Những Ngôi Sao Xa Xôi

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 14

I.

Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Lê Minh Khuê

– Tên thật: Lê Minh Khuê

– Sinh năm 1949

– Quê quán: huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

– Lê Minh Khuê là một trong số ít các nhà văn đương đại Việt Nam có tác phẩm
được đưa vào chương trình sách giáo khoa để giảng dạy

Sự nghiệp sáng tác của Lê Minh Khuê chuyển biến rõ nét qua hai giai đoạn:

– Trước năm 1975, bà tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ.
Năm 1969, bà bắt đầu sự nghiệp viết văn và có những tác phẩm đầu tiên. Đề tài
chính trong các sáng tác của bà trong thời kỳ này tập trung tái hiện đời sống chiến
tranh, tinh thần máu lửa, lạc quan của những con người trẻ tuổi ở tuyến đường
Trường Sơn. Họ là những con người tham gia cuộc chiến tranh với tất cả sức mạnh
của lí tưởng cách mạng, tự nguyện dấn thân vì độc lập dân tộc

– Sau năm 1984, sáng tác của bà mới thực sự có sự chuyển biến vì đất nước đã hết
chiến tranh, con người có sự thay đổi. Vì vậy, đề tài và cảm hứng sáng tác của Lê
Minh Khuê lúc này chuyển sang phản ánh đời sống xã hội, con người trên tinh thần
đổi mới. Các sáng tác của bà trong thời gian này thường xuất hiện kiểu nhân vật cô
đơn, tha hóa, nghịch dị.

Lê Minh Khuê là nhà văn nữ xuất sắc khi hai lần đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt
Nam, với tập truyện ngắn “Một chiều xa thành phố” (1987) và tập truyện “Trong
làn gió heo may” (2000).
Phong cách sáng tác của Lê Minh Khuê:

Truyện ngắn của Lê Minh Khuê luôn thể hiện một ngòi bút dung dị, nữ tính và
mang dấu ấn rất riêng. Đó là một giọng điệu đa sắc thái, phản ánh cuộc sống đương
thời: Khi thì tự hào, ngợi ca, khi lại châm biếm, lúc lại lãng mạn, trữ tình, suy tư.

Những tác phẩm của Lê Minh Khuê không chỉ giúp người đọc khám phá một thế
giới nghệ thuật phong phú, đặc sắc mà còn thấy được chính mình ở đâu đó trong
chính những chi tiết nhỏ mà nhà văn dày công sáng tạo nên. Bà luôn đặt con người
trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó phát hiện ra những điều thầm kín trong
tâm hồn con người. Sau đó hướng độc giả đến những giá trị ý nghĩa hơn trong cuộc
sống.

2. Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

a. Hoàn cảnh sáng tác Những ngôi sao xa xôi

– Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” được sáng tác năm 1971, trong giai đoạn
cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng khốc liệt. Khi đó, nhà văn Lê Minh
Khuê tham gia với vai trò thanh niên xung phong, hoạt động trên tuyến đường
Trường Sơn.

Trong cuộc kháng chiến, hàng chục ngàn nam nữ thanh niên xung phong đã tình
nguyện tham gia mở đường Trường Sơn, làm cầu, phá bom, vận chuyển lương
thực, vũ khí ra chiến trường.. Trong văn học kháng chiến, từng có rất nhiều tác
phẩm ra đời lấy cảm hứng về tuổi trẻ thời chống Mỹ, và nhà văn Lê Minh Khuê
cũng góp vào vườn hoa đó một bông hoa ngát hương với tác phẩm mà chỉ vừa
nghe cái tên đã thấy rực sáng một bầu trời: “Những ngôi sao xa xôi”

b. Ý nghĩa nhan đề Những ngôi sao xa xôi


Nhan đề “Những ngôi sao xa xôi” mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc:

– “Những ngôi sao” trong lớp nghĩa cụ thể chính là những hình dung, tưởng tượng
của Phương Định khi nhìn về những ngọn đèn trên quảng trường thành phố. Dưới
góc nhìn của cô, những ngọn đèn đó hiện ra lung linh như những vì sao trong
những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về xứ sở thần tiên hòa cùng cảm xúc
bên trong của nhân vật.

– “Những ngôi sao” còn mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là thứ ánh sáng dịu dàng, le
lói, ánh sáng ấy không rực rỡ mà chỉ ẩn hiện xa xôi. Vẻ đẹp tiềm ẩn ấy đòi hỏi con
người phải khám phá, kiếm tìm mới phát hiện được sức hút mê hoặc lòng người
của nó

– “Những ngôi sao” là hình ảnh tượng trưng độc đáo cho vẻ đẹp hồn nhiên, trong
sáng, mơ mộng và phẩm chất cách mạng cao đẹp của những thiếu nữ Hà Thành trẻ
trung, xinh đẹp, dũng cảm

– “Những ngôi ѕao” ẩn dụ cho biểu tượng ngôi ѕao trên trên mũ những người ᴄhiến
ѕĩ. Chiếc mũ gắn sao vàng là biểu tượng về lòng quả cảm của người lính cụ Hồ, là
lòng yêu nước vượt lên trên tất cả khó khăn thử thách nơi chiến trường.

– “Những ngôi sao xa xôi” đồng thời cũng là ước mơ, khát vọng của nhân vật về
một cuộc sống hòa bình. Giữa nơi chiến trường mưa bom đạn lạc, hòa bình trong
mắt Phương Định dường như trở nên xa xôi hơn bao giờ hết, khoảng cách ấy xa
như những vì sao trên trời

– “Những ngôi sao” mang ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho vẻ đẹp sáng ngời
của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tâm hồn của những nữ thanh niên trẻ, sẵn
sàng hy sinh thanh xuân để tình nguyện tham gia chiến đấu trên tuyến đường
Trường Sơn. Trong sự tàn khốc của chiến tranh, tâm hồn họ vẫn ánh lên những
phẩm chất tốt đẹp, sự lạc quan, yêu đời và lòng dũng cảm, kiên cường
▶ Nhan đề “Những ngôi sao xa xôi” là nhan đề giàu chất lãng mạn, mang nét đặc
trưng của tác giả cũng như văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ

c. Phân tích tác dụng của ngôi kể

– Truyện kể theo ngôi thứ nhất, dưới góc nhìn của nhân vật chính – Phương Định
đã tạo ra một điểm nhìn chân thực, giúp tái hiện lại hiện thực khốc liệt của cuộc
chiến tranh.

– Nhờ việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất, truyện đã khai thác tốt vẻ đẹp bên trong của
con người giữa sự tàn khốc của chiến tranh. Đồng thời giúp khắc họa rõ thế giới
nội tâm, cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của các nữ thanh niên xung phong.

– Lựa chọn cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất có tác dụng hiệu quả trong việc tạo ra
sự gần gũi, thân mật giữa người kể và người đọc, từ đó giúp nội dung được truyền
tải hơn.

II. Tóm tắt bài Những ngôi sao xa xôi

“Những ngôi sao xa xôi” là câu chuyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô thanh
niên xung phong thực hiện công việc trinh sát mặt đường. Công việc hàng ngày
của ba chị em Phương Định, Nho, Thao là quan sát địch ném bom, san lấp hố bom
để đảm bảo cho những chuyến xe vào chiến trường miền Nam được an toàn. Đây
là một công việc vô cùng nguy hiểm, họ luôn phải chuẩn bị tâm thế đối mặt nguy
hiểm và cái chết cận kề, song cuộc sống của 3 chị em dường như chưa bao giờ mất
đi niềm vui.
Và không may trong một lần phá bom, Nho đã bị thương nặng, chị Thao và
Phương Định đã rất lo lắng, hết lòng túc trực ngày đêm để chăm sóc bên cạnh Nho.
Lúc này, bỗng nhiên một cơn mưa đá vụt đến, rồi cũng nhanh chóng đi qua. Cơn
mưa đá đã gợi lên trong lòng ba cô gái không chỉ là sự tiếc nuối mà còn là bao nỗi
niềm hoài niệm, khát khao. Nhất là Phương Định, trong lòng cô bỗng xuất hiện bao
hoài niệm và khát khao về một tương lai mới.

III. Phân tích bài Những ngôi sao xa xôi

1. Phân tích nhân vật Phương Định

a. Phương Định mang vẻ đẹp phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ thanh niên
xung phong

– Nhiệm vụ của Phương Định vô cùng vất vả và nguy hiểm, thậm chỉ phải đối diện
với cái chết thường xuyên. Do thuộc tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường
Trường Sơn; công việc của cô mỗi khi bom nổ là chạy lên, đo khối lượng đất để
lấp vào hố bom và phá bom nếu nó chưa nổ. Mục đích của công việc là nhằm đảm
bảo các chuyến xe vận chuyển lương thực và vũ khí vào chiến trường miền Nam
được an toàn.

– Trong Phương Định không chỉ có lòng quả cảm, sự kiên cường mà còn ẩn chứa
lòng yêu nước nồng nàn: Suốt ba năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn,
không biết bao nhiêu lần phá bom, đào lấp hố bom nhưng Phương Định vẫn không
thể quên cảm giác những lần cái chết cận kề ấy. Tuy rằng sự căng thẳng khiến đầu
óc cô “căng như chão” và “tim đập bất chấp cả nhịp điệu” nhưng chưa bao giờ
Phương Định từ chối nhiệm vụ hay sợ hãi rút lui. Nhiệm vụ nào cũng được cô
hoàn thành tốt
Phẩm chất anh hùng của Phương Định hiện lên rõ nét qua một lần thử thách phá
bom nổ chậm:

– Cô là người có tinh thần trách nhiệm cao, sống hết mình vì công việc: trong lần
phá bom đó, cô đã từng nghĩ tới cái chết. Nhưng đó là “một cái chết mờ nhạt,
không cụ thể”. Trong đầu cô hiện lên vô vàn câu hỏi “liệu mìn có nổ, bom có nổ
không?” hay “làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”. Chính những câu hỏi này
cho thấy Phương Định có sự quan tâm đến công việc phá bom nhiều hơn cái chết
của chính cô. Cái chết thì “mờ nhạt” nhưng những mối lo về “phá bom” lại hiện
lên vô cùng rõ ràng.

– Ở Phương Định toát lên sự tự tin, bình tĩnh vượt lên trên cả nỗi sợ hãi bên trong:
Khi đến gần quả bom, cô sợ nhưng nhất quyết không cúi khom mà tự tin đi thẳng
người như một sự thách thức. Bom đạn là của địch và cúi đầu trước những trái bom
với cô chính là biểu hiện của sự hèn nhát trước kẻ thù. Với tinh thần của một người
chiến sĩ, người lính, công việc của cô là một niềm tự hào, góp phần vào chiến dịch
chung của toàn dân tộc. Đó chính là lý do cô chọn tự tin đối diện với thách thức
thay vì sợ hãi trước nó.

– Phương Định là một cô gái dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng đối đầu với những nguy
hiểm: trong lúc đào bom, thỉnh thoảng lưỡi xẻng của cô đã chạm vào quả bom, tạo
ra một tiếng động sắc đến gai người. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô biết đâu là việc
cần làm, đâu là thứ cô cần tập trung hoàn thành. Đó không phải là sợ hãi mà là làm
sao để phá được bom nhanh nhất, chính xác nhất, để những con đường an toàn cho
những chuyến xe đi qua.

▶ Hình ảnh nhân vật Phương Định là biểu tượng cho vẻ đẹp nữ anh hùng quả cảm,
đại diện cho ý chí kiên cường của thế hệ thanh niên xung phong thời kỳ kháng
chiến chống Mỹ
b. Phương Định là một cô gái hồn nhiên, có tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm

Tưởng như bom đạn chiến tranh sẽ làm cho tâm hồn và cảm xúc của những cô gái
thanh niên xung phong trở nên chai sạn, thô cứng. Tuy nhiên qua hình ảnh
Phương Định, ta vẫn thấy hiện lên nét đẹp trẻ trung và đầy nữ tính của một cô gái
Hà Thành:

– Cô quan tâm tới ngoại hình của mình: Luôn dành thời gian chăm chút cho ngoại
hình và rất yêu thích đôi mắt của mình – một đôi mắt được các anh lính nhận xét là
“có cái nhìn sao mà xa xăm”

– Cô nhận thức được đâu là nét đặc trưng của mình và rất tự hào về nó: Phương
Định nhận xét mình có một cái cổ cao kiêu hãnh như “đài hoa loa kèn”. Thậm chí
cô còn tự đánh giá bản thân mình là một cô gái khá khi được rất nhiều anh bộ đội
để ý, viết thư hỏi thăm.

– Cũng như bao cô gái tuổi mới lớn khác, cô thích làm duyên và đắm chìm trong
những suy tư của chính mình: cô thích tự ngắm mình trong gương và làm điệu
trước các anh bộ đội, những người được coi là đẹp nhất khi đội trên đầu chiếc mũ
có gắn sao

Phương Định là một cô gái hồn nhiên, yêu đời và có một tâm hồn đầy mộng mơ:

– Những lúc không làm nhiệm vụ, Phương Định thường hát để quên đi những cực
nhọc và thêm yêu đời: Cô thích hát, chẳng cần thuộc lời, cứ nhớ một điệu nhạc nào
đó là cô lại bịa lời để ngân nga. Tuy có ý chí kiên cường và dũng cảm nơi chiến
trường, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn cô vẫn là một cô gái mộng mơ với đầy khát
khao, hoài bão phía trước.

– Sự hồn nhiên của Phương Định còn thể hiện qua cảm giác thích thú “cuống
cuồng” trước một cơn mưa đá xảy ra chóng vánh giữa rừng.

– Trong cơn mưa đá bất chợt ấy, những kỷ niệm xa xôi bỗng ùa về trong tâm trí cô:
nào là những căn nhà nhỏ ở quảng trường thành phố; những khung cửa sổ, những
ngôi sao lấp lánh trên bầu trời Hà Nội,… Đó không chỉ là những kỉ niệm gắn với
tuổi thơ cô mà còn góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng, sưởi ấm tâm hồn
cô, giúp cô trải qua cuộc chiến gian khổ và khốc liệt

▶ Phương Định tham gia chiến trường ba năm, phải đối mặt với khó khăn gian
khổ thường xuyên nhưng thế giới tâm hồn vẫn được cô giữ vẹn nguyên không đổi.
Đó chính là biểu hiện rõ ràng cho sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ xuất thân Hà
Thành.

c. Phương Định đề cao tình đồng chí, sẵn sàng giúp đỡ đồng đội những lúc khó
khăn

– Cô luôn quan tâm, lo lắng cho đồng đội trong những lúc thực hiện nhiệm vụ cùng
nhau: khi chị Thao và Nho ở trên cao điểm, còn Phương Định trong hang để trực
điện đài cô đã gắt với đội trưởng vì không thấy đồng đội trở về. Trong khi bản thân
không được phép rời vị trí nhưng vì quá sốt ruột, cô đã liều mình chạy ra ngoài để
xem đồng đội mình còn an toàn hay không. Hành động này của Phương Định đã
chứng minh được rằng, tuy là một người trách nhiệm với công việc nhưng cô cũng
rất linh hoạt, cô biết đâu là tình huống cần đặt sự quan tâm đồng đội lên trên. Thì
ra trên chiến trường, ngoài thuốc súng và bom đạn vẫn còn tồn tại một tình cảm
đẹp như tình đồng chí.

– Với những người nhỏ tuổi hơn mình, Phương Định dành sự yêu thương, chăm
sóc chu đáo cho đồng đội như đứa em nhỏ trong nhà: cô bóc kẹo cho Nho ăn; khi
Nho bị thương, cô bộc lộ sự lo lắng, tận tình chăm sóc cho Nho, động viên em cố
gắng vượt qua. Tuy không phải là người bị thương nhưng chính Phương Định cảm
thấy rất đau đớn khi biết người em của mình gặp nạn. Nhìn Nho, cô chỉ muốn bế
em trên tay.

– Với người lớn tuổi hơn mình là chị Thao, cô rất thấu hiểu những cảm xúc, tâm
trạng chị Thao cả trong lúc ra trận lẫn khi chứng kiến Nho bị thương. Phương Định
tôn trọng và coi chị như người chị cả trong gia đình. Cho dù có đôi lúc không hài
lòng với sự “bình tĩnh đến phát bực” của chị Thao nhưng cô vẫn nể phục sự quyết
đoán, mạnh mẽ của chị trong công việc

▶ Qua lời kể tự sự kết hợp cùng biểu cảm, miêu tả, Lê Minh Khuê đã thể hiện
thành công hình tượng nhân vật Phương Định. Đó là một thiếu nữ trẻ trung, mơ
mộng, cô sống giữa chiến tranh khốc liệt nhưng vẫn nuôi dưỡng trong mình một
trái tim giàu lòng yêu thương, tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Từ đó, Phương
Định xứng đáng trở thành hình mẫu lý tưởng khi nhắc đến những cô gái thanh niên
xung phong trong văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

d. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Phương Định


2. Phân tích nhân vật Thao

Chị Thao hay còn được biết đến là tổ trưởng tổ trinh sát mặt đường. Trong công
việc, chị thể hiện là một người điềm tĩnh, hết sức quyết đoán và táo bạo:

– Qua lời kể của Phương Định, trong những khoảnh khắc mà “thần kinh căng như
chão” còn tim thì đập liên hồi, chị Thao vẫn giữ được bình tĩnh đến phát sợ: Khi
sắp phải lên trên cao điểm để làm nhiệm vụ chị vẫn bóc bánh quy để ăn ngon lành,
mặc cho đồng đội lo lắng thay cho chị.

– Hoàn thành nhiệm vụ khó khăn trên chiến trận dữ dội, ác liệt, chị vẫn bình thản
như không.

– Khi làm việc, dưới vai trò là tổ trường, người chị cả, chị Thao luôn có những
mệnh lệnh quyết đoán: Khi có trận chiến, chị nhanh chóng phân công Phương Định
ở lại hang để trực điện đài, còn chị và Nho thì lên mặt đường làm nhiệm vụ. Lúc
chứng kiến Nho bị thương, tuy rất lo lắng đến mức mặt tái đi nhưng chị nhất định
không để cho mình khóc. Chị biết rằng giữa lúc gặp khó khăn, khóc lóc không giúp
mọi việc tốt hơn. Vậy nên thay vì để cảm xúc bộc phát, chị bình tĩnh tìm giải pháp
để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
Trái ngược với lúc làm việc, bên ngoài chị là một cô gái nữ tính, có tâm hồn nhạy
cảm và cực kì giàu tình cảm:

– Chị có một tâm hồn lãng mạn, yêu ca hát: Chị thích hát và rất hay hát mặc dù chị
hát không hay, giọng rất chua và thậm chí còn hát sai nhạc. Tình yêu ca hát thể
hiện qua việc chị Thao có đến ba quyển sổ dày chỉ để chép lời bài hát.

– Như bao cô gái khác trong độ tuổi đôi mươi, chị rất thích làm đẹp: lông mày của
chị lúc nào cũng được tỉa nhỏ như cái tăm; áo lót của chị thì cái nào cũng được
thêu chỉ màu điệu đà

– Điềm tĩnh trước chiến trường là thế nhưng chị Thao cũng có những nỗi sợ riêng:
chị rất sợ máu và sợ vắt. Nhìn thấy hai thứ đó là người chị mềm nhũn, khác xa hình
ảnh của chị lúc đào hố, phá bom

– Sự lo lắng, quan tâm cho những người đồng đội nhưng rất kín đáo: khi Nho bị
thương, mặt chị tái nhợt đi, mắt mờ trắng, chị cuống quýt quanh quẩn gần bên
chăm sóc cho Nho;….

▶ Trong nhân vật Thao ta thấy có sự kết hợp giữa hai nét tính cách đối lập. Một
bên là nhút nhát, mềm yếu, bên còn lại là bản lĩnh quyết đoán đến vô cùng. Sự đối
lập ấy đã giúp tác giả tạo ra chiều sâu tư tưởng cho nhân vật. Đồng thời đưa nhân
vật trở nên gần gũi, sống động hơn như hình ảnh một nữ anh hùng trong đời thật.

3. Phân tích nhân vật Nho

Nho là người ít tuổi nhất trong đội trinh sát mặt đường nên thường được các chị
yêu thương, chiều chuộng như một cô em út trong nhà. Tuy nhỏ bé nhưng trong
công việc, Nho hiện lên với tính cách can đảm, cứng rắn và mạnh mẽ:
– Nho có trách nhiệm cao trong công việc, chưa bao giờ để nỗi sợ lấn át nhiệm vụ
cần hoàn thành: cùng với các chị trong tổ trinh sát, Nho luôn dũng cảm đối mặt với
đạn bom để hoàn thành công việc.

– Nho là cô gái gan dạ, dũng cảm, với ý chí kiên cường đáng ngưỡng mộ trước
những khó khăn: Khi bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, áp lực của đạn bom đã
khiến cho cô xanh tái đi và dường như không thể thở, nhưng cô vẫn không hề kêu
rên một tiếng. Có lẽ cô đã dự đoán được những chấn thương và chấp nhận nó để
công việc được hoàn thành đúng kế hoạch.

Bên cạnh sự gan dạ, Nho cũng có những nét tính cách rất đáng yêu:

– Trong con mắt của Phương Định, cô bé Nho có cái cổ tròn, dáng vẻ nhỏ nhắn
xinh xắn, dễ thương. Mỗi lần đi tắm, Phương Định nhìn Nho yêu thương như muốn
bế trên tay một que kem trắng bé nhỏ

– Nho đúng như em gái nhỏ trong nhà, rất hay vòi vĩnh, làm nũng các chị, thậm chí
còn đòi ăn kẹo.

▶ Dẫu ít tuổi nhất trong tổ trinh sát mặt đường, song hình tượng nhân vật Nho đã
làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của nữ thanh niên xung phong và những nét cá tính
rất đặc trưng của em út, không thể lẫn với các chị.

4. Đặc điểm chung của cả ba nhân vật

– Họ có ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sự kiên định trong lý tưởng chiến đấu
của người chiến sĩ thanh niên xung phong:

– Họ đều có chung lí tưởng sống cao đẹp: sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hạnh
phúc cá nhân để đổi lấy độc lập dân tộc, đất nước hòa bình, thống nhất
– Họ sẵn sàng đối mặt với công việc nguy hiểm, cái chết cận kề

– Cả ba nhân vật đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc: Dù cho khối
lượng công việc lớn nhưng với các cô, thay vì gọi viện trợ, họ chọn cách cố gắng
hoàn thành một cách tốt nhất.

– Ba nhân vật được liên kết bởi một thứ tình cảm thiêng liêng, đó là tình đồng chí.
Và chính tình đồng đội bền chặt ấy đã giúp các cô có thêm động lực, cùng nhau
hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

IV. Sơ đồ tư duy phân tích tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

V. Tổng kết chung phân tích tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

1. Về nội dung
Qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”, nhà văn Lê Minh Khuê đã khắc họa
thành công hình ảnh những nữ thanh niên xung phong, hoạt động trên tuyến đường
Trường Sơn, trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Sự am hiểu cặn kẽ và cảm thông
sâu sắc của tác giả đối với đời sống của những cô gái đã tạo nên sức hấp dẫn và
điểm độc đáo cho câu chuyện. Hơn nữa còn giúp gợi lên cho người đọc hiểu được
phần nào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu
nước.

2. Về nghệ thuật

– Sử dụng thành công nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật.

– Ngôn ngữ trần thuật đem lại cảm giác chân thật, phù hợp với cốt truyện và tuyến
nhân vật.

– Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập giúp tái hiện chính xác không khí căng thẳng,
khốc liệt của chiến trường.

You might also like