Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

ĐỀ: CẢM NHẬN CỦA ANH CHỊ VỀ ĐOẠN TRÍCH SAU:

“Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi…. Đêm
tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng
mênh mang và yên lặng”.

I. Mở bài
1/ Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Thạch Lam là một nhà văn lớn của khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam
1930-1945, ông thường đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những
cảm xúc mong manh và mơ hồ.
- Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” dù không có cốt truyện đặc biệt nhưng thông qua
tiếng nói nội tâm của nhân vật Liên, từng mảnh đời bất hạnh hiện lên và mang
đến cho tác phẩm thật nhiều cảm xúc.
2/ Giới thiệu đoạn trích và VĐNL:
- Đặc biệt, truyện ngắn đã đem đến cho người đọc cảnh tượng xúc động ở cuối
tác phẩm – đó là cảnh đợi tàu của hai chị em Liên:
“Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi….
Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng
mênh mang và yên lặng”.
II. Thân bài
1/ Xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; Tóm tắt phần đầu truyện:
- Thạch Lam sinh ra ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, từng chứng kiến số
phận nghèo khổ của những người dân nơi đây; với niềm trăn trở xót xa, thương
cảm, thấu hiểu cho những số phận nghèo khổ ấy, Thạch Lam đã viết nên tác
phẩm “Hai đứa trẻ” nhằm thể hiện khát vọng của ông về một hiện thực tươi
sáng hơn. Tác phẩm rút trong tập “Nắng trong vườn” (1938), là tác phẩm tiêu
biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam: giàu chất thơ, chất lãng mạn
chất trữ tình nhưng đầy cá tính nhân văn.
- Tóm tắt phần đầu truyện: Tác phẩm xoay quanh không gian của phiên chợ tàn
và cuộc sống lầm lũi của những người dân nghèo quanh phố huyện. Hai chị em
Liên được mẹ giao cho trông nom một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Xung quanh
chúng là cuộc sống tàn lụi của chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm… Cũng như những
người dân phố huyện, chị em vừa bán hàng vừa trông chờ chuyến tàu đêm từ Hà
Nội về. Và hàng đêm, chị em Liên thường chờ đợi chuyến tàu từ Hà Nội về như
là đón đợi, mong mỏi sự thay đổi, khát khao trong cuộc đời của mình.
2/ Giải thích, xác định các luận điểm
a/ Khái quát: Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên chính là sự kết tinh của những tư
tưởng nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ của Thạch Lam với ngòi bút nhân đạo, trữ
tình.
b/ Xác định các luận điểm:
- Điều đó được thể hiện qua việc miêu tả cảnh đợi tàu, bằng sự nhạy cảm của
mình, Thạch Lam đã đi sâu khai thác thế giới cảm xúc, tâm trạng của cô bé Liên
ở những thời khắc: trước khi tàu đến, khi tàu đến và khi đoàn tàu đi qua; để từ
đó làm nổi bật những khát vọng đẹp đẽ của những người dân nghèo trước Cách
mạng Tháng Tám.
3/ Phân tích cảnh đợi tàu của hai chị em Liên và An
a/ LĐ1: Lý do hai chị em Liên cố thức đợi tàu.
- Có lẽ khát vọng đẹp đẽ đó chính là lý do khiến hai chị em Liên cố thức để đợi
tàu. Cuộc sống sinh hoạt nhàm chán, buồn tẻ, trôi qua cuối mỗi ngày, cũng là
lúc Liên và em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức đợi tàu bởi: Mẹ dặn
Liên “để bán hàng may ra còn có người mua”. Nhưng Liên “cũng như mọi đêm,
không trông mong còn ai đến nữa”. Hai chị em cố thức vì “muốn được nhìn
thấy chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”, thực chất là để
thay đổi cảm giác, không khí ứ đọng, tù túng, mòn mỏi hàng ngày ở phố huyện
nghèo. Như vậy, việc đợi tàu của hai chị em Liên chính là nhu cầu của tinh thần,
là sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân, là khao khát khắc khoải, muốn nhìn thấy một
thế giới khác với cuộc sống của chính mình.
b/ LĐ2:
- Chuyển ý: Trước hết, tâm trạng của Liên được thể hiện qua hình ảnh đoàn tàu
và thời khắc trước khi tàu đến.
- Trước khi tàu đến, Liên ngồi lặng yên ngắm thiên nhiên, bầu trời đầy sao lấp
lánh “tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Con
tàu từ Hà Nội chuẩn bị xuất hiện trước sự quan sát, lắng nghe và để ý của Liên:
ban đầu là “ngọn lửa xanh biếc như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại,
trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”, tiếp đến là “tiếng xe rít mạnh
vào ghi”; là hình ảnh của “làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa” báo hiệu tàu
chuẩn bị vào ga, là “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”. Những hình ảnh và âm
thanh ấy đều được thu lại trong tầm mắt và những giác quan khác của Liên, thể
hiện niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức như người ta đón đợi một niềm vui
lớn lao kì diệu. Hơn thế nữa, tiếng gọi em cuống quít giục giã của Liên không
chỉ là một lời hối thúc em dậy mà còn ẩn chứa một cảm xúc vui thích, phấn
chấn như một tiếng reo vui khi nhìn thấy đoàn tàu sắp tới. Niềm háo hức mong
ngóng chuyến tàu đến của Liên và An như mong ngóng một điều gì đó tươi
sáng hơn trong cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày.
c/ LĐ3: Hình ảnh đoàn tàu và tâm trạng của Liên khi tàu đến
- Chuyển ý: Tâm trạng của Liên không chỉ được thể hiện trong thời gian đợi tàu
xuất hiện mà còn được thể hiện qua khoảnh khắc đoàn tàu đến.
- Khi đoàn tàu xuất hiện, qua cái nhìn của Liên và An, con tàu bình thường
bỗng trở nên huy hoàng, lộng lẫy như đi ra từ cõi thần thoại cổ tích nào: “các
toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “những toa hạng trên sang
trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Liên dắt
em đứng hẳn lên để đón đợi con tàu, trong đôi mắt hai chị em bừng lên niềm
sung sướng, hân hoan và ngỡ ngàng. Dù chỉ là thoáng qua những cũng đủ để hai
tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu.
d/ LĐ4: Hình ảnh đoàn tàu và tâm trạng của Liên khi tàu đi qua
- Chuyển ý: Cuối cùng, tâm trạng của Liên được khắc hoạ sâu sắc qua hình ảnh
đoàn tàu và khoảnh khắc khép lại tác phẩm chính là cảnh đoàn tàu đi qua.
- Khi con tàu đi qua, hình ảnh cuối cùng của nó còn đọng lại trong đôi mắt của
Liên là “những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, với một tâm trạng tiếc
nuối “Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa
sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”. Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua,
Liên không trả lời câu hỏi của em bởi trong lòng Liên cơn xúc động vẫn chưa
lắng xuống. Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội “xa xăm, Hà Nội sáng rực,
vui vẻ, huyên náo”, một Hà Nội đẹp giàu sang và sung sướng. Sự hồi tưởng ấy
càng khiến cho Liên thêm hối tiếc và ngán ngẩm trước cuộc sống hiện tại.
Không chỉ mơ tưởng về quá khứ, về Hà Nội, trong tâm thức của Liên còn dấy
lên một sự so sánh, cảm nhận để hướng đến khát vọng đẹp đẽ ở tương lai “Con
tàu như đem một chút thế giới khác đi qua”. Một thế giới khác hẳn với “vầng
sáng của ngọn đèn chị tí”. Có thể nói, con tàu đi qua đã để lại trong tâm trí Liên
một sự tiếc nuối, niềm suy tư, thao thức về cuộc sống hàng ngày nơi phố huyện
nghèo, niềm mong mỏi, khao khát về một sự thay đổi, đổi đời.
4/ Đánh giá
a/ Nội dung
- Hình ảnh đoàn tàu với Liên và An là biểu tượng của thế giới đáng sống: sức
sống mạnh mẽ, sự giàu sang, rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn
mỏi, nghèo nàn, quẩn quanh và tối tăm của người dân phố huyện. Chuyến tàu
đêm còn gợi nhớ về hình ảnh Hà Nội, của hạnh phúc, những kí ức tuổi thơ êm
đềm của hai chị em.
- Qua việc miêu tả tâm trạng của Liên thì Thạch Lam thể hiện niềm trân trọng,
thương xót đối với những kiếp người nhỏ bé sống trong nghèo nàn tăm tối.
Thạch Lam trân trọng, nâng niu khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt thoát ra khỏi
cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không cam chịu cái thực tại tầm thường, nhạt
nhẽo.
- Đồng thời qua tâm trạng của Liên, Thạch Lam muốn thức tỉnh con người đang
sống buồn chán, lam lũ, sống quẩn quanh hãy cố vươn ra ánh sáng. Điều này chỉ
có ở những cây bút xuất hiện từ những năm 30 của thế kỉ XX khi họ ý thức đầy
đủ về cái tôi cá nhân. Ở đây dường như Thạch Lam đã bắt gặp Xuân Diệu,
Nguyễn Tuân ở dòng văn học lãng mạn; Nam Cao, Tô Hoài ở dòng văn học
hiện thực trong việc khao khát hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa.
b/ Nghệ thuật
- Đây là một thiên truyện tiêu biểu cho phong cách văn xuôi của Thạch Lam:
với cốt truyện đơn giản, một kiểu truyện ngắn trữ tình, giọng văn nhẹ nhàng,
trầm tĩnh, lời văn bình dị nhưng luôn ẩn hiện tình cảm xót thương với những
con người nghèo khổ. Đặc biệt, với nghệ thuật miêu tả tâm lý hết sức tinh tế,
bút pháp lãng mạn đan xen hiện thực, Thạch Lam đã truyền tải được tư tưởng
nhân văn và tiến bộ sâu sắc của mình với độc giả.
III. Kết bài
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” với việc xây dựng một đoạn kết đầy ấn tượng
với cảnh tượng chờ tàu đầy xúc động. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nhà văn
đã đem đến cho người đọc những ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được chiều
sâu tác phẩm và tình cảm nhân đạo từ nhà văn Thạch Lam. Qua đó chúng
ta cần trân trọng, yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó
khăn, nghèo khổ.

You might also like