Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 20

CHƯƠNG 7: CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ LÊN TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI

MỤC TIÊU CHƯƠNG


Sau khi học xong chương này, sinh viên có thể:
- Trình bày được quá trình phát triển và các bộ phận của hệ thống tiền tệ quốc tế;
- Phân tích được ưu và nhược điểm của từng chế độ tỷ giá hối đoái;
- Giải thích được lý do chính phủ can thiệp vào tỷ giá hối đoái và các hình thức
can thiệp của chính phủ vào tỷ giá hối đoái.

7.1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC BỘ PHẬN CỦA HỆ THỐNG TIỀN TỆ
QUỐC TẾ
7.1.1. Quá trình phát triển hệ thống tiền tệ quốc tế
Khái niệm hệ thống tiền tệ quốc tế
Hệ thống tiền tệ quốc tế (The International Monetary System – IMS) là một hệ
thống qui định về tổ chức lưu thông tiền tệ giữa các quốc gia có hiệu lực trong phạm vi
không gian và thời gian nhất định.
Như chúng ta đã biết, tiền tệ ban đầu ra đời như là vật ngang giá chung để trao
đổi hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi một quốc gia. Theo thời gian, với sự phát triển
thương mại quốc tế, các quốc gia nhận thấy cần thiết chọn ra một đồng tiền chung để
dùng trong trao đổi và thanh toán quốc tế, từ đó tiền tệ quốc tế ra đời. Như vậy tiền tệ
quốc gia và tiền tệ quốc tế có chức năng giống nhau là lưu thông, trao đổi, buôn bán
nhưng khác nhau về phạm vi: tiền tệ quốc gia được từng quốc gia thừa nhận còn tiền
tệ quốc tế được nhiều quốc gia thừa nhận. Do đó, để tiền tệ quốc gia trở thành tiền tệ
quốc tế dựa trên cơ sở là đồng tiền đó phải có khả năng chuyển đổi.
Có hai nội dung cơ bản trong hệ thống tiền tệ quốc tế:
- Chọn đơn vị tiền tệ quốc tế: thông thường các quốc gia sử dụng một đồng
tiền mạnh của một quốc gia nào đó làm đồng tiền chung trong thanh toán và đầu tư
quốc tế. Các đồng tiền USD, GBP… đã từng là các đồng tiền quốc tế trong một khoảng
thời gian. Theo thời gian, do sự phát triển và hội nhập kinh tế, các liên minh kinh tế
được hình thành hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện do vậy, không có đồng tiền nào của
quốc gia được chọn làm đồng tiền chung, mà các nước trong liên minh tự định ra một
đồng tiền chung của cả khối. Ví dụ: Liên minh Châu Âu (European Union) ra đời vào
ngày 01/11/1993 với 28 quốc gia thành viên thuộc Châu Âu; ngày 01/01/1999 đồng
tiền chung của châu Âu gọi là EURO đã ra đời với tỷ giá ngay tại ngày ra đời là 1
EURO = 1,16675 USD.
- Chế độ tổ chức lưu thông tiền tệ trong các hệ thống tiền tệ quốc tế: thông
thường bao gồm những nội dung đặc trưng sau: xác định tỷ giá giữa đồng tiền quốc tế
với các đồng tiền, có thể theo tỷ giá cố định hoặc tỷ giá thả nổi; xác định tỷ lệ dự trữ
ngoại hối theo đồng tiền quốc tế…
Phân loại hệ thống tiền tệ quốc tế
Nhìn chung, hệ thống tiền tệ quốc tế có thể được phân chia theo hai tiêu thức:
theo chế độ tỷ giá hoặc theo cách xác định tài sản dự trữ quốc tế.
- Theo chế độ tỷ giá: hệ thống tiền tệ quốc tế theo chế độ tỷ giá cố định và
theo chế độ tỷ giá thả nổi.
- Theo cách xác định tài sản dự trữ quốc tế: có hệ thống tiền tệ theo chế độ
bản vị vàng (vàng là tài sản dự trữ quốc tế duy nhất), hệ thống tiền tệ theo chế độ bản
vị của một đồng tiền quốc gia (ví dụ như bản vị đồng đô la).
Trong thực tế, thường có những sự kết hợp khác nhau trong cách phân loại
trên. Ví dụ: Hệ thống tiền tệ theo chế độ bản vị vàng là hệ thống tỷ giá cố định. Nhưng
cũng có hệ thống tỷ giá cố định mà không có sự liên hệ với vàng. Trong chế độ này, dự
trữ quốc tế là một số đồng tiền quốc gia (chẳng hạn như đô la Mỹ) không được chuyển
đổi ra vàng.
Quá trình phát triển hệ thống tiền tệ quốc tế
Hệ thống tiền tệ quốc tế đã hình thành từ tự phát đến tự giác. Ban đầu là tự phát,
thể hiện một đồng tiền của quốc gia nào đó tự nó có đầy đủ các yếu tố trở thành tiền tệ
quốc tế. Dần dần, hệ thống tiền tệ quốc tế được hình thành một cách tự giác trên cơ sở
các quốc gia thỏa thuận, thống nhất với nhau thông qua đàm phán, ký kết văn bản hoặc
thừa nhận một đồng tiền của một quốc gia nào đó làm đơn vị tiền tệ quốc tế hoặc cho
ra đời một đồng tiền mới sử dụng chung cho các quốc gia. Nhìn chung, quá trình phát
triển hệ thống tiền tệ quốc tế trải qua các chế độ tiền tệ sau:

Nguồn:http://www2.econ.iastate.edu/classes/econ355/choi/golds.htm
Hình 7.1. Quá trình phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế
- Chế độ bản bị hàng hóa và chế độ song bản vị (Bimetallism):
-Chế độ bản vị vàng 1876 - 1913 (Gold Standard)
- Chế độ tiền tệ theo hệ thống Bretton Woods - BWS (1945 - 1971)
- Hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS)
Nội dung chi tiết của từng chế độ tiền tệ sẽ được phân tích trong mục 7.1.2.
7.1.2. Hệ thống tiền tệ quốc tế
Kể từ khi hình thành cho tới nay, hệ thống tiền tệ quốc tế đã trải qua 3 giai đoạn
phát triển chính được đánh dấu bởi các mốc thời gian quan trọng sau:
- Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914) với hệ thống song bản vị và hệ
thống bản vị vàng;
- Trong giai đoạn hai cuộc chiến tranh thế giới (1914 - 1944);
- Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (1944) với hệ thống Bretton Woods và
các hệ thống hậu Bretton Woods.
7.1.2.1. Hệ thống tiền tệ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914)
 Chế độ bản vị hàng hóa và Hệ thống song bản vị trước 1875 (Bimetallism)
Chế độ bản vị hàng hóa: Trong chế độ này, kim loại là hàng hóa (chủ yếu là
vàng và bạc) được đúc thành những khối với chức năng làm phương tiện trao đổi và lưu
thông trong nền kinh tế. Do vàng và bạc luôn là hai kim loại đáp ứng những điều mà
đồng tiền hàng hóa yêu cầu: sự khan hiếm, tính bền, có thể chuyên chở, dễ phân chia,
đồng chất và chất lượng được duy trì lâu bền. Hơn nữa, chất lượng của vàng và bạc có
thể được kiểm tra một cách chính xác và được các chuyên gia (thợ kim hoàn) chứng
nhận.
Sự ra đời của tiền đúc “thiếu giá” (1540 - 1560): Ở dạng tinh khiết, bản vị hàng
hóa kim loại hoạt động dựa trên cơ sở giá trị đầy đủ của đồng xu, nghĩa là giá trị tiền
tệ của chúng cũng chính là giá trị kim loại của các đồng xu. Điều này có nghĩa là khi
giá vàng thay đổi so với giá bạc sẽ làm tỷ lệ trao đổi giữa các đồng xu vàng và bạc
thay đổi theo. Mặc dù tiền xu đúc mang theo nhãn hiệu riêng của từng quốc gia làm
bằng chứng đảm bảo về nội dung và chất lượng kim loại, nhưng trong thực tế các quốc
gia thường đúc những đồng xu bằng hỗn hợp kim loại là vàng và bạc với các kim loại
khác có giá trị thấp hơn. Các quốc gia ngày càng thường xuyên giảm tỷ trọng của vàng
(hay bạc) trong các đồng xu; hành động này gọi là bào mòn giá trị thực tế tiền xu. Điều
này làm mất dần giá trị trong lưu thông, nên hành động này được xem là tiền thân của
phá giá thời hiện đại.
Quy luật T. Gresham (Anh): Điều gì sẽ xảy ra trong một nền kinh tế khi mà cả
hai loại đồng tiền đủ giá trị và đồng tiền thiếu giá trị cùng tồn tại song song và cùng
ghi một mệnh giá đồng tiền? Những đợt bào mòn giá trị tiền xu của Anh những năm
1540 và 1560 là bằng chứng rõ ràng cho thấy: đồng tiền thiếu giá trị đã đẩy đồng tiền
có giá trị hơn ra khỏi lưu thông. Nguyên nhân của kết cục này được bắt nguồn trực tiếp
từ sự áp đặt cùng một mệnh giá danh nghĩa cho cả hai đồng tiền đủ giá trị và đồng tiền
thiếu giá trị. Những đồng tiền bị bào mòn giá trị được định giá quá cao trong vai trò
phương tiện trao đổi. Ngược lại, đồng tiền đầy đủ giá trị bị định giá quá thấp trong vai
trò là phương tiện trao đổi. Với lý do này, những ai đang nắm giữ cả hai đồng tiền sẽ
ưu tiên dùng đồng tiền bị bào mòn (thiếu giá trị) để thanh toán trước còn đồng tiền có
giá trị đầy đủ thì ưu tiên làm phương tiện cất trữ. Hơn nữa những đồng tiền có giá trị
đầy đủ có thể được nấu chảy để bán kim loại thông thường, xuất khẩu hay thậm chí
gửi vào xưởng đúc tiền để đúc các đồng xu mới có giá trị thấp hơn. Kết quả là chỉ đồng
tiền bị bào mòn được định giá cao tồn tại trong lưu thông còn đồng tiền có giá trị đầy
đủ (được định giá thấp) bị biến mất khỏi lưu thông. Quy luật này gọi là quy luật
Gresham “đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt” ra khỏi lưu thông. Điều này đã thuyết phục
Nữ hoàng Anh đi đến quyết định thay thế toàn bộ các đồng tiền đã bị bào mòn bằng
cách đúc các đồng tiền khác đầy đủ giá trị.
Chế độ song bản vị ở Mỹ (1792 - 1861): Luật đúc tiền năm 1792 đã thông qua
đồng đô la là đơn vị tiền tệ của Mỹ có giá trị cố định của vàng so với bạc. Như vậy ở
Mỹ chính thức hình thành chế độ đồng bản vị, với giá trị của đô la được ấn định bằng
24,75 grains vàng hoặc 371,25 grains bạc. Điều này hàm ý, tỷ lệ trao đổi giữa vàng và
bạc là 15/1. Tuy nhiên càng về cuối thế kỷ 18 thì giá bạc trên thị trường bắt đầu giảm.
Ngoài ra ở các nước khác, ví dụ như Pháp, hình thành chế độ đồng bản vị với tỷ lệ
15,5/1, điều này kích thích luồng bạc chạy vào và luồng vàng chạy ra khỏi nước Mỹ.
Quy luật Gresham hoạt động khá hiệu quả và được thể hiện ở chỗ: vàng từ từ biến ra
khỏi lưu thông ở Mỹ, do đó xét về mặt danh nghĩa thì Mỹ vẫn áp dụng chế độ song
bản vị nhưng thực tế đã nhường chỗ cho chế độ đơn bản vị bạc.
Chế độ đơn bản vị bạc ở Mỹ tồn tại đến năm 1834 khi Quốc hội Mỹ quyết định
tăng giá vàng, làm tỷ giá vàng/bạc thành 16/1 trong khi ở nước ngoài là 15,5/1. Như
vậy quy luật Gresham hoạt động theo chiều ngược lại: vàng định giá quá cao và bạc
định giá quá thấp. Một lần nữa nước Mỹ chỉ còn chế độ đơn bản vị kim loại đó là vàng,
chế độ đơn bản vị kim loại bị gián đoạn vào năm 1861 do xảy ra nội chiến. Trong suốt
thời gian từ 1834 - 1861, tiền giấy và tiền gửi ngân hàng dần tăng lên và ngày càng
chiếm ưu thế so với tiền xu trong cung ứng tiền của Mỹ. Sau cuộc nội chiến 1861, Mỹ
đã không quay trở lại chế độ đồng bản vị kim loại (chỉ chuyển đổi ra vàng mà không
chuyển đổi ra bạc).
 Hệ thống bản vị vàng 1876 - 1913 (Gold Standard)
Trong thập niên 1870, hầu hết các quốc gia Châu Âu mà dẫn đầu là Đức đã
chuyển sang chế độ bản vị vàng và tiếp sau là Mỹ vào năm 1879. Năm 1880, bản vị
vàng từ một số ít quốc gia đã phát triển thành Hệ thống tiền tệ quốc tế được hầu hết các
nước áp dụng. Trong hơn 30 năm, từ 1880 – 1914 được xem là thời kỳ hoàng kim của
chế độ bản vị vàng. Hệ thống tiền tệ quốc tế này thống trị ở khắp các nước, hoạt động
một cách ổn định và liên kết chặt chẽ các nước trong các khu vực và trên thế giới với
nhau. Ba đặc trưng cơ bản của chế độ bản vị vàng được mô tả như sau:
- Gắn giá trị đồng tiền của quốc gia với vàng
Dưới chế độ bản vị vàng, chính phủ các quốc gia ấn định, cố định giá vàng tính bằng
tiền quốc gia, đồng thời không hạn chế mua, bán vàng tại mức giá đã quy định. Bản vị
vàng giữa hai đồng tiền trở thành tỷ lệ trao đổi giữa chúng, tức tỷ giá hối đoái.
Ví dụ: 1 ounce vàng nguyên chất ở Anh có giá 4,24 GBP và Mỹ giá 20,67 USD, như
vậy tỷ giá hối đoái GBP/USD sẽ là 20,67/4,67 = 4,87.
- Tự do xuất nhập khẩu vàng
Dưới chế độ bản vị vàng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng được tự do hoạt động. Do vàng
được chu chuyển tự do giữa các quốc gia nên tỷ giá trao đổi trên thị trường tự do không
biến động đáng kể so với bản vị vàng. Trong thực tế, do tồn tại chi phí vận chuyển vàng
và các chi phí giao dịch nên giữa tỷ giá thị trường và bản vị vàng của các đồng tiền có
thể tồn tại một độ lệch nhất định gọi là “điểm vàng”.
- Dự trữ vàng với quy mô đủ lớn là yêu cầu để bảo đảm sức mua đồng tiền
Dưới chế độ bản vị vàng, NHTW luôn phải duy trì một lượng vàng dự trữ theo lượng
tiền phát hành. Số vàng dự trữ này cho phép NHTW xử lý uyển chuyển việc chuyển đổi
tiền ra vàng mà không gặp bất cứ trở ngại nào, hay nói cách khác, tiền do NHTW phát
hành được bảo đảm bằng vàng 100% và tiền được chuyển đổi tự do không hạn chế ra
vàng. Quy tắc đảm bảo bằng vàng buộc NHTW khi mở rộng cung ứng tiền cho nền kinh
tế phải tuân thủ kỷ luật “chỉ phát hành tiền khi có luồng vàng từ công chúng chảy vào
NHTW”. Kết quả là, khả năng thay đổi cung ứng tiền chính là sự thay đổi lượng vàng
trong tay những người cư trú. Lượng vàng có sẵn được xác định bằng khối lượng vàng
được sản xuất ra (đây là lượng vàng do ngành khai khoáng nội địa cung ứng, một phần
được bán trực tiếp cho công chúng sử dụng, phần còn lại bán cho chính phủ). Ngoài ra,
khi cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, sẽ có một luồng vàng ròng chảy vào trong
nước, do dó làm cho cung tiền trong nước tăng. Như vậy, vai trò của NHTW trong chế
độ bản vị vàng là mua vàng từ người cư trú và thông qua đó phát hành tiền ra lưu thông.
Vô hình chung chế độ bản vị vàng đã hạn chế sự năng động của NHTW trong việc điều
tiết lượng tiền trong lưu thông.
Ưu điểm nổi bật của chế độ bản vị vàng chính là đảm bảo tính ổn định cho hệ
thống tiền tệ quốc tế. Dựa trên nguyên tắc ấn định cố định bản vị vàng của tiền tệ, trong
suốt thời kỳ 1880 - 1914, không có một sự phá giá hay nâng giá nào giữa các đồng tiền
của các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Các hàng rào thương mại vàng được dỡ bỏ hoàn
toàn giữa các quốc gia, các biện pháp kiểm soát vốn hầu như không được áp dụng.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ chế độ tỷ giá nào, chế độ bản vị vàng cũng có những
hạn chế, cụ thể như sau:
- Cơ chế điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế thông qua sự thay đổi mức giá
cả, lãi suất, thu nhập và thất nghiệp, nghĩa là nền kinh tế thường xuyên phải
trải qua sự bất ổn định;
- Quốc gia có thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế phải trải qua thời kỳ kinh tế
đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi các quốc gia có thặng dư cán cân
thanh toán lại phải trải qua thời kỳ lạm phát;
- Các mỏ vàng mới có thể được phát hiện bất kỳ lúc nào và trở thành nguyên
nhân làm tăng cung ứng tiền và tăng tỷ lệ lạm phát một cách đột biến;
- Tại những quốc gia khan hiếm vàng thì cung ứng tiền sẽ bị hạn chế và trở
thành nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
7.1.2.2. Hệ thống tiền tệ trong hai cuộc chiến tranh thế giới (1914 - 1944)
Năm 1914, thế chiến thứ nhất xảy ra buộc các nước chấm dứt chế độ bản vị vàng.
Hệ thống tỷ giá cố định hoạt động ổn định trong hơn 30 năm phải nhường chỗ cho hệ
thống tỷ giá thả nổi.
Những năm chiến tranh đã làm cho các nền kinh tế bị tàn phá và trở nên bất ổn
nghiêm trọng. Sự thay đổi chính sách tiền tệ nhằm tài trợ cho chiến tranh cùng với cá
khoản bồi thường chiến phí khổng lồ đã làm bùng nổ siêu lạm phát ở Châu Âu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức hoàn toàn suy sụp về kinh tế, chính trị và
quân sự. Tháng 6/1919, hòa ước Vécxai được ký kết. Nước Đức phải chịu những điều
kiện hết sức nặng nề, trở nên kiệt quệ và rối loạn. Ngoài việc mất hết 1/8 đất đai, gần
1/12 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép
và gần 1/7 diện tích trồng trọt; nước Đức còn phải bồi thường một khoản chiến phí là
100 tỷ Mark. Điều này khiến đồng Mark mất giá nghiêm trọng. Năm 1914, 1 USD tương
đương 4,2 Mark Đức thì tháng 9/1923, 1 USD tương đương 98.860.000 Mark Đức.
Mỹ tham gia cuộc chiến muộn hơn (1917) và cũng không phải là trung tâm của
cuộc chiến nên có lạm phát thấp hơn các nước Châu Âu. Kết quả là sức cạnh tranh
thương mại quốc tế của Mỹ tăng lên, do vậy lượng vàng đổ vào Mỹ nên dự trữ vàng của
Mỹ tăng lên nhanh chóng.
Sau cuộc chiến, các nước Châu Âu tiếp tục thả nổi đồng tiền và hầu hết các đồng
tiền đã bị phá giá đáng kể so với đô la. Nhiều nhà kinh tế thời đó mà đứng đầu là Gustav
Cassell lập luận rằng: để duy trì tương quan giữa giá vàng và giá hàng hóa như trước
chiến tranh thì phải tiến hành một cuộc giảm phát nặng nề. Thay vì chịu đựng giảm phát
thì các quốc gia có thể ấn định lại bản vị vàng ở mức cao hơn so với thời kỳ trước chiến
tranh, phù hợp với tỷ lệ lạm phát của hàng hóa.
Ngược lại với các nước có tỷ lệ lạm phát cao tiến hành ấn định lại giá vàng ở
mức cao hơn so với trước chiến tranh thì nhiều quốc gia lại chọn phương án chấp nhận
thiểu phát mà đi đầu là Mỹ năm 1919. Năm 1922, Anh, Pháp, Ý và Nhật đồng ý về một
chương trình kêu gọi cùng quay trở lại bản vị vàng và việc hợp tác giữa các NHTW
trong việc đạt được cân bằng bên trong và bên ngoài.
Năm 1925, nước Anh quay về chế độ bản vị vàng, Chính phủ Anh ấn định bản
vị vàng ở mức giống như trước khi chiến tranh xảy ra (1913). Tuy nhiên sau năm 1925
giá cả hàng hóa ở Anh không giảm xuống như trước chiến tranh, do đó việc ấn định này
làm bảng Anh được định giá quá cao. Hơn nữa, đây là chế độ bản vị hối đoái vàng khi
rất nhiều NHTW đã thay đổi cơ cấu dự trữ quốc tế của mình và chuyển từ vàng sang
nắm giữ các ngoại tệ có thể chuyển đổi ra vàng như đô la Mỹ hay bảng Anh. Sự dịch
chuyển này một phần là do thương mại và đầu tư quốc tế của Mỹ tăng và đô la ngày
càng được sử dụng nhiều trong giao dịch quốc tế.
Sự quay trở lại chế độ bản vị vàng không kéo dài được lâu. Cuộc Đại suy thoái
kinh tế vào năm 1929 đã làm sụp đổ hệ thống ngân hàng trên thế giới và làm tan biến
mọi lòng tin và khả năng các quốc gia tiếp tục duy trì việc chuyển đổi các đồng tiền ra
vàng. Gánh nặng đè lên nước Anh và một cuộc hỗn loạn đã xảy ra vào ngày 21/09/1931,
buộc nước Anh và các nước khác phải từ bỏ chế độ tỷ giá cố định và việc chuyển đổi
đồng tiền của nước mình sang vàng, tiếp sau là Mỹ vào năm 1933.
Cuộc Đại suy thoái năm 1929 đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhiều
quốc gia, dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng trong thương mại quốc tế, khiến hầu hết
các quốc gia buộc phải áp dụng các chính sách như bảo hộ mậu dịch, thiểu phát, phá
giá tiền tệ. Kết quả là dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính và thương mại quốc tế,
sự tan rã của nền kinh tế thế giới.
7.1.2.3. Hệ thống tiền tệ thế giới sau chiến tranh thế chiến thứ 2 (1944-1990s)
Hệ thống Bretton Woods – BWS (1945 – 1971)
Những cuộc thương thuyết đầu tiên về tái thiết IMS sau chiến tranh Thế giới thứ
2 giữa Mỹ và Anh được tiến hành vào đầu năm 1941.Tháng 7 năm 1944 Hội nghị Tài
chính – tiền tệ quốc tế gồm 44 nước diễn ra tại thành phố Bretton Woods, New
Hampshire (Mỹ) khai mạc với mục đích quy định một trật tự tiền tệ quốc tế mới để
tránh sự tan rã của các mối quan hệ tiền tệ quốc tế như từng xảy ra những năm 1930.
Hội nghị kết thúc với một thỏa ước quốc tế quan trọng mang tên Hệ thống tiền tệ Bretton
Woods với những nội dung chính sau:
- Hệ thống chế độ tỷ giá cố định nhưng có thể điều chỉnh theo đơn vị tiền tệ
quốc tế là USD. Đô la Mỹ là đồng tiền chuẩn, được sử dụng làm phương tiện dự trữ và
thanh toán quốc tế. Việc sử dụng USD trong thanh toán quốc tế và ngoại thương không
hạn chế. Tỷ giá trao đổi cố định giữa đồng tiền các nước được tính thông qua bản vị
vàng thế giới với giá vàng được chuẩn hóa và cố định. Vàng được bán đi, mua lại hoặc
vay mượn lẫn nhau giữa NHTW các nước, để có thể bán ra hoặc mua vào trong thị
trường nội địa kịp thời nhằm giữ giá đồng tiền không đổi. Theo hệ thống này, mỗi quốc
gia xây dựng chính sách ngang giá tương ứng với đồng Đô la Mỹ và qui định giá vàng
tính bằng đô la là 35 USD/ounce.
- Hình thành hai tổ chức quốc tế mới là Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân
hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Các nước
thành viên đồng ý góp vốn để thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF nhằm mục đích cho
các nước thành viên vay vốn vào những lúc cần thiết để can thiệp, giữ đồng tiền nước
mình không biến động quá với tiêu chuẩn nói trên. Thỏa ước về IMF là phần cốt lõi của
hệ thống Bretton Woods. Thỏa ước này đã được đa số các nước phê chuẩn và IMF bắt
đầu hoạt động năm 1945. IMF bao gồm những quy định rõ ràng để hướng dẫn, chỉ đạo
những chính sách tiền tệ quốc tế và có trách nhiệm tăng cường thực hiện những quy
định đó. Sau đó đã thành lập Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng này chịu trách nhiệm tài
trợ cho những dự án phát triển.
- Các nước thành viên duy trì dự trữ quốc tế chính thức của họ một cách rộng
rãi dưới hình thức vàng hoặc các tài sản bằng đô la và có quyền bán đô la cho Cục dự
trữ liên bang Mỹ lấy vàng theo giá chính thức. Vì vậy hệ thống đó là bản vị hối đoái
vàng, trong đó đô la là đồng tiền chủ yếu. Các quốc gia đều có trách nhiệm giữ vững tỷ
giá hối đoái trong dao động 1% so với ngang giá đã được thỏa thuận bằng cách mua
hoặc bán ngoại hối khi cần thiết. Các tỷ giá hối đoái cố định được duy trì bởi sự can
thiệp chính thức trong các thị trường trao đổi quốc tế.
Sự sụp đổ của BWS
Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods được chính thức công bố vào ngày
15/8/1971. Hệ thống BWS hoạt động với thành công rõ ràng và đáng ghi nhận trong
suốt những năm 1947 đến 1971 chỉ xảy ra một số lần điều chỉnh đột xuất. Việc giải
thích sự sụp đổ của BWS thường tập trung vào hai điểm chính là vấn đề thanh khoản
và sự thiếu vắng một cơ chế điều chỉnh. Ở chương này tập trung vào nội dung thứ nhất.
BWS chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi các NHTW còn lòng tin để nắm giữ USD
làm dự trữ và lòng tin vào USD chỉ tồn tại chừng nào các NHTW Mỹ còn tiếp tục đổi
USD ra vàng với giá 35 USD/ounce. Khi thương mại quốc tế phát triển sẽ làm tăng dự
trữ ngoại hối quốc tế, mà chủ yếu là USD. Dự trữ ngoại hối quốc tế tăng chỉ có thể xảy
ra khi cán cân thanh toán của Mỹ thâm hụt và cán cân thanh toán của các nước khác
thặng dư. Hơn nữa, do cán cân thanh toán thặng dư, nên để duy trì sức cạnh tranh thương
mại quốc tế buộc các nước khác phải mua vào đồng USD để ngăn ngừa đồng bản tệ lên
giá. Điều dễ nhận thấy rằng, sau một thời gian nhất định thì số tài sản nợ của Mỹ với
phần thế giới còn lại tăng lên nhanh chóng, kết quả là tài sản nợ của Mỹ tăng nhanh hơn
lượng vàng Mỹ khai thác được bổ sung vào dự trữ. Nói cách khác với mức giá 35
USD/ounce thì tổng tài sản nợ của nước Mỹ đã vượt tổng tài sản có bằng vàng. Điều
này có nghĩa là khả năng chuyển đổi toàn bộ tài sản nợ bằng USD ra vàng tại mức giá
35 USD/ounce không thể thực hiện. Trước tình hình đó Mỹ tuyên bố xóa bỏ cam kết 1
ounce vàng bằng 35 USD kể từ ngày 15/8/1971.
7.1.2.4. Hệ thống tiền tệ quốc tế hậu Bretton Woods
Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR)
Mặc dù trong những năm 1960s, hệ thống tiền tệ quốc tế chưa chịu một áp lực
thực sự căng thẳng nào, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng dự trữ quốc tế tăng không kịp
với tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế, làm nổi lên mối lo ngại rằng tăng trưởng
thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới có nguy cơ bị kìm hãm. Hơn nữa, cơ
chế tạo dự trữ quốc tế theo BWS là quá phụ thuộc vào mức độ thâm hụt cán cân thanh
toán của Mỹ, cơ chế này có thể làm BWS sụp đổ. Qua phân tích tình hình, các nước
thành viên IMF đã nhóm họp với nhau để thảo luận tìm ra các giải pháp nhằm tăng bổ
sung nguồn dự trữ quốc tế cho các nước thành viên.
Kết quả của những cuộc thảo luận thận trọng dẫn đến “Sửa đổi lần thứ nhất các
điều khoản của IMF vào năm 1967”. Nội dung của lần sửa đổi này bao gồm: trao quyền
cho IMF thiết lập tài khoản rút vốn đặc biệt để bổ sung vào hệ thống hạn mức tín dụng
của IMF có tên gọi là “Quyền rút vốn đặc biệt – Special Drawing Rights–SDR”. Không
giống các hạn mức tín dụng là phải có tiền ký quỹ làm vật bảo đảm, giá trị của SDR
như là tài sản dự trữ được hình thành trên cơ sở được các nước thành viên chấp nhận là
phương tiện thanh toán giữa các NHTW với IMF.
Theo kế hoạch, mỗi thành viên của IMF được phân bổ một số lượng SDR nhất
định và tỷ lệ thuận với hạn mức tín dụng tại IMF. Giá trị ban đầu của SDR được xác
định bằng 1/3 ounce vàng, tức tương đương với 1 USD. Trong hạn mức được phân bổ,
các quốc gia có thể rút SDR vào bất cứ thời điểm nào khi cán cân thanh toán quốc tế
gặp khó khăn hoặc có nhu cầu bổ sung vào nguồn vốn dự trữ của mình. Khác với khi
rút hạn mức tín dụng, khi rút SDR không cần tham khảo ý kiến IMF, không có bất kỳ
điều kiện nào kèm theo và không là đối tượng phải hoàn trả. Các quốc gia rút SDR phải
trả lãi suất còn các quốc gia nhận SDR thì được nhận lãi suất. Tháng 7/1976, giá trị của
SDR thay đổi từ 1 USD sang phương pháp xác định theo rổ tiền tệ của 16 đồng tiền, và
vào tháng 1/1981 giá trị của SDR được xác định lại bằng rổ tiền tệ của 5 đồng tiền chính
là USD, DEM, JPY, FRF và GBP. Vào ngày 10/1/2016, đồng nhân dân tệ (CNY) được
kết nạp vào SDR và là đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn thứ 3 trong rổ.
Bảng 7.1. Giá trị đồng SDR qua các giai đoạn từ 1981 đến nay
Giai đoạn USD DEM FRF JPY GBP
1981-1985 0,540 (42%) 0,460 (19%) 0,740 (13%) 34,0 (13%) 0,071 (13%)
1986-1990 0,452 (42%) 0,527 (19%) 1,020 (12%) 33,4 (15%) 0,089 (12%)
1991-1995 0,572 (40%) 0,453 (21%) 0,800 (11%) 31,8 (17%) 0,081 (11%)
1996-1998 0,582 (39%) 0,446 (21%) 0,813 (11%) 27,2 (18%) 0,105 (11%)
USD EUR JPY GBP
1999-2000 0,582 (39%) 0,352 (32%) 27,2 (18%) 0,105 (11%)
2001-2005 0,577 (44%) 0,426 (31%) 21,0 (14%) 0,098 (11%)
2006-2010 0,632 (44%) 0,410 (34%) 18,4 (11%) 0,090 (11%)
2011- 0,660 (41,9%) 0,423 (37,4%) 12,1 (9,4%) 0,111 (11,3%)
9/2016
USD EUR CNY JPY GBP
10/2016-nay 0,582 (41,73%)0,387 (30,93%) 1,017 (10,92%) 11,90 (8,33%) 0,086 (8,09%)
Nguồn: imf.org
Ban đầu, giá trị của SDR được xác định theo 1 USD, USD lại được xác định theo
1 ounce vàng: 35 USD/oz cho đến ngày 18 tháng 12 năm 1971; 38 USD/oz trong khoảng
thời gian từ 18 tháng 12 năm 1971 đến 11 tháng 2 năm 1973; 42,22 USD/oz trong
khoảng thời gian từ 12 tháng 2 năm 1973 đến 30 tháng 6 năm 1974. Kể từ sau sự sụp
đổ của hệ thống Bretton Woods, SDR được xác định lại là một rổ tiền tệ.
Rổ SDR được xem xét cứ năm năm một lần hoặc sớm hơn nếu được bảo đảm,
để đảm bảo rằng SDR phản ánh tầm quan trọng tương đối của các loại tiền tệ trong hệ
thống tài chính và giao dịch thế giới. Giá trị của SDR được xác định hàng ngày dựa trên
tỷ giá hối đoái thị trường. Tỷ giá hối đoái được IMF sử dụng để tính toán SDR chính
thức là tỷ giá hối đoái giao ngay được quan sát vào khoảng giữa trưa trên thị trường
ngoại hối Luân Đôn và được đăng trên trang web của IMF. Bảng 7.1 phía trên đã thể
hiện trọng số tiền tệ ban đầu được sử dụng để xác định số lượng (số đơn vị) của mỗi
loại tiền trong giỏ SDR và giá trị từng loại tiền tệ trong giai đoạn từ 1981 đến nay. Tuy
nhiên, các trọng số là gần đúng và sẽ thay đổi cùng với sự biến động của các loại tiền
tệ cấu thành. Trong lần đánh giá cuối cùng được ký kết vào tháng 11 năm 2015, Hội
đồng đã quyết định rằng đồng Nhân dân tệ Trung Quốc đáp ứng các tiêu chí để đưa vào
giỏ SDR. Sau quyết định này, Nhân dân tệ Trung Quốc đã tham gia cùng với đồng Đô
la Mỹ, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh vào rổ SDR, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm
2016.
Hội nghị Jamaica 1976
Vào tháng 11 năm 1975, các nước công nghiệp đã nhóm họp tại Rambouillet để
thỏa thuận sửa đổi các điều khoản của IMF nhằm hợp pháp hóa hoạt động cho chế độ
tỷ giá thả nổi. Những chi tiết của “Sửa đổi lần thứ hai các điều khoản của IMF được
soạn thảo tại cuộc họp hàng năm của IMF tại Jamaica vào tháng 1 năm 1976. Các nước
thành viên đã chính thức công bố hợp pháp hóa hoạt động cho chế độ tỷ giá thả nổi.
Ngoài ra, để kết thúc sứ mệnh của giá vàng chính thức, hội nghị đề ra mục tiêu tăng
cường vị thế của SDR trong dự trữ quốc tế và công bố chính thức rằng SDR trở thành
tài sản dự trữ quốc tế chính.
Liên minh Châu Âu (EU) và hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS)
Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) được thành lập từ năm 1956 theo Hiệp ước
Rôma với 6 thành viên gia nhập. Sau nhiều năm, quan hệ thương mại của các nước
thành viên Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) đã phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở kinh
nghiệm về hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ và kinh tế, các nước thành viên EEC đi đến
thỏa thuận hình thành cơ chế tỷ giá “Con rắn trong hang” vào năm 1971 với mục đích
chính là giảm biến động tỷ giá và đạt được sự ổn định tiền tệ ở các nước Châu Âu. Cơ
chế tỷ giá Châu Âu chính là tiền thân của Hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS) sau này.
Năm 1979, Hệ thống EMS chính thức đi vào hoạt động qui ước ECU là đơn vị
tiền tệ quốc tế của khu vực các nước Châu Âu. Trước khi đồng Euro ra đời, ECU là
đồng tiền bút tệ có giá trị được xác định trên cơ sở bình quân trọng số các đồng tiền
quốc gia thành viên, hay nói cách khác giá trị của ECU được xác định dựa trên sức mua
của những đồng tiền tham gia rổ tiền tệ. Các thành viên thực hiện cơ chế tỷ giá hối đoái
linh hoạt với biên độ dao động cho phép là 2,25% so với tỷ giá hối đoái chính thức (trừ
Italy là 6%). Việc điều chỉnh các quan hệ tiền tệ quốc tế giữa các nước thành viên được
tiến hành thông qua Quỹ hợp tác ngoại hối Châu Âu.
Với nỗ lực hội nhập, loại trừ biến động tỷ giá, tiến tới mở rộng các thành viên
của cộng đồng kinh tế Châu Âu, năm 1991, Hiệp ước Maastricht ra đời. Theo đó, Ủy
ban kinh tế Châu Âu phác thảo một kế hoạch tạo ra đồng tiền chung Châu Âu với tên
gọi là đồng Euro vào năm 1999. Hiệp ước Maastricht đưa ra các điều kiện để một quốc
gia có thể tham gia vào liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu gồm:
- Lạm phát thấp, không vượt quá 1,5% so với mức trung bình của ba nước có
mức lạm phát thấp nhất;
- Thâm hụt ngân sách không vượt quá 3%GDP;
- Nợ công dưới 60% GDP;
- Biên độ dao động tỷ giá giữa các đồng tiền ổn định trong hai năm theo cơ chế
chuyển đổi (ERM);
- Lãi suất (tính theo lãi suất công trái thời hạn 10 năm trở lên) không quá 2%
so với mức trung bình của 3 nước có lãi suất thấp nhất.
Tháng 1/1999, Liên minh tiền tệ Châu Âu chính thức đi vào hoạt động với 11
nước tham gia gồm Áo, Bỉ, Phần Lan, Đức, Pháp, Ý, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Bồ
Đào Nha và Tây Ban Nha. Riêng 3 nước Đan Mạch, Thụy Điển và Anh mặc dù thuộc
liên minh Châu Âu nhưng không tham gia đồng tiền chung. Cũng kể từ tháng 1/1999,
tỷ giá hối đoái của các quốc gia tham gia đồng tiền chung được cố định vĩnh viễn với
đồng EURO. Tháng 1 năm 2002 tiền mặt được đưa vào trong lưu thông, đồng tiền riêng
của các quốc gia bị loại khỏi lưu thông và nhường chỗ cho việc sử dụng thống nhất một
loại tiền đó là EURO.
7.1.2.5. Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay
Hệ thống tiền tệ quốc tế ngày nay thường được gọi là Bretton Woods II với sự
thống trị của đồng USD không chấm dứt, phần lớn các giao dịch thương mại quốc tế
vẫn lấy USD làm đồng tiền thanh toán. Những thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ
vẫn tác động mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách của kinh tế thế giới. Đồng USD tăng giá tác
động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trong khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ cũng
khiến thị trường tài chính toàn cầu giảm thanh khoản.
Tuy nhiên, sau những kinh nghiệm cay đắng, các nền kinh tế mới nổi đã học
được cách tự bảo vệ mình: tích lũy một lượng lớn USD dự trữ. Con số bắt đầu tăng lên
từ những năm 1990 và đạt đỉnh vào năm 2014. Thế nhưng việc các nền kinh tế mới nổi
mua một lượng lớn USD lại khiến đồng đô la bị định giá quá cao và tạo ra lợi thế cạnh
tranh cho các nhà xuất khẩu của họ. Mỹ bắt đầu có thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng
tăng và tình trạng này kéo dài qua nhiều năm, hay nói cách khác tiêu dùng của Mỹ được
tài trợ bởi các thị trường mới nổi, những nước đã đầu tư vào các tài sản Mỹ.
Dòng chảy vốn từ các nền kinh tế tăng cường tích trữ USD (mà Trung Quốc là
cái tên hàng đầu) chảy sang Mỹ, và từ người tiêu dùng Mỹ quay lại các nền kinh tế này
– chính là xương sống định nghĩa hệ thống Bretton Woods II. Thực ra thì hệ thống này
chưa bao giờ thực sự bền vững. Mỹ không thể đi vay mãi, và thâm hụt cán cân vãng lai
không thể kéo dài mãi với những hệ lụy tiêu cực. Trong những năm 2000, một số nhà
kinh tế lo ngại nhà đầu tư có thể mất đi niềm tin vào đồng USD, khiến USD sụt giá và
kéo theo khủng hoảng toàn cầu.
Trong suốt thập kỷ vừa qua, khi khủng hoảng ập đến thì các nhà đầu tư đã tìm
đến các tài sản bằng USD và củng cố thêm vị thế đầu bảng của USD. Khủng hoảng nợ
khiến niềm tin vào đồng Euro giảm sút. Và niềm tin vào sự trỗi dậy không thể tránh
được của Nhân dân tệ đã bị lu mờ bởi thực tế nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cùng
hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung quốc.

7.2. CÁC CHẾ ĐỘ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI


Chế độ tỷ giá hối đoái là cách thức chính phủ một quốc gia, cụ thể là NHTW,
quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài. Thông thường có
3 chế độ tỷ giá hối đoái sau đây: chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chế độ tỷ giá hối đoái
thả nổi hoàn toàn và chế độ tỷ giá hối đoái trung gian. Hiện nay, trên thế giới đã và đang
tồn tại nhiều loại chế độ tỷ giá hối đoái trung gian – là chế độ tỷ giá được kết hợp giữa
hai hình thức cơ bản là cố định và thả nổi hoàn toàn.
7.2.1. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định (Fixed exchange rate regime)
Tỷ giá hối đoái cố định là một chế độ được áp dụng bởi Chính phủ hoặc NHTW,
ràng buộc tỷ giá hối đoái chính thức của một quốc gia với tiền tệ của quốc gia khác hoặc
giá vàng1.
Trong chế độ tỷ giá hối đoái cố định, tỷ giá sẽ do NHTW ấn định tại một mức
cụ thể, và được giữ cố định không phụ thuộc vào quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị
trường ngoại hối. NHTW can thiệp nhiều trên thị trường bằng cách mua vào hay bán ra
ngoại tệ tại từng thời điểm để giữ cho tỷ giá không đổi. NHTW cũng có thể can thiệp
để phá giá hay nâng giá đồng tiền bằng cách điều chỉnh tăng hay giảm tỷ giá.
+ Cầu USD tăng làm D0 dịch chuyển đến
S(USD/VND)
D1 tạo áp lực tăng tỷ giá lên S*, NHNN
can thiệp bằng cách bán ra 1 lượng USD S0 S1
bằng Q1 – Q0 làm cung USD dịch chuyển S*
Can thiệp
từ S0 đến S1. SFixed của NHNN
 Ảnh hưởng: lượng tiền VND trong lưu
thông giảm, tạo áp lực giảm phát, D0 D1
NHNN thực hiện mua chứng khoán trên Q1 Q(USD)
Q0
thị trường mở (OMO) để bơm thêm VND
vào lưu thông.

1
Theo Investopedia -
https://www.investopedia.com/terms/f/fixedexchangerate.asp#:~:text=A%20fixed%20exchange%20rate%20is,v
alue%20within%20a%20narrow%20band.
+ Cung USD tăng làm S0 dịch chuyển đến S(USD/VND)
S1 tạo áp lực giảm tỷ giá xuống S*,
NHNN can thiệp bằng cách mua vào 1 S0 S1
lượng USD bằng Q1 – Q0 làm cầu USD
Can thiệp
dịch chuyển từ D0 đến D1. SFixed
của NHNN
 Ảnh hưởng: lượng tiền VND trong lưu S*
thông tăng tạo áp lực lạm phát, NHNN D0 D1
thực hiện bán chứng khoán trên thị Q0 Q1 Q(USD)
trường mở (OMO) để giảm VND trong
lưu thông.
 Ưu điểm:
- Hạn chế sự biến động của tỷ giá vì vậy không cần phải dự phòng cho rủi ro tỷ
giá. Các công ty xuất nhập khẩu không phải lo lắng về sự thay đổi tỷ giá trong
tương lai khi thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế. Các nhà đầu tư
không sợ bị rủi ro biến động tỷ giá làm ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được từ
khoản đầu tư ra nước ngoài.
- Cho phép Chính phủ và NHTW có thể dễ dàng đạt được các mục tiêu kinh tế
vĩ mô như cán cân thương mại, tăng trưởng, hay cả việc thu hút vốn đầu tư.
Ví dụ, NHTW có thể định giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thực của nó bằng
cách mua ngoại tệ hay bán nội tệ. Khi đó, giá hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn
trong khi giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn và nhờ đó cải thiện cán cân
thương mại. Đây là điều mà chính phủ Trung Quốc đã và đang thực hiện và
trước đó nữa là trường hợp của Nhật Bản. Đồng Nhân dân tệ và trước đây là
đồng Yên đều đã bị định giá quá thấp so với đồng USD và cả một số đồng tiền
khác nữa. Hệ quả là hai quốc gia này đã đạt được thặng dư thương mại rất lớn,
qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.
- Chế độ tỷ giá cố định giúp cho việc điều hành tiền tệ có tính nguyên tắc và kỷ
luật cao hơn. Yêu cầu duy trì tỷ giá cố định sẽ không cho phép NHTW tăng
cung tiền một cách tùy tiện để kích cầu. Việc tăng cung tiền để kích cầu gây
ra hệ quả là lạm phát tăng cao sau một thời gian. Việc áp dụng tỷ giá cố định
sẽ đảm bảo điều này không xảy ra.
 Hạn chế:
- Thị trường ngoại hối không phát triển và luôn tiềm ẩn rủi ro phá giá hay nâng
giá đồng tiền do Chính phủ.
- Tình trạng khan hiếm ngoại tệ trở nên phổ biến và là nguyên nhân hạn chế sự
phát triển thương mại quốc tế.
- Nền kinh tế dễ bị tác động bởi các cú sốc từ các quốc gia khác (lạm phát, thất
nghiệp)
- Chi phí cho việc can thiệp của Chính phủ để duy trì tỷ giá là rất lớn, đòi hỏi
tiềm lực dự trữ ngoại hối của NHTW.
7.2.2. Chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi hoàn toàn (Free floating exchange rate
regime)
Trong chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn, tỷ giá hối đoái được quyết định bởi cung
cầu của thị trường mà không có bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ trong việc điều
tiết tỷ giá. Trong chế độ này, NHTW tham gia thị trường như là một thành viên bình
thường, mua bán ngoại tệ vì mục đích hoạt động của ngân hàng chứ không nhằm mục
đích ảnh hưởng lên tỷ giá.

+ Cầu USD tăng làm D0 dịch chuyển đến


S(USD/VND)
D1, tại tỷ giá S0, cầu USD là Q*> Q0 tạo
áp lực tăng tỷ giá lên E1 và đạt lượng cân S0
bằng mới là Q1. S1
 Ảnh hưởng: Cầu USD tăng -> tỷ giá và S0
khối lượng USD trong lưu thông tăng,
VND trong lưu thông không thay đổi. D0 D1

Q0 Q1 Q* Q(USD)

+ Cung USD tăng làm S0 dịch chuyển đến S(USD/VND)


S1, tại tỷ giá S0, cung USD là Q*> Q0 tạo
áp lực giảm tỷ giá xuống S1 và đạt lượng S0 S1
cân bằng mới là Q1.
 Ảnh hưởng: Cung USD tăng -> tỷ giá S0
giảm, USD trong lưu thông tăng, VND S1 D0
trong lưu thông không thay đổi.
Q0 Q1 Q* Q(USD)

 Ưu điểm:
- Nền kinh tế dễ hấp thụ các cú sốc từ các quốc gia khác.
- Không có rủi ro phá giá hay nâng giá đồng tiền của Chính Phủ đồng thời
Chính Phủ có thể linh hoạt hơn trong việc ra các quyết định quản lý mà không
sợ ảnh hưởng đến tỷ giá.
 Hạn chế:
- Nền kinh tế có thể gặp khó khăn khi tỷ giá biến động theo cung – cầu ngoại
tệ hay bị tác động bởi các biến số kinh tế khác (lạm phát, thất nghiệp) trong
thời gian dài mà không có sự điều tiết của Chính Phủ. Theo lý thuyết, tỷ giá
hối đoái thả nổi hoàn toàn làm cho cán cân thanh toán quốc tế luôn cân bằng
và vì vậy, những quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá này có thể tự do theo đuổi
các chính sách trong nước mà không phải chịu những ràng buộc đối ngoại.
Nhưng trên thực tế, tính bất định gắn với sự thả nổi tỷ giá hối đoái có xu
hướng tạo ra những biến động rất mạnh và mang tính ngẫu nhiên, gây trở
ngại cho thương mại quốc tế và gây ra sự mất ổn định của nền kinh tế trong
nước.
- Các quốc gia có khả năng bị lũng đoạn thị trường tài chính do hoạt động đầu
cơ ngoại tệ.
Hiện nay, hầu hết các nước phát triển có nền kinh tế thị trường đều áp dụng chế
độ thả nổi tỷ giá. Mặc dù về lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế rất ít quốc gia cho
phép thả nổi tỷ giá hoàn toàn. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi tỷ giá biến động
quá lớn, gây bất lợi cho nền kinh tế thì NHTW sẽ can thiệp bằng cách mua vào hay bán
ra ngoại tệ nhằm giữ cho tỷ giá không dao động quá lớn. Khi đó sẽ hình thành các chế
độ tỷ giá hối đoái trung gian – là sự kết hợp giữa chế độ tỷ giá hối đoái cố định và chế
độ tỷ giá hối đoái thả nổi.
7.2.3. Chế độ tỷ giá hối đoái trung gian
7.2.3.1. Chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý (Managed Floating Exchange rate
regime)
Đây là chế độ tỷ giá hối đoái mà chính phủ có thể tự do lựa chọn các cách kiểm
soát ổn định tỷ giá mà không mất đi tính độc lập về tiền tệ. Cụ thể, trong chế độ tỷ giá
thả nổi có quản lý, tỷ giá hối đoái vẫn biến động theo cung cầu của thị trường tuy nhiên
trong một vài trường hợp, Chính Phủ có thể đưa ra các biện pháp can thiệp để tỷ giá
không biến động quá xa theo chiều hướng tăng hay giảm. NHTW chủ động can thiệp
vào tỷ giá theo hướng có lợi cho nền kinh tế. Đôi khi trong chế độ tỷ giá thả nổi có điều
tiết, NHTW vẫn đặt ra một biên độ dao động tỷ giá và chỉ can thiệp khi tỷ giá biến động
quá xa biên độ. Cơ chế này thường đi liền với một cái neo danh nghĩa riêng biệt, chẳng
hạn như mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, NHTW can thiệp lên tỷ giá không theo một lộ
trình nhất định nào.
Chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý là sự dung hòa giữa chế độ tỷ giá cố định và chế
độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Vì vậy, nó kết hợp được những ưu điểm của cả hai chế độ
nhưng đồng thời cũng có những hạn chế nhất định.
 Ưu điểm:
- Cho phép chính phủ duy trì tỷ giá tương đối ổn định do đó góp phần ổn định
kinh tế, thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế.
- Đảm bảo tính độc lập tương đối của chính sách tiền tệ, hạn chế được những
ảnh hưởng do các cú sốc từ bên ngoài đến nền kinh tế trong nước.
 Hạn chế:
- Chính phủ có thể điều tiết tỷ giá theo hướng có lợi cho quốc gia mình nhưng
gây thiệt hại cho các quốc gia khác.
- Để duy trì chế độ này, NHTW phải duy trì lượng ngoại tệ đủ mạnh để can
thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết và phải xác định mức độ can thiệp
phù hợp, nếu không sẽ trở thành chế độ tỷ giá hối đoái cố định.
7.2.3.2. Chế độ tỷ giá hối đoái neo cố định (Traditional Peg)
Trong chế độ tỷ giá neo cố định, giá trị đồng nội tệ được neo cố định vào một
đồng ngoại tệ hoặc một rổ các đồng tiền và biến động cùng chiều so với đồng ngoại tệ
được neo vào so với các ngoại tệ khác. Các quốc gia thường neo đồng tiền của họ vào
đồng tiền của các quốc gia khác, phổ biến nhất là đồng đô la Mỹ hoặc đồng Euro; vì
những đồng tiền này được sử dụng phổ biến trong thương mại quốc tế và có thể giữ
vững giá trong một thời gian dài. NHTW sẽ tham gia vào thị trường mở để mua, bán
ngoại tệ nhằm duy trì tỷ giá cố định với đồng tiền được neo vào. Có hai hình thức neo
cố định phổ biến:
- Neo cứng (Fixed peg hay Hard peg): tỷ giá được neo cố định vào đồng ngoại
tệ mạnh hoặc một chỉ số các đồng tiền và được điều chỉnh khi có sự bất ổn
định trong nền kinh tế.
- Neo tỷ giá có điều chỉnh (Pegged within bands hay Pegged float): tỷ giá được
dao động trong một biên độ hẹp khoảng 0,5% quanh tỷ giá neo cố định. Khi
thị trường ngoại hối có biến động lớn và kéo dài, NHTW sẽ cân nhắc để điều
chỉnh tỷ giá. Có nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang áp dụng chế độ tỷ giá
này, trong đó có Việt Nam.
` Nổi bật trong chế độ tỷ giá hối đoái neo cố định chính là hệ thống tỷ giá con rắn
tiền tệ (Crawling Peg). Trong hệ thống này, một quốc gia sẽ ấn định một mức ngang
giá cho đồng nội tệ và cho phép một thay đổi nhỏ xoay quanh ngang giá này, ví dụ +/-
1%. Lưu ý, trong hệ thống này, tỷ giá được điều chỉnh trong biên độ dao động hẹp và
thường được thông báo trước thời gian áp dụng. NHTW điều chỉnh tỷ giá định kỳ hàng
tháng, quý theo những biến số kinh tế. Khi những biến số này tạo ra sức ép tiềm ẩn lên
quốc gia thì giá trị ngang giá của đồng tiền sẽ thay đổi và tạo thành mức ngang giá mới.
Khi đó, biên độ dao động +/- 1% cũng sẽ được áp dụng cho mức ngang giá mới.
 Ưu điểm: Bao gồm những ưu điểm của chế độ tỷ giá hối đoái cố định, ngoài ra:
- Tỷ giá được neo cố định hoặc nếu có thay đổi trong phạm vi nhỏ nên có thể
hạn chế phần nào nguy cơ đầu cơ tiền tệ.
 Hạn chế:
- Nếu quốc gia có nền kinh tế chính trị yếu kém, chính phủ không còn đủ khả
năng neo tỷ giá cố định sẽ dẫn đến sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền, khi
tỷ giá cố định bị phá vỡ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.
- Do được neo cố định với một đồng tiền nên tỷ giá sẽ biến động so với các
đồng tiền khác song song với đồng tiền được neo vào mà không liên quan đến
cung cầu hay nền kinh tế của quốc gia đó.
TG thả nổi có điều tiết
TG thả nổi có điều tiết

TG thả nổi hoàn toàn


Managed float
Crawling band
Peg within bands
TG neo cố định
TG neo cố định
Fixed Peg
TG cố định

– Mức độ thả nổi tỷ giá +


0
Max Chính sách tiền tệ phụ thuộc
0
Max Mức độ kiểm soát lạm phát

Hình 7.2. So sánh các chế độ tỷ giá

7.3. SỰ CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ LÊN TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI
7.3.1. Nguyên nhân cho sự can thiệp của chính phủ lên tỷ giá
Chính phủ thực hiện các biện pháp can thiệp lên tỷ giá nhằm các mục tiêu sau:
Ổn định giá cả. Khi giá đồng nội tệ giảm (tỷ giá tăng), giá cả hàng hóa nhập khẩu
tăng tạo ra lạm phát. Để ổn định giá cả và tránh lạm phát, NHTW buộc phải can thiệp
bằng việc bán ngoại tệ để kéo tỷ giá về mức ổn định.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi Chính phủ thực hiện chính sách phá giá nội tệ
thì xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, làm tăng tổng thu nhập quốc gia, đồng thời tạo
thêm công ăn việc làm cho khu vực xuất khẩu. Tuy nhiên cần có biện pháp thắt chặt
tiền tệ để tránh rơi vào vòng xoáy lạm phát.
Cân bằng cán cân vãng lai. Khi cán cân vãng lai thâm hụt thì Chính phủ điều
tiết giảm giá nội tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để đưa cán cân về trạng
thái cân bằng hay thặng dư và ngược lại.
7.3.2. Các hình thức can thiệp của chính phủ vào tỷ giá hối đoái
7.3.2.1. Can thiệp trực tiếp
NHTW trực tiếp mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối từ đó làm thay đổi
cung cầu ngoại tệ và làm thay đổi tỷ giá. Để thực hiện được biện pháp này NHTW cần
có một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để can thiệp. Ngày nay giá trị giao dịch trên thị
trường ngoại hối là rất lớn do đó mức độ sử dụng biện pháp này là hạn chế. Ngoài ra,
để giảm thiểu áp lực tăng hay giảm cung tiền khi NHTW mua bán ngoại tệ thì NHTW
thường phải sử dụng kèm theo nghiệp vụ thị trường mở (mua bán trái phiếu chính phủ)
để bổ sung hay hấp thụ lượng tiền thiếu hụt hay dư thừa trong lưu thông. Trường hợp
can thiệp của NHTW khi mua hay bán ngoại tệ làm thay đổi cung tiền (nội tệ) trong nền
kinh tế được gọi là can thiệp không có khả năng vô hiệu hóa (Non-sterilized
Intervention). Nếu NHTW mua bán ngoại tệ và không làm thay đổi cung tiền (nội tệ)
trong nền kinh tế được gọi là can thiệp vô hiệu hóa (Sterilized Intervention).
NHTW mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối có thể sử dụng các biện pháp
hành chính như buộc các tổ chức cá nhân có nguồn thu từ ngoại tệ phải bán ngoại tệ
cho ngân hàng trong một thời gian nhất định theo một tỷ lệ quy định khi có sự khan
hiếm ngoại tệ trên thị trường hoặc quy định hạn chế về đối tượng, thời điểm, số lượng
ngoại tệ được phép mua để tránh tình trạng đầu cơ.
7.3.2.2. Can thiệp gián tiếp
Chính phủ can thiệp gián tiếp lên tỷ giá thông qua việc tác động lên các yếu tố
ảnh hưởng tới tỷ giá bao gồm tỷ lệ lạm phát, lãi suất, các biện pháp kiểm soát của chính
phủ (thuế quan, hạn ngạch…)
- Lạm phát: thông qua hệ thống giá cả, chính phủ có thể trợ giá xuất khẩu hay
bù giá nhập khẩu làm cho đồng nội tệ tăng hay giảm giá. Trợ giá cho những
mặt hàng xuất khẩu chiến lược làm cho khối lượng xuất khẩu tăng, làm tăng
cung ngoại tệ và khiến cho đồng nội tệ tăng giá. Bù giá cho một số mặt hàng
nhập khẩu thiết yếu làm tăng khối lượng nhập khẩu, dẫn đến tăng cầu ngoại
tệ, kết quả là làm cho đồng nội tệ giảm giá.
- Lãi suất: NHTW có thể điều chỉnh tăng giảm lãi suất tái chiết khấu từ đó tác
động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường. Với các yếu tố khác không đổi, khi
NHTW tăng lãi suất tái chiết khấu sẽ thu hút các dòng vốn vào bằng ngoại tệ,
làm cho đồng nội tệ tăng giá. Ngược lại, khi lãi suất tái chiết khấu giảm thì
làm cho đồng nội tệ giảm giá.
- Kiểm soát của Chính Phủ: Chính phủ có thể áp đặt các chính sách thuế quan
hay hạn ngạch nhằm mục đích khuyến khích hoặc hạn chế nhập khẩu loại hàng
hóa nào đó, từ đó tác động lên cung cầu ngoại tệ. Thiết lập hạn ngạch hay áp
mức thuế cao sẽ hạn chế nhập khẩu, làm giảm cầu ngoại tệ và khiến cho đồng
nội tệ tăng giá. Ngược lại, khi dỡ bỏ hạn ngạch hay áp mức thuế thấp sẽ khuyến
khích nhập khẩu, làm tăng cầu ngoại tệ và khiến đồng nội tệ giảm giá.
Hay sử dụng các công cụ cá biệt:
- Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc: NHTW có thể điều chỉnh tăng hay
giảm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc tại các Ngân hàng thương mại. Khi ngoại
tệ khan hiếm trên thị trường ngoại hối, NHTW tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt
buộc làm cho chi phí sử dụng vốn ngoại tệ tăng. Để kinh doanh có lãi, các
Ngân hàng thương mại buộc phải giảm lãi suất huy động ngoại tệ, kết quả là
việc nắm giữ ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn hơn so với nắm giữ nội tệ, tạo ra
nhu cầu chuyển đổi sang nội tệ, làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường ngoại
hối.
- Quy định mức lãi suất trần thấp đối với tiền gửi ngoại tệ: NHTW có thể quy
định lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức thấp tối đa để giảm cầu ngoại tệ.
- Quy định trạng thái ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại: NHTW có thể
quy định NHTM duy trì trạng thái ngoại tệ cuối ngày dương hay âm trong một
thời gian để điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Ngoài mục đích chính
là phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì biện pháp này còn có tác dụng hạn chế đầu cơ
ngoại tệ, làm giảm áp lực lên tỷ giá khi cung cầu mất cân đối.

Các chính sách tài khoá và


tiền tệ của chính phủ

Tỷ lệ lãi suất Tỷ lệ lạm phát Mức độ thu nhập


tương ứng tương ứng quốc gia tương ứng

Dòng chảy vốn Tỷ giá hối đoái Thương mại


quốc tế quốc tế

Chính phủ mua và


bán tiền tệ
Thuế
Sức hút của các Các Sự can thiệp của Sức hút của các
quan,
chứng khoán giao luật chính phủ hàng hoá mua bán
hạn
dịch quốc tế thuế nghạch quốc tế
Hình 7.3. Tóm tắt các biện pháp can thiệp lên tỷ giá của Chính Phủ

KẾT LUẬN CHƯƠNG 7


Chương 7 cho thấy một bức tranh tổng quát về hệ thống tiền tệ quốc tế từ trước
đến nay, trong đó sau một thời gian dài của hệ thống tiền tệ cố định theo Bretton Woods
là thời kỳ tỷ giá biến động cùng với sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu Euro. Dưới
áp lực cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tỷ giá bị áp lực biến động nhưng tùy theo chính
sách tỷ giá một quốc gia đang áp dụng mà tỷ giá có thể được giữ không thay đổi trong
chế độ tỷ giá cố định hoặc cho hoàn toàn thay đổi trong chế độ tỷ giá thả nổi tự do hoặc
thả nổi trong biên độ được kiểm soát. Để có thể duy trì mục tiêu của chính sách tỷ giá,
chính phủ sẽ có hai biện pháp can thiệp chủ yếu trên thị trường: trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chương 7 đã cung cấp những nội dung cơ bản để đáp ứng mục tiêu đưa ra ở đầu chương,
đồng thời chương 7 cũng cung cấp tình huống điều hành chính sách tỷ giá của chính
phủ Việt Nam giai đoạn 2015-2018 để minh họa cho các nội dung trong chương.

You might also like