Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 20

BIẾN ĐỔI THIẾT CHẾ XÃ HỘI CỦA BẢN DI DÂN NGƯỜI THÁI TRẮNG

DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ THỦY

ĐIỆN SƠN LA – NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP BẢN QUỲNH TIẾN,

PHƯỜNG CHIỀNG AN, THÀNH PHỐ SƠN LA, TỈNH SƠN LA

TS. Trần Hạnh Nguyên

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu những biến đổi của quan hệ xã hội của bản

Quỳnh Tiến, phường Chiềng An, thành phố Sơn La dưới tác động của chương trình di

dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Trên cơ sở đó chỉ ra dưới tác động của chương trình

di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, đã dẫn đến sự thay đổi của môi trường tự nhiên và

xã hội, khiến cho thiết chế bản của di dân thủy điện bị giải thể và tái cơ cấu chỉ trong

một thời gian ngắn. Thiết chế xã hội của bản di dân hậu tái định cư được xây dựng trên

cơ sở niềm tin vào người thủ lĩnh tinh thần và những tính toán cho thế hệ tương lai. Mặc

dù quy mô nhỏ hơn, tài nguyên nghèo nàn hơn và vị thế xã hội không còn được như xưa,

nhưng nhờ năng lực và ý chí của di dân trong quá trình xã hội hóa để phù hợp với điều

kiện sống ở khu đô thị trung tâm, các mối quan hệ được hình thành trên nền tảng thiết

chế xã hội mới này ngày càng phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Từ khóa: Di dân thủy điện, Sơn La, Biến đổi xã hội, Quan hệ xã hội

Đặt vấn đề

Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm đa mục tiêu và có vai trò rất quan trọng

với sự phát triển không chỉ của riêng các dân tộc vùng Tây Bắc mà còn với cả nước. Để

nhường đất cho dự án nhà máy thủy điện Sơn La, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di

dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 khẩu, trong đó: Tỉnh Sơn La
12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ,

16.954 khẩu 1. Trong số hơn 90.000 người dân tái định cư thủy điện Sơn La, thì đồng

bào các dân tộc thiểu số chiếm đa số, trong đó phải kể tới các dân tộc Thái, Lự, Mảng,

La Ha, Kháng, Khơ mú, Hmong..., riêng dân tộc Thái chiếm 83,1% di dân thủy điện

Sơn La. Tổ tiên xa xưa của người Thái đã có mặt ở vùng Tây Bắc Việt Nam từ rất sớm.

Họ cư trú mật tập trong các bản làng phân bố khắp các thung lũng lòng chảo miền Tây

Bắc, từ bao đời nay “làng bản của người Thái vẫn giữ được những đặc điểm cư trú, cấu

trúc, cảnh quan. Đó là lối cư trú của cư dân làm ruộng nước vùng thung lũng, bản thường

được lập ven các cánh đồng lúa, gần ruộng, gần nguồn nước, phía sau bản là nương và

rừng. Bản gồm một số dòng họ cùng cư trú. Cảnh quan làng bản của người Thái thể nhịp

sống êm đềm, thanh bình với ngôi nhà sàn xinh xắn của cư dân nông nghiệp trồng trọt,

kinh tế tự cung tự cấp. Trong quá trình phát triển, đến nay do nhiều nguyên nhân, làng

bản có thay đổi nhất định với những công trình công cộng mới, hệ thống điện nước,

truyền thanh, đường đi lối lại, thành phần dân cư… song các bản của người Thái vẫn

giữ được cốt cách của sắc thái văn hóa tộc người (Vũ Hải Vân, 2011, tr.24). Nhưng dưới

ảnh hưởng thủy điện Sơn La, đồng ruộng, nương rẫy, nhà cửa, đất đai của các bản Thái

ven sông Đà đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng hồ thủy điện Sơn La. Cùng với Dự án di

dân, tái định cư và bước chân của di dân thủy điện Sơn La tới định cư ở các vùng đất

mới có nhiều khác biệt với quê cũ, kết cấu bản của di dân người Thái cũng phải giải thể

và tái cấu trúc trong thời gian rất ngắn, “có bản di chuyển nguyên vẹn, có bản phải xé

ra thành nhiểu bản, lại có bản mới bao gồm nhiều bản cũ, có bản mới bao gồm nhiều

dân tộc sinh sống với số lượng khác nhau...” (Vũ Hải Vân, 2011, tr.24). Đã gần 15 năm

kể từ khi công bố hoàn thành chương trình di chuyển người dân ra khỏi khu vực lòng

1 QĐ số 2009/QĐ-TTg v/v phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La ngày 04/11/2013.

2
hồ Thủy điện Sơn La vào ngày 15/4/2010, đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến di

dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Những nghiên cứu này không chỉ nhiều về số lượng,

còn đa dạng về nội dung, đề cập đến ảnh hưởng của thủy điện Sơn La đến môi trường

tự nhiên vùng Tây Bắc, đến sinh kế và văn hóa truyền thống của di dân Thủy điện, cũng

như các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng di dân hậu tái định cư.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về biển đổi kết cấu bản làng và mối quan hệ xã hội của di

dân dưới tác động của thủy điện Sơn La lại tương đối hiếm hoi. Trong đó, đáng chú ý

đến bài viết của tác giả Vũ Hải Vân về ảnh hưởng của thủy điện Sơn La đến công tác tổ

chức, quản lý và cố kết cộng đồng truyền thống của người Thái đã căn cứ vào hình thức

tái cơ cấu chia các bản Thái sau tái định cư thành 3 hình thức: một bản cũ chuyển hoàn

toàn đến nơi ở mới, một bản cũ chuyển đến nhiều nơi ở mới khác nhau, nhiều bản cũ

chuyển đến một nơi ở mới để thảo luận về những ảnh hưởng của chương trình di dân

thủy điện Sơn La đến kết cấu của bản làng truyền thống của di dân người Thái. Tuy

nhiên, bản làng truyền thống của di dân người Thái được mô tả giống như bản làng

truyền thống của người Thái trước năm 1954. Trong khi đó, thời điểm trước di dân, kết

cấu bản Thái ven sông Đà đã có nhiều thay đổi dưới tác động của các chương trình phát

triển kinh tế, xã hội miền núi của Nhà nước. Tác giả Trần Văn Hà trong bài “Tái định

cư thủy điện và phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi Việt Nam”, có đề cập đến ảnh

hưởng của các chương trình di dân, tái định cư thủy điện nói chung đến cố kết cộng

đồng tộc người và rạn vỡ không gian văn hóa truyền thống, cũng như mối quan hệ giữa

bản di dân với cộng đồng dân cư ở điểm tiếp cư (Trần Văn Hà, 2015). Tác giả Trần

Hạnh Nguyên trong bài “Quá trình hòa nhập của di dân thủy điện Sơn La trong bối cảnh

xã hội biến đổi (Trường hợp bản Quỳnh Tiến, phường Chiềng An, thành phố Sơn La,

tỉnh Sơn La)” có đề cập đến mối quan hệ nội bộ, cũng như quan hệ giữa bản Quỳnh Tiến

3
với các bản Thái đen và Thái trắng xung quanh trước và sau di dân (Trần Hạnh Nguyên,

2017). Tuy những nghiên cứu về ảnh hưởng của Thủy điện Sơn La đến thiết chế và quan

hệ xã hội của bản di dân người Thái còn rất ít và phần nhiều chỉ nằm rải rác trong các

bài nghiên cứu, nhưng cũng đã cung cấp cho bài viết của chúng tôi một số thông tin ban

đầu, đồng thời cũng cho chúng tôi thêm động lực để trả lời câu hỏi thủy điện Sơn La đã

tác động như thế nào đến thiết chế bản của người Thái? Để trả lời câu hỏi trên, chúng

tôi đứng từ góc độ thiết chế và quan hệ xã hội trong và ngoài của bản di dân Thái trắng

Quỳnh Tiến, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La. Đây cũng kết quả của nhiều năm nghiên

cứu điền dã, với nhiều đợt phỏng vấn sâu và quan sát tham dự của tác giả tại bản di dân

tái định cư Quỳnh Tiến, phường Chiềng An, thành phố Sơn La kéo từ tháng 11/2011

đến nay.

1. Giới thiệu bản di dân Quỳnh Tiến

Trước khi thành lập bản Quỳnh Tiến, những người dân nơi đây là thành viên của bản

Pắc Ma thuộc trung tâm xã Pắc Ma, nằm ở phía nam của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn

La, cách trung tâm huyện cũ 12km, cách thành phố Sơn La 120km. Bản Pắc Ma nằm

trên tả ngạn sông Đà, cách khu cơ quan trung tâm xã Pắc Ma khoảng 300m, gồm năm

bản tự nhiên: bản Luông, bản Nớ, bản Nà Mạ, bản Nưa và bản Chằm Coong (bản Cao

Lương). Theo thống kê vào thời điểm trước khi chuyển cư năm 2008, bản Pắc Ma có

347 hộ, 3700 nhân khẩu, đại đa số là người Thái Trắng, tự xưng là Tày Đón, một số ít

người Thái Đen và người Kinh kết hôn với người trong bản và chuyển về sinh sống tại

đây đều đã bị đồng hóa và tự coi mình là người Thái trắng Pắc Ma (Trần Hạnh Nguyên,

2017).

Ngày 28/11/2008, theo quy hoạch của Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La,

cư dân bản Pắc Ma chia ra sinh sống ở các bản di vén và 13 điểm tái định cư nằm rải rác

4
ở các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La. Trong đó, có 30 hộ,

142 khẩu lựa chọn điểm tái định cư Lả Sẳng, phường Chiềng An, thành phố Sơn La làm

nơi lập nghiệp, và trở thành trở thành một thành viên của 13 bản, 2 tổ trực thuộc phường

Chiềng An. Để kỷ niệm quê cũ Quỳnh Nhai, đồng thời thể hiện hy vọng và quyết tâm

xây dựng cuộc sống mới “tốt hơn nơi ở cũ”, bà con dân bản thống nhất đặt tên bản mới

là Quỳnh Tiến. Bản Quỳnh Tiến nằm ở cuối phường Chiềng An, phía bắc giáp ranh với

huyện Thuận Châu, phía nam giáp bản Nặm Chặm, phía tây giáp bản Lả Sẳng, phía

đông giáp đường nội thì nối liền khu trung tâm hành chính phường Chiềng Đen và đường

Quốc lộ 6 nối liền Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Bản Quỳnh Tiến cách khu trung tâm

hành chính phường Chiềng An 2km, cách trung tâm thành phố Sơn La 9km và cách thị

trấn Phiêng Lanh, trung tâm huyện Quỳnh Nhai mới khoảng 6km.

Đến cuối năm 2022, theo Nghị quyết 134/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh

Sơn La v/v sáp nhập và đặt tên bản, thôn, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La

(đợt 5) ban hành ngày 08/11/2022 2, chính quyền đã sáp nhập hai bản di dân Thái trắng

Quỳnh Tiến, Quỳnh An và 21 hộ tạm trú người Thái Đen bản địa tách ra từ bản Hìn

thành tổ 5 phường Chiềng An, thành phố Sơn La, với 103 hộ, 403 nhân khẩu.

2. Biến động về thiết chế xã hội của bản di dân Thái trắng dưới tác động của

công trình thủy điện Sơn La

2.1. Thiết chế xã hội của bản Pắc Ma trước di dân

2.1.1. Thiết chế xã hội của bản Pắc Ma

Theo thống kê năm 2008, trước di dân bản Pắc Ma có 374 hộ, khoảng 3.700 khẩu.

Trong bản ngoài một vài người làm cán bộ ở các cơ quan nhà nước ra, tuyệt đại đa số

cư dân đều là nông dân. Người dân bản Pắc Ma đều là người Thái trắng, tự xưng là “Tày

2https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-134-NQ-HDND-2022-sap-nhap-dat-ten-ban-thon-to-
dan-pho-dot-5-Son-La-540288.aspx.

5
đón”. Trong bản có 15 dòng họ gồm Điêu, Hà, Hoàng, Lừ, Lường, Liềm, Lù, Lò, La,

Vi, Nùng, Sằn, Tòng, Mè và Nguyễn cùng cư trú. Người Thái Pắc Ma quan niệm những

người cùng trong một dòng họ sẽ cùng tổ chức buổi lễ cúng tế tổ tiên vào dịp cuối năm

tại nhà trưởng họ, người Thái Pắc Ma gọi là “ăn hóng họ”. Như vậy, theo tiêu chuẩn

trên thì họ Điêu sẽ có 3 dòng họ, họ Hà có 3 dòng họ, họ Lò có 9 dòng họ và cả bản Pắc

Ma sẽ có tổng cộng 27 dòng họ cũng cư trú xen kẽ trong cả năm bản tự nhiên. Trong

bản Pắc Ma, dòng họ có nhân khẩu đông nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cộng

đồng là họ Điêu, bao gồm Điêu Văn, Điêu Chính Tạo Mứn và Điêu Chính Tạo Chiên.

Trước giải phóng, chức Tạo bản đều do người của ba dòng họ có nguồn gốc quý tộc

Thái trắng này nắm giữ. Hiện nay, chế độ thống trị Mường truyền thống đã bị giải thể,

nhưng người dân trong bản vẫn rất tôn trọng và gọi ba dòng họ này là “họ Tạo”, tức họ

quý tộc. Dân bản Pắc Ma giao cho họ Hà nhiệm vụ trông coi miếu bản và dành một

khoảnh ruộng riêng, để gia đình nhận trách nhiệm trông nom miếu bản cấy rẽ và thu

hoạch trên thửa ruộng đó, coi như trả công trông nom cho họ.

Bản Pắc Ma nằm cạnh dòng sông Đà được coi là tuyến đường thủy huyết mạch nối

liền khu vực Tây Bắc với các tỉnh miền xuôi. Ngoài ra, hai tuyến đường quốc lộ 279 và

tỉnh lộ 107 quan trọng bậc nhất của huyện Quỳnh Nhai đều đi qua địa phận bản Pắc Ma.

Có lẽ vì thế, bản Pắc Ma trở thành điểm giao lưu văn hóa và tộc người. Trong ba dòng

Lò ở bản Pắc Ma, có một dòng họ tổ tiên là người Mường, sau khi chuyển đến bản Pắc

Ma đã đoạn tuyệt quan hệ với quê cũ, đổi sang họ Lò và tự nhận là người Thái trắng Pắc

Ma. Trong bản còn có dòng họ Nguyễn, vốn là con cháu của một cán bộ cách mạng

người Kinh đến bản Pắc Ma hoạt động cách mạng vào khoảng những năm 1920, sau đó

đã lấy vợ người Thái trắng Pắc Ma, sinh con rồi định cư tại đây. Con cháu của hai dòng

họ trên hoàn toàn bị đồng hóa theo các phong tục tập quán và đời sống của dân bản Pắc

6
Ma, tự coi mình là người Thái Pắc Ma và không còn giữ lại các tập quán cũ của dòng

họ và tộc người trước kia. Ngược lại, các dòng họ khác trong bản Pắc Ma cũng coi họ

là người Thái Pắc Ma, các khoảng cách và dấu vết phân biệt giữa hai bên hoàn toàn

không tồn tại.

Trong bản Pắc Ma còn có hai dòng họ Lò, họ Nùng và họ Sằn di cư đến từ phía bên

kia biên giới. Sau khi chuyển đến sinh sống ở bản Pắc Ma mặc dù tuân theo các phong

tục tập quán chung của cả bản, nhưng trong gia đình và dòng họ, vẫn giữ những phong

tục riêng của tổ tiên dòng họ. Ví dụ, hàng năm họ vẫn tổ chức tết Thanh Minh vào ngày

3/3 âm lịch, tết Đoan Ngọ vào ngày 5/5 âm lịch và mời các thành viên khác trong bản

đến chung vui. Khác với tập quán sau lễ tang chỉ qua lại chăm sóc phần mộ của người

thân đã qua đời trong một năm đầu, sau đó không quay lại nữa của người Thái Việt Nam,

các thành viên trong bốn dòng họ nói trên vẫn giữ tập tục đến thăm và dọn dẹp phần mộ

của người thân trong dịp tết Thanh minh hàng năm. Trong nhà, họ làm bàn thờ tổ tiên

bằng một mảnh gỗ hình chữ nhật dài khoảng 1m, treo lên trên cao ngang đầu người lớn

ở vị trí trang trọng trong nhà. Họ không làm một gian hóng riêng cạnh chỗ ngủ của chủ

nhà để thờ cúng tổ tiên như các dòng họ khác trong bản. Có lẽ vì những sự khác biệt

trên, nên mặc dù vẫn chung sống hòa thuận, cưới gả con cháu cho nhau, nhưng các thành

viên khác trong bản Pắc Ma gọi chung bốn dòng họ này là “họ Tàu”.

Vào khoảng năm 1960, hưởng ứng chủ trương thành lập Hợp tác xã của Nhà nước,

bản Pắc Ma đã thành lập Hợp tác xã đầu tiên với 28 hộ tiên phong. Khoảng vài năm sau,

toàn bộ lao động bản Pắc Ma đã gia nhập hợp tác xã và chia thành 7 đội sản xuất, bình

quân mỗi đội sản xuất có khoảng 30-40 hộ. Để kiện toàn bộ máy hành chính của Hợp

tác xã, dân bản đã bầu ra Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ, thủ kho và mỗi

tổ sản xuất 1 tổ trưởng, 1 tổ phó. Họ cũng chọn ra 1 người khỏe mạnh, nhanh nhẹn làm

7
người liên lạc, truyền đạt thông tin giữa các thành viên của ban lãnh đạo hợp tác xã Pắc

Ma. Mỗi năm, mỗi xã viên sẽ nộp 10-15kg thóc, gọi là thóc sản, làm quỹ chung của Hợp

tác xã. Số thóc thu được sẽ được cất vào kho chung dùng để chi cho các hoạt động

chung của tập thể và trả công lao động cho bộ máy hành chính của hợp tác xã, cụ thể:

chủ nhiệm Hợp tác xã mỗi năm 3 tạ thóc, phó chủ nhiệm mỗi năm 2 tạ thóc, kế toán mỗi

năm 3 tạ, thủ quỹ, thủ kho, người liên lạc và tổ trưởng tổ sản xuất mỗi người mỗi năm

1,5 tạ thóc, tổ phó tổ sản xuất mỗi người mỗi năm 1 tạ thóc.

Năm 1977, theo chính sách của Nhà nước giải thể hợp tác xã. Các bản sẽ bầu Trưởng

bản, phó trưởng bản, đội an ninh bản chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa người dân trong

bản và chính quyền xã, đồng thời quản lý đất đai, đốc thúc người dân thực hiện nghĩa

vụ với nhà nước, cũng như bảo vệ an ninh, chính trị trong bản. Ngoài ra, dân bản còn

tham gia sáu tổ chức, đoàn thể xã hội gồm: Đảng ủy, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ,

Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Đoàn thanh niên theo quy định của nhà nước. Do

địa bàn của bản Pắc Ma rộng, quy mô dân số đông, để hỗ trợ cho Trưởng bản hoàn thành

nhiệm vụ và đảm bảo quyền lợi của người dân trong bản, người dân bản Pắc Ma vẫn

duy trì bộ máy hành chính của hợp tác xã cũ gồm: kế toán, thủ quỹ, thủ kho, các tổ

trưởng, tổ phó tổ sản xuất và người liên lạc. Họ cũng giữ nếp cũ nộp thóc sản vào kho

chung của bản để chi trả cho hoạt động tập thể cũng như trả công lao động cho bộ máy

giúp việc hành chính cho Trưởng bản như cũ. Mỗi bản tự nhiên bầu ra một người phụ

trách an ninh bản và thống nhất sẽ trích quỹ chung của bản ra trả cho một người 50kg

thóc/năm. Từ kết cấu và hoạt động của bộ máy hành chính phi quan phương của bản

Pắc Ma, ta thấy thấp thoáng đây đó hình bóng kết cấu xã hội của bản Thái truyền thống

trong quá khứ với người lãnh đạo, bộ máy giúp việc, đội ngũ dân binh giữ gìn an ninh

và ông chá bản giữ thông tin liên lạc được thông suốt. Đương nhiên trong xã hội hiện

8
đại, quan hệ người bóc lột người trong xã hội Bản mường cũ đã không còn tồn tại, những

người được dân bản tín nhiệm bầu ra trong bộ máy hành chính phi quan phương ở bản

đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng dân bản. Trong các cuộc liên

hoan tổng kết bản vào cuối năm, họ cũng phải công khai tài chính, thông báo lại với dân

bản tình hình hoạt động, cũng như thu chi trong năm. Ngược lại, người dân sẵn sàng

đóng góp để duy trì và trả công lao động cho bộ máy hành chính phi quan phương, song

cũng sẵn sàng bầu người khác thay thế những người không có năng lực hoặc mất uy tín

với dân. Có thể thấy, truyền thống dân chủ trong cộng đồng bản đã được người dân bản

Pắc Ma giữ gìn và phát triển mạnh mẽ như nhận định của TS. Vũ Trường Giang: “Đồng

bào các tộc người thiểu số ở Việt Nam có truyền thống quý báu là dân chủ, tuy còn sơ

khai và thuần phác, song là nét đẹp trong đời sống xã hội. Trong nhà, bố mẹ tôn trọng

con cái, anh em hòa thuận. Ngoài làng, các thành viên bàn bạc công việc chung của bản

làng một cách dân chủ. Sau khi đã quyết định thì mọi người tự giác chấp hành quy định

chung của bản làng. Chủ làng, tuy là người đứng đầu của buôn làng, nhưng chỉ quyết

định sau khi đã bàn bạc dân chủ. Việc bầu cử hay bãi miễn các chức vụ trong làng bản

được tiến hành một cách thực sự công khai, dân chủ. Hơn nữa, đồng bào cũng rất coi

trọng dư luận, họ coi đó là một công cụ quan trọng để mọi người điều chỉnh hành vi

trogn ứng xử với các cá nhân khác trong cộng đồng.” (Vũ Trường Giang, 2011, tr.87)

Trong tiến trình lịch sử, sự hình thành của các mường Thái ở vùng Tây Bắc Việt

Nam diễn ra như sau: “Mường phìa đầu tiên xuất hiện gọi là “lộng”. Trước hết, đó là

một bản khá lớn có từ 3, 4 chục nóc nhà trở lên tập trung trong một vùng thung lũng

màu mỡ. Xung quanh bản to đó có dăm ba bản khác, mỗi bản có khoảng 2, 3 nóc nhà.

“Lộng” càng ngày càng trở thành trung tâm thu phục được nhiều bản ở khắp vùng thung

lũng trở thành “mường phìa”. Nhưng khi “mường phìa” đã xuất hiện thì các “lộng” chưa

9
đủ sức phát triển thành “mường phìa” lại trở thành đơn vị hành chính lệ thuộc, nằm

trong “mường phìa”. ” (Cầm Trọng, 1978, tr.237-238). Mối quan hệ giữa các bản tự

nhiên trong bản Pắc Ma ngày nay vẫn thấp thoáng đâu đó hình dáng kết cấu của mường

Thái trong quá khứ. Trong đó, bản Luông giữ vị trí trung tâm của mường, nơi tập trung

bộ máy hành chính phi quan phương của dân bản Pắc Ma. Các bản bản Nớ, bản Nà Mạ,

bản Nưa và bản Chằm Coong thành lập sau có diện tích nhỏ hơn và đều tách ra từ bản

Luông, giữ vị trí là các bản phụ thuộc và được chia thành các đội sản xuất, do các đội

trưởng và đội phó quản lý. Bản Luông nhận được các thông tin từ trên xã, sẽ thông qua

các cuộc họp và người liên lạc, truyền đạt lại cho các đội trưởng và đội phó đội sản xuất,

từ đó đến được với các xã viên qua các cuộc họp toàn đội và cuối cùng là các thành viên

trong các hộ gia đình trong bản trong các bữa cơm và các buổi nói chuyện giữa các thành

viên chủ chốt trong nhà những lúc rảnh rỗi. Như vậy, với đặc điểm nổi bật là một cộng

đồng dân tộc thiểu số có tính tự quản cao, người dân bản Pắc Ma đã khéo léo chọn lọc

và giữ lại những nhân tố kết cấu và quan hệ xã hội trong chế độ bản mường truyền

thống, phù hợp với cảnh quan tự nhiên, không gian bố cục và quan hệ xã hội trong làng

bản của họ, đồng thời phù hợp với quy định của Nhà nước về cơ cấu của xã hội trong

xã hội hiện đại, trên cơ sở đó xây dựng và duy trì bộ máy hành chính phi quan phương

của riêng mình, hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

2.1.2. Quan hệ xã hội giữa bản Pắc Ma với các cộng đồng xung quanh

Xã Pắc Ma huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La có diện tích 5.444 ha, bao gồm các bản:

bản Pắc Ma, bản Le, bản Le Nưa, bản Nở, bản Khứm, bản Tậu và bản Chiềng Yên.

Trong đó, ngoài bản Pắc Ma của người Thái trắng nằm bên tả ngạn sông Đà và bản

Chiềng Yên của di dân kinh tế mới người Kinh nằm bên hữu ngạn sông Đà, cư dân của

các bản còn lại đều là người Thái Đen. Căn cứ vào ghi chép trong các cuốn Quan Tô

10
Mương, Táy Pú Xước, khi người Thái Đen theo chân thủ lĩnh Lạng Chượng tiến vào

vùng Tây Bắc, đến địa phận Mường Chiên, Mường Chiến thuộc các huyện Quỳnh Nhai

và Mường La ngày nay, đã gặp cộng đồng người Thái trắng cư trú mật tập ở các vùng

thung lũng ven sông Đà, có thể suy đoán bản Thái trắng Pắc Ma là những cư dân sớm

nhất ở khu vực xã Pắc Ma ngày nay. Các bản Thái đen đến sau chủ yếu nằm trên khu

vực sườn núi cách xa sông Đà. Phong tục tập quán giữa bản Pắc Ma và các bản Thái

đen xung quanh tuy có một số khác biệt nhỏ nhưng về cơ bản là tương đồng, lại có thời

gian dài cư trú cạnh nhau, có mối quan hệ hôn nhân chặt chẽ, nên tình cảm và quan hệ

giữa các bản rất thân thiết, gần gũi.

Bản Chiềng Yên được các hộ nông dân từ tỉnh Thái Bình lên khai hoang, xây dựng

kinh tế mới theo chủ trương “Vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng và phát triển

kinh tế - văn hóa miền núi” của Chính phủ thành lập vào khoảng năm 1962-1963. Thời

điểm đó, chính quyền địa phương đã chia cho họ 5ha đất bên hữu ngạn sông Đà làm nơi

cư trú và 50 ha đất nương trên các sườn núi quanh đó để tăng gia, sản xuất. Tính đến

năm 2005 trước thời điểm chuyển cư nhường đất cho thủy điện Sơn La, cả bản có 59 hộ,

hơn 300 nhân khẩu, phần đông trong số họ đều có quan hệ họ hàng, thân thích. Trong

những ngày đầu người Kinh mới chuyển đến xã Pắc Ma, cư dân hai bên đều cảm thấy

lạ lẫm và tò mò với phong tục tập quán và lối sống của nhau. Với bản tính hiền lành,

đôn hậu, quý người, người dân bản Pắc Ma đã giúp đỡ dân bản Chiềng Yên rất nhiệt

tình, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Sau đó hai bản thường xuyên qua lại, mời nhau

tham gia những dịp lễ tết hay hoạt động tập thể của bản mình. Lâu dần hình thành mối

quan hệ hàng xóm hữu hảo, quý mến tôn trọng nhau. Tuy không được gần gũi thân thiết

như với các bản Thái đen khác, nhưng hai bên đoàn kết, tôn trọng, sẵn sàng chia sẻ và

11
học hỏi lẫn nhau với mong muốn cùng nâng cao đời sống bà con dân bản và xây dựng

quê hương Quỳnh Nhai ngày càng giàu đẹp.

So với các bản khác trong xã, bản Pắc Ma nằm gần trung tâm xã Pắc Ma nhất, cách

khu cơ quan hành chính xã chỉ khoảng 300m. Ở đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng khu

liên hợp gồm UBND xã, trạm y tế, hợp tác xã mua bán và trường liên cấp 1, 2. Sát cạnh

khu cơ quan hành chính là khu nhà ở của một số cán bộ người Kinh ở nơi khác đến công

tác tại xã Pắc Ma. Về sau, một số cán bộ người Thái Pắc Ma công tác tại UBND xã, lấy

vợ là giáo viên dạy ở trường liên cấp 1, 2 xã Pắc Ma cũng chuyển ra dựng nhà ở khu

này để tiện cho công tác. Trước di dân, khu cơ quan có khoảng 10 hộ với hơn 30 nhân

khẩu. Do khoảng cách gần gũi lại có những mối liên kết đặc biệt, nên hai bên gần gũi,

thân thiết như anh em. Nhưng hai bên vẫn là hai cộng đồng tách biệt vì các hộ dân ở khu

cơ quan luôn muốn chuyển đi nơi khác có điều kiện tốt hơn. Những gia đình cán bộ

người Kinh ở khu cơ quan luôn đau đáu trong lòng nguyện vọng sớm chuyển về quê

hương bản quán, đoàn tụ với họ hàng, người thân, nên cho dù sinh sống ở Pắc Ma mười

mấy hai mươi năm, nhưng họ vẫn giữ hộ khẩu ở quê cũ và luôn cố gắng tìm kiếm các

mối quan hệ để có thể sớm chuyển về quê cũ, nếu không được thì ngay sau khi nghỉ hưu,

họ sẽ thu xếp chuyển về quê ngay khi có thể. Những gia đình cán bộ người Thái ở khu

cơ quan lại ấp ủ nguyện vọng được chuyển ra định cư ở trung tâm huyện Quỳnh Nhai

để có cơ hội hưởng thụ các điều kiện văn hóa xã hội tốt hơn, lại không quá xa cách họ

hàng, người thân và quê hương bản quán. Nên một khi có cơ hội là họ sẽ chuyển đi ngay.

Một đặc điểm nữa làm nên sự khác biệt giữa cư dân bản Pắc Ma và cư dân khu cơ quan

là cư dân ở khu cơ quan đều là cán bộ nhà nước hoặc giáo viên, sống bằng tiền lương

và không được chia đất ruộng canh tác như các hộ dân ở bản Pắc Ma. Đặc biệt trong

những năm gần đây, Nhà nước triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cán bộ công tác ở

12
vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, khiến cho thu nhập và đời sống của các hộ khu cơ

quan khấm khá rất nhanh. Một số trong số đó còn đứng ra kinh doanh các mặt hàng tiêu

dùng thường ngày bán cho dân bản Pắc Ma, đồng thời thu mua nông thổ sản của dân

bản, bán lại cho cánh lái buôn từ bên ngoài đến hưởng chênh lệch. Trong mắt người dân

bản Pắc Ma, khu cơ quan mặc dù gần gũi, thân thiết như anh em của mình, nhưng có

điều kiện kinh tế tốt hơn, được học hành và quan hệ xã hội với những cấp lãnh đạo cao

hơn ở huyện, ở miền xuôi, nên sớm muộn gì họ cũng sẽ dời khỏi nơi này, đến những nơi

có điều kiện tốt hơn để phát triển. Những quan niệm trên của cả hai bên, đã khiến cho

khu cơ quan trở thành một cộng đồng đặc biệt có đặc điểm nửa định cư, nửa lưu động

mặc dù về mặt tình cảm và quan hệ qua lại, họ gần gũi với bản Pắc Ma hơn so với bản

người Kinh Chiềng Yên và cả các bản Thái đen xung quanh.

2.2. Thiết chế xã hội của bản Quỳnh Tiến sau di dân

2.2.1. Thiết chế xã hội của bản Quỳnh Tiến

Trong 30 hộ, 142 nhân khẩu lựa chọn bản Quỳnh Tiến làm nơi an cư hậu di dân, có

10 dòng họ gồm 4 họ Lò, 2 họ Điêu Chính, 2 họ Hoàng, 1 họ Điêu Văn và 1 họ Hà.

Dòng họ đông nhất có 7 hộ, dòng họ ít nhất có 1 hộ. Riêng dòng họ Điêu Văn và Lò

Văn có trưởng họ định cư tại bản Quỳnh Tiến (PVS2, nam, 1971, bí thư bản Quỳnh

Tiến). Ông Lò Văn Giong là trưởng bản đầu tiên, cũng là tổ trưởng nhóm các hộ gia

đình ở Pắc Ma lựa chọn điểm tái định cư Lả Sẳng, nay là bản Quỳnh Tiến. Tất cả các

hộ trong bản Quỳnh Tiến đều là con cái, anh em họ hàng hoặc bạn bè thân thiết của ông.

Sở dĩ họ lựa chọn điểm tái định cư này, ngoài sự tin tưởng dành cho ông Lò Văn Giong,

còn do có chung nhận định “địa điểm này không chỉ gần trung tâm thành phố Sơn La,

tiện cho học hành và khám chữa bệnh, mà còn là điểm trung tâm giữa quê cũ Quỳnh

Nhai và các điểm tái định cư khác của bản Pắc Ma, tiện cho việc tập trung người thân

13
đang bị phân tán khắp nơi sau di dân” (PVS4, nam, 1953, nông dân), cũng như có chung

kỳ vọng “sau khi chuyển đến ở gần trung tâm thành phố, sẽ có cơ hội thoát ly khỏi cuộc

lao động vất vả cả ngày lưng đeo dao, vai vác cây chuối như trong quê cũ” (PVS5, nam,

1958, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh bản Quỳnh Tiến). Những điểm chung khi lựa

chọn điểm tái định cư, những trải nghiệm cùng nhau vượt qua khó khăn, vất vả trong

quá trình di chuyển và xây dựng bản mới, niềm thương nhớ chung về quê cũ đã chìm

xuống lòng hồ đã gắn kết các thành viên thuộc các dòng họ khác nhau trong bản Quỳnh

Tiến lại với nhau, khiến cho họ còn thân thiết hơn cả trước khi di dân.

Sau di dân, dưới sự giúp đỡ của UBND phường Chiềng An, bản Quỳnh An đã họp

và tổ chức lại sáu tổ chức, đoàn thể xã hội gồm: Đảng ủy, Hội người cao tuổi, Hội phụ

nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Đoàn thanh niên theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quy mô dân số và diện tích đất ở nơi ở mới bị thu hẹp, khi tái cơ cấu lại bản

mới, bộ máy hành chính phi quan phương cũng đã tan rã theo sự giải thể của bản Pắc

Ma. Bản Quỳnh Tiến cũng không còn duy trì quỹ chung của bản như trước khi di dân.

Các thành viên trong bản chuyển sang đóng quỹ cho các tổ chức, đoàn thể xã hội mình

tham gia theo quy định của pháp luật. Quỹ thu được sẽ dùng để tổ chức các đợt liên hoan

sơ kết và tổng kết vào giữa và cuối năm. Các hoạt động khác của các tổ chức, đoàn thể

nói trên đều tuân theo sự chỉ đạo của UBND phường Chiềng An. Riêng Hội người cao

tuổi của bản Quỳnh Tiến giữ vai trò hội đồng người già trong bản, phụ trách trông coi

miếu thờ và tổ chức lễ cúng thần bản và liên hoan tổng kết bản vào cuối năm. Thời gian

và kinh phí tổ chức lễ cúng sẽ được các thành viên trong hội tính toán và báo cho các

hộ đóng góp và tham dự.

2.2.2. Quan hệ giữa bản Quỳnh Tiến với các cộng đồng khác

14
Sau di dân, bản Pắc Ma cũ bị chia thành 13 điểm tái định cư ở các huyện Mai Sơn,

Yên Châu, Quỳnh Nhai và thị xã Sơn La. Kết cấu xã hội và quan hệ trong cộng đồng

bản Pắc Ma bị phá vỡ, những người trong cùng dòng họ bị chia ra mỗi người một nơi.

Để giữ liên lạc với nhau, ngay sau khi chuyển đến chỗ ở mới, dân bản Pắc Ma đã dùng

tiền bồi thường mua xe máy và điện thoại. Sau đó, họ thường xuyên điện thoại thăm hỏi

tình hình của nhau, mỗi khi có thời gian, họ sẽ đi xe máy đến thăm nhau hoặc về thăm

cảnh quan quê cũ. Vào dịp ăn hóng họ cuối năm, dù ở bao xa họ cũng rủ nhau tìm về

nhà trưởng họ để cùng tổ chức cúng tế tổ tiên và ăn uống, hàn huyên. Có thể thấy lễ giỗ

tổ tiên không còn là tiêu chí phân biệt các dòng họ với nhau, còn là một phương thức để

cố kết dòng họ.

Phường Chiềng An thành phố Sơn La có bố trí hai bản tái định cư cho di dân đến từ

bản Pắc Ma là bản Quỳnh Tiến và bản Quỳnh An. Hậu di dân, do cùng là người Thái

trắng Pắc Ma, lại cách nhau rất gần, bản Quỳnh Tiến gần gũi vào thân thiết với bản

Quỳnh An hơn nhiều so với các điểm di dân khác của bản Pắc Ma và so với các bản

Thái đen bản địa. Tuy nhiên, hai bản không ghép lại với nhau mà xây miếu thờ thần bản

riêng, bầu trưởng bản và các tổ chức đoàn thể, xã hội riêng. Đến cuối năm 2023, theo

Nghị quyết 134/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La v/v sáp nhập và đặt tên

bản, thôn, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La (đợt 5) ban hành ngày

08/11/2022 3, bản Quỳnh Tiến sáp nhập với bản Quỳnh An và 21 hộ tạm trú người Thái

Đen bản địa tách ra từ bản Hìn thành lập tổ 5 phường Chiềng An, thành phố Sơn La, với

103 hộ, 403 nhân khẩu. Tổ trưởng kiêm bí thư Đảng ủy tổ 5 là ông Lò Văn Quý, cán bộ

Phường Chiềng An vừa nghỉ hưu, sống tại bản di dân Quỳnh An. Trưởng bản Quỳnh

Tiến cũ nay làm tổ phó kiêm phó bí thư tổ 5. Mặc dù được ghép vào chung một đơn vị

3https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-134-NQ-HDND-2022-sap-nhap-dat-ten-ban-thon-to-
dan-pho-dot-5-Son-La-540288.aspx.

15
quản lý hành chính, nhưng bản Quỳnh Tiến và Quỳnh An vẫn giữ tính độc lập và tự

quản của bản mình, chỉ khi thực hiện các hoạt động chung của tổ 5 theo chỉ đạo của

UBND phường Chiềng An, họ mới làm cùng nhau. Riêng 21 hộ người Thái đen bản địa

vẫn sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể theo bản Hìn thuộc tổ 3 phường Chiềng

An.

Trong những ngày đầu chuyển cư đến phường Chiềng An, bản Quỳnh Tiến đã nhận

được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía UBND phường Chiềng An và các bản Thái đen xung

quanh để sớm ổn định cuộc sống. Ngược lại, cư dân bản Quỳnh Tiến cũng chủ động xây

dựng mạng lưới xã hội ở nơi ở mới thông qua các mối quan hệ sẵn có như họ hàng xa,

bạn học, nhận cha mẹ nuôi, kết nghĩa anh em... Ngoài ra họ còn tranh thủ những lúc đi

hái cà phê, hái mận thuê cho người dân bản địa, hoặc khi thuê người dân bản địa đến

xây dựng nhà cửa, sau đó là những dịp đi họp, đi giao lưu văn hóa văn nghệ ở Phường,

ở các bản khác hoặc những lúc các nhân đi buôn bán, mua sắm, tham gia hôn lễ, tang lễ,

lên nhà mới... để cố kết mối quan hệ sẵn có và mở rộng thêm những mối quan hệ xã hội

khác. Trưởng bản và các cụ già trong bản Quỳnh Tiến còn kết nối và tổ chức lễ kết nghĩa

giữa bản Quỳnh Tiến với bản Lả Sẳng theo truyền thống của dân tộc Thái. Hai bên cam

kết sẽ là anh em của nhau, vui buồn có nhau và cùng có trách nhiệm với nhau. Cùng với

thời gian, bản Quỳnh Tiến và các bản Thái đen bản địa cũng bắt đầu cưới gả con cái cho

nhau, hình thành quan hệ liên hôn gần gũi hơn giữa hai cộng đồng.

Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay bản Quỳnh Tiến đã trở thành một thành viên

của phường Chiềng An và nhận được sự yêu quý, nể trọng của các bản khác nhờ nếp

sống lành mạnh, chăm chỉ, khả năng thích nghi và phát triển tốt. Đến nay, người dân

bản Quỳnh Tiến vẫn bảo nhau gìn giữ bản sắc văn hóa của mình. Trong giao tiếp hàng

ngày với nhau họ vẫn dùng phương ngôn Thái trắng. Các lễ tết truyền thống như tết Xíp

16
xí, lễ gội đầu, lễ cúng thần bản, lễ ăn Hóng họ... vẫn được họ duy trì. Ngoài ra, họ còn

chủ động giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống của mình trong cộng đồng địa

phương thông qua những buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, hay chủ động mời

bàn con Thái đen bản địa đến tham gia các lễ hội truyền thống riêng có của di dân Thái

trắng. Những nét văn hóa của di dân Thái trắng cũng góp thêm một nét văn hóa đặc sắc,

làm giàu hơn cho bản sắc văn hóa các dân tộc trong Phường Chiềng An.

Nếu như quá trình hòa nhập của cư dân bản Quỳnh Tiến với các bản Thái đen khác

trong phường Chiềng An diễn ra rất thuận lợi, thì quá trình hòa nhập của họ với nhịp

sống và xã hội ở thành phố Sơn La diễn ra gian nan hơn rất nhiều. Trước kia, bản Pắc

Ma tuy nằm ở trung tâm xã Pắc Ma, nhưng vẫn cách trung tâm huyện Pắc Ma 60km và

trung tâm thành phố Sơn La 120km. Cộng đồng người Kinh họ tiếp xúc thường xuyên

nhất là cán bộ ở khu cơ quan, nông dân ở bản Chiềng Yên và đội ngũ thương nhân đến

bản thu mua nông thổ sản và buôn bán. Khoảng cách về học vấn, kinh tế, quan hệ xã

hội, văn hóa... giữa hai bên không lớn lắm, người dân bản Pắc Ma cũng không cảm thấy

hai bên có gì khác biệt. Sau di dân, khoảng cách giữa bản Quỳnh Tiến và trung tâm

thành phố Sơn La chỉ còn 9km. Ở đây, cộng đồng người Kinh và cả người Thái làm cán

bộ cơ quan nhà nước và kinh doanh, buôn bán đông đảo hơn, khoảng cách về học vấn,

kinh tế, văn hóa, quan hệ xã hội... giữa hai bên trở lên rõ rệt hơn bao giờ hết. Những

hiểu biết, kinh nghiệm sống, kỹ năng lao động trong nông nghiệp và mối quan hệ xã hội

của người dân bản Quỳnh Tiến không thể áp dụng trong quá trình hội nhập với cộng

đồng cư dân đô thị được. Như học giả Trung Quốc Wei Ren Zhong nhận định: “Sau khi

di cư đến một môi trường hoàn toàn xa lạ, phải sử dụng cách tư duy và hệ thống giá trị

mới để thích nghi, tiếp thu và hội nhập với nền văn hóa mới, đều này đặt ra yêu cầu xã

hội hóa lại đối với di dân. Quá trình này không chỉ là các vấn đề quyền lợi, thân phận

17
và địa vị, còn liên quan đến những vấn đề nội tại của việc di dân làm thế nào để hòa

nhập vào trong cộng đồng cư dân đô thị như: tố chất tự thân, giá trị quan, phương thức

sản xuất và sinh hoạt… Nhìn từ góc độ văn hóa và xã hội, họ phải thực hiện quá trình

“tự chuyển hóa bản thân” trong quá trình xã hội hóa lại đó. Nói một cách đơn giản, đây

chính là quá trình tái lập lại phương thức sống và phương thức sản xuất của đô thị ” 4.

Với tinh thần ham học hỏi, sự năng động và ý chí vươn lên, hiện nay một số thanh niên

bản Quỳnh Tiến đã học xong đại học, xin làm giáo viên hoặc bác sĩ bệnh viện Y học cổ

truyền ở thành phố, một số khác làm trong các công ty chuyển phát nhanh hoặc buôn

bán máy tính, có trường hợp đã học xong thạc sĩ hiện đang làm giáo viên cấp 3 ở tỉnh

Quảng Ninh. Tuy số lượng thanh niên thích nghi với phương thức sản xuất của đô thị

còn chưa nhiều, nhưng cũng là dấu hiệu tích cực cho quá trình hòa nhập của bản Quỳnh

Tiến với cuộc sống ở đô thị đã có những bước khởi đầu đáng khích lệ.

3. Kết luận

Dưới tác động của chương trình di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, thiết chế bản

của di dân Thái trắng trong một thời gian ngắn đã bị giải thể và tái cấu trúc, dẫn đến

những biến động lớn chưa từng có đến cộng đồng di dân thủy điện. Bản Quỳnh Tiến

chuyển từ vùng thung lũng lòng chảo rộng rãi có tài nguyên nước, rừng và đất phong

phú, nơi họ là cộng đồng có dân số đông nhất, tiềm lực kinh tế, ảnh hưởng chính trị và

văn hóa mạnh mẽ nhất đến điểm tái định cư có diện tích nhỏ hẹp, tài nguyên nghèo nàn,

quy mô dân số thu hẹp và những ưu thế ban đầu của họ về nhân khẩu, kinh tế, văn hóa,

chính trị không còn, sự biến động trên đã tác động vào làm thay đổi về bản chất thiết

chế bản và các mối quan hệ trong nội bộ bản, cũng như mối quan hệ của bản với bên

ngoài mà nổi bật trong đó là sự biến mất của các nhân tố văn hóa dân tộc truyền thống,

4韦仁忠: 《草原生态移民的文化变迁和文化调适研究-以三江源生态移民为例》
,载《西南民族大学学报(人文社科
版)》2013 年第 4 期。

18
sự tăng cường của quản lý hành chính nhà nước, tác động rõ rệt hơn của đô thị hóa và

toàn cầu hóa. Chúng tôi tin rằng trong tương lai thiết chế bản sẽ tiếp tục giữ ổn định như

hiện tại, nhưng mối quan hệ của bản Quỳnh Tiến với các cộng đồng bên ngoài sẽ mở

rộng hơn, đồng thời mức độ thích nghi và hòa nhập với cuộc sống đô thị của họ sẽ tăng

lên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Vi Văn An (1999), Thiết chế bản Mường truyền thống của người Thái ở miền tây
Nghệ An, Luận án tiến sĩ sử học, Viện sử học.
2. Đặng Nguyên Anh (2008) “Công tác di dân, tái định cư trong các công trình thủy điện nước
ta từ góc nhìn xã hội học”, Tạp chí Xã hội học, 2 (102)/2008, tr.23-27.
3. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai (2000), “Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai
1945-1995”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Vũ Trường Giang (2011), Thiết chế xã hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Việt
Nam, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3/2011, tr.80-90
5. Trần Văn Hà
6. Diệp Đình Hoa (1996), “Cộng đồng dân tộc Tây BắcViệt Nam và thuỷ điện”, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
7. Đào Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Nhung (2010), “Nghiên cứu tình hình sản xuất và
mức sống dân cư của các hộ gia đình ở một số khu tái định cư thủy điện Sơn La triên địa
bàn tỉnh Sơn La”, Đề tài NCKH cấp Bộ
8. Trần Hạnh Nguyên (2017), “Quá trình hòa nhập của di dân thủy điện Sơn La trong bối cảnh
xã hội biến đổi (Trường hợp bản Quỳnh Tiến, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh
Sơn La)”, Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò, bản sắc cộng đồng các dân tộc Thái – Ka đai
trong hội nhập và phát triển bền vững, tr. 714-724.
9. Chu Thái Sơn, Cầm Trọng (2005), Người Thái, Nxb Trẻ, Hà Nội.
10. Đặng Nghiêm Vạn (1977), Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
11. Vũ Hải Vân (2011), Ảnh hưởng của Thủy điện Sơn La đến công tác tổ chức, quản lý và cố
kết cộng đồng truyền thống của người Thái, Tạp chí Dân tộc học, số 3, 2011,

19
12. Nguyễn Ngọc Thanh (2020), Tổ chức bản của một số tộc người ở miền núi phía Bắc Việt
Nam,Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 4/2020, tr.36-44.
13. Cầm Trọng(1978) “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Trần Thị Hồng Yến “Các dạng thức ứng xử và thích nghi của người Việt ở đô thị
miền núi (trường hợp huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La)” trích trong tạp chí Dân tộc
học số 6-2011
15. Wei Ren Zhong (2013), Nghiên cứu biến đổi và thích nghi văn hóa cảu di dân sinh
thái vùng thảo nguyên – Trường hợp di dân sinh thái vùng Tam Giang Nguyên, Tạp
chí “ĐH Dân tộc Tây Nam”, số 4/2013.

20

You might also like