Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

BỒ TÁT ĐỊA TẠNG – VỊ BỒ TÁT BẢO VỆ TRẺ EM

Địa Tạng Bồ tát là một trong những vị Bồ tát vô cùng đặc biệt đối với người dân Nhật Bản.
Một trong những lý do khiến Ngài trở nên đặc biệt và thân quen, đến nỗi người ta có thể bắt
gặp hình tượng Ngài ở hầu như mọi nơi trên đất nước mặt trời mọc vì Ngài là vị Bồ tát bảo vệ
trẻ em, vị Bồ tát chăm sóc những linh hồn bé nhỏ. Người Nhật tin rằng những em bé dù đã
được sinh ra hay chưa được sinh ra mà phải chết trước cha mẹ thì chưa có khả năng phân biệt
đúng sai, chưa có khả năng hiểu được lời Phật dạy nên không thể sinh về cõi Phật được mà
phải chịu phạt vì đã làm cho cho cha mẹ đau lòng. Hằng ngày, các em sẽ phải xây những ngôi
tháp nhỏ bằng sỏi trên bờ sông Sai (Sai no kawara) dâng lên cha mẹ mình để tích lũy đủ phước
đức mới có thể tái sanh được. Tuy nhiên, mỗi khi đêm về, quỷ dữ lại xuất hiện và phá tan
những ngôi tháp nhỏ này. Thỉnh thoảng, lúc các em đang chơi đùa, quỷ dữ còn dọa nạt khiến
các em khiếp sợ. Những lúc như vậy, Bồ tát Địa Tạng sẽ hiện ra, an ủi các em, giấu các em vào
trong tay áo của Ngài để được Ngài che chở.

Phần lược dịch dưới đây là một phần nhỏ trong Chương 4: Bồ tát Địa Tạng – Vị Bồ tát bảo vệ
trẻ em (Chapter four: Jizo Bodhisattva - Protector of Children), tác phẩm "Jizo Bodhisattva:
Modern Healing and Traditional Buddhist Practice" của tác giả Jan Chozen Bays.

***

Nguồn gốc của vị Bồ tát hộ vệ trẻ em

Bồ tát Địa Tạng trở thành vị giám hộ trẻ em kể từ thời kỳ trung đại, và chỉ tồn tại ở Nhật Bản
mà không xuất hiện trong văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc hay Tây Tạng. Tầng lớp quý tộc
Nhật Bản là tầng lớp đầu tiên thờ kính Bồ tát Địa Tạng. Họ thích hình tượng Bồ tát với gương
mặt trẻ đẹp, và thậm chí là hình dáng giống trẻ em hơn, vì Ngài có vai trò quan trọng đối với
trẻ em. Bồ tát được khắc họa dưới hình dáng một vị thầy tu bồng một em bé, và về sau này,
chuyển thành hình dáng của một thầy tu trẻ con. Khuynh hướng này vẫn tồn tại đến ngày nay
và có khi người ta còn tạo hình Bồ tát giống một vị thầy tu trong hình hài em bé dễ thương như
trong phim hoạt hình.
Vậy thì vai trò đối với trẻ em của Bồ tát Địa Tạng đã hình thành như thế nào? Một trong những
giả thiết là do khả năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt khi chúng ra đời, của Ngài được đề cập trong
kinh Bồ tát Địa Tạng viết bằng tiếng Trung Quốc truyền vào Nhật Bản ở thế kỷ thứ 7. Trong
một chương của kinh, Chủ Mạng Quỷ Vương, vị sẽ thành Phật trong tương lai, vị chịu trách
nhiệm về tuổi thọ của con người, thưa với đức Phật:

"Khi sắp sinh hoặc vừa mới sinh, mọi người chỉ nên làm việc phước lành. Như vậy thì những vị
thần xung quanh không chỉ bảo vệ bà mẹ và em bé mới sinh mà còn phù hộ cho cả gia đình
được bình an và hạnh phúc. Cần cẩn thận tránh việc giết hại để cung cấp thức ăn tươi ngon cho
người mẹ mới sinh, cũng như gia quyến tụ tập ăn mừng bằng các loại rượu, thịt, âm nhạc và ca
hát; bởi vì tại thời điểm khó khăn của việc sinh nở, có vô số các loài ma ác mong được uống
máu. Nếu như vậy, các thần thổ địa sẽ vui mừng và bảo vệ cả người mẹ và em bé."

Đoạn kinh này có ý rằng các loài ma ác có thể bị hấp dẫn bởi việc giết hại, ăn thịt và bởi các
hành vi xấu ác khi bị say rượu của những người trong gia quyến lúc ăn mừng. Các loài ma quỷ
này có thể gây hại cho người mẹ và em bé mới sinh.

Ở một đoạn khác, đức Phật Thích Ca nói với Bồ tát Phổ Quảng :

"Cha mẹ đứa trẻ nên trì tụng danh hiệu Bồ tát Địa Tạng và kinh này mười ngàn lần trong vòng
bảy ngày trước khi sinh. Nếu đứa bé sắp sinh phải có cuộc sống bất hạnh, nhờ đó nó sẽ được
thoát khỏi ác nghiệp này và có được sự bình an, hạnh phúc, dễ nuôi và sống lâu. Còn nếu đứa
bé sắp sinh sẽ có cuộc sống hạnh phúc thì nhờ đó mà nó sẽ được hạnh phúc hơn và sống lâu
hơn."

Đoạn kinh này ngụ ý rằng thọ mạng con người không phải cố định, và làm việc phước lành sẽ
giúp chúng ta sống lâu hơn và hạnh phúc hơn, trong khi làm việc ác sẽ khiến ta tổn thọ và gặp
nhiều tai họa.

Trong truyền thống của Trung Quốc, mặc dù từ sau khi Phật Giáo truyền vào Nhật Bản ở thế
kỷ thứ 6 và thứ 7, Bồ tát Địa Tạng có thêm vai trò là bảo vệ người nữ, nhưng những đoạn kinh
này lại không tạo ra một mối liên hệ mạnh mẽ nào giữa Ngài và vai trò bảo vệ trẻ em. Ở Nhật
Bản, phụ nữ thuộc giai cấp quý tộc sớm thờ kính Địa Tạng Bồ tát, một số còn xem Ngài như là
vị thần giám hộ của họ. Vào khoảng thế kỷ 11-12, nhờ vào những câu chuyện dân gian mà giai
cấp bình dân bắt đầu tôn thờ Bồ tát Địa Tạng. Nhóm những người thờ kính Bồ tát được gọi là
Jizo-ko, thường có nhiều phụ nữ tham gia hơn là nam giới. Tại các buổi họp hàng tháng của các
"câu lạc bộ Địa Tạng" này, những người già sẽ cầu nguyện để được vãng sanh còn người trẻ thì
lại cầu nguyện cho việc sinh nở được dễ dàng và con cái khỏe mạnh.

Khi cuộc sống đầy những bất trắc và những lo lắng chính của người nữ chỉ xoay quanh vấn đề
con cái, như việc thụ thai, sinh nở, giáo dục và chăm sóc con trẻ, họ đã cầu mong sự hộ trì của
Bồ tát Địa Tạng. Vì lý dó đó mà Ngài trở thành vị Bồ tát bảo vệ trẻ em. Ở vùng Kyoto và Nara
có những bức tượng Địa Tạng nổi tiếng được tin là có thể chữa trị các bệnh thương hàn, đậu
mùa, thậm chí cả bệnh sởi. Mặc dù bệnh sởi ngày nay không nguy hiểm nhưng trong quá khứ
nó đã giết chết rất nhiều trẻ em, hoặc khiến chúng bị mù, điếc và chậm phát triển.

Cũng có một giả thuyết khác giải thích cho việc Bồ tát Địa Tạng trở thành vị Bồ tát bảo vệ trẻ
em sau khi Phật giáo truyền vào Nhật Bản. Đó là khi những đứa trẻ bị chết khi còn chưa được
sinh ra hoặc chết khi còn bé, chúng sẽ rất khó khăn trong việc đầu thai nên cần sự cứu giúp của
các bậc Thánh.

Một giả thuyết khác là cha mẹ của những đứa bé bị chết bởi các dịch bệnh thường cảm thấy
khuây khỏa khi nhìn vào hình tượng Bồ tát Địa Tạng không có tóc, gương mặt tròn trịa mỉm
cười, chân trần, áo quần đơn giản gợi nhớ đến hình ảnh đứa con đã mất của họ. Lý giải cho giả
thuyết này là một số hình tượng Bồ tát hiện đại được tạo hình như đứa bé với gương mặt phúc
hậu mặc chiếc áo choàng dài đến bàn chân trông như chiếc áo ngủ quá cỡ.

Bồ tát Địa Tạng – vị Bồ tát bảo vệ trẻ em trong truyền thuyết Nhật Bản

Hình ảnh Bồ tát Địa Tạng, với vai trò là người bảo vệ đặc biệt của trẻ em và là vị Bồ tát có khả
năng hiện thân thành một em bé, xuất hiện trong nhiều câu chuyện thần kỳ vào thời kỳ Heian
(từ 794 đến 1185). Đây là thời kỳ mà nỗi khổ do chiến tranh, biến động xã hội và thiên tai là
nguyên nhân khiến cho người ta tin rằng thời kỳ mạt pháp đã đến và chỉ có phép màu mới có
thể cứu được con người. Dưới đây là một số câu chuyện về Bồ tát Địa Tạng nổi bật của thời kỳ
này:
Chuyện thứ 1:

"Dưới triều đại Thiên hoàng Go-Ichido, bệnh đậu mùa đã trở thành dịch mà không một ai, từ
quý tộc cho đến thường dân, tránh khỏi. Tiếng than khóc của những con người đáng thương
vang ra từ mọi ngôi nhà. Trước nỗi đau khổ của mọi người, nhà sư Ninko đã rất cảm thương
nên đã cầu xin Bồ tát Địa Tạng giúp đỡ. Đêm đó, Ninko mơ thấy một cậu bé xinh đẹp nói với
thầy rằng: "thầy đang quán chiếu sự vô thường của cuộc sống". Ninko trả lời: "Những người tôi
gặp và nói chuyện vào buổi sáng, lúc hoàng hôn đã chết. Cho dù hôm nay hạnh phúc thì nỗi
đau rồi cũng sẽ đến. Không có gì là thường hằng."

Cậu bé mỉm cười, nói rằng: "Đừng có than vãn về những đau khổ của cuộc đời. Đã có bao giờ
mà không có sự đau buồn không? Nếu một người mong ước được giải thoát khỏi sự khổ đau,
người đó nên nghe theo lời dạy của Bồ tát Địa Tạng. Rồi người đó và những người khác sẽ
được sinh ra trong ánh sáng thanh tịnh của đức Phật."

Khi tỉnh dậy, Ninko đến gặp Kojo, một bậc thầy điêu khắc, và nhờ ông ấy làm một bức tượng
Địa Tạng Bồ tát mạ vàng. Khi bức tượng được hoàn thành, Ninko tổ chức một buổi lễ khánh
thành và thuyết giảng về Bồ tát Địa Tạng. Các nhà sư và Phật tử đã cùng nhau kính lễ ngài Địa
Tạng. Mọi người trong chùa và những người đến nghe thuyết Pháp đều khỏi bệnh. Những
người vì quá kiêu mạng mà không tham dự đã gặp phải tai ương. Dịch bệnh chấm dứt không
lâu sau đó, nhưng mọi người vẫn hết lòng tôn kính Bồ tát Địa Tạng."

Chuyện thứ 2, câu chuyện có từ thế kỷ 13:

"Có một ni sư già rất tín kính Bồ tát Địa Tạng và luôn ao ước được thấy Ngài, không chỉ là
hình tượng, mà còn là con người thực nữa. Nghe được tin Bồ tát Địa Tạng ra ngoài vào lúc
rạng đông để giúp đỡ mọi người, buổi sáng nọ ni sư lên đường từ sớm, mặc vào người hai chiếc
y đẹp nhất, hy vọng có thể gặp được Ngài. Không lâu sau đó, sư gặp một người đàn ông. Ông
ta hứa sẽ dẫn ni sư đến chỗ Địa Tạng Bồ tát nếu sư đưa cho ông ta chiếc y của sư. Vị ni sư ngây
thơ không hề biết rằng người đàn ông đó là một tên trộm nên đã đưa chiếc y của mình cho ông
ta. Cười nhạo sự khờ khạo của vị ni sư, tên trộm dẫn sư đến một ngôi nhà nhỏ, ở đó có một
người đàn ông và đứa con trai nhỏ của ông ta đang sinh sống. Tên đứa bé là Địa Tạng.
Vị ni sư mộ đạo không biết rằng mình đã bị lừa. Sư quỳ một cách thành kính và đãnh lễ đứa bé.
Nhìn thấy vậy, tất cả hàng xóm đều cười nhạo vị sư già. Ngay lúc đó, đứa bé dùng chiếc que nó
vẫn hay chơi đùa gãi bâng quơ lên trán. Bỗng nhiên, mặt đứa bé tách đôi và bên trong xuất hiện
gương mặt bằng vàng sáng chói đẹp đẽ của Bồ tát Địa Tạng. Như vậy, vị ni sư đã đạt được ước
nguyện và khi qua đời, nhờ lòng tin tưởng thành kính của mình mà sư đã được sinh về cõi cực
lạc."

Câu chuyện tiếp theo nói về nỗi thống khổ của những đứa con riêng. Nếu cuộc sống của trẻ em
thời trung đại đã khổ thì cuộc sống của những đứa con riêng còn khổ hơn. Vì vậy mà trong
kinh Bồ tát Địa Tạng đã nói đến quả báo của những người cha mẹ hoặc cha mẹ kế ác độc là họ
sẽ bị đánh đập ở kiếp sau.

"Ngày xưa ở Anwa có một người phụ nữ rất tin vào Bồ tát Địa Tạng và cầu nguyện rằng bà sẽ
có một bức tranh của Bồ tát trong nhà để thờ cúng. Ngày nọ, bà tìm thấy một bức tượng Bồ tát
cũ bằng gỗ trên dòng sông phía trước nhà. Bà rất vui mừng và mỗi sáng, tối đều cầu nguyện Bồ
tát ban cho bà một đứa con. Rồi bà có thai và sinh ra một bé trai. Nhưng khi đứa bé được bốn
tuổi, bà bỗng nhiên qua đời. Chồng bà cưới vợ khác và người vợ này rất ác độc với đứa con
riêng. Đứa bé bắt chước người mẹ quá cố của nó là thường cầu nguyện Bồ tát Địa Tạng. Một
hôm, khi người cha đi xa, đứa bé lấy một ít gạo, dâng cúng lên Bồ tát và bàn thờ của mẹ và
khóc than cho sự mất mẹ của mình. Khi người mẹ kế về nhà, bà ta thấy đứa bé đang quỳ trước
bàn thờ thì nổi cơn thịnh nộ. Bà nắm lấy đứa bé và ném vào nồi nước đang sôi trên bếp.

Vào lúc đó, người cha đang đi trên đường bỗng thấy lo lắng và không thể đi tiếp được. Ông ta
cảm thấy cần phải quay về. Trên đường về, ông ta nhìn thấy ở bên vệ đường có một nhà sư
cõng một đứa bé đang khóc trên lưng. Ông nhận ra đó là tiếng khóc của con trai mình. Người
cha hỏi nhà sư đó là con của ai, nhà sư trả lời "tôi đã phải đổi thân mình cho đứa trẻ này khi nó
sắp bị mẹ kế giết. Ông phải giao đứa bé cho người khác nuôi dạy nó." Nhà sư đặt đứa bé vào
tay của người cha lúc này đang run rẫy khiếp sợ. Ông hỏi nơi nhà sư đang sống, nhà sư trả lời:
"gần chùa Tạng Vương" rồi biến mất.

Sau khi gửi con cho những người bạn tốt chăm sóc, người cha trở về nhà. Ông ta thấy người vợ
đang đốt thêm củi để nấu nồi nước sôi. Người vợ nhìn thấy chồng thì lập tức dập tắt lửa và ra
vẻ rất đau buồn. Người chồng liền hỏi: "con đâu?". Giả vờ đau lòng, bà ta trả lời là đứa bé chơi
gần sông và đã ngã xuống chết đuối. Người chồng bước tới mở nắp nồi nước sôi ra thì nhìn
thấy bức tượng Địa Tạng Bồ tát bằng gỗ cũ đang nổi lên. Ông ta hiểu ra được sự thật kinh
khủng và biết được rằng Bồ tát đã cứu con mình bằng cách hoán đổi vị trí. Chua chát và đau
khổ, ông ta bỏ nhà và xuất gia làm nhà sư. Từ đó về sau, ông hết lòng tin tưởng và thờ kính Bồ
tát Địa Tạng."

Lễ hội Địa Tạng cho trẻ em ở Nhật Bản

Ngày vía Địa Tạng Bồ tát ( 地蔵盆), một ngày đặc biệt ở Nhật Bản, là ngày hai mươi bốn tháng
bảy theo Âm lịch. Các ngôi chùa đặc biệt tu theo Địa Tạng mật tông thì có thể tổ chức lễ này
vào mỗi tháng. Ở vùng Kyoto và Osaka thì lễ hội nhằm mục đích thể hiện sự tôn kính đối với
Bồ tát Địa Tạng vẫn được tổ chức vào tháng tám (Tây lịch), sau lễ Obon (Vu Lan).

Trong suốt những tuần lễ Obon, người ta tin rằng những cánh cổng giữa thế giới con người và
các thế giới khác được mở ra để linh hồn của người đã mất được gia đình và người thân tỏ lòng
tôn kính và chào đón về thăm nhà. Các nhà sư rất bận rộn với việc tụng kinh cầu nguyện cho
người thân đã mất của các gia đình tín đồ trong vùng. Các loại thức ăn, đặc biệt là bánh, kẹo,
nước trái cây đóng hộp và cả rượu sake được bày trên bàn thờ để cúng cho những linh hồn đói
khát. Tuy nhiên, kinh chính là vật phẩm dâng cúng tốt nhất, vì chỉ có Giáo Pháp của Phật mới
làm dịu được cơn khát vô tận của các loài và làm nhẹ bớt cơn đói cồn cào của họ.

Lễ hội Obon thường kết thúc bằng việc đốt lửa mừng và nghi lễ thả đèn trên sông hoặc hồ với
hàng trăm con thuyền nhỏ bằng giấy, được thắp sáng bởi những ngọn nến. Những ngọn lửa sẽ
soi sáng con đường trở về nhà nơi cõi khác của những người đã mất. Trên những ngọn đồi ở
chùa Nenbutsu-ji, vô số ngọn nến lung linh trong đêm, chiếu sáng hàng trăm ngôi mộ cổ của
những người vô danh đã được tập hợp về chôn cất ở đây. Lễ vía Địa Tạng Bồ tát diễn ra sau
khi lễ Obon kết thúc vì lúc đó cánh cổng cho phép những linh hồn đã mất quay trở lại trần thế
sẽ đóng và khóa lại. Đây là lúc thích hợp để cầu xin Bồ tát Địa Tạng giúp đỡ những linh hồn
này trên chuyến hành trình trở về, có thể là đến những cảnh giới khổ đau.
Lễ vía Bồ tát Địa Tạng trở thành ngày hội cho trẻ em, là lúc để bày tỏ lòng biết ơn đến Bồ tát
và cầu xin Ngài che chở để các em có thể vượt qua được những khó khăn trong thời thơ ấu.
Dưới đây là một đoạn miêu tả về lễ vía Bồ tát Địa Tạng ở Kyoto được viết trên một tờ báo:

"Về hình thức, lễ hội tôn giáo này giống như một buổi liên hoan vui vẻ để kết thúc mùa hè giữa
những người hàng xóm. Trẻ em dưới 13 tuổi và người lớn trong khu phố sẽ cùng tham gia. Vào
buổi sáng của ngày 24, một cái rạp sẽ được dựng lên phía trước miếu thờ hoặc tượng của Bồ tát
Địa Tạng. Nếu bức tượng nằm ở khu vực đông dân cư, gia đình sống gần đó sẽ mở cửa các căn
phòng trước nhà ra để phục vụ cho lễ hội, mục đích là để Bồ tát cũng có thể tận hưởng được
niềm vui của buổi lễ.

[Bồ tát và miếu thờ đã được lau chùi sạch sẽ từ trước.] Từ sáng sớm, vật phẩm dâng cúng gồm
thức ăn, nước uống, hương, nến và hoa đã được bày dọn. Tượng Bồ tát và miếu thờ sẽ được
trang trí bằng vải đỏ và trắng. Tên của mỗi gia đình sẽ được viết trên những chiếc đèn lồng màu
đỏ treo trước cửa nhà và sẽ được thắp sáng vào buổi tối để tạo ra ánh sáng dịu dàng trên những
con đường trong khu phố.

Những đứa trẻ háo hức tập hợp từ sớm để tham gia các trò chơi (có trật tự và tự nguyện), nhận
phần thưởng, ăn quà vặt và cùng vui. Ở một số khu phố có thể phục vụ cả món cari, mì hoặc
sushi do chính tay các em chuẩn bị, dưới sự hướng dẫn của người lớn.

Buổi tối là thời điểm tuyệt vời cho việc chơi các loại pháo hoa, thức uống lạnh và dưa hấu, và
có lẽ là cả múa các điệu múa lễ hội (bon-odori). Các em cùng với cha mẹ, trong những bộ
yukata sặc sỡ, tận hưởng một buổi tối lễ hội mát mẻ cùng với những người hàng xóm. Giờ đi
ngủ là lúc các em nói lời cảm ơn lần nữa tới Bồ tát Địa Tạng vì Ngài đã gia hộ cho các em
được sức khỏe, bình an và cầu mong Ngài sẽ tiếp tục che chở cho các em trong tương lai.

Lễ vía Địa Tạng Bồ tát kết thúc nghĩa là mùa hè cũng hết, trẻ em phải quay lại trường học và
người nông dân phải bắt đầu cho một vụ mùa mới vào mùa thu."

Bảo Nguyên

You might also like