Bài 3-Triết Học Bát-Nhã

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

BÀI 3: TRIẾT HỌC BÁT-NHÃ (Prajñāpāramitā)

Đại Bát-nhã: “Y theo Bát Nhã này, người nào muốn thành Tu-đà-hoàn sẽ đắc quả Tu-
đà-hoàn, muốn thành A-la-hán sẽ đắc quả A-la-hán, muốn thành Bích Chi Phật sẽ đắc quả
Bích Chi Phật, muốn thành Bồ-tát sẽ đắc quả Bồ-tát, muốn thành Phật sẽ đắc quả Phật,
cũng xuất sanh 12 bộ kinh từ tu-đa-la đến ba-đề-xá vậy”.

I. Khái niệm Bát-nhã Ba-la-mật


Bát-nhã Ba-la-mật (prajñāpāramitā) được dịch là trí tuệ siêu việt, trí tuệ toàn hảo…
được ghép bởi hai cụm từ “bát-nhã” (prajñā) và “ba-la-mật” (pāramitā).
I.1. Phân tích từ nguyên
Bát-nhã (prajñā; P. paññā): là khái niệm chính của hầu hết các tông phái Phật giáo.
Được cấu tạo bởi ngữ căn là ‘jñā’ có nghĩa là ‘hiểu biết’, ‘nhận thức’ và tiền tố ‘pra’ biểu thị
nghĩa cao hơn nên prajñā được hiểu như là ‘trí tuệ’ (insight) hay ‘sự nhận thức sâu
sắc’ (discernment). Prajñā được hiểu một cách cơ bản như là sự “hiện quán rõ ràng”
(abhisamaya) về bản chất và các phương diện của sự vật, là năng lực có thể kiểm thúc sanh
tử, là phương pháp để đi trên đường giải thoát, là phương tiện để thiết lập nên hiện thực giải
thoát, Niết-bàn.1 Do vậy, Bát-nhã có thể hiểu là trí tuệ, hay ‘trí tuệ cao hơn nhờ phân tích
mà đạt được’, hoặc “trí tuệ hoạt động dưới hình thức nhận thức nhưng không có phân biệt
từ trong bản thể”.
Ba-la-mật (pāramitā): Nghĩa là “bờ bên kia”, “đưa qua sông”. Đại Trí Độ luận đã giải
thích ba-la-mật là “vượt qua bờ luân hồi (sanh và tử) để đi đến bờ bên kia của giải thoát,
niết-bàn” (cross the sea of saṃsāra (life and death) to the far shore of nirvāṇa or
enlightenment).
David J. Kalupahana (The History of Buddhist Philosopy, 153) cho rằng pāramitā là
“một danh từ trừu tượng, thường được dịch là ‘toàn hảo’ (perfection). Trong hàm ý chỉ về
mục đích, nó được phát triển xa hơn bằng cách diễn dịch như sau ‘(bằng trí tuệ ba-la-mật),
hành giả có thể vượt thoát qua đến bờ bên kia’ (pāraṃ = bên kia [bờ], ita = vượt qua, đi
qua).”
Tuy có vấn đề về mặt ngữ nguyên - ví như chiết tự pāraṃ-itā và cho pāram là bờ bên
kia và itā là đến, bước sang (gốc động từ √i, eti) - như Kalupahana đã làm ở trên - nhưng
cách dịch Huệ đáo bỉ ngạn hoặc Trí độ vẫn có nghĩa vì chúng chỉ đến một loại trí huệ độ
người sang bờ bên kia, từ luân hồi đến bờ Niết-bàn.
Ghép cả hai từ ‘prajñā’ và ‘pāramitā’ ta có’prajñāpāramitā’ nghĩa là ‘huệ đáo bỉ ngạn’
(慧到彼岸; wisdom-gone-beyond) tức là ‘trí huệ đưa người sang bờ bên kia’, hay “trí tuệ
toàn hảo” (perfection wisdom, transcendental wisdom)2 hoặc là “Trí độ” (“vượt qua bờ bên
kia nhờ vào trí tuệ” (crossing by means of wisdom)) như trong tiêu đề Đại Trí Độ luận.

1James B. Apple ‘Prajñāpāramitā’ trong Encyclopedia of Indian Religion (ed. Arvind Sharma), Spring, 2015.
2AkiraHirakawa, A History of Indian Buddhism, from Sakyamuni to Early Mahayana, trang 277; 2 Edward
Conze, Buddhism Its Essence and Development, tr. 124.
1 of 13
Độ hay đáo bỉ ngạn đều chỉ là những dụng ngữ nói lên sự giải thoát khổ đau. Cõi sanh
tử mà chúng sanh đang trôi lăn được xem như bờ bên này, thì bờ bên kia được ví với Niết-
bàn, ở đó, chúng sanh được thoát ra ngoài vòng sanh tử. Ngăn cách giữa hai bờ là con sông
phiền não. Vượt sông phiền não tức đến Niết-bàn. Vì vậy, bờ bên kia nguyên là dụ ngữ
ngầm chỉ cho Niết-bàn. Và phương pháp để đi đến Niết-bàn (đáo bỉ ngạn) là 37 phẩm trợ
đạo.
Với sự xuất hiện của Đại thừa mà mở đầu là Bát-nhã, con sông ngăn cách không phải
chỉ có phiền não mà thôi, nó còn là con sông mê lầm nữa. Cho nên, bờ bên kia vừa là giải
thoát (niết-bàn) vừa là bờ giác ngộ (bồ-đề). Để đạt đến chỗ cùng tột rốt ráo và trọn vẹn, phải
tu theo sáu pháp ba-la-mật (hay mười pháp), gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
định và trí tuệ (tức Bát-nhã). Như vậy, với các phương pháp trên đây, bờ bên kia có nghĩa ưu
tiên là bờ giải thoát. Tuy nhiên, Phật giáo Đại thừa thiên trọng về quả vị giác ngộ hơn, cho
nên, Bát-nhã ba-la-mật được coi là mẹ của chư Phật, trở thành căn cứ cho năm ba-la-mật kia
và chiếm địa vị trọng yếu nhất.
I.2. Bát-nhã là gì?
Bàn luận về nghĩa lý của chữ Prajñā-pāramitā, Dignāga trong tác phẩm Prajñā-
pāramitā-arth-saṃgraha cho rằng nó có 3 nghĩa khác nhau: 1) Đó là trí tuệ cao nhất, hiện
thân của đức Phật trong pháp thân, vượt khỏi sự phân biệt nhị nguyên, 2) là Con đường đưa
đến trí tuệ cao thượng đó, và 3) Kinh văn chứa đựng lời dạy có thể đưa đến chứng ngộ trí
tuệ cao thượng ở trên. (The Doctrine of Prajnaparaimta… tr.7)
William (Buddhist Thought) cho rằng Bát-nhã tức là trí tuệ chân thực nhờ tu tâm chính
đạo và các ba-la-mật mà phát được. Trí tuệ cao sâu, thấy suốt hết thảy sự vật và đạo lý. Bát-
nhã chính là trạng thái của tâm phát sinh khi có sự hiểu biết đúng đắn về pháp “như nó đang
là”, đối ngược lại với cách mà sự vật biểu hiện ra bên ngoài. Được thể hiện qua hai phương
diện: 1) cái hiểu biết sự vật như nó là, và 2) Trạng thái tâm của người trực quán vào sự vật
như nó đang là.
Ở đây, ta có thể thấy Bát-nhã được thể hiện qua 3 hàm nghĩa sau:
I.2.1 Bát-nhã là Không tuệ
Hòa thượng Trí Thủ giải thích rằng Bát-nhã (prajñā) vốn có nghĩa là trí tuệ nhưng vì
trong Hán ngữ không có một từ tương đương nên về sau người ta bắt buộc phải tạo từ mới
bằng cách ghép thêm chữ ‘không’ nên mới có từ ‘không tuệ’ và ‘không trí’. Nhưng như thế
vẫn chưa lột hết ý nghĩa hàm ẩn trong danh từ Bát-nhã. Nghĩa gốc của Bát-nhã chuyên chỉ
cho loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng
đắc. Đây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa suốt soi, nhờ đó mà quán
chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tánh. Đây không phải
là loại trí tuệ thế trí biện thông. Vì thế để tránh mọi ngộ nhận vô tình hay cố ý, văn học Phật
giáo Trung Quốc buộc lòng phải dùng y nguyên tiếng Phạn là Bát-nhã với những chú giải
kèm theo.
Theo Hòa thượng Trí Quang thì Đại sư Tăng Triệu (384-414), một trong số các đệ tử
xuất sắc của Pháp sư Cưu Ma La Thập khi chú giải kinh Kim Cương đã cho rằng: “Chủ yếu
của kinh Kim Cương là Không tuệ” và Hòa thượng giải thích thêm: “Không tuệ là tuệ giác
Bát-nhã. Tuệ giác tri kiến như thật về Như, nghĩa là không còn ngã chấp nên gọi là không
tuệ. Không tuệ ấy, tri kiến như thật về đối tượng của nó thì gọi là cảnh không, tri kiến như
thật về bản thân của nó thì gọi là tuệ không, tri kiến như thật về chủ thể của nó (người tu
2 of 13
không tuệ) thì gọi là nhân không…” (Kinh Kim Cương, HT Trí Quang dịch, 1994,
tr.129-130)
I.2.2. Bát-nhã chính là Không
Kimura Teiken nói tới khi cho rằng trí tuệ Bát-nhã chính là Không, do ở góc nhìn khác
nhau mà có tên gọi khác nhau: “Bát Nhã chủ trương từ bản chất của hết thảy các pháp quán
sát để thấu suốt tính “không” tạo thành một sức sinh hoạt hoạt động tự do, không bị trở ngại
hoặc tù hãm. Tính “không” ấy nếu theo Tiểu Thừa Phật giáo phân tích mọi sự vật thì không
thể nào thấu suốt được, chỉ có thể căn cứ vào sự trực quán tổng hợp của Đại Thừa mới có
kết quả. Sự thấu suốt đó gọi là Bát Nhã,… Cho nên gọi là trí tuệ hay là “không” thật ra cũng
chỉ là một, chẳng cùng một sự thực mà đứng về phương diện chủ quan thì gọi là trí tuệ (Bát
Nhã ), mà đứng về phương diện khách quan thì gọi là “không”. Do trí tuệ mà đạt đến nhận
thức “không”, đó là lập trường kinh Bát Nhã.” (Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, tr. 68)
Chính vì Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ của không, của vô ngã. Bát Nhã chủ trương từ bản
chất của hết thảy các pháp quán sát để thấu suốt tính “không” tạo thành một sức sinh hoạt,
hoạt động tự do, không bị trở ngại hoặc tù hãm, hành giả không tham đắm thứ gì, và cũng
không bị vướng mắc vào bất cứ một thứ gì. Do đó, mặc dù thuật ngữ siêu việt (perfection)
được sử dụng, nhưng không phải nói đến cái đích siêu việt; nó siêu việt ở chỗ nhờ ứng dụng
nó trong đời sống mà người đó luôn thẳng tiến trên con đường lý tưởng, giải thoát: It is a
perfection that does not aim at completion. It is wisdom based on practice through which
one is always progessin toward the ideal. (Akira Hirakawa, 278.)
Toàn bộ những điểm vừa nêu cũng có thể dùng để thâu tóm diệu nghĩa của kinh Đại
Bát-nhã-ba-la-mật-đa, và quá trình tu tập để chứng đắc Không tuệ ấy luôn khởi đầu cũng
như chung cuộc, là từ việc khám phá, lý giải, hội nhập tính chất không của năm uẩn trong
mối tương quan hai chiều hay nhiều chiều của chúng. Đây chính là chỗ mà Tâm kinh Bát-
nhã đã đúc kết và thuyết minh: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời,
chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”.
I.2.3. Bát-nhã là cái thấy tuyệt đối
Ngài Cát Tạng trong Đại Thừa Huyền Luận, quyển 4 cho rằng, bát-nhã là sự kết hợp
giữa ‘vô tâm’ khế hợp với hư tông của vô tướng nên siêu việt ngữ ngôn, danh tự bát-nhã
chẳng qua chỉ là giả đặt: “Bậc Thánh dùng diệu huệ của vô tâm khế hợp với hư tông của vô
tướng, tức là trong ngoài đều thầm hợp, duyên (cảnh) trí đều tịch lặng, không biết gọi nó là
gì, tạm gọi là trí huệ, tuy lập danh từ trí huệ, mà thật ra cũng chưa xứng với cái thể của
Bát-nhã”. Vô tâm khế hợp với vô tướng nên Hòa thượng Nhất Hạnh cho rằng bát-nhã
không những siêu xuất ngữ ngôn mà còn là nền tảng để định lượng kinh điển khác có phải là
thắng nghĩa đế hay không:“Tuệ giác Bát-nhã là sự thật tuyệt đối, là thắng nghĩa đế, vượt
lên trên mọi sự thật ước lệ. Nó là cái thấy cao nhất của Bụt. Những đoạn kinh nào trong
Đại Tạng, dù là trong các bộ Kinh Bát Nhã đồ sộ, nếu không phản chiếu được tinh thần
trên, thì đều còn nằm trong bình diện sự thật ước lệ, chưa phải là đệ nhất nghĩa đế.” (Tâm
Kinh Tuệ Giác Qua Bờ)
Vì là thắng nghĩa đế, vượt lên trên mọi sự thật ước lệ nên bát-nhã có khả năng rất lớn
trong việc giúp chúng sanh vượt thoát mọi khái niệm, hình danh, sắc tướng để đạt đến thực
thể vô sanh bất diệt: “Tuệ giác Bát nhã là thứ tuệ giác siêu việt giúp chúng ta vượt thoát
mọi cặp ý niệm đối lập như sinh diệt, có không, nhiễm tịnh, thêm bớt, chủ thể đối tượng,
v.v… và tiếp xúc được với thực tại bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô, v.v… thực tại này chính
3 of 13
là thực tính của vạn pháp. Đó là trạng thái của sự mát mẻ, lắng dịu, bình an, vô úy, có thể
chứng nghiệm được ngay trong đời sống hiện tại với hình thể năm uẩn của mình. Đó là
nirvāna.” (Nhất Hạnh, Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ)
Vì là sự thật tuyệt đối nên Bát-nhã có khả khả năng hiểu được “sự thật như nó vẫn là”,
không chứa bất cứ một luận cứ triết học nào cả, chỉ nhằm thẳng bản chất của sự vật, đặc biệt
chỉ bằng cách dùng phương pháp nói ngược. Cơ sở quan trọng ở đây là sự vật không có hai
mặt, mà trên nó, tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ:
Các pháp - các hiện tượng - không tồn tại mà cũng không không tồn tại, nhưng lại mang dấu
ấn của tính Không: “Dưới ánh sáng của bản chất thực tiễn là cắt đứt mọi nghi ngờ và dính
mắc’, “trí tuệ toàn hảo” là một hiện thực nhằm đạt được và thể hiện nền tảng kiến thức
không phân biệt đối xử.” (Shigenori Nagatomo, The Logic of the Diamond Sutra, trang
215).
II. Phân loại Bát-nhã
Bát-nhã là trí tuệ toàn hảo, nhưng về cơ bản được phân chia ra nhiều loại khác nhau:
II.1. Hai loại Bát-nhã
1) Cộng bát-nhã và Bất cộng bát-nhã. Cộng bát-nhã tức là bát-nhã nói chung cho cả
Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Còn Bất cộng bát-nhã thì chỉ là bát-nhã nói riêng cho
hàng Bồ-tát.
2) Thế gian bát-nhã và Xuất thế gian bát-nhã. Thế gian bát-nhã tức là bát-nhã thế
tục, tương đối (tục đế). Xuất thế gian bát-nhã tức là bát-nhã siêu thế tục, tuyệt đối (chân đế).
3) Nhân không bát-nhã và pháp không bát-nhã. Trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm
Kinh Thiêm Túc, Bát-nhã, đại khái về giáo lý thì có hai cấp độ: sâu xa (thâm) và cạn cợt
(thiển). Cấp độ cạn cợt được gọi là nhân không bát-nhã, là sự chứng ngộ của nhị thừa. Cấp
độ sâu xa được gọi là pháp không bát-nhã, là sự thể nhập của Bồ-tát.
II.2. Ba loại Bát-nhã
Có nhiều cách phân loại khác nhau nhưng thông thường Bát-nhã được chia thành ba
loại: văn tự Bát-nhã, quán chiếu Bát-nhã và thật tướng Bát-nhã.
1) Văn tự Bát-nhã: Nương nơi văn tự ghi chép trong kinh luận hay nhân nghe diễn
giảng về giáo nghĩa Bát-nhã mà phát sinh trí tuệ, rồi nhờ đó mà thấu rõ nghĩa văn, không bị
chướng ngại. Nó cũng được gọi là phương tiện Bát nhã, nghĩa là thứ trí tuệ do phương tiện
của ngôn ngữ văn tự mà phát sanh.
2) Quán chiếu Bát-nhã: Tiến lên một bước nữa, do nương theo các khái niệm đã lý
hội được để suy tư quán sát thật tướng các pháp, rời bỏ tướng ngữ ngôn văn tự, trong lúc
tâm hành như thế mà thật tướng các pháp tự phơi bày ra dưới sự xem xét của trí tuệ thì gọi
là quán chiếu Bát-nhã.
3) Thật tướng bát-nhã: Từ quán chiếu ấy, gia công hành trì quán sát đến một mức
thâm sâu nhuần nhuyễn, đến độ nhứt cử nhứt động, bất cứ nói phô hay im lặng, đều không
lìa khỏi Bát-nhã. Từ cạn vào sâu, nhờ sự quán sát nhỏ nhiệm mà xả bỏ được quán sát thô
phù; cứ thế tiến mãi cho đến khi rủ bỏ hết tất cả các tướng phân biệt, tâm niệm bỗng nhiên
bừng sáng chói, khế hợp hòa đồng và trùm khắp tất cả, không còn ranh giới giữa bỉ thử,
nhơn ngã, nội ngoại, thị phi. Pháp tánh chơn như tự hiện bày. Cái trí tuệ sáng chói ấy gọi là
thật tướng Bát-nhã; cũng gọi là căn bản Bát-nhã.

4 of 13
​​
Trong ba loại này, thật tướng Bát-nhã là chơn thể của Bát-nhã. Quán chiếu Bát-nhã là
diệu dụng của Bát-nhã. Trong chơn thể, nó là trí tuệ vô phân biệt cho nên nó có diệu dụng
quán chiếu cùng khắp. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, vì dụng không lìa thể. Văn tự Bát
nhã cũng chính là trí tuệ ấy, nhưng hiện ra trong năng lực lãnh hội những khái niệm về giáo
nghĩa Bát-nhã xuyên qua văn học và triết học Bát-nhã. Vì vậy, văn tự Bát-nhã chỉ được xem
như một loại trí tuệ phương tiện giúp soi đường cho hành giả trên tiến trình tu tập quán
chiếu Bát-nhã, nhằm khai thông thật tướng Bát-nhã để bước lên bờ bên kia.
Lại nữa, vì tự tính Không nên nó hoàn toàn tự tại trước mọi đối tượng nhận thức, trong
mọi hoàn cảnh, nó không bị đối tượng hay hoàn cảnh chi phối buộc ràng. Từ đấy, nó soi
suốt thật thể các pháp tức các hiện tượng trên cõi đời, thấy rõ bản chất của chúng. Trí tuệ ấy
tự bản chất nó được mệnh danh là thật tướng Bát-nhã. Lại cũng trí tuệ đó, trên phương diện
tác dụng soi suốt các hiện tượng, thì mang tên quán chiếu Bát-nhã.
Cần lưu ý rằng chỉ bằng Văn tự Bát Nhã, chỉ bằng sự mô tả, hình dung về Tánh
Không, dầu có thuộc lòng cả bộ Đại Bát Nhã, chúng ta cũng không thể thực sự hiểu Tánh
Không. Tánh Không không thể hiểu được nếu chỉ có phần tìm hiểu về mặt văn tự (Văn tự
Bát Nhã), Tánh Không chỉ có thể bắt đầu hiểu được khi chúng ta đi vào sự tu tập (Quán
chiếu Bát Nhã) để thực chứng Thật Tướng Bát Nhã.
Nếu không có sự thực hành Quán chiếu Bát Nhã của chính mỗi người chúng ta thì
những điều tìm hiểu sau vẫn mãi mãi chỉ là văn tự, là một loại kiến thức, như kiến thức khoa
học, chẳng thay đổi chút nào con người bên trong của chúng ta. Chúng ta có thể nói về một
thế giới sanh diệt trong từng niệm niệm, nhưng một hạt cát cũng làm cho chúng ta khởi ra
một trời giận dữ; chúng ta có thể nói về một thế giới liên lập, tương dung tương nhiếp, trùng
trùng duyên khởi, nhưng chúng ta chẳng bao giờ thoát khỏi bản ngã hư dối nhỏ hẹp và u mê
thu góp của mình.
Albert Einstein: ‘Người ta phá vở một nguyên tử dễ dàng hơn phá vở một thành kiến”
= Chiến thắng một sự vật bên ngoài không bằng chiến thắng chính mình. Với Quán chiếu
Bát Nhã, chẳng những cái thành kiến thô thiển thế gian ai cũng thấy được, mà các kiến chấp
vi tế, những kiến chấp trói buộc không cho con người hưởng được sự tự do tối thượng đều
bị trí tuệ Bát Nhã phá tan để đưa tất cả trở về Tánh Không bổn lai thanh tịnh, trong đó tất cả
sanh tử, Niết Bàn, phàm thánh, giải thoát hay chẳng giải thoát v.v… đều chẳng thể được.
II.3. Năm loại Bát-nhã
Từ ba loại bát-nhã ở trên gồm Thực tướng bát-nhã, Quán chiếu bát-nhã và Văn tự bát-
nhã, cộng thêm Cảnh giới bát-nhã (tất cả các pháp đối tượng khách quan của trí tuệ bát-nhã)
và Quyến thuộc bát-nhã (các phương pháp tu hành, đi đôi với bát-nhã để giúp đỡ sáu ba-la-
mật) thì gọi là năm loại Bát-nhã.
II.4. Ba loại trí tuệ qua bờ
Tương ứng với ba quả vị Thánh trong Phật giáo, nên trí tuệ qua bờ cũng được phân
thành 3 loại khác nhau, đó là:
1) Trí tuệ bờ kia (paññā pāramitā) là trí tuệ vượt qua vô minh ảo vọng, chấm dứt sự
tạo tác luân hồi sinh tử của các hành qua trực tiếp liễu tri thực tánh của pháp là
chính. Gate là vượt qua sông mê biển khổ bằng loại trí tuệ này mà tối thiểu một vị A-la-hán
Thanh văn giác phải có.

5 of 13
2) Trí tuệ bờ trên (paññā upapāramitā) là trí tuệ vượt khỏi trầm luân… nhờ tùy
duyên liễu tri thực tướng của pháp là chính. Paragate là vượt qua luân hồi sinh tử bằng trí
tuệ này mà tối thiểu một vị A-la-hán Duyên giác phải có.
3) Trí tuệ bờ cao thượng (paññā paramatha pāramitā) là trí tuệ vượt thoát vô minh ái
dục… qua trải nghiệm đại dụng của các pháp mà liễu tri thực dụng là
chính. Parasamgate là vượt qua trầm luân sinh tử bằng trí tuệ này mà một vị A-la-hán
Chánh đẳng giác phải có.
Theo Hòa thượng Viên Minh, thật ra cả ba bậc trí tuệ trên đều liễu tri toàn diện tánh -
tướng - dụng của pháp nhưng tùy mức độ nguyện hạnh mà nhấn mạnh vào tánh, tướng hay
dụng nhiều hơn mà thôi. Từ ba loại trí tuệ bát-nhã như trên nên có ba quả Thánh tương ứng.
Mục đích cuối cùng của đạo Phật là thành Phật, dù là Thanh văn Phật (Sāvaka Buddha),
Độc giác Phật (Pacceka Buddha) hay Toàn giác Phật (Sabbaññu Buddha). Cho nên tu
Thanh văn, Độc giác hay Toàn giác đều là Bồ-tát cả.
Hơn nữa Thanh văn Phật, Độc giác Phật, hay Toàn giác Phật đều tu ba-la-mật. Bậc
Thanh văn Phật phải thành tựu 10 pāramī, bậc Độc giác Phật phải thành tựu 10 upapāramī
và bậc Toàn giác Phật phải thành tựu 10 paramattha pàramī. Nghĩa là công hạnh (dụng) của
Phật toàn Giác nhiều hơn, chứ không phải Thanh văn Giác và Độc giác không có giác tha.
II.5. Ba loại trí tuệ vô thượng
Đại Trí Độ luận và Hiện Quán Trang Nghiêm đều liên hệ trí tuệ Bát-nhã với ba loại trí.
1) Nhất thiết trí (⼀切智; sarvajña) của hàng Nhị thừa (Thanh Văn) là trí tuệ thông
suốt tất cả các khía cạnh khác biệt của chư pháp trong thế giới hiện tượng. Luận Du già sư
địa quyển 38 (Đại 30, 498 hạ) nói: Đối với tất cả giới, tất cả sự pháp, tất cả phẩm loại, tất cả
thời gian, trí tự tại vô ngại gọi là Nhất thiết trí. Tức là biết rõ sự sai khác của tất cả thế giới,
chúng sinh giới, sự pháp hữu vi, vô vi và nhân quả 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai 1 cách
đúng như thực, gọi là Nhất thiết trí.
2) Đạo chủng trí (道種智; Mārgākāra-jñatā) cũng gọi Nhất thiết đạo chủng trí, Đạo
chủng tuệ, Đạo trí, Đạo tướng trí, là trí của hàng Bồ Tát, là trí tuệ biết khắp tất cả các pháp
môn sai biệt của thế gian và xuất thế gian, là Bất cộng trí của Bồ tát. Đại trí độ quyển 27
nói, trí này có khả năng tư duy phân biệt gọi là Đạo chủng trí, tức là trí Bồ tát học rộng tất
cả đạo pháp để cứu độ chúng sinh.
3) Nhất thiết chủng trí (⼀切種智; sarvathā-jñāna) còn gọi Nhất thiết trí trí (⼀切智
智) của chư Phật, là trí tuệ vô thượng của chư Phật thấy biết thông suốt tất cả mọi hiện hữu
biệt lập với thực thể. Chỉ cho trí của Nhất thiết trí, tức là trí tuệ của đức Phật. Nhất thiết trí
là trí chung của Thanh văn, Duyên giác và Phật. Nhưng trí của Phật là trí thù thắng nhất
trong tất cả trí. Kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa quyển thượng (Đại 8, 837
thượng) nói: Tự tính thanh tịnh gọi là tính Bản giác, tức là Nhất thiết trí trí của chư Phật.
Kinh Đại nhật quyển 6 (Đại 18, 41 trung) nói: Nhất thiết trí trí lìa tất cả phân biệt và vô
phân biệt, là trí thù thắng nhất trong tất cả trí, giống như cõi hư không.
Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí có sự đồng dị. Về phương diện tổng: Nhất thiết trí
là Phật trí, đồng nghĩa với Nhất thiết chủng trí. Về phương diện sai biệt thì Nhất thiết trí là
trí của tính không, xem thế giới bình đẳng, đây là trí của bậc Thanh văn, Duyên giác. Còn
Nhất thiết chủng trí là trí của sự tướng, xem thế giới sai biệt, là trí Phật biết rõ tướng bình
đẳng tức là tướng sai biệt. Luận Đại trí độ quyển 27 (Đại 25, 258 hạ) nói: Tổng tướng là

6 of 13
Nhất thiết trí, Biệt tướng là Nhất thiết chủng trí; nhân là Nhất thiết trí, quả là Nhất thiết
chủng trí; nói lược là Nhất thiết trí, nói rộng là Nhất thiết chủng trí.
III.3. Nội dung của trí tuệ Bát-nhã
Có hai tư tưởng chính khác biệt: 1) Nêu lên những luận điểm khác biệt so với A-tỳ-
đàm, và 2) những tư tưởng mới được nêu lên bởi Đại thừa. Những người nào mà đối lập với
hai luận điểm trên thì được gọi là Thanh văn, Độc giác.
III.1. Đối lập tiểu thừa
Hòa thượng Nhất Hạnh trong Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ nói rằng chủ trương của Bát-
nhã Tâm kinh, mà cũng là chủ trương của Bát-nhã nói chung, chính là muốn giúp cho Hữu
Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có
pháp) để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā)
chứ không phải là ngã vô và pháp vô.
Đại Trí Độ Luận (Mahāprajñā-pāramitopadeśa) cũng cho rằng Bát-nhã xiển dương
những tư tưởng mới như là sự phản ứng lại lập trường A-tỳ-đàm của Nhất thiết hữu bộ
(Sarvāstivādins) dẫu Bát thiên tụng và văn hệ Bát-nhã lại không nêu cụ thể về một học
thuyết đặc biệt nào của Nhất thiết hữu bộ.
Dẫu phê phán tư tưởng Tiểu thừa nhưng từ Tiểu thừa (hīnayāna) hiếm khi được sử
dụng (chỉ một lần trong chương 11) nhưng những từ gắn liền tính từ thấp kém (hīna) được
sử dụng liên tục như hīnaprajña, hīnavīrya, hīnasattva, hīnajātika, hīnadhimuktika).
Trong tất cả các trường hợp, đối tượng được nhắm đến chính là cá nhân ngài Xá-lợi-
phất, một đại diện tiêu biểu nhất của truyền thống A-tỳ-đàm.
Xá-lợi-phất thường được liên hệ với trí tuệ A-tỳ-đàm hay trí tuệ phân tích
(paṭisambhidā; ⽆碍解),3 và văn học Bát-nhã xem trí tuệ này là thế mạnh nhưng cũng là
hạn chế của Ngài. Do đó, không còn được coi là Tướng quân Chánh pháp (dhamma-
senāpati), cũng không còn là trí tuệ đệ nhất bên cạnh đức Phật, ngài bây giờ trở thành biểu
tượng của trí tuệ thấp kém. Khả năng của Ngài là phân tích sự kiện và loại trừ các phiền não
bằng phương pháp cụ thể, rõ ràng là bước đi thích hợp; trí tuệ của Ngài chính là trí tuệ của
người giải thoát, nhưng như thế thì chưa đủ. Do đó, trong văn học Bát-nhã, ngài Xá-lợi-phất
được đức Phật tuyên bố là chưa đạt được trí tuệ tối thượng.
Trong Bát thiên tụng Bát-nhã, Xá-lợi-phất có vị trí thấp hơn Tu-bồ-đề, người mà ngài
hướng đến để hỏi về nội hàm giáo lý cũng như chỉ cho biết về sự trì độn hoàn toàn của ngài.
Sự hiểu biết của ngài Xá-lợi-phất về việc tại sao Bồ-tát là nhân cách lớn cũng trái ngược với
ngài Tu-bồ-đề và cả Phú-lâu-na. Tâm hồn thuần lý đã khiến ngài không thể nào hiểu thế giới
hiện thực và siêu nhiên chính là một do đó, Ngài cố gắng áp dụng những công thức chặt
chẽ, những định nghĩa rõ ràng về các hiện tượng tâm linh, những điều vượt lên các nhận
thức thường tình.
Trong chương 8 Bát thiên tụng, Xá-lợi-phất bị ám ảnh bởi học thuyết vô ngã (anattā)
nên không thể nói về cái tôi như ngài Tu-bồ-đề, còn cái thấy của ngài Tu-bồ-đề được xây
dựng trên cái tương thích giữa cái tôi và cái tuyệt đối nên siêu việt hơn Xá-lợi-phất.
III.2. Những tư tưởng mới

3 Còn gọi là Tứ vô ngại trí, Tứ vô ngại biện, gồm Pháp vô ngại (analytical knowledge of the law; dhamma-
paṭisambhidā); nghĩa vô ngại (analytical knowledge of the true meaning; attha-paṭisambhidā), ngữ vô ngại
(analytical knowledge of language; nirutti-paṭisambhidā), biện thuyết vô ngại (analytical knowledge of
ready wit; paṭibhāna-paṭisambhidā).
7 of 13
Văn học Bát-nhã không nói về phân biệt pháp, mà thông điệp đó được tóm lược ngay
trong chính các vấn đề cụ thể và ngay trong bản chất của A-tỳ-đàm, theo hướng ‘toàn
hảo’ (perfection) của trí tuệ. Do đó, trí tuệ Bát-nhã không nói trí tuệ hay tư tưởng trước đó là
sai, mà chỉ nói đến sự ‘toàn hảo’ ngay nơi chính nó. Trí tuệ trước đó quả thực vẫn là trí tuệ,
nhưng chưa toàn hảo. Kinh điển Đại thừa đưa ra một loạt các vấn đề ‘toàn hảo’ được thực
hành bởi các Bồ-tát, đó là sáu pháp ba-la-mật, đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định và trí tuệ. Trong đó, trí tuệ là căn bản, là quan trọng nhất dẫn đầu các pháp khác,
giống như người mắt sáng dẫn những người mù.
Tư tưởng mới của Bát-nhã là sự tương phản rất rõ rệt với Tiểu thừa A-tỳ-đàm, được
thể hiện qua 5 nhóm sau:
1) Lý tưởng, mục đích và công hạnh của Bồ-tát khác với của A-la-hán và Duyên giác.
2) Trí tuệ toàn hảo (bát-nhã ba-la-mật) khác với trí tuệ của các bộ phái trước đó.
3) Những nhà A-tỳ-đàm lại quá bận rộn trong việc phân tích về pháp (dhamma). Bát-
nhã thường dạy rằng ‘không nên phân tích về pháp’.
4) Những nhà A-tỳ-đàm đòi hỏi kỹ năng giỏi trong việc phân tích sự sinh khởi và hoại
diệt của các pháp. Bát-nhã dạy rằng không có những pháp như thế vì tất cả pháp vốn vô
sinh.
5) Sự đa dạng và khác biệt được xem như là yếu tố để tạo nên thực tại tuyệt đối, bởi:
i) không có bất kỳ sự sai biệt bởi tất cả là một;
ii) không có pháp sai biệt, nhưng nếu có sai biệt thì đó chỉ là sai biệt chỉ là ngôn ngữ.
Có thể nói, nội dung hàng ngàn câu kinh của Bát-nhã diễn bày nhiều thứ khác nhau,
nhưng có thể tóm tắt trong hai ý sau:
1) Hành giả nên trở thành một Bồ-tát, là người nương vào trí tuệ toàn hảo hướng đến
nhất thiết trí, vì lợi ích tất cả chúng sanh.
2) Không có gì gọi là Bồ-tát, là nhất thiết trí, là chúng sanh, là trí tuệ toàn hảo hay là
giác ngộ.
Hiểu và chấp nhận được hai luận thuyết mâu thuẫn này thì người đó đã chứng ngộ trí
tuệ bát-nhã.
IV. TRIẾT HỌC TRONG BÁT-NHÃ
IV.1. Bát-nhã: Nguyên lý chỉ đạo
Bát-nhã là một trong sáu Ba-la-mật (pāramitā), tức sáu đức tính của sự toàn thiện dành
riêng cho Phật tử Đại thừa hay các Bồ-tát. Khi họ tu tập trọn vẹn sáu Ba-la-mật này, nhất
định cuối cùng sẽ đạt tới giác ngộ. Nhưng các kinh thuộc bộ Bát-nhã coi Bát-nhã như là
nguyên lý chỉ đạo của các Ba-la-mật khác. Vì nếu không có Bát-nhã, các Ba-la-mật khác sẽ
không thể tìm thấy sở y và sở hướng của chúng. Để riêng ra chúng sẽ lạc đường như một
bọn mù trong rừng rậm. Chúng không thể bước vào trụ xứ tối hậu của thực tại. Chúng
không thể nhận ra Nhất thiết trí, vì là không có mắt, và tất cả mọi nỗ lực của chúng đều vô
bổ nếu không có sự hướng dẫn của Bát-nhã. Năm Ba-la-mật (pāramitā) kia: Thí, Giới,
Nhẫn, Tinh tiến, Thiền được gọi Ba-la-mật bởi vì chính Bát-nhã là con mắt của chúng (Bát
thiên tụng,172-3).
Như mặt đất cho các thứ cây cối có thể sinh trưởng. Tất cả các điều kiện khác có thể
đã hội đủ cho hạt giống nảy mầm, nhưng nếu không có đất, chẳng bao giờ nó sinh trưởng
được. Cũng vậy, nếu không có Bát-nhã, các Ba-la-mật khác sẽ mất hết tiềm năng của chúng;
8 of 13
sẽ không có mầm sống nào trong chúng. Lại nữa, chính do Bát-nhã ba-la-mật mà các Ba-la-
mật khác được hộ trì, được vững chắc, được toàn vẹn, và được thực hành tương xứng.
V.2. Bát-nhã: thí dụ đôi cánh chim và cái ghè
Bồ-tát dù đã trọn vẹn phát Bồ-đề tâm, đã chứa nhóm đủ tất cả các Ba-la-mật như Bố
thí, Trì giới, Tinh tiến và Thiền định, nhưng nếu chưa có Bát-nhã và Phương tiện (upāya)
của Bát-nhã thì tất cả mọi ước vọng và nỗ lực sẽ là vô nghĩa, và sẽ bị rơi trở lại cảnh giới
của Thanh văn và Độc giác thừa (Phật mẫu, q.15).
Bồ-tát không có Bát-nhã có thể ví như một cái ghè bằng đất chưa nung đến độ nên
không thể mang nước từ giếng hay từ bể. Bồ-tát dù đã có tín, nguyện, nhẫn, hỷ, lý giải, tôn
trọng, tinh tiến, tịnh tâm v.v…, nhưng không có Bát-nhã và Phương tiện của Bát-nhã để
được hộ niệm trong suốt quá trình tu Bồ-tát hạnh, thì vẫn có thể thoái thất, rơi rớt trở lại
Thanh văn thừa hay Độc giác thừa, không thể đạt được Nhất thiết trí. Bát-nhã ở đây được
tách riêng và đặt lên vị trí cao nhất. Không có Bát-nhã, các Ba-la-mật còn lại như một con
thuyền lạc hướng la bàn và lạc mất thuyền trưởng. Đây là giai đoạn quan trọng trong diễn
tiến của tư tưởng Phật giáo.
V.3. Bát-nhã: mẹ của chư Phật và Bồ-tát
Bát-nhã được xem là nguyên lý chỉ đạo của các Ba-la-mật bởi vì nó cấu thành Nhất
thiết trí (sarvajñatā) tức là trí tuệ viên mãn mà bậc toàn trí đã thành tựu. Do đó, Bát-nhã là
ánh sáng rọi khắp, đứng trên tất cả ảnh hưởng ô nhiễm của các vật thể trần gian, soi sáng tất
cả bóng tối trong thế giới đối đãi nhị nguyên, xuyên qua đêm tối của vô minh, dẫn những
người lạc lối trở về con đường chính. Nó vén mở cho chúng ta thấy chân lý của vạn hữu,
chính là nhất thiết trí (sarvajñatā). Là chân lý vượt lên sống và chết, vượt trên tất cả mọi tạo
tác và khát ái. Nó chính là tính Không. Đó là người có năm con mắt soi rõ trọn cả thế gian,
mẹ của hết thảy chư Phật và Bồ-tát.
Thuật ngữ ‘Mẹ của chư Phật’ (sarvabuddhamātā) được gán cho ba loại trí tuệ bởi vì
mỗi một loại trong đó cũng giống như người mẹ chăm sóc đứa con của bà (Thanh văn, Bồ-
tát). Bát-nhã ba-la-mật được xem như là người mẹ bởi vì bát-nhã chính là khởi nguyên của
sự hiện hữu. Cũng giống như mẹ và cha, trí tuệ Bát-nhã cùng với Đại Bi là hai nguyên nhân
chính đưa đến sự giác ngộ viên mãn. Cũng giống như người mẹ cưu mang đứa con trong
bụng mười tháng, chính trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật đã từng bước nâng niu bàn chân của Bồ-
tát lần lượt đi qua mười địa. Chính bào thai trí tuệ đó đã sản sinh ra những chúng sanh giác
ngộ trong cuộc đời. Do vậy, dù được trình bày dưới hình thức nào, hoặc là trạng thái tâm
thức, quả vị giác ngộ hoặc là tánh Không thì Bát-nhã ba-la-mật trong Phật giáo Đại thừa
luôn được xem như là người mẹ, là khởi nguyên của Phật quả vô thượng. (Cabezón, José I.
1992. Buddhism, Sexuality, and Gender. Albany, NY: State Univ. of New York Press, p.
185.)
V.4. Bát-nhã = Chánh giác = Nhất thiết trí
Bát-nhã trong khởi thủy được nói là phương tiện để thành tựu Chính giác, nhưng bây
giờ nó đã được đồng nhất với Chánh giác (sambodhi); bởi vì, Bát-nhã chỉ có thể hoạt động
theo bản tính thanh tịnh nguyên thủy của nó khi nào có Chánh giác. Nếu còn hướng đến cứu
cánh bên ngoài tự thân nó, thì Bát-nhã chưa phải là nó, chưa ở trong trạng thái thuần tịnh
của nó; chỉ khi nào được đồng nhất với Chánh giác, Bát-nhã mới trở về nguyên tính của nó.
Bát-nhã là Bát-nhã, thì nó phải là một với Chánh giác. Chánh giác và Bát-nhã đồng nhất trở
thành một hiện thực.
9 of 13
Có thể hiểu như sau: trước hết Bát-nhã tự phân đôi thành phương tiện và cứu cánh, chủ
thể và khách thể. Khi tác dụng quán chiếu tự thân đã hoàn tất, không còn có tính nhị nguyên
trong Bát-nhã thì Bát-nhã hiện hành trong Chánh giác, và Chánh giác hiện hành trong Bát-
nhã. Bát-nhã thấy đâu cũng là Bát-nhã, chỉ khác trong cách gọi. Bát-nhã là một danh hiệu;
Chánh giác cũng là một danh hiệu khác. Tất cả những danh hiệu đó chỉ giả danh, chúng
được phân biệt như thế vì tiện ích của tri thức chúng ta.
Vậy, Bát-nhã tức Chánh giác (sambodhi), là Nhất thiết trí (sarvajnatā), là Niết-bàn, là
Chân như (tathātā), là Tâm (citta), là Phật tính (buddhatā); vậy thì tự thân Bát-nhã bản lai
vốn Bất khả đắc (anupalabdha) và Bất khả tư nghị (acintya). Bất khả đắc và Bất khả tư nghị
đó, là cơ sở của hết thảy mọi thực tại và tư tưởng.
Diễn tả bằng những từ đồng nghĩa như trên sẽ khá mông lung cho nhận thức, nhưng
nếu đề cập thẳng vào tính cách biểu lộ của nó, thì Bát-nhã có thể tự hiển lộ bản thân: Bát-
nhã là soi thấy yếu tính của sự vật như thế là như thế (yathābhūtam); Bát-nhã soi thấy sự vật
y theo bản tính Không của chúng; khi soi thấy sự vật như thế là đạt tới biên tế của thực tại,
tức là vượt ra ngoài lãnh vực tri kiến của con người; và do đó, Bát-nhã nắm cái không thể
nắm, đạt cái không thể đạt, hiểu cái không thể hiểu; khi lối diễn tả bằng trí năng về tác dụng
của Bát-nhã ấy được diễn dịch thành những hạng từ tâm lý, nó là cái không dính mắc vào
đâu, dù nó là một ý tưởng hay một cảm giác.
V.5. Bát-nhã: Như thật Tri kiến
Do công năng vô chấp, Bát-nhã có khả năng nhìn thấy thế giới như thế là như thế. Một
khi đôi mắt mở ra, Bồ-tát quan sát thế gian và hết thảy thiên sai vạn biệt của thế gian trong
tướng trạng chân thực của chúng. Với trí Bát-nhã, các Bồ-tát thấy rằng năm uẩn tạo thành
thế gian này, dù có những biến dịch bên ngoài của chúng, trong tự tính (svabhāva), chúng
không hề bị hoại diệt, không có tướng hoại diệt, siêu việt mọi chuyển biến, siêu việt sinh tử,
siêu việt các tướng, không khởi niệm ái lạc phiền não.
Bồ-tát cũng nhận thấy thế gian, các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và biết rõ
chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính, sai biệt về hoạt dụng, thọ báo, giá trị đạo đức,
về tâm tính; thế rồi Ngài mới thi thiết các phương tiện thiện xảo (upāya) của mình. Bằng
con mắt Bát-nhã, Bồ-tát tri kiến như thực (yathābhūta), thấu suốt qua những giả tướng này
và nhận ra rằng các tâm của chúng, tịnh hay bất tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm
hay ly nhiễm tâm, tất cả đều không tự tính, không thủ trước, không phân biệt. Đấy được coi
là nhìn vạn hữu trong chân như tướng của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng
thời tự hiển lộ tự tính trong ánh sáng của trí Bát-nhã.
V.6. Bát-nhã và Tính Không
Kinh Bát-nhã thông thường được coi như chỉ giảng riêng triết học về tính Không. Học
Bát-nhã có nghĩa là nhìn vạn hữu trong Như tướng và Không tính của chúng.
V.7. Bát-nhã và Như Huyễn
Một trong những thí dụ lừng danh được các nhà triết học Bát-nhã sử dụng khi họ muốn
gây cho chúng ta một ấn tượng về học thuyết tính Không, đó là như huyễn (māyā). Các luận
sư khác thường gọi họ là những nhà Thuyết huyễn (māyāvādin). Trong Phật mẫu có đoạn để
thấy ý nghĩa như huyễn.
Phật: “Này Tu-bồ-đề, ông nên biết rằng, năm thủ uẩn tức thị huyễn. Tại sao? Bởi vì
sắc là như huyễn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là như huyễn; năm uẩn và sáu căn tức thị

10 of 13
Bồ-tát, cho nên Bồ-tát cũng như huyễn. Nếu ai muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa, hãy nên
như huyễn mà học…”
Hoặc ở đoạn khác, đức Phật dạy rằng Ví như huyễn sư (māyākāra) ở giữa ngã tư
đường dùng huyễn pháp của mình làm hiện ra một đám người đông đảo. Vừa hiện ra tức thì
biến mất. Tuy có hiện có mất nhưng chúng không thực sự đến và đi.
- Tu-bồ-đề nói với Mãn Từ Tử (Pūrṇa-Maitrayāniputra): “Sắc của người huyễn không
trói không mở. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, không trói không mở. Chân như sắc của
người huyễn cũng vậy và bốn uẩn kia cũng vậy, không trói không mở. Tại sao? Vì vô sở hữu
(asadbhūtatvāt) nên không trói không mở; vì viễn ly (viviktatvāt) nên không trói không mở;
vì bất sinh (anutpannatvāt) nên không trói không mở. Nếu Bồ-tát biết rõ như vậy là thực sự
an trụ trong Đại thừa, mình vận giáp trụ Đại thừa.”
Ngài Tu-bồ-đề còn nói: “… hết thảy chúng sinh đều như huyễn, như mộng. Bốn quả
Thanh văn (Śrāvaka) và Bích-chi-Phật (Pratyekabuddha) cũng đều như huyễn như mộng.
Cả đến Vô thượng chính đẳng chính giác cũng như huyễn như mộng.”

- Tu-bồ-đề: “Quả thực, Niết-bàn cũng như huyễn như mộng; huống chi các pháp
khác!”
“Dù có pháp nào cao hơn Niết-bàn, tôi cũng nói là như huyễn như mộng. Bởi vì,
huyễn mộng và Niết-bàn, không hai không khác.” (Phật mẫu 6b; T8n228, tr. 593a25). - Cf.
Đại Bát-nhã, quyển 539, Hội IV, phẩm 2 “Đế Thích”)
Vì sao? Vì tất cả chỉ là danh tự giả tướng. Phật chỉ là giả danh (nāmadheya-mātra),
Bồ-tát, Bát-nhã cũng chỉ là danh tự giả tướng. Ví như hư không, các pháp không hề có dấu
vết đến hay đi, và do đó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình danh sắc tướng, lìa hết thảy các
chướng ngại, vượt ngoài hết thảy các ngôn thuyết. Các pháp vốn vô diệt nên vượt ngoài
pháp diệt tận. Các pháp vốn vô tướng nên vượt ngoài thủ tướng. Các pháp vốn vô xứ nên
hết thảy xứ đều bất khả đắc.” (Phật mẫu, 43a; T8n228, tr. 638a22). Cf. Đại Bát-nhã, quyển
548)
V.8. Bát-nhã và Trực quán
Bát-nhã không dựa trên luận lý; mà trực giác hay trực quán. Muốn hiểu nó thấu đáo,
đòi hỏi một bước nhảy từ luận lý sang tới bờ bên kia, vứt bỏ những luận chứng của khái
niệm. Luận lý học hay phương cách tư duy thông tục của chúng ta là sự khuếch đại của lối
giải thích nhị nguyên về hiện hữu – astitva và nāstitva, hữu và phi hữu. Óc nhị nguyên này
chi phối tất cả tư duy của chúng ta. Không bao giờ rời khỏi cái đó được nếu chúng ta còn lệ
thuộc những điều kiện của tư duy.
Luận lý học thông tục là công cụ hữu ích nhất trong đời sống thực tiễn của chúng ta.
Nhưng quá say sưa với khả năng tạo thành khái niệm của mình để rồi dần dần rứt mình ra
khỏi căn nguyên thể tính của mình và kết quả đó là bất an.
Tinh thần, đòi hỏi thứ gì trực tiếp và thấu suốt hơn tri thức suông. Mục tiêu tối hậu của
tất cả các pháp môn Phật học là thức tỉnh giác quan nội tại này. Đối với Bát-nhã cũng vậy.
Tất cả những giáo pháp được trình bày trong các kinh, hết thảy những lời phát biểu táo bạo
mà người học được cảnh giác là chớ kinh hãi, đấy là những cái nhìn được mở rộng trước
giác quan đã thức tỉnh của Bồ-tát. Chúng là những trực giác của Ngài.
V.9. Bát-nhã như là Bất khả đắc và Tương đối tính

11 of 13
Vị trí của Bát-nhã ba-la-mật đó, đạt được do thức tỉnh giác quan nội tại, được gọi là
bất khả đắc (anup labdha). Đây không tránh khỏi những nghịch lý. Một khi vượt qua thế
giới được kiến thiết bằng lưỡng nguyên tính, cái bất khả đắc là cái khả đắc, và cái khả đắc là
cái bất khả đắc. Có thể gọi đây là quan điểm siêu việt của Bát-nhã ba-la-mật.
Để lãnh hội một cách trung thực tính Không là gì, không thể không có sự thức tỉnh
(sa bodhi). Thức tỉnh (sambodhi) tức lật ngược (chuyển y, parāvṛtti), như thường xuyên
được nhắc nhở trong các kinh điển Đại thừa như Lăng già (Laṅk vatāra), v.v… mọi vật
được nhìn từ vị trí vừa phát kiến mới mẻ nên cái nhìn về thế giới phải thay đổi. Những gì
xuất hiện cho các giác quan và được thiết lập bởi tư tưởng, hoàn toàn đi mất; ở đây là một
thế giới mới. Tất cả những gì là “khả đắc” vẫn còn đó; nhưng cái đó bị biến đổi - dù không
đổi thành một trạng thái không hư. Thiếu tất cả những hình thái biểu lộ này, kinh Bát-nhã
gọi là “bất khả đắc”, là “không”, là “vô quái ngại”, v.v..
Vạn hữu trong thế gian là tương đối, vì tự tính của chúng vốn Không. Tính Không chỉ
được trực nhận sau khi thức tỉnh giác quan nội tại, sau khi có chuyển y (parāvṛtti) trong A-
lại-da thức (ālayavijñāna). Duy chỉ sau chuyển y đó, và cũng là một bước nhảy vọt đó,
chúng ta mới có thể nói những câu như thế này: “Tất cả đều bị buộc ràng trong chuỗi dây
duyên khởi, và do đó nên Không”, hay “Tất cả đều như Huyễn, tất cả đều Không”.
V.10. Bát-nhã và Phản lý
Sau khi nhìn ra vị trí của Bát-nhã như thế, chúng ta có thể nhận ra tại sao nó đầy dẫy
những cách ngôn phủ định và những xác nhận phản lý. Nếu cần phải diễn tả, những trực
giác của nó không thể diễn ra cách nào khác ngoại trừ giới thuyết một cách nghịch lý.
Lập trường của Bát-nhã không nhất thiết phải phủ nhận cái được mệnh danh là hiện
tượng giới; nó cho thế giới có quyền hạn khi thì sinh khi thì diệt, lúc có lúc không. Nhưng
cùng lúc nó không quên xác nhận rằng những gì chúng ta thấy thành và hoại ở đây đều là
những bóng mờ thoảng qua của sự thể đằng sau đó, thì ý nghĩa của những bóng mờ thoảng
qua sẽ không bao giờ được nhận thực và được thẩm định đúng mức. Do đó, các nhà Đại
thừa luôn luôn cẩn thận chi ly phân biệt “khả đắc” và “bất khả đắc“, nói như thuật ngữ, “khả
đắc” nằm trong thế giới được thiết lập trên lưỡng nguyên này và “bất khả đắc” nằm trong
một thế giới vượt lên trên. Bất cứ ở đâu có chỗ cho tương phản giữa có và không, ở đó có
khả đắc tính, và do đó, có chấp thủ.
Phật bảo Tu-bồ-đề: “Bồ-tát khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, không phải trụ
hữu sở đắc, không phải trụ vô sở đắc, thực hành Bát-nhã sâu xa có thể từ một địa tiến lên
một địa, dần dần tròn đầy mà chứng đắc Nhất thiết trí trí. Tại sao thế? Bát-nhã ba-la-mật
thậm thâm là vô sở đắc, Nhất thiết trí trí cũng là vô sở đắc; người thực hành Bát-nhã ba-la-
mật, chỗ thực hành và khi thực hành, tất cả cũng đều là vô sở đắc; vô sở đắc này cũng là vô
sở đắc.” [Đại Bát-nhã, q.525]
Đấy tưởng chừng vô nghĩa, nếu chúng ta tự hạn cuộc vào khía cạnh tương đối của hiện
hữu, hay ở hí luận của phàm tục. Nhưng chúng ta hãy lật ngược trật tự của vạn hữu; hãy
nhìn thế giới với con mắt nội tâm bừng mở của quá trình chuyển y (parāvṛtti) để thấy vạn
hữu từ chân như tướng của chúng.
V.11. Vô sở đắc và Vô thủ trước
Bất khả đắc, vô sở đắc (anupalabdha), hay vô thủ trước (aparāmṛṣṭa). Vô sở đắc còn có
một âm vang của trí thức, trong khi vô thủ trước là thuật ngữ cho xúc cảm. “Nhất thiết trí
vốn là vô thủ trước” (aparāmṛṣṭā hi sarvajñatā) là một trong những điệp khúc thường gặp
12 of 13


ā­
trong kinh điển Bát-nhã. Trong kinh văn, chữ aparāmṛṣṭa được thay thế bằng chữ aśleṣa và
asaṅga, cùng chỉ cho một ý niệm giống nhau: vô trước.
“Bồ-tát khi chứng đắc chính giác, giảng cho hết thảy chúng sinh về pháp bất trước
(aśleṣa). Bất trước có nghĩa là không bị buộc ràng bởi sắc (rūpasyāsa bandhā), bởi thọ,
tưởng, hành, thức. Khi một người không bị buộc ràng bởi chúng, người ấy không hệ vào sự
sinh và diệt của chúng. Do vô sở trước, người ấy không bị trói buộc cũng không được cởi
mở.” [Phật mẫu, 636a]
“Giả sử một Bồ-tát sơ phát tâm, đã trải qua tu tập Bồ-tát hạnh, và do đó ôm giữ ý
tưởng cho rằng đã chứa nhóm công đức. Nhưng khi móng khởi tâm niệm này là đã có chấp
trước, không còn tương ứng với Bát-nhã ba-la-mật. Bất cứ ở đâu có phân biệt, là có dẫn tới
chấp trước; hoặc có thể nói ngược lại rằng bất cứ ở đâu có chấp trước là có phân biệt. Chỉ
chứng đắc chính giác khi nào không có chấp trước, không móng khởi tâm niệm, không có
hai tướng có và không (astitva vā nāstitva); vì chính giác là vô trước, và tự tính của nó là
không tự tính.”[Phật mẫu]
Sự vượt ngoài phân biệt, chấp trước, và không có tự tính như vậy, còn được gọi là một
cảnh giới của “thanh tịnh tuyệt đối” (atyantaviśuddhi: tất cánh tịnh). Và kinh nói do bởi
thanh tịnh tuyệt đối đó mà Bát-nhã ba-la-mật là quảng đại chiếu diệu, là vô hòa hiệp, là vô
sở đắc, là vô sở chứng, là vô sở liễu tri, là vô sinh, là vô diệt, là vô trụ, v.v….
V.12. Thực tại như được nhìn từ bên kia
Trí Bát-nhã thường ẩn bóng trong những vùng tiềm ẩn thâm sâu nhất của tâm thức.
Nếu nó không được thức tỉnh hẳn ra để thấy mặt kia của thực tại, thấy Thực tại Như thực
(yathābhūta), thì không sao tránh khỏi sự trói buộc của vô minh và khổ lụy. Cởi mở được
thế, gọi là chứng đắc Vô thượng chính giác hay Nhất thiết trí (sarvajñatā). Bát-nhã ba-la-mật
là chủ đích của tất cả Bồ-tát hạnh. Khi đạt tới chỗ đó, mà kỳ thực không có gì để đạt tới cả.
Đấy là ý nghĩa của những câu: “Trong Như, không có tri giác về Như”; “Không phải do tất
cánh tịch tĩnh mà chứng đắc tất cánh tịch tĩnh”; “Có thành tựu, nhưng không có phân biệt
(vikalpa), vì Bát-nhã ba-la-mật là vô phân biệt”; v.v…
Các đạo sư của Bát-nhã luôn luôn đặt cứ điểm của họ ở bờ bên kia (param) của thế
giới tương đối này. Thế thì hình như đang phủ nhận thế giới này, coi nó như là huyễn, như là
mộng, như là tiếng vang v.v… Ngay dù họ có nói tới những phương trời của tính Không -
Śūnyatā, thì Śūnyatā đó cũng là không và không trụ xứ cố định. Bởi vì Không của họ là
Không tuyệt đối, không hề có đối. Vậy, Chân như mới ra là một trong những từ ngữ thích
hợp nhất mà họ dùng để chỉ cho tính Không. “Tuyệt đối Không” hay “tất cánh tịch tĩnh“ quả
thực khó mà hiểu thấu cho những hạng nặng óc phân hai.

13 of 13

You might also like