HIỆN ĐẠI 1

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC

MÔN: VĂN HỌC HIỆN ĐẠI 1

Tiểu luận
TỔNG THUẬT TÁC PHẨM “TẠI TÔI” (HỒ BIỂU CHÁNH)

Giảng viên: ThS. Lê Thuỵ Tường Vi


Sinh viên thực hiện: Nguyễn Hoàng Phương An

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 01 năm 2024


I. Tổng thuật tác phẩm Tại Tôi
Tại tôi là tác phẩm do nhà văn Hồ Biểu Chánh sáng tác. Bản tổng thuật dựa trên
bản in do Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ xuất bản năm 2014 gồm 220 trang.
Nội dung phần tổng thuật bao gồm toàn bộ quyển sách. Bà Cả Kim - cự phú xứ Ô
Môn (Cần Thơ) có hai người con. Đứa con gái lớn tên Phụng, đã lấy chồng là Hữu
Nghĩa và có một đứa con trai tên Hữu Nhơn. Gia đình Phụng sống cùng bà Cả trong
nhà chính của dòng họ. Người con thứ hai của bà là Lý Như Thạch, học trường Cao
đẳng Sư phạm ngoài Hà Nội rồi đi dạy. Sau một thời gian xa quê, Như Thạch trở về
lại quê nhà Ô Môn sau những bức điện mà mẹ anh gọi về để tiếp quản sản nghiệp gia
đình. Biết tin con sắp trở về, Bà Cả cùng hai người em là thầy Hội đồng và ông Chánh
nô nức quyết chọn cho cậu con trai độc nhất của gia tộc một cô vợ hiền thảo, môn
đăng hộ đối. Biến cố gia đình bà Cả cũng từ lúc Như Thạch trở về mà bắt đầu.
Đánh dây thép từ tối ngày hôm trước, đến trưa hôm sau, cậu Ba Như Thạch đã về
đến nhà trong sự vui mừng của đại gia đình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một nhân vật
đi cùng Như Thạch đã khiến bà Cả tức giận không nói nên lời. “Thưa má, người này
là vợ của con, tên Nhung, người Bắc Việt”, theo đó, trong chuyến về nhà lần này, cậu
Ba dẫn theo một người đàn bà mà cậu giới thiệu là vợ. Cô là Nhung - Giáo sư trường
nữ sinh ở Hà Nội và là con gái một ông Phán Sở Bưu điện.
Theo quan niệm hôn nhân người xưa, chuyện cưới xin mà không thưa với bậc
trưởng bối trong gia đình ấy là việc trái với gia quy, lễ tục, điều này đã khiến Bà Cả
không nhận Nhung làm con dâu. Biết lỗi, Như Thạch cũng thưa với mẹ với các cậu,
bác rằng anh hiểu đây là việc làm sai trái, nhưng anh tin rằng tình yêu và câu chuyện
của hai vợ chồng sẽ lay động và khiến mọi người cảm thông mà bỏ qua. Cô Nhung
cũng nói thêm lời vào, xin bà Cả nhận cô làm con, nhưng sự thành khẩn của cô cũng
không làm người phụ nữ Nam Bộ truyền thống xiêu lòng.
Trái lại với sự khó tính của bà Cả Kim, dửng dưng của cô Phụng, thầy Hội đồng và
ông Chánh bênh vực Như Thạch và cháu dâu mới, họ cũng hứa hẹn rằng sẽ giúp anh
khuyên nhủ bà Cả bỏ qua và chấp nhận sự vụ. Mặc cho lời nài nỉ của hai người em, bà
Cả quyết không thay đổi. Bà khẳng khái cho rằng con dâu phải do chính bà mang trầu
cau đi hỏi, nếu Như Thạch muốn bà nguôi giận, anh buộc phải đuổi vợ ra khỏi nhà.
Nói thay lời đứa cháu, thầy Hội đồng cho rằng lớp xưa cũ phong tục vốn gắt gao, còn
Như Thạch đã đi học xa nhà từ nhỏ, thay vì các phong tục giáo huấn truyền thống thì
anh lại học kiến thức qua sách vở phong hóa Tây Âu nên không hiểu ý mẹ cũng là
điều dễ hiểu. Ông Hội đồng cho rằng, tuy Như Thạch làm trái gia phong truyền thống,
ông có buồn nhưng không nỡ trách cháu.
Trước việc làm của Như Thạch, thầy Hội đồng và ông Chánh dẫu không hài lòng
nhưng cũng nhanh chóng xuôi theo khi nghe sự tình. Như Thạch cũng thuật lại rằng,
anh và vợ cũng nghĩ đến việc để anh vào Nam thưa chuyện trước rồi ra rước cô. Cho
mình là người ngay thẳng, Như Thạch không chịu được việc dối trá, quyết không bỏ
vợ một mình ngoài Bắc mà dẫn về nhà.
Tuy đã được em trai giải thích hết lời nhưng bà Cả vẫn một mực không chấp thuận,
thậm chí, bà còn cho rằng Như Thạch và cô Nhung là người Nam - kẻ Bắc, vốn không
hợp để đến với nhau, “kẻ Nam người Bắc mà thương yêu nỗi gì”.
Hết phần cậu và bác, Như Thạch quay sang nhờ chị hai, tức cô Phụng năn nỉ mẹ bỏ
qua lỗi lầm của anh. Không như ông Chánh và thầy hội đồng, thái độ của Phụng với
Nhung là sự hờ hững, đánh giá và lạnh lùng. Nói chuyện với mẹ theo lời nhờ vã của
Như Thạch nhưng Phụng lại dửng dưng, thậm chí là thêm dầu vào lửa cho câu chuyện
khiến bà Cả ngày càng tức giận.
Tối đến, vợ chồng Như Thạch ở lại nhà bà Cả Kim chờ bà nguôi giận rồi tiếp tục
thuyết phục. Đứng dưới khung cảnh ngoài vườn hữu tình, vợ chồng anh tâm sự, hứa
hẹn đủ điều. Sau, vợ chồng đương dan díu dưới bóng trăng thì bị cô Phụng nhìn thấy,
sau đèn bật sáng rồi bà Cả Kim bước ra đầy tức giận, quyết đuổi cô Nhung ra khỏi nhà
và gọi cô là đĩ điếm. Van xin đủ điều, lấy cả cái thai trong bụng vợ ra cầu khẩn nhưng
vẫn không được bà Cả tha cho, Như Thạch tức giận chịu bị đuổi đi cùng vợ chứ quyết
không bỏ Nhung. Ngay trong đêm hôm đó, vợ chồng Như Thạch dọn đồ rồi quay về
lại Sài Gòn.
Ở Sài Gòn, Như Thạch có quen ông Huyện Khoan làm quan, khi quay về lại đây,
vợ chồng anh ghé nhà Huyện Khoan kể rõ sự việc rồi xin nương nhờ vài ngày. Dù nhà
Huyện Khoan có ý tốt nhưng tư tưởng và quan điểm của vợ chồng nhà này lại không
hợp với Như Thạch. Cụ thể, khi nghe chuyện, nhà Huyện Khoan khuyên Như Thạch
sống phải biết luồn cúi để đạt hư vinh sự nghiệp, chịu đựng để còn hưởng lấy gia sản
khổng lồ của gia đình anh, “Ở đời phải coi quyền lợi trọng hơn hết mới được. Tình
nghĩa hay là giống gì nữa cũng điều đứng sau hết”. Thậm chí, Huyện Khoan còn “bày
mưu” cho cô Nhung về Bắc Việt, Như Thạch trở về quê rồi nói dối mẹ là đã bỏ vợ,
sau thì anh qua lại với Nhung trong bí mật. Nghe những lời Huyện Khoan nói, Như
Thạch thẳng thắn từ chối, cho rằng đó là đạo nghĩa giả dối.
Một thời gian sau, vợ chồng Như Thạch nay sống ở căn trọ nhỏ sau rạp hát, Như
Thạch xin dạy học tại trường tư Vân Thế với mức lương bốn năm chục, còn cô Nhung
thì thai nghén nên ở nhà. Không những vậy, trong suốt mấy tháng trời, cô còn mắc
bệnh tim, vợ chồng tốn tiền chạy chữa mãi mà không khá hơn. Cũng trong những
ngày này, vợ chồng Như Thạch gặp gỡ một người bạn mới - Giáo sư Tự Cường, cùng
dạy học với Như Thạch ở trường Vân Thế. Tự Cường ghé qua nhà thăm vợ chồng
đồng nghiệp rồi trò chuyện, anh là người độc thân, quyết không lấy vợ vì những quan
niệm lễ giáo gia đình ràng buộc con người. Ghé qua rồi thấu hiểu nỗi khó khăn về tiền
bạc của gia đình bạn, Tự Cường giấu tên gửi măn-đa năm chục đồng bạc cho Như
Thạch để đưa Nhung đi nhà thương. Cũng từ hôm đó, Tự Cường và Như Thạch kết
giao bạn bè thân hữu vì tương hợp trong tư tưởng và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc
khó khăn.
Ngày vợ sinh con, Như Thạch đứng ngồi không yên đợi con chào đời. Đứa trẻ là
con gái, Như Thạch đặt tên con là Thanh Nguyên, nghĩa là nguồn nước trong, không
nhiễm trần tục. Sinh con xong, Nhung vốn sẵn bệnh tim với khiếm khuyết tiền bạc
chạy chữa nên cũng qua đời không lâu sau đó.
Vợ chết, Như Thạch thuê vú nuôi về chăm con, còn anh thì chẳng còn vui vẻ hay
thiết tha với cuộc sống. Càng nhìn con, Như Thạch lại càng nhớ vợ. Dù khốn khổ,
nhưng Như Thạch vẫn quyết không liên lạc về nhà vì cảm thấy có lỗi và lo sợ trước sự
nghiêm khắc của bà Cả. Buồn rầu cộng thêm với bệnh lao mang sẵn trong người, sau
khi vợ qua đời được 5 tháng thì Như Thạch ngã bệnh. Biết mình sẽ không qua khỏi,
Như Thạch viết thư gửi về cho gia đình để xin lỗi mẹ rồi nhờ bà Cả lên đón Thanh
Nguyên về nhà mà nuôi dạy.
Không thấy thư hồi âm, Như Thạch gắng sức viết thêm liền mấy trang thư, dán bao
thư kín lại rồi đề mấy chữ bên ngoài. Ít lâu sau, Như Thạch cho người mời Tự Cường
về nhà. Anh trao thư cho Tự Cường rồi gửi Thanh Nguyên nhờ bạn chăm sóc và nuôi
dạy, không cho con gái biết thân thế, đến năm Thanh Nguyên 18 tuổi thì đưa di ngôn
đã viết cho con. Như Thạch cũng căn dặn rõ, nếu có người nhà ở Ô Môn lên hỏi
chuyện thì quyết giấu, không giao Thanh Nguyên cho dẫu họ có năn nỉ.
Như Thạch qua đời, Tự Cường đứng lo tang lễ còn hiệu trưởng trường Vân Thế thì
đứng cáo phó rồi cho ấn hành trên nhựt báo. Ở quê, Thầy Hội đồng đọc được cáo phó
trên báo liền chạy sang báo tin cho bà Cả Kim. Biết tin con chết, bà Cả Kim trân trân
rồi bật khóc. Sau, thầy Hội đồng thay bà lên Sài Gòn hỏi chuyện rồi trở về thưa rõ sự
tình. Theo đó, ông kể cả hai vợ chồng Như Thạch đều đã chết, Như Thạch có một
người con gái nhưng anh đem nó cho ai thì Tự Cường nói không biết. Thầy Hội đồng
nhắc chuyện trước khi chết tầm 10 ngày, Như Thạch có gửi thư về cho bà Cả Kim
nhưng không ai hồi âm. Ông hỏi, nhưng người trong nhà đều nói không nhận được, ra
là cô Phụng thấy thư của em trai thì giấu nhẹm khiến sự việc ra nông nỗi như vậy,
khiến ông Hội đồng tức giận mắng lớn.
Ở Sài Gòn, Thanh Nguyên lớn lên dưới sự nuôi dạy của Tự Cường, xinh đẹp, thông
minh, học giỏi. Con gái ngày một lớn khôn, Tự Cường cũng lấy đó mà lo sợ con
nhiễm thế tục, chung lộn với đời. Ở trường, Thanh Nguyên có người bạn thân tên Hữu
Nhơn, lớn hơn cô gần 5 tuổi. Trong chuyến đi Vũng Tàu cùng nhau, Hữu Nhơn có thổ
lộ rằng anh có tình cảm với Thanh Nguyên suốt đã mấy năm trời, nay muốn kết duyên
cùng cô. Vốn chưa từng dính vào ái tình, Thanh Nguyên lo sợ chuyện lấy chồng làm
cô mất hết tự do. Thậm chí, được Tự Cường - người có thành kiến với lễ giáo gia đình
nuôi dạy từ nhỏ nên Thanh Nguyên ảnh hưởng phần nhiều từ ba. Cô lo sợ rằng với lễ
tục, cô sẽ mất đi tên gọi, thay vì là Mademoiselle Thanh Nguyên thì là Madame Hữu
Nhơn. Trước lời ngỏ của Hữu Nhơn, Thanh Nguyên xin trả lời sau khi thi đậu Tú tài
kỳ nhì.
Ít lâu sau, cả Hữu Nhơn và Thanh Nguyên đều thi đậu. Trước khi Hữu Nhơn về Ô
Môn, Thanh Nguyên mời anh ghé nhà ăn cơm. Hôm ấy, Thanh Nguyên cũng thưa
chuyện với ba rằng Hữu Nhơn muốn lấy cô làm vợ. Tự Cường cho rằng, Hữu Nhơn
nên về nói chuyện với gia đình rồi mới bàn chuyện cưới xin. Thanh Nguyên cũng lấy
lẽ làm phải, xin thời gian vắng mặt Hữu Nhơn để xem tình cảm của mình dành cho
anh.
Tối đó, Tự Cường lấy di ngôn của Như Thạch để đưa cho Thanh Nguyên. Trong
thư, Như Thạch nêu rõ gốc tích thân thích của cô, chuyện tình của ông và bà Nhung,
bà Cả Kim đã từ chối rồi đuổi vợ chồng Như Thạch thế nào lẫn chuyện ông đã viết
thư gửi về nhờ cậy người nuôi cô nhưng không nhận được hồi âm. Cuối thư, Như
Thạch nêu rõ chuyện lãnh phần gia sản do Thanh Nguyên tự do quyết định, ông không
khuyên cũng không cản. Hiểu rõ câu chuyện của gia đình, Thanh Nguyên kiên quyết
thủ tiết không lấy chồng để không vướng phải chủ nghĩa, lễ giáo gia đình hà khắc.
Phần Hữu Nhơn, sau khi trở về quê thì nhanh chóng thưa chuyện xin hỏi cưới
Thanh Nguyên với gia đình. Cha mẹ anh lúc đầu đều không đồng ý vì Thanh Nguyên
là con gái thành phố, lại học cao hiểu rộng, không thể làm dâu. Trái lại, bà Cả Kim lại
có phần xuôi theo khi nhớ đến chuyện Như Thạch năm xưa. Hữu Nhơn tuyệt thực lẫn
tỏ thái độ khiến mẹ anh và bà nội phải đồng ý lên Sài Gòn thăm gia đình Thanh
Nguyên. Vừa tỏ ý, thì có thư Thanh Nguyên gửi cho Hữu Nhơn, cô quyết từ chối và
tạm biệt anh.
Tuy vậy, gia đình Hữu Nhơn vẫn quyết lên Sài Gòn xem sự tình thế nào. Đến nơi,
Thanh Nguyên kiên quyết không thay đổi suy nghĩ. Thậm chí cô thẳng thắn đối đáp
với bà Cả Kim và cô Phụng về đạo lý hôn nhân, gia đình hà khắc ràng buộc con
người. Sau khi Thanh Nguyên rời đi, Tự Cường hỏi thăm rồi nhận ra bà Cả Kim chính
là mẹ của Như Thạch. Ông kể rõ cho bà thân thế của Thanh Nguyên, mọi chuyện
trong suốt mười mấy năm qua. Dù muốn nhìn mặt cháu thêm lần nữa nhưng bà cũng
phải vội về vì Hữu Nhơn bị bệnh.
Về đến nhà, Hữu Nhơn lâm bệnh, thần trí không tỉnh táo, còn bà Cả Kim thì thì kể
lại mọi chuyện với thầy Hội đồng. Thu xếp xong việc nhà, thầy Hội đồng và bà Cả
Kim quyết lên Sài Gòn thêm lần nữa để nhìn mặt cháu nội. Trong lúc đó, Thanh
Nguyên kể lại cho Tự Cường về giấc mộng mà cô chiêm bao. Trong đó, cô mơ thấy
bà Cả Kim, ít lâu sau đó, bà Cả Kim lẫn thầy Hội đồng đều xuất hiện tại nhà Tự
Cường. Vì đọc di ngôn của Như Thạch để lại mà Thanh Nguyên quyết không nhận bà
nội. Trong cuộc trò chuyện này, Thanh Nguyên cũng nêu lên quan điểm của cô trong
mối quan hệ gia đình, ấy là đi ngược lại lễ giáo phong tục gia đình, độc lập đón lấy
hạnh phúc cá nhân. Đồng thời, Tự Cường lẫn Thanh Nguyên đều khẳng khái cho rằng
thứ họ cần không phải là gia sản của bà Cả Kim. Sau khi hứa hẹn sẽ thu xếp chuyện
gia đình rồi rước Thanh Nguyên về, bà Cả Kim và thầy Hội đồng về lại Ô Môn. Sau
thì nghe tin vì bệnh tình trở nặng, thần trí điên loạn, không cưới được người mình yêu
mà Hữu Nhơn được ba mẹ đưa lên nhà thương. Kết truyện, bà Cả quay trở về nhà,
nghe tin và thốt lên “Tại tôi” trước những điều mà sự cấm đoán năm xưa của bà gây
nên bây giờ đang dần ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người thân trong gia đình
nhà họ Lý.
II. Định vị tác giả và tác phẩm
1. Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958) tên thật là Hồ Văn Trung, bút hiệu Thứ Tiên. Ông
sinh ra trong một gia đình ở Gò Công nghèo, đông con. Sự nghiệp cầm bút của Hồ
Biểu Chánh bắt đầu từ năm 1906, cùng với thời điểm ông làm các công việc nhà nước,
giấy tờ. Nhà văn cho rằng, sứ mệnh của ông là cầm bút và truyền đi triết lý làm người.
Hồ Biểu Chánh được đông đảo giới bạn đọc biết đến với danh xưng là cây đại thụ
trong văn đàn Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20 với thể loại tiểu thuyết viết bằng chữ
Quốc ngữ, lấy chủ đề là tâm lý xã hội trong bối cảnh đời sống nông thôn và thành thị
mới.
Sinh ra và lớn lên tại Nam Bộ, những trang văn của Hồ Biểu Chánh mang đậm dấu
ấn địa phương. Đó là những con kênh, dòng sông, cánh đồng, phố chợ và khung cảnh
miền Nam sống động hiện ra với các địa danh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Ô Môn, Khánh
Hội,... Ngoài địa danh, ông còn đặt tên cho nhân vật dựa trên phương ngữ sinh hoạt
phổ biến của người dân Nam Kỳ. Cụ thể là con Tý, bà Cả, cô Phụng, hay theo thứ bậc,
chức phận trong nhà.
Tiểu thuyết do Hồ Biểu Chánh sáng tác không đặt nặng yếu tố từ ngữ, mà tập trung
chủ yếu nêu lên các phong tục, lễ giáo tồn tại trong xã hội Việt Nam ở những năm đầu
thế kỷ 20. Tiếp xúc và được rèn giũa ngòi bút từ cả hai thời đại là Tây học và Nho
giáo, ở Hồ Biểu Chánh là sự pha trộn có chọn lọc giữa hai nền tư tưởng. Trong vấn đề
hôn nhân, Hồ Biểu Chánh thẳng thắn lên tiếng trước những lễ phong nghiêm khắc,
kiềm hãm con người tìm đến tình yêu cá nhân như: môn đăng hộ đối, sinh con trai nối
dõi tông đường, lợi dụng hôn nhân để kiếm chác, tục nôm vợ,...

2. Hồ Biểu Chánh trong bối cảnh văn học phong tục


Đa phần tiểu thuyết do Hồ Biểu Chánh sáng tác thuộc thể loại xã hội và phong tục
dù ông không phải là nhà nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này. Nhưng bằng vốn sống
dày dặn đã tích luỹ, lòng thấu cảm số phận con người, những trang văn của Hồ Biểu
Chánh đưa ra quan niệm được pha trộn giữa cũ và mới trong phong tục và nếp sống.
Tiếp cận cùng lúc hai nền tư tưởng, khác với xu hướng gạt phăng những điều cũ
như Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh chọn cách pha trộn, hoà lẫn, chọn lọc những
lễ phong tốt đẹp được tạo nên từ điểm giao hai luồng quan điểm. Hồ Biểu Chánh nói
về phong tục và lẽ sống bằng phong cách, thái độ như người kể chuyện, nêu rõ bài học
nghiệp quả để người đọc tự rút ra hướng đi, cách làm. Tạo ấn tượng sâu sắc, gợi mở
suy nghĩ cho người đọc về những quan niệm, đạo lý mà Hồ Biểu Chánh mong muốn
truyền tải.
3. Tại tôi giữa các tác phẩm văn học phong tục
Nhân vật Thanh Nguyên mà Hồ Biểu Chánh xây dựng đại diện cho hình mẫu người
phụ nữ ở thế hệ mới, chủ động quyết định tình yêu, vượt qua ranh giới trọng nam
khinh nữ trong vấn đề thừa kế gia sản. Đặt trong bối cảnh các tác phẩm có nội dung
tương đương như Nửa chừng xuân (Khái Hưng), có thể thấy Mai và Thanh Nguyên
đều là hình mẫu “gái mới”. Tuy nhiên, việc Thanh Nguyên đỗ đạt cao, chủ động quyết
định số phận, dự báo tương lai về việc người phụ nữ hoàn toàn có khả năng tham gia
vào vai trò hoán cải.
Nhưng nếu cô Mai của Khái Hưng đoạn tuyệt với cuộc đời, giá trị cũ, thì ở Thanh
Nguyên của Hồ Biểu Chánh vẫn còn tồn tại một số nét truyền thống kiểu cũ. Cô có thể
quả quyết trong vấn đề hôn nhân, tư tưởng gia đình nhưng lại xuôi theo những dự
định, sắp xếp của bà Cả Kim và thầy Hội đồng, tuân theo đạo lý tình yêu và hôn nhân
vốn là thước đo của xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ Biểu Chánh. (2014). Tại tôi. TPHCM: Văn hoá - Văn nghệ
Nguyễn Kim Anh. (2004). Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
TPHCM: Đại học Quốc gia TPHCM
Tấn Quân. (2015). Hội thảo khoa học về “Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà
văn Hồ Biểu Chánh”. Truy xuất từ: https://tuyengiaotiengiang.vn/van-hoa-van-
nghe/Hoi-thao-khoa-hoc-ve-Gia-tri-van-hoc-trong-cac-tac-pham-cua-nha-van-Ho-
Bieu-Chanh-1018.html

You might also like