Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

TIẾNG CƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN “CỤ CHÁNH BÁ MẤT GIÀY” CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

Trần Thu Anh


A1 Khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt: Nguyễn Công Hoan được biết đến là nhà văn có phong cách trào phúng độc đáo trong nền văn xuôi hiện đại Việt
Nam. Tiếng cười trong tác phẩm của ông mang nhiều sắc thái, từ khôi hài, giải trí nhẹ nhàng đến mỉa mai, châm biếm, đả kích
sâu cay một loại người trong xã hội cũ. Bài viết sẽ chỉ ra những mâu thuẫn tạo nên tiếng cười, tiếng cười và các thủ pháp tạo
tiếng cười trong truyện ngắn “Cụ Chánh Bá mất giày” để thấy được một trong những nét phong cách sáng tác độc đáo của
Nguyễn Công Hoan
Từ khóa: Nguyễn Công Hoan, Cụ Chánh Bá mất giày, trào phúng, tiếng cười
1. Mở đầu
Nguyễn Công Hoan là nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn đầu thế kỉ XX, là một trong những người đặt nền
móng cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tài năng của ông được kết tinh và nở rộ trên địa hạt truyện ngắn, đặc
biệt là truyện ngắn trào phúng. Truyện ngắn “Cụ Chánh Bá mất giày”, dù ra đời ở chặng đầu trong sự nghiệp sáng
tác của nhà văn, nhưng cũng bộc lộ đầy đủ những đặc sắc trong nghệ thuật trào phúng của ông. Theo khảo sát, chưa
có bài nghiên cứu nào đi sâu vào phân tích những đặc sắc trào phúng trong truyện ngắn này. Vì vậy, bài viết triển
khai những luận điểm để làm rõ tiếng cười trong truyện “Cụ Chánh Bá mất giày”, từ đó cung cấp cho người đọc
một cái nhìn sâu sắc hơn về phong cách trào phúng của Nguyễn Công Hoan giai đoạn 1929 – 1935.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Những nhân tố tạo nên tiếng cười trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Sinh thời, Nguyễn Công Hoan bẩm sinh là người có khiếu hài hước, dí dỏm. Ông thích pha trò, thích làm điệu
bộ hài hước khiến mọi người bật cười. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện cá tính tinh nghịch, khôi hài, hay chế giễu. Ông
từng tâm sự: “Tính cách con người tôi là nghịch ngợm, ranh mãnh, hay chế nhạo”. Chính năng khiếu bẩm sinh này
đã tạo thành nguồn lực nuôi dưỡng cho ngòi bút hài hước của Nguyễn Công Hoan.
Nguyễn Công Hoan đặc biệt yêu thích hài kịch Molier, hay bắt chước Molier, “làm hài kịch” rồi cùng anh em
trong nhà diễn kịch, “chỉ có mục đích làm cho mọi người cười sặc sụa”. Lâu dần, chất hài kịch thâm thúy, sâu cay
trong tiếng cười của Molier đã thấm nhuần vào ngòi bút Nguyễn Công Hoan, nuôi dưỡng nên một cây bút mang
phong cách châm biếm, trào lộng độc đáo của nền văn học Việt Nam.
Đến với địa hạt văn học từ những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Công Hoan đã góp một tiếng nói mới vào
văn đàn. Năng khiếu trào phúng bẩm sinh, cá tính ưa hài hước được mài giũa sắc bén trong môi trường sống từ thuở
thơ ấu đã bén rễ, đâm chồi và nảy nở trên mảnh đất văn học hiện thực những năm trước Cách mạng tháng Tám. Ông
được đánh giá là một trong những nhà văn có bút lực dồi dào nhất khi để lại cho nhân thế hơn 80 truyện ngắn và 30
truyện dài, truyện vừa. Trong số đó, tài năng của Nguyễn Công Hoan kết tinh ở lĩnh vực truyện ngắn. Quan niệm về
cuộc đời, Nguyễn Công Hoan nhìn nó như “một sân khấu hài kịch, một tấn trò hề lố lăng, giả dối”. Cùng với cá tính
khôi hài, thích trào phúng, Nguyễn Công Hoan đã “dễ dàng có ngay một góc độ để lia ống kính chiếu thẳng vào
những cái đáng cười, đáng giễu”. (theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh). Có thể dễ dàng bắt gặp
tiếng cười trong những tác phẩm của ông: Răng con chó của nhà tư sản với cảnh tượng “người lườm chó, chó lườm
người”; Người ngựa và ngựa người với tình cảnh trớ trêu của người phu xe và cô gái điếm đêm 30, Tinh thần thể
dục với cảnh bắt bớ người phải đi xem bóng đá,… Trong mỗi một tác phẩm, Nguyễn Công Hoan lại xây dựng
những sắc thái tiếng cười riêng, đem đến cho người đọc lối hành văn cuốn hút và chiều sâu suy ngẫm.
2.2. Tiếng cười trong truyện ngắn “Cụ Chánh Bá mất giày”
Một trong những tác phẩm được đánh giá cao của Nguyễn Công Hoan phải kể đến truyện ngắn “Cụ Chánh Bá
mất giày”. Với ngòi bút trào lộng xuất sắc, Nguyễn Công Hoan đã xây dựng một thiên truyện với những tình tiết
khôi hài, nực cười, từ đó bóc trần bộ mặt thật của tầng lớp quan lại, địa chủ trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa
phong kiến nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn. Truyện kể về nhân vật cụ Chánh Bá – vốn quyền cao chức trọng trong
làng, đến nhà người nọ ăn cơm, đánh tổ tôm, nhưng lúc về lại phát hiện ra mất đôi giày. Cuối cùng, cụ được chủ nhà
đền một đôi giày mới trong thầm lặng, lừa gạt cụ rằng đó đúng là đôi dép của cụ. Cụ Chánh Bá xỏ đôi dép mới vào
chân như “vô tâm và hay tin người”. Không ai hay, sự kiện mất giày đó là do một tay cụ Chánh sắp đặt nên. Tiếng
cười bật ra trong câu chuyện khiến người đọc thấy khôi hài, nhưng cũng thật sâu cay, thấm thía.
2.2.1. Mâu thuẫn trào phúng tạo nên tiếng cười trong “Cụ Chánh Bá mất giày”
Như đã nói, Nguyễn Công Hoan chịu ảnh hưởng nhiều từ hài kịch Molier. Vì vậy, tình huống truyện ngắn của
ông cũng mang đậm tính kịch. Trong truyện luôn chứa đựng những mâu thuẫn trào phúng, từ đó đẩy câu chuyện lên
cao trào, khiến tiếng cười bật ra ở những dòng cuối cùng. Trong “Cụ Chánh Bá mất giày”, đó là mâu thuẫn giữa nội
dung và hình thức, giữa bản chất và hiện tượng. Đây cũng là mâu thuẫn phổ biến nhất trong truyện ngắn Nguyễn
Công Hoan.
Mâu thuẫn đầu tiên đến từ sự trái ngược trong lời nói của anh đầy tớ với sự thực về đôi giày của cụ Chánh Bá.
Trong lời nói của anh ta, đôi giày bị mất của cụ Chánh Bá “mới nguyên, kiểu Gia Đinh, đế cờ lếp, mua những ngót
ba đồng”. Nhưng thực chất, đôi giày của cụ đã cũ mèm, đến cụ cũng bực mình vì nó “móm quá”, xấu và không còn
chữ để tả nữa. Đôi giày ấy “chẳng viết cụ mua từ Khải Định mấy niên, đến bây giờ, đóng lại đế là lần thứ bốn, mà
nó vẫn hoàn không đế, mũi thị nứt rạn và vá nhiều nơi, cá cá đã đóng thêm lượt nữa, nhưng nó vẫn thủng. Lượt da
thì ải và bật dây gần hết”, đến mức thợ khâu nhìn thấy cụ mang giày ra sửa thì “trốn như trạch, vì lỡ ra không nhẹ
tay mà chọc mạnh cái dùi vào, là nó toạc ra – vì tất nó toạc ra – thì oan gia”. Rõ ràng, đó là đôi giày đã hỏng, sửa
chữa, chắp vá nhiều lần đến mức không thể sửa được nữa, chỉ chờ vứt đi, nhưng qua lời người đầy tớ, nó lại biến
thành đôi giày mới nguyên. Cụ Chánh Bá chán ghét, bực mình vì đôi dép của mình bao nhiêu, thì trong lời nói hốt
hoảng, lo lắng của người đầy tớ, cụ lại thành ra quý đôi giày đó bấy nhiêu.
Mâu thuẫn tiếp theo nằm trong lý do cụ Chánh Bá đến nhà người này ăn cỗ và nguyên do thật sự của chuyến
ghé thăm đó. Ngay từ đầu truyện, Nguyễn Công Hoan đồ rằng “cụ Chánh Bá có thương nhà này thế nào, cụ mới quá
bộ đến xơi rượu, chứ như nhà khác, dễ mà mời nổi cụ đấy hẳn”. Bề ngoài, tác giả khiến người đọc tưởng như đây là
một vị quan thương dân, gần dân mới quá bộ đến nhà dân dùng bữa. Nhưng đọc xuống dưới, người đọc mới thấy
nguyên do thật sự của cụ Chánh Bá khi đến đây. Khi thấy anh đầy tớ bối rối, vò đầu bứt tai, cụ mới “dịu nét mặt,
khoan thai vẫy lại gần, rỉ tai nói nhỏ”. Lúc ấy, người đọc mới hiểu, hóa ra cụ không phải đến nhà người ta để xơi
bữa cơm thông thường, mà cụ đã có mưu đồ để tráo đôi giày rách của mình đi, lấy một đôi giày “mới nguyên, kiểu
Gia Định, đế cờ lếp” thật sự.
Từ mưu kế của cụ, sự mâu thuẫn tiếp theo nảy sinh trong thái độ và hành động của người đầy tớ. Khi nghe
người nhà nói cụ Chánh Bá mất giày, anh ta tỏ ra vô can, mắng chủ nhà vì sơ suất lớn này. Nhưng thực chất, chính
anh ta lại là người “len lén ra bờ ao, rồi giơ thẳng cánh tay”, quẳng đôi giày của cụ xuống nước. Anh ta biết mọi sự
thật, nhưng lại tỏ ra vô tội, đổ mọi trách nhiệm cho chủ nhà, khiến chủ nhà sốt sắng. Chi tiết này đẩy tình huống
truyện lên cao trào, khiến người đọc phải đặt dấu chấm hỏi về nhân vật này. Và đứng sau sự mâu thuẫn trong nhân
vật người đầy tớ, bộ mặt của cụ Chánh Bá dần lộ ra…
Mâu thuẫn thứ tư, cũng là mâu thuẫn lớn nhất trong truyện đến từ bản chất bên trong và vẻ ngoài của nhân vật
cụ Chánh Bá. Đầu tác phẩm, nhân vật cụ Chánh Bá hiện lên “chúa ghét những thói gian giảo”, đến mức đầy tớ của
cụ ra đường táy máy chân tay, cụ sẽ giữ hết lại đồ ăn cắp, rồi sai đánh cho một trận. Thoáng đọc qua, người đọc
thấy nhân vật này quả là đại diện cho chính nghĩa, cho sự thanh liêm, trong sạch. Chỉ khi đọc tiếp vào tác phẩm,
người đọc mới thấy lớp vỏ này dần bị cởi bỏ. Cụ bực tức, xấu hổ vì đôi giày rách, rồi đổ hết tội lỗi cho đầy tớ, “đôi
giày của cụ cũ và xấu, là lỗi tại đầy tớ ngu”. Thế nhưng, khi nhắc tới chuyện mua đôi giày mới, cụ chỉ “ừ” mà
không đưa tiền, rồi mắng anh đây tớ vì tội kiệt. Tới lúc về, cụ “soi đóm xuống lần nữa, và làm như ngạc nhiên,
không hiểu”, định nói đây không phải đôi dép của cụ. Ngay khi nghe lời đáp vội vàng, run sợ của chủ nhà, cụ “làm
như vô tâm, và hay tin người”, xỏ đôi giày mới về. Nhưng thực chất, sự kiện mất giày đã nằm trong dự tính của cụ.
Vốn từ lâu đã bực tức vì đôi dép hỏng, cụ ngay lập tức nghĩ ra mưu kế mất giày. Cụ dặn dò anh đầy tớ cẩn thận, ra
hiệu cho anh ta một cách kín đáo, rồi tỏ ra vô can, thậm chí đến mức “tin người” khi nhìn thấy chủ nhà phải đền cho
mình một đôi dép mới. Trong nhân vật này chất chứa đầy rẫy sự mâu thuẫn: mâu thuẫn từ địa vị xã hội, địa vị kinh
tế giàu có, quyền cao chức trọng với hành động hèn mọn, bày trò đánh mất đôi giày cũ nát để đổi được một đôi giày
mới; mâu thuẫn giữa vẻ ngoài đạo mạo, “ghét những thói gian giảo” với bản chất lưu manh, ranh mãnh với những
mánh khóe ăn cướp của người dân. Chính những mâu thuẫn trào phúng này đã làm bật ra tiếng cười cho tác phẩm,
mang đến những tầng ý nghĩa sâu xa.
2.2.2. Những tiếng cười trong truyện ngắn “Cụ Chánh Bá mất giày”
Trong văn học, có hai kiểu tiếng cười thường được bật ra từ các tác phẩm. Loại đầu tiên là tiếng cười khôi hài,
mà theo Lại Nguyên Ân, đó là “một dạng của cái hài; một thái độ cảm xúc về tính mâu thuẫn của đối tượng, trong
sự đánh giá thẩm mỹ có sự kết hợp tính nghiêm túc với cái đáng cười, tiếng cười ở đây nghiêng về tính tích cực”.
Tiếng cười khôi hài thường nghiêng về tính giải trí, giúp người đọc thư giãn, sảng khoái khi đọc tác phẩm. Loại thứ
hai là tiếng cười trào phúng, mang sắc thái mỉa mai, châm biếm. Tiếng cười trào phúng có sức mạnh phản ánh, phê
phán những hiện tượng lố bịch, những hạng người xấu xa trong cuộc sống. Trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
xuất hiện cả hai dạng tiếng cười này. Nguyễn Công Hoan xây dựng những mâu thuẫn, nhân vật, chi tiết gây cười,
khiến người đọc không nhịn được mà bật thành tiếng cười khôi hài; ẩn sau đó lại là tiếng cười trào phúng sâu cay.
Trong “Cụ Chánh Bá mất giày”, ta thấy cả hai dạng tiếng cười đều được hiển hiện, mang đến những chiều sâu cho
tác phẩm.
2.2.2.1. Tiếng cười khôi hài
Tiếng cười khôi hài, giải trí bật lên từ cách mà anh đầy tớ miêu tả đôi giày của cụ Chánh Bá. Khi nói với người
chủ nhà, anh ta bảo đó là đôi giày “mới nguyên, kiểu Gia Định, đế cờ lếp”. Nhưng thực chất, ngay khi tả về đôi giày
ấy, anh ta cũng phải “làm một lối văn cổ điển đẹp lời, chứ nếu theo giọng “tả chân” thì phải nói là nó xấu và cùng
không có chữ để tả nữa!”. Cách tác giả miêu tả đôi giày cũng khiến người đọc cảm thấy khôi hài. Đôi giày ấy,
“chẳng biết cụ mua từ Khải Định mấy niên”, đã phải đóng lại đế đến lần thứ tư mà vẫn như không, tới mức bọn thợ
khâu giày thấy mang đôi giày của cụ ra là “trốn như chạch, vì lỡ ra không nhẹ tay mà chọc mạnh cái dùi vào, là nó
toạc ra – vì tất nó toạc ra – thì oan gia”. Người đọc phải bật cười trước hình ảnh đôi dép đã rách đến tả tơi, khâu đi
khâu lại đến toạc cả da, nhưng lại “ngự trị” trên chân cụ Chánh Bá – một nhân vật được coi là “quyền cao chức
trọng” trong huyện.
Chi tiết anh đầy tớ ném đôi giày của cụ xuống ao cũng tạo nên tiếng cười khôi hài cho câu chuyện. Theo lệnh
của cụ Chánh Bá, anh ta nhặt dép của cụ, thu thu vào trong bọc, rồi len lén ra ngoài ao, giơ thẳng cánh tay, ném đôi
giày rách của cụ xuống nước. Nhưng khi người chủ nhà hỏi đến, anh ta tỏ ra vẻ vô can, không hay biết gì, thỉnh
thoảng lại nói một câu dậm dọa: “Hay là tôi lên trình cụ xem nhé!”, để cho người chủ nhà lo lắng cuống quit. Người
chủ nhà tất tả đi tìm, mà nào hay biết, đôi giày của cụ Chánh đã yên vị dưới đáy ao. Tác giả Nguyễn Công Hoan
thêm một đoạn bình làm tăng tính hài hước cho câu chuyện: “Nhưng có mà trời tìm! Giá có cao đoán rằng cụ đã mật
sai người nhà cụ vứt bõm xuống ao rồi, mà mò, thì cũng vô ích. Vì từ nãy đến giờ, thì giờ cũng đủ cho đôi giày rữa
ra và tiêu hết rồi, chứ còn gì!”. Những chi tiết này khoác cho câu chuyện một chiếc áo hài hước. Ẩn đằng sau lớp áo
đó là những tiếng cười ở chiều sâu, khiến câu chuyện có thêm sức nặng phản ánh xã hội.
2.2.2.2. Tiếng cười trào phúng, châm biếm
Trong “Cụ Chánh Bá mất giày”, tiếng cười trào phúng cũng mang nhiều cấp độ. Ở mức độ đầu tiên, nó là tiếng
cười mỉa mai, chế giễu. Nguyễn Công Hoan mỉa mai thói xấu của cụ Chánh Bá. Vẻ bề ngoài, cụ Chánh Bá là người
đức cao vọng trọng, ai cũng phải cậy đến cụ để có đường làm ăn. Nhưng thực chất, cụ lại là người ki kiệt đến bủn
xỉn. Cụ mắng anh đầy tớ: “Tao không thể đi đôi giày này nữa. Kệ chúng bay! Muốn làm thế nào thì làm!”. Nguyễn
Công Hoan so sánh thái độ của cụ với lời nũng vợ, lời bắt nạt em gái, để thấy “lời gắt khí lạ!”. Thế mà anh đầy tớ
cũng không dám hó hé gì, lo lăng lắm, bởi “nếu anh bẩm cụ mua giày mới”, thì cụ chỉ ừ chứ không đưa tiền. Nhưng
không có giày cho cụ, thì cụ lại đánh đòn vì tội kiệt. Một người giàu có nhưng không bỏ tiền ra để mua giày, lại đòn
một người đầy tớ nghèo vì tội keo kiệt. Chi tiết này đã tạo nên tiếng cười mỉa mai, chế giễu loại người giàu có
nhưng keo kiệt, bủn xỉn. Đây cũng là bệnh chung của những người giàu, những kẻ có tiền. Chính hành động “vắt cổ
chày ra nước” của những kẻ này đã tạo nên tiếng cười cho tác phẩm.
Ở chiều sâu hơn, Nguyễn Công Hoan đã dựng nên tiếng cười châm biếm, đả kích sâu cay tầng lớp thống trị
phong kiến qua nhân vật cụ Chánh Bá. Vốn xuất thân từ gia đình quan lại, lớn lên trong môi trường được tiếp xúc
nhiều với chốn công triều, Nguyễn Công Hoan quen thuộc và nắm rõ mọi mánh khóe ăn cướp của quan trên. Trong
các tác phẩm của ông, mỗi tên quan hiện lên với một mánh lới, không ngón nào giống ngón nào. Trong “Cụ Chánh
Bá mất giày”, đó chính là mánh khóe hô biến đôi giày rách nát thành đôi giày mới cóng mà không mất một đồng xu
cắc bạc, lại được ăn mâm cao cỗ đầy, ngồi rung chân chơi bài trong vui sướng mà vẫn được coi là đức cao vọng
trọng. Qua chi tiết cụ Chánh Bá xui thằng đầy tớ vứt đôi giày rách nát của mình đi, rồi giả vờ như mất để người chủ
nhà phải đền cho cụ một đôi giày mới, người đọc thấy hiện lên bộ mặt thật của giai cấp thống trị thời buổi nhiễu
nhương. Bọn chúng không từ mọi chiêu trò nào để ăn cướp của người dân, mà dân không hề hay biết, vẫn khép nép
kính sợ chúng. Bộ mặt tham lam đến mức lưu manh, ranh mãnh của quan lại phong kiến hiện lên trong tiếng cười
dài của người đọc. Câu nói tưởng chừng như lơ đãng “Ơ, không phải…” cùng vẻ “tin người” của cụ ở cuối truyện
khiến người đọc không khỏi cảm thấy nực cười, đồng thời cũng tố cáo bản chất giả nhân giả nghĩa của tên quan này.
Nhân vật cụ Chánh Bá không chỉ là kẻ tham lam, lưu manh trong những mánh lưới ăn cướp của dân, ông ta còn
hiện lên ở tác phẩm với bộ mặt tàn bạo. Cụ hay “mắng cho vô số”, lỡ có xảy ra sơ suất gì, cụ không mắng chửi
ngay, mà “cứ im, rồi để bụng, thế là mất làm ăn”. Chủ nhà biết mất đôi giày của cụ nhưng không dám trình cụ, bởi
“cụ biết thì cụ chửi cho ủng mồ”, rồi cụ “tra tấn cho ra”, vì xưa nay cụ “dữ như con hùm, khét tiếng trong hàng tổng
là quyền hành, hách dịch, thét ra lửa”. Cách miêu tả đầy sự mỉa mai, châm biếm của Nguyễn Công Hoan khiến
người đọc vẫn cảm nhận được sự hài hước trong những nét bạo ngược của tên quan. Thông qua đó, Nguyễn Công
Hoan đã tố cáo, đả kích tầng lớp quan lại phong kiến, tham lam, tàn bạo, hách dịch với nhân dân; giả nhân giả
nghĩa, không từ một thủ đoạn nào để ăn cướp trắng trợn của người dân.
2.3. Nghệ thuật xây dựng tiếng cười trong “Cụ Chánh Bá mất giày”
Để xây dựng những tiếng cười nhiều cung bậc như vậy trong “Cụ Chánh Bá mất giày”, tác giả Nguyễn Công
Hoan đã sử dụng đến nhiều nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến là tài năng xây dựng tình huống truyện với
nhiều mâu thuẫn chồng chéo mang đậm chất kịch. Chỉ trong một truyện ngắn, người đọc thấy hiện lên ít nhẩt bốn
mâu thuẫn trong hai nhân vật cụ Chánh Bá và người đầy tớ. Chính những mâu thuẫn này đã làm bật lên tiếng cười,
từ khôi hài, giải trí đến mỉa mai, giễu cợt, châm biếm. Tài năng của ông còn thể hiện trong cách dẫn dắt truyện đầy
lôi cuốn. Ban đầu, người đọc cũng hốt hoảng cùng chủ nhà vì tưởng cụ Chánh Bá mất giày, rồi hồi hộp chờ đợi xem
ai là kẻ “ăn gan hùm” dám ăn cắp đôi giày của cụ. Để rồi, càng đọc vào tác phẩm, người đọc mới vỡ lẽ ra, trong nhà
chủ không có kẻ nào dám lẻn vào ăn cắp đôi giày của cụ Chánh Bá, mà kẻ cướp thật sự lại đang ung dung bên mâm
cơm tú ụ toàn của ngon vật lạ, đắm chìm trong ván bài cao thấp. Cách kể chuyện hấp dẫn người đọc đến cuối tác
phẩm, để rồi người đọc thấy nực cười khi cụ Chánh tỏ ra vô tư, tin người, xỏ đôi giày mới mà mình lừa lọc được
của người dân về, “lấy làm vừa lòng lắm”. Cách dựng truyện khéo lẽo đã hấp dẫn, cuốn hút người đọc vào câu
chuyện, khiến tiếng cười bật ra thật tự nhiên theo từng câu chữ.
Một trong những nghệ thuật trào phúng đặc sắc thường xuyên được Nguyễn Công Hoan sử dụng trong truyện
ngắn của mình là thủ pháp phóng đại. Trong “Cụ Chánh Bá mất giày”, thù pháp này được vận dụng khi miêu tả
hình ảnh đôi giày rách nát đến thảm thương của cụ, đến mức thợ sửa giày nhìn thấy cũng trốn như chạch. Không chỉ
đơn thuần là miêu tả đôi giày rách, hình ảnh ấy còn là lời mỉa mai, giễu cợt thói bủn xỉn, keo kiệt của cụ Chánh;
đồng thời cũng tố cáo thói tham lam, lòng lang dạ sói của vị quan vẻ bề ngoài đạo mạo nhưng bên trong lại xấu xa,
thâm độc này.
Trong truyện ngắn này, Nguyễn Công Hoan còn sử dụng triệt để thủ pháp tương phản, đối lập để tạo nên tiếng
cười. Đó là sự đối lập giữa vẻ bề ngoài và cái bên trong, giữa lý do và mục đích bản chất, hay khái quát hơn là giữa
nội dung và hình thức của sự việc và nhân vật. Chính những mâu thuẫn trào phúng đã tạo ra tiếng cười trào phúng
cho tác phẩm. Người đọc không thể nhịn cười trước những gi mà cụ Chánh Bá thể hiện: đạo mạo, ghét thói gian
giảo với bản chất thực sự của nhân vật này: giảo hoạt, ranh mãnh, tham lam. Đặt những hiện tượng, tính chất chứa
đầy mâu thuẫn cạnh nhau, Nguyễn Công Hoan đã khiến người đọc thích thú khi dần dần đi bóc trần bản chất tham
lam, xấu xa của tên quan, đối ngược hoàn toàn so với những gì ông ta thể hiện. Thủ pháp đối lập có vai trò đắc lực
lôi cuốn sự theo dõi của người đọc, lột trần cái bên trong hủ bại trong thế đối sánh với vẻ ngoài của cụ Chánh Bá.
Ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan cũng tạo cho ông một nét đặc trưng so với các nhà văn cùng
thời. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của ông được chắt lọc, nâng cao từ ngôn ngữ quần chúng. Nhà văn dùng cách
diễn đạt giản dị nhưng đầy những hình ảnh ví von, so sánh, khiến cho người đọc có những liên tưởng thú vị. Ông ví
đôi giày của cụ Chánh Bá “chẳng biết cụ mua từ Gia Định mấy niên”, so sánh câu gắt của cụ như “làm nũng vợ, hay
bắt nạt em gái”. Nguyễn Công Hoan sử dụng giọng điệu mỉa mai, châm biếm thâm thúy, thể hiện qua những câu
cảm thán: “Cụ Chánh Bá mất giày! May mà cụ không biết đấy! Chứ giá cụ mà biết, thì chết nhà chủ!”, qua cách nói
hài hước: “Vì thế cho nên cụ Chánh Bá nhà tôi mất đôi giày mới nguyên”,… Ngôn ngữ trào phúng độc đáo này đã
thể hiện óc khôi hài của nhà văn, mang đến cho người đọc những thiên truyện ngắn trào phúng đặc sắc.
3. Kết luận
Có thể khẳng định, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan phong phú, rộng mở, nhưng tài năng của ông
chín muồi nhất trên địa hạt truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn trào phúng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung
nhận xét: “dường như nhà văn luôn luôn nhìn xã hội đương thời dưới lăng kính trào phúng”. Nhà nghiên cứu cũng
khẳng định: “tiếng cười trào phúng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là tiếng cười hồn nhiên, khỏe khoắn, mặn
mà; văn truyện Nguyễn Công Hoan là thứ văn của đời sống, rất linh hoạt và đặc biệt là rất vui. Tiếng cười ấy, lối
văn ấy là sự kế thừa tiếng cười lạc quan, chứa đựng một quan điểm nhân sinh khỏe mạnh, tích cực trong truyền
thống trào phúng của văn học dân tộc”. Ngay từ những sáng tác ở giai đoạn đầu (1929 – 1935) như “Cụ Chánh Bá
mất giày”, Nguyễn Công Hoa đã định hình cho mình một phong cách riêng với lối văn trào phúng độc đáo, phơi bày
bộ mặt giả dối, vô đạo đức của tầng lớp thống trị phong kiến. Phong cách này sẽ tiếp tục phát triển ở có chiều sâu
hơn ở những sáng tác ở giai đoạn sau của Nguyễn Công Hoan, khẳng định tài năng văn chương rực rỡ của văn nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Hoành Khung (1988). Văn học Việt Nam từ 1930 - 1945 . Hà Nội: NXB Đại học và Giáo dục chuyên
nghệp.
Trần Đăng Suyền, Lê Quang Hưng (2020). Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Hà Nội: NXB Đại học
Sư phạm.

You might also like