D Thi

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

1.

Con người là đa diện


Đề cao chức năng giáo dục, “văn dĩ tải đạo”, một thời gian dài, văn học Việt Nam thiên về xây dựng kiểu nhân vật
chính diện, nhân vật tốt đẹp, lí tưởng, nhân vật “nêu gương”. Nhân vật phản diện, xấu xa cũng được miêu tả đối chiếu
để người đọc dễ dàng phân biệt đúng sai, tốt xấu. Nhân văn được hiểu chủ yếu theo hướng ca ngợi vẻ đẹp của con
người, chỉ chú ý đến phần “trắng” chứ ít khi lưu ý đến phần “đen” như một phương diện khác thuộc về bản chất
người. Quan niệm của chủ nghĩa nhân văn hiện đại không thế. Con người cần được tôn trọng và chấp nhận với tất cả
những gì thuộc về nó, bao gồm tốt - xấu, đúng - sai. Trong văn học cũng dần xuất hiện kiểu con người lưỡng diện
thay cho con người chính diện, phản diện. Thậm chí, con người không chỉ lưỡng diện mà còn đa diện, không chỉ có
tốt và xấu mà còn tốt xấu lẫn lộn, không dễ minh định. Và với việc chấp nhận con người là đa diện, tiểu thuyết Việt
Nam đầu thế kỉ XXI đã có một cái nhìn nhân văn mới về con người.
Giai đoạn đầu thời kì Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp đã gây chấn động văn đàn với truyện ngắn Tướng về hưu. Độc giả
Việt Nam vốn vẫn mang tâm lí tiếp nhận con người sử thi, con người lí tưởng cách mạng của văn học giai đoạn trước
đã không thể hình dung có những kiểu người như bác sĩ Thủy, nuôi chó becgiê bằng các thai nhi bị nạo bỏ. Sự tháo
vát của bác sĩ Thủy trong những thu xếp chu đáo cho gia đình, dòng họ, dường như không đủ để xua đi cái nhìn ghê
sợ của người đọc về cô. Độc giả của tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI lại khác. Họ hầu như không còn ngỡ ngàng với những
cái xấu, cái ác bên cạnh cái đẹp, cái thiện của con người. Con người với độc giả đương đại tất nhiên phải là những
con người đa diện. Người ta hiểu và thương hơn cái nhếch nhác của trí thức trong những vật lộn tồn tại và mưu sinh
(tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà). Người ta thông cảm hơn với những người phụ nữ
nhiều khao khát, dễ lạc lòng và sẵn sàng vượt qua dư luận cùng các định kiến truyền thống (tiểu thuyết Dạ Ngân, Y
Ban, Võ Thị Xuân Hà). Kể cả hình tượng người lính, ở cả hai bên chiến tuyến, lúc này cũng đã được nhìn từ cái nhìn
đa chiều kích. Sự xóa bỏ cái nhìn rạch ròi đen - trắng khiến việc tái hiện hình tượng người lính trở nên đời thường
hơn, nhân bản hơn. Cái ác không còn bị đẩy đến chỗ cực đoan; cái thiện có lúc bị bản năng kéo xuống. Có thể thấy
điều này qua những tiểu thuyết viết về chiến tranh, như Đỗ Tiến Thụy với Con chim joong bay từ A đến Z, Huỳnh
Trọng Khang với Mộ phần tuổi trẻ...
Quan niệm con người là đa diện còn làm thay đổi cái nhìn của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI về các nhân vật
lịch sử. Nhiều nhà văn sẵn sàng đối thoại, chất vấn lịch sử. Uông Triều phát biểu: “Tôi không có ý định bêu rếu người
này hay tụng ca người khác, tôi chỉ viết những gì tôi cho rằng lịch sử có thể xảy ra, câu chuyện quá khứ này vừa cay
đắng vừa tàn nhẫn, dù sao đã mấy trăm năm trôi qua, người ta bây giờ có thể bình tĩnh suy xét về nó.” Chọn xuất thân
và những “góc tối”, “góc mờ” để khắc họa các nhân vật anh hùng, các hoàng thân quốc thích, những hé lộ về Trần
Khánh Dư và Trần Ích Tắc, Thiên Thụy và An Tư… đã được Uông Triều khéo léo lồng vào nhan đề tiểu thuyết
Sương mù tháng giêng, làm thay đổi cách tiếp nhận truyền thống của độc giả vốn có xu hướng chỉ tìm kiếm các sự
thật lịch sử. Khai thác sâu đời sống tình yêu với nhiều sắc dục của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh
hùng đã được dân gian phong thánh, Trần Thanh Cảnh lại làm độc giả sửng sốt khi đem cái nhìn phong tình của cá
nhân để nhận diện lịch sử… Để làm rõ con người đa nhân cách của nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh
đặt nhân vật từ nhiều góc nhìn: là người “theo đuổi những lí tưởng công chính (nhân danh sự đổi mới, nhân danh sự
bác ái) nhưng bị giằng xé giữa mục đích và phương tiện để rồi cuối cùng rơi vào những thủ đoạn chính trị phi nhân”;
“vừa tàn bạo đến cùng cực… nhưng lại vĩ đại vô cùng”. Trong Minh sư (Thái Bá Lợi), nhân vật lịch sử Nguyễn
Hoàng cũng được đặt trong nhiều trường nhìn: “Một con người mà lịch sử không thể một sớm một chiều, một thập kỉ
đến hàng nhiều thế kỉ đánh giá hết được những điều đúng sai của ông. Phe phái này kính trọng và cảm phục đức độ
tài năng của ông, phe phái khác lại ganh tị và muốn trừ khử ông. Nhưng chắc rằng ngay đến cả kẻ thù cũng phải nể
trọng ông”; con người mà “thế nhân mấy trăm năm sau vẫn bàn luận, tranh cãi về cái quyết định làm chuyển hướng
lịch sử của cả một đất nước”. Có thể nói, nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI trở nên đời thường hơn, xa
với chính sử hơn, song lại “thực” hơn. Họ được là những con người cá nhân, con người đa diện trước khi là những vĩ
nhân, anh hùng. Đây là một quan niệm nhân văn mới khi nhìn về các tượng đài của quá khứ.
2. Con người là xác thịt, bản năng
“Ít có thứ gì trái ngược nhiều với tính dục như suy nghĩ; tính dục là bản năng, phi lí và tự phát, trong khi suy nghĩ thì
thận trọng, tách bạch và mang tính đánh giá…” (Alain de Botton). Một thời kì dài, văn học Việt Nam được coi là
thánh thư, là sản phẩm của tư duy lí tính, của những biểu đạt tư tưởng, nên các khía cạnh bản năng của con người
thường bị né tránh. Mãi đến sau Đổi mới, cùng với sự trở lại của học thuyết Freud, trên một phương diện nhất định,
vấn đề tính dục được quan tâm và được xem là có sức lột tả lớn nhất khía cạnh bản thể người. Quan niệm không có
vùng cấm trong văn học cũng khiến văn xuôi sau Đổi mới có sự bứt phá trong việc thể hiện con người bản năng, con
người tính dục. Đặc biệt, với tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI, tính dục, đời sống thân xác từ chỗ thường bị xem là yếu tố
“ngoại biên” đã dần được xem là “trung tâm” của sự thể hiện con người trong văn học, lấn át các hình thức biểu hiện
tình cảm còn lại. Nhiều nhà văn không những không né tránh mà rất có chủ đích trong việc nhận diện những bản
năng dục tính hồn nhiên (tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Phấn, Lê Anh Hoài, Vũ Đình Giang,
Nguyễn Đình Tú). Những thao tác tình dục không còn bị né tránh. Song, ẩn sau con người tính dục thường là những
bất hạnh thể xác, những chấn thương tinh thần, những ám ảnh vô thức hay những nỗi đau thân phận. Xem con người
là xác thịt, bản năng, các nhà văn đã khơi sâu khát vọng tính dục, ẩn ức libido, để khẳng định quyền tự do thân xác.
Libido khiến “thánh nhân” trở thành kẻ phàm trần. Và viết về tính dục là một cách để giải mã chốn ẩn mật ở cõi sâu
trong con người, bao gồm con người phàm trần đó. Xuất phát từ cái nhìn đậm chất nhân văn, nhiều tiểu thuyết Việt
Nam đầu thế kỉ XXI đã từ góc nhìn tính dục để bộc lộ một quan niệm về con người đa chiều, thấu hiểu về nhu cầu
của thể xác.
Chiến tranh và tình dục dường như khó có thể dung hòa, song nhiều nhà văn đã phối hòa cả hai vấn đề một cách tự
nhiên, đi đến cùng cõi nhục thể để đối thoại với cái nhìn đầy định kiến về tình dục: “Những thèm khát lương thiện đã
bị giáo lí đương thời bủa vây, lâu ngày kết tủa thành khối u chèn ngang ngực, đau buốt. Đau quá hóa điên…” (Tình
cát). Trong tiểu thuyết Tình cát, Nguyễn Quang Lập đã không ngần ngại miêu tả những trận tình ngẫu hứng, khoái
lạc lẫn mặc cảm, cõi thăng hoa và chết chóc, dâng hiến và cưỡng đoạt, ảo giác tình dục… của Hoàng - người lính với
những ám ảnh chiến tranh, những chấn thương tính dục. Sương Nguyệt Minh cũng không e dè khi bóc tách, soi ngắm
cái bản năng sinh tồn, bản năng tính dục của con người trong những hoàn cảnh cùng quẫn nhất giữa lằn ranh sống -
chết để thấu hiểu con người, dù anh ta có là kẻ thù, quân địch (Miền hoang). Đã có một cái nhìn nhân văn của các nhà
tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI khi từ những ẩn ức tính dục bản nguyên, từ lăng kính tính dục để lí giải chiến tranh và nỗi
đau phận người.
Từ một góc nhìn nhân văn mới, nhiều nhà văn cũng đã cổ xúy cho tiếng nói của nữ giới, trong đó có những đòi hỏi về
quyền tự do thân xác. Dựng lại bối cảnh của câu chuyện gia đình thời chiến tranh, thời bao cấp, thời kì của những
đánh giá khắt khe về những “hủ hóa” trong quan hệ nam nữ, Dạ Ngân đã hoá thân và bênh vực cho Mỹ Tiệp cùng
mối tình ngoài hôn nhân kéo dài hơn chục năm của chị. Những dè bỉu của đồng nghiệp, bạn bè, những lần gặp gỡ vội
vã, những tình huống oái ăm, bất tiện không ngăn cản ý thức cũng như bản năng yêu và sống của Mỹ Tiệp. Qua nhân
vật Mỹ Tiệp, nhà văn Dạ Ngân đã làm một cuộc đối thoại với những giá trị cũ, những thành kiến ngàn đời, những đại
tự sự đã thành rào cản. “Chính danh hay không chính danh, tà dâm hay không tà dâm”, Tiệp “chỉ thấy mình đúng là
mình trong tưởng tượng, thoả mãn một cách hài hoà, sâu sắc” (Gia đình bé mọn). Võ Thị Xuân Hà cũng độc đáo và
có cái nhìn nhân văn táo bạo khi khẳng định quyền phụ nữ trước những định kiến nặng nề. Nhân vật nữ của Võ Thị
Xuân Hà dám sống cho chính mình, dám vượt lên những chuẩn mực đạo đức quen thuộc. Là đứa con gái được hoài
thai giữa hai dòng máu (mẹ là chiến sĩ, làm liên lạc cho cách mạng, nhưng cha lại là một sĩ quan của chế độ cũ, một
kẻ giết người không ghê tay) song Niệm vẫn luôn ý thức sâu sắc về mình cùng quyền uy giới tính: “Tôi tha thứ cho
cha tôi vì đã sinh ra tôi một cách gian dối, tàn bạo, đáng thương”; “Tôi cố tình dâng hiến. Tôi muốn xoa dịu những
cơn khát đàn ông trong anh. Để hằn thù, lo sợ, hoảng hốt, hoang mang trong anh tan như sương khói. Để những bức
tường vô hình không còn ngăn cách” (Trong nước giá lạnh)… Cùng với cuộc cách mạng tình dục, tiếng nói phụ nữ,
tiếng nói nữ quyền đã vang lên mạnh mẽ trong văn học, nhất là những năm đầu thế kỉ XXI.
Trong tuyên ngôn về nhân quyền, có lẽ người ta đã quên con người còn cần có một quyền: quyền được có giới tính
riêng, được sống với đúng giới tính. Bất chấp sự tồn tại trong thực tế, cái nhìn về “giới thứ ba” của xã hội vẫn chưa
đủ thấu hiểu để cộng đồng song tính, lưỡng giới được là mình. Tuy vậy, với một cái nhìn nhân văn mới, nhiều nhà
văn đã bắt đầu mô tả và nhận diện những che giấu về thân phận, những mặc cảm giới tính của những thân phận dị
biệt này. Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú, Thủy Anna, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Ngọc Thạch đã
đem đến một cái nhìn thấu hiểu hơn khi đề cập đến khát vọng tự nhiên vừa đam mê, vừa mặc cảm, vừa cô đơn của
kiểu nhân vật lệch giới. Trong thế giới những người đồng tính, những ẩn ức dục vọng, những đòi hỏi bản năng đã
được lên tiếng một cách chính đáng. Ẩn sâu dưới lớp ngôn từ đậm đặc tính nhục thể là những khao khát được chia sẻ,
được yêu thương. Với những thân phận dị biệt này, “làm một người bình thường chẳng dễ chút nào”. Họ vừa bất lực
vừa đơn côi khi vừa chối bỏ vừa khao khát được là mình, vừa sống một cuộc sống “bình thường” của bản thân lại vừa
luôn “khác thường” trong cái nhìn của xã hội. Nói như nhân vật của Nguyễn Quỳnh Trang: “Chúng mình yêu nhau
phải không nào. Yêu là yêu cớ sao cứ quy vào đặc tính yêu đương trai gái” (1981). Những ước vọng bình thường của
những con người khác thường đã được lên tiếng nhờ bộ phận tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính. Điều đáng lưu ý là
khai thác tính dục lệch pha, các nhà văn không nhìn nó từ góc nhìn xã hội học về giới mà đi sâu vào những trạng thái
tâm hồn con người, niềm đam mê bản năng, nỗi cô đơn thân xác, sự tìm kiếm bản ngã qua hoạt động tính giao nghịch
dị. Thấu hiểu hơn những số phận “lạc giới”, những bản năng lệch, những nỗi đau giới tính, văn học đã hướng vào cốt
lõi của tính nhân văn.
“Tác phẩm viết về tính dục không phải để tả người ta làm tình với nhau như thế nào bên ngoài, mà để thể hiện nội
tâm” (Alberto Ruy Sanchez). Thay đổi nhận thức, kêu gọi cái nhìn thấu hiểu, thông cảm với nhu cầu bản năng chính
đáng của con người là một biểu hiện nhân văn của tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI. Việc miêu tả con người tính dục trong
tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI trở thành cái cớ để nhìn thấu những bản thể người, chấp nhận con người là xác thịt, bản
năng.
3. Con người là những bản ngã phi lí, nổi loạn
Con người tồn tại và bằng lòng với những khoảnh khắc hiện sinh, song vẫn không thôi đau đáu đâu là ý nghĩa của tồn
tại. Và để sự hiện tồn của mỗi người trở nên có nghĩa lí, con người thường có khát vọng dấn thân, vượt thoát. Nhìn
thấu những nhu cầu bản thể của con người, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã chấp nhận con người là những bản ngã phi
lí, nổi loạn, cảm thông với cái phần người vẫn thường bị dị ứng cùng những định kiến của xã hội Việt Nam.
Nổi loạn là một biểu hiện của khát vọng tự do, một hình thức khẳng định tính chủ thể. Trong xã hội hiện đại, cùng
với sự đổ vỡ của các thang giá trị, con người ngày càng ráo riết truy tìm bản thể, xem nổi loạn là một trong những
cách để khẳng định nhân vị tự do. Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, những con người trẻ tuổi lạc loài, vỡ mộng,
hoài nghi… tự thể hiện mình một cách nông nổi, yếu đuối bằng việc ăn chơi, hưởng thụ, buông mình theo bản năng,
dục tính (Nháp, Phiên bản, Kín). Nhân vật trong tiểu thuyết Đỗ Phấn, để tin rằng mình hiện hữu, lại nổi loạn bằng
cách trốn chạy vào nghệ thuật, vào thế giới của hội hoạ với tất cả sự cô đơn của người nghệ sĩ lạc thời (Con mắt
rỗng). Nhân vật của Phan Hồn Nhiên trốn chạy và phô mình qua những trang sách, qua những nhân vật trong tiểu
thuyết (Ngựa thép). Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Đình Giang, để tin rằng mình hiện hữu, lại nổi loạn bằng những
hành vi hủy hoại và tự hủy hoại (Song song, Bờ xám)… Tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã có một cái nhìn nhân văn mới
khi cho phép con người được là chính mình, chấp nhận những vùng vẫy, nổi loạn hòng vượt thoát cái đời sống phi lí,
tầm thường, từ đó xác lập nhân vị. “Nếu Thượng đế không hiện hữu, mọi sự đều được phép” (Dostoevsky). Nhân vật
trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam sẵn sàng từ bỏ hôn nhân để được sống thật với mối tình đồng giới (Giữa
dòng chảy lạc). Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trôi, mải mê trôi (Sông). Motif bỏ đi, tìm đến cái chết hay mất tích…
trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết. Sự ra đi (bao gồm cả đi vào miền hư vô của cõi chết) hay sự mất tích (chủ động)
của nhân vật… trở thành một ẩn dụ cho sự vượt thoát, dấn thân (Cơ hội của chúa - Nguyễn Việt Hà; Người đi vắng,
Mình và họ - Nguyễn Bình Phương; Paris 11 tháng 8 - Thuận; Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc -
Nguyễn Danh Lam; Vắng mặt - Đỗ Phấn…) Cùng với đi, viết cũng là một lựa chọn để con người vượt lên những hiện
hữu tẻ nhạt đời thường. Bởi viết “là hành vi xác tín bản ngã”. Viết không đơn thuần để giãi bày, chia sẻ, mà chính là
một cách khẳng định sự tồn tại của mình giữa cuộc đời - “viết là ném một tiếng gọi” (J.P.Sartre). Viết gắn với bản
năng sinh tồn và cận kề bản năng chết: “Tôi viết để tranh giành điều gì đó với chính mình”; “Tôi có thể sẽ chết nếu
tôi không viết”; “Tôi quyết định sẽ viết, viết như điên và sẽ không bao giờ đọc lại cho đến khi viết xong trang cuối
cùng. Một là tôi sẽ chết, hoặc là sẽ viết xong cuốn sách đầu tiên của mình” (Tưởng tượng và dấu vết - Uông Triều).
Xem con người là một bản ngã phi lí, nổi loạn, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã chạm đến những thương tổn của con
người hiện đại. Thủ pháp tẩy trắng nhân vật được nhiều nhà văn sử dụng như một phương thức tô đậm sự nhỏ nhoi,
tội nghiệp của cuộc sống, của đời người. Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Đình Giang chỉ là những cái tên viết tắt (H,
G.g…), những danh từ chung (ả gái nhí, gã thầy, bà mẹ, thằng anh…) Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam,
Trần Nhã Thụy cũng thường là những “anh”, “cô”, “ông”… những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba chung chung không
xác định được danh tính. Ngay cả khi những ngôi thứ ba ấy được “định danh” bằng những danh từ chỉ nghề nghiệp
(nhà văn, họa sĩ, bảo vệ, bác sĩ thú y…), danh tính của họ lại càng mù mờ hơn. Con người khao khát và tìm mọi cách
để là những chủ thể, những nhân vị tự do kể cả phải nổi loạn, dấn thân, “phóng túng hình hài”. Song, nghịch lí thay,
xét đến cùng, con người chỉ là những hữu thể vô danh “giữa dòng chảy lạc”, luôn “đi vắng” vào những lúc cần hiện
diện. Nhìn thấu những khủng hoảng hiện sinh, xem con người là những bản ngã phi lí, nổi loạn cũng là một trong
những quan niệm giàu nhân văn của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI.

You might also like