Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Trước khi bắt đầu bài viết này thì mình có một vài lưu ý nhỏ:

- Mình không review phim. Mình tóm tắt phim. Mình tóm tắt cho những người ở xa Hà Nội hoặc
không có điều kiện xem phim có thể nắm được tinh thần của bộ phim. Vậy nên những ai đã có
trên tay tấm vé xem phim, vui lòng bỏ qua bài viết này (hoặc không). Xin lưu ý, bài viết này hoàn
toàn không thể thay thế trải nghiệm xem phim, và hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân của
một người bạn của mình tên là Trần Nhật Vũ, mình chắp bút cho hắn. Nhưng mình cũng xin nhận
gạch đá thay hắn vì mình là người viết bài này. Và bài viết này cũng rất dài – cỡ 3400 chữ. Vậy
nên nếu bạn kiên nhẫn đọc thì mình rất biết ơn.

Và đây là phần chính:

ĐÀO, PHỞ & PIANO – Dân tộc Việt Nam đã kiên cường như thế đấy

Đào, Phở & Piano lấy bối cảnh Hà Nội vào đầu năm 1947, khoảng 60 ngày kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh
đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước tiên có thể nói, Đào, Phở & Piano là một tập hợp các bức tranh đối lập. Ở đó có khu phố Tây sang
trọng, sạch sẽ, Tây và Ta đi lại tấp nập, nói cười hân hoan. Họ dùng bữa trong những nhà hàng sang
trọng. Họ thưởng nhạc, chơi mạt chược. Lính Tây, lính mã tà, lính Việt, sở Cẩm đi đầy ngoài đường để giữ
gìn trị an. Một cảnh sung túc và thái bình, như những lời người Pháp hứa hẹn về một xã hội Việt Nam
văn minh với bàn tay của họ. Nhưng đối lập với đó là cảnh tượng điêu tàn, hoang phế ở nơi phố cổ.
Chiến lũy ở khắp nơi, với những tủ chè, sập gụ, giường phản la liệt để ngăn bước tiến quân thù. Là
những người dân còn chưa di tản hết, phải sống trong cảnh tan cửa nát nhà, điều kiện sống tồi tàn, luôn
luôn phải chốn chạy trước những trận càn của người Pháp. Bức tranh đối lập ấy còn được làm phong
phú thêm bởi sự đối lập trong hồi ức của anh lính tự vệ, của chú bé đánh giày: Ấy là những cảnh vui vẻ,
thái bình khi xưa, lúc mà người Pháp chưa đem tiếng súng đến với xứ này. Ấy là cái Tết độc lập trong một
gia đình tư sản. Thầy, mợ thì uống trà, thưởng đào, và du dương theo những phím đàn của người con gái
Hà Nội khuê các. Ấy là những cảnh ô ăn quan trên đường, chú chim sáo hót líu lo trong lồng, hai ông lão
khoái chí bên bàn cờ tướng, các mẹ các bà ngồi khâu vá, nói cười vui vẻ. Nhưng những ngày tháng yên
bình ấy đã qua. Người Pháp đã mang tiếng súng quay trở lại xứ này. Bây giờ, khắp nơi chỉ còn là những
bức câu đối, hoành phi vỡ vụn, bị dẫm đạp bởi bè lũ bạch quỷ, tay lăm lăm súng, lưỡi lê sáng quắc, sẵn
sàng giết bất cứ ai chúng thấy, và hiếp những cô gái xinh đẹp. Là những trận chiến không cân sức giữa
lực lượng Vệ quốc đoàn và lực lượng viễn chinh Pháp: một bên thì “súng to súng nhỏ, xe tăng tàu bò”,
được đào tạo và huấn luyện bài bản, với một bên là những người thợ thuyền, sinh viên, trong tay chỉ có
những khẩu súng tước đoạt từ tay lính Pháp, Nhật, Trung Hoa Dân Quốc, đạn dược luôn thiếu thốn.
Nhưng người chết thì không thiếu. Ấy là những anh lính cảm tử quân, trong tay cầm bom ba càng mà khí
thế uy phong như Triệu Tử cầm đao, liều mình quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Là những binh lính Pháp
chết bỏ xứ theo lý tưởng “văn minh, khai hóa” của nước mẹ Đại Pháp. Mỉa mai thay, nước mẹ Đại Pháp,
quê hương của bức tranh “Thiếu nữ cách mạng”, hay “Nữ thần Tự do dẫn dắt Nhân dân” ( La Liberté
guidant le peuple) (bức tranh có xuất hiện trong phim) lại đem chiến tranh đến xứ Annam, đem ách
áp bức nô lệ đè lên người Annamite, coi họ không khác gì những tên mọi ba xu mà họ mua còn thấy
đắt ở những xứ Algérie, Phi Luật Tân,...

Đào, Phở & Piano là câu chuyện về nhiều con người Hà Nội. Ấy là ông bà hàng phở gánh chưa đi
tản cư, là chú bé đánh giày nhí nhảnh vui tươi. Ấy là những Tự vệ quân dũng cảm, là ông họa sĩ
già, là người cha xứ, là gia đình người tư sản đào hoa phong lưu. Cuối cùng, ấy là hai con người rất
Hà Nội, một trai một gái. Chàng là lãng tử Hà Thành, điển trai, bộc trực, ngay thẳng. Nàng là tiểu
thư khuê các, là một con chiên ngoan đạo.

Với bằng này nhân vật, Đào, Phở & Piano đã kể câu chuyện gì?

Đầu tiên là những người lính. Họ là những con người phải chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn
trang bị, quân số, luôn sẵn sàng phải đánh giáp lá cà, thậm chí đánh cảm tử, còn cái chết và thương
tật thì luôn đến với họ bất kể lúc nào. Thiếu súng ống, đạn dược, họ đánh theo kiểu “nhà nghèo”. Họ
đốt những dây pháo tép rồi đặt trong cái chảo gang lớn để tạo tiếng vang, đánh lừa quân địch rằng
phía ta có hỏa lực mạnh. Họ dựng những chiếc xe đẩy gỗ có thể che chắn bớt hỏa lực địch, tạo
điều kiện cho cảm tử quân xung phong đánh hỏng chiếc xe tăng bọc thép của quân thù. Họ đập
thông tường từng nhà, phục kích, giăng lưới, đánh lưỡi lê bất cứ tên lính lê dương xấu số nào. Họ
dùng những chai lửa (molotov đấy) để tạo thành tường lửa, ngăn cản bước tiến quân thù. Họ đã
anh dũng chiến đấu và hi sinh để giam chân quân địch tại Hà Nội, tạo điều kiện cho chính phủ xây
dựng đầu não kháng chiến ở Việt Bắc. Họ là những người anh hùng có tên hay không tên tại những
phần mộ liệt sĩ, đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

Kế đến là chú bé đánh giày. Chú ấy biết võ vẽ vài ba câu tiếng Pháp. Chú nhỏ người, đôi chân
nhanh thoăn thoắt như sóc chuyền cành. Chú sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì mà các Vệ quốc
quân giao phó, chỉ để được sờ tay, đội lên đầu chiếc mũ ca nô thêu cờ đỏ sao vàng. Giữa cái nơi
chết chóc, đạn bay vèo vèo thế này, ta lại thấy chú bé ấy có chút gì đó giống Lượm – một chú bé nhí
nhảnh, vui tươi, bất kể hoàn cảnh. Chú bé đánh giày này sẵn sàng liều mình đi vào nơi phố Tây
đông đúc lính canh để đưa tin. Chú cả gan trêu ghẹo, đánh lạc hướng đám lính Tây để mở đường
đưa tin. Chú háo hức dẫn đường cho anh lính Vệ quốc đi ra xưởng quân giới bên Nhật Tân để lấy
chút tạc đạn, và một lồng gà toàn hành thơm cho ông hàng phở đầu hói. Chú bé ấy ngây ngốc, háo
hức nghĩ tới cảnh được chén sạch bách hai bát phở đầy ú ụ những miếng nạm đầy đặn, nước dùng
ngọt thơm, một chút hành, một chút giấm tỏi. Với chú bé, bát phở ấy có lẽ còn ngon hơn cả món đùi
cừu nướng mà chú thấy trong lúc nhìn qua ô cửa sổ ở một nhà hàng Pháp. Nhưng mà đừng vì cho
rằng chú là trẻ con mà ta cho rằng chú bé ấy chỉ làm được những chuyện tầm phào. Chú bé ấy có
một lòng yêu nước rất lớn. Chú bé khao khát được gia nhập Vệ quốc đoàn, được trở thành một anh
lính cụ Hồ. Mặc dù chú bé không nhận mình là Việt Minh (Je ne pas Việt Minh, chú bé nói), nhưng
chú giữ khư khư chiếc mũ ca nô bên mình như để thể hiện tình cảm của chú với đội quân cách
mạng. Để rồi khi bị chính cái mũ mình yêu thích tố cáo với đám quân Pháp, bị chúng gọi là mọi, chú
bé ấy vùng vẫy trong vòng vây quân thù, miệng hét lớn “Tôi không phải mọi. Tôi là người Hà Nội”
như để bảo vệ sự tự tôn của một con người Hà Nội, một con người Việt Nam. Để rồi, đám bạch quỷ
đã găm một viên đạn vào chân trái cậu bé, và một viên đạn vào chính giữa trái tim của cậu. Chú bé
anh hùng đã ra đi trên bãi bờ đê sông Hồng như thế.

Ông bà hàng phở cũng là những người Kẻ Chợ điển hình. Bằng chứng là giữa quang cảnh chiến
tranh, ông vẫn gánh thịt bò ra chợ bán, với mong muốn gỡ một chút vốn trước khi bỏ đi tản cư. Còn
bà hàng phở vẫn muốn nán lại vài ngày, muốn bán thêm cho các chiến sĩ ngoài chiến lũy dăm bác
phở để kiếm chút bạc giắt quần. Ông bà hàng phở ấy có lẽ là hai con người đam mê với cái chức
nghiệp của mình đến cực điểm. Nhìn cái cách mà ông chặt xương, bà xay bột, tráng bánh phở, rồi
ông thao thao bất tuyệt về cách nấu ra một bát phở ngon thơm, ta đã biết họ là những người sinh ư
nghệ, tử ư nghệ. Những con người như thế, ta có thể bắt gặp trong những trang văn của Thạch
Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân. Nhưng đó là thời bình. Còn vào thời chiến, thứ phở sang nhất mà
Nguyễn Tuân được ăn chỉ là “phở tàu bay” mà thôi. Nói như vậy để thấy rằng những con người tận
tụy với nghề như hai ông bà hàng phở này có lẽ là hiếm của hiếm. Đến cuối phim, hai ông bà hàng
phở mới thực sự tỏa sáng, khi mà họ quyết định để phần phở cho thằng bé đánh giày, rồi ông gánh
phở lên phố, muốn giao tận tay những bát phở nóng hổi cho các chiến sĩ vì mãi mới nấu được một
nồi phở ngon như thế này. Và tất nhiên là không lấy tiền rồi. Xui rủi cho ông, các chiến sĩ đã đi di
tản, ông chỉ có thể phục vụ phở cho người họa sĩ và cha xứ. Cực chẳng đã, đám lính Pháp tiến
công chiến lũy. Chúng bắn thủng quẩy phở của ông. Nước dùng cứ thế trút ra. Ông giận lắm. Ông
tức giận, vì nồi nước phở mà ông nấu ngon ơi là ngon, nồi nước phở chứa công sức của gia đình
ông, anh lính tự vệ và cậu bé đánh giày đã hỏng bét. Ông tức giận, vì ông không thể phục vụ một
thức quà rất Hà Nội là phở cho những người lính đói và rét ấy. Ông tức giận, vì lũ Tây đã đến và
phá nát tất cả. Nếu đất nước hòa bình, có lẽ ông đang ngồi bán phở gánh ở một góc phố nào đó.
Những người thợ thuyền, nhà buôn, rồi các ông ký, ông phán, ông tham sẽ châu đầu lại xung quanh
nồi nước dùng nghi ngút khói, miệng xì xụp mà tấm tắc khen ngon. Rồi ông sẽ có tiền mà mua nhà
ở phố, thay cho căn nhà mái ngói lụp xụp kia. Có khi ông còn mở được hiệu cao lâu không biết
chừng. Nhưng bọn Tây đã đến, chúng bắn phá, đốt trụi hết. Chúng không cho ông bán phở nữa.
Ông phải một phen sống mái với chúng. Ông xông ra khỏi chỗ ẩn náu, một mình chém chết ba
thằng Tây bạch quỷ, để trả thù cho nồi phở của ông, cho đồng bào ông. Một viên đạn đã lấy mạng
ông, người bán phở tận tủy, để lại người vợ của ông bên bát phở đã nguội từ bao giờ, đang chờ đợi
một thực khách chẳng bao giờ quay lại.

Người cha xứ và người họa sĩ già là hai nhân vật có sự gắn kết với nhau. Người cha xứ đã đóng
cửa nhà thờ từ khi súng nổ, nhất quyết không muốn can dự tới chính sự. Ông chỉ ở trong nhà thờ
hành lễ, và chỉ ra ngoài khi cần ban phép cho những con chiên đang hấp hối. Có thể nói cha xứ là
một người rất nghiêm túc. Ngược lại, người họa sĩ già là đại diện cho Ủy ban kháng chiến khu vực
Hồng Hà. Ông mặc dù không có duyên với binh nghiệp, nhưng ông vẫn đem hết tài trí của mình ra
để phục vụ cách mạng bằng cách viết những hàng chữ cổ động ở những mảng tường còn sót lại,
vẽ cờ cho các tử sĩ. Ông còn là một người quảng giao và có khiếu hài hước. Hai con người ấy lần
đầu tiên gặp nhau trên phim khi họ làm phép cưới cho đôi uyên ương lương – giáo. Một bên đại
diện cho chính quyền, một bên đại diện cho Chúa, chứng giám cho tấm lòng thủy chung của đôi
uyên ương trẻ. Không chỉ có vậy, hai người họ còn ở bên nhau hết đêm hôm ấy, cùng nhau vẽ bức
tranh tường – tác phẩm cuối cùng và vĩ đại nhất của người họa sĩ, cùng nhau ngâm tửu, và thưởng
thức bát phở nóng hổi của ông hàng phở đầu hói. Đặc biệt, hai người đã hòa chung dòng máu để
vẽ nên lá cờ Việt Nam – biểu tượng đẹp đẽ cho sự đoàn kết lương – giáo. Nhưng cuộc đời họ
không thể tránh khỏi sự nghiệt ngã của số phận. Người cha xứ, dù đã bước ra khỏi chiến hào, giơ
tay đầu hàng, cố gắng truyền đi thông điệp hòa bình bằng tiếng Pháp, nhưng vẫn bị những người
Pháp lạnh lùng nổ súng không thương tiếc. Còn người họa sĩ già cũng chết ngay sau đó, dù cho
ông đã khẳng định mình không phải quân nhân, chỉ là một họa sĩ mà thôi.

Còn gia đình tư sản kia thì sao? Ấy là tầng lớp trung lưu, sống trong khu biệt thự Pháp, thực hành
chủ nghĩa lãng mạn, chán ghét chiến tranh, và bi quan về tương lai của nước Việt Nam Dân chủ
cộng hòa non trẻ. Nhưng họ vẫn hát ca trù, vẫn thưởng đào ngày xuân, vẫn ý thức được tình hình
vận mệnh dân tộc, và có sự liên hệ thân thiết với những người lính đang chiến đấu ngoài kia. Chẳng
thế mà họ đã bảo vệ chú bé đánh giày, hỗ trợ người lính tự vệ mang cành đào phai về chiến lũy.
Nhưng sau cùng, họ vẫn trở thành nạn nhân của chiến tranh: Một người vợ (hay người kép đào)
trong gia đình ấy đã bị bọn lính Pháp cưỡng hiểp. Bất lực, họ đành xuôi thuyền rời khỏi thủ đô, băng
qua cánh đồng lau sậy mà rời khỏi thủ đô. Họ đi đâu? Ta không thể biết. Nhưng họ có thể đi đâu
được nữa? Những người theo chủ nghĩa lãng mạn ghét chiến tranh, nhưng mà chiến tranh đã ở
khắp nơi rồi.

Cuối cùng là về cặp đôi trai gái, đôi uyên ương non trẻ giữa chiến hào. Họ đã có lời hẹn ước từ
trước. Nàng còn hứa sẽ để dành cho chàng những tiếng đàn du dương cho ngày cưới. Lời hứa ấy
như một lời hứa về sự trinh tiết, thủy chung của người con gái dành cho chàng trai. Ấy vậy mà...
Chàng vì chiến tranh mà gia nhập Vệ quốc quân. Nàng vì chiến tranh mà cùng gia đình đi tản cư.
Cả nhà cả cửa, thậm chí là cả ban thờ Chúa, gia đình ấy cũng quyên cho cách mạng dựng chiến
hào. Duy chỉ có cây đàn piano là được chàng bảo quản cẩn thận. Vậy mà nàng đã lạc mất gia đình.
Nàng trở về thủ đô, trở lại góc phố thân quen, nơi nàng đã thuộc đến từng viên gạch, bảng hiệu.
Nàng quay trở lại vì nàng biết chàng chắc chắn sẽ ở đây chờ nàng. Nhưng nàng đâu thể nói vậy với
những người lính? Nàng chỉ có thể mượn cớ là nàng muốn mang chiếc đàn piano đi. Nhưng không
may, chiếc đàn bị quân thù bắn tan nát. Còn chàng thì nàng chờ mãi không thấy đâu. Nàng đành
phải đi theo những người lính đang rút quân khỏi Hà Nội. Giữa đường, vì quá bất bình khi thấy mọi
người nghi oan cho chàng, nàng bỏ về Hà Nội. Về phần chàng, khi cầm cành đào từ Nhật Tân về
đến Hà Nội, chỉ để nhận ra là cả đơn vị đã đi mất, kể cả nàng cũng đi rồi, chàng đau đớn cực điểm.
Nhưng rồi chàng vẫn muốn sống mái với quân Pháp – một trận tử chiến vào sáng hôm sau. Rồi
nàng và chàng trùng phùng với nhau, khi chàng đương mơ màng về ngày hẹn ước. Rồi họ làm
phép cưới, có sự “chấp thuận của chính quyền” và cả sự chứng giám của Chúa. Rồi hai người họ
đã động phòng, đã ăn trái cấm ở vườn địa đàng, bên trong một căn phòng tân hôn dựng tạm từ toa
xe điện. Họ trao cho nhau những yêu thương, những trăn trở về số phận. Họ sợ thời gian trôi đi, họ
sợ ngày mai đến. Để rồi đến ngày mai. Ông hàng phở đã chết. Người họa sĩ đã chết. Cha xứ cũng
đi rồi. Chỉ còn chàng và nàng giữa bốn bề quân địch. Chàng ôm bom ba càng, định liều chết với
quân thù. Nhưng quả đạn xe tăng đã làm chàng điếc tai. Hai con mắt cũng đã bị chúng làm mù.
Chàng vật vã, đau đớn. Mặc cho nàng đã ôm chàng vào lòng và băng bó vết thương, chàng vẫn
quờ quạng xung quanh để tìm quả bom ba càng. Nhưng quả bom ấy chàng vĩnh viễn không sờ
thấy. Chỉ cảm thấy sức lạnh từ tấm giáp của xe tăng. Đám lính quây chàng lại mà cười cợt. Chiếc xe
tăng chầm chậm dồn chàng vào chân tường để nghiền nát. Chàng vùng vẫy. Chàng quăng gạch đá
ra xung quanh. Vô hiệu. Cái chết cách chàng vài bánh xích xe tăng. Một cái chết mà theo chàng là
rất nhục nhã, vô tích sự, như lời người đội trưởng nhận xét về chàng. Còn nàng? Nàng chứng kiến
tất cả. Nàng sợ hãi. Nàng toan bỏ chạy. Nhưng có cái gì đó đã níu nàng lại. Rồi nàng cầm lấy quả
bom ba càng, leo lên nóc toa xe điện. Nàng nhảy bổ vào quân thù, đập quả bom vào tháp pháo xe
tăng. Cả hai người đã về với Chúa, về với những đồng đội đã hi sinh anh dũng tại chiến hào Hồng
Hà này.

Đào, Phở & Piano là khúc tráng ca về tình yêu, về con người, về một giai đoạn lịch sử của đất
nước. Ở đó, ta được thấy những con người, những việc làm, tuy khác nhau, nhưng đều chan chứa
tấm lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Mặc dù phim vẫn còn những hạn chế về quy mô phim trường
cũng như một số yếu tố lịch sử khác, nhưng đây vẫn là một bộ phim lịch sử hay và nên xem.

You might also like