Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

TUẦN 1- BÀI 1

BẢN CHẤT XÃ HỘI CỦA NGÔN NGỮ


1. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội
1.1. Ngôn ngữ không phải là một hiện tượng tự nhiên
- Do ảnh hưởng của thuyết tiến hóa Đácuyn, một số người cho rằng ngôn ngữ cũng
giống như một cơ thể sống (một động vật hoặc một thực vật). Ngôn ngữ hoạt động và phát
triển theo quy luật của tự nhiên, nghĩa là tất cả các ngôn ngữ ở mọi nơi, mọi lúc đều trải
qua các giai đoạn: nảy sinh, trưởng thành, hưng thịnh, suy tàn và diệt vong. Bằng chứng là
trong ngôn ngữ nhiều từ cũ, nghĩa cũ đã mất đi, nhiều từ mới nghĩa mới đã được tạo ra
trong ngôn ngữ, thậm chí một số ngôn ngữ đã trở thành tử ngữ (tiếng Latin, tiếng Phạn…).
Thực ra quy luật phát triển của ngôn ngữ không giống quy luật phát triển của tự nhiên.
Ngôn ngữ luôn kế thừa cái cũ và phát triển cái mới, không bao giờ bị hủy diệt hoàn toàn.
Một số ngôn ngữ trở thành các tử ngữ hoặc là do dân tộc nói ngôn ngữ ấy bị hủy diệt (tiếng
Tiên Ly ở Trung Quốc), hoặc là do ngôn ngữ ấy đã được thay thế bằng những ngôn ngữ
khác (như trường hợp tiếng Latin và tiếng Phạn vẫn để lại dấu tích trong nhiều ngôn ngữ
hiện đại).
- Một số người khác lại đồng nhất ngôn ngữ với bản năng sinh vật của con người. Họ
cho rằng hoạt động nói năng cũng có tính chất bản năng như các hoạt động ăn, khóc, cười,
chạy nhảy,… của con người. Hầu như đứa trẻ nào cũng biết khóc, biết cười, biết ăn,… rồi
biết nói. Thực ra, những bản năng sinh vật như ăn, khóc, cười… có thể phát triển ngoài xã
hội loài người nhưng không thể có ngôn ngữ trong những điều kiện như thế. Nếu tách một
đứa trẻ ra khỏi xã hội loài người thì nó vẫn biết ăn, biết khóc, biết đi, biết leo trèo… nhưng
sẽ không biết nói. Trong tác phẩm “Hòn đảo bí mật”, nhà văn J.Vecnơ đã kể câu chuyện
về chàng Ayrơtôn bị bỏ lại đảo hoang để trừng phạt vì phạm tội. Do thoát li khỏi xã hội,
Ayrơ tôn mất hết khả năng tư duy và không nói được nhưng khi được tìm thấy, được trở
về với xã hội loài người thì khả năng tư duy và khả năng nói dần dần hồi phục. Câu chuyện
hai bé gái Ấn Độ được Ridơ Xinh tìm thấy trong một hang chó sói vào năm 1920 cũng
chứng minh điều đó. Vì bị rơi vào đời sống thú vật, hai em đã tiếp thu những kĩ năng đời
sống của loài sói và mất đi tất cả những gì thuộc về con người, đặc biệt các em không biết
nói mà chỉ biết hú như chó sói.
- Một số ý kiến lại đồng nhất ngôn ngữ với những đặc trưng về chủng tộc. Những đặc
trưng chủng tộc như màu da, tỉ lệ thân thể, hình thức xương sọ…có tính chất di truyền. Bố mẹ
là người da trắng thì con cái cũng da trắng và con cái da vàng khi bố mẹ là người da vàng.
Nhưng ngôn ngữ không có tính di truyền. Nó là kết quả của một quá trình bắt chước, học hỏi
với những người xung quanh. Nếu đứa trẻ người Việt sống với cha mẹ nuôi là người Đức, còn
đứa trẻ người Đức sống với cha mẹ nuôi là người Việt thì đứa trẻ Việt sẽ nói tiếng Đức và đứa
trẻ người Đức sẽ nói tiếng Việt. Trong thực tế, ranh giới chủng tộc và ranh giới ngôn ngữ cũng
không trùng nhau. Chẳng hạn, cùng một chủng tộc nhưng lại nói tiếng khác nhau như trường
hợp người Hylạp, người Anbani, người Xecbi…; ngược lại nhiều chủng tộc khác nhau lại nói
chung một ngôn ngữ như trường hợp ở Hợp chủng quốc Hoa Kì (Mĩ) hiện nay.
- Những người bảo vệ quan điểm sinh vật học đối với ngôn ngữ còn đồng nhất ngôn
ngữ với tiếng kêu của động vật. Trong thực tế, một số động vật có thể dùng tín hiệu âm
thanh (tiếng kêu) để thông báo cho cả bầy biết nguy hiểm hay để biểu thị xúc cảm (giận,
sợ hãi, hài lòng,…). Nhiều con vật nuôi trong nhà còn có thể hiểu một số câu nói của con
người (người ta có thể gọi chó đến, bảo chó làm theo một số mệnh lệnh…), thậm chí còn
nói được một số câu nói của con người như con vẹt và con sáo. Tuy nhiên, tất cả những
biểu hiện trên chỉ là những phản xạ không điều kiện hoặc có điều kiện mà thôi. I.Paplốp
gọi những phản xạ như vậy là hệ thống tín hiệu thứ nhất. Hệ thống tín hiệu này có cả ở
người và động vật. Tiếng nói của con người thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai, gắn liền với
tư duy trừu tượng, với việc tạo ra các khái niệm và các từ. Do đó, ngôn ngữ của con người
không phải là hiện tượng sinh vật như tiếng kêu của loài động vật.
Trong khi phê phán quan điểm sinh vật học đối với ngôn ngữ, một số nhà bác học lại
cho rằng ngôn ngữ là một hiện tượng cá nhân. Họ khẳng định có ngôn ngữ của mỗi cá
nhân, còn ngôn ngữ của một làng, một thành phố, một khu vực, một dân tộc chỉ là sự bày
đặt của khoa học, là kết luận trung tính từ một số ngôn ngữ cá nhân nhất định. Nếu đúng
như vậy thì làm sao con người có thể giao tiếp được với nhau trong cộng đồng?
Ngôn ngữ không phải là hiện tượng cá nhân, không phải của riêng một người nào.
Ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong phạm vi một cộng đồng và phục vụ cả cộng
đồng do đó ngôn ngữ mang bản sắc, phong cách của từng dân tộc. Mỗi cá nhân có thể có
phong cách ngôn ngữ riêng, có thể có những sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung
của ngôn ngữ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… Nhưng sự sáng tạo đó phải
dựa trên cơ sở quy ước của xã hội, không thể tự mình thay đổi ngôn ngữ của xã hội, càng
không thể có ngôn ngữ riêng của cá nhân.
1.2. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội
Ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên. Ngôn ngữ chỉ sinh ra và phát triển trong
xã hội loài người, do ý muốn và nhu cầu người ta phải giao tiếp với nhau trong quá trình
sống và tồn tại, phát triển. Bên ngoài xã hội loài người, ngôn ngữ không thể phát sinh.
Khẳng định ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nghĩa là thừa nhận ngôn ngữ tồn tại
và phát triển theo quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng của mỗi
cá nhân. Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ luôn luôn tiếp thu những yếu tố mới (từ mới,
nghĩa mới) để hoàn thiện thêm. Chẳng hạn, khó có thể chỉ ra ai là người đầu tiên tìm ra
cách dùng từ “bệnh hoạn” với nghĩa chỉ “trạng thái tư tưởng không lành mạnh”, từ “mũi”
với nghĩa “bộ phận của cơ quan hô hấp, nhô ra trên mặt”…
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, bản chất xã hội của ngôn ngữ thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, ngôn ngữ ra đời nhằm mục đích phục vụ xã hội loài người với tư cách là
một phương tiện giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp, con người có sử dụng rất nhiều những
phương tiện khác nhau để trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc. Nhưng trong đó, ngôn ngữ là
phương tiện giao tiếp quan trọng yếu nhất không thể thay thế bởi các phương tiện giao tiếp
khác như tay, mắt, thái độ...
Thứ hai, ngôn ngữ thể hiện ý thức xã hội và mang tính qui ước. Ngôn ngữ phụ thuộc
vào môi trường xã hội. Ngôn ngữ hình thành do qui ước của cộng đồng nên không có
những tính chất di truyền như những đặc điểm về chủng tộc (màu da, màu mắt, ...). Khi
đứa trẻ sinh ra sẽ mang những đặc điểm di truyền từ bố mẹ, ông bà nhưng khi hình thành
khả năng ngôn ngữ thì không nhất thiết phải là tiếng mẹ đẻ. Tức là, những đứa trẻ, khi sinh
ra và lớn lên đến một độ tuổi nhất định (thường là 24 tháng) thì hình thành khả năng ngôn
ngữ. Ngôn ngữ hình thành đầu tiên gọi là tiếng mẹ đẻ. Thông thường tiếng mẹ đẻ cũng
chính là tiếng nói dân tộc của bố mẹ, cho nên có nhiều khi người ta vẫn đồng nhất tiếng
mẹ đẻ với tiếng dân tộc. Nhưng sự thật đứa trẻ không nhất thiết phải nói tiếng dân tộc.Ngôn
ngữ mẹ đẻ của đứa trẻ phụ thuộc vào môi trường ngôn ngữ. Do đó, tuỳ thuộc vào đứa trẻ
được sinh trưởng trong môi trường nào thì sử dụng ngôn ngữ ở môi trường đó.
Thứ ba, ngôn ngữ hình thành và phát triển trong lòng xã hội. Xét về điều kiện ra đời,
tồn tại và phát triển, ngôn ngữ luôn gắn liền với đời sống tập thể, sinh ra do nhu cầu lao
động, hợp tác và chiến đấu của đời sống tập thể.Ngôn ngữ chỉ mất đi khi tất cả con người
không sử dụng, không cần đến nó. Sẽ không có ngôn ngữ khi không có đời sống tập thể.
Ngôn ngữ chỉ sinh ra khi có sự tiếp xúc, giao tiếp giữa con người với nhau. Vì thế, đời sống
xã hội là điều kiện cần để ngôn ngữ ra đời và khi mới sinh, con người bị tách ra khỏi cộng
đồng sẽ không hình thành khả năng ngôn ngữ. Hơn thế, chính cộng đồng xã hội là mảnh
đất nuôi dưỡng ngôn ngữ phát triển. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu nói năng, nhu cầu
diễn đạt tư tưởng tình cảm ngày càng biến đổi. Sự biến đổi về nhu cầu diễn đạt dẫn đến sự
biến đổi về ngôn ngữ: Khi một yếu tố ngôn ngữ nào đó không thoả mãn được nhu cầu diễn
đạt tư tưởng tình cảm của con người thì người ta sẽ tìm cách làm cho ngôn ngữ biến đổi và
nhờ đó ngôn ngữ phát triển.
Như vậy, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Nó tồn tại trong xã hội với tư cách là
sản phẩm của tập thể đọng lại trong mỗi bộ óc của cá nhân, là của chung cho tất cả mọi
người, thống nhất cho tất cả mọi người nhưng lại phân phát cho từng cá nhân giữ gìn và
bảo quản. Nói một cách so sánh có hình ảnh, ngôn ngữ giống như một văn bản nhưng dược
sao chụp cho từng cá nhân. Mỗi cá nhân tiếp nhận được một văn bản ngôn ngữ từ môi
trường ngôn ngữ xung quanh thông qua hoạt động giao tiếp.
2. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt
Khẳng định ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đồng thời phải chỉ rõ vị trí
của ngôn ngữ giữa các hiện tượng xã hội khác.
Trong các hiện tượng xã hội, chủ nghĩa Mác phân biệt cơ sở hạ tầng và kiến trúc
thượng tầng. Cơ sở hạ tầng là toàn bộ quan hệ sản xuất của một xã hội ở giai đoạn phát
triển nào đó; kiến trúc thượng tầng là toàn bộ xã hội và các cơ quan tương ứng với cơ sở
hạ tầng. Ngôn ngữ không thuộc kiến trúc thượng tầng, bởi vì:
- Thứ nhất, mỗi kiến trúc thượng tầng là sản phẩm của một cơ sở hạ tầng. Ngôn ngữ
không phải do cơ sở hạ tầng nào sinh ra. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của tập thể xã
hội được hình thành và bảo tồn qua các thời đại. Khi một cơ sở hạ tầng bị thủ tiêu thì kiến
trúc thượng tầng của nó cũng sụp đổ theo và thay thế vào đó là một kiến trúc thượng tầng
mới, ứng với một cơ sở hạ tầng mới nhưng ngôn ngữ không bị mất đi hoặc thay thế ngôn
ngữ này bằng ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ biến đổi liên tục, nhưng nó không tạo ra một ngôn
ngữ mới mà chỉ hoàn thiện cái đã có.
- Thứ hai, kiến trúc thượng tầng luôn luôn phục vụ cho một giai cấp nào đó, còn ngôn
ngữ không có tính giai cấp. Ngôn ngữ là tài sản chung của cộng đồng, của mọi giai cấp
trong xã hội. Ngôn ngữ là tiếng nói chung của mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi thành viên
trong một cộng đồng.
Mặc dù ngôn ngữ không mang tính giai cấp nhưng mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp trong
xã hội khi sử dụng ngôn ngữ luôn có ý thức thể hiện quan điểm, lập trường giai cấp của
mình, luôn “lợi dụng” ngôn ngữ để phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.

HƯỚNG DẪN TỰ HỌC


I. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CẦN NẮM
1. Chứng minh ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng sinh vật, di truyền,
hiện tượng tâm lí của mỗi cá nhân bằng những ví dụ cụ thể.
2. Khẳng định và chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó phục vụ xã hội với tư
cách là một phương tiện giao tiếp, thể hiện ý thức xã hội và tồn tại, phát triển gắn liền với
sự tồn tại, phát triển của xã hội.
3. Giải thích và chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội.
2. Tại sao nói ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt? Cho ví dụ.
3.Tìm trong tiếng Việt một số từ ngữ xuất hiện sau Cách mạng tháng Tám đến nay để
chứng tỏ sự xuất hiện của chúng gắn liền với sự phát triển xã hội và phục vụ xã hội. Qua
đó giải thích tác dụng của chúng đối với nhận thức và tư duy.

You might also like