Bài Thuyết Trình Về Lão Giáo

You might also like

Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 10

LÃO GIÁO (ĐẠO GIÁO)

a. Nguồn gốc :
Lão giáo hay Đạo giáo là một tôn giáo xuất hiện đồng thời với
Khổng giáo trong địa bàn của nước Trung Hoa thời cổ đại thuộc vương
triều nhà Chu bởi một nhân vật sống và hoạt động truyền đạo cùng thời
với Đức Khổng Tử mà danh xưng gắn cho vị nầy là “LÃO TỬ”.
Chúng ta thử theo chân của nhà nghiên cứu Ruth Andersen tìm lại
đôi nét lịch sử về nhân vật đặc biệt nầy :
“Theo một truyền thuyết của Đạo giáo thì Lão Tử được sanh ra tại làng
Chujen, một làng ở huyện Hồ (Hồ Bắc) trong tỉnh Hà Nam, độ chừng
năm mươi năm trước Khổng Phu Tử. Ông sống trong thời kỳ của
Zoroaster tại Ba Tư (một nhà tiên tri của Ba-Tư - ND) và thời kỳ của các
tiên tri Giêrêmi và Êlia của người Do Thái. Ông được chỉ định làm một
học giả trông coi Kinh sách trong triều đình nhà Chu. Ông là một con
người trầm tĩnh, ít tiếp xúc với xã hội. Ông được xem là một vị thánh
hiền, và không bao lâu sau khi ông mất, ông được thờ phượng như một
thần linh.
Lão Tử và Khổng Tử sống ở Trung Hoa trong thời kỳ đất nước loạn lạc.
(…). Lão Tử đã cố gắng để khôi phục trật tự chính trị xã hội, nhưng ông
đã không thành công. Truyền thuyết nói rằng ông đã để Kinh sách của
Đạo giáo lại tại Vạn Lý Trường Thành của nước Trung Hoa và đi tìm sự
sống vĩnh hằng, trở thành một với Đạo.”
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo :
Lão giáo thiên về một học thuyết, một triết lý sống hơn là một tôn
giáo đúng nghĩa. Theo nhận định của Ruth Andersen thì Lão giáo có thể
định nghĩa như sau :
“Từ ngữ Đạo giáo có nghĩa là “một con đường”. Người Đạo giáo tin
rằng mọi vật trong vũ trụ đều chuyển động và thay đổi. Nó chuyển động
một cách hòa hợp và có trật tự. Con người bị lạc đường do không hòa
hợp của mình và những chủ tâm của riêng mình. Con đường cần quay về
con đường của sự đơn sơ và khiêm tốn bằng hành động thụ động và một
con đường đạo đức đúng đắn. Trong thực tế, Đạo là một triết lý, một tôn
giáo, một hệ thống nghi lễ có tính pháp thuật, tất cả đều gom vào thành
một.”
Tư tưởng của Lão giáo hay Đạo giáo tập trung trong một tác phẩm
tương truyền do chính Lão Tử soạn tác đó là quyển ĐẠO ĐỨC KINH
Sau nầy, có thêm một đồ đệ của Lão Tử là Trang Tử đã san định, bổ túc
để làm cho học thuyết “Đạo giáo” mang tính thống nhất, đầy đủ và dễ
thuyết phục hơn.(Xem thêm về sách ĐẠO ĐỨC KINH[2])
Sau đây là những điểm tích cực trong con đường tu thân tích đức
(linh đạo) chúng ta tìm thấy trong Lão giáo :

b.1/. Giáo lý và quan niệm cốt lõi : ĐẠO


Nền tảng giáo lý và triết lý của Lão giáo có thể tập trung ở một từ
duy nhất “ĐẠO” :
“Theo các tín đồ Đạo giáo thì Đạo giáo không thể mô tả được, bởi vì nó
luôn luôn thay đổi. Nếu người ta có thể cắt nghĩa được, thì nó sẽ không
còn là đạo nữa. “Đạo mà có thể luận giải được thì không phải là Đạo
tuyệt đối” (Đạo khả đạo phi thường đạo). Người ta nói rằng nó thuộc về
hình nhi thượng (métaphisical), vượt ngoài lãnh vực vật lý. Nó là vô hình,
và siêu việt trên thế giới loài người (Danh khả danh phi thường danh).
Một khía cạnh duy nhất mà con người có thể nhận biết về Đạo là tiến
trình hữu hình của thiên nhiên mà theo đó mọi vật dời đổi biến hóa. Thấy
những gì nó hoạt động thì một người có thể nói rằng Đạo hiện hữu.”
Từ quan niệm đó, Lão giáo chủ trương thuyết “VÔ VI” :
“Đạo không chỉ là nguyên lý của vũ trụ mà cũng còn là một mẫu mực cho
cách cư xử của con người. Trong sự thay đổi không ngừng của Đạo,
người ta thấy sự tự do và năng lực. Đạo hứa hẹn hạnh phúc cho những ai
chịu phó mình cho nó. Điều nầy xảy ra như thế nào? Bằng việc thực
hành sự vô vi, nghĩa là “không hoạt động, không tranh đấu, sinh hoạt vô
hoạt động”.
Như vậy có thể tóm tắt học thuyết và linh đạo của Lão giáo qua
những điểm sau :
- Một người có thể đạt đến sự kết hiệp với Hữu thể tối cao.
- Một người nên lấy thiện trả ác.
- Một người nên lấy lý trí khống chế cảm xúc.
- Sự sống quan trọng hơn tài sản vật chất.
- Phục vụ kẻ khác là lý tưởng.
- Để trọn vẹn con người phải đi theo ý trời.

c. Linh đạo và bài học từ Lão giáo :

Theo phân tích và đối chiếu của tiến sĩ Nguyễn Như Lai, thì có
thể chọn trong giáo lý, học thuyết của Lão giáo 3 điều tương ứng với 3
nhân đức của Tin Mừng : KHIÊM NHƯỜNG, KHÓ NGHÈO VÀ CHIA
SẺ BÁC ÁI.

I.KHIÊM NHƯỜNG:
1.. Khiêm nhường để kết hợp mật thiết với Ðạo.
Chính khi biết tự hạ mà Lão Tử đã sống kết hợp mật thiết với Ðạo.
“Ðạo Lớn tràn lấp, bên phải bên trái. Vạn vật nhờ Ðạo mà sinh ra, mà
không một vật nào bị Ðạo khước từ, xong việc rồi không để tên. Che chở
nuôi nấng muôn loài, mà không làm chủ. Thường không ham muốn, nên
có thể gọi tên là Nhỏ. Ðược muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có
thể gọi tên là Lớn. Bậc Thánh Nhơn cho đến ngày cùng, không cho mình
là lớn. Cho nên mới thành được việc lớn của mình” (Ch. XXXIV) .
Chỗ khác Lão Tử dạy: ”Bậc Thượng Thiên giống như nước, nước thì hay
làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều ghét, nên
gần với Ðạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu. Xử thế
thì thích dùng đến lòng nhân. Nói ra thì trung thành không sai chạy. Sửa
trị thì chịu làm cho được thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng. Cử
động thì hợp với thời buổi. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi”
(Ch.VIII).
Sau cùng, vì ”trở lại là cái động của Ðạo, yếu mềm là cái dụng của Ðạo”
nên ”trong khi vạn vật dưới trời sinh ra nơi ”Có”, và ”Có” lại sinh ra từ
nơi “Không”(Vạn vật luôn luôn tự giảm để trở về với tính cách đơn thuần
nguyên khởi) (Ch. 40).
Vậy lòng khiêm tốn trong đạo Lão cốt tại do bắt chước lòng khiêm tốn
của Ðạo.
 Đối với Kitô giáo:
Thực tế, lòng khiêm tốn ấy rất gần với đức khiêm nhường trong Kitô
giáo. Người kitô hữu noi gương Ðức Kitô mà sống khiêm nhường, như
chính Ngài đã kêu gọi: ”Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả, hãy đến với
Ta, Ta sẽ nâng đỡ và an ủi. Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học
với Ta, vì Ta có lòng nhân từ và khiêm nhường, như thế anh em sẽ được
bình an trong tâm hồn” (Mt 11,28-29).
Thánh Phêrô đã viết cho các tín hữu: ”Anh chị em hãy ăn ở khiêm tốn
với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm
nhường. Hãy hạ mình xuống dưới cánh tay uy quyền của Chúa, để Chúa
tôn anh chị em lên trong ngày thuận tiện” (IPr 5,5-6).
Ðâu là những quy luật hạnh kiểm mà một Hiền Nhân trong đạo Lão phải
sống theo gương Ðạo? Lão Tử dạy chúng ta rằng nhân đức lớn nhất chính
là hãy nên giống trẻ nhỏ: “Kẻ mà Ðức dầy, giống như con đỏ, độc trùng
không cắn, thú dữ không ăn, ác điểu không xớt” (ĐĐK XV,1).
Phúc Âm theo thánh Mathêô cũng dạy chúng ta về sự cao cả của tuổi
thơ. ”Khi các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy, ai là người
lớn nhất trong Nước Trời?, Chúa liền gọi một em nhỏ lại, cho ngồi giữa
các ông và bảo: Thật, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ
chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người
ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Còn ai đón tiếp một em nhỏ như
thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,1-5)
2. Tự Hạ sẽ được nâng lên.
-Người Hiền của Ðạo Lão sẽ được nâng lên bởi vì ông đã tự hạ mình
xuống. Ông sẽ được tôn vinh bởi vì ông đã tự xóa mình đi. Cuốn Ðạo
Ðức Kinh đan cử cho chúng ta nhiều thí dụ:
+Theo gương Trời và Ðất: ”Trời dài Ðất lâu. Trời Ðất sở dĩ dài lâu, là vì
không sống cho mình, nên mới đặng trường sinh. Vì vậy Thánh Nhơn, để
thân ra sau mà thân ở trước, để thân ra ngoài mà thân đặng còn. Phải
chăng vì không riêng tư, mà thành được việc riêng tư” (Ch. VII). Ý tưởng
này, chúng ta còn đọc lại một cách khác trong lời dạy: ”Nhón gót lên thì
không đứng vững; xoạc chân ra thì không bước được. Tự xem là sáng thì
không sáng, tự xem là phải thì không chói, tự xem là có công thí không
công, tự kiêu căng thì không đứng đầu” (Ch. XXIV). Chỗ khác nữa, Lão
Tử còn khuyên: ”Người khi mới sinh thì mềm yếu; mà khi chết thì cứng
mạnh. Vạn vật cỏ cây khi mới sinh thì mềm dịu, mà khi chết thì khô héo.
Cho nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sống”
(Ch. LXXVI).
+Nước cũng cho chúng ta một gương mẫu tuyệt hảo về điểm này: ”Dưới
trời mềm không chi hơn nước, không chi hơn đó được, không chi thế đó
được. Mềm thắng cứng, Yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai không biết,
nhưng không ai có thể làm được” (Ch. LXXVIII).
+Liệt Tử phân biệt trong thế giới này thành hai con đường: ”Con đường
phục tùng, kính cẩn và con đường bất phục tùng, ngạo nghễ. Các Tiền
nhân nhận định về những người đi theo hai con đường ấy như sau: Những
người ngạo nghễ thì chỉ được thiện cảm nơi những điều ti tiện nhất;
những người kính cẩn làm hài lòng những người trổi hơn họ. Sự ngạo
nghễ rất nguy hiểm, bởi vì chỉ gây thù óan; sự kính cẩn lại thật vững
chắéc, vì đi đâu cũng có bạn hữu. Người kính cẩn thành công mọi việc,
trong đời sống tư cũng như trong đời sống công, đang khi người ngạo
nghễ chỉ nếm toàn thất bại” (Liệt Tử, Ch. II. P)
+ Còn Trang Tử, ông kể lại giai thoại sau đây: ”Ðức Khổng Tử và các
môn sinh của Ngài bị giữ lại suốt bảy ngày tại biên giới nước Chân và
nước Tề. Thầy trò suy nhược gần chết đói. Công tước Jenn đón tiếp Ngài
và nói với ngài: ”Ðể tránh đại họa, phải hết sức thực hiện những đức tính
hay những tài năng phi thường như ngài đã làm. Cây cao thẳng nhất sẽ bị
đốn ngã trước hết. Giếng nào nước ngọt nhất sẽ bị khô cạn đầu tiên. Kiến
thức của ngài làm hoảng sợ người ngu đần, ánh sáng của ngài đánh thức
những kẻ điên rồ... (Trang Tử, Ch.20,D)
 Trong Thánh Kinh:

-Ðức khiêm nhường lại không được giảng dạy trong Thánh Kinh như một
nhân đức lớn đó sao? Sách Huấn Ca khuyên chúng ta: ”Hỡi con, trong
giàu có, con hãy ở khiêm hạ, và con sẽ được mến yêu hơn người hào
nhoáng. Trong địa vị cao con hãy hạ mình, và trước mắt Chúa con sẽ
được muôn đặc sủng. Vì lớn lao thật, quyền năng của Chúa, nhưng người
mạc khải bí mật của Người cho kẻ khiêm nhường” (Hc 3,17-20).
Trong Tin Mừng thánh Mathêô, Chúa Giêsu nói với các Biệt Phái: ”Ai
lớn nhất trong các ngươi, hãy nên đầy tớ các ngươi. Vì ai nâng mình lên
sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,11-12).
Thánh Luca đã kể lại rằng Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn sau đây dạy về
đức khiêm nhường: ”Bấy giờ Chúa Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ
chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi
ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng
hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải
đến nói với anh rằng: ”Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh
phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại khi anh được mời, thì hãy
vào ngồi chỗ cuối, để cho người đến mời anh phải đến nói: ”Xin mời ông
bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng
bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên” (Lc 14,7-11).
3. Khiêm nhường là kín đáo, quên mình.
Tuy nhiên người Quân Tử còn phải tỏ ra khiêm tốn hơn thường dân.
Mình biết nhiều, làm nhiều đấy, nhưng vẫn kín đáo, quên mình, hầu ”làm
khuôn mẫu cho thiên hạ, là khe nước cho toàn dân. Riêng mình thì cứ giữ
lấy Ðức, sống đơn sơ như con trẻ (x. Ch. 28). Cũng thế ”Biết mà cho là
không biết thì cao, không biết mà cho là biết thì bệnh” (Ch. 71)
Trang Tử phân biệt Thánh nhân với thường dân như sau: “Thánh hiền
khác với thường dân ở chỗ: các ngài ưa thích sự bình thản và tránh cái
xáo trộn. Thường dân thì ngược lại, tìm sự nhộn nhịp và trốn sự an bình.
Biết mà làm thinh, đó là sự trọn hảo. Biết rồi ba hoa, đó là sự bất toàn.
Các Cổ nhân hướng về sự toàn hảo” (Trang Tử, Ch. 32)
Riêng ông Liệt Tử lại kể cho chúng ta giai thoại sau đây: Ông Giang Chu
cùng với nhiều môn sinh đi đến nước Song và trọ trong một khách sạn.
Người chủ khách sạn có hai bà vợ, một xinh đẹp, một xấu xí. Người vợ
xấu được mọi người yêu thương và người vợ đẹp bị mọi người đàm tiếu.
Ông Giang Chu hỏi một chú giúp việc ”tại sao có chuyện đó”. Chú giúp
việc thưa: ”Vì người vợ đẹp làm dáng quá, chúng tôi không ưa. Trong khi
người vợ xấu biết mình là xấu, khiến chúng tôi quên cả cái xấu xí của bà.
Ông Giang Chu nói với các môn sinh: ”Các trò nhớ kỹ câu chuyện nhé.
Là người khôn mà không tỏ ra là mình khôn, đó chính là cái bí quyết để
được mọi người quý mến” (Liệt Tử, Ch. 2)
Ðức Lão Tử nói: ”Bởi vậy Thánh nhơn biết mình mà không tự xem mình
là sáng; Yêu mình mà không qúy mình” (Ch. LXXVII)
Thánh Phaolô cho chúng ta những giáo huấn tương tự về đức khiêm
nhường: ”Anh em hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại
nhưng hãy ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn
ngoan” (Rm 12,16).
Trong đời sống công khai cũng như trong đời sống riêng tư, đức khiêm
nhường cần thiết đặc biệt cho những người có chức phận hướng dẫn dân
chúng. Lão Tử tự hỏi ”Tại sao sông và biển có thể làm Vua trăm ngàn
thung lũng và hang sâu?”. Rồi ngài trả lời: ”Chính vì chúng tự nguyện
đứng dưới thấp hơn mọi thung lũng và hang sâu. Vì thế mọi nước đều
cuồn cuộn đổ về chúng”. Rồi Lão Tử nói tiếp: ”Bởi vậy, muốn ngồi trên
dân, hãy lấy lời mà hạ mình, muốn đứng trước dân, hãy lấy mình để ra
sau. Vậy nên thánh nhơn, ở trên mà dân không hay nặng, ở trước mà dân
không thấy hại. Vì thế, thiên hạ không chán, lại còn đẩy tới trước. Bởi đó
không tranh, nên thiên hạ không cùng tranh với đó được” (Ch.LXVI).
-Trong một nước cũng vậy: ”Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là chỗ hợp lại
của thiên hạ, là giống cái của thiên hạ. Giống cái thường lấy tịnh và chỗ
thấp mà thắng giống đực” (Ch.LXI).
Ngày xưa các Thánh Ðế đều khiêm tốn xưng mình bằng những từ ngữ
”Người cô thân độc mã” , ”Người vô tài, bất lực”, ”Người vô danh tiểu
tốt”. Vì khiêm tốn không làm các ngài hạ giá. Quả như lời Lão Tử: ”Mọi
sự trong đời, bớt là thêm, thêm là bớt” (Muốn tăng thêm uy tín, phải tự hạ
mình xuống, còn muốn tự cao, tự đại tất bị hạ xuống và thu nhỏ lại) (Ch.
XLII).
 Trong Thánh Kinh:

-Thánh Kinh cũng dạy chúng ta như vậy về đức khiêm nhường. Chúa
Giêsu đã nói với các môn đệ: ”Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy
quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản
dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em,
thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải
để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống
làm giá chuộc muôn người” (Mt. 20,25-28).
Chúng ta cũng đọc thấy trong Phúc âm thánh Macô: ”Ai muốn làm
người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi
người” (Mc 9,35).
Trước khi đi chịu thương khó Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Vậy ai là
người lớn nhất, người ngồi bàn hay kẻ hầu hạ? Phải chăng là người ngồi
bàn? Thế mà Thầy, Thầy sống giữa anh em như kẻ hầu hạ” (Lc 22, 27).
II.ÐỨC KHÓ NGHÈO:
1. Khó nghèo là con đường đến với Ðạo.
-Như đã đề cao Ðức Khiêm Nhường, Lão giáo còn đề cao Ðức Khó
Nghèo. Chính Ðức Khó Nghèo nối kết con người với Thái Cực (Principe)
hay với Ðạo. “Ăn mặc lộng lẫy, đeo đai và kiếm sắc, đồ ăn thức uống dư
dật và của cải đầy tràn... đó chỉ là hang trộm cướp (đạo tặc) chứ đâu
phải đường của đại Ðạo” (x.Ch. LIII).(…) Không thể giữ bưng mãi được
bình nước đầy, có lúc nó sẽ vơi; Không thể giữ mãi được con dao sắc
bén, chầy kíp nó sẽ cùn! Cũng vậy, dùng vàng bạc ngọc ngà chất chứa
đầy nhà, chỉ là tự vời kẻ trộm đến. Phú qúy là điều thiên hạ ai cũng
muốn, lại còn khoa trương thì không vời họa đến cho mình sao được” (x.
Ch. 9).
 Trong Thánh Kinh:

-Chúng ta cũng gặp những giáo huấn như vậy trong sách Cách Ngôn:
”Thu tập khôn ngoan có giá trị hơn vàng dòng, thu tập hiểu biết qúy hơn
tiền bạc” (Cn 16,16). ”Ðừng nhọc công làm giàu, đừng nghĩ tới của bất
lương” (Cn 23,4). ”Người nghèo khó đi theo đường công chính đáng qúy
trọng hơn người giàu có mà đi theo đường quanh co” (Cn 28,6).
- Lời Phúc âm còn nhấn mạnh hơn: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ
được, hoặc ghét chủ này thì mến chủ kia, hoặc trọng chủ này thì khinh
chủ khác. Các ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc một
trật được” (Mt. 6,24).
- Thánh Phaolô đã viết cho TimôThê như sau: ”Vậy khi có đủ cơm ăn áo
mặc, ta hãy lấy thế là đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu thì sa chước cám
dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; Ðó là những
thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế,
cội rễ sinh ra mọi điều gian ác là lòng ham muốn tiền bạc. Vì buông theo
lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi
đớn đau xâu xé” (ITm 6,8-10).

2. Giàu sang phú qúy là phù vân.


-Lão Tử coi giầu sang như một sự hư ảo và phù du mà không có thể bảo
toàn lâu dài được: ”Không thể giữ bưng mãi được bình nước đầy, có lúc
nó sẽ vơi; Không thể giữ mãi được con dao sắc bén, chầy kíp nó sẽ cùn!
Cũng vậy, dùng vàng bạc ngọc ngà chất chứa đầy nhà, chỉ là tự vời kẻ
trộm đến. Phú qúy là điều thiên hạ ai cũng muốn, lại còn khoa trương thì
không vời họa đến cho mình sao được” (x. Ch. 9: Ôm giữ chậu đầy,
chẳng bằng thôi đi; Dùng dao sắc bén, không bén được lâu; Vàng ngọc
đầy nhà, khó mà giữ lâu; Giàu sang mà kiêu, tự vời họa ưu).
 Trong Thánh Kinh:
-Tin mừng nói gì với chúng ta? ”Anh em đừng tích trữ cho mình những
kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy
đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt
không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho
tàng ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Mt 6, 19-21).
-Trong Tin Mừng thánh Luca cũng có lời răn truyền như vậy: ”Anh em
hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao
giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp
không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở
đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33-34).
-Sách Châm Ngôn hoài nghi về thân phận của người giàu: ”Sản nghiệp
người giàu, đó là thành lũy của nó: Ðó là một bức tường cao, nó nghĩ như
vậy” (Cn 18,11).
III. Cho đi là lãnh nhận.
-Ðức nghèo khó sẽ được phần thưởng bội hậu. Càng cho càng giàu. Lão
Tử đã khẳng định như vậy trong chương cuối cùng của Ðạo Ðức Kinh:
”Bậc thánh nhơn không thu giữ, càng vì người mình càng thêm có, càng
cho người mình càng thêm nhiều, Ðạo của Trời lợi mà không hại, Ðạo
của thánh nhơn, làm mà không tranh” (Ch. LXXXI).
 Trong Thánh Kinh:

-Chúng ta nhớ rằng, trongTin Mừng lời Chúc Phúc đầu tiên, Chúa Giêsu
đã dành cho người nghèo: ”Phúc cho những người có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
- Thánh Luca kể, Chúa Giêsu đã nói với dân chúng dụ ngôn này: ”Có một
nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng:
Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu. Rồi ông ta tự
nhủ: Mình sẽ làm thế này, phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn
hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ
lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ
nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Ðồ
ngốc! nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi
sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải mình, mà không lo
làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,16-
21).
- Chúa Giêsu còn nói với chàng thanh niên giàu có: ”Nếu bạn muốn nên
trọn lành, hãy về bán của cải bạn có, phân phát cho người nghèo, và bạn
sẽ được kho tàng Trên Trời, rồi bạn đến và theo Ta” (Mt 19,21).
- Như thánh hiền trong đạo Lão, ông Gióp cũng mời gọi chúng ta yêu
chuộng khó nghèo và khinh chê giàu sang bằng những lời sau đây: “Nếu
tôi đã đặt bảo đảm của tôi nơi vàng, và nếu tôi nói với vàng ròng: ”Mi là
sự an toàn của ta”. Nếu tôi hoan hỉ vì có nhiều tiền của và vì giàu sang do
bàn tay tôi tạo nên... thì đó cũng là một lỗi lầm đáng đưa ra toà án, vì tôi
đã chối bỏ Thiên Chúa tối cao” (G 31, 24-28).
 Điểm dị biệt:
- Đối với Lão giáo: Đạo là uyên nguyên của vạn vật là một tuyệt đối thể
phi ngôi vị.
Theo thuyết vô vi: Thành công hay thất bại của con người đều thuận
theo
lẽ tự nhiên.

- KTG: Con người phải cố gắn và cộng tác với sự trợ giúp của Thiên
Chúa.
-Lão Giáo: Theo đạo lý tự nhiên của Trời Đất
- Kitô Giáo: là Đạo Mặc Khải.
- Kitô giáo: Vạn vật xuất phát từ Thiên Chúa, là nguyên thuỷ và cùng
đích mọi loài. Ngài là một Đấng có ngôi vị, một Hữu Thể Tuyệt đối, Siêu
Việt, bất khả đạt thấu.
- Đức, theo lão giáo là cái động hữu hình của Đạo, là nguyên lý làm cho
vật này thành vật kia.
- Kitô giáo: Đức có thể đối chiếu với Thánh Thần, tuy nhiên Thánh Thần
cũng là một Ngôi vị trong một Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi cũng là một
Thiên Chúa, đồng thời Ba Ngôi cộng tác với nhau trong mọi chương trình
đối với vũ trụ và con người.

ÍCH LỢI CỦA VIỆC ĐỐITHOẠI LIÊN TÔN:

- Nhận ra nét đẹp tâm linh trong đời sống và thực hành niềm tin của
nhau.
- Cùng nhau khám phá và làm triển nở những “hạt giống Ngôi Lời”
- Cùng hoán cải sâu xa hơn với Thiên Chúa và“đồng hành tiến về sự
thật”

Tài liệu tham khảo:


1.Trương Đình Hiền: NHỮNG NẺO TÂM LINH NGOÀI KITÔ
GIÁO
(Khoá trình Linh Đạo cơ bản)
2. Theo trang bách Khoa toàn thư mở (Wikipedia) : Đạo Đức Kinh
gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ Hán, chia làm 2 phần: Thượng
Kinh và Hạ Kinh.
- Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi
thường Đạo". Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.
- Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ
hữu Đức". Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.
3. Ts. Nguyễn Như Lai : “Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại
Việt Nam”), chương VII. ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ CÁC
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO, Mai Đức Vinh chuyển
ngữ, tr. 481-487

You might also like