Phân Tích Truyện Ngắn Lão Hạc - Tổ 1 - 8A1

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc trước cách mạng và “Lão Hạc”

là một truyện ngắn đặc sắc của ông. Không chỉ nói về những vẻ đẹp cao quý
trong tâm hồn của người nông dân trước bờ vực của cái đói, cái nghèo mà
qua nhân vật “Lão Hạc”, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ. Nội
dung ấy được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật đầy tinh tế. Nam Cao
đã truyền đạt thông điệp về lòng nhân ái và sự hy sinh cho cộng đồng một
cách sâu sắc và rõ ràng.
Trước hết, tôi rất ấn tượng với chủ đề của truyện ngắn Lão Hạc, đó là
số phận đau thương của người nông dân trong thời đại xưa. Âu cũng vì họ
quá nghèo, bị cái đói giày vò đến khốn khổ. Nam Cao đã bày tỏ sự đồng cảm
đối với hoàn cảnh nỗi đau, khốn cùng, sự bế tắc và bất hạnh vì nghèo đói
của tầng lớp nông dân trong thời đại xưa thông qua câu chuyện của lão Hạc.
Cái kết bất ngờ của cuộc đời lão dường như đọng lại trong mỗi chúng ta một
khoảng lặng, một nỗi niềm xót thương xen lẫn cay đắng. Sự tuyệt vọng, bất
lực khi bị dồn đến bước đường cùng ấy, liệu có ai thấu?
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của truyện Lão Hạc còn là hình thức nghệ
thuật đặc sắc. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, qua lời ông giáo – người
hàng xóm thân thiết của lão Hạc khiến câu chuyện trở nên chân thực, sinh
động hơn, từ đó khơi dậy sự đồng cảm nơi người đọc. Hoàn cảnh của lão
Hạc vô cùng đáng thương: “Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà
ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn”. Sự việc
lão Hạc phải bán cậu Vàng, chú chó mà lão hết mực yêu thương, khi rơi vào
cảnh khốn cùng sau một trận ốm nặng; hay lần lão Hạc đến nhờ ông giáo
trông coi mảnh vườn cho con trai, gửi tiền lo liệu hậu sự và cả cái chết đầy
ám ảnh của lão Hạc, tất cả những chi tiết tưởng chừng như vụn vặt ấy đã
dẫn người đọc đi đến từng cung bậc cảm xúc của nhân vật. Quả thực, Nam
Cao đã rất khéo léo trong việc xây dựng tình huống truyện, đặt nhân vật vào
hoàn cảnh éo le nhằm giúp họ tự bộc lộ tính cách của bản thân. Ông đã tinh
tế đưa nhân vật Binh Tư, một kẻ “làm nghề ăn trộm” mà lão Hạc xin ít bả chó
ở phần cuối truyện, tạo nên sự đối sánh đặc sắc giữa hai con người với hai
cách sống khác nhau, đồng thời khiến người đọc đã có lúc hoài nghi lão như
ông giáo: “… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn
ư?…”. Thế rồi khi mọi việc vỡ lẽ, Lão Hạc nằm trên giường “tru tréo, bọt mép
sùi ra”, “vật vã” rồi chết, người đọc mới bất ngờ xót thương đau lòng cho
một kiếp người bất hạnh.
Dưới ngòi bút tài hoa của Nam Cao, lão Hạc hiện lên là một người
nông dân nghèo đói, là đại diện của tầng lớp khốn khó trong xã hội đương
thời. Lão sống một cuộc đời cô độc, chính cái nghèo đã mang đứa con trai
của lão đi xa, khiến lão phải bất đắc dĩ bán đi cậu Vàng, và đau lòng hơn cả,
cái nghèo đã buộc lão phải tự tìm đến cái chết. Hàng ngày, lão Hạc bầu bạn
cùng với cậu Vàng, “bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm”, “ăn gì lão cũng
chia cho nó cùng ăn”. Lão đã tiêu hết số tiền dành dụm được bấy lâu nay chỉ
sau trận ốm kéo dài “2 tháng 18 ngày”. Từ dạo ấy, lão yếu hẳn đi, không còn
ai thuê lão đi làm nữa. Lão và cậu Vàng mỗi ngày ăn hết ba hào gạo mà vẫn
“đói deo đói dắt”. Lão Hạc yêu cậu Vàng lắm, nhưng “lấy tiền đâu mà nuôi
được?”. Thế rồi, lão cũng phải bán cậu Vàng đi. Ánh mắt cậu Vàng trong
khoảnh khắc ấy như nhìn thấu tâm can lão, khiến lão như rơi xuống vực
thẳm của lương tâm. Bản tính lương thiện khiến lão vô cùng tội lỗi, cảm thấy
bản thân thật “khốn nạn” khi “già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một
con chó”: “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi
mắt lão ầng ậng nước... Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm
mém của lão mếu như con nít...”. Đối với lão Hạc, cậu Vàng không đơn thuần
chỉ là kỉ vật của người con trai mà còn chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất, là
người đồng hành giúp vơi đi phần nào nỗi cô độc. Qua đó, người đọc thấy
được ở lão Hạc một tấm lòng nhân hậu, giàu tình nghĩa. Đáng quý hơn nữa,
trong đói khổ cùng cực nhưng lão vẫn giữ cho mình lòng tự trọng. Khi ông
giáo mời lão Hạc ăn khoai và uống nước chè, lão cười hiền hậu và từ chối:
“ông giáo cho để khi khác”. Lão “nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng
con lão”, và mặc dù vẫn còn ba mươi đồng, nhưng vì sợ không còn tiền cho
con nên “lão Hạc chỉ ăn khoai…Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung
luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa
ốc.”. Cuối cùng, sau khi đã chu toàn mọi việc, lão xin Binh Tư một ít bả chó,
nói là “định cho nó xơi một bữa”. Cứ ngỡ, lão Hạc từ đây sẽ sa chân vào con
đường tội lỗi vì miếng cơm manh áo, nhưng không, “cái chết thật là dữ dội”
của lão khiến tất cả mọi người bàng hoàng. Lão chết, nhưng vẫn giữ cho
mình lòng tự trọng, đức tính “đói cho sạch, rách cho thơm”. Lão chết, cái
chết của lão không chỉ là sự giải thoát mà sâu xa hơn, đó còn là sự hi sinh vô
bờ bến của người cha dành con của mình, lão không muốn con phải chịu
cảnh nghèo khó. Người ta nói: “Cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu
thương con theo cách hoàn hảo nhất” quả thực không sai. Lão Hạc cả đời
khốn khó, ngay cả khi gần đất xa trời, vẫn luôn nghĩ cho con trai của mình.
Thật cảm động biết bao về sự hy sinh và trách nhiệm cao cả của bổn phận
người cha.
Trong truyện "Lão Hạc" của Nam Cao, nhân vật ông giáo không chỉ
đóng vai trò là một nhân vật phụ, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến diễn
biến câu chuyện và thông điệp của tác phẩm. Ông giáo không chỉ là hàng
xóm thân thiết của lão Hạc, mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin
cậy, hiểu biết và quan tâm đến mọi người trong làng. Ông là “người nhiều
chữ nghĩa, nhiều lý luận, người ta kiêng nể”, là người đại diện cho chính
quyền và tầng lớp tri thức xã hội phong kiến. Ông là một trí thức nghèo với
trái tim ấm áp, là người bầu bạn cùng lão Hạc, giúp sưởi ấm trái tim cô đơn
của lão, người ta nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần” là như vậy. Ông
giáo đã cùng sẻ chia, giúp đỡ lão Hạc bằng tất cả những gì mình có thể. Mặc
dù “chính con mình cũng đói” nhưng ông giáo vẫn âm thầm giúp đỡ lão Hạc.
Suy nghĩ của ông sau khi nói chuyện với vợ thật đáng suy ngẫm biết bao:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ,
thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để
cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương:
không bao giờ ta thương…”. Ông giáo đã nhìn ra vẻ đẹp của những phẩm
chất quý giá đang âm thầm tỏa sáng trong mỗi con người. Những phẩm chất
ấy không tự nhiên mà mất đi, và sẽ lại một lần nữa bừng sáng khi được tiếp
thêm ngọn lửa “yêu thương”. Ông giáo đã làm cho độc giả nhận thức được
sự bất công của xã hội cũ và hướng tới lòng nhân ái, trách nhiệm và quyết
tâm trong cuộc sống. Ông rất trân trọng năm quyển sách cuối cùng của
mình, nhưng khi con ông “bị chứng lỵ gần kiệt sức”, ông vẫn quyết định bán
chúng. Hành động ấy cho thấy ông giáo là một người cha tuyệt vời, sẵn sàng
hi sinh vì con và cuộc sống. Ông là biểu tượng của sự hiếu thảo, tôn trọng, và
góp phần làm nên giá trị tốt đẹp của câu truyện. Từ những hành động và vai
trò của ông giáo, chúng ta học được bài học quý giá về lòng nhân ái, trách
nhiệm và quyết tâm trong cuộc sống, cũng như nhận thức sâu sắc về sự bất
công trong xã hội và quan trọng của việc nỗ lực để thay đổi điều đó.
Hơn thế nữa, truyện còn chứa đựng nhiều chi tiết, bài học giàu triết lí,
qua đó nói lên quan điểm và cái nhìn của tác giả đối với cuộc sống. Tuy Lão
Hạc sống rất khổ sở và vất vả, nhưng chưa bao giờ nhờ đến sự giúp đỡ nào
của ông giáo. Khi ông giáo giấu vợ, muốn giúp đỡ lão Hạc nhưng lão cũng từ
chối thẳng thừng. Dù phải sống trong xã hội đầy tối tăm, gian khổ, nhưng lão
vẫn luôn giữ được lòng tự trọng đáng quý của mình. Sau khi bán cậu Vàng,
lão đã chọn cách ăn bả chó để tự sát và để chuộc lỗi với nó. Hình ảnh “ lão
Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt
long sòng sọc, lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật
mạnh một cái, nẩy lên” đã làm nổi bật lên cái phẩm chất quý giá của lão Hạc,
lão thà chết để giữ trọn nhân cách của mình. Dòng độc thoại nội tâm của
ông giáo: “…Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại
đáng buồn theo một nghĩa khác…” đã phê phán, tố cáo xã hội xưa, đồng thời
khẳng định niềm tin về con người và cuộc sống, bày tỏ nỗi xót xa với những
mảnh đời bất hạnh. Tất cả những chi tiết ấy được Nam Cao miêu tả chân
thực với giọng văn bình thản, lạnh lùng, nhưng ẩn sâu bên trong là sự đồng
cảm, một nỗi niềm xót thương và nồng đượm tình yêu thương con người.
Ai đó đã từng nói: "Dù cuộc sống có khó khăn thế nào, lòng trung
thành với lẽ phải và lòng tự trọng không bao giờ được phép phai mờ.". Bằng
nghệ thuật xây dựng nhân vật, tình huống truyện đầy tinh tế và những câu
văn giàu triết lí, truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao đã cho chúng ta thấu hiểu
được số phận bi thảm cũng như vẻ đẹp cao quý của tâm hồn người nông
dân Việt Nam ở thời đại xưa. Dù có rơi vào nghịch cảnh có bị dồn đến đường
cùng thì trong lòng người nông dân Việt Nam vẫn luôn tồn tại tình yêu và sự
hi sinh vô bờ bến lòng tự trọng không bao giờ phai mờ. Đó cũng chính là bài
học quý báu mà chúng ta có thể học từ câu chuyện của Lão Hạc.

You might also like