Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 10

CẤU TRÚC CÚ PHÁP CỦA CÂU TIẾNG VIỆT:

CHỦ -VỊ HAY ĐỀ - THUYẾT? [*]

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn

Trong Việt ngữ học hiện đang tồn tại hai quan niệm bất đồng về việc phân tích cấu trúc cú
pháp của cú và câu tiếng Việt: phân tích theo quan hệ chủ - vị hay phân tích theo quan hệ đề -
thuyết. Sự bất đồng này kéo theo những hệ lụy nhất định, gây khó khăn cho việc việc dạy và học
tiếng Việt như một bản ngữ và như một ngoại ngữ. Vì vậy, dù muốn hay không, giới Việt ngữ
học cũng phải tiếp tục tìm cách giải quyết bất đồng này nhằm tìm ra được một cách tiếp cận thỏa
đáng đối với việc phân tích cấu trúc cú pháp tiếng Việt để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học
tiếng Việt. Bài viết này là một cố gắng đi theo hướng đó. Nội dung của bài viết gồm 2
phần: Phần một trình bày tổng quan các quan niệm khác nhau về phân tích cấu trúc cú pháp của
cú và câu tiếng Việt và những bất cập của các quan niệm này đối với việc phân tích cú pháp
tiếng Việt. Phần hai đề xuất một cách tiếp cận mới về vấn đề hữu quan, trong đó xác nhận vai
trò của cấu trúc chủ - vị với tư cách là cấu trúc cú pháp của cú nhằm mã hóa nghĩa biểu hiện của
nó và vai trò của cấu trúc đề - thuyết với tư cách là cấu trúc cú pháp của câu nhằm tổ chức và
truyền đạt một thông điệp.

1. Các hướng phân tích cấu trúc cú pháp của cú/câu tiếng Việt.
1.1 Hướng phân tích theo quan hệ chủ -vị.
Đây là hướng phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt phổ biến ở Việt Nam, hiện vẫn
được sử dụng trong ngữ pháp nhà trường. Hướng phân tích này chịu ảnh hưởng cách tích phân
tích cấu trúc câu theo quan hệ chủ - vị của ngữ pháp truyền thống châu Âu, đặc biệt là ngữ pháp
tiếng Pháp. Trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên đi theo hướng này
(Trần Trọng Kim 1936, Phan Khôi 1948, Bùi Đức Tịnh 1952), cấu trúc cú pháp của câu thường
được mô tả qua khái niệm mệnh đề với nòng cốt là cấu trúc chủ - vị. Theo Trần Trọng Kim
(1936) thì: “phép đặt câu là phép đặt các tiếng thành mệnh đề và đặt các mệnh đề để lập thành
câu” và “câu lập thành do một mệnh đề có nghĩa lọn hẳn, hoặc do hai hay nhiều mệnh đề”. Mệnh
đề bao gồm hai thành phần chính là chủ từ (tiếng đứng làm chủ) và động từ hay tính từ (chỉ cái
dụng hay cái thể của chủ từ); ngoài ra còn có túc từ phụ thêm cho chủ từ, động từ, tính từ (tr. 21-
29). Để mô tả cấu trúc cú pháp của câu đơn, Phan Khôi (1948) đã xác định một danh sách thành
phần câu đầy đủ hơn (gồm 6 thành phần: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ, hình dung phụ gia
ngữ và phó từ phụ gia ngữ) trong đó chủ ngữ và vị ngữ được coi là hai thành phần chủ yếu của
câu: chủ ngữ “nói về cái gì, ấy tức là “chủ thể” trong câu”, còn “vị ngữ thì” thuật thuyết “cái thế
nào” về chủ ngữ ấy”. (tr.196-197). Điều đáng lưu ý là Phan Khôi đã thay thế các thuật ngữ chủ
từ/động từ bằng các thuật ngữ chủ ngữ/vị ngữ, phản ánh đúng hơn bản chất ngữ pháp (chức năng
chứ không phải từ loại) và tính cấp độ (ngữ chứ không phải là từ) của các thành phần câu hữu
quan. Bùi Đức Tịnh (1952) cũng cho rằng câu có một mệnh đề (tức câu đơn -NHC) gồm có hai
phần: 1. Chủ ngữ: chỉ người hay vật được nói đến, 2. Tuyên ngữ: những gì để nói về người hay
vật ấy” (tr.409).
Quan điểm cho rằng cấu trúc cú pháp của câu (đơn) tương ứng với cấu trúc chủ -vị của
mệnh đề ngữ pháp (cú) được các nhà Việt ngữ học kế thừa và phát triển theo những hướng khác
nhau. Hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục hướng lưỡng phân cấu trúc cú pháp của mệnh
đề/câu đơn theo quan hệ chủ -vị và dùng các thuật ngữ cụm từ chủ -vị (Nguyễn Kim Thản 1964),
kết cấu chủ - vị (Hoàng Trọng Phiến 1980), cụm chủ -vị (Diệp Quang Ban 1984) hay câu chủ -vị
(Lê Xuân Thại 1994) để chỉ kiểu cấu trúc này. Tuy nhiên, một số tác giả khác lại cho rằng cấu
trúc cú pháp của câu không phải là một kết cấu chủ -vị mà là một kết cấu tiêu điểm (focal
construction) có vị ngữ làm trung tâm và các bổ ngữ tiêu điểm (focal complement), trong đó chủ
ngữ cũng chỉ là một loại bổ ngữ (L.C Thompson 1965), hoặc là một cấu trúc nòng cốt tối giản
gồm vị ngữ cùng các tham tố của nó là chủ ngữ và bổ ngữ bắt buộc (Nguyễn Minh Thuyết &
Nguyễn Văn Hiệp 1998).
Mặc dù thống nhất dùng chủ ngữ và vị ngữ là hai thành phần chính của câu đơn/mệnh đề
nhưng các tác giả theo hướng phân tích này chưa thống nhất với nhau về chức năng của chủ ngữ
và vị ngữ. Một số tác giả cho rằng cấu trúc-chủ vị biểu hiện một sự tình, trong đó chủ ngữ
thường biểu thị chủ thể của hành động (quá trình hay trạng thái) còn vị ngữ biểu thị hành động
(quá trình, trạng thái của chủ thể). Chẳng hạn, theo Trần Trọng Kim (1936), “chủ từ” (chủ ngữ)
biểu thị “cái thể của chủ từ” (tức chủ thể), còn tính từ và động từ thì chỉ “cái thể” (tính chất,
trạng thái) và “cái dụng” (hành động, quá trình) của chủ từ (tr.21-29). Trương Văn Chình và
Nguyễn Hiến Lê (1964) quan niệm câu đơn cú là câu diễn tả một sự tình, trong đó chủ từ biểu thị
các chủ thể hay là “chủ sự” của sự tình. Tương tự, Diệp Quang Ban (1984) coi chủ ngữ là thành
phần chính “chỉ ra cái đối tượng mà câu nói đề cập đến và hàm chứa hoặc có thể chấp nhận cái
đặc trưng (hành động, trạng thái, tính chất,v.v…) sẽ được nói ở vị ngữ” (tr.119), còn vị ngữ là
thành phần chính “nói lên cái đặc trưng vốn có ở vật hoặc có thể áp đặt hợp lý cho vật nói ở chủ
ngữ” (tr. 142). Nói tóm lại, theo cách tiếp cận này cấu trúc chủ -vị có chủ ngữ (ngữ pháp) trùng
với chủ thể lôgich (của sự tình).
Theo một số tác giả khác thì cấu trúc chủ -vị không chỉ có chức năng biểu hiện sự tình
mà còn có chức năng truyền tải một thông điệp (hay biểu hiện một phán đoán, nói theo cách nói
của lôgich học), thậm chí chức năng chủ yếu của nó là truyền tải thông điệp. Khi nói về câu, Bùi
Đức Tịnh (1948) cho rằng câu: 1. Cho biết người hay vật được nói đến. 2. Trình bày một việc
xảy ra cho người ấy hay vật ấy hoặc một ý kiến của ta về người hay vật ấy. (Tôi nhấn mạnh –
NHC). Trên cơ sở đó, tác giả đã định nghĩa chủ ngữ và vị ngữ bằng chức năng của chúng trong
việc tổ chức thông điệp chứ không phải bằng chức năng biểu hiện sự tình: 1. Chủ ngữ: chỉ người
hay vật được nói tới, 2. Tuyên ngữ: những gì để nói về người hay vật. Theo cách hiểu này thì kết
cấu chủ -vị có chủ ngữ không chỉ trùng với chủ thể lôgich mà cả với chủ thể tâm lý (“cái được
nói tới”) của phán đoán. Sau Bùi Đức Tịnh, nhiều tác giả khác cũng nhấn mạnh đến chức năng tổ
chức thông điệp của cấu trúc chủ -vị khi cho rằng chủ ngữ biểu hiện “sở đề” hay “cái nói đến”
còn vị ngữ biểu thị “sở thuyết” hay “thuyết minh cho chủ ngữ” (Nguyễn Kim Thản 1964, Lê
Xuân Thại 1994). Với cách nhìn này, hướng phân tích theo cấu trúc chủ -vị tiến gần đến hướng
phân tích câu theo cấu trúc đề- thuyết. Tuy nhiên ngay cả khi thay đổi cách nhìn về chức năng
của cấu trúc chủ -vị, mở rộng hơn ngoại diên của chủ ngữ và bổ sung thêm các chức năng khác
như chủ đề, hay khởi ngữ…cách phân tích câu theo quan hệ chủ vị cũng chỉ bao quát được một
phạm vi rất hạn hẹp các kiểu câu của tiếng Việt mà theo đánh giá của một số tác giả là khoảng
25% , thậm chí chỉ khoảng 15% (Tiểu ban tiếng Việt nhà trường, Hội Ngôn ngữ học TpHCM,
2004).

1.2. Hướng phân tích theo quan hệ đề - thuyết.


Hướng phân tích câu theo cấu trúc đề-thuyết xuất hiện trong Việt ngữ học trước hết do sự
bất cập của hướng phân tích theo cấu trúc chủ -vị. Khi chuyển từ việc coi kết cấu chủ ngữ - vị
ngữ có chức năng biểu thị sự tình sang chức năng truyền tải thông điệp (biểu thị một phán đoán
hay nhận định), nhiều người nhà nghiên cứu theo quan điểm chủ -vị đã thấy rằng bên cạnh các
kết cấu chủ -vị có chủ ngữ trùng với chủ thể tâm lí (ví dụ: “Giáp biết chuyện ấy”. “Họ giỏi
lắm”) cũng có những trường hợp, chủ ngữ không trùng với chủ thể tâm lý, ví dụ: “Cái gì Giáp
cũng biết”, “Bộ đội họ giỏi lắm”, “Miệng ông ông nói, đình làng ông ngồi…. Để phân biệt các
chủ thể tâm lí không trùng với chủ ngữ (chủ thể ngữ pháp), các nhà nghiên cứu đã đề xuất thêm
một thành phần câu mới là “chủ đề” (Trương Văn Chình- Nguyễn Hiến Lê 1964: 536), “khởi
ngữ” (Nguyễn Kim Thản 1964), “đề ngữ” (Diệp Quang Ban 1984). Như vậy, thực chất việc đưa
thêm các khái niệm “chủ đề”, “đề ngữ” hay “khởi ngữ”…chỉ là một giải pháp tình thế nhằm khắc
phục sự chênh nhau giữa chủ ngữ (ngữ pháp) và chủ thể tâm lí, và điều đó cũng cho thấy sự hạn
chế của kết cấu chủ -vị nói chung và khái niệm chủ ngữ nói riêng.
Để tránh những bất cập này của cách tiếp cận chủ -vị, với quan niệm coi câu là “một ngữ
đoạn kết thúc, mang một thông báo hoàn chỉnh”, Lưu Vân Lăng (1970, 1986) đã đề xuất cách
phân tích câu theo cấu trúc đề - thuyết thay cho cấu trúc chủ -vị, trong đó khái niệm đề được mở
rộng, bao gồm không chỉ các chủ ngữ ngữ pháp điển mẫu (trùng với chủ thể lôgic và chủ thể tâm
lí) mà cả một số trường hợp được các tác giả khác coi là khởi ngữ hay đề ngữ (Cái gì, anh giáp
cũng biết) thậm chí là trạng ngữ (Xã bên, lúa tốt). Cấu trúc đề - thuyết được Lưu Vân Lăng phân
biệt với cấu trúc thông tin cũ –mới của Lí thuyết phân đoạn thực tại và được áp dụng không chỉ
cho câu mà cho cả cú. (Lưu Vân Lăng 1970/1998: 17). Chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này ở
phần sau khi đề cập đến mối quan hệ giữa cấu trúc chủ vị và cấu trúc đề- thuyết.
Các tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXH 1983) cũng cho rằng nòng cốt cú pháp
của câu đơn được xây dựng trên quan hệ đề- thuyết, bởi vì:
- Xét về quá trình tư duy, quan hệ đề thuyết …biểu thị một phán đoán, một sự phản ánh
tương đối của thực tại nhất định vào nhận thức. Phán đoán gồm 2 yếu tố là sự vật, hiện tượng
hay chủ đề và điều thấy được, biết được nhận thức về chủ đề.
- Xét về quá trình thông báo, quan hệ đề -thuyết…biểu thị một thông báo trong một hoàn
cảnh giao tiếp nhất định. Thông báo cũng bao gồm hai yếu tố: yếu tố thứ nhất chỉ ra người nói
“nói về gì” và yếu tố thứ hai chỉ ra người nói “nói gì”. (UBKHXH Việt Nam 1983/2002:209)
Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế phân tích câu thì các tác giả lại không đưa những
trường hợp Lưu Vân Lăng cho là đề ngữ vào phần đề mà coi nó là thành phần tình huống (ví
dụ, Xã bên, lúa tốt. - tr 239), hoặc thành phần khởi ý (ví dụ, Quyển sách này, tôi chỉ thấy bán ở
đây. - tr.243). Vì vậy, cấu trúc đề - thuyết ở Ngữ pháp tiếng Việt của UBKHXH
Việt Nam không khác nhiều lắm với cấu trúc chủ -vị theo quan niệm của nhiều tác giả.
Cao Xuân Hạo là người đầu tiên áp dụng một cách triệt để quan hệ đề - thuyết vào việc
phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt. Trong công trình “Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp
chức năng” (1991) Cao Xuân Hạo cho rằng cần phải thay cách phân tích câu tiếng Việt theo
quan hệ chủ vị mà theo tác giả là đã được bê nguyên xi từ tiếng Pháp vào tiếng Việt do tư tưởng
“dĩ Âu vi trung” bằng cách phân tích theo quan hệ đề- thuyết cho phù hợp với đặc điểm loại hình
của tiếng Việt là một ngôn ngữ thiên chủ đề. Theo đó, câu với tư cách là đơn vị “thông báo một
mệnh đề” hay “phản ánh một nhận định” được cấu trúc hóa thành hai phần đề và thuyết, trong đó
“đề là điểm xuất phát, là cái cơ sở, cái điểm tựa làm bàn đạp cho đà triển khai của câu” ở phần
thuyết (Cao Xuân Hạo 1991/2004: 50-51). Với cách hiểu này, trong cấu trúc đề - thuyết của Cao
Xuân Hạo, phần đề không chỉ bao gồm các chủ ngữ điển mẫu (Tôi xem phim này rồi), chủ đề
hay khởi ngữ (ví dụ, Tôi tên là Nam, Phim này tôi xem rồi) mà cả những trường hợp các tác giả
khác coi là trạng ngữ (Mai, mẹ về. Ở đây mọi người đều làm việc), tình thái ngữ (Theo
tôi, Nam thế nào cũng trúng cử), thành phần câu ghép (Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy) hoặc bị
gạt sang một bên như những trường hợp ngoại lệ (Chó treo, mèo đậy. Cần tái, cải nhừ) vv. Cách
phân tích theo quan hệ đề - thuyết như vậy được Cao Xuân Hạo không chỉ áp dụng cho câu mà
cả ngữ đoạn dưới câu là tiểu cú. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng không thể không thừa nhận
rằng cách phân tích cấu trúc câu theo quan hệ chủ -vị của Cao Xuân Hạo đã giải quyết được hàng
loạt các trường hợp bế tắc nếu phân tích theo quan hệ chủ vị (theo đánh giá của những người ủng
hộ quan niệm này thì các câu kiểu này có thể lên tới 86%) và mở ra khả năng ứng dụng vào việc
dạy viết và chữa lỗi câu tiếng Việt cho người Việt và người nước ngoài theo một cách tiếp cận
mới.
Tuy nhiên, chấp nhận cách phân tích cú/câu tiếng Việt theo cấu trúc đề -thuyết nhưng
lại loại bỏ hoàn toàn cấu trúc chủ -vị và các chức năng cú pháp truyền thống như chủ ngữ, vị
ngữ, bổ ngữ…ra khỏi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chưa hẳn là một giải pháp thỏa đáng, đặc biệt
khi xem xét vấn đề dưới góc độ loại hình và phổ niệm ngôn ngữ. Bởi vì, thứ nhất, giải pháp này
vạch ra một ranh giới quá rạch ròi, thậm chí gần như đối lập giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ
được coi là chỉ có chủ đề mà không có chủ ngữ với các ngôn ngữ chỉ có chủ ngữ mà không có
chủ đề, một sự đối lập mà ngay cả các tác giả đề xuất phân biệt các loại hình “thiên chủ ngữ” và
“thiên chủ đề” cũng chưa nói tới. Thứ hai, nếu xem xét cấu trúc chủ -vị dưới góc độ lí thuyết
điển mẫu, chúng ta có thể thấy rằng có hàng loạt các câu tiếng Việt tương ứng với câu có cấu
trúc chủ -vị trong các ngôn ngữ khác, mặc dù giữa chúng có thể khác nhau về hình thức đánh dấu
hay trật tự từ, và đó chính là cơ sở cho các nghiên cứu về loại hình học hình thái cách (phân biệt
các ngôn ngữ đối cách với các ngôn ngữ khiển cách, tuyệt cách, tam phân hay trung hòa) hay
loại hình trật tự từ (phân biệt các ngôn ngữ SVO, SOV, VOS, v.v) mà tiếng Việt không phải là
một ngoại lệ về mặt loại hình. Thứ ba, nếu đối lập một cách triệt để cách phân tích cú pháp câu
tiếng Việt với câu của các ngôn ngữ khác sẽ tạo ra những khó khăn nhất định về mặt ứng dụng,
đặc biệt là trong việc dạy và học ngoại ngữ cũng như dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Chính vì vậy chúng tôi cho rằng cần phải tìm một giải pháp mô tả cấu trúc cú pháp của
cú và câu tiếng Việt trong đó có sự kế thừa cả hai hướng phân tích theo quan hệ chủ -vị và phân
tích theo quan hệ đề - thuyết. Do khuôn khổ bài viết có hạn, duới đây chúng tôi chỉ trình bày
những suy nghĩ bước đầu của giải pháp này.

2. Thử tìm một giải pháp cho việc phân tích cấu trúc cú pháp của cú/câu tiếng Việt
2.1 Cơ sở của giải pháp.
Thực ra các giải pháp kết hợp cả hai hướng tiếp cận chủ - vị và đề - thuyết để phân tích
cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt cũng đã được một số nhà ngôn ngữ học đề cập
đến. Trần Ngọc Thêm (1985), chẳng hạn, đã đưa ra giải pháp phân tích cấu trúc câu theo quan
hệ đề - thuyết trong đó cấu trúc chủ - vị đóng vai trò như các cấu trúc nòng cốt bộ phận của cấu
trúc đề - thuyết. Tác giả đã xác định 4 kiểu cấu trúc đề - thuyết nòng cốt là: nòng cốt đặc trưng
(C→V đ), nòng cốt quan hệ (C→Vq − B), nòng cốt tồn tại (Tr →Vt − B), và nòng cốt qua lại
(xV → y V’), trong đó có 2 nòng cốt chủ vị hoàn chỉnh (nòng cốt đặc trưng và nòng cốt quan hệ)
và một nòng cốt chủ vị không có chủ ngữ (nòng cốt tồn tại). Tuy nhiên, giải pháp này chỉ khác
với cách phân tích theo quan điểm chủ -vị chỉ ở chỗ cấu trúc qua lại được coi như là câu đơn có
một nòng cốt đề-thuyết chứ không phải là một câu ghép với hai nòng cốt chủ vị theo quan điểm
truyền thống. Vì vậy, trên thực tế, giải pháp này chưa tiến xa hơn cách tiếp cận chủ - vị được bao
nhiêu, đặc biệt là với những kiểu câu không phân tích được theo quan hệ chủ vị mà Cao Xuân
Hạo và các cộng sự đã chỉ ra.
Một cố gắng khác nhằm kết hợp hai cách phân tích chủ -vị và đề -thuyết được trình bày
trong công trình “Ngữ pháp tiếng Việt” mới xuất bản gần đây của Diệp Quang Ban (2005).
Trong công trình này, Diệp Quang Ban đã áp dụng mô hình ngữ pháp chức năng của M.A.K
Halliday vào ngữ liệu tiếng Việt, theo đó cấu trúc câu tiếng Việt được phân tích thành 4 kiểu cấu
trúc gồm 3 kiểu cấu trúc thực hiện chức năng (cấu trúc nghĩa biểu hiện với vị tố và các tham thể;
cấu trúc thức với biểu thức thức và phần dư, và cấu trúc đề - thuyết với hai thành tố đề và
thuyết) và cấu trúc cú pháp (gồm chủ ngữ, vị tố và các loại bổ ngữ, đề ngữ và gia ngữ); Ứng với
các kiểu cấu trúc cú pháp, cầu trúc nghĩa biểu hiện và cấu trúc đề thuyết, theo cách nhìn của
Halliday, tác giả phân biệt ba kiểu chủ thể có mặt trong câu: chủ thể ngữ pháp (chủ ngữ), chủ thể
lôgich và chủ thế tâm lí (Diệp Quang Ban 2005: 50-51). Chúng tôi cho rằng việc phân biệt các
bình diện phân tích cấu trúc theo cách của Halliday là hoàn toàn cần thiết để tìm hiểu tính đa
diện của cấu trúc câu, tuy nhiên sử dụng theo lối lồng ghép cả ba bình diện diện với 4 kiểu cấu
trúc để phân tích cấu trúc câu tiếng Việt như Diệp Quang Ban đã tiến hành chỉ làm cho việc phân
tích câu thêm rắc rối. Mặt khác như sẽ chỉ ra dưới đây, chức năng chủ yếu của câu không phải là
biểu hiện sự tình mà là thông báo, vì vậy tiến hành phân tích cấu trúc nghĩa biểu hiện (với vị tố
và các tham thể) và hình thức bề mặt tương ứng của nó cấu trúc cú pháp (gồm vị tố và các chức
năng cú pháp) ở cấp độ câu chưa hẳn là một giải pháp đúng đắn.
Vậy, có thể lựa chọn một giải pháp như thế nào cho việc phân tích cấu trúc cú và câu
tiếng Việt dựa trên sự kết hợp hai cách tiếp cận chủ - vị và đề - thuyết. Từ các cách tiếp cận trên
đây, chúng tôi thấy rằng trong việc phân tích cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt đã có một số sự
nhầm lẫn hoặc mơ hồ mà nếu không làm sáng tỏ thì khó có thể có được một giải pháp phân tích
cấu trúc câu hợp lí. Trước hết đó là sự nhầm lẫn trong việc xác định chức năng và cấu trúc cú
pháp của hai đơn vị ngữ pháp hữu quan là câu và cú (mệnh đề ngữ pháp). Cho đến nay, hầu như
tất cả các nhà nghiên cứu, dù theo quan điểm chủ -vị hay đề thuyết, đều cho rằng cú và câu có
chức năng và cấu trúc cú pháp giống nhau, sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ câu thì hoàn toàn độc lập
(là một cú độc lập hoặc do nhiều cú kết hợp lại với nhau), còn cú có thể độc lập (câu đơn) hoặc
không độc lập (bộ phận của câu ghép). Vì vậy, thậm chí nhiều tác giả cho rằng việc phân biệt cú
và câu là không cần thiết, nên đã thay thế cú bằng thuật ngữ “nòng cốt” để phân biệt câu đơn
(câu có một nòng cốt) và câu ghép (câu có hai nòng cốt) (UBKHXH 1983, Trần Ngọc Thêm
1985, Nguyễn Minh Thuyết Nguyễn Văn Hiệp 1998), hoặc đồng nhất cú với câu (Diệp Quang
Ban 2005). Có lẽ chỉ có Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo chú ý đến sự khác biệt giữa cú và câu.
Theo Lưu Vân Lăng câu và cú giống nhau ở chỗ đều là những ngữ đoạn thuyết ngữ tính (phân
biệt với ngữ không có thuyết ngữ tính) có cấu trúc đề - thuyết nhưng khác nhau về chức năng: cú
là một “ngữ đoạn chưa kết thúc”, mới “ít nhiều có chức năng thông báo”, còn câu là một “ngữ
đoạn kết thúc, mang một nội dung thông báo hoàn chỉnh” (Lưu Vân Lăng 1975/1998: 16-18).
Cao Xuân Hạo cũng cho rằng cú có cấu trúc đề - thuyết như câu nhưng khác câu “ ở chỗ nó
không phản ánh một hành động nhận định, được thực hiện ngay khi phát ngôn để đưa ra một
mệnh đề, mà biểu thị một cái gì được coi như có sẵn…” (Cao Xuân Hạo 1991/2004: 42). Như
vậy, cả Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo đều có chú ý đến sự khác biệt về chức năng của cú và
câu nhưng lại không phân biệt chúng về mặt cấu trúc khi cho rằng cả hai đơn vị đều có cấu trúc
đề- thuyết.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng các đơn vị ngôn ngữ khác nhau ở chức năng, và cấu trúc
của một đơn vị bao giờ cũng được xây dựng để thực hiện chức năng của nó, chúng tôi thấy rằng
để phân tích cấu trúc cú pháp của câu và cú, cần xét xem chúng giống nhau hay khác nhau về
mặt chức năng. Hiện nay, các nhà Việt ngữ học có nhiều cách hiểu khác nhau về chức năng của
câu. Một số cho rằng câu có chức năng chủ yếu là biểu hiện sự tình (Trần Trọng Kim 1936,
Trương Văn Chình- Nguyễn Hiến Lê 1964), một số khác cho rằng chức năng chủ yếu của câu là
biểu hiện một tư tưởng trọn vẹn, một phán đoán hay một thông báo (Nguyễn Kim Thản 1964,
Diệp Quang Ban 1980/1987, UBKHXH 1983, Lê Xuân Thại 1994). Gần đây, dưới ảnh hưởng
của cách tiếp cận chức năng, nhiều nhà nghiên cứu nói đến tính đa chức năng, đa bình diện của
câu, theo đó câu có cả chức năng biểu hiện và chức năng thông báo (liên nhân hay trao đổi). Về
chức năng của cú, ngoài các ý kiến của Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo đã đề cập ở trên, các
nhà nghiên cứu khác có đề cập đến khái niệm này đều mặc nhiên coi nó giống với câu.
Chúng tôi cho rằng với tư cách là 2 đơn vị ngữ pháp cú và câu có chức năng khác nhau
về cơ bản. Câu là đơn vị ngôn ngữ được người nói tạo lập trong các hoàn cảnh giao tiếp, vì vậy
chức năng quan trọng nhất của câu là chức năng truyền đạt một thông báo chứ không phải là
chức năng biểu hiện phán đoán hay biểu hiện sự tình. Khi người ta nói một câu là người ta đưa ra
một thông báo (thông điệp): thông báo đó có thể là một phán đoán hay nhận định (trong câu
tường thuật: Trời mưa/Trời không mưa), một câu hỏi (trong câu nghi vấn: Trời có mưa
không?), một lời cầu khiến (trong câu cầu khiến: Trời mưa đi!) hay cảm thán (trong câu cảm
thán: Trời mưa to quá!), v.v. Cần phải phân biệt chức năng thông báo của câu nói chung với
chức năng biểu hiện mệnh đề lôgich (phán đoán hay nhận định) của câu tường thuật. Chúng ta
biết rằng, tiêu chí để phân biệt một câu có biểu hiện mệnh đề hay không là dựa vào giá trị chân
ngụy. Theo đó, chỉ có câu tường thuật phi ngôn hành mới có chức năng biểu hiện mệnh đề, còn
các kiểu câu khác (câu tường thuật ngôn hành, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán) chỉ có chức
năng thông báo mà không có chức năng biểu hiện mệnh đề (mặc dù ý nghĩa của chúng có liên
quan đến nội dung mệnh đề). Vì vậy, nói câu có chức năng biểu hiện thông báo là đúng và như
vậy là bao hàm cả chức năng biểu hiện mệnh đề của câu tường thuật, còn nói câu có chức năng
biểu hiện mệnh đề là không ổn vì trên thực tế đó chỉ là chức năng thông báo riêng của một kiểu
câu (câu tường thuật) mà thôi. Vì vậy. khi nói đến ý nghĩa của câu trước hết phải nói đến ý
nghĩa thông báo chứ không phải chỉ là nội dung mệnh đề. Ý nghĩa này luôn gắn với mục đích
thông báo của người nói và mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Mặt khác, chức năng cơ
bản của câu cũng không phải là biểu hiện sự tình. Người nói nói ra một câu ở một tình huống nào
đấy không phải để mô tả hay phản ánh về sự tình ấy vào tư duy mà là đưa ra một thông điệp về
sự tình ấy cho người nghe (khẳng định, phủ định, hỏi, vv). Chức năng biểu hiện theo chúng tôi là
của cú.
Khác với câu, cú là đơn vị được tạo lập không phải để thông báo mà là để biểu hiện các
sự tình, gắn với chức năng biểu hiện của ngôn ngữ. Xét về mặt chức năng, có thể nói cú giống
với ngữ hơn là với câu: câu có chức năng thông báo còn cú và ngữ chỉ có chức năng biểu hiện.
Điểm khác biệt giữa cú và ngữ chỉ là ở chỗ: cú biểu hiện các sự tình của thế giới ngoại ngôn và
cấu trúc hóa nó trong cấu trúc nghĩa biểu hiện với vị tố trung tâm và các tham thể theo cách tri
nhận của người bản ngữ, còn ngữ chỉ biểu hiện các phân đoạn của sự tình với tư cách là thành tố
(vị tố và các tham thể) của cấu trúc nghĩa biểu hiện. Đó chính là lí do vì sao một số tác giả cho
rằng cú không có được “chức năng thông báo” hay “phản ánh một nhận định đầy đủ như câu”
(Lưu Vân Lăng 1975, Cao Xuân Hạo 1991: đã dẫn). Với tư cách là đơn vị cú pháp có chức năng
biểu hiện sự tình, cấu trúc nghĩa biểu hiện và cấu trúc cú pháp của cú được tổ chức phụ thuộc
vào thế giới ngoại ngôn (khách quan) và phương thức tri nhận của một cộng đồng ngôn ngữ (chủ
quan) hơn là phụ thuộc vào người nói và mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Vì vậy,
phân tích ý nghĩa biểu hiện và cấu trúc nghĩa biểu hiện với tư cách là sự phản ánh các sự tình của
thế giới ngoại ngôn vào ngôn ngữ qua tư duy của người bản ngữ, nên bắt đầu từ cú chứ không
phải từ câu. Thực tế nhiều nhà nghiên cứu coi nghĩa biểu hiện là của câu và phân tích nghĩa biểu
hiện ở cấp độ câu, nhưng trong thực tế họ chỉ phân tích nghĩa biểu hiện của các câu tường thuật
điển mẫu, tức là các câu có ý nghĩa và hình thức gần với cú nhất, mà bỏ qua việc phân tích cấu
trúc nghĩa biểu hiện của các kiểu câu hỏi, cầu khiến hay cảm thán vì ở những kiểu câu này các sự
tình được phản ánh rất mờ nhạt, phiến diện, (ở câu hỏi, nhiều tham thể không được xác định và
không được biểu hiện bằng một biểu thức qui chiếu, ví dụ: Ai nói đấy?, Anh làm gì?; ở câu cấu
khiến vai chủ thế loại trừ ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba hoặc bất động vật) thậm chí là không hề có
(ví dụ trong các câu cảm thán: Ái. Ối). Vì vậy chúng tôi cho rằng ý nghĩa biểu hiện gắn với chức
năng biểu hiện là của cú. Cú chỉ có chức năng thông báo và ý nghĩa thông báo khi được sử dụng
như một câu và được tổ chức về mặt cấu trúc như một câu, và khi đó tất nhiên cú đã trở thành
câu và vì vậy phải ứng xử với nó như câu.
Từ sự phân biệt chức năng của cú và câu như vậy chúng tôi đề xuất đề xuất giải pháp phân
tích cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt như sẽ trình bày dưới đây.

2.2 Nội dung của giải pháp


2.2.1 Phân tích cấu trúc của cú tiếng Việt.
Xét theo quan điểm cấu trúc-chức năng, với tư cách là đơn vị ngữ pháp có chức năng
biểu hiện sự tình, cấu trúc cú pháp của cú phải được xác lập phù hợp với chức năng đó. Vậy cấu
trúc cú pháp đó của cú là gì: đề- thuyết hay chủ -vị. Cấu trúc đề -thuyết rõ ràng không phù hợp
với chức năng này bởi vì nó được xác lập theo quan điểm thông báo: đề là “cái nói đến” hay là
“xuất phát điểm” của câu, còn thuyết là bộ phận “nói về” hay “mang các thông tin” về đề. Còn
cấu trúc chủ -vị thì sao? Các công trình nghiên cứu về loại hình học và phổ niệm ngôn ngữ cho
thấy, việc mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện của cú về mặt cú pháp ở các ngôn ngữ có những điểm
tương đồng và khác biệt. Điểm tương đồng đã được nhiều nhà nghiên cứu khái quát hóa thành
các phổ niệm là: ở tất cả các ngôn ngữ, vị tố thường được mã hóa thành các vị ngữ (với trung
tâm là vị từ), các tham thể thường được mã hóa qua các chức năng cú pháp như chủ ngữ, bổ ngữ
hay trạng ngữ (được biểu hiện bằng danh ngữ, giới ngữ hay cú). Xét mối quan hệ giữa các chức
năng cú pháp là chủ ngữ (CN) và bổ ngữ (BN) với các vai nghĩa của các tham thể, người ta nhận
thấy có một xu hướng đồ chiếu (mapping) như sau:

Tác thể > Đối thể > Tiếp thể > Lợi thể > Công cụ > Vị trí > Thời gian
CN x > x > x > x > x > x > x
BN x > x > x > x > x > x

(Dik 1981: 109)


Thang độ trên cho thấy, các ngôn ngữ có xu hướng mã hóa tác thể bằng chức năng chủ
ngữ, và mã hóa đối thể bằng chức năng bổ ngữ. Nói cách khác cấu trúc chủ - vị có chức năng
mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện chứ không phải là biểu hiện một thông báo như cấu trúc đề-
thuyết. Tuy nhiên, có sự khác biệt về phương thức mã hóa cấu trúc biểu hiện bằng cấu trúc chủ -
vị ở các ngôn ngữ, biểu hiện ít nhất là ở hai phương diện: liên kết hình thái cú pháp
(morphosyntactic alignment) và trật tự từ (word order). Về mặt hình thái-cú pháp, trên cơ sở
nghiên cứu hình thức biểu hiện của ba chức năng cú pháp chính là A (chủ ngữ tác thể, ví
dụ: Tôi đọc sách), S (chủ ngữ nghiệm thể, ví dụ: Tôi ngã) và O (bổ ngữ đối thể/bị thể, ví dụ: Tôi
đọc sách), các nhà loại hình học đã chỉ ra rằng cách thức mã hóa các chức năng cú pháp để biểu
thị các vai nghĩa là khác nhau ở các ngôn ngữ, trên cơ sở đó đã phân biệt 6 loại hình liên kết hình
thái-cú pháp là: đối cách (A=S≠O), tác cách (A≠S=O), chủ cách ( A=O≠ S), tam phân (A≠S≠O)
và trung hòa (A=S=O). Về mặt trật tự từ, những khác biệt về trật tự từ của các thành tố cú pháp
trong cấu trúc chủ -vị (S, V, O) là cơ sở để các nhà loại hình học phân loại các loại hình trật tự từ
khác nhau như SVO, SOV hay OVS… (Comrie 1989, Song Jung 2001).
Quay trở lại với cú tiếng Việt, chúng tôi cho rằng cũng như ở các ngôn ngữ khác, cú
tiếng Việt có cấu trúc cú pháp là cấu trúc chủ -vị có chức năng mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện
để phản ánh các sự tình ngoại ngôn. Cấu trúc cú pháp nòng cốt của cú có thể được mô tả bằng ba
chức năng ngữ pháp cơ bản là chủ ngữ (CN), vị ngữ (VN) và bổ ngữ (BN), trong đó vị ngữ là
trung tâm, chủ ngữ là thành tố bắt buộc thứ nhất (có ở mọi kiểu cú) và bổ ngữ là thành tố bắt
buộc thứ hai (chỉ có ở một số kiểu cú). Cần lưu ý khái niệm bổ ngữ ở đây được dùng như là
thành tố bắt buộc thứ hai của vị ngữ về mặt cú pháp nên nó không ràng buộc với một vai nghĩa
nào, mặc dù bổ ngữ điển mẫu thường có vai nghĩa là đối thể/bị thể. Các cú điển mẫu (không
đánh dấu) là các cú có các nòng cốt là cấu trúc chủ vị như sau:
1. CN – VN
1a. CN – VN (ĐT) Nó chạy
1b. CN – VN (TT) Trời đẹp
1c. CN - VN (DT) Nam 20 tuổi

2. CN – VN – BN
2a. CN – VN (ĐT) – BN: Nó đọc sách
2b. CN – CN (ĐT) – BN1 – BN2: Mẹ cho nó tiền
2c. CN – VN (là) - BN: Nam là sinh viên
3. BN – VN – CN
3a. BN – VN (ĐT) – CN: Trong túi có tiền
3b. BN – VN (là) – CN: Phía trước là núi

Các cú điển mẫu này có thể còn tiếp tục được phân chia thành thành nhiều tiểu loại khác
nhau dựa trên sự khác biệt về nghĩa biểu hiện và hình thức của các thành tố cú pháp.
Khi tham gia vào câu, dưới ảnh hưởng của việc tổ chức câu, các cú điển mẫu có thể thay
đổi theo nhiều hướng khác nhau như: lược bớt các thành tố (Tôi đọc sách > đọc sách > sách), mở
rộng bằng các phụ ngữ (Hôm qua, tôi đọc sách trong thư viện), thay đổi trật tự các thành tố (Tôi
đọc quyển sách này > Quyến sách này tôi đọc rồi), vv. Lúc đó, cú phải được phân tích từ góc độ
chức năng và cấu trúc câu.

2.2.2 Phân tích cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt
Khác với cú, câu là đơn vị có chức năng thông báo, tức là biểu hiện một thông điệp (chứ
không phải biểu hiện một phán đoán), do đó cấu trúc cú pháp của câu cũng được xác lập phù hợp
với chức năng này. Theo đó, chúng tôi tán thành quan điểm cho rằng cấu trúc cú pháp của câu
được tổ chức dựa trên cấu trúc đề - thuyết, trong đó đề là bộ phận biểu thị “cái được nói đến” hay
là “xuất phát điểm” của thông điệp (chứ không phải chỉ sở đề của phán đoán/mệnh đề lôgich) và
thuyết là bộ phận mang thông tin mà người nói muốn nói về đề (chứ không chỉ là sở thuyết của
phán đoán/mệnh đề lôgich). Cách phân tích đề-thuyết như vậy áo dụng cho tất cả các kiểu câu
(tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán) chứ không phải chỉ cho riêng cho câu tường thuật
như nhiều nhà nghiên cứu vẫn mặc định. Các vấn đề cụ thể khác như đặc điểm của đề và thuyết,
phương tiện đánh dấu quan hệ đề - thuyết, cách thức xác định ranh giới đề- thuyết, các kiểu cấu
trúc đề - thuyết của câu tiếng Việt, về cơ bản chúng tôi tán thành các kiến giải của Cao Xuân
Hạo trong công trình Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991/2004).những ý kiến khác
biệt chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.
Có một câu hỏi đặt ra ở đây là câu có quan hệ như thế nào với cú? Ở trên chúng tôi đã nói
rằng cú có chức năng biểu hiện sự tình và có cấu trúc cú pháp tương ứng với chức năng đó là cấu
trúc chủ -vị. Đó là chúng ta xem xét cú như một ngữ đoạn tĩnh trong sự độc lập tương đối với
câu. Tuy nhiên trong thực tế giao tiếp, khi người nói sử dụng các câu có nội dung thông báo liên
quan đến một sự tình nhất định do cú biểu thị (chẳng hạn đưa ra một nhận định hay một câu hỏi
về một sự tình), các cú điển mẫu có thể được tổ chức lại theo mục đích phát ngôn của người nói.
Chẳng hạn, một cú điển mẫu CN – VN – BN như ‘Tôi uống cà phê” mô tả một sự tình “Tôi (Tác
thể) uống (V tác động), cơm (Bị thể), tùy theo điểm nhìn để lựa chọn điểm xuất phát của người
nói, có thể được tổ chức thành các câu có cấu trúc đề thuyết khác nhau “Tôi//uống cà phê rồi”,
“Tôi//thì uống cà phê rồi” hoặc “Cà phê// (thì) tôi uống rồi”, hoặc thêm vào một đề ngữ để biến
cả cú thành một thuyết ngữ “Sáng nay//, tôi uống cà phê rồi”. Như vậy cấu trúc chủ vị và cấu
trúc đề- thuyết là khác nhau: cấu trúc chủ -vị là của cú gắn với chức năng biểu hiện, còn cấu trúc
đề- thuyết là của câu, gắn với chức năng thông báo. Cũng cần nói thêm rằng ngay cả khi cú chưa
được phát triển thành một câu độc lập nhưng đã tham gia vào câu như một thành tố cú pháp (làm
thành phần câu đơn hay bộ phận của câu ghép) thì cấu trúc cú pháp của cú cũng đã bắt đầu
chuyển hóa từ quan hệ chủ -vị sang quan hệ đề -thuyết bởi vì lúc đó cú không phải được dùng
với chức năng biểu hiện nữa mà bắt đầu được dùng với chức năng thông báo (ví dụ: Trời mưa
(cú điển mẫu) > Trời thì mưa mà vẫn phải đi làm. Trời mà mưa thì tôi không đi làm). Lúc đó cú
có tính chất nửa cú, nửa câu nên có thể gọi là tiểu cú hoặc bán cú..

Tóm lại, khác với hai quan niệm phân tích cấu trúc chủ -vị và cấu trúc đề -thuyết đối lập
nhau, xuất phát từ quan điểm cấu trúc-chức năng, chúng tôi cho rằng cần phân biệt trong tiếng
Việt hai kiểu cấu trúc cú pháp của hai đơn vị khác biệt nhau về mặt cấu trúc- chức năng: Cấu
trúc chủ - vị là cấu trúc của cú hay mệnh đề (clause), đơn vị cú pháp có chức năng cơ bản là
biểu hiện các sự tình, gắn với chức năng biểu hiện của ngôn ngữ. Còn cấu trúc đề- thuyết là cấu
trúc cú pháp của câu, đơn vị cú pháp có chức năng cơ bản là truyền đạt một thông báo, gắn liền
với chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Hai kiểu cấu trúc này nên được coi là bổ sung cho nhau
chứ không loại trừ nhau trong hệ thống cú pháp tiếng Việt. Theo hướng tiếp cận này, việc phân
tích cú pháp tiếng Việt đáp ứng được sự thỏa đáng trên cả hai phương diện loại hình và phổ niệm
ngôn ngữ.

Tài liệu tham khảo:


1. Bùi Đức Tịnh. Văn phạm Việt Nam. Sài Gòn, 1952.
2. Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb KHXH,
Hà Nội 1991 (Nxb Giáo dục tái bản 2004).
3. Cao Xuân Hạo. Câu và kết cấu chủ-vị. T/c Ngôn ngữ, s.13/2002, tr. 1-20.
4. Dik S.C. Funtional Grammar. Foris Publications. Đordrecht – Holland/
Cinnaminson –USA, 1981.
5. Diệp Quang Ban. Cấu tạo câu đơn tiếng Việt. Trường ĐHSP Hà Nội, 1984.
6. Comrie B. Language universal and linguistic typology. Basil Blackwell,
1981/1989.
7. Croft, W. Typology and universals, Cambridge University Press, 1990.
8. Diệp Quang Ban . Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội 2005
9. Hoàng Trọng Phiến. Ngữ pháp tiếng Việt (câu). Nxb ĐH&THCN,
Hà Nội 1990.
10. LêXuân Thại. Câu chủ vị tiếng Việt. Nxb KHXH, Hà Nội,1994.
11. Lê Xuân Thại. Mấy suy nghĩ về quan niệm Đề- Thuyết của GS Cao Xuân
Hạo. T/c Ngôn ngữ, s.14/2002. tr 71-79.
12. Lưu Vân Lăng. Ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb KHXH, Hà Nội,1998.
13. Nguyễn Hồng Cổn. Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt. T/C
Ngôn ngữ, s.5/2001, tr.43-53.
14. Nguyễn Kim Thản: Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt.T2. Nxb KHXH,
Hà Nội 1964.
15. Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp. Lý thuyết thành phần câu và thành
phần câu tiếng Việt. Nxb ĐạHQG Hà Nội, 1998.
16. Phan Khôi. Việt ngữ nghiên cứu. Hà Nội, 1955 (Nxb Đà Nẵng tái bản 1997).
17. Song Jung. Linguistics Typology- Morphology and Syntax. Pearson Education
Limited, 2001.
18. Thompson L.C. A Vietnamese Grammar. University of Washington Press.
Seatlte and London, 1965.
19. Tiểu ban Tiếng Việt trong nhà trường (Hội Ngôn ngữ học Tp HCM). Ngữ pháp
chức năng, cấu trúc đề thuyết và ngữ pháp tiếng Việt. T/c Ngôn ngữ,
s.14/2005, tr 62-70 .
20. Trần Ngọc Thêm. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Nxb ĐH &THCN,
Hà Nội, 1985.
21. Trần Trọng Kim. Việt Nam văn phạm. Hội Khai trí Tiến đức, Hà Nội 1936
(Nxb tái bản 2007).
22. Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam.
Đại học Huế, Huế 1963.
23. UBKHXHVN. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH 1983 (tái bản 2002).

(* ) Bài đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ số 2, 2009

You might also like