Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

Dịch Thơ:

Tái Sáng Tạo.


Ngoạn Mục và Thú Vị.

Ngu Yên.

1
Dịch Thơ: Tái Sáng Tạo.
Ngoạn Mục và Thú Vị.
(NGU YÊN.)

Ila Kaminsky, chủ biên tuyển tập thơ thế giới: The
Ecco Anthology of International Poetry, ấn hành bởi
Harper Collins Publisher, 2010, trình bày về việc
dịch thơ cho toàn bộ tác phẩm dày 540 trang với
309 thi sĩ từ hầu hết các dân tộc trên toàn cầu:
“Theo George Steiner, một bài thơ gốc hiện diện
tĩnh lặng như một ý nghĩa cao đẹp và người dịch nỗ
lực truyền tải toàn bộ ý nghĩa và thẩm mỹ này sang
ngôn ngữ thứ hai. Vì hai ngôn ngữ không bao giờ
ăn khớp hoàn chỉnh với nhau, một bản dịch không
bao giờ hoàn toàn thành công, luôn luôn có điều gì
thất thoát. Nếu dịch không thể nào phục vụ hoàn
hảo như tấm gương soi, chúng ta chỉ có thể đưa ra
giả thuyết rằng dịch có hiệu quả riêng thay thế cho
bằng chứng hoặc dấu vết của những lời thơ (tiếng
nói) cao kỳ. Đôi khi chỉ những dấu vết như vậy đã
đủ, như Garcia Lorca và Anna Ankhmatova, ngay
cả những bản dịch sang Anh ngữ đã ảnh hưởng
đến những nhà thơ Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Tương
tựa như chim phượng hoàng, những bài thơ của
các bậc tôn sư được tái sinh từ đống tro tàn của
bản dịch.” (trang x1, Introduction.)

Ông nhận định, một bản dịch thành công thể hiện
văn bản gốc trải qua một quá trình biến đổi với sự
tái sinh trong một mô hình sống động mới. Thỏa
thuận với khái niệm này, nhà thơ Pauk Celan viết:

2
“Ngôn ngữ mà tôi sáng tác thơ không liên quan gì
đến lời thơ ở đây (trong tuyển tập) hoặc ở những
nơi khác.” (x1) Nhà thơ Mahmoud Darwish đề nghị,
một bài thơ dịch nên phát triển vào khả năng bao la
của ngôn ngữ dịch.

Dịch Thơ Là Làm Thơ.


Dịch truyện hầu hết dễ hơn dịch triết học. Dịch triết
học hầu hết dễ hơn dịch thơ. Nhà văn Mark Twain
nhận xét: “Sự khác biệt giữa chữ nghĩa chính xác
và chữ nghĩa gần chính xác là một vấn đề thật sự
lớn như sự khác biệt giữa tia chớp và tia sáng lập
lòe của đom đóm”. Quan điểm này đưa đến dịch
thơ như một công việc làm không bao giờ thành
tựu.

Từ thế kỷ 17, John Dryden trong Ovid’s Epistles, đã


đề nghị một lối dịch thoát: Imitation, (mô phỏng, bắt
chước). Dùng văn bản gốc, người dịch được phép
xuất phát từ ý nghĩa và ngôn ngữ ở những nơi cần
thiết để sáng tác đến hiệu quả sau cùng tốt đẹp
nhất trong ngôn ngữ mới. Quan điểm này khá rõ
ràng, cho phép mô phỏng chỉ những khi “cần thiết”.
Tức là những lúc trở ngại với ý nghĩa tương đương
của văn tự, lúc gặp khó khăn giữa sự khác biệt văn
hóa, và những lúc cần đề cao thẩm mỹ của ngôn
ngữ dịch.

Dịch thơ là tái sáng tạo. Khái niệm này manh nha
từ giữa thế kỷ 20. Được nhiều nhà phê bình, dịch
giả và nhà thơ ủng hộ vào cuối thế kỷ. Lý do rất rõ
ràng, việc dịch thơ không thể nào thành công như
dịch văn xuôi. Ngoài trừ trở ngại về ngôn ngữ
tương đương như Mark Twain đã nói, trở ngại về
chuyển đổi khác biệt giữa hai văn hóa còn lớn hơn.
Trở ngại lớn nhất, hầu như không thể giải quyết, đó

3
là chiều sâu của văn bản. Thơ cưu mang hầu hết là
ẩn văn. Dịch chữ nghĩa đại diện, không khó. Dịch ý
nghĩa của điều được đại diện trong khuôn khổ và
nghệ thuật thơ là điều rất khó. Dịch ý nghĩa được
ngụ ý qua ngôn ngữ đại diện và qua những gì
được đại diện là việc gần như không thể thành
công. Ngoài ra, thơ chứa đựng một phần vô thức
của tác giả. Việc suy đoán của dịch giả không lấy
gì bảo đảm đã gần gũi được những gì mà chính tác
giả cũng không biết. Do đó, nhà thơ Robert Frost
cho rằng thơ hay nằm ở chỗ không thể dịch mà
dịch giả đã làm cho nó thất lạc.

Nhưng dịch thơ thế giới là việc cần thiết để phong


phú hóa văn học thơ dân tộc. Cho đến nay, vẫn là
cách duy nhất để tìm hiểu và học hỏi “trực giác
sáng tạo” và “ý tưởng cảm tính” của các nhà thơ
ngoại quốc. Cùng một lúc chia sẻ được kinh
nghiệm đa văn hóa. Sự chia sẻ ý tưởng, sở học,
kinh nghiệm, và văn học với những nhà thơ ngoại
quốc là việc vô cùng quan trọng cho phẩm chất và
nghệ thuật thi ca của bản xứ.

Dịch thơ không thể thành công nhưng cần phải


dịch. Quan điểm mâu thuẫn một cách hữu lý này
dẫn đến khái niệm dịch thơ là sáng tạo bài thơ
khác. Sáng tạo nghĩa là bài thơ dịch phải hội đủ
điều kiện như bài thơ sáng tác có giá trị thi ca,
nhưng phải dựa trên những yếu tố chính của bài
thơ gốc, như ý nghĩa, tứ thơ, phong cách ẩn văn,...

Nói đúng hơn, dịch thơ là tái tạo bài thơ gốc. Tái
sáng tạo cho người dịch những sáng tác đa dạng
từ cùng một văn bản chính. Tùy mỗi người dịch
chọn lựa học thuật nào để tái tạo. Lối dịch thông
thường nhất là dịch theo ngữ nghĩa và văn cảnh,
tuy có khả năng sát nghĩa tương đương nhưng

4
không bày tỏ được ngụ ý hoặc cách thức gợi ý. Do
sự khác biệt về ngữ nghĩa, cú pháp, văn học truyền
thống, văn hóa địa phương, và phong cách diễn
đạt, tạo nên nhiều khó khăn liên quan đến bản sắc
thơ. Đó là lý do tại sao đọc thơ dịch theo ngữ nghĩa
và văn cảnh ít cảm nhận được cái hay nét đẹp của
bài thơ ngoại, dù đó là bài thơ đang được ca tụng.

Tôi đề nghị chọn lối dịch theo văn hóa ngôn ngữ
dịch, tức là văn hóa Việt. Cách trình bày và cấu
trúc câu thơ Việt, cách diễn tả tứ thơ, cách móc nối
hoặc liên tưởng từ ẩn ý đến ý nghĩa gợi ý... khác
với thơ ngoại quốc. Vì vậy, dịch thơ luôn luôn có
sự đấu tranh giữa dịch theo văn hóa văn ngữ của
bản gốc và dịch theo văn hóa văn ngữ của ngôn
ngữ dịch.

Người dịch theo tiêu chuẩn ngữ nghĩa và văn cảnh


sẽ thấy bản dịch theo văn hóa có nhiều chỗ không
đúng như ngôn ngữ tác giả. Ngược lại người dịch
theo văn hóa dịch sẽ thấy bản dịch theo văn ngôn
bản gốc là không thông suốt. Nhiều bài đọc lên
cảm thấy khó cảm hoặc dở, rồi đâm ra nghi ngờ
giá trị của bài thơ gốc hoặc khả năng của người
dịch, trong khi chính xác hơn là nên nghi ngờ
phương pháp dịch.

Phương pháp dịch khác nhau đưa đến kết quả


khác nhau. Chọn phương pháp dịch là quan điểm
hệ trọng khi dịch một bài thơ. Có lẽ, mỗi bài thơ,
mỗi thể loại thơ đòi hỏi mỗi cách dịch phù hợp. Ví
dụ: Một bài thơ thuộc dạng biểu hiện, cần lối dịch
nghiêng về cảm tính và thẩm mỹ. Trong khi một bài
thơ trong dạng tượng trưng hoặc trừu tượng, cần
lối dịch nghiêng về văn hóa. Dịch sát văn cảnh và
ngữ nghĩa nếu đó là bài thơ hiện thực. Dịch thoát
nếu đó là bài thơ siêu thực hoặc hóa ảo. Không thể

5
nấu cơm và nấu cháo giống nhau. Dĩ nhiên, nấu
xôi phải khác. Sử dụng một lề lối dịch phù hợp với
bài thơ gốc, dịch giả không chỉ là người “chuyển
ngữ”, họ là người biến hóa ngôn ngữ.

Sẽ không có lối dịch thơ nào hoàn toàn đúng vì


ngay từ đầu ai cũng biết dịch thơ là sai lầm. Chỉ có
lối dịch tương đối với nhiệm vụ chuyển tải văn
chương, văn hóa, dùng vào việc học hỏi nghiên
cứu, là việc cần phải làm với ý thức rõ rệt về sự
giới hạn của nó. Nghĩa là, làm sao cho người đọc
cảm nhận được cái hay, nét đẹp của bài thơ ngoại.
Dịch thơ là tái tạo bài thơ gốc theo chiều hướng
đó.

Độc giả của bài thơ gốc thụ hưởng nét đẹp điều
hay khác nhau, không hoàn toàn theo ý tác giả.
Độc giả bài thơ dịch cũng thụ hưởng nét đẹp điều
hay khác nhau, hoàn toàn không theo ý tác giả lẫn
dịch giả. Vì vậy việc tranh luận dịch thơ đúng, dịch
thơ sai, cần có một hệ thống tiêu chuẩn, không dựa
vào những sở thích và sở học riêng tư. Câu hỏi
cho mỗi người dịch thơ có kinh nghiệm dịch và khả
năng “trực giác sinh ngữ” là: Bản dịch có trung thực
và tận tụy hay không?

Nếu chúng ta cứ quan tâm việc dịch thơ không


đúng với ý của tác giả, sẽ làm hỏng giá trị của bài
thơ, điều này là mối bận tâm đúng đắn, tuy nhiên,
câu hỏi nêu ra tiếp theo là ai có khả năng để hiểu
đúng ý của tác giả? Tất cả những phân tích phê
bình thơ và dịch thơ có giá trị đều mang tính phỏng
đoán. Nếu chúng ta còn quan tâm việc dịch thơ,
người dịch chỉ có thể tái tạo bài thơ gốc bằng tận
sở học, với lòng tự trọng để tìm đến phẩm chất giải
mã và trình bày thẩm mỹ ở mức độ mà họ tận sức
thực hành. (*)

6
Tự Phỏng Vấn.
- Anh có thể giải thích chi tiết hơn về lối dịch thơ
thông dụng của người Việt hiện nay không?

- Theo tôi thì dịch thơ và dịch văn xuôi văn chương
như dịch truyện, dịch tiểu luận có chỗ khác nhau.
Lối dịch thơ hiện nay, hầu hết, được sử dụng như
lối dịch văn xuôi. Dựa trên một số tiêu chuẩn:

1- Ngữ nghĩa tương đương, tiếp cận chính xác


100%.

2- Văn cảnh (bao gồm hình ảnh, màu sắc, âm


thanh) tương tựa, tiếp cận sự hoàn hảo.

3- Cú pháp theo sát văn bản gốc.

4- Nếu có mâu thuẫn, sẽ chọn dịch theo sự chính


xác của ngôn ngữ gốc. Hoặc dịch theo “cách riêng”
gọi là dịch thoát.

5- Hầu hết các bản dịch thơ được thực hiện trong
tinh thần dịch thành văn bản văn chương có giá trị.

Trên đây chỉ là ít điều thường xuyên nhận thấy ở


những bản dịch thơ đang hiện hành trên mạng, báo
chí và sách in trong cộng đồng người Việt, trong và
ngoài nước. Trong thực tế, đây là phương pháp
dịch truyền thống cho nhiều hệ thống ngôn ngữ
trên thế giới. Ở Việt Nam, có lẽ nghệ thuật dịch
hiện đại của chúng ta bắt nguồn từ lối dịch của
người Pháp, khi nền văn học của họ đô hộ, bảo trợ
và thay đổi ý thức sáng tác trong văn chương Việt.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài trải nghiệm, ở Tây
Phương xuất hiện một số học thuyết dịch theo tinh
thần mới, có mục tiêu giúp người đọc tiếp cận nét

7
đẹp điều hay của văn bản văn chương gốc, nhất là
thơ, thay vì chỉ tập trung vào ý nghĩa của văn bản
và những thâm ý của tác giả. Một số học thuyết
khác, cho phép dịch giả nhiều quyền hạn giải
quyết, giải thích văn bản hơn lối dịch truyền thống.

Mỗi học thuyết đều có những dịch giả hay, đáng tin
cậy, đều có những tác phẩm dịch giá trị. Nhưng
thường khi các học thuyết lại đối chọi hoặc không
thỏa thuận với nhau về những yếu tố sử dụng để
dịch. Như vậy, ai đúng ai sai? Thuyết nào hay hơn,
thuyết nào dở?

Mỗi học thuyết đều có ưu điểm và khuyết điểm như


thường lệ. Mỗi học thuyết đều dạy cho người dịch
cách giả quyết một số vấn đề khi gặp khó khăn
trong lúc dịch. Không có phương pháp dịch nào
hoàn chỉnh, nhất là dịch thơ. Điều mà tôi hiểu
được, có thể làm cho bản dịch có giá trị, chính là
bản thân dịch giả, chủ yếu ở tài năng dịch và tính
trung thực. Điểu mà tôi tin được là người dịch có
thể sử dụng mọi tinh hoa của các môn phái dịch.
Trong mỗi trường hợp khó khăn, đòi hỏi mỗi cách
giả quyết phù hợp.

Cơ sở của đời sống là trao đổi. Có trao đổi là có


chọn lựa. Dịch cũng vậy, chọn cách này phải bỏ
cách kia. Trao đổi giữa hay hơn và đúng hơn. Mặc
cả giữa ý nghĩa chính xác và sự dễ hiểu. Cân nhắc
giữa hư cấu của tác giả và tưởng tượng của dịch
giả. Tôi nghĩ, dịch là trao đổi giữa hai loại ngôn ngữ
với lợi ích thuộc về người đọc.

- Anh có thể trình bày thêm về những khuyết điểm


của lối dịch truyền thống?

8
- Theo tôi, không có vấn đề khuyết điểm chung.
Khuyết điểm của mỗi học phái dịch thơ, thể hiện
trong mỗi bài thơ dịch, mang tính đặc thù. Không
có quy tắc chung để dịch đúng, dịch đẹp, mà chỉ có
quy tắc dịch áp dụng phù hợp hoặc hữu lý cho mỗi
trường hợp khó giải quyết. Tuy nhiên, nếu chúng ta
biết được mặt yếu của mỗi học thuyết dịch, sẽ giúp
cho sự chọn lựa và trao đổi dễ dàng, thường khi
giúp cho bản thân giảm bớt căng thẳng vì tội đã
làm hư hao văn bản gốc.

Những mặt yếu của lối dịch truyền thống tập trung
vào những phạm vi mà dịch giả nỗ lực “chính xác
hóa” bản dịch theo văn bản gốc và theo ý tác giả.

1- Ngữ nghĩa tương đương: Hầu hết mọi trường


hợp gặp khó khăn về ngữ nghĩa khi dịch thơ là vì
“nghĩa tương đương” chỉ có thể tương đối. Chữ
đồng nghĩa trong từ điển, chưa hẳn là nghĩa của
chữ trong mạch văn. Thường xuyên, thi sĩ dùng
chữ có nghĩa khác hơn là nghĩa thông dụng. Cùng
một chữ có khi dịch ra khác nhau. Ví dụ Fresh
flower: hoa tươi, hoa tinh khiết, hoa mới, hoa chưa
đủ kinh nghiệm đường đời, hoa thơ ngây, hoa trinh
trắng.... She’s a fresh flower. Dịch ra sao phải tùy
mạch văn và đôi khi phải đoán chứng, không bảo
đảm lắm. Chưa kể những từ ngữ trừu tượng, nếu
mang theo ngụ ý của thi sĩ, dịch trở thành một
thách thức, mà kết quả thường thất bại nhiều hơn
thành công.

2- Văn cảnh tương tựa: - Văn cảnh dịch có thể


giống văn cảnh gốc mà không thể hiện, nhất là gợi
ý, điều mà thi sĩ điềm chỉ. Nói một cách khác,
không mang được người đọc đi sâu qua bề ngoài
của văn cảnh. Văn cảnh dịch có thể tương tựa với
văn cảnh gốc nhưng không tạo được sự gần gũi

9
quen thuộc đối với độc giả dịch như văn cảnh gốc
đối với độc giả (gốc). Ví dụ cảnh rừng núi Việt khác
với rừng núi ở Phi Châu. Cảnh sinh hoạt giữa mẹ
chồng nàng dâu ở Mỹ khác ở Việt Nam. Chúng ta
có thể hiểu văn cảnh, thi cảnh nhưng không dễ có
cảm xúc. Và chính cảm xúc là yếu tố làm cho văn
cảnh đẹp hơn, thi vị hơn, cảm nhận sâu sắc hơn.

Dịch văn cảnh thường xuyên gặp trở ngại vì sự


khác biệt có gốc rễ tiềm tàng trong hai nền văn hóa
dị biệt. Ví dụ như: “Thiếu nữ này trông đẹp như
Marilyn Monroe.” Phân tích theo phép lập luận của
Ludwig Wittgenstein, gồm hai điểm: 1- “trông đẹp
như" bao nhiêu phần trăm? một nửa? hay 90%?
Hình ảnh tác giả phác họa và hình ảnh dịch giả
diễn đạt cho độc giả “cách xa nhau như thế nào?”
Dĩ nhiên, thơ không quan tâm đến con số, nhưng
lập luận này cho thấy sự khác biệt giữa nhiều
người nhận khi nghe khen “đẹp quá”.

Marilyn Monroe ở thời điểm nào? lúc trẻ, lúc già,


trong phim hay trên báo...? Không cần phải khắt
khe với chi tiết, quan điểm này cho thấy sự khác
biệt tự nhiên, tự động giữa tác giả, dịch giả, qua
ngôn ngữ. Rồi sau cùng, mỗi độc giả sẽ thấy cô
thiếu nữ đẹp theo kinh nghiệm riêng và hiểu biết
của họ về Marilyn Monroe.

3- Cú pháp diễn đạt: Mỗi ngôn ngữ, mỗi dân tộc,


mỗi văn hóa, mỗi nhà thơ, có cách diễn đạt khác
nhau. Theo sát cách diễn đạt của tác giả và văn
bản gốc, thường làm câu thơ “ngô nghê” hoặc “lạ
lẫm”, đôi khi vô nghĩa và vô vị. Ngược lại, nếu tự
tung tự tác, phóng dịch, phỏng dịch, cũng khó được
chấp nhận. Ranh giới giữa hai đối cực này vừa mờ
nhạt vừa di động. Mỗi dịch giả sẽ chấp nhận ranh
giới khác nhau và mỗi bài thơ dịch được chọn một

10
ranh giới theo sở thích và lòng tự trọng. Để có một
mấu chốt nào đó khi phải dịch “biến hóa”, nên trở
về với đề nghị của Dryden: chỉ ở những nơi cần
thiết.

Chủ yếu sự phức tạp này nằm nơi cảm xúc. Nhà
thơ dùng cảm xúc thúc đẩy hình ảnh, ý tưởng qua
ngôn ngữ. Câu thơ hay thành hình khác lạ bởi cảm
xúc thao tác tưởng tượng. Ngược lại, dịch giả bắt
đầu câu thơ dịch bằng lý trí, chuyển dịch ý tưởng
qua ngôn ngữ. Khó làm sao tạo ra cảm xúc say mê
như tác giả. Đôi khi cố gắng quá cảm xúc trở thành
giả tạo. Đây là lý do vì sao bài thơ dịch khó có thể
tương tương với bài thơ gốc.

Ngoài vấn nạn của cảm xúc, vấn đề văn hóa là vấn
đề then chốt. Văn hóa của một dân tộc, một ngôn
ngữ, một tinh thần, được tích lũy, kế thừa, trong
thời gian dài. Khi va chạm với văn hóa khác qua
hình ảnh, tứ thơ, cú pháp, ... dĩ nhiên có sự khác lạ,
tuy có thể chấp nhận, nhưng không dễ hài lòng. Đã
không vừa ý, kết quả thường tiêu cực.

Sở học, tài năng của dịch giả phải đi kèm với lòng
trung thực. Ngay cả người đọc cũng cần lòng trung
thực, nhất là những người dịch khác.

Bàn về dịch thơ thường đưa đến sự bế tắt hoặc sự


chấp nhận tương đối. Nhưng nếu nhìn một cách lạc
quan hơn, dịch thơ mang đến cho người đọc sự
phá vỡ biên giới thưởng ngoạn của thói quen và thu
thập những ý nghĩa mới lạ, những tầm nhìn cao kỳ,
có khi quái dị nhưng một cách nào đó lại hợp lý.

Bàn về người Việt dịch thơ, có lẽ tiền nhân của


chúng ta đã để lại một phương pháp dịch tiên
phuông hơn cả những phương pháp Tây Phương.

11
Tuy không hoàn hảo (vì chẳng bao giờ có hoàn
hảo) nhưng trở thành văn bản giá trị văn chương
trong lịch sử văn học dịch Việt Nam. Đó là phép
dịch của Đoàn thị Điểm (1705-1746) dịch Chinh
Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (1710-1745).

Xét từ thể thơ, ngữ nghĩa, cú pháp, nghệ thuật diễn


đạt, ... Đoàn thị Điểm chứng minh cho người đời
sau giá trị của sáng tạo trong dịch thuật.

“Hồng nhan đa truân” dịch “Khách má hồng nhiều


nỗi truân chuyên.” Làm sao có thể dịch hay hơn
nữa? Tìm hiểu cặn kẽ phép dịch của Đoàn thị Điểm
sẽ cho người dịch một con đường dịch thơ “có thể
tự hào”.

Những khi dịch thơ ngoại mà gặp những khó khăn,


bí đường giải quyết, có lẽ nên suy tư thêm về
trường hợp:

Nguyên bản của Đặng Trần Côn:


Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang
Thiếp ý, quân tâm thùy đoạn trường.

Phan Huy Ích dịch:


Trông nhau mà chẳng thấy nhau,
Xanh xanh những thấy bóng dâu bên đường.
Dâu mấy hàng, có hay chăng nhẻ,
Lòng đấy đây, ai kẻ vắn dài?

Đoàn thị Điểm dịch:


Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?

12
Cả hai bản dịch đều không hoàn hảo, nhưng bản
của Đoàn thị Điểm nghệ thuật cao hơn. Cả hai đều
dịch: Thanh thanh mạch thượng tang / Mạch
thượng tang mạch thượng tang : Ngàn dâu xanh
xanh / ngàn dâu ngàn dâu, thành những câu thoát
ý, nhưng câu của bà Đoàn sâu sắc và mỹ thuật
hơn. Bản dịch Chinh Phụ Ngâm của ông Phan
được công nhận là bản dịch sát bản gốc, tuy vậy
so với bản dịch của bà Đoàn, quả thật không bằng.
Dịch đúng chưa hẳn là giúp cho người đọc cảm
nhận bài thơ. Cảm nhận thơ bao gồm ba yếu tố
chính: Ý nghĩa, cảm xúc và thẩm mỹ.

Trở lại nhận định đầu tiên, lối dịch theo phép Đoàn
gia hoặc Phan gia đều cho thấy rõ, dịch văn xuôi và
dịch thơ rất khác nhau. Dịch văn xuôi cần chính
xác. Dịch thơ cần nghệ thuật: đẹp và hay, để đánh
động trực giác cảm nhận ý nghĩa. Không nên áp
dụng lối dịch văn xuôi vào dịch thơ.

Dịch thơ theo lối bà Đoàn là nghệ thuật dịch ngoạn


mục và thú vị.

Ngu Yên.

Houston. 2017.

13

You might also like