Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI KỲ KIỂM TRA KHẢO SÁT HỌC SINH

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LỚP 11


ĐỀ THAM KHẢO NĂM HỌC 2023 – 2024
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể
Đề thi có 02 trang thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)


Đọc văn bản sau:
BÁNH KHẢO, KẸO LẠC

Về bánh khảo, hoặc nhân hạt sen, đậu sen hay đậu xanh, thì hiệu Cự Hương là nhất.
Ngày trước, hiệu Ngọc Anh có tiếng khắp kẻ chợ thôn quê; như từ ngày Cự Hương ở tỉnh
Đông dồn lên, thì ngôi bá chủ đã thay người. Trong khi Cự Hương mỗi ngày một tiến bộ
trong cách tìm tòi khiến cho bột bánh được mềm dẻo, nhân đậu được nhuyễn trong, và
cách trình bày được sạch sẽ tinh thơm, thì Ngọc Anh nằm ngủ trên cái danh vọng cũ của
mình, uể oải bán hàng cho khách. Hiệu đó hình như giàu rồi mà lại... Mà người Việt
Nam mình phần nhiều giàu có rồi thì không hay cố nữa. (Đó là cái tật chung của người
mình, khiến cho không có một công cụ nào được phát đạt lâu dài, cả từ trong cách buôn
bán cho đến những công nghệ khác). Thế mà Ngọc Anh còn thứ kẹo lạc ngon, ngon vì
mùi vani cho vừa phải, vì cái rải vừng vừa chín không hăng sống và cũng không khét
cháy, và nhất là đường của kẹo không dính răng... Cái ngon đó tôi cho cũng là một sự
tình cờ, ngay chính nhà hàng bán có lẽ cũng không biết rằng hàng của mình ngon hơn
hàng khác. Vì ta thử vào mua ở hiệu đó mà xem; chẳng có ai săn đón mời chào khách,
nhà hàng thản nhiên và dửng dưng như không cần bán, mua hay không, đều tỏ ý không
cần. Nếu ta giục lắm, bấy giờ mới có hai cậu nhỏ quần vải, áo nâu, quẹt tay vào tà áo,
rồi thò vào lọ bốc kẹo, gói vào mảnh nhật trình(*) cũ, nếu ta mua có năm xu hay một
hào. Ấy là hồi giấy còn rẻ, chứ bây giờ ...
Thật là đáng tiếc. Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ? Hiệu Cự
Hương phát đạt một độ, giờ xem ra hình như cũng đã có những triệu chứng tuy chưa rõ
rệt của một sự mệt mỏi, chểnh mảng rồi. Mà tài làm bánh của người mình không phải là
kém cỏi. Cái thứ bánh dẻo Trung thu của Cự Hương không kém gì bánh của Tàu, và các
thứ bánh kem của Việt Hương không thua gì bánh của Tây. Ta chỉ còn thua cái chí, cái
cố gắng nữa mà thôi: nghĩa là còn thua nhiều, nhiều lắm.
Cho nên ngày tết Trung thu, thấy người Việt Nam xô nhau đến mua bánh nướng của
đông Hưng Viên, chen đẩy nhau như họp chợ, và chịu khó chờ đợi hàng giờ, nghe những
câu vô lễ và nhìn cái vẻ không cần của mấy chú bán hàng, chúng ta chớ nên lấy làm lạ
vội. Người Việt Nam mình nghĩa là ông với tôi nhẫn nhục và kiên nhẫn cũng nhiều lắm.
(Trích trong tập Hà Nội băm sáu phố phường - 1943
của Thạch Lam)

Chú thích:
Nhà văn Thạch Lam được biết đến là một cây bút thiên về tình cảm, hay viết lại chính những cảm
xúc của mình trước những số phận hẩm hiu, nghèo khổ của người nghèo, nhất là phụ nữ trong xã hội cũ
nát, sống vất vả, chịu đựng, thầm lặng và trong đó có cả sự hy sinh. Bên cạnh đó, tiểu luận kiểu tùy bút
của ông thường ghi lại những gì mà ông suy nghĩ về nghệ thuật. Cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường”
được nhà văn Thạch Lam miêu tả lại có trong đó hương vị đậm đà của quê hương, nhưng cũng vô cùng
gợi cảm.

(*) Nhật trình: nhật báo (nghĩa cũ)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau và nêu tác dụng:
“Trong khi Cự Hương mỗi ngày một tiến bộ trong cách tìm tòi khiến cho bột bánh được
mềm dẻo, nhân đậu được nhuyễn trong, và cách trình bày được sạch sẽ tinh thơm, thì
Ngọc Anh nằm ngủ trên cái danh vọng cũ của mình, uể oải bán hàng cho khách.” (0,75
điểm)
Câu 3: Trong câu “(Đó là cái tật chung của người mình, khiến cho không có một công
cụ nào được phát đạt lâu dài, cả từ trong cách buôn bán cho đến những công nghệ
khác)”, “cái tật chung” được tác giả nhắc tới là gì? (0,75 điểm)
Câu 4: Anh/chị rút ra được thông điệp gì từ văn bản trên? (1 điểm)
Câu 5: Trình bày suy nghĩ của anh/chị trong 5-7 câu về việc “ngủ quên trên chiến thắng”
trong cuộc sống. (1 điểm)

PHẦN II: VIẾT: (6,0 điểm)


Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), phân tích yếu tố trữ tình (nghệ thuật, chi tiết đặc
sắc, cảm xúc của tác giả) trong đoạn trích trên.

Câu 2: Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về câu nói:
“Người lao động là người hạnh phúc. Chính người nhàn rỗi mới là người khốn khổ.” -
Benjamin Franklin.
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT HỌC SINH

ĐỀ THAM KHẢO LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2023 – 2024


(Gồm 05 trang) ––——————————
Môn kiểm tra: NGỮ VĂN

Phần Câu Nội dung Điểm

I ĐỌC HIỂU 4,0

1 Phương thức biểu đạt: Miêu tả, tự sự, biểu cảm. 0,5
- Nêu được 02 phương thức biểu đạt: 0,25 điểm.
- Nêu được 03 phương thức biểu đạt: 0,5 điểm.

2 - Biện pháp tu từ liệt kê: “bột bánh được mềm dẻo, nhân đậu được nhuyễn 0,75
trong, và cách trình bày được sạch sẽ tinh thơm”. (0,25 điểm)
- Tác dụng: (0,5 điểm)
+ Tạo nhịp điệu cho câu văn, làm cho hình ảnh món bánh thêm phần sinh
động, hấp dẫn và gần gũi.
+ Khắc họa sự công phu, tinh tế và ngày càng tiến bộ của hiệu Cự Hương
trong cách tạo nên món bánh, qua đó thể hiện tài năng của hiệu làm bánh.
+ Thể hiện sự am hiểu của tác giả về những thức quà vặt trên đất Hà thành
và sự trân trọng của ông với những cửa hiệu bánh kẹo truyền thống.
=> Bộc lộ tình cảm của tác giả với mảnh đất Hà Nội.
- Nêu được 01 tác dụng: 0,25 điểm.
- Nêu được 02 tác dụng trở lên: 0,5 điểm.

3 “Cái tật chung” được tác giả nhắc tới trong câu văn trên là thói “ phần 0,75
nhiều giàu có rồi thì không hay cố nữa” hay có thể hiểu là con người ta khi
đã đạt được thành công sẽ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lười biếng.

4 Học sinh lựa chọn một thông điệp có ý nghĩa với bản thân từ văn bản trên 1,0
để trình bày. (Gợi ý: Sự kiên trì, sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống,...)

5 Gợi ý: 1,0
- Thí sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (đoạn văn ngắn từ
5-7 câu).
- Gợi ý cách làm:
+ Giải thích vấn đề trong đề bài (khi con người ta đạt được thành công
sẽ rất dễ “ngủ quên trên chiến thắng” - trở nên chủ quan, lười biếng,
hao hụt ý chí, không tiếp tục cố gắng,...).
+ Nêu ra ý kiến của bản thân về vấn đề trong đề bài, lý giải một cách
hợp lý, mạch lạc.
+ Rút ra bài học.

II VIẾT 6,0

1 Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), phân tích yếu tố trữ tình (nghệ thuật, chi 2,0
tiết đặc sắc, cảm xúc của tác giả) trong đoạn trích tuỳ bút Bánh khảo, kẹo
lạc của Thạch Lam.

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: 0,25
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của
đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo các cách diễn dịch, quy
nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25


Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Yếu tố trữ tình (chi tiết, nghệ thuật
đặc sắc và cảm xúc của tác giả) ở đoạn trích trên.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:


Gợi ý: 0,5
- Chỉ được dẫn chứng trữ tình gián tiếp: ”Cái ngon đó tôi cho cũng là một
sự tình cờ, ngay chính nhà hàng bán có lẽ cũng không biết rằng hàng của
mình ngon hơn hàng khác.”,...; trữ tình trực tiếp: “Thật là đáng tiếc. Ồ,
sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ?”,...
=> Các chi tiết ấy biểu hiện nội dung, cảm xúc tác giả với đối tượng đó
như thế nào, gửi gắm suy nghĩ/bài học gì của tác giả.
- Ngôn ngữ, hình ảnh tinh tế, giàu chất thơ (VD: “...thứ kẹo lạc ngon, ngon
vì mùi vani cho vừa phải, vì cái rải vừng vừa chín không hăng sống và
cũng không khét cháy…”); sử dụng từ láy, một số biện pháp tu từ (VD về
biện pháp tu từ liệt kê: “Cho nên ngày tết Trung thu, thấy người Việt Nam
xô nhau đến mua bánh nướng của đông Hưng Viên, chen đẩy nhau như
họp chợ, và chịu khó chờ đợi hàng giờ, nghe những câu vô lễ và nhìn
cái vẻ không cần của mấy chú bán hàng, chúng ta chớ nên lấy làm lạ
vội.”)... Nhịp điệu đều đặn, thanh điệu giàu chất thơ.
=> Từ đó cho thấy tác giả đã gửi gắm niềm yêu và vốn hiểu biết về Hà Nội
của mình vào trong tác phẩm, bộc lộ cái tôi trữ tình của tác giả.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí, thuyết phục.

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:


- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để 0,5
triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù
hợp.
e. Diễn đạt:
0,25
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, liên kết các câu trong đoạn
văn.

f. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt hiệu quả, 0,25
mới mẻ.

2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về 4,0
câu nói: “Người lao động là người hạnh phúc. Chính người nhàn rỗi mới là
người khốn khổ.” (Benjamin Franklin).

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: 0,25


Nghị luận xã hội.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: 0,5


Lao động là vinh quang, là hạnh phúc – những điều tốt đẹp sẽ không xảy
đến với người nhàn hạ, lười biếng.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:
1,0
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài viết
* Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, nêu quan điểm cá nhân về vấn
đề
* Triển khai vấn đề nghị luận:
Gợi ý
I. Mở bài:
“Người lao động là người hạnh phúc. Chính người nhàn rỗi mới là người
khốn khổ.”
=> Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận:
+ Tầm quan trọng của việc lao động.
+ Lao động là vinh quang, là hạnh phúc – những điều tốt đẹp sẽ
không xảy đến với người nhàn hạ, lười biếng.
II. Thân bài:
a. Giải thích:
Giải thích câu nói: “Người lao động là người hạnh phúc. Chính người nhàn
rỗi mới là người khốn khổ.”
+ “Lao động” là một quá trình dài, giúp con người tạo ra sản phẩm, thành
quả, của cải vật chất.
=> “Người lao động là người hạnh phúc”: Những người lao động cần cù,
chăm chỉ, tìm được niềm vui thường sống vui vẻ, hạnh phúc.
+ “Nhàn rỗi” là rảnh rỗi, thư giãn, không phải làm, không cố gắng một việc
gì.
=> “Chính người nhàn rỗi mới là người khốn khổ.”: Người rảnh rỗi, lười
biếng, lãng phí thời gian của mình; không có mục đích sống, sống một
cuộc đời vô nghĩa.
b. Biểu hiện:
- Chăm chỉ, chịu khó làm việc một cách thường xuyên, không ngừng nỗ
lực vượt qua khó khăn, thử thách.
- Luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến phương pháp để lao động có hiệu quả
đem lại kết quả cao trong công việc.
c. Ý nghĩa:
- Giúp con người phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần.
- Trí óc không ngừng tư duy khi lao động để nâng cao năng suất, sự sáng
tạo và sự chủ động được nâng lên mức tối đa.
- Bồi đắp tâm hồn con người, dạy cho ta về sự chăm chỉ, nhẫn nại, biết quý
trọng thời gian.
- Tạo ra giá trị vật chất cần thiết cho bản thân và xã hội.
- Được mọi người yêu mến, trân trọng.
d. Dẫn chứng:
- Bạn học sinh Đỗ Bằng Định, học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm
Ngũ Lão, Đông Anh, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình làm nông, phải
thường xuyên lao động giúp gia đình, nhận ra sự khó khăn trong việc tách
vỏ hạt đậu của bà con nông dân, sau một thời gian dài nghiên cứu và tìm
tòi, Định đã chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ hạt đậu.
- Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân - tấm gương lao động vô song,
đã dạy cho bao thế hệ học trò biết sống một cuộc sống có ích bằng chính
bàn tay và khối óc của mình.
- Hai nông dân là Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh đã sáng chế ra máy bay
với ước mơ rất đơn giản: “bay lên để tưới nước đồng ruộng cho đỡ vất vả
và dập đám cháy nếu có”.
-…
e. Phản đề:
- Bên cạnh đó, vẫn còn một số người lười nhác và thiếu tinh thần lao
động:
+ Người xưa thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện”.
+ Những người không lao động thường dễ rơi vào thói quen xấu và
tạo ra những tác động tiêu cực cho xã hội
+ Đây là một trong những thái độ tiêu cực cần được loại bỏ.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày.
- Bài học nhận thức:
+ Là những người học sinh, là những người trẻ tuổi, cần thấu hiểu
rằng lao động là một phần quan trọng của cuộc sống.

- Hành động:

+ Có thể bắt đầu từ những công việc nhỏ trong khả năng của mình
để giúp gia đình và học hỏi từ những kinh nghiệm đó.

+ Tích cực học tập, phát triển bản thân để trở thành những công dân
tương lai có kiến thức và trình độ cao.

+ Hạn chế việc lười biếng, đặt mục tiêu rõ ràng để lao động một
cách có hiệu quả.

1,5
d. Viết bài văn, cần đảm bảo các yêu cầu sau:
-Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để
triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; có sự
kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù
hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,25
e. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, liên kết các câu trong đoạn
văn.
0,5

g. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt hiệu quả,
mới mẻ.

Tổng điểm 10,0

You might also like