PHẦN MỞ ĐẦU (Luận án Thanh Tùng - 25.11.2023)

You might also like

Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 16

PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong nền văn hóa, văn học dân gian giàu đẹp của các dân tộc thiểu số Tây
Nguyên, sử thi là những viên ngọc vô giá. Sử thi như những cây trầm hương lẫn khuất
trong rừng cây giữa chốn đại ngàn mà chỉ có kiên tâm tìm kiếm bằng tất cả tình yêu, sự
say mê và trân trọng, chúng ta mới có thể phát hiện. Việc sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu
và giới thiệu sử thi đã được tiến hành từ những năm cuối thập niên thứ 3 của thế kỷ XX.
Với sử thi Đăm Săn, được sưu tầm, dịch sang tiếng Pháp và công bố vào năm 1929,
Léopold Sabatier được xem là người mở đầu cho hành trình đi tìm sử thi Tây Nguyên kéo
dài suốt gần một thế kỷ qua. Với sự tham gia của nhiều thế hệ nhà sưu tầm, nghiên cứu,
cả một kho tàng sử thi vô cùng đồ sộ và phong phú của các dân tộc Tây Nguyên được
phát hiện. Cho đến nay, chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam không chỉ có sử thi mà còn
có cả những miền sử thi.
Cùng nằm trong vùng sử thi Tây Nguyên nhưng sử thi của dân tộc Raglai lại mang
những nét riêng, khá đặc biệt. Bên cạnh những nét chung của loại hình sử thi Tây
Nguyên, sử thi dân tộc Raglai còn chứa đựng những nét đặc sắc riêng về phương diện
nội dung cũng như hình thức. Sự khác biệt đó một phần do sự tác động của điều kiện,
hoàn cảnh lịch sử, xã hội, phần khác do ảnh hưởng của chính nền văn hóa dân gian tộc
người cũng như tâm lý cộng đồng dân tộc Raglai. Việc phát hiện, sưu tầm, giới thiệu và
nghiên cứu sử thi dân tộc Raglai cũng được tiến hành có phần chậm hơn so với sử thi của
các cộng đồng dân tộc khác cùng cư trú trên dải Trường Sơn. Cho mãi đến những năm
cuối của thế kỷ XX, trong khi nhiều sử thi của các dân tộc khác như Ê Ðê, Ba Na, Gia
Rai, Mơ Nông,… đã được biết đến rộng rãi thì sử thi dân tộc Raglai hầu như vẫn vắng
bóng. Nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên, trong một lần trò chuyện với
chúng tôi vào năm 2018, hồi tưởng cho đến khi Dự án cấp nhà nước Điều tra, sưu tầm,
bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên (2001- 2007) được triển khai
thực hiện, không ai nghĩ dân tộc Raglai lại có một di sản sử thi dồi dào đến như thế.
Bằng niềm tin mãnh liệt và tình yêu tha thiết với nền văn hóa cổ truyền Tây
Nguyên nói chung và văn hóa truyền thống dân tộc Raglai nói riêng, các nhà nghiên cứu
như Nguyễn Thế Sang, Chamaliaq Tiến, Hải Liên,... đã miệt mài và kiên trì trong cuộc
tìm kiếm để rồi họ đã phát hiện ra rất nhiều cây trầm hương sử thi quí giá trong trong
mênh mông đại ngàn văn hóa dân gian Raglai. Với hàng chục tác phẩm sử thi đã được
biết đến, có thể khẳng định rằng đồng bào Raglai không những có sử thi mà còn có
những bộ sử thi hết sức độc đáo, đồ sộ. Trong số tác phẩm sưu tầm được, nhiều tác phẩm
đã được phiên âm, biên dịch và xuất bản.
Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc Việt Nam, sử thi là một thể loại có
giá trị lớn về nhiều mặt. Sử thi ra đời và tồn tại trong đời sống các tộc người không chỉ
với tư cách một tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là pho lịch sử, cuốn “bách khoa
thư” của dân tộc đó. Sử thi là “tượng đài văn hóa” của dân tộc mà từ đó, người ta có thể
nhận ra đặc trưng văn hóa của cả một cộng đồng từ thuở xa xưa. Mỗi cộng đồng dân tộc
lại có lịch sử, văn hóa và tâm lý riêng, do vậy, bên cạnh những nét chung mang tính phổ
quát của thể loại, sử thi của mỗi cộng đồng lại có những nét đặc thù riêng, thể hiện tinh tế
bản sắc của dân tộc đó.
Dù số lượng sử thi Raglai được sưu tầm, công bố đã khá lớn, nhưng cho đến nay,
hầu như vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách vừa bao quát, vừa cụ thể
những đặc điểm cơ bản của sử thi dân tộc Raglai. Đó là lý do để chúng tôi đề xuất và
thực hiện đề tài luận án: Đặc điểm sử thi dân tộc Raglai.
2. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI
2.1 Mục đích của đề tài
Từ những thành quả sưu tầm, công bố các akhát jucar Raglai những năm gần đây
của giới chuyên môn, đề tài nhằm tìm hiểu, nhận diện một cách vừa khái quát, vừa cụ thể
và hệ thống những đặc điểm cở bản về nội dung, thi pháp – đồng thời những nét đặc sắc
riêng ở các phương diện trên so với sử thi các dân tộc Tây Nguyên khác – của sử thi dân
tộc Raglai.
Việc thực hiện đề tài cũng nhằm góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa cổ truyền trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa hiện
đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống của đất nước ta hiện nay.
Bản thân chúng tôi từng có 18 năm giảng dạy ở Trường Trung học Phổ thông Dân
tộc Nội trú Ninh Thuận, mà ở đó đa số học sinh là người Raglai. Trong chương trình văn
học địa phương hoặc các buổi ngoại khóa, chúng tôi cố gắng khuyến khích các em giới
thiệu về văn hóa, văn học của dân tộc mình, nhưng hầu như không học sinh nào có thể
hát được một vài làn điệu dân ca hoặc kể một câu chuyện nào đó trong kho tàng văn học
dân gian rất phong phú và giàu đẹp của dân tộc mình. Việc giáo dưỡng và bổ khuyết
những kiến thức về di sản văn hóa, văn học dân gian, trong đó có sử thi cho thế hệ thanh
thiếu niên là một trăn trở lớn của chúng tôi. Với tình hình như vậy, việc nghiên cứu, xác
định những đặc điểm cơ bản của loại hình văn hóa nghệ thuật này để giúp cho việc tiếp
thu, lĩnh hội được thuận lợi, đúng đắn, từ đó hình thành ở người tiếp nhận tình yêu và ý
thức gìn giữ, bảo tồn sâu sắc hơn là điều hết sức cần thiết.
2.2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
2.2.1. Ý nghĩa khoa học
Với mục đích nhận diện một cách khách quan, khoa học đặc điểm sử thi Raglai về
phương diện nội dung cũng như thi pháp, đề tài là tiếng nói góp phần khám phá, giải mã
các giá trị lịch sử, văn hóa, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của di sản văn học truyền miệng
đặc biệt này. Đồng thời, hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần bổ sung, hoàn
thiện hệ thống lý luận, kiến thức thực tiễn về sử thi nói chung và sử thi dân tộc Raglai nói
riêng.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là công cụ lý luận cần thiết cho công tác
sưu tầm, bảo lưu và phát huy giá trị của di sản sử thi dân tộc Raglai trong tình hình hiện
nay.
2.2.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở cho việc tiếp nhận sử thi Raglai một cách
đúng đắn, khoa học, đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
sử thi của cộng đồng dân tộc Raglai nói riêng, sử thi ở Viêt Nam nói chung.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là tài liệu tham khảo thiết thực cho việc nghiên
cứu, giảng dạy sử thi dân tộc Raglai và thể loại sử thi nói chung ở các cấp học hiện nay.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Sử thi là loại hình văn học dân gian có giá trị đặc biệt trong nền văn hóa truyền
thống các dân tộc Tây Nguyên. Qua ngót gần một thế kỷ sưu tầm, nghiên cứu, chúng ta
đã phát hiện ra cả một kho tàng sử thi vô cùng đồ sộ và phong phú. Đối tượng nghiên cứu
của luận án là những sử thi dân tộc Raglai đã được sưu tầm, công bố dưới dạng văn bản
song ngữ những năm gần đây, cụ thể hơn, luận án xác định các vấn đề nghiên cứu chủ
yếu thuộc phạm trù nội dung (như đề tài, chủ đề, nhân vật,...) và thi pháp (motif kết cấu
cốt truyện, nhân vật; các biện pháp mô tả, thể hiện,...) ở những sử thi Raglai đã được giới
chuyên môn hoàn thiện văn bản sưu tầm và xuất bản.
Để ít nhiều thấy được mối quan hệ, sự tương tác giữa những vấn đề nội dung akhát
jucar Raglai với môi trường thời đại nảy sinh ra chúng, luận án cũng đặc biệt chú ý tìm
hiểu đặc điểm, điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa truyền thống tộc người. Không thuần túy
chỉ tiếp cận nghiên cứu văn bản sử thi, mảng đối tượng nghiên cứu này sẽ giúp lý giải
khoa học hơn những gì được ghi nhận, phản ánh, khúc xạ sâu sắc trong thế giới nghệ
thuật của sử thi.
Với giới hạn của một luận án và thời gian nghiên cứu, về tài liệu chúng tôi tập
trung khảo sát, tìm hiểu chủ yếu với 5 sử thi đã được ấn hành cho tới thời điểm năm
2014. Đó là các tác phẩm: Udài – Ujàc, Chàng Amã Chisa, Amã Cuvau Vongcơi, Sa Ea
và Awơi Nãi Tilơr.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Từ việc xác định mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các phương pháp
được sử dụng khi thực hiện đề tài chủ yếu như sau:
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành văn học – văn hóa học (lịch sử, xã hội và
dân tộc học,...). Sử thi không chỉ là một hình thái nghệ thuật ngôn từ, là văn chương mà
còn là “tượng đài văn hóa”, mang tính “nguyên hợp” phức tạp. Bởi vậy, trong quá trình
nghiên cứu sử thi dân tộc Raglai, ngoài việc vận dụng những thành tựu lý luận về văn học
dân gian, chúng tôi còn đặt đối tượng này trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử, xã
hội, văn hóa tộc người,... Những yếu tố ngoài văn bản này đóng vai trò hỗ trợ để chúng
tôi có được những nhận thức, lý giải đúng đắn hơn các đặc điểm sử thi dân tộc Raglai.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp trên cở sở tiếp cận văn bản sưu tầm song ngữ
(đã xuất bản). Đây là phương pháp căn bản, quan trọng vì đối tượng nghiên cứu của luận
án là thể loại sử thi của văn học dân gian. Phương thức tồn tại, lưu truyền nguyên thủy
của sử thi là truyền miệng, phi văn bản trong dân gian. Với giới hạn về nhiều phương
diện, tác giả luận ấn chỉ có thể thực hiện việc nghiên cứu trên cở sở tài liệu về sử thi
Raglai là các công trình sưu tầm đã được văn bản hóa, thẩm định và công bố.
- Phương pháp thi pháp học là công cụ quan trọng giúp khám phá, giải mã sâu sắc
các giá trị, ý nghĩa nội dung tiềm ẩn phía sau những sáng tạo nghệ thuât về cốt truyện,
hình tượng nhân vật, kêt cấu nhân vật, không gian, thời gian,...) của các tác phẩm sử thi.
- Phương pháp thống kê, hệ thống hóa được chúng tôi sử dụng như một công cụ hỗ
trợ cho việc thu thập, tổ chức và phân tích các tài liệu,... Phương pháp này giúp chúng tôi
mong có thể rút ra những kết luận khách quan về một số đặc điểm cơ bản của đối tượng
nghiên cứu.
- Phương pháp so sánh được sử dụng để ít nhiều thấy được những nét tương đồng
cũng như sự khác biệt giữa sử thi dân tộc Raglai với sử thi các tiểu vùng Tây Nguyên, sử
thi các dân tộc ngoài khu vực Tây Nguyên khác.
- Phương pháp điền dã được sử dụng để ít nhiều nhằm khảo sát hình thức diễn
xướng của sử thi dân tộc Raglai qua thực tế diễn xướng của các nghệ nhân sử thi nổi
tiếng như Taing Thị Rong (thuộc nhóm sử thi Raglai Nam), Katơr Thị Sính, Katơr Thị
Ngấm (thuộc nhóm sử thi Raglai Bắc).
5. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Từ những kết quả đạt được trong việc phát hiện và sưu tầm những năm vừa qua,
giới chuyên môn đã có thể xác định rằng, sử thi Raglai là một tiểu vùng của vùng sử thi
Tây Nguyên. Dù được biết đến một cách khá là muộn màng (vào năm 1999 với công
trình sưu tầm, biên dịch của Nguyễn Thế sang và Chamaliaq Tiến), nhưng có thể nói việc
sưu tầm, nghiên cứu sử thi Raglai gắn liền với công cuộc này đối với sử thi toàn vùng
Tây Nguyên nói chung. Đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết đề cập một cách đầy đủ,
hệ thống quá trình phát hiện, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên như: Vấn đề sưu tầm và
nghiên cứu sử thi anh hùng các dân tộc ít người từ trước đến nay (Chương II, trong sách
Sử thi anh hùng Tây Nguyên của Võ Quang Nhơn, NXB Giáo dục, 1997); Sự nghiệp
nghiên cứu và sưu tầm sử thi các dân tộc Việt Nam: Tổng kết thế kỷ 20, dự báo thế kỷ 21,
trong sách Nghiên cứu sử thi Việt Nam của Phan Đăng Nhật, NXB Khoa học xã hội,
2001); Quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam của Nguyễn
Xuân Kính, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2006 ),... Từ mục đích, đối tượng và phạm vi
nghiên cứu của đề tài, để không lặp lại vấn đề một cách không cần thiết, chúng tôi xin hệ
thống hóa lịch sử vấn đề nghiên cứu như sau:
5.1. Đối với sử thi toàn vùng Tây Nguyên
5.1.1. Nhóm những lời giới thiệu, bài in tạp chí, chương sách, tham luận Hội thảo:
Khởi đầu và kế tục cấp độ nghiên cứu này là các Lời giớt thiệu khan Đam Săn và Đam
Di của L. Sabatier (1933), G. Condominas (1955), N.Nikulin (1970); tiếp theo là sự công
bố và tái bản tập Trường ca Tây Nguyên (1963, 1983) với lời giới thiệu của Ngọc Anh,
Lê Mai; đặc biệt là lời giới thiệu cho công trình Trường ca dân tộc Bahnar – Đăm Noi
(1985) của Lê Anh Trà; Đam Săn, Sử thi Ê Đê (1988) của Nguyễn Văn Hoàn. Hàng chục
lời giới thiệu cho các sử thi Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Mơ Nông,... – thành quả Dự
án cấp nhà nước được công bố gần đây – là sự nỗ lực tìm hiểu, làm sáng tỏ những thuộc
tính loại hình, giá trị văn học, văn hóa của các tác phẩm sử thi mới được phát hiện. Đồng
thời, từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến hiện nay, một bộ phận nghiên cứu sử thi
khác là những bài viết in trên các Tạp chí chuyên ngành của các tác giả như: Chu Xuân
Diên, Ngọc Anh, Võ Quang Nhơn, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Đăng Nhật, Đỗ Hồng Kỳ,
Phan Thị Hồng, Nguyễn Xuân Kínk, Tô Đông Hải,... Những bài viết này thể hiện sự tìm
tòi, khám phá ngày càng chuyên sâu các vấn đề nội dung, thi pháp; sự vận hành theo
cụm nhóm, hoạt động và phương thức diễn xướng của nghệ nhân sử thi ,v.v... Cũng sớm
xuất hiện là những chương sách tập trung cho việc nghiên cứu loại hình sử thi như: Sử thi
anh hùng (trong sách Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, NXB Đại học
và Trung học chuyên nghiệp (1983) của Võ Quang Nhơn); Trường ca hơ amon (trong
sách Fônclo. Bâhnar, Sở văn hóa và thông tin Gia Lai – Kon Tum (1988) của Tô Ngọc
Thanh và Phạm Hùng Thoan). Những công trình này là sự khởi đầu cho xu hướng nghiên
cứu có tính khái quát, tổng hợp những vấn đề và đặc điểm chung, tiêu biểu của loại hình
sử thi đối với từng khu vực văn hóa, từng tộc người. Cơ sở cho xu hướng nghiên cứu này
là sự thuận lợi và thành quả ngày càng lớn của công tác điền dã, khảo sát, sưu tầm sử thi
tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên sau ngày thống nhất đất nước. Góp phần thúc đẩy quá
trình nghiên cứu còn là các tham luận Hội thảo khoa học về sử thi Tây Nguyên và sử thi
ở Việt Nam nói chung. Hàng chục bài viết được công bố trong các Kỷ yếu là sự tiếp tục
đào sâu nghiên cứu các vấn đề từ thuật ngữ, khái niệm, lý luận về sử thi, đến các khía
cạnh nội dung (đề tài, chủ đề, nhân vật,...), các đặc điểm thi pháp của tác phẩm sử thi các
dân tộc Tây Nguyên.
Với tính chất là những bài viết ngắn gọn, các chương sách chú trọng vào một vài
nội dung nhất định, nhóm những nghiên cứu này là cơ sở, tài liệu tăng cường kiến thức,
hiểu biết, cách phân tích, luận giải đối tượng nghiên cứu là các tác phẩm sử thi Tây
Nguyên rất quí báu đối với chúng tôi.
5.1.2. Những công trình có tính chuyên sâu, nghiên cứu bao quát về sử thi Tây
Nguyên, nhóm sử thi và sử thi từng tộc người. Đây là xu hướng xác nhận một bước tiến
mới trong quá trình sưu tầm gắn liền với sự tìm tòi, thẩm định trên nhiều phương diện.
Có thể kể đến những chuyên luận sau:
+ Công trình Sử thi Ê Đê, NXB. Khoa học Xã hội (1991), của Phan Đăng Nhật.
Đây là chuyên luận công phu, dày dặn đầu tiên về sử thi tộc người ở Việt Nam. Với hàng
chục khan được khảo sát, ngoài Phần mở đầu, tác giả công trình đã triển khai các nội
dung nghiên cứu theo trình tự 5 chương sách:
1/ Đời sống của sử thi – khan: giới thiệu sơ lược về người Ê Đê, sử thi – khan
trong ngữ văn dân gian Ê Đê, nghệ nhân kể khan.
2/ Cấu trúc của hệ thống khan: cấu trúc một bản khan, quần thể khan như một hệ
thống, sự hình thành và phát triển khan.
3/ Hệ thống các loại và kiểu đề tài: sử thi đề tài hôn nhân, sử thi đề tài chiến tranh.
4/ Đặc điểm thẩm mỹ của sử thi – khan: sử thi khan – một tác phẩm diễn xướng
tổng hợp, người anh hùng một hình ảnh thẩm mỹ tiêu biểu.
5/ Sự phản ánh lịch sử, xã hội của sử thi – khan: lịch sử, xã hội Ê Đê phản ánh
trong đề tài; lịch sử, xã hội phản ánh trong cấu trúc và nghệ thuật.
Tổng hợp lại, chuyên luận đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá loại hình sử thi –
khan của người Ê Đê căn bản trên các mặt: trong đời sống văn hóa xã hội và tinh thần tộc
người; cấu trúc khan và sự hình thành cấu trúc quần thể khan trong quá trình vận hành,
phát triển; đề tài và các loại, kiểu đề tài; nhân vật trung tâm là người anh hùng – hình ảnh
thẩm mỹ tiêu biểu; Sử thi – khan Ê Đê từ nội dung đến thi pháp là sự phản ánh lịch sử, xã
hội. Từ cách tiếp cận tổng hợp, các kết luận được rút ra gồm:
1/ Sử thi – khan là một sản phẩm folklore có tính chất văn học nghệ thuật, tồn tại
trong xã hội chỉ có folklore. Các thế hệ nghệ nhân (pokhan) đóng vai trò chủ yếu trong
sáng tạo, lưu truyền, diễn xướng khan. Sử thi – khan Ê Đê là một quần thể, kết cấu theo
nhiều tầng bậc, từ hành động đến khúc, tiểu phẩm, tác phẩm và tác phẩm liên kết, được
diễn đạt phần lớn bằng những lời nói vần (hay thể thơ duê).
2/ Sử thi – khan có hai loại đề tài: chiến tranh và hôn nhân, trong đó đề tài trung
tâm là đề tài chiến tranh (giành lại vợ, đòi nợ, trả thù, cao hơn nữa là lấy của cải, thu phục
tôi tớ, mở rộng địa bàn ảnh hưởng,..). Nhân vât anh hùng là người chiến đấu vì sự giàu có
mạnh mẽ và yên vui của làng buôn.
3/ Sử thi – khan là sự tổng hợp và nâng cao của các loại hình folklore trữ tình, tự
sự và sân khấu dân gian, là một nghệ thuật diễn xướng tổng hợp. Những tinh hoa nghệ
thuật khan nhằm tập trung xây dựng nhân vật anh hùng – con người hoàn chỉnh tươi đẹp,
khỏe mạnh, tài giỏi, dũng cảm, giàu có, bách thắng. Nhân vật anh hùng sử thi là hình
tượng nghệ thuật ngôn từ, có giá trị thẩm mỹ cao, là hình ảnh con người lý tưởng của thời
kỳ chiến tranh liên miên,...
4/ Cơ sở lịch sử, xã hội của sử thi – khan là thời kỳ cuối của chế độ công xã
nguyên thủy, giai đoạn tiền quốc gia,...
+ Công trình Sử thi thần thoại M’Nông, NXB. Khoa học Xã hội (1996) của Đỗ
Hồng Kỳ. Sau nhiều năm cùng sưu tầm, biên dịch ot’nrông với các nghệ nhân, đây là
chuyên luận đầu tiên của Đỗ Hồng Kỳ về sử thi M’nông. Với các nội dung lớn, trở đi trở
lại trong nhiều ot’nrông nói về sự hình thành con người, lý giải con người được sinh ra từ
đâu, hành trạng và sự nghiệp các nhân vật “khai thiên lập địa”, anh hùng văn hóa, chiến
tranh (cướp bóc, tranh giành người đẹp, vật quí,...) giữa các bon làng và người anh hùng
bon làng,.. sử thi M’nông được tác giả chuyên luận xác nhận là sử thi thần thoại. Tương
tự sử thi Ê Đê, nội dung sử thi M’nông chứa đựng sự phản ánh những vận động, chuyển
biến lớn của xã hội; ghi nhận cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt sôi động, sự giàu có,
thịnh vượng của cộng đồng. Để làm cở sở cho việc nghiên cứu ot’nrông, các vấn đề và
đặc điểm xã hội,văn hóa truyền thống tộc người tồn tại dưới dạng những tập tục, tín
ngưỡng được chuyên luận chú ý khảo cứu. Thi pháp ot’nrông được nhìn nhận, phân tích
ở các khía cạnh: cấu trúc tác phẩm, các biện pháp mô tả như so sánh, phóng đại, định
ngữ, v.v…
+ Công trình Sử thi anh hùng Tây Nguyên, NXB. Giáo dục (1997) của Võ Quang
Nhơn. Chuyên luận được triển khai nghiên cứu với 7 chương sách, nội dung phong phú,
nhưng cơ bản sử thi anh hùng Tây Nguyên được tác giả tìm tòi, nghiên cứu trên các mặt:
cơ sở xã hội, văn hóa khu vực; những vấn đề căn bản về nội dung; một số đặc điểm thi
pháp. Ngoài các nội dung trên, chuyên luận còn đề cập đến các vấn đề: quá trình sưu tầm,
nghiên cứu sử thi anh hùng; xác định thể loại và mối quan hệ giữa sử thi anh hùng Tây
Nguyên với sử thi các dân tộc Đông Nam Á khác, và với các thể loại văn học dân gian
khác. Để lý giải những vấn đề về đối tượng nghiên cứu chính là sử thi anh hùng Tây
Nguyên, tác giả công trình đã chú ý nghiên cứu đăc điểm chế độ xã hội, lĩnh vực sinh
hoạt văn hóa vật chất và tinh thần các cộng đồng dân tộc. Về nội dung của sử thi anh
hùng của các dân tộc ít người Tây Nguyên, tác giả xác định: “đề tài có tính chất phổ
biến, nổi bật ở đây là những cuộc chiến tranh nảy lửa, diễn ra quyết liệt, liên miên, dai
dẳng giữa các thị tộc, bộ lạc” [122, Tr. 55]. Gắn liền với đề tài chiến tranh, một trong
những “vấn đề trung tâm là đấu tranh chống các thế lực thù địch từ bên ngoài đến uy
hiếp, đánh phá cuộc sống cộng đồng” [122, Tr. 55]. Các motif đặc trưng của đề tài chiến
tranh là: motif đánh cướp, giành lại người yêu; motif tiêu diệt các con vật thần kì; motif
phục thù, đòi xương cha, trả thù cho mẹ,... Đặc biệt, theo tác giả công trình: “Chủ đề lớn
thứ nhất của sử thi anh hùng là ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật anh hùng
đã có công bảo vệ xã hội cộng đồng,..” [122, Tr. 57]. “Âm điệu chính nổi lên trong các
sử thi anh hùng là ca ngợi các nhân vật anh hùng đã lập công chiến thắng oanh liệt các
loại tù trưởng thù địch, bảo vệ cuộc sống thanh bình của thị tộc, bộ lạc và bảo vệ hạnh
phúc bị tước đoạt.” [122, Tr. 55]. Ngoài nội dung cốt lõi trên, sử thi anh hùng Tây
Nguyên còn phản ánh “sự vận động, chuyển biến lớn của xã hội, từ cộng đồng mẫu hệ
sang cộng đồng phụ hệ, dần phát triển thành bộ tộc” [122, Tr. 57] và những chiến công
trong lao động, những sinh hoạt của cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở các buôn làng. Đăc
điểm thi pháp sử thi chủ yếu là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ với cách nói ví von giàu
hình ảnh, vần điệu và có tính kịch.
+ Công trình Nhóm sử thi dân tộc Bahnar, NXB. Văn học (2006) của Phan Thị
Hồng. Cùng với hàng chục năm điền dã, sưu tầm, biên dịch h’mon Ba Na ở Kon Tum, tác
giả công trình đã có thể đặt vấn đề nghiên cứu tổng thể về một nhóm sử thi với số lượng
lớn, lưu truyền từ lâu đời tại đây. Những khía cạnh làm nên sự cố kết của những câu
chuyện về người anh hùng Giông như: phương thức “tái xuất hiện nhân vật”, tình huống
(hay sự cố sử thi ) và sự hình thành, phát triển nhóm sử thi; đề tài, chủ đề cốt lõi,... được
chuyên luận tập trung khảo sát, nhận diện. Theo tác giả công trình, ở nhóm sử thi Ba Na
Kon Tum, sự tương đồng về đề tài (hay motif đề tài) sẽ dẫn đến sự tương thích về cốt
truyện giữa các h’mon. Thuật ngữ nhóm “đề tài – cốt truyện” được đề xuất để làm công
cụ cho việc nghiên cứu đặc điểm nhóm sử thi dân gian đặc biệt này. Nhân vật anh hùng
Giông và kiểu nhân vật đối thủ người anh hùng được tìm hiểu, kháo sát kỹ lưỡng. Các
kiểu loại nhân vật làm nên thế giới nhân vật đông đảo, phong phú của nhóm sử thi cũng
được hệ thống hóa đầy đủ. Về thi pháp, chuyên luận chủ yếu nghiên cứu đặc điểm và vai
trò các công thức ngôn ngữ trong sáng tạo và diễn xướng sử thi; các biện pháp tu từ trong
mô tả, v.v… Chuyên luận cho thấy, sưu tầm và nghiên cứu sử thi theo từng dân tộc, từng
bộ, nhóm là hướng nghiên cứu rất phù hợp và nhiều triển vọng đối với sử thi các dân tộc
Tây Nguyên.
+ Công trình Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông, NXB. Đại học Quốc
gia Hà Nội (2018) của Nguyễn Tiến Dũng. Từ phương diện nghệ thuật, nhóm sử thi được
tác giả chuyên luận khảo sát, phân tích về kết cấu (từ góc độ diễn xướng); nhân vật trung
tâm Dăm Giông trong mối quan hệ với nhân vật tái xuất hiện; hệ thống motif và không
gian nghệ thuật nhóm sử thi. Chuyên luận là sự nỗ lực của tác giả trong việc tìm tòi, phát
hiện những đặc điểm và sáng tạo nghệ thuật của nhóm sử thi còn cần được tiếp tục
nghiên cứu trên nhiều phương diện.
+ Những luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ. Sử thi các dân tộc thiểu số Tây
Nguyên là đối tượng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các học viên cao học, nghiên
cứu sinh những năm gần đây. Có thể kể đến một số luận văn, luận án đã tiếp cận nghiên
cứu sử thi từ các phương diện, góc độ khác nhau như: Đặc điểm nữ nhân vật trong sử thi
Tây Nguyên (Võ Thị Thùy Dung, Luận văn Thạc sỹ, 2007); Nhân vật sử thi Tây Nguyên
– tiếp cận từ phương diện văn hóa (Phạm Văn Hóa, Luận văn Thạc sỹ, 2007); Sử thi
Bahnar và số phận của nó trong xã hội đương đại (Lê Thị Thùy Ly, Luận án Tiến sỹ,
2014); Đặc điểm nhân vật sử thi dân tộc Bahnar (Lê Ngọc Bảo, Luận văn Thạc sỹ,
2016); Hệ thống nhân vật sử thi M’nông và vấn đề thể loại (Triệu Văn Thịnh, Luận án
Tiến sỹ, 2016),... Đây là những nghiên cứu giúp gợi mở cho tác giả đề tài luận án kinh
nghiệm và sự cần thiết phải tiếp cận, phân tích, đánh giá đối tượng nghiên cứu từ nhiều
khía cạnh, nhiều góc độ để có thể nhận thức đầy đủ hơn các mặt giá trị.
Đi vào nghiên cứu một cách tổng hợp, bao quát những vấn đề chung của thể loại
sử thi ở cả khu vực, đặc biệt là sử thi các tộc người, các nhóm và quần thể tác phẩm,... là
hướng tiếp cận nghiên cứu cần thiết, cấp bách của giới chuyên môn đối với vùng sử thi
Tây Nguyên. Những chuyên luận trên là sự tiếp tục khơi sâu, khát quát hóa những vấn đề
về lý luận thể loại, những đặc điểm chung cốt lõi của loại hình sử thi Tây Nguyên cũng
như sự đặc sắc, phong phú trên các mặt nội dung, thi pháp của chúng ở từng tộc người,
từng nhóm và quần thể tác phẩm.
5.2. Đối với sử thi (akhát jucar) dân tộc Raglai
Sau hơn hai mươi năm sử thi Raglai chính thức được giới chuyên môn phát hiện
và khẩn trương sưu tầm, biên dịch, công bố – kể từ khi akhát jucar Udai – Ujac được biết
đến vào năm 1999 – đến nay một chặng đường nghiên cứu tuy chưa dài nhưng cũng đã
thành hình. Khởi đầu là một số bài báo, tham luận ngắn còn rất dè dặt như: Trang phục
cổ truyền được phản ánh trong akhát jucar trường ca sử thi (Nguyễn Thế Sang, Hội nghị
thông báo văn hóa dân gian, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian,2001); Có khả năng thêm
một hiện tượng bảo lưu sử thi ở ngoại biên: Kei Kãmau (Phan Đăng Nhật); Sử thi Udai –
Ujac, một di sản văn hóa chung của người Raglai và Chăm (Văn Món, Thông báo văn
hóa dân gian, 2002). Tiếp theo, khi công trình Kho tàng sử thi Tây Nguyên được xuất
bản, là loạt các bài giới thiệu cho các akhát jucar Raglai của người biên tập văn học như:
Amã Chisa – một tác phẩm akhát jucar độc đáo của người Raglai (Nguyễn Việt Hùng),
Sử thi Ama Cuvau Vongcơi (Văn Thị Bích Thảo, 2007); Awơi Nãi Tilơ, một sử thi
Raglai độc đáo (Phan Thu Hiền, Trần Kiêm Hoàng, 2009); Về tác phẩm Udai – Ujàc (Vũ
Anh Tuấn, 2004); Về tác phẩm Sa Ea (Vũ Anh Tuấn, 2009). Do chỉ nhằm mục đích giúp
người đọc dễ dàng tiếp nhận các akhát jucar vốn trường thiên, những bài giới thiệu trên
chủ yếu tóm tắt tác phẩm, đề cập một số khía cạnh đặc sắc về nội dung phản ánh, nhân
vật, giá trị tác phẩm.
Những nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về một vài đặc thù loại hình của sử thi
Raglai thuộc về tác giả Vũ Anh Tuấn như: Một số phạm trù tự sự học qua khảo sát thế
giới nghệ thuật sử thi Raglai (2008), (Dẫn luận cho công trình Sử thi Raglai, 2014). Về
nhân vật trung tâm, nhân vật anh hùng của sử thi Raglai, Vũ Anh Tuấn cho thấy có sự
tương thích, quen thuộc rất phổ biến của loại hình trong phương thức tạo dựng. Ví dụ
“nhân vật anh hùng Sa Ea được khắc họa bởi hệ thống các hành động chức năng được tổ
chức theo nguyên tắc mô hình hóa cấu trúc kiểu loại con người thời đại sử thi”. Và
dường như “Nhân vật tự sự sử thi còn là hình ảnh chủ quan của thế giới tinh thần, thế
giớ nội cảm, trong cách thức biểu hiện khát vọng lãng mạn tuyệt đối một cách trực tiếp
không có giới hạn” [145, Tr. 355 – 356]. Trong Dẫn luận, sau phần giới thiệu sơ lược về
một số vấn đề lịch sử, văn hóa tộc người và quá trình điền dã, sưu tầm, biên dịch văn bản
song ngữ sử thi Raglai, tác giả tập trung thẩm định những “giá trị phổ quát và đặc trưng
tộc người” trong các akhát jucar đã được biết đến. Theo tác giả, thế giới nghệ thuật của
sử thi Raglai trước hết là sự “tích hợp nguyên hợp các loại tri thức dân gian”, và “có
mối quan hệ gắn bó giữa sử thi và các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc,
với luật tục, phong tục và lễ hội đã tạo nên một tổng thể văn hóa sử thi mang đặc trưng
văn hóa tộc người hết sức rõ nét” [175, Tr. 40]. Tiếp đến, các akhát jucar đều tái hiện
những vấn đề trung tâm và trọng đại buổi đầu của lịch sử cộng đồng, “sử thi nào cũng có
sự tiếp nối giữa các thế hệ trên tất cả các bình diện có tính phổ quát và hết sức cở bản
của đời sống: được sinh ra, lao động, lấy vợ và chiến đấu” [175, Tr. 41]. Về phân loại,
tác giả Dẫn luận cho rằng phần lớn các sử thi Raglai đã được biết đến là sử thi cổ sơ, số ít
(như Udai – Ujac ) là sử thi cổ điển (classic epic) [175, Tr. 42 – 43]. Dù số lượng tác
phẩm được khảo sát chưa nhiều, song các akhat jucar cho thấy sự đa dạng về cấu tạo cốt
truyện, độ dài ngắn. Cơ bản kết cấu các tác phẩm là sự tiếp nối liên tục, thường xuyên các
cuộc chiến tranh, phần còn lại là những chương khúc về lễ hội, cuộc sống sinh hoạt mọi
mặt với cái ăn, cái mặc, cái ở cùng vô số phong tục, cả những giáo huấn đạo đức, luân lý,
v.v... Chiến tranh trong sử thi Raglai được mô tả với tính chất, độ ác liệt, qui mô hơn hẳn
sử thi các dân tộc khác như M’nông, Ê Đê, Ba Na,... đó là những cuộc chiến đã “vượt ra
khỏi khuôn khổ gia tộc, thị tộc, bộ lạc mà là vấn đề quốc gia, dân tộc” [175, Tr. 55]. Tác
giả Dẫn luận cũng đã dành một phần lớn độ dài bài viết để bàn luận về sự đa dạng tư
tưởng – thẩm mỹ của sử thi Raglai.
Sử thi là một loại hình tự sự đặc biệt, nảy nở và phát triển rộng khắp với rất nhiều
biến dị trong văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Xuất hiện từ thời xa
xưa, nhưng cho đến những năm gần đây, số nghệ nhân có khả năng diễn xướng (ngâm,
hát, kể) được sử thi theo cách truyền thống vẫn tồn tại trong rất nhiều buôn làng, từ Bắc
đến Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc sưu tầm cũng như nghiên cứu một loại hình tự sự
dân gian (truyền miệng, phi văn bản, trường thiên; phức hợp về nội dung, ngôn ngữ,...)
như sử thi Tây Nguyên là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của giới chuyên
môn. Từ góc độ khảo cứu lịch sử vấn đề để phục vụ cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu
về sử thi dân tộc Raglai – một trong số các tộc dân thuộc khu vực văn hóa Tây Nguyên –
chúng tôi tạm đúc rút một số vấn đề căn bản, thiết thực cho công việc của mình như sau:
- Về đặc trưng thể loại sử thi: Có thể hệ thống hóa những đặc trưng cơ bản của thể
loại sử thi trong văn học dân gian từ những ý kiến, quan điểm, định nghĩa đã được giới
chuyên môn đúc rút như sau: Sử thi là loại hình (hay thể loại) tự sự dài hơi (hay trường
thiên) khó xác định chính xác niên đại xuất hiện, phản ánh lịch sử với đầy tính chất hư
cấu, tưởng tượng. Nội dung sử thi rất đa dạng, gắn liền với những vấn đề trọng đại liên
quan đến vận mệnh, sự tồn vong của tập thể cộng đồng như chiến tranh, những thử thách,
xung đột lớn; hoạt động lao động sản xuất, sáng tạo văn hóa đến đời sống phong tục, tập
quán, lối sống tộc người, v.v... Đề tài cốt lõi của sử thi là đề tài chiến tranh, sự tranh
chấp, xung đột cộng đồng; nhân vật trung tâm là nhân vật anh hùng, dũng sĩ với các chiến
công, kỳ tích lớn lao chống lại các thế lực thù địch,... Sử thi lưu truyền, tồn tại bằng
phương thức truyền miệng, được nghệ nhân diễn xướng (ngâm, hát, kể,...) trong đời sống
cộng đồng, thường là về đêm trước công chúng là dân làng, nhất là trong các dịp gặp gỡ,
giao lưu, lễ hội, v.v... Thi pháp nổi bật và tiêu biểu của sử thi (xét ở khía cạnh là một loại
hình nghệ thuật ngôn từ) là phóng đại, khoa trương, so sánh, ví von, v.v...
- Sự nảy nở, lưu truyền, phát triển (và cả biến mất, mai một,...) của sử thi là theo qui
luật của văn học dân gian, truyền miệng, với các thuộc tính như: biến dị (dẫn đến dị bản),
sự hình thành các type truyện, motif (sự cố, nhân vật, tình tiết,...), tính công thức, sự lặp
lại về ngôn ngữ, v.v...
- Những nghiên cứu về sử thi đối với một tác phẩm cụ thể, một nhóm tác phẩm của
một tộc người, hay sử thi toàn khu vực Tây Nguyên, giới chuyên môn đều tập trung làm
sáng tỏ các các vấn đề:
1/ Về nội dung – được tìm hiểu cụ thể qua đề tài, chủ đề, nhân vật,... Đề tài chiến
tranh là đề tài chủ đạo, cốt lõi, với những dạng thái khác nhau như; chiến tranh giành lại
vợ, chiến tranh đòi nợ, trả thù; chiến tranh phục thù, khôi phục,... Kéo theo và gắn liền
với đề tài chiến tranh là sự phản ánh của sử thi đối với những hoạt động quan hệ đến cuộc
sống của cộng đồng (lao động nương rẫy, chặt cây, săn và xua đuổi thú rừng; xây cất nhà
cửa, tôn xưng phong tục, tập quán, lễ hội, lối sống tộc người, v.v...). Tùy theo hoàn cảnh
lịch sử, điều kiện xã hội và văn hóa riêng mà có sự khác biệt ở mảng nội dung này ở sử
thi các dân tộc ở Tây Nguyên và Việt Nam nói chung.
- Nhân vật anh hùng, dũng sĩ là nhân vật trung tâm, tiêu biểu của thể loại sử thi.
Trong thế giới nhân vật đông đảo, mang tính gia đình, gia tộc, cộng đồng dân làng của
các thiên truyện, bao giờ cũng nổi bật lên vai trò, vị trí trung tâm của nhân vật người
anh hùng tài ba, dũng cảm. Nhân vật này thường được mô tả với vai trò là những tù
trưởng, tộc trưởng, thủ lĩnh cộng đồng, người đứng đầu trong các cuộc chiến chống lại
các thế lực thù địch tấn công, tàn phá cộng đồng.
- Về thi pháp: Tiếp cận, nghiên cứu sử thi từ văn bản sưu tầm, phần lớn các bài viết,
chuyên luận đã chú ý đến các biện pháp ngôn ngữ (so sánh, ví von, phóng đại, cường
điệu hóa, tính công thức, sự lặp lại, v.v... Sử thi chủ yếu thuộc loại hình tự sự nhưng cốt
truyện và thi pháp cốt truyện vẫn chưa được quan tâm phân tích, nghiên cứu một cách
tương xứng.
Cho đến nay, trong quá trình nghiên cứu sử thi các dân tộc Tây Nguyên vẫn tồn tại
một vài ý kiến, nhận định khác nhau (về nhân vật, tư tưởng tác phẩm), một số bất cập
không thể tránh khỏi trong sưu tầm, biên dịch, nhưng có thể khẳng định rằng, những
thành tựu chuyên môn, học thuật đã gặt hái được là vô cùng to lớn. Tiếp tục nghiên cứu
sử thi dân tộc Raglai, chúng tôi thừa hưởng nhiều kiến thức, kinh nghiệm quí báu của
đông đảo nhà khoa học đi trước như đã trình bày.
5.3. Các tài liệu hỗ trợ nghiên cứu khác
Khi nghiên cứu loại hình akhát jucar, cùng với những hiểu biết của bản thân từ
thực tế thâm nhập đời sống tộc người, chúng tôi đồng thời cũng thu thập và tim hiểu kỹ
lưỡng khối tài liệu là những công trình nghiên cứu dân tộc học, sử học, văn hóa học về
Tây Nguyên của giói nghiên cứu trong và ngoài nước từ những năm đầu thế kỷ xx đến
nay. Đặc biệt, đó là các chuyên khảo, bài viết về lịch sử, xã hội, văn hóa dân tộc Raglai
như: Văn hóa và xã hội của người Raglai ở Việt Nam (1998) của Phan Xuân Biên và
nhóm nghiên cứu; Trang phục cổ truyền Raglai (2001) của Hải Liên; Những vấn đề văn
hóa và ngôn ngữ Raglai (2001) của Ngô Văn Lệ; Chữ viết với việc bảo tồn và phát triển
văn hóa Raglai (2000), Tín ngưỡng của người Raglai ở Khánh Hòa (2001), Thành ngữ,
tục ngữ Raglai (2005) của Mai Quốc Tiến; Người Raglai ở Việt Nam (2003) của
Chammaliaq Tiến; Văn hóa xã hội và luật tục của người Raglai (2006) của Nguyễn Thế
Sang,.... Để có thể ít nhiều lý giải nguồn gốc, căn rễ của mọi khía cạnh, vấn đề chứa đựng
trong thế giới akhát jucar, những kiến thức về dân tộc học, sử học, xã hội học, văn hóa
học,... đối với chúng tôi thực sự là vô cùng quan trọng.
6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Thực hiện đề tài Đặc điểm sử thi dân tộc Raglai, chúng tôi mong muốn có những
đóng góp nhất định vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền trong
sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,
truyền thống của đất nước mà cương lĩnh của Đảng ta đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần VII (năm 1991). Cụ thể:
- Nhận diện một cách vừa khái quát, vừa cụ thể và hệ thống những đặc điểm cở
bản về nội dung, thi pháp – đồng thời những nét đặc sắc riêng ở các phương diện trên so
với sử thi các dân tộc Tây Nguyên khác – của sử thi dân tộc Raglai;
- Bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận, kiến thức thực tiễn về sử thi nói chung và
sử thi dân tộc Raglai nói riêng. Cung cấp công cụ lý luận cần thiết cho công tác sưu tầm,
bảo lưu và phát huy giá trị của di sản sử thi dân tộc Raglai trong tình hình hiện nay;
- Đề tài là cơ sở cho việc tiếp nhận sử thi Raglai một cách đúng đắn, khoa học,
đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản sử thi của cộng
đồng dân tộc Raglai nói riêng, sử thi ở Viêt Nam nói chung;
- Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực cho việc nghiên
cứu, giảng dạy sử thi dân tộc Raglai và thể loại sử thi nói chung ở các cấp học hiện nay;
- Giáo dưỡng và bổ khuyết những kiến thức về di sản văn hóa, văn học dân gian,
trong đó có sử thi, cho thế hệ trẻ; hình thành ở họ tình yêu và ý thức gìn giữ, bảo tồn sâu
sắc hơn những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài Phần mở đầu và kết luận, cấu trúc luận án gồm ba chương như sau:
Chương I: Văn hóa truyền thống Raglai và loại hình akhát jucar.
Chương II: Những vấn đề nội dung cơ bản của sử thi Raglai (đề tài, chủ đề và
nhân vật)
Chương III: Những nét đặc sắc về thi pháp (thi pháp cốt truyện, kết cấu nhân vật,
ngôn ngữ và các yếu tố thi pháp khác)

You might also like