Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 10

TUẦN 2- BÀI 2

BẢN CHẤT TÍN HIỆU CỦA NGÔN NGỮ


I. HỆ THỐNG VÀ CẤU TRÚC CỦA NGÔN NGỮ
1. Khái niệm về hệ thống và cấu trúc
1.1. Khái niệm về hệ thống
Hệ thống là tổng thể các yếu tố có quan hệ qua lại quy định lẫn nhau, tạo thành một
thể thống nhất. Không có các yếu tố thì không có các hệ thống và không có quan hệ. Ngược
lại, giữa các yếu tố không có quan hệ qua lại với nhau thì cũng không có hệ thống và do đó
cũng không tồn tại cái gọi là yếu tố của hệ thống mà chỉ là một tập hợp.
Ví dụ, một hệ thống gia đình gồm 3 yếu tố (A, B, C)
Nói đến hệ thống, cần phải có hai điều kiện:
- Tập hợp các yếu tố.
- Những mối quan hệ và liên hệ lẫn nhau giữa các yếu tố đó.
Ví dụ, trong hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư đường phố, những chiếc đèn
ba màu xanh, đỏ, vàng thay đổi nhau theo một thứ tự cố định:
xanh → vàng → đỏ
đỏ → vàng → xanh
vàng → xanh → vàng hoặc vàng → đỏ → vàng
Mỗi màu có một nội dung thông báo nhất định. Chúng ta nói các tín hiệu đèn giao thông
tạo thành một hệ thống vì chúng gồm nhiều yếu tố, các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau.
Ví dụ: một đống củi, một rổ khoai, một bao gạo ... Các tập hợp yếu tố trên không thể
trở thành hệ thống vì giữa các thanh củi, các củ khoai, các hạt gạo ... không có mối quan hệ
tất yếu nào.
1.2. Khái niệm về cấu trúc
Cấu trúc là tổng thể các mối quan hệ trong hệ thống, là phương thức tổ chức của hệ thống.
Trong ví dụ về hệ thống đèn chỉ huy giao thông ở các ngã tư đường phố nêu trên, quan
hệ giữa ba màu và trật tự giữa chúng chính là cấu trúc của nó.
Như vậy, cấu trúc chỉ là một thuộc tính cấu tạo hệ thống, nó có được trong hệ thống
chứ không ở ngoài hệ thống. Tức là, đã là một hệ thống thì phải có cấu trúc, cấu trúc là một
thuộc tính của hệ thống.
Khái niệm cấu trúc phản ánh hình thức sắp xếp của các yếu tố và tính chất của sự tác
động lẫn nhau của các mặt và các thuộc tính của chúng. Nhờ có cấu trúc mà chúng ta hiểu
được vì sao phẩm chất của hệ thống nói chung không giống với tổng số phẩm chất của các
yếu tố tạo thành.

1
Ngôn ngữ có đầy đủ tư cách là một hệ thống vì nó bao gồm nhiều yếu tố được tổ chức
sắp xếp và hoạt động tuân theo những quy tắc nhất định trong một chỉnh thể có mối quan hệ
chặt chẽ. Các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ chính là các đơn vị của ngôn ngữ.
1.3. Giá trị của yếu tố trong hệ thống
Trong hệ thống, mối quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố sẽ tạo cho mỗi yếu tố những
thuộc tính, những phẩm chất riêng. F.d. Saussure gọi chúng là “giá trị”. Giá trị của yếu tố sẽ
mất đi nếu tách yếu tố ra khỏi các quan hệ của nó, tách yếu tố ra khỏi hệ thống.“Giá trị của
bất cứ yếu tố nào cũng đều do những yếu tố xung quanh quy định” (F.d. Saussure).
Ví dụ: Nếu bộ cờ tướng mất đi một quân cờ, quân xe chẳng hạn, ta có thể lấy một viên
sỏi thay vào vị trí của quân xe. Lúc này viên sỏi có giá trị của một quân xe vì nó nằm trong
hệ thống các quân cờ, mang các mối quan hệ với các quân cờ khác như: tốt, pháo, mã,
tướng, sĩ, tượng. Nếu ta tách viên sỏi ra khỏi bàn cờ, viên sỏi không còn là quân xe nữa, nó
chỉ là một viên sỏi mà thôi.
Nguyên lý giá trị trên đúng cho tất cả các đơn vị ngôn ngữ, các hiện tượng ngôn ngữ.
Ví dụ: Ta có một đơn vị “a”. Vậy “a” có giá trị gì là tùy thuộc vào mối quan hệ giữa a
với các đơn vị trong hệ thống:
- a là một âm trong câu “Bé sẽ hát ” vì a quan hệ với âm “h” và “t” .
- a là một từ trong câu “A, mẹ về!” vì a quan hệ với các từ “mẹ”, “về”.
Qua ví dụ trên ta có thể thấy một thực thể nếu tham gia vào nhiều hệ thống sẽ có
những giá trị khác nhau.
2. Ngôn ngữ là một hệ thống
Ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp vì nó có nhiều loại đơn vị và nhiều kiểu quan hệ
giữa những đơn vị đó.
2.1. Các loại đơn vị chủ yếu của ngôn ngữ
2.1.1. Âm vị
Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, có chức năng phân biệt nghĩa, nhận diện từ.
Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất mà người ta phân biệt được trong chuỗi lời nói, ví dụ
các âm [a], [n], [f],…
Bản thân các âm vị được biểu hiện dưới vỏ vật chất âm thanh nên chúng có thể tác
động đến thính giác của con người, nhờ đó con người lĩnh hội được. Âm vị không biểu thị ý
nghĩa nhưng nó lại có tác dụng phân biệt nghĩa, nhận diện từ.Ví dụ từ “đàn” có âm thanh
khác với từ “bàn”. Sự đối lập giữa hai âm thanh này được tạo nên do sự đối lập giữa âm vị
/d/ và /b/. Nghĩa của hai từ này cũng khác hẳn nhau. Cái làm cho chúng ta phân biệt được
nghĩa của hai từ này là do có sự đối lập giữa hai âm vị /d/ và /b/ tạo nên.

2
Như vậy, âm vị là cấp độ, đơn vị âm cơ bản và nhỏ nhất có chức năng khu biệt nghĩa
của hệ thống ngôn ngữ. Bản thân âm vị không có nghĩa. Nó chỉ có chức năng tạo vỏ ngữ âm
của các đơn vị mang nghĩa.
2.1.2. Hình vị
Hình vị là đơn vị nhỏ nhất, có nghĩa.
Nếu tiếp tục chia nhỏ hình vị thì hoặc là không chia được (đối với hình vị được tạo ra
từ một âm vị)), hoặc có thể chia được thì các yếu tố nhận được sẽ mất nghĩa đi (ví dụ: ta →
t/a…).
Hình vị có chức năng cấu tạo từ và biểu thị ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp của từ.
Ví dụ, từ “xe đạp” trong tiếng Việt được tạo bởi hai hình vị là “xe” và “đạp”, kết hợp với
nhau theo quan hệ chính phụ.
2.1.3. Từ
Từ là đơn vị được tạo ra từ hình vị, có chức năng định danh và có khả năng độc lập
gánh vác các vai trò khác nhau trong câu.
Ví dụ: từ “bàn” được tạo ra từ một hình vị, từ “máy tính” được tạo ra từ hai hình vị.
Cả hai từ này đều biểu thị tên gọi của các sự vật khác nhau. Chúng có khả năng độc lập, đảm
nhiệm các chức năng ngữ pháp khác nhau trong câu như chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ
ngữ…
2.1.4. Câu
Câu là một chuỗi kết hợp của một hoặc nhiều từ theo quy tắc nhất định, có chức năng
thông báo.
Ví dụ: - Mưa!
- Hà xem ti vi…
Như vậy, các đơn vị của ngôn ngữ không chỉ gồm một loại. Căn cứ vào chức năng đảm
nhận của chúng trong hệ thống, người ta đã tách ra các đơn vị. Mỗi loại đơn vị đó lại làm
thành một tiểu hệ thống trong hệ thống lớn – hệ thống ngôn ngữ. Người ta gọi tiểu hệ thống
của ngôn ngữ là một cấp độ (vì các tiểu hệ thống đó có quan hệ chi phối nhau). Vậy ngôn
ngữ có các cấp độ: cấp độ câu, cấp độ từ, cấp độ hình vị, cấp độ âm vị).
2.2. Các kiểu quan hệ chủ yếu trong hệ thống ngôn ngữ
Các đơn vị của ngôn ngữ được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, bao gồm nhiều hệ
thống thuộc các cấp độ khác nhau. Yếu tố quy định sự sắp xếp và tổ chức đơn vị thành hệ
thống chính là các quan hệ nội bộ tồn tại trong hệ thống. Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm
hiểu ba loại quan hệ cơ bản trong ngôn ngữ.
2.2.1. Quan hệ ngữ đoạn (còn gọi là quan hệ tuyến tính, quan hệ ngang)

3
Quan hệ ngữ đoạn là quan hệ nối kết các đơn vị ngôn ngữ thành chuỗi khi ngôn ngữ đi
vào hoạt động. Giá trị của một yếu tố trong hệ thống được xác định trong mối quan hệ với
các yếu tố trước và sau nó.
Quan hệ ngữ đoạn liên kết các yếu tố lại để tạo thành những đơn vị lớn hơn: liên kết
các âm vị để tạo thành hình vị (b+ a+ g = bag), liên kết các hình vị để tạo thành từ (bag + s=
bags), liên kết từ để tạo thành câu (the new bag), liên kết câu tạo thành đoạn văn, liên kết các
đoạn văn tạo thành văn bản.
Quan hệ ngữ đoạn là quan hệ giữa các yếu tố, các đơn vị nối tiếp nhau trên trục nằm ngang
theo tuyến tính gọi là trục ngữ đoạn. Trên trục này chỉ có những đơn vị cùng loại (tức là các đơn
vị thuộc cùng một cấp độ) thì mới trực tiếp kết hợp được với nhau. Đó là một nguyên tắc. Ví dụ,
từ kết hợp với cụm từ chứ không thể kết hợp với câu hoặc hình vị của từ khác.
2.2.2. Quan hệ hệ hình (quan hệ liên tưởng, quan hệ dọc)
Quan hệ hệ hình là quan hệ giữa các yếu tố có thể thay thế được cho nhau trong một vị
trí của chuỗi lời nói. Tập hợp các yếu tố trong cùng một hệ hình (một vị trí) được gọi là một
hệ hình.
Ví dụ: Nhân dân Việt Nam rất anh hùng.
Ở vị trí “anh hùng” có thể thay bằng hàng loạt các yếu tố khác như: cần cù, thông
minh, sáng tạo, dũng cảm,…
Sự liên tưởng giữa các đơn vị ngôn ngữ có thể được tiến hành dựa trên quan hệ tương
đồng (nét giống nhau) hoặc tính tương phản (đối lập, trái nghĩa) chủ yếu và CĐBĐ (ý
nghĩa). Như vậy, quan hệ hệ hình dựa trên nội dung ý nghĩa (các đơn vị ngôn ngữ thay thế
nhau vẫn nằm trong đầu óc, trong trí tuệ của người sử dụng).
Quan hệ hệ hình cho phép người nói được quyền lựa chọn lấy yếu tố thích ứng trong
dãy liên tưởng có thể có. Tuy nhiên sự lựa chọn này còn tuỳ thuộc vào vị trí của ngôn ngữ
trong quan hệ ngữ đoạn. Vì vậy, mỗi một kết hợp, một phát ngôn được hình thành đều có sự
chi phối lẫn nhau và thống nhất với nhau giữa quan hệ ngữ đoạn và quan hệ hệ hình.
Ví dụ, câu thơ “Thằng bé lom khom nghé hát chèo” trong bài “Hội Tây” của Nguyễn
Khuyến, ở vị trí của từ nghé có thể xuất hiện các từ trông, xem…nhưng nghé được lựa chọn,
vì nó biểu thị ý tác giả muốn diễn tả cái lố bịch, lộn xộn của cảnh hội hè trong chế độ thực
dân phong kiến cũ.
2.2.3. Quan hệ cấp bậc (quan hệ đơn vị)
Quan hệ cấp bậc là quan hệ giữa các đơn vị ở các cấp độ khác nhau của hệ thống ngôn
ngữ. Quan hệ này thể hiện ở hai loại quan hệ: quan hệ bao hàm và quan hệ thành tố.

4
- Quan hệ bao hàm là quan hệ giữa các đơn vị cấp bậc cao với đơn vị cấp bậc thấp, đơn
vị cấp bậc cao bao giờ cũng hàm chứa các đơn vị cấp bậc thấp trong lòng của nó (câu bao
hàm từ, hình vị và âm vị, từ bao hàm hình vị và âm vị; hình vị bao hàm các âm vị).
- Nếu xét từ thấp lên cao, ta có quan hệ thành tố. Các đơn vị bậc thấp bao giờ cũng là
thành tố tạo nên các đơn vị cao hơn (âm vị là thành tố tạo nên hình vị; hình vị là thành tố tạo
nên từ; từ là thành tố tạo nên câu).
II. NGÔN NGỮ LÀ MỘT HỆ THỐNG TÍN HIỆU
1. Khái niệm tín hiệu
1.1. Tín hiệu là gì?
Trong đời sống của mình, loài người phát hiện, làm quen, xây dựng nhiều kiểu loại tín
hiệu khác nhau. Việc nghiên cứu toàn diện các loại tín hiệu đó là nhiệm vụ trung tâm của
khoa tín hiệu học.
Đã có nhiều quan điểm khác nhau và nhiều cách phân loại khác nhau đối với tín hiệu.
Để cho vấn đề trở nên đơn giản, chúng ta theo quan niệm của nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ,
Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến về tín hiệu như sau:
Tín hiệu là một sự vật (hoặc một thuộc tính vật chất, một hiện tượng) kích thích vào
giác quan của con người, làm cho người ta tri giác và lí giải được, suy diễn tới một cái gì đó
ngoài sự vật ấy.
(Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt – Nxb Giáo dục, 2003 – Tr20)
Ví dụ: Cái đèn đỏ trong bảng tín hiệu đèn giao thông đường bộ là một tín hiệu; bởi vì
khi nó hoạt động (sáng lên) ta nhìn thấy nó và suy diễn tới sự cấm đoán, không được đi qua
chỗ nào đó.
Tín hiệu trên gồm:
- Một đối tượng vật chất tác động vào thị giác: Màu đỏ của ánh sáng đèn.
- Một đối tượng khác con người suy diễn ra khi nhìn thấy ánh sáng đỏ của đèn: Dừng
lại.
Đối tượng vật chất của tín hiệu (màu đỏ ánh sáng đèn) được F. de Saussure gọi là cái
biểu hiện.
Đối tượng được thay thế (nội dung: dừng lại) là cái được biểu hiện.
Vậy tín hiệu là một thể thống nhất hai mặt: cái biểu hiện và cái được biểu hiện được F.
de Saussure vẽ thành sơ đồ sau:

5
1.2. Điều kiện của tín hiệu
Một sự vật sẽ là một tín hiệu nếu nó thoả mãn các yêu cầu sau:
- Tín hiệu phải có tính vật chất: Phải là sự vật hoặc thuộc tính vật chất được cảm nhận
qua giác quan của con người. Chẳng hạn: âm thanh, màu sắc, ánh sáng...Nói cách khác, tín
hiệu phải là vật chất, kích thích đến giác quan con người và con người cảm nhận được.
Những thuộc tính vật chất này được gọi là cái biểu hiện.
Ví dụ: đèn đỏ trong hệ thống đèn giao thông có nội dung: “dừng lại”. Đó là một tín
hiệu. Ngược lại màu đỏ của một chiếc áo hay của một chiếc phích không phải là tín hiệu vì
nó không gợi lên, không thay thế cho một nội dung, một vật nào cả. Trong nhận thức của
con người chiếc áo đỏ vẫn là chiếc áo đỏ, chiếc phích đỏ cũng chỉ là chiếc phích đỏ. Chúng
không có nội dung nên không thể là tín hiệu.
- Tín hiệu phải có nội dung và chủ thể lí giải: Phải đại diện, thay thế cho một cái gì đó,
gợi ra cái gì đó không phải là chính nó; tức là cái mà nó đại diện cho không trùng với chính
nó.
Ví dụ: Tín hiệu đèn đỏ báo hiệu nội dung cấm đi. Nội dung và bản thể vật chất của cái
đèn đỏ không hề trùng nhau. Nội dung tinh thần được gợi lên này được gọi là cái được biểu
hiện.
Mặt khác nó cũng sẽ chỉ là tín hiệu khi mối liên hệ giữa hình thức vật chất (cái biểu
hiện) với cái mà nó chỉ ra (CBĐ và CĐBĐ) được người ta nhận thức, lính hội và lí giải, tức
là người ta phải biết liên hội nó với cái gì. Chẳng hạn, tia sáng lọt qua khe cửa vào phòng
đối với đứa trẻ sơ sinh chưa phải là tín hiệu vì đứa trẻ chưa lí giải được cái gì về tia sáng,
mặc dù tia sáng vẫn kích thích tới cảm giác gây cho đứa trẻ những phản ứng nhất định.
Nhưng đối với đứa trẻ đã lớn hoặc người đã trưởng thành, tia sáng là tín hiệu bởi họ có thể
rút ra một ý nghĩa nào đó như: mặt trời mọc, có người mở cửa, trời đã sáng…
- Tín hiệu phải có tính hệ thống: sự vật đó phải nằm trong một hệ thống tín hiệu nhất
định để được xác định tư cách tín hiệu của mình cùng với các tín hiệu khác. Chẳng hạn, cái
đèn đỏ là một tín hiệu; thế nhưng nếu tách nó ra, đưa vào chùm đèn trang trí thì nó không

6
phải là tín hiệu nữa. Vì chỉ có nằm trong hệ thống tín hiệu đèn giao thông, nó mới có tư cách
tín hiệu, được xác định cùng với đèn xanh, đèn vàng nhờ sự đối lập quy ước với nhau.
Như vậy, tín hiệu mang tính tự giác được con người nhận thức và lí giải. Tín hiệu bao
giờ cũng có giá trị thông báo.
2. Bản chất tín hiệu của ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống nhưng khác biệt về cơ bản với các hệ thống vật chất khác.
Sự khác biệt này biểu hiện ở bản chất tín hiệu của hệ thống ngôn ngữ. Bản chất tín hiệu của
ngôn ngữ được thể hiện ở một số mặt sau đây:
2.1. Tính hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ
Tín hiệu ngôn ngữ là sự thống nhất giữa hai mặt: CBH và CĐBH. CBH của tín hiệu
ngôn ngữ là âm thanh (trên văn tự thì lại được kí hiệu thêm một lần nữa: âm thanh được biểu
thị bằng chữ viết), còn CĐBH của nó là ý nghĩa.
Ví dụ, tín hiệu “cây” trong tiếng Việt:
âm thanh: cây
cây ------------------------------------
ý nghĩa: loài thực vật có thân, lá, cành
CBH và CĐBH của tín hiệu ngôn ngữ gắn bó khăng khít, không thể tách rời (như hai
mặt của một tờ giấy: đã có mặt này là phải có mặt kia, không thể tách rời hai mặt ra thành
hai cá thể khác nhau).
2.2. Tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ
Quan hệ giữa CBH và CĐBH có tính chất quy ước được xã hội chấp nhận. Vì tính quy
ước này nên giữa chúng không cần có mối quan hệ tất yếu, không cần giải thích lí do. Ví dụ:
Khái niệm “Người đàn ông cùng cha mẹ sinh ra và sinh ra trước mình” trong tiếng Việt
được gọi là “anh trai”, trong tiếng Nga gọi là “δpam”, còn trong tiếng Anh là “brother”.
Khái niệm này được gọi bằng những âm thanh khác nhau hoàn toàn là do tính quy ước, do
thói quen của cộng đồng xã hội qui định chứ không thể giải thích lí do.
Hay trong ví dụ trên, bản thân âm cây không hề có mối liên hệ bên trong nào, cũng
không có sự quy định, ràng buộc nào đối với cái ý nghĩa mà nó biểu hiện. Ngược lại cái ý
(khái niệm) loài thực vật có thân, lá...không hề tự mình quy định tên gọi cho mình, không hề
có tác động quyết định nào đối với áo khoác vật chất âm thanh của mình.
Dùng âm này hay âm kia để biểu thị nội dung (ý) này hay nội dung kia...tất cả đều do
thói quen, do quy ước của tập thể cộng đồng những người cùng sử dụng một ngôn ngữ. Nếu
quan hệ giữa CBĐ và CĐBĐ của tín hiệu ngôn ngữ là quan hệ có lí do quy định lẫn nhau thì
đã không có hiện tượng cùng một sự vật nhưng mỗi ngôn ngữ lại có cách gọi tên (định danh)
riêng) và trong một ngôn ngữ đã không có hiện tượng từ đồng âm, đồng nghĩa tồn tại.
7
Tuy nhiên, trong ngôn ngữ có các từ tượng thanh, các thán từ dường như là luận chứng
phản lại các nguyên lí về tính không lí do giữa CBĐ và CĐBĐ. Tuy nhiên, số lượng từ
tượng thanh và thán từ trong các ngôn ngữ chiếm tỉ lệ ít, chúng chỉ mô phỏng những đặc
trưng có tính khái quát, phụ thuộc vào ngôn ngữ của từng dân tộc…Mặt khác từ tượng thanh
và từ cảm thán cũng chỉ tương đối, gần đúng và trong các ngôn ngữ khác nhau đã tượng
thanh cùng một từ theo những cách ít nhiều khác nhau. Nhìn trên góc độ lịch sử và toàn thể,
những từ được coi là có lí do cũng sẽ lu mờ dần cái lí do ấy đi để nhận lấy tính chất của tín
hiệu ngôn ngữ nói chung, là vốn không có lí do.
Mặt biểu hiện của tín hiệu ngôn ngữ là âm thanh - là cái nghe được chứ không nhìn
thấy được. Nó “diễn ra trong thời gian và có những đặc điểm vốn là của thời gian” : Nó có
bề rộng và bề rộng đó chỉ có thể đo trên một chiều mà thôi” (F. de. Saussure).
Tính võ đoán là cơ bản, là quy luật tạo tín hiệu từ vựng cơ bản ban đầu. Càng về sau,
con người dựa vào các tín hiệu võ đoán ban đầu đó để tạo ra các tín hiệu khác theo các quy
tắc nhất định chứ không thể nào tự tiện võ đoán được. Chẳng hạn, các từ ghép chính phụ
trong tiếng Việt được tạo ra do quy luật kết hợp các hình vị có nghĩa và theo trật tự yếu tố
chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau (xe đạp, xe máy, máy bay, máy cày…).
2.3. Giá trị khu biệt của tín hiệu ngôn ngữ
Cái quan trọng của yếu tố trong hệ thống là sự khu biệt. Thuộc tính vật chất của mỗi tín
hiệu ngôn ngữ thể hiện ở những đặc trưng có khả năng phân biệt của nó.
3. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt
3.1. Tính phức tạp, nhiều tầng bậc
Hệ thống ngôn ngữ phức tạp ở chỗ nó bao gồm một số lượng đơn vị rất lớn, trong khi
những hệ thống tín hiệu nhân tạo chỉ bao gồm một số tương đối các tín hiệu đồng loại.
Chẳng hạn, hệ thống đèn giao thông chỉ bao gồm 3 yếu tố là đèn đỏ, đèn vàng, đèn xanh.
Bên cạnh tính đồng loại, các tín hiệu ngôn ngữ lại có tính khác loại: Các đơn vị của
ngôn ngữ thuộc nhiều cấp độ khác nhau; các đơn vị thuộc các cấp độ khác nhau có quan hệ
cấp bậc (quan hệ đơn vị), tức là đơn vị cấp thấp nằm trong các đơn vị cấp cao, các đơn vị
cấp cao bao hàm các đơn vị cấp thấp theo quan hệ bao hàm và các quan hệ thành tố.
Vì các tín hiệu ngôn ngữ bao gồm nhiều tín hiệu thuộc các cấp độ khác nhau nên hệ
thống ngôn ngữ là một hệ thống của nhiều hệ thống: hệ thống âm vị, hệ thống hình vị, hệ
thống từ vựng, hệ thống câu. Đến lượt mình, các hệ thống đó lại gồm các hệ thống con khác
trong lòng hệ thống của mình. Ví dụ, hệ thống âm vị lại có thể chia ra hệ thống nguyên âm
và hệ thống phụ âm…
3.2. Tính đa trị của tín hiệu ngôn ngữ

8
Trong hệ thống tín hiệu khác, mỗi CBH chỉ tương ứng với một CĐBH, tức là mối quan
hệ giữa CBĐ và CĐBĐ có tính chất đơn trị. Còn trong ngôn ngữ, có khi một CBH tương
ứng với nhiều CĐBH khác nhau (từ đa nghĩa và từ đồng âm), hoặc có khi một CĐBH tương
ứng với nhiều CBH khác nhau (từ đồng nghĩa).
Ngoài chức năng truyền tin, tín hiệu ngôn ngữ còn có nhiều chức năng khác như chức
năng biểu thị khái niệm, chức năng biểu cảm và chức năng tổ chức các tín hiệu trong hệ
thống ngôn ngữ (do chức năng giao tiếp và tư duy của ngôn ngữ đòi hỏi).
3.3. Tính hình tuyến của tín hiệu ngôn ngữ
CBH của tín hiệu ngôn ngữ là âm thanh. Khi tín hiệu ngôn ngữ đi vào hoạt động,
chúng hiện ra lần lượt nối tiếp nhau thành một chuỗi liên tục trên trục thời gian theo trật tự
trước sau. Trục này có tính một chiều. Điều này làm cho tín hiệu ngôn ngữ phân biệt với các
tín hiệu khác.
3.4. Tính năng sản của tín hiệu ngôn ngữ
Khác với các loại tín hiệu, tín hiệu ngôn ngữ có thể tạo ra các tín hiệu mới cho hệ
thống của mình từ các tín hiệu đã có. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ các từ đơn người Việt
đã sử dụng phương thức ghép để tạo ra các từ ghép và dùng phương thức láy để tạo ra các từ
láy…
3.5.Tính độc lập tương đối của ngôn ngữ: các hệ thống nhân tạo khác thường được sáng
tạo theo sự thoả thuận của một số người, do đó hoàn toàn thay đổi theo ý muốn của con
người. Ngôn ngữ có tính chất xã hội, có quy luật phát triển nội tại của mình, không lệ thuộc
vào ý muốn của cá nhân. Tuy nhiên bằng những chính sách cụ thể, con người vẫn tạo điều
kiện cho ngôn ngữ phát triển theo những hướng nhất định.
3.6. Giá trị đồng đại và lịch đại của ngôn ngữ: các hệ thống tín hiệu nhân tạo chỉ có giá trị
đồng đại, tức là được sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu nào đó của con người trong một giai
đoạn nhất định. Ngôn ngữ vừa có giá trị đồng đại vừa có giá trị lịch đại. Bất cứ ngôn ngữ
nào cũng là sản phẩm của quá khứ để lại. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp và tư
duy của những người cùng thời mà còn là phương tiện giao tiếp và tư duy của những người
thuộc các thời đại khác nhau, các giai đoạn lịch sử khác nhau.
HƯỚNG DẪN TỰ HỌC
I. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CẦN NẮM
1. Hệ thống và cấu trúc của ngôn ngữ
- Khái niệm về hệ thống và cấu trúc
- Các loại đơn vị chủ yếu của ngôn ngữ
2. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu
- Khái niệm tín hiệu
9
- Bản chất tín hiệu của ngôn ngữ: tính hai mặt; tính võ đoán; giá trị khu biệt của tín
hiệu ngôn ngữ.
- Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt
3. Các kiểu quan hệ chủ yếu trong hệ thống ngôn ngữ: quan hệ ngữ đoạn; quan hệ hệ hình;
quan hệ cấp bậc
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Thế nào là hệ thống và cấu trúc? Tại sao nói cấu trúc là một thuộc tính của hệ thống?
2. Tại sao nói ngôn ngữ là một hệ thống?
3. Thế nào là tín hiệu? Chứng minh ngôn ngữ mang bản chất tín hiệu.
4. Tại sao nói ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt?
5. Hãy tìm trong thực tế cuộc sống một vài hệ thống có đặc điểm giống như hệ thống ngôn
ngữ được tổ chức theo nguyên tắc bộ phận lớn được cấu tạo từ những bộ phận (hay yếu tố)
nhỏ hơn. Phân tích các đơn vị và cấu trúc của hệ thống đó.
7. Cho một số tín hiệu sau đây:
Mai (tên riêng), cô, nhưng, xinh, thông minh, không.
Hãy xác lập các ngữ đoạn có thể thiết lập.
8. Có ngữ đoạn sau:
Cô Mai xinh nhưng không thông minh.
Hãy:
a) Tìm các yếu tố đồng nghĩa lập thành hệ hình với “xinh” và “thông minh”.
b) So sánh và miêu tả sự khác nhau về sắc thái nghĩa khi thay đổi bằng các yếu tố đồng
nghĩa.
9. Cho các từ: ăn, chết, đỏ, mà
Hãy:
- Tìm các chức năng tín hiệu của từng từ.
- Tìm các từ đồng nghĩa và phân biệt giữa chúng với nhau.
- Trên cơ sở các tín hiệu đó và các tín hiệu khác trong tiếng Việt, tìm các tín hiệu mới
được tạo ra từ chúng.

10

You might also like