Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

CÁCH ĂN MẶC TRANG 86 – 90

Quả là Bác không hề có áo sơ mi. Trong tủ áo quần của Bác có một bộ quần áo
bằng dạ đen do Chính phủ Tiệp Khắc tặng. Bác chỉ dùng bộ quần áo này khi đến
thăm các nước ở xứ lạnh mà ta thường thấy trên phim ảnh chiếu. Đồng chí cận vệ
Phạm Lệ Ninh từng kể một câu chuyện cảm động. Năm 1957, Bác đi thăm nước
bạn Miến Điện (Myanmar). Một đồng chí giúp việc cho Bác được vinh dự đi cùng.
Hôm đó, đồng chí này mặc khác hẳn: đóng bộ comle, cổ thắt caravat. Thấy vậy, Bác
nhẹ nhàng hỏi:
- Hôm nay chú mặc comle, thắt caravat?

Đồng chí đó lúng túng, chưa biết trả lời ra sao. May mà lúc đó Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đứng bên Bác, đỡ lời cho:
- Thưa Bác! Lần này Bác đi thăm các nước tư bản, xin phép Bác cho anh em mặc
như thế nào phù hợp với nghi thức ngoại giao. Bác thân mật nói với Thủ tướng và
số anh em cùng đi, đứng gần đó:

- Không phải Bác không muốn cho các chú mặc đẹp, Bác rất muốn cho cả dân tộc
ta ai cũng mặc đẹp. Các chú biết đấy. Liên xô sau khi chiến thắng phát xít Đức,
thanh niên tự nguyện bảy năm không thắt caravat, phụ nữ ba năm không thắt nơ;
tiết kiệm để xây dựng lại đất nước. Chúng ta kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi,
nhưng đất nước còn nhiều khó khăn, một nửa đất nước đang sống dưới ách kìm kẹp
của Mỹ - ngụy, nếu ai cũng muốn caravat, và khi có caravat thì phải có áo sơ mi,
phải có thêm áo vét. Như vậy tiền lương sao đủ, chỉ còn cách bớt xén của công!

Đồng chí Lê Văn Cần - người cần vụ cho Bác kể rằng, những năm tháng hòa bình ở
Hà Nội, Bác vẫn mặc rất giản dị, tiết kiệm như thời ở chiến khu Việt Bắc. Quần áo
Bác mặc chỉ có vài bộ, lại may cùng kiểu, nhất là quần áo bà ba. Sau khi may xong,
mang đi xí nghiệp Tô Châu nhuộm màu gụ hết. Khi Bác mặc, bộ nào hơi cũ, được
thay bộ mới vào. Vì áo quần may cùng một kiểu, vải giống nhau, cho nên lúc đầu
Bác không nhận ra. Sau thấy quần áo mặc nhiều mà vẫn mới, Bác nghi nghi. Đoán
biết là anh em văn phòng tự động may thêm áo quần cho mình. Bác bèn đánh dấu
và phát hiện ra quần áo đã bị thay đổi. Bác phê bình. Nhân đó, Bác kể một câu
chuyện, như để anh em giúp việc hiểu thêm sự nghiêm khắc trong ăn mặc của Bác
không phải vì Bác sống quá đơn giản, thiếu lịch sự mà xem thường việc “đi sang
mặc đẹp”, không quan tâm đến sự lo lắng của những người giúp việc. Bác kể là khi
hoạt động cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc, Bác được giao nhiệm vụ cần đến
gặp trực tiếp bà Tống Khánh Linh. Bà Tống Khánh Linh là vợ của ông Tôn Dật
Tiên - người đã đề ra học thuyết Tam dân chủ nghĩa. Nhưng chỗ ở của bà Tống
Khánh Linh có mấy người lính Tưởng Giới Thạch canh gác cẩn thận. Sự canh gác
đó bề ngoài tỏ ra coi trọng bảo vệ bà, nhưng bên trong chính là muốn hạn chế quan
hệ chính trị của bà. Vì bà Tống Khánh Linh kiên quyết và dũng cảm bảo vệ học
thuyết Tam dân chủ nghĩa của ông Tôn Dật Tiên. Vậy Bác làm thế nào đến gặp bà
Tống Khánh Linh? Hồi ấy ở nước ngoài vừa bí mật hoạt động cách mạng vừa tìm
cách kiếm tiền nuôi sống mình, nghèo túng luôn. Bác tìm hiểu biết được tâm lý mấy
người lính gác đó là rất trọng hình thức, rất sợ những người giàu sang quyền quý.
Bác dồn hết số tiền dành dụm được mấy tháng trước đó, thuê một bộ áo quần
xmôkinh (smoking) kèm mũ phớt, ba toong, đôi giày và cặp kính đen loại sang
nhất. Bác mặc bộ đồ sang trọng đó vào người và thuê một ôtô có người lái cũng vào
loại sang nhất. Xong đâu đấy, Bác bảo người lái xe cho nhắm hướng nhà bà Tống
Khánh Linh đi đến. Mấy người lính thấy xe ôtô bóng nhoáng, người ngồi trong xe
ăn mặc rất sang trọng, vội vàng lễ phép bồng súng chào, không hỏi han gì cả. Thế là
Bác vào nhà đàng hoàng gặp bà Tống Khánh Linh. Kể xong Bác nhẹ nhàng nhắc lại
lời phê bình và kiên quyết bảo anh em giúp việc không được tự động may quần áo
mới cho Bác, nếu bộ quần áo cũ vá lại còn dùng được. Đã có lần một cán bộ cấp
cao của Đảng thấy Bác mặc áo cũ chỗ vá trên vai, lấy làm áy náy, nói ra lời. Bác
khuyên lại, rất chân tình:

- Chú ạ! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân
đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi!

Ý của Bác không bắt mọi người sống như Bác. Chủ yếu là Bác khuyên chúng ta
sống bằng thu nhập chính đáng của mỗi người, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và
cuộc sống của đồng bào, đồng chí.

You might also like