Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 17

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM


MÔN:
TƯ PHÁP QUỐC TẾ

NHÓM : 06
LỚP : N08.TL2

Hà Nội, 2022
THÔNG TIN GIỚI THIỆU
- Đề bài: Phân tích hệ thống nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam
- Nhóm: 06
- Lớp: N08.TL2
- Thành viên nhóm/Vai trò:
1. Tăng Vũ Hoàng Minh 462456 : Trưởng nhóm
2. Phạm Mai Thi 462449 : Thành viên
3. Phạm Thị Thủy 462450 : Thành viên
4. Nguyễn Thị Hà Trang 462451 : Thành viên
5. Vũ Thị Hà Trang 462452 : Thành viên
6. Nguyễn Danh Tuấn 462453 : Thành viên
7. Dương Minh Tú 462454 : Thành viên
8. Lê Quý Vương 462455 : Thành viên
9. Phạm Thu Trang 462457 : Thành viên
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

STT Ký hiệu chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ


1 TPQT Tư pháp quốc tế
2 ĐƯQT Điều ước quốc tế
3 PLQG Pháp luật quốc gia
4 LGQ Luật quốc gia
5 LQT Luật quốc tế
6 TQQT Tập quán quốc tế
7 HĐTTTP Hiệp định tương trợ tư pháp
8 TTTP Tương trợ tư pháp
9 QHDS Quan hệ dân sự
10 ADAL Áp dụng án lệ
11 QPXĐ Quy phạm xung đột
12 QPTC Quy phạm thực chất
13 BLDS 2005 Bộ luật dân sự năm 2005
14 BLDS 2015 Bộ luật dân sự năm 2015
15 LĐƯQT 2016 Luật điều ước quốc tế năm 2016
16 BLTTDS 2015 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
17 LHNGĐ 2014 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .............................................................................................................................. 1
NỘI DUNG .......................................................................................................................... 1
I. TỔNG QUAN VỀ NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM ...................... 1
1. Khái niệm ........................................................................................................................ 1
2. Hệ thống nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam........................................................... 1
II. PHÂN TÍCH HỆ THỐNG NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM....... 2
1. Pháp luật quốc gia .......................................................................................................... 2
2. Điều ước quốc tế ............................................................................................................. 4
3. Tập quán quốc tế ............................................................................................................ 6
4. Án lệ và các nguồn khác ................................................................................................. 7
III. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM . 8
1. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia ......................................... 9
2. Mối quan hệ giữa tập quán quốc tế và pháp luật quốc gia ....................................... 10
KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................................ 11
PHỤ LỤC .......................................................................................................................... 12
MỞ ĐẦU
Trong một thế giới ngày càng được quốc tế hóa, việc tự do trao đổi, tự do đi lại, các
luồng dân di cư ồ ạt đến một số nước đã làm cho số lượng các QHDS có yếu tố nước ngoài
tăng lên đến mức kỷ lục, trong đó có Việt Nam. Chính sự phát triển của các quan hệ TPQT này
đã kéo theo nhu cầu về việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp nhằm điều chỉnh trực tiếp
các QHDS có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, Việt Nam lại không có
một luật riêng để điều chỉnh các quan hệ đặc thù này mà các quy phạm điều chỉnh lại nằm rải
rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau khiến cho việc nghiên cứu về nguồn của
TPQT Việt Nam lại càng trở nên cấp thiết. Chính vì những vấn đề lý luận và thực tiễn trên mà
nhóm em quyết định tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng đề tài: “Phân tích hệ thống nguồn của
TPQT Việt Nam” với mong muốn có thể góp phần nâng cao nhận thức của mọi người, giúp
cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật của ngành luật TPQT trở nên hiệu quả hơn.
NỘI DUNG
I. TỔNG QUAN VỀ NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM
1. Khái niệm
a. Tư pháp quốc tế Việt Nam
“TPQT” là pháp luật điều chỉnh QHDS (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Như
vậy, TPQT Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật được cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền của Việt Nam thừa nhận hoặc ban hành để điều chỉnh về các QHDS, thương mại - kinh
doanh - đầu tư, hôn nhân và gia đình, lao động, tố tụng dân sự (bao gồm tố tụng tòa án và tố
tụng trọng tài) có yếu tố nước ngoài.
b. Nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam
Nguồn của TPQT chính là tổng thể các căn cứ dưới hình thức là cơ sở lý luận, cơ sở
thực tiễn, cơ sở pháp lý mà thông qua đó cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng để giải quyết
các vấn đề pháp lý phát sinh (theo nghĩa rộng).
Nguồn của TPQT là những hình thức chứa đựng các quy phạm, nguyên tắc điều chỉnh
các QHDS (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài (theo nghĩa hẹp).
2. Hệ thống nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam
a. Pháp luật quốc gia
Đây là loại nguồn phổ biến và chủ yếu của TPQT. Loại nguồn này còn được biết đến với
tên gọi là nguồn quốc nội bao gồm một hệ thống các văn bản pháp luật do quốc gia ban hành
cùng với các án lệ. Luật pháp của mỗi quốc gia là một hệ thống văn bản pháp quy (kể cả luật
không thành văn) của một quốc gia bao gồm Hiến Pháp, luật và các văn bản dưới luật cùng với
những tập quán và án lệ, thực tiễn tư pháp. Khác với các nước khác như Ba Lan, Áo, Thụy
sỹ…các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ TPQT của Việt Nam không nằm ở một
văn bản mà nằm rải rác ở các văn bản pháp quy khác nhau ở nhiều ngành pháp luật khác nhau.
1
b. Điều ước quốc tế
ĐƯQT là nguồn một nguồn đóng vai trò quan trọng của TPQT. Trong quan hệ giữa các
quốc gia trên thế giới, để điều chỉnh các quan hệ TPQT hàng loạt các ĐƯQT song phương và
đa phương đã được ký kết. Đối với ĐƯQT song phương Việt Nam đã ký kết với nhiều nước
điều chỉnh các mối quan hệ đa dạng của nước toà án với nước ngoài. Đối với ĐƯQT đa
phương, Việt Nam đã gia nhập vào các công ước quốc tế điều chỉnh lĩnh vực TPQT, lĩnh vực
bảo vệ con người. Tất cả những ĐƯQT song phương và đa phương trên ít nhiều nhất định chứa
đựng các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ TPQT.
c. Tập quán quốc tế
TQQT là những quy tắc xử sự được hình thành từ lâu đời, được sử dụng thường xuyên,
liên tục và được các quốc gia thừa nhận rộng rãi. Đây vừa là nguồn của công pháp quốc tế, vừa
là nguồn của TPQT. Tuy nhiên, chỉ những TQQT chứa đựng quy phạm liên quan tới lĩnh vực
TPQT mới có thể trở thành nguồn của TPQT.
d. Án lệ và các nguồn khác
Bên cạnh đó, án lệ cũng được xem là nguồn quan trọng điều chỉnh các quan hệ pháp luật
nói chung, quan hệ TPQT nói riêng. Hiện nay, trong BLDS 2005 và BLDS 2015 đều đã công
nhận hiệu lực pháp lý của án lệ và lẽ công bằng. Hai đạo luật này đã quy định những trường
hợp tòa án có thể ADAL và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc.
II. PHÂN TÍCH HỆ THỐNG NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM
1. Pháp luật quốc gia
PLQG luôn là nguồn chủ yếu, phổ biến cũng như quan trọng nhất của TPQT Việt Nam
nói riêng và trong hầu hết các hệ thống của các quốc gia trên thế giới nói riêng, còn được biết
tới với một tên gọi khác là nguồn quốc nội. Sở dĩ có thể khẳng định đây là nguồn quan trọng
nhất của TPQT Việt Nam bởi hai lý do chủ đạo sau:
- Thứ nhất, các quan hệ TPQT không phải các quan hệ chính trị quốc tế (quan hệ được
điều chỉnh bởi LQT) mà chỉ là các QHDS thuần túy theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Vì
vậy, Việt Nam ưu tiên xây dựng những quy định pháp luật riêng để điều chỉnh loại quan hệ này
sao cho phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội để hài hòa lợi ích giữa các cá
nhân với nhau (công dân Việt Nam với công dân nước ngoài, công dân nước ngoài với nhau) từ
đó có thể tạo ra mối quan hệ tốt với các quốc gia trên thế giới.
- Thứ hai, mặc dù các loại nguồn khác như ĐƯQT, TQQT,... đều có thể trở thành nguồn
pháp luật điều chỉnh của TPQT Việt Nam nhưng việc xây dựng các nguồn nêu trên để điều
chỉnh mọi quan hệ do TPQT là vô cùng khó khăn. Bởi để các bên có thể tiến tới ký kết các
ĐƯQT hay công nhận một TQQT đều phải trải qua một quá trình đàm phán, tranh luận, soạn
thảo trong cả một quãng thời gian dài với vô vàn những chi phí phát sinh.
Thông qua một số công trình khoa học, chúng ta có thể khẳng định rằng một số quy
2
phạm của TPQT đã tồn tại trong một số luật mà thực dân Pháp ban hành trong thời kỳ đô hộ
Việt Nam, cụ thể là trong Bộ Dân luật giản yếu ban hành năm 1883. Trong bộ Dân luật giản
yếu này có quy định: “Thẩm quyền của luật bản thân về các vấn đề năng lực đã được Dân luật
giản yếu minh thị thừa nhận trong khoản 3 Điều 3, quy định luật Việt Nam phải được áp dụng
cho người Việt Nam dù cư trú ở nước ngoài”1.
Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng những Bộ luật, điều luật nêu trên tồn tại ở Việt Nam là
do sự áp đặt của Pháp không thuần túy. Vì vậy mà ngay khi giành được chính quyền, trải qua
một quá trình dài xây dựng và ngày càng hoàn thiện, nguồn pháp luật quốc nội của TPQT Việt
Nam đã thực sự tồn tại. Các quy phạm hiện nay của ngành luật này không được nằm tập trung
trong cùng một văn bản pháp luật nhất định mà nằm rải rác ở nhiều các bộ luật, luật khác nhau.
Trong đó, Hiến pháp năm 2013 là văn bản quan trọng nhất cho loại nguồn này, ghi nhận rất
nhiều những nguyên tắc và quy phạm đặt nền tảng cho lĩnh vực tư pháp, chẳng hạn như Điều
12 quy định chung nhất về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình của Việt Nam; hay
như: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân
tộc Việt Nam”2. Ngoài ra, còn có một số quy định mang tính định hướng cho TPQT Việt Nam
trong Hiến pháp năm 2013 như tại các Điều 48, 51,...
Những nguyên tắc hiến định điều chỉnh các quan hệ TPQT được pháp điển hóa trong
nhiều Bộ luật, luật khác nhau mà Bộ luật dân sự là văn bản pháp luật chứa nhiều quy phạm
pháp luật thuộc ngành luật này nhất. Ngoài ra thì vẫn còn có: LHNGĐ 2014, Luật Đầu tư năm
2020, Luật Nhà ở năm 2014,... Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy một số quy phạm của
TPQT trong các văn bản dưới luật do Chính Phủ hay Hội đồng Thẩm phán ban hành như: Nghị
định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LHNGĐ 2014; Nghị
định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở;…
Vậy pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ TPQT trong những
trường hợp nào. Thứ nhất, PLQG sẽ được áp dụng khi ĐƯQT hoặc pháp luật nước ngoài có
QPXĐ dẫn chiếu tới pháp luật nước ngoài, cụ thể tại khoản 2 Điều 668 BLDS 20153. Thứ hai,
khi ĐƯQT hoặc Luật Việt Nam cho phép chọn luật áp dụng mà các bên thống nhất chọn pháp
luật Việt Nam để điều chỉnh quan hệ giữa các bên thì các quy định về quyền, nghĩa vụ của pháp
luật Việt Nam sẽ được áp dụng mà không bao gồm các QPXĐ xác định pháp luật áp dụng, căn
cứ theo khoản 2 Điều 6644 và khoản 4 Điều 668 BLDS 20155. Thứ ba, pháp luật Việt Nam
cũng có thể được áp dụng nếu các cơ quan tài phán (thường là Trọng tài quốc tế) quyết định
pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là pháp luật Việt Nam. Cuối cùng, một trường hợp

1
Đỗ Văn Đại. Tư pháp quốc tế Việt Nam, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr.56-57.
2
Khoản 1 Điều 18 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
3
Phụ lục 1.
4
Phụ lục 2.
5
Phụ lục 3.
3
tương đối đặc biệt mà pháp luật Việt Nam được áp dụng đó là trường hợp các bên được phép
lựa chọn TQQT để điều chỉnh QHDS nhưng việc áp dụng TQQT lại dẫn tới hậu quả là đi
ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, pháp
luật Việt Nam sẽ được áp dụng, căn cứ theo Điều 666 BLDS 20151.
Việc áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh các QHDS có yếu tố nước ngoài cho
thấy sự linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật điều chỉnh của TPQT bởi mỗi quốc gia lại có
những đặc điểm riêng biệt về địa lý, dân cư, an ninh, chính trị,... nên việc áp dụng PLQG có thể
đảm bảo được tối đa lợi ích của những chủ thể tham gia quan hệ nói riêng và Việt Nam nói
chung. Tuy nhiên, hạn chế của TPQT Việt Nam là chưa có một văn bản pháp luật riêng biệt,
điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan tới TPQT thay vì các quy phạm của ngành Luật này lại
đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như hiện nay, gây khó khăn
trong việc tìm kiếm, kết hợp các quy định với nhau.
2. Điều ước quốc tế
ĐƯQT là một loại nguồn quan trọng của TPQT Việt Nam. ĐƯQT là thỏa thuận bằng
văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ
của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp LQT, không phụ thuộc vào tên gọi là
hiệp ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc
văn kiện có tên gọi khác2. Trong thực tế, Việt Nam là thành viên của rất nhiều các ĐƯQT có
quy phạm của TPQT, trong đó có cả các điều ước song phương và đa phương.
Về điều ước song phương hay nói cách khác là HĐTTTP và pháp lý giữa Việt Nam và
các nước, tính tới tháng 07/2017, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công 17 HĐTTTP và
pháp lý để điều chỉnh các QHDS có yếu tố nước ngoài. Các HĐTTTP mà Việt Nam ký kết với
các nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa thường có phạm vi khá rộng. Còn các hiệp định
tương trợ mà Việt Nam ký với các nước có chế độ kinh tế, chính trị khác so với Việt Nam
thường có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn.
Về điều ước đa phương, trong số các ĐƯQT đa phương, Việt Nam đã tham gia vào rất
nhiều các điều ước đa phương khác nhau nhưng trong đó thì các ĐƯQT trong khuôn khổ các
phiên họp của của hội nghị Lahay có ý nghĩa rất quan trọng tới sự phát triển của TPQT Việt
Nam. Việt Nam chủ yếu tham gia các ĐƯQT về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như công ước
Berne năm 1886, công ước Paris năm 1883. Ngoài ra, còn có một số ĐƯQT đa phương khác
mà Việt Nam cũng là thành viên như Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong
lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế hay như công ước Cape Town quy định về quyền và nghĩa vụ
của các bên có quyền lợi quốc tế với trang thiết bị di động phát sinh từ hợp đồng mua bán, hợp

1
Phụ lục 4.
2
Khoản 1 Điều 2 Luật điều ước quốc tế năm 2016.
4
đồng bảo đảm, hợp đồng thuê mua,…
Từ những thông tin trên, có thể thấy, số lượng các ĐƯQT là nguồn của TPQT mà Việt
Nam là thành viên không hề nhỏ. Điều này giúp cho quá trình áp dụng pháp luật của Tòa án
Việt Nam trở nên đơn giản hơn, góp phần hạn chế những khó khăn trong việc lựa chọn pháp
luật áp dụng – những khó khăn mà trước đây cơ quan tài phán của Việt Nam nói riêng cũng
như các quốc gia khác nói chung thường xuyên mắc phải.
Tuy nhiên, việc tham gia và thực hiện các ĐƯQT trong lĩnh vực TPQT còn một số khó
khăn. Đây là một lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có nhiều đầu tư nghiên cứu bài bản và tổng
thể về các vấn đề liên quan, do đó Việt Nam vẫn chưa thúc đẩy được sự hình thành của các
cộng đồng nghiên cứu về lĩnh vực này để chia sẻ thông tin kinh nghiệm như những ngành luật
khác. Vì vậy, việc đề xuất tham gia các ĐƯQT mới hay xa hơn là đề xuất xây dựng những điều
ước đa phương trong lĩnh vực TPQT chưa được tiến hành một cách hệ thống. Minh chứng là
trên các trang thông tin điện tử của Tạp chí Tòa án Nhân dân Điện tử hay Bộ tư pháp, số lượng
những bài viết, nghiên cứu, thảo luận về ĐƯQT trong TPQT còn vô cùng hạn chế.
ĐƯQT với vai trò là nguồn của TPQT Việt Nam sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ
TPQT trong những trường hợp sau. Thứ nhất, có ĐƯQT mà Việt nam là thành viên chứa quy
phạm thống nhất điều chỉnh trực tiếp quan hệ phát sinh. Thứ hai, QPXĐ trong PLQG hoặc
ĐƯQT mà quốc gia là thành viên dẫn chiếu tới. Thứ ba, điều khoản về luật áp dụng giữa các
bên có quy định việc áp dụng ĐƯQT cụ thể. Thứ tư, ĐƯQT được áp dụng khi cơ quan giải
quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là
ĐƯQT. Với tính chất, hiệu quả to lớn mà ĐƯQT đem lại, nguồn TPQT này thường được các
quốc gia ưu tiên áp dụng trước so với PLQG. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 665
BLDS 20151. Điều 665 đã kế thừa một số nội dung của Điều 759 BLDS 2005 nhưng có sự sửa
đổi, bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.
Khoản 1 Điều 665 BLDS 2015, có nghĩa là trường hợp ĐƯQT có QPTC và QPXĐ cùng
điều chỉnh một vấn đề thì ưu tiên áp dụng QPTC. Quy định này nhằm giải quyết nhanh chóng
các vụ việc do bản chất của quy phạm thực sẽ sẽ giải quyết ngay vụ việc mà không cần thông
qua bước trung gian là chọn luật. Đây là một quy định hợp lý và lần đầu xuất hiện trong TPQT
Việt Nam. Ngoài ra, quy định tại khoản 1 cũng giúp Tòa án có căn cứ trong việc ưu tiên lựa
chọn ĐƯQT trong trường hợp QPTC trong ĐƯQT và trong PLQG cùng điều chỉnh một vấn đề.
Điều này đã được cụ thể hóa trong khoản 1 Điều 6 LĐƯQT 20162.
Khoản 2 Điều 665 BLDS 2015 tiếp tục khẳng định giá trị ưu tiên áp dụng của ĐƯQT so
với Phần thứ năm của BLDS 2015 và các luật khác có liên quan của Việt Nam khi có sự quy
định khác nhau về pháp luật áp dụng đối với cùng một vấn đề.

1
Phụ lục 5.
2
Phụ lục 6.
5
Tuy nhiên, khi xét tới cùng, ĐƯQT vẫn là pháp luật nước ngoài, được ban hành để áp
dụng chung cho nhiều quốc gia khác nhau nên việc áp dụng những quy định này có thể trái với
những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nên để bảo lưu trật tự công, điểm a khoản 1
Điều 670 BLDS 2015 quy định về trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu việc
hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt
Nam. Trong những trường hợp này, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng thay thế. Tóm lại, quy
định về việc áp dụng ĐƯQT đã phản ánh sự tôn trọng nguyên tắc cơ bản của LQT là nguyên
tắc tận tâm, thiện chí, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (Pacta sunt servanda).
3. Tập quán quốc tế
Về nguyên tắc, các quan hệ TPQT chịu sự điều chỉnh bởi các quy định được ghi nhận
trong pháp luật trong nước hoặc ĐƯQT có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, do tính chất đa
dạng, phức tạp của các QHDS có yếu tố nước ngoài nên xảy ra rất nhiều trường hợp mà pháp
luật trong nước cũng như ĐƯQT không có quy phạm điều chỉnh. Trường hợp này, thông
thường thì TQQT sẽ được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ nêu trên. Tập quán và TQQT là
những thói quen được hình thành và tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội nhưng không phải mọi
thói quen, quy tắc xử sự đều có thể trở thành TQQT mà phải thỏa mãn hai điều kiện: Thứ nhất,
quy tắc ứng xử đó phải phổ biến, lặp đi lặp lại nhiều lần, được nhiều quốc gia áp dụng và áp
dụng liên tục; Thứ hai, thói quen, cách ứng xử đó phải rõ ràng, nghĩa là khi áp dụng thì người
ta có thể dựa vào đó để điều chỉnh mối quan hệ hoặc giải quyết tranh chấp.
Do bản chất của TQQT là việc hình thành từ thói quen của các bên nên số lượng các
TQQT trên thế giới là rất khó để thống kê đầy đủ. Với Việt Nam, trong những lĩnh vực thuộc
phạm vi điều chỉnh của TPQT, có hai TQQT thường xuyên được các bên thỏa thuận sử dụng và
áp dụng trên phạm vi quốc tế trong các lĩnh vực dân sự và thương mại hàng hóa là Incoterms
và UCP. Incoterms là một bộ các điều khoản/điều kiện được xuất bản bởi Phòng thương mại
quốc tế (International Chamber of Commerce) quy định những quy tắc có liên quan tới giá cả
và trách nhiệm của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế1.
Còn với UCP là quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ, được phát hành với
mục đích khắc phục các xung đột về luật điều chỉnh tín dụng chứng từ giữa các quốc gia thông
qua việc xây dựng một bản quy tắc thống nhất cho hoạt động tín dụng chứng từ. Theo đánh giá
của các chuyên gia, UCP với tư cách là văn bảo pháp lý cơ sở để ràng buộc các bên tham gia
thanh toán bằng phương thức L/C, là bản quy tắc thành công nhất trong lĩnh vực thương mại 2.
TQQT với vai trò là một loại nguồn của TPQT sẽ được áp dụng trong những trường hợp

1
Phaata, Incoterms 2020 – Tóm tắt nội dung và hướng dẫn sử dụng cụ thể, https://phaata.com/thi-truong-logistics/incoterm-
2020-la-gi-tom-tat-noi-dung-va-huong-dan-su-dung-cu-the-827.html?fbclid=IwAR3Eb0fct6gZeNawcnz48x-
D7BBG6L9mPsKZ9CgrnABk774i_uoyTuFVe5s, 11/10/2022.
2
Hội nhập xuất khẩu, UCP 600 là gì?, http://hoixuatnhapkhau.com/ucp-600-la-gi/?fbclid=IwAR1IcOdK9H9URqqW-
_VPnIJE75whmcO6J1F88RMX9X-usRm25rww9gvqpQc, 11/10/2022.
6
sau: Thứ nhất, TQQT được các ĐƯQT có liên quan áp dụng. Thứ hai, TQQT được áp dụng
khi được LQG quy định áp dụng. Thứ ba, TQQT được sử dụng khi các bên trong hợp đồng
quốc tế có thỏa thuận trong hợp đồng về việc áp dụng TQQT. Thứ tư, TQQT được áp dụng khi
cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn luật áp dụng là TQQT.
Tại Việt Nam, TQQT cũng được coi là một loại nguồn của TPQT Việt Nam với cách áp
dụng được quy định tại Điều 666 BLDS 2015. Với nội dung của quy định này, đã khẳng định
rằng TQQT được xem như PLQG và các bên có quyền lựa chọn TQQT để điều chỉnh quan hệ
giữa họ với điều kiện là hậu quả của việc áp dụng TQQT đó không trái với những nguyên tắc
cơ bản của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, thực tiễn pháp lý cho thấy, trước khi BLDS 2015 có
hiệu lực, thì các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài vẫn thường xuyên thỏa thuận
để áp dụng các TQQT điều chỉnh nội dung quyền, nghĩa vụ của các bên. Tiêu biểu là 2 TQQT
Incoterms và UCP. Dù vậy, một số luật chuyên ngành cũng đã quy định về quyền lựa chọn
TQQT của các bên tham gia quan hệ, nhưng với sự ra đời của Điều 666 đã cho thấy một vị thế
pháp lý vững chắc hơn, tầm quan trọng của TQQT trong hệ thống nguồn của TPQT Việt Nam.
Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của TQQT theo BLDS 2015 đã giảm đi một trường hợp khi
đã bỏ đi quy định về áp dụng TQQT nếu QHDS không được ĐƯQT, PLQG cũng như hợp
đồng giữa các bên điều chỉnh đã từng được ghi nhận tại Điều 759 BLDS 20051. Tuy nhiên,
thực tế xét xử ở nước ta cho thấy, việc Tòa án áp dụng TQQT khi không có quy định pháp luật
điều chỉnh cũng như khi các bên không có thỏa thuận vẫn còn tương đối phổ biến. Đơn cử như
tại bản án sơ thẩm kinh tế số 02/2005/KTST của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Trong vụ
tranh chấp này, Tòa án đã áp dụng tập quán UCP 500, tức TQQT để giải quyết tranh chấp về
thư tín dụng có yếu tố nước ngoài trong khi những tài liệu có liên quan tới bản án cho thấy các
bên đã thỏa thuận lựa chọn bộ UCP 500 để điều chỉnh hợp đồng.
Câu hỏi đặt ra là với quy định mới tại Điều 666 BLDS 2015 thì Tòa án liệu còn có căn
cứ pháp lý rõ ràng để áp dụng TQQT trong trường hợp nêu trên. Có ý kiến cho rằng, TQQT
vẫn có thể được áp dụng với cơ sở pháp lý là khoản 2 Điều 5 BLDS 20152. Nhưng rõ ràng là cơ
sở pháp lý này chưa đủ rõ ràng để khẳng định chắc chắn là có áp dụng với QHDS có yếu tố
nước ngoài hay không. Hơn nữa, tập quán ở khoản 2 Điều 5 liệu có bao gồm cả TQQT? Đây là
một điều bỏ ngỏ trong việc áp dụng TQQT cần các nhà làm luật sớm có hướng dẫn áp dụng.
4. Án lệ và các nguồn khác
Trên thế giới hiện nay, khi nhắc tới án lệ, người ta thường nghĩ tới ngay hệ thống
Common Law (hệ thống pháp luật Anh – Mỹ). Ở các quốc gia này, án lệ là nguồn chủ yếu
trong hệ thống pháp luật nói chung và TPQT nói riêng. Ngược lại, các quốc gia theo hệ thống
pháp luật Châu Âu lục địa, trong đó có Việt Nam, lại coi trọng luật thành văn hơn án lệ. Án lệ

1
Phụ lục 7.
2
Phụ lục 8.
7
chủ yếu được hình thành bởi hoạt động giải thích pháp luật của Tòa án trong quá trình xét xử,
dựa trên các quy định pháp luật hiện hành vào trong một vụ việc cụ thể.
Do những quan điểm pháp lý khác nhau mà án lệ trước đây không được coi là TPQT
Việt Nam nhưng thực tế cho thấy, các Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể trong TPQT
thường rất quan tâm và tham khảo các án lệ có liên quan. Từ năm 2014, án lệ mới chính thức
được coi là một nguồn của pháp luật Việt Nam, có hiệu lực pháp lý trong việc áp dụng. Án lệ,
theo nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã
có hiệu lực có hiệu lực pháp luật của Tòa Án về một việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ
để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Thông qua quy định này, cùng với truyền thống lập pháp của một nước theo hệ thống
Civil Law như Việt Nam, án lệ ở nước ta chủ yếu được sử dụng để giải thích pháp luật thống
nhất trong xét xử. Nói một cách cụ thể hơn, án lệ dường như được sử dụng để làm rõ những
quy định của pháp luật còn có những cách hiểu khác nhau, giải thích vấn đề, sự kiện pháp lý,
chỉ ra những nguyên tắc, đường lối xử lý và những quy phạm pháp luật cần được sử dụng trong
một vụ việc cụ thể. Do đó mà khi pháp luật thành văn Việt Nam thay đổi thì đương nhiên
những án lệ dựa trên quy định đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc ADAL ở Việt Nam còn rất hạn chế so với thứ tự hiệu lực pháp lý của
án lệ so với các nguồn khác của TPQT. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 6 BLDS 2015 thì trong
tường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì mới ADAL hay lẽ công bằng. Tức, chỉ
trong trường hợp không có ĐƯQT, PLQG không có quy định điều chỉnh đồng thời không có
tập quán điều chỉnh những QHDS có yếu tố nước ngoài thì lúc đó án lệ mới được xem xét áp
dụng mà những trường hợp nêu trên là rất hạn chế xảy ra. Do vậy mà dù án lệ đã được hợp
pháp hóa trở thành nguồn chính thức của TPQT Việt Nam, có giá trị bắt buộc trong thời gian
có hiệu lực nhưng đây vẫn chỉ là nguồn thứ yếu, nguồn bổ trợ của luật thành văn.
Còn với lẽ công bằng, đây là một khái niệm tương đối trừu tượng và khó giải thích một
cách chính xác trong thực tế. Để áp dụng lẽ công bằng, dường như phụ thuộc phần lớn vào kinh
nghiệm hành nghề cũng như nhận định chủ quan của Thẩm phán trong từng vụ việc cụ thể mà
không có một tiêu chuẩn, yêu cầu ràng buộc nào với Thẩm phán trong việc áp dụng lẽ công
bằng. Chính sự phụ thuộc vào ý chí cá nhân của Thẩm phán mà lẽ công bằng cũng được các
nhà làm luật áp đặt hiệu lực pháp lý ngang bằng với án lệ, hạn chế tới mức thấp nhất việc phải
áp dụng lẽ công bằng trong TPQT.
III. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM
Mối quan hệ giữa các loại nguồn quốc tế - quốc nội của pháp luật càng gắn bó chặt chẽ
càng tạo điều kiện cho TPQT Việt Nam được mạch lạc, thống nhất, sát sao với đời sống. Sau
đây bài viết sẽ đi sâu vào phân tích mối quan hệ của hai loại nguồn quốc tế chủ yếu - ĐƯQT và
8
TQQT, với nguồn quốc nội - PLQG Việt Nam.
1. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia
Khi ký kết hoặc tham gia ĐƯQT, các quốc gia thể hiện ý chí của mình trong việc chấp
nhận hiệu lực ràng buộc của ĐƯQT theo nguyên tắc tự nguyện thực hiện (Pacta Sunt
Servanda)1. Ngoài ra còn quy định: “Một bên không thể viện dẫn những quy định của pháp luật
trong nước của mình làm lý do cho việc không thi hành điều ước.” 2 Tuy quy định này không
hoàn toàn có ý nghĩa coi giá trị pháp lý của công ước là cao hơn của PLQG, tuy nhiên cũng đã
cho thấy tính ràng buộc áp dụng của ĐƯQT gần như là tuyệt đối - chỉ trừ những trường hợp
việc thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc đối với ĐƯQT đó vi phạm một cách rõ ràng các quy
định có tính chất quan trọng, nền tảng của PLQG (như quy định của hiến pháp).
Tại Việt Nam, theo khoản 2 Điều 665 BLDS 20153 và khoản 1 Điều 6 LĐƯQT 20164 ta
có thể khẳng định: Như vậy, về nguyên tắc, ĐƯQT được ưu tiên áp dụng hơn các quy định
về pháp luật trong nước của Việt Nam, trừ những quy định có tính chất quan trọng, nền
tảng. Khi có sự khác nhau giữa QPXĐ của ĐƯQT và pháp luật quốc nội Việt Nam thì ưu tiên
áp dụng QPXĐ của ĐƯQT. Trong lĩnh vực điều chỉnh quan hệ TPQT, sau khi quốc gia đã làm
mọi biện pháp bảo đảm thi hành các ĐƯQT mà quốc gia ký kết hoặc tham gia thì các QPTC
thống nhất phải được áp dụng trước, nếu không có QPTC thống nhất thì áp dụng QPXĐ thống
nhất trước, và nếu cũng không có QPXĐ thống nhất thì mới áp dụng QPXĐ của quốc gia mình.
Về mối quan hệ tác động qua lại giữa ĐƯQT và luật quốc gia
- ĐƯQT bổ sung, hoàn thiện cho PLQG: Tính chất tác động của ĐƯQT đối với LQG
được đánh giá bằng thực tiễn thực thi nghĩa vụ thành viên ĐƯQT, tổ chức quốc tế của quốc
gia, thể hiện ở những hoạt động cụ thể, ví dụ, nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy
định của LQG phù hợp với những cam kết quốc tế của chính quốc gia đó. Bên cạnh đó, ĐƯQT
còn tác động đến LQG thông qua vai trò của hệ thống này đối với đời sống pháp lý tại mỗi
quốc gia, phản ánh tương quan giữa hai hệ thống khi điều chỉnh những vấn đề thuộc lợi ích
phát triển và hợp tác quốc tế của quốc gia.
- PLQG đảm bảo thiết chế thực thi ĐƯQT: Thực thi ĐƯQT thể hiện đặc trưng thông
qua cơ chế thỏa thuận hoặc sự tự điều chỉnh của từng quốc gia. Vì vậy, không có cơ chế mang
tính quyền lực quốc tế áp đặt cho quá trình trên, trừ những cơ chế kiểm soát quốc tế trong
những lĩnh vực nhất định, có sự thoả thuận của các quốc gia. Trong thực tiễn thực thi ĐƯQT,
các quốc gia phải tự điều chỉnh trên cơ sở các quy định của ĐƯQT đối với các hoạt động thực
hiện nghĩa vụ chung của chủ thể ĐƯQT và những nghĩa vụ cá thể phát sinh từ tư cách thành
viên ĐƯQT hay tổ chức quốc tế. PLQG từ đó có vai trò điều chỉnh, quy định những thiết chế

1
Điều 26 Công ước Viên 1969.
2
Điều 27 Công ước Viên 1969.
3
Phụ lục 5.2.
4
Phụ lục 6.
9
để từ đó đảm bảo cho việc ĐƯQT được thực hiện nghiêm chỉnh.
2. Mối quan hệ giữa tập quán quốc tế và pháp luật quốc gia
TQQT hình thành từ thói quen của con người và không chứa đựng ý chí của Nhà nước,
nên khác với PLQG và ĐƯQT1. TQQT không có tính chất ràng buộc, bắt buộc áp dụng đương
nhiên mà chỉ được áp dụng trong trường hợp không có quy phạm ghi nhận trong PLQG hoặc
trong ĐƯQT có liên quan không có quy định hoặc các bên chủ thể không có thỏa thuận, có thể
được hiểu là một trong các loại pháp luật có thể được áp dụng trong Điều 664 BLDS 20152.
Do đó, TQQT được áp dụng khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện: Điều kiện thứ
nhất liên quan đến cơ sở pháp lý của việc áp dụng tập quán, TQQT chỉ được áp dụng khi các
bên được quyền chọn tập quán và trong thực tế các bên đã chọn TQQT; Điều kiện thứ hai liên
quan đến hậu quả của việc áp dụng TQQT, theo đó, TQQT sẽ không được áp dụng khi cơ quan
dự định áp dụng tập quán đó (thường là Tòa án, hoặc trọng tài thương mại) nhận thấy việc việc
áp dụng tập quán đó sẽ có hậu quả trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Nếu hậu quả của việc áp dụng TQQT trái với các nguyên tắc cơ bản (được quy định
trong Hiến pháp) của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. Vì vậy có thể
thấy về mức độ ưu tiên, PLQG vẫn được ưu tiên áp dụng hơn TQQT. Tuy nhiên về quy định
cụ thể thì tới nay pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng
giữa TQQT và PLQG trong quan hệ TPQT. TQQT bổ sung, hoàn thiện cho PLQG: Nó được
hình thành trên cơ sở thói quen và thỏa thuận, cho nên TQQT phát huy vai trò rất tốt trong lĩnh
vực thương mại, hàng hải có yếu tố nước ngoài. Những mối quan hệ nói trên có nhiều điểm
không giống như các quan hệ pháp luật dân sự khác (dân sự, hôn nhân, lao động) có tính chất
ổn định và thường nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định của PLQG do không quá
phức tạp3, chúng thường được dựa trên thỏa thuận và biến đổi linh hoạt, do đó rất khó để cho
PLQG quy định và điều chỉnh một cách cố định, và TQQT sẽ là loại nguồn phù hợp nhất.
KẾT LUẬN
Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện một khung pháp lý phù hợp
để điều chỉnh các quan hệ TPQT, nguồn luật điều chỉnh của TPQT Việt Nam đã trở nên đa
dạng, đầy đủ cũng như điều chỉnh hiệu quả hơn những quan hệ phát sinh ngày càng phức tạp
của ngành luật đó. Tuy nhiên, với xu thế chung của thế giới hiện nay thì việc xây dựng một luật
riêng để điều chỉnh những QHDS đặc biệt này vẫn là một vấn đề cấp thiết mà các nhà lập pháp
cần xem xét, đánh giá và thực hiện trong tương lai gần để nguồn của TPQT Việt Nam có thể
trở nên hoàn chỉnh và thống nhất hơn nữa.

1
Đinh Thị Tâm, “Thứ tự ưu tiên áp dụng giữa tập quán quốc tế và pháp luật quốc gia trong quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài”, Tạp chí nghề luật, số 7/2020, tr.40.
2
Phụ lục 2.
3
Nguyễn Mạnh Thắng, “Khái niệm và sự cần thiết áp dụng tập quán thương mại”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8/2014,
tr.28.
10
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình
1. TS.Trần Minh Ngọc, TS.Vũ Thị Phương Lan, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Tư
pháp, Hà Nội, 2022.
Sách
1. Đỗ Văn Đại. Tư pháp quốc tế Việt Nam, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ
Chí Minh, 2006.
2. Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, quan hệ dân sự lao động,
thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb Chính trị quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.
3. Nguyễn Hồng Bắc, Hướng dẫn học và ôn tập môn tư pháp quốc tế, Nxb Lao động, Hà
Nội, 2021.
Tạp chí
1. Đinh Thị Tâm, “Thứ tự ưu tiên áp dụng giữa tập quán quốc tế và pháp luật quốc gia
trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí nghề luật, số 7/2020.
2. Nguyễn Mạnh Thắng, “Khái niệm và sự cần thiết áp dụng tập quán thương mại”, Tạp
chí Nghiên cứu lập pháp, số 8/2014.
3. ThS. Nguyễn Thị Thuận, “Pháp luật Việt Nam về sự khác nhau hoặc không phù hợp
giữa quy định của ĐƯQT và quy định của luật quốc gia”, Tạp chí luật học, số 6/2007, tr.64-68.
Văn bản quy phạm pháp luật
1. Luật điều ước quốc tế năm 2016.
2. Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Bộ luật dân sự năm 2005
4. Luật thương mại năm 2005.
5. Luật doanh nghiệp năm 2020.
6. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
7. Luật Đầu tư năm 2020.
8. Công ước viên 1969.
9. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Ấn phẩm điện tử
1. Phaata, Incoterms 2020 – Tóm tắt nội dung và hướng dẫn sử dụng cụ thể,
https://phaata.com/thi-truong-logistics/incoterm-2020-la-gi-tom-tat-noi-dung-va-huong-dan-su-
dung-cu-the-827.html?fbclid=IwAR3Eb0fct6gZeNawcnz48x-
D7BBG6L9mPsKZ9CgrnABk774i_uoyTuFVe5s, 11/10/2022.
2. Hội nhập xuất khẩu, UCP 600 là gì?, http://hoixuatnhapkhau.com/ucp-600-la-
gi/?fbclid=IwAR1IcOdK9H9URqqW-_VPnIJE75whmcO6J1F88RMX9X-
usRm25rww9gvqpQc, 11/10/2022.
11
PHỤ LỤC
1. Khoản 2 Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2015
Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về
quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
2. Khoản 2 Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc
luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Khoản 4 Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2015
Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa
chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy
định về xác định pháp luật áp dụng.
4. Điều 666 Bộ luật dân sự năm 2015
Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664
của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ
bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
5. Điều 665 Bộ luật dân sự năm 2015
1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có
quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì
quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có
quy định khác với quy định của Phần này và luật khác về pháp luật áp dụng đối với quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
6. Khoản 1 Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy
định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
7. Điều 759 Bộ luật dân sự năm 2015
1. Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng
đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế
đó.
3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu
12
việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong
hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp
luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các
văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì
áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Khoản 2 Điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015
Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng
tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân
sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

13

You might also like