, điều kiện sống, học tập, lao động...
khác nhau. Vì vậy ảnh hưởng của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách của các thành phần xã hội khác nhau sẽ không hoàn toàn giống nhau. Tương tự
như vậy, ảnh hưởng của các thành viên xã hội khác nhau đối với môi trường cũng
không hoàn toàn giống nhau.
Hơn nữa mỗi thành viên trong xã hội là một cá nhân riêng lẻ. Mỗi cá nhân có lập
trường, quan điểm, thái độ, năng lực, nhu cầu... không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy,
tính chất, mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với sự phát triển của cá nhân còn tùy
thuộc vào thái độ, lập trường, quan điểm của cá nhân đối với cá ảnh hưởng đó. Cá
nhân tiếp thu, chấp nhận hay phản đối, tùy thuộc vào xu hướng và năng lực của cá
nhân tham gia cải tạo môi trường tích cực hay tiêu cực, mạnh hay yếu.
- Sáu là, môi trường không chỉ ảnh hưởng tích cực mà còn ảnh hưởng tiêu cực
đến sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân. Bởi vì trong quan hệ với môi
trường, một mặt cá nhân thu thập và tận dụng được những ảnh hưởng tốt. Song mặt
khác, cá nhân cũng phải chịu những ảnh hưởng xấu do môi trường đem lại. Những
ảnh hưởng tốt, tích cực, những ảnh hưởng xấu, tiêu cực đan xen vào nhau, ảnh hưởng
đến sự phát triển không đồng đều, thậm chí trái ngược nhau của các yếu tố môi
trường.
Trong môi trường xã hội ở nước ta hiện nay các yếu tố tích cực rất nhiều, có tác
dụng định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách
con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
Môi trường kinh tế - xã hội nước ta hiện nay là môi trường kinh tế thị trường, nền
kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước, theo định hướng
XHCN nên các yếu tố tích cực của nó như làm cho con người năng động hơn, linh
hoạt hơn, có chí tiến thủ, có khả năng tự lập cao hơn... Cần phải được sử dụng và tận
dụng một cách đồng bộ để tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách người
Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên kinh tế thị trường cũng có những mặt tiêu cực như: thái độ tôn sùng
đồng tiền, coi thường đạo lý, muốn làm giàu nhanh chóng bất chấp pháp luật, tình
trạng tham nhũng, hối lộ... cũng đã và đang tác động không nhỏ đến sự phát triển
nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu không có sự định hướng
đúng đắn của gia đình, nhà trường và nếu không có ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện
bản thân thì các thành viên trong xã hội rất dễ bị tha hóa, biến chất.
Chúng ta đều biết, chính sách “mở cửa” tạo điều kiện cho chúng ta hội nhập với
cộng đồng thế giới, có thể thu hút được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng thế giới, có
thể thu nhận, chọn lọc các giá trị tốt đẹp của nhân loại... tạo thêm điều kiện thuận lợi
để mỗi cá nhân có thể phát triển nhân cách của mình. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta
đang đứng trước sự thâm nhập dưới mọi hình thức những ảnh hưởng tiêu cực từ bên
ngoài, gây nguy cơ suy thoái cho một bộ phận các thành viên trong xã hội, trước hết
là thế hệ trẻ.
Môi trường tác động đến con người nhưng con người cũng có thể tác động trở lại
và cải tạo môi trường. C. Mác nói: “hoàn cảnh sáng tạo ra con người trong chừng
mực con người sáng tạo ra hoàn cảnh”. Vì vậy, con người bằng tính tích cực của
mình cần phải cải tạo hoàn cảnh theo nhu cầu và lợi ích của mình. Những gì tốt đẹp
thì giữ lại, những gì còn chưa phù hợp thì điều chỉnh cho phù hợp, những gì lạc hậu
thì kiên quyết loại bỏ. Cải tạo cái xấu, tạo dựng cái tốt đẹp hơn cho xã hội chính là tạo
ra môi trường giáo dục tốt cho con người.
2.2.2.3. Phê phán những quan điểm sai lầm về vai trò của yếu tố môi trường
Quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của môi trường đối với sự hình thành và phát
triển nhân cách. Tiêu biểu là thuyết “Định mệnh do hoàn cảnh”, những người theo
trường phái này cho rằng, một đứa trẻ sinh ra dù nó có bị khuyết tật gì nhưng nếu
được sống trong môi trường tốt thì chúng sẽ trở thành người tốt. Hoặc mỗi đứa trẻ,
mỗi con người như một tấm lụa trắng, đứa trẻ đó sẽ trở thành người như thế nào là
hoàn toàn do môi trường tạo nên.
Ngược lại với quan điểm trên, quan điểm thứ hai lại phủ nhận hoàn toàn vai trò
của môi trường, những người theo trường phái này cho rằng, môi trường không có vai
trò, tác dụng gì đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Tiêu biểu
cho quan điểm này là thuyết “Giáo dục là vạn năng”.
Nếu đề cao quá mức hoặc phủ nhận hoàn toàn vai trò của môi trường cũng đều
sai lầm và phản khoa học. Môi trường tuy không có vai trò quyết định đối với sự phát
triển nhân cách nhưng nó lại có vai trò rất quan trọng bởi vì con người không thể trở
thành người theo đúng nghĩa, càng không thể trở thành người có nhân cách nếu không
được sống trong xã hội loài người, không có sự giao lưu với đồng loại, không có quá
trình tham gia vào các hoạt động xã hội.
2.2.2.4. Kết luận sư phạm
- Gia đình, nhà trường và mỗi cá nhân cần phải phát huy và khai thác triệt để
những yếu tố tích cực của môi trường.
- Cần phải phòng ngừa, hạn chế tối đa và loại bỏ hẳn những yếu tố tiêu cực của
môi trường đến sự phát triển nhân cách của học sinh.
- Nhà trường, gia đình và xã hội cần phải phối hợp thống nhất với nhau, tạo ra
môi trường trong sạch và lành mạnh, giúp ích cho sự phát triển nhân cách của các
thành viên trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Nhà trường, gia đình cần phải giúp thế hệ trẻ có những hiểu biết cần thiết về các
tệ nạn xã hội, tác hại của chúng thông qua các hoạt động tập thể, các buổi hoạt động
ngoại khóa, đồng thời giúp các em có bản lĩnh vững vàng để chống lại những cám dỗ
tiêu cực của môi trường xã hội.
2.2.3. Vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
2.2.3.1. Khái niệm giáo dục
Giáo dục được hiểu theo nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Khi nói đến vai trò của
giáo dục đối với sự phát triển nhân cách, người ta muốn nhấn mạnh đến giáo dục nhà
trường. Đó là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, có nội dung,
phương pháp được thực hiện trong hệ thống nhà trường nhằm hình thành và phát triển
nhân cách con người phù hợp với những yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn
lịch sử nhất định.
2.2.3.2. Vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
Trong tất cả các yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của
con người, giáo dục được xem là yếu tố quan trọng nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ và
sâu sắc nhất. Bởi vì:
- Một là, giáo dục là hoạt động có mục đích, có chương trình, kế hoạch, có nội
dung, phương pháp, phương tiện nhằm định hướng cho sự hình thành và phát triển
nhân cách. Giáo dục được diễn ra theo một quá trình được tổ chức nghiêm ngặt với
một mục đích xác định. Mục đích này thường phản ánh các yêu cầu của xã hội trong
những giai đoạn phát triển của nó đối với mô hình nhân cách con người mà xã hội yêu
cầu. Vì vậy, các nhà giáo dục phải xem đó là cái đích cho hoạt động giáo dục của
mình, là kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục của bản thân, đồng thời phải lấy đó làm
chuẩn để đánh giá các hoạt động giáo dục của mình. Còn người được giáo dục cũng
phải xem đó là cái đích để rèn luyện, tự phấn đấu sao cho đạt được với sự nỗ lực cao
nhất của bản thân, phải xem đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình để khỏi
đi chệch hướng và tự điều chỉnh theo đúng hướng đã xác định nếu một lúc nào đó bị
chệch hướng. Phải lấy đó làm chuẩn để tự đánh giá kết quả phát triển nhân cách của
bản thân.
- Hai là, giáo dục được thực hiện trong các cơ quan chức năng chuyên biệt do đội
ngũ giáo viên - những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết
đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi và có khả năng tổ chức hoạt động phụ trách.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong các môi trường sư phạm, nhà giáo
dục luôn là những tấm gương sáng cho người được giáo dục học tập và noi theo bởi
họ là những người hiểu biết, luôn có cách cư xử phù hợp trong mọi hoàn cảnh, mọi
tình huống. Nhà giáo dục luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ người được giáo dục kịp
thời. Nhà giáo dục luôn khêu gợi và tạo điều kiện để người được giáo dục phát huy
cao nhất những tiềm năng sẵn có của mình, giúp cho quá trình phát triển nhân cách
của người được giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.
- Ba là, giáo dục tổ chức, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách theo mô
hình đã được xác định.
Giáo dục không những đưa ra mô hình nhân cách mong muốn phù hợp với yêu
cầu của xã hội nhằm định hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của người
được giáo dục mà còn tổ chức các hoạt động xã hội, sinh hoạt tập thể... Trong đó dưới
sự hướng dẫn, tổ chức và điều khiển của nhà giáo dục, người được giáo dục tự giác,
tích cực tham gia để hình thành và phát triển nhân cách theo những định hướng đã xác
định.
Trong quá trình hoạt động thường diễn ra sự điều chỉnh của nhà giáo dục và sự tự
điều chỉnh của người được giáo dục nhằm giúp cho quá trình phát triển nhân cách của
người được giáo dục không bị chệch hướng. Kết quả của quá trình này sẽ được nhà
giáo dục đánh giá và người được giáo dục tự đánh giá.
- Bốn là, giáo dục còn tác động đến các yếu tố khác như: di truyền, bẩm sinh; môi
trường; hoạt động của cá nhân nhằm tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển nhân
cách
+ Đối với yếu tố di truyền, bẩm sinh: giáo dục có thể tạo ra những điều kiện
thuận lợi để các yếu tố di truyền được bộc lộ và phát triển; phát hiện, những yếu tố di
truyền, có lợi cho một số lĩnh vực hoạt động nào đó (thường gọi là năng khiếu), bồi
dưỡng kịp thời định hướng để phát triển tài năng cho đất nước thông qua hệ thống vào
lớp chọn, trường chuyên, lớp bồi dưỡng năng khiếu, các cuộc thi olympic, thi học sinh
giỏi các cấp... và hệ thống các nhà trường chuyên biệt khác. Giáo dục còn có khả
năng, cải tạo những yếu tố không thuận lợi do di truyền, bẩm sinh đem lại cho con
người. Thông qua các trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm nuôi, dạy trẻ khuyết
tật như: câm, mù, điếc, chậm phát triển trí tuệ... với đội ngũ chuyên viên được đào tạo
chu đáo cộng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, các trung tâm này có thể
giúp các em nắm được những kiến thức phổ thông, cơ bản, các kỹ năng cần thiết để
các em có thể hòa nhập với cuộc sống xung quanh, đặc biệt chương trình giáo dục hòa
nhập cộng đồng hiện nay đã và đang được xã hội nhiệt tình ủng hộ.
+ Đối với yếu tố môi trường: giáo dục có thể phát hiện những yếu tố thuận lợi của
môi trường và sử dụng chúng phục vụ cho việc giáo dục con người. Giáo dục đã biết
kết hợp các môi trường giáo dục như: nhà trường, gia đình và xã hội để tạo ra sức
mạnh tổng hợp, tạo điều kiện để người học sinh được giáo dục ở mọi nơi, mọi chỗ,
mọi lúc. Giáo dục có thể hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng không thuận lợi của
môi trường đối với sự phát triển nhân cách của con người. Đặc biệt giáo dục có thể
cải tạo ở chừng mực nhất định những yếu tố không thuận lợi của môi trường, biến
chúng thành yếu tố thuận lợi đối với sự phát triển nhân cách cũng như ngăn ngừa
những ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội đến sự phát triển nhân cách. Đặc biệt
hiện nay, khi mà trong xã hội còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, nhiều tệ nạn xã
hội như: cờ bạc; rượu chè; ma túy... và sự tràn lan của các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo
lực... một mặt giáo dục giúp cho những người được giáo dục có sức đề kháng để tự
bảo vệ mình, chống lại những ảnh hưởng xấu xa đó. Mặt khác, nhà trường, gia đình
và xã hội cùng phối hợp với nhau thực hiện các cuộc vận động nhằm ngăn chặn, hạn
chế và khắc phục tình trạng vi phạm luật lệ giao thông, mất vệ sinh đường phố... Thực
tế cho thấy, bằng những biện pháp tích cực, nhiều nhà trường đã xây dựng được môi
trường sư phạm lành mạnh có nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Chính môi
trường sư phạm lành mạnh đã hỗ trợ lại giáo dục, góp phần quan trọng vào quá trình
hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ theo định hướng đã xác định.
+ Đối với hoạt động cá nhân: Giáo dục tổ chức nhiều loại hình hoạt động và giao
tiếp bổ ích, lành mạnh nhằm phát huy những phẩm chất và năng lực cá nhân. Đặc biệt
công tác giáo dục luôn xây dựng các mối quan hệ giao tiếp tích cực giữa thầy trò, giữa
bạn bè với nhau đồng thời tổ chức và định hướng cho trẻ tham gia vào các hoạt động
chủ đạo ở từng giai đoạn lứa tuổi để thúc đẩy sự phát triển nhân cách.
Qua đây ta thấy, giáo dục có vai trò rất quan trọng không thể thiếu được đối với
sự hình thành và phát triển nhân cách, giáo dục đóng vai trò chủ đạo nhưng giáo dục
không phải là vạn năng. Bởi vì sự hình thành và phát triển nhân cách là kết quả phối
hợp của nhiều nhân tố tác động. Yếu tố giáo dục chỉ có thể phát huy được tác dụng
khi có sự hỗ trợ, phối hợp với các yếu tố khác. Giáo dục chỉ giữ được vai trò chủ đạo
khi tổ chức khoa học, dựa trên các cơ sở khoa học về con người. Phải biến được giáo
dục là những tác động bên ngoài trở thành tự giáo dục, làm cho cá nhân có ý thức tự
giáo dục, tự hoàn thiện mình.
2.2.3.3. Phê phán những quan điểm sai lầm về vai trò của giáo dục
- Tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, tiêu biểu là thuyết “Giáo dục là vạn năng”.
Những người theo trường phái này quan niệm, tâm hồn trẻ em là những tờ giấy trắng,
chiếc bảng sạch, nhà giáo dục có thể đào tạo mọi hình mẫu nhân cách lý tưởng mà
mình mong muốn.
- Phủ nhận vai trò của giáo dục, tiêu biểu là thuyết “Định mệnh do di truyền” và
“Định mệnh do hoàn cảnh”. Những người theo trường phái này phủ nhận hoàn toàn
vai trò của giáo dục, họ quan niệm sự phát triển của mỗi cá nhân do môi trường, hoàn
cảnh tạo nên hoặc do Trời qui định.
Những quan điểm trên hoặc là đề cao quá mức, hoặc phủ nhận hoàn toàn vai trò
của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, đều là những quan niệm
sai lầm, phản khoa học.
2.2.3.4. Kết luận sư phạm
- Giáo dục là yếu tố có vai trò chủ đạo đối với sự phát triển và hoàn thiện nhân
cách cho mỗi con người.
- Các nhà giáo dục phải đưa học sinh vào tập thể để giáo dục các em, thông qua
các hoạt động phong phú, đa dạng để giáo dục các em.
- Phát huy vai trò tích cực, tự giác của mỗi cá nhân. Đề cao vai trò tự giáo dục, tự
rèn luyện của học sinh.
2.2.4. Vai trò của hoạt động và giao tiếp của cá nhân đối với sự hình thành và
phát triển nhân cách
2.2.4.1. Khái niệm hoạt động và giao tiếp
Hoạt động là quá trình tác động vào thế giới khách quan, làm biến đổi thế giới để
tạo ra những sản phẩm theo nhu cầu của con người. Quá trình này có sự tiêu hao năng
lượng thần kinh và cơ bắp. Hoạt động làm thay đổi khách thể nhưng nó cũng làm thay
đổi chính bản thân chủ thể về mặt thể chất và tinh thần.
Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người, thông qua đó con người trao
đổi với nhau về thông tin, về cảm xúc, tri giác và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
2.2.4.2. Vai trò của hoạt động và giao tiếp của cá nhân đối với sự hình thành và
phát triển nhân cách
Hoạt động và giao tiêp đóng vai trò quyết định trực tiếp nhất đối với sự hình
thành và phát triển nhân cách. Điều này thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Một là, thông qua hoạt động và giao tiếp mà cá nhân có điều kiện để bộc lộ, rèn
luyện, phát triển các tư chất, phẩm chất, năng lực.
- Hai là, thông qua hoạt động và giao tiếp, cá nhân được kiểm nghiệm, trải
nghiệm các giá trị của cuộc sống, được gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội
kinh nghiệm xã hội, nền văn hóa xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc
tiếp tục giữ lại hay loại bỏ những điều mà người ta đã tiếp thu được hay hình thành
những giá trị mới ở bản thân.
- Ba là, hoạt động và giao tiếp là nhu cầu của con người, nhu cầu này được thỏa
mãn mới làm cho tâm lý, ý thức, nhân cách con người phát triển bình thường. Các thí
nghiệm về việc người ta không được giao tiếp, dẫn tới bị trầm cảm đã chứng minh
điều này.
Như vậy, chúng ta có thể rút ra một điều rất quan trọng là, hoạt động và giao tiếp
của cá nhân được coi là yếu tố quyết định trực tiếp sự hình thành phát triển nhân cách.
Tuy nhiên, kết quả hình thành và phát triển nhân cách đạt được trong phạm vi nào, ở
mức độ nào, điều này còn phụ thuộc vào đặc điểm riêng của từng cá nhân, nghĩa là
tuỳ thuộc vào những đặc điểm cấu tạo sinh lý cơ thể, vào những đặc điểm tâm lý, vào
vốn sống cũng như hoàn cảnh sống của cá nhân đó.
2.2.4.3. Phê phán những quan điểm sai lầm về vai trò của hoạt động và giao tiếp
của cá nhân
Hoạt động và giao tiếp của cá nhân được coi là yếu tố quyết định trực tiếp sự hình
thành phát triển nhân cách. Vì vậy, không được tuyệt đối hóa và cũng không được
xem nhẹ vai trò của yếu tố hoạt động, giao tiếp trong sự ảnh hưởng đến sự hình thành
và phát triển nhân cách con người.
2.2.4.4. Kết luận sư phạm
Hoạt động và giao tiếp đóng vai trò trực tiếp nhất đối với sự hình thành và phát
triển nhân cách. Hoạt động và giao tiếp tích cực chính là biểu hiện của việc tự giáo
dục. Vì vậy trong quá trình giáo dục cần chú ý những vấn đề sau:
- Cần xác định mục đích, động cơ các phương thức hoạt động, hướng tới những
mục tiêu giáo dục cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh, lý, đặc điểm lứa tuổi, nhu
cầu, nguyện vọng và hứng thú của người được giáo dục.
- Tổ chức cho người được giáo dục các loại hình hoạt động và giao lưu đa dạng,
phong phú về nội dung, hình thức, theo các chương trình, kế hoạch, chủ đề phù hợp
và có ý nghĩa giáo dục thiết thực.
- Nhà giáo dục cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc tổ chức hoạt động, phát
huy cao độ tính tích cực, tự giác của người được giáo dục trong quá trình tổ chức hoạt
động.
- Quá trình tổ chức hoạt động cần phải được tiến hành với những phương pháp,
phương tiện hợp lý và có hiệu quả.
- Cần hướng dẫn, động viên, khích lệ, kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên uốn
nắn, điều chỉnh cho người được giáo dục trong các mối quan hệ và giao lưu cũng như
trong hoạt động.
Tóm lại, quá trình hình thành và phát triển nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố
khách quan và chủ quan như di truyền, bẩm sinh, môi trường, giáo dục, hoạt động và
giao tiếp của cá nhân. Trong đó, các yếu tố di truyền, bẩm sinh là tiền đề vật chất, môi
trường là điều kiện không thể thiếu, giáo dục giữ vai trò chủ đạo, hoạt động và giao
tiếp của cá nhân là yếu tố quyết định trực tiếp đối với sự phát triển nhân cách. Vì vậy
trong quá trình giáo dục, người giáo viên - nhà giáo dục đóng vai trò chủ đạo, là
người tổ chức, điều khiển hoạt động giáo dục. Còn học sinh - người được giáo dục
với tư cách là chủ thể tự giáo dục cần phải phát huy tối đa những tư chất, những yếu
tố tích cực phát huy nội lực của mình trong quá trình tự giáo dục và rèn luyện để phát
triển và hoàn thiện nhân cách của bản thân.

You might also like