Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 29

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

KHOA SƯ PHẠM

BÀI TẬP LỚN


HỌC PHẦN TIẾNG VIỆT

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Trần Thị Kim Chi


Sinh viên thực hiện: Vũ Thanh Vân
Mã sinh viên: 222000278
Lớp: GDTH D2022B

Hà Nội, tháng 3 năm 2024


MỤC LỤC
........................................................................................................................................... 1
1. Đặt vấn đề ........................................................................................................................... 1
2. Làm sáng tỏ và chứng minh nhận định. ................................................................................ 2
2.1. Nguồn gốc của Tiếng Việt................................................................................................. 2
2.2. Qúa trình phát triển của Tiếng Việt.................................................................................... 2
2.2.1. Tiếng Việt trong thời kỳ dựng nước. ............................................................................. 2
2.2.2. Tiếng Việt trong thời kì Bắc thuộc đến độc lập tự chủ (qua các triều đại phong kiến Việt
Nam). ............................................................................................................................... 3
2.2.3. Tiếng Việt trong thời kỳ Pháp thuộc. ............................................................................ 3
2.2.4. Tiếng Việt sau Cách mạng Tháng 8 đến nay. ................................................................. 4
2.3. Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp ............................................................................. 4
2.3.1. Tiếng Việt có sự đa dạng, phong phú về từ vựng và nét nghĩa ......................................... 4
2.3.2. Tiếng Việt có ngữ điệu vô cùng phong phú.................................................................... 7
2.3.3. Tiếng Việt có cấu trúc ngữ pháp ngày càng uyển chuyển, hoàn thiện và linh hoạt. ............ 9
2.4. Tiếng Việt giàu và đẹp vì gắn liền với đời sống sinh hoạt, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ
nước của dân tộc. .................................................................................................................10
2.5. Tiếng Việt giàu và đẹp qua những tác phẩm văn học của bậc thi nhân, anh tài. ......................15
2.6. Tiếng Việt trong thời đại ngày nay và trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. .........19
2.6.1. Thực trạng việc nói và viết Tiếng Việt thời nay của giới trẻ. ..........................................19
2.6.2. Trách nhiệm của giới trẻ nói riêng và người dân nói chung trong việc kế thừa, phát triển và
giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. ...................................................................................20
PHỤ LỤC ..............................................................................................................................22
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................................25
Đề bài:
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng
Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu
đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của
cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ Tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm,
màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn
ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…và những
nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất
cao về nghệ thuật”. Bằng những hiểu biết của mình về Tiếng Việt, anh chị hãy
chứng minh nhận định trên.
1. Đặt vấn đề
Trong tác phẩm “Những đôi dép”, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: "Tiếng nói của
một dân tộc là khúc hát của lịch sử, là bản giao hưởng của truyền thống. Nó mang
trong mình hồn quê hương, là nơi tập trung tinh thần, lòng yêu nước và lòng tự
hào dân tộc”. Cùng chung quan điểm với Nguyễn Tuân, Xuân Diệu cho rằng:"
Tiếng nói là ngôn ngữ của tâm hồn, là dấu ấn văn hóa sâu sắc của một dân tộc.
Nó không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nguồn cảm hứng và niềm tự hào
của mỗi người con Việt Nam”. Qủa đúng như vậy, tiếng nói không chỉ đơn thuần
là phương tiện giao tiếp giữa người với người mà còn là biểu tượng về bản sắc văn
hóa và dấu ấn riêng biệt của mỗi một dân tộc. Các quốc gia trên thế giới có thể có
cùng màu da, có chung một số đặc điểm văn hóa nhưng tiếng nói- hồn cốt của một
dân tộc- là điều không thể nhầm lẫn được.
Giữa một bản giao hưởng vô cùng phong phú và đa dạng của các ngôn ngữ trên
thế giới, Tiếng Việt giống như một viên ngọc tỏa sáng rực rỡ. Mỗi khi thanh âm
dân tộc ấy cất lên, ta không chỉ cảm nhận được sự ấm áp và gần gũi mà còn phát
hiện ra một thế giới biểu cảm vô cùng phong phú. Ta không khỏi trầm trồ trước
kho tàng từ vựng phong phú, trước những cấu trúc ngữ pháp linh hoạt, trước âm
điệu du dương trầm bổng và hình ảnh liên tưởng đầy tinh tế và đẹp đẽ. Khi nói về
ngôn ngữ dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng chia sẻ: “Tiếng Việt của
chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh
của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta
rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ Tiếng Việt là tiếng nói của
nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý
nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du…và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam
đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”. Như vậy có thể thấy rằng: Tiếng
Việt của chúng ta phong phú, đa dạng, đẹp đẽ và hàm chứa nhiều ý nghĩa. Điều
này xuất phát từ việc Tiếng Việt gắn liền với hơi thở của cuộc sống và nhân dân,
gắn liền với cuộc đấu tranh hàng ngàn năm lịch sử dựng nước- giữ nước của dân
tộc. Đồng thời, Tiếng Việt cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác, thi
ca và cũng chính nhờ một phần công lao không nhỏ của các bậc thi nhân, anh tài
mà Tiếng Việt ngày càng hoàn thiện và đạt đến đỉnh cao như ngày nay, tiêu biểu
có thể kể đến như Đại thi hào Nguyễn Du hay Danh nhân văn hóa Nguyễn
Trãi…Trong bài viết này sẽ lần lượt làm sáng tỏ và chứng minh hai luận điểm trên.

1
2. Làm sáng tỏ và chứng minh nhận định.
2.1. Nguồn gốc của Tiếng Việt
Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập- phân tiết tính, ngữ hệ Nam Á, dòng
Môn Khơ- me, nhánh Việt Mường.
Loại hình ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính là loại hình ngôn ngữ mà ý nghĩa cả các
từ và câu được truyền đạt chủ yếu thông qua việc sắp xếp các từ trong câu. Bên
cạnh Tiếng Việt thì tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Lào cũng là những ngôn ngữ
thuộc loại hình này. Giải thích cho việc Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn
lập- phân tiết tính là việc mỗi từ trong Tiếng Việt được viết và phát âm riêng lẻ, ý
nghĩa của từ phụ thuộc vào cấu trúc câu và việc sắp xếp trật tự câu. Ví dụ trong
câu: “Tôi đi làm” thì “tôi” là từ chỉ người, “đi” là từ chỉ hoạt động, “làm” cũng là
từ chỉ hoạt động do chủ thể là người nói thực hiện. Mặc dù không cần dùng đến
các phó từ hay từ ngữ hỗ trợ nào khác, chúng ta vẫn có thể hiểu được ý nghĩa mà
câu muốn truyền tải. Bên cạnh đó, ý nghĩa của câu nói được hiểu thông qua việc
sắp xếp các từ loại theo một thứ tự nhất định, chúng ta không thể viết là “Đi tôi
làm” hay “Đi làm tôi”.
Ngữ hệ Nam Á: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á (bao gồm
nhóm Việt -Mường, nhóm Lào-Thái, nhóm Khmer-Môn-Khmer, một số nhóm dân
tộc thiểu số khác) hay còn gọi là ngôn ngữ Đông Nam Á. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ
Nam Á nên mang một số đặc điểm chung của hệ ngữ này, tuy nhiên vẫn có những
nét riêng nhất định. So với các ngôn ngữ khác trong hệ ngôn ngữ Nam Á, Tiếng
Việt có hệ thống âm vị đơn giản và ít biến thể hơn. Sự đơn giản này thuận tiện cho
người học khi học và phát âm Tiếng Việt. Những ngôn ngữ trong cùng một ngữ hệ
thường có sự ảnh hưởng qua lại như việc vay mượn từ vựng.
2.2. Qúa trình phát triển của Tiếng Việt.
2.2.1. Tiếng Việt trong thời kỳ dựng nước.
-Tiếng Việt có lịch sử phát triển lâu đời cùng với nền văn minh lúa nước. Dưới
thời Âu Lạc, Tiếng Việt đã có kho từ vựng phong hú và những hình thức diễn đạt
uyển chuyển để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của xã hội.
-Vì cùng một ngữ hệ Nam Á nên khi so sánh Tiếng Việt với Tiếng Mường ta có
thể dễ dàng nhận ra một số nét tương đồng về ngữ âm, ngữ nghĩa của nhiều từ. Ví
dụ:
Tiếng Việt Tiếng Mường
Ngày Ngài
Trong Tlong
2
Nắng Rắng
-Theo các nhà nghiên cứu thì Tiếng Việt thời xưa chưa có thanh điệu, trong hệ
thống âm đầu ngoài phụ âm đơn còn có phụ âm kép.
-Trong quá trình giao thoa với nhiều dòng ngôn ngữ khác, Tiếng Việt đã sớm tạo
dựng được cơ sở vững chắc để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trước sự xâm
nhập của ồ ạt những ngôn ngữ, văn tự chữ Hán.

2.2.2. Tiếng Việt trong thời kì Bắc thuộc đến độc lập tự chủ (qua các triều đại
phong kiến Việt Nam).
- Đây là giai đoạn Tiếng Việt có sự tiếp xúc với Tiếng Hán diễn ra lâu dài và vô
cùng sâu rộng.
- Dưới chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc dẫn đến việc Tiếng Việt
bị chèn ép một cách vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, cũng chính khoảng thời gian này
là lúc nhân dân ta kiên cường đấu tranh để gìn giữ và phát triển tiếng nói của dân
tộc. Người dân vẫn tiếp tục truyền bá những truyền thống văn hóa của dân tộc
thông qua việc duy trì ca dao, tục ngữ và truyền kỳ. Việc sử dụng chữ Nôm đã
giúp nhân dân ta ghi chép và truyền bá kiến thức văn hóa, lịch sử của dân tộc. Các
trường học cũng vô cùng chú trọng trong việc duy trì và phát triển Tiếng Việt.
Không dừng lại ở đó, nhân dân ta cũng thể hiện sự tôn vinh và bảo tồn truyền
thống văn hóa dân tộc trong các tác phẩm văn học và thơ ca như “Truyện Kiều”
của Đại thi hào Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm khúc”.
- Cũng trong giai đoạn này, Tiếng Việt vay mượn Tiếng Hán khá nhiều. Xuất phát
từ việc bắt đầu từ thế kỉ XI, bên cạnh việc xây dựng và củng cố đất nước, các triều
đại cũng bắt đầu quan tâm đến việc Nho học được đề cao và giữ vị trí độc tôn.
Việc học ngôn ngữ - văn tự Hán được các triều đại Việt Nam chủ động đẩy mạnh.
Tuy nhiên việc vay mượn từ ngữ Hán diễn ra theo hướng Việt hóa có sự điều chỉnh
về mặt âm đọc, ý nghĩa và phạm vi sử dụng. Đặc biệt có nhiều từ chữ Hán được
dùng như một yếu tố để tạo ra nhiều từ ghép, khiến cho tiếng Việt ngày càng phong
phú, tinh tế và uyển chuyển.

2.2.3. Tiếng Việt trong thời kỳ Pháp thuộc.


- Dưới thời thực dân Pháp xâm lược, Tiếng Hán không còn nắm giữ địa vị chính
thống. Báo chí và sách vở được viết bằng chữ quốc ngữ đã ra đời với đa dạng các
thể loại đã xuất hiện và chiếm lĩnh vị trí của văn xuôi, thơ phú cổ điển chữ Hán.
Tuy nhiên Tiếng Việt của chúng ta vẫn bị chèn ép.
3
- Vào những năm 30 của thế kỷ XX, Phong trào “Thơ mới” với những hoạt động
sôi nổi của văn chương báo chí đã làm cho Tiếng Việt ngày càng trở nên phong
phú và tinh tế hơn. Một số tên tuổi tiêu biểu trong phong trào “Thơ mới” không
thể nhắc đến như Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, … Nhà phê bình văn học Hoài
Thanh đã tâm sự rằng: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia
sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt.
Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua”.
- Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đặc biệt sau khi bản “Đề cương văn
hóa Việt Nam” được công bố năm 1943, tiếng Việt càng tỏ rõ tính năng động và
tiềm năng phát triển.

2.2.4. Tiếng Việt sau Cách mạng Tháng 8 đến nay.


- Sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng
thì công cuộc xây dựng khoa học và chuẩn hóa Tiếng Việt ngày càng được tiến
hành một cách mạnh mẽ.
- Ngày 2/ 9/ 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do. Tiếng Việt được dùng ở mọi bậc
học.

2.3. Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp


2.3.1. Tiếng Việt có sự đa dạng, phong phú về từ vựng và nét nghĩa
Tiếng Việt có nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng một trạng thái, sự vật hiện
tượng. Ví dụ khi nói về trạng thái “yêu” chúng ta có rất nhiều từ ngữ miêu tả như:
“yêu thương”, “yêu mến”, “yêu quý”, “quý mến”, “thương yêu”.
Không chỉ vậy, trong kho tàng từ vựng Tiếng Việt có những từ ngữ có những nét
nghĩa giống nhau. Khi nói đến “xanh tươi” ta có những từ ngữ mang nét nghĩa
tương đồng như: “xanh mát”, “xanh biếc”, “xanh non”. Các từ này đều chỉ mức
độ xanh khác nhau nhưng có những nét tương đồng nhất định về nghĩa với từ
“xanh tươi”.
Xanh mát (ý chỉ một màu xanh gợi cảm giác mát mẻ và dễ chịu): Mùa xuân đến,
cây cối đâm chồi nảy lộc làm xanh mát cả một góc vườn.
Xanh biếc (màu xanh nhạt và trong suốt, gợi sự tinh khiết, thường xuất hiện trong
các cảnh vật liên quan đến biển và bầu trời): Mặt biển xanh biếc trải dài vô tận.
4
Xanh non (từ ngữ dùng để diễn tả màu xanh của cây cỏ trong những giai đoạn đầu
mới mọc): Luống rau mẹ tôi trồng hôm trước mới lên xanh non mơn mởn.
Tuy rằng cùng có những nét nghĩa tương đồng với nhau nhưng ta thấy trong một
số trường hợp các từ này không hoàn toàn có thể thay thế được cho nhau. Chúng
ta không thể nói: “Mặt biển xanh non trải dài vô tận” thay cho “Mặt biển xanh
biếc trải dài vô tận”. Nhưng trong trường hợp khác như: “Người dân quê tôi rất
hiền lành, chịu khó”, ta lại hoàn toàn có thể thay thế bằng một từ đồng nghĩa khác
như: “Người dân quê tôi rất hiền lành, chăm chỉ”.
Tiếng Việt không chỉ có sự đa dạng về từ vựng mà ngay với bản thân những từ
vựng có sự phong phú và đa dạng về nghĩa. Ví dụ về hiện tượng từ đồng âm khác
nghĩa trong câu sau: “Con ruồi đậu mâm xôi đậu”.
Cùng là một từ “đậu” nhưng đặt trong câu trên lại có 2 nét nghĩa khác nhau. Từ
đậu thứ nhất là chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật (chỉ hành động ở lại tạm thời
ở một vị trí nào đó); trong khi từ đậu thứ 2 là chỉ một loại hạt, thường sử dụng
trong chế biến món ăn như xôi, giá đỗ).
Hay trong một ví dụ khác: “Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con
ngựa”. Câu này có thể hiểu như sau: Con ngựa (thật) đá con ngựa (thật), con ngựa
đá (con ngựa làm bằng đá) không đá con ngựa (thật). Từ ‘đá” không chỉ là từ chỉ
hoạt động, trạng thái (là hoạt động đẩy hoặc đạp bằng chân) vừa là từ chỉ vật liệu
(được làm bằng đá).
Khác với ngôn ngữ khác, đặc biệt là Tiếng Anh khi chỉ có 2 ngôi là “you” (bạn –
ý chỉ người khác) và “me” (tôi) thì khi xưng hô ở Việt Nam lại có rất nhiều từ ngữ
liên quan đến các mối quan hệ họ hàng như: ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em.
Điều này vừa là một nét đặc trưng thú vị đồng thời cũng chính là một khó khăn
không nhỏ đối với người nước ngoài khi học Tiếng Việt.
Từ vựng trong Tiếng Việt còn có hiện tượng chuyển nghĩa- một từ vựng có thể
xuất hiện những nét nghĩa khác nhau dựa trên nét nghĩa gốc của từ. Ví dụ với từ
“cái chân”- “chân bàn”- “chân trời”. Theo nét nghĩa gốc từ “chân” trong “cái chân”
là chỉ một bộ phận của cơ thể con người, tiếp giáp với mặt đất và thực hiện hoạt
động di chuyển. Tuy nhiên xét trong trường hợp khi kết hợp với từ “bàn” và “trời”
thì lúc này nghĩa của từ chân không còn giống nghĩa gốc mà có sự thay đổi: Chân
trời mang nghĩa là ranh giới bề mặt của Trái Đất với bầu trời, còn chân bàn là chỉ
bộ phận tiếp giáp giữa bàn với mặt đất. Như vậy khi kết hợp với các từ khác nhau
thì từ chân xuất hiện thêm các nét nghĩa mới nhưng cùng xuất phát từ nét nghĩa
gốc là: bộ phận tiếp giáp giữa hai vật nào đó. Việc kết hợp một số từ vựng với các
từ khác có thể mở rộng ra những nét nghĩa khác của từ.
5
Bên cạnh đó, Tiếng Việt có sự phong phú và đa dạng một phần bởi sự khác biệt
độc đáo về văn hóa vùng miền hoặc thời kỳ nhất định. Mỗi địa phương, vùng miền
sẽ có những cách gọi khác nhau cho một sự vật, hiện tượng. Ví dụ cùng là gọi mẹ
nhưng mỗi miền sẽ có cách gọi khác nhau. Vào thời xưa, khi gọi mẹ người ta sẽ
có những cách gọi như: bu (Thái Bình), Bầm (Bắc Ninh), U (Hà Nam), Mạ (Huế),
Má (Nam Bộ). Trước năm 1975, người Hà Nội thường gọi mẹ là “mợ”, cha là
“cậu” còn những người ở khu vực Đồng bằng sông Hồng thường sẽ gọi là “bầm”
hoặc “u”. Đến thời nay, người miền Bắc chủ yếu gọi là “mẹ”, còn miền Nam là
“má”. Một số ví dụ khác như:
Miền Bắc Miền Nam
Qủa dứa Trái thơm
Bát cơm Chén cơm
Cá rán Cá chiên
Cái chăn Cái mền
Bẩn Dơ
Cái bút Cây viết
Đắt tiền Mắc tiền
Đón Rước
Đỗ (thi đỗ, đỗ xe) Đậu (thi đậu, đậu xe)
Bàn là Bàn ủi
Thắp nến Đốt đèn cầy
Nói khoác/ nói phét Nói xạo
Say Xỉn
Viết thư Viết thơ
Vỡ Bể
Ví Bóp

Sự khác biệt và độc đáo này góp phần khiến cho kho tàng từ ngữ của Tiếng Việt
ngày một rộng mở và phong phú hơn.
Cũng giống như những ngôn ngữ khác, Tiếng Việt gồm nhiều những chủ đề từ
vựng như từ vựng về chủ đề gia đình và mối quan hệ, địa lý và du lịch, các mùa
và thời tiết, giáo dục và học tập, nghề nghiệp và công việc. Dựa theo Từ điển Tiếng
Việt được biên soạn bởi Viện ngôn ngữ học - cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ hàng
đầu của Việt Nam – thì tính đến hiện tại có khoảng 36. 000 từ ngữ thông dụng và
được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, để biết chính xác có tất cả bao nhiêu từ
vựng Tiếng Việt quả là một bài toán khó bởi theo thời gian và sự hát triển không
ngừng của xã hội thì số lượng từ vựng ngày càng tăng lên.

6
2.3.2. Tiếng Việt có ngữ điệu vô cùng phong phú.
Có thể nói rằng, Tiếng Việt có một hệ thống nguyên âm, phụ âm vô cùng phong
phú. Vì có 6 thanh điệu (2 âm bình gồm thanh ngang và thanh huyền và 4 âm trắc
gồm sắc, hỏi, ngã, nặng) nên Tiếng Việt rất giàu hình tượng và tính nhạc. PGS.TS
Phạm Văn Tình đã từng nhận định: “Tiếng nói của người Việt là một thứ tiếng nói
mà ngôn ngữ gọi là đơn âm, vì thế cho nên nó có những cái biểu hiện đặc biệt
riêng. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, một trong những ngôn ngữ nhiều thanh điệu nhất
trên thế giới. Và người ta nói tiếng Việt lên bổng xuống trầm như hát và có thể nói
là thể hiện được mọi cung bậc tình cảm”. Thật vậy, ngữ điệu của Tiếng Việt phong
phú và đa dạng lần lượt thể hiện qua các từ ngữ đơn lẻ, qua cấu trúc câu văn. Ví
dụ với từ “yêu thương” được cấu tạo bởi hai thanh bằng với ngữ điệu nhẹ nhàng,
dịu dàng gợi lên cảm giác vô cùng thân thương, ấm áp. Trái lại, từ “quyết đoán”
gồm hai thanh trắc với âm hưởng mạnh mẽ, quyết liệt phản ánh đúng như ý nghĩa
mà nó thể hiện.
Đặc biệt trong Tiếng Việt có hệ thống từ láy miêu tả âm thanh, hình ảnh khiến cho
câu văn trở nên vô cùng sinh động và hấp dẫn. Hãy cũng phân tích câu văn sau:
"Trên cành cây, chim líu lo kêu, gió ru nhè nhẹ, lá rơi rụng êm đềm”. Hệ thống
các từ láy gợi tả âm thanh được sắp xếp một cách vô cùng hài hòa trong câu văn
tạo nên một cảnh vật rất nên thơ với âm thanh của chim thú, tự nhiên đan xen hòa
quyện với nhau. Một số từ láy có sức gợi tả cao như: rầm rập (miêu tả tiếng bước
chân nhanh mạnh của con người), róc rách (miêu tả tiếng nước chảy, thường là ở
các khe suối), rào rào (tiếng mưa rơi mạnh và liên tục), gầm gừ (âm thanh thể hiện
sự mạnh mẽ đầy uy lực, thường là của các loài động vật), lảo đảo (trạng thái không
cân bằng, thường chỉ người say rượu), huỳnh huỵch (miêu tả tiếng chạy)….Khi
đặt những từ này vào trong những ngữ cảnh cụ thể, nó sẽ đem lại tác dụng rất tốt
trong việc gợi tả âm thanh, khiến câu văn thêm phần sống động và người đọc có
thể hình dung được sự việc xảy ra trước mắt mình.
Bọn trẻ nô đùa, chạy rầm rập trên tầng.
Tiếng suối róc rách nghe thật bình yên.
Tôi ngồi trong nhà, nghe tiếng mưa rơi rào rào ngoài sân.
Con chó gầm gừ, tôi sợ hãi lui về sau.
Bác Ba đi hop hội đồng hương, vì uống quá nhiều rượu nên giờ đang bước đi lảo
đảo trên đường.

7
Giữa trưa, tiếng chạy huỳnh huỳnh của mấy bạn tầng trên làm tôi tỉnh giấc.
Không chỉ vậy, ngữ điệu có sự đa dạng và phong phú bởi Tiếng Việt có khả năng
biến đổi ngữ điệu của câu văn để diễn đạt những ý nghĩa khác nhau của câu nói
như câu hỏi, câu cảm, câu khiến hay đơn thuần chỉ là câu kể lại một sự việc nào
đó. Ví dụ cùng một câu: “Em ăn cơm đi” (Câu khiến, thể hiện yêu cầu, đề nghị
với ai đó) nhưng nếu có sự khác biệt trong việc lên giọng ở cuối câu sẽ khiến cho
ý nghĩa của câu nói thay đổi. “Em ăn cơm đi” là lời mời nhẹ nhàng, lịch sự đối với
người khác, nhưng “Em ăn cơm đi!” (kết hợp lên giọng ở cuối câu) giống như một
mệnh lệnh đưa ra và buộc người khác phải làm theo. Ta xét một ví dụ khác:
Câu “Bác ấy đang đi” biểu thị hành động trong hiện tại của một người, được nói
với ngữ điệu bình thường, chậm rãi.
Câu “Bác ấy đã đi rồi” lại diễn tả hành động của người đó đã hoàn thành, thể hiện
sự khẳng định chắc chắn.
Nhưng câu “Bác ấy đã đi rồi…” kết hợp với giọng buồn, ngắt quãng, bỏ lửng lại
biểu thị sự đau buồn, mất mát trước sự ra đi của một ai đó.
Trong Tiếng Việt sẽ có những Tiếng Việt có những nguyên âm và phụ âm đặc
trưng mà khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên những âm điệu êm dịu, dễ nghe. Chính
sự thanh thoát và lôi cuốn của ngôn từ ấy đã làm say đắm không ít lòng người.
Bản thân những người nước ngoài khi nghe Tiếng Việt đã cảm nhận như người
Việt đang hát bởi Tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính nhạc cao, lúc trầm, lúc bổng.
Điều này thể hiện qua những câu hò, câu ca dao dân ca đầy chất nhạc mà không
nơi đâu có được:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Hay trong một số tác phẩm thơ ca hiện đại, ngày nay đã được phổ nhạc như “Tây
Tiến” của nhà thơ Quang Dũng:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
8
2.3.3. Tiếng Việt có cấu trúc ngữ pháp ngày càng uyển chuyển, hoàn thiện và
linh hoạt.
Khác với ngôn ngữ khác, Tiếng Việt có khả năng thay đổi cấu trúc một cách linh
hoạt như thay đổi các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng từ.
Ví dụ như: “Vui lòng đến trước giờ họp 15 phút, mọi người!”. Trong câu này: vui
lòng đến trước giờ họp 15 phút” là thành phần vị ngữ, còn “mọi người” là chủ ngữ
của câu nói. Câu trên cũng có thể được viết thành: “Mọi người vui lòng đến trước
giờ họp 15 phút!”. Trái lại, một số ngôn ngữ khác có cách nói cố định, ví dụ như
Tiếng Anh: “Everyone please arrive 15 minutes before the meeting."
Sự thay đổi vị trí của các từ ngữ trong câu trong Tiếng Việt cũng có thể dẫn đến
những câu có ý nghĩa khác hẳn nhau. Ví dụ như cùng là các từ “Sao”, “nó”, “bảo”,
“đến”, “không”, người viết có thể viết ra được rất nhiều câu mang ý nghĩa khác
nhau. Ví dụ:
Bảo nó: Sao không đến?
Bảo nó: Không đến sao?
Bảo sao nó không đến.
Bảo nó, đến không sao!
Đến bảo nó: Không sao.
Đến không bảo nó sao?
Đến sao không bảo nó?
Có thể thấy rằng sự thay đổi vị trí các từ trong câu kết hợp cùng với ngữ điệu trong
giao tiếp khiến cho câu văn thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của nó. Bên cạnh việc linh
hoạt trong cấu trúc ngữ pháp, Tiếng Việt có có hệ thống dấu câu góp phần làm nên
sự đa dạng và linh hoạt trong cấu trúc ngữ pháp Tiếng Việt. Ví dụ xét trong một
câu chuyện vui “Trâu cày không được giết thịt”. Câu này rất dễ gây ra hiểu lầm
vì khi đặt dấu phẩy vào những vị trí khác nhau trong câu sẽ khiến ý nghĩa của câu
thay đổi. Khi viết: “Trâu cày, không được giết thịt!” ta sẽ hiểu là đây là một mệnh
lệnh được ban xuống rằng không được giết thịt trâu cày. Tuy nhiên khi viết: “Trâu
cày không được, giết thịt!” thì câu này lại có một nét nghĩa hoàn toàn đối lập với
câu trước: Trâu không cày được nữa thì có thể giết thịt.
Người ta vẫn thường hay nói đùa với nhau rằng: “Phong ba bão táp không bằng
ngữ pháp Việt Nam” quả thật là không sai. Tuy nhiên chính nhờ sự phong phú đa
dạng trong cấu trúc ngữ pháp, ngữ điệu và từ vựng lại khiến cho Tiếng Việt trở
9
thành một ngôn ngữ vô cùng tinh tế, linh loạt. Marko Nikolic- một nhà văn người
Serbia đã chia sẻ quan điểm của bản thân khi học Tiếng Việt trên trang báo điện
tử VnExpress như sau: “Tiếng Việt đã giúp tôi gắn bó và đắm mình vào văn hóa
của đất nước này ở một mức độ sâu hơn nhiều. Ngày nào tôi cũng sinh hoạt, đọc
báo chí, xem bản tin, lướt qua mạng xã hội bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, nó giúp
tôi tìm lại đam mê sáng tác viết lách, và năm ngoái tôi hoàn thành và xuất bản
''Phố Nhà Thờ'', tiểu thuyết đầu tiên do người nước ngoài viết bằng tiếng Việt”.

(Nhà văn người Serbia- Marko Nikolic và tác phẩm viết bằng Tiếng Việt “Phố Nhà Thờ của
ông)

Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ giàu có bởi sự đa dạng, phong phú mà còn
là một ngôn ngữ đẹp- một ngôn ngữ đủ sức mạnh vươn xa khỏi ranh giới lãnh thổ
của nó để lay động những tâm hồn con người. Ta thêm yêu, thêm trân quý Tiếng
Việt biết nhường nào!

2.4. Tiếng Việt giàu và đẹp vì gắn liền với đời sống sinh hoạt, quá trình đấu
tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Mặc dù chữ Quốc ngữ mới chính thức được công nhận và sử dụng như ngôn ngữ
chính thống của dân tộc và giữa thế kỷ XX thế nhưng tiếng nói của dân tộc ta đã
hình thành từ lâu và phát triển dần theo chặng đường phát triển của lịch sử. Tiếng
Việt giàu và đẹp bởi trước hết đó là sự kết tinh của một quá trình lao động, sản
xuất và chiến đấu không ngừng để tồn tại và để phát triển. Tiếng Việt hay chính là
tiếng nói đời sống nhân dân, của hồn cốt dân tộc. Điều này được thể hiện trong
những câu ca dao, tục ngữ, câu hò, những làn điệu dân ca.

10
Tục ngữ, ca dao rất giản dị, dễ hiểu và trong sáng vì nó là ngôn ngữ, là lối diễn đạt
của quần chúng. Tuy rằng được sinh ra trong đời sống lao động sản xuất của nhân
dân nhưng nhờ vào đặc tính truyền miệng mà ca dao tục ngữ ngày càng trở nên
tinh tế và chau chuốt. Người Việt Nam thường hay sử dụng ca dao, tục ngữ và
thành ngữ trong giao tiếp bởi đây là những cụm từ có cấu trúc cố định, ngắn gọn
và đặc biệt là truyền tải được những thông điệp sâu xa. Cuộc sống sản xuất lao
động là muôn màu muôn vẻ vì vậy thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng vô cùng đa
dạng và phong phú. Tục ngữ được chia thành: tục ngữ liên quan đến quan niệm về
thế giới tự nhiên, tục ngữ liên quan đến đời sống vật chất, tục ngữ về đời sống xã
hội, liên quan đến đời sống xã hội và những quan hệ nhân sinh. Dưới đây là một
số câu tục ngữ tiêu biểu và được sử dụng vô cùng thông dụng.
Nhóm tục ngữ liên quan đến quan điểm về thế giới tự nhiên:
1. Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân.
2. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
3. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
4. Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa.
5. Xanh nhà hơn già đồng.
Nhóm tục ngữ liên quan đến đời sống vật chất của con người
1. Đầu chép, mép trôi, môi mè, lườn trắm
2. Cần tái, cải nhừ.
3. Mua cá thì phải xem mang, người khôn xem lấy hai hàng tóc mai.
4. Trẻ muối cà, già muối dưa.
5. Chó treo, mèo đậy.
Nhóm tục ngữ liên quan đến đời sống xã hội:
1. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.
2. Một giọt máu đào, hơn ao nước lã.
3. Trẻ lên ba cả nhà học nói
4. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già
5. Trẻ trồng na, già trồng chuối.
Nhóm tục ngữ liên quan đến đời sống tinh thần và quan niệm nhân sinh
11
1. Trâu chết để da, người chết để tiếng.
2. Khôn cho người ta sợ
Dại cho người ta thương
Dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét.
3. Ăn nhạt mới biết thương mèo
4. Được chim bẻ ná, được cá quên cơm
5. Một câu nhịn, chín câu lành.
Hầu hết những tục ngữ này dều là kinh nghiệm trong lao động sản xuất của cha
ông ta, nhờ vào quan sát và tích lũy mà thành. Tục ngữ không chỉ là ghi chép, tích
lũy kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau mà từ lâu nó còn
trở thành những tư tưởng, bài học để bề trên răn dạy, bảo ban con cháu của mình.
Nó chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc, thấu hiểu vẹn toàn về cuộc sống,
tình yêu, lòng nhân ái giữa người với người trong cuộc sống. Đồng thời những ca
dao, tục ngữ cũng thể hiện rõ nét về sự thông thái của người dân Việt Nam. Dù
được viết dưới hình thức những câu văn vô cùng ngắn gọn nhưng hình ảnh mà nó
mang lại vô cùng sống động, từ ngữ được sử dụng có chọn lọc, tinh tế và hàm
chứa ý nghĩa sâu sắc. Khác với một tác phẩm văn học, một bài hát, ca dao tục ngữ
Việt Nam mang những giá trị vượt thời gian, thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc
sống và văn hóa của con người Việt Nam. Và chính Tiếng Việt – ngôn ngữ diệu
kỳ đã cấu thành nên những điều to lớn ấy.
Trong kho tàng văn học dân gian nói chung, có những câu ca dao giống như những
viên minh châu giữa đại dương, tỏa sáng lấp lánh:
“Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.

12
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”.
Với ngôn từ mộc mạc, giản đơn nhưng khi đọc người ta vẫn thấy được tình cảm
đôi lứa chốn thôn quê thật hạnh phúc nhưng cũng không kém phần thi vị. Hay
trong câu ca dao sau, khi đọc ta không khỏi ảnh lên trong lòng những nỗi buồn
man mác:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”
Bên cạnh các bài ca dao về lao động, người nông dân hay tình yêu đôi lứa thì còn
có những bài ca dao ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước mà mỗi lần đọc lên
ta lại cảm thấy yêu biết nhường nào Tiếng Việt thân thương:
“Trong đầm gi đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Bên cạnh lớp nghĩa nói về vẻ đẹp của hoa sen, câu ca dao trên còn là ẩn dụ để nói
về những phẩm chất cao quý, là bài học khuyên răn con người ta: Dù có ở trong
bất kì hoàn cảnh khó khăn nào (gần bùn) hãy luôn biết sống trong sạch, phấn đầu
vươn lên giống như cách hoa sen vươn mình lên mà không chút vấy bấn (chẳng
hôi tanh mùi bùn).
Hay trong bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

13
Bầu và bí đều là những loại rau củ quen thuộc với con người, nhưng đặt trong
chỉnh thể hai câu ca dao trên thì ta hiểu rằng người xưa muốn nhắn nhủ đến thế hệ
mai sau cần biết đoàn kết và yêu thương lẫn nhau. Tuy rằng là một lời răn dạy
nhưng lại vô cùng nhẹ nhàng và tinh tế. Không chỉ vậy khi đọc ca dao, ta như được
ngược dòng thời gian trở về quá khứ, đắm mình trong dòng chảy của lịch sử:
“Nhớ xưa đương thuở triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nổi ra kỳ tài
Lên ba đang tuổi anh hài
Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền
Một phen khói lửa dẹp yên
Sóc Sơn nhẹ gót thần tiên lên trời”.
Khi còn ấu thơ, ai mà chẳng có lần được nghe về Sự tích Thánh Gióng đánh đuổi
giặc Ân rồi hóa phép bay về trời. Thế nhưng, sao qua lời ca dao này ta lại cảm
thấy tự hào biết mấy, trong lòng như hừng hực khí thế, nối gót cha ông bảo vệ Tổ
quốc, xây đắp giang sơn đẹp giàu đến muôn đời về sau.
Sở dĩ nói rằng Tiếng Việt đẹp là bởi vì tâm hồn của con người Việt Nam rất đẹp.
Họ dành tình yêu cho thiên nhiên, cho con người cho đất nước và gửi lại nó vào
câu chữ. Để mỗi khi câu nói ấy vang lên, ta lại thổn thức, suy ngẫm và không khỏi
thốt lên rằng: “
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cả lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”
(Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

14
2.5. Tiếng Việt giàu và đẹp qua những tác phẩm văn học của bậc thi nhân, anh
tài.
Có ai đó từng nói rằng: "Văn học dân gian là nguồn cảm hứng bất tận, là một
dòng suối nguồn của sự sáng tạo và tinh thần nhân văn, không bao giờ cạn kiệt
trong lòng những tâm hồn sáng tạo”. Thật không sai khi nói như vậy. Những bài
ca dao, những điệu hò, những thành ngữ tục ngữ đó chính là đời sống tâm hồn tình
cảm của người Việt – cũng là những chiếc nôi nuôi dưỡng tài năng và nguồn cảm
hứng văn học của các bậc thi nhân, những anh tài trên đất nước. Những nhà văn
lớn của nền văn học Việt Nam từ trung đại cho đến hiện đại đều chịu ảnh hưởng
khá nhiều từ tục ngữ, ca dao dân ca…. tuy nhiên họ đã đưa Tiếng Việt lên một
mức nghệ thuật, vô cùng tinh tế và tài hoa.
Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những người có sử dụng vô cùng sáng tạo
ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật dân gian. Nếu trong dân gian, khi nói đến nỗi
thương nhớ người ở nơi xa vắng ca dao nói:
“…Ai ơi muôn dặm non sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy”.
Đển lượt Nguyễn Du, ông đã miêu tả nỗi nhớ nhung sầu não của chàng Kim khi
nhớ đến Thúy Kiều:
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!”
Ba thu ở đây là một điển tích, điển cố. Ý nói của hai câu thơ trên là: Kim Trọng
khi tương tư, nhớ nhung Thúy Kiều thì cho dù là một ngày không gặp mặt cũng
tựa hồ như đã trải qua một khoảng thời gian dài đằng đẵng.
Người ta đọc và say mê “Truyện Kiều” không chỉ bởi tính nhân đạo của tác giả
dành cho nhân vật, không chỉ bởi thương cảm cho số phận những kiếp người lênh
đênh đoạn trường mà còn do bị thu hút bởi lối dùng từ chính xác và vô cùng đắt
của Nguyễn Du. Ông thường sử dụng những từ ngữ mang phong cách khẩu ngữ,
phong vị ca dao, tục ngữ. Đặc biệt chính nhờ sự chắt lọc tinh tế của Tiếng Việt và
tiếng nói riêng biệt của quê hương xứ Nghệ đã là nên nét đẹp của những vần thơ
lục bát trong Truyện Kiều. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du vô cùng dụng công
trong việc sử dụng một cách sáng tạo những thành ngữ, tục ngữ Tiếng Việt như:
“Phũ phàng chi bấy hóa công
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”

15
Ta không khỏi nhớ đến câu ca dao:
“Con cò lặn lội bờ sông

Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha.


Em về méch mệ cùng cha
Chợ trưa, dưa héo nghĩ mà buồn ru”
Lời thơ trên là tác giả đang mượn lời của Thúy Kiều để than thở về sự bất công,
ngang trái trong số phận của người phụ nữ trong thời đại phong kiến.
Không chỉ vận dụng sáng tạo và linh hoạt vốn từ vựng Tiếng Việt, ca dao dân ca
tục ngữ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn đưa Tiếng Việt lên một tầm cao mới
khi tạo ra những ngôn từ mới mà theo như GS. Trần Đình Sử đã nhận định là
những ngôn ngữ ý tượng – loại hình ảnh chỉ nảy sinh trong tâm tưởng, không phải
là hình ảnh sao chép thực tại, mang cảm quan riêng của người tạo ra nó. Vì sao lại
có nhận định này? Hãy cùng đọc những câu thơ sau trong Truyện Kiều:
“Thờ ơ gió trúc mưa mai
Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân”
Hay:
“Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.”
Khi nói về gió, thơ Nguyễn Du có: “gió mưa, gió trăn, gió trúc mưa mai, gió tựa
hoa kề, gió tủi mưa sầu” …Lúc nói về tấm lòng thì có biết bao nhiêu không kể
xiết: “tấm riêng, tấm yêu, tấm son, tấm thành hoặc tấc cỏ, tấc riêng, tấc son, tấc
lòng” …Và cõ lẽ cũng chính ông là người đầu tiên cho ta biết thêm một nét mới
trong Tiếng Việt là “mùi nhớ”:
“Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình".
Không chỉ vậy, Nguyễn Du nhiều lần dùng Tiếng Việt làm cọ vẽ, sự tài hoa điêu
luyện của mình làm màu sắc để họa lên những bức tranh phong cảnh tuyệt sắc:
“Long lanh đáy nước in trời
16
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”
Và:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
Mỗi một câu thơ đều mang trong đó dáng hình của bầu trời, mặt nước, muôn hoa
thật sinh động và tràn ngập màu sắc, âm thanh. Tài năng của Đại thi hào Nguyễn
Du quả giống như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc.
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.”
Nhắc đến công lao đưa Tiếng Việt phát triển lên một tầm cao mới không thể không
nhắc đến Danh nhân Nguyễn Trãi với tác phẩm “Quốc Âm thi tập”. Cố GS. Hoàng
Tuệ từng nhấn mạnh về công lao của Nguyễn Trãi: "Cống hiến của Nguyễn Trãi
đối với tiếng Việt, đó là cống hiến thực lớn lao. Nếu như về tiếng Việt, đầu thế kỉ
XIX, Nguyễn Du đã tạo nên được niềm tự hào, thì ở thế kỉ XV, điều mà Nguyễn
Trãi đã xây dựng nên được, là niềm tin". Trước hết, Nguyễn Trãi đã thể hiện bản
lĩnh đấu tranh bảo vệ nền văn hiến lâu đời của dân tộc thông qua việc quý trọng
và đề cao chất liệu của chữ Nôm. Trong tác phẩm của ông về bộ phận từ vựng và
ngữ pháp sử dụng đều là Tiếng Việt, đáng chú ý nhất là các hư từ và ngữ điệu.
Trong “Quốc âm thi tập”, tục ngữ rất được ưa chuộng và đề cao. Nguyễn Trãi đã
xử lý các điển tích, điển cố trong văn học cổ Trung Quốc bằng cách thổi vào đó
cái hồn của những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Hay nói theo một
cách khác là ông đã Việt hoá những phần vay mượn từ chữ Hán. Ví dụ thay vì sử
dụng lối nói: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (nghĩa là:
lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ - Phạm Văn Chính).
Nguyễn Trãi đã diễn đạt ý đó bằng hai câu sau trong bài “Ngôn chí” (bài 18):
“Ta ắt bằng lòng Văn Chính nữa
Vui sơ chẳng quản đeo âu”
Hay:
“Lòng người tựa mặt ai ai khác
Sự thế bằng cờ bước bước nghèo”.
(Mạn thuật - bài 10).

17
Đại ý của câu trên tương tự với nghĩa của câu: “Trông mặt mà bắt hình dong” (Mọi
cảm xúc, ý nghĩ sẽ thổ lộ ra ngoài dựa vào nét mặt). Tuy nhiên thay vì sử dụng
cách nói: “Nhân tâm chi bất đồng như kỳ diện yên”, Nguyễn Trãi lại bày tỏ bằng
ngôn ngữ dân tộc trong tác phẩm của mình.
Tập thơ “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi ra đời đã giúp cho Tiếng Việt đi vào
cuộc sống của nhân dân, tạo bước đột phá trong việc sử dụng Tiếng Việt trong văn
học dân tộc. Nguyễn Trãi đã sử dụng chất liệu tục ngữ, ca dao dân ca trong các đa
phần các sáng tác của mình. Ví dụ như:
Người xưa nói: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Nguyễn Trãi viết: “Thế sự dầu ai hay buộc bện/Sen nào có bén trong lầm”
Nhà thơ đã cho chúng ta một bài học rằng muốn an nhiên trước mọi thế sự trong
cuộc sống thì trước tiên tâm phải thật vững chãi.
Người xưa nói: “Bể sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Nguyễn Trãi viết: “Dễ hay ruột bể sâu cạn/ Khôn biết lòng người ngắn dài”.
Nền văn học Việt Nam, từ trung đại cho đến hiện đại đều có những con người tài
hoa, làm cho ngôn ngữ dân tộc phát triển lên một tầm cao mới. Nguyễn Tuân- một
con người suốt đời đi tìm cái đẹp- cũng là một người có công không nhỏ trong
hành trình ấy. Khi đọc “Người lái đò sông Đà” hẳn ai cũng sẽ phải trầm trò, nể
phục Nguyễn Tuân bởi tài năng dùng từ trong tác phẩm của ông: “Lại như quãng
Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên song bỗng có những cái hút nước giống
như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở
và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy; cũng đang quay lừ
lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy,
thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga
cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực”. Hay trong
một đoạn khác: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc
lên như vừa rót dầu sôi vào”, “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại
như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống
lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa
nổ lửa…” Đọc đến đây ta không chỉ cảm nhận được sự hồi hộp gay cấn theo từng
lời văn câu chữ. Thế nhưng ta cũng không khỏi cảm thán tài năng dùng từ của ông
bởi lẽ ông dùng từ ngữ quá chính xác, quá phù hợp đến nỗi ta cảm thấy mọi thứ
đang diễn ra trước mắt mình chứ không hề đang nghe qua lời kể lại của ai đó, một
cảm giác vô cùng chân thực và sống động. Đối với nhà văn Nguyễn Tuân, ông
luôn tâm niệm rằng: “Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc
18
ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng
ngân vang hưởng của nó”. Qủa thực như vậy, ông đã chứng minh mình là một nhà
văn tâm huyết và tận tụy qua việc chọn lựa kỹ lưỡng, chắt lọc những tinh túy của
ngôn ngữ để làm nên những tác phẩm tuyệt vời.
2.6. Tiếng Việt trong thời đại ngày nay và trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của
Tiếng Việt.
2.6.1. Thực trạng việc nói và viết Tiếng Việt thời nay của giới trẻ.
Khi xã hội phát triển, con người có điều kiện tìm hiểu và khám phá văn hóa của
các quốc gia khác trên thế giới cũng là lúc diễn ra sự giao thoa giữa những ngôn
ngữ với nhau. Điều này vừa mang đến những lợi ích nhưng đồng thời cũng ẩn
chứa những nhược điểm nhất định. Việc học hỏi, trao đổi và giao lưu văn hóa,
ngôn ngữ giữa các quốc gia sẽ làm tăng tình cảm hữu nghị, củng cố đoàn kết đảm
bảo hòa bình và phát triển bền vững giữa các nước. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn
đến việc Tiếng Việt đang được nói và viết không đúng chuẩn mực.
Hiện nay nhiều người, trong đó chủ yếu là giới trẻ đang sử dụng Tiếng Việt chưa
chuẩn mực. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Giới trẻ thường hay có lối nói chêm xen những từ ngoại ngữ vào trong câu nói của
mình. Ví dụ, thay vì nói: “Cậu đọc tin nhắn thì gọi điện cho tớ nhé!”, họ sẽ nói
rằng: “Cậu check inbox thì call/ phone cho tớ nhé!”
Nguyên nhân cho việc này xuất phát từ thực tế học cảm thấy có những từ tiếng
Anh ngắn gọn có thể thay thế cho từ Tiếng Việt khác: mail (thư điện tử), Bye (Tạm
biệt), copy (sao chép), menu (thực đơn), check (kiểm tra), update (cập nhật), post
(đăng tải nội dung/ bức ảnh lên mạng xã hội)….Bên cạnh đó họ có lẽ sẽ cảm thấy
cách nói chêm xen này chứng tỏ họ là một người biết ngoại ngữ, sẽ sang hơn.
Nhưng có lẽ họ không biết rằng việc nói chêm xen như vậy gây cho những người
đối thoại với họ một cảm giác không mấy dễ chịu bởi một ngôn ngữ nửa tây nửa
ta. Đó còn chưa nói đến việc có thể người đối thoại của họ có thể không biết ngoại
ngữ và việc này sẽ khiến cho cuôc đối thoại gặp nhiều trở ngại và không đáp ứng
được nhu cầu giao tiếp mong muốn.
Tuy nhiên vấn đề chêm xen ngoại ngữ trong lời nói có lẽ chưa là gì so với một bài
toán nan giải hơn hiện nay- việc sử dụng teencode (một thuật ngữ chỉ những ngôn
ngữ được sáng tạo và sử dụng chủ yếu bởi giới trẻ). Một số từ ngữ mà giới trẻ
ngày nay đang sử dụng:
Teencode Từ viết đúng chính tả
Khum Không
19
U là trời Trời ơi
No star where Không sao đâu
Những từ này thường được viết bằng cách đọc lái đi hoặc mượn từ tiếng nước
ngoài. Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả, có những từ ngữ còn được biến tấu phức
tạp đến nỗi mà nếu không được những bạn trẻ “phiên dịch” lại thì chắc có lẽ sẽ
không bao giờ có thể hiểu ra được:
Teencode Từ viết đúng chính tả
J z tr Gì vậy trời?
Trmúa hmề Chúa hề
Mlem mlem Ngon
Những ngôn ngữ này xuất phát từ phần lớn những hiện tượng mạng xã hội, sau
khi được chia sẻ nhanh chóng trở thành trào lưu và mọi người bắt đầu dùng nó
nhiều hơn trong các cuộc trò truyện thông qua ứng dụng Messenger, Instagram
hay Zalo.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô
cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng
nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (Trích trong bài nói chuyện tại Đại
hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962).
Phải chăng hiện nay giới trẻ hiện nay không những chưa thể đảm đương trách
nhiệm đưa tiếng Việt trỏ nên rộng rãi mà còn đang khiến cho Tiếng Việt mất dần
đi sự trong sáng, đẹp đẽ vốn có của nó?

2.6.2. Trách nhiệm của giới trẻ nói riêng và người dân nói chung trong việc kế
thừa, phát triển và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt chính là việc giữ gìn và đảm bảo những quy
tắc chung của Tiếng Việt, sáng tạo theo nguyên tắc, không pha tạp ngôn ngữ khác
vào tiếng Việt. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự chung tay, hợp sức từ mỗi
một người dân không riêng một lực lượng hay tổ chức nào:
- Cần thẩm định, phê duyệt nghiêm chỉnh, xóa bỏ hay thu hồi những ấn phẩm, tài
liệu, phương tiện thông tin đại chúng có biểu hiện thiếu chuẩn mực trong Tiếng
Việt.
- Cần tránh hiện tượng lạm dụng ngoại ngữ, từ mượn tiếng nước ngoài, tiếp thu
thông tin một cách có chọn lọc. Tiếp cận tiếng nước ngoài một cách có văn mình.

20
- Thường xuyên trau dồi vốn từ vựng thông qua việc luyện nói, luyện viết; tránh
dùng những từ ngữ thô thiển, kích động, cần cân nhắc lựa chọn phù hợp trước khi
nói, cần biết xin lỗi khi làm sai và cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ.
- Truyền bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vẻ đẹp ngôn ngữ của Tiếng Việt thông
qua các ấn phẩm sách báo lành mạnh, các tác phẩm văn học nổi tiếng

21
PHỤ LỤC
(Các hoạt động kế thừa phát huy và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt)

(Hoạt động học tập và vui chơi bên ngoài lớp với trò chơi dân gian tạo điều kiện cho học sinh
trao đổi, giao tiếp với nhau bằng Tiếng Việt một cách mạnh dạn hơn)
(Một lớp học xóa mù chữ của người Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh)

(Một lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ở Đăk Nông)
(Hoạt động trưng bày SGK phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ: 1957, 1981, 2002, 2020; sách
giáo khoa Việt Nam, quốc tế).

(Bộ sách “Chào Tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình tiếng
Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tham khảo từ sách, báo:
[1]. Lê A- Đỗ Xuân Thảo, Giáo trình Tiếng Việt 1 (Giáo trình Đào tạo Cử nhân
Giáo dục Tiểu học), NXB Đại học Sư Phạm.
[2]. Mùi Thị Diệu Thúy (2022), “Vì sao nói: Tiếng Việt giàu và đẹp. Phân tích bản
sắc tiếng Việt qua một sáng tác văn học dân gian hoặc văn học viết Việt Nam”,
Tiểu luận Cơ sở Tiếng Việt 2.
[3]. Mã Giang Lân (2014), Tục ngữ Ca Dao Việt Nam, NXB Văn học.
[4]. Phan Hồng Liên (2010), Tiếng Việt- những dấu ấn văn hóa, NXB Hà Nội.
Một số nguồn tham khảo từ các trang web khác:
https://quantrimang.com/cuoc-song/su-khac-nhau-trong-ngon-ngu-bac-nam-
177473
https://theki.vn/chung-minh-tieng-viet-ta-rat-giau-va-dep-7683-2/#gsc.tab=0
https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-
20230302214014512.htm
https://loigiaihay.com/viet-mot-bai-van-chung-minh-tieng-viet-la-mot-thu-tieng-
giau-va-dep-c36a529.html
http://hatinh.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tieng-viet-trong-truyen-kieu-lung-linh-
huong-am-xu-nghe-hong.html
https://tailieuthamkhao.com/tinh-khau-ngu-trong-tho-nom-nguyen-trai-2-64965
https://daihoctantrao.edu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/suy-ngam-ve-phuong-thuc-
ung-xu-cua-nguyen-trai-qua-quoc-am-thi-tap-1014.html
https://hocvanchihien.com/Vn/VE-DEP-NGON-NGU-QUA-TAC-PHAM-CHU-
NGUOI-TU-TU-VA-NGUOI-LAI-DO-SONG-DA--News-2957
https://www.tuyengiao.vn/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-trong-boi-canh-
toan-cau-hoa-148975
https://tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-
/2018/41841/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-la-trach-nhiem-cua-moi-
nguoi.aspx
https://hanoimoi.vn/dem-ngon-ngu-nuoc-ngoai-trong-cau-noi-nhung-bieu-hien-
lech-chuan-638376.html

You might also like