BTL Thi Hành

You might also like

Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 15

MỞ ĐẦU

Trong công tác thi hành án dân sự thì thông báo về thi hành án là một thủ tục
rất quan trọng theo quy định của pháp luật.Thông báo được hiểu là một hình thức
chuyển tải nội dung thông tin nhất định đến đối tượng được thông tin, nhằm làm cho
đối tượng được nhận thông tin biết được thông tin để thực hiện những hành vi nhất
định. Trong hoạt động thi hành án dân sự, việc thông báo những thông tin về thi hành
án đòi hỏi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nội dung, đối tượng
thông báo về thi hành án không phải trong trường hợp nào cũng như nhau và do
người có thẩm quyền thực hiện và theo hình thức nhất định. Thông báo trong Thi
hành án dân sự đã được quy định trong Pháp lệnh THADS năm 2004. Luật Thi hành
án dân sự năm 2008 đã dành 05 điều luật (từ Điều 39 đến Điều 43) quy định về vấn
đề thông báo THADS. Điều này thể hiện sự quan trọng của công việc thông báo. Việc
quy định chặt chẽ về đối tượng, trình tự, thủ tục thông báo đã đảm bảo cho thông tin
đến được với đương sự, người liên quan. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này em xin chọn
đề số 06: “Thông báo trong thi hành án dân sự” làm chủ đề bài tập học kỳ của
mình.
NỘI DUNG
I, Khái quát chung về thông báo trong thi hành án dân sự
1. Khái niệm
Thông báo được hiểu là báo cho mọi người biết tình hình, tin tức bằng lời nói
hoặc văn bản. Thông báo trong Thi hành án dân sự là việc cơ quan Thi hành án dân sự
gửi các “Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên
quan đến việc thi hành án … cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ
thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó (Khoản 1 Điều 39 Luật thi
hành án dân sựnăm 2008.
Việc thông báo thông tin về thi hành án cho các đương sự biết và tham gia vào
việc thi hành án nhằm tạo điều kiện để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
họ. Đây là biện pháp thể hiện sự dân chủ với dân trong hoạt động của cơ quan thi
hành án, để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hoạt động của Chấp hành viên, cán bộ
thi hành án; đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, quyền được biết và tham gia
vào việc thi hành án của các đương sự mà pháp luật đã quy định. Việc thông báo cho
các đương sự biết về thi hành án được thực hiện đúng quy định sẽ hạn chế được
những khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật về thi hành án của đương sự; giảm
thiểu hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án của cơ quan thi hành án và
cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.
2. Cơ sở pháp lý
Quy định thông báo về thi hành án hiện nay chủ yếu tại các văn bản sau đây:
Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004. Nghị định số 164/2004/NĐ-
CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo
thi hành án. Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định
thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự. Mục 3
Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề
về nghiệp vụ thi hành án. Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 5/7/2006 của Bộ Tư
pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự. Thông tư số
07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thông
báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên tại các
Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm
thuộc Bộ Tư pháp. Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 28/4/2008
của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số
03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử
dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
II. Quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam về thông báo trong thi
hành án dân sự
1. Các loại giấy tờ về thi hành án được thông báo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004
chia làm 3 loại, bao gồm: Các quyết định về thi hành án được hiểu là các hành vi thể
hiện bằng hành động của người có thẩm quyền tiến hành hoạt động thi hành án. Các
quyết định về thi hành án được thể hiện bằng văn bản, như: Quyết định thi hành án,
quyết định hoãn thi hành án, quyết định tạm đình chỉ thi hành án, quyết định trả đơn
yêu cầu thi hành án, quyết định khôi phục thời hiệu thi hành án, quyết định cưỡng chế
thi hành án.v.v.
Giấy báo về thi hành án được Bộ Tư pháp ban hành theo mẫu thống nhất để
thông báo cho các đương sự biết những nội dung thông tin nhất định về thi hành án để
họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Giấy báo về thi hành án có nhiều loại, như: Giấy
báo tự nguyện thi hành án, Giấy báo đương sự đến giải quyết việc thi hành án.
Giấy triệu tập về thi hành án do Chấp hành viên ban hành để triệu tập đương
sự, người có liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án hoặc Uỷ
ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án. Căn
cứ để ban hành giấy triệu tập về thi hành án dựa trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của
Chấp hành viên quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm
2004.
Những người có nghĩa vụ thực hiện thông báo gồm có: Chấp hành viên, cán bộ
thi hành án. Thủ trưởng cơ quan nơi người được thông báo công tác. Cán bộ Tư pháp
cấp xã. Người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia
đình với người được thông báo. Báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung
ương. Báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nếu xác định được đương sự đang ở tại địa phương đó. Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết thông báo.
Đối tượng được thông báo về thi hành án gồm có những người sau đây: Người
được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc
thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi
người bị kết án cư trú và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành án.
2. Hình thức và thủ tục thông báo về thi hành án:
Theo quy định tại các điều 40, 41, 42, 43 Luật Thi hành án dân sự 2008, các cơ
quan thi hành án phải thực hiện các hình thức thông báo về thi hành án, cụ thể có 3
hình thức thông báo được thực hiện theo trình tự như sau:
a. Thông báo trực tiếp
Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân quy định tại Điều 40 và thủ tục thông
báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 41 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Hình thức thông báo này được áp dụng nếu trong trường hợp đã xác định được địa chỉ
cụ thể của người được thông báo, nhưng khi thông báo về thi hành án thì họ không có
mặt do đi vắng (đi làm hoặc đi công tác, chữa bệnh.v.v). Khi thực hiện thông báo theo
hình thức này phải lưu ý: Nếu người được thông báo đang công tác ổn định ở một cơ
quan, đơn vị hoặc tổ chức, thì thông báo cần giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người
được thông báo đang công tác. Trường hợp họ không phải là người đang công tác
hoặc làm việc ổn định tại một cơ quan, tổ chức nào và cũng không có người thân
thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình thì cần thông
báo qua cán Bộ Tư pháp cấp xã. Trong trường hợp người được thông báo có người
thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình với họ, thì
giao cho người này nhận thay.
b. Niêm yết công khai
Đây là hình thức mà cơ quan thi hành án phải thực hiện nếu việc thông báo trực
tiếp không thực hiện được. Việc niêm yết được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã
nơi cư trú và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở của người
đó. Về thủ tục, việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng,
năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của
chính quyền địa phương. Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn
định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các
quyền, nghĩa vụ của họ. Việc ấn định thời gian cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể,
nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của
họ theo thông báo.
c. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Đây là hình thức thông báo mà cơ quan thi hành án phải thực hiện trong trường
hợp việc thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai không có kết quả. Hình thức
thông báo công khai cũng có thể được thực hiện cùng với việc thực hiện niêm yết
công khai. Việc thông báo công khai được thực hiện 2 lần thông qua cơ quan báo, đài
truyền hình, đài phát thanh của Trung ương hoặc của cấp tỉnh nơi đương sự cư trú
hoặc có tài sản. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án phải lưu giữ trong hồ sơ
thi hành án văn bản xác nhận đã thông báo của cơ quan đã thực hiện thông báo. Trong
việc thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cần lưu ý là
trường hợp có cơ sở xác định người được thông báo ở tại địa phương thì thông báo
trên các đài, báo địa phương. Nếu có cơ sở xác định người đó không ở tại địa phương
thì cơ quan thi hành án phải thông báo trên đài, báo Trung ương.
3. Thời hạn và nội dung thông báo về thi hành án
a. Thông báo quyết định về thi hành án
Đối với các quyết định thi hành án, pháp luật không quy định cụ thể thời hạn
thông báo, nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm
2004, căn cứ vào quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người phải thi
hành án thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành
án để tự nguyện thi hành, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có
hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn trách việc thi hành án theo quy định tại
khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả thi hành án, thì sau
khi ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án, cơ quan thi hành án cần kịp
thời thông báo quyết định thi hành án.
Đối với các quyết định khác về thi hành án mà pháp luật cũng không quy định
cụ thể về thời hạn phải thực hiện thông báo (gửi), thì cơ quan thi hành án cũng cần
kịp thời thông báo các quyết định đó cho những người được nhận quyết định đó.
Trong trường hợp thông báo về quyết định cưỡng chế thi hành án thì Chấp hành
viên phải thông báo về dự trù chi phí cưỡng chế thi hành án cho người phải thi hành
án biết trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 28
Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, trừ trường hợp cần
ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn trách việc thi hành án
hoặc trường hợp họ không phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án. Nếu người được
thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, thì Chấp hành viên cũng phải
thông báo về dự trù chi phí cưỡng chế thi hành án cho người được thi hành án biết
trước khi tiến hành cưỡng chế.
b. Thông báo về việc kê biên tài sản
Đây là loại công việc thông báo về thi hành án thường hay gặp, phức tạp và dễ
sai sót nhất, do đó Chấp hành viên phải chú trọng trong việc thực hiện đối với từng
trường hợp cụ thể theo cách thức, trình tự, thời gian và những tiêu chí khác của việc
thông báo về kê biên tài sản.
- Trước khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo cho người được thi
hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành
án biết về thời gian, địa điểm kê biên tài sản.
Đối với tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao
dịch bảo đảm thì Chấp hành viên phải thông báo ngay sau khi ra quyết định kê biên
tài sản cho các cơ quan theo quy định biết việc kê biên tài sản.
Đối với quyền sử dụng đất, chậm nhất là bảy ngày làm việc trước ngày kê biên,
Chấp hành viên phải thông báo trực tiếp bằng văn bản về việc kê biên quyền sử dụng
đất cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người nhận thế chấp, người
nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền
sử dụng đất, các thành viên Hội đồng kê biên quyền sử dụng đất, Viện Kiểm sát nhân
dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên.
Đối với tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp không thuộc diện được kê biên
theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì Chấp
hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người
phải thi hành án và yêu cầu họ thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản khi
người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.
- Trong việc thông báo về kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký quy định tại
điểm đ khoản 5 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính
phủ. Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ
thể về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê
biên tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của cục đăng ký quốc gia giao dịch
bảo đảm thuộc bộ tư pháp.
- Trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có
quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện
việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua
giám thị trại giam theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP
ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
c. Thông báo về định giá tài sản
Trước khi định giá tài sản, Chấp hành viên phải thông báo về việc định giá tài
sản cho những người được thông báo. Nội dung thông báo về định giá tài sản phải cụ
thể về thời gian, địa điểm, tài sản định giá.
Đối với việc định giá quyền sử dụng đất thì ít nhất ba ngày làm việc trước khi
định giá, Chấp hành viên phải thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân
cùng cấp biết; thông báo cho người phải thi hành án, người được thi hành án, người
có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất đã kê biên biết về thời gian, địa
điểm Hội đồng định giá làm việc để tham gia ý kiến vào việc định giá.
d. Thông báo về bán tài sản
Tuỳ hình thức bán tài sản (bán đấu giá thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu
giá hoặc bán tài sản do cơ quan thi hành án thực hiện) mà tiến hành thông báo với
thời hạn và nội dung phù hợp.
Trường hợp bán tài sản theo hình thức đấu giá thì phải thực hiện việc thông báo
bán đấu giá tài sản theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định
tại Điều 12 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu
giá tài sản. Theo đó, người bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản
tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá tài sản,
nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi
ngày đối với bất động sản trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp
người có tài sản bán đấu giá có yêu cầu thì thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản
có thể rút ngắn theo thoả thuận của các bên.
Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ mười triệu đồng trở
lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, người bán đấu giá tài sản phải
thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông
tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn
thông báo công khai được thực hiện theo quy định nêu trên.
Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực
hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới mười triệu đồng,
nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán
đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án được thực hiện theo quy định của
pháp luật về thi hành án dân sự.
e. Thông báo về nhận tiền, tài sản
Tiền, tài sản do cơ quan thi hành án đã thu được thì phải thực hiện việc thanh
toán hoặc trả cho những người được nhận. Khi thực hiện việc thông báo về nhận tiền,
tài sản, cơ quan thi hành án phải lưu ý một số trường hợp sau đây:
Trong trường hợp một bản án, quyết định có nhiều khoản phải thi hành hoặc
trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Toà án,
nhưng chỉ có một số người làm đơn yêu cầu thi hành mà tài sản của người phải thi
hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo các bản án, quyết định của Toà án
thì cơ quan thi hành án phải thông báo và ấn định thời hạn không quá một tháng cho
những người được thi hành án khác về quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại
khoản 2 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ và
hướng dẫn tại mục 15.3 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp.
Đối với khoản tiền người phải thi hành án tự nguyện nộp nhưng người được thi
hành án không nhận thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu
được số tiền, tài sản do người phải thi hành án nộp, cơ quan thi hành án thông báo cho
người được thi hành án đến nhận theo hướng dẫn tại mục 10.2 Công văn số 404/TP-
THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp. Hết thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo
mà người được thi hành án không nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi tiền
tiết kiệm, giữ tài sản tại kho của cơ quan thi hành án.
Đối với những khoản tiền khác chưa xác định được địa chỉ của người nhận
hoặc đã có báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận, mà trong thời hạn một tháng kể từ
ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục
đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.
Đồng thời mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi
hành án, số ngày, tháng, năm của bản án hay quyết định thi hành án. Hết thời hạn ba
năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi
hành án làm thủ tục chuyển nộp sung công quỹ số tiền, tài sản đó vào Ngân sách Nhà
nước.
4. Nghĩa vụ, trách nhiệm và vấn đề xử lý vi phạm thông báo về thi hành án
– Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông báo và có trách nhiệm về việc
cố tình không nhận thông báo. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách
nhiệm của người được thông báo trong việc nhận thông báo, theo đó người được
thông báo có trách nhiệm nhận thông báo, việc không nhận thông báo hoặc đã được
thông báo hợp lệ mà không có mặt tại nơi thi hành án thì họ không còn quyền khiếu
nại về việc không được thông báo hoặc không được thực hiện quyền, nghĩa vụ của
mình.
Trong trường hợp người phải thi hành án cố tình không nhận giấy báo, giấy
triệu tập của cơ quan thi hành án thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng
đến 200.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 76/2006/NĐ-
CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực tư pháp.
– Tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người có nghĩa vụ thông báo
về thi hành án có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình
sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện thông
báo về thi hành án mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Mức bồi thường căn cứ vào
thực tế thiệt hại phát sinh.
Đối với người có nghĩa vụ thực hiện thông báo về thi hành án mà gây thiệt hại
không phải là cán bộ, công chức thì thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại thực hiện
theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
5. Chi phí thông báo về thi hành án
a. Đối tượng phải chịu chi phí thông báo về thi hành án
– Đối với các khoản chi thông báo về cưỡng chế thi hành án, thì đây là một
khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, vì thế tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan thi
hành án xác định trên cơ sở đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án là
người phải thi hành án hoặc người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước theo
quy định tại Điều 38 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Điều 28 Nghị định số
173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ và hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3
Thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 26/7/2006 của Bộ Tài chính, Bộ
Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành
án dân sự.
Các khoản chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm d
khoản 1 mục II Thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP nêu trên, gồm có: Chi
thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo
chí); chi cho những người có trách nhiệm tham gia vào buổi thông báo cưỡng chế thi
hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội
và các thành phần khác).
– Đối với các khoản khác chi thông báo về thi hành án được thanh toán từ kinh
phí của cơ quan thi hành án do ngân sách nhà nước cấp hoặc khoản thu hợp pháp
khác (phí thi hành án).
b. Mức chi thông báo về thi hành án
– Trong hoạt động thi hành án, một số khoản chi có tính chất đặc thù, trong đó
có khoản chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình thông báo về thi
hành án. Các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia vào
quá trình thông báo về thi hành án được bồi dưỡng mức chi tối đa 25.000
đồng/người/buổi,nhưng nếu đã được hưởng phụ cấp lưu trú theo quy định thì không
hưởng mức chi bồi dưỡng này.
– Các chi phí khác về thông báo về thi hành án được thanh toán căn cứ theo
hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
III. Những bất cập trong thực tiễn về quy định của của pháp luật thi hành án
dân sự về thông báo
Thứ nhất, về các loại văn bản phải tống đạt, nhìn chung sẽ có rất nhiều loại văn
bản cần phải tống đạt cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Công việc
này sẽ tăng lên khi số đương sự, người liên quan nhiều và mức độ phức tạp của vụ
việc thi hành gia tăng. Với số lượng tống đạt một lượng lớn văn bản làm tốn khá
nhiều ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động THADS. Đồng thời cũng chiếm rất
nhiều công sức của cán bộ, Chấp hành viên làm công tác THADS.
Việc tống đạt các văn bản cần phải thông báo cho đương sự và người liên quan
hiện nay của Chấp hành viên cũng rất bị động. Nguyên nhân là do quá nhiều công
việc nên Chấp hành viên không thể tống đạt được trực tiếp mà phải tống đạt thông
qua bưu điện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Do vậy, đương sự cho rằng đã không nhận
được văn bản thông báo. Vấn đề này sẽ thực sự nghiêm trọng khi vụ việc THA đã
xong hoặc đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng có khiếu nại về nội dung trên và
vấn đề thông báo trở thành yếu tố quyết định đến toàn bộ quá trình THA. Bên cạnh
đó, trách nhiệm của việc tống đạt qua bưu điện, Ủy ban nhân dân cấp xã lại thực sự
rất khó xác định và Luật cũng còn bỏ ngỏ chế tài và cuối cùng trách nhiệm vẫn thuộc
về Chấp hành viên. Mặc dù, số lượng văn bản THADS phải thông báo đã là khổng lồ,
nhưng Khoản 1 Điều 39 Luật THADS năm 2008 quy định loại văn bản thông báo rất
chung chung: “… văn bản khác có liên quan đến việc THA phải thông báo cho đương
sự…”, vậy các văn bản khác là văn bản nào?
Thứ hai, về thời hạn thông báo:
Theo Khoản 2 Điều 39 Luật thi hành án dân sự năm 2008:“Việc thông báo phải
thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần
ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc THA.” Pháp lệnh
THADS năm 2004 không có điều luật nào quy định về thời hạn thông báo THA, thời
hạn này được quy định theo các thủ tục khác nhau và nằm ở các văn bản hướng dẫn
khác nhau như: thời hạn thông báo việc kê biên quyền sử dụng đất là bảy ngày làm
việc trước ngày kê biên,… Vì vậy, trong nhiều trường hợp, không có căn cứ pháp lý
để quy trách nhiệm cho Chấp hành viên khi họ không thông báo thi hành án kịp thời
hoặc quên thông báo. Luật THADS năm 2008 quy định rất rõ ràng về thời hạn phải
thông báo, nhưng vấn đề đặt ra là với thời hạn 03 ngày và với lực lượng Chấp hành
viên như hiện nay liệu có thể thực hiện một công việc đồ sộ.
Thứ ba, về thủ tục thông báo:
Thực tiễn cho thấy, khi đương sự, người liên quan cố tình kéo dài thời gian,
không tự nguyện THA thì họ thường trốn tránh và từ chối ký vào bất kỳ văn bản nào
của cơ quan THADS và những người thân của họ cũng không dễ dàng nhận thay. Khi
đó Chấp hành viên lập biên bản không tống đạt trực tiếp được và tiến hành niêm yết
công khai. Với quy trình như vậy và còn nhiều thủ tục như: mời người làm chứng,
người chứng kiến, xác nhận của chính quyền địa phương,…để tống đạt văn bản thông
báo cho một người Chấp hành viên phải tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, thực tế
hiện nay, nhiều đương sự không chỉ cư trú ở Việt Nam mà còn cư trú tại nhiều quốc
gia khác nhau nên việc tống đạt giấy tờ, văn bản THA phải tuân theo các quy định
liên quan đến thủ tục tố tụng dân sự chứ không có quy định riêng về tống đạt giấy tờ,
văn bản THA đối với đương sự ở nước ngoài. Quy định này đẩy cơ quan THADS vào
vào khó khăn vì liên quan đến chi phí và kéo dài thời gian tổ chức THA.

KẾT LUẬN
Về cơ bản, quy định pháp luật thông báo về thi hành án hiện nay đã bảo đảm cơ
sở pháp lý cho việc thực hiện thông báo về thi hành án, mặc dù vẫn còn những hạn
chế, vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực
tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật thông báo về thi hành án.Việc hiểu và thực hiện
đúng các quy định pháp luật hiện hành, cũng như nhận diện các vướng mắc, khó
khăn, hạn chế, tồn tại và đưa ra các giải pháp phù hợp với thông báo về thi hành án là
hoàn toàn cần thiết, góp phần bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự, bảo đảm
hiệu lực thi hành của các bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án
dân sự.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Thi hành án Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
2. Giáo trình Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
3. Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014
4. Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004.
5. Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu
giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án.
6. Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định thủ
tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.
7. Mục 3 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn
một số vấn đề về nghiệp vụ thi hành án.
8. Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 5/7/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số
thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự.
9. Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một
số vấn đề về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về
tài sản kê biên tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký
quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
10. Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 28/4/2008 của Bộ Tài
chính và Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số
03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý
và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
11. Các trang web:
- https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/
view_detail.aspx?itemid=896
- https://www.google.com/url?
sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&cad=rja&uact=8&ved=2ahUK
EwiA87b6ycjsAhVTyIsBHapfDccQFjADegQIBBAC&url=https%3A%2F
%2Fthongtinphapluatdansu.edu.vn%2F2008%2F07%2F20%2F1414-
2%2F&usg=AOvVaw38NfiOTu-FlkWYE8B3YtxL

You might also like