Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 124

Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ môn Tổ chức – Quản lý y tế

Giáo trình giảng dạy đại học

Theo dõi, lượng giá


các chương trình y tế

Chủ biên: PGS. TS. Tô Gia Kiên

Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2023


CHỦ BIÊN

PGS.TS. Tô Gia Kiên

THAM GIA BIÊN SOẠN

PGS. TS. Tô Gia Kiên

ThS. BS. Hồ Tất Bằng

ThS. Nguyễn Thành Luân

ThS. BS. Lê Hồng Phước

THƯ KÝ BIÊN SOẠN

ThS. BS. Lê Hồng Phước


LỜI NÓI ĐẦU

Theo dõi, giám sát và lượng giá (Monitoring and Evaluation (M&E)) các chương
trình, dự án là khái niệm quan trọng và là cấu thành quan trọng của mọi chương trình,
dự án y tế. Giám sát không thể thiếu Lượng giá. Trong quá trình lượng giá, thông tin từ
hoạt động giám sát được sử dụng để hiểu cách thức mà dự án hoặc chương trình đã phát
triển và thúc đẩy sự thay đổi để đạt được mục tiêu của chương trình, dự án.

M&E là công cụ quan trọng khi cung cấp dữ liệu để giúp các bên liên quan hiểu rõ
hơn về dự án, chương trình chăm sóc sức khỏe. M&E là quá trình thu thập, phân tích và
giải thích dữ liệu thu thập được nhằm tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa nguồn lực,
quá trình thực hiện, đầu ra, tác động và kết quả của dự án, chương trình. M&E không
phải là một công cụ kiểm soát mà là công cụ hỗ trợ giúp các nhà quản lý và người thực
hiện các chương trình, dự án đạt được hiệu quả tối ưu.

Quyển giáo trình này được biên soạn nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng giúp
người đọc hiểu được công cụ M&E và có thể triển khai M&E cho các chương trình, dự
án chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Giáo trình được biên soạn dựa trên đề cương chi
tiết của học phần Theo dõi, Giám sát, Lượng giá các chương trình y tế của sinh viên Cử
nhân Y tế công cộng và Bác sĩ Y học dự phòng. Do đó, giáo trình được sử dụng chủ yếu
cho giảng dạy Cử nhân Y tế công cộng, bác sĩ Y học dự phòng và sinh viên các ngành
khoa học sức khỏe khác.

Quyển giáo trình này được Bộ môn Tổ chức – Quản lý y tế biên soạn lần đầu, chắc
chắn sẽ gặp nhiều thiếu sót. Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của quý
đọc giả và đồng nghiệp để có thể hoàn thiện quyển giáo trình này trong những lần tái
bản tiếp theo.

Thay mặt nhóm biên soạn

PGS.TS. TÔ GIA KIÊN

i
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG GIÁO TRÌNH

Theo dõi, giám sát, đánh giá là học phần tự chọn quan trọng đối với sinh viên Cử
nhân Y tế công cộng và Bác sĩ Y học dự phòng và sinh viên các ngành khoa học sức
khỏe khác. Giáo trình này cũng là tài liệu tham khảo cho học viên sau đại học và tài liệu
giảng dạy tham khảo cho các giảng viên.

Giáo trình gồm 08 bài, nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức về các khái niệm, các
hoạt động trọng tâm và các hoạt động có liên quan đến việc theo dõi và lượng giá một
chương trình, dự án y tế. Giáo trình này được cấu trúc bắt đầu bằng việc giới thiệu tổng
quan về lượng giá, sau đó cung cấp tuần tự các kiến thức cần thiết để sinh viên hiểu và
thực hiện được các hoạt động chính của một quy trình theo dõi, giám sát, lượng giá
chương trình, dự án y tế. Để sử dụng giáo trình đạt hiệu quả cao nhất, người đọc nên
đọc theo thứ tự các bài trong giáo trình và theo định hướng của mục tiêu bài học. Tuy
nhiên, người đọc cũng có thể đọc theo từng chủ đề mà mình quan tâm.

Mỗi bài học được xây dựng bao gồm mục tiêu và nội dung bài học. Tất cả các bài
đều có tài liệu tham khảo giúp sinh viên có thể tìm và đọc thêm, và cuối mỗi bài có các
câu hỏi trắc nghiệm để sinh viên đánh giá lại kiến thức về bài học. Bên cạnh đó, giáo
trình còn có các nội dung thực hành với những bài tập tình huống và các gợi ý nhằm
giúp sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào trong thực tế cũng như nâng cao kỹ
năng thực hành. Giáo trình cũng có phần mục lục và các chỉ mục giúp sinh viên thuận
tiện trong việc tra cứu các thuật ngữ chuyên ngành.

Thay mặt nhóm biên soạn

PGS.TS. TÔ GIA KIÊN

ii
MỤC LỤC

Lời nói đầu ....................................................................................................................... i


Hướng dẫn sử dụng giáo trình ........................................................................................ ii
Mục lục .......................................................................................................................... iii
Danh mục đối chiếu thuật ngữ Anh – Việt .................................................................... iv
Danh mục các hình......................................................................................................... vi
Danh mục các bảng ....................................................................................................... vii
Bài 1. Giới thiệu về lượng giá ......................................................................................... 1
ThS. BS. Hồ Tất Bằng, PGS. TS. Tô Gia Kiên

Bài 2. Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng ............................................................... 16
ThS. BS. Lê Hồng Phước, PGS. TS. Tô Gia Kiên

Bài 3. Khung lượng giá chương trình y tế .................................................................... 40


ThS. BS. Hồ Tất Bằng

Bài 4. Các loại thiết kế lượng giá.................................................................................. 56


PGS. TS. Tô Gia Kiên

Bài 5. Câu hỏi, chỉ số lượng giá .................................................................................... 70


ThS. BS. Lê Hồng Phước, PGS. TS. Tô Gia Kiên

Bài 6. Lập kế hoạch lượng giá chương trình y tế.......................................................... 85


ThS. Nguyễn Thành Luân

Bài 7. Thực hành đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ............................. 94
ThS. Lê Hồng Phước, PGS. TS. Tô Gia Kiên

Bài 8. Thực hành xây dựng câu hỏi, chỉ số lượng giá .................................................. 99
PGS. TS. Tô Gia Kiên

Chỉ mục ....................................................................................................................... 114

iii
DANH MỤC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ ANH – VIỆT

Tiếng Anh Tiếng Việt


Assessment Đánh giá
Basic priority rating system (BPRS) Hệ thống phân loại ưu tiên cơ bản
Centers for Disease Control and Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch
Prevention (CDC) bệnh
Community health need assessment Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng
Cost analysis Phân tích chi phí
Cost-benefit analysis Phân tích chi phí – lợi ích
Cost-effectiveness analysis Phân tích chi phí – hiệu quả
Cost-utility analysis Phân tích chi phí – hài lòng
Evaluation Lượng giá
Experimental design Thiết kế thực nghiệm
External validity Giá trị bên ngoài
Formative evaluation Lượng giá ban đầu
Health needs assessment Đánh giá nhu cầu sức khỏe
Healthcare need Nhu cầu chăm sóc y tế
Internal validity Giá trị bên trong
Need assessment Đánh giá nhu cầu
Overall priority rating system (OPRS) Hệ thống phân loại ưu tiên chung
Post-program only design Thiết kế lượng giá sau can thiệp
Pre- and post program design Thiết kế lượng giá trước và sau can thiệp
Pre- and post-program with control and Thiết kế lượng giá trước sau can thiệp với
post only program groups design nhóm chứng và nhóm can thiệp chứng
sau chương trình
Pre- and post-program with control group Thiết kế lượng giá trước và sau can thiệp
với nhóm chứng
Pre- and post-program with post-only Thiết kế lượng giá trước và sau can thiệp
control design với nhóm chứng sau can thiệp
Process evaluation Lượng giá quá trình
Quasi-experimental design Thiết kế bán thực nghiệm

iv
Tiếng Anh Tiếng Việt
Solomon four-group design Thiết kế Solomon
Study validity Giá trị của nghiên cứu
Summative evaluation Lượng giá kết thúc
World Health Organization (WHO) Tổ chức Y tế thế giới

v
DANH MỤC CÁC HÌNH

Hình 1. 1. Khung lượng giá theo CDC ........................................................................... 5


Hình 1. 2. Khung lượng giá theo Hawe và cộng sự ........................................................ 7
Hình 1. 3. Khung lượng giá PRECEDE–PROCEED ..................................................... 8
Hình 1. 4. Các loại lượng giá ....................................................................................... 11
Hình 2 .2. Ba khía cạnh cần quan tâm khi quản lý chăm sóc sức khỏe ........................ 20
Hình 2. 3. Sơ đồ 5 bước đánh giá nhu cầu sức khỏe .................................................... 26
Hình 2. 4. Các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng theo WHO ...................... 32
Hình 3. 1. Khung lượng giá theo CDC ......................................................................... 40
Hình 3. 2. Sáu bước xây dựng mô hình lượng giá chương trình y tế ........................... 52
Hình 5. 1. Các bậc thang lượng giá............................................................................... 73
Hình 5. 2. Khung các giai đoạn chuyển đồi từ số liệu thành kiến thức và ứng dụng của
mỗi giai đoạn ................................................................................................................ 76

vi
DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 2. 1. Hệ thống cho điểm yếu tố A, B, C theo phương pháp Hanlon


....................................................................................................................................... 25
Bảng 2. 2. Các kỹ năng cần thiết cho quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe................. 29
Bảng 2. 3. Các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Altschuld và Kumar (2010) ..... 31
Bảng 2. 4. Bảng mô tả cộng đồng ................................................................................. 33
Bảng 2. 5. Bảng kế hoạch hoạt động cụ thể .................................................................. 35
Bảng 3. 1. Các tiêu chuẩn về tính hữu dụng ................................................................. 45
Bảng 3. 2. Các tiêu chuẩn về tính khả thi ..................................................................... 46
Bảng 3. 3. Các tiêu chuẩn về tính phù hợp ................................................................... 46
Bảng 3. 4. Các tiêu chuẩn về tính chính xác ................................................................. 47
Bảng 4. 1. So sánh mẫu cắt ngang và mẫu đoàn hệ ...................................................... 58
Bảng 4. 2. Đặc điểm của các tiêu chuẩn để xác định một liên hệ nhân quả ................. 60
Bảng 5. 1. So sánh giữa số liệu, thông tin và kiến thức. ............................................... 75
Bảng 5. 2. Các dạng thức của chỉ số. ............................................................................ 77
Bảng 5. 3. Những thuận lợi và khó khăn của các phương pháp thu thập số liệu ......... 79

vii
BÀI 1. GIỚI THIỆU VỀ LƯỢNG GIÁ
ThS. BS. Hồ Tất Bằng, PGS. TS. Tô Gia Kiên.

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Phân tích được khái niệm lượng giá (evaluation) và đánh giá (assessment).
2. Phân tích được khái niệm lượng giá ban đầu (formative evaluation), lượng giá quá
trình (process evaluation) và lượng giá kết thúc (summative evaluation).
3. Phân tích được các bước trong quy trình lượng giá.

NỘI DUNG
1. Khái niệm về lượng giá, đánh giá
Nhiều người thường hay lẫn lộn giữa lượng giá và đánh giá, dẫn đến những tranh cãi
không cần thiết về phương pháp cũng như nguyên tắc tiến hành. Nguyên nhân chủ yếu
của sự lẫn lộn này là do việc dịch thuật hai từ “evaluation” và “assessment”. Một số
người cho rằng “evaluation” nghĩa là lượng giá và “assessment” nghĩa là đánh giá, còn
một số người khác thì cho rằng “evaluation” là đánh giá và “assessment” là lượng giá.
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm “evaluation” rồi sau đó sẽ tìm hiểu
nguyên nhân tại sao bài viết này lại sử dụng từ lượng giá để chỉ khái niệm “evaluation”
mà không dùng từ đánh giá. Chúng ta hãy lưu ý từ “value” trong từ “evaluation”, từ
“value” có nghĩa là ước lượng hay định giá. Vì vậy từ lượng giá (evaluation) có nghĩa
là quá trình phán xét hay ước lượng giá trị của một vật nào đó [1]. Tuy nhiên, nếu chúng
ta chỉ dừng lại ở đó thì cách hiểu này là chưa thật đầy đủ. Nói một cách nghiêm túc và
đầy đủ thì từ “evaluation” phải được hiểu là nghiên cứu lượng giá (evaluative research)
[1, 2]. Ngoài việc quan sát và đo lường như các nghiên cứu ứng dụng thông thường
khác, nghiên cứu lượng giá còn chú trọng tới quá trình so sánh kết quả với một nhóm
các tiêu chuẩn cũng như các chỉ số hiệu quả, hiệu lực [1]. Giá trị bên ngoài của nghiên
cứu lượng giá rất hạn chế và thường chỉ khu trú trong một chương trình can thiệp, một
nhóm dân số, một vùng địa lý hay một khu vực hành chính nhất định [3]. Mục đích cuối
cùng của việc lượng giá là xem xét cách vận hành, hiệu quả, hiệu lực và tác động của
chương trình can thiệp [1, 4]; ngoài ra, lượng giá còn cung cấp các thông tin cần thiết
giúp ra quyết định và lập các kế hoạch, chương trình can thiệp tiếp theo [3].
1
Theo từ điển tiếng Việt [5] đánh giá có hai nghĩa: thứ nhất là ước tính giá tiền và thứ
hai là nhận định giá trị một vật. Như vậy nếu chúng ta sử dụng từ đánh giá để chỉ
“evaluation” thì chưa đầy đủ ý nghĩa bởi vì đánh giá chỉ dừng lại ở bước nhận định giá
trị của một sự việc nào đó. Trong khi lượng giá (ước lượng và đánh giá), nói một cách
đầy đủ là nghiên cứu lượng giá, là một quá trình phán xét giá trị của một sự vật, hiện
tượng, hoạt động, chương trình, dự án hay kế hoạch để từ đó đưa ra các giải pháp, các
quyết định, hay các hoạt động tiếp theo. Vì lượng giá là một nghiên cứu ứng dụng nên
tính ứng dụng của nó được xem xét, cân nhắc và có tầm quan trọng nhất định. Giáo trình
này sẽ sử dụng từ lượng giá để chỉ từ “evaluation” và từ đánh giá để chỉ “assessment”.

1.1. Tại sao chúng ta cần phải lượng giá?


Theo Thomas Valente [4] lượng giá rất quan trọng vì:
- Giúp chúng ta đo lường tác động và hiệu quả của chương trình can thiệp, xem
chương trình can thiệp có đạt được mục tiêu và mục đích ban đầu đề ra hay không.
- Giúp chúng ta thiết lập mục đích và mục tiêu, qua đó đưa ra được các quyết định
và các tiêu chuẩn lượng giá cho chương trình.
- Giúp chúng ta hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu của chương trình, chương
trình đó được vận hành như thế nào và tại sao nó vận hành được, phần nào của chương
trình không thực hiện được và tại sao nó không thực hiện được.
- Cung cấp cho chúng ta thông tin để lập kế hoạch cho các chương trình tiếp theo.
- Khi tiến hành lượng giá, chúng ta sẽ nhận ra các thay đổi về hành vi của con
người nhờ đó chúng ta có cơ hội tiến hành các nghiên cứu về hành vi.
- Giúp nâng cao chất lượng sống.
Ngoài ra, các lượng giá kinh tế sức khỏe còn cho chúng ta biết liệu chương trình đó
có đáng thực hiện hay không, có chương trình khác nào giúp đạt được hiệu quả tương
tự hay tốt hơn với ít nguồn lực hơn hay không [6].
1.2. Những ai nên tiến hành lượng giá?
Theo Andrew Green [7], ba nhóm người có thể tham gia lượng giá gồm:
- Những người thực hiện chương trình có thể cho kết quả lượng giá sai lệch; tuy
nhiên, họ hiểu rõ về chương trình và là những người cần có thông tin về kết quả lượng
giá để cải tiến chương trình.

2
- Những người không thực hiện chương trình có thể cho kết quả lượng giá khách
quan hơn nhưng họ lại không hiểu rõ về chương trình.
- Các bên liên quan: có thể là những người thụ hưởng, người tài trợ hay chính
quyền địa phương.
Một nhóm thực hiện chương trình lượng giá lý tưởng nên có sự tham gia của ba đối
tượng trên. Kết quả lượng giá sẽ phụ thuộc rất nhiều và mục đích của việc lượng giá.
Nếu chúng ta xem quá trình lượng giá là quá trình kiểm tra, kết quả đạt được có thể rất
khác khi chúng ta xem lượng giá là quá trình học hỏi.
1.3. Các rào cản khi lượng giá
Trở ngại lớn nhất khi tiến hành lượng giá là nguồn lực. Một khó khăn nữa là việc
tìm nhóm chứng, đặc biệt là trong các chương trình truyền thông đại chúng vì hầu hết
cộng đồng sẽ nhận được chương trình can thiệp này; nếu cộng đồng nào không nhận
được chương trình can thiệp, có thể đó là những nhóm cộng động đặc biệt và có những
đặc điểm hoàn toàn khác so với cộng đồng được can thiệp. Ngoài ra, sự khác biệt về văn
hóa có thể gây khó khăn cho lượng giá, vì một chương trình can thiệp có thể thành công
ở cộng đồng này nhưng lại không thành công trong cộng đồng khác. Một khó khăn nữa
là hiệu quả của chương trình can thiệp rất khó lượng giá do chịu nhiều ảnh hưởng bởi
các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Khó khăn cuối cùng là các bên liên quan
và chính quyền không muốn lượng giá vì lý do nào đó [4].

2. Khung lượng giá


Khung lượng giá là các bước cần thiết trong chu trình lượng giá. Một khung lượng
giá tốt cần phải xác định được các thông tin về hiệu quả, chất lượng và quá trình thực
hiện chương trình [8]. Có rất nhiều khung lượng giá đã được phát triển, trong bài viết
này, chúng ta sẽ tìm hiểu năm mô hình khung lượng giá gồm RE-AIM, khung lượng giá
theo CDC, khung lượng giá theo Nutbeam và Bauman, khung lượng giá theo Hawe và
cộng sự, và khung lượng giá PRECEDE–PROCEED.
2.1. Khung lượng giá RE-AIM
Khung RE-AIM gồm 5 yếu tố, mỗi một yếu tố sẽ được cho điểm từ 0 tới 1 (hay 0
tới 100%). Năm yếu tố trong khung lượng giá RE-AIM là [9]:
- Reach – độ bao phủ: tỉ lệ người thụ hưởng chương trình can thiệp.

3
- Efficacy – hiệu quả lý thuyết: chúng ta cần quan tâm đến kết quả tích cực và tiêu
cực, kết quả hành vi, chất lượng sống, sự hài lòng của những người tham gia cũng như
các giới hạn sinh lý. Lưu ý là một số chương trình có thể rất hiệu quả trên một nhóm đối
tượng nhưng đối với một nhóm đối tượng khác thì nó không hiệu quả vì nhóm đối tượng
này không cần chương trình đó.
- Adoption – sự chấp nhận: tỉ lệ người chấp nhận chương trình can thiệp.
- Implementation – sự thực hiện: mức độ chương trình được thực hiện như dự định
ban đầu. Hiệu quả lý thuyết x sự thực hiện = hiệu quả (effectiveness).
- Maintenance – khả năng duy trì: các hành vi thay đổi hay kết quả của chương
trình duy trì được bao lâu.
Mô hình này rất cần thiết cho việc lượng giá các chương trình can thiệp, đặc biệt là
các yếu tố reach, adoption và implementation rất quan trọng trong các chương trình có
quy mô lớn. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều bất lợi như năm yếu tố của RE-AIM
không phải lúc nào cũng có giá trị như nhau nhưng khung RE-AIM luôn xem xét chúng
có tầm quan trọng bằng nhau. Một bất lợi khác nữa của mô hình này mối liên hệ giữa
năm yếu tố RE-AIM chưa được xác định. Cuối cùng là việc lượng giá sự thực hiện và
khả năng duy trì cần rất nhiều thời gian.
2.2. Khung lượng giá theo CDC
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC – Center for disease
control and prevention) đã phát triển khung lượng giá gồm sáu bước như sau [10]:
Bước 1. Lôi kéo các bên liên quan: bước này giúp tăng cơ hội tiến hành và sử dụng
kết quả lượng giá. Làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan để tránh các xung
đột về lợi ích giữa các nhóm.
Bước 2. Mô tả chương trình: mô tả nhu cầu, hiệu quả mong đợi, các hoạt động, nguồn
lực, các bước, hoàn cảnh và mô hình logic (mô hình mô tả các sự kiện của chương trình).
Bước này giúp tăng tính chính xác và công bằng của lượng giá, đánh giả khách quan
điểm mạnh và yếu của chương trình và giúp các bên liên quan hiểu về chương trình hơn.
Bước 3. Thiết kế lượng giá: mô tả mục đích, người sử dụng, sự sử dụng, các câu hỏi,
phương pháp và sự đồng thuận. Bước này nhằm đầu tư cho chất lượng lượng giá, giúp
nâng cao khả năng thành công của lượng giá.

4
Bước 4. Tập hợp các bằng chứng tin cậy: các chỉ số, nguồn lực, chất lượng, số lượng
và hậu cần. Mục đích của bước này là làm tăng tính chính xác của lượng giá và tính hài
lòng của người sử dụng thông tin lượng giá.
Bước 5. Đưa ra kết luận: các tiêu chuẩn, phân tích/tổng hợp, bàn luận và đề xuất.
Mục đích là khẳng định lại tính chính xác của các kết quả lượng giá, trình bày, phân tích
kết quả một cách hệ thống và so sánh với các tiêu chuẩn đặt ra.
Bước 6. Đảm bảo áp dụng kết quả và chia sẻ kinh nghiệm: thiết kế, chuẩn bị, phản
hồi, theo dõi, công bố. Mục đích của bước này là đảm bảo lượng giá đạt được mục tiêu
đề ra.
Thành tố thứ hai của khung lượng giá bao gồm khoảng 30 tiêu chuẩn để lượng giá
chất lượng của các hoạt động lượng giá, được chia làm 4 nhóm sau:
- Tính sử dụng: đảm bảo các thông tin của lượng giá làm người sử dụng chúng hài
lòng.
- Tính khả thi: đảm bảo lượng giá có thể tiến hành được và thực tế.
- Tính phù hợp: đề cập đến vấn đề đạo đức, cần nói rõ về quyền và lợi ích của
những người có liên quan và chịu ảnh hưởng của chương trình.
- Tính chính xác: cần đảm bảo là các kết quả đạt được từ lượng giá là chính xác.

Lôi kéo
các bên
liên quan
Áp dụng
kết quả và Mô tả
chia sẻ chương
kinh trình
nghiệm
Các tiêu chuẩn:
Tính sử dụng
Tính khả thi
Tính phù hợp
Tính chính xác
Đưa ra
Thiết kế
các kết
đánh giá
luận
Thu thập
các bằng
chứng
đáng tin
cậy

Hình 1. 1. Khung lượng giá theo CDC

5
2.3. Khung lượng giá của Nutbeam và Bauman
Nutbeam và Bauman đưa ra khung lượng giá gồm sáu (6) bước như sau :
Bước 1. Xác định vấn đề: cần trả lời câu hỏi “vấn đề của chúng ta là gì?”
Bước 2. Đưa ra giải pháp: cần trả lời câu hỏi “vấn đề đó được giải quyết bằng cách
nào?”
Bước 3. Kiểm định giải pháp: cần trả lời câu hỏi “giải pháp đặt ra có hiệu quả
không?”
Bước 4. Minh chứng của can thiệp: cần trả lời câu hỏi “chương trình can thiệp có thể
được làm lại?”
Bước 5. Phổ biến can thiệp: cần trả lời câu hỏi “chương trình can thiệp có thể được
phổ biến rộng rãi?”
Bước 6. Giám sát chương trình: cần trả lời câu hỏi “chương trình này có thể duy trì
trong bao lâu?”
2.4. Khung lượng giá của Hawe và cộng sự
Hawe và cộng sự đề xuất khung lượng giá gồm các bước như sau [1]:
Bước 1. Đánh giá nhu cầu: được tiến hành nhằm mô tả một cách toàn diện các vấn
đề sức khỏe trong cộng đồng và từ đó chọn lựa các giải pháp can thiệp thích hợp.
Bước 2. Lập kế hoạch chương trình: xây dựng mục đích, mục tiêu, chiến lược và các
nguồn lực cần có.
Bước 3. Thực hiện chương trình.
Bước 4. Lượng giá quá trình.
Bước 5. Đánh giá khả năng lượng giá: nhằm xác định xem chương trình can thiệp có
sẵn sàng để được tiến hành các lượng giá tiếp theo hay chưa.
Bước 6. Lượng giá tác động.
Bước 7. Lượng giá kết quả dài hạn.
Sơ đồ bên dưới thể hiện 7 bước trong chu trình lập kế hoạch, thực hiện và lượng giá
các chương trình, hoạt động y tế.

6
Bắt đầu chu trình

Đánh giá nhu Đánh giá kết quả


cầu dài hạn

Lập kế hoạch Chu trình đánh giá


Đánh giá tác
chương trình động

Thực hiện Đánh giá quá Đánh giá khả


chương trình trình năng đánh giá

Thiết kế lại và thực hiện lại


chương trình

Hình 1. 2. Khung lượng giá theo Hawe và cộng sự


2.5. Khung lượng giá PRECEDE–PROCEED
Khung PRECEDE–PROCEED là khung lượng giá chi phí-lợi ích được đề xuất vào
năm 1974 và được sử dụng rộng rãi trên thế giới để hướng dẫn phát triển các mô hình
can thiệp giáo dục sức khỏe, mô hình này được phát triển bởi Larry Green và Marshall
Kreuter [14]. Kết quả từ một nghiên cứu tổng quan hệ thống cho thấy rằng các cá nhân
có kiến thức tốt hơn tham gia nhiều hơn vào các hành vi liên đến sức khỏe. Do đó, mô
hình PRECEDE-PROCEED có thể được sử dụng làm khung lý thuyết cho các can thiệp
nâng cao sức khỏe giữa các nhóm dân số, và những can thiệp này đặc biệt hiệu quả đối
với việc nâng cao kiến thức [15].

7
Giai đoạn 1
Đánh giá nhu cầu xã hội

Hình 1. 3. Khung lượng giá PRECEDE–PROCEED [14]


Sự độc đáo của khung PRECEDE-PROCEED là quy trình lập kế hoạch bao gồm tám
bước của bắt đầu từ cuối, tập trung vào các kết quả quan tâm liên quan đến sức khỏe.
Sau đó, mô hình hoạt động ngược lại để xác định sự kết hợp của các chiến lược can thiệp
nào sẽ đạt được những mục tiêu này một cách tốt nhất.
PRECEDE bao gồm 4 giai đoạn từ 1 đến 4 có chức năng lượng giá các vấn đề sức
khỏe.
Giai đoạn 1: Đánh giá nhu cầu xã hội
Đây là bước ước đánh giá nhu cầu xã hội nhằm xác định nhận thức của người dân về
các nhu cầu liên quan đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đây là một giai đoạn quan
trọng trong chu trình lập kế hoạch vì nó xác định các yếu tố liên quan đến sức khỏe của
người dân. Bằng cách hiểu mối quan tâm người dân, người lập kế hoạch có nhiều khả
năng phát triển một chương trình phù hợp và nhận được sự chấp thuận từ đối tượng can
thiệp.
Giai đoạn 2: Đánh giá dịch tễ học
Đánh giá dịch tễ học giúp xác định vấn đề sức khỏe nào là quan trọng nhất đối
với nhóm nào trong cộng đồng. Trong giai đoạn này, các nhà lập kế hoạch có thể tiến
hành phân tích dữ liệu thứ cấp bằng cách sử dụng các nguồn dữ liệu hiện có như thống
kê quan trọng, dữ liệu điều tra dân số, khảo sát lực lượng lao động và sức khỏe cấp tỉnh
hoặc quốc gia, cũng như dữ liệu y tế, hành chính. Những nguồn dữ liệu khác nhau này

8
có thể cung cấp các chỉ số về tỉ lệ mắc bệnh, tử vong và khuyết tật trong dân số và giúp
xác định các nhóm nhỏ có nguy cơ cụ thể. Các phân nhóm có thể được đặc trưng bởi
các yếu tố như tuổi tác, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, giáo dục, thu nhập, cấu trúc gia
đình và vị trí địa lý. Bên cạnh đó, giai đoạn này còn giúp xác định các yếu tố góp phần
gây ra các vấn đề sức khỏe.
Giai đoạn 3: Đánh giá giáo dục và sinh thái
Sau khi lựa chọn các yếu tố hành vi và môi trường thích hợp để can thiệp, giai đoạn
3 xác định các yếu tố phải có để bắt đầu và duy trì quá trình thay đổi. Đó là các nhóm
yếu tố:
- Yếu tố ảnh hưởng là tiền đề của hoạt động can thiệp. Nhóm yếu tố này bao gồm
những kiến thức, thái độ, niềm tin, sở thích cá nhân, kỹ năng hiện có, kỳ vọng và năng
lực bản thân của đối tượng can thiệp.
- Yếu tố củng cố: là các yếu tố giúp duy trì các hoạt động can thiệp. Ví dụ như các
nguồn trợ cấp xã hội.
- Yếu tố kích hoạt được định nghĩa là các yếu tố tiền đề cho can thiệp hành vi.
Các yếu tố kích hoạt có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi thông qua
một yếu tố môi trường. Chúng bao gồm các chương trình, dịch vụ, chính sách và nguồn
lực cần thiết để hiện thực hóa các kết quả về hành vi và môi trường và trong một số
trường hợp, các kỹ năng mới cần thiết để giúp thay đổi hành vi sức khỏe.
Giai đoạn 4: Căn chỉnh can thiệp
Phác thảo các chiến lược can thiệp và lập kế hoạch cuối cùng để thực hiện can thiệp
là giai đoạn thứ tư của mô hình. Mục đích của giai đoạn này là xác định các chính sách,
nguồn lực và hoàn cảnh phổ biến trong bối cảnh tổ chức/cộng đồng của chiến lược có
thể tạo thuận lợi hoặc cản trở việc thực hiện kế hoạch hay không.
Hợp phần PROCEED: là giai đoạn thực hiện và lượng giá (giai đoạn 5-8)
Green và Kreuter định nghĩa PRO trong PROCEED như sau:
- Chính sách (Policy) là tập hợp các mục tiêu và quy tắc hướng dẫn các hoạt động
của một tổ chức hoặc chính quyền.
- Quy định (Regulation) là hành động thực hiện các chính sách và thực thi các quy
tắc hoặc luật pháp.
- Tổ chức (Organization) là tập hợp và phối hợp các nguồn lực cần thiết để thực
hiện các chương trình và chiến lược.
9
Bước này gồm 4 giai đoạn tiếp nối cho 4 giai đoạn trước đó: Giai đoạn 5 (Can thiệp)
- Giai đoạn 6 (Lượng giá quá trình) – Giai đoạn 7 (Lượng giá tác động) – Giai đoạn 8
(Lượng giá kết quả).
Giai đoạn 5: Thực hiện can thiệp
Ở giai đoạn này, các chiến lược can thiệp được lựa chọn dựa trên các bước trước đó
và các nhà lập kế hoạch phải lượng giá sự sẵn có của các nguồn lực cần thiết như thời
gian, con người và kinh phí. Cần lượng giá các rào cản đối với việc thực hiện, chẳng
hạn như cam kết của nhân viên đưa ra các kế hoạch giải quyết những vướng mắc đó.
Ngoài ra, bất kỳ chính sách và quy định nào của tổ chức có thể ảnh hưởng đến việc thực
hiện chương trình cần được xem xét và lập kế hoạch cho phù hợp.
Nên có kế hoạch thu thập dữ liệu để lượng giá quá trình, lượng giá tác động và lượng
giá kết quả của chương trình, đây là ba giai đoạn cuối cùng trong mô hình PRECEDE-
PROCEED .
Giai đoạn 6: Lượng giá quá trình
Thông thường, quá trình lượng giá xác định mức độ mà chương trình được thực hiện
theo kế hoạch đã vạch ra trước đó.
Giai đoạn 7: Lượng giá ảnh hưởng
Lượng giá sự thay đổi trong các yếu tố ảnh hưởng, củng cố và tạo điều kiện cũng
như các yếu tố hành vi và môi trường (ví dụ: thay đổi về kiến thức, niềm tin, thái độ, ý
định và các rào cản/hỗ trợ xã hội và môi trường).
Giai đoạn 8: Lượng giá kết quả
Cuối cùng, lượng giá kết quả xác định tác động của chương trình đối với các chỉ số
sức khỏe và chất lượng cuộc sống (thay đổi hành vi, bệnh tật và tử vong).
3. Các loại lượng giá
3.1. Lượng giá ban đầu, lượng giá quá trình và lượng giá kết thúc
Lượng giá có thể được phân thành 3 loại tương ứng với các giai đoạn trong khung
lượng giá gồm lượng giá ban đầu, lượng giá quá trình và lượng giá kết thúc [1, 4, 11]:
- Lượng giá ban đầu là lượng giá được tiến hành trước khi thiết lập chương trình
can thiệp nhằm xây dựng mục tiêu và phát triển chương trình can thiệp.
- Lượng giá quá trình được tiến hành cùng lúc với chương trình can thiệp nhằm đo
lường các hoạt động, chất lượng của chương trình và xem chương trình có tới được đối
tượng đích hay không. Bốn câu hỏi mà chúng ta cần trả lời khi tiến hành lượng giá quá
10
trình là (1) chương trình có tới được đối tượng đích hay không? (2) Tất cả những người
tham gia có hài lòng với chương trình hay không? (3) Tất cả các hoạt động của chương
trình có được thực hiện không? (4) Tất cả công cụ và các phần của chương trình có đạt
chất lượng tốt không? Lượng giá quá trình có thể được hiểu là quá trình giám sát.
- Lượng giá kết thúc được tiến hành sau chương trình can thiệp nhằm đo lường tác
động (impact) và hiệu quả lâu dài (outcome) của chương trình.

Đánh giá kết quả lâu


Vấn đề sức khỏe Mục đích
dài (outcome)

Yếu tố nguy cơ Mục tiêu Đánh giá tác động

Nguyên nhân Chiến lược Đánh giá quá trình

Hình 1. 4. Các loại lượng giá

3.2. Phương pháp định lượng và định tính


Một vấn đề rất quan trọng trong lượng giá các chương trình can thiệp là sử dụng
phương pháp định lượng hay định tính. Phương pháp định tính đã có từ rất lâu đời cách
đây khoảng 2000 năm, trong khi phương pháp định lượng chỉ được phát triển vào thế
kỷ XVII khi toán học phát triển đến một mức độ nhất định [2]. Cho tới thời điểm hiện
nay, các phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam thường là nghiên cứu định lượng và hầu
hết các nhà khoa học sức khỏe thích sử dụng phương pháp định lượng hơn vì cho rằng
chúng có độ chính xác và suy luận cao hơn do kết quả có được nhờ vào các mô hình
toán học và suy luận thống kê. Về mặt lý thuyết, kết quả nghiên cứu định tính chỉ có giá
trị trên một nhóm nhỏ những người được khảo sát; nhưng nếu kết quả đạt được có tính
hợp lý, chúng có thể được khái quát hóa một cách rộng rãi hơn [12]; do đó, cả hai loại
nghiên cứu đều có một giá trị nhất định. Trên thực tế, chúng được dùng để trả lời cho
những câu hỏi nghiên cứu rất khác nhau; vì vậy, hai loại nghiên cứu có cách tiếp cận
khác nhau [13]. Mục tiêu của nghiên cứu định tính thường là tìm hiểu các vấn đề liên
quan tới thuộc tính của con người như thái độ, hành vi, quan niệm và kiến thức cũng
như mô tả chi tiết và rõ ràng các sự vật, hiện tượng dựa trên các nhận định độc lập của
11
từng cá nhân; vì vậy nghiên cứu định tính trú trọng vào giá trị bên trong hay tính nội suy
và độ tin cậy của số liệu hay tính hợp lý. Trong khi nghiên cứu định lượng lại đo lường
sự vật, hiện tượng xảy ra trên một nhóm người và hướng tới việc xây dựng một kết quả
ngoại suy, đại diện, không sai lệch, tin cậy và có bằng chứng thống kê cũng như chứng
minh các mối quan hệ nhân quả của các sự vật, hiện tượng; vì vậy nghiên cứu định lượng
trú trọng đến tính giá trị của số liệu. Mỗi loại nghiên cứu có những điểm mạnh và điểm
yếu riêng, việc kết hợp hai loại nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả đáng kể [13].

3.3. Lượng giá kinh tế trong chăm sóc sức khỏe


Lượng giá kinh tế trong chăm sóc sức khỏe giúp chúng ta xem xét cả đầu vào và đầu
ra của các chương trình can thiệp hay còn được gọi là chi phí và kết quả can thiệp. Các
lượng giá kinh tế giúp chúng ta chọn lựa các can thiệp trong điều kiện nguồn lực và thời
gian hạn chế. Chúng thường được sử dụng để trả lời cho các câu hỏi sau [6]:
- Với cùng một nguồn lực, chương trình can thiệp A có đáng làm hay không so với
chương trình can thiệp B?
- Chúng ta có hài lòng với cách sử dụng nguồn lực vào chương trình can thiệp A
hay không? Có cách sử dụng nào tốt hơn không?
Lượng giá kinh tế rất quan trọng vì chúng cung cấp các phân tích có hệ thống giúp
xác định hiệu lực của các chương trình can thiệp. Các lượng giá kinh tế thường được sử
dụng hiện nay là phân tích chi phí, phân tích chi phí – hiệu quả, phân tích chi phí – hài
lòng và phân tích chi phí – lợi ích. Mục tiêu của bài học này không tập trung vào các
lượng giá kinh tế mà chỉ tập trung vào lượng giá hiệu quả, vì vậy người đọc có thể đọc
thêm về lượng giá kinh tế trong các tài liệu tham khảo được liệt kê bên dưới.

CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ


1) Lượng giá chương trình/hoạt động động y tế là:
A. Thu thập các số liệu đã đạt được của chương trình để báo cáo.
B. Sử dụng các chỉ số để đo đạt kết quả việc thực hiện so với mục tiêu chương trình.
C. Là để phân tích hiệu quả, ảnh hưởng, tác động, rút ra các bài học kinh nghiệm.
D. Cả A, B, C đều đúng.

2) Lượng giá ban đầu là loại lượng giá:


12
A. Tạo cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng mục tiêu, xác định điểm xuất phát của
chương trình/dự án.
B. Tạo cơ sở dữ liệu để theo dõi việc thực hiện các hoạt động của chương trình.
C. Được sử dụng theo dõi tiến độ của kế hoạch mà chương trình đề ra.
D. Cả A, B, C đều đúng.
3) Để xem các hoạt động của chương trình can thiệp có được thực hiện không và chương
trình có tới được đối tượng đích không, ta cần làm lượng giá:
A. Đầu ra (output evaluation).
B. Tác động (impact evaluation).
C. Quá trình (process evaluation).
D. Kết quả lâu dài (outcome evaluation).
4) Lượng giá là công cụ của người quản lý, do đó khi triển khai một chương trình can
thiệp/hoạt động y tế, thì nó nên được thực hiện:
A. Lúc kết thúc chương trình.
B. Lúc chương trình đã được triển khai một thời gian.
C. Lúc khởi đầu xây dựng chương trình.
D. Cả A, B, C đều đúng.
5) Lượng giá một chương trình/hoạt động thì điều đầu tiên cần phải thực hiện là:
A. Quan sát các đối tượng muốn lượng giá.
B. Xác định phương và chọn lựa các chỉ số lượng giá thích hợp.
C. Xác định rõ mục tiêu của lượng giá.
D. Cả A, B, C đều sai.
6) Lượng giá chương trình là một hoạt động phải cân nhắc:
A. Xác định đối tượng, vấn đề chúng ta muốn lượng giá.
B. Xác định không gian và thời gian lượng giá.
C. Xác định kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, vật tư dùng cho lượng giá.
D. Cả A, B, C đều sai.
7) Lượng giá là hoạt động cần thiết và có thể sử dụng kết quả đó để:
A. Tăng cường cho công tác quản lý, điều hành chương trình.
B. Giải quyết kinh phí cho các hoạt động y tế có trong chương trình.
C. Hỗ trợ người thực hiện làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi.
D. Cả A, B, C đều đúng.
13
8) Lượng giá quá trình là:
A. Xác định nguồn lực cần thiết cho hoạt động.
B. Nhằm xác định kết quả đầu ra đã đạt được so với mục tiêu.
C. Để đo đạc tiến độ, giúp quản lý điều hành dự án, chương trình tốt hơn.
D. So sánh điểm xuất phát, hoặc so sánh với đối chứng.
9) Lượng giá tác động:
A. Nhằm xác định kết quả đầu ra đã đạt được so với mục tiêu.
B. Tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện dự án, chương trình.
C. Để đo đạc tiến độ, giúp quản lý điều hành dự án, chương trình tốt hơn.
D. Giúp thấy được hiệu quả của một chương trình đã can thiệp.
10) Bước khởi đầu của việc lượng giá chương trình/dự án là:
A. Xác định mục tiêu và xác định phạm vi lượng giá.
B. Xác định phạm vi lượng giá và lựa chọn phương pháp và chỉ số lượng giá.
C. Xác định phạm vi lượng giá và tiến hành thu thập số liệu.
D. Xác định mục tiêu và lựa chọn phương pháp và chỉ số lượng giá.

ĐÁP ÁN
1. D 2. A 3. C 4. D 5. C

6. D 7. D 8. C 9. A 10. A

14
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hawe, P., D. Degeling, and J. Hall, Evaluating health promotion. 1990, Sydney:
McLennan & Petty.
2. Hawthorne, G., Introduction to health program evaluation. 2000, Centre for health
program evaluation, The University of Melbourne: Melbourne.
3. Eagar, K., P. Garrett, and V. Lin, Health Planning: Australian perspectives. 2001.
4. Valente, T.W., Evaluating health promotion programs. 2002, Oxford: Oxford
University Press.
5. Minh Tâm, Thanh Nghi, and Xuân Lãm, Từ điển tiếng Việt. 1999: Nhà xuất bản
Thanh Hóa.
6. Drummond, M.F., et al., Methods for the economic evaluation of health care
programmes. 3 ed. 2005, Oxford: Oxford University Press.
7. Green, A., An introduction to health planning for developing health systems. 3 ed.
2007, Oxford: Oxford University Press.
8. Wimbush, E. and J. Watson, An evaluation framework for health promotion: Theory,
quality and effectiveness. Evaluation, 2000. 6(3): p. 301-321.
9. Glasgow, R.E., T.M. Vogt, and S.M. Boles, Evaluating the public health impact of
health promotion interventions: The RE-AIM framework. American Journal of
Public Health, 1999. 89(9): p. 1322-1327.
10. CDC, Framework for program evaluation in public health. 1999, Center for Disease
Control and Prevention: Atlanta.
11. Nutbeam, D. and A. Bauman, Evaluation in a Nutshell: a practical guide to the
evaluation of health promotion programs. 2006, Sydney: McGraw-Hill.
12. Donovan, J. and C. Sanders, Key issues in the analysis of qualitative data in health
services research, in Handbook of health research methods, A. Bowling and S.
Ebrahim, Editors. 2005, Open University Press: England. p. 515-532.
13. Neuman, W.L., Social research methods: qualitative and quantitative approaches.
3 ed. 1997, Boston: Allyn and Bacon.
14. Crosby R, Noar SM. What is a planning model? An introduction to PRECEDE-
PROCEED. J Public Health Dent. 2011 Winter;71 Suppl 1:S7-15.
15. Kim, J., Jang, J., Kim, B. et al. Effect of the PRECEDE-PROCEED model on health
programs: a systematic review and meta-analysis. Syst Rev 11, 213 (2022).

15
BÀI 2. ĐÁNH GIÁ NHU CẦU SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
PGS. TS. Tô Gia Kiên, ThS. BS. Lê Hồng Phước.

MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Phân tích được khái niệm nhu cầu, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tầm quan trọng
của đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

2. Phân tích được các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

3. Thiết kế và thực hiện được đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

NỘI DUNG

1. Giới thiệu

Thời kỳ Đổi Mới đưa ra cách mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, hệ thống y tế Việt Nam cũng phải thay
đổi để đáp ứng được theo sự thay đổi của xã hội. Quy luật cung cầu (law of supply and
demand) vì thế cũng được đề cập đến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mô hình bệnh
tật hiện nay đang thay đổi, chuyển gánh nặng từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh không
truyền nhiễm; và có sự xuất hiện của các bệnh mới, làm thay đổi nhu cầu sức khỏe. Bên
cạnh đó chấn thương, ngộ độc là gánh nặng rất lớn đối với hệ thống y tế. Mỗi cộng đồng
sẽ có những mô hình bệnh tật khác nhau và có các nhu cầu sức khỏe khác nhau dựa trên
đặc tính văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng đó. Vì vậy xác định được nhu cầu chăm
sóc sức khỏe cộng đồng rất quan trọng để đưa ra các chương trình chăm sóc sức khỏe
phù hợp với nhu cầu của từng cộng đồng. Đánh giá nhu cầu sức khỏe có thể thực hiện
dựa trên hai cách tiếp cận: dựa trên các chỉ số sức khỏe hoặc dựa trên quan niệm về nhu
cầu của người dân trong cộng đồng [1].

Một là, dựa trên các chỉ số sức khỏe. Các chỉ số sức khỏe thường được dùng để
đánh giá nhu cầu sức khỏe gồm:

- Tỉ suất bệnh tật: bao gồm tỉ lệ hiện mắc và mới mắc phân theo bệnh và các nhóm
có tác động như tuổi, giới, dân tộc, nơi ở,....

16
- Tỉ suất tử vong: bao gồm tỉ suất tử vong chung, tỉ suất tử vong phân theo tuổi,
theo bệnh tật, và theo nhu cầu sức khỏe. Ví dụ như tỉ suất tử vong do lao, tỉ suất
tử vong bà mẹ. Sự phân bố tỉ suất tử vong theo bệnh tật cũng là thông tin rất quan
trọng.
- Các nhu cầu không liên quan đến bệnh tật: ví dụ như khám thai, kế hoạch hóa gia
đình.
- Gánh nặng bệnh tật cũng được sử dụng một cách rộng rãi để đo lường nhu cầu
sức khỏe như DALY là số đo được sử dụng để đo lường kết hợp tử vong và tàn
tật.
- Chỉ số về các hành vi sức khỏe: bao gồm tỉ lệ chung, tỉ lệ phân theo tuổi, giới,
hoặc theo các nhóm đối tượng. Ví dụ như tỉ suất hút thuốc lá ở năm giới, tỉ suất
ít vận động thể lực, tỉ lệ lạm dụng rượu bia.
- Chỉ số về sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe: đây là những thông tin giúp phản
ánh được nhu cầu của người dân, thực trạng cũng như tính sẵn sàng và sẵn có của
các dịch vụ y tế. Ví dụ như tỉ lệ người dân sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh
của trạm y tế, sự hài lòng của người bệnh, tính sẵn sàng và sẵn có của các dịch
vụ chăm sóc sức khỏe.
Các dữ liệu này cần được thu thập bằng nhiều phương pháp và công cụ khác nhau,
để đảm bảo dữ liệu thu được tin cậy và giá trị. Từ đó, có thể tạo ra các thông tin chính
xác và kịp lúc để nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Thông tin sức khỏe được thu thập thường xuyên giúp đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh
tật và xác định các dịch vụ sức khỏe cần phải cung cấp. Đánh giá cộng đồng giúp cung
cấp thông tin giá trị về nhu cầu của bệnh nhân cũng như trao quyền cho cộng đồng. Sự
tham gia của cộng đồng, hệ thống giám sát tốt và tầm nhìn là rất quan trọng [2].

Hai là, dựa trên quan niệm về nhu cầu. Nhu cầu là khái niệm tương đối và thay
đổi theo từng cá nhân và cộng đồng. Người xác định nhu cầu rất quan trọng. Nhu cầu
trong đánh giá nhu cầu sức khỏe được hiểu là nhu cầu mà người dân cảm nhận, bày tỏ
và được xác định bởi các chuyên gia y tế [3]. Đánh giá nhu cầu sức khỏe (health needs
assessment) là quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của
một nhóm dân số trong một khu vực địa lý [4]. Đánh giá nhu cầu sức khỏe là một phương
pháp khách quan để đánh giá dịch vụ sức khỏe, là phương pháp tiếp cận dựa trên bằng
chứng để vận hành và hoạch định các dịch vụ sức khỏe [5]. Đây là quá trình rất phức
17
tạp đòi hỏi người thực hiện phải hiểu được các khái niệm về sức khỏe, cộng đồng, nhu
cầu và nắm được phương pháp phân tích số liệu sức khỏe, xác định vấn đề ưu tiên cũng
như cách lập kế hoạch và thực hiện các chương trình can thiệp, chăm sóc sức khỏe [3].
Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng (community health needs assessment) nói đến
đánh giá nhu cầu, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân địa phương [4].

Phần khó nhất trong các đánh giá nhu cầu là việc ứng dụng kết quả vào chính sách
và thực hành giúp thay đổi có lợi cho sức khỏe. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các
bên liên quan vào quá trình thực hiện đánh giá nhu cầu sức khỏe. Nếu các thay đổi này
là bền vững và đáp ứng được, đánh giá sẽ là quá trình liên tục nhờ vào các phản hồi.
Nếu người ra chính sách tham gia vào quy trình đánh giá, việc thực hiện các thay đổi
chiến lược này sẽ thuận lợi hơn [2].

2. Khái niệm về nhu cầu và nhu cầu sức khỏe


Khi đề cập đến nhu cầu, chúng ta thường nhắc tới “khoảng trống” giữa tình trạng
hiện tại và tình trạng mong muốn, từ đó đòi hỏi một chương trình/dịch vụ cần thiết để
lấp đầy những khoảng trống này. Altschuld and Kumar (2010) [6] cho rằng nhu cầu là
một “khoảng trống” có thể đo lường được giữa 2 trạng thái: (1) trạng thái hiện tại và (2)
trạng thái mong muốn. Nhu cầu có thể được tiếp cận qua rất nhiều khía cạnh khác nhau.
Bradshaw (1972) [7] đã phân biệt 4 loại nhu cầu xã hội bao gồm nhu cầu tiêu chuẩn
(normative need), nhu cầu biểu lộ (expressed need), nhu cầu so sánh (comparative need),
và nhu cầu cảm nhận (felt need). Trong đó, mỗi loại nhu cầu sẽ được đánh giá bằng
những phương pháp khác nhau.
Nhu cầu tiêu chuẩn (normative need) được định nghĩa là những “ý kiến chuyên gia”
liên quan đến những tiêu chuẩn phù hợp, mức độ yêu cầu đối với các dịch vụ cũng như
những yếu tố cần thiết giúp hình thành một trình trạng sức khỏe chấp nhận được cho
một cộng đồng. Nhu cầu tiêu chuẩn là những tiêu chuẩn được đặt ra dựa trên kinh
nghiệm và sự tham khảo ý kiến. Những hướng dẫn thực hành dựa vào bằng chứng là
những nguồn thông tin quan trọng để xác định những nhu cầu tiêu chuẩn.
Nhu cầu biểu lộ (expressed need) là những đòi hỏi (demand) hay mong muốn được
chuyển hóa thành những hành động. Đây là những dịch vụ mà cộng đồng sử dụng. Do
đó, những nhu cầu này có thể được xác định thông qua những quan sát về việc sử dụng
các dịch vụ của cộng đồng dựa trên các dữ liệu về sử dụng dịch vụ. Theo đó, một cộng
18
đồng hay một người sử dụng nhiều dịch vụ được cho là có nhu cầu về dịch vụ đó cao và
ngược lại. Tuy nhiên, khi đánh giá nhu cầu biểu lộ, cần thận trọng khi tiến hành lý giải
các dữ liệu về việc sử dụng các dịch vụ, vì các dữ liệu này có thể bị tác động vởi nhiều
yếu tố như sự sẵn có, khả năng tiếp cận và văn hóa địa phương.
Nhu cầu cảm nhận (felt need) là mong muốn chủ quan (want), những nhu cầu mà
người dân trọng cộng đồng cho rằng họ mong muốn chúng. Loại nhu cầu này có thể bị
tác động bởi những quan điểm của cá nhân hoặc sự thiếu hiểu biết về các dịch vụ sẵn
có, hay sự so sánh với những người/nơi khác. Những nhu cầu này được nhận biết thông
qua các cuộc thảo luận, tư vấn và các buổi gặp gỡ cộng đồng..
Nhu cầu so sánh (comparative need) liên quan đến sự công bằng (equity). Nhu cầu
so sánh sử dụng những thông tin về các loại dịch vụ được cung cấp tại một nơi để xác
định nhu cầu ở một nơi khác.
Trong thực tế, các bác sĩ, nhà xã hội học, triết gia, nhà kinh tế học có những quan
điểm khác nhau về nhu cầu. Dựa trên nhận thức về sự khan hiếm của các nguồn lực sẵn
có để đáp ứng những nhu cầu, nhu cầu sức khỏe thường được phân chia thành nhu cầu
(needs), đòi hỏi (demands), và cung cấp (supply) [5].
Nhu cầu (need) trong chăm sóc sức khỏe thường được định nghĩa là khả năng hưởng
lợi. Khi những nhu cầu sức khỏe được xác định thì cần có một can thiệp hiệu quả để đáp
ứng những nhu cầu này và cải thiện sức khỏe. Một can thiệp sẽ không có lợi ích gì nếu
nó không hiệu quả hay không có các nguồn lực sẵn có.

Đòi hỏi (demand) là những điều bệnh nhân yêu cầu, nó là những yêu cầu mà phần
lớn các bác sĩ gặp phải. Những đòi hỏi của người bệnh cho một dịch vụ có thể phụ thuộc
vào các đặc điểm của người bệnh, sự tác động của các dịch vụ truyền thông, hoặc do sự
cung cấp các dịch vụ của cơ sở đó.

Cung cấp (supply) là việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sự cung cấp sẽ
phụ thuộc vào sự quan tâm của các chuyên gia y tế, những ưu tiên của các nhà làm chính
sách và nguồn kinh phí sẵn có.

Nhu cầu (need), đòi hỏi (demand), và sự cung cấp (supply) có thể trùng lắp (Hình
1). Mối liên hệ này rất quan trọng và cần được quan tâm khi đánh giá nhu cầu sức khỏe.
Trong đó, Vùng 1 (nơi nhu cầu, yêu cầu và sự cung cấp giao nhau) nên là vùng lớn nhất

19
và được mở rộng. Khi đó, nhu cầu phù hợp với các đòi hỏi của cộng đồng, đồng thời
các dịch vụ được cung cấp tốt.

Hình 2. 1. Ba khía cạnh cần quan tâm khi quản lý chăm sóc sức khỏe [8]
Nhu cầu chăm sóc y tế (healthcare need) là những lợi ích được mang lại từ các chăm
sóc y tế (như giáo dục sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức
năng, chăm sóc cuối đời,…). Hầu hết các bác sĩ cho rằng nhu cầu là những dịch vụ chăm
sóc sức khỏe mà họ có thể cung cấp cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể có
quan điểm khác về những điều có thể làm cho họ khỏe mạnh hơn như một công việc tốt,
một tuyến xe buýt tới bệnh viện hay một trung tâm y tế, một nhà hưu dưỡng [5].

Nhu cầu sức khỏe (health need) không những chỉ bao gồm những lợi ích do các
dịch vụ chăm sóc sức khỏe mang lại, mà còn từ những sự thay đổi của xã hội và môi
trường mang lại. So với nhu cầu chăm sóc y tế, nhu cầu sức khỏe bao hàm một cách
rộng hơn các yếu tố môi trường và các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe như sự đói
nghèo, nhà ở, dinh dưỡng, việc làm. Định nghĩa rộng hơn này cho phép mở rộng từ các
mô hình y tế dựa trên các dịch vụ sức khỏe ra các yếu tố tác động tới sức khỏe. Nhu cầu
sức khỏe của một cộng đồng sẽ thay đổi liên tục, và rất nhiều trong số những thay đổi
này có thể không phải do những can thiệp y tế mang lại [5].

3. Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng


3.1. Khái niệm đánh giá nhu cầu sức khỏe

Đánh giá nhu cầu sức khỏe là một phương pháp hệ thống nhằm xác định những
nhu cầu sức khỏe, nhu cầu chăm sóc y tế chưa được đáp ứng của cộng đồng và thực hiện
những thay đổi để đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng này. Bên cạnh đó, quá

20
trình bày giúp xác định những ưu tiên và phân bổ nguồn lực giúp cải thiện sức khỏe một
cách hiệu lực nhất và làm giảm sự bất bình đẳng [5][9].

Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng là một quá trình hệ thống có liên quan đến
cộng đồng để xác định và phân tích các nhu cầu cũng như các giá trị sức khỏe của cộng
đồng. Quá trình này cũng liên quan đến việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhu cầu và làm
nền tảng cho các hoạt động tiếp theo nhằm giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng
của cộng đồng. Trong thực tế, cộng đồng thường được xác định là một vùng địa lý; tuy
nhiên, nó cũng có thể được xác định dựa trên sự chia sẻ những lợi ích hay những đặc
điểm về tôn giáo, dân tộc, tuổi, hoặc nghề nghiệp. Cần hiểu rằng, người dân trong một
cộng đồng đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau và có những đặc điểm đặc thù về văn hóa,
phong tục tập quán và các tiêu chuẩn. Đặc điểm này rất quan trọng và cần được lưu ý
trong việc đánh giá nhu cầu của cộng đồng cũng như lập kế hoạch để cải thiện các vấn
đề còn tồn tại. Do đó, trước khi tiến hành đánh giá nhu cầu của một cộng đồng, cần hiểu
rõ về các nhóm cư dân khác nhau cũng như xác định được cách thức tốt nhất khi làm
việc với họ để giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Ngoài ra, việc đánh giá nhu cầu
chăm sóc sức khỏe thành công yêu cầu sự hiểu biết một cách thực tế những thành phần
có trong quá trình đánh giá như thời gian, các nguồn lực cần thiết cho đánh giá, cũng
như áp dụng các kết quả thu được vào trong quá trình lập kế hoạch và sự vận hành của
các dịch vụ địa phương [5].

3.2. Vai trò của đánh giá nhu cầu sức khỏe
Đánh giá nhu cầu sức khỏe cung cấp các bằng chứng về cộng đồng để xây dựng các
kế hoạch cung cấp dịch vụ và giải quyết tình trạng mất cân bằng sức khỏe. Việc này
cũng tạo cơ hội để khuyến khích sự tham gia của các nhóm dân cư cụ thể, cho phép họ
đóng góp vào việc lập kế hoạch cung cấp các dịch vụ và phân bổ các nguồn lực. Bên
cạnh đó, quá trình này cũng tạo cơ hội cho việc hợp tác tác liên ngành, và phát triển các
biện pháp can thiệp sáng tạo và hiệu quả. Từ đó cho thấy, việc đánh giá nhu cầu sức
khỏe mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:
- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc ra quyết định.
- Cải thiện hoạt động của nhóm và quan hệ với đối tác.
- Phát triển các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm.
- Cải thiện giao tiếp với các cơ quan ban khác và cộng đồng.

21
- Sử dụng nguồn lực tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu sức khỏe còn hỗ trợ các địa phương và quốc gia
trong việc thực hiện mục tiêu giảm tình trạng mất cân bằng trong sức khỏe và chăm sóc
sức khỏe. Ngoài ra, việc đánh giá nhu cầu của cộng đồng cũng cung cấp cho các nhà
lãnh đạo một cái nhìn tổng thể về các chính sách, hệ thống và chiến lược hiện đang được
áp dụng tại địa phương, cũng như giúp xác định những lĩnh vực cần cải thiện. Dựa trên
những dữ liệu này, cộng đồng có thể vạch ra lộ trình cải thiện sức khỏe bằng cách tạo ra
các chiến lược nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững trong cộng đồng [10].

3.3. Một số nguyên tắc trong quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe

Ba nguyên tắc trong quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe là sự cải thiện, sự tích hợp
và sự tham gia [9]:

- Sự cải thiện sức khỏe và bất bình đẳng bằng việc tạo ra những thay đổi giúp cải
thiện những điều kiện hoặc những yếu tố tác động sức khỏe nhiều nhất.
- Sự tích hợp việc cải thiện sức khỏe vào trong các quá trình lập kế hoạch sử dụng
dịch vụ để những sự thay đổi này được triển khai trong những kế hoạch đó.
- Sự tham gia:
+ Những người am hiểu về các vấn đề sức khỏe trong cộng đồng
+ Những người có quan tâm về những vấn đề này
+ Những người có thể làm cho những thay đổi/can thiệp này được thực hiện.

Dựa trên đó, quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe mang lại những hành động hiệu
quả nhắm đến những người được hưởng lợi nhiều nhất, cũng như thu hút những dịch
vụ.

3.4. Các phương pháp lựa chọn ưu tiên

Đánh giá nhu cầu sức khỏe chỉ thực sự có giá trị khi tạo ra những sự thay đổi mang
lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn lực thì luôn hạn chế. Do đó, việc xác định
và lựa chọn những vấn đề sức khỏe và những nhu cầu sức khỏe ưu tiên để can thiệp sẽ
giúp mang lại những hiệu quả cao nhất. Nhiều phương pháp đã được đề xuất nhằm lựa
chọn vấn đề ưu tiên, trong đó một số phương pháp thường được sử dụng bao gồm:

Kỹ thuật Delphi: theo phương pháp này một nhóm chuyên gia hoặc những người
có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cùng nhau thảo luận để thống nhất xác định vấn đề
22
sức khỏe ưu tiên của cộng đồng [11]. Trong kỹ thuật này, các chuyên gia sức khỏe sẽ
thảo luận về một vấn đề nào đó qua nhiều vòng cho tới khi đạt được sự đồng thuận với
nhau. Ưu điểm của phương pháp này là việc xác định ưu tiên được dựa trên sự hiểu biết
của những người có kinh nghiệm về tình hình sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, đây
là cách làm định tính và mang nặng tính chủ quan, nếu không dựa vào thông tin/số liệu
thống kê có chất lượng thì các sai số gặp phải là khó tránh khỏi.

Dựa vào gánh nặng bệnh tật: Phương pháp này hoàn toàn dựa vào các con số, các
tỉ lệ để chọn ra vấn đề sức khỏe ưu tiên cần giải quyết. Trước năm 1993, các chỉ số thống
kê thường được sử dụng như mười bệnh có tỉ lệ (tần suất) mắc cao nhất, mười nguyên
nhân gây chết hàng đầu, tỉ suất tử vong,… Tuy nhiên, việc sử dụng các chỉ số thống kê
này có nhiều nhược điểm do chưa phản ánh đầy đủ gắng nặng do các vấn đề sức khỏe.
Ví dụ, nếu tính dựa trên tỉ lệ tử vong thì một trường hợp chết ở lứa tuổi 10-20 tuổi và
một trường hợp chết ở lứa tuổi 70-80 đều được tính là một trường hợp tử vong; tuy
nhiên, số năm sống mất đi ở hai trường hợp này là rất khác biệt. Do đó, sau năm 1993,
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới (World Bank) đã đề xuất xác định
gánh nặng bệnh tật dựa trên DALY (Disability Adjusted Life Year) và QALY (Quality-
Adjusted Life Year). Ưu điểm của phương pháp xác định ưu tiên dựa vào gánh nặng
bệnh tật là việc xác định các ưu tiên được căn cứ vào các số liệu/thông tin cụ thể, rõ
ràng. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số hạn chế như không sử dụng các thông tin định
tính và các thông tin có thể không phản ánh được tất cả khía cạnh của vấn đề can thiệp.
Bên cạnh đó, nếu nguồn thông tin hoặc hệ thống ghi nhận thông tin không chính xác có
thể dẫn đến việc xác định ưu tiên bị sai lệch.

Phương pháp lựa chọn ưu tiên dựa vào cách cho điểm (6 tiêu chuẩn) của WHO:
phương pháp này sử dụng một bảng điểm gồm 6 tiêu chuẩn để đánh giá ưu tiên bao
gồm: (1) Mức độ phổ biến của vấn đề (nhiều người mắc hoặc liên quan); (2) Gây tác hại
lớn (tử vong, tổn hại về kinh tế - xã hội,...); (3) Ảnh hưởng đến lớp người có khó khăn
(nghèo khổ, mù chữ,...); (4) Đã có kỹ thuật, phương tiện giải quyết; (5) Kinh phí chấp
nhận được; và (6) Cộng đồng sẵn sàng tham gia giải quyết. Mỗi tiêu chuẩn sẽ được đánh
giá và cho điểm từ 0 điểm (Không có) đến 3 điểm (Rất rõ ràng). Thứ tự ưu tiên sẽ được
xác định dựa trên tổng điểm của 6 tiêu chuẩn, trong đó vấn đề có tổng điểm cao nhất có
mức độ ưu tiên cao nhất. Ưu điểm của phương pháp này là việc xác định ưu tiên đã dựa

23
vào những tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn có thể gặp khó khăn trong
quá trình đánh giá. Ví dụ làm sao để biết có thông tin chính xác là có kinh phí giải quyết,
hay cộng đồng có sẵn sàng tham gia giải quyết. Việc cho điểm các tiêu chuẩn này nhiều
khi cũng còn cảm tính và dễ bị sai số.

Phương pháp Hanlon là phương pháp xác định ưu tiên được sử dụng phổ biến trong
lĩnh vực y tế công cộng giúp cho các cá nhân có những ưu tiên khác nhau trong cộng
đồng thống nhất một ưu tiên chung trong cả nhóm. Bốn yếu tố được sử dụng trong
phương pháp HALON bao gồm: yếu tố A (size of the problem - phạm vi của vấn đề),
yếu tố B (seriousness of the problem - tính nghiêm trọng của vấn đề), yếu tố C
(effectiveness of the solution - ước lượng hiệu quả của giải pháp can thiệp) và yếu tố D
(hay tiêu chuẩn PEARL, bao gồm các thành phần: P (propriety - phù hợp), E (economic
feasibility – khả năng kinh tế), A (acceptability – sự chấp nhận được), R (resource
availability - tính sẵn có của nguồn lực), và L (legality – phù hợp với luật pháp). Cách
đánh giá các yếu tố A, B, C được mô tả trong Bảng 2.1. Điểm số của yếu tố D là tích số
của thành phần PEARL; mỗi thành phần của D có 2 giá trị là 1 và 0; trong đó, điểm 1
khi câu trả lời là “có” và điểm 0 khi câu trả lời là “không”. Hệ thống phân loại ưu tiên
cơ bản (Basic Priority Rating System – BPRS) được tính toán dựa trên các yếu tố A, B,
C. Tất cả các yếu tố này còn bị phụ thuộc vào yếu tố D. Khi một thành phần trong D có
điểm 0 thì điểm của yếu tố D sẽ là 0, và như vậy tổng điểm chung của OPRS (overall
priority rating system: hệ thống phân loại ưu tiên chung) cũng bằng 0. Công thức tính
thang điểm cơ bản để xác định ưu tiên như sau:

- BPRS = (A + 2B) x C.
- OPRS = (A + 2B) x C x D

Đầu tiên, dựa vào các vấn đề sức khỏe được xác định, mỗi cá nhân sẽ cho điểm tất
cả các yếu tố A, B, C, D của từng vấn đề sức khỏe. Sau đó, nhóm đánh giá sẽ họp lại để
lấy quyết định của tập thể bằng cách lấy điểm trung bình cộng của tất cả các cá nhân
trong nhóm. Xếp hạng ưu tiên dựa vào tổng số điểm của các vấn đề sức khỏe. Vấn đề
sức khỏe ưu tiên số một là vấn đề có tổng điểm cao nhất, và vấn đề này sẽ được ưu tiên
giải quyết trước. Ưu điểm của phương pháp này là việc xác định ưu tiên được dựa vào
những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng, lượng hóa được. Phương pháp này xác định ưu tiên
một cách công bằng, có thể chấp nhận được và dễ tính toán. Tuy nhiên, cũng như một

24
số phương pháp trước, việc thu thập thông tin chính xác đối với từng yếu tố không phải
đơn giản.

Bảng 2. 1. Hệ thống cho điểm yếu tố A, B, C theo phương pháp Hanlon


Điểm Yếu tố A: Tỉ lệ (%) Yếu tố B: Tính nghiêm trọng Yếu tố C (%):
dân chúng bị tác động của vấn đề Hiệu quả của
của vấn đề sức khỏe chương trình can
thiệp
9 - 10 >25% Rất nghiêm trọng 81% - 100%
7-8 10% - 24,9% Khá nghiên trọng 61% - 80%
5-6 1% - 9,9% Nghiêm trọng 41% - 60%
3-4 0,1% - 0,9% Tương đối nghiêm trọng 21% - 40%
1-2 0,01% - 0,09% Ít nghiêm trọng 5% - 20%
0 <0,01% Không nghiêm trọng <5%
Lưu ý khi Số liệu nên dựa trên số - Vấn đề có khẩn cấp không?
đánh giá liệu nền được thu thập - Vấn đề có trầm trọng không?
từ cộng đồng. Có tác động đến chất lượng
cuộc sống không?
- Vấn đề gây ra thiệt hại kinh tế
như thế nào?
- Vấn đề có làm gia tăng tỉ lệ
nhập viện không?
- Vấn đề có tác động tới nhiều
nhóm dân cư không?

Ngoài ra, có bốn tiêu chí cốt lõi cần được sử dụng xuyên suốt xem xét trong quy
trình đánh giá nhu cầu sức khỏe để lựa chọn chọn những vấn đề can thiệp, gồm [9]:

- Sự tác động: Những điều kiện/yếu tố nào có tác động lớn nhất (về mức độ tác
động và phạm vi tác động) đối với hoạt động sức khỏe?
- Khả năng thay đổi: Những người tham gia đánh giá có thể thay đổi các điều
kiện/yếu tố quan trọng nhất một cách hiệu quả không?
- Khả năng chấp nhận: Để tối ưu hóa những tác động có ích, những sự thay đổi
nào được chấp nhận nhất?
- Sự khả thi của nguồn lực: Có đầy đủ nguồn lực để tạo ra những sự thay đổi cần
thiết không?

25
4. Quy trình đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe
Hiện nay, có rất nhiều hướng dẫn, công cụ và nhiều mô hình đánh giá nhu cầu sức
khỏe được phát triển nhằm xác định những nhu cầu sức khỏe của cộng đồng. Mặc dù có
những điểm khác biệt, nhưng việc đánh giá nhu cầu sức khỏe luôn phải đưa đến những
hành động và thực hiện những chiến lược nhằm tạo ra những sự thay đổi tích cực, mang
lại lợi ích cho cộng đồng, cũng như cải thiện sự bất bình đẳng sức khỏe và nâng cao chất
lượng cuộc sống của cộng đồng. Bài viết này giới thiệu 3 mô hình đánh giá nhu cầu sức
khỏe bao gồm quy trình 5 bước đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Sue Cavanagh and Keith
Chadwick (2005) [12], mô hình đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Altschuld và Kumar
(2010) (6, 13) và đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng theo WHO cho các điều dưỡng
gia đình tại Châu Âu [14].
4.1. Quy trình 5 bước đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Sue Cavanagh and Keith
Chadwick (2005)

Bước 1. Khởi động


- Dân số đánh giá?
- Mục tiêu đánh giá?
- Ai tham gia đánh giá?
- Nguồn lực cần có?
- Có những nguy cơ gì?

Bước 2. Xác định các ưu tiên sức


Bước 5. Tiếp tục/Đánh giá lại khỏe
- Rút kinh nghiệm từ dự án - Mô tả cộng đồng
- Đánh giá tác động - Thu thập dữ liệu
- Lựa chọn những ưu tiên tiếp theo - Quan điểm về sức khỏe
- Xác định và đánh giá các tình trạng
và các yếu tố tác động

Bước 4. Kế hoạch hành động để Bước 3. Đánh giá một ưu tiên


thay đổi sức khỏe để can thiệp
- Làm rõ mục tiêu của các can thiệp - Lựa chọn tình trạng sức khỏe hoặc
- Kế hoạch hành động những yếu tố tác động sức khỏe có tác
- Theo dõi và đánh giá các chiến lược động lớn nhất và nghiêm trọng nhất
- Chiến lược quản lý nguy cơ - Xác định những can thiệp và hành
động hiệu quả nhất và được chấp nhận
nhất

Hình 2. 2. Sơ đồ 5 bước đánh giá nhu cầu sức khỏe

Bước 1. Khởi động


Sau khi hoàn thành bước này, nhóm đánh giá cần làm rõ được dân số đánh giá nhu
cầu, mục tiêu và phạm vi đánh giá nhu cầu, những thành phần tham gia vào quá trình
26
đánh giá nhu cầu, xác định được những nguồn lực cần thiết, những nguy cơ có thể gặp
phải trong quá trình đánh giá cũng như các giải pháp khắc phục. Một số câu hỏi cần
quan tâm trong bước này bao gồm:
- Dân số đánh giá nhu cầu là gì? Tại sao lại chọn nhóm dân số này?
- Mục đích và các mục tiêu đánh giá nhu cầu là gì?
- Những ai cần tham gia vào quá trình đánh giá nhu cầu?
- Những nguồn lực nào cần thiết cho quá trình đánh giá nhu cầu?
- Những nguy cơ gì có thể gặp phải trong quá trình đánh giá nhu cầu? Phương pháp
khắc phục là gì?
- Bằng cách nào có thể đo lường sự thành công cũng như đảm bảo quá trình đánh
giá nhu cầu được thực hiện đúng tiến độ?

Bước 2. Xác định các ưu tiên sức khỏe

Bước này bao gồm một loạt các hoạt động và việc tổng hợp các số liệu để thu thập
các thông tin về các vấn đề sức khỏe và các yếu tố tác động sức khỏe có tác động đến
cộng đồng. Sau khi hoàn thành Bước 2, nhóm đánh giá nhu cầu cần xác định được một
danh sách theo thứ tự các ưu tiên sức khỏe của cộng đồng, đồng thời đánh giá các yếu
tố có tác động tới những ưu tiên này. Một số hoạt động cần được thực hiện bao gồm:

- Mô tả sơ lược về cộng đồng và những quan niệm của cộng đồng về nhu cầu của
họ.
- Xác định những tình trạng sức khỏe và các yếu tố tác động đến những quan điểm
này.
- Xác định những yếu tố có tác động lớn tới sức khỏe cộng đồng.
- Lựa chọn và sắp xếp các ưu tiên.

Bước 3. Đánh giá một ưu tiên sức khỏe để can thiệp

Bước này nhằm đánh giá một ưu tiên sức khỏe đặc hiệu để can thiệp. Do đó, phải
đảm bảo được rằng những yếu tố có tác động đến sức khỏe nhiều nhất (về phạm vi và
mức độ tác động) cũng như những can thiệp mang lại chi phí hiệu quả cao nhất và được
chấp nhận nhất sẽ được lựa chọn để can thiệp. Trong Bước 3 này, cần:

- Xác định những vấn đề sức khỏe được ưu tiên và những yếu tố có tác động lớn
nhất đến những ưu tiên đã chọn liên quan đến mức độ và phạm vi tác động.

27
- Xác định những can thiệp hiệu quả cho những ưu tiên sức khỏe đã chọn. Bên
cạnh đó, cũng cần xác định những ai cần tham gia vào quá trình đánh giá để tối
ưu hóa lợi ích mang lại từ những can thiệp, và bằng cách nào có thể mời họ tham
gia.
- Xác định những can thiệp nào được chấp nhận nhất cho những ưu tiên sức khỏe
đã chọn.
- Đánh giá mức độ khả thi về nguồn lực cho những can thiệp.

Bước 4. Kế hoạch hành động để thay đổi

Sau khi hoàn thành Bước 4, nhóm đánh giá cần:

- Đồng thuận về các mục đích, mục tiêu, các chỉ số đánh giá.
- Lập danh sách các hoạt động cần thiết để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- Đồng thuận về các giải pháp đánh giá nhu cầu.
- Xác định được những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự thành công của
quá trình đánh giá nhu cầu và các phương pháp để khắc phục chúng.
- Theo dõi và đánh giá (quá trình, kết quả) các hoạt động trong quá trình đánh giá
nhu cầu sức khỏe.
- Quản lý nguy cơ: một chiến lược quản lý nguy cơ nên được thực hiện ngay từ
đầu quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe để đánh giá và giải quyết những tác động
của nó lên sự thành công của quá trình đánh giá nhu cầu. Ngoài ra, nó cũng nên
được kết hợp trong từng can thiệp cụ thể.

Bước 5. Tiếp tục hoặc đánh giá lại

Đây là một phần rất quan trọng trong quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe để đánh
giá xem quá trình này có còn là một công cụ hiệu quả và phù hợp để giải quyết các bất
bình đẳng về sức khỏe của cộng đồng hay không. Hoạt động này nhằm rút ra những bài
học từ quá trình đánh giá:

- Những hoạt động nào được thực hiện tốt? Tại sao? Những kết quả đạt được có
đáp ứng được những mục tiêu ban đầu đã đề ra hay không?
- Những hoạt động nào hoạt động không hiệu quả? Tại sao?
- Những hoạt động nào cần được thực hiện trong thời gian tới?

28
- Mức độ hiệu quả của các hoạt động là như thế nào? Điều gì cần cải thiện? Những
thách thức gặp phải là gì? Có những rào cản nào?

Trên cơ sở đó giúp nhóm đánh giá nhu cầu có thể điều chỉnh lại danh sách những ưu
tiên, thực hiện những điều chỉnh cần thiết.

Bảng 2. 2. Các kỹ năng cần thiết cho quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe
TT Kỹ năng Mô tả Bước áp Kỹ năng thành phần
dụng
1 Kỹ năng quản Chịu trách nhiệm quản Tất cả các - Xây dựng mục tiêu
lý dự án lý tổng thể dự án từ khi bước - Quản lý thời gian
(Project bắt đầu tới lúc can - Quản lý nhân sự
Management) thiệp và đánh giá các - Quản lý stress
hoạt động. - Lãnh đạo dự án
- Quản lý nguy cơ
- Viết báo cáo
Bước 4 Phối hợp lập kế hoạch hành
động và lên kế hoạch chuẩn
bị cho các can thiệp.
2 Kỹ năng làm Nhận diện những điểm Tất cả các - Hỗ trợ
việc nhóm mạnh, điểm yếu, cơ hội bước - Giao tiếp
(Team và rào cản trong nhóm - Lãnh đạo
building) đáng giá và thiết lập - Đàm phán
những phương thức - Xây dựng năng lực
hoạt động để nhóm làm - Phát triển kỹ năng
việc một cách hiệu - Đào tạo
quả.
3 Kỹ năng làm Xác định và gắn kết Tất cả các - Kết nối
việc với các các bên liên quan, phát bước - Xây dựng lòng tin và uy
đối tác triển tầm nhìn chung tín
(Partnership và phân công công - Hỗ trợ
working) việc. - Đàm phán
- Hợp tác
- Giải quyết vấn đề
4 Kỹ năng Phát triển sự liên kết Bước 2 - Xác định dân số chủ chốt
khuyến khích với các mạng lưới cộng - Lắng nghe
sự tham gia đồng và đảm bảo sự - Cung cấp thông tin có thể
của cộng tham gia tích cực của tiếp cận được
đồng các thành viên chủ chốt - Đảm bảo sự phản hồi
(Community của cộng đồng. thông tin
engagement)
29
TT Kỹ năng Mô tả Bước áp Kỹ năng thành phần
dụng
- Hiểu biết về các rào cản
của cộng đồng
- Đàm phán
- Tiếp cận được các cộng
đồng bị thiệt thòi
5 Kỹ năng mô Bước 2 - Kiến thức về nhân khẩu
tả cộng đồng học
(Population - Lịch sử địa phương
profiling) - Môi trường/nhà ở/giao
thông/ sức khỏe và giải
trí,…
- Các tổ chức tình nguyện
và các tổ chức tại địa
phương
6 Kỹ năng thu - Thống nhất các Bước 2 - Đánh giá nhanh
thập số liệu phương pháp luận phù - Đánh giá có sự tham gia
(Data hợp. - Khảo sát
collection) - Thực hiện thu thập dữ - Đánh giá nhóm tập trung
liệu để hiểu được thực - Thiết kế bộ câu hỏi
trạng đang xảy ra và - Phân tích dữ liệu
đánh giá mối liên hệ - Thu thập thông tin từ
giữa các biến số khác nguồn thông tin địa
nhau về mức độ liên phương
quan.
7 Kỹ năng theo Xác lập những cột mốc Bước 4 Xây dựng chỉ số đánh giá
dõi/xây dựng để xem xét và đánh giá
các chỉ số dự án.
(Monitoring/ Thực hiện đánh giá để Tất cả các - Đánh giá quá trình
setting đo lường hiệu quả các bước - Đánh giá kết thúc
indicators) hoạt động và xem xét
tiến độ thực hiện và kết
quả.
Đảm bảo các kết quả Bước 5 - Chiến lược kết thúc dự án
bền vững. - Nâng cao năng lực cộng
đồng

30
4.2. Các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Altschuld và Kumar (2010)
Bảng 2. 3. Các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Altschuld và Kumar (2010)

Giai đoạn Mô tả Các bước chính


Giai đoạn 1. Tập trung việc đánh giá 1. Khu trú việc đánh giá.
Trước đánh giá nhu cầu; đã biết gì về - Xác định mục đích của đánh giá nhu
(Pre- những nhu cầu có thể có? cầu và (các) câu hỏi xác định bản
assessment) (Giai đoạn này chủ yếu tận chất của “khoảng trống” cần giải
dụng dữ liệu sẵn có). quyết.
- Hiểu (các) dân số mục tiêu.
- Xem xét bối cảnh chiến lược của
(các) chương trình.
- Thống kê các dịch vụ hiện có.
- Xác định các dịch vụ trùng lặp có
thể có và các đồng dịch vụ (co-
services) tiềm năng.
- Xem xét các nguồn lực sẵn có để
đánh giá nhu cầu.
2. Thành lập nhóm đánh giá nhu cầu.
3. Nghiên cứu nguồn dữ liệu sẵn có để
xác định “thực trạng” và “điều mong
muốn”.
4. Chuyển sang giai đoạn 2 và/ hoặc 3
hoặc dừng lại.
Giai đoạn 2. Có cần thêm thông tin 5. Thực hiện đánh giá đầy đủ về “thực
Thực hiện đánh không? Có cần thu thập trạng” và “điều mong muốn”.
giá những dữ liệu chuyên sâu 6. Xác định “khoảng trống” - những
(Assessment) hơn không? Có biết về nhu cầu chưa được đáp ứng.
nguyên nhân/nguồn gốc 7. Sắp xếp ưu tiên các nhu cầu để can
của nhu cầu là gì không? thiệp.
(Giai đoạn này có thể yêu 8. Phân tích nguyên nhân của nhu cầu.
cầu đầu tư nhiều về thời 9. Xác định giải pháp và các chiến lược
gian, nhân sự và nguồn lực khả thi.
để thu thập dữ liệu mới). 10. Chuyển sang Giai đoạn 3 hoặc
dừng lại
Giai đoạn 3. Đã sẵn sàng hành động 11. Đưa ra quyết định cuối cùng để
Sau đánh giá chưa và đã nghiên cứu đủ giải quyết các nhu cầu và lựa chọn
(Post- về nhu cầu để đạt được giải pháp chiến lược.
assessment) những mục tiêu hành động 12. Xây dựng kế hoạch hành động cho
chưa? các chiến lược giải pháp, phổ biến
kế hoạch và xây dựng cơ sở hỗ trợ.

31
Giai đoạn Mô tả Các bước chính
13. Thực hiện, theo dõi và đánh giá
các hoạt động của quá trình đánh
giá nhu cầu sức khỏe.

4.3. Hướng dẫn đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng theo Tổ chức Y tế thế giới
(2001)
Hướng dẫn này mô tả phương pháp giúp nhận diện các nhu cầu sức khỏe ưu tiên của
cộng động, và nhận diện các nguồn lực mục tiêu nhằm giải quyết sự mất bình đẳng cũng
như thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng
đồng không phải là hoạt động diễn ra một lần mà là một quá trình được bổ sung và sửa
đổi liên tục theo thời gian. Đây là một quá trình sử dụng thông tin để lập kế hoạch chăm
sóc sức khỏe và các chương trình sức khỏe cộng đồng trong tương lai. Các bước đánh
giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng được mô tả trong Hình 2.3.

Bước 1. Mô tả cộng đồng

Bước 2. Xác định ưu tiên hành động

Bước 3. Lập kế hoạch hành động

Bước 4. Thực hiện kế hoạch

Bước 5. Đánh giá kết quả

Hình 2. 3. Các bước đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng theo WHO [14]
4.3.1. Mô tả cộng đồng

Mô tả cộng đồng là quá trình thu thập các thông tin liên quan nhằm mô tả nhu cầu
sức khỏe của cộng đồng cũng như phân tích các thông tin thu thập được nhằm xác định
các vấn đề sức khỏe chính của cộng đồng. Các câu hỏi cần quan tâm khi mô tả cộng
đồng bao gồm:
- Các đặc điểm chính của cộng đồng là gì?
32
- Tình trạng thức khỏe của người dân như thế nào?
- Những yếu tố nào tại địa phương đang tác động đến sức khỏe của người dân? Tác
động đó là như thế nào (tốt hay xấu)?
- Những dịch vụ nào hiện đang được cung cấp?
- Người dân địa phương xem vấn đề nào là nhu cầu sức khỏe của họ?
- Những ưu tiêu vể sức khỏe của quốc gia và địa phương là gì?
Các dữ liệu thu thập cần được tổng hợp, phân tích, so sánh nhằm xác định được
các vấn đề sức khỏe của cộng đồng.

Bảng 2. 4. Bảng mô tả cộng đồng


1. Đặc điểm cùa cộng đồng
- Vị trí địa lý, hoặc đặc điểm về nhóm dân số (nếu không có nơi ở cố định)
- Dân số
- Phân bố tuổi
- Phân bố giới
- Phân bố dân tộc và tôn giáo
- Xu hướng biến đổi theo thời gian
- Ngôn ngữ và trình độ học vấn
2. Thực trạng sức khỏe của cộng đồng
- Các chỉ số đo lường sức khỏe.
- Những dữ liệu thường được sử dụng bao gồm: dữ liệu về tử vong, bệnh tật,
hành vi sức khỏe, các chỉ số đo lường về chất lượng cuộc sống; các thông tin
về sử dụng các dịch vụ, sự bất bình đẳng sức khỏe
3. Các yếu tố địa phương tác động đến sức khỏe (tốt và xấu)
- Nghề nghiệp và việc làm
- Thu nhập và đói nghèo
- Yếu tố môi trường có tác động đến sức khỏe như sự ô nhiễm, nước sạch và tình
trạng vệ sinh môi trường, tình trạng nhà ở, phương tiện giao thông công cộng
và các dịch vụ giao thông,…
- Sự gắn kết xã hội như sự hỗ trợ của cộng đồng, các mạng lưới xã hội, sự di dân,
các nhóm không chính thức (các giáo phái, khách du lịch, người vô gia cư)
- Các hoạt động, chương trình gắn kết xã hội
- Các yếu tố gây bất ổn cộng đồng như chiến tranh, suy thoái kinh tế, thiên tai,
lũ lụt
- Nguồn lực chính thức và không chính thức
4. Các chương trình, hoạt động đang được thực hiện

5. Quan niệm của người dân địa phương về nhu cầu sức khỏe của họ và các
dịch vụ chăm sóc sức khỏe

33
6. Các vấn đề ưu tiên của quốc gia và của địa phương

4.3.2. Xác định ưu tiên hành động

Một số phương pháp xác định vấn đề sức khỏe ưu tiên được mô tả trong mục 3.4.
Trong đó, một số câu hỏi cần được trả lời cho mỗi nhu cầu sức khỏe hoặc vấn đề sức
khỏe đã xác định:

- Có bao nhiều người bị tác động?


- Các thông tin nói lên điều gì về sự bất bình đẳng?
- Các vấn đề/nhu cầu sức khỏe này tác động đến người dân như thế nào?
- Có những can thiệp phù hợp và hiệu quả không?
- Các dịch vụ hiện tại có đầy đủ không?
- Nhu cầu sức khỏe được xác định có phù hợp với các ưu tiên và chiến lược hiện
có không?
- Có sẵn những người được đào tạo về vấn đề này trong cộng đồng không?

4.3.3. Lập kế hoạch hành động

Phần cuối cùng và quan trọng nhất trong quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng
đồng là lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giúp giải quyết các nhu cầu sức khỏe
ưu tiên đã được xác định. Thước đo của một quá trình đánh giá nhu cầu tốt sẽ là sự thành
công hay thất bại của các hoạt động được thực hiện để cải thiện sức khoẻ. Có một số
yếu tố cần được chú trọng trong quá trình lập kế hoạch can thiệp bao gồm:

- Sự sáng tạo trong các giải pháp can thiệp


- Sự tham gia của cộng đồng
- Sự hợp tác giữa các bên liên quan
- Việc nâng cao sức khỏe: Đây là một mô hình nhằm trao quyền cho các nhân và
cộng đồng nhằm giúp họ nâng cao kiểm soát và cải thiện sức khỏe của mình một
cách chủ động. Việc nâng cao sức khỏe bao gồm nhiều hoạt động như: xây dựng
các chính sách công, xây dựng môi trường hỗ trợ cộng đồng, tăng cường các hoạt
động của cộng đồng, phát triển các kỹ năng cho người dân, tổ chức lại các dịch
vụ y tế, và giải quyết sự bất bình đẳng.

34
- Việc phòng bệnh: các hoạt động cải thiện sức khỏe cần bao gồm cả việc điều trị,
chăm sóc người bệnh và các hoạt động chăm sóc người khỏe trong cộng đồng.
- Việc đánh giá kết quả các hoạt động.

4.3.4. Thực hiện kế hoạch

Sau khi đã lập kế hoạch cho quá trình đánh giá, việc tiếp theo là triển khai thục hiện
kế hoạch đó. Thực hiện kế hoạch là quá trình biến mọi kế hoạch trên giấy thành hiện
thực, thành sản phẩm mong đợi. Đây là quá trình tạo ra và vận hành để đạt được mục
tiêu đề ra. Quá trình thực hiện có 3 mặt: khởi động, vận hành và giám sát. Trên thực tế,
đây là bước khó khăn nhất trong chu trình quản lý, đòi hỏi thời gian, công sức, trí tuệ và
nguồn lực lớn nhất.
Kế hoạch hoạt động được đặt ra nhằm cụ thể hóa chiến lược bằng các hoạt động cụ
thể, đảm bảo cân đối các điều kiện thực hiện với sự phân công trách nhiệm và quy định
về thời gian cụ thể. Nội dung chính của kế hoạch hành động gồm: mục tiêu chuyên biệt;
kèm theo mỗi chỉ tiêu là một số hoạt động phù hợp với các chiến lược đã chọn để đạt
được mục tiêu đó; mỗi hoạt động được mô tả cụ thể về nội dung, địa điểm, thời gian bắt
đầu, thời gian kết thúc, người chịu trách nhiệm, kinh phí được cấp, chỉ số đánh giá,…

Bảng 2. 5. Bảng kế hoạch hoạt động cụ thể

Phương
Chủ Tham Nguồn Kết quả
Vấn đề Thời gian pháp
Mục Hoạt trì gia lực dự kiến
STT được xác đánh giá
tiêu động
định
Bắt Kết
đầu thúc

2
3

4.3.5. Đánh giá kết quả

Đánh giá kết quả đạt được nhằm xem xét kế hoạch đã thực hiện được những gì, mức
độ đạt được các mục tiêu, hiệu quả thu được có xứng đáng với nguồn lực đã bỏ ra hay
không. Bên cạnh đó, quá trình này còn giúp phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu từ

35
đó rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng của những kế hoạch
chu kỳ sau. Lập kế hoạch và đánh giá là hai quá trình nối tiếp nhau và liên tục tác động
để có thể thay đổi kế hoạch lẫn mục tiêu theo hướng phát triển tiến lên.

CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ

1) Về đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe:

A. Là một phương pháp hệ thống nhằm xác định các nhu cầu về sức khỏe và chăm
sóc sức khỏe chưa được đáp ứng
B. Nhằm thực hiện các thay đổi để đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng
C. Nhằm nhận diện các các hoạt động chưa hiệu quả
D. Cả A, B và C đúng

2) Phát biểu nào sau đây là đúng:

A. Nhu cầu (Needs) là các dịch vụ cộng đồng đòi hỏi nhưng không biết giá
B. Cung cấp/đáp ứng (Supply) là các dịch vụ thực sự được cung cấp
C. Mong muốn (Wants) là các dịch vụ cộng đồng đòi hỏi khi đã biết giá; điều mà
bệnh nhân/cộng đồng yêu cầu và sẵn sàng chi trả
D. Đòi hỏi (Demands) là các dịch vụ các chuyên giá đánh giá là cần phải cung cấp

3) Cho hình sau về mối liên quan giữa Đòi hỏi (Demands), Nhu cầu (needs) và Cung
cấp (Supply), các nhà quản lý cần kích thích phát triển và mở rộng các dịch vụ nằm
trong vùng nào:

Nhu cầu 1 Đòi hỏi

4
2 3

Cung cấp

A. Vùng số 1
B. Vùng số 2
36
C. Vùng số 3
D. Vùng số 4

4) Cho hình sau về mối liên quan giữa Đòi hỏi (Demands), Nhu cầu (Needs) và Cung
cấp (Supply), các nhà cung cấp dịch vụ cần hạn chế hoặc cắt bỏ các dịch vụ nằm trong
vùng nào:

Nhu cầu 1 Đòi hỏi

4
2 3

Cung cấp

A. Vùng số 1
B. Vùng số 2
C. Vùng số 3
D. Vùng số 4

5) Các nguyên tắc trong quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng:

A. Sự cải thiện (Improvement), Sự tích hợp (Integration), Sự tương tác (Interaction)


B. Sự cải thiện (Improvement), Sự tích hợp (Integration), Sự tham gia (Involvement)
C. Sự tích hợp (Integration), Sự tham gia (Involvement), Sự tương tác (Interaction)
D. Sự cải thiện (Improvement), Sự tích hợp (Integration), Sự tương tác (Interaction)

6) Những ai tham gia vào quá trình xác định nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

A. Người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ


B. Nhà nghiên cứu, người lập kế hoạch
C. Cộng đồng; người sử dụng dịch vụ; nhà cung cấp dịch vụ; nhà nghiên cứu, người
lập kế hoạch
D. Cộng đồng; người sử dụng dịch vụ; nhà cung cấp dịch vụ

7) Các kỹ năng cần thiết cho quá trình đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe:

37
A. Kỹ năng quản lý dự án (Project Management), làm việc với các đối tác
(Partnership working), làm việc nhóm (Team building)
B. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng (Community engagement)
C. Thu thập số liệu (Data collection), mô tả cộng đồng (Population profiling), theo
dõi/xây dựng các chỉ số (Monitoring/setting indicators)
D. Cả A, B và C đúng

8) Kỹ thuật xác định vấn đề sức khỏe ưu tiên nào dựa trên (1) Mức độ phổ biến của vấn
đề (2) Tác hại của vấn đề (3) Ảnh hưởng đến lớp người khó khăn (4) Đã có phương tiện
giải quyết (5) Kinh phí chấp nhận được (6) Cộng đồng sẵn sàng tham gia giải quyết.

A. Hệ thống phân loại ưu tiên chung (OBRS).


B. Hệ thống phân loại ưu tiên cơ bản (BPRS).
C. Hanlon.
D. Bảng tiêu chuẩn thông thường.

9) Một nhóm người được coi là hiểu biết vấn đề liên quan cùng nhau bàn bạc thống nhất
để xác định xem hiện nay địa phương mình có những vấn đề sức khỏe gì. Đây là kỹ
thuật:

A. Hanlon.
B. Delphi.
C. Dựa trên bảng điểm.
D. Dựa trên gánh nặng bệnh tật.

10) Công thức tính thang điểm cơ bản để xác định ưu tiên (BPRS):

A. (A + B) x C.
B. (A + B) x 2C.
C. (A + 2B) x C.
D. (A + 2B) x C x D.

ĐÁP ÁN
1.D 2.B 3.D 4.C 5.B

6.C 7.D 8.D 9.B 10.C

38
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Green A. An introduction to health planning for developing health systems. 3d ed.


New York: Oxford Univ. Press; 2007.
2. Wright J, Walley J. Assessing health needs in developing countries. BMJ : British
Medical Journal. 1998;316(7147):1819-23.
3. WHO. Community Health Needs Assessment: An introductory guide for the family
health nurse in Europe. Copenhagen: WHO Regional Office for Europe; 2001.
4. Bani IA. Health needs assessment. J Family Community Med. 2008;15(1):13-20.
5. Wright J, Williams R, Wilkinson JR. Development and importance of health needs
assessment. BMJ. 1998;316(7140):1310-3.
6. Altschuld JWKDD. Needs assessment : an overview. 2010.
7. Bradshaw J. A Taxonomy of Social Need. New Society. 1972;30.
8. Michel T. Integrating services for older people: a resource book for managers.
International Journal of Integrated Care. 2005;5.
9. Hooper J, Longworth P. Health needs assessment workbook. London: Health
Development Agency; 2002. Available from:
http://www.nice.org.uk/niceMedia/documents/hna.pdf.
10. CDC. Community Needs Assessment Atlanta, GA2013 [Available from:
https://www.cdc.gov/globalhealth/healthprotection/fetp/training_modules/15/comm
unity-needs_pw_final_9252013.pdf.
11. Linstone H, M T. The Delphi Method Techniques and Applications. USA: Addison-
Wesley Publishing Company; 2002.
12. Cavanagh S, Chadwick K. Health needs assessment : a practical guide. London:
National Institute for Health and Clinical Excellence; 2005.
13. McDavid J, Huse I, Hawthorn L. Program Evaluation and Performance
Measurement: An Introduction to Practice - Third Edition. Thousand Oaks,
California2019. Available from: https://methods.sagepub.com/book/program-
evaluation-and-performance-measurement-3e.
14. Rowe A, McClelland A, Billingham K, Carey L. Community health needs
assessment: an introductory guide for the family health nurse in Europe.
Copenhagen: World Health Organization. Regional Office for Europe; 2001 2001.

39
BÀI 3. KHUNG LƯỢNG GIÁ CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ
ThS. BS. Hồ Tất Bằng

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Phân tích được khái niệm về khung lượng giá chương trình y tế.
2. Phân tích được các bước trong khung lượng giá chương trình y tế.
3. Phân tích được các tiêu chuẩn của một lượng giá tốt.

NỘI DUNG
1. Khung lượng giá theo CDC
1.1. Giới thiệu Khung lượng giá theo CDC
Theo CDC Hoa Kỳ, lượng giá chương trình y tế là việc thu thập và thẩm định thông
tin một cách có hệ thống để cung cấp phản hồi hữu ích về một hoạt động y tế, qua đó
cải thiện chất lượng của chương trình y tế.
Khung lượng giá chương trình y tế là một công cụ được thiết kế để hướng dẫn cho
nhân viên y tế sử dụng trong quá trình thực hiện lượng giá. Khung này bao gồm 2 thành
phần chính đó là 6 bước thực hành lượng giá và các tiêu chuẩn của một lượng giá tốt
(Hình 3.1) [1],[2]

Xác định,
phân tích
các bên
liên quan
Sử dụng
Mô tả
kết quả và
chương
chia sẻ các
trình
bài học

Chứng Xác định


minh trọng tâm
những kết thiết kế
luận đánh giá
Thu thập
bằng
chứng tin
cậy

Hình 3. 1. Khung lượng giá theo CDC

40
Phần thứ hai của khung là các tiêu chuẩn của một cuộc lượng giá tốt. Có 30 tiêu
chuẩn cụ thể, được sắp xếp thành bốn nhóm sau:
- Tính hữu dụng
- Tính khả thi
- Tính phù hợp
- Tính chính xác
Những tiêu chuẩn này giúp trả lời câu hỏi: "Liệu lượng giá này có phải là một lượng
giá 'tốt' không?" Chúng được đề xuất làm tiêu chí ban đầu để lượng giá chất lượng của
các chương trình lượng giá.
1.2. Các bước thực hành lượng giá
1.2.1. Xác định và phân tích các bên liên quan
a. Xác định các bên liên quan
Các bên liên quan là tất cả các cá nhân hoặc nhóm người, tổ chức có liên quan đến
chương trình. Các bên này có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, tích cực hoặc tiêu
cực, có thể gây ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi quá trình thực hiện cũng như kết quả
của chương trình.
Các bên liên quan thường được phân thành ba nhóm chính:
- Nhóm hưởng lợi: là nhóm nhận được sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của chương
trình, dự án. Nhóm này có thể là nhân dân tại địa phương, đối tượng mục tiêu của chương
trình. Nhóm này cũng có thể là các cơ quan quản lý của trung ương, địa phương.
- Nhóm tài trợ: Bao gồm các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cá nhân,
nhà hảo tâm.
- Nhóm trung gian: có thể là những cơ quan tổ chức, cá nhân đứng giữa nhà tài trợ
và nơi nhận tài trợ, họ thuyết phục xin viện trợ, giúp đỡ xây dựng dự án. Nhóm này cũng
có thể hưởng lợi từ dự án.
b. Phân tích các bên liên quan
Một trong những nguyên nhân thất bại của chương trình hoặc dự án là sự tham gia
không đầy đủ hoặc sự không cam kết giữa các bên liên quan. Phân tích các bên liên quan
sẽ giúp lường trước được những rủi ro tiềm ẩn, những mâu thuẫn hoặc khó khăn từ phía
các bên liên quan có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình hoặc dự án.
Ví dụ về phân tích các bên liên quan:

41
Bên liên quan Vai trò Mối quan tâm
Nhóm hưởng lợi
Phụ nữ 15-49 tuổi Đối tượng thụ - Nhận được các dịch vụ chăm sóc sức
hưởng của dự án khỏe sinh sản tốt nhất.
- Sự sẵn có của các dịch vụ.
… … …
Nhóm tài trợ
UNFPA Tài trợ kinh phí, hỗ - Chất lượng các dịch vụ chăm sức
trợ kỹ thuật khỏe sinh sản tới quần thể đích được
cải thiện.
- Tính bền vững của dự án.
…. … …
Nhóm trung gian
Trung tâm chăm sóc Điều phối thực hiện - Nâng cao năng lực chuyên môn cho
sức khỏe sinh sản các hoạt động của cán bộ y tế.
thành phố X. chương trình, dự án - Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe sinh sản tốt nhât.
…. … …

Hoạt động phân tích các bên liên quan bao gồm:
- Liệt kê tất cả các bên liên quan và các đặc điểm kinh tế - xã hội của họ.
- Xác định các lợi ích hay các thiệt thòi (có thể có) do chương trình hoặc dự án
mang lại đối với từng bên liên quan.
- Phân tích mối quan tâm hay vai trò của các bên liên quan đối với dự án.
- Phân tích các điểm mạnh/điểm yếu của họ trong việc thực hiện vai trò đối với dự
án của mỗi nhóm.
- Phân tích mối quan hệ giữa các nhóm, đặc biệt là các mối quan hệ có thể ảnh
hưởng đến sự hợp tác giữa họ và việc thực hiện chương trình, dự án.
1.2.2. Mô tả chương trình
Trong bước này, chúng ta phải xác định và mô tả chương trình sắp được lượng giá.
Một số khía cạnh cụ thể cần được đưa vào khi mô tả chương trình:
- Nhu cầu: Các đặc điểm quan trọng cần lưu ý liên quan đến nhu cầu của một
chương trình là: bản chất của vấn đề, ai bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, cách thức
chương trình đang tác động.

42
- Mục tiêu chính của chương trình: là kết quả dự kiến của chương trình, những gì
chương trình phải hoàn thành để được coi là thành công.
- Các hoạt động: là tất cả những gì chương trình thực hiện để mang lại thay đổi.
- Các nguồn lực: bao gồm thời gian, nhân lực, trang thiết bị, tài chính và các nguồn
lực sẵn có để tiến hành các hoạt động của chương trình.
- Giai đoạn của chương trình: Giai đoạn của một chương trình phản ánh sự trưởng
thành của nó. Những người thực hiện lượng giá, cũng như những người sử dụng kết quả,
cần phải xem xét bản chất động của các chương trình. Ví dụ, một chương trình mới vừa
nhận được khoản tài trợ đầu tiên có thể khác ở nhiều khía cạnh với một chương trình đã
chạy hơn một thập kỷ.
- Bối cảnh: là xem xét các đặc điểm của môi trường mà chương trình hoạt động.
Điều này bao gồm hiểu biết về lịch sử, địa lý, chính trị và các điều kiện kinh tế và xã
hội của khu vực cũng như những gì các tổ chức khác đã làm.
- Mô hình logic: Thực ra là sự tổng hợp các phần chính của một chương trình tạo
thành một bức tranh toàn cảnh. Mô hình logic thường được vẽ thành sơ đồ diễn tiến
(flow-chart) gồm các thành phần: Đầu vào, quá trình, đầu ra, kết quả, tác động.
1.2.3. Xác định trọng tâm thiết kế lượng giá
Xác định các vấn đề ưu tiên lượng giá có nghĩa là lập kế hoạch trước về vị trí của
lượng giá và những bước cần thực hiện để đạt được điều đó. Việc lượng giá là không
thể khi cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi cho tất cả các bên liên quan mà cần phải có
trọng tâm. Tùy thuộc vào những gì chúng ta muốn nghiên cứu sẽ có thiết kế lượng giá
sẽ phù hợp.
Một số vấn đề cần xác định mục tiêu lượng giá là:
- Mục đích của lượng giá.
- Đối tượng sẽ sử dụng kết quả lượng giá.
- Cách thức sẽ sử dụng kết quả lượng giá.
1.2.4. Thu thập các thông tin, bằng chứng tin cậy
Bước này yêu cầu xác định những chỉ số cụ thể để trả lời những câu hỏi lượng giá
để cho ra những bằng chứng tin cậy. Chỉ số có thể bao gồm những biến số có thể phản
ánh được hiện tượng, vấn đề được lượng giá. Chỉ số mạnh sẽ cho ra những bằng chứng
tin cậy. Chỉ số mạnh cần phải:
- Có giá trị: đo được những gì cần đo
43
- Đáng tin cậy: Đo lường được, sai số thấp
- Khách quan: ít bị sai lệch bởi con người.
- Nhạy: Thay đổi của chỉ số phản ánh được những thay đổi về sự vật hiện tượng
- Đặc hiệu: Chỉ số đặc trưng cho hiện tượng hay tình huống cụ thể.
Lựa chọn thiết kế lượng giá và phương pháp thu thập thông tin
Trong bước này, chúng ta cần phải xác định cách làm thế nào để thu thập thông tin
và lựa chọn thông tin từ những nguồn nào. Phương pháp thu thập thông tin có thể là
định lượng hoặc định tính. Các thiết kế lượng giá sẽ được trình bày rõ trong bài: “ Các
thiết kế lượng giá chương trình y tế”.
Triển khai lượng giá
Việc triển khai lượng giá cần phải lập kế hoạch cẩn thận và quy định rõ ai sẽ làm gì?
Khi nào làm? Và làm như thế nào?. Các nguồn lực cần cho lượng giá cần phải xác định
rõ ràng. Sự đồng thuận và hỗ trợ từ lãnh đạo và cơ quan quản lý cần được đảm bảo.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai cũng cần được xem xét.
Với một lượng giá bên ngoài, điều cần thiết là phả có một hợp đồng với chuyên gia
lượng giá và nêu rõ vai trò của người lượng giá, kế hoạch lượng giá, thời hạn và kết quả
mong đợi từ lượng giá.
1.2.5. Minh chứng những kết luận
Cần sử dụng phương pháp phân tích thống kê cho phù hợp với câu hỏi nghiên cứu.
Những hạn chế trong quá trình thu thập số liệu hay phân tích cần phải được đề cập đến.
Các kết luận lượng giá được chứng minh khi chúng được liên kết với các bằng chứng
được thu thập và lượng giá dựa trên các giá trị hoặc tiêu chuẩn đã được thống nhất do
các bên liên quan đặt ra. Các bên liên quan phải đồng ý rằng các kết luận là hợp lý trước
khi họ tin tưởng sử dụng các kết quả lượng giá. Biện minh cho kết luận trên cơ sở bằng
chứng bao gồm tiêu chuẩn, phân tích và tổng hợp, giải thích, lượng giá và khuyến nghị.
1.2.6. Sử dụng kết quả và chia sẻ các bài học
Các kết luận từ lượng giá sẽ là cơ sở cho việc điều chỉnh chương trình, do đó, người
lượng giá cần đảm bảo rằng các kết quả lượng giá sẽ được sử dụng một cách thích hợp.
Chuẩn bị cho việc sử dụng chúng bao gồm tư duy chiến lược dài hạn:
- Tiếp tục theo dõi kết qủa chương trình
- Thu thập thông tin cho các đánh gía dài hạn

44
- Bổ sung kết quả lượng giá và cung cấp cho các bên liên quan.
- Thực hiện các đề xuất: phản hồi kết qủa cho các thành phần cộng đồng.

1.3. Các tiêu chuẩn của một lượng giá tốt


Phần thứ hai của khung là các tiêu chuẩn của một cuộc lượng giá tốt. Có 30 tiêu
chuẩn cụ thể, được sắp xếp thành bốn nhóm sau:
1.3.1. Tính hữu dụng
Tính hữu dụng là việc lượng giá đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng thông tin
từ lượng giá. Có 7 tiêu chuẩn về tính hữu dụng.
Bảng 3. 1. Các tiêu chuẩn về tính hữu dụng
Xác định các bên Chúng ta cần xác định các đối tượng tham gia hoặc bị ảnh hưởng
liên quan bởi việc lượng giá để có thể đáp ứng nhu cầu của họ.
Uy tín của người Người lượng giá phải đáng tin và có năng lực thực hiện lượng giá.
lượng giá
Phạm vị và lựa Các thông tin thu thập được cần trả lời được các hỏi liên quan đến
chọn thông tin chương trình, đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của khách hàng
và các bên liên quan.
Xác định các giá Chúng ta cần mô tả chi tiết các quy trình, lý do được sử dụng để
trị phiên giải các kết quả thu đươc, làm cơ sở để lượng giá các giá
trị.
Báo cáo rõ ràng Báo cáo lượng giá cần mô tả rõ ràng chương trình được lượng
giá, các kết quả để người đọc có thể hiểu được thông tin trong báo
cáo.
Phổ biến kế quả Các kết quả ban đầu nhưng quan trọng và báo cáo lượng giá cần
kịp thời được phổ biến cho các đối tượng sử dụng để họ có thể sử dụng
kịp thời.
Ảnh hưởng của Chúng ta cần lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo kết quả lượng
lượng giá giá sao cho các bên liên quan có thể làm theo được.

45
1.3.2. Tính khả thi
Tính khả thi là đảm bảo có thể thực hiện được lượng giá. Có 3 tiêu chuẩn về tính khả
thi. Bảng .
Bảng 3. 2. Các tiêu chuẩn về tính khả thi

Quy trình lượng Các quy trình lượng giá cần phải thực tế trong khi các thông tin
giá thực tế cần thiết vẫn được thu thập.
Yếu tố chính trị Trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện lượng giá, chúng ta cần
xem xét vị trí các nhóm đối tượng khác nhau để có thể hợp tác
với họ và phòng ngừa những hành động không tốt đối với hoạt
động lượng giá hoặc bóp méo, sử dụng sai kết quả lượng giá.
Chi phí – hiệu quả Việc lượng giá cần hiệu quả, đem lại những thông tin có giá trị,
tương xứng với nguồn lực đã sử dụng cho lượng giá.

1.3.3. Tính phù hợp


Tính phù hợp là đảm bảo cho việc lượng giá không vi phạm đạo đức (lượng giá được
tiến hành sau khi có sự xem xét quyền lợi và mối quan tâm của các đối tượng tham gia
và bị ảnh hưởng). có 8 tiêu chuẩn về tính phù hợp giúp xây dựng công cụ, thỏa thuận
hướng lượng giá, bảo vệ quyền lợi con người, giải quyết các mâu thuật một cách công
khai và công bằng.
Bảng 3. 3. Các tiêu chuẩn về tính phù hợp
Chú trọng vào Cần thiết kế lượng giá để giúp tổ chức đáp ứng có hiệu quả nhu
việc cung cấp cầu của các đối tượng phục vụ.
dịch vụ
Thỏa thuận bằng Những cá nhân, tổ chức tham gia lượng giá cần thỏa thuận bằng
văn bản văn bản về nghĩa vụ của mình.
Tôn trọng quyền Lượng giá cần được thiết kế và thực hiện sao cho quyền con
con người người được tôn trọng và bảo vệ.
Tác động qua lại Các cá nhân lượng giá cần tương tác với các đối tượng khác liên
giữa các bên quan tới việc lượng giá để không có ai bị ảnh hưởng xấu.

46
Lượng giá trung Chương trình can thiệp cần được lượng giá trung thực, phản ánh
thực chương trình các điểm mạnh và điểm yếu để phát huy điểm mạnh và khắc
phục điểm yếu.
Phổ biến các kết Các bên tham gia lượng giá cần phổ biến các kết quả lượng giá,
quả lượng giá kể cả kết quả tốt và hạn chế cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi
lượng giá và đối tượng khăc có quyền nhận được kết quả.
Giải quyết mâu Cần kiểm soát các mâu thuật về quyền lợi một cách thẳng thắn
thuẫn và trung thực để quá trình lượng giá và các kết quả không bị dàn
xếp.
Trách nhiệm về Người lượng giá cận lập kế hoạch tốt về chi phí lượng giá, chịu
tài chính trách nhiệm về chi tiêu và quyết toán.

1.3.4. Tính chính xác


Có 11 tiêu chuẩn về tính chính xác khi thực hiện lượng giá.
Bảng 3. 4. Các tiêu chuẩn về tính chính xác
Có đầy đủ tài liệu Chương trình được lượng giá cần được mô tả rõ ràng và chính
về chương trình xác.
Phân tích bối Bối cảnh tồn tại chương trình cần được mô tả chi tiết để tìm
cảnh hiểu các ảnh hưởng tới chương trình
Mô tả mục tiêu và Mục tiêu và quy trình lượng giá cần được mô tả và theo dõi chi
quy trình lượng tiết
giá
Nguồn thông tin Mô tả chi tiết các nguồn cung cấp thông tin cho lượng giá
chương trình để xác định xem thông tin thu thập có đầy đủ
không
Thông tin/ số liệu Xây dựng và thực hiện các quy trình thu thập thông tin để đảm
có giá trị và tin bảo phiên giải tốt các kết quả lượng giá.
cậy (*)
Thông tin được Thông tin được thu thập và xử lý có hệ thống, phát hiện và sửa
thu thập và xử lý chữa các sai sót.
có hệ thống

47
Phân tích thông Các thông tin định lượng và định tính cần được lập kế hạch và
tin định lượng và phân tích một cách phù hợp để trả lời các câu hỏi lượng giá.
định tính (*)
Đưa ra các kết Các kết luận cần được chứng minh bằng số liệu, thuyết phục
luận có cơ sở được các bên liên quan.
Báo cáo trung Báo cáo kết quả cần trung thực, tránh cảm tính cá nhân hay bị
thực sai lệch bởi bất kỳ cá nhân tổ chức nào.
Ghi chú: (*) gộp 2 tiêu chuẩn làm 1

2. Khung lượng giá RE-AIM


Khung RE-AIM được phát triển bởi Russ Glasgow, Shawn Boles và Tom Vogt vào
cuối những năm 1990 để đo lường sự thành công việc ứng dụng các can thiệp vào thực
tế từ những nghiên cứu hiệu quả ban đầu để triển khai ra quy mô rộng hơn và dài hơi
hơn [3]:
Ban đầu được tạo ra để kiểm tra các thay đổi thực hành lâm sàng, khung đã được áp
dụng cho việc lập kế hoạch và lượng giá hành vi khi bạn và các đối tác của bạn có kế
hoạch phổ biến hoặc mở rộng phạm vi can thiệp chính của bạn đến nhiều trang web với
nhiều chu kỳ can thiệp, bạn nên kết hợp khung lại AIM vào một kế hoạch lượng giá
mới.
Khung RE-AIM bao gồm năm yếu tố cốt lõi tương ứng với các chữ cái trong tên:
Yếu tố R (REACH): Tính bao phủ, thể hiện bởi sự tham gia và tính đại diện của dân số
mục tiêu cho can thiệp.
Câu hỏi được sử dụng cho quá trình lượng giá:
- Đối tượng mục tiêu nào được xác định cho can thiệp này? đặc điểm của họ là gì?
Dân số mục tiêu chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng dân số bị ảnh hưởng?
- Có bao nhiêu người đã tham gia ? Bao nhiêu phần trăm dân số mục tiêu đủ điều
kiện thực hiện điều này diện?
- Những chiến lược nào đã được sử dụng để xác định và thu hút các nhóm đối
tượng mục tiêu? Các chiến lược này hiệu quả như thế nào?
Yếu tố E (EFFECTIVENESS): Tính hiệu quả, là những tác động của chương trình, cả
khía cạnh tích cực và tiêu cực
Câu hỏi lượng giá:
48
- Tỉ lệ người tham gia hoàn thành can thiệp là bao nhiêu? Hiệu quả ở người hoàn
thành so với người không hoàn thành như thế nào?
- Kết quả đạt được ở những người tham gia trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
có sự khác biệt hay không?
- Kết quả đạt được so với mong đợi trong mục tiêu ban đầu như thế nào?
- Có sự khác biệt đáng kể nào về kết quả đạt được giữa các địa điểm can thiệp,
giữa các giai đoạn thực hiện can thiệp?
- Có sự khác biệt đáng kể nào về kết quả đạt được giữa các đối tượng tham gia
khác nhau không?
- Có bất kỳ kết quả ngoài ý muốn nào không? Những điều này là tiêu cực hay tích
cực?
Yếu tố A (ADOPTION): Là sự chấp nhận của cộng đồng, cá nhân, tổ chức
Câu hỏi lượng giá:
- Tỉ lệ các tổ chức hoặc cơ quan được tiếp cận đồng ý thực hiện can thiệp?
- Việc can thiệp phù hợp với sứ mệnh chính và mục đích chính của các tổ chức và
cơ quan tham gia như thế nào?
- Có bao nhiêu và loại tổ chức và cơ quan nào đồng ý thực hiện can thiệp?
- Bao nhiêu phần trăm các tổ chức hoặc cơ quan nhân viên hoặc tình nguyện viên
đã tham gia đào tạo về việc thực hiện can thiệp? Có bao nhiêu đào tạo đã hoàn thành?
Yếu tố I (Implementation): Mức độ can thiệp được thực hiện như dự định trong thực
tế.
Câu hỏi lượng giá:
- Bao nhiêu phần trăm các tổ chức thực hiện can thiệp đúng theo quy trình ?
- Bao nhiêu phần trăm của những người được đào tạo đã thực hiện can thiệp ít nhất
một lần?
- Bao nhiêu phần trăm các tổ chức thực hiện thích ứng hoặc thay đổi can thiệp?
Những thay đổi đã được thực hiện và áp dụng liên tục?
- Những yếu tố nào, bên trong và bên ngoài, ảnh hưởng đến việc thực hiện can
thiệp như dự định?
- Bao nhiêu phần trăm người tham gia hoàn thành can thiệp ?
- Bao nhiêu phần trăm người tham gia áp dụng kiến thức hoặc kỹ năng học được
về hành vi hoặc lối sống?
49
Yếu tố M (Maintenance): là khả năng duy trì của chương trình, các hành vi thay đổi
hay kết quả của chương trình duy trì được bao lâu.
Câu hỏi lượng giá:

- Bao nhiêu phần trăm các tổ chức thực hiện đã tiếp tục thực hiện can thiệp? Trong
bao lâu? Làm thế nào để các đặc điểm của các tổ chức tiếp tục so sánh với những người
đã ngừng thực hiện?
- Bao nhiêu phần trăm các tổ chức thực hiện đã thể chế hóa can thiệp như là một
phần đang diễn ra trong các hoạt động thường xuyên của họ (tức là, cung cấp tài trợ
riêng của họ, tích hợp vào các hoạt động lập trình, thường xuyên đào tạo nhân viên của
họ trong việc thực hiện, tiếp tục cung cấp dữ liệu để giám sát và lượng giá)?
- Bao nhiêu phần trăm cá nhân hoàn thành can thiệp cho thấy những cải tiến lâu
dài, duy trì (ít nhất một năm hoặc lâu hơn).
Khung RE-AIM (Duy trì triển khai áp dụng tiếp cận hiệu quả) lần đầu tiên được phát
triển để giúp làm cho các kết quả nghiên cứu trở nên khái quát hơn bằng cách khuyến
khích các nhà khoa học và người lượng giá cân bằng tính hợp lệ bên trong và bên ngoài
khi phát triển và thử nghiệm các biện pháp can thiệp
Khung lượng giá RE-AIM xác định những chương trình nào có giá trị đầu tư bền
vững và để xác định các chương trình đang và không hoạt động hiệu quả. Khung lượng
giá giúp thu thập và phân tích dữ liệu của chương trình tổ chức. Những người ra quyết
định sẽ có thông tin tốt hơn và đầy đủ hơn để áp dụng và ngừng các chương trình can
thiệp.
Điểm mạnh của khung lượng giá RE-AIM
Khung RE-AIM là một công cụ rất có giá trị cho các nhà khoa học triển khai các
can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho các cá nhân trong cộng đồng. Thông qua các
thành phần này, tác động của đổi mới có thể được lượng giá ở cả cấp độ cá nhân và tổ
chức. Điểm mạnh của khung RE-AIM là lượng giá được hiệu quả can thiệp ở cấp độ cá
nhân. RE-AIM đã được áp dụng để lượng giá tác động can thiệp trong nhiều môi trường
khác nhau và trên nhiều kết quả hành vi bao gồm các can thiệp giảm cân, dinh dưỡng,
phòng chống tai nạn thương tích và hoạt động thể chất. Hầu hết các ứng dụng này đã
tập trung vào việc kiểm tra hiệu quả của một can thiệp duy nhất trong việc đạt được sự
thay đổi hành vi ở cấp độ bệnh nhân, những thành viên trong cộng đồng.

50
Khung RE-AIM đã được sử dụng để lượng giá tác động của một can thiệp riêng lẻ trong
bối cảnh của một can thiệp triển khai quy mô lớn và gần đây để lượng giá các can thiệp
triển khai đa diện rộng hơn.
Một số hạn chế của khung lượng giá RE-AIM
Những thách thức của việc áp dụng toàn bộ khuôn khổ RE-AIM cũng đã được nhấn
mạnh và thảo luận. Trong quá trình ứng dụng khung RE-AIM để lượng giá, các nhà
nghiên cứu nhận ra rằng việc lượng giá tất cả các khía cạnh của RE-AIM có thể không
khả thi, đặc biệt là bên ngoài bối cảnh của các dự án nghiên cứu với kinh phí hạn hẹp.
Do đó, việc áp dụng đầy đủ RE-AIM có thể không cần thiết hoặc không phù hợp với tất
cả các nghiên cứu, nhà phát triển khuyến khích người dùng xác định và lượng giá các
khía cạnh RE-AIM có giá trị nhất và phù hợp nhất với câu hỏi, bối cảnh, các bên liên
quan và giai đoạn nghiên cứu cụ thể khi ứng dụng.

3. Khung lượng giá theo Nutbeam và Bauman


Nutbeam và Bauman đưa ra khung lượng giá gồm sáu (6) bước như sau :
Bước 1: Xác định vấn đề:
Giai đoạn này dựa trên nghiên cứu dịch tễ học cơ bản để điều tra cơ sở nhân quả và
phạm vi can thiệp, và lượng giá nhu cầu của cộng đồng để xác định các mối quan tâm
và ưu tiên của cộng đồng để xác định vấn đề và đề xuất giải pháp.
Bước 2: Đưa ra giải pháp
Giai đoạn này dựa trên nghiên cứu xã hội và hành vi để cải thiện sự hiểu biết về dân
số mục tiêu và phạm vi của các đặc điểm cá nhân, xã hội, môi trường và tổ chức có thể
được sửa đổi để hình thành cơ sở cho can thiệp.
Bước 3: Kiểm định giải pháp
Trước khi những can thiệp có thể được ứng dụng sâu rộng ra cộng đồng, các can
thiệp này cần được nghiên cứu để xác định được hiểu quả, tính an toàn và tính khả thi.
Bước 4: Minh chứng can thiệp
Các can thiệp cần được thực hiện lặp lại để kiểm định các giả thuyết, các kết quả can
thiệp
Bước 5: Phổ biến can thiệp
Can thiệp sau khi được minh chứng tính hiệu quả, cần được nhân rộng ra cỡ mẫu lớn
hơn.
51
Bước 6: Giám sát chương trình
Trong quá trình thực hiện chương trình, cần không ngừng giám sát các hoạt động để
đảm bảo tính đúng đắn, hiệu quả và luôn đảm bảo chất lượng.

Hình 3. 2. Sáu bước xây dựng mô hình lượng giá chương trình y tế [4].

CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ


1) Các bên liên quan trong một chương trình/ dự án y tế bao gồm: Nhóm tài trợ,
nhóm hưởng lợi, nhóm trung gian. Nhóm nào sau đây thuộc nhóm trung gian?
A. Nhóm ở giữa nhà tài trợ và nhóm hưởng lợi: Các trường đại học, viện nghiên cứu
B. Nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp của chương trình/dự án
C. Các tổ chức quốc tế (đa phương, song phương, phi chính phủ)
D. Cả A, B, C đều sai
2) Một trong các nhóm tiêu chuẩn cơ bản để lượng giá chất lượng của các hoạt
động lượng giá là:
A. Nhanh chóng
B. Đúng lúc
C. Khả dụng
D. Khả thi
3) Nói về các bên liên quan đến chương trình/dự án, chọn câu ĐÚNG
A. Có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến chương trình/dự án
B. Bên liên quan có thể là cá nhân hoặc nhóm người, tổ chức
C. Có thể tác động tiêu cực hoặc tích cực đến chương trình/dự án
52
D. Cả A, B, và C đều đúng
4) Dưới đây là một số khía cạnh cụ thể cần được đưa vào khi mô tả chương trình,
chọn câu đúng
A. Kỳ vọng (mục tiêu)
B. Nhu cầu
C. Các nguồn lực
D. A, B, và C đều đúng
5) Chỉ số lượng giá mạnh cần phải đảm bảo đặc tính nào?
A. Tính thống nhất
B. Tính khách quan
C. Tính toàn vẹn
D. Tính cập nhật
6) Tiêu chuẩn của một lượng giá tốt bao gồm?
A. Tính hữu dụng
B. Tính khả thi
C. Tính phù hợp
D. Cả A, B, và C đều đúng
7) Tính khả thi trong xây dựng khung lượng giá là
A. Đảm bảo có thể thực hiện được lượng giá
B. Có 5 tiêu chuẩn về tính khả thi
C. Một trong các tiêu chuẩn của tính khả thi là tôn trọng quyền con người
D. Một trong các tiêu chuẩn của tính khả thi chú trọng vào việc cung cấp dịch vụ
8) Tính phù hợp trong xây dựng khung lượng giá là
A. Là việc lượng giá đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng thông tin từ lượng
giá
B. Có 3 tiêu chuẩn về tính phù hợp
C. Một trong các tiêu chuẩn của tính phù hợp đó là chú trọng vào việc cung cấp dịch
vụ
D. Các câu A, B, C đều sai
9) Chọn câu ĐÚNG khi nói về tính chính xác khi thực hiện lượng giá.
A. Có đầy đủ tài liệu về chương trình

53
B. Thông tin được thu thập và xử lý có hệ thống
C. Đưa ra các kết luận có cơ sở
D. A, B, và C đều đúng
10) Tính hữu dụng trong xây dựng khung lượng giá là
A. Việc lượng giá đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng thông tin từ lượng giá.
B. Có 10 tiêu chuẩn về tính hữu dụng.
C. Một trong những tiêu chuẩn về tính hữu dụng là thông tin được thu thập và xử lý
có hệ thống
D. Là đảm bảo cho việc lượng giá không vi phạm đạo đức.

ĐÁP ÁN
1. A 2. D 3. D 4. D 5. B

6. D 7. A 8. C 9. D 10. A

54
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại học Y tế công cộng, Giáo trình theo dõi đánh giá chương trình, dự á y tế (2016),
nhà xuất bản y học.
2. CDC Evaluation Working Group. (1999). (Draft). Recommended framework for
program evaluation in public health practice. Atlanta, GA: Author.
3. Russell E. Glasgow, Thomas M. Vog, Shawn M. Boles (1999). American Journal of
Public Health. Evaluating the Public Health Impact of Health Promotion
Interventions: The RE-AIM Framework.
4. Nutbeam, Don. (1999). Book: Evaluating Health Promotion. BMJ (Clinical research
ed.). 318. 404A. 10.1093/heapro/13.1.27.

55
BÀI 4. CÁC LOẠI THIẾT KẾ LƯỢNG GIÁ
PGS. TS. Tô Gia Kiên

MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:

1. Phân tích được giá trị của nghiên cứu.

2. Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị bên trong của nghiên cứu.

3. Phân tích được các loại thiết kế lượng giá.

NỘI DUNG

1. Một số vấn đề liên quan tới thiết kế lượng giá

1.1. Giá trị của nghiên cứu

Giá trị của nghiên cứu (study validity) là khả năng thiết kế nghiên cứu đo lường
chính xác tác động của can thiệp, gồm giá trị bên ngoài (external validity) và giá trị bên
trong (internal validity).

Giá trị bên ngoài (khả năng ngoại suy hay khả năng khái quát hóa) là khả năng ứng
dụng của kết quả nghiên cứu vào một dân số lớn hơn hay một dân số khác, thường phụ
thuộc vào đặc tính của mẫu nghiên cứu.

Giá trị bên trong hay tính chính xác của nghiên cứu là khả năng đo lường cái gì thật
sự xảy ra trong khi tiến hành nghiên cứu, thường phụ thuộc vào tính chặt chẽ và nghiêm
túc của nghiên cứu. Hiểu một cách khác, giá trị bên trong là mức độ chính xác của hiệu
quả can thiệp mà kết quả nghiên cứu thể hiện. Giá trị bên trong bị ảnh hưởng bởi 5 hiệu
ứng: sự kiện (history), tuổi (maturation), thử nghiệm (testing), công cụ (instrumentation)
và nhạy cảm (sensitization).

Hiệu ứng sự kiện là yếu tố không kiểm soát được. Hiệu ứng này xảy ra khi các sự
kiện không được tiên đoán trước xảy ra. Ví dụ như một ngôi sao ca nhạc nhập viện vì
dùng ma túy quá liều trong thời gian diễn ra chiến dịch chống sử dụng ma túy. Sự kiện
này sẽ được các phương tiện truyền thông tường thuật rộng rãi và vô tình làm tăng nhận
thức của người dân về ma túy. Vì vậy, chiến dịch có thể thu hút được nhiều sự quan tâm

56
hơn và trở nên hiệu quả hơn. Nhà nghiên cứu cần phải theo dõi môi trường để đo lường
hiệu ứng này.

Hiệu ứng tuổi là hiệu ứng thời gian, không thể kiểm soát được, thường là do những
người tham gia nghiên cứu già đi. Hiệu ứng này ít ảnh hưởng đến những nghiên cứu có
thời gian ngắn. Nhà nghiên cứu có thể kiểm soát hiệu ứng này bằng cách thêm biến số
tuổi vào các phân tích thống kê và tiến hành phân tích sự mất mẫu.

Hiệu ứng thử nghiệm xảy ra khi đối tượng tham gia nhiều lần vào nghiên cứu, thường
những lần sau họ sẽ đáp ứng tốt hơn vì đã quen với nghiên cứu. Hiệu ứng này được kiểm
soát bằng cách thêm vào một nhóm chứng sau can thiệp mà chưa từng tham gia vào
nghiên cứu.

Hiệu ứng công cụ là ảnh hưởng của quy trình thu thập số liệu lên kết quả nghiên cứu
vì đối tượng nghiên cứu phản ứng khác nhau với bộ công cụ. Cách tốt nhất để kiểm soát
sai lệch này là kiểm tra thử bộ công cụ và sử dụng nhiều bộ công cụ trong một nghiên
cứu.

Hiệu ứng nhạy cảm là sự tương tác giữa lượng giá trước can thiệp và chương trình
can thiệp. Hiệu ứng này xảy ra do lượng giá trước can thiệp làm những người tham gia
quan tâm nhiều hơn tới chương trình can thiệp. Hiệu ứng này là vấn đề chính đối với
những nhà lượng giá bởi vì các cuộc khảo sát sẽ làm cho mọi người quan tâm hơn đến
chủ đề mà bình thường họ không quan tâm.

Năm hiệu ứng này ảnh hưởng đến giá trị nghiên cứu và gây ra những thay đổi về kết
quả. Vì vậy chúng cần được kiểm soát để các thay đổi xảy ra là do ảnh hưởng thật sự
của can thiệp.

1.2. Mẫu cắt ngang và đoàn hệ

Có sự khác biệt rõ rệt giữa mẫu cắt ngang và đoàn hệ. Trong mẫu đoàn hệ, một đối
tượng nghiên cứu sẽ được khảo sát nhiều lần theo thời gian nghiên cứu. Các biến số của
các lần phỏng vấn khác nhau sẽ có tên gọi khác nhau nhưng chỉ có một tên đối tượng
nghiên cứu và mã số duy nhất. Mẫu đoàn hệ có thể được dùng đo lường một biến số
theo thời gian trong khi mẫu cắt ngang thì không thể. Hơn nữa mẫu đoàn hệ có thể so
sánh ở mức độ cá thể trong khi mẫu cắt ngang chỉ có thể so sánh được ở mức độ quần
thể. Ưu điểm của mẫu đoàn hệ là đo lường sự khác biệt điểm số, bằng cách trừ điểm số

57
sau can thiệp cho điểm số trước can thiệp; xem xét chính xác từng cá nhân với đặc diểm
và hành vi đã thay đổi; cần cỡ mẫu nhỏ; sử dụng các phép kiểm thống kê đơn giản. Bất
lợi của mẫu đoàn hệ là khó giữ được các đối tượng nghiên cứu trong một thời gian dài;
sự mất mẫu có thể làm sai lệch kết quả; khả năng khái quát hóa kết quả rất hạn chế.

Trái với mẫu đoàn hệ, khả năng khái quát hóa của mẫu cắt ngang lớn hơn, cần mẫu
lớn hơn, đòi hỏi nhiều phép kiểm phức tạp hơn để kiểm soát các yếu tố gây nhiễu. Trong
mẫu cắt ngang, các đối tượng nghiên cứu khác nhau được phỏng vấn. Mỗi lần nghiên
cứu sẽ có một mẫu mới. Các biến số thu thập sẽ có tên giống nhau và có thêm một biến
số để chỉ thời điểm tham gia nghiên cứu. Mẫu cắt ngang được sử dụng khi khả năng
khái quát hóa là quan trọng, kiểm tra một giả thuyết mới, dân số dao động hoặc khó liên
hệ, khó theo dõi các đối tượng tham gia. Trong mẫu đoàn hệ chúng ta có thể dễ dàng
đưa ra các kết luận nhân quả. Chúng ta có thể kết luận là những người được can thiệp
sẽ dẫn tới sự thay đổi; tuy nhiên, trong mẫu cắt ngang, chúng ta chỉ có thể nói là có sự
liên quan giữa yếu tố tiếp xúc với can thiệp và sự thay đổi. Nhiều nghiên cứu sử dụng
cả hai loại mẫu để làm tận dụng điểm mạnh của 2 loại mẫu.

Bảng 4. 1. So sánh mẫu cắt ngang và mẫu đoàn hệ


Số liệu đoàn hệ Số liệu cắt ngang
Thuận lợi Bất lợi Thuận lợi Bất lợi
Đo lường thay đổi với Khó theo dõi Giá trị bên ngoài Không thể tạo ra
sự khác biệt điểm số cao sự khác biệt điểm
số
Đo lường chính xác sự Mất mẫu có thể ảnh Có thể sử dụng Cần thu thập mẫu
thay đổi hành vi ở các hưởng đến kết quả mẫu lớn lớn
cá nhân
Cần cỡ mẫu nhỏ Giá trị bên ngoài Cần đo lường
thấp nhiều lần
Dễ phân tích Tạo ra hiệu ứng nhạy
cảm

1.3. Thực nghiệm và bán thực nghiệm

Trong thiết kế thực nghiệm cổ điển các đối tượng nghiên cứu được phân ngẫu nhiên
vào nhóm chứng hay nhóm can thiệp [1]. Trong thiết kế bán thực nghiệm thì việc phân

58
các đối tượng nghiên cứu vào nhóm chứng hay nhóm can thiệp được xác định từ trước
chứ không được phân một cách ngẫu nhiên [2].

1.4. Thiết kế làm mù

Có hai dạng làm mù là mù đôi và mù đơn. Trong thiết kế mù đôi nhà nghiên cứu và
cả đối tượng tham gia nghiên cứu không biết đối tượng tham gia nghiên cứu thuộc nhóm
can thiệp hay nhóm chứng. Thiết kế này nhằm kiểm soát phản ứng của cả nhà nghiên
cứu và các đối tượng tham gia khi họ biết đối tượng tham gia đang ở nhóm nào. Ví dụ
như nếu nhà nghiên cứu biết đối tượng tham gia đang được cho uống loại thuốc giảm
đau mới, họ có thể đối xử với đối tượng tham gia nghiên cứu đó khác với những người
khác và cố phát hiện những khác biệt không rõ ràng về hành vi của các đối tượng tham
gia nghiên cứu. Đối với đối tượng tham gia nghiên cứu, nếu biết mình thuộc nhóm can
thiệp, ví dụ như biết mình đang dùng loại thuốc giảm đau mới, họ sẽ báo cáo là họ cảm
thấy ít đau hơn [1]. Trong thiết kế mù đơn, nhà nghiên cứu vẫn biết được đối tượng
nghiên cứu của mình thuộc nhóm chứng hay nhóm can thiệp còn đối tượng tham gia
nghiên cứu thì không biết được mình thuộc nhóm nào [3].

1.5. Nhân quả

Một trong những mục đích chính của lượng giá là chứng minh được sự gia tăng kiến
thức, thái độ, hành vi về các vấn đề sức khỏe. Nhân quả được quyết định bởi một sự
kiện, hành động, trạng thái hay hành vi giải thích cho một sự kiện, hành động, trạng thái
hay hành vi khác. Để xác định một liên hệ nhân quả cần có các tiêu chuẩn sau: sự thay
đổi, sự tương quan, trật tự thời gian, đặc hiệu và liên kết học thuyết:

- Sự thay đổi: biến số kết cuộc thay đổi theo thời gian.
- Tương quan: tiếp xúc với chương trình và kết quả thay đổi cùng nhau. Tiêu chuẩn
tương quan được hiểu như quan hệ liều đáp ứng, gia tăng liều can thiệp liên quan tới
việc gia tăng kết quả.
- Trật tự thời gian: tiếp xúc với can thiệp xảy ra trước khi thay đổi về kết quả.
- Đặc hiệu: tương quan giữa yếu tố tiếp xúc với chương trình và can thiệp không
thể được giải thích bằng các yếu tố khác không được đo lường hay đo lường không
chính xác. Đặc hiệu nghĩa là tất cả các biến số liên quan phải được khảo sát một cách
chính xác.

59
- Liên kết học thuyết: có giải thích về mặt học thuyết về việc tại sao và bằng cách
nào can thiệp gây ra thay đổi kết quả và có các giải thích khác ít hợp lý hơn.

Bảng 4. 2. Đặc điểm của các tiêu chuẩn để xác định một liên hệ nhân quả
Vấn đề Mô tả Phương tiện kiểm soát
Thay đổi Biến số kết cuộc thay đổi theo thời Đo lường trước và sau can thiệp
gian

Tương Yếu tố tiếp xúc và kết cuộc cùng thay Mô tả mối tương quan giữa can
quan đổi (quan hệ liều – đáp ứng) thiệp và yếu tố tiếp xúc

Trật tự Tiếp xúc với can thiệp xảy ra trước Dùng số liệu đoàn hệ, dùng các
thời gian khi thay đổi về kết quả số đo nhạy cảm với thời gian

Đặc hiệu Các yếu tố gây nhiễu khác phải được Đo lường các yếu tố khác
kiểm soát

Liên kết Có sự giải thích về mặt học thuyết Xem xét nhiều học thuyết
học thuyết liên quan tới can thiệp và kết quả

Để đáp ứng được các điều kiện cho nhân quả rất khó. Loại trừ các giải thích khác
nhau bằng cách làm giảm tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị nghiên cứu.[1]

1.6. Hiệu ứng Hawthorne

Khi các đối tượng tham gia nghiên cứu biết mình đang được quan sát hay theo dõi,
họ sẽ thể hiện tốt hơn bình thường [1]. Ví dụ như các nhân viên y tế sẽ thực hiện kỹ
thuật tiêm chủng tốt và đúng kỹ thuật nếu họ biết có người đang quan sát mình. Một
nghiên cứu cho thấy là khi tắt đèn thì các công nhân làm việc tốt hơn. Điều này tưởng
chừng như vô lý, nhưng thật ra các công nhân biết là họ đang được nghiên cứu nên họ
làm việc tốt hơn bình thường.

1.7. Sự lây nhiễm

Trong các thiết kế thực nghiệm, đôi khi xảy ra sự lây nhiễm. Sự lây nhiễm tồn tại
dưới hai dạng là lây nhiễm nhóm can thiệp và lây nhiễm nhóm chứng. Sự lây nhiễm
nhóm can thiệp xảy ra do chương trình can thiệp không thể đến được với nhóm can thiệp
vì một lý do nào đó, khó khăn về tài chính chẳn hạn.

Sự lây nhiễm nhóm chứng xảy ra khi can thiệp sử dụng trong nhóm can thiệp ảnh
hưởng tới các cá thể trong nhóm chứng, có thể là trực tiếp, gián tiếp hay từ các nguyên
60
nhân khác nhau. Lây nhiễm trực tiếp xảy ra khi các cá nhân trong nhóm chứng tiếp xúc
trực tiếp với can thiệp. Lây nhiễm gián tiếp xảy ra khi những người trong nhóm can
thiệp truyền miệng hoặc người trong nhóm chứng đọc các tờ bướm, tờ rơi dành cho
nhóm can thiệp. Cách lây nhiễm cuối cùng là nhóm chứng có thể đang tham gia một
chương trình can thiệp tương tự như chương trình can thiệp mà chúng ta đang tiến hành
[1].

2. Các thiết kế lượng giá

2.1. Lượng giá sau can thiệp

Đo lường sau can thiệp là thiết kế đơn giản nhất. Thiết kế này cần đo lường được
mối tượng quan giữa việc tiếp xúc với can thiệp và hành vi. Sự tương quan này cung
cấp cho ta các chỉ số về hiệu quả của can thiệp nếu các biến số tình huống và dân số học
được kiểm soát. Thiết kế này cho biết số lượng người chịu ảnh hưởng của can thiệp và
phản ứng của họ qua các báo cáo về mức độ bao phủ và tần số. Các chỉ số này có thể
được sử dụng để đo lường độ thu hút của can thiệp và được dùng cho việc lập kế hoạch
can thiệp tiếp theo.

Cách lượng giá này đơn giản và dễ thực hiện; tuy nhiên, nó không cung cấp được
các thông tin về hành vi trước can thiệp. Vì không có được thông tin nền nên không thể
so sánh được diễn tiến; sự thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi không thể đo lường
được. Để mô tả được mối liên hệ nhân quả giữa can thiệp và hành vi, ta phải đo lường
được sự thay đổi về hành vi. Do đó, yêu cầu tối thiểu của lượng giá chương trình là thiết
kế trước và sau [1].

2.2. Lượng giá trước và sau can thiệp

Lượng giá trước và sau đo lường kết quả trước và sau can thiệp. Thiết kế này có thể
sử dụng số liệu cắt ngang hay số liệu đoàn hệ; có thể được phân tích ở mức độ cá nhân
hay quần thể. Thiết kế này có thể làm giảm một số nguy cơ ảnh hưởng đến tính giá trị
của nghiên cứu vì nó cung cấp thông tin nền cho việc so sánh và thường được sử dụng
khi không thể có được nhóm chứng. Khi so sánh ở mức độ quần thể thiết kế này cần 2
mẫu độc lập, một mẫu trước can thiệp và một mẫu sau can thiệp. Thiếu sót của thiết kế
lượng giá cắt ngang là có sự thay đổi các đặc tính của mẫu có thể gây ra sự khác biệt về

61
kết quả giữa 2 cuộc điều tra trước và sau can thiệp, mặc dù có kiểm soát bằng phép kiểm
thống kê.

Thiết kế đoàn hệ có thể kiểm soát được sự khác biệt về kết quả do sự thay đổi các
đặc tính của mẫu, bởi vì nghiên cứu được tiến hành trên cùng một mẫu và sự thay đổi
được đo lường ở cấp độ cá nhân.

Vấn đề của thiết kế trước sau là thiếu nhóm chứng vì vậy rất khó biết được nếu không
có can thiệp thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu can thiệp diễn ra trong một thời gian ngắn và
có ít biến cố tiêu cực, thiết kế này sẽ phù hợp. Vấn đề thứ hai của thiết kế này là không
thể đo lường được ảnh hưởng của hiệu ứng thử nghiệm.

Tóm lại, thiết kế này cung cấp thông tin nền để so sánh và đáp ứng được điều kiện
thay đổi nhân quả cũng như trật tự thời gian. Tuy nhiên, nó không thể loại trừ hết các
hiệu ứng khác như thử nghiệm trong thiết kế đoàn hệ và sự thay đổi các đặc tính của
mẫu trong thiết kế cắt ngang. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu thêm vào nhóm chứng sau
can thiệp. Điều này có thể thực hiện được trong điều kiện thực tế [1].

2.3. Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm chứng sau can thiệp

Trong thiết kế lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm chứng sau can thiệp, khảo
sát được tiến hành trước can thiệp và sau đó một nhóm chứng thứ hai được khảo sát sau
can thiệp. Nhóm chứng sau can thiệp có thể gồm những người chưa tiếp xúc với can
thiệp hoặc là những người đã tiếp xúc với can thiệp nhưng không nhớ. Khi không thể
có được một nhóm chứng hoàn hảo, ta sử dụng nhóm bán chứng. Nhóm bán chứng bao
gồm những người cho rằng họ chưa tiếp xúc với can thiệp, có thể họ đã tiếp xúc nhưng
không nhớ hoặc thật sự chưa tiếp xúc. Vì vậy, yếu tố tiếp xúc với can thiệp được đo
lường sau can thiệp để những người tham gia được phân vào nhóm tiếp xúc với can
thiệp hay không tiếp xúc với can thiệp (hoặc có thể phân theo mức độ tiếp xúc ít, tiếp
xúc vừa, tiếp xúc nhiều với can thiệp). Biến số tiếp xúc với can thiệp được sử dụng để
tạo ra ba nhóm: (1) trước can thiệp, (2) sau can thiệp không tiếp xúc (hoặc ít tiếp xúc
trong trường hợp can thiệp có độ bao phủ cao), (3) sau can thiệp có tiếp xúc. Một can
thiệp được xem là thành công khi các số đo của ba nhóm đều tăng với nhóm 1 là thấp
nhất và nhóm 3 là cao nhất hoặc bằng nhau ở nhóm 1 và 2, nhưng cao có ý nghĩa thống
kê ở nhóm 3 (sau can thiệp có tiếp xúc).

62
Thiết kế này có vấn đề là các can thiệp có độ bao phủ lớn thì nhóm không tiếp xúc
thường nhỏ hoặc khác biệt với các nhóm so sánh khác. Trong trường hợp này mẫu sau
can thiệp có thể được chia làm tiếp xúc ít, tiếp xúc vừa, tiếp xúc nhiều. Điều quan trọng
là cần so sánh nhóm tiếp xúc với nhóm không tiếp xúc sau can thiệp theo các biến số
dân số, xã hội học (tuổi, học vấn, thu nhập, tiếp xúc với phương tiện truyền thông, văn
hóa) để đảm bảo nhóm tiếp xúc và không tiếp xúc có thể so sánh được. Trong trường
hợp này ta có thể tăng cỡ mẫu của nhóm sau can thiệp lên vì nó gồm 2 nhóm đối tượng
là can thiệp và chứng.

Bất lợi chính của cả ba thiết kế lượng giá vừa nêu là chúng không thể đo lường mức
độ thay đổi do hiệu ứng lịch sử và hiệu ứng chín mùi gây ra, có thể ảnh hưởng đến giá
trị của nghiên cứu. Thời gian giữa hai đo lường càng lâu thì nguy cơ ảnh hưởng của hiệu
lịch sử và chín mùi đến giá trị nghiên cứu càng lớn. Các thiết kế này không thể đo lường
được mức độ liên quan giữa yếu tố tiếp xúc với can thiệp và kết quả do các sự kiện hoặc
hoạt động khác xảy ra trong khi tiếp hành can thiệp. Thực tế thì nhà nghiên cứu rất khó
biết được cái gì thực sự xảy ra nếu không có can thiệp, vì vậy cần có một nhóm chứng
trước sau [1].

2.4. Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm chứng

Thiết kế này có một nhóm chứng được chọn trước và được phỏng vấn trước can thiệp
và không được tiếp xúc với can thiệp. Điểm số của nhóm can thiệp sẽ được so sánh với
nhóm chứng để xem xét xem sự thay đổi xảy ra ở nhóm can thiệp có xảy ra ở nhóm
chứng không tiếp xúc với can thiệp hay không. Nếu khảo sát cắt ngang không được tiến
hành ở mức độ quần thể, thiết kế này được tinh giản thành thiết kế lượng giá trước sau
với nhóm chứng sau can thiệp (pre- and post-program with post-only control).

Trong các chương trình truyền thông quy mô lớn, thiết kế này rất khó được tiến hành
vì rất khó để kiểm soát các thông tin truyền thông đến nhóm chứng. Tuy nhiên việc phân
tích và phiên giải số liệu của thiết kế này lại dễ dàng hơn vì nhóm chứng đo lường điều
thực sự xảy ra nếu không có chương trình can thiệp.

Với khảo sát đoàn hệ, chúng ta có thể trừ điểm số sau can thiệp với điểm số trước
can thiệp ở cả hai nhóm can thiệp và chứng và hai hiệu số này sau đó được trừ với nhau
để cho ra hiệu số cuối cùng. Hiệu số cuối này cho chúng ta biết hiệu quả của chương
trình. Tuy nhiên, thiết kế này cũng không giúp kiểm soát được hiệu ứng thử nghiệm và
63
nhạy cảm. Sự thay đổi có thể là do hiệu quả của can thiệp hoặc là do việc phỏng vấn
trước can thiệp làm cho các nhóm quan tâm đến chương trình can thiệp hơn. Do đó một
nhóm chứng khác cần có để đo lường nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nghiên cứu này [1].

2.5. Lượng giá trước sau can thiệp với nhóm chứng và nhóm can thiệp chứng sau
chương trình

Thiết kế này cần 5 số đo: hai số đo trước can thiệp (một nhóm chứng và một nhóm
can thiệp) và ba số đo sau can thiệp (một nhóm chứng và hai nhóm can thiệp). Thiết kế
này có một nhóm can thiệp không được phỏng vấn trước khi tiến hành can thiệp do đó
không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhạy cảm. Thiết kế này chỉ được dùng với số liệu đoàn
hệ hay các thiết kế ở mức độ cộng đồng vì nhóm 3 và nhóm 1 giống nhau trong thiết kế
cắt ngang.

Ví dụ như tiến hành một chương trình truyền thông để nâng cao kiến thức của người
dân về việc sử dụng chất gây nghiện. Trong khi tiến hành can thiệp xảy ra hiệu ứng lịch
sử, một ngôi sao ca nhạc đột tử do dùng ma túy quá liều. Nhóm can thiệp chứng không
được phỏng vấn trước can thiệp, có thể được dùng để đo lường xem sự thay đổi kết quả
là do hiệu ứng nhạy cảm, do hiệu ứng lịch sử hay thật sự là do hiệu quả của can thiệp.

Nhóm can thiệp chứng sau can thiệp có thể kiểm soát được hiệu ứng nhạy cảm.
Trong thiết kế cắt ngang thì không có hiệu ứng này. Hiệu ứng này có thể ảnh hưởng rất
lớn đến chương trình vì vậy các thiết kế cắt ngang thường được sử dụng [1].
2.6. Thiết kế Solomon
Đây là thiết kế hoàn thiện nhất vì kiểm soát được hầu hết các hiệu ứng ảnh hưởng
đến giá trị của nghiên cứu. Thiết kế này gồm 4 điều kiện với 6 quan sát độc lập: hai
nhóm trước can thiệp (một nhóm tiếp xúc) và bốn nhóm sau can thiệp (hai nhóm tiếp
xúc). Thiết kế này chỉ có thể được thực hiện với số liệu đoàn hệ hay nghiên cứu ở mức
độ cộng đồng.

Thiết kế Solomon đo lường sự tác động của hiệu ứng lịch sử và chín mùi lên nhóm
chứng. Nhóm không được phỏng vấn trước can thiệp được dùng để đo lường hiệu ứng
thực nghiệm và nhạy cảm.

64
Rất khó sử dụng thiết kế này trong các chương trình truyền thông, thường nó được
tiến hành với các chương trình can thiệp ở trường học hoặc cộng đồng vì chúng ta dễ
dàng giới hạn can thiệp trong các trường học hay các tổ chức [1].

65
CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ

1) Trong các hiệu ứng ảnh hưởng đến giá trị bên trong của nghiên cứu, hiệu ứng nào sau
đây là không thể thay đổi được?

A. Hiệu ứng sự kiện (history)


B. Hiệu ứng thử nghiệm (testing)
C. Hiệu ứng công cụ (instrumentation)
D. Hiệu ứng nhạy cảm (sensitization)
2) Tỉ lệ thuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế cao hơn khi giám sát trực tiếp so với
khi được giám sát bằng camera đề cập đến hiệu ứng nào sau đây?
A. Hiệu ứng thử nghiệm (testing)
B. Hiệu ứng sự kiện (history)
C. Hiệu ứng nhạy cảm (sensitization)
D. Hiệu ứng Hawthorne

3) Một chương trình giáo dục bà mẹ có con < 5 tuổi về cách cho trẻ ăn uống hợp lý được
thực hiện trong giai đoạn 2013-2014. Đến năm 2015, anh X được phân công quản lý
chương trình này. Anh X muốn biết tỉ lệ bà mẹ có con < 5 tuổi có kiến thức, thực hành
đúng về cách cho trẻ ăn uống hợp lý sau khi chương trình được thực hiện. Anh X có thể
sử dụng thiết kế lượng giá nào sau đây:

A. Lượng giá trước sau có nhóm chứng (Pre and post program evaluation with
control group).
B. Lượng giá trước sau với nhóm chứng trước can thiệp (pre and post program with
pre only control group).
C. Lượng giá sau chương trình (post-program evaluation).
D. Solomon.
4) Hiệu ứng Hawthorne:

A. Có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu nếu như can thiệp được thực hiện trong
bệnh viện.
B. Có thể ảnh hưởng đến tính giá trị của lượng giá.
C. Không cần quan tâm đến hiệu ứng này vì nó chỉ ảnh hưởng nếu cỡ mẫu lượng
giá nhỏ.
D. Không ảnh hưởng gì đến kết quả lượng giá.
66
5) Các yếu tố nào ảnh hưởng đến giá trị bên trong của lượng giá:

A. Nhạy cảm (Sensitization effect).


B. Tuổi (maturation effect).
C. Sự kiện (history effect).
D. Cả A, B, C đều đúng.
6) Lượng giá so sánh trước sau là lượng giá nhằm so sánh:

A. Kết quả đạt được của đầu ra với mục tiêu đã xác định.
B. Những thông tin dữ liệu sau khi kết thúc với cơ sở dữ liệu lúc xuất phát.
C. Mục tiêu đã đề ra với những thông tin dữ liệu và kết quả đầu ra đạt được.
D. Cả A, B, C đúng.
7) Trong một thử nghiệm lâm sàng nhằm lượng giá hiệu quả hạ huyết áp của thuốc X so
với giả dược, nghiên cứu viên biết được một bệnh nhân đang sử dụng thuố X hay đang
sử dụng giả dược trong khi bệnh nhân không biết được mình thuộc nhóm nào. Thiết kế
nghiên cứu này là:

A. Thiết kế nghiên cứu nhãn mở


B. Thiết kế nghiên cứu mù đơn
C. Thiết kế nghiên cứu mù đôi
D. Thiết kế nghiên cứu bệnh chứng
8) Nội dung nào sau đây KHÔNG ĐÚNG với lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm
chứng (pre- and post-program with control group):
A. Có 2 nhóm dân số lượng giá gồm nhóm can thiệp và nhóm chứng
B. Có 4 lần lượng giá gồm 2 lần trên nhóm chứng và 2 lần trên nhóm can thiệp
C. Có thể đo lường mức độ thay đổi do hiệu ứng lịch sử và hiệu ứng chín mùi gây
ra
D. Có thể tinh giản thành thiết kế lượng giá trước sau với nhóm chứng sau can thiệp
(pre- and post-program with post-only control) nếu khảo sát cắt ngang không
được tiến hành ở mức độ quần thể
9) Số quan sát độc lập trong thiết kế Solomon:
A. 2 lần
B. 4 lần
C. 6 lần

67
D. 8 lần
10) Tiêu chuẩn để để xác định một liên hệ nhân quả, NGOẠI TRỪ:
A. Sự thay đổi (change)
B. Sự tương quan (correlation)
C. Trật tự thời gian (time-order)
D. Sự cải thiện (Improvement):

ĐÁP ÁN

1. A 2. D 3. C 4. B 5. D

6. D 7. C 8. C 9. C 10. D

68
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Valente, T.W., Evaluating health promotion programs. 2002, Oxford: Oxford


University Press.
2. Nutbeam, D. and A. Bauman, Evaluation in a Nutshell: a practical guide to the
evaluation of health promotion programs. 2006, Sydney: McGraw-Hill.
3. Webb, P., C. Bain, and S. Pirozzo, Essential Epidemiology: An introduction for
students and health professionals. 2005, Cambridge: Cambridge University Press.
4. McCambridge J, Witton J, Elbourne DR. Systematic review of the Hawthorne effect:
new concepts are needed to study research participation effects. J Clin Epidemiol.
2014;67(3):267-77.

69
BÀI 5. CÂU HỎI, CHỈ SỐ LƯỢNG GIÁ
PGS. TS. Tô Gia Kiên, ThS. BS. Lê Hồng Phước

MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Phân tích được khái niệm câu hỏi, chỉ số lượng giá các chương trình, hoạt động y
tế.
2. Phân tích được các tiêu chuẩn của câu hỏi, chỉ số lượng giá tốt.
3. Xây dựng được các câu hỏi, chỉ số để lượng giá chương trình/hoạt động y tế.

NỘI DUNG
1. Câu hỏi và lựa chọn câu hỏi trong theo dõi, lượng giá

Câu hỏi lượng giá được thiết lập để người lượng giá xây dựng những công tụ thu
thập số liệu phù hợp nhằm thu được những số liệu có ý nghĩa về kết quả của các hoạt
động của chương trình. Lựa chọn được câu hỏi lượng giá tốt sẽ giúp người lượng giá
xác định được tiến độ cũng như hiệu quả của các hoạt động [1].

Những câu hỏi cần đặt ra khi lựa chọn câu hỏi lượng giá bao gồm:

- Bạn muốn lượng giá vấn đề gì?


- Tại sao bạn quan tâm đế vấn đề này?
- Vấn đề bạn đang lượng giá có quan trọng đối với cộng đồng hay không?
- Vấn đề bạn đang lượng giá có cần thiết với chương trình hiện tại không?
- Vấn đề bạn đang lượng giá là vấn đề chung hay là chỉ là một vấn đề chuyên biệt
của cộng đồng ?
- Ai có thể sử dụng các kết quả lượng giá của bạn?
- Những vấn đề đang đáng giá là vấn đề của ai và có liên quan tới những ai?

Một câu hỏi lượng giá tốt phải chỉ ra được những nội dung có thể đo lường được và
quan sát được của chương trình. Một số tiêu chí cơ bản của một câu hỏi tốt bao gồm [2,
3]

- Câu hỏi phải hợp lý, thực tế và phù hợp với chương trình và chú trọng vào những
cấu phần triển khai mà các bên liên quan, nhà quản lý quan tâm.

70
- Câu hỏi có khả năng trả lời bằng những kỹ thuật nghiên cứu sẵn có và cung cấp
những thông tin có ý nghĩa về quá trình triển khai và tác động của chương trình.

Một câu hỏi lượng giá được lựa chọn một cách cẩn thận sẽ giúp cho người lượng giá
hiểu được nội dung và hiệu quả của những hoạt động đang thực hiện. Bên cạnh đó, việc
lựa chọn câu hỏi lượng giá tốt sẽ giúp cho người lượng giá khu trú và cụ thể hóa các vấn
đề cần lượng giá, xác định mục tiêu, các nội dung cần lượng giá, và xác định được những
hoạt động hiệu quả hoặc những hoạt động, kết quả chưa đạt được như mục tiêu mong
đợi. Trên cơ sở đó xác định được những hoạt động cần cải tiến cũng như định hướng
các hạt động trong tương lai. Xác định câu hỏi lượng giá là một phần không thể thiếu
trong quá trình lập kế hoạch chương trình/dự án. Nếu có thể, việc xác định câu hỏi lượng
giá nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi chương trình/dự án bắt đầu được
thực hiện. Trong điều kiện cho phép, các bên liên quan (bao gồm cả những người tham
gia và người hưởng lợi từ chương trình) nên được tham gia vào việc xác định câu hỏi
lượng giá.

Có rất nhiều câu hỏi khác nhau có thể có trong một chương trình lượng giá. Việc này
phụ thuộc vào thời gian thực hiện của chương trình/dự án cần lượng giá, ai là người
lượng giá, và nhu cầu của các thông tin lượng giá như thế nào. Nhìn chung, các câu hỏi
lượng giá thuộc những nhóm sau: [4]

- Việc thực hiện: các hoạt động của chương trình có được triển khai như kế hoạch
ban đầu hay không?
- Sự hiệu quả: chương trình có đạt được những mục đích và mục tiêu đã đề ra hay
không?
- Sự hiệu lực: Các hoạt động của chương trình có được thực hiện dựa trên việc sử
dụng hợp lý các nguồn lực hay không?
- Chi phí - hiệu quả: Giá trị, hiệu quả của việc đạt được các mục đích và mục tiêu
của chương trình có vượt quá chi phí tạo ra chúng hay không?
- Sự đóng góp: Các mục đích, mục tiêu đạt được có thực sự liên quan đến các hoạt
động của chương trình hay không?

Theo Rosi và các cộng sự [2], các câu hỏi lượng giá thường giải quyết 5 vấn đề chung
của chương trình bao gồm:

71
Các câu hỏi về nhu cầu của dịch vụ:

- Phạm vi của vấn đề cần giải quyết là gì?


- Những đặc điểm của cộng đồng có nhu cầu là gì?
- Những nhu cầu của quẩn thể là gì?
- Nhưng dịch vụ nào là cần thiết?
- Dich vụ này cần thiết như thế nào và theo các khoảng thời gian nào?
- Những sắp xếp, thay đổi về dịch vụ nào là cẩn thiết trong việc cung cấp các dịch
vụ cho cộng đồng?

Các câu hỏi về khái niệm hoặc thiết kế chương trình:

- Những khách hàng nào mà chương trình phục vụ?


- Những dịch vụ nào cần cung cấp?
- Hệ thống phân phối nào tối ưu nhất đối với các dịch vụ?
- Làm thể nào để chương trình có thể xác định, thu hút và duy trì những nhóm
khách hàng tiềm năng?
- Chương trình được tổ chức như thế nào?
- Những nguồn lực cần thiết để triển khai chương trình là gì?

Câu hỏi về triển khai chương trình và cung cấp dịch vụ:

- Mục tiêu của dịch vụ và các hoạt động có đạt được không?
- Những dịch vụ dự kiến có cung cấp đúng tới các khách hàng tiềm năng hay
không?
- Với một dịch vụ, có đủ số khác hàng sử dụng dịch vụ như mong muốn hay không?
- Các hoạt dộng hành chính, tổ chức và nhân sự có được thực hiện tốt không?

Câu hỏi về kết quả của quá trình:

- Mục tiêu tác động của chương trình có đạt được không?
- Dịch vụ có mang lại lợi ích cho người hưởng lợi/khách hành hay không?
- Dịch vụ có những tác động không mong muốn tới khách hàng hay không?
- Có nhóm khách hàng nào bị tác động nhiều hơn nhóm khách hàng khác không?

Câu hỏi về chi phí – hiệu quả của chương trình:

- Các nguồn lực có được sử dụng hiệu quả không?


- Chi phí có tương ứng với lợi ích thu được của chương trình không?
72
- Các cách tiếp cận nào khác mà vẫn thu được hiệu quả như vậy với chi phí thấp
hơn không?

Các dạng câu hỏi này có mối liên quan rất mật thiết với nhau. Mỗi loại câu hỏi phía
sau sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc trả lời cho câu hỏi phía trước nó. Ví dụ các câu hỏi
về giả thuyết và thiết kế sẽ phụ thuộc rất lớn vào các thuộc tính của nhu cầu mà chương
trình muốn giải quyết. Những nhu cầu khác nhau sẽ phù hợp với loại lượng giá khác
nhau. Do đó, việc lượng giá các đặc điểm của các vấn đề xã hội và nhu cầu cần can thiệp
sẽ cũng cấp những thông tin để lựa chọn loại thiết kế lượng giá hiệu quả nhất.

Đánh giá chi phí và hiệu quả

Đánh giá kết quả/tác động

Đánh giá quá trình và thực hiện

Đánh giá giả thuyết và thiết kế

Đánh giá nhu cầu

Hình 5. 1. Các bậc thang lượng giá [2]


2. Chỉ số lượng giá1

2.1. Khái niệm về biến số, chỉ số, số liệu và thông tin

Trong thực tế, các khái niệm về biến số, chỉ số, số liệu và thông tin nhiều khi được
sử dụng một cách lẫn lộn. Phần sau đây sẽ phân biệt các khái niệm trên.

Biến số là một đại lượng hay đặc tính của một người, sự vật, hiện tượng có thể thay
đổi từ người này sang người khác hay từ thời điểm này sang thời điểm khác [5]. Như
vậy biến số thể hiện đại lượng hoặc đặc tính. Nếu thể hiện một đại lượng nó được gọi là
biến số định lượng (Ví dụ: tuổi, chiều cao, chỉ số huyết áp). Nếu thể hiện một đặc tính
nó được gọi là biến số định tính (Ví dụ: giới, dân tộc, nhóm máu).

Dữ liệu được định nghĩa là các sự kiện, đặc tính của một người, sự vật hay hiện
tượng [6]. Trong bối cảnh của thông tin y tế trong lĩnh vực y tế công cộng, Mensah và

1
Xem thêm bài Các chỉ số sức khỏe và quản lý thông tin sức khỏe – Giáo trình Tổ chức và Quản lý hệ thống y tế
của tác giả Tô Gia Kiên, Nguyễn Văn Tập năm 2023.
73
Goderre [7] định nghĩa số liệu là những sự việc và thống kê thô không được đặt trong
bối cảnh. Nó bao gồm những con số được thu thập thông qua việc đo lường, khai thác
từ văn bản, bản ghi âm, kết quả khảo sát,… Chúng thường được lập bảng và mô tả dưới
dạng biểu đồ hay trình bày dưới dạng hình.

Chỉ số là một đại lượng đo lượng một sự vật, hiện tượng, nó chỉ ra chiều hướng thay
đổi của sự vật, hiện tượng đó. Chỉ số là những kết quả có thể quan sát và đo lường được,
hoặc là những thay đổi thể hiện quá trình đạt được một đầu ra hay kết quả cụ thể trong
khung logic hay bản kế hoạch. Một số ví dụ về chỉ số như: tỉ lệ tham gia, thái độ, hành
vi cá nhân, tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ hiện mắc. Các chỉ số được lựa trọn sẽ trả lời cho các
các câu hỏi lượng giá được đưa ra và xác định xem các mục tiêu chương trình đề ra đã
đạt được hay chưa. Chỉ số y tế (sức khỏe) là số đo giúp so sánh và đo lường sự thay đổi
trong lĩnh vực sức khỏe. Sự thay đổi có thể được thể hiện theo chiều hướng (tăng hay
giảm), mức độ (ít hay nhiều) và phạm vi (rộng hay hẹp).

Thông tin là số liệu được tổng hợp, phân tích và phiên giải trong một hoàn cảnh cụ
thể để truyền đạt một ý nghĩa nào đó [8]. Green cho rằng có hai dạng thông tin: thông
tin cứng là dạng thông tin đã được đo lường hay có thể đo lường được, và thông tin mềm
là dạng thông tin rất khó có thể đo lường hay định lượng [9]. Dạng thông tin mềm thường
là dạng định tính và hay bị xem nhẹ do một số nhà nghiên cứu cho rằng chúng khó xử
lý và không mang tính khoa học. Tuy nhiên chúng đóng một vai trò hết sức là quan trọng
trong lĩnh vực quản lý và xã hội [10, 11].

Bằng chứng là tập hợp tất cả những thông tin tin cậy và có giá trị về một giả thuyết
nào đó [8]. Tất cả những bằng chứng đều là thông tin, nhưng không phải tất cả thông tin
đều là bằng chứng.

Kiến thức có được từ các bằng chứng, vậy kiến thức cũng là các thông tin được tổng
hợp, lý giải và suy luận (nội suy hay ngoại suy) sao cho mối tương quan giữa thông tin,
từ các nguồn khác nhau, được xác lập nhằm cung cấp các hiểu biết để trả lời cho một
câu hỏi hay giải quyết một vấn đề nào đó [8].

74
Bảng 5. 1. So sánh giữa số liệu, thông tin và kiến thức [8].
Khái niệm Dạng trình Phương pháp Người thu Mục đích
bày thu thập thập
Dữ liệu Con số, biểu Thu thập từ các Người thu Sử dụng như số
tượng, văn bản, nghiên cứu, có thập số liệu liệu thô, hoặc
hình ảnh, bản sở dữ liệu, đo dùng để tạo ra
ghi âm, đơn vị lường thực thông tin
đo lường nghiệm, từ các
cá nhân, các Lưu trữ, tổng
cộng đồng hợp, truy xuất
Thông tin Dữ liệu trong Bối cảnh hóa các Các nhà tin Sử dụng như là
bối cảnh số liệu, làm cho học, chuyên nguồn để trả
các số liệu trở gia dữ liệu, lời các câu hỏi
lên hữu dụng và nhà thống kê,
sử dụng vào một các nhà khoa Lưu trữ, tổng
mục đích cụ thể học dữ liệu hợp, truy xuất
Bằng chứng Những thông Sự so sánh với Nhà khoa Sử dụng để
tin được bối các tiêu chuẩn, học, nhà lý phân tích và
cảnh hóa và các tài liệu thamluận, triết gia, kiểm nghiệm
được sử dụng khảo, thông tin người làm các giả thuyết
tham khảo chính sách, để hỗ trợ cho
người thực thi các tuyên
chính sách bố/giả thuyết
và ra quyết
định
Kiến thức Các niềm tin Sự đồng thuận Biện minh,
dựa trên bằng dựa trên lý luận phán quyết
chứng (có thể và thảo luận
dự đoán, có thể
kiểm chứng và
luôn thành
công)

75
Số liệu Hệ thống các tư duy

Bối cảnh hóa

Thông tin Xây dựng các mô hình tư duy

So sánh

Bằng chứng Kiểm định các giả thuyết

Đồng thuận

Kiến thức Giải thích, phán quyết,…

Hình 5. 2. Khung các giai đoạn chuyển đồi từ số liệu thành kiến thức (phải) và ứng
dụng của mỗi giai đoạn (trái) [8].

2.2. Các loại chỉ số lượng giá

Các chỉ số có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của chương trình và khung logic,
bảng mô tả chương trình. Dưới đây là ba loại chỉ phổ biến nhất [12]:

- Các chỉ số đầu vào đo lường những nguồn lực cần thiết để cho phép chương trình
được thực hiện (ví dụ: nguồn tài trợ, nhân viên, đối tác chính, cơ sở hạ tầng).
- Các chỉ số quá trình đo lường các hoạt động và kết quả đầu ra của các hoạt động
của chương trình (sản phẩm/đầu ra trực tiếp của các hoạt động). Qua đó cho biết liệu
rằng chương trình có được thực hiện theo kế hoạch hay không. Nếu các chỉ số hoạt động
cho thấy các hoạt động không được thực hiện, thì chương trình có nguy cơ không thể
đạt được các kết quả dự kiến.
- Các chỉ số đầu ra đo lường liệu chương trình có đạt được những tác động/thay
đổi dự kiến trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hay không. Một số chương trình coi
các chỉ số đầu ra dài hạn nhất của chương trình là các chỉ số tác động. Bởi vì các chỉ số
đầu ra đo lường những thay đổi diễn ra theo thời gian, do đó các chỉ số nên được đo
lường ít nhất tại thời điểm trước khi chương trình/dự án bắt đầu và khi kết thúc dự án.
Kết quả dài hạn thường khó đo lường và khó có thể quy cho hiệu quả của một chương
trình duy nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một chương trình không nên cố
gắng xác định xem chương trình đang đóng góp như thế nào vào tác động sức khỏe quan
tâm (ví dụ: giảm tỉ lệ mắc bệnh liên quan đến vấn đề sức khỏe cụ thể).
76
2.3. Các dạng thức của chỉ số

Bảng 5. 2. Các dạng thức của chỉ số.


Dạng thức Định nghĩa Ví dụ

Tỉ số (ratio) Tỉ số A/B là một phân số, trong đó tử số có thể Tỉ số giới tính của
không thuộc mẫu số Việt Nam năm
2022 là 113,7 nam
/100 nữ

𝐴
Tỉ lệ Tỉ lệ = là một phân số, trong đó tử số là Tỉ lệ tử vong do
𝐴+𝐵
(proportion) COVID-19 của
một phần của mẫu số và có cùng đơn vị đo
Việt Nam tính đến
lường
ngày 1/2/2023 là
0,4% so với tổng
số ca nhiễm

Tỉ lệ phần Tỉ lệ phần trăm = 𝐴 × 100. Tỉ lệ % giống như Tỉ lệ nữ trong dân


𝐴+𝐵
trăm số Việt Nam năm
tỉ lệ nhưng được nhân với 100. Tỉ lệ % cho biết
(percentage) 2019 là 0,52 x 100
số lượng của tử số tính cho 100 đơn vị của mẫu
= 50,2%.
số. Có thể dùng tỉ lệ ‰, 10.000 hoặc 100.000

Tỉ suất (rate) Tỉ suất Tỉ suất mắc bệnh


𝑆ố 𝑠ự 𝑘𝑖ệ𝑛 𝑥ả𝑦 𝑟𝑎 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑜ả𝑛𝑔 𝑡ℎờ𝑖 𝑔𝑖𝑎𝑛 𝑥á𝑐 đị𝑛ℎ truyền nhiễm gây
𝑡ℎ𝑢ộ𝑐 𝑚ộ𝑡 đị𝑎 đ𝑖ể𝑚
= 𝑆ố 𝑙ượ𝑛𝑔 𝑡𝑟𝑢𝑛𝑔 𝑏ì𝑛ℎ 𝑐á 𝑡ℎể 𝑐ó 𝑘ℎả 𝑛ă𝑛𝑔 dịch được báo cáo
sinh 𝑟𝑎 𝑠ự 𝑘𝑖ệ𝑛 đó 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑐ù𝑛𝑔 𝑚ộ𝑡 đị𝑎 đ𝑖ể𝑚 𝑣à 𝑡ℎờ𝑖 𝑔𝑖𝑎𝑛
trong năm trên
là một phân số dùng để đo lường tốc độ thay đổi,
100.000 dân
trong đó tử số là các sự kiện (sinh, chết, bệnh
tật,....) và mẫu số là số lượng cá thể có khả năng
sinh ra sự kiện đó (dân số chung, trẻ em <5 tuổi,
số phụ nữ 15-49 tuổi,....) trong một thời gian nhất
định.

77
Xác suất Xác suất Xác xuất bác sĩ
(probability) = chẩn đoán đúng
𝑆ố 𝑠ự 𝑘𝑖ệ𝑛 𝑥ả𝑦 𝑟𝑎 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑜ả𝑛𝑔 𝑡ℎờ𝑖 𝑔𝑖𝑎𝑛 một bệnh cụ thể là
𝑥á𝑐 đị𝑛ℎ 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑚ộ𝑡 đị𝑎 đ𝑖ể𝑚
𝑆ố 𝑙ượ𝑛𝑔 𝑐á 𝑡ℎể 𝑐ó 𝑘ℎả 𝑛ă𝑛𝑔 sinh 𝑟𝑎 𝑠ự 𝑘𝑖ệ𝑛 đó 𝑣à𝑜 0.6.
𝑡ℎờ𝑖 đ𝑖ể𝑚 𝑏ắ𝑡 đầ𝑢 𝑞𝑢𝑎𝑛 𝑠á𝑡 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑐ù𝑛𝑔 𝑘ℎ𝑢 𝑣ự𝑐 𝑣à đị𝑎 đ𝑖ể𝑚

Giống tỉ suất nhưng mẫu số là số lượng cá thể


có khả năng sinh ra sự kiện đó vào thời điểm
bắt đầu quan sát, chứ không phải là số lượng cá
thể trung bình của thời kỳ quan sát.

Ngoài tỉ số, tỉ lệ, tỉ lệ phần trăm, chỉ số còn được thể hiện dưới dạng số trung bình,
độ lệch chuẩn, trung vị, khoảng tứ vị và yếu vị.

2.4. Đặc tính của chỉ số chất lượng

Chỉ số lượng giá là thông tin có thể đo lường, được sử dụng để xác định xem một
các hoạt động của một chương trình đang triển khai có được thực hiện và có đạt được
các kết quả như mong đợi hay không. Các chỉ số không những giúp hiểu được hoạt động
đã thực hiện hoặc những thay đổi đã xảy ra mà còn có thể giúp hiểu về cách thức mà
những thay đổi này xảy ra. Việc lựa chọn các chỉ số sẽ hỗ trợ cho phần còn lại của kế
hoạch lượng giá, bao gồm các phương pháp lượng giá, phân tích dữ liệu và báo cáo. Khi
lượng giá, các chỉ số cần được xem xét và sử dụng để cải thiện chương trình trong suốt
vòng đời của chương trình. Theo Hovenga và Lloyd, chỉ số chất lượng cần có những
đặc tính sau [13]:

+ Tính chính xác: số liệu phải chính xác và có giá trị.

+ Tính tiếp cận: số liệu phải thu thập được và không vi phạm luật pháp.

+ Tính toàn diện: số liệu phải phản ánh toàn diện và bao quát vấn đề liên quan.

+ Tính hằng định: số liệu phải tin cậy và nếu sử dụng chúng cho bất cứ mục đích
gì thì giá trị của chúng cũng phải giống nhau.

+ Tính rõ ràng: số liệu phải có định nghĩa và giải thích rõ ràng để người đọc có thể
hiểu được ý nghĩa bộ số liệu.

78
+ Tính chi tiết: số liệu phải được mô tả rõ ràng chi tiết một cách chính xác ở từng
cấp độ cụ thể.

+ Tính tin cậy: bộ số liệu phải đủ lớn để có thể ứng dụng được.

+ Tính liên quan: số liệu phải có ý nghĩa và liên quan tới vấn đề quan tâm.

+ Tính đúng lúc: được xem xét dựa vào tình huống và cách thức sử dụng số liệu.

2.5. Phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu

Có nhiều phương pháp thu thập số liệu và mỗi phương pháp thu thâpk số liệu sẽ có
những ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn phương pháp thu thập số liệu tùy thuộc
vào dân số đích, nguồn lực và loại số liệu muốn thu thập. Bên cạnh đó, việc kết hợp
nhiều phương pháp thu thập số liệu làm tăng sự đa dạng, phong phú, tăng tính giá trị và
độ tin cậy của số liệu.

Bảng 5. 3. Những thuận lợi và khó khăn của các phương pháp thu thập số liệu [14]
Phương pháp Thuận lợi Bất lợi

Sử dụng thông ▪ Không tốn kém vì dữ liệu có ▪ Khó tiếp cận số liệu.
tin sẵn có sẵn.
▪ Không chính xác, thiếu thông
▪ Cho phép thu thập các dữ liệu tin.
trong quá khứ.
▪ Vấn đề y đức do một số
thông tin có tính bảo mật.

Quan sát ▪ Cho thông tin chi tiết liên ▪ Vấn đề y đức (độ bảo mật và
quan đến tình huống. tính riêng tư của thông tin)

▪ Cung cấp những thông tin mà ▪ Sai lệch do người quan sát có
phỏng vấn không khai thác thể có (người quan sát có thể chỉ
được. chú ý đến những điều mà người
ta quan tâm).
▪ Giúp kiểm tra độ tin cậy khi
trả lời bộ câu hỏi. ▪ Sự có mặt của người thu thập
thông tin có thể ảnh hưởng đến
tình huống được quan sát.

▪ Cần huấn luyện tỉ mỉ những


người tham gia nghiên cứu.

79
Phương pháp Thuận lợi Bất lợi

Phỏng vấn trực ▪ Thích hợp cho cả người biết ▪ Sự có mặt của người phỏng
tiếp chữ và không biết chữ. vấn có thể ảnh hưởng đến câu
trả lời.
▪ Có thể làm rõ các câu hỏi.
▪ Báo cáo có thể thiếu thông
▪ Tỉ suất trả lời cao hơn bộ câu
tin so với quan sát.
hỏi tự điền.
▪ Không phù hợp với người có
thính lực kém.

Phỏng vấn qua ▪ Thích hợp cho cả người biết ▪ Báo cáo có thể thiếu thông
điện thoại chữ và không biết chữ. tin so với quan sát.

▪ Có thể làm rõ các câu hỏi. ▪ Không phù hợp với người có
thính lực kém.
▪ Có thể sử dụng trong trường
hợp đi lại khó khăn. ▪ Bộ câu hỏi quá dài sẽ gây khó
khăn khi phỏng vấn.

▪ Tăng chi phí gọi điện.

▪ Tỉ suất trả lời không cao.

▪ Bỏ sót người không có điện


thoại.

Phỏng vấn cấu ▪ Dễ phân tích ▪ Thông tin quan trọng có thể
trúc chặt chẽ bị mất do những câu trả lời phát
sinh không được ghi lại hoặc
thăm dò.

Bộ câu hỏi tự ▪ Ít tốn kém. ▪ Không thể dùng với người


điền không biết chữ.
▪ Có thể dấu tên và kết quả
trung thực hơn. ▪ Nếu gởi qua email chỉ lấy
được thông tin từ những người
▪ Không cần người hỗ trợ
có khả năng sử dụng email.
nghiên cứu.

▪ Loại trừ sai lệch do đọc các


câu hỏi khác nhau cho những
đối tượng khác nhau.

80
Phương pháp Thuận lợi Bất lợi

Phỏng vấn cấu ▪ Thu thập thông tin sâu và ▪ Phỏng vấn có thể ảnh hưởng
trúc thấp thăm dò những câu trả lời phát đến người trả lời.
sinh.
▪ Phân tích thông tin từ câu hỏi
mở khó hơn và mất nhiều thời
gian hơn.

Các phương ▪ Cung cấp thông tin dồi dào và ▪ Cần những người thu thập
pháp cùng tham giúp cả người thu thập và người thông tin có kỹ thuật.
gia và kỹ thuật cung cấp tin thêm kiến thức và
hình ảnh kỹ năng.

Với sự tiến bộ của công nghệ, hiện nay các số liệu có thể được thu thập trực tiếp qua
các ứng dụng hoặc phần mềm mà không cần phải lưu trữ trên bản giấy. Việc này giúp
tiết kiệm chi phí in ấn và nhập liệu.

CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ


1) Tiêu chí cơ bản của một câu hỏi tốt trong theo dõi, lượng giá chương trình/hoạt
động y tế bao gồm:
A. Câu hỏi hợp lý, thực tế và phù hợp với chương trình/dự án
B. Câu hỏi chú trọng đến những cấu phần mà các bên liên quan và nhà quản lý quan
tâm.
C. Câu hỏi có khả năng trả lời bằng những kỹ thuật nghiên cứu sẵn có
D. Cả A, B, C đúng
2) Số đo giúp đo lường và so sánh những sự thay đổi, thể hiện theo chiều hướng
(tăng hay giảm), mức độ (ít hay nhiều) và phạm vi (rộng hay hẹp) về lĩnh vực y
tế:
A. Chỉ số.
B. Thông tin.
C. Kiến thức.
D. Chỉ tiêu.
3) Để trả lời cho câu hỏi: "Tỉ lệ trẻ < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong
chương trình tiêm chủng mở rộng là bao nhiêu sau chương trình truyền thông khuyến

81
khích người nhà đem trẻ tới tiêm chủng tại trạm y tế xã A", chỉ số lượng giá nào sau đây
là phù hợp nhất:
A. Tỉ lệ người nhà đem trẻ tới tiêm ngừa tại trạm y tế xã A.
B. Số trẻ được tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng
tại trạm y tế xã A.
C. Tỉ lệ trẻ <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong chương trình tiêm chủng
mở rộng tại trạm y tế xã A.
D. Tỉ lệ trẻ <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong chương trình tiêm chủng
mở rộng tại các trạm y tế Việt Nam.

4) Một chỉ số được đo lường bằng cách lấy số người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn bệnh
viện chia cho tổng số người bệnh nội trú của một khoa trong cùng một thời điểm. Chỉ
số này là:
A. Tỉ lệ người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn bệnh viện
B. Tỉ số người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn bệnh viện
C. Tỉ suất người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn bệnh viện
D. Xác suất người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn bệnh viện
5) Đặc tính nào sau đây KHÔNG phải là một đặc tính của thông tin chất lượng theo
Hovenga và Lloyd?

A. Tính tiếp cận


B. Tính toàn diện
C. Tính đúng lúc
D. Tính đại chúng
6) Các chỉ số nhằm đo lường các hoạt động và những đầu ra trực tiếp của các hoạt động
nhằm xác định xem chương trình có được thực hiện theo kế hoạch hay không thuộc
nhóm chỉ số:
A. Chỉ số đầu vào (input indicators)
B. Chỉ số quá trình (process indicators)
C. Chỉ số đầu ra (outcome indicators)
D. Chỉ số tác động (impact indicators).
7) Đặc điểm nào sau đây KHÔNG ĐÚNG về chỉ số đầu ra (outcome indicators)?
A. Nhằm đo lường việc chương trình có đạt được như mục tiêu đã đề ra hay không

82
B. Nhằm xác định chương trình có được thực hiện theo kế hoạch hay không
C. Nên được đo lường ít nhất tại thời điểm trước khi chương trình/dự án bắt đầu và
khi kết thúc dự án
D. Kết quả dài hạn thường khó đo lường và khó có thể quy cho hiệu quả của một
chương trình duy nhất.
8) Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, tuổi thọ trung bình mong đợi hay kỳ vọng
sống (life expectancy) thuộc nhóm chỉ số về:
A. Chỉ số đầu vào (input indicators)
B. Chỉ số quá trình (process indicators)
C. Chỉ số đầu ra (outcome indicators)
D. Chỉ số tác động (impact indicators).
9) Đặc điểm của số liệu thứ cấp (secondary data),
A. Thường bao gồm các thông tin trong quá khứ
B. Chi phí thu thập cao, rất tốn kém
C. Chuyên biệt theo mục tiêu
D. Mức độ chính xác thường cao hơn so với số liệu sơ cấp (primary data)
10) Sau chương trình tiêm chủng mở rộng, để trả lời câu hỏi "tại sao bà mẹ có con <1
tuổi không tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng?", phương pháp lượng giá nào là
thích hợp nhất:
A. Lượng giá quá trình (process), định tính.
B. Lượng giá quá trình (process), định lượng.
C. Lượng giá sau chương trình (summative), định tính.
D. Lượng giá trước chương trình (formative), định tính.

ĐÁP ÁN
1. D 2. A 3. C 4. A 5. D

6. B 7. B 8. D 9. A 10. C

83
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Work Group for Community Health and Development - University of Kansas.
Community toolbox - Chapter 37. Choosing Questions and Planning the Evaluation.
2022; Available from: https://ctb.ku.edu/en/table-of-contents/evaluate/evaluate-
community-interventions/choose-evaluation-questions/main.
2. Rossi, P., M. Lipsey, and H. Freeman, Evaluation: A systematic approach (7th ed.).
2004, Thousand Oaks: CA: Sage Publications.
3. Trường Đại học Y tế Công Cộng, Theo dõi, Đánh giá Chương trình - Dự án y tế (Tài
liệu giảng dạy Cử nhân Y tế Công cộng. 2016, Hà Nội: Nhà xuất bản Y học.
4. U.S. Department of Health and Human Services - Centers for Disease Control and
Prevention (CDC); Office of the Director, Office of Strategy and Innovation.
Introduction to Program Evaluation for Public Health Programs: A Self-Study
Guide. 2011, Atlanta, GA: Centers for Disease Control and Prevention.
5. Đỗ Văn Dũng, Phương pháp nghiên cứu khoa học. 2004, Hồ Chí Minh: Bộ môn
Thống kê - Dân số, Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược Tp. HCM.
6. World Health Organization. Regional Office for the Western, P., Improving data
quality : a guide for developing countries. 2003, Manila: WHO Regional Office for
the Western Pacific.
7. Mensah E, Goderre JL. Data sources and data tools, in Public health informatics and
information systems, J.A. Magnuson and P.C. Fu, Editors. 2014, Springer: London.
p. 107-131
8. Dammann, O., Data, Information, Evidence, and Knowledge: A Proposal for Health
Informatics and Data Science. Online J Public Health Inform, 2018. 10(3): p. e224.
9. Green, A., An introduction to health planning for developing health systems. 3 ed.
2007, Oxford: Oxford University Press.
10. Varkevisser MC, Pathmanathan I, and B. A, Designing and conducting health
systems research projects. 2003, Amsterdam: WHO and International Development
Research Centre,.
11. Neuman, W., Social Research Methods: Qualitative and Quantitative Approaches.
Vol. 30. 1997.
12. Centers for Disease Control and Prevention, Program Performance and Evaluation
Office. Indicators. . Accessed on December 20, 2022. Available from:
https://www.cdc.gov/evaluation/indicators/index.htm.
13. Hovenga E, L.S., Working with information and knowledge. In: Harris MG, editor.
Managing health services: concept and practice. 2006, Sydney: Mosby Elsevier.
14. Tô Gia Kiên, Nguyễn Văn Tập. Giáo trình Tổ chức và Quản lý hệ thống y tế. 2022.
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Y học.

84
BÀI 6. LẬP KẾ HOẠCH LƯỢNG GIÁ CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ
ThS. Nguyễn Thành Luân.

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Hiểu được các khái niệm về kế hoạch lượng giá
2. Xác định được các thành phần quan trọng trong kế hoạch lượng giá
3. Ứng dụng xây dựng nội dung kế hoạch lượng giá cơ bản.

NỘI DUNG
1. Giới thiệu
1.1. Kế hoạch lượng giá là gì?
Kế hoạch lượng giá chương trình y tế là một kế hoạch được xây dựng nhằm thu
thập và phân tích các thông tin, tính toán các chỉ số để đối chiếu xem các chương
trình/hoạt động có đạt được mục tiêu, kết quả có tương xứng với với nguồn lực bỏ ra
hay không, đồng thời phân tích quá trình thực hiện kế hoạch để tìm ra những nguyên
nhân của thành công hoặc thất bại, rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác lập
kế hoạch tiếp theo, tăng cường các hoạt động quản lý sau này góp phần nâng cao hiệu
quả của các chương trình/hoạt động y tế.
Kế hoạch lượng giá làm rõ việc lượng giá “Cái gì?”, lượng giá “Như thế nào?” và
“Tại sao lại cần lượng giá vấn đề này” trong chương trình.
• Lượng giá “Cái gì?” phản ảnh 1 bức tranh toàn cảnh chương trình, những hoạt
động đã triển khai, mục tiêu và mục đích của chương trình cũng như những kết
quả/sản phẩm đầu ra của chương trình sau khi thực hiện.
• Lượng giá “Như thế nào?” đề cập đến quá trình triển khai chương trình, cung
cấp những thông tin để kiểm chứng xem liệu chương trình có thực hiện đúng
với kế hoạch ban đầu hay không? Thêm vào đó, việc lượng giá “như thế nào”
cùng với kết quả đầu ra sẽ giúp làm rõ liệu có nên thực hiện những thay đổi
trong quá trình thực hiện hay không.
• “Tại sao lại cần lượng giá vấn đề này” cung cấp lý do cho việc lượng giá chương
trình và các tác động của nó đến vấn đề y tế công cộng. Điều này đôi lúc còn
được ngầm hiểu như câu hỏi “Vậy thì sao?”. Để có thể chứng minh rằng chương
85
trình của bạn đã tạo ra sự khác biệt, là yếu tố quan trọng cho tính bền vững của
chương trình.
1.2. Lợi ích của kế hoạch lượng giá:
Một kế hoạch lượng giá hiệu quả có thể:
- Định hình được các nội dung lượng giá, hình thức lượng giá, kết quả lượng giá
và trình tự chu trình lượng giá. Từ đó, công tác lượng giá sẽ thuận tiện và hiệu
quả
- Chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết về mục đích, cách sử dụng và người sử dụng các
kết quả lượng giá
- Thúc đẩy tính minh bạch của chương trình đối với các bên liên quan và những
người ra quyết định.
- Kết nối nhiều hoạt động lượng giá, đây là việc đặc biệt hữu ích khi 1 chương
trình có sự tham gia của nhiều đối tác, nhiều bên liên quan.
- Giúp xác định liệu có đủ nguồn lực và thời gian để hoàn thành các hoạt động
lượng giá mong muốn hay không? Và để trả lời các câu hỏi lượng giá ưu tiên.
- Lượng giá được năng lực của các thành viên trong nhóm lượng giá.

2. Các thành phần quan trọng trong kế hoạch lượng giá


Trước khi tiến hành xây dựng kế hoạch lượng giá hoàn chỉnh, cần xác định các
thành phần quan trọng sau:
2.1. Mục tiêu lượng giá
Một chương trình y tế thường bao gồm nhiều hoạt động khác nhau. Trong nhiều
trường hợp, do kinh phí hạn hẹp hoặc do yêu cầu của thực tế nên không thể lượng giá
chi tiết tất cả các hoạt động được. Do đó, trước khi lượng giá, cần phải xác định rõ sẽ
lượng giá những hoạt động nào của chương trình. Lượng giá nhằm mục đích gì và kết
quả lượng giá sẽ được dùng để làm gì?
Mục tiêu lượng giá không phải là lấy kết quả để báo cáo lên cấp trên và cũng
không phải là tìm xem đơn vị đó đạt được thành tích đến mức độ nào để khen thưởng
hay xử phạt. Mục tiêu của lượng giá là tìm nguyên nhân của thành công hay thất bại để
giúp cho công tác quản lý các hoạt động y tế được tốt hơn, hiệu quả hơn.

86
2.2. Phạm vi lượng giá
Với các chương trình y tế, thời gian triển khai thực hiện có thể kéo dài trong
nhiều năm, thực hiện trên nhiều đối tượng với những nội dung triển khai khác nhau.
Chính vì thế, việc thực hiện lượng giá có thể sẽ được thực hiện ở nhiều giai đoạn khác
nhau phù hợp theo từng hạng mục và theo nhu cầu của người quản lý.
Việc xác định phạm vi lượng giá cần dựa vào mục tiêu, nguồn lực và thông tin
sẵn có để xác định phạm vi và thời gian lượng giá cho phù hợp. Người quản lý giỏi là
người biết chọn phạm vi lượng giá thích hợp nhất, đôi khi chỉ là những lượng giá nhỏ
nhưng vẫn đủ thông tin cần thiết để cải tiến hoạt động.
2.3. Chỉ số lượng giá và phương pháp thu thập chỉ số
Các chỉ số sử dụng để lượng giá phải phù hợp và cung cấp đầy đủ thông tin về
hoạt động/chương trình để có thể ra quyết định đúng
Ngoài căn cứ các chỉ số lượng giá đã được giới thiệu ở các bài trên, trong các
chương trình y tế, các chỉ số cũng thường được lựa chọn theo phân nhóm hoạt động của
chương trình, gồm 5 nhóm:
• Chỉ số đầu vào
• Chỉ số quá trình
• Chỉ số đầu ra
• Chỉ số kết quả
• Chỉ số tác động
Ví dụ: khi lựa chọn chỉ số để lượng giá chương trình kế hoạch hoá gia đình tại
cộng đồng, các chỉ số tương ứng theo từng nhóm là:
Loại chỉ Dựa vào Dựa vào cộng Điểm bán lẻ Thông ting giáo
số phòng khám đồng dục truyền thông
Số nhân viên Số nhân viên Số điểm bán Số lượng tài liệu
được đào tạo làm việc với phương tiện thông tin giáo dục
Đầu vào
cộng đồng tránh thai truyền thông
(IEC)
Số lượng khách Số lượng Số điểm cung Số người được đào
hàng được một phương tiện cấp thông tin về tạo về sử dụng tài
nhân viên phục tránh thai được cách sử dụng liệu IEC
Quá trình vụ trong một phân phối trực biện pháp tránh
ngày thai

87
Loại chỉ Dựa vào Dựa vào cộng Điểm bán lẻ Thông ting giáo
số phòng khám đồng dục truyền thông
tiếp cho quần
thể đích
% người sử % dân có tiếp % quần thể % quần thể đích
Đầu ra dụng thoả mãn xúc với nhân đích thường tiếp xúc với tài
với các dịch vụ viên trở thành xuyên nhận liệu IEC
khách hàng phương tiện
tránh thai
% khách hàng % quần thể % dân số đích % dân số đích nhớ
mới trở thành đích áp dụng sử dụng các các thông điệp
người tiếp tục các biện pháp dịch vụ tại các IEC
Kết quả sử dụng theo tránh thai nhận điểm bán PTiện
các tiêu chuẩn được từ nhân TThai
đề ra viên
% khách hàng % quần thể % quần thể % quần thể đích
Tác động áp dụng biện đích sử dụng đích hài lòng hành động như
pháp tránh thai biện pháp với các điểm được phổ biến
vĩnh viễn thường xuyên bán lẻ trong các thông
điệp IEC
Khi đã chọn được chỉ số, hãy xác định biện pháp thu thập được những thông tin
cho từng chỉ số đã lựa chọn. Để có được các chỉ số hữu ích, ta cần có những số liệu cần
thiết, tin cậy và chính xác. Nội dung này cũng đã được trình bày trong các bài học trước.
Ví dụ: Chọn lựa, thu thập thông tin/dữ liệu cần thiết trong các hoạt động kế hoạch
hoá gia đình tại cộng đồng.
Chỉ số Dữ liệu yêu cầu Nguồn dữ liệu
Chỉ số đầu vào - Số nhân viên trực tiếp - Hồ sơ nhân viên chương trình
cung cấp dịch vụ
Số nhân viên làm - Sổ đăng ký, bản đồ hoặc ước
việc với cộng đồng - Quần thể đích lượng số lượng quần thể đích
Chỉ số quá trình - Số nhân viên hoạt động - Sổ đăng ký
trong khu vực đích
Số nhân viên tiếp - Sổ khám bệnh
xúc với quần thể - Số lượt khám cho quần
đích trong tháng thể đích

Chỉ số đầu ra - Tổng số khách hàng mới - Sổ khách hàng nhận các phương
trong khu vực tiện tránh thai hàng tháng

88
Chỉ số Dữ liệu yêu cầu Nguồn dữ liệu
Số khách hàng mới/ - Tổng số nhân viên - Sổ ghi chép hoạt động của các
một nhân viên nhân viên
Kết quả - Số người được nhân viên - Điều tra mẫu
cung cấp các phương tiện
% số người thường - Sổ khách hàng nhận các
tránh thai 3 lần trong năm
xuyên sử dụng biện phương tiện tránh thai
pháp tránh thai - Số người trong quần thể
trong quần thể đích đích tiếp xúc với nhân
viên trong thời gian đó

Chỉ số tác động - Số khách hàng mới trong - Báo cáo hoạt động của chương
khu vực trình
% phụ nữ đạt được
- Điều tra mẫu
tổng tỉ suất sinh - Số người thường xuyên
mong muốn sử dụng biện pháp tránh
thai

- Số người thường xuyên


dùng các biện pháp tránh
thai tiếp tục sử dụng sau
hai năm

2.4. Phương pháp/thiết kế lượng giá


Trong bài học trước, các loại thiết kế lượng giá đã được trình bày và giới thiệu, gồm:
• Lượng giá sau can thiệp
• Lượng giá trước và sau can thiệp
• Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm chứng sau can thiệp
• Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm chứng
• Lượng giá trước sau can thiệp với nhóm chứng và nhóm can thiệp chứng sau
chương trình
• Thiết kế Solomon
Mỗi loại thiết kế lượng giá sẽ phù hợp với từng nội dung lượng giá của chương
trình và có các điểm mạnh, điểm hạn chế khác nhau. Chính vì thế, việc lựa chọn thiết kế
lượng giá phù hợp là rất quan trọng, quyết định tính chính xác của kết quả sau lượng
giá.

89
2.5. Người thực hiện lượng giá
Sau khi đã xác định được mục tiêu và phạm vi lượng giá, cần xác định rõ ai sẽ
thực hiện lượng giá. Để lượng giá được khách quan hơn, người lượng giá thường là
những người không trực tiếp tham gia thực hiện hoạt động/chương trình đó, đồng thời
họ phải có các kỹ năng lượng giá tốt. Tuy nhiên, ở cấp tỉnh, huyện, cũng có thể tổ chức
tự lượng giá để rút kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch, hoặc tổ chức lượng giá chéo
giữa các đơn vị trong tỉnh.
Lượng giá chéo có ưu điểm là những người lượng giá cũng là những người trực
tiếp thực hiện các hoạt động nhưng tại địa điểm khác. Họ là những người trong cuộc nên
hiểu rõ quá trình thực hiện chương trình/kế hoạch và những ưu, nhược điểm của cách
thu thập thông tin lượng giá.
2.6. Một số vấn đề liên quan khác:
Trong quá trình chuẩn bị cho lượng giá, việc lập kế hoạch tài chính, nhân lực,
phương tiện cho lượng giá là rất quan trọng.
• Phân bổ nguồn tài chính cho lượng giá: tuỳ theo từng khối lượng công việc,
thời gian tiêu tốn, khoảng cách đi lại và các khoản phải chi phí mà phân bổ cho
thích hợp.
• Về nhân lực, cần đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng lượng giá nói chung. Tuy
nhiên, mỗi cuộc lượng giá vẫn cần đào tạo, tập huấn với nội dung cụ thể. Những
người có kinh nghiệm lượng giá được chọn làm giám sát viên.
• Các phương tiện sử dụng cho lượng giá cũng cần được chuẩn bị kỹ càng. Các
dụng cụ đo lường phải được hiệu chỉnh. Các bộ câu hỏi, biểu mẫu, bảng kiểm
được soạn thảo cùng với tài liệu hướng dẫn nghiên cứu viên, giám sát viên trước
khi điều tra thử.

3. Bố cục của 1 kế hoạch lượng giá


Sau khi xác định các yếu tố quan trọng cho một kế hoạch lượng giá chương trình
y tế, nhà quản lý tiến hành xây dựng 1 kế hoạch lượng giá hoàn chỉnh.
Kế hoạch lượng giá có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên,
một số những nội dung cơ bản cần phải được trình bày trong kế hoạch, cụ thể:
➢ Tựa đề nội dung lượng giá

90
• Ghi rõ tên chương trình cần lượng giá, thời gian thực hiện và các trọng tâm cơ
bản cần lượng giá
➢ Mục tiêu lượng giá
• Xác định rõ mục tiêu cần lượng giá trong giai đoạn lập kế hoạch này.
• Xác định rõ ai sẽ là người được tiếp cận với kết quả lượng giá này. Điều này
rất quan trọng và cần phải xác định ngay từ đầu.
➢ Giới thiệu tổng quan về chương trình
• Cung cấp cơ hội để làm rõ lại một lần nữa về nội dung chính của chương trình
đã triển khai, những hoạt động đã thực hiện và những sản phẩm đầu ra dã đạt
được
➢ Xác định vấn đề tập trung lượng giá/Phạm vi lượng giá
➢ Phương pháp lượng giá
• Xác định các chỉ số cần lượng giá, phương pháp đo lường, cỡ mẫu, các tiêu
chuẩn lựa chọn, loại trừ và nguồn thu thập số liệu
• Xác định loại thiết kế lượng giá dự kiến triển khai
• Xác định rõ nhóm thực hiện lượng giá và vai trò cụ thể của từng thành viên
trong nhóm lượng giá.
➢ Phương pháp thống kê, phân tích kết quả
• Làm rõ loại thống kê, phân tích, kiểm định sẽ được sử dụng.
• Phương pháp trình bày dữ liệu kết quả sau phân tích.
• Xác định ai sẽ là người được xem kết quả tạm thời, liệu sẽ có những cuộc họp
nhằm diễn giải kết quả số liệu thô trước khi tiến hành thực hiện 1 báo cáo lượng
giá hoàn chỉnh.
➢ Kế hoạch sử dụng kết quả lượng giá, cách phổ biến và chia sẻ
• Mô tả kế hoạch sử dụng kết quả lượng giá và phổ biến kết quả lượng giá.
• Các kế hoạch cần rõ ràng, cụ thể cho việc sử dụng lượng giá nên được thảo luận
ngay từ đầu.
• Xác định phương thức và phương pháp dự định để chia sẻ kết quả với các bên
liên quan.

91
CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ:
1) Kế hoạch lượng giá cần làm rõ 3 vấn đề là:
A. Lượng giá “Cái gì”
B. Lượng giá “Như thế nào?”
C. “Tại sao lại cần lượng giá vấn đề này?”
D. Cả A, B, C đều đúng
2) Lợi ích của 1 kế hoạch lượng giá hiệu quả, NGOẠI TRỪ:
A. Định hình được nội dung lượng giá, hình thức lượng giá, kết quả lượng giá.
B. Lượng giá năng lực của người lượng giá
C. Tạo thêm nguồn lực bổ sung cho chương trình
D. Thúc đẩy tính minh bạch của chương trình đối với các bên liên quan và những
người ra quyết định
3) Phát biểu nào sau đây là SAI khi nói về mục tiêu lượng giá?
A. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình
B. Xây dựng hình thức khen thưởng, xử phạt.
C. Mục tiêu lượng giá khác nhau ở từng giai đoạn thực hiện lượng giá
D. Mục tiêu của lượng giá là tìm nguyên nhân của thành công hay thất bại để có cơ
sở cải tiến
4) Bố cục cơ bản của 1 bảng kế hoạch lượng giá thường có mấy phần?
A. 5 phần
B. 6 phần
C. 7 phần
D. 8 phần
5) Trong bố cục cơ bản của 1 kế hoạch lượng giá, nội dung nào gợi ý vấn đề “Xác định
phương thức và phương pháp dự định để chia sẻ kết quả với các bên liên quan”
A. Mục tiêu
B. Giới thiệu tổng quan chương trình
C. Phạm vi lượng giá
D. Kế hoạch sử dụng kết quả lượng giá, cách phổ biến, chia sẻ.

92
ĐÁP ÁN
1. D 2. C 3. B 4. C 5. D

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Trương Việt Dũng. Đánh giá một chương trình, một hoạt động y tế. Bài giảng quản
lý y tế. Trường cán bộ quản lý y tế - BYT. Y học, 1997, 104-116.
2. Đại học Y tế công cộng, Giáo trình theo dõi đánh giá chương trình, dự á y tế (2016),
nhà xuất bản y học.
3. CDC Evaluation Working Group. (1999). (Draft). Recommended framework for
program evaluation in public health practice. Atlanta, GA: Author.
4. CDC National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion. (2011).
Developing an Effective Evaluation Plan. Atlanta, Georgia, GA:Author.

93
BÀI 7. THỰC HÀNH ĐÁNH GIÁ NHU CẦU CHĂM SÓC
SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
PGS. TS. Tô Gia Kiên, ThS. BS. Lê Hồng Phước

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Thực hiện được việc xác định các nguồn thông tin nhằm đánh giá nhu cầu chăm sóc
sức khỏe của cộng đồng.
2. Thực hiện được việc xây dựng các phương pháp và công cụ thu thập dữ liệu đánh
giá nhu cầu sức khỏe của cộng đồng cho một chương trình – dự án y tế.

1. Nghiên cứu trường hợp đánh giá nhu cầu sức khỏe tại quận Mcintosh County,
Bang Georgia, Hoa Kỳ của Ashley Medical Center

Trung tâm Y tế Ashley (Ashley Medical Center - AMC) đã thực hiện quá trình đánh
giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng (Community Health Needs Assessment - CHNA) với
sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế Nông thôn (Center for Rural Health, University of North
Dakota - CRH), và Đơn vị Y tế Quận McIntosh (McIntosh District Health Unit) [1].
Đánh giá này nhằm kiểm tra nhu cầu sức khỏe và những vấn đề sức khỏe tại thành phố
Ashley, Lehr, Venturia, Wishek, và Zeeland tại McIntosh County.

Quá trình đánh giá nhằm thu thập thông tin thông qua các hoạt động gồm:

- Thu thập thông tin cập nhật từ các thành viên trong cộng đồng địa phương, các
nhà cung cấp dịch vụ và các nhân viên cộng đồng
- Cung cấp một sự phân tích các thông tin thứ cấp liên quan đến các hành vi, các
điều kiện, các nguy cơ liên quan đến sức khỏe và các kết cục sức khỏe.
- Tổng hợp và hệ thống hóa các thông tin để hỗ trợ quá trình ra quyết định, giáo
dục, các hoạt động quảng cáo, và hỗ trợ cho việc phát triển một kế hoạch chiến
lược;
- Thu hút sự quan tâm của cộng đồng về tương lai của việc chăm sóc sức khỏe;
- Cho phép bệnh viện địa phương đáp ứng quy định liên bang khi yêu cầu các bệnh
viện phi lợi nhuận phải hoàn thành đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe ít nhất

94
ba năm một lần, cũng như giúp đơn vị y tế công cộng địa phương đáp ứng các
yêu cầu cho việc chứng nhận đủ điều kiện.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Các anh, chị hãy xác định những nguồn thông tin có thể tiếp cận để thu thập dữ
liệu nhằm đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.
2. Các anh, chị hãy xác định phương pháp và công cụ phù hợp nhằm thu thập thông
tin cần thiết từ các nguồn thông tin đã xác định.

2. Kết quả thực hiện đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Quận Mcintosh
County, Bang Georgia, Hoa Kỳ của Ashley Medical Center, năm 2021

Để thực hiện quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe, nhóm đánh giá đã thường xuyên
tiếp xúc với các đại diện cộng đồng một cách trực tiếp, hoặc thông qua hội nghị qua điện
thoại và email. Một liên lạc viên của nhóm đánh giá đã được chọn tại địa phương, đây
là người đóng vai trò là đầu mối liên hệ chính giữa CRH và AMC. Một ban chỉ đạo nhỏ
đã được thành lập nhằm chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện quy trình tại địa
phương. Các đại diện từ CRH đã gặp gỡ và trao đổi thư từ thường xuyên qua hội nghị
truyền hình và / hoặc qua eToolkit với liên lạc viên CHNA. Nhóm cộng đồng (được mô
tả chi tiết hơn bên dưới) đã cung cấp thông tin chuyên sâu và phản hồi về quá trình đánh
giá về quan điểm, các nguồn lực và nhu cầu của cộng đồng cũng như các ý tưởng để cải
thiện sức khỏe của người dân và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Năm người, đại diện
cho một bộ phận nhân khẩu học, đã tham dự một cuộc thảo luận nhóm.

Các dữ liệu được thu thập từ đa dạng các nguồn, bao gồm:

- Một cuộc khảo sát lấy ý kiến phản hồi từ cư dân khu vực
- Phỏng vấn các nhà lãnh đạo đại diện cho các quyền lợi của cộng đồng
- Tổ chức buổi thảo luận bao gồm các đoàn thể, các nhà lãnh đạo cộng đồng và cư
dân trong khu vực thảo luận về nhu cầu sức khỏe của khu vực và thông báo về
quá trình đánh giá
- Kiểm tra một loạt các nguồn dữ liệu thứ cấp để cung cấp thông tin về nhiều lĩnh
vực đo lường bao gồm nhân khẩu học, tình trạng sức khỏe, các chỉ số, kết quả, tỉ
lệ các biện pháp phòng ngừa.

95
Phần dưới đây mô tả chi tiết các phương pháp được sử dụng để thu thập dữ liệu cho
đánh giá bao gồm tổ chức buổi gặp gỡ cộng đồng, thực hiện các cuộc phỏng vấn vấn
sâu, thu thập phản hồi về nhu cầu sức khỏe thông qua một cuộc khảo sát và nghiên cứu
dữ liệu thứ cấp.

Phương
Đối tượng Nội dung khảo sát
pháp
Nhóm Các thành viên của nhóm cộng - Buổi gặp gỡ lần đầu tiên được tổ chức
cộng đồng gồm những đại diện cho dưới dạng một buổi thảo luận nhóm
đồng những lợi ích của cộng đồng mà gồm 13 thành viên cộng đồng nhằm
Trung tâm Y tế Nông thôn và Đơn giới thiệu về quá trình đánh giá, xem
vị Y tế Quận McIntosh phục vụ. xét các thông tin nhân khẩu học cơ bản
Họ bao gồm đại diện của các tổ về cộng đồng. Các chủ đề thảo luận
chức y tế, doanh nghiệp, các cơ bao gồm các giá trị và thách thức của
quan chính trị, cơ quan thực thi cộng đồng, nhu cầu sức khỏe chung
pháp luật, giáo dục, cộng đồng tín của cộng đồng, mối quan tâm của cộng
ngưỡng, EMS, nông nghiệp, đồng và các đề xuất để cải thiện sức
người già và gia đình trẻ. Không khỏe của cộng đồng.
phải tất cả các thành viên của - Buổi gặp gỡ cộng đồng thứ hai được
nhóm đều có mặt trong cả hai cuộc thực hiện với 10 thành viên trong cộng
họp. đồng. Tại đây, nhóm cộng đồng được
trình bày các kết quả khảo sát, các phát
hiện từ các cuộc phỏng vấn sâu và
nhóm tập trung, và một loạt các dữ liệu
thứ cấp, liên quan đến sức khỏe chung
của người dân ở McIntosh County. Sau
đó, nhóm được yêu cầu xác định và sắp
xếp thứ tự ưu tiên cho nhu cầu sức
khỏe của cộng đồng.
Phỏng Một đại diện từ CRH đã phỏng vấn Các chủ đề được đề cập trong cuộc
vấn sâu với 6 người thông qua Zoom phỏng vấn bao gồm nhu cầu sức khỏe
hoặc điện thoại. Những người chung của cộng đồng, các vấn đề sức

96
Phương
Đối tượng Nội dung khảo sát
pháp
được phỏng vấn bao gồm những khỏe chung của cộng đồng, mối quan
người có thể cung cấp thông tin tâm của cộng đồng, việc cung cấp dịch
chi tiết về nhu cầu sức khỏe của vụ chăm sóc sức khỏe của các nhà cung
cộng đồng bao gồm các chuyên cấp địa phương, nhận thức về các dịch
gia y tế công cộng có được qua vụ y tế được cung cấp tại địa phương,
nhiều năm kinh nghiệm thực tế các rào cản đối với việc tiếp nhận các
trong cộng đồng, đã làm việc với dịch vụ y tế và đề xuất cải thiện sự hợp
các nhóm dân số thiểu số, thu nhập tác trong cộng đồng.
thấp và không đưuọc chăm sóc y
tế cũng như các nhóm dân số mắc
bệnh mãn tính.
Khảo sát Một cuộc khảo sát đã được thực - Thông tin nhân khẩu học cơ bản
hiện nhằm thu hút ý kiến phản hồi - Nhận thức của cư dân về các giá trị
từ cộng đồng, nhằm bổ sung cho của cộng đồng
các dữ liệu định tính, cụ thể là - Các lĩnh vực rộng lớn của cộng đồng
thông tin liên quan đến nhu cầu và các mối quan tâm về sức khỏe
sức khỏe do cộng đồng nhận thức. - Nhận thức về các dịch vụ y tế địa
Để thu hút sự quan tâm của người phương
dân, nhiều phương thức truyền - Các rào cản đối với việc sử dụng dịch
thông đã được áp dụng như vụ y tế địa phương
facebook, website, poster, danh - Các đề xuất để cải thiện việc cung cấp
thiếp. Khảo sát được thực hiện tại dịch vụ y tế địa phương
bệnh viện, các phòng khám và các - Đề xuất cải thiện thu nhập
điểm tại cộng đồng như quán cà
phê, ngân hàng, của hàng tiện lợi,
văn phòng chính phủ,…
Số liệu Dữ liệu được thu thập từ nhiều Dữ liệu thứ cấp được thu thập và phân
thứ cấp nguồn khác nhau, bao gồm Cục tích để cung cấp các mô tả về:
điều tra dân số Hoa Kỳ; Robert - Nhân khẩu học
Wood Johnson Foundation’s
97
Phương
Đối tượng Nội dung khảo sát
pháp
County Health Rankings, - Các vấn đề sức khỏe nói chung (bao
(www.countyhealthrankings.org); gồm bất kỳ nhóm dân số nào có các
Khảo sát Quốc gia về Sức khỏe vấn đề sức khỏe cụ thể)
Trẻ em, - Các nguyên nhân góp phần gây ra các
ww.childhealthdata.org/learn/NS vấn đề sức khỏe cộng đồng
CH); và North Dakota KIDS
COUNT, Casey Foundation
(www.ndkidscount.org)

Dựa trên các thông tin thu thập được, quá trình đánh giá nhu cầu sức khỏe đã mô tả
thực trạng sức khỏe của cộng đồng địa phương, xác định những vấn đề sức khỏe cần cải
tiến, xác định những dịch vụ y tế được sử dụng tại địa phương, xác định các yếu tố tác
đến sức khỏe, xác định các như cầu sức khỏe ưu tiên và giúp các nhà quản lý y tế xác
định những hoạt động nhằm giải quyết các nhu cầu sức khỏe của cộng đồng. Quy trình
đánh giá này này chỉ là bước đầu tiên để xác định nhu cầu và xác định các lĩnh vực ưu
tiên. Bước thứ hai sẽ là thành lập ban chỉ đạo, hoặc nhóm cộng đồng khác, để chọn một
nhu cầu ưu tiên đã được thống nhất để bắt đầu can thiệp. Sự tham gia của cộng đồng là
rất cần thiết và quan trọng để phát triển thành công một bản kế hoạch và thực hiện các
bước hoạt động để giải quyết một hoặc nhiều nhu cầu đã được xác định.

Xem báo cáo chi tiết tại: https://ruralhealth.und.edu/projects/community-health-


needs-assessment/reports#ashley

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Asley Medical Center Service Area, Center for Rural Health - University of North
Dakoka. Community Health Needs Assessment - 2022.

98
BÀI 8. THỰC HÀNH XÂY DỰNG CÂU HỎI, CHỈ SỐ LƯỢNG GIÁ
PGS. TS. Tô Gia Kiên

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Xây dựng được các câu hỏi/chỉ số lượng giá cho một chương trình – dự án y tế.
2. Phát triển được đề cương lượng giá chương trình, dự án y tế.

NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP:

BÁO CÁO PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HIV/AIDS

TÓM TẮT

Một nhóm các tư vấn viên được Bộ y tế mời tiến hành phân tích tình hình để đối phó
với sự gia tăng số ca nhiễm HIV ở đồng bằng sông Mekong. Các tư vấn viên được yêu
cầu lượng giá hệ thống y tế đáp ứng với dịch HIV này như thế nào và đề nghị một
chương trình can thiệp nhằm nâng cao khả năng đối phó với sự gia tăng các ca HIV của
hệ thống y tế.

Nhóm tư vấn đã gặp các cá nhân và các nhóm khác làm việc trong lĩnh vực
HIV/AIDS. Các nhà lâm sàng và các thành viên trong cộng đồng HIV/AIDS cho rằng
vấn đề là thiếu một mạng lưới thông tin chức năng và sự giao tiếp với cộng đồng bị
nhiễm rất kém. Ngoài ra các nhân viên y tế không được trang bị tốt các kỹ năng thông
báo cho người nhiễm biết về tình trạng của họ, kỹ năng giải quyết hậu quả cũng như
thảo luận các vấn đề văn hóa nhạy cảm chẳn hạn như tình dục. Quy trình kiểm soát
nhiễm khuẩn tại các bệnh viện cũng rất kém.

1. Thông tin nền

HIV/AIDS gia tăng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người đang sinh
sống tại đồng bằng sông Mekong. Ước lượng có ít nhất 300.000 người nhiễm tại đây.
Tình hình nhiễm HIV chưa thực sự được biết rõ do thiếu hệ thống thu thập thông tin và
người nhiễm không biết được tình trạng nhiễm của mình. Chính sách HIV/AIDS tại khu
vực này tập trung vào dự phòng và chỉ mới bắt đầu tập trung vào chăm sóc và hỗ trợ, vì
có sự gia tăng số người có chẩn đoán dương tính. Ví dụ như chính sách của Ủy ban quốc

99
gia phòng chống AIDS là tuyển bác sĩ để nâng cấp sự điều phối những người dương tính
qua hệ thống y tế.

Hệ thống y tế quốc gia dựa trên các cơ sở chăm sóc theo tuyến mà đầu tiên là trạm y
tế, nơi cung cấp chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe tâm thần, lao, tiêu chảy và
quản lý người nhiễm tại địa phương. Tuyến tiếp theo là bệnh viện quận/huyện và sau đó
là bệnh viện tuyến tỉnh, thành. Các bệnh viện chuyên khoa cung cấp các chăm sóc dựa
trên bệnh cảnh của bệnh nhân ví dụ như bệnh nhân lao sẽ được điều trị tại bệnh viện
Lao Phổi, các bệnh về da liễu sẽ được điều trị tại bệnh viện Da Liễu, sốt và viêm màng
não sẽ được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới. Hầu hết người nhiễm HIV/AIDS nhập viện
do STI (sexually transmitted infections) hoặc zona. Hệ thống này chủ yếu là người sử
dụng tự chi trả.

Nhóm tư vấn được Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS thuộc Bộ y tế mời điều tra
các tác động của sự gia tăng số ca nhiễm lên hệ thống y tế. Mục tiêu của phân tích tình
hình là lượng giá hiệu quả và hiệu lực của hệ thống trong việc quản lý HIV/AIDS, gồm:

- Nhân viên y tế cần được huấn luyện những gì để quản lý HIV/AIDS.

- Tiềm năng để lôi kéo cộng đồng vào việc chăm sóc và hỗ trợ.

Mục đích cuối cùng của phân tích tình hình là để phát triển kế hoạch can thiệp nhằm
quản lý dịch HIV.

Có vài tổ chức hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS tại khu vực sông Mekong như
các mạnh thường quân quốc tế, các NGO (CARE, Medecins sans Frontieres (MSF)) và
một vài nhóm cộng đồng. Các tổ chức này chủ yếu tập trung vào phòng ngừa lây nhiễm
giữa thanh niên và một vài tổ chức thì tập trung và chăm sóc và hỗ trợ cho một khu vực
nào đó. Nhóm tư vấn cũng xác định được một bệnh viện của Thái Lan (Bamras Hospital
in Bangkok) đã xây dựng nhóm chuyên gia chăm sóc người nhiễm. Bệnh viện Bamras
được xem là có mô hình cung cấp chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, mặc dù
mô hình này chưa phổ biến trên thế giới. (Các nhân viên của bệnh viện có rất nhiều kinh
nghiệm từ khi họ chẩn đoán và điều trị ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trong thập kỷ 80).

2. Phương pháp tiến hành

Nhóm tư vấn trải qua 2 tuần và sử dụng nhiều phương pháp để tiến hành phân tích
tình hình gồm thảo luận với các lãnh đạo của Bộ y tế, các nhân viên chính của bệnh viện
100
và các NGOs. Các bác sĩ, điều dưỡng, y tá, kỹ thuật viên xét nghiệm, tham vấn viên,
nhân viên vệ sinh ở các tuyến trong hệ thống y tế cũng được mời tham gia thảo luận
nhóm. Nhóm tư vấn cũng tiến hành một khảo sát nhỏ trên các bệnh nhân có đăng ký,
thảo luận nhóm có trọng tâm với những nhóm nguy cơ cao và với gia đình/người chăm
sóc của bệnh nhân; và xem lại các tài liệu truyền thông hiện có.

3. Các kết quả chính

3.1. Vấn đề về nhân lực y tế

Vấn đề về đào tạo

Mặc dù các nhân viên y tế được đào tạo về bệnh truyền nhiễm và chăm sóc người
nhiễm, nhưng chưa có một chương trình chuẩn nào được xây dựng. Các nhân viên cần
phải thành thạo khi được yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, các nhân viên thường thiếu thời
gian và có vài lý do tế nhị trong khâu tổ chức các chương trình đào tạo.

Các khóa đào tạo về đường lây của HIV, quá trình bệnh và tham vấn cho các nhân
viên y tế ở các tuyến rất là hạn chế. Các nhân viên y tế mà nhóm tư vấn gặp cung cấp
các chăm sóc cho người nhiễm nhưng họ không tự tin khi tham vấn. Có bằng chứng cho
thấy các nhân viên y tế chưa quen với vai trò tham vấn, thực tế là không có thuật ngữ
tham vấn trong ngôn ngữ của họ. Chưa có các tham vấn trước và sau xét nghiệm cho
bệnh nhân. Rõ ràng là các nhân viên y tế làm việc tại khoa truyền nhiễm không có khái
niệm về sự riêng tư của bệnh nhân và bàn luận một cách cởi mở về tình trạng nhiễm
HIV của người bệnh. Vài nhân viên biểu lộ sự sợ hãi về HIV và họ tin rằng người nhiễm
HIV có thể lây cho toàn bệnh viện.

Sự cam kết của điều phối viên HIV/AIDS

Nỗ lực đẩy mạnh khả năng đương đầu với HIV của hệ thống y tế, nhiều địa phương
chỉ định các bác sĩ được chọn là điều phối viên HIV. Vai trò của các điều phối viên là
điều hành các chăm sóc giữa các đồng nghiệp, các nhân viên y tế khác, bệnh nhân, bạn
bè và gia đình họ, bảo mật cho bệnh nhân, thông báo cho bệnh nhân về tình trạng nhiễm
và tiến triển của bệnh, giáo dục bệnh nhân theo dõi và duy trì sức khỏe, hoạt động như
một người hỗ trợ và giáo dục những nhân viên khác. Ngoài ra, các điều phối viên này
cũng là cầu nối giữa tuyến tỉnh, thành, quận, huyện và xã, phường. Phân tích này cho
thấy các bác sĩ được chọn làm điều phối viên HIV không được đào tạo bài bản cho công

101
việc này, vì vậy họ thường hay hiểu lầm nhiệm vụ này. Hơn nữa, các lãnh đạo bệnh viện
nói rằng không có thêm nguồn lực nào cho nhiệm vụ điều phối này.

Chăm sóc liên tục cho bệnh nhân giữa các tuyến

Kết quả cho thấy là các chăm sóc liên tục cho người nhiễm giữa các tuyến trong hệ
thống rất hạn chế do quản lý việc chuyển viện kém. Có rất ít các quy trình và nguyên
tắc quản lý người nhiễm về mặt lâm sàng được ban hành. Khi thảo luận với điều phối
viên HIV, nhóm tư vấn phát hiện ra là chưa có hướng dẫn chuyển viện và xuất viện nào
được ban hành. Điều này làm cho thông tin về người bệnh không nhất quán ở các tuyến
y tế. Ngoài ra, mặc dù điều phối viên HIV được mong đợi là sẽ duy trì mối liên kết với
bệnh nhân sau khi xuất viện nhưng sự liên kết đó rất không thường xuyên và không hệ
thống.

Kiểm soát nhiễm khuẩn

Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là một vấn đề quan trọng. Rõ ràng nhân viên y tế có
nhu cầu tự bảo vệ bản thân (quan trọng hơn nữa khi điều trị bệnh nhân nhiễm) và dự
phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ví dụ các hành vi nguy cơ cao như rác thải y tế
và không phải y tế bỏ chung trong thùng rác của bệnh viện, đậy lại bơm tiêm sau khi sử
dụng và bỏ chung thùng rác đựng những vật sắc nhọn khác, giặt đồ vải bị nhiễm khuẩn,
không có hệ thống giám sát bị kiêm đâm và không có quy trình quản lý nhân viên bị
kiêm đâm.

3.2. HIV/AIDS trong cộng đồng

Nhóm nguy cơ cao

Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV là những người tiêm chích ma túy, bạn tình
và con cái họ. Trong cuộc gặp với những người tiêm chích ma túy, nhóm tư vấn thấy
rằng có sự thiếu hiểu biết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách tự bảo vệ
bản thân và người khác. Những người nghiện tránh dùng các cơ sở y tế hợp pháp cho
tới khi bệnh họ trở nặng do không có tiền và sợ bị kỳ thị. Thay vào đó họ đến gặp lang
băm và mụ vườn.

Vấn đề của những người nhiễm HIV/AIDS với gia đình/người chăm sóc

102
Các thảo luận nhóm trọng tâm cho thấy có rất nhiều rào cản đối với người nhiễm
trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ như dấu chỉ bêu xấu, phân biệt, thiếu
các điều trị tin cậy, điều trị thiếu và không phù hợp.

Người nhiễm thường là người nghèo vì họ thường thất nghiệp (có thể mất việc do
bệnh hoặc do nhiễm) hoặc gia đình, bạn bè xa lánh. Hành vi bạo lực, phủ nhận và tự tử
là những phản ứng phổ biến ở những người này khi được thông báo kết quả dương tính.
Để tránh các đối đầu bạo lực, nhân viên y tế không nên nói kết quả trực tiếp với bệnh
nhân. Thay vào đó họ nói cho gia đình bệnh nhân, cách này vô tình làm cho vấn đề trở
nên phức tạp hơn và quy phạm quyền riêng tư của người bệnh.

Cộng đồng với việc chăm sóc và hỗ trợ

Bộ y tế đã và đang hỗ trợ cho nhóm bạn giúp bạn gồm những người nhiễm. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy chủ yếu là các hỗ trợ về mặt tinh thần và tham vấn, còn các hỗ
trợ về vật chất thì rất hạn chế như bơm tiêm, tiếp cận bệnh viện và thuốc cho bệnh nhân
không thể chi trả cho chăm sóc y tế hay thực phẩm. Mục tiêu chính của nhóm là cung
cấp tài liệu truyền thông và hỗ trợ về mặt xã hội cho bệnh nhân và gia đình.

Các tài liệu truyền thông được ủy ban quốc gia phòng chống AIDS cung cấp, phù
hợp về văn hóa và được trình rõ ràng nhưng không có chương trình giáo dục cộng đồng
nào để bổ sung cho các tài liệu truyền thông này.

3.3. Đề xuất

Từ kết quả trên, nhóm tư vấn có một số đề xuất sau:

+ Cần tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên cho các nhân viên y tế ở mọi tuyến
trong hệ thống y tế về các vấn đề cơ bản của HIV nhằm nâng cao chất lượng phục
vụ người nhiễm. Tham vấn là một vấn đề rất quan trọng trong việc chăm sóc và
hỗ trợ người nhiễm. Tham vấn không chỉ giúp cho các cá nhân mà còn giúp gia
đình họ đương đầu với căn bệnh.

+ Các điều phối viên HIV cần được hỗ trợ tốt hơn để nâng cao chất lượng phục vụ
bệnh nhân và đẩy mạnh chăm sóc liên tục thông qua mạng lưới hiện tại. Cải thiện
kế hoạch chuyển viện và ra viện tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển mối
liên kết giữa các tuyến y tế.

103
+ Các bản thảo và hướng dẫn cần được xây dựng và thực hiện để cung cấp các dịch
vụ thích hợp nhất ở mọi tuyến y tế.

+ An toàn nơi làm việc cho nhân viên y tế cần được cải tiến bằng cách thực hiện
quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp.

4. Dự án can thiệp

Mục đích, đầu ra và hoạt động của dự án dựa trên workshop và thảo luận với các
nhân viên của bệnh viện quận, huyện, thành phố, ủy ban quốc gia phòng chống AIDS
của Bộ y tế, các cơ sở y tế của nhà nước, các NGO và các tổ chức cộng đồng.

Mục đích: Cải thiện hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV

TT Đầu ra Các hoạt động đề xuất

1. Nâng cao năng lực lâm sàng và tham Đào tạo các kỹ năng nền về HIV bao gồm
vấn của nhân viên y tế trong việc chăm chi tiết về tham vấn trước và sau xét nghiệm
sóc người nhiễm HIV

2. Nâng cao năng lực điều phối viên HIV Xây dựng chương trình huấn luyện thích
nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ hợp cho điều phối viên HIV bao gồm cung
thích hợp cho nhóm mục tiêu và hỗ trợ cấp các kỹ năng giảng dạy.
công tác truyền thông của nhân viên y Làm rõ vai trò của điều phối viên và cung
tế cấp các hỗ trợ pháp lý thích hợp

3. Phát triển khả năng tổ chức của các cơ Quy trình xuất, chuyển viện cho người
sở y tế để xây dựng và thực hiện các nhiễm
chiến lược nâng cao chất lượng chăm Thiết lập liên kết giữa các điều phối viên,
sóc người nhiễm các nhân viên y tế khác và người nhiễm

Xây dựng guidelines điều phối dòng thông


tin giữa các tuyến y tế

Thực hiện guidelines để điều phối dòng


thông tin giữa các tuyến y tế

4. Nâng cao năng lực của các cơ sở để Tiến hành kiểm tra và giám sát nhiễm
xây dựng và thực hiện chiến lược bảo khuẩn bệnh viện

104
Mục đích: Cải thiện hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV

TT Đầu ra Các hoạt động đề xuất

vệ nhân viên y tế và kiểm soát nhiễm Xác định các chiến lược dự phòng các nguy
khuẩn cơ bằng nguồn lực hiện có

Đào tạo nhân viên y tế trong kiểm soát


nhiễm khuẩn (lây nhiễm HIV ở cơ sở y tế)

5. Quản lý và thực hiện dự án một cách Quản lý quy trình thực hiện, giám sát và
hiệu quả và hiệu lực báo cáo

Tư vấn kỹ thuật để làm việc với đối tác


nhằm lập kế hoạch, thực hiện và xem lại các
hoạt động

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Các anh, chị hãy xây dựng các câu hỏi lượng giá cho chương trình can thiệp.
2. Dựa trên các câu hỏi đó, các anh, chị hãy xây dựng các chỉ số lượng giá.

TT Đầu ra Các hoạt động Câu hỏi lượng Chỉ số ngắn Chỉ số dài hạn
đề xuất giá hạn

1. Nâng cao năng Đào tạo các kỹ


lực lâm sàng năng nền về
và tham vấn HIV bao gồm
của nhân viên chi tiết về tham
y tế trong việc vấn trước và
chăm sóc sau xét nghiệm
người nhiễm
HIV

2. Nâng cao năng Xây dựng


lực điều phối chương trình
viên HIV huấn luyện

105
TT Đầu ra Các hoạt động Câu hỏi lượng Chỉ số ngắn Chỉ số dài hạn
đề xuất giá hạn

nhằm cung cấp thích hợp cho


thông tin và điều phối viên
dịch vụ thích HIV bao gồm
hợp cho nhóm cung cấp các
mục tiêu và hỗ kỹ năng giảng
trợ công tác dạy.
truyền thông Làm rõ vai trò
của nhân viên của điều phối
y tế viên và cung
cấp các hỗ trợ
pháp lý thích
hợp

3. Phát triển khả Quy trình xuất,


năng tổ chức chuyển viện
của các cơ sở y cho người
tế để xây dựng nhiễm
và thực hiện Thiết lập liên
các chiến lược kết giữa các
nâng cao chất điều phối viên,
lượng chăm các nhân viên y
sóc người tế khác và
nhiễm người nhiễm

Xây dựng
guidelines điều
phối dòng
thông tin giữa
các tuyến y tế

106
TT Đầu ra Các hoạt động Câu hỏi lượng Chỉ số ngắn Chỉ số dài hạn
đề xuất giá hạn

Thực hiện
guidelines để
điều phối dòng
thông tin giữa
các tuyến y tế

4. Nâng cao năng Tiến hành


lực của các cơ kiểm tra và
sở để xây dựng giám sát nhiễm
và thực hiện khuẩn bệnh
chiến lược bảo viện
vệ nhân viên y Xác định các
tế và kiểm soát chiến lược dự
nhiễm khuẩn phòng các
nguy cơ bằng
nguồn lực hiện

Đào tạo nhân


viên y tế trong
kiểm soát
nhiễm khuẩn
(lây nhiễm
HIV ở cơ sở y
tế)

5. Quản lý và Quản lý quy


thực hiện dự án trình thực hiện,
một cách hiệu giám sát và báo
quả và hiệu lực cáo

107
TT Đầu ra Các hoạt động Câu hỏi lượng Chỉ số ngắn Chỉ số dài hạn
đề xuất giá hạn

Tư vấn kỹ
thuật để làm
việc với đối tác
nhằm lập kế
hoạch, thực
hiện và xem lại
các hoạt động

Ví dụ

Mục đích: Cải thiện hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV

TT Các hoạt động đề Câu hỏi Chỉ số ngắn hạn Chỉ số dài hạn
xuất

1. Đào tạo các kỹ Các khóa đào tạo Số nhân viên hoàn Chương trình đào
năng nền về HIV có được thực hiện thành khóa học tạo hiệu quả được
bao gồm chi tiết về không? Bao nhiêu Số nhân viên có xây dựng
tham vấn trước và nhân viên tham khả năng cung cấp Số nhân viên sử
sau xét nghiệm gia? chăm sóc thích hợp dụng kỹ năng học
Có bằng chứng nào bao gồm cả tham được để cung cấp
cho thấy kiến thức, vấn dịch vụ
thái độ, kỹ năng Số nhân viên cho Số nhân viên nhận
được cải thiện? rằng khóa học là có ra khả năng của họ
Nhận thức của giá trị và tiêu chuẩn của
nhân viên về
Số bệnh nhân hài dịch vụ và cố gắng
những người
lòng với dịch vụ cải thiện
nhiễm HIV? Bệnh
tăng thêm
nhân cảm thấy thế

108
nào về cách cư xử
của nhân viên y tế?

Nhân viên y tế thay


đổi hành vi do kết
quả của đào tạo?
Nhân viên tự tin
hơn khi tham vấn?
Thông tin về bệnh
nhân có được bảo
mật hơn không?

2. Xây dựng chương Vấn đề nào sẽ được Điều phối viên Điều phối viên có
trình huấn luyện đào tạo? Điều phối cung cấp thông tin cấu trúc quản lý.
thích hợp cho điều viên có thấy vấn đề và dịch vụ thích Vai trò, nhiệm vụ
phối viên HIV bao đó liên quan tới hợp cho nhóm mục và quy trình phối
gồm cung cấp các nhu cầu của họ tiêu hợp rõ ràng cho các
kỹ năng giảng dạy. không? Bằng Điều phối viên tổ hoạt động, kế

Làm rõ vai trò của chứng nào cho thấy chức các lớp đào hoạch hàng năm và
điều phối viên và kiến thức, thái độ, tạo cho nhân viên y nhu cầu nguồn lực
cung cấp các hỗ trợ kỹ năng của họ tế (bao gồm lập kế Điều phối viên sử
pháp lý thích hợp được cải thiện? hoạch, thực hiện và dụng kết quả lượng
Chức năng của lượng giá chương giá sau khóa học để
điều phối viên có trình) nâng cao các khóa
thay đổi không? học và phương
Nhóm mục tiêu hài pháp giảng dạy.
lòng đến mức nào
về sự liên hệ của
điều phối viên?

3. Quy trình xuất, Quy trình xuất viện Số bệnh nhân được Các cơ sở y tế có
chuyển viện cho và chuyển viện có tham vấn và chăm khả năng đào tạo
người nhiễm sóc y tế tăng thêm nhân viên và các tổ

109
Thiết lập liên kết được thử nghiệm nhờ vào cải thiện chức cộng đồng về
giữa các điều phối không? phương pháp quản chăm sóc tại nhà và
viên, các nhân viên Cách quản lý người lý tại cộng đồng
y tế khác và người nhiễm có bị quy Số bệnh nhân ra Các cơ sở y tế có
nhiễm trình chuyển, xuất viện được theo dõi nguồn lực,
Xây dựng viện mới này ảnh Số bệnh nhân, gia guidelines, và hỗ
guidelines điều hưởng? đình và người trợ để tiến hành
phối dòng thông tin Chiến lược nào chăm sóc tiếp cận điều tra nhằm đo
giữa các tuyến y tế được phát triển và với nhóm hỗ trợ lường chất lượng

Thực hiện thực hiện? Tác cộng đồng của dịch vụ được

guidelines để điều động lênchất Số guidelines và cung cấp cho người


phối dòng thông tin lượng của thông tin quy trình được xây nhiễm
giữa các tuyến y tế giữa các tuyến y dựng và thực hiện Số nhà quản lý sử
tế? Các chiến lược dụng kết quả điều
này cải thiện chăm tra để xác định và
sóc liên tục như thế giải quyết các vấn
nào? đề tồn tại

Sự liên kết có được


hình thành giữa các
điều phối viên, các
nhân viên y tế và
người nhiễm
không?

Mối liên kết này


cải thiện các hỗ trợ
cho bệnh nhân, gia
đình và người
chăm sóc như thế
nào?

110
Các cơ sở có hệ
thống duy trì mối
liên hệ giữa các
nhóm không?

Khả năng chăm sóc


sức khỏe của các
cơ sở thay đổi thế
nào nhờ dự án?

Quy trình quản lý


HIV ở các tuyến y
tế có thay đổi
không?

4. Tiến hành kiểm tra Có quy trình kiểm Số workshop về Nguyên tắc kiểm
và giám sát nhiễm soát nhiễm khuẩn kiểm soát nhiễm soát nhiễm khuẩn
khuẩn bệnh viện không? khuẩn được tổ được thực hiện dựa

Xác định các chiến Có chương trình chức cho các nhân trên guidelines của
lược dự phòng các đào tạo cho nhân viên quốc gia

nguy cơ bằng viên y tế về quy Số nhân viên cho Giảm số lượng các
nguồn lực hiện có trình mới không? rằng các workshop báo cáo tiêu cực

Đào tạo nhân viên Có đủ nguồn lực để này là có giá trị và


y tế trong kiểm soát tiến hành quy trình chấp nhận sự thay
nhiễm khuẩn (lây mới không? đổi để loại bỏ quy

nhiễm HIV ở cơ sở Khả năng tổ chức trình quản lý không


y tế) thích hợp
của các cơ sở y tế
có thay đổi nhờ vào Số quy trình quản
dự án không? lý được cải thiện

Cái gì tác động đến Số quy trình kiểm


các chiến lược an soát nhiễm khuẩn
toàn và kiểm soát được xây dựng

111
nhiễm khuẩn của
nhân viên y tế?

5. Quản lý quy trình Tác động của quy Các đối tác chính Ủy ban quốc gia
thực hiện, giám sát trình quản lý dự án tham gia và hỗ trợ phòng chống AIDS
và báo cáo lên tiến độ thực các buổi họp của và các cơ quan liên

Cố vấn kỹ thuật để hiện dự án? Chất điều phối viên dự quan có khả năng
làm việc với đối tác lượng của các báo án điều phối việc lập

nhằm lập kế hoạch, cáo? Hệ thống Các đối tác liên kế hoạch, quản lý,
thực hiện và xem giám sát được phát quan tới quản lý dự giám sát và lượng
lại các hoạt động triển ra sao? Độ án, lập kế hoạch và giá chương trình
liên kết của nhóm? giám sát HIV

Các cố vấn kỹ thuật Số hệ thống cho


đến địa phương việc lập kế hoạch,
bao lâu một lần? báo cáo và quản lý
Trong bao lâu? Các nhân sự làm hài
cố vấn có tin cậy và lòng những mạnh
chuyên nghiệp? Cố thường quân và đối
vấn và các đối tác tác
có các trao đổi
mang tính xây
dựng và thích đáng
không?

Dự án có tác động
gì lên các đối tác?

3. Dựa trên câu hỏi/ chỉ số lượng giá, các anh/chị hãy phát triển thiết kế lượng giá, các
bên liên quan, phương pháp và công cụ thu thập dữ liệu lượng giá phù hợp.

112
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hướng dẫn: Để đạt được mục tiêu của bài này, học viên cần xem lại nội dung của tất
cả các bài trước và tham khảo thêm các tài liệu sau đây:

1. Wayne G, Nguyen Thi Vinh. Evaluation of the UN Joint Programme on HIV Viet
Nam. UNAIDS Evaluation Office; 2021.

2. Lei Z, Lisa M, Pham Duy Quang, Higgs P, Ngo Duc Anh, Bui Hoang Duc, et al.
Evaluation of a decade of DFID and World Bank supported HIV and AIDS programmes
in Vietnam from 2003 to 2012 The University of New South Wales; 2012.

113
CHỈ MỤC

B Giá trị của nghiên cứu, 56


Bán thực nghiệm, 59 H
Bên liên quan, 3, 4, 5, 18, 30, 35, 42, 43, 44, Hiệu ứng công cụ, 57
46, 48, 53, 68, 69, 79 Hiệu ứng Hawthorne, 60
C Hiệu ứng nhạy cảm, 57
Câu hỏi lượng giá, 49, 50, 68, 69, 103 Hiệu ứng sự kiện, 56
Chỉ số lượng giá, 54, 71, 74, 76 Hiệu ứng tuổi, 57
Chỉ số đầu ra, 74, 81 Hiệu ứng thử nghiệm, 57
Chỉ số đầu vào, 74 K
Chỉ số quá trình, 74 Kỹ thuật Delphi, 23
Chỉ số sức khỏe, 10, 16, 71 Khung lượng giá, 3, 7, 41, 51
Đ Khung lượng giá RE-AIM, 4, 51
Lượng giá ban đầu, 1, 11 Khung lượng giá theo CDC, 3, 4, 6, 41
Lượng giá kết thúc, 1, 11 Khung lượng giá theo Hawe và cộng sự, 3,
Lượng giá kinh tế, 12 6
Đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe, 21, Khung lượng giá theo Nutbeam và Bauman,
22, 26, 92 3, 6
Đánh giá nhu cầu sức khỏe, 17, 21 Khung PRECEDE–PROCEED, 3, 7, 8, 10
Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng, 18, L
20, 21, 32 Lựa chọn ưu tiên, 23, 24
Đánh giá nhu cầu sức khỏe cộng đồng theo M
WHO, 26, 32, 33 Mẫu cắt ngang, 57, 58
Đánh giá nhu cầu sức khỏe theo Altschuld Mẫu đoàn hệ, 57, 58
và Kumar, 26, 31 N
Đánh giá nhu cầu sức khỏe theo sue Nghiên cứu định lượng, 11
cavanagh and Keith Chadwick, 26 Nghiên cứu định tính, 11
L Nhu cầu biểu lộ, 18
Lượng giá quá trình, 1, 10, 11 Nhu cầu chăm sóc y tế, 20
Lượng giá sau can thiệp, 61 Nhu cầu so sánh, 19
Lượng giá trước sau can thiệp với nhóm Nhu cầu sức khỏe, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22,
chứng và nhóm can thiệp chứng sau 23, 25, 26, 27, 29, 32, 34, 93, 94, 95
chương trình, 64, 87 Nhu cầu tiêu chuẩn, 18
Lượng giá trước và sau can thiệp, 61 P
Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm Phương pháp Hanlon, 24
chứng, 62, 63 S
Lượng giá trước và sau can thiệp với nhóm Sự lây nhiễm, 60, 61
chứng sau can thiệp, 62 T
G Thiết kế Solomon, 64, 65
Giá trị bên ngoài, 1, 56, 58 Thực nghiệm, 58, 60, 65, 73
Giá trị bên trong, 56

114

You might also like