Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 2

CÁI TÂM CỦA NGƯỜI THẦY TRONG SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, vì vậy ngày Nhà giáo
Việt Nam có một vị trí đặc biệt, là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cả dân
tộc. Ca dao xưa có câu:
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”
Từ lâu, Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành một ngày hội của toàn dân,
ngày lễ để tôn vinh sự học, tôn vinh những người dạy chữ và Nghề giáo luôn được
coi là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí. Điều này hoàn toàn phù hợp với
truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến, hiếu
học, trọng đạo và luôn đề cao sự học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Không có
thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất
vẻ vang”.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua bao
đời nay và được ông cha ta truyền dạy “Trọng Thầy mới được làm thầy”. Chính thầy
cô là người đã chắp cánh cho những ước mơ, trang cấp kiến thức cho chúng ta bước
vào đời và giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Cái tinh thần “trọng đạo” ấy
càng sáng tỏ thêm ý thức“tôn sư” và nó trở thành đạo lý “Công cha, nghĩa mẹ, ơn
thầy” cho nên “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Người thầy
luôn tượng trưng cho những chuẩn mực, không những là người nắm đạo lý mà còn có
sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người nhất là cho các thế hệ học trò, giúp
họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho
dân, cho nước. Chính từ sự tôn vinh đó nên đòi hỏi người thầy phải đáp ứng những
yêu cầu rất cao của xã hội mà trước hết là nhân cách, phẩm chất và đạo đức. Thầy
phải thực sự là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương
mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở trong phạm vi nhà trường mà còn ở
mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội. Những kiến thức của thầy cung cấp
rồi sẽ cũ đi theo sự phát triển của xã hội nói chung nhưng đạo đức, nhân cách của
người thầy còn đọng mãi trong các thế hệ học trò. Và cũng chính vì vậy mà tôn vinh
người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta.
Giáo dục là một hoạt động vĩnh hằng của xã hội loài người. Tuy nhiên tùy
thuộc vào trình độ phát triển và nhận thức mà mỗi chế độ xã hội, mỗi giai đoạn lịch
sử khác nhau con người đề ra mục đích của sự học khác nhau và yêu cầu đối với
người thầy cũng có khác nhau. Nhưng cái“Tâm” của người thầy thì dù ở thời đại nào
cũng là đòi hỏi cao nhất của của sự nghiệp “trồng người”. Chính vì lẽ đó mà người
thầy phải có một cái tâm trong sáng mới thực sự xứng đáng với sự tin yêu, kính trọng
của xã hội, của các thế hệ học trò. Trước những khó khăn nhất thời và sự cám dỗ của
đời sống vật chất tầm thường trong nền kinh tế thị trường, nhưng biết bao tấm gương
của các thầy cô đã vượt lên những khó khăn của cuộc sống, không vì danh lợi mà đã
dốc hết tâm lực, trí lực vì học sinh thân yêu, gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục
để luôn xứng đáng với nghề cao quý của sự nghiệp “trồng người”. Chính những tấm
gương đó đã để lại những tình cảm tốt đẹp và sự kính trọng của xã hội, của bao thế hệ
học trò đối với Nghề giáo. Ở một góc độ khác, đành rằng đâu đó trong đời thường

1
vẫn còn những “khoảng tối” trái với đạo đức làm thầy, nhưng đó không phải là người
thầy đúng nghĩa. Cũng chính vì vậy mà hiện tượng cái sự học không thực tế và coi
trọng bằng cấp; cái học chỉ vì cá nhân, tự kiêu, tự mãn, tự phụ không biết đến xã hội;
của sự học để “Chuẩn hoá” bằng việc chạy điểm, mua bằng, coi nhẹ đạo đức học
đường, thiếu tôn sư, trọng đạo... làm băng hoại giá trị của sự nghiệp giáo dục đang
gây nên những bức xúc, bị cộng đồng xã hội lên án và dư luận đòi hỏi phải chấn
chỉnh. Mỗi chúng ta cũng cần thấy rằng hệ lụy của những “Khoảng tối”đó tất yếu sẽ
dẫn đến sự xuống cấp của nền giáo dục, của đạo đức xã hội nói chung trong đó không
thể không nói đến trách nhiệm của Người thầy. Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ “Học để
làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân,
Tổ quốc và nhân loại”. Như vậy, học không phải vì lợi ích cá nhân chật hẹp, mà học
có một mục đích, ý nghĩa cao đẹp, tràn đầy lý tưởng nhân văn cao cả. Đó mới chính
là cái học của người cách mạng, của đạo đức xã hội chủ nghĩa, của những con người
mang trong mình lý tưởng cộng sản.
Với chúng tôi là giảng viên ở trường chính trị, trách nhiệm đó càng nặng nề
hơn vì trường chính trị là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng, của cách mạng. Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành
công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của
cán bộ và công tác đào tạo cán bộ. Vì vậy người giảng viên ở Trường Chính trị không
chỉ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm mà còn đòi hỏi phải có
phẩm chất đạo đức trong sáng, phải có kiến thức thực tiễn, sâu sát cơ sở, sự gương
mẫu trong lời nói, việc làm và trong cuộc sống. Nếu mỗi chúng ta không ý thức đầy
đủ yêu cầu đó để thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện
đạo đức thì cũng rất dễ đánh mất uy tín của cá nhân và truyền thống tốt đẹp của Nhà
trường mà bao thế hệ đã dày công vun đắp.
Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam ngoài ý nghĩa cao cả và bằng những hoạt
động thiết thực nhằm tôn vinh và động viên sự nghiệp giáo dục, còn là dịp để mỗi
thầy cô giáo tự nhìn nhận lại mình, tiếp tục rèn đức luyện tài nhằm hoàn thiện mình
hơn nữa để xứng đáng với sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và của các thế hệ học trò
yêu quý. Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì
mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi
bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Lời dạy đó của Người nhằm nhắc nhở,
động viên những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được tự bằng lòng
với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, rèn luyện đạo đức để
mỗi người thầy và sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn xứng đáng với vị trí quốc sách
hàng đầu trong sự nghiệp “trồng người”.
Ths. Trần Hoàng
http://truongleduan.quangtri.gov.vn/nghiencuutraodoi.asp?id=2112010161930

You might also like