Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

MỘT VÀI ĐOẠN LÍ LUẬN VĂN HỌC

Trong cuộc chiến tranh thành Troie của tư tưởng nhập cuộc, của hành động dấn thân
chống lại cái tình cảm hồng hoang mù sương của tầng tháp cổ, của bóng ma trơi siêu
hình, siêu tưởng, tâm hồn ông bao giờ cũng là một bãi chiến trường đầy ắp thương
vong và chiến tích. Nói cho cùng, cuộc đời của một thi sĩ kể ra cũng chẳng lấy gì làm
sung sướng, toàn là đau dùm và khổ mượn, lấy nỗi buồn của chim sa cá nhảy làm nỗi
buồn của chính mình, dại dột cõng vòm trời trên lưng như cõng một em bé, để rồi ấm
ớ luôn hồ nghi, luôn tự hỏi mình đang đi, đang sống đây hay là một đám mây, một
quầng lau trắng?

Xét cho cùng, nghệ thuật là cách mà con người vượt qua thực tại của mình để tiến tới
một thực tại khác có tính cải thiện cao hơn, dễ chịu hơn, lí tưởng hơn. Nói như thế để
thấy rằng văn học không phải dùng thanh toán quá khứ, càng không phải để đạp đổ
thực tại. Quá khứ không thể bị vứt toẹt đi khi hiện tại làm người ta phẫn nộ. Và thực
tại không thể bị bóp méo, bị kết án, bị chà đạp một cách mù quáng theo góc nhìn
nhận phiến diện, thiếu biện chứng.

Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, là cánh chim bay trên mọi biên giới, nó là
bài học về sự vỗ cánh, là tiếng hót báo hiệu tự do còn đang tồn tại và bắt buộc phải
tồn tại nếu chừng nào con người còn tự nhận mình là con người. Nghệ thuật bắt nước
từ cuộc đời, và như thường lệ, nó lại quay trở lại theo một quỹ đạo tròn, để phục vụ
cho cuộc đời. Chân – thiện – mĩ có lẽ là miền đất hứa mà mỗi người nghệ sĩ khát
khao chạm đến, khát khao đưa người đọc bao thế hệ chạm đến.

Olga Tokarczuk – nhà văn người Ba Lan, người đoạt giải Nobel văn học 2018 vừa
được công bố mới đây, người "chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định hay
bất diệt". Sự sống biến chuyển, hiện thực cuộc đời cứ thế mà khác đi từng ngày.
Nghệ sĩ không thể chỉ chôn neo tại một bến phà cố định để rồi đứng yên mãi tại một
nơi mà hư không trống rỗng. Anh ta buộc phải tìm đến một sự vận động mới trong
dòng chảy cuộc đời, để phát hiện và khai phóng. Hiện thực đầy ngổn ngang, xoắn
chéo những đường ngang dọc, và dĩ nhiên, nó lại càng không phải là bất diệt. Xem
hiện thực là một thứ gì không ổn định, nhà văn đồng thời phải thoát xác khỏi những
cách nhìn cố định một chiều, để tìm ra trong cái tưởng chừng như là tĩnh tại một sự
động đậy không ngừng, tìm ra không cái bất ổn định một sự ổn định trường tồn là
chân lý và cái đẹp.

Có một câu hỏi mà nhà thơ Chế Lan Viên từng trăn trở khôn nguôi:

“Có nên chăng

Ta nói mãi cái truyền thống, cái ngàn năm

Đến nỗi bó tay chẳng làm gì được nữa?”


Có nên chăng? Nghệ thuật liệu còn tồn tại đúng nghĩa theo quy luật của nó nếu nghệ
sĩ chỉ là những cỗ máy được lập trình sẵn cái đã có của người đi trước, mà không
cách tân, sáng tạo, kiến tạo nên những giá trị mới mẻ? Đời sống văn học luôn vận
động không ngừng, người viết cũng vì thế mà không thể tự hộ biện cho sự dừng lại,
trì trệ của mình; anh ta phải luôn ý thức thay đổi thế giới quan, tìm tòi và phát hiện ra
những tầng vỉa sâu kín – “những chuyện muôn đời không nói năng” (Hoàng Cầm), để
tự làm mới mình trên văn đàn. Nói mãi cái cũ, cái đã có, văn chương suy cho cùng
cũng chỉ là một sự ghi chép tầm thường. Nói như vậy, không phải là nghệ sĩ cự tuyệt
hoàn toàn với truyền thống, với những cái thuộc về quá khứ, những thành tựu đã tìm
được chỗ đứng của mình, mà trong một sự vận hành khác: nghệ sĩ vừa kế thừa
nhưng đồng thời là cách tân, đổi mới cả tư duy và bút pháp, để mỗi trang viết của anh
ta luôn là những tín hiệu mới, giàu giá trị thẩm mĩ, và thấm đượm tinh thần nhân bản,
nhân văn sâu sắc.

Một đôi dòng trong bài thơ “Khâm thiên”, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã tâm sự rằng:

“Muốn kết thúc thơ mình

Bằng những lời tốt đẹp

Nhưng lòng tôi làm sao tươi sáng được”.

Viết, thực chất là một sự dằn vặt, trăn trở đầy khôn nguôi của người cầm bút. Trong
những nỗi tâm cảm đồng điệu đó, nhà văn không thể tự làm trái ý mình, hay tự tạo ra
một lựa chọn khác đi ngược lại với lương tâm. Dĩ nhiên, sáng tạo văn học, nhà văn
luôn muốn chấm bút ở một điều gì tốt đẹp, nhưng liệu thực trạng có cho phép anh ta
làm điều đó? Là không thể, khi trong một hiện thực đầy đau khổ như thế. Là không
thể, khi nhân vật của anh còn vất vưởng trong những giọt nước mắt của nghiệp
chướng trần ai. Đó là lý do tại sao, có nhiều nhà văn lựa chọn kết thúc tác phẩm của
mình bằng bi kịch, bằng những tuyệt vọng, bởi, tất yếu cuộc sống bắt anh ta phải thế!
Ở một góc nhìn khác sâu hơn, trong những bi kịch, những tuyệt vọng mà nhà văn vừa
chấm bút, có một độ mở rất cao, rất rộng, độ mở của những câu hỏi, sự vượt thoát
của những tư tưởng ngầm, mà đó chính là sự cứu cánh cho kết thúc kia. Cái giá trị
văn chương tồn tại ở tại địa hạt đó!

Một đôi dòng trong bài thơ “Khâm thiên”, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết rằng:

“Kẻ làm chứng trung thành

Trước phiên toàn lịch sử

Giữa tột cùng đau khổ

Đâu dám ngồi trau chuốt mỗi câu thơ”.

Nhà văn phải chăng là một người “làm chứng trung thành” của lịch sử, của thời đại?
Anh ta đến với văn chương trong một sứ mệnh “thăm dò không khí thời đại” (Nguyễn
Minh Châu), để rồi từ sâu trong nhận thức và tấm lòng của một người cầm bút, nhà
văn viết về con người, bênh vực cho con người trong một phiên tòa lịch sử. Người
nghệ sĩ phải đồng hành cùng nỗi đau khổ tột cùng của con người, đồng hành - nhưng
không phải với tư cách là một đức Chúa trời, mà bằng chân cảm của một con người
trần thế, một người đứng trong cuộc. Đồng nghĩa với ý vị đó, nhà văn phải đi qua hết
những cảnh huống mà nhân vật anh ta đã trải, phải nhập thân vào số phận đau khổ
của họ để am hiểu đến tường tận, để không hời hợt trong cách nhìn nhận và phán
quyết. Trong sứ mệnh đó, nhiều khi nỗi đau khổ của cuộc đời lấn át đến trái tim người
sáng tạo, khiến đôi khi anh ta “đâu dám ngồi trau chuốt mỗi câu thơ”, đâu dám chạy
theo cái hình thức sáo rỗng, mà đánh quên cuộc đời trong ngăn kín của thời gian. Nhà
văn không thể để cái hào nhoáng của câu từ mĩ miều dẫn anh đi trên lối mòn, vì giá trị
của một tác phẩm văn học chân chính không nằm ở cái bề ngoài trau chuốt mà rỗng
tuếch bên trong.

Chế Lan Viên đã từng nghiệm về nghệ thuật bằng đôi dòng thơ:

Thấy vạn sông hồ, thấy vạn trời mây

Rồi lui về chạm một cánh chim trên gác nhỏ

Đấy là cái trọng điểm giữa đất, trời mà anh chốt giữ

Chớ làm sao anh bao quát vạn đề tài.

Từ vạn sông hồ, vạn trời mây của cuộc đời, nhà thơ chọn cho mình một đề tài. Nhà
thơ không nên ôm đồm khi chọn đề tài. Không phải đề tài rộng rãi to lớn thì thơ hay.
Có khi cái bé nhỏ như một cánh chim trên gác nhỏ lại hóa diệu kỳ. Hãy chốt giữ một
cái trọng điểm nhỏ, nhẹ thôi, nhưng hãy biết gọi về trùng lớp trùng lớp suy tưởng, ý
nghĩa của đề tài, làm cho mọi người thấy được những chân trời, đến được những
chân trời. Và Chế Lan Viên gọi cái trọng điểm giữa đất, trời là muốn nói: đề tài mang
cái tinh, chắt lọc, đồng thời mang cái bao la, phong phú của đời.

Trong sâu xa ý vị của nó, “cánh chim trên gác nhỏ” thường bị người nghệ sĩ bỏ quên,
chẳng màng để ý đến. Nghệ thuật đôi khi có những nghịch lí như vậy! Những điều
nhỏ nhặt, bình thường nhất trong hiện thực lại chính là nơi nhà văn cần tìm đến, tại
đó, anh ta nhận ra trong cái bình thường có cái phi thường, trong cái người ta không
để ý có tầng nghĩa giá trị lớn lao. Không phải vì quá nhỏ nhặt, nhà văn lại dễ dãi bỏ
qua. Nhà văn phải đi qua hết những va chạm, phải mở rộng tầm nhìn của mình để tinh
nhạy trong việc phát hiện cái chân, cái mĩ; và con đường sáng tạo của nhà văn chân
chính phải chăng đi lên từ lẽ đó?

Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về thơ

Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu sau nhiều từ ngữ

Khéo cơn mưa anh viết bây giờ là cơn mưa của họ.
Khi tôi viết văn là lúc mọi sự trong cuộc đời tôi gần như đã an bài. Và tôi đã chấp
nhận đó là số phận của mình. Nên điều mong muốn nhất khi cầm bút là tôi được viết,
được đưa đến bạn đọc của mình những trang viết thật sự vắt ra từ trí não, tâm huyết
của mình. Những trang viết nói về nhân tình thế thái. Về số phận gian lao cay đắng
của dân tộc mình, đất nước mình... Còn sự nổi tiếng? Tôi hoàn toàn không nghĩ đến!
Có thể nói tôi cứ viết còn sự đón nhận của độc giả đến đâu thì hoàn toàn phó mặc
cho số phận. Chính xác viết với tôi là cứu cánh, là chốn nương náu, là sự khai phóng
tâm thế khi đó đang có nhiều dồn nén và ẩn ức.

“Còn nhớ những ngày đầu tôi viết cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”. Lúc ấy, tôi
chưa biết gì về các lý thuyết văn học, chưa giỏi các thủ thuật, còn nghĩ cuộc đời là
màu hồng với những lý tưởng cao vời về tình yêu và chính nghĩa. Tôi tự hóa thân
mình vào nữ nhân vật chính, tôi tưởng tượng ra kinh thành Thăng Long thời Lý, vùng
núi phía Nam Trung Quốc, và cả mảnh đất kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí còn chả
quan tâm đến sử liệu). Tôi tạo cho mình những người bạn, những kẻ thù; tạo cho
mình một thời cuộc để sống; tạo ra những va đập và phản ứng của đời thường. Một
cuộc đời giả lập đã được tạo ra, để trong đó tôi cho phép cá tính của mình thoải mái
bộc lộ và xem xét những phản ứng. Tôi cũng để những nhân vật khác trong truyện có
cá tính riêng dựa trên nguyên mẫu người tôi đã gặp và đưa vào đó những dự đoán
của tôi về phản ứng phù hợp với cá tính nhân vật” (một nguồn sách nào đó anh quên
mất)

You might also like