Chữ Quốc Ngữ, Đào Tiến Thi

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

Chữ Quốc ngữ: Giải tỏa những thành kiến cùng bác bỏ những ngộ nhận (Hay là

không nên
cải cách gì nữa!)
ĐÀO TIẾN THI
Phần 1: GIẢI TỎA NHỮNG THÀNH KIẾN
A. GIẢI TỎA THÀNH KIẾN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP "BẤT HỢP LÝ"
1. Các thành kiến
Theo nguyên tắc của chữ ghi âm, một thứ chữ được coi là khoa học khi nó đảm bảo quan hệ giữa
âm và chữ là quan hệ tương ứng 1 - 1, nghĩa là một âm vị được ghi bằng một chữ cái (ký tự) và
một chữ cái chỉ ghi cho một âm vị. Xuất phát từ nguyên tắc này, nhiều nhà Việt ngữ học lâu nay
vẫn cho rằng chữ QN còn có những “bất hợp lý”.
1.1. Một âm vị được ghi bằng nhiều chữ cái
Điển hình là các trường hợp sau đây:
- Âm /k/(cờ)[1] được ghi bằng 3 chữ cái c, k, q: con kiến, quanh quẩn.
- Âm /g/ (gờ) được ghi bằng chữ cái g hoặc tổ hợp gh: ghê gớm.
- Âm /ng/ được ghi bằng tổ hợp ng hoặc ngh: ngô nghê.
- Âm /z/ (giờ) được ghi bằng chữ cái d hoặc tổ hợp gi: da thịt, gia đình.
- Âm /i/ được phép viết i (ngắn) hoặc y (dài) khi đứng sau các âm /h, k, l, m, s, t/ và là âm tiết mở
(không có âm cuối): hi vọng/ hy vọng; kỉ niệm/ kỷ niệm; lí do/ lý do; mĩ thuật/ mỹ thuật; bác sĩ/
bác sỹ; công ti/ công ty.
Ba trường hợp đầu bị coi là “bất hợp lý” nhưng “có quy tắc” nên không gây ra nhiều tiêu cực; hai
trường hợp sau bị coi là không có quy tắc nên gây ra “viết lung tung” (chữ dùng trong một giáo
trình ngôn ngữ học).
1.2. Một chữ cái ghi cho nhiều âm
Chữ "a" ghi âm /a/ trong xa lạ nhưng cũng ghi âm /ă/ (tức /a/ "ngắn") trong chau mày. Chữ "g"
ghi âm /g/ (gờ) trong gan gà nhưng cũng ghi âm /z/ trong gì, giếng,… Trường hợp chữ u còn
“bất hợp lý” hơn:
- Chữ u ghi âm chính /u/: tu hú, hùng dũng, túi bụi.
- Chữ u ghi âm đệm /u/: luẩn quẩn, túy lúy.
- Chữ u ghi bán nguyên âm cuối /u/: đìu hiu, yêu chiều, âu sầu, (cây) sau sau[2].
Chưa kể, chữ u còn tham gia tổ hợp "uô" hoặc "ua" để ghi nguyên âm đôi /uô/: luôn luôn (khi có
âm cuối), chua, lụa (khi không có âm cuối).
2. Giải tỏa các thành kiến
2.1. Hiện tượng “viết lung tung” không phải do bản thân chữ QN
Hiện tượng “viết lung tung” về cơ bản không phải do bản thân chữ QN gây nên. Ngoài sự tùy tiện
của người viết, có nguyên nhân chính thuộc về quan niệm sai và những quy định phi lý hoặc chưa
ổn thỏa về chuẩn chính tả.
2.1.1. Bị ảnh hưởng quan niệm “nói thế nào viết thế ấy”
Quan niệm “nói thế nào viết thế ấy” là tuyệt đối hóa nguyên tắc của chữ ghi âm, thậm chí có
người cho mình có quyền viết như "đánh vần". Ví dụ, viết qui thay cho quy, tùy ý viết d/gi mà
không cần đúng quy định chính tả.
“Nói thế nào viết thế ấy” chỉ đúng về nguyên tắc chung của chữ viết ghi âm, trên thực tế không
có một thứ chữ viết nào thuần túy 100% theo nguyên tắc ghi âm. Thực ra, một thứ chữ viết
thường gồm một số nguyên tắc chứ không phải duy nhất một nguyên tắc. Chữ QN lấy nguyên tắc
ghi âm làm chính nhưng kết hợp với nguyên tắc lịch sử và phần nào đó cả nguyên tắc ghi
ý (nguyên tắc ghi ý đến nay vẫn chưa được giới "chính thống" công nhận nhưng chúng tôi sẽ đề
cập ở những nội dung bên dưới).
2.1.2. “Chuẩn chính tả” không khoa học
Hiện nay còn khá nhiều hiện tượng tồn tại cả hai cách viết. Tiêu biểu nhất là trường hợp i (ngắn)
và y (dài) như đã nói ở trên.
Thực ra các sách báo xuất bản trong khoảng từ 1945 - 1980 ở miền Bắc và ở miền Nam trước
1975 nhìn chung không có hiện tượng viết lẫn lộn i và y (nếu có là do dùng sai chứ không phải do
quy định của chuẩn chính tả). Trước 1980, sự phân biệt i/y rất rõ ràng. Như các trường hợp công
ty, kỳ diệu, kỷ niệm, mỹ phẩm, lý do, chỉ có một hình thức là y (dài); một số trường hợp được
viết i (ngắn) mang nghĩa hoàn toàn khác: (khóc) tỉ ti, kì cọ, (bé) tí tẹo, (nói) lí nhí. Đó là chính tả
thói quen, tự phát, tuy không có văn bản nào quy định nhưng được tất cả mọi người thừa nhận và
do đó viết đúng một cách tự nhiên, mặc định.
Tuy nhiên ngày 30/11/1980 có một quyết định (không có số) quy định về chính tả trong sách giáo
khoa Cải cách giáo dục do Thứ trưởng Bộ giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Khoa học Xã hội Phạm Huy Thông ký có đoạn như sau: “Trường hợp các âm tiết có nguyên
âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy như duy, tuy, quy,…; ví dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị”.
Nhà xuất bản Giáo dục và một số Nhà xuất bản thực hiện quy định này nhưng đa số các Nhà xuất
bản và báo chí, từ đó đến nay, vẫn chọn cách viết phân biệt i/y như trước 1980 (họ có lý, như sẽ
trình bày ở các phần tiếp theo). Cái quy định "nhất thể hóa" hai chữ cùng ghi âm /i/ nói trên đã
làm nhiễu chính tả i/y.
2.1.3. “Chuẩn chính tả” không rõ ràng hoặc còn bỏ ngỏ
Ngày 5/3/1984 lại có Quyết định 240/QĐ quy định về chính tả và thuật ngữ do Bộ trưởng giáo
dục Nguyễn Thị Bình ký.
Về mặt pháp lý, quyết định (QĐ) 1984 thay thế cho QĐ 1980. Tuy QĐ 1984 không đề cập trường
hợp i/y nhưng có thể áp dụng ở mục 1c: “Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà
chưa xác định được một chuẩn duy nhất thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho
đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức”.
Đáng tiếc, ít người biết đến QĐ 1984[3]. Cho nên việc nhất thể hóa i/y trong QĐ 1980 càng có
điều kiện làm nhiễu chính tả.
QĐ 1980 được thực thi ngay ở sách giáo khoa Cải cách giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục đang
soạn khi đó. Nhà xuất bản Giáo dục có số lượng trang in chiếm 80% lượng trang in toàn quốc nên
sức ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, nhìn chung xã hội vẫn không chấp nhận quy định “nhất thể
hóa” i và y, cho nên vẫn tồn tại cách viết y (dài). Thống kê của tác giả bài này năm 2010 cho thấy
46/49 nhà xuất bản vẫn giữ lại hình thức y (dài) như trước 1980. Một số tác giả viết sách cho Nhà
xuất bản Giáo dục còn đề nghị giữ nguyên hình thức y (dài) cho loại sách chuyên luận, tuyển
tập. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên chấp nhận cả hai, nhưng hình thức y (dài) bị
chuyển chú sang hình thức i (ngắn). Ví dụ, kỳ vọng: x (xem) kì vọng; và ở mục kì vọng có chú: cv
(cũng viết) kỳ vọng [4].
2.2. Cái bị coi là “bất hợp lý” là cái tất yếu
Chữ là kênh tín hiệu vừa phụ thuộc vừa độc lập với ngữ âm. Chữ, ngoài chức năng ghi lại âm, còn mang
nhiều giá trị khác (như văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí biểu ý). Mặt khác, ngữ âm là yếu tố luôn luôn biến
đổi, trong khi chữ viết sau giai đoạn hình thành, một khi đã ổn định thì không thể hoặc không nên thay
đổi nhằm duy trì sự thống nhất. Sự thống nhất của chữ viết bao gồm:
2.2.1. Thống nhất trong chiều dài lịch sử
Chữ viết ghi âm là ký kiệu ghi lại ngữ âm của một ngôn ngữ ở một thời điểm cụ thể. Tại thời
điểm đó có thể đạt sự tương thích 1 - 1 giữa âm và chữ, nhưng dần dần sẽ có sự "vênh lệch". Nếu
cứ lâu lâu lại “cải cách” chữ viết cho phù hợp với ngữ âm thì sẽ có một chữ viết ngày càng xa chữ
viết ban đầu và đời sau sẽ không đọc được chữ của đời trước. Cho nên, khi một thứ chữ viết đã
ổn định, các quốc gia đều chọn cách giữ nguyên trạng mà không tiến hành cải cách chữ viết.
Chính tả của chữ Anh, chữ Pháp và nhiều thứ chữ của các tiếng châu Âu khác còn nhiều “bất hợp
lý” hơn chữ QN mà họ cũng không tiến hành cải cách là vì thế.
Không ít người đề nghị lấy chính tả chữ QN hiện nay để xây dựng một hệ thống ngữ âm tiếng
Việt "chuẩn", thống nhất cả nước. Nghĩa là người miền Bắc cũng phát âm "quặt lưỡi" các âm /r,
s, tr/,… và người miền Nam cũng phân biệt các âm trong cặp âm cuối /c-t/, /n-ng/,… đó là điều
hoàn toàn không tưởng và thực tế đã thất bại khi cố dạy trong nhà trường suốt hơn nửa thế kỷ qua
với kỳ vọng "nói đúng thì viết đúng". Mặt khác, nếu coi chữ QN thuở mới ra đời có sự tương
thích 1 - 1 giữa âm và chữ thì kết quả của việc làm trên, sau bao nhiêu nỗ lực (có người nói sẵn
sàng bỏ ra 100 năm) để luyện “phát âm thật chuẩn” và cuối cùng sẽ đạt được "thống nhất tiếng
nói cả nước" (Sách Thiết kế Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, tập 3), thì tức là lại quay về với
ngữ âm tiếng Việt hồi thế kỷ XVII (?!).
2.2.2. Thống nhất giữa các vùng miền của quốc gia
Một số nước chọn phương ngữ một vùng làm chuẩn ngữ âm để từ đó làm chữ viết và chuẩn chính
tả. Nhưng chính tả chữ QN hiện nay là một thứ chính tả “siêu phương ngữ”, tức không dựa hẳn
trên ngữ âm một vùng nào. Nay nếu vẫn theo nguyên tắc đó thì cải cách kiểu gì cũng vẫn là một thứ
chữ viết không “ăn khớp” với ngữ âm. Còn nếu chọn ngữ âm một vùng làm chuẩn sẽ vấp ngay phải
các vấn đề "bất khả thi". Trước hết, không một phương ngữ nào đủ sức làm chuẩn âm; thứ hai là các
vấn đề về tâm lý, văn hóa, rất khó vượt qua. Phương án cải cách của PGS.TS Bùi Hiền mới đây lấy
phương ngữ Bắc làm chuẩn âm đã vấp phải sự phản ứng gay gắt.
2.3. Một số “bất hợp lý” thực ra là hợp lý
Chữ viết ghi âm, ngoài mặt ngữ âm, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, tức là hệ thống tín hiệu của
chữ viết mang tính độc lập tương đối với ngữ âm.
2.3.1. Chữ viết là thói quen được chấp nhận
Nguyên tắc của chữ ghi âm là “đọc thế nào viết thế ấy”, nhưng thực tế ngoài nguyên tắc “đọc thế
nào viết thế ấy” còn có nguyên tắc lịch sử, tức là tôn trọng cách viết trong quá khứ đã trở thành
thói quen. Và do đó trong nhiều trường hợp “đọc một đằng viết một nẻo”.
Khi đã thành thói quen, dù đọc một đằng viết một nẻo, nhìn chung cũng không gây khó khăn
đáng kể. Nhiều nhà Việt ngữ học thừa nhận: Người ta viết đúng chữ QN chủ yếu không phải vì
phát âm đúng, mà vì nhớ “mặt chữ”. Cải cách chữ viết làm đảo lộn thói quen còn gây ra nhiều hệ
lụy hơn.
2.3.2. Tính hợp lý về phương diện biểu nghĩa
Nếu cứ chăm chăm coi chữ viết chỉ là phương tiện ghi lại ngữ âm thì sẽ luôn luôn không hài lòng
về một số trường hợp "bất hợp lý" như đã nói. Nhưng nếu xét chữ viết đồng thời cũng là ký hiệu
biểu nghĩa thì sẽ thấy không ít trường hợp đó là sự hợp lý.
Khác với ngữ âm được tri nhận bằng thính giác, chữ viết được tri nhận bằng thị giác. Đọc sách là
đọc bằng mắt. Đặc biệt, đối với các chữ không phải loại chữ ghi âm hoặc không phải thuần túy
ghi âm, mỗi chữ như một “hình ảnh” và trong một số trường hợp nhất định, chúng có giá trị phân
biệt nghĩa của những từ đồng âm.
Một số trường hợp của chữ QN, bất kể lý do ban đầu là gì, việc duy trì cả hai hình thức d/gi - cùng
ghi âm /z/ cũng như hai hình thức i/y - cùng ghi âm /i/ (trong âm tiết mở và đi sau h, k, l, m, s, t),
cũng như ba hình thức c/k/q - cùng ghi âm /k/, đều có giá trị biểu thị nghĩa của từ ngữ. Ví dụ:
- Con dì (em gái)/ con gì; da thịt/ gia đình; ca dao/ giao tiếp
- Một hòn đá kì kỳ lạ (đá kì: đá cuội dùng để chà xát lên da, làm sạch da khi tắm rửa).
- Tổ quốc/ tổ cuốc (tổ của con chim cuốc).
Tiếng Việt khá phong phú về âm tiết, tuy nhiên vẫn có số lượng đáng kể từ và tiếng (âm tiết) đồng
âm. Nếu có một thứ chữ QN ghi âm triệt để thì sẽ không phân biệt được nghĩa của các từ và tiếng
đồng âm. May thay, chữ QN ngày nay còn lại các trường hợp nói trên. Theo học giả Cao Xuân Hạo,
"nó không lấy gì làm nhiều, nhưng có ít vẫn còn hơn là không có, như ta thay chữ QN bằng một thứ
chữ thuần túy ghi âm"[5].
Thực ra chỉ xét trường hợp i/y, d/gi và phần nào trong c/k/q (phân biệt Tổ quốc với nghĩa "đất
nước" với tổ cuốc là "tổ con chim cuốc") đã cho thấy tính ghi ý của chữ QN không phải là nhỏ.
Ban đầu cách viết i/y, d/gi và c/k/q có thể không có mục đích ghi ý, nhưng quá trình sử dụng
chính là quá trình chọn lựa, các ký tự hay tổ hợp ký tự i/y, d/gi và c/k/q đã được “phân công” một
cách hợp lý. Các thế hệ đi trước, ý thức hoặc không ý thức, đã giữ lại những hình thức chính tả tuy
không có giá trị khu biệt ngữ âm nhưng có giá trị biểu nghĩa. Vậy có thể nói chữ QN không thuần
túy ghi âm mà pha cả tính ghi ý. Chỉ vì cố gắng coi chữ QN là chữ ghi âm thuần túy nên mới coi
những trường hợp trên là "bất hợp lý". Còn nếu ta nhận ra chữ QN có cả tính ghi ý thì không những
không có gì phải băn khoăn mà còn thấy đó là một giá trị độc đáo.
2.3.3. Tính hợp lý trong cảm thức của số đông
QĐ 1980 "nhất thể hóa" i và y thành i đến nay đã hơn 40 năm nay nhưng đa số các Nhà xuất bản
và báo chí vẫn dùng y (dài) cho thấy quy định trên không được số đông thừa nhận, tức là quy
định đó "phản cảm" trong cảm thức của số đông. Cảm thức ngôn ngữ của số đông thường lựa
chọn cái gì là hợp lý, dù họ không ý thức, không thể giải thích được. Cao Xuân Hạo đánh giá cảm
thức ngôn ngữ của số đông như sau: "... Nó là cái phản ánh chân xác của một sự kiện khách quan
của ngôn ngữ. Công việc của nhà ngữ học chính là phát hiện và trình bày ra một cách hiển ngôn
những sự kiện khách quan được phản ánh trong cảm thức bất tự giác của người bản ngữ. Và xưa
nay các nhà ngữ học, (...) mỗi khi thủ pháp của họ đưa tới một kết quả trái với cảm thức ấy, họ
thường phải từ bỏ quan điểm ban đầu để tìm cách đi đến một kết quả phù hợp với cảm thức ấy
hơn”[6].
Bốn mươi năm qua cảm thức ngôn ngữ của số đông "phớt lờ" quy định 1980 mà sao giới chuyên
môn không chịu từ bỏ quan niệm ban đầu?
2.3.4. Trong một số trường hợp, chữ còn đảm bảo tính mỹ thuật
Ngoài các lý do trên, việc duy trì hình thức y (dài) còn có lý do mỹ thuật. Trong tên riêng và trong
các biển hiệu, khẩu hiệu, trong những trường hợp được phép lựa chọn, đa số người ta chọn y (dài). Ví
dụ, viết Mỹ Lý (tên làng), thẩm mỹ, kỷ niệm chứ không viết Mĩ Lí, thẩm mĩ, kỉ niệm. Viết Mỹ Lý, kỷ
niệm trông "đẹp mắt" hơn Mĩ Lí, kỉ niệm vì có sự phối hợp chiều lên với chiều xuống, chữ cao với
chữ thấp. Dịp kỷ niệm "Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" (2010), xuất hiện hàng nghìn biểu ngữ có
chữ “Kỷ niệm”, tất cả đều viết y (dài) chứ nếu viết kỉ (i ngắn) sẽ thô xấu ngay.
2.4. Chữ viết tắt tiếng Việt - một loại chữ biểu ý đặc biệt của chữ QN
Các từ, cụm từ viết tắt trong tiếng Anh thường đọc từng chữ cái, như BBC /bi:bi:si:/ = British
Broadcasting Corporation (Tập đoàn Truyền thanh Anh), hoặc ráp vần, như NATO /neitou/ =
North Atlantic Treaty Organization (Minh ước Bắc Đại Tây Dương). Nhưng chữ viết tắt của tiếng
Việt không thế (kiểu PHAHASA = phát hành sách - là rất hiếm), mà đọc theo kiểu khôi phục lại
dạng đầy đủ. Ví dụ: HS, GV, BS, GSTS, HTX, XHCN được đọc là học sinh, giáo viên, bác sỹ,
giáo sư tiến sỹ, hợp tác xã, xã hội chủ nghĩa (chứ không đọc hát ét, giê vê, bê ét, giê ét tê ét, hát
tê ích-xì, ích-xì hát xê en-nờ). Tên tác phẩm, tên cơ quan tổ chức hầu như chỉ có cách đọc này:
QÂTT (Quốc âm thi tập), TNĐL (Tuyên ngôn độc lập), TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam),
UBKHXHVN (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam),... Nguyên tắc đọc các chữ viết tắt này giống
như đọc các con số, các ký hiệu cộng trừ nhân chia và nhiều ký hiệu biểu ý khác như » (xấp xỉ),
% (phần trăm), & (và), ^ (vuông góc),…
B- GIẢI TỎA THÀNH KIẾN CHỮ QUỐC NGỮ (QN) “PHỨC TẠP” VỀ CẤU TẠO
1. Thành kiến một số phụ âm ghi bằng một tổ hợp chữ cái
Đó là các tổ hợp gi, ch, tr, kh, gh, ng, ngh, nh, ph.
Những người đề xuất cải cách thường chọn một chữ cái, thậm chí một ký tự xa lạ để thay cho mỗi
tổ hợp chữ cái trên.
Chẳng hạn, PGS.TS. Bùi Hiền mới đây (2017) dùng c thay cho tr/ ch (đồng nhất 2 âm này theo
tiếng Bắc), dùng w thay cho ng; q thay cho th,… câu Kiều “Những điều trông thấy mà đau đớn
lòng” được viết như sau:
Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw
Trước đó khá lâu, những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, cụ Nguyễn Công Tiễu (1892 -
1976) cũng đề xuất:
Chữ cũ Chữ mới Ví dụ Chữ cũ Chữ mới Ví dụ
ch ĉ ĉa (cha) th § §ơ (thơ)
kh k ku (khu) tr ç çi (tri)
ng/ngh j jủ (ngủ) nh n̈ n̈ à (nhà)
Ví dụ, hai câu mở đầu Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là
ghét nhau” - được viết như sau:
“Çăm năm çoj cõi jười ta
Çữ tài ĉữ mện̈ kéo là ghét n̈ au”
Thực ra một số âm vị được ghi bằng tổ hợp hai, ba chữ cái, trong thực tế không ảnh hưởng gì
đáng kể. Nhiều thứ chữ ghi âm khác cũng có những trường hợp một âm được ghi bằng cả tổ hợp
hai, ba chữ cái.
Trên "mặt chữ", ta thấy cách thay đổi trên cũng chẳng đơn giản hơn, vì ký tự ghi chữ cái lẫn cả
vào dấu phụ ghi thanh điệu. Nhưng hậu quả lớn nhất là nó tạo ra gần như một thứ chữ khác, xa lạ
với truyền thống, làm cho người đời sau không đọc được chữ của người đời trước.
2. Thành kiến về việc ghi rời tiếng (âm tiết) trong từ phức
Chữ QN tuy dùng hệ chữ cái Latin nhưng khi dùng để ghi tiếng Việt thì lại ghi theo đơn
vị tiếng (âm tiết), tức là mỗi tiếng - mỗi chữ[7], chứ không theo đơn vị từ như các tiếng châu Âu.
Để khắc phục “nhược điểm” này, hai thập niên đầu thế kỷ XX, người ta đã dùng gạch nối trong
các từ phức. Sau năm 1945 không còn dùng gạch nối nữa mà cũng chẳng sao. Nhưng những năm
sáu mươi, khi trào lưu cải cách chữ QN nổi lên, người ta lại đưa ra những phương án cực đoan
hơn cả gạch nối, như dùng cách viết liền.
Đề xuất của Viện Văn học (1960) trong “cải tiến bước 1”, ngoài nhất thể hóa c/k/q thành k, i/y thành i,
thay đ bằng d, âm đệm u thành w thì còn có phương án viết liền từ phức. Dưới đây là câu trong bản
viết thử “Tuyên ngôn độc lập” do Tiểu ban Ngôn ngữ của Viện Văn học đề xuất:
“Tất cả các zântộc trên thếzới dều sinh ra bìnhdẳng; zântộc nào cũng có cwiền sống, cwiền
sungsướng và cwiền tựzo”.
Cách đây chưa lâu, tác giả Hoàng Hồng Minh (2011)[8], dùng ví dụ “Học sinh vật cô Na” nếu
ngắt ở những chỗ khác nhau sẽ dẫn đến nghĩa khác nhau (Học/ sinh vật cô Na và Học sinh/ vật cô
Na) để chê lối viết rời các tiếng trong từ như hiện nay. Trong đoạn sau đây, tác giả vừa đưa ra lý
do, vừa viết mẫu cách viết liền từ hai, ba tiếng: “Lốiviết táchrời các từ trong một từ kép làm tăng
tính mấtchínhxác của câuchữ, khuyếnkhích tính chủquan thẩmđịnh, làm
giảm tốcđộ đọchiểu, làm tốnkém lưutrữ trên giấytờ vănbản hoặc trên các bộ nhớ điệntử,
làm khókhăn cho người nướcngoài học tiếng Việt” (TC Tia sáng 16/08/2011).
Các phương án trên thật khó chấp nhận, thậm chí nực cười. Vì như ta biết, chữ QN giai đoạn đầu
hình thành (giai đoạn tiền Alexandre Rhodes) cũng viết liền từ do mô phỏng các chữ châu Âu.
Phải qua một giai đoạn, các giáo sỹ phương Tây mới nhận rõ hơn đặc thù ngữ âm của tiếng Việt -
một thứ tiếng đơn âm, trong đó tiếng là đơn vị phát âm - thì mới viết rời thành từng chữ cho mỗi
tiếng (âm tiết). Viết rời từng tiếng khiến cho việc đọc, viết đều trở nên dễ dàng. Phải nói đó là
một sáng tạo độc đáo chứ không phải một hạn chế[9]. GS. Nguyễn Quang Hồng cũng từng khẳng
định: "Hẳn các vị khách quốc tế đầu tiên tiếp xúc với một văn bản chữ Việt Latin sẽ nhận ra
những nét đặc thù (…) và có lẽ không khỏi cảm thấy kinh dị. Thế nhưng, chính những điều có vẻ
kỳ quặc đó lại phản ánh khá sát, đúng và hợp lý những đặc điểm loại hình của bản thân tiếng
Việt"[10].
Alexandre Rhodes và những người kế tục tiếp tục hoàn thiện chữ QN đã chọn cách viết rời âm
tiết. Sự hợp lý đó được thử thách qua thời gian, đến nay đã là hiển nhiên. Có thể thấy các lý do
chính như sau:
- Viết liền từ vừa khó đọc vừa có thể đọc sai một số trường hợp: pháthành thành phá thành,
phátâmthành phá tâm,…
- Đối với tiếng Việt, đơn vị phát âm là tiếng (âm tiết) chứ không phải âm vị như các tiếng châu
Âu. Nếu các tiếng châu Âu bắt buộc phải phát âm đầy đủ các âm vị trong mỗi từ, kể cả phụ âm
đứng cuối từ, thì tiếng Việt chỉ phát âm duy nhất một lần cho mỗi tiếng. Dẫu có viết liền thì khi
đọc vẫn đọc rời từng tiếng. Cho nên viết liền từ là trái với ngữ âm tiếng Việt.
- Với tiếng Việt, đơn vị từ lỏng lẻo hơn nhiều so với đơn vị tiếng. Trước một tổ hợp gồm hai
tiếng, nhiều khi ta khó biết đó là hai từ đơn hay một từ phức. Nếu trước mỗi tổ hợp ấy khi viết lại
phải đau đầu suy nghĩ đây là một hay hai từ thì mệt quá, thậm chí là bất lực! Xem các sách báo
khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ XX, ta thấy cách dùng gạch nối chẳng giải quyết được điều gì
mà lại không thống nhất hoặc bỏ sót, chỉ thêm phức tạp.
3. Thành kiến có nhiều dấu phụ để ghi chữ cái và thanh điệu
So với bộ chữ cái Latin, chữ QN có 7 chữ cái thêm dấu phụ (ă, â, ê, đ, ô, ơ, ư) và 5 dấu ghi thanh
điệu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng), tổng cộng tất cả là 12 dấu phụ. Ngày trước, do phương tiện đánh máy
chữ thô sơ và kỹ thuật in ấn kém xa bây giờ, cho nên dấu phụ cũng ít nhiều gây khó khăn. Còn gần đây
do có máy vi tính để soạn văn bản, có máy in điện tử để in trực tiếp từ file dữ liệu, các khó khăn đó
không còn đáng kể.
Dấu phụ dù có gây ra ít nhiều phức tạp nhưng so với việc thay vào đó là các chữ cái thì việc dùng
dấu phụ vẫn đơn giản hơn nhiều. Các chữ cái có dấu phụ thường được đề xuất thay bằng một chữ cái
khác, ví dụ, đ thay bằng d (và như thế, d lại phải thay bằng z hoặc gi). Các chữ có dấu phụ còn lại
khó còn chữ cái nào để thay. Cho nên tác giả Nguyễn Hanh (2007) [11] đề xuất thay bằng chữ cái
“đúp”: â ® aa, ê ® ee, ô ® oo. Với chữ “có móc” thì ông đề xuất dùng chữ cái gốc + v: ă ® av;
ơ ®ov; ư ® uv.
Với dấu phụ ghi thanh điệu, Nguyễn Hanh đề xuất mỗi thanh điệu ghi bằng một chữ cái. Ví
dụ: ngày mai bão tố ® ngaymaif mai baox toos.
Phương án của ông Nguyễn Hanh chẳng đơn giản hóa mà lại phức tạp hóa, vì:
- Thay dấu phụ bằng một chữ cái và đặt vào cuối mỗi chữ thực ra chỉ là thỏa mãn tâm lý nhìn
cho giống chữ “Tây”, chứ về mặt giản tiện thì lại đổi một cái chỉ hơi phức tạp bằng một cái phức
tạp hơn nhiều lần.
- Thanh điệu, như ta biết, phủ lên toàn bộ tiếng (âm tiết), vì vậy thanh điệu đặt ở âm chính
(thường nằm ở giữa chữ) là phù hợp, giúp cho việc đọc được dễ dàng, tiện lợi hơn hẳn thanh điệu
được ký hiệu bằng một chữ cái và đặt ở cuối mỗi chữ. Thanh điệu đặt như thế sẽ phải đọc từng
chữ cái (ghi âm vị) rồi cuối cùng mới đọc đến dấu thanh (ghi thanh điệu), nó trái với đặc thù ngữ
âm tiếng Việt như đã nói ở trên. Xin nhấn mạnh thêm: tiếng (âm tiết) tiếng Việt là một khối âm
trọn vẹn, không thể chia cắt, khi đọc, các âm vị và thanh điệu trong một tiếng xuất hiện đồng
thời, phi tuyến tính, chứ không đọc từng âm vị theo trật tự tuyến tính như các tiếng châu Âu.
- Về thanh điệu, khảo sát bằng máy cho thấy thanh ngang có đường đi ngang; thanh huyền có
hướng đi xuống; thanh hỏi đi xuống rồi đi lên; thanh ngã đi xuống rồi vọt lên rất cao; thanh sắc
có hướng đi lên; thanh nặng hướng đi xuống và ở vị trí thấp nhất so với các thanh. Tiếng Việt
nghe "ríu rít như tiếng chim" trước người phương Tây là vì thế. Các hình dấu thanh như vậy phản
ánh một phần đặc trưng thanh điệu tiếng Việt. Thay dấu thanh bằng chữ cái và đặt ở cuối mỗi chữ
là bỏ qua một đặc trưng đồng thời cũng là vẻ đẹp của tiếng Việt và chữ QN.
Tổng hợp các đề xuất của ông Nguyễn Hanh, kết cục, trong nhiều trường hợp, một chữ phải thêm hai,
ba chữ cái và tất cả các chữ cái thay thế ấy đều được dồn ra cuối chữ. Ví dụ, thời sự ® thoivf suvf (từ
này cả thảy có 6 chữ cái nay thành 10 chữ cái). Sự phức tạp tăng lên nhiều lần.
4. Thành kiến chữ QN trông không được giống chữ “Tây”
Mọi đề xuất cải cách, ngoài lý do “tiện lợi”, có lẽ đều ít nhiều xuất phát từ mặc cảm: chữ QN
dùng chữ cái của “Tây” mà trông không được giống như chữ “Tây”!
Ví dụ, tác giả Nguyễn Hanh nói trên, sau khi tổng hợp các giải pháp của mình, đã tự hào vì kết
quả được một thứ chữ QN không có dấu phụ, rất giống chữ "Tây", thậm chí hơn cả Tây "cũ"
(châu Âu), sánh ngang với Tây "mới" (Mỹ). Ông viết: “Các văn bản thể hiện bằng chữ Việt
mới sẽ rất đẹp, rất rõ ràng và rất giống với các văn bản viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng
Tây Ban Nha… Nếu phát biểu một cách khôi hài thì chữ Việt kiểu mới sẽ nâng Việt Nam lên
ngang tầm các cường quốc trên thế giới, ít nhất là về mặt văn tự. Vì chỉ tiếng Mỹ, tiếng Anh mới
không có dấu, còn tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha vẫn có dấu. Đặc biệt tiếng Pháp có đến 4 dấu
giọng”[12].
Cách "nâng" Việt Nam lên hàng cường quốc như thế thật là ngớ ngẩn. Nga, Trung Quốc dùng
một hệ chữ không thuộc hệ Latin sao họ vẫn là cường quốc?
PHẦN II: BÁC BỎ NHỮNG NGỘ NHẬN
1. Ngộ nhận về tính “ưu việt” của chữ ghi âm và "dòng dõi Latin"
Nhiều người, kể cả một số nhà ngôn ngữ học, vẫn cho rằng chữ ghi âm là bước phát triển cao
hơn, tiến bộ hơn chữ ghi ý.
Ngộ nhận này có lẽ xuất phát từ tư tưởng "Dĩ Âu vi trung". Thực tế việc dân tộc ta bỏ chữ Hán là
vì “tiếng, chữ khác nhau”: chữ Hán là một thứ chữ ngoại lai, không ghi lại được tiếng nói của
người Việt Nam, chứ không phải vì bản thân chữ Hán kém cỏi. Chữ Nôm là chữ của dân tộc,
nhưng ở vào thời điểm ấy (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX)[13] cần "tăng tốc lịch sử" để hiện
đại hóa nhanh chóng đất nước thì chữ Nôm không thể đáp ứng, bởi vì: Cho đến lúc ấy chữ Nôm
vẫn chưa hoàn thiện và học chữ Nôm buộc phải biết chữ Hán. Chữ QN được chọn làm quốc ngữ,
ngoài tiện lợi, còn do bối cảnh lịch sử.
Chữ ghi âm hay ghi ý đều có ưu thế và hạn chế riêng. Vấn đề không phải chữ ghi âm hay ghi ý
ưu việt hơn mà trước hết là có phù hợp với ngữ âm của ngôn ngữ đó không. Cao Xuân Hạo trong
bài Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn cho rằng chữ viết ABC phản ánh cấu trúc các tiếng
châu Âu, không thích hợp với các tiếng đơn tiết như tiếng Việt, tiếng Hán. Tác giả lý giải cơ chế
dẫn đến sự phù hợp của chữ Hán đối với loại ngôn ngữ đơn tiết như sau: khi đọc đã thành thạo,
người ta không “đánh vần” mà nhận ra hình dáng chung của từ ngữ, gọi là gestalt (diện mạo tổng
quát). “Mỗi chữ Hán là một gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái Latin chắp thành một
hàng dài, không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ
Hán”[14].
Từ ý kiến của Cao Xuân Hạo đối với chữ Hán, chúng tôi suy nghĩ về trường hợp chữ QN. Về
nguyên lý, chữ QN thực ra cũng không phù hợp với tiếng Việt. Vì chữ cái Latin dùng để ghi rời
từng âm vị(khi đọc, mỗi từ là một chuỗi âm vị), trong khi tiếng Việt phát âm theo đơn vị tiếng
(âm tiết) một cách gọn ghẽ: một tiếng đầy đủ gồm âm đầu - âm đệm - âm chính - âm cuối thì
cũng chỉ phát âm một lần. Tuy nhiên, người Việt dùng chữ QN hầu như không vấp phải khó khăn
nào. Lý do vì sao hai thứ tiếng - chữ khác loại như thế mà lại "chung sống" được với nhau, cần
được nghiên cứu kỹ hơn nhưng bước đầu chúng tôi tạm thấy như sau:
- Những người chế tác chữ QN đã mạnh bạo bất chấp truyền thống các ngôn ngữ châu Âu ghi rời
âm vị để ghi âm tiết (tiếng) của tiếng Việt. Đồng thời cũng mạnh bạo bất chấp cách ghi các âm vị
theo đơn vị từ mà ghi theo đặc thù tiếng Việt, đó là tiếng (âm tiết). Và kết quả đã ra đời chữ QN
vừa dễ đọc, vừa dễ viết.
- Mỗi âm tiết (tiếng) gồm không nhiều các âm vị (tối đa là 4). Ví dụ, tiếng nguyên nhiều âm vị
nhất cũng chỉ gồm 4 âm vị: /ng-u-iê-n/ (thể hiện bằng 6 chữ cái); số chữ cái cũng không nhiều:
nhiều nhất như chữ nghiêng cũng chỉ gồm 7 chữ cái. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi chữ
(tương ứng một âm tiết) trở thành một gestalt. Khi đã thạo, không ai đọc kiểu “đánh vần” (đọc
từng âm vị như các tiếng châu Âu). Đọc chữ QN, về mặt phát âm là đọc nguyên khối âm tiết và
về thị giác là đọc cả hình ảnh (mặt chữ): mỗi chữ cũng có tính chất như một gestalt.
- Dấu ghi thanh điệu đặt trên hoặc dưới âm chính, do đó thường nằm ở vị trí giữa chữ, cũng giúp
cho mỗi gestalt được gọn ghẽ.
Ba điều trên đã làm cho mỗi chữ QN trở thành một gestalt, tuy không gọn ghẽ như loại chữ
"vuông" nhưng cũng không đến nỗi quá rườm rà. Do đó chữ QN, tuy dùng hệ chữ cái Latin
nhưng chung sống được với tiếng Việt, loại hình ngữ âm đơn tiết.
Nói cách khác, chữ QN trở thành văn tự chính thức của dân tộc chẳng phải nhờ tính ưu việt của
ký tự Latin mà trước hết là nhờ đặc thù của ngữ âm tiếng Việt, sau nữa do dùng cách ghi rời theo
đơn vị tiếng (mỗi tiếng - mỗi chữ) của truyền thống chữ Hán, chữ Nôm.
2. Ngộ nhận Việt Nam hội nhập sớm và “thoát Trung” nhờ chữ QN
Nhiều người nghĩ rằng do chữ QN mượn chữ cái Latin mà dân tộc ta đã hội nhập thế giới cách
đây hơn 300 năm. Không có căn cứ nào để nói như vậy, vì:
- Trong suốt 200 năm đầu, chữ QN hầu như chỉ lưu hành trong khu vực nhà thờ Cơ Đốc giáo và
cũng chỉ dùng vào việc truyền đạo.
- Trong các thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có một số quan hệ thương
mại với phương Tây, nhưng thông qua con đường Nhà nước, mà Nhà nước thì sử dụng chữ Hán,
do đó, chữ QN không liên quan gì đến công cuộc này.
- So với các nước trong khu vực thì Việt Nam hội nhập tương đối muộn (nếu lấy mốc ở thời điểm
nổi lên phong trào Duy Tân, đầu thế kỷ XX), ít nhất là đã sau Nhật Bản và Thái Lan, những nước
không sử dụng loại chữ viết mượn chữ cái Latin.
- Trong các ý kiến về khả năng hội nhập, còn có một sự nhầm lẫn nữa cho rằng Việt Nam sử
dụng chữ viết thuộc hệ Latin thì Việt Nam thuộc về cộng đồng văn hóa - ngôn ngữ Latin. Thực ra
việc mượn bộ chữ cái Latin không liên quan gì đến việc giao lưu, tiếp thu văn hóa - ngôn ngữ
Latin. Người phương Tây đến Việt Nam thì phải học tiếng Việt và chữ QN, cũng như đến Trung
Quốc thì phải học tiếng Trung và chữ Hán.
- Còn “thoát Trung” (văn hóa, tư tưởng, chính trị trong cái nôi Trung Hoa)? Thực tế Việt Nam cắt
đứt khoa cử chữ Hán và thoát khỏi quan hệ “thiên triều - phiên thuộc” với Trung Hoa do cuộc
xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, tức là hoàn toàn do vấn đề chính trị. Nhật Bản và Hàn
Quốc không sử dụng hệ chữ Latin mà vẫn “thoát Trung”. Nói cách khác, “thoát Trung” hay
không thuộc không phụ thuộc vào sử dụng văn tự gì.
THAY LỜI KẾT
Tất cả thành kiến lẫn ngộ nhận đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết đầy đủ về bản chất của chữ viết
nói chung, chữ QN nói riêng. Và sau sự thiếu hiểu biết là "tình cảm dân tộc" vị kỷ khiến cho cả
lòng tự hào hào lẫn tự ty đều không đúng.
Xét nhiều mặt, chữ QN như ngày nay, về cơ bản đã giản tiện và hợp lý, và quan trọng hơn, nó đã
ổn định. Một vài trường hợp hơi phức tạp nhưng không gây khó khăn gì đáng kể. Vì vậy thông
điệp của chúng tôi ở đây là: cho đến thời điểm này, không cần và không nên cải cách chữ QN.
Việc cần làm hiện nay là chuẩn hóa một số trường hợp chính tả chưa được hợp lý hoặc còn bỏ
ngỏ như đã nói.
Đ.T.T
[1] Trừ vài trường hợp đặc biệt như âm /k/ (cờ) và /z/ (giờ), để giản tiện và dễ hiểu chúng tôi không
dùng hệ ký tự ghi âm quốc tế (IPA) để thể hiện âm vị mà dùng ngay các chữ cái của chữ QN.
[2] Chú ý lau sau khác lao sao ở âm chính. Trong lau sau là /ă/ (a ngắn), trong lao sao là /a/ (a dài).
[3] Lý do có lẽ là: a) QĐ 1984 chủ yếu nói về chính tả tên riêng nước ngoài và thuật ngữ nước
ngoài nhưng sau đó không được thực hiện. b) QĐ 1980 phù hợp với quan niệm của đa số giới
ngôn ngữ học lúc đó, những người luôn định kiến về những “bất hợp lý” của chữ QN.
[4] Xem thêm: Đào Tiến Thi, Bàn tiếp về i (ngắn), y (dài), TC Ngôn ngữ và đời sống, số 12, 2010.
[5] Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, người Việt, văn Việt, NXB Trẻ, 2001.
[6] Cao Xuân Hạo, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Khoa học xã hội, 2006.
[7] Phân biệt “chữ” khác “chữ cái” (ký tự). Ví dụ, từ Quốc ngữ gồm 2 tiếng, được chi bằng hai
chữ: quốc và ngữ.
[8] Tạp chí Tia sáng, 16/08/2011.
[9] Xem thêm: Đào Tiến Thi, Chuyện tiếng Việt: Xin đừng vội vàng (Trao đổi với tác giả Hoàng
Hồng Minh về đề xuất viết liền từ tiếng Việt), Tạp chí Thế giới trong ta, số 1, 2012.
[10] Nguyễn Quang Hồng, Đặc điểm của chữ Việt Latinh trong quan hệ với đặc điểm của tiếng
Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1992.
[11] Nguyễn Hanh, Đề án về chữ Việt mới dùng cho thế kỷ XXI, Kỷ yếu hội thảo Ngữ học trẻ, 2007.
[12] Nguyễn Hanh, sđd.
[13] Xem thêm: Đào Tiến Thi, Chữ Quốc ngữ với các phong trào Duy Tân đất nước đầu thế kỷ
XX, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số Tết Mậu Tuất, 2018.
[14] Cao Xuân Hạo, sđd.

You might also like