Ngữ Văn - Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã đưa ra nhận định: "Thần thoại là hình thức sáng tác của con

người thời đại xa xưa, nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lý giải vũ trụ và chinh phục vũ trụ của
con người." Thật vậy, mỗi câu truyện thần thoại như là một bức tranh sáng tạo, bay bổng, mang các
yếu tố hoang đường kì ảo, được vẽ nên bởi các trí óc thời xưa, đan xen những thông điệp sâu sắc với
từng nét cọ. Khi nói đến nó, một tác phẩm mà ta không thể không nhắc đến chính là Nữ thần Mặt Trời
và Mặt Trăng – một thần thoại dân gian đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam không chỉ bởi tính
lôi cuốn và nghệ thuật độc đáo mà còn vì những bài học sâu sắc mà nó đem lại đến người đọc.
Truyện kể về hai cô con gái của Ngọc Hoàng – Cô Trời và Cô Trăng – được phân công đi
xem xét sự việc trên trần gian để báo lại cho nhà Trời. Mặt Trời đi trên kiệu có bốn người khiêng chia
làm tốp già và tốp trẻ, tốp già thì làm việc chăm chỉ, nghiêm túc nên cô về nhanh, nhưng tốp trẻ hay la
cà nên cô về muộn, từ đó giải thích hiện tượng ngày đêm dài ngắn theo mùa. Cô Trăng thì cũng nóng
nảy không khác gì chị mình, nên có lần đã bị một chàng ở hạ giới tên Quải ném cát túi bụi vào mặt vì
làm khổ người dân. Từ đó trở đi, cô trở nên dịu dàng, hiền lành hơn. Cả hai cô con gái đều có chồng
là một con gấu to khỏe mà hay ghen, nên mỗi lần xuống trần gian lại xảy ra hiện tượng nguyệt thực,
nhật thực.
Qua câu truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng, người xưa đã lí giải về nguồn gốc của hiện
tượng "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối", chu kỳ của mặt trăng,
hiện tượng nguyệt thực, nhật thực và sự ảnh hưởng đến mùa màng. Từ chi tiết con người kiện lên
Thượng giới và hành động chàng Quải ném cát vào Mặt Trăng, cũng như việc người dân đánh trống
để xua đuổi con Gấu, câu truyện đã thể hiện rõ khát vọng muốn chinh phục Mẹ Thiên nhiên của con
người, có quyền để đòi những gì mình đáng được hưởng thụ. Hơn nữa, truyện cũng thể hiện niềm
khao khát lí giải mọi hiện tượng tự nhiên, mưu cầu trí thức của người xưa. Nó cũng cho ta thấy trí óc
bay bổng, sáng tạo của người xưa.
Không chỉ về mặt nội dung, truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng còn ẩn chứa trong đó
nhiều ý nghĩa sâu sắc đang đợi người đọc. Đầu tiên, cách xây dựng nhân vật Ngọc Hoàng rất độc đáo.
Mặc dù được xem là một vị thần có thẩm quyền cao nhất, nhưng ông cũng vì chiều con mà ngăn cản
người vợ khỏi ý định lấy tro và bôi lên mặt Cô Trăng. Hơn nữa, như bao thần thoại sáng tạo khác,
không gian của truyện này rộng lớn, bao gồm cả thiên giới lẫn hạ giới – nơi mà hai chị em Trời Trăng
được giao nhiệm vụ xem xét. Tuy nhiên, hai cõi này đều được tác giả kết hợp lại mà không tách riêng
ra. Ngoài ra, xuyên suốt truyện này tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, tạo nên sự sinh động của
muôn loài cũng như làm nổi bật vai trò của Mặt Trời và Mặt Trăng trên trần gian. Từ hai điều trên, ta
có thể nhận ra được khoảng cách tưởng chừng xa giữa cõi thần linh và hạ giới lại càng trở nên gần
gũi, quen thuộc hơn.
Đặc biệt nhất trong truyện này có lẽ là cách tác giả sử dụng yếu tố kì ảo. Hai cô con gái trong
truyện đều sở hữu những sức mạnh phi thường mà cả nhân loài không ai làm được: Cả hai đều có khả
năng chiếu sáng cho trần gian và làm ảnh hưởng đến đời sống con người; Cô Trời thì tạo ra ban ngày,
cũng như điều khiển độ dài – ngắn của ngày và đêm; Cô Trăng thì tạo ra ban đêm, có thể giúp con
người đếm ngày chỉ bằng cách thay đổi vị trí của mình. Ngoài ra, hai chị em đều có chung chồng là
con gấu hay ghen, nên mỗi lần nó theo xuống hạ giới là xảy ra hiện tượng nguyệt thực hoặc nhật thực,
làm phá hoại mùa màng của người dân và cũng gây sự xao nhãng của hai nữ thần. Qua các chi tiết kì
ảo này, ta có thể thấy trí tưởng tượng sáng tạo, phong phú của các tác giả Việt thời xưa – trong mắt
họ, cả thế giới là một bức tranh khổng lồ mà họ có thể thỏa thích bay bổng, lí giải các hiện tượng hằng
ngày với các vị thần và yếu tố hoang đường để làm chúng trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với con
người, góp phần tạo nên sự hấp dẫn khó tả của truyện.
Tóm lại, câu truyện mang lại rất nhiều giá trị về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Qua hai nhân
vật Cô Trời, Cô Trăng và các sự kiện, tác phẩm đã phản ánh rõ ràng sự sáng tạo của các cây bút cổ,
tuy còn sơ khai về lối tư duy. Cốt truyện được xây dựng một cách độc đáo, đan xen những yếu tố
hoang đường kì ảo, cũng như sử dụng biện pháp nhân hóa, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa hai cõi
thiên giới và hạ giới, làm chúng trở nên gần gũi, quen thuộc với vạn vật,
Nhờ xây dựng nội dung và sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc sắc, tác phẩm Nữ thần Mặt Trời
và Mặt Trăng đã khắc sâu trong tâm trí người đọc. Tác phẩm đã giải thích cho người đọc nguồn gốc
của thế giới và các hiện tượng diễn ra xung quanh chúng ta dưới con mắt sáng tạo của người xưa. Qua
câu truyện, tác giả dường như muốn nhắn nhủ tới chúng ta hãy luôn không ngừng khám phá, tìm hiểu
thế giới xung quanh và phải biết yêu, quý trọng thiên nhiên hơn.

You might also like