Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 6

TUẦN 14 - BÀI 14

CÁC NGÔN NGỮ TRÊN THẾ GIỚI VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI

I. PHÂN LOẠI CÁC NGÔN NGỮ THEO NGUỒN GỐC


1. Cơ sở phân loại các ngôn ngữ theo nguồn gốc
Việc phân loại các ngôn ngữ theo cội nguồn dựa trên những cơ sở chính sau đây:
- Trong lịch sử có những ngôn ngữ mà vì một lí do nào đó đã bị chia tách ra thành
nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ bị chia tách đó thường được gọi là ngôn ngữ mẹ hay
ngôn ngữ cơ sở. Như vậy về nguyên tắc, có thể tìm ngược dòng thời gian lịch sử của những
ngôn ngữ được giả định là vốn cùng “sinh ra” từ một ngôn ngữ mẹ, để quy chúng vào
những nhóm, những chi, những ngành, những dòng...khác nhau, tuỳ theo mức độ thân
thuộc nhiều hay ít.
Trong ngôn ngữ học người ta dùng thuật ngữ “họ ngôn ngữ” hay “ngữ hệ” để chỉ
tập hợp các ngôn ngữ có chung một gốc cổ xưa nhất. A. Mâyê viết: “Hai ngôn ngữ được
gọi là thân thuộc khi cả hai đều là kết quả của hai sự tiến hoá khác nhau của cùng một ngôn
ngữ đã được dùng trước đây. Toàn bộ các ngôn ngữ thân thuộc tạo nên cái gọi là họ ngôn
ngữ ”. Trong một họ, các ngôn ngữ có chung một gốc trực tiếp hơn gọi là dòng; trong một
dòng, các ngôn ngữ có chung một gốc trực tiếp hơn nữa gọi là nhánh…Cứ như vậy, mỗi
họ ngôn ngữ có thể bao gồm nhiều dòng; mỗi dòng bao gồm nhiều nhánh; mỗi nhánh gồm
nhiều chi... rồi đến các ngôn ngữ cụ thể. Việc phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc liên quan
trực tiếp đến lịch sử các ngôn ngữ và lịch sử của các dân tộc nói các ngôn ngữ đó.
Ví dụ: Việt Nam, có thể quy tiếng Việt và tiếng Mường vào một nhóm gọi là nhóm
các ngôn ngữ Việt – Mường cùng với các thứ tiếng: tiếng Chứt, tiếng Nguồn...
- Ba mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ và các tiểu hệ thống của nó biến
đổi không đồng đều, có những mặt, những yếu tố, những bộ phận được bảo tồn rất lâu;
nhưng cũng có những yếu tố, những bộ phận đã biến đổi với những mức độ khác nhau.
- Cơ sở ngữ âm: Sự biến đổi ngữ âm không phải là những biến đổi hỗn loạn mà
thường có lí do, có quy luật và theo hệ thống.
Ví dụ: tiếng Việt cổ có âm (ml); hiện nay ở tất cả mọi trường hợp âm này đã biến
đổi thành âm (nh) ở Bắc Bộ và âm (l) ở Bắc Trung Bộ và Nam Bộ.
- Cơ sở từ vựng - ngữ nghĩa: cơ sở quan trọng nhất là lớp từ vựng cơ bản - lớp từ đã
hình thành từ xa xưa, biểu hiện những nội dung, những đối tượng, những khái niệm thiết
yếu nhất trong cuộc sống con người. Ví dụ: các từ gọi tên các bộ phận cơ thể, các từ chỉ
hoạt động thường xuyên của con người, các từ chỉ người trong gia đình, chỉ các vật thể và
các hiện tượng thiên nhiên, các từ chỉ các con vật…
Hay nói cách khác cơ sở quan trọng nhất là tính võ đoán trong quan hệ ngữ âm với
ý nghĩa. Ví dụ giữa khái niệm cây và âm cây trong tiếng Việt không có mối quan hệ tự
nhiên nào quy định lẫn nhau. Vì vậy, nếu hai, ba ngôn ngữ mà không có quan hệ gì với
nhau về cội nguồn thì để gọi tên cùng một vật, hiện tượng chúng thường có những từ khác
nhau. (tree, cat, dog của tiếng Anh với từ cây, mèo, chó của tiếng Việt là như vậy).
Như vậy, có thể giả định rằng: những từ gần gũi nhau về âm thanh, có liên quan
hoặc gắn bó với nhau ở ý nghĩa thường bắt nguồn từ một gốc nào đó.
Ví dụ: Trong các tiếng Việt, Mường, Chứt, Môn, Khmer
Việt Mường Chứt Môn Khmer
một mộc môch mual muôi
ba pa pa pi bây
nước đak đak dak tuk
tay thai si tai dây
đầu tlôk kulôk kduk kbal
Cần tránh dựa vào các từ cảm thán, từ tượng thanh (dễ có sự trùng âm ngẫu nhiên vì
các từ này đều cấu tạo theo nguyên tắc mô phỏng), các thuật ngữ khoa học, những từ biểu thị
những khái niệm về cuộc sống văn minh, hiện đại (các từ này do vay mượn nên rất dễ giống
nhau).
- Cơ sở ngữ pháp: Các hiện tượng ngữ pháp, các phạm trù ngữ pháp, các hình thức
ngữ pháp…Những sự tương ứng về ngữ pháp rất có giá trị để xác định quan hệ nguồn gốc
vì lĩnh vực ngữ pháp thường ổn định, có tính bảo thủ và các ngôn ngữ ít có sự vay mượn
về ngữ pháp. Ví dụ, tiếng Anh, tiếng Đức có họ hàng gần gũi nhau nên có những sự tương
ứng về hình thức ngữ pháp như:
Tiếng Anh Tiếng Đức
Sing – sang – sung sing – sang – gesungen
Drink – drank – drunk trink – trank – getrunken
Sink – srank – srunk sink – srank gesunken
/i/ - // - // /i/ - /a/ - /u/
2. Phương pháp so sánh – lịch sử
- Để phát hiện ra sự thân thuộc giữa các ngôn ngữ người ta dùng phương pháp so
sánh - lịch sử. Nội dung của phương pháp này là so sánh các từ và các dạng thức của từ
tương tự nhau về ý nghĩa và âm thanh trong các ngôn ngữ khác nhau dựa vào tài liệu ngôn
ngữ sống cũng như những sự kiện, hiện tượng được ghi trên văn bia và thư tịch cổ.
- Phương pháp so sánh – lịch sử cũng rất chú trọng so sánh các hiện tượng ngữ âm
nhưng các hiện tượng ngữ âm được tìm hiểu thông qua việc so sánh các từ và các dạng
thức của từ.
- Sở dĩ gọi là phương pháp so sánh – lịch sử bởi vì phương pháp này dựa vào sự
diễn tiến lịch sử của các ngôn ngữ. Dù cùng xuất phát từ một ngôn ngữ gốc, mỗi ngôn ngữ
vẫn có những quy luật phát triển riêng tuỳ theo điều kiện xã hội – lịch sử của chúng. Vì
vậy, nội dung của phương pháp so sánh – lịch sử là qua việc so sánh tìm ra các quy luật
tương ứng về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp qua đó xác định quan hệ thân thuộc giữa các
ngôn ngữ.
Ví dụ:
So sánh từ vựng tiếng Việt và tiếng Mường.
Tiếng Việt Tiếng Mường
gà ca
gái cải
gạo cáo
gốc cốc
ba pa
bốn pốn
măng băng
muối bói...
So sánh từ vựng các tiếng Slavơ
Nghĩa Nga Bungari Ba Lan Tiệp
Nước Voda Voda Woda Voda
Biển More More Morze More
Đầu Golova Glava Glowa Hlava
100 sto sto Sto Sto
Khi đã xác lập được những thế tương ứng như trên, căn cứ vào quy luật biến đổi
ngữ âm, người ta tiến hành xác định xem dạng nào cổ hơn dạng nào, hay là chúng cùng bắt
nguồn từ một dạng khác cổ hơn. Từ đó có thể rút ra mức độ thân thuộc giữa các ngôn ngữ.
* Khi so sánh các ngôn ngữ cần lưu ý những điểm sau
- Cơ sở của việc so sánh là sự giống nhau của âm và nghĩa, nhưng có nhiều kiểu
giống nhau và nhiều nguyên nhân làm cho giống nhau:
+ Sự giống nhau có thể là kết quả của hiện tượng vay mượn từ vựng. Các từ vay
mượn không phản ánh quan hệ nguồn gốc giữa các ngôn ngữ. Cho nên khi so sánh cần
chọn lớp từ vựng cơ bản, từ vựng gốc của mỗi ngôn ngữ. Những từ này đảm bảo có từ lâu
đời, ngay trong ngôn ngữ gốc đã có. Đó là những từ chỉ họ hàng thân thuộc, số từ, đại từ,
những từ chỉ bộ phận thân thể con người, tên gọi của một số động vật, thực vật, công cụ
quen thuộc...
Mặt khác, sự giống nhau của các từ trong các ngôn ngữ cũng có thể chỉ là ngẫu
nhiên. Ví dụ: mata trong tiếng Mã Lai và mati trong tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là mắt.
Vì những hiện tượng trùng nhau như vậy chỉ là ngẫu nhiên, chúng rời rạc, lẻ tẻ, không
thành hệ thống. Một hiện tượng được coi là bằng chứng của quan hệ thân thuộc giữa các
ngôn ngữ khi nó được tìm thấy trong cả một loạt từ của nhiều ngôn ngữ.
- Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, phương pháp so sánh – lịch sử không đòi hỏi
các sự kiện được so sánh phải bắt buộc giống nhau hoàn toàn mà chỉ cần tương ứng nhau
một cách có quy luật.
Về mặt ngữ âm: không đòi hỏi các âm vị phải giống nhau hoàn toàn mà có thể có
một thuộc tính ngữ âm nào đó khác nhau trong khi các thuộc tính ngữ âm khác giống nhau.
Bởi vì, các âm vị trong quá trình phát triển lịch sử luôn thay đổi từ thuộc tính này sang
thuộc tính kia nhưng chỉ thay đổi một thuộc tính nào đó chứ không thể thay sang một âm
vị khác hẳn .
Qua bảng so sánh tiếng Việt và tiếng Mường ở trên, ta thấy có sự tương ứng giữa
g/k, m/b, p/b ở hàng loạt các từ cơ bản. Trong đó g và k đều là phụ âm gốc lưỡi (âm mạc)...
Về mặt ngữ nghĩa: Các từ có thể bị phân hoá theo quy luật đa nghĩa. Chẳng hạn
trong tiếng Slavơ, các từ gorod, grad, gród... có nghĩa là thành phố...
Như vậy, phương pháp so sánh - lịch sử không những xác định được nguồn gốc của
các ngôn ngữ mà còn xác định được quy luật phát triển lịch sử của chúng. Phương pháp so
sánh - lịch sử vừa xác định được bản chất chung giữa các ngôn ngữ thân thuộc vừa xác
định được đặc điểm riêng của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống các ngôn ngữ thân thuộc.
3. Kết quả của phân loại
Hiện này, các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều họ ngôn ngữ mà trong số đó có
những họ ngôn ngữ lớn thường hay được nhắc đến như:
- Họ Ấn - Âu. Họ này gồm các dòng chính như: dòng Ấn Độ, dòng Iran, dòng Bantíc,
dòng Slave, dòng Giécman, dòng Roman, dòng Hy Lạp...
- Họ Sêmít có các dòng chính như: dòng Sêmít, dòng Ai Cập, dòng Kusit, dòng Bécbe,
dòng Sát - Hamít...
- Họ Hán - Tạng có các dòng chính như: dòng Hán, dòngTạng - Miến, dòng Mèo -
Dao...
- Họ Nam phương có các dòng chính như: dòng Nam Thái, dòng Nam Á.Trong dòng
Nam Á có các nhánh: munđa, Nicôba, Nahali, Môn – Khmer...
- Họ Mã Lai - Đa Đảo có các dòng chính như: dòng Mã Lai, dòng Pôlinêdi...
- Các ngôn ngữ của thổ dân Châu Phi gồm: Các ngôn ngữ Bantu, các ngôn ngữ Bantôit
(đông), các ngôn ngữ Bantôit (trung tâm), các ngôn ngữ Bantôit (tây), các ngôn ngữ
Manđơ, các ngôn ngữ Gvinây, các ngôn ngữ Xongai, các ngôn ngữ Kanuritêđa, các ngôn
ngữ trung và đông Xudăng, các ngôn ngữ Kôcđôphăng, các ngôn ngữ Nilốt
- Các ngôn ngữ Bắc Mỹ: Gồm các thứ tiếng: Angonkin, Irôkedơ, Xiu, Natchêdơ-
Muxkôgơ ...
- Các ngôn ngữ trung Mỹ: Gồm các tiếng: Utoaxtec, Maija, Otômang, Chipcha, v.v...
- Các ngôn ngữ Nam Mỹ: Gồm các thứ tiếng:Tupi, Guarani, Kêchoa, Anavac,
Araukan v.v...
II. PHÂN LOẠI CÁC NGÔN NGỮ THEO LOẠI HÌNH
1. Cơ sở phân loại
Phân loại các ngôn ngữ theo loại hình là cách phân loại căn cứ vào cấu trúc và chức
năng của chúng. Kết quả phân loại cho ta loại hình ngôn ngữ.
Loại hình ngôn ngữ không phải là một ngôn ngữ cụ thể nào cũng không phải là một
tổng hoặc một tập hợp các ngôn ngữ mà là tổng thể của những đặc điểm hoặc thuộc tính
về cấu trúc và chức năng vốn có đối với một nhóm ngôn ngữ, là những đặc trưng bản chất
của các ngôn ngữ thuộc nhóm đó, phân biệt nhóm đó với các nhóm ngôn ngữ khác.
2. Phương pháp so sánh - loại hình
Phương pháp so sánh loại hình hướng vào hiện tại, vào hoạt động kết cấu của ngôn
ngữ. Nhiệm vụ trung tâm của phương pháp so sánh loại hình là tìm hiểu những cái giống
nhau và khác nhau trong kết cấu của hai hoặc nhiều ngôn ngữ.
Khi so sánh có thể xuất phát từ các mặt khác nhau của ngôn ngữ như ngữ âm, từ
vựng, ngữ pháp. Nhưng sự so sánh ngữ pháp có ý nghĩa quan trọng nhất, vì cấu trúc ngữ
pháp và vốn từ vựng cơ bản là cơ sở của các ngôn ngữ, tạo nên tính riêng biệt của chúng.
Ngữ pháp bao gồm từ pháp và cú pháp. Những đặc điểm về từ pháp không tách rời đặc
điểm về cú pháp. Cho nên trong so sánh loại hình, cấu trúc từ pháp có tầm quan trọng.
Bằng cách so sánh như vậy, người ta có thể rút ra được những thuộc tính phổ quát, những
thuộc tính riêng biệt và những thuộc tính loại hình ngôn ngữ.
Căn cứ vào những thuộc tính loại hình người ta chia các ngôn ngữ trên thế giới thành
các nhóm loại hình khác nhau (xem tiếp bài 15).
HƯỚNG DẪN TỰ HỌC
I. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CẦN NẮM
1. Cơ sở phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc.
2. Hiểu và giải thích được phương pháp so sánh – lich sử.
3. Cơ sở phân loại theo loại hình.
4. Hiểu và giải thích được phương pháp so sánh - loại hình.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Phân tích cơ sở phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc.
2. Anh/chị hiểu như thế nào về phương pháp so sánh – lich sử và cho ví dụ?
3. Phân tích cơ sở phân loại theo loại hình.
4. Anh/chị hiểu như thế nào về phương pháp so sánh - loại hình và cho ví dụ?
----------------------------------------------

You might also like