Giao Trinh Tổng Quan Về Atvslđ (Bản Cuối Cùng 9.9.2022)

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 244

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG ĐOÀN

TS. Vũ Văn Thú (Chủ biên)


TS. Đỗ Thị Lan Chi
ThS. Tô Xuân Quỳnh
ThS. Trương Thị Yến Nhi

TỔNG QUAN VỀ AN TOÀN,


VỆ SINH LAO ĐỘNG
(Giáo trình dùng cho đào tạo
ngành kỹ thuật Bảo hộ lao động)

Hà Nội - 2022
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU..............................................................................................................1
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH
LAO ĐỘNG.................................................................................................................2
1.1. Một số khái niệm cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động....................................2
1.1.1. An toàn, vệ sinh lao động...............................................................................2
1.1.2. Điều kiện lao động.........................................................................................4
1.1.3. Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong lao động.................................................8
1.1.4. Sự cố kỹ thuật mất an toàn, vệ sinh lao động.................................................8
1.2. Mục đích, ý nghĩa công tác an toàn, vệ sinh lao động.....................................9
1.2.1. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an
toàn, vệ sinh lao động...............................................................................................9
1.2.2. Mục đích của công tác an toàn, vệ sinh lao động.........................................10
1.2.3. Ý nghĩa của công tác an toàn, vệ sinh lao động...........................................10
1.3. Tính chất và nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động.....................11
1.3.1. Tính chất của công tác an toàn, vệ sinh lao động.........................................11
1.3.2. Nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động.........................................12
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1..............................................................................18
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 1....................................................................18
Chương 2. KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT...................19
2.1. Các khái niệm về an toàn lao động.................................................................19
2.1.1. An toàn lao động..........................................................................................19
2.1.2. Tai nạn lao động...........................................................................................19
2.1.3. Phân loại tai nạn lao động............................................................................20
2.1.4. Tần suất tai nạn lao động..............................................................................23
2.2. Các yếu tố nguy hiểm và nguyên nhân gây tai nạn lao động trong sản xuất. .25
2.2.1. Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất...........................................................25
2.2.2. Các nguyên nhân gây tai nạn lao động trong sản xuất.................................28
2.3. Các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động.......................................................30
2.3.1. Biện pháp che chắn an toàn..........................................................................30
2.3.2. Biện pháp sử dụng thiết bị, cơ cấu phòng ngừa...........................................32
2.3.3. Xây dựng nội quy và sử dụng tín hiệu, biển báo an toàn.............................34
2.3.4. Biện pháp đảm bảo khoảng cách và kích thước an toàn..............................36
2.3.5. Biện pháp cơ khí hoá, tự động hoá, điều khiển từ xa...................................37
2.3.6. Biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân...........................................39
2.3.7. Biện pháp thực hiện kiểm nghiệm dự phòng thiết bị...................................41
2.3.8. Biện pháp tổ chức bố trí khoa học nơi làm việc...........................................42
2.3.9. Biện pháp an toàn đối với bản thân người lao động.....................................45
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2..............................................................................48
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 2....................................................................48
Chương 3. KỸ THUẬT VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT.....................50
3.1. Khái niệm chung về vệ sinh lao động..............................................................50
3.1.1. Vệ sinh lao động...........................................................................................50
3.1.2. Tác hại nghề nghiệp và phân loại các tác hại nghề nghiệp..........................51
3.1.3. Các nguyên nhân phát sinh các tác hại nghề nghiệp....................................53
3.1.4. Bệnh nghề nghiệp.........................................................................................56
3.2. Các biện pháp kiểm soát tác hại nghề nghiệp................................................59
3.2.1. Kiểm soát các tác hại vật lý..........................................................................59
3.2.2. Kiểm soát các tác hại bụi và hóa học...........................................................90
3.2.3. Kiểm soát các tác hại sinh học...................................................................100
3.2.4. Kiểm soát các tác hại tâm, sinh lý học lao động........................................107
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 3............................................................................119
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 3..................................................................119
Chương 4. HOẠT ĐỘNG AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH
NGHIỆP..................................................................................................................121
4.1. Tổ chức bộ máy quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong
doanh nghiệp.........................................................................................................121
4.1.1. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động............................................................121
4.1.2. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động..............................................................124
4.1.3. Bộ phận y tế................................................................................................127
4.1.4. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên..................................................................129
4.1.5. Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động........................131
4.2. Các nội dung cơ bản của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh
nghiệp.....................................................................................................................133
4.2.1. Lập và thực hiện kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động............................133
4.2.2. Xây dựng và phổ biến nội quy, quy chế quản lý công tác an toàn, vệ sinh
lao động................................................................................................................136
4.2.3. Kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động.................................136
4.2.4. Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp...................................................................................................................139
4.2.5. Quản lý máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
vệ sinh lao động....................................................................................................149
4.2.6. Thực hiện chính sách, chế độ an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.....154
4.2.7. Giáo dục, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức phong trào an toàn, vệ sinh
lao động trong doanh nghiệp................................................................................160
4.2.8. Tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động...................161
4.2.9. Lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp
………………………………………..164
4.2.10. Quản lý vệ sinh lao
động……………………………………………....165
4.2.11. Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo hoạt động an toàn, vệ sinh lao động
trong doanh nghiệp...............................................................................................167
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 4............................................................................168
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 4..................................................................169
Chương 5. QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG............170
5.1. Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
.................................................................................................................................170
5.1.1. Lý luận chung quản lý nhà nước về An toàn và vệ sinh lao động.............170
5.1.2. Nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động........172
5.1.3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về An toàn, vệ sinh lao động....179
1

5.1.4. Cơ chế và nội dung phối hợp quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động....183
5.1.5. Chiến lược quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động......................................184
5.1.6. Xã hội hóa an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam......................................189
5.1.7. Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam.........200
5.2. Hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.........................................211
5.2.1. Khái quát hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động........................211
5.2.2. Những căn cứ để xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động........................................................................................................215
5.2.3. Những nội dung chính của Luật An toàn, vệ sinh lao động.......................218
5.3. Hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động.................................................220
5.3.1. Khái niệm về hệ thống quản lí An toàn, vệ sinh lao động.........................220
5.3.2. Sự cần thiết phải áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong
sản xuất.................................................................................................................222
5.3.3. Nội dung cơ bản của các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động........223
5.3.4. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001: 2018.........................................................228
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 5............................................................................233
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 5..................................................................233
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ATVSLĐ : An toàn, vệ sinh lao động
ATSKMT : An toàn, sức khỏe, môi trường
BNN : Bệnh nghề nghiệp
HTATVSLĐ : Hệ thống an toàn, vệ sinh lao động
ILO : International Labour Organization – Tổ chức Lao động Quốc tế
JISHA : Japan Industrial Safety and Health Association - Hiệp hội An
toàn và Sức khỏe Công nghiệp Nhật Bản
LĐTBXH : Lao động, thương binh và xã hội
MS : Management Systems - Hệ thống quản lý
NLĐ : Người lao động
NSDLĐ : Người sử dụng lao động
OSH : Occupational Safety and Health - An toàn, vệ sinh lao động
OSHMS : Occupational Safety and Health Management Systems - Hệ
thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
TNLĐ : Tai nạn lao động
TCVN : Tiêu chuẩn Việt Nam
QCVN : Quy chuẩn Việt Nam
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1. Danh mục các chấn thương để xác định loại tai nạn lao động nặng.......20
Bảng 3.1. Các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam................................58
Bảng 3.2. Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc............................................61
Bảng 3.3. Giá trị giới hạn cho phép theo nhiệt độ cầu ướt (WBGT)......................62
Bảng 3.4. Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc....................65
Bảng 3.5. Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại vị trí lao động ở các dải ốc ta....66
Bảng 3.6. Yêu cầu trang bị cá nhân bảo vệ thính lực..............................................67
Bảng 3.7. Giá trị trung bình của gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số ốcta.......70
Bảng 3.8. Giá trị trung bình của gia tốc và vận tốc hiệu chỉnh trong mỗi dải tần số
theo thời gian tiếp xúc.............................................................................71
Bảng 3.9. Mức cho phép gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số ốc ta..................72
Bảng 3.10. Bảng yêu cầu về độ rọi duy trì tối thiểu cho các phòng, khu vực làm việc...76
Bảng 3.11. Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép trong một năm...............82
Bảng 3.12. Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép theo suất liều tương
đương tính theo µSV/h............................................................................83
Bảng 3.13. Giá trị giới hạn cho phép suất liều tương đương cho phòng đặt thiết
bị phát bức xạ..........................................................................................83
Bảng 3.14. Giá trị giới hạn mức nhiễm xạ trên các bề mặt (1) (hạt/cm2/phút)........84
Bảng 3.15. Mức cho phép cường độ điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc.....88
Bảng 3.16. Mức tiếp xúc cho phép với điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc......88
Bảng 3.17. Mức cho phép đối với dòng điện cảm ứng và dòng điện tiếp xúc qua
cơ thể của điện từ trường tần số cao (1)....................................................89
Bảng 3.18. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi amiăng tại nơi làm việc. .91
Bảng 3.19. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi silic tại nơi làm việc.......92
Bảng 3.20. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi không chứa silic tại nơi
làm việc...................................................................................................92
Bảng 3.21. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi bông tại nơi làm việc......92
Bảng 3.22. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi than tại nơi làm việc.......93
Bảng 4.1: Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn, vệ sinh lao động..................................................................149
Bảng 5.1. Danh mục công ước của ILO Việt Nam đã phê chuẩn.........................214
1
DANH MỤC HÌNH VẼ
Hình 2.1. Một số hình ảnh minh hoạ về vùng nguy hiểm
Hình 2.2. Một số hình ảnh minh họa về che chắn bảo vệ
Hình 2.3. Một số hình ảnh minh họa về cơ cấu phòng ngừa
Hình 2.4. Một số biển báo, biển cấm
Hình 2.5. Một số hình ảnh minh họa vềphương tiện bảo vệ cá nhân
Hình 3.1. Mối quan hệ giữa tác hại môi trường với tác động về sức khỏe
Hình 3.2. Mối liên hệ giữa gánh nặng tâm thần và các mức độ thiết kế
1

LỜI NÓI ĐẦU


Giáo trình Tổng quan về an toàn, vệ sinh lao động được biên soạn phù hợp
với chương trình đào tạo ngành kỹ thuật Bảo hộ lao động của trường Đại học
Công đoàn. Giáo trình nhằm giới thiệu và trang bị cho người học tiếp cận đến
chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung trọng tâm của giáo trình bao
gồm những kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động; các nội dung triển khai
công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
và các nội dung quản lý về an toàn, vệ sinh lao động.
Giáo trình chia thành 5 chương. Chương I trình bày những vấn đề cơ bản
của công tác an toàn, vệ sinh lao động. Chương II trình bày về kỹ thuật an toàn lao
động trong sản xuất; các yếu tố nguy hiểm và và nguyên nhân gây tai nạn lao
động trong sản xuất; các biện pháp cơ bản về kỹ thuật an toàn lao động. Chương
III trình bày về kỹ thuật vệ sinh lao động; các biện pháp kiểm soát tác hại nghề
nghiệp. Chương IV trình bày về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động trong doanh
nghiệp. Chương V trình bày nội dung quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; trách
nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; hệ thống pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động và hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động.
Chương I, II và chương V do TS. Vũ Văn Thú và ThS. Trương Thị Yến Nhi
biên soạn. Chương III do TS. Vũ Văn Thú, TS. Đỗ Thị Lan Chi và ThS. Tô Xuân
Quỳnh biên soạn. Chương IV do TS. Vũ Văn Thú và TS. Đỗ Thị Lan Chi biên
soạn. Nhóm tác giả mong nhận được các ý kiến của bạn đọc về nội dung khoa
học cùng với hình thức trình bày để hoàn thiện giáo trình ngày càng tốt hơn trong
những lần tái bản. Mọi góp ý xin gửi về Khoa An toàn lao động và Sức khỏe
nghề nghiệp, trường Đại học Công đoàn, số 169 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội hoặc
qua email: thuvv@dhcd.edu.vn. Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc.
Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2022
Các tác giả
2

Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC AN TOÀN,
VỆ SINH LAO ĐỘNG
1.1. Một số khái niệm cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động
1.1.1. An toàn, vệ sinh lao động
Ở nước ta, hai thuật ngữ “Bảo hộ lao động” và “An toàn, vệ sinh lao động”
đang tồn tại và được sử dụng song song, có thể thay thế cho nhau trong nhiều
trường hợp, cả trong các văn bản pháp luật, cả trong thực tế hoạt động sản xuất và
đời sống. Từ những năm 50 của thế kỉ trước, thuật ngữ Bảo hộ lao động đã bắt đầu
được sử dụng ở Việt Nam và ngày càng được dùng rộng rãi trong văn bản pháp
luật, trong các tài liệu và trong thực tế cuộc sống. Đảng và Nhà nước đã ban hành
nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản pháp luật về bảo hộ lao động như “Điều lệ tạm
thời về Bảo hộ lao động” (tháng 12/1964), “Pháp lệnh Bảo hộ lao động” (tháng
9/1991). Trong chỉ thị số 132/CT ngày 13/3/1959 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng đã sử dụng thuật ngữ Bảo hộ lao động. Ngày 01/5/1971, Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập "Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ
lao động". Tháng 02/2005, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập "Hội
đồng Bảo hộ lao động quốc gia". Trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học,
trong công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành, các cơ sở, thuật ngữ Bảo hộ lao
động cũng được dùng một cách phổ biến.
Từ năm 1995, khi Bộ luật Lao động ra đời và có hiệu lực, thuật ngữ "An
toàn, vệ sinh lao động" bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Tên gọi "An toàn lao
động, vệ sinh lao động" được sử dụng chính thức cho tiêu đề của chương IX
trong Bộ luật Lao động. Luật “An toàn, vệ sinh lao động” đã được Quốc hội khóa
13 thông qua tại kỳ họp thứ IX (tháng 5 - 6/2015). Hiện nay, trong các văn bản
pháp luật cũng như trong thực tế thì thuật ngữ an toàn, vệ sinh lao động đã được
sử dụng thường xuyên. Đặc biệt trong giao dịch quốc tế, chúng ta thường sử dụng
thuật ngữ an toàn, vệ sinh lao động để phù hợp với cách sử dụng của Tổ chức
Lao động quốc tế (ILO) và của nhiều nước trên thế giới, xuất phát từ thuật ngữ
bằng tiếng Anh là "Occupational Safety and Health" và thường viết tắt là OSH.
3

Trong thực tế, chúng ta cũng thường gặp có trường hợp cùng một thuật ngữ
tiếng Anh, nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt lại có những nghĩa khác nhau. Ở
đây cũng vậy, cùng một thuật ngữ tiếng Anh là Occupational Safety and Health,
nhưng trong một số trường hợp, các nhà chuyên môn gọi là "An toàn và sức khỏe
nghề nghiệp" để phù hợp với từng hoàn cảnh và chủ đề cụ thể mà không có gì mâu
thuẫn với cách chuyển ngữ thứ nhất là "An toàn, vệ sinh lao động".
Như vậy là trong mấy chục năm qua kể từ ngày thành lập nước, hai thuật
ngữ Bảo hộ lao động và An toàn, vệ sinh lao động đều được sử dụng một cách
chính thức, phổ biến trong văn bản pháp luật, trong đời sống xã hội của nước ta
để nói về một công tác lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội với nội dung
chủ yếu là đảm bảo An toàn và vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện điều kiện lao
động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng và sức
khỏe cho người lao động. Hai thuật ngữ đó, trong quá trình phát triển của đất
nước và hội nhập quốc tế, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể và từng giai đoạn, đã được
sử dụng nhiều hay ít, phổ biến hay không, còn về bản chất, chúng đều được hiểu
một cách đầy đủ, cụ thể như sau:
Bảo hộ lao động (hay an toàn, vệ sinh lao động) là các hoạt động đồng bộ
trên các mặt pháp luật, tổ chức quản lý, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ
nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng
chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho con
người trong lao động.
Vào những thập niên giữa thế kỉ 20, khi yêu cầu tối thiểu cơ bản của người
lao động trước hết là phải không bị tai nạn, bệnh tật trong khi làm việc, thì mục
tiêu chính của an toàn, vệ sinh lao động là phải áp dụng ngay các biện pháp,
nhiều khi là bị động, để ngăn chặn tai nạn, bệnh tật, chứ chưa thể nghĩ đầy đủ đến
các giải pháp có hệ thống, chủ động kiểm soát nguy cơ gây ra tai nạn, bệnh tật
ngay từ đầu. Cùng với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, công tác
an toàn, vệ sinh lao động cũng chuyển dần từ đối phó, bị động sang thế chủ động
trong việc quản lý và kiểm soát các nguy cơ một cách có hệ thống, trong đó coi
trọng việc nâng cao văn hoá an toàn và ưu tiên biện pháp phòng ngừa. Những
4

năm cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, nhất là từ tháng 6 năm 2003, sau khi Hội
nghị Lao động quốc tế thông qua chiến lược toàn cầu về an toàn và vệ sinh lao
động và tiếp đó, sau khi có Hội nghị thượng đỉnh tại Đại hội thế giới về an toàn
và vệ sinh lao động lần thứ 18 ở Seoul - Hàn Quốc (2008) ra "Tuyên bố Seoul về
an toàn và sức khỏe trong lao động", vấn đề an toàn và vệ sinh lao động đã có
những bước phát triển mới, cả trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, phương
hướng phát triển, cả trong những biện pháp quản lý, kiểm soát các nguy cơ để bảo
đảm an toàn và aệ sinh lao động, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động.
Kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động bao gồm kỹ thuật an toàn lao động và kỹ
thuật vệ sinh lao động. Kỹ thuật an toàn lao động là giải pháp về mặt kỹ thuật để
phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra
thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Kỹ thuật vệ sinh
lao động là giải pháp về mặt kỹ thuật để phòng, chống tác động của yếu tố có hại
gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động. Nói
cách khác an toàn lao động chính là giải pháp kỹ thuật để không xảy ra tai nạn
trong quá trình lao động. Còn vệ sinh lao động là giải pháp kỹ thuật để giúp
người lao động không bị suy giảm sức khỏe, không bị bệnh liên quan đến ngành
nghề đang làm.
1.1.2. Điều kiện lao động
1.1.2.1. Điều kiện lao động
Điều kiện lao động là tổng hợp các nhân tố của môi trường sản xuất có ảnh
hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của người lao động. Khái niệm này bó
hẹp trong giới hạn các nhân tố của môi trường sản xuất, tức là chỉ trong quá trình
lao động của người lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của
con người ngày càng rõ hơn, ngày nay điều kiện lao động được hiểu là tổng hợp
các nhân tố của môi trường có tác động lên cơ thể con người trong quá trình lao
động sản xuất cũng như trong quá trình sinh hoạt của họ. Thực chất của điều kiện
lao động là tổng hợp của mọi nhân tố về tâm sinh lý, về vệ sinh phòng bệnh, về
thẩm mỹ, về tâm lý xã hội và điều kiện sống có liên quan với nhau, cùng tác động
5

lên cơ thể con người. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến khả
năng làm việc và sự phát triển về nhân cách của con người.
Có thể khái quát lại: Điều kiện lao động là tổng thể các yếu tố về tự nhiên,
xã hội, kinh tế, kỹ thuật được biểu hiện thông qua các công cụ và phương tiện lao
động, đối tượng lao động, quá trình công nghệ, môi trường lao động và sự sắp
xếp, bố trí chúng trong không gian và thời gian, sự tác động qua lại của chúng với
người lao động tại chỗ làm việc, tạo nên điều kiện lao động nhất định cho con
người trong quá trình lao động, tình trạng tâm lý của người lao động tại chỗ làm
việc cũng được coi như một yếu tố gắn liền với điều kiện lao động.
Tác động của các yếu tố thuộc điều kiện lao động được phân thành hai loại:
- Loại có tác động tích cực: tạo ra các điều kiện thuận lợi cho con người
trong quá trình lao động.
- Loại có tác động tiêu cực: tạo ra các điều kiện không thuận lợi, có khi
nguy hiểm, dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng làm việc của
con người trong lao động.
1.1.2.2. Phân nhóm các yếu tố điều kiện lao động
Theo nguồn gốc hình thành và sự ảnh hưởng của yếu tố điều kiện lao động
đến người lao động, điều kiện lao động được chia thành 5 nhóm yếu tố như sau:
a) Nhóm các yếu tố thuộc về vệ sinh, môi trường lao động: là các yếu tố tồn
tại trong môi trường không khí tại nơi làm việc, gây ra bởi các yếu tố công nghệ
của sản xuất, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên vùng miền của nơi làm việc,
tính chất của đối tượng lao động, cách thức tổ chức và phục vụ nơi làm việc. Bao
gồm các yếu tố:
- Điều kiện vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, sự di chuyển, bức xạ nhiệt và áp
suất không khí)
- Tiếng ồn, rung động, sóng siêu âm
- Độc hại trong sản xuất
- Tia bức xạ và trường điện từ cao
- Ánh sáng và chế độ chiếu sáng
- Điều kiện vệ sinh công nghiệp
6

b) Nhóm các yếu tố về tâm - sinh lý lao động: là những yếu tố hình thành
trong quá trình lao động có ảnh hưởng tác động đến trạng thái tâm sinh lý của
người lao động, bao gồm các yếu tố:
- Sự căng thẳng về thể lực
- Sự căng thẳng về thần kinh
- Nhịp độ lao động
- Trạng thái và tư thế lao động
- Tính đơn điệu trong lao động
c) Nhóm các yếu tố thuộc về thẩm mỹ của lao động: được tạo ra bởi sự sắp
xếp, bố trí không gian nơi làm việc có được khoa học, đẹp mắt hay không, bao
gồm:
- Bố trí không gian sản xuất và sự phù hợp với thẩm mỹ công nghiệp.
- Kiểu dáng và sự phù hợp của các trang thiết bị với tính thẩm mỹ cao.
- Âm nhạc, chức năng.
- Màu sắc
- Cây xanh và cảnh quan môi trường
d) Nhóm các yếu tố thuộc về tâm lý - xã hội: được tồn tại trong môi trường
giao tiếp giữa những người cùng làm việc với nhau. Cụ thể:
- Tâm lý cá nhân trong tập thể
- Quan hệ giữa các nhân viên với nhau và quan hệ giữa các nhân viên và
người quản lý
- Tiếng đồn, dư luận, mâu thuẫn và xung đột
- Bầu không khí trong tập thể
- Các chương trình thi đua, phát huy sáng kiến.
- Các vấn đề về khen thưởng và kỷ luật lao động.
- Văn hóa doanh nghiệp.
e) Nhóm các yếu tố thuộc về chế độ làm việc và nghỉ ngơi: là việc quy định
về độ dài thời gian làm việc, nghỉ ngơi của người lao động trong quá trình làm
việc như quy định về số giờ làm việc trong một ngày, số ngày làm việc trong
7

tuần, tháng, năm; tỷ lệ thời gian quy định cho nghỉ ngơi và nhu cầu cần thiết
ngày, ca làm việc. Cụ thể là:
- Sự luân phiên giữa làm việc và nghỉ giải lao.
- Độ dài thời gian nghỉ và hình thức nghỉ.
Sự phân chia thành năm nhóm như trên chỉ có ý nghĩa về học thuật, trên
thực tế chúng không tồn tại riêng rẽ và độc lập với nhau mà ngược lại, sự tồn tại
của chúng mang tính biện chứng. Chúng ảnh hưởng qua lại đan xen lẫn nhau. Bất
cứ một nghề hay một công việc nào cũng hiện diện đầy đủ năm nhóm yếu tố trên.
1.1.2.3. Cải thiện điều kiện lao động
Cải thiện điều kiện lao động là làm thế nào để đưa các yếu tố của điều kiện
lao động vào trạng thái tốt nhất, tối ưu nhất để chúng không gây ảnh hưởng xấu
đến người lao động và môi trường xung quanh. Ngược lại, chúng còn có tác động
thúc đẩy củng cố sức khoẻ, nâng cao khả năng làm việc của người lao động. Mục
đích của việc cải thiện điều kiện lao động là thông qua các biện pháp về khoa
học, kỹ thuật, tổ chức, hành chính, kinh tế xã hội để giảm thiểu hoặc loại trừ các
yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên điều kiện làm việc
thích nghi, thuận lợi và ngày càng cải thiện tốt hơn để phòng ngừa tai nạn lao
động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe và phát triển
lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động. Cải thiện các điều kiện lao động có
một ý nghĩa rất quan trọng trong tổ chức lao động khoa học, vì mục đích của tổ
chức lao động khoa học là nhằm đạt được kết quả lao động cao đồng thời đảm
bảo sức khỏe an toàn cho người lao động, phát triển toàn diện cho người lao
động. Điều kiện lao động thuận lợi sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện có hiệu quả
các quá trình lao động. Cải thiện điều kiện lao động còn nâng cao hứng thú trong
lao động; tạo điều kiện cho việc giáo dục tinh thần lao động cộng sản chủ nghĩa
cho con người. Cải thiện điều kiện lao động là một nhân tố quan trọng để nâng
cao năng suất lao động và bảo vệ sức khoẻ cho người lao động. Như vậy, chúng
ta có thể hiểu cải thiện điều kiện lao động là các biện pháp trực tiếp nhằm tạo ra
một hệ thống đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động hiệu quả và ổn định, và được
hiểu là một tập hợp các điều kiện nhằm tăng cường mức độ an toàn và vệ sinh
8

của tất cả các quá trình lao động nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro về tai nạn lao
động và bệnh nghề nghiệp.
1.1.3. Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong lao động
Trong một điều kiện lao động cụ thể, bao giờ cũng xuất hiện những yếu tố
vật chất có ảnh hưởng xấu, có hại và nguy hiểm, có nguy cơ gây ra tai nạn lao
động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Chúng ta gọi các yếu tố đó là
các yếu tố nguy hiểm và có hại.
1.1.3.1. Các yếu tố nguy hiểm
Là những yếu tố có trong môi trường lao động có thể gây chấn thương,
nguy hiểm cho người lao động và làm thiệt hại về tài sản, môi trường. Đó là các
bộ phận và cơ cấu chuyển động của máy thiết bị, nguy hiểm điện, nguy hiểm nổ,
nguy hiểm nhiệt, nguy hiểm do hóa chất công nghiệp.
Theo khoản 4, điều 3 Luật ATVSLĐ, định nghĩa: Yếu tố nguy hiểm là yếu
tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá
trình lao động.
1.1.3.2. Các yếu tố có hại
Là những yếu tố có trong môi trường lao động tác động xấu đến sức khỏe
của người lao động (điều kiện lao động không thuận lợi, vượt quá giới hạn của
quy chuẩn vệ sinh lao động cho phép) gây bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan
đến nghề nghiệp. Đó là vi khí hậu, tiếng ồn, rung động, phóng xạ, ánh sáng, bụi,
các chất, hơi, khí độc, các sinh vật có hại.
Theo khoản 5, điều 3 Luật ATVSLĐ, định nghĩa: Yếu tố có hại là yếu tố gây
bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động.
Việc xác định rõ nguồn gốc, mức độ và ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm
và có hại đối với con người để đề ra các biện pháp làm giảm, tiến đến loại
trừ/giảm thiểu các yếu tố đó, hay nói một cách khác là quản lý và kiểm soát chặt
chẽ, có hiệu quả các mối nguy nghề nghiệp đó là một trong những nội dung quan
trọng nhất để cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho
người lao động.
1.1.4. Sự cố kỹ thuật mất an toàn, vệ sinh lao động
9

Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động là sự cố xẩy ra trong quá
trình lao động, sản xuất làm hư hỏng máy, thiết bị, vật tư, chất vượt quá giới hạn
an toàn kỹ thuật cho phép, xảy ra trong quá trình lao động và gây thiệt hại hoặc
có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, tài sản và môi trường.
Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng là sự cố kỹ
thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động lớn, xảy ra trên diện rộng và vượt khả
năng ứng phó của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức, địa phương hoặc
liên quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương và gây thiệt hại lớn
hoặc khó kiểm soát cho con người, tài sản và môi trường.
1.2. Mục đích, ý nghĩa công tác an toàn, vệ sinh lao động
1.2.1. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
về an toàn, vệ sinh lao động
An toàn, vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và
Nhà nước, là một phần quan trọng, bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động thể hiện qua các quan điểm chính sau đây:
Một là: an toàn, vệ sinh lao động phải được thực hiện đồng thời với quá
trình tổ chức lao động, là yếu tố quan trọng để phát triển sản xuất. Công tác an
toàn, vệ sinh lao động phục vụ trực tiếp cho sản xuất và không thể tách rời sản
xuất. Bảo vệ tốt sức lao động của người sản xuất là một yếu tố rất quan trọng để
đẩy mạnh sản xuất phát triển.
Hai là: không ngừng cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp. Các cấp uỷ đảng trực tiếp lãnh đạo sản xuất cần đặc biệt
chú trọng việc đề phòng tai nạn lao động, phải có những biện pháp cụ thể đảm
bảo an toàn lao động, làm cho mọi người yên tâm và phấn khởi đẩy mạnh sản
xuất. Bảo đảm môi trường lao động, sinh hoạt cho con người ở các khu công
nghiệp, các đô thị, tạo thêm việc làm, cải thiện điều kiện lao động. Thực hiện tốt
những quy định về an toàn, vệ sinh lao động, giảm bớt lao động chân tay giản
đơn, nặng nhọc, độc hại. Thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng lao động đặc
10

thù và các chính sách đối với lao động đặc thù, phòng chống có hiệu quả các
bệnh nghề nghiệp.
Ba là: Cần tăng cường giáo dục cho công nhân ý thức tự bảo vệ an toàn
trong lao động, làm cho việc đề phòng tai nạn lao động thành công tác của quần
chúng thì mới có kết quả tốt.
Bốn là: Cần đề cao vai trò giám sát của công đoàn và quần chúng, cùng quần
chúng bàn bạc để thi hành những biện pháp cụ thể đảm bảo an toàn, vệ sinh lao
động.
Từ những quan điểm của Đảng và Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động,
quản lý Nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện thông qua
hệ thống các văn bản pháp luật, bao gồm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an
toàn, vệ sinh, quy phạm về quản lý và các chế độ cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu
đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người lao động trong hoạt động sản xuất.
1.2.2. Mục đích của công tác an toàn, vệ sinh lao động
Mục đích của công tác an toàn, vệ sinh lao động là thông qua các biện pháp
về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính, kinh tế - xã hội để loại trừ các yếu tố
nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên một điều kiện lao động tiện
nghi, thuận lợi và ngày càng được cải thiện tốt hơn để ngăn ngừa tai nạn lao động
và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt
hại khác đối với người lao động, nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính
mạng người lao động, trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất,
tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường và tăng thương hiệu, uy tín của doanh
nghiệp.
1.2.3. Ý nghĩa của công tác an toàn, vệ sinh lao động
An toàn, vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế xã hội lớn của Đảng và
Nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
của nước ta. Nó được phát triển trước hết vì yêu cầu tất yếu, khách quan của sản
xuất, của sự phát triển kinh tế, đồng thời nó cũng vì sức khỏe vì hạnh phúc của
con người nên nó mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân đạo sâu sắc, cụ thể:
11

- Thứ nhất, nói về ý nghĩa kinh tế: làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động
sẽ tạo ra điều kiện lao động tốt, do đó sẽ giảm được tai nạn lao động và bệnh
nghề nghiệp, vì vậy sẽ góp phần làm giảm được các chi phí để khắc phục hậu
quả, từ đó sẽ tăng được lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện lao động tốt sẽ giúp tăng
năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
- Thứ hai, về mặt chính trị, làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động là góp
phần bảo vệ người lao động vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát
triển. Bên cạnh đó việc chăm lo cải thiện điều kiện lao động sẽ góp phần củng cố
lòng tin của người lao động nói riêng và toàn xã hội nói chung vào đường lối của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Thứ ba, về mặt xã hội, rõ ràng ở đâu có sản xuất, công tác, có con người
làm việc thì ở đó phải tiến hành công tác an toàn, vệ sinh lao động. Bởi vậy an
toàn, vệ sinh lao động trước hết là phạm trù của sản xuất, gắn liền với sản xuất
nhằm bảo vệ yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất là người lao động.
Mặt khác, nhờ chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người lao động, mang lại hạnh phúc
cho bản thân và gia đình họ mà công tác an toàn, vệ sinh lao động có một hệ quả
xã hội và nhân đạo rất to lớn.
1.3. Tính chất và nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động
1.3.1. Tính chất của công tác an toàn, vệ sinh lao động
Để đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội như đã nêu, công tác an toàn, vệ sinh
lao động nhất thiết phải mang đầy đủ 3 tính chất: khoa học kỹ thuật, pháp luật và
quần chúng. Ba tính chất đó có một mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau,
hỗ trợ lẫn nhau.
An toàn, vệ sinh lao động mang tính chất khoa học kỹ thuật là vì mọi hoạt
động của nó để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại, phòng chống
tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều phải xuất phát từ những cơ sở khoa học
và bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Các hoạt động điều tra khảo sát, phân
tích điều kiện lao động, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm và có hại
đến cơ thể người lao động, các giải pháp xử lí ô nhiễm môi trường lao động, các
12

giải pháp kỹ thuật an toàn lao động, cho đến việc trang cấp, sử dụng và bảo quản
các dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân…đều là những hoạt động khoa học kỹ
thuật.
An toàn, vệ sinh lao động mang tính luật pháp thể hiện ở chỗ muốn cho các
giải pháp khoa học kỹ thuật, các biện pháp tổ chức và xã hội về an toàn, vệ sinh
lao động được thực hiện thì phải thể chế hoá chúng thành những luật lệ, chế độ
chính sách, tiêu chuẩn, qui định, hướng dẫn để buộc mọi cấp quản lý, mọi tổ chức
và cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện. Đồng thời phải tiến hành thanh tra kiểm
tra một cách thường xuyên, khen thưởng và xử phạt nghiêm minh và kịp thời thì
công tác an toàn, vệ sinh lao động mới được tôn trọng và có hiệu quả thiết thực.
An toàn, vệ sinh lao động mang tính quần chúng rộng rãi vì tất cả mọi
người, từ người sử dụng lao động đến người lao động đều là đối tượng cần được
bảo vệ, đồng thời họ cũng là chủ thể phải tham gia vào việc tự bảo vệ mình và
bảo vệ người khác. Mọi hoạt động của công tác an toàn, vệ sinh lao động chỉ có
kết quả khi mọi cấp quản lý, mọi người sử dụng lao động , đông đảo cán bộ khoa
học kỹ thuật và người công nhân, lao động biết tự giác và tích cực tham gia thực
hiện các luật lệ, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, qui định, biện pháp để cải thiện
điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. An toàn,
vệ sinh lao động là hoạt động hướng về cơ sở và vì con người, trước hết là người lao
động.
1.3.2. Nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động
Công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm những nội dung sau đây:
- Nội dung về khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động.
- Nội dung về xây dựng và thực hiện các luật pháp, chế độ chính sách, quy
chuẩn, tiêu chuẩn, qui định về an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức quản lý nhà
nước về an toàn, vệ sinh lao động.
- Nội dung về giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và vận động,
tổ chức phong trào quần chúng làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
a) Nội dung về khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động
13

Trong hệ thống các nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động thì nội
dung khoa học kỹ thuật chiếm một vị trí rất quan trọng, thông qua đó để giảm
thiểu, loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại, cải thiện điều kiện lao động. Khoa
học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động là lĩnh vực khoa học tổng hợp và liên
ngành, được hình thành và phát triển trên cơ sở kết hợp và sử dụng thành tựu của
nhiều ngành khoa học khác nhau từ khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hoá học, sinh
vật học…) khoa học kỹ thuật chuyên ngành (y học lao động, độc chất học, kỹ
thuật thông gió và điều hoà không khí, kỹ thuật ánh sáng, vật lý kiến trúc, âm
học, kỹ thuật điện, cơ ứng dụng, chế tạo máy, tự động hoá...) đến các ngành khoa
học về kinh tế và xã hội học (kinh tế lao động, luật học, xã hội học, tâm lý
học…). Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh
lao động rất rộng, song cũng rất cụ thể, gắn liền với điều kiện khí hậu, đặc điểm
thiên nhiên và con người cũng như điều kiện sản xuất và tình hình kinh tế của
mỗi nước.
Những nội dung chính của khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động bao
gồm các vấn đề về y học lao động, kỹ thuật vệ sinh, kỹ thuật an toàn và phương
tiện bảo vệ, cụ thể:
* Khoa học về y học lao động có nhiệm vụ đi sâu khảo sát, đánh giá các yếu
tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, công tác, nghiên cứu ảnh hưởng
của chúng đến cơ thể người lao động (thông qua sự phân tích các biến đổi về
chức năng sinh lý, sinh hoá, tâm sinh lý...). Từ đó khoa học y học lao động có
nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn giới hạn cho phép của các yếu tố có hại, nghiên
cứu đề ra các chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, đề xuất các biện pháp y sinh
học và các phương hướng cho các giải pháp để cải thiện điều kiện lao động và
đánh giá hiệu quả các giải pháp đó thông qua việc đánh giá các yếu tố và ảnh
hưởng đến sức khỏe người lao động so sánh trước và sau khi có giải pháp. Khoa
học y học lao động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe người lao
động, đề ra tiêu chuẩn và thực hiện việc khám tuyển, khám định kỳ, phát hiện
sớm các bệnh nghề nghiệp, khám và phân loại sức khỏe và đề xuất các biện pháp
để phòng ngừa và điều trị các bệnh nghề nghiệp.
14

* Các ngành khoa học về kỹ thuật vệ sinh như thông gió chống nóng và điều
hoà không khí, chống bụi và hơi khí độc, chống ồn và rung động, chống ảnh
hưởng của trường điện từ, chống phóng xạ, kỹ thuật chiếu sáng... là những lĩnh
vực khoa học chuyên ngành đi sâu nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ
thuật để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố có hại trong sản xuất, nhằm xử lí và cải
thiện môi trường lao động để được trong sạch và tiện nghi hơn, nhờ đó người lao
động làm việc dễ chịu, thoải mái và có năng suất cao hơn, tai nạn lao động và bệnh
nghề nghiệp cũng giảm đi. Mỗi một giải pháp kỹ thuật vệ sinh, phòng chống ô
nhiễm, cải thiện môi trường lao động cũng sẽ góp phần tích cực vào việc phòng
chống ô nhiễm cải thiện và bảo vệ môi trường.
* Kỹ thuật an toàn lao động là một hệ thống các biện pháp và phương tiện
về tổ chức và kỹ thuật nhằm bảo vệ người lao động khỏi tác động của các yếu tố
nguy hiểm gây tai nạn lao động. Để đạt được điều đó, khoa học về kỹ thuật an
toàn lao động cần đi sâu nghiên cứu đánh giá tình trạng an toàn của các thiết bị
và quá trình sản xuất; đề ra những yêu cầu an toàn cho người thiết kế, sử dụng
các thiết bị; thiết kế và chế tạo các thiết bị, cơ cấu an toàn, các bộ phận che chắn
để bảo vệ con người khi làm việc với những máy, thiết bị. Một trong những
nhiệm vụ rất quan trọng của kỹ thuật an toàn lao động là phải tiến hành nghiên
cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, qui định, chỉ dẫn, nội qui an toàn cho
từng thiết bị và qui trình công nghệ để buộc người lao động phải tuân theo trong
khi làm việc. Việc áp dụng các thành tựu mới của tự động hoá, điều khiển học để
thay thế thao tác của con người, cách ly người lao động khỏi những nơi nguy hiểm
và độc hại cũng là một phương hướng hết sức quan trọng của kỹ thuật an toàn lao
động. Quan điểm phòng ngừa trong an toàn, vệ sinh lao động được thể hiện bằng
việc phải chủ động loại trừ/giảm thiểu các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong
sản xuất ngay từ khâu thiết kế, thi công các công trình, dây chuyền sản xuất, các
máy, thiết bị là một quan điểm mới, tích cực, phù hợp với phương hướng của thời
đại chuyển từ ''kỹ thuật an toàn'' sang ''an toàn kỹ thuật''.
* Khoa học về các phương tiện bảo vệ người lao động ra đời với nhiệm vụ
nghiên cứu thiết kế, chế tạo những phương tiện bảo vệ tập thể hoặc cá nhân
15

người lao động để sử dụng trong sản xuất nhằm chống lại ảnh hưởng xấu của các
yếu tố nguy hiểm và có hại trong sản xuất, khi mà các biện pháp về kỹ thuật vệ
sinh lao động và kỹ thuật an toàn lao động vẫn không giải quyết được triệt để.
Ngày nay, trong rất nhiều ngành sản xuất, nhiều loại phương tiện bảo vệ cá nhân
ví dụ như mũ chống chấn thương sọ não; mặt nạ lọc hơi khí độc; các loại kính
bảo vệ mắt chống bức xạ có hại; quần áo chống nóng, chống độc, kháng áp; các
loại bao tay, dày, ủng cách điện, dây an toàn... là những phương tiện thiết yếu,
được coi như là những công cụ không thể thiếu được trong quá trình lao động.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ
thuật, nhiều ngành khoa học mới ra đời và đã được ứng dụng ngay có hiệu quả
vào an toàn, vệ sinh lao động. Các ngành khoa học về điện tử, điều khiển, kỹ
thuật tin học… đã được ứng dụng rộng rãi trong khi giải quyết các vấn đề về an
toàn, vệ sinh lao động. Ngành khoa học Ecgônômi đi sâu vào nghiên cứu mối
quan hệ giữa con người với thiết bị, máy móc, môi trường để sao cho con người
làm việc trong điều kiện tiện nghi và thuận lợi hơn, đã nhanh chóng trở thành một
ngành khoa học rất phát triển trong an toàn, vệ sinh lao động. Việc áp dụng các
thành tựu về Ecgônômi để nghiên cứu và đánh giá thiết bị, công cụ lao động, chỗ
làm việc, môi trường lao động và áp dụng các chỉ tiêu tâm sinh lý, Ecgônômi, các
dữ kiện nhân trắc người lao động để thiết kế công cụ, thiết bị, tổ chức chỗ làm
việc đã thực sự cải thiện rõ rệt điều kiện lao động, tăng các yếu tố thuận lợi, tiện
nghi và an toàn trong lao động, giảm nặng nhọc, tai nạn lao động và bệnh nghề
nghiệp cho người lao động.
Như vậy, nội dung khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động một mặt
được tiến hành để đưa ra các giải pháp khoa học kỹ thuật khác nhau ứng dụng
vào sản xuất nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động, mặt khác cũng rất quan trọng
là đưa ra những cơ sở khoa học làm luận cứ cho việc xây dựng các văn bản luật
pháp, chế độ chính sách, tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động. Điều này cũng nói
lên sự gắn bó giữa tính chất khoa học và tính chất pháp lý của công tác an toàn,
vệ sinh lao động.
16

b) Nội dung về xây dựng và thực hiện các văn bản luật pháp về an toàn, vệ
sinh lao động và tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Các văn bản luật pháp chế độ chính sách, tiêu chuẩn, qui định về an toàn, vệ
sinh lao động là sự thể hiện cụ thể đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng,
nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Các văn bản này được xây dựng
để điều chỉnh các mối quan hệ, xác định trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức
kinh tế - xã hội, người quản lý và người sử dụng lao động cũng như người lao
động trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đề ra những chuẩn mực, những qui
định buộc mọi người phải nhận thức và nghiêm chỉnh thực hiện.
Nói đến hoạt động luật pháp trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, chúng
ta cần hiểu một mặt đó là việc xây dựng và ban hành đủ các văn bản pháp luật, từ
dạng cơ bản chủ yếu nhất như luật hoặc pháp lệnh, các văn bản dưới luật như
nghị định, thông tư, chỉ thị đến các tiêu chuẩn, qui phạm, hướng dẫn, nội qui về
an toàn, vệ sinh lao động, mặt khác đó là việc làm sao cho mọi người nhận thức
đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản đó. Đồng thời phải tiến hành
thường xuyên và nghiêm túc việc thanh kiểm tra chấp hành luật pháp về an toàn,
vệ sinh lao động, tiến hành khen thưởng và xử phạt kịp thời. Cần tăng cường hơn
nữa vai trò quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đi đôi với phát huy
ngày càng mạnh vai trò tham gia của quần chúng vào công tác an toàn, vệ sinh
lao động. Về quản lý nhà nước trong công tác an toàn, vệ sinh lao động cần tập
trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Nhà nước chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản luật
pháp, chế độ chính sách, hướng dẫn, qui định về an toàn, vệ sinh lao động.
+ Với sự tham gia của các ngành, các cấp và Tổng Liên đoàn lao động Việt
Nam, nhà nước chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt chương trình quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân
sách nhà nước.
+ Thông qua các hệ thống thanh tra về an toàn, vệ sinh lao động, nhà nước
tiến hành các hoạt động thanh tra, xem xét khen thưởng và xử lý các vi phạm về an
toàn, vệ sinh lao động.
17

c) Nội dung về giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức vận
động quần chúng làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động
Muốn cho các biện pháp khoa học kỹ thuật cũng như các luật lệ, chế độ, qui
định về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện một cách có hiệu quả, điều quan
trọng là phải làm sao cho mọi người, từ các cán bộ quản lý, người sử dụng lao
động đến đông đảo người lao động nhận thức đầy đủ, thấy rõ nhiệm vụ và quyền
hạn của mình để tự giác thực hiện. Trong đó chúng ta cần đặc biệt quan tâm đối
với đông đảo người lao động vì họ vừa là mục tiêu, đối tượng vận động, lại vừa
là chủ thể của hoạt động sản xuất và an toàn, vệ sinh lao động. Họ có nhận thức
và tự giác thực hiện, biết tự bảo vệ mình thì mới hạn chế được tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp trong sản xuất. Nội dung công tác giáo dục, huấn luyện về an
toàn, vệ sinh lao động và tổ chức vận động quần chúng bao gồm những hoạt động
chủ yếu sau đây:
- Phải bằng mọi hình thức, tuyên truyền giáo dục cho người lao động nhận
thức được sự cần thiết phải bảo đảm an toàn trong sản xuất, phải phổ biến và
huấn luyện cho họ có những hiểu biết về an toàn, vệ sinh lao động để họ biết tự
bảo vệ mình. Trong các nội dung huấn luyện, cần đặc biệt coi trọng việc phổ biến
để họ quán triệt đầy đủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đặc biệt là cho họ
thấy nghĩa vụ và quyền lợi trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời
huấn luyện cho người lao động thành thạo tay nghề và nắm vững các yêu cầu về
kỹ thuật an toàn trong sản xuất, biết sử dụng thành thạo, bảo quản và sử dụng hợp
lý các phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Giáo dục ý thức lao động có kỉ luật, bảo đảm các nguyên tắc an toàn, thực
hiện nghiêm chỉnh tiêu chuẩn, qui định, nội qui an toàn, chống làm bừa, làm ẩu.
Vận động đông đảo quần chúng phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, tự
cải thiện điều kiện làm việc. Cần dấy lên một phong trào quần chúng sôi nổi, thi
đua làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động với những tên gọi, mục tiêu thiết
thực như ''Bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động'', ''Chiến dịch không có tai nạn
lao động'', ''An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn'', ''An toàn là bạn, tai nạn
là thù''…
18

- Tổ chức tốt hoạt động tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại chỗ làm
việc, tại từng cơ sở sản xuất, đơn vị công tác. Từng cơ sở phải xây dựng và củng
cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên, đưa mạng lưới này vào hoạt động một cách thiết
thực, có hiệu quả.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam, với vị trí và chức năng của mình, có một vai
trò rất quan trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, là người tổ chức, quản
lý và chỉ đạo hoạt động phong trào quần chúng làm an toàn, vệ sinh lao động.
Phong trào “Xanh, sạch, đẹp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” do Công đoàn
phát động đã được hưởng ứng rộng rãi trong cả nước.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1
1. Trình bày các khái niệm về an toàn ,vệ sinh lao động? Điều kiện lao động ?
2. Khái niệm về yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong sản xuất?
3. Mục đích, ý nghĩa của công tác an toàn, vệ sinh lao động?
4. Phương hướng công tác ATVSLĐ ở nước ta trong thời gian tới như thế nào?
5. Phân tích các tính chất của công tác an toàn, vệ sinh lao động?
6. Trình bày các nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 1
1. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2019), Tài liệu huấn luyện về an toàn lao
động, vệ sinh lao động, NXB Thanh niên, Hà Nội.
2. Hoàng Văn Bính (2010), Vệ sinh lao động, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
3. Trần Quang Khánh (2012), Bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn điện, NXB
Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
4. Nguyễn An Lương và các tác giả (2013), Bảo hộ lao động, NXB Lao động, Hà Nội.
5. Nguyễn An Lương (2013), “Những vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn, Khái
niệm và nội dung văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam”, Báo cáo chuyên
đề, Hà Nội.
6. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động.
7. Tạ Đăng Thuần (2020), Giáo trình An toàn lao động & Bảo vệ môi trường,
NXB Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
8. Vũ Quang Thọ (2011), Tập bài giảng Bảo hộ lao động, NXB Dân trí, Hà Nội.
19

Chương 2
KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT
Kỹ thuật an toàn lao động là hệ thống các biện pháp và phương tiện về tổ
chức kỹ thuật nhằm phòng ngừa sự tác động của các yếu tố nguy hiểm trong sản
xuất đối với người lao động. Để đạt được mục đích phòng ngừa tác động của các
yếu tố nguy hiểm trong sản xuất đối với người lao động, phải quán triệt các biện
pháp đó ngay từ khi thiết kế, xây dựng hoặc chế tạo các máy, thiết bị, các quá
trình công nghệ. Trong quá trình hoạt động sản xuất phải thực hiện đồng bộ các
biện pháp về tổ chức kỹ thuật, sử dụng các thiết bị an toàn và các thao tác làm
việc an toàn thích ứng. Tất cả các biện pháp đó được quy định cụ thể tại các quy
phạm, tiêu chuẩn và các văn bản khác về lĩnh vực kỹ thuật an toàn.
Nội dung kỹ thuật an toàn chủ yếu gồm những vấn đề sau đây:
- Xác định vùng nguy hiểm.
- Xác định các biện pháp an toàn về quản lý, tổ chức và thao tác đảm
bảo an toàn.
- Sử dụng các thiết bị an toàn thích ứng như: thiết bị che chắn, thiết bị
phòng ngừa, thiết bị tín hiệu, báo hiệu, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Cải tiến, hoàn thiện quy trình, nguyên lý hoạt động đảm bảo an toàn.
2.1. Các khái niệm về an toàn lao động
2.1.1. An toàn lao động
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy
hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong
quá trình lao động. Kỹ thuật an toàn lao động là hệ thống các biện pháp và
phương tiện về tổ chức và kỹ thuật nhằm phòng ngừa sự tác động của các yếu tố
nguy hiểm trong sản xuât đối với người lao động.
2.1.2. Tai nạn lao động
Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình trực tiếp hoặc liên quan
đến lao động, công tác do tác động đột ngột của các yếu tố nguy hiểm từ bên
ngoài, làm chết người hoặc làm tổn thương hay huỷ hoại chức năng hoạt động
bình thường của một bộ phận nào đó của cơ thể. Khi người lao động bị nhiễm
20

độc đột ngột với sự xâm nhập vào cơ thể một lượng lớn các chất độc, có thể gây
chết người ngay tức khắc hoặc huỷ hoại chức năng nào đó của cơ thể thì gọi là
nhiễm độc cấp tính và cũng được coi là tai nạn lao động. Tai nạn xảy ra đối với
người lao động trên đường từ nhà đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về nhà
theo một tuyến đường hợp lý nhất định cũng được coi là tai nạn lao động.
Theo khoản 8, điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động, định nghĩa: tai nạn lao
động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể
hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền
với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
2.1.3. Phân loại tai nạn lao động
Người ta phân tai nạn lao động ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao
động nặng và tai nạn lao động nhẹ. Việc phân loại tai nạn lao động như trên
thường căn cứ vào tình trạng thương tích hoặc số ngày phải nghỉ việc để điều trị
vết thương do tai nạn lao động.
a) Tai nạn lao động chết người
Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động
chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các
trường hợp sau đây:
- Chết tại nơi xảy ra tai nạn.
- Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu.
- Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai
nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y.
- Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường
hợp mất tích.
b) Tai nạn lao động nặng
Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai
nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong
những chấn thương được quy định tại bảng 2.1. (Phụ lục II ban hành kèm theo
Nghị định 39/2016/NĐ-CP).
Bảng 2.1. Danh mục các chấn thương để xác định loại tai nạn lao động nặng
21

Mã Mã
Tên chấn thương Tên chấn thương
số số
01 Đầu, mặt, cổ 03 Phần chi trên
Tổn thương xương, thần kinh,
Các chấn thương sọ não hở
01.1 03.1 mạch máu ảnh hưởng tới vận
hoặc kín
động của chi trên
Tổn thương phần mềm rộng khắp
01.2 Dập não 03.2
ở các chi trên
Tổn thương ở vai, cánh tay, bàn
01.3 Máu tụ trong sọ 03.3
tay, cổ tay làm hại đến các gân
Dập, gãy, vỡ nát các xương đòn,
01.4 Vỡ sọ 03.4 bả vai, cánh tay, cẳng tay, cổ tay,
bàn tay, đốt ngón tay
01.5 Bị lột da đầu 03.5 Trật, trẹo các khớp xương
01.6 Tổn thương đồng tử mắt 04 Phần chi dưới
Chấn thương ở các chi dưới gây
Vỡ và dập các xương cuốn tổn thương mạch máu, thần kinh,
01.7 04.1
của sọ xương ảnh hưởng tới vận động
của các chi dưới
01.8 Vỡ các xương hàm mặt 04.2 Bị thương rộng khắp ở chi dưới
Gãy và dập xương hông, khớp
Tổn thương phần mềm rộng
01.9 04.3 hông, đùi, đầu gối, ống, cổ chân,
ở mặt
bàn chân và các ngón
Bị thương vào cổ, tác hại đến
01.10 05 Bỏng
thanh quản và thực quản
02 Ngực, bụng 05.1 Bỏng độ 3;
Tổn thương lồng ngực tác hại
02.1 05.2 Bỏng do nhiệt rộng khắp độ 2,độ3
đến cơ quan bên trong
02.2 Hội chứng chèn ép trung thất 05.3 Bỏng nặng do hóa chất độ 2, độ 3
Dập lồng ngực hay lồng ngực
02.3 05.4 Bỏng điện nặng
bị ép nặng
02.4 Gãy xương sườn 05.5 Bị bỏng lạnh độ 3
22

Mã Mã
Tên chấn thương Tên chấn thương
số số
Tổn thương phần mềm rộng
02.5 05.6 Bị bỏng lạnh rộng khắp độ 2, độ 3
ở bụng
Bị thương và dập mạnh ở
Nhiễm độc các chất sau ở mức
02.6 bụng tác hại tới các cơ quan 06
độ nặng
bên trong
Oxit cacbon: bị ngất, mê sảng, rối
loạn dinh dưỡng của da, sưng
phổi, trạng thái trong người bàng
02.7 Thủng, vỡ tạng trong ổ bụng 06.1
hoàng, tâm lý mệt mỏi, uể oải, suy
giảm trí nhớ, có những biến đổi rõ
rệt trong bộ phận tuần hoàn
Oxit nitơ: hình thức sưng phổi
Đụng, dập, ảnh hưởng tới vận
02.8 06.2 hoàn toàn, biến chứng hoặc không
động của xương sống
biến chứng thành viêm phế quản
Hydro sunfua: kích thích mạnh,
02.9 Vỡ, trật xương sống 06.3 trạng thái động kinh, có thể sưng
phổi, mê sảng
Oxit cacbonic ở nồng độ cao:
ngừng thở, sau đó thở chậm chạp,
02.10 Vỡ xương chậu 06.4
chảy máu ở mũi, miệng và ruột,
suy nhược, ngất
Tổn thương xương chậu ảnh
Nhiễm độc cấp các loại hóa chất
02.11 hưởng lớn tới vận động của 06.5
bảo vệ thực vật
thân và chi dưới
Các loại hóa chất độc khác thuộc
02.12 Tổn thương cơ quan sinh dục 06.6
danh Mục phải khai báo, đăng ký

c) Tai nạn lao động nhẹ


23

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai
nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp nêu trên.
2.1.4. Tần suất tai nạn lao động
Để đánh giá tình hình tai nạn lao động, ngoài con số tuyệt đối thống kê
được, cần phải sử dụng cách so sánh tương đối thì mới đánh giá được mức độ tai
nạn lao động giữa các đơn vị, địa phương, ngành và quốc gia với nhau. Bởi vậy
cần phải xác định hệ số tần suất hoặc tần suất tai nạn lao động. Hiện nay có hai
cách tính như sau:
- Cách thứ 1: hệ số tần suất tai nạn lao động được xác định theo nguyên
tắc số người bị tai nạn lao động tính trên 1000 người lao động. Ta có công
thức sau đây:

Ở đây:
K: Là hệ số tần suất tai nạn lao động
n: Số người bị tai nạn lao động của một đơn vị, một ngành, một địa phương
hay cả nước thống kê được trong một khoảng thời gian nào đó (1 tháng, 1 quý, 6
tháng hay cả năm). Nếu n là số người bị chết vì tai nạn lao động thì lúc đó ta sẽ
có được K là hệ số tần suất tai nạn lao động chết người.
N: Tổng số người lao động tương ứng với địa điểm, thời gian của n.
Hệ số tần suất K là một số không thứ nguyên. Còn khi ta chỉ nói Tần suất tai
nạn lao động thì lúc đó tính bằng phần ngàn (‰). Ví dụ: Doanh nghiệp A có Hệ
số tần suất tai nạn lao động là 8,5 hay có Tần suất tai nạn lao động là 8,5 ‰.
Trong cách thứ nhất này, có một số nước hoặc trong một số trường hợp,
nhất là khi tính hệ số tần suất cho tai nạn lao động chết người, người ta đưa về
tính trên 100.000 người lao động. Trong trường hợp này công thức tính sẽ là:

Ở đây giá trị K sẽ lớn lên gấp 100 lần so với cách tính ở công thức 1.1
24

- Cách thứ 2: Hệ số tần suất được xác định theo nguyên tắc số người bị tai
nạn lao động tính trên 1 triệu giờ làm việc. Ta có công thức sau đây:

n và N: Như đã nêu ở công thức 1.1


T: Số giờ làm việc của một người lao động trong khoảng thời gian thống kê
số người bị tai nạn lao động n tương ứng.
Trong trường hợp tổng số người lao động N bao gồm nhiều nhóm người
(ví dụ có m nhóm) có giờ làm việc theo qui định khác nhau thì phải tính tổng
số giờ làm việc của từng nhóm (Ni x Ti) rồi mới cộng lại để có tổng số giờ làm
việc chung:
m
∑ N i xT ¿¿ i ¿¿ ¿¿ (2.4)
N x T = i=1
K: Hệ số tần suất tai nạn lao động tương ứng với n, N.
Theo thông tư số: 27/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ Lao
động Thương binh và Xã hội, tần suất tai nạn lao động làm căn cứ để được áp
dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp được tính theo công thức:
Ni x 1000
Ki =
Pi
Trong đó:
Ki là tần suất tai nạn lao động của năm i; N i là số lượt người bị tai nạn lao
động và số người chết vì tai nạn lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn
lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính từ ngày 01
tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 trong năm thứ i;
Pi là số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính từ ngày 01/01
đến hết ngày 31/12 trong năm thứ i.
2. Tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất
được tính như sau:
25

K1 + K2 + K3
Ktb =
3
Trong đó:
- Ktb là tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- K1 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất (năm thứ
nhất);
- K2 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ nhất (năm thứ
hai);
- K3 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ hai (năm thứ ba).
Pháp luật quy định khi xảy ra tai nạn lao động thì phải khai báo, điều tra, lập
biên bản và người sử dụng lao động phải thực hiện việc thống kê, báo cáo tai nạn lao
động định kỳ lên cấp quản lý có thẩm quyền (ở Việt Nam là ngành Lao động
Thương binh và Xã hội). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước ta có trách
nhiệm thống kê tai nạn lao động hàng năm trong cả nước. Việc thống kê tai nạn lao
động tốt có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không những giúp cho Nhà nước, các
cấp chính quyền biết được mức độ nghiêm trọng hay không của tình hình tai nạn lao
động, mà còn trực tiếp giúp cho các ngành, địa phương, cơ sở và đặc biệt là người
sử dụng lao động và người lao động biết được thực trạng tình hình và nguyên nhân
tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp khắc phục, phòng ngừa tai nạn lao động.
2.2. Các yếu tố nguy hiểm và nguyên nhân gây tai nạn lao động trong sản xuất
2.2.1. Các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất
2.2.1.1. Yếu tố nguy hiểm
Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử
vong cho con người trong quá trình lao động. Yếu tố nguy hiểm chính là yếu tố
gây ra các tai nạn lao động, làm mất an toàn lao động. Vì vậy, việc kiểm soát và
phòng chống yếu tố nguy hiểm là việc làm vô cùng cần thiết đối với công tác an
toàn vệ sinh lao động để giảm thiểu những tai nạn lao động, rủi ro sản xuất.
Yếu tố nguy hiểm có thể phân chia thành 5 nhóm cơ bản sau:
a. Nhóm yếu tố nguy hiểm cơ học
- Các bộ phận, cơ cấu truyền động (đai truyền, bánh răng, trục khuỷu…).
26

- Các bộ phận chuyển động quay với vận tốc lớn (đá mài, cưa đĩa, bánh đà,
máy li tâm, trục máy tiêu, máy khoan, trục cán ép).
- Các bộ phận chuyển động tịnh tiến (búa máy, mấy đột dập, đầu máy bào,
máy xọc, máy phay).
- Các mảnh dụng cụ, vật liệu gia công văng bắn (phoi, bụi vật liệu gia công
hoặc các mảnh dụng cụ gãy vỡ như: đá mài, dao cắt gọ, lưỡi cưa).
- Vật rơi từ trên cao, gãy sập đổ các kết cấu công trình.
- Trơn, trượt, ngã.
b. Nhóm yếu tố nguy hiểm về điện:
Điện giật, bỏng điện, chập cháy nổ do điện, sét đánh.
c. Nhóm yếu tố nguy hiểm về hóa chất:
Bao gồm nhiều loại dưới dạng thể rắn, lỏng, khí và hơi, chúng gây nhiễm
độc cấp tính (SO2, SO3, oxit cacbon: CO, CO2, oxit nitơ: NO2, hydrosunfua: H2S,
hóa chất bảo vệ thực vật và các loại hóa chất độc hại khác thuộc danh mục phải
khai báo, đăng ký) hoặc gây bỏng hóa chất (độ 2, độ 3).
d. Nhóm yếu tố nguy hiểm nổ:
Nổ hóa học (nổ cháy xăng dầu, khí đốt, thuốc nổ…); nổ vật lý (nổ nồi hơi,
bình khí nén).
e. Nhóm yếu tố nguy hiểm về nhiệt:
Bao gồm các môi chất truyền nhiệt ở thể hơi, khí,lỏng rắn gây bỏng (nóng,
lạnh), cháy (do ngọn lửa tia lửa của vật nung nóng - nấu chảy, tia lửa hàn).
2.2.1.2. Vùng nguy hiểm
Vùng nguy hiểm: là vùng tiếp xúc, làm việc của người lao động, trong đó
tồn tại các yếu tố nguy hiểm và tác động một cách thường xuyên có tính chu kỳ
hoặc bất ngờ, ngẫu nhiên gây tai nạn lao động cho người lao động nếu không có
các biện pháp phòng ngừa.
- Vùng nguy hiểm có thể gây chấn thương do cắt, cuốn kẹp, va đập như ở
các cơ cấu truyền động (vùng nằm giữa dây cáp, xích cuốn vào tang tời hay puli,
giữa hai bánh răng, giữa dây curoa và bánh đai, giữa hai trục cuốn của máy cán
ép), các bộ phận quay tròn với vận tốc cao như bánh mài, đĩa cưa, mâm kẹp máy
27

tiện, trục chính máy khoan…, các bộ phận chuyển động tịnh tiến theo phương
đứng hoặc ngang như búa máy, chày đột dập, đầu bào, lưỡi phay. Vùng nguy
hiểm do các mảnh dụng cụ hoặc vật liệu gia công văng bắn như: vỡ đá mài, gãy
răng cưa đĩa, mảnh vụn, phoi văng ra khi đập, chặt, khoan, tiện hoặc kim loại
nung nóng, nấu chảy bắn ra trong công nghệ rèn, đúc.
- Vùng nguy hiểm cháy nổ: là vùng xung quanh khu vực hàn (hàn điện, hàn
hơi), khu vực công nghệ nồi hơi, thiết bị áp lực,khu vực khai thác, bảo quản và sử
dụng các chất dễ cháy, nổ (xăng, dầu, thuốc nổ).
Yếu tố nguy hiểm cho phép nhận dạng và xác định chính xác mối nguy
hiểm, còn vùng nguy hiểm cho phép xác định phạm vi ảnh hưởng và tác động của
yếu tố nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong sản xuất có 3 đặc tính:
+ Cố định theo không gian, thời gian.
+ Thay đổi theo không gian, thời gian.
+ Yếu tố nguy hiểm có thể xuất hiện thường xuyên, chu kỳ hoặc bất ngờ.
Vùng nguy hiểm có thể xuất hiện một cách thường xuyên, chu kỳ hoặc bất
ngờ ví dụ như: vùng giữa khuôn và đầu búa máy, máy đột dập; vùng giữa các
trục cán, giữa vành tiếp xúc của các cặp bánh răng; khoảng không gian xung
quanh đường dây dẫn điện; khoảng không dưới các cần trục.
Yêu cầu an toàn khi xác định được vùng nguy hiểm trong sản xuất:
- Khoanh vùng được phạm vi vùng nguy hiểm.
- Có các biện pháp bao che, che chắn an toàn.
- Xây dựng nội quy an toàn khi làm việc trong vùng nguy hiểm.
Một số ví dụ về vùng nguy hiểm:
* Nơi làm việc của các cơ cấu truyền động: vùng nằm giữa dây cáp, xích
cuốn vào tang tời hay puli, giữa hai bánh răng, giữa dây curoa và bánh đai, giữa
hai trục cuốn của máy cán ép. Các bộ phận quay tròn với vận tốc cao như bánh
mài, đĩa cưa, mâm cặp máy tiện, trục chính máy khoan. Các bộ phận chuyển
động tịnh tiến theo phương đứng hoặc ngang như búa máy, chày đột dập, đầu
bào, lưỡi phay.
28

* Vùng nguy hiểm do các mảnh dụng cụ hoặc vật liệu gia công văng bắn:
như vùng vỡ đá mài, gãy răng cưa đĩa, mảnh vụn, phoi văng ra khi đập, chặt,
khoan, tiện hoặc kim loại nung nóng, nấu chảy bắn ra trong công nghệ rèn, đúc.
* Vùng nguy hiểm cháy nổ: xung quanh khu vực hàn (hàn điện, hàn hơi),
khu vực công nghệ nồi hơi, thiết bị áp lực, khu vực khai thác, bảo quản và sử
dụng các chất dễ cháy, nổ (xăng, dầu, thuốc nổ).
* Vùng nguy hiểm xung quanh khu vực sử dụng và bảo quản hoá chất độc.
* Vùng nguy hiểm xung quanh các nguồn điện hở, nguồn điện cao áp (dây
điện trần, máy biến áp...).
Trong lao động, việc nhận dạng và xác định chính xác các yếu tố nguy
hiểm và vùng nguy hiểm ngay từ đầu và đề ra biện pháp đề phòng ngay từ khi
thiết kế là biện pháp hữu hiệu để đề phòng tai nạn lao động.

Hình 2.1. Một số hình ảnh minh hoạ về vùng nguy hiểm
2.2.2. Các nguyên nhân gây tai nạn lao động trong sản xuất
2.2.2.1. Nhóm nguyên nhân kỹ thuật
+ Bản thân nguyên lý hoạt động làm việc của máy, thiết bị đã chứa đựng
các yếu tố nguy hiểm và tồn tại các vùng nguy hiểm.
+ Kết cấu máy, thiết bị không phù hợp với nhân trắc người Việt Nam.
+ Độ bền cơ, lý, hoá của kết cấu chi tiết máy không đảm bảo.
+ Thiếu các thiết bị, cơ cấu che chắn an toàn.
29

+ Thiếu các cơ cấu phòng ngừa quá tải: phanh hãm, khoá liên động, thiết bị
khống chế hành trình; van an toàn, áp kế, nhiệt kế, ống thuỷ.
+ Không thực hiện nghiêm túc các quy định an toàn trong vận hành, sử
dụng máy, thiết bị (không kiểm nghiệm thiết bị áp lực trước khi sử dụng, không
tiến hành thử tải đối với các máy búa khí nén khi làm việc; cẩu và vận chuyển vật
nặng quá tải trọng cho phép của pa lăng, cẩu trục).
+ Thiếu phương tiện cơ giới hoá hoặc tự động hoá trong những khâu lao
động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm (như vận chuyển vật liệu nặng lên cao,
cấp dỡ liệu và xỉ ở các lò luyện, nồi hơi, máy nghiền).
+ Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân không thích hợp hoặc hư hỏng: ủng,
găng tay, thảm cách điện không đúng tiêu chuẩn hoặc hư hỏng, dùng không đúng
hoặc nhầm mặt nạ phòng độc.
2.2.2.2. Nhóm nguyên nhân về tổ chức sản xuất
+ Tổ chức chỗ làm việc không hợp lý: không gian làm việc chật hẹp, vị trí,
tư thế thao tác gò bó, khó khăn.
+ Bố trí sắp đặt máy móc thiết bị sai nguyên tắc an toàn, sự cố trên một
máy có thể gây nguy hiểm cho các máy khác.
+ Bố trí mặt bằng sản xuất, đường đi lại, vận chuyển không an toàn: đường
đi chật hẹp, gồ ghề, các đường vận chuyển chính trong xí nghiệp cắt nhau.
+ Bảo quản thành phẩm, bán thành phẩm không đúng nguyên tắc an toàn:
xắp xếp các chi tiết thành chồng quá cao, để lẫn các hoá chất có thể phản ứng.
+ Không cung cấp cho người lao động những phương tiện bảo vệ cá nhân
đặc chủng, phù hợp.
+ Tổ chức huấn luyện, giáo dục an toàn, vệ sinh lao động không đạt yêu
cầu: tổ chức huấn luyện không đúng định kỳ, thiếu nội quy an toàn vận hành thiết
bị tại chỗ, làm việc cho từng máy cũng như tranh ảnh, áp phích về an toàn, vệ
sinh lao động trong phân xưởng sản xuất.
2.2.2.3. Nhóm nguyên nhân về vệ sinh công nghiệp
30

+ Vi phạm các yêu cầu về vệ sinh công nghiệp, bố trí các nguồn phát sinh
hơi khí bụi độc ở đầu hướng gió thịnh hành hoặc ở tầng dưới, không khử độc, lọc
bụi trước khi thải.
+ Phát sinh bụi, hơi khí độc trong không gian sản xuất; rò rỉ từ thiết bị bình
chứa, đường ống truyền dẫn; thiếu hệ thống thu khử độc ở những nơi phát sinh.
+ Điều kiện vi khí hậu xấu, vi phạm tiêu chuẩn cho phép như: nhiệt độ quá
cao, quá thấp, độ ẩm cao, bức xạ lớn, không khí không được lưu thông.
+ Chiếu sáng chỗ làm việc không hợp lý, độ rọi thấp, phân bố độ rọi không
đều gây chói lóa, lấp bóng.
+ Tiếng ồn, rung động vượt tiêu chuẩn cho phép.
+ Phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, gây bất
tiện cho người sử dụng.
+ Vệ sinh công nghiệp tại máy và trong phân xưởng không đúng quy định.
2.3. Các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động
2.3.1. Biện pháp che chắn an toàn
Biện pháp che chắn an toàn là biện pháp sử dụng các thiết bị che chắn nhằm
cách ly người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm. Thiết bị che chắn an toàn là một
phần không thể thiếu được của một máy móc thiết bị hoàn chỉnh xét theo quan
điểm an toàn, không thể tháo bỏ một cách tuỳ tiện. Tất cả các loại thiết bị che
chắn đều phải thoả mãn các yêu cầu và quy định của tiêu chuẩn
TCVN 4717:1989 Thiết bị sản xuất - che chắn an toàn và TCVN 9059:2011 (ISO
14120:2002) về An toàn máy – Bộ phận che chắn – Yêu cầu chung về thiết kế và
kết cấu của bộ phận che chắn cố định và di động.
Mục đích che chắn:
- Cách ly vùng nguy hiểm và người lao động.
- Ngăn ngừa người lao động rơi, tụt, ngã hoặc vật rơi, văng bắn vào người
lao động.
Tuỳ thuộc vào yêu cầu che chắn mà cấu tạo của thiết bị che chắn đơn giản
hay phức tạp và được chế tạo bởi các loại vật liệu khác nhau.
Thiết bị che chắn an toàn thường được dùng trong các trường hợp sau:
31

+ Che chắn các bộ phận, cơ cấu truyền động, dẫn động.


+ Che chắn vùng văng bắn của các mảnh dụng cụ, vật liệu khi gia công.
+ Che chắn các bộ phận dẫn điện, các nguồn bức xạ có hại.
+ Rào chắn vùng làm việc trên cao, các khu vực hào hố sâu.
Phân loại thiết bị che chắn:
+ Che chắn tạm thời hay di chuyển được như che chắn ở sàn thao tác trong
xây dựng.
+ Che chắn lâu dài hầu như không di chuyển như bao chê của các bộ phận
chuyển động.

Máy cưa đĩa

Hình 2.2. Một số hình ảnh minh họa về che chắn bảo vệ
32

Một số yêu cầu đối với thiết bị che chắn:


+ Ngăn ngừa được tác động xấu do bộ phận của thiết bị sản xuất gây ra.
+ Phải ngăn ngừa được tác động của các yếu tố nguy hiểm.
+ Không gây trở ngại cho thao tác của người lao động.
+ Không làm hạn chế khả năng công nghệ cũng như quan sát, bảo dưỡng và
vệ sinh công nghiệp.
+ Dễ dàng tháo, lắp, sửa chữa khi cần thiết.
+ Phải bền chắc dưới tác động của các yếu tố cơ, nhiệt, hoá và không gây
biến dạng hình học, nóng chảy hoặc ăn mòn.
2.3.2. Biện pháp sử dụng thiết bị, cơ cấu phòng ngừa
Thiết bị, cơ cấu phòng ngừa là các phương tiện kỹ thuật an toàn tự động
ngắt chuyển động, hoạt động của máy và thiết bị sản xuất khi một thông số kỹ
thuật nào đó vượt quá giới hạn quy định cho phép.
Tác dụng phòng ngừa thể hiện ở chỗ tự động dừng hoạt động của thiết bị
trước khi sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Sau khi hết sự
cố có thể tự động phục hồi khả năng làm việc, hoặc phục hồi khả năng làm việc
bằng cách thay cái mới, hoặc bằng thao tác của công nhân.
Thiết bị và cơ cấu phòng ngừa cũng rất đa dạng về kết cấu và công dụng.
Nhìn chung nguyên tắc làm việc đều dựa trên những nguyên lý cơ bản sau: cơ
học, quang học, nhiệt, từ và điện.
Phân loại thiết bị bảo hiểm theo khả năng phục hồi lại sự làm việc của thiết
bị, cụ thể như sau:
- Hệ thống có thể tự phục hồi lại khả năng làm việc khi đối tượng phòng
ngừa đã trở lại dưới giới hạn quy định như: van an toàn kiểu tải trọng, rơle nhiệt.
- Hệ thống phục hồi lại khả năng làm việc bằng tay như: trục vít rơi trên máy tiện.
- Hệ thống phục hồi lại khả năng lại việc bằng cách thay thế cái mới như:
cầu trì, chốt cắm.
Thiết bị bảo hiểm có cấu tạo, công dụng rất khác nhau tuỳ thuộc vào đối
tượng phòng ngừa và quá trình công nghệ: để đảm bảo thiết bị điện khi cường độ
dòng điện vượt quá giới hạn cho phép có thể dùng cầu chì, rơle nhiệt, cơ cấu ngắt
33

tự động… để bảo hiểm cho thiết bị chịu áp lực do áp suất vượt quá giới hạn cho
phép có thể dùng van bảo hiểm kiểu tải trọng, kiểu lò so, các loại màng an toàn…
Thiết bị bảo hiểm chỉ bảo đảm làm việc tốt khi đã tính toán chính xác ở khâu
thiết kế, chế tạo đúng thiết kế và nhất là khi sử dụng phải tuân thủ các quy định
về kỹ thuật an toàn.
Một số ví dụ về cơ cấu phòng ngừa dùng trong sản xuất:
* Rơle nhiệt: Khi cường độ dòng điện tăng lên, nhiệt độ tăng theo, rơle tác
động ngắt điện. Nhiệt tỏa ra làm nhiệt độ hạ xuống, rơle tự động nối mạch để duy
trì nhiệt độ trong phạm vi điều chỉnh.
* Cầu chì: là cơ cấu phòng ngừa khi ngắn mạch. Cường độ dòng điện tăng
làm nóng chảy dây chì (327°C) ngắt nguồn khỏi phụ tải. Sau khi hết sự cố phải
thay cầu chì mới.
* Van lòxo an toàn cho thiết bị chịu áp lực: khi áp suất trong thiết bị tăng
cao, sẽ đẩy nắp van cho hơi thoát ra làm áp suất giảm xuống, khi đó nắp van sẽ
trở lại vị trí ban đầu.
* Chốt cắt an toàn phòng quá tải cho cơ cấu truyền động: khi cơ cấu truyền
động gặp sự cố, bánh răng không quay được, chốt cắt sẽ bị cắt và trục sẽ quay
trơn, còn bánh răng dừng lại. Cơ cấu này phòng ngừa cho động cơ điện không bị
quá tải.

Hình 2.3. Một số hình ảnh minh họa về cơ cấu phòng ngừa
34

2.3.3. Xây dựng nội quy và sử dụng tín hiệu, biển báo an toàn
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị hành chính sự
nghiệp, để thực hiện các qui định của pháp luật nêu trên, người sử dụng lao động,
người quản lý đơn vị cần nắm vững các qui định của pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động để áp dụng cụ thể vào điều kiện thực tế của đơn vị mình. Ở đây, người
quản lý cần phải ban hành những quyết định quản lý an toàn, vệ sinh lao động ở
cơ sở, cần xây dựng các qui trình làm việc an toàn, ban hành các qui định, nội qui
an toàn cho từng phân xưởng, công đoạn, dây chuyền và từng thiết bị và chỗ làm
việc cụ thể. Tất cả những văn bản, qui trình nội qui mà người quản lý đơn vị ban
hành cũng được coi như những văn bản mang tính pháp lý cụ thể trong đơn vị,
buộc mọi người liên quan thực hiện. Có như vậy công tác an toàn, vệ sinh lao
động ở đơn vị mới có qui củ, nề nếp và mới đạt hiệu quả cao. Hiện nay ở nước ta
còn khá phổ biến tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh không có nhận thức
đầy đủ, không nắm vững pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thậm chí thiếu
trách nhiệm, không chủ động đề ra những qui định, biện pháp để thực hiện tốt
pháp luật an toàn, vệ sinh lao động ở đơn vị. Một số lưu ý khi xây dựng nội quy
an toàn tại đơn vị, cụ thể:
+ Tất cả các thiết bị, máy móc đều phải có nội quy an toàn vận hành khi sử
dụng. Các nội quy này cần biên soạn ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ đọc và
được treo, gắn cố định ngay tại vị trí làm việc của người lao động.
+ Trong các phân xưởng sản xuất cần treo dán các loại áp phích an toàn, vệ
sinh lao động phù hợp. Thí dụ: Phân xưởng cơ khí - áp phích an toàn, vệ sinh lao
động về an toàn cơ khí, an toàn điện; phân xưởng áp lực - áp phích an toàn, vệ
sinh lao động về an toàn thiết bị áp lực, an toàn điện; phân xưởng hoá chất- áp
phích an toàn, vệ sinh lao động về an toàn hoá chất, an toàn cháy nổ.
+ Tại các khu vực sản xuất, các vị trí làm việc, hoặc ở các máy móc thiết bị
và dây chuyền công nghệ đã xuất hiện hoặc có nguy cơ xuất hiện các yếu tố nguy
hiểm, độc hại nhất thiết phải được treo, gắn các loại biển báo an toàn tương ứng
như: biển báo cấm, biển báo phòng ngừa, biển báo ra lệnh và biển báo chỉ thị.
+ Ngôn ngữ biểu diễn phải là tiếng Việt (hoặc tiếng quốc ngữ).
35

Hình 2.4. Một số biển báo, biển cấm


Các tín hiệu, báo hiệu an toàn:
Tín hiệu an toàn là các tín hiệu báo trước cho người lao động những nguy
hiểm có thể xảy ra. Hệ thống tín hiệu, báo hiệu nhằm mục đích:
- Nhắc nhở cho người lao động kịp thời tránh không bị tác động xấu của sản
xuất: biển báo, đèn báo, cờ hiệu, còi báo động.
- Hướng dẫn thao tác: bảng điều khiển hệ thống tín hiệu bằng tay điều khiển
cần trục, lùi xe ô tô.
- Nhận biết quy định về kỹ thuật và kỹ thuật an toàn qua dấu hiệu quy ước
về màu sắc, hình vẽ: sơn để đoán nhận các chai khí, biển báo để chỉ đường.
Một số yêu cầu đối tín hiệu, báo hiệu:
- Dễ nhận biết.
- Khả năng nhầm lẫn thấp, độ chính xác cao.
Tín hiệu an toàn gồm: tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh, dụng cụ chỉ báo
và các dấu hiệu an toàn.
36

a/ Tín hiệu ánh sáng: được dùng nhiều trong ngành giao thông. Có 3
màu chính:
+ Ánh sáng màu đỏ: cấm, báo trước sự nguy hiểm.
+ Ánh sáng màu vàng: tín hiệu đề phòng, biểu thị sự cần chú ý.
+ Ánh sáng màu xanh: tín hiệu cho phép, biểu thị sự an toàn.
b/ Tín hiệu màu sắc: giúp người lao động xác định nhanh chóng, không
nhầm lẫn điều kiện an toàn trong các tình huống khác nhau. Chọn màu sắc xuất
phát từ đặc tính sinh lý học của con người khi cảm thụ các màu sắc khác nhau.
Màu đỏ gây tăng huyết áp, kích thích sự hoạt động của con người, gây phản xạ có
điều kiện, hướng con người hướng tới sự bảo vệ, đề phòng các nguy hiểm trực
tiếp, yêu cầu có phản ứng tức thời. Màu vàng có khả năng gây tập trung chú ý,
dùng báo hiệu đề phòng. Màu xanh lá cây làm hạ huyết áp, biểu thị sự yên tĩnh,
không nguy hiểm sử dụng làm tín hiệu an toàn.
Người ta dùng tín hiệu màu sắc trên các công trình, máy móc thiết bị, các
đường ống, đường dây điện trần. Ví dụ: các dây dẫn điện trần, các đường ống
nước nóng sơn màu đỏ, bình C2H2 sơn màu xanh tối, NH3 sơn màu vàng, O2 sơn
màu xanh da trời .
c/ Tín hiệu âm thanh: là tín hiệu gây sự chú ý đặc biệt cho người lao động.
Thường dùng còi, chuông làm tín hiệu âm thanh. Để người lao động dễ phân biệt
còi, chuông phải khác với tiếng ồn trong sản xuất. Tín hiệu âm thanh được bố trí
sao cho nó xuất hiện trước khi xảy ra nguy hiểm một khoảng thời gian nhất định
để kịp điều chỉnh, ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra. Tín hiệu âm thanh có thể dùng
báo hiệu thiết bị đã làm việc đến mức giới hạn cho phép, quá giới hạn đó là nguy
hiểm như cuối hành trình của máy nâng vận chuyển, cần trục, cầu trục, xe vận
chuyển, máy liên hợp; nhiệt độ, áp suất quá giới hạn trong các thiết bị áp lực.
2.3.4. Biện pháp đảm bảo khoảng cách và kích thước an toàn
Đảm bảo khoảng cách và kích thước an toàn cũng là một trong những biện
pháp kỹ thuật an toàn lao động nhằm phòng ngừa xẩy ra các sự cố hay tai nạn
trong lao động. Khoảng cách an toàn là khoảng không gian nhỏ nhất giữa người
lao động và các loại phương tiện, thiết bị hoặc khoảng cách nhỏ nhất giữa chúng
37

với nhau để không bị tác động xấu của các yếu tố sản xuất. Như khoảng cách cho
phép giữa đường dây điện trần tới người, khoảng cách an toàn khi nổ mìn. Tuỳ
thuộc vào quá trình công nghệ, đặc điểm của từng loại thiết bị mà quy định các
khoảng cách an toàn khác nhau. Việc xác định khoảng cách an toàn rất cần chính
xác, đòi hỏi phải tính toán cụ thể. Dưới đây là một số dạng khoảng cách an toàn:
+ Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện vận chuyển với nhau hoặc với
người lao động như: khoảng cách các đường ôtô với bức tường, khoảng cách
đường tàu hoả, ôtô tới thành cầu… Khoảng cách từ các mép goòng tới các đường
lò. Khoảng cách giữa các máy, giữa các bộ phận nhô ra của máy, giữa các bộ phận
chuyển động của máy với các phần cố định của máy, của nhà xưởng, công trình.
+ Khoảng cách giữa các máy móc thiết bị không hẹp hơn 1m. Trường hợp
máy hoặc thiết bị có các bộ phận chuyển động (động cơ, máy li tâm, máy nén
khí) hoặc thiết bị của các quá trình nhiều nguy hiểm (lò, nồi hơi...) khu vực giữa
chúng phải tăng lên tới 2m. Khoảng cách giữa các hàng thiết bị phải để lối qua lại
rộng ít nhất 2,5m.
+ Trong gian sản xuất có các máy vận chuyển bên trong, giữa các bộ phận
chuyển động (toa xe, goòng, băng chuyền, xe lăn...) và các phần nhô ra của các
kết cấu công trình (tường, cột) cần phải chừa lối qua lại rộng ít nhất 1m.
+ Phía trên các lối qua lại ấn định để cho người đi lại thường xuyên, không
cho phép vận chuyển hàng bằng cầu trục hay băng chuyền.
+ Các đường ống dẫn nước, hơi, khí, máng thông gió hoặc các thiết bị khác
dưới trần nhà xưởng ở các lối qua lại không được phép thấp hơn 2,2 m.
+ Các thiết bị làm việc có tiếng ồn lớn (lớn hơn 85 dBA) và rung động mạnh
(vận tốc rung động v > 2mm/s) cần bố trí ở khu nhà riêng và phải được xử lý
giảm ồn, cách rung.
2.3.5. Biện pháp cơ khí hoá, tự động hoá, điều khiển từ xa
Là biện pháp an toàn lao động hiệu quả, nhằm giải phóng người lao động
khỏi những khu vực nguy hiểm, độc hại, thay thế con người bằng các máy, chi
tiết, thiết bị, cơ cấu điều khiển để thực hiện các thao tác sản xuất ở nơi nguy hiểm
độc hại, đồng thời nâng cao năng suất lao động.
38

- Cơ cấu điều khiển: có thể là các nút mở máy, đóng máy, hệ thống tay gạt,
vô lăng điều khiển…để điều khiển theo ý muốn người lao động và không nằm
gần vùng nguy hiểm, dễ phân biệt, phù hợp với người lao động, tạo điều kiện
thao tác thuận lợi, điều khiển chính xác nên tránh được tai nạn lao động.
- Phanh hãm: nhằm chủ động điều khiển vận tốc chuyển động của phương
tiện, bộ phận theo ý muốn của người lao động. Có loại phanh cơ, phanh điện,
phanh từ,…Tuỳ theo yêu cầu cụ thể mà tác động của phanh hãm có thể là tức thời
hay từ từ. Ngoài hệ thống phanh hãm chính thường kèm theo hệ thống phanh
hãm dự phòng.
- Khoá liên động: là loại cơ cấu nhằm tự động loại trừ khả năng gây ra
tai nạn lao động một khi người lao động vi phạm quy tr ình trong vận hành,
thao tác như: đóng bộ phận bao che rồi mới được mở máy. Khoá liên động có
thể dưới các hình thức liên động khác nhau: cơ khí, khí nén, thuỷ lực, điện, tế
bào quang điện.
- Cơ khí hoá ngoài mục đích tạo ra năng suất lao động cao hơn lao động thủ
công, còn đưa người lao động khỏi những công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Cơ
khí hoá có thể đối với toàn bộ hoặc từng phần của quá trình công nghệ sản xuất.
- Tự động hoá là biện pháp hiện đại nhất tạo ra năng suất lao động cao cũng
như đảm bảo an toàn lao động. Với thiết bị tự động, người lao động chỉ cần bấm
nút và theo dõi sự làm việc của quá trình công nghệ trên các loại đồng hồ đo. Một
quá trình tự động hoá về mặt kỹ thuật an toàn phải đảm bảo những yêu cầu sau:
+ Các bộ phận truyền động đều phải được bao che thích hợp
+ Đầy đủ thiết bị bảo hiểm, khoá liên động
+ Đầy đủ hệ thống tín hiệu, báo hiệu đối với tất cả các trường hợp sự cố
+ Có thể điều khiển riêng từng máy, từng bộ phận, có thể dừng máy theo
yêu cầu
+ Có các cơ cấu tự động kiểm tra
+ Không phải sửa chữa, bảo dưỡng khi máy đang chạy
+ Đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn có liên quan như về điện, thiết bị
chịu áp lực, nối đất an toàn các thiết bị điện
39

+ Bảo đảm thao tác chính xác, liên tục


- Điều khiển từ xa: tác dụng đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm
đồng thời giảm nhẹ điều kiện lao động nặng nhọc như điều khiển đóng mở hoặc
điều chỉnh các van trong công nghiệp hoá chất, điều khiển sản xuất từ phòng điều
khiển trung tâm ở nhà máy điện, trong tiếp xúc với phóng xạ… Ngoài các đồng
hồ đo để chỉ rõ các thông số kỹ thuật cần thiết cho quá trình sản xuất, trong điều
khiển từ xa đã dùng các thiết bị truyền hình. Để tới quá trình điều khiển từ xa, các
quá trình quá độ là cơ khí hoá và tự động hoá. Điều khiển từ xa có vai trò quan
trọng trong việc điều khiển lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện nguyên tử.
Trong các lĩnh vực khác, rô bốt được dùng rất đa dạng, rộng rãi với sự trợ giúp
của hệ thống máy tính.
2.3.6. Biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
Phương tiện bảo vệ cá nhân là một trong những giải pháp của kỹ thuật an
toàn và theo Thông tư số Số: 04/2014/TT-BLĐTBXH, ngày 12 tháng 02 năm
2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về “Hướng dẫn thực hiện chế độ
trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân” đã định nghĩa: Phương tiện bảo vệ cá nhân
là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để
sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác
động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi
các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm
việc chưa thể loại trừ hết.
Phương tiện bảo vệ cá nhân rất đa dạng về chủng loại và công dụng, chính
vì vậy việc trang cấp và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong sản xuất đòi
hỏi phải được xem xét một cách cụ thể và phù hợp với từng điều kiện môi trường
lao động, nhằm đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa phòng chống tác hại của các yếu tố
nguy hiểm, độc hại, nhưng lại dễ dàng sử dụng, bảo quản và đặc biệt không gây
những tác hại phụ khác.
Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp bổ sung, hỗ trợ nhưng có
vai trò rất quan trọng (đặc biệt là trong điều kiện thiết bị, công nghệ lạc hậu).
Thiếu trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không thể tiến hành sản xuất được và
40

có thể xảy ra nguy hiểm đối với người lao động. Phương tiện bảo vệ cá nhân
được chia làm 7 loại như sau:
- Trang bị bảo vệ mắt:
+ Loại bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương do vật bắn phải, khỏi bị bỏng.
+ Loại bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương bởi các tia năng lượng.
Tuỳ theo điều kiện lao động để lựa chọn thiết bị bảo vệ mắt cho thích hợp,
bảo đảm tránh được tác động xấu của điều kiện lao động đối với mắt, đồng thời
không làm giảm thị lực hoặc gây các bệnh về mắt.
- Trang bị bảo vệ cơ quan hô hấp:
Mục đích của loại trang bị bị này là tránh các loại hơi, khí độc, các loại bụi
thâm nhập vào cơ quan hô hấp. Loại trang bị này thường là các bình thở, bình tự
cứu, mặt nạ, khẩu trang. Tuỳ theo điều kiện lao động mà người ta lựa chọn các
trang bị cho thích hợp.
- Trang bị bảo vệ cơ quan thính giác:
Mục đích của loại trang bị này nhằm ngăn ngừa tiếng ồn tác động xấu đến
cơ quan thính giác của người lao động. Loại trang bị này thường gồm:
+ Nút bịt tai: đặt ngay trong ống lỗ tai, khi chọn loại nút bịt tai thích hợp
tiếng ồn sẽ được ngăn cản khá nhiều.
+ Bao úp tai: che chắn cả phần khoanh tai dùng khi tác động của tiếng ồn
trên 120 dBA.
- Trang bị phương tiện bảo vệ đầu:
Tuỳ theo yêu cầu cần bảo vệ là chống chấn thương cơ học, chống cuốn tóc
hoặc các tia năng lượng mà sử dụng các loại mũ khác nhau.
Ngoài yêu cầu bảo vệ được đầu khỏi tác động xấu của điều kiện lao động
nói trên, các loại mũ còn phải đạt yêu cầu chung là nhẹ và thông gió tốt trong
khoảng không gian giữa mũ và đầu.
- Trang bị phương tiện bảo vệ chân và tay:
+ Bảo vệ chân thường dùng ủng hoặc giày các loại: chống ẩm ướt, chống ăn
mòn của hoá chất, cách điện, chống trơn trượt, chống rung động.
41

+ Bảo vệ tay thường dùng bao tay các loại, yêu cầu bảo vệ tay cũng tương tự
như đối với bảo vệ chân.
- Quần áo bảo hộ lao động: Bảo vệ thân người lao động khỏi tác động của
nhiệt, tia năng lượng, hoá chất, kim loại nóng chảy bắn phải và cả trong trường
hợp áp suất thấp hoặc cao hơn bình thường.
Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được sản xuất theo tiêu chuẩn chất
lượng của Nhà nước. Phương tiện bảo vệ cá nhân là loại sản phẩm, hàng hóa có
khả năng gây mất an toàn, do đó việc quản lý phải được kiểm soát từ khâu nhập
khẩu, lưu thông và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả các chủng
loại này phải được chứng nhận sự phù hợp (hợp quy, hợp chuẩn) theo quy định.
Người sử dụng lao động phải tiến hành kiểm tra chất lượng phương tiện bảo vệ
cá nhân trước khi cấp phát và kiểm tra định kỳ theo tiêu chuẩn, người lao động
phải kiểm tra trước khi sử dụng.

Hình 2.5. Một số hình ảnh minh họa về phương tiện bảo vệ cá nhân
2.3.7. Biện pháp thực hiện kiểm nghiệm dự phòng thiết bị
Mục đích là đánh giá chất lượng thiết bị bảo hộ, kiểm nghiệm độ bền, độ tin
cậy của máy, thiết bị, công trình, các bộ phận của chúng trước khi quyết định đưa
vào sử dụng. Kiểm nghiệm dự phòng được tiến hành định kỳ, hoặc sau những kỳ
hạn sửa chữa, bảo dưỡng. Ví dụ:
42

- Thử nghiệm độ tin cậy của phanh hãm


- Thử nghiệm độ bền, độ khít của thiết bị áp lực, đường ống, van an toàn,...
- Thử nghiệm độ cách điện của các dụng cụ kỹ thuật điện và phương tiện
bảo vệ cá nhân
Mục đích của khám nghiệm và kiểm định máy, thiết bị là đánh giá chất
lượng máy, thiết bị, xác định sự thoả mãn các yêu cầu và thông số về độ bền, độ
tin cậy của toàn bộ máy, thiết bị hoặc của chi tiết bộ phận máy, thiết bị quy định
đến an toàn của quá trình vận hành, từ đó sẽ quyết định việc cấp phép sử dụng
hoặc cấp phép gia hạn sử dụng đối với từng loại máy, thiết bị cụ thể. Thực hiện
kiểm nghiệm dự phòng thiết bị được quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP
ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
2.3.8. Biện pháp tổ chức bố trí khoa học nơi làm việc
Bố trí, sắp xếp máy, thiết bị và tổ chức lao động khoa học tại nơi làm việc
cũng là một trong những biện pháp an toàn lao động nhằm phòng ngừa xẩy ra các
rủi ro cho hoạt động sản xuất và người lao động. Trong quá trình xây dựng, lắp
đặt, bố trí nhà xưởng, cần thực hiện một số lưu ý sau:
Yêu cầu an toàn đối với nhà xưởng
+ Nền sàn nhà xưởng phải bằng phẳng, cao ráo, không trơn trượt, dễ cọ rửa.
Trong môi trường có chất xâm thực và độc hại (axit, kiềm...) nền phải được làm
bằng vật liệu chịu hoá chất, không hấp phụ các chất xâm thực.
+ Mặt bằng nhà xưởng phải gọn gàng, ngăn nắp: máy móc, thiết bị, dụng cụ,
nguyên vật liệu, thành phẩm, phế rác thải phải để đúng nơi quy định; không gây
cản trở cho người đi lại thao tác và các phương tiện vận chuyển.
+ Những khu vực nguy hiểm trong xưởng phải được ngăn cách bảo vệ
xung quanh.
+ Phải bảo đảm ánh sáng theo đúng tiêu chuẩn hiện hành tại các vị trí làm
việc, trên đường đi lại, cầu thang, hầm ngầm.
+ Trong xưởng cũng như tại từng vị trí làm việc của công nhân, phải bảo
đảm thông gió tự nhiên hoặc thông gió nhân tạo theo đúng tiêu chuẩn. Ở những
43

khu vực làm việc có phát sinh bụi, tiếng ồn và rung động lớn nhất thiết phải có
biện pháp xử lý để không gây ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất xung quanh.
Yêu cầu an toàn trong bố trí máy, thiết bị
+ Khoảng cách giữa các máy, thiết bị không hẹp hơn 1 mét. Trường hợp
máy hoặc thiết bị có các bộ phận chuyển động (động cơ, máy li tâm, máy nén
khí) hoặc thiết bị của các quá trình nhiều nguy hiểm (lò, nồi hơi...) khoảng trống
khu vực giữa chúng phải tăng lên tới 2 mét. Khoảng cách giữa các hàng thiết bị
phải để lối qua lại rộng ít nhất 2,5 mét.
+ Trong gian sản xuất có các máy vận chuyển bên trong, giữa các bộ phận
chuyển động (toa xe, goòng, băng chuyền, xe lăn...) và các phần nhô ra của các
kết cấu công trình (tường, cột) cần phải chừa lối qua lại rộng ít nhất 1 mét.
+ Phía trên các lối qua lại ấn định để cho người đi lại thường xuyên, không
cho phép vận chuyển hàng bằng cầu trục hay băng chuyền.
+ Các đường ống dẫn nước, hơi, khí, máng thông gió hoặc các thiết bị khác
dưới trần nhà xưởng ở các lối qua lại không được phép thấp hơn 2,2 mét.
+ Các thiết bị làm việc có tiếng ồn lớn và rung động mạnh cần bố trí ở khu
nhà riêng và phải được xử lý giảm ồn, cách rung.
Các yêu cầu an toàn khác
+ Tất cả các thiết bị khi vận hành phải đảm bảo đầy đủ các cơ cấu, thiết bị
an toàn. Các bộ phận chuyển động (đai truyền, dây cáp, xích, bánh răng, trục
truyền v.v) phải được che chắn an toàn, vững chắc và thuận tiện khi vận hành.
+ Các bộ phận chuyển động bằng ròng rọc (puly) phải được che chắn an
toàn để không cuốn quần áo, cuốn tóc công nhân, đồng thời phải có bộ phận
giảm xóc để khử va đập do thay đổi tải trọng hoặc do dừng đột ngột máy hay
cơ cấu máy.
+ Các bộ phận chuyển động của các máy vạn năng chuyên dùng tổ hợp phải
che kín. Các cửa nắp nếu cần đóng, mở theo yêu cầu kỹ thuật phải luôn luôn cố
định vững chắc trong quá trình vận hành. Đối với các bộ phận truyền động không
nằm trong hộp riêng hoặc không ở phía trong máy thì phải che chắn cả 4 phía và
phải có cửa quan sát thao tác đặt ở vị trí thuận tiện.
44

+ Thiết bị để đóng mở máy và cơ cấu máy phải đặt ở chỗ thuận tiện đối với
chỗ làm việc khi vận hành để kịp thời xử lý sự cố trong trường hợp máy tự khởi
động (ngẫu nhiên). Các cơ cấu như tay gạt, vô lăng, nút bấm v.v phải được cố
định chắc chắn, đảm bảo không đổi mạch bất ngờ trong lúc làm việc và điều
chỉnh máy. Đồng thời các tay gạt phải bố trí sao cho công nhân không chạm vào
tay gạt khác khi thao tác vận hành. Phải sử dụng cơ cấu điều khiển để thay đổi
tốc độ chuyển động của đai truyền hoặc bánh đai trong lúc máy đang hoạt động.
+ Các bàn đạp khởi động máy phải che chắn vững chắc để loại trừ khả năng
các vật rơi hoặc người đụng phải. Kích thước của bàn đạp phải phù hợp với thao
tác của công nhân và đảm bảo sao cho lực ấn cần thiết lên bàn đạp khi mở máy
không lớn hơn 27 N khi ở tư thế ngồi và 35 N khi ở tư thế đứng.
+ Khi thu dọn phoi, phế liệu, phế thải ở trên máy hoặc ở những vùng nguy
hiểm lân cận phải theo đúng quy định an toàn của từng loại máy. Khi thực hiện
cấm dùng tay trực tiếp mà phải sử dụng dụng cụ chuyên dùng như: móc, kẹp,
chổi, bàn chải. Không được làm vệ sinh quét dọn, lau chùi động cơ điện, cầu dao,
công tắc, khí cụ và trang thiết bị khi đang có điện áp.
+ Trước khi làm việc và sau khi kết thúc ca, phải tiến hành bôi trơn có hệ
thống các bộ phận của máy và cơ cấu máy, đảm bảo các thiết bị của hệ thống bôi
trơn phải luôn luôn tốt và vận hành an toàn. Cấm bôi trơn các bộ phận truyền
động máy, các cơ cấu máy trong khi máy đang làm việc.
+ Khi sửa chữa máy và các bộ phận máy phải đảm bảo máy không ở trạng
thái làm việc. Phải ngắt động cơ điện, tháo các đai truyền khỏi puly và phải lót
chèn ở bàn đạp mở máy và treo bảng “cấm mở máy” trên bộ phận khởi động
máy. Tốt nhất là ngắt hoàn toàn nguồn điện đi vào máy, sau khi sửa chữa xong
mới đấu điện trở lại. Cấm sửa chữa, điều chỉnh máy hay bộ phận máy trong khi
máy đang làm việc.
+ Khi sửa chữa những loại máy cao trên 2m phải dùng dàn giáo có lan can
tay vịn vững chắc. Công nhân thực hiện công việc sửa chữa phải đeo dây da an
toàn đúng quy cách và đảm bảo chất lượng tốt. Lưu ý khi mắc dây vào chỗ nào
phải kiểm tra xem chỗ đó có chắc chắn không và mối buộc dây phải đảm bảo
không tuột trong quá trình làm việc.
45

+ Sau khi kết thúc sửa chữa hay điều chỉnh máy phải kiểm tra lại toàn bộ
thiết bị, lắp trả lại các cơ cấu che chắn an toàn như cũ sau đó mới được phép khởi
động máy trở lại.
2.3.9. Biện pháp an toàn đối với bản thân người lao động
Theo quy định Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày
25/06/2015, người lao động phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ
sinh lao động sau:
Chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:
người lao động phải chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an
toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Dựa trên quy
định này, người lao động tại nơi làm việc phải chấp hành các quy định theo trình
tự sau:
- Quy định pháp luật: Các văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật, Luật, Nghị
định, Thông tư,…), các văn bản áp dụng pháp luật có tác động trực tiếp đến
người lao động (Quyết định, công văn,…)
- Thỏa ước lao động tập thể do người sử dụng lao động ký kết.
- Các quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động mà
người sử dụng lao động ban hành và được áp dụng tại nơi làm việc.
Các quy định này đều được xây dựng dựa trên quy trình nghiêm ngặt và có
sự tham khảo ý kiến từ các chủ thể đại diện cho người lao động như Công đoàn,
tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở,… Vì vậy các quy định này phải được
người lao động thực hiện một cách nghiêm túc tại nơi làm việc.
Thực hiện, tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động:
người lao động có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, nắm vững
kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi
làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp,
các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện
các công việc, nhiệm vụ được giao. Trong đó:
46

- Người lao động không được làm những gì mà pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động cấm, như các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động, các hành vi bị
cấm về an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 8 Bộ luật lao động số
45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, Điều 12 Luật an toàn, vệ sinh lao động số
84/2015/QH13 ngày 25/06/2015.
- Tự mình trau dồi, nắm vững kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao
động để tự đảm bảo an toàn cho bản thân khi thực hiện công việc để thực hiện tốt
các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được người sử
dụng lao động cung cấp, do đây cũng được coi là tài sản của người sử dụng lao
động, phục vụ đảm bảo trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với an toàn,
vệ sinh của người lao động.
Tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động: người lao động, trong hai
trường hợp làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và
trường hợp người lao động thông thường đều phải tham gia khóa huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra người lao động cũng phải tham gia các khóa
huấn luyện định kỳ, huấn luyện cập nhật kỹ năng, kiến thức, huấn luyện khi trở
lại làm việc sau thời gian nghỉ,… nhằm đảm bảo thực hiện công việc với kỹ
năng, hiểu biết tốt nhất về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là khi người lao động
sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động.
Có hoạt động ngăn chặn các nguy cơ, tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, sự cố, hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động: các hoạt động
ngăn chặn các nguy cơ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố, hành vi vi
phạm về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
a/ Các hoạt động ngăn chặn nguy cơ trực tiếp an toàn, vệ sinh lao động,
hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như ngừng
việc khi có nguy hiểm tại nơi làm việc, cảnh báo cho người lao động khác không
thực hiện các thao tác nguy hiểm với các thiết bị, máy móc.
47

b/ Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra
sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề
nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo
phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao
động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c/ Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo
phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao
động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó:
+ Người lao động có trách nhiệm tự tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố
trong trường hợp nơi làm việc xảy ra sự cố, tai nạn lao động theo phương án mà
người sử dụng lao động đề ra nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng
của người lao động.
+ Người lao động phải chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao
động theo lệnh của người sử dụng lao động trong tình trạng khẩn cấp nhưng
không quá 60 ngày cộng dồn trong 01 năm.
+ Người lao động làm một số công việc đặc thù phải làm thêm giờ, làm việc
vào ban đêm trong trường hợp có yêu cầu từ cơ quan Nhà nước khi có sự cố liên
quan đến an ninh, quốc phòng và các tình trạng khẩn cấp khác.
+ Thao tác lao động, nâng hạ và mang vác vật nặng đúng nguyên tắc an
toàn, tránh các tư thế bất tiện có thể gây chấn thương cột sống trong thao tác.
+ Đảm bảo không gian thao tác, vận động trong tầm với tối ưu với thân thể
con người (tư thế làm việc bền vững, điều kiện thuận tiện với các cơ cấu điều
khiển, ghế ngồi, bệ đứng, ...).
+ Đảm bảo điều kiện thị giác (khả năng nhìn rõ quá trình làm việc, nhìn rõ
các phương tiện báo hiệu, ký hiệu, biểu đồ, màu sắc, cơ cấu an toàn, ...)
+ Đảm bảo tải trọng thể lực, tâm lý phù hợp, tránh quá tải hay đơn điệu.
48

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2


1. Trình bày về: khái niệm; phận loại; thống kê về tai nạn lao động ?
2. Phân tích các nguyên nhân gây tai nạn lao động trong sản xuất?
3. Biện pháp thiết bị che chắn an toàn
4. Biện pháp sử dụng thiết bị, cơ cấu phòng ngừa
5. Xây dựng nội quy và sử dụng tín hiệu, biển báo an toàn
6. Biện pháp đảm bảo khoảng cách và kích thước an toàn
7. Biện pháp cơ khí hoá, tự động hoá, điều khiển từ xa
8. Biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
9. Biện pháp thực hiện kiểm nghiệm dự phòng thiết bị
10.Biện pháp tổ chức bố trí khoa học nơi làm việc
11.Biện pháp an toàn đối với bản thân người lao động
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 2
1. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2012), Tài liệu huấn luyện về an toàn vệ
sinh lao động cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, NXB Lao
động, Hà Nội.
2. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2019), Tài liệu huấn luyện về an toàn lao
động, vệ sinh lao động, NXB Thanh niên, Hà Nội.
3. Chính phủ nước CHXHCNVN (2016), Nghị định Số 39/2016/NĐ-CP, ngày
15/5/2016.
4. Chính phủ nước CHXHCNVN (2016), Nghị định Số 44/2016/NĐ-CP, ngày
15/5/2016.
5. Đinh Tuấn Hải, Nguyễn Hữu Huế (2018), Quản lý rủi ro trong xây dựng, NXB
Xây dựng, Hà Nội.
6. Trần Quang Khánh (2012), Bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn điện, NXB
Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
7. Nguyễn An Lương và các tác giả (2013), Bảo hộ lao động, NXB Lao động,
Hà Nội.
8. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động.
49

9. Tạ Đăng Thuần (2020), Giáo trình An toàn lao động & Bảo vệ môi trường,
NXB Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
10. Vũ Quang Thọ (2011), Tập bài giảng Bảo hộ lao động, NXB Dân trí, Hà Nội,
11. Hoàng Trí (2013), Giáo trình An toàn lao động và môi trường công nghiệp,
NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
12. A. Ian Glendon, Sharon G.Clarke and Eugene F.Mckenna, Human Safety and
Risk management, 2006.
13. AES Corporation, Health and safety technical workshop materials, 2012.
14. Benjamin O.Alli, Fundamental principles of Occupational health and safety,
2008.
15. British Standard Institute, BS OHSAS 18001:2007 Occupational Health and
Safety Management system: requirement. 2007.
16. Charles D.Reese, James Verron Eidons, Handbook of OSHA Construction
Safety and health, 2006.
17. David Cliff, The management of Occupational health and safety in
Australian Mining Industry, 2012.
50

Chương 3
KỸ THUẬT VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT
3.1. Khái niệm chung về vệ sinh lao động
3.1.1. Vệ sinh lao động
Vệ sinh lao động là hệ thống các biện pháp phòng ngừa và phương tiện về tổ
chức và kỹ thuật nhằm ngừa sự tác động của các yếu tố có hại trong sản xuất đối
với người lao động. Để ngăn ngừa sự tác động của các yếu tố có hại phải tiến
hành một loạt các công việc cần thiết. Trước hết phải nghiên cứu sự phát sinh và
tác động của các yếu tố đó với cơ thể con người, trên cơ sở đó xác định giới hạn
cho phép của các yếu tố có hại trong môi trường lao động, xây dựng các biện
pháp vệ sinh lao động.
Vệ sinh lao động là một lĩnh vực khoa học công nghệ chuyên ngành của Bảo
hộ lao động, nghiên cứu việc quản lý - nhận dạng, đánh giá và kiểm soát nguy cơ
của các tác hại nghề nghiệp/các mối nguy hại đối với sức khỏe con người, đề xuất
các biện pháp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc nhằm bảo vệ sức khỏe,
nâng cao khả năng lao động và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao
động. Vệ sinh lao động và Y học lao động là hai lĩnh vực khoa học công nghệ có
cùng một mục tiêu là nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, nâng cao khả năng lao
động và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, trong hoạt
động thực tiễn, vệ sinh lao động hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ dự phòng
(phòng ngừa các tác hại nghề nghiệp, đánh giá các nguy cơ và kiểm soát các mối
nguy hại, kể cả trong giai đoạn người lao động bị phơi nhiễm với mối nguy hại,
nhưng chưa chuyển sang bệnh lý). Còn Y học lao động vừa có nhiệm vụ dự
phòng vừa có nhiệm vụ điều trị bệnh nghề nghiệp.
Vệ sinh lao động có các nhiệm vụ:
- Nghiên cứu đặc điểm để nhận dạng các tác hại nghề nghiệp/các mối nguy
hại đối với sức khỏe người lao động.
- Nghiên cứu những biến đổi sinh lý, sinh hóa, tâm – sinh lý và căng thẳng
do các tác hại nghề nghiệp tác động đến con người.
51

- Nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ của các tác
hại nghề nghiệp.
- Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh sức khỏe môi
trường điều kiện làm việc, các chế độ và kiểm tra việc thực hiện.
- Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ
và khám bệnh nghề nghiệp.
3.1.2. Tác hại nghề nghiệp và phân loại các tác hại nghề nghiệp
3.1.2.1. Yếu tố tác hại nghề nghiệp
Các yếu tố có trong quá trình công nghệ, quá trình lao động và hoàn cảnh
nơi làm việc có thể gây ảnh hưởng nhất định đối với trạng thái cơ thể và sức
khỏe người lao động. Các yếu tố đó được gọi là yếu tố vệ sinh nghề nghiệp hay
yếu tố nghề nghiệp. Khi các yếu tố nghề nghiệp có tác dụng xấu đối với sức
khỏe và khả năng làm việc của người lao động thì được gọi là các yếu tố tác hại
nghề nghiệp. Những bệnh tật chủ yếu do tác hại nghề nghiệp gây nên được gọi là
những bệnh nghề nghiệp.
Vậy, tác hại nghề nghiệp là những yếu tố trong quá trình sản xuất và điều
kiện lao động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của công
nhân gây nên những rối loạn bệnh lý hoặc các bệnh nghề nghiệp đối với những
người tiếp xúc.
3.1.2.2. Phân loại các yếu tố tác hại nghề nghiệp
Các yếu tố tác hại nghề nghiệp chủ yếu gặp trong sản xuất được chia
thành 4 loại:
a) Tác hại nghề nghiệp liên quan đến quá trình công nghệ sản xuất
- Yếu tố vật lý:
+ Điều kiện khí tượng xấu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ nhiệt.)
+ Bức xạ điện từ (sóng vô tuyến điện, điện từ trường cao tần).
+ Bức xạ ion hoá (tia X, tia bức xạ khác)
+ Tiếng ồn, rung chuyển.
+ Áp lực cao, thấp.
- Yếu tố hoá học và lý hoá:
52

+ Các chất độc trong sản xuất.


+ Bụi trong sản xuất.
- Yếu tố sinh học:
+ Sự cảm nhiễm và sự xâm nhập của vi sinh vật và ký sinh trùng.
+ Sự tiếp xúc với người bệnh hoặc súc vật mắc bệnh, hoặc bị súc vật mắc
bệnh cắn, đốt...
b) Tác hại nghề nghiệp liên quan tới tổ chức lao động
- Thời gian làm việc quá lâu, thông ca, làm thêm giờ.
- Cường độ lao động, nghỉ ngơi không hợp lý.
- Sự bất hợp lý trong việc sắp xếp sức lao động, sử dụng công cụ phương
tiện lao động quá nặng, không phù hợp với kích thước của người lao động.
- Làm việc ở tư thế gò bó quá lâu, công việc lặp đi lặp lại...
- Sự căng thẳng quá mức của một cơ quan hoặc của một hệ thống nào đó.
c) Tác hại nghề nghiệp liên quan đến điều kiện vệ sinh nơi làm việc
- Diện tích phân xưởng chật hẹp, máy móc thiết bị đặt quá sát nhau.
- Thiếu thiết bị thông gió, thoáng khí hoặc có nhưng hiệu lực kém.
- Thiếu thiết bị bao che và cách nhiệt để chống nóng, chống bụi, chống hơi
khí độc, hoặc có nhưng không hoàn hảo.
- Chiếu sáng chưa tốt, ánh sáng không đủ hoặc chiếu sáng không hợp lý.
- Việc thực hiện các qui tắc vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động còn
chưa triệt để.
- Thiếu trang thiết bị bảo vệ cá nhân.
d) Tác hại nghề nghiệp liên quan đến tâm sinh lý người lao động
- Do quá tải về thể lực (cơ tĩnh, cơ động) hoặc phải làm việc ở tư thế bắt buộc.
- Do quá tải về thần kinh tâm lý, bao gồm:
+ Tính đơn điệu của công việc, do phải lặp lại nhiều lần các phần việc, chu
kỳ ngắn, cùng một kiểu, được biểu thị bằng thời gian phải lặp đi lặp lại công việc
đó (mức độ ít và trung bình khi chu kỳ thường xuyên được lặp lại từ 1/2 đến 1
phút, mức độ cao khi chu kỳ dưới 0,5 phút).
53

+ Căng thẳng thần kinh và các giác quan do công việc điều khiển máy móc
phức tạp (điều khiển điện thoại, điện báo viên...).
+ Nhịp điệu làm việc được biểu thị bằng số động tác trong 1 phút.
3.1.3. Các nguyên nhân phát sinh các tác hại nghề nghiệp
Các tác hại nghề nghiệp có thể tồn tại và phát sinh trong suốt các quá trình
làm việc, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn quản lý và kiểm soát
được nguy cơ của các mối nguy hại, cần hiểu rõ sự tác động tương hỗ và các con
đường tác động của các tác hại nghề nghiệp trong điều kiện và môi trường làm
việc với người lao động. Bản chất sự tác động của các tác hại nghề nghiệp đối với
sức khỏe của người lao động được phản ánh trong mối quan hệ giữa liều lượng và
đáp ứng của cơ thể người lao động. Liều lượng của tác hại nghề nghiệp là mức
nồng độ, cường độ, mật độ tác động do các tác nhân vật lý, hóa học, sinh vật học,
tâm sinh lý học phơi nhiễm với cơ thể người lao động. Đáp ứng là mức độ đáp
trả, thích ứng và biến chuyển của cơ thể người lao động trước các tác động của
các mối nguy hại cụ thể và được thể hiện trong “phổ sức khỏe” của họ.

Hình 3.1. Mối quan hệ giữa tác hại môi trường với tác động về sức khỏe
Các mối nguy nghề nghiệp được phân loại theo ba nhóm: nguyên nhân kỹ
thuật, nguyên nhân tổ chức - kỹ thuật và nguyên nhân vệ sinh công nghiệp.
3.1.3.1. Nhóm nguyên nhân kỹ thuật
- Máy, thiết bị, hệ thống công nghệ tồn chứa các mối nguy hiểm và mối
nguy hại như: vùng nguy hiểm, nguồn phát thải hơi, khí bụi độc, nguồn hỗn hợp
54

cháy nổ, nguồn điện áp, nguồn nhiệt, nguồn áp suất/áp lực, nguồn ồn, nguồn
rung, nguồn bức xạ, nguồn phóng xạ…
- Máy, thiết bị, hệ thống công nghệ, công cụ, vị trí làm việc được thiết kế và
kết cấu không thích ứng với giới hạn và đặc điểm về giải phẫu, sinh lý, tâm lý, vệ
sinh của người vận hành như: khoảng cách, độ cao, tầm với; tư thế, gánh nặng, sự
đơn điệu của thao tác với các cơ cấu điều khiển; điều kiện làm việc thị giác, điều
kiện tiếp nhận thông tin thính giác với các phương tiện phản ánh thông tin.
- Kết cấu, bộ phận, chi tiết máy, thiết bị liên quan đến tình trạng an toàn vận
hành không đảm bảo tiêu chuẩn độ bền (cơ nhiệt, hóa học); độ ổn định, độ kháng
mô men lật, mô men xoắn, ứng suất kéo, nén, cắt; độ cách điện, độ cách nhiệt.
- Thiết bị che chắn bảo vệ không có, thiếu/hư hỏng; kết cấu bảo vệ không
bảo đảm độ bền, khoảng cách, kích thước; khóa liên động hoạt động không ổn
định, thiếu tin cậy…tại các vùng nguy hiểm (cơ học, điện áp, cháy, nổ, trên cao),
tại các nguồn nguy hại (hơi khí, bụi độc, ồn, rung, nhiệt, bức xạ, phóng xạ…).
- Thiết bị phát tín hiệu, cơ cấu phòng ngừa quá tải không có, thiếu hoặc hư
hỏng; các tín hiệu (ánh sáng, âm thanh) không bảo đảm tiêu chuẩn; van an toàn,
màng chống cháy ngược, nhiệt kế, áp kế, ống thủy…hư hỏng hoặc không phù
hợp; phanh hãm, cơ cấu khống chế hành trình, cơ cấu khống chế góc nâng, khống
chế quá tải thiếu hoặc hư hỏng.
- Vi phạm, thực hiện không đúng hoặc không có các quy định, quy tắc vận
hành an toàn máy, thiết bị; vi phạm quy định kiểm định thiết bị (áp lực, nâng hạ,
máy trục…), kiểm định độ cách điện tay cầm khí cụ điện…, vi phạm nguyên tắc
chằng buộc, xi nhan khi cẩu vật nặng.
- Thiếu hoặc không sử dụng các phương tiện cơ giới hỗ trợ hoặc tự động hóa
các khâu lao động nặng nhọc, nguy hiểm, nguy hại như: vận chuyển vật nặng lên
cao, cấp phôi tự đông máy dập, cấp dỡ vật liệu lò cao, nồi hơi, máy nghiền,
khuấy trộn cac hóa chất độc, nghiền sàng quặng chứa độc tố, phóng xạ.
- Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân không đúng chủng loại, kích cỡ hoặc
không bảo đảm các tiêu chuẩn, yêu cầu bảo vệ hoặc bị hư hỏng như: khẩu trang,
55

bán mặt nạ, mặt nạ phòng độc; dây an toàn, giày ủng, găng tay, thảm cách điện,
găng tay chống axit, kiềm.
3.1.3.2. Nhóm nguyên nhân tổ chức kỹ thuật
- Tổ chức vị trí việc làm không hợp lý, không gian thao tác chật hẹp, vị trí tư
thế thao tác gò bó hoặc vươn tới, khó khăn.
- Bố trí sắp xếp máy, thiết bị, vị trí làm việc sai nguyên tắc an toàn, sự cố
xảy ra trên máy này có thể gây nguy hiểm, nguy hại cho người hoặc máy khác.
- Bố trí sắp xếp mặt bằng sản xuất, tổ chức đường đi lại, vận chuyển nội bộ
thiếu hợp lý, không an toàn (chật hẹp, gồ ghề, chướng ngại che khuất tầm nhìn
hoặc giao cắt nhau…).
- Bảo quản thành phẩm, bán thành phẩm không đúng nguyên tắc an toàn: để
lẫn các hóa chất có phản ứng với nhau, xếp đặt các hàng hóa, chi tiết không theo
thứ tự, quá cao hoặc không có giá, kệ vững chắc, thích hợp.
- Không cung cấp đúng, đủ và vừa kích cỡ cho người lao động những
phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dụng thích hợp với các mối nguy tại vị trí
làm việc của họ.
- Tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh
lao động không đúng nội dung yêu cầu, đối tượng, thời gian theo quy định; thiếu
các quy định, hướng dẫn an toàn vận hành bằng tiếng phổ thông trên máy hoặc
chỗ làm việc; thiếu các dấu hiệu, biển báo an toàn thích hợp, đúng quy định tiêu
chuẩn ở các vị trí cần thiết trong khu vực sản xuất và xung quanh.
3.1.3.3. Nhóm nguyên nhân vệ sinh công nghiệp
- Vi phạm các yêu cầu về vệ sinh công nghiệp trong quy hoạch và thiết kế
mặt bằng nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng sản xuất: bố trí các nguồn phát sinh
hơi khí bụi độc ở đầu hướng gió thịnh hành; hoặc ở tầng dưới, không khử độc,
lọc độc trước khi thải ra ngoài qua ống khói; bố trí các nguồn gây ồn cao nơi tập
trung đông công dân.
- Phát thải bụi, hơi khí độc trong không gian sản xuất do rò rỉ từ thiết bị,
đường ống, bình chứa; thiếu hệ thống thu lọc, khử độc ở các nguồn phát thải.
56

- Điều kiện vi khí hậu xấu, vi phạm các tiêu chuẩn cho phép như: nhiệt độ
quá cao/quá thấp, độ ẩm quá cao/quá thấp, bức xạ quá cao, vận tốc không khí quá
cao/tù đọng, không được lưu thông.
- Chiếu sáng chỗ làm việc không đạt tiêu chuẩn cho phép: độ rọi thấp, phân
bố độ rọi không đồng đều, bố trí nguồn sáng không có chao, chóa đèn hoặc gây
chói lóa hay sấp bóng.
- Tiếng ồn, rung động vượt tiêu chuẩn cho phép.
- Phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, do vật
liệu cọ xát, gây dị ứng, khó chịu cho bộ phận cơ thể khi sử dụng.
- Không thực hiện đúng các yêu cầu vệ sinh cá nhân sau ca làm việc.
3.1.4. Bệnh nghề nghiệp
3.1.4.1. Định nghĩa
Bệnh nghề nghiệp là một hiện trạng bệnh lý của người lao động phát sinh do
tác động thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu, có hại, mang tính
chất đặc trưng cho một loại nghề nghiệp, công việc hoặc có liên quan đến nghề
nghiệp, công việc đó trong quá trình lao động. Trong khoản 9, điều 3 - Luật an
toàn, vệ sinh lao động, cũng đã nêu: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều
kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Từ khi lao động xuất hiện, con người có thể bắt đầu bị bệnh nghề nghiệp khi
phải chịu ảnh hưởng của các tác hại nghề nghiệp, nhất là trong lao động nặng
nhọc (cơ khí, hầm mỏ...). Tuy nhiên, các bệnh này thường xảy ra từ từ và mãn
tính. Bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được mặc dù có một số bệnh khó cứu
chữa và để lại di chứng. Các nhà khoa học đều cho rằng người lao động bị bệnh
nghề nghiệp phải được hưởng các chế độ bồi thường về vật chất để có thể bù đắp
được phần nào thiệt hại cho họ khi mất đi một phần sức lao động do bệnh đó gây
ra. Cần thiết phải giúp họ khôi phục sức khỏe và phục hồi chức năng trong khả
năng của y học.
3.1.4.2. Quy định điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ
Y tế ban hành theo quy định;
57

- Suy giảm khả năng lao động từ 5 % trở lên do bị bệnh nghề nghiệp.
- Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề,
công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định, mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp
trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo
quy định của Chính phủ.
3.1.4.3. Phân loại
Có rất nhiều bệnh nghề nghiệp, để dễ nhận biết và có các biện pháp phòng
chống phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp người ta phân chia các bệnh nghề nghiệp
thành 5 nhóm dựa trên nhóm yếu tố tác hại nghề nghiệp gây bệnh.
Nhóm 1: Những bệnh sinh ra do tác hại của bụi trong môi trường lao động ví
dụ bệnh bụi phổi do các bụi vô cơ, bệnh dị ứng đường hô hấp do các bụi hữu cơ.
Nhóm 2: Các bệnh sinh ra do các tác nhân hóa học như các hóa chất độc ô
nhiễm môi trường lao động: nhiễm độc thuốc trừ sâu, nhiễm độc kim loại nặng...
Nhóm 3: Các bệnh sinh ra do các tác hại nghề nghiệp mang tính chất vật lý
như tiếng ồn, áp lực cao, rung chuyển...
Nhóm 4: Các bệnh sinh ra do tiếp xúc với các hóa chất độc hại, môi trường
làm việc ẩm ướt,...
Nhóm 5: Nhóm bệnh sinh ra các tác nhân sinh học như các nấm men, vi sinh
vật gây bệnh, gặp ở môi trường lao động của nông dân, những người lao công...
Các bệnh nghề nghiệp mang những đặc trưng so với các loại bệnh khác bởi
yếu tố gây bệnh, sự phát sinh, phát triển bệnh lý chính vì vậy vấn đề chẩn đoán,
điều trị bệnh cũng mang những đặc thù riêng. Ngoài ra bệnh nghề nghiệp còn
mang tính chất xã hội chính vì vậy đòi hỏi trách nhiệm phòng tránh bệnh, giám
định bệnh nghề nghiệp cho người lao động của những người sử dụng lao động.
3.1.4.4. Các bệnh nghề nghiệp được công nhận ở Việt Nam
Các quốc gia đều công bố danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm
và ban hành các chế độ đền bù hoặc bảo hiểm. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
đã xếp bệnh nghề nghiệp thành 29 nhóm gồm hàng trăm bệnh nghề nghiệp khác
nhau. Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1976, Nhà nước đã công nhận 8 bệnh nghề
58

nghiệp được bảo hiểm và qua các lần công nhận tiếp theo vào các năm 1991,
1997, 2006, 2011, 2013, 2014, 2016 tổng cộng đến nay đã có 34 bệnh nghề
nghiệp được bảo hiểm ở nước ta.
Bảng 3.1. Các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam
TT Bệnh nghề nghiệp TT Bệnh nghề nghiệp
Nhóm bệnh bụi phổi (7 Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố
I III
bệnh) vật lý (05 bệnh)
1 Bụi phổi Silic nghề nghiệp 18 Điếc nghề nghiệp do tiếng ồn
2 Bụi phổi amiăng nghề nghiệp 19 Giảm áp nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp do rung toàn
3 Bụi phổi bông nghề nghiệp 20
thân
4 Bụi phổi talc nghề nghiệp 21 Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ
5 Bụi phổi than nghề nghiệp 22 Bệnh phóng xạ nghề nghiệp
Viêm phế quản mạn tính Các bệnh da nghề nghiệp (06
6 IV
nghề nghiệp bệnh)
7 Hen nghề nghiệp 23 Đục thể thủy tinh nghề nghiệp
Nhóm bệnh nhiễm độc (10
II 24 Bệnh nốt dầu nghề nghiệp
bệnh)
8 Nhiễm độc chì nghề nghiệp 25 Bệnh sạm da nghề nghiệp
Nhiễm độc nghề nghiệp do Bệnh viêm da tiếp xúc nghề
9 26
benzen và đồng đẳng nghiệp do crôm
Nhiễm độc thủy ngân nghề Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc
10 27
nghiệp môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài
Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc
Nhiễm độc mangan nghề
11 28 với cao su tự nhiên, hóa chất phụ
nghiệp
gia cao su
Nhiễm độc trinitrotoluen Các bệnh nhiễm khuẩn nghề
12 V
nghề nghiệp nghiệp (06 bệnh)
13 Nhiễm độc asen nghề nghiệp 29 Bệnh Leptospira nghề nghiệp
59

TT Bệnh nghề nghiệp TT Bệnh nghề nghiệp


Nhiễm độc hóa chất bảo vệ Bệnh viêm gan vi rút B nghề
14 30
thực vật nghề nghiệp nghiệp
15 Nhiễm độc nicotin nghề nghiệp 31 Bệnh lao nghề nghiệp
Nhiễm độc cacbon monoxit Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề
16 32
nghề nghiệp nghiệp
Nhiễm độc cadimi nghề Bệnh viêm gan vi rút C nghề
17 33
nghiệp nghiệp
Bệnh ung thư trung biểu mô nghề
34
nghiệp

3.2. Các biện pháp kiểm soát tác hại nghề nghiệp
3.2.1. Kiểm soát các tác hại vật lý
3.2.1.1. Vi khí hậu
Các yếu tố vi khí hậu gồm các thông số của môi trường không khí: nhiệt độ,
độ ẩm, tốc độ chuyển động của không khí và bức xạ nhiệt. Cơ thể người có nhiệt
độ không đổi khoảng 37 ± 0,5oC là nhờ hai quá trình điều nhiệt hóa học và lý học
dưới sự điều khiển của trung tâm điều nhiệt trong não người. Quá trình điều nhiệt
hóa học là quá trình biến đổi sinh nhiệt trong cơ thể người do sự oxi hóa các chất
dinh dưỡng, quá trình này tăng khi nhiệt độ thấp và lao động nặng, giảm khi nhiệt
độ cao. Quá trình điều nhiệt lý học là các quá trình trao đổi nhiệt giữa cơ thể
người và môi trường, gồm: nhiệt bức xạ, nhiệt đối lưu, nhiệt dẫn truyền và nhiệt
bay hơi mồ hôi. Các yếu tố vi khí hậu luôn gây ảnh hưởng đến khả năng điều hòa
nhiệt của cơ thể.
Những tác hại của vi khí hậu xấu tới sức khỏe
a. Tác hại của vi khí hậu nóng
Ở nhiệt độ cao cơ thể người tăng tiết mồ hôi để duy trì cân bằng nhiệt, từ đó
gây sụt cân do mất nước và mất cân bằng điện giải do mất ion K, Na, Ca, I và
vitamin các nhóm C, B, PP. Do mất nước là khối lượng, tỷ trọng, độ nhớt của
máu thay đổi, tim phải làm việc nhiều hơn để thải nhiệt. Chức phận hoạt động
60

của hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng: giảm chú ý, phối hợp động tác, giảm
quá trình kích thích và tốc độ phản xạ.
Rối loạn bệnh lý thường là chứng say nóng và chứng co giật với các triệu
chứng mất cân bằng nhiệt: chóng mặt, nhức đầu, đau thắt ngực, buồn nôn thân
nhiệt tăng nhanh, nhịp thở nhanh, trạng thái suy nhược. Mức nặng hơn là choáng
nhiệt, thân nhiệt cao 40 - 41oC, mạch nhanh nhỏ, thở nhanh nông, tím tái, mất tri
giác, hôn mê. Chứng co giật gây nên do mất cân bằng nước và điện giải.
b. Tác hại của vi khí hậu lạnh
Do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp, da trở nên xanh, nhiệt độ da <33oC, nhịp
tim, nhịp thở giảm, nhưng mức tiêu thụ oxi lại tăng nhiều do cơ và gan phải làm
việc nhiều. Khi bị lạnh nhiều cơ vân, cơ trơn đều co lại, rét run, nổi da gà nhằm
sinh nhiệt. Lạnh cục bộ làm co thắt mạch gây cảm giác tê cóng, lâm râm ngứa ở
các đầu chi, làm giảm khả năng vận động, mất cảm giác sau đó sinh chứng đau
cơ, viêm cơ, viêm thần kinh ngoại biên…lạnh còn gây dị ứng kiểu hen phế quản,
giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch, gây viêm đường hô hấp trên, thấp khớp.
c. Tác hại của bức xạ nhiệt
Làm việc dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời, hoặc với kim loại nung nóng,
nóng chảy, người lao động bị ảnh hưởng bởi các tia bức xạ nhiệt hồng ngoại và
tử ngoại. Tia hồng ngoại có khả năng gây bỏng, phồng rộp da, đâm xuyên qua
hộp sọ, hun nóng tổ chức não, màng não gây các biến đổi làm say nắng. Tia hồng
ngoại còn gây bệnh đục nhân mắt, sau nhiều năm tiếp xúc làm thị lực giảm dần
và có thể bị mù hẳn. Tia tử ngoại (trong quá trình hàn, đúc…) gây bỏng da độ 1-
2, với liều cao gây thoái hóa và loét tổ chức. Tia tử ngoại gây viêm màng tiếp
hợp cấp tính, làm giảm thị lực, thu hẹp thị trường đó là bệnh đau mắt của thợ hàn,
thợ nấu thép. Nếu bị tác dụng nhẹ, lâu ngày gây mệt mỏi, suy nhược, mắt khô, thị
lực giảm, đau đầu, chóng mặt, kém ăn.
Quy định giá trị giới hạn tiêu chuẩn cho phép:
Giá trị giới hạn tiêu chuẩn cho phép của các thông số vi khí hậu tại nơi làm
việc: Theo thông tư số 26/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Bộ Y tế
quy định quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về vi khí hậu - giá trị cho phép vi khí hậu
61

tại nơi làm việc, theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo quy
định quản lý của nhà nước về vi khí hậu như sau:
- Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với các yếu tố vi khí hậu phải định
kỳ tổ chức đo kiểm tra vi khí hậu nơi làm việc tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy
định của Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động.
- Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao
động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của
pháp luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Nếu vi khí hậu tại nơi làm việc không đạt giá trị cho phép, người sử dụng
lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ
sức khỏe người lao động.
Bảng 3.2. Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc
Khoảng nhiệt Độ ẩm Tốc độ chuyển Cường độ bức xạ
Loại lao động độ không khí không động không khí nhiệt theo diện tích
(°C) khí (%) (m/s) tiếp xúc (W/m2)
40 đến 35 khi tiếp xúc trên
Nhẹ 20 đến 34 0,1 đến 1,5
80 50% diện tích cơ thể
40 đến ngươi.
Trung bình 18 đến 32 0,2 đến 1,5
80 70 khi tiếp xúc trên
25% đến 50% diện
tích cơ thể người.
40 đến
Nặng 16 đến 30 0,3 đến 1,5 100 khi tiếp xúc
80
dưới 25% diện tích
cơ thể người.

Đối với điều kiện lao động nóng, độ ẩm cao thì tốc độ chuyển động không
khí ở nơi làm việc có thể tăng đến 2 m/s. Đối với điều kiện làm việc trong các
phòng có điều hòa nhiệt độ, tốc độ chuyển động không khí có thể dưới 0,1 m/s
đối với lao động nhẹ, dưới 0,2 m/s đối với lao động trung bình và dưới 0,3 m/s
đối với lao động nặng nếu thông gió trong phòng đảm bảo nồng độ khí CO2 đạt
62

tiêu chuẩn cho phép. Chênh lệch nhiệt độ theo độ cao vị trí làm việc không quá
3°C. Chênh lệch nhiệt độ theo chiều ngang của vùng làm việc không quá 4°C đối
với lao động nhẹ, không quá 5°C đối với lao động trung bình và không quá
6°C đối với lao động nặng. Nhiệt độ chênh lệch trong nơi sản xuất và ngoài trời
không vượt quá 5°C.
Theo chỉ số nhiệt độ tam cầu WBGT (nhiệt độ khô t°k, nhiệt độ ướt t°ư,
nhiệt độ cầu t°c)
WBGT = 0,7 t°ư + 0,2 t°c +0,1 t°k (Khi có ánh sáng mặt trời)
WBGT = 0,7 t°ư + 0,3 t°c (Khi không có ánh sáng mặt trời)
Yêu cầu về điều kiện vi khí hậu theo nhiệt độ cầu ướt (WBGT) được quy
định tại bảng sau
Bảng 3.3. Giá trị giới hạn cho phép theo nhiệt độ cầu ướt (WBGT)
Đơn vị tính: độ Celcius (°C)
Thời gian tiếp xúc với Loại lao động
nguồn nhiệt Nhẹ Trung bình Nặng
Liên tục 30,0 26,7 25,0
75% 30,6 28,0 25,9
50% 31,4 29,4 27,9
25% 32,2 31,4 30,0

Quy định quản lý, cụ thể như sau:


1) Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với các yếu tố vi khí hậu phải định
kỳ tổ chức đo kiểm tra vi khí hậu nơi làm việc tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy
định của Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2) Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao
động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của
pháp luật An toàn, vệ sinh lao động.
3) Nếu vi khí hậu tại nơi làm việc không đạt giá trị cho phép, người sử dụng
lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ
sức khỏe người lao động.
63

Phương pháp xác định vi khí hậu theo TCVN 5508 - 2009: Không khí vùng
làm việc - Yêu cầu về điều kiện vi khí hậu và phương pháp đo.
Các biện pháp kiểm soát tác hại của vi khí hậu xấu:
*Biện pháp kiểm soát tác hại của vi khí hậu nóng:
- Cơ giới hoá, tự động hoá các quá trình lao động ở vị trí nhiệt độ cao, bức
xạ nhiệt cao.
- Cách ly các nguồn nhiệt đối lưu và bức xạ ở vị trí lao động bằng các vật
liệu cách nhiệt thích hợp.
- Dùng màn nước để hấp thụ các tia bức xạ ở trước cửa lò nung.
- Bố trí sắp đặt hợp lý các lò luyện và các nguồn nhiệt lớn cách xa nơi công
nhân thao tác.
- Thiết kế, sử dụng, bảo quản hợp lý hệ thống thông gió tự nhiên và cơ khí.
- Cần qui định chế độ lao động và nghỉ ngơi thích hợp.
- Tổ chức nơi nghỉ cho người lao động làm việc ở vị trí có nhiệt độ cao.
- Tổ chức chế độ ăn, uống đủ và hợp lý.
- Cần trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân chống nóng hiệu quả.
- Tổ chức khám tuyển và khám định kỳ hàng năm để phát hiện người lao
động mắc một số bệnh không được phép tiếp xúc với nóng: bệnh tim mạch, bệnh
thận, hen, lao phổi, các bệnh nội tiết, động kinh, bệnh hệ thần kinh trung ương.
*Biện pháp kiểm soát tác hại của vi khí hậu lạnh:
- Tổ chức che chắn, chống gió lùa, sưởi ấm đề phòng cảm lạnh.
- Trang bị đầy đủ quần, áo, mũ, ủng, giày, găng tay ấm cho người lao động.
- Quy định tổ chức chế độ lao động, nghỉ ngơi hợp lý.
- Khẩu phần ăn đủ mỡ, dầu thực vật (35- 40% tổng năng lượng).
3.2.1.2. Tiếng ồn trong sản xuất
Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau gây
cảm giác khó chịu cho con người trong điều kiện làm việc cũng như nghỉ ngơi.
Theo đặc tính của nguồn ồn có thể phân loại thành:
+ Tiếng ồn cơ học do chuyển động của các bộ phận máy.
+ Tiếng ồn va chạm như quá trình rèn, dập, tán.
64

+ Tiếng ồn khí động do hơi chuyển động với tốc độ cao: Tiếng động cơ
phản lực, tiếng máy nén hút khí...
+ Tiếng nổ hoặc xung khi động cơ đốt trong hoặc diesel làm việc.
Theo tần số âm thanh được phân loại thành:
+ Hạ âm có tần số dưới 20 Hz (tai người không nghe được).
+ Âm tai người nghe được có tần số 20 Hz đến 16 kHz.
+ Siêu âm có tần số trên 20 kHz (tai người không nghe được)
Tác hại của tiếng ồn:
Con người thu nhận được các kích thích âm thanh qua các cơ quan thính giác,
nhưng tiếng ồn ảnh hưởng trước hết đến hệ thần kinh trung ương, đến hệ tim mạch
và các cơ quan khác. Sự thay đổi trong cơ quan thính giác phát triển muộn hơn.
Tác hại của tiếng ồn phụ thuộc vào tính chất vật lý chủ yếu do mức ồn quyết định.
Tiếng ồn phổ liên tục gây khó chịu hơn phổ gián đoạn, tần số cao gây khó chịu hơn
tần số thấp, thời gian bị kích thích với tiếng ồn càng dài càng có hại.
a. Ảnh hưởng tới cơ quan thính giác
Dưới tác động của tiếng ồn kéo dài, thính lực giảm dần, độ nhạy của thính
giác giảm rõ rệt. Nếu tác động kéo dài các hiện tượng mỏi mệt thính giác không
có khả năng phục hồi và phát triển biến đổi bệnh lý:
- Với âm tần số 2000-4000Hz, mệt mỏi bắt đầu từ 80dB; 5000-6000Hz từ
60dB.
- Giai đoạn đầu có cảm giác đau đầu và ù tai, đôi khi chóng mặt và buồn
nôn. Sau đó xuất hiện nặng tai, màng nhĩ dầy lên và dây thần kinh thính giác biến
đổi, trung tâm thính giác dưới não điều hoà dinh dưỡng của tai rối loạn.
- Tiếng ồn gây điếc nghề nghiệp ở tai trong, đối xứng và không hồi phục,
giảm ngưỡng nghe vĩnh viễn và có đặc điểm giảm rõ rệt ở tần số 4000Hz.
b. Ảnh hưởng tới các cơ quan khác
- Tiếng ồn cường độ cao và trung bình kích thích mạnh hệ thần kinh trung
ương, gây rối loạn nhịp tim. Bệnh cao huyết áp cũng bị ảnh hưởng của tiếng ồn.
- Tiếng ồn làm rối loạn chức năng bình thường của dạ dày, giảm tiết dịch vị,
ảnh hưởng tới co bóp của dạ dày.
65

- Tiếng ồn che lấp các tín hiệu âm thanh, giảm sự tập trung, giảm năng suất
lao động.
Mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn tại nơi làm việc:
QCVN 24:2016/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 24/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Y tế quy định mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn tại nơi làm việc, như sau
1) Mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn của người lao động tại nơi làm việc
không vượt quá các giá trị quy định tại bảng 3.4.
Bảng 3.4. Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc
Thời gian tiếp xúc Giới hạn cho phép mức áp suất
với tiếng ồn âm tương đương (LAeq) - dBA
8 giờ 85
4 giờ 88
2 giờ 91
1 giờ 94
30 phút 97
15 phút 100
7 phút 103
3 phút 106
2 phút 109
1 phút 112
30 giây 115

Trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt
quá 115 dBA.
2) Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động quy định tại
bảng 3.5.
66

Bảng 3.5. Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại vị trí lao động ở các dải ốc ta
Mức áp Mức áp suất âm ở các dải ốc ta với tần
suất âm
số trung tâm (Hz) không vượt quá (dB)
chung hoặc
Vị trí lao động tương
50 100
đương 63 125 250 2000 4000 8000
không quá 0 0
(dBA)
1. Tại vị trí làm việc, lao
85 99 92 86 83 80 78 76 74
động, sản xuất trực tiếp
2. Buồng theo dõi và điều
khiển từ xa không có
thông tin bằng điện thoại,
80 94 87 82 78 75 73 71 70
các phòng thí nghiệm,
thực nghiệm, các phòng
thiết bị máy có nguồn ồn.
3. Buồng theo dõi và điều
khiển từ xa có thông tin
bằng điện thoại, phòng 70 87 79 72 68 65 63 61 59
điều phối, phòng lắp máy
chính xác, đánh máy chữ.
4. Các phòng chức năng,
hành chính, kế toán, kế 65 83 74 68 63 60 57 55 54
hoạch.
5. Các phòng lao động trí
óc, nghiên cứu thiết kế,
thống kê, lập chương
55 75 66 59 54 50 47 45 43
trình máy tính, phòng thí
nghiệm lý thuyết và xử lý
số liệu thực nghiệm.

Trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt
quá 115 dBA.
3) Trang bị bảo hộ cá nhân: Tại nơi làm việc, nếu chưa thực hiện được các
giải pháp giảm mức áp suất âm xuống dưới 85 dBA thì phải thực hiện chế độ bảo
67

vệ thính lực cho người lao động. Trang bị bảo vệ thính lực cho người lao động
phải đạt yêu cầu ở bảng 3.6.
Bảng 3.6. Yêu cầu trang bị cá nhân bảo vệ thính lực
Hiệu suất giảm ồn của trang bị
Mức áp âm (dBA)
bảo vệ thính lực (dBA)
<90 10-13
Từ 90 đến <95 14-17
Từ 95 đến <100 18-21
Từ 100 đến <105 22-25
Từ 105 đến <110 ≥ 26

4) Trường hợp tiếp xúc với các mức áp suất âm khác nhau trong một ca
làm việc: Tổng mức tiếp xúc với tiếng ồn không được vượt quá 1 và được tính
theo công thức sau:
D = [C1/T1 + C2/T2 + ... + Cn/Tn] ≤ 1 (3.1)
Trong đó:
D là tổng mức tiếp xúc với tiếng ồn trong ngày làm việc.
C1, C2 ,…. Cn là khoảng thời gian tiếp xúc thực tế thứ 1, 2,...n tương ứng
với mức tiếng ồn thực tế đo được trong khoảng thời gian đó.
T1, T2 …. Tn là khoảng thời gian tiếp xúc cho phép tương ứng với mức
tiếng ồn thực tế đo được trong khoảng thời gian C1, C2, ….Cn.
Đo tiếng ồn nơi làm việc theo các phương pháp sau:
1) TCVN 9799:2013 (ISO 9612:2009) Âm học - Xác định mức tiếp xúc
tiếng ồn nghề nghiệp - Phương pháp kỹ thuật.
2) Phương pháp 1910.95 App G (OSHA - Monitoring noise levels).
Quy định quản lý, cụ thể:
1) Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với tiếng ồn phải định kỳ tổ chức đo
kiểm tra tiếng ồn nơi làm việc tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy định của Bộ
luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động.
68

2) Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao
động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc.
3). Nếu tiếng ồn nơi làm việc vượt mức giới hạn cho phép, người sử dụng
lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ
sức khỏe người lao động.
Các biện pháp kiểm soát tiếng ồn:
- Áp dụng các biện pháp quy hoạch, xây dựng chống tiếng ồn; bố trí khoảng
cách, trồng cây xanh, hướng gió thịnh hành.
- Áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn tại nguồn: Hiện đại hoá thiết bị và
hoàn thiện các quy trình công nghệ, sử dụng kỹ thuật tự động hoá, điều khiển
từ xa.
- Tuân thủ các quy định bảo dưỡng định kỳ thiết bị máy móc công nghệ.
- Cách ly, bao kín các nguồn ồn bằng vật liệu kết cấu hút âm, cách âm phù
hợp. Sử dụng các kết cấu, tấm, ống, buồng tiêu âm hiệu quả.
- Bố trí hợp lý thời gian làm việc ở các phân xưởng có nguồn ồn và hạn chế
số lượng người lao động tiếp xúc với tiếng ồn.
- Sử dụng hợp lý các phương tiện bảo vệ cá nhân chống tiếng ồn như: nút
tai, bao chống tiếng ồn có hiệu quả.
- Khám sức khoẻ định kỳ, xác định biểu đồ thính lực cho công nhân để kịp
thời phát hiện mức giảm thính lực, các biện pháp xử lý.
3.2.1.3. Rung động trong sản xuất
Rung động là những dao dộng cơ học, sinh ra bởi sự dịch chuyển có chu kỳ
đều đặn hoặc thay đổi của vật thể quanh vị trí của nó. Các máy, thiết bị, công cụ
sử dụng các nguồn động lực khác nhau, khi làm việc đều phát sinh các dao động
cơ học dưới dạng rung động.
Rung động là yếu tố vật lý, tác động qua đường truyền năng lượng từ nguồn
rung động đến con người. Rung động được phân thành rung động toàn thân và
rung động cục bộ.
- Rung động toàn thân: thường là các dao động cơ học có tần số thấp, truyền
đến cơ thể người ở tư thế đứng hoặc ngồi qua hai chân, mông, lưng hoặc sườn,
69

hướng lan tỏa dao động thường theo mặt phẳng đứng từ dưới lên trên.
- Rung động cục bộ: thường là các dao động cơ học có tần số cao, tác động
cục bộ qua bàn tay hoặc cánh tay, hướng truyền dao động dọc theo bàn tay hoặc
cánh tay.
Tác động của rung động đến cơ thể:
a. Tác động của rung động toàn thân
Phụ thuộc các thông số: Biên độ, tần số, gia tốc dao động và thời gian tiếp
xúc với rung động. Tác động nguy hiểm nhất của rung động toàn thân là các tần
số dao động của nó, đặc biệt là các tần số trùng với tần số dao động tự nhiên của
các bộ phận cơ thể người. Lúc này tại các bộ phận cơ thể gây nên những dao
động cộng hưởng có biên độ dịch chuyển lớn, hậu quả là dễ gây ra những biến
đổi chức năng của cơ thể, phát triển thành bệnh lý trầm trọng. Tác động của bệnh
lý càng trầm trọng khi thời gian tiếp xúc càng kéo dài, và càng có hại khi kết hợp
đồng thời với một số tác động như: lạnh, ồn, hoạt động tĩnh của cơ bắp. Ở tần số
thấp, rung động thường gây tổn thương cơ bắp. Ở tần số cao, rung động thường
gây những biến đổi trong thành mạch, ngăn cản lưu thông tuần hoàn, lâu dài có
thể phá hoại hệ thống mạch máu. Rung động toàn thân gây thương tổn đến hệ
thần kinh trung ương, phá huỷ sự điều chỉnh của thần kinh thể dịch và sự trao đổi
chất, dẫn đến rối loạn chức năng các hệ thống khác. Rung động toàn thân mạnh
gây nên thương tổn các cơ quan nội tạng, tác động lâu ngày gây ra các biến đổi
về tổ chức tế bào, phát sinh các rối loạn dinh dưỡng. Rung động toàn thân có tần
số cao 30-80HZ và biên độ dao động lớn có tác động đến thị giác, làm giảm độ rõ
nét, thu hẹp thị trường, giảm độ nhạy cảm màu và phá hoại chức năng tiền đình.
b. Tác động của rung động cục bộ
Bắt đầu bằng những rối loạn cảm giác ngoài da: tê nhức, kiến bò, giảm cảm
giác đau, ra nhiều mồ hôi, khó cầm nắm dụng cụ, da tay mỏng hoặc dày lên có
màu đỏ hay xanh tím, trắng bạch, móng tay biến dạng dễ gẫy. Nặng hơn là các
rối loạn hệ vận động, đau các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và khớp vai.
Những bệnh lý của rung động cục bộ gồm:
- Rối loạn vận mạch: gây bệnh ngón tay trắng.
70

-Tổn thương gân cơ, thần kinh, đau gân cơ dẫn đến teo cơ.
-Tổn thương xương khớp: có các triệu chứng như đau khớp xương, cử động
hạn chế, có thể gây mất sức lao động hoàn toàn. X quang có hình ảnh: khuyết
xương, lồi xương, thưa xương, hoại tử xương bán nguyệt, hư khớp xương thuyền.
- Tác động đến các cơ quan khác như rối loạn thần kinh, hô hấp, tuần hoàn,
tiêu hoá.
-Đối với phụ nữ còn ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, đau bụng nhiều khi
hành kinh, lệch tử cung, sa âm đạo.
Mức rung cho phép tại nơi làm việc:
QCVN 27:2016/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 27/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giá trị rung cho phép tại
nơi làm việc, cụ thể như sau:
1) Rung cục bộ
Mức cho phép gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số được quy định tại
bảng 3.7.
Bảng 3.7. Giá trị trung bình của gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số ốcta
Mức cho phép
Dải tần số (Hz)
Vận tốc rung (m/s).
Gia tốc rung (m/s2)
10-2
8 (5,6-11,2) 1,4 2,8
16 (11,2-22,4) 1,4 1,4
31,5 (22,4-45) 2,7 1,4
63 (45-90) 5,4 1,4
125 (90-180) 10,7 1,4
250 (180-355) 21,3 1,4
500 (355-700) 42,5 1,4
1000 (700-1400) 85,0 1,4
71

Mức cho phép gia tốc và vận tốc hiệu chỉnh trong mỗi dải tần số ốc ta phụ
thuộc vào thời gian tiếp xúc, được quy định trong bảng 3.8.
Bảng 3.8. Giá trị trung bình của gia tốc và vận tốc hiệu chỉnh trong mỗi dải tần số
theo thời gian tiếp xúc
Mức cho phép
Thời gian tiếp xúc, phút
Gia tốc rung (m/s2) Vận tốc rung (m/s)
480 1,4 1,4.10-2
240 2,0 2,0.10-2
120 2,8 2,8.10-2
60 3,9 3,9.10-2
30 5,6 5,6.10-2

Ghi chú: Giá trị rung cho phép lớn nhất không vượt quá giá trị cho phép
ứng với thời gian tiếp xúc 30 phút (theo bảng 3.8).
Mức cho phép gia tốc và vận tốc hiệu chỉnh: đối với rung ở những tần số
khác, khi thời gian tiếp xúc trong 8 giờ (480 phút), gia tốc hiệu chỉnh không vượt
quá 4m/s2, vận tốc hiệu chỉnh không quá 4 cm/s.
Mức cho phép gia tốc và vận tốc hiệu chỉnh theo thời gian tiếp xúc: nếu
thời gian tiếp xúc dưới 8 giờ trong ngày, mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh và vận
tốc hiệu chỉnh được tính theo công thức sau:

(3.2)

Trong đó:
ahđ: là giá trị hiệu chỉnh (vận tốc hoặc gia tốc hiệu chỉnh cho phép đối với
thời gian tiếp xúc t).
ah: là giá trị cho phép gia tốc hoặc vận tốc hiệu chỉnh trong thời gian làm
việc 8 giờ (480 phút).
t: thời gian tiếp xúc thực tế tính bằng phút.
Giá trị cực đại không được vượt quá 16 m/s2 với gia tốc hiệu chỉnh và 16
cm/s với vận tốc hiệu chỉnh trong thời gian làm việc dưới 30 phút.
72

2) Rung toàn thân


Mức cho phép gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số (ốcta) được quy định
ở Bảng 3.9.
Bảng 3.9. Mức cho phép gia tốc và vận tốc rung ở các dải tần số ốc ta
Gia tốc rung (m/s2) Vận tốc rung (m/s)
Dải tần số (Hz)
Rung đứng Rung ngang Rung đứng Rung ngang
1 (0,08-1,4) 1,10 0,39 20,0.10-2 6,3.10-2
2 (1,4-2,8) 0,79 0,42 7,1.10-2 3,6.10-2
4 (2,8-5,6) 0,57 0,80 2,5.10-2 3,2.10-2
8 (5,6-11,2) 0,60 1,62 1,3.10-2 3,2.10-2
16 (11,2-22,4) 1,14 3,20 1,1.10-2 3,2.10-2
31,5 (22,4-45) 2,26 6,38 1,1.10-2 3,2.10-2
63 (45-90) 4,49 12,76 1,1.10-2 3,2.10-2

Chú ý: Khi khảo sát rung thường chỉ đo một trong hai đại lượng (gia tốc rung
hoặc vận tốc rung).
Mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh đối với rung đứng không quá 0,
54m/s2 (theo trục z), đối với rung ngang không quá 0,38 m/s2 (theo trục x,y).
Mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh theo thời gian tiếp xúc: đối với các loại phương
tiện, vị trí làm việc khác nhau có hệ số hiệu chỉnh khác nhau:
Loại 1: Rung vận chuyển, rung trong giao thông tác động tại chỗ làm việc
của những máy di động và các phương tiện vận tải khi làm việc. Ví dụ: Lái xe tải,
điều khiển máy kéo nông nghiệp, máy làm đường...
Mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh theo thời gian tiếp xúc bằng gia tốc hiệu
chỉnh nhân với hệ số 1. Đối với rung đứng không quá 0,54m/s 2 (theo trục z), đối
với rung ngang không quá 0,38m/s2 (theo trục x,y).
Loại 2: Rung vận chuyển - công nghệ, tác động tại chỗ làm việc của những
máy móc, phương tiện di động hạn chế trên những khu vực nhất định của mặt
bằng sản xuất hoặc mặt bằng nơi khai mỏ. Ví dụ: điều khiển máy xúc, lái các loại
cẩu, các loại máy khai mỏ (máy liên hợp khai mỏ).
73

Mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh theo thời gian tiếp xúc bằng gia tốc hiệu
chỉnh nhân với hệ số 0,5. Đối với rung đứng không quá 0,27m/s2 (theo trục z),
đối với rung ngang không quá 0,19m/s2 (theo trục x,y).
Loại 3: Rung do công nghệ sản xuất, tác động tại chỗ làm việc của những
máy tĩnh tại hoặc truyền ra nơi làm việc không có nguồn rung. Ví dụ: điều khiển
máy công cụ, nền của các máy cố định trong sản xuất.
Mức cho phép gia tốc hiệu chỉnh theo thời gian tiếp xúc bằng gia tốc hiệu
chỉnh nhân với hệ số 0,16. Đối với rung đứng không quá 0,086 m/s2 (theo trục z),
đối với rung ngang không quá 0,06 m/s2 (theo trục x,y).
Quy định quản lý rung động tại nơi làm việc:
1) Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với rung chuyển phải định kỳ tổ
chức đo rung nơi làm việc tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy định của Bộ luật
lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2) Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao
động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc.
3) Nếu rung chuyển tại nơi làm việc vượt mức cho phép, người sử dụng lao
động phải thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường lao động và bảo vệ sức
khỏe người lao động.
Các biện pháp kiểm soát rung động trong sản xuất:
- Áp dụng các quá trình sản xuất tự động hoá và điều khiển từ xa
- Chế tạo máy, thiết bị không phát sinh rung động, thiết bị làm giảm cường
độ nguồn rung.
- Chống những rung động lan truyền bằng các cơ cấu, gối tựa khử rung. Sử
dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân giảm rung.
- Học tập và ứng dụng kỹ thuật cầm, giữ các thiết bị rung cầm tay.
- Giữ gìn, bảo dưỡng máy, thiết bị luôn ở trạng thái tốt.
- Bố trí và thay đổi công việc hợp lý, bố trí thời giờ làm việc, nghỉ ngơi thể
dục trong ca làm việc.
- Khám tuyển, khám định kỳ và làm các xét nghiệm chuyên khoa cho người
lao động có tiếp xúc với rung động (phân tích máu, soi mao mạch, chiếu điện
74

quang bàn tay, cột sống).


- Điều trị hồi phục chức năng cho người chịu tác động của rung động và bố
trí người bị bệnh rung động cách ly tiếp xúc với nguồn rung động.
3.2.1.4. Ánh sáng chỗ làm việc
Môi trường làm việc tốt phải có ánh sáng thích hợp cho con người và công
việc. Chiếu sáng không hợp lý sẽ làm mệt mỏi thị giác, kéo dài gây bệnh cho
mắt, làm giảm năng suất lao động, giảm chất lượng sản phẩm và tăng nguy cơ
gây tai nạn lao động. Ánh sáng là một dạng năng lượng bức xạ điện từ. Ánh sáng
tự nhiên là ánh sáng ban ngày do mặt trời và bầu trời sinh ra, thích hợp và có tác
dụng tốt với sinh lý con người. Ánh sáng mặt trời là bức xạ của các bước sóng
ánh sáng với các bước sóng có độ dài khác nhau. Ánh sáng nhìn thấy là những
chùm bức xạ, gây cho mắt người cảm giác về ánh sáng, có bước sóng trong
khoảng 380 nm đến 760 nm (nanômét). Bên cạnh nguồn sáng tự nhiên, chúng ta
có nguồn sáng nhân tạo từ các bóng điện (đèn nung sáng, đèn huỳnh quang).
Trong kỹ thuật chiếu sáng, tuỳ từng mục đích người ta thiết kế chiếu sáng chung,
chiếu sáng cục bộ hoặc chiếu sáng hỗn hợp.
Những yếu tổ ảnh hưởng đến hiệu quả chiếu sáng:
- Độ rọi: Lượng ánh sáng cần thiết cho một công việc được xác định theo
đơn vị là lux (đo bằng luxmeter). Độ rọi là đại lượng để đánh giá mức độ được
chiếu sáng của một bề mặt, nghĩa là mật độ quang thông của luồng ánh sáng tại
một điểm trên bề mặt được chiếu sáng.
Ví dụ, độ rọi tối thiểu cần để đọc, viết và làm công việc thủ công vào
khoảng 10 lux. Nhưng để công việc được thực hiện dễ dàng và hiệu quả thì nhu
cầu phải gấp 30 lần nghĩa là từ 300 - 500 lux.
- Khả năng phân giải của mắt: kích thước góc nhìn vật tối thiểu là một chức
năng quan trọng của mắt để phân biệt những vật nhìn hay những chi tiết có kích
thước nhỏ. Khả năng phân giải được đánh giá bằng kích thước góc nhìn tối thiểu
ng = r (phút) trong điều kiện chiếu sáng tốt. Do đó đối với những công việc
thường xuyên phải phân biệt những vật có kích thước nhỏ ( xấp xỉ ng) thì
phải đảm bảo điều kiện chiếu sáng tốt, đầy đủ và không có hiện tượng chói loá,
75

khi cần phải phân biệt những chi tiết quá nhỏ ( < ng) cần có kính phóng đại.
- Chói lóa: gây khó chịu cho mắt người và làm giảm khả năng nhìn của mắt.
Chói lóa xảy ra khi trong phạm vi của trường nhìn xuất hiện một vật hoặc nguồn
sáng có độ chói quá lớn. Khi mắt bị chói lóa thì không thể làm việc được bình
thường, không nhìn rõ các vật, thần kinh căng thẳng, giảm khả năng làm việc và
dễ xảy ra tai nạn lao động. Mặt khác chói lóa còn gây lãng phí năng lượng chiếu
sáng. Nguồn sáng gây chói lóa càng gần trường nhìn, có kích thước càng lớn thì
gây hiện tượng chói lóa càng mạnh. Vì vậy cần hết sức tránh hiện tượng này khi
bố trí các nguồn sáng cũng như hướng nhìn của người lao động đến các vật có bề
mặt phản xạ lớn.
- Tốc độ phân giải của mắt: Quá trình nhận thức khi nhìn vật của mắt được
tiến hành sau một thời gian cần thiết để phân giải được một chi tiết. Tốc độ phân
giải là nghịch số của thời gian cần thiết để nhận biết chi tiết của mắt, được đo
bằng 1/sec (giây).
+ Tốc độ phân giải của mắt phụ thuộc chủ yếu vào độ rọi sáng trên vật tăng
từ 0 đến 1000 - 2000 lux, sau đó tăng không đáng kể.
+ Tốc độ phân giải còn chịu ảnh hưởng của thời gian thích ứng của mắt. Mắt
chuyển từ trường nhìn sáng đến trường nhìn tối phải mất 15 - 20 phút. Ngược lại,
từ trường nhìn tối sang trường nhìn sáng phải mất 8 - 10 phút. Vì vậy phải đảm
bảo độ sáng đủ lớn trong trường nhìn và ánh sáng phải được phân bố đều trên bề
mặt làm việc.
Tiêu chuẩn giá trị độ rọi chiếu sáng làm vỉệc:
QCVN 22:2016/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn. Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 22/2016/TT-BYT ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế, quy định độ rọi duy trì tối thiểu với các loại hình công việc như
bảng 3.10.
Bảng 3.10. Bảng yêu cầu về độ rọi duy trì tối thiểu cho các phòng,
khu vực làm việc
76

Loại phòng, công việc hoặc các hoạt động Em (Lux)


1. Khu vực chung trong nhà
Tiền sảnh 100
Nhà kho, kho lạnh 100
Khu vực đóng gói hàng gửi đi 300
Băng tải 150
Khu vực giá để hàng hóa 150
Khu vực kiểm tra 150
2. Hoạt động công nghiệp
2.1. Công nghiệp sắt thép
Máy móc sản xuất không yêu cầu thao tác bằng tay 50
Máy móc sản xuất đôi khi yêu cầu thao tác bằng tay 150
Khu vực sản xuất thường xuyên thao tác bằng tay 200
Kho thép 50
Lò luyện 200
Máy cán, cuộn, cắt thép 300
Sàn Điều khiển và bảng Điều khiển 300
Thử nghiệm, đo đạc và kiểm tra 500
Đường hầm dưới sàn, băng tải, hầm chứa 50
2.2. Các lò đúc và xí nghiệp đúc kim loại
Đường hầm dưới sàn, hầm chứa 50
Sàn thao tác 100
Chuẩn bị cát 200
Gọt giũa ba via 200
Đúc máy 200
Đổ khuôn bằng tay và đúc lõi 300
Đúc khuôn dập 300
Nhà làm mẫu 500
2.3. Công nghiệp cơ khí chế tạo
Tháo khuôn phôi 200
77

Loại phòng, công việc hoặc các hoạt động Em (Lux)

Gia công đĩa độ dày ≥5mm 200


Gia công thép tấm độ dày <5mm 300
Chế tạo dụng cụ, thiết bị cắt 750
Xử lý bề mặt và sơn 750
Chế tạo công cụ, khuôn mẫu, đồ gá lắp, cơ khí chính xác và siêu 1000
nhỏ
2.4. Công nghiệp chế tạo và sửa chữa ô tô
Làm thân xe và lắp ráp 500
Sơn, buồng phun sơn, buồng đánh bóng 750
Sơn: sửa, kiểm tra 1000
2.5. Nhà máy điện
Trạm cấp nhiên liệu 50
Xưởng nồi hơi 100
Phòng Điều khiển 500
2.6. Công nghiệp điện
Sản xuất cáp và dây điện 300
Quấn dây:
- Cuộn dây lớn 300
- Cuộn dây trung bình 500
- Cuộn dây nhỏ 750
Nhúng cách điện 300
2.7. Công nghiệp xi măng, bê tông, gạch
Phơi sấy vật liệu 50
Chuẩn bị vật liệu, làm việc ở máy trộn, lò nung 200
Vận hành máy móc 300
Làm khuôn thô 300
2.8. Công nghiệp gốm, thủy tinh, tấm lợp
Phơi sấy vật liệu 50
78

Loại phòng, công việc hoặc các hoạt động Em (Lux)

Chuẩn bị, vận hành máy móc 300


Mài kính quang học, mài và khắc pha lê bằng tay 750
Công việc chính xác; ví dụ: mài, vẽ, trang trí... 1000
Chế tác đá quý nhân tạo 1500
2.9. Công nghiệp hóa chất, chất dẻo và cao su
Lắp đặt quy trình sản xuất Điều khiển từ xa 50
Lắp đặt quy trình sản xuất với thao tác bằng tay 150
Công việc ổn định trong quy trình sản xuất 300
2.10. Công nghiệp giấy
Bóc gỗ, máy nghiền bột giấy 200
Sản xuất giấy, máy gấp giấy, sản xuất bìa các tông 300
Công việc đóng sách; ví dụ: gấp giấy, sắp xếp, dán keo, xén, 500
đóng bìa, khâu sách
2.11. Công nghiệp in
Xén giấy, mạ vàng, chạm nổi, chế bản khắc chữ, làm trên đá và 500
tấm ấn giấy, máy in, làm ma trận (matrix)
Phân loại giấy và in bằng tay 500
Sắp chữ, sửa bản bông, in li tô 1000
Kiểm tra màu trong in nhiều màu 1500
Khắc bản thép và đồng 2000
2.12. Công nghiệp da
Bể, thùng ngâm, hầm chứa da 200
Lọc, bào, chà, xát, giũ da 300
Làm yên ngựa, đóng giày, khâu, may, đánh bóng, tạo phom, cắt, 500
dập
Phân loại 500
2.13. Công nghiệp dệt
Vị trí làm việc và vùng tháo dỡ kiện bông 200
79

Loại phòng, công việc hoặc các hoạt động Em (Lux)

Chải, giặt, là, máy xé bông, kéo sợi, ghép sợi thô, hồ sợi, cắt, xe 300
sợi thô, xe sợi đay và sợi gai
Thiết kế bằng tay, vẽ mẫu 750
Hoàn thiện, nhuộm 500
Phòng phơi sấy 100
In vải tự động 500
Gỡ nút sợi, chỉnh sửa 1000
Kiểm tra màu, kiểm tra vải 1000
Sửa lỗi 1500
May mũ 500
2.14. Công nghiệp sản xuất đồ gỗ
Quy trình tự động; ví dụ: sấy khô, sản xuất gỗ dán 50
Hầm xông hơi 150
Xưởng cưa 300
Làm trên bàn mộc, gắn keo, lắp ghép 300
Đánh bóng, sơn, làm đồ mộc tinh xảo 750
Chọn gỗ bọc, dát gỗ, chạm, khảm 750
Kiểm tra chất lượng 1000

Độ rọi duy trì tối đa với các loại hình công việc không vượt quá 10.000 Lux.
Quy định về quản lý:
1) Cơ sở có người lao động chịu ảnh hưởng của Điều kiện chiếu sáng nơi
làm việc phải định kỳ đo đạc, đánh giá cường độ chiếu sáng tối thiểu 1 lần/năm
và theo các quy định của Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh động.
2) Nếu chiếu sáng nơi làm việc không đạt mức cho phép, người sử dụng lao
động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện đảm bảo vệ sinh chiếu sáng và
bảo vệ sức khỏe người lao động.
80

Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát chói loá:


- Để giảm độ bóng của các bề mặt có thể dùng các loại sơn màu hoặc thay
đổi hướng chiếu sáng.
- Có thể dùng màn gió để hạn chế ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ.
- Để hạn chế độ chói loá của đèn điện cần lắp chao chụp đèn có góc bảo vệ >
15° đối với đèn huỳnh quang và >10° đối với đèn nung sáng.
- Đảm bảo độ cao treo đèn (so với nền nhà) để vừa nâng cao được hiệu quả
chiếu sáng vừa đồng thời hạn chế được chói loá.
- Đối với chiếu sáng cục bộ (bóng huỳnh quang hoặc nung sáng) cần phải có
chao chụp làm bằng vật liệu không xuyên sáng, có góc bảo vệ >30°.
- Đối với công việc hàn điện hoặc hàn hơi, người thợ hàn phải sử dụng kính
hàn đúng số để tránh cho mắt khỏi bị tổn thương do các tia cực tím trong ngọn
lửa hàn tác động trực tiếp gây nên.
3.2.1.5. Bức xạ ion hoá
Các nguyên tố phóng xạ tự nhiên và đồng vị phóng xạ nhân tạo là những
chất mà hạt nhân nguyên tử có khả năng ion hoá vật chất và phát ra các tia phóng
xạ. Ví dụ: Côban phát ra tia γ, Uran và Radi phát ra các tia α, β, γ, Cacbon phát ra
tia β, Bari phát ra các tia β, Y ngoài ra còn có các bức xạ tia X (Rơnghen), bức xạ
nơtron.
Ảnh hưởng của bức xạ ion hoá tới cơ thể:
Các tia phóng xạ khi chiếu bên ngoài vào bề mặt cơ thể thì gọi là tác dụng
chiếu ngoài. Các chất phóng xạ xâm nhập vào cơ thể (qua đường hô hấp, đường
tiêu hoá) gây tác dụng chiếu trong. Chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong đều gây
nguy hiểm cho cơ thể. Nhưng chiếu xạ trong thường nguy hiểm hơn do thời gian
bị chiếu xạ lâu hơn, diện chiếu xạ rộng hơn và đào thải chất phóng xạ ra khỏi cơ
thể khó hơn.
Ảnh hưởng của bức xạ ion hóa phụ thuộc nhiều vào liều hấp thụ bức xạ.
Liều hấp thụ bức xạ (rad) là số năng lượng bức xạ hấp thụ trên một đơn vị khối
lượng. Vì tổn thương sinh học trên mỗi rad thay đổi theo loại bức xạ (ví dụ, nó
cao hơn đối với các hạt neutron so với tia X hay tia gamma), liều rad được hiệu
81

chỉnh bằng một yếu tố chất lượng; dẫn đến đơn vị đo liều tương đương là
"roentgen equivalent in man" (rem). Ở các nước khác Hoa Kỳ và trong các tài
liệu khoa học, các đơn vị SI (Hệ thống Quốc tế) được sử dụng, trong đó rad
được thay thế bằng đơn vị gray (Gy) và rem được thay thế bởi sievert (Sv); 1
Gy = 100 rad và 1 Sv = 100 rem. Rad và rem (Gy và Sv) là tương ứng như nhau
(tức là yếu tố chất lượng bằng 1) khi mô tả đối với tia X hoặc tia gamma hoặc
beta.
a) Những ảnh hưởng sớm - bệnh nhiễm xạ cấp tính
Nhiễm xạ cấp tính có thể xảy ra rất sớm sau vài giờ hoặc vài ngày khi cơ thể
người bị nhiễm xạ một liều (300 Rem một lần), với các triệu chứng:
- Rối loạn chức phận hệ thần kinh trung ương: nhức đầu, chóng mặt, buồn
nồn, hồi hộp, cáu kỉnh, khó ngủ, chán ăn, mệt mỏi.
- Da bị bỏng hoặc tấy đỏ chỗ tia phóng xạ chiếu qua.
- Cơ quan tạo máu bị tổn thương nặng nề, bệnh nhân bị thiếu máu nặng,
giảm khả năng chống bệnh nhiễm trùng.
- Gầy, sút cân dẫn đến chết trong tình trạng suy nhược toàn thân hay bệnh
nhiễm trùng nặng. Bệnh nhiễm xạ cấp tính thường gặp trong những vụ nổ hạt
nhân, sự cố lò phản ứng hạt nhân.
b) Những ảnh hưởng muộn - bệnh nhiễm xạ mãn tính
Nhiễm xạ mãn tính thường gây các triệu chứng bệnh muộn, lâu tới hàng năm
hoặc hàng chục năm kể từ lúc bị chiếu tia hoặc nhiễm xạ. Bệnh xảy ra khi cơ thể bị
nhiễm một liều 200 Rem một lần hoặc những liều nhỏ tia, chất phóng xạ trong một
khoảng thời gian dài. Triệu chứng sớm nhất trong bệnh nhiễm xạ mãn tính là hội
chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn chức phận cơ quan tạo máu,
rối loạn chuyển hoá đường, lipid, protit, muối khoáng và sau cùng là thoái hoá, suy
sụp chức phận ở các cơ quan, hệ thống. Bệnh nhân có thể bị đục nhân mắt, ung thư
da, ung thư xương. Bệnh nhiễm xạ còn phụ thuộc vào các yếu tố:
- Tổng liều chiếu xạ và liều chiếu xạ mỗi lần.
- Diện tích cơ thể bị chiếu xạ.
- Tế bào thai nhi, tế bào tổ chức ung thư mẫn cảm hơn khi bị chiếu xạ.
82

- Trong cơ thể mệt mỏi, đói, nhiễm độc, nhiễm trùng tăng thêm nhạy cảm với
tia phóng xạ.
Liều tiếp xúc bức xạ ion hóa tại nơi làm việc:
QCVN 29:2016/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 29/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế, quy định liều tiếp xúc bức xạ ion hóa tại nơi làm việc như sau:
1) Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép trong một năm đối với
chiếu xạ ion hóa nghề nghiệp và công chúng được quy định trong bảng 3.11.
Bảng 3.11. Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép trong một năm
(Đơn vị tính bằng mSV/năm)
Người học việc,
Loại liều và đối tượng Nhân viên Công
học nghề, sinh
áp dụng bức xạ chúng
viên từ 16 - 18 tuổi
Liều hiệu dụng toàn thân 20 6 1
Liều tương đương đối
20 20 15
với thủy tinh thể của mắt
Liều tương đương đối 50 15
50
với tay, chân, da 0 0

- Liều hiệu dụng toàn thân đối với nhân viên bức xạ 20 mSV trong
một năm được lấy trung bình trong 5 năm làm việc liên tục. Trong một năm riêng
lẻ có thể lên tới 50 mSV, nhưng phải đảm bảo liều trung bình trong 5 năm đó
không quá 20 mSV/năm.
- Liều tương đương đối với thể thủy tinh của mắt nhân viên bức xạ là 20
mSV trong một năm được lấy trung bình trong 5 năm làm việc liên tục. Trong
một năm riêng lẻ có thể lên tới 50 mSV, nhưng phải đảm bảo liều trung bình
trong 5 năm đó không quá 20 mSV/năm.
- Giới hạn liều tương đương đối với da là giá trị được lấy trung bình trên
1 cm2 của vùng da bị chiếu xạ nhiều nhất.
83

2) Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép đối với chiếu xạ ion hóa
theo suất liều tương đương được quy định trong bảng 3.12.
Bảng 3.12. Giá trị giới hạn liều tiếp xúc tối đa cho phép theo suất liều tương
đương tính theo µSV/h

Người học việc, học


Loại liều và đối tượng Nhân viên
nghề, sinh viên Công chúng
áp dụng bức xạ
từ 16 - 18 tuổi
Liều hiệu dụng toàn
10,0 3,0 0,5
thân
Liều tương đương đối
với thủy tinh thể 10,0 10,0 7,5
của mắt
Liều tương đương
250,0 75,0 25,0
đối với tay, chân, da

3) Giá trị giới hạn cho phép suất liều tương đương khi thiết kế; thanh
tra, kiểm tra phòng làm việc liên quan đến chiếu xạ ion hóa được quy định trong
bảng 3.13.
Bảng 3.13. Giá trị giới hạn cho phép suất liều tương đương cho phòng đặt thiết
bị phát bức xạ
Suất liều tương đương
Vị trí
(µSV/h)
Trong phòng điều khiển hoặc nơi đặt tủ điều
10,0
khiển của thiết bị phát bức xạ
Các vị trí ngoài phòng đặt thiết bị (nơi công
chúng đi lại, người ngồi chờ, các phòng làm việc 0,5
lân cận)

Ghi chú: Giá trị giới hạn không tính phông bức xạ tự nhiên
4) Giá trị giới hạn mức nhiễm xạ trên các bề mặt được quy định trong
bảng 3.14.
84

Bảng 3.14. Giá trị giới hạn mức nhiễm xạ trên các bề mặt (1) (hạt/cm2/phút)
Nuclit phóng
anpha
Nuclit phóng
Nhân
Đối tượng nhiễm xạ Nhân beta (4)
đặc
khác
biệt (2)
Ngoài da, khăn mặt, quần áo mặc trong,
mặt trong của phần phía trước các 1 1 100
phương tiện phòng hộ cá nhân
Quần áo phòng hộ chính, mặt trong
5 20
các dụng cụ phòng hộ bổ sung 800
Bề mặt các phòng có người thường
xuyên làm việc, mặt ngoài giầy dép 200
5 20
phòng hộ, các thiết bị và các phương 0
tiện bên trong những phòng này
Bề mặt các phòng đặt máy không
người làm việc thường xuyên, mặt 800
50 200
ngoài các dụng cụ phòng hộ bổ sung 0
dùng ở các phòng này
Các phương tiện vận chuyển, mặt
ngoài các công ten nơ bảo vệ và các
bao bì che chở ngoài cùng các kiện 10 10 100
hàng chứa chất phóng xạ trong vùng
kiểm soát (3)
Chú thích:
(1) Đối với bề mặt các phòng làm việc, thiết bị, phương tiện vận chuyển,
công ten nơ bảo vệ, bao bì bảo vệ, mức nhiễm xạ bề mặt được xác định bằng
phương pháp vệ sinh khô và được chuẩn định theo lượng nhiễm xạ không bám
chắc vào bề mặt (có thể lau sạch được). Đối với những trường hợp còn lại, mức
nhiễm xạ được chuẩn định theo mức nhiễm xạ tổng cộng (loại không bám chắc
và loại bám chắc vào bề mặt).
(2) Nuclit đặc biệt là những nuclit phóng anpha có nồng độ giới hạn cho
85

phép trong không khí ở nơi làm việc 1.10-14 Curi/lit.


(3) Ra ngoài vùng kiểm soát không cho phép có nhiễm xạ ở mặt ngoài các
bao bì của các kiện hàng chứa chất phóng xạ và các phương tiện vận chuyển.
(4) Riêng đối với Sr- 90, Sr-90 + Y-90 thì mức nhiễm xạ cho phép thấp hơn
5 lần. Mức nhiễm xạ của Triti không quy định vì được kiểm soát theo hàm lượng
trong không khí và trong cơ thể.
Các biện pháp kiểm soát tia phóng xạ:
a. Phơi nhiễm với nguồn phóng xạ kín
- Bảo quản các chất phóng xạ trong hộp chì kín, bọc bớt bóng phát tia
Rơnghen bằng vỏ chì.
- Bảo đảm thời gian chiếu và khoảng cách từ nguồn đến cơ thể để phòng
chống nguy hại cho cơ thể.
- Buồng sử dụng tia phóng xạ, buồng rơnghen cần có kích thước đủ rộng,
không để nhiều đồ đạc.
- Nhân viên bức xạ khi làm việc phải đeo tạp dề cao su chì, mang găng tay,
ủng cao su và đeo kính.
b. Phơi nhiễm với nguồn phóng xạ hở
- Các phòng thí nghiệm phóng xạ phải bố trí riêng biệt, có chu vi bảo vệ 50-
300 mét.
- Cấu trúc trang thiết bị, của phòng thí nghiệm phóng xạ cần giảm bớt tính
hấp thụ phóng xạ, dễ cọ rửa và tẩy xạ.
- Khu vực phòng thí nghiệm phóng xạ cần trang bị các phương tiện: phòng
chứa chất phóng xạ an toàn, vòi rửa nóng - lạnh, thùng rác đóng mở đạp chân,
phòng tẩy xạ có thiết bị đo liều nhiễm...
- Nhân viên phòng thí nghiệm được trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân
chuyên dụng cần thiết như: găng tay cao su, tạp dề, giầy tất, khẩu trang, tấm che mặt.
- Khi làm thí nghiệm các nhân viên phải mặc đầy đủ phương tiện bảo vệ cá
nhân chuyên dụng; thực hiện các thao tác chuẩn xác với thời gian tối ưu, không
được ăn uống khi làm việc; thay quần áo, tắm rửa và kiểm tra nhiễm xạ trước khi
ra về.
86

- Có kế hoạch tẩy xạ hàng ngày, hàng tuần cho người, quần áo, dụng cụ, thiết
bị, bàn làm việc, tường, sàn, trần, cửa phòng thí nghiệm và kiểm tra kết quả bằng
máy đếm.
- Đối với công tác khai thác, chế biến, vận chuyển quặng phóng xạ, cần phải
tuân thủ các yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động nghiêm ngặt. Đặc biệt là công tác
thông gió, công tác chống bụi, cũng như các nguyên tắc vệ sinh, sử dụng phương
tiện bảo vệ cá nhân... để phòng chống có hiệu quả nguy cõ chiếu xạ trong do bụi
quặng phóng xạ thâm nhập vào đường hô hấp và tiêu hoá.
- Để bảo vệ được sức khoẻ người lao động tiếp xúc với phóng xạ cần tuân
thủ nghiềm ngặt công tác khám tuyển và khám sức khoẻ định kỳ để loại những
người không đủ sức khoẻ và những người mắc các bệnh chống chỉ định làm việc
với bức xạ ion hoá.
3.2.1.6. Bức xạ điện từ tần số radio
Khái niệm về bức xạ điện từ tần số radio:
Bức xạ điện từ gồm nhiều bức xạ khác nhau như sóng radio (vô tuyến), bức
xạ hồng ngoại, cực tím, tia , tia X (Rơnghen)... các bức xạ kể trên giống nhau
về bản chất là những photon truyền đi trong không gian với tốc độ của ánh sáng
(300.000 km/s), nhưng chúng khác nhau về bước sóng (độ dài sóng) và tần số (số
dao động của sóng trong 1 giây).
Điện từ trường được đặc trưng bởi cường độ điện trường (E) có đơn vị là
(V/m) và cường độ từ trường (H) có đơn vị là (A/m). Với bức xạ siêu cao tần, các
sóng ngắn tạo thành một điện từ trường thống nhất, cường độ được biểu thị ra
mật độ năng lượng, đơn vị là W/m2 hay mW/m2 hoặc W/m2.
Bức xạ điện từ được ứng dụng trong công nghệ thông tin (viễn thông, truyền
thanh, truyền hình, ra đa quân sự, dân dụng..; ứng dụng trong công nghiệp luyện
kim, gia công cơ khí chất dẻo; chế biến thực phẩm, sản phẩm gia dụng; ứng dụng
trong y học và ứng dụng khác...
Phơi nhiễm nghề nghiệp với bức xạ chủ yếu từ các nguồn nhân tạo: máy
phát điện, các máy chạy bằng dòng điện, máy phát sóng tần số radio và cao tần,
phát sóng điện từ qua ăng ten, các đài phát thanh, truyền hình, trạm vô tuyến, ra
87

đa, các máy có nguồn bức xạ radio (lò viba, lò nấu chảy kim loại, hàn, điều trị y
học). Đổi tượng phơi nhiễm chủ yếu do nghề nghiệp và ảnh hưởng tới những
người xung quanh.
Tác hại của bức xạ điện từ:
Bức xạ điện từ tần số cao kết hợp với hấp thụ năng lượng từng phần của
sóng radio đi qua cơ thể người gây ra nhiệt và tạo ra các ion; Nguồn nhiệt này
làm tăng tuần hoàn máu. Một số bộ phận cơ thể (não, mắt, thận, ruột, tinh hoàn)
nhạy cảm với sự quá nhiệt. Sự dẫn điện trong các tổ chức cơ thể tỷ lệ với số
lượng dịch của tổ chức; sự dẫn điện trong máu và cơ xảy ra cao nhất, trong mô
mỡ thì thấp nhất.
Trường hợp bị phơi nhiễm lâu dài có hệ thống với bức xạ điện từ khác nhau,
vượt quá giới hạn cho phép về tần số và cường độ, có thể gây ra tác hại đến mắt
(đục nhãn mắt, thuỷ tinh thể tổn thương giác mạc...); hệ thần kinh trung ương
(nhức đầu, mất ngủ, giảm minh mẫn, giảm trương lực cơ...); hệ tim mạch (hạ
huyết áp, giảm co tâm thu...); máu (biến đổi hoá học, biến đổi hồng cầu, bạch
cầu...); tăng nhiệt cơ thể; sinh sản và di truyền; nội tiết; chuyển hoá...
Liều tiếp xúc bức xạ điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc:
QCVN 21:2016/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 21/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế, quy định mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số cao tại nơi
làm việc như sau:
(1) Mức cho phép cường độ điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc
không vượt quá các giá trị quy định tại bảng 3.15.
Bảng 3.15. Mức cho phép cường độ điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc
Điện từ trường tần số cao (1)
Thời gian
Cường độ Cường độ Mật độ dòng
trung bình
Tần số điện trường từ trường (H) nănglượng
cho các phép
(E) (V/m) (A/m) (P) (W/cm2)
đo (phút)
(2)
3KHz-65KHz 614 24,6 - 6
88

>65KHz-1MHz 614 1,6/f(3) - (2) 6


>1MHz-10MHz 614/f(3) 1,6/f(3) - (2) 6
>10MHz-400MHz 61 0,16 10 6
>400MHz-300GHz 61 0,16 10 6
(1)
Các giá trị cường độ điện trường và cường độ từ trường tại nơi làm việc
có thể có được từ các giá trị lấy mẫu trung bình theo không gian trên một vùng có
diện tích danh nghĩa 30cm x 30cm. Giá trị cho phép của các thông số điện từ
trường tần số cao là giá trị được lấy trung bình trong 6 phút bất kỳ của ngày làm
việc.
(2)
Trong phạm vi các dải tần số này, việc đo mật độ dòng năng lượng theo
đơn vị này là không phù hợp.
(3)
f là tần số tính bằng MHz.
(2) Mức tiếp xúc cho phép với điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc
được quy định tại bảng 3.16.
Bảng 3.16. Mức tiếp xúc cho phép với điện từ trường tần số cao
tại nơi làm việc
Mật độ dòng
Thời gian tiếp xúc cho
Tần số năng Ghi chú
phép trong 1 ngày
lượng (W/cm2)
≤ 10 8 giờ
Thời gian làm việc
10MHz - còn lại trong ngày,
> 10 đến 100 2 giờ
300GHz mật độ dòng năng
>100 đến 1000 20 phút
lượng không vượt quá
10W/cm2
(3) Mức cho phép đối với dòng điện cảm ứng và dòng điện tiếp xúc qua cơ
thể không vượt quá các giá trị quy định tại bảng 3.17.
Bảng 3.17. Mức cho phép đối với dòng điện cảm ứng và dòng điện tiếp xúc qua
cơ thể của điện từ trường tần số cao (1)
Dòng điện cảm ứng (mA) Dòng điện tiếp
Tần số
Qua cả hai chân Qua từng chân xúc (mA)
89

3KHz - 100KHz 2000 f(3) 1000 f(3) 1000 f(3)


>100KHz - 100MHz 200 100 -
>100MHz - 300MHz - - 100 (2)
Chú thích:
(1)
Các phép đo dòng điện cảm ứng qua cơ thể người được lấy trung bình
trong 6 phút bất kỳ và dòng điện tiếp xúc được lấy trung bình trong 1 giây bất kỳ.
Giới hạn dòng điện này có thể không đủ bảo vệ chống các phản ứng và bỏng đột
ngột gây ra do phóng điện quá độ khi tiếp xúc với vật mang điện.
(2)
Mặc dù các tiêu chuẩn khác nhau đưa ra các dòng điện tiếp xúc của điện
từ trường tần số cao lớn nhất đối với các tần số trên 300MHz, nhưng hiện nay
chưa thể thực hiện được các phép đo cao hơn tần số này.
(3)
f là tần số tính bằng MHz.
Kiểm soát tác hại của bức xạ điện từ:
- Quản lý và kiểm soát tác hại bằng biện pháp kỹ thuật - công nghệ: ngăn
cản bức xạ ra ngoài (bằng vật liệu thích hợp, màn che chắn thích hợp) thường
xuyên kiểm tra hiệu quả, giải quyết kịp thời yêu cầu bảo vệ.
- Quản lý kiểm soát bằng biện pháp hành chính: xác định chu vi bảo vệ xung
quanh nguồn bức xạ điện từ, gắn biển báo và hệ thống tín hiệu ánh sáng và âm
thanh...
- Khám tuyển theo tiêu chuẩn sức khoẻ, không bố trí làm việc khu vực có
nguồn bức xạ những người có vấn đề về huyết áp, rối loạn thần kinh, đục thuỷ
tinh thể...; Kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm (điện tâm đồ, điện não
đồ...) để phát hiện sớm tác hại nghề nghiệp về lâm sàng.
- Quản lý - kiểm soát bằng phương tiện bảo vệ cá nhân: cấp phát và sử dụng
cho công nhân bộ quần áo bảo vệ đặc chủng đối với vị trí có nguy cơ cao; trang bị
kính bảo vệ đặc biệt đi bảo vệ mắt; đối với các trường hợp thường xuyên bị phơi
nhiễm cần trang bị máy phát hiện cá nhân để theo dõi và đánh giá mức phơi nhiễm.
3.2.2. Kiểm soát các tác hại bụi và hóa học
3.2.2.1.Bụi trong sản xuất
Khái nỉệm chung:
90

Bụi trong sản xuất là tập hợp các hạt chất rắn được phát sinh trong quá trình
gia công, chế biến, đóng gói nguyên vật liệu và tồn tại trong không khí ở dạng
bụi bay, bụi lắng hoặc khí dung (hơi, khói, mù).
- Theo nguồn gốc, bụi gồm bụi hữu cơ: gỗ, bông, đay, gai, trấu gạo, len,
lông tóc, nhựa hoá học, cao su..., bụi vô cơ: bụi khoáng - silic, amiăng, kim loại-
sắt, đồng, chì...
- Theo kích thước hạt, bụi được phân ra: > 10pm - bụi thực sự, 10 - 0,1 m-
sương mù, < 0,1 m - khói.
- Theo khả năng thâm nhập vào đường hô hấp: <0,1 m : không ở lại phế
nang; 0,1 - 5 m : ở lại phổi tới 80 - 90%; 5 - 10 m : vào phổi và được
đào thải ra; > 10 m : đọng lại ở mũi.
- Theo tác hại: bụi gây nhiễm độc (chì, thuỷ ngân...) bụi gây dị ứng, hen
(bông, gai, phân hóa học...), bụi sinh ung thư (quặng phóng xạ, crôm, acsen...),
bụi gây nhiễm trùng (lông, xương, tóc...) bụi gây xơ hoá phổi (silíc, amiăng...).
Những tác hại của bụi đến sức khỏe:
- Tác hại nguy hiểm nhất của bụi là gây nên các bệnh phổi nhiễm bụi. Tuỳ
theo loại bụi; có kích thước nhỏ dưới 5 m, theo không khí thở lọt vào phế nang
và đọng lại gây nên các bệnh bụi phổi (BBP) khác nhau: BBP silíc, BBP amiăng,
BBP than, BBP sắt, BBP bông...
- Các BBP đều dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, gây nên biến chứng lao
phổi, suy phổi, tâm phế mãn, viêm phổi... do xơ hoá phổi hoặc giãn phổi...
- Một số BBP rất nguy hiểm do tác hại gây ung thư và tiếp tục tiến triển kể
cả sau khi không hít thêm phải bụi (ngừng tiếp xúc) và dẫn đến tử vong như BBP
amiăng.
- Bụi còn gây nên các bệnh ở đường hô hấp: viêm mũi, họng, khí phế quản:
Bụi bông, sợi, gai, lanh gây viêm phù thũng, gây viêm loét vào lòng khí phế
quản. Bụi vô cơ rắn, sắc nhọn gây viêm mũi phì đại, sau chuyển thành viêm mũi
teo. Bụi Crôm, asen gây thể viêm loét thủng vách mũi. Bụi len, thuốc kháng sinh
gây viêm mũi, viêm phế quản dạng hen.
- Bụi còn gây bệnh ngoài da: Bụi đồng gây nhiễm trùng da. Bụi than, xi
91

măng, đất sét, cao lanh tác động vào tuyến nhờn làm khô da. Bụi vôi, thiếc gây
kích thích da.
- Bụi còn gây chấn thương mắt: viêm màng tiếp hợp, viêm mi mắt sinh nhài
quạt, mộng thịt. Bụi kiềm, axit gây bỏng giác mạc, nặng thì gây mù.
- Bụi ở đường tiêu hoá: bụi đường, bột gây sâu răng; bụi kim loại sắc nhọn
có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây rối loạn tiêu hoá.
- Bụi còn gây nguy cơ cháy nổ.
Giá trị giới hạn tiêu chuẩn cho phép của bụi tại nơi làm việc:
QCVN 02: 2019/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ
sinh lao động biên soạn, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban
hành theo Thông tư số 02/2019/TT-BYT ngày 21 tháng 3 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Y tế, quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc
như sau:
Bảng 3.18. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi amiăng tại nơi làm việc
Đơn vị: sợi/mL
STT Tên chất Giới hạn tiếp xúc ca làm việc (TWA)
1 Serpentine (chrysotile) 0,1
2 Amphibole 0

Bảng 3.19. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi silic tại nơi làm việc
Đơn vị: mg/m3
Giới hạn tiếp xúc ca làm việc
TT Tên chất
(TWA)
1. Nồng độ silic tự do trong bụi toàn phần 0,3
2. Nồng độ silic tự do trong bụi hô hấp 0,1

Bảng 3.20. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi không chứa silic tại nơi
làm việc
Đơn vị: mg/m3
Nhóm Tên chất Giới hạn tiếp xúc ca làm việc
92

(TWA)
Bụi toàn phần Bụi hô hấp
1 Talc, nhôm, bentonit, diatomit, pyrit,
2,0 1.0
graphit, cao lanh, than hoạt tính.
2 Bakelit, oxit sắt, oxit kẽm, dioxit titan,
silicat, apatit, baril, photphatit, đá vôi,
4,0 2,0
đá trân châu, đá cẩm thạch, xi măng
Portland
3 Bụi nguồn gốc từ thảo mộc, động vật,
6,0 3,0
chè, thuốc lá, ngũ cốc, gỗ.
4 Bụi hữu cơ và vô cơ không có quy
8,0 4,0
định khác.

Bảng 3.21. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi bông tại nơi làm việc
Đơn vị: mg/m3
STT Tên chất Giới hạn tiếp xúc ca làm việc (TWA)
1 Bụi bông 1,0

Bảng 3.22. Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi than tại nơi làm việc
Đơn vị: mg/m3
Giới hạn tiếp xúc ca Hàm lượng silic tự
STT Thông số
làm việc (TWA) do
1 Bụi than toàn phần 3,0 Nhỏ hơn hoặc bằng
2 Bụi than hô hấp 2,0 5%

Khi hàm lượng silic tự do trong bụi than lớn hơn 5% thì giới hạn tiếp xúc
cho phép được quy định theo bụi silic. Hàm lượng silic tự do được xác định trong
bụi toàn phần, bụi hô hấp hoặc bụi lắng.
Các biện pháp phòng ngừa tác hại của bụi:
93

* Biện pháp kỹ thuật:


- Tự động hoá các quá trình sản xuất phát sinh bụi (đóng bao, đổ trộn
nguyên liệu...)
- Bao kín thiết bị và dây chuyền sản xuất phát sinh bụi. (máy mài, máy cưa,
máy nghiền...)
- Thay đổi phương pháp công nghệ sinh bụi bằng công nghệ sạch (đúc liên
tục, làm sạch vật đúc bằng nước, khoan ướt, làm ẩm, bắn mìn ướt...)
- Thay thế vật liệu nhiều bụi độc bằng vật liệu ít bụi độc (đá mài nhân tạo)
- Định kỳ kiểm tra nồng độ bụi tại nơi làm việc
- Sử dụng hệ thống thông gió hút bụi, lọc bụi hiệu quả.
- Đề phòng bụi cháy, nổ.
* Biện pháp vệ sinh cá nhân:
- Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân chống bụi hữu hiệu: các PTBV cơ
quan hô hấp: khẩu trang, mặt nạ, bán mặt nạ, mặt trùm, găng tay, quần áo. Khi
lựa chọn các PTBV cơ quan hô hấp cần đặc biệt chú ý đến khả năng lọc được cỡ
hạt . bụi < 5 m.
- Tăng cường chế độ vệ sinh cá nhân đối với nghề, công việc tiếp xúc với
bụi độc...
* Biện pháp y tế:
- Thực hiện khám tuyển, khám định kỳ, giám định sức khoẻ, chụp phim,
chức năng hô hấp thường xuyên cho công nhân tiếp xúc với bụi.
- Nghiên cứu chế độ làm việc thích hợp cho ngành nghề tiếp xúc nhiều với bụi.
- Tổ chức theo dõi sức khoẻ, khám lại cho các trường hợp đã được phát sổ
bệnh bụi phổi kể cả sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển nghề.
- Điều trị phục hồi chức năng cho người lao động bị suy giảm chức năng hô
hấp do tiếp xúc với bụi.
3.2.2.2. Hoá chất độc
Khái niệm chung:
Tác động qua lại giữa các hơi khí, hóa chất độc với cơ thể sống diễn ra trong
các phân tử gồm: giai đoạn tác hại của các chất độc đối với cơ thể và giai đoạn
94

tác động của cơ thể đối với chất độc. Tác hại của chất độc đối với cơ thể được
quyết định bởi các đặc tính hoá lý của chất độc và bản thân cấu trúc và đặc tính
của các tế bào sống. Tác động của cơ thể đối với chất độc gồm hai quá trình:
phân bố và chuyển hoá. Quá trình phân bố gồm hấp thụ, vận chuyển, tích luỹ và
thải chất độc. Quá trình chuyển hoá là quá trình biến đổi sinh học các chất độc.
Quá trình hấp thụ chất độc:
Các chất độc trong môi trường làm việc và môi trường sống có thể xâm
nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá và da:
- Qua đường hô hấp: Sự hấp thụ qua phổi là đường thâm nhập chính của
chất độc ở dạng: hơi, khói, bụi, khí dung... trong không khí. Hệ thống hô hấp
gồm các đường dẫn khí: mũi-họng, khí-phế quản, phần dưới gồm phế quản nhỏ
dẫn tới phế nang hợp thành các tiểu thùy. Khí, hơi hoà tan trong nước dễ dàng
phân rã trong dịch niêm mạc đường hô hấp trên. Khí, hơi ít hoà tan hơn được hấp
thụ ở phế nang. Khí hơi hòa tan trong mỡ qua các màng phế nang-mao, mạch
lành. Khí, hơi hoà tan trong máu dễ bị hấp thụ. Các hạt không bị hoà tan bị giữ lại
trong đường hô hấp có thể thải ra theo ba cơ chế: bằng lớp mao dịch, bằng thực
bào và bằng xâm nhập trực tiếp qua biểu mô phế nang.
- Qua đường tiêu hoá: Hấp thụ chất độc có thể theo đường thức ăn, đồ uống
hoặc nuốt phải khi các hạt hoà tan hít vào đường hô hấp bị đẩy theo hệ thống mao
dịch lên miệng. Dạ dày hấp thụ các chất không phân cực bằng khuyếch tán tự
động. Ruột có chức năng hấp thụ, thuận lợi cho quá trình khuyếch tán và hấp thụ
tích cực, kéo dài nhiều giờ. Phần lớn các chất độc được hấp thụ qua đường tiêu
hoá sẽ đi vào trong các mao mạch, đến gan, có thể được thải vào mật và hấp thụ
lại vào ruột.
- Hấp thụ qua da: Da gồm 3 lớp: biểu bì, da, mô dưới da. Xâm nhập của các
chất độc qua da có thể bằng: hấp thụ qua biểu bì do khuyếch tán qua màng lipit
(các hợp chất không phân rã). Hấp thụ qua nang quanh chân lông. Xâm nhập tự
do qua các vết tổn thương cơ học hoặc bệnh ngoài da. Sự thẩm thấu của chất độc
phụ thuộc vào tính chất hòa tan trong mỡ, đặc tính phân cực, kích thước phân tử
và tính phân rã.
95

Vận chuyển chất độc:


Sau khi được hấp thụ vào cơ thể, chất độc sẽ vào máu, bạch huyết, hoặc vài
thể dịch khác, tuy nhiên máu là đường vận chuyển chính. Trong máu chất độc có
thể ở dạng tự do trong huyết tương hoặc kết hợp với hồng cầu hoặc thành phần
trong huyết tương.
Thí dụ: CO kết hợp với kẽm, As kết hợp với globin, thuỷ ngân vô cơ gắn với
albumin, Cr kết hợp với protein huyết tương.
Quá trình khử chất độc trong máu phụ thuộc vào tính ưa liên kết với các
thành phần của máu.
Sự phân bố và tích lũy:
Cơ thể người được cấu tạo bởi nhiều mô, cơ quan và thể dịch nên chất độc
được phân bố và tích luỹ ở các nhóm, các ngăn khác nhau.
- Sự phân bố đồng nhất trong thể dịch: các chất ở dạng cation hoá trị I, VI dễ
khuyếch tán và phân bố đều trong thể dịch của các cơ quan.
- Bám vào hệ thống võng-nội mô của cơ quan: do khả năng giữ, nhận chìm
hoặc phá huỷ các chất keo, các hạt, các vi sinh vật lạ, chủ yếu trong gan.
- Bám vào các mô mỡ: các chất hoà tan trong mỡ có ái lực lớn đối với các
mô, cơ quan giàu lipit, chất béo, tuyến nội tiết, thần kinh.
- Bám trên xương: nhiều chất độc có ái lực đặc biệt đối với xương: nguyên tố
nhẹ, kiềm thổ, một số chất keo. Các chất này bám trên xương bằng cơ chế: trao
đổi ion và hấp thụ chất keo trên bề mặt.
- Bám trên tóc và móng: Một số kim loại nặng (chì, kẽm, cadmi, thuỷ ngân,
asen... có ái lực liên kết với tóc và móng).
Quá trình thải chất độc:
Việc đào thải các chất độc từ các tế bào và cơ thể cũng diễn ra theo cùng
một cơ chế như trong hấp thụ. Sự đào thải này phụ thuộc vào các tính chất của
các chất độc, nồng độ và cách liên kết của chúng trong cơ thể. Sự đào thải chất
độc từ cơ thể người có thể được thực hiện qua không khí thở ra, nước tiểu, mật,
phân, sữa, tóc, da, nước bọt. Đào thải qua đường hô hấp thích hợp với chất khí và
chất bay hơi. Đào thải qua thận là con đường chính, theo cơ chế lọc tiểu cầu, vận
96

chuyển chủ động qua ống thận và khuyếch tán thụ động theo ống. Đào thải qua
đường mật là con đường chính thức thứ hai. Các hợp chất thuỷ phân dễ dàng bị
hấp thụ lại vào hệ tiêu hoá. Một số kim loại nặng thải qua nước bọt nhờ quá trình
khuyếch tán thụ động và thải nhờ tích tụ ở tóc. Thải qua da phần lớn nhờ bài tiết
mồ hôi.
Tác hại của một số hơi khí độc phổ biến:
* Khí Clo (Cl2)
Ở nồng độ thấp khí Clo kích thích niêm mạc và đường hô hấp, gây nên
những cơn ho. Nhiễm độc cấp tính khí Clo gây nên những biến chứng nguy hiểm
ở phổi, với nồng độ 3,2 mg/1 gây chết người đột ngột. Với nồng độ 0,03 mg/1 khí
Clo gây kích thích mạnh khí quản. Với nồng độ 0,16 mg/1 tiếp xúc trong 30 phút
sẽ gây nên phù phổi nguy hiểm.
* Khí Oxyt Cacbon (CO)
Khí CO tách ra trong quá trình đốt nhiên liệu như than, dầu, khí... là sản
phẩm của sự cháy không hoàn toàn, khí CO cũng là sản phẩm của các động cơ
đốt trong chạy xăng, dầu diezen. Khí CO không màu, không mùi và nhẹ hơn
không khí. Khí CO xâm nhập vào cơ thể người, chiếm chỗ của O 2 liên kết với
Hemoglobine trong máu tạo thành HbCO (Carboxy Hemoglobin), gây giảm hồng
cầu, giảm huyết sắc tố. Hít thở phải một lượng nhỏ CO, cảm thấy nhức đầu,
chóng mặt; hít thở CO với nồng độ cao gây đau đầu, choáng váng, hôn mê, bất
tỉnh, loạn nhịp tim và có thể tử vong. Nhiễm độc CO làm tổn thương cơ tim, hệ
thần kinh, gây cơn đau tim. Giới hạn nồng độ cho phép tiêu chuẩn vệ sinh
(TCVS) trong sản xuất của khí CO là 30 mg/m3.
* Khí Oxyt Nitơ (NO2)
Khí NO2 kích thích mạnh đường hô hấp. Khi ngộ độc cấp tính NO 2, thường
gây ho dữ dội, nhức đầu, kèm theo rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc mãn
tính NO2, gây viêm phế quản, kích thích niêm mạc mắt. Thời gian đầu cơ thể có
cảm giác mệt mỏi, tăng thân nhiệt, da tái xanh, kèm theo các cơn rét run. Có thể
phát hiện NO2 trong không khí, khi cơ quan hô hấp bị kích thích, sau vài giờ cảm
thấy tức ngực, ho, khó thở, dần dần nghẹt thở. Giới hạn nồng độ cho phép TCVS
97

trong sản xuất của NO2 là 5 mg/m3.


* Khí Sunfua Hydro (H2S)
Khí Sunfua Hydro là sản phẩm của các chất hữu cơ bị phân hủy. H 2S là khí
không màu, mùi trứng thối, có thể cảm nhận, phát hiện khi ở nồng độ rất thấp.
Với nồng độ thấp trong không khí, H 2S gây chảy nước mũi, hoa mắt. Ở nồng độ
cao làm tổn thương đường hô hấp trên, gây ho và ngạt thở, có thể gây phù phổi
dẫn đến tử vong. H2S cũng gây tổn thương hệ thần kinh trung ương với các triệu
chứng: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai. Giới hạn nồng độ cho phép TCVS
của H2S là 10 mg/m3.
* Khí Amoniac (NH3)
Khí Amoniac được sử dụng trong sản xuất phân bón, chất dẻo, dệt, nhuộm
và công nghệ lạnh. Khí Amoniac là khí không màu, có mùi khai, mùi sốc mạnh.
Khí Amoniac gây kích thích niêm mạc của đường hô hấp hấp trên và mắt. Trong
trường hợp bị ngộ độc, nạn nhân bị đau - xổ mũi, hắt hơi, khô - rát và đau cổ
họng, khàn - mất tiếng, ho và mệt toàn thân. Trường hợp ngộ độc với nồng độ
cao NH3 gây bỏng nặng niêm mạc đường hô hấp trên, bỏng mắt nặng. Với nồng
độ cao hơn nữa gây phù phổi, có thể dẫn đến tử vong. Giới hạn nồng độ cho phép
TCVS của NH3 là 20 mg/m3.
* Khí Anhydrit Sunfuam (SO2)
Khí SO2 là khí không màu, có mùi nồng nặc, tỷ trọng so với không khí là
2,264. Khí SO2 gây tác hại đối với toàn bộ đường hô hấp, đồng thời tác hại đến
các cơ quan tạo máu (tủy xương, lá lách). Ở nồng độ thấp dưới TCVS đã có thể
ngửi thấy mùi; nồng độ vượt 2~3 lần TCVS gây khé cổ họng; nồng độ vượt 5 lần
TCVS gây ho. Hít thở phải nồng độ cao gây khản tiếng, đau, tức ngực, viêm
nhánh khí quản. Nồng độ rất cao gây thở dốc, da xanh, viêm khí quản nặng và rối
loạn nhanh trí não, dẫn đến tử vong do ngạt thở. Hít thở SO 2 nồng độ không cao,
nhưng vượt TCVS cho phép kéo dài gây nên bệnh mãn tính đường hô hấp, có thể
cả bệnh dạ dày, mắt, răng và các bệnh về máu, gan. Khí SO 2 có thể gây biến
chứng giãn phế quản và phù phổi. Giới hạn nồng độ cho phép TCVS của SO 2 là
0,01 mg/l.
98

*Formaldehyde

(Dạng khí: Methanol, Methyl aldehyde, Methylene Oxide; dạng dung dịch:
Formalin 30 - 50% Formaldehyde, 6 - 12% Methanol). Formaldehyde được sử
dụng làm chất sát trùng, chất diệt nấm, bảo quản da; làm dịch ướp, sử dụng trong
sản xuất sản phẩm cách điện, gỗ ép, hoặc làm dung môi, keo dán. Formaldehyde
gây tác hại đến hệ hô hấp, da và mắt. Ở dạng khí Formaldehyde gây kích thích
mũi, miệng, họng; ở nồng độ cao có thể gây phù phổi hoặc co thắt khí quản dẫn
đến tử vong. Ở dạng lỏng Formaldehyde kích thích da, gây tê, bỏng, bỏng nặng
dẫn đến tổn thương vĩnh viễn, gây bỏng mắt, tổn thương bỏng thường đến chậm
sau vài giờ. Tác hại mãn tính: Formaldehyde gây đột biến gen, gây ung thư, gây
dị ứng da, hen (khó thở, ho, đau thắt ngực), gây viêm phế quản.
* Benzen và đồng đẳng
Benzen và đồng đẳng (toluen, xylen) được sử dụng trong sản xuất hóa chất,
hóa dược, xăng dầu, làm dung môi trong sản xuất sơn, keo dán. Tác hại cấp tính:
liều thấp gây kích thích mắt, mũi, họng; liều cao gây choáng váng, đau đầu, chóng
mặt nôn mửa, mê man; nồng độ cao hơn gây hôn mê, co giật, có thể gây tử vong.
Tác hại mãn tính: gây rối loạn thần kinh (nhức đầu, chuột rút); gây tổn
thương cơ quan tạo máu (tủy xương, lách); gây xuất huyết niêm mạc, xuất huyết
dưới da, xuất huyết tại gan, thận, lách, não; gây thiếu máu giảm và biến dạng
hồng cầu, giảm bạch cầu; gây ung thư (bệnh bạch huyết); gây quái thai, sảy thai,
đẻ non; Benzen tích lũy ở não và tủy xương.
* Các dung môi hữu cơ (DMHC) khác
- Dung môi hữu cơ béo và mạch thẳng (dẫn xuất của xăng dầu): gây kích
thích niêm mạc, khô da, tiêu mỡ, suy nhược thần kinh, viêm phổi.
- Dung môi hữu cơ có halogen: DMHC có Clo tác động vào thần kinh trung
ương, viêm da mãn tính, tiêu mỡ, gây tổn thương gan, thận; Clorua methylen gây
tổn thương thần kinh trung ương, kích thích da, niêm mạc, gây ung thư;
Trichloroethylene gây kích thích niêm mạc, gây tổn thương tế bào gan và tế bào
ống thận.
- Rượu: Rượu methilic gây kích thích da, niêm mạc, rối loạn thị giác, mù
99

lòa, liều cao gâyhôn mê và tử vong; Ethylen glycol gây tổn thương phủ tạng, suy
thận cấp, liều cao gây tử vong.
- Ete: gây suy nhược thần kinh trung ương; Ethylen oxyde gây kích thích da,
niêm mạc, liều cao gây bệnh não, nhiêm độc tinh trùng, sinh quái thai, đột biến
gen và ung thư ở súc vật.
Các biện pháp kiểm soát hóa chất độc:
a. Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật - công nghệ
- Thay đổi, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn vệ sinh
lao động.
- Loại trừ hoặc thay thế hóa chất độc bằng các loại hóa chất ít độc hơn.
- Quy định, thiết lập khoảng cách an toàn tiếp xúc với hóa chất và bao che
máy, thiết bị công nghệ hóa chất.
- Sử dụng biện pháp thông gió pha loãng, hút hơi khí bụi độc khỏi vùng hít
thở của người lao động.
b. Các biện pháp kiểm soát hành chính
- Ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giá trị gới hạn tiếp xúc cho phép
đối với các yếu tố hóa học tại nơi làm việc (QCVN 03:2019/BYT - Ban hành
kèrn theo Thông tư số: 10/2019/TT-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2019 của Bộ Y
tế).
- Nhận diện hóa chất;
- Dán nhãn và đánh dấu;
- Dữ liệu an toàn hóa chất;
- Bảo quản an toàn hóa chất;
- Vận chuyển an toàn hóa chất;
- An toàn trong quản lý và sử dụng hóa chất;
- Thu gọn và xử lý, thải bỏ hóa chất;
- Kiểm soát sự tiếp xúc;
- Kiểm tra sức khỏe;
- Huấn luyện và đào tạo.
c. Các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
100

Sử dụng các phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp: khẩu trang, bán
mặt nạ, mặt nạ lọc hơi khí bụi độc thích hợp; cũng như các phương tiện bảo vệ
khác: kính, mặt chắn, tạp dề, găng tay, giầy ủng chống hóa chất.
d. Kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp
- Công tác cấp cứu;
- Phòng cháy chữa cháy hoá chất;
- Xử lý sự cố rò rỉ hoặc tràn đổ hoá chất.
3.2.3. Kiểm soát các tác hại sinh học
3.2.3.1.Tác nhân sinh học từ người
a) Bệnh lao nghề nghiệp
Khái niệm chung:
Bệnh lao do trực khuẩn Mycobacterium gây ra và được R.Koch phát hiện
năm 1882. Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gặp ở người và một số súc vật. Gọi là
Bệnh lao nghề nghiệp khi bệnh phát sinh do nghề nghiệp hay trong quá trình làm
việc-lao động. Bệnh lao mắc phải phải do hít thở không khí chứa mầm bệnh như:
nước bọt, đờm, bụi... từ người và động vật đang bị bệnh. Bệnh lao nghề nghiệp
nhiễm qua phổi ở nhân viên y tế (bác sĩ, y tá...) tiếp xúc với bệnh nhân và bệnh
phẩm. Bệnh lao có thể biến chứng của bệnh phổi nghề nghiệp (bệnh bụi phổi
silic-lao). Viêm phổi hoá học làm dễ phát sinh bệnh lao. Bệnh lao nghề nghiệp có
thể do tiếp xúc va chạm cục bộ với bệnh nhân lao khi giải phẫu, mổ tử thi, đụng
chạm của nhân viên nhà xác. Bệnh lao bò gặp ở trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, chuột
đồng, chuột nhắt. Ở người, nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hoá, da, niêm mạc,
màng kết mạc. Bệnh lao bò có ở nhiều thể: phổi, viêm vú, thận, tử cung, ruột; Vi
khuẩn lao có trong sữa, nước tiểu, phân, nước bọt, rãi, dịch tử cung.
Tiêu chuẩn và dấu hiệu chẩn đoán:
Người lao động có tiếp xúc nghề nghiệp với trực khuẩn lao người hoặc lao
bò. Dấu hiệu chung: sốt về chiều, ra nhiều mồ hôi, chán ăn, sụt cân kéo dài, thể
lực giảm. Lao phối: ho, ho khan có đờm, ho ra máu, đau ngực, có cảm giác chèn
ép. Lao xương khớp: khớp biến dạng, đau, hạn chế vận động. Lao hạch: hạch
sưng, viêm loét có bã đậu. Lao da: có u lao. Lao tinh hoàn: tinh hoàn to, mao tinh
101

hoàn có nước. Dấu hiệu cận lâm sàng: phản ứng Mantoux, BCG test: dương tính.
Xét nghiệm đờm có BK, có hình ảnh lao phổi, lao mang phổi, có hình ảnh lao
xương khớp, sinh thiết hạch: hình ảnh nang lao và bã đậu.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
- Tránh lây truyền, kiểm tra sức khoẻ định kỳ người tiếp xúc.
- Bệnh lao bò: phòng ngừa khi tiếp xúc qua da, niêm mạc, hô hấp.
Áp dụng các biện pháp: đun sôi sữa tươi; khám định kỳ, làm test Tuberculin
súc vật; cách ly bò mới sinh; vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế; vệ sinh, tẩy uế
lò sát sinh bằng Na2CO3 4% và Cresyl; khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên.
b) Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp
Khái niệm chung:
Bệnh viêm gan-virút là loại bệnh truyền nhiễm thường gặp, nhất là các nước
nhiệt đới. Đây là bệnh nặng do lây lan và để lại những biến chứng muộn. Bệnh
viêm gan-virút A (VGV-A): vi rút được thải qua phân trước khi xuất hiện vàng
da, chưa thấy trong máu tuần hoàn. Trường hợp cấp tính hình thành kháng thể
kháng viêm gan A, tồn tại sau cơn bệnh trong nhiều năm. Bệnh viêm gan-vi rút B
(VGV- B): thời gian ủ bệnh 25-180 ngày. Bệnh truyền chủ yếu bằng đường tiêm
truyền: bơm kim tiêm, dụng cụ nha khoa, nhiễm bẩn qua da, niêm mạc. Sự lây
truyền có thể qua phân-miệng, kháng nguyên viêm gan B thấy trong máu, còn
thấy trong phân, nước tiểu, nước mắt, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch. Người bệnh
cấp tính và người mang kháng nguyên đều truyền bệnh. Bệnh viêm gan-virút
không A - không B chưa xác định được; nhiều bệnh nhân được truyền máu và bị
viêm gan virút.
Triệu chứng và nguy cơ:
Bệnh không có triệu chứng đặc trưng, chỉ có dấu hiệu suy yếu, chán ăn,
buồn nôn. Có thể sốt nhẹ, thường đau khớp, đau các chi. Đặc biệt sốt cao ở trẻ em
và người trẻ. Diễn biến: nước tiểu màu sẫm, phân màu nhạt, đồng thời xuất hiện
vàng da (vàng ở màng tiếp hợp mắt, da). Gan to rõ rệt, ấn thấy đau. Kết quả xét
nghiệm: tăng Bilirubin huyết thanh, men SGOT và SGPT cao hơn bình thường.
Nghiêm trọng nhất là chứng loạn dưỡng gan cấp, phá huỷ liên tục các tổ
102

chức tế bào, dẫn đến tử vong. Di chứng đáng ngại là bệnh chuyển sang VGV
mãn tính.
Nguy cơ nhiễm bệnh nghề nghiệp là các nhân viên y tế lâm sàng, cận lâm
sàng trong các phòng bệnh truyền nhiễm, tiếp xúc với máu, các chất bài tiết của
bệnh nhân viêm gan - virút từ người mang kháng nguyên, người lành mang virút
viêm gan như tiêm chích, truyền máu. Ngoài ra còn là: phẫu thuật viêm răng, nha
sĩ; nhân viên nhà trẻ, làm huyết thanh, côn trùng đốt.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
- Giảm nguy cơ bằng biện pháp vệ sinh: Cách ly bệnh nhân, các chất thải,
quần áo, dụng cụ ăn phải được tẩy uế ngâm vào dung dịch Formalin 1,5% trong
12 giờ hoặc luộc 30 phút. Nhân viên y tế phải sử dụng phương tiện phòng hộ,
nhất là găng tay. Cọ rửa tay đúng phương pháp trong 5 phút bằng cồn etylic 80%.
Dụng cụ phải ngâm dung dịch Natri hypoclorit 0,5%, dụng cụ kim loại dùng
dung dịch aldehyt glutaric 2%.
- Tiêm phòng bệnh thụ động: Gamma - Glabulin trước khi nhiễm hoặc trong
thời kỳ ủ bệnh đối với VGV - A; Tạo miễn dịch chủ động bằng văcxin phòng
viêm gan virút B đối với VGV - B.
3.2.3.2. Tác nhân sinh học từ động vật
a) Bệnh sốt do Leptospira nghề nghiệp
Khái niệm chung:
Bệnh do Leptospira là một bệnh của động vật (gia súc hay động vật hoang
dã), là ổ chứa xoắn khuẩn Leptospira, từ đó truyền sang người. Người chỉ là một
vòng trong dây chuyền truyền bệnh. Xoắn khuẩn Leptospira chỉ thải qua nước
tiểu, gây ô nhiễm nước, đất, thực phẩm, từ đó truyền sang cho súc vật khác hay
sang người, chủ yếu qua niêm mạc, da bị tổn thương, có thế do ăn uống các thức
bị ô nhiễm xoắn khuẩn. Hai loại súc vật mang Leptospira: Loại gặm nhấm: nhiễm
khuẩn nhưng không có dấu hiệu lâm sàng, ba loại chuột: chuột xám, chuột đen,
chuột nhắt. Ở Indonexia và Đông Dương thấy chủng L.Bataviae. Loại gia súc:
mang khuẩn tự do: Bò, lợn, ngựa. Yếu tố gây bệnh cho người: chủ yếu là nước
tiểu chứa Leptospira (và những gì bị nhiễm nước tiểu đó) với số lượng và thời
103

gian thải loại. Bệnh sốt do Leptospira thường gặp ở nước ta trong: nông nghiệp,
chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy lợi, chế biến thịt, cá, công trình xây dựng.
Việc xác định nguyên nhân nghề nghiệp của bệnh do Leptospira là phức tạp vì
nhiều lý do có thể mắc bệnh này.
Thể bệnh và triệu chứng:
Bệnh do Leptospira có nhiều thể bệnh: thể thương hàn: nhức đầu, kiệt sức,
rối loạn cảm giác-tiêu hoá. Thể cúm: đột ngột sốt kéo dài 3-5 ngày. Đau cơ, đau
trong mắt, viêm họng, mũi. Thể vàng da: vàng da cam, xuất hiện ngày thứ 2 hay
4, kèm theo những triệu chứng điển hình của bệnh.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
- Cắt đứt, tiêu diệt vectơ truyền bệnh hay ổ bệnh: diệt loài gặm nhấm, nhất
là chuột; gia súc (lợn, trâu, bò...) diệt mầm bệnh bằng kháng sinh.
- Thanh khiết hoá môi trường: diệt Leptospira trong môi trường ô nhiễm. Nước
diệt khuẩn bằng Clo. Đất: dùng CuSO4, canxi xyanamit... Thực phẩm nấu chín.
- Bảo vệ người tiếp xúc: trang bị phòng hộ cá nhân, như găng tay, mũ.
Ngoài ra có thể dự phòng bằng vắc xin cho cả người và gia súc. Ở người,
đối tượng là người chăn nuôi gia súc, nhân viên thú y, công nhân lâm nghiệp.
Phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm bao giờ cũng cho kết quả tốt: dùng
kháng sinh: Penicilin, Streptomycin, Tetraccilin; chế độ điều trị: phải điều trị tại
bệnh viện, bệnh nhân nằm tại giường 1 tuần lễ sau khi hết sốt. Giữ cân bằng các
chất điện giải; chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều đường, đạm.
b) Bệnh sốt do Brucella
Khái niệm chung:
Bệnh do Brucella có tính lan truyền rộng rãi và gây bệnh cho cả người và
gia súc.
Vi khuẩn Brucella gồm 3 loại: Brucella melitensis: cừu và dê cái dễ nhiễm;
Brucella abortus: bò cái dễ nhiễm; Brucella suis: lợn dễ nhiễm. Tất cả gia súc đều
cảm nhiễm với Brucella melitensis và gây bệnh cho người (cừu, bò, ngựa, trâu,
dê, chó, gà, vịt, chuột...). Còn Brucella abortus và Brucella suis có khi gây bệnh
cho người, có khi không. Những súc vật bị nhiễm Brucella là vật trung gian
104

truyền bệnh cho người bằng hai cách:


- Trực tiếp: do tiếp xúc trực tiếp với súc vật ốm và các bệnh phẩm, các chất
bài tiết của súc vật; thường thấy ở nhân viên thú y, chăn nuôi, làm vệ sinh, vắt
sữa, cắt lông súc vật, làm thịt; do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá: uống sữa sống
(không đun sôi, sữa tươi chưa khử khuẩn), ăn phủ tạng (lòng, gan,...) chưa chín
kỹ, ăn tiết canh.
- Gián tiếp: uống nước nhiễm khuẩn; tắm nước nhiễm khuẩn; ăn trái, rau
sống tưới bằng nước phân súc vật bị bệnh.
Triệu chứng và tiến triển bệnh:
Bệnh Brucella có các triệu chứng: thời kỳ ủ bệnh: 23-20 ngày, trung bình 1
tuần; thời kỳ đầu: bắt đầu từ từ như cúm. Thể trạng biến đổi, suy nhược, nhức
đầu cơn, chóng mặt, khó thở, hơi sốt về chiều, sáng hạ sốt, ra nhiều mồ hôi. Có
trường hợp đau tứ chi hay lưng, gáy, thắt lưng, có khi rét run; thời kỳ toàn phát:
như thời kỳ đầu và tăng lên, 3 triệu chứng chính: sốt, ra mồ hôi, đau mình mẩy.
Bệnh Brucella được tiến triển:
- Kéo dài, thường khỏi nhưng lâu phục hồi sức khoẻ, ít khi tử vong.
- Đôi khi gây dị ứng một hay nhiều bộ phận: gan - viêm gan; xương - viêm
khớp có nước dễ nhầm với lao; hạch - viêm tinh hoàn; tim - viêm nội tâm mạc; da
- Eczema; thần kinh - đau dây thần kinh toạ.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
- Người nào đã sống trong vùng có bệnh phải kiểm tra 6 tháng một lần, hay
khi cần thì kiểm tra bất kỳ lúc nào.
- Dự phòng cho người chủ yếu dựa trên phương pháp vệ sinh môi trường và
vệ sinh cá nhân: vệ sinh môi trường phải thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các
phương pháp phòng bệnh trong chuồng trại nuôi gia súc, khử khuẩn, cách ly,
thông thoáng, khô ráo, nguồn nước phải an toàn. Ḷ sát sinh hợp vệ sinh theo đúng
quy chế thú y và vệ sinh; vệ sinh cá nhân: có đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân.
Không tiếp xúc trực tiếp tay chân với súc vật bị bệnh. Có chế độ quản lý vệ sinh
đồ dùng. Các nhân viên chăn nuôi, thú y, sát sinh... phải được kiểm tra sức khỏe
định kỳ (lâm sàng + xét nghiệm).
105

c) Bệnh than (bệnh nhiệt than) do Bacillus anthmcis (B.a)


Khái niệm chung:
Bacillus anthracis là trực khuẩn có nha bào ở giữa thân. Bacillus anthracis
trong máu hay trong cơ thể động vật chỉ có nha bào khi có oxy tự do (ngoại
cảnh). Ở môi trường trong nước: Bacillus anthracis sống được 6 ngày hoặc nhiều
tháng, nha bào có thể sống được nhiều năm. Ở trong đất: nha bào có thể sống
được vài chục năm. Vì vậy nơi chôn súc vật bị bệnh, cánh đồng có gia súc bệnh
là nguồn lây bệnh.
Nguy cơ gây bệnh và triệu chứng:
Khả năng gây bệnh than do Bacillus cho người theo đường xâm nhập của vi
khuẩn: da và niêm mạc bị tổn thương: giết mổ gia súc bệnh; đường hô hấp: bụi có
vi khuẩn hay nha bào như trong xưởng thuộc da, làm len; đường tiêu hoá: ăn thịt
gia súc bệnh, các thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Tiếp xúc nghề nghiệp có
thể là nhân viên thú y, lò sát sinh, lột da thú vật, muối da, thuộc da... tiếp xúc với
lông cừu, làm len. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:
- Bệnh ngoài da: Thể nổi mụn ác tính: mặt, gáy, tay, chân; ngứa, nổi mẩn,
phồng, cứng ngứa; vết loét không đau, có vảy đen ở giữa, khô cứng, xung quanh
có vòng; thể trạng bình thường, có thể sốt 38°C; sau 5-6 ngày, loét không lan
nhưng phù thũng xuất hiện; nếu ở mặt: mi sưng to; nếu ở môi: vều ra; phù lan
rộng, sốt cao hơn, nhức đầu. Thể phù thũng ác tính: mặt, mi mắt: không loét; phù
tăng, da căng, tím bầm từng chỗ, nổi nốt phỏng, tiết nước vàng; hội chứng nhiễm
độc nhiễm khuẩn xuất hiện nhanh chóng; tử vong nếu không điều trị.
- Bệnh than nội tạng: Thể phổi: do hít thở bụi có Bacillus anthanracis; nhức
đầu, mệt mỏi, ho khan, có đàm chứa Bacillus anthanracis, đau nhói ngực, khó
thở, sốt ít; dễ tử vong nếu không điều trị. Thể dạ dạy và ruột: do ăn thịt gia súc bị
bệnh; mệt mỏi, nhức đầu, đau mình, đau bụng, rét run; rối loạn tiêu hoá, sốt cao
40°C; điều trị khỏi sau 10-15 ngày.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
- Quản lý chặt chẽ súc vật bị bệnh về mặt thú y như: phát hiện, khai báo,
khống chế, tiêu diệt. Nơi xử lý súc vật phải xem là vùng cấm theo quy chế vệ
106

sinh. Dự phòng bằng vacxin cho thú vật.


- Bảo đảm quy chế vệ sinh trong tiếp xúc (thú y). Không để lọt những phần
của súc vật bị bệnh ra ngoài mục tiêu xử lý (da, lông..).
- Tiêm vacxin phòng bệnh cho những người có nguy cơ.
3.2.3.3. Tác nhân sinh học từ môi trường
a. Bệnh phổi nông dân
Khái niệm chung:
Bệnh phổi nông dân đã được biết từ hàng trăm năm nay ở Anh, nhưng đến
1932 mới được ghi nhận trong y văn do Campbell ở Anh. Mấy chục năm sau,
nhiều nước khác (Mỹ, úc, Thuỵ Sĩ...) cũng thấy bệnh này. Các rơm, cỏ khô bị
mốc, các hạt ngũ cốc bị mốc do nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi cho sự phát triển của
nấm mốc. Người ta thấy các loại nấm ưa nhiệt như: Thermoactinomyces Vulgaris
và Micropolyspori Faeni gây bệnh phổi nông dân. Trong cỏ mốc, hạt mốc, số
lượng actinomyces từ 350-1200 triệu/g. Địa dư và thời tiết khu vực mưa nhiều
tạo điều kiện phát triển cho nấm mốc trên cỏ, hạt.
Phơi nhiễm nghề nghiệp và tác hại:
- Những người làm trên đồng ruộng, đồng cỏ, làm các công việc có liên
quan đến cỏ mốc. Nguy cơ chủ yếu là các công việc liên quan đến bã mía mốc:
chất đống, ủi san, di chuyển bốc xếp, sản xuất vật liệu...
- Tác hại: theo nhiều tác giả, bụi bã mía có thể gây chứng bệnh phổi gọi là
bệnh bụi phổi bã mía, mà về triệu chứng học tương tự bệnh phổi nông dân và tỏ
ra có bản chất dị ứng.
- Một số tác nhân dưới dạng bụi hữu cơ tự nhiên gây tác hại nghề nghiệp khác
ít được qua tâm như bụi ngũ cốc và bụi gỗ, trong đó bụi ngũ cốc phổ biến hơn.
b. Bệnh phổi do bụi ngũ cốc
- Hít thở phải bụi ngũ cốc có thể gây ra hội chứng gọi là sốt ngũ cốc hoặc
bệnh thợ đập lúa.
- Tiếp xúc nghề nghiệp là các công nhân nông nghiệp sản xuất kinh doanh
lúa gạo ở các nhà máy, những người bốc xếp ngũ cốc trong các kho chứa, các
silô...Công nhân bốc xếp ở các bến cảng làm việc trong các silô c̣n có thể bị
107

nhiễm độc do thuốc trừ sâu và phân bón lưu tồn trên ngũ cốc.
- Bệnh cấp tính có hội chứng giả cúm: sốt, run, khó thở, ho, đau mình mẩy.
Đôi khi có các cơn hen. Ngừng tiếp xúc thì khỏi không di chứng.
Tiếp xúc liên tục có thể gây ra viêm phế quản mãn tính với suy hô hấp.
- Về bệnh học, chưa xác định chắc chắn nguyên nhân, có thể do bụi trực
tiếp, do nhiễm khuẩn hoặc do nấm.
3.2.4. Kiểm soát các tác hại tâm, sinh lý học lao động
3.2.4.1.Các rối loạn sinh lý Ecgônômi
Rối loạn sinh lý Ecgônômi bao gồm rối loạn cơ xương vùng chi trên và rối
loạn cơ xương vùng thắt lưng, còn gọi là rối loạn cơ xương nghề nghiệp hay rối
loạn chấn thương tích luỹ.
a) Rối loạn cơ xương vùng chi trên
Định nghĩa và phân loại:
Rối loạn cơ xương nghề nghiệp là một nhóm bệnh mãn tính của những mô
mềm được phát sinh và gây khó chịu cho người, do quá trình làm việc và cử động
lặp đi lặp lại quá sức của cơ thể. Rối loạn cơ xương nghề nghiệp gây ảnh hưởng
tới mô cơ, thần kinh, gân, bao gân của tay và ở một số bộ phận khác của cơ thể.
Rối loạn cơ xương nghề nghiệp được coi là có nguồn gốc từ các vi chấn thương
mãn tính, lặp đi lặp lại ảnh hưởng tới một bộ phận nào đó của cơ thể như: cơ gấp
các ngón tay, gân xoay cổ tay... tác hại của chúng được tích luỹ theo thời gian.
Những dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn cơ xương nghề nghiệp phát triển từ từ
kéo dài theo tuần, tháng hoặc năm. Những đặc điếm mãn tính tiềm ẩn này gây
khó khăn cho việc phát hiện nguyên nhân, ban đầu là những triệu chứng mà
người công nhân không để ý, cho tới khi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ,
an toàn và năng suất lao động, thì đã phát triển sang giai đoạn bệnh lý trầm trọng.
Rối loạn cơ xương nghề nghiệp được phân thành 5 loại sau:
- Rối loạn gân (viêm gân, viêm bao gân hoạt dịch, viêm mỏm trên lồi cầu
bên, viêm gân xoay cổ tay...)
- Rối loạn thần kinh ngoại biên (hội chứng ống xương trụ, viêm dây thần
kinh ngón tay, hội chứng ống khối xương cổ tay...).
108

- Rối loạn thần kinh vận mạch (hội chứng rung động tay - cánh tay
"Raynauds"...).
- Rối loạn cơ (viêm u xơ cơ, viêm đa cơ...)
- Rối loạn khớp hoặc bao khớp (viêm bao hoạt dịch, viêm mủ màng hoạt
dịch...).
Mối nguy hại của rối loạn cơ xương nghề nghiệp:
+ Công việc quá sức: Làm công việc chân tay quá sức thường xuyên được
coi là mối nguy hại chính gây nên rối loạn cơ xương nghề nghiệp. Các yếu tố ảnh
hưởng trực tiếp bao gồm: trọng lượng của dụng cụ, đối tượng; độ trơn của dụng
cụ và đối tượng; độ mất cân bằng của dụng cụ; kích thước và hình dạng quá mức
của công cụ; găng tay không phù hợp.
+ Công việc lặp đi lặp lại: Sự lặp lại của công việc là số lần cử động trung
bình của một bộ phận cơ thể (ví dụ - bàn tay, cẳng tay...) trong một đơn vị thời
gian, trong một chu kỳ thao tác nhất định, số lần lặp lại càng cao thì nguy cơ gây
rối loạn cơ xương nghề nghiệp càng lớn.
+Tư thế làm việc tĩnh, bất lợi: Tư thế làm việc liên quan đến vị trí của cơ
thể và các bộ phận trong không gian thao tác.
Vận cơ tĩnh là trạng thái sinh công bất lợi nhất của hoạt động cơ, do mạch
máu bị chèn ép không cung cấp đủ liều lượng và dinh dưỡng cho cơ hoạt động.
Vì vậy công việc cần phải được thiết kế sao cho tư thế của cơ thể cũng như các
bộ phận cơ thể giữ được ở vị trí tự nhiên hoặc vị trí trung lập. Cũng có nghĩa là
không phải làm việc ở tư thế chống lại lực trọng trường.
+Tác động phối hợp của yếu tố môi trường: Tác động phối hợp cùa yếu tố
môi trường xấu (rung động, tiếng ồn, nhiệt độ, ánh sáng...) làm tăng nguy cơ gây
rối loạn cơ xương nghề nghiệp.
Ví dụ: tiếng ồn và mất tập trung thị giác có thể làm tăng độ mệt mỏi và
nhầm lẫn trong thao tác. Tác động của rung cục bộ và nhiệt độ thấp gián tiếp làm
tăng lực cầm nắm do đường cảm nhận ngược về trung khu thần kinh bị giảm đi
nên gây cho người điều khiển công cụ nhu cầu phải cầm nắm chặt hơn mức cần
thiết. Từ đó gây nên hội chứng rung cánh tay, rối loạn thần kinh vận mạch.
109

+Thời gian phục hồi và nghỉ ngơi không đủ: Thiếu thời gian nghỉ ngơi và
phục hồi cần thiết cho hoạt động cơ bắp cũng trở thành nguy cơ gây rối loạn cơ
xương nghề nghiệp.
+Tổ chức công việc thiếu hợp lý: Tổ chức công việc thiếu hợp lý cũng là
một nguyên nhân gây rối loạn cơ xương nghề nghiệp. Tổ chức công việc khoa
học cũng góp phần làm giảm cường độ lao động, thay đổi hoạt động cơ, cơ có
điều kiện hồi phục... góp phần giảm nguy cơ gây rối loạn cơ xương nghề nghiệp.
+Các yếu tố ảnh hưởng khác: Tuổi, giới tính, bệnh mãn tính và các chấn
thương nghiêm trọng là các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ gây rối loạn cơ xương
nghề nghiệp. Các hoạt đông giải trí như: quần vợt, golf, trò chơi điện tử... cũng
làm tăng nguy cơ rối loạn cơ xương nghề nghiệp.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ:
+Kiểm soát kỹ thuật
Nhằm làm giảm hoặc loại trừ tiếp xúc của người lao động bằng việc cách ly
hoặc cô lập các nguy cơ rối loạn cơ xương nghề nghiệp. Các biện pháp kỹ thuật
cơ bản gồm: thiết kế lại dụng cụ cầm tay, thiết kế lại vị trí làm việc, tự động hoá
các thao tác...
+Kiểm soát hành chính
Nhằm làm giảm tiếp xúc của người lao động bằng cách rút ngắn thời gian
thực hiện thao tác. Các biện pháp hành chính gồm: luân chuyển công nhân, bố trí
lịch làm việc hợp lý, qui định quy trình thao tác...
+Các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đặc biệt đối với rối loạn cơ
xương nghề nghiệp
- Các biện pháp giảm bớt tình trạng dùng lực quá mức. duy trì lưỡi cắt sắc
bén; dùng sức máy, dụng cụ thay sức người; sử dụng thiết bị hỗ trợ kỹ thuật; giữ
cân bằng dụng cụ; sử dụng tay nắm dụng cụ chống trơn trượt.
- Các biện pháp giảm bớt sự lặp lại của thao tác: bố trí các lần nghỉ ngắn tại
chỗ thường xuyên; tổ chức lại phương pháp làm việc; giảm bớt các bước công
việc; sử dụng công cụ trợ lực; luân chuyển công nhân.
- Các biện pháp giảm cử động khớp và tư thế tĩnh quá mức: thiết kế lại tay
110

cầm dụng cụ; sử dụng bàn kẹp, êtô; sắp xếp lại chỗ làm việc hợp lý; sử dụng
công cụ trợ lực.
- Kiểm soát nhiệt độ quá mức: cách ly tay cầm dụng cụ bằng vỏ cao su hoặc
nhựa; sử dụng bằng vỏ cao su hoặc nhựa; sử dụng găng tay phù hợp.
- Phán tán các stress cơ học tập trung ở tay cầm dụng cụ: tăng đường kính
tay cầm; làm tròn tay cầm; tăng chiều dài tay cầm.
b) Rối loạn cơ xương vùng thắt lưng khi nâng vận chuyển vật nặng bằng tay
Các nguy cơ khi nâng vận chuyển vật nặng bằng tay:
Nâng nhấc, vận chuyển vật nặng bằng tay buộc người ta phải sử dụng sức cơ
bắp, phải giữ vững khối lượng cơ thể ở tư thế cần thiết và thực hiện chuyển động
cơ thể kèm theo trọng tải. Khi nâng chuyển vật nặng bằng tay nhiều nhóm cơ
phải chịu tải trọng tĩnh, các cơ ở tư thế tĩnh, máu không được lưu thông đầy đủ,
làm giảm lượng ôxy cung cấp cho tế bào, nên cơ bắp nhanh chóng mệt mỏi.
Thường biểu hiện bằng nhức mỏi cơ lưng, sau là nhức mỏi cơ tay. Hậu quả gây
nên gắng sức của tim, tuần hoàn, suy giảm hoạt động cơ lồng ngực, nén ép cơ
quan nội tạng trong lồng ngực khoang bụng.
Các nguy cơ:
+ Biến dạng đĩa đệm cột sống;
+ Thoát vị đĩa đệm cột sống;
+ Đau lưng;
+ Đau chân;
+ Yếu cơ;
+ Rối loạn cảm giác;
+ Liệt bàng quang và hành tá tràng;
+ Biến dạng cơ xương;
+ Tăng trương lực thành mạch máu và đầu mút thần kinh, dẫn đến cục
nghẽn ở tĩnh mạch chân.
Nguyên tắc làm việc của cột sống khi nâng - vận chuyển vật nặng bằng tay:
Cột sống ở tư thế tự nhiên để giữ cho cơ thể thẳng đứng, cấu tạo gồm các
đốt sống và đĩa đệm. Khi làm việc ở tư thế đòn bẩy thì cột sống ở tư thế bất lợi
111

nhất. Lúc này, nếu so sánh với nguyên tắc làm việc của cần cẩu tháp thì: chiều
cao của mỏm gai xương nhỏ hơn nhiều so với chiều dài của cột sống (1/6), ở cần
cẩu tháp là (1/3), vì vậy lực phối hợp với cơ lưng để giữ cân bằng tăng lên rất
nhiều, áp lực của gánh nặng tác động vào đĩa đệm cột sống tăng cao, đặcbiệt ở
vùng thắt lưng.
- Nâng vật nặng ở tư thế thẳng lưng: các đĩa đệm cột sống chỉ chịu lực nén
và được phân bố đồng đều trên toàn bộ mặt đĩa đệm.
- Nâng vật nặng ở tư thế cong lưng: Lưng bị uốn cong, trục trung hoà đi qua
1/3 đốt sốngvà đĩa đệm ở phía sau, lực nén phân bố không đều trên 2/3 đĩa đệm
cột sống và các cơ lưng phải gánh chịu tải trọng cao.
Trên đĩa đệm vừa có lực nén vừa có lực kéo tác động đồng thời vì vậy dễ
gây ra biến dạng, tổn thương đĩa đệm cũng như thoát vị đĩa đệm.
Biện pháp kiểm soát nguy cơ và nguyên tắc an toàn nâng - vận chuyển vật
nặng bằng tay:
- Các nguyên tắc chung:
+ Trọng tải phải được bao gói tốt;
+ Khối lượng được phân bố đều trên lưng;
+ Khi vận chuyển bằng đòn gánh thì trọng tải phải được chia đều nhau;
+ Không nên khuyến khích trả lương khoán khi nâng vận chuyển vật nặng;
+ Khuyến khích tập thể lực và sử dụng phương tiện cơ giới phụ trợ.
- Phương pháp an toàn nâng vật nặng trực tiếp:
+ Đứng gần vật định nâng, hai chân dạng bằng vai;
+ Hạ thấp trọng tâm, bằng cách gập đầu gối, giữ cho lưng thẳng, đầu thẳng;
hai tay nắm giữ cân đối, chắc chắn, vật nâng sát người;
+ Hít một hơi, nín thở lên gân bụng, duỗi thẳng cơ chân trở lại tư thế đứng thắng;
+ Từ từ thở ra và bước từng bước về phía trước.
Lưu ý không xoay cột sống khi đang nâng vật nặng.
3.2.4.2. Các rối loạn do stress tâm thần
a) Nguyên lý về gánh nặng tâm thần
Khái niệm về stress và căng thẳng tâm thần:
112

Mọi hoạt động - ngay cả hoạt động chủ yếu là thể lực - cũng gây nên stress
tâm thần "stress tâm thần" trong trường hợp này là thuật ngữ dùng để chỉ một tác
động bất kỳ từ bên ngoài ảnh hưởng đến con người về mặt tâm thần. Stress tâm
thần gây nên quá trình tăng hoặc giảm căng thẳng tâm thần ở con người. Hậu quả
trực tiếp của căng thẳng tâm thần một mặt tác động tích cực, mặt khác gây mệt
mỏi tâm thần và/hoặc trạng thái giống mệt mỏi. Hậu quả gián tiếp của căng thẳng
tâm thần có thể là tác dụng rèn luyện. Những hậu quả của căng thẳng tâm thần
được đề cập tới ở đây có thể khác nhau về hình thức và mức độ tuỳ thuộc mỗi cá
nhân và điều kiện tình huống tiên quyết.
Ở đây, thuật ngữ "tâm thần" được sử dụng khi mà quá trình hoạt động và
hành vi của người có liên quan đến trạng thái này. "Tâm thần" có nghĩa liên quan
tới quá trình nhận biết, thông tin và cảm xúc trong con người. Thuật ngữ tâm thần
được sử dụng bởi lẽ các lĩnh này có quan hệ chặt chẽ với nhau và trong thực tế
không nên xem xét một cách riêng rẽ.
Stress tâm thần là toàn bộ những ảnh hưởng có thể đánh giá được từ bên
ngoài tác động đến con người về mặt tâm thần.
Căng thẳng tâm thần là tác động trực tiếp của stress tâm thần trong một cá
nhân (không phải tác động lâu dài) tuỳ thuộc thói quen và tiên đề thực tế của mỗi
người, bao gồm cả cách đối phó riêng biệt.
Hậu quả của căng thẳng tâm thần:
Hậu quả của căng thẳng tâm thần bao gồm, các tác động tích cực, các tác hại
và tác động khác. Tác động tích cực của căng thẳng tâm thần gồm "tác động khởi
động" và "sự kích hoạt”.
Tác động khởi động là hiệu quả thường xuyên của căng thẳng tâm thần ngay
sau khi bắt đầu một hoạt động làm giảm yêu cầu cố gắng để hoàn thành hoạt
động đó so với cố gắng đòi hỏi ban đầu.
Sự kích hoạt là trạng thái nội tại với những mức độ hiệu quả hoạt động tâm
thần và thể chất khác nhau.
Sư căng thẳng tâm thần có thể dẫn đến những mức độ kích hoạt khác nhau
tuỳ thuộc thời gian và mức độ căng thẳng.
113

- Tác hại của căng thẳng tâm thần gồm, "mệt mỏi tâm thần" và "trạng thái
giống như mệt mỏi". Cần phân biệt các tác hại theo thời gian bình phục và
phương pháp phục hồi. Chúng còn khác nhau theo triệu chứng. Những tác hại có
thể ảnh hưởng về tổng thể hoặc mang nhiều tính đặc thù, cần thời gian để hồi
phục hoặc thay đổi các hoạt động để phục hồi.
Mệt mỏi tâm thần: Sự tổn hại tạm thời về hiệu quả chức năng tâm thần và thể
chất, tuỳ thuộc cường độ, độ dài và thời gian căng thẳng tâm thần trước đó. Sự
bình phục sau mệt mỏi tâm thần thường do hồi phục hơn là thay đổi hoạt động.
Trạng thái giống như mệt mỏi: Trạng thái ở mỗi cá nhân do tác động của sự
căng thẳng tâm thần bởi các tình huống đưa ra ít thay đổi. Trạng thái này biến
mất nhanh chóng ngay sau khi có sự thay đổi công việc và/hoặc thay đổi môi
trường/tình huống. Các trạng thái này bao gồm sự đơn điệu, giảm chú ý, và chán
nản. Trạng thái giống như mệt mỏi biểu hiện cụ thể bằng: "sự đơn điệu", "sự
giảm tỉnh táo" và "sự chán nản tâm thần".
Sự đơn điệu là trạng thái suy giảm sự kích hoạt tiến triển chậm có thể diễn ra
trong khithực hiện các công việc hoặc hoạt động giống nhau và lặp lại trong thời
gian dài. Trạng thái này thường kết hợp với buồn ngủ, mệt mỏi, hiệu suất suy
giảm và thất thường, giảm khả năng thích nghi và phản ứng, cũng như tăng sự
không ổn định nhịp tim.
Sự giảm tỉnh táo là trạng thái tiến triển chậm với việc giảm khả năng phát
hiện (thí dụ khi theo dõi màn hình rađa hoặc bảng thiết bị điều khiển) trong
những công việc giám sát ít thay đổi. Có thể phân biện sự đơn điệu và sự giảm
chú ý liên quan đến nguyên nhân chứ không phải tác động của chúng.
Sự chán nản tâm thần là trạng thái thần kinh không ổn định, cự tuyệt xúc
cảm do những công việc lặp đi lặp lại hoặc tình trạng hoạt động “dậm chân tại
chỗ” hoặc “chẳng kết quả gì”. Triệu chứng phụ của sự chán nản tâm thần là giận
dữ, hiệu suất làm việc giảm, và/hoặc cảm giác mệt mỏi, và có xu hướng thối lui.
Trái với sự đơn điệu và giảm tỉnh táo chán nản tâm thần có đặc trưng là mức độ
kích hoạt không đổi hoặc thậm chí còn tăng lên, cùng với tình cảm tiêu cực.
- Tác động khác của căng thẳng tâm thần được thể hiện qua "tác dụng rèn luyện"
114

Tác dụng rèn luyện là sự thay đổi lâu dài về hoạt động của cá nhân liên quan
đến quá trình học hỏi sau nhiều lần đối phó với sự căng thẳng tâm thần.
b) Nguyên tắc thiết kế hệ thống làm việc nhằm kiểm soát các tác hại của
gánh nặng tâm thần
Nguyên tắc chung:
Để tránh những ảnh hưởng không có lợi trong hệ thống làm việc đối với
người sử dụng, hệ thống làm việc cần phải được thiết kế phù hợp với người sử
dụng. Việc thiết kế hay thiết kế lại hệ thống làm việc đòi hỏi phải tính đến con
người, kỹ thuật, điều kiện tổ chức và những ảnh hưởng của chúng ngay từ đầu.
Điều này có nghĩa là các nhà ecgônômi cần được tham gia và quá trình thiết kế
càng sớm càng tốt. Nếu phải thiết kế một hệ thống mới hoàn toàn, người thiết kế
cần tính đến khả năng, kỹ năng, kinh nghiệm và sự mong muốn của số đông
người sử dụng. Sự quan tâm này đối với người sử dụng là cần thiết ngay từ khi
bắt đầu quá trình thiết kế khi các chức năng hệ thống được xác định. Việc xác
định rõ chức năng và chức năng phụ của hệ thống cũng như sự phân định vị trí
chức năng giữa những người vận hành, máy móc và giữa những người vận hành
với nhau đòi hỏi phải có sự xem xét đến đặc điểm của những người tham gia.
Trong thiết kế hệ thống làm việc, cần nhớ rằng công việc bao gồm sự kết hợp các
nhiệm vụ với trang bị kỹ thuật, trong môi trường làm việc và trong hệ thống tổ
chức cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc thiết kế có liên quan đến các mức độ khác nhau
trong quá trình thiết kế và giải pháp thiết kế để ảnh hưởng đến:
+Cường độ gánh nặng lao động được thể hiện: Mức nhiệm vụ và/hoặc mức
độ công việc; mức có trang thiết bị kỹ thuật; mức có tác động của môi trường;
mức có tổ chức.
+Thời gian chịu gánh nặng lao động: Ở mức tổ chức nhịp độ lao động.
Các yếu tố cá thể như khả năng, năng lực làm việc, động cơ giữa các cá thể
cũng như những khác biệt cơ bản của mỗi cá thể sẽ ảnh hưởng tới gánh nặng lao
động. Thiết kế hệ thống làm việc bắt đầu từ phân tích chức năng của hệ thống, từ
phân tích chức năng giữa người vận hành và máy móc, phân tích công việc, dẫn
đến thiết kế công việc, xác định rõ vị trí của người vận hành. Trong khi thiết kế
115

hệ thống làm việc, cần lưu ý đến các yêu cầu về môi trường, nhu cầu của hệ
thống, sự thách thức và những thay đổi của con người theo sự phát triển kỹ năng,
khả năng và triển vọng. Sẽ là không đủ, nếu như xem gánh nặng lao động một
cách đơn giản như là việc sắp xếp tuần tự từ gánh nặng dưới tải đến gánh nặng tối
ưu, tới gánh nặng quá tải.
Nguyên tắc thiết kế kiểm soát sự mệt mỏi:
Gánh nặng tâm thần có thể được mô tả trong các thuật ngữ về cường độ,
khoảng thời gian và sự phân bố thời gian của cường độ mà người vận hành phải
chịu gánh nặng lao động. Bên cạnh khía cạnh về định lượng, khía cạnh về định
tính của ganh nặng tâm thần cũng phải được coi trọng. Thí dụ các công việc tiếp
nhận-vận động đòi hỏi phải nhớ nhiều. Bởi vậy một trong các bước tiếp cận để
thiết ké các hệ thống làm việc nhằm làm giảm sự mệt mỏi của người vận hành là
giảm hoặc tối ưu hóa cường độ gánh nặng lao động, hạn chế thời gian tiếp xúc
hoặc phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Nên nhớ ràng việc giảm gánh nặng
tâm thần thường không phải là chiến lược hoàn hảo nhất để tạo ra các hoạt động
vô hại.
+Cường độ gánh nặng tâm thần bao gồm: sự không rõ ràng về mục tiêu
công việc, sự phức tạp của các yêu cầu công việc, chiến lược phục vụ và sự
không đầy đủ về thông tin, bị ảnh hưởng bởi các đặc trưng sau đây theo trật tự
bắt đầu từ mức độ công việc, và chuyển từ tiếp nhận sang phản ứng đối với môi
trường và mức độ tổ chức hoạt động, được mô tả trong hình 3.2.
116

Hình 3.2. Mối liên hệ giữa gánh nặng tâm thần và các mức độ thiết kế
Nguyên tắc thiết kế kiểm soát sự đơn điệu:
Một trong những điều kiện chính làm tăng sự đơn điệu là một công việc ít
có sự tập trung, nhiệm vụ ít khó khăn, lặp đi lặp lại và ít có sự thay đổi, thời gian
thực hiện dài hơn dự kiến. Vì vậy nên tránh những điều kiện này bằng cách thiết
kế những công việc và điều kiện làm việc thích hợp. Nếu việc thay đổi thiết kế
nhiệm vụ chưa thực hiện được thì phải xem xét tời việc cơ khí hóa hoặc tự động
hóa các chức năng lặp đi lặp lại, luân phiên công việc, mở rộng công việc, làm
phong phú thêm các công việc v.v…
Tính đơn điệu có thể tăng do: Sự vắng mặt của những đồng nghiệp; giảm sự
tương tác xã hội; thiếu giờ nghỉ giữa ca; thiếu cơ hội hoạt động thể lực; thiếu sự
thay đổi trong hoạt động công việc; thời gian chiều hoặc tối dễ ảnh hưởng; điều
kiện khí hậu không hợp lý; kích thích thính giác đều đều... Vì vậy để giảm tính
đơn điệu nên tránh các điều kiện này. Tính đơn điệu sẽ mất nếu công việc phù
hợp, có sự phong phú; mở rộng sự chú ý, tạo ra những công việc, phức tạp hơn,
đa dạng hơn; tạo ra các cơ hội cho hoạt động thể lực; điều kiện khí hậu tốt; giảm
tiếng ồn, ánh sáng phù hợp; thuận lợi về thông tin liên lạc giữa những người cùng
làm việc; tránh các công việc nhịp độ cao, có sự chủ động về tốc độ; đưa ra thời
117

gian nghỉ ngơi, kế hoạch làm việc theo ca một cách hợp lý.
Nguyên tắc thiết kế kiểm soát sự mất tính táo:
Để tránh được sự mất tỉnh táo, dẫn đến hậu quả giảm khả năng phát hiện, từ
đó làm giảm độ tin cậy của hệ thống làm việc, cần thiết để tín hiệu phát hiện hoặc
chẩn đoán hệ thống các công việc cho phù hợp thiết kế thiết bị cũng như tổ chức
công việc. Đặc biệt, các mục tiêu sau cần tính đến:
+ Tránh những đòi hỏi phải chú ý kéo dài để nhận ra những tín hiệu cấp báo;
+ Tránh phải tập trung sự chú ý quá lâu. Khoảng thời gian cho phép tuỳ
thuộc vào nhịp điệu tốc độ của sự kiện, sự rõ ràng của tín hiệu, xác suất xảy ra
của tín hiệu cấp báo và xác suất của tín hiệu không tương thích.
Như một quy luật, khả năng thực hiện công việc sẽ giảm sút khi:
-Nhịp độ tín hiệu thấp/cao;
-Xác suất tín hiệu cấp báo thấp;
-Độ rõ ràng của tín hiệu thấp.
Và lúc đó thì khả năng thực hiện công việc có thể giảm sút rất nhanh, cần
hết sức tránh những công việc như vậy. Nếu không thể được, thì nên dùng biện
pháp tổ chức làm việc trong khoảng thời gian ngắn, nghỉ giữa giờ, quay vòng,
thay đổi nội dung công việc.
+ Đảm bảo tính rõ ràng dễ nhận biết của tín hiệu thích hợp bằng cách thiết
kế hiển thị hoặc bố trí các điều kiện môi trường làm việc phù hợp (ánh sáng phù
hợp, giảm tiếng ồn).
+ Tránh đòi hỏi phải phân biệt liên tục lại phải ghi nhớ các tiêu chuẩn đưa
ra; có thể thay vào đó là việc phân biệt đồng thời, cung cấp các tiêu chuẩn thông
qua các màn hình hiển thị.
+ Giảm tín hiệu không ổn định (về không gian, về thời gian) và tăng khả
năng nhận ra càng nhiều càng tốt bằng việc sử dụng các tín hiệu phản hồi hoặc tín
hiệu kế tiếp.
+ Cung cấp cho người vận hành một số thiết bị kỹ thuật để đánh giá và cải
thiện khả năng thực hiện công việc.
+ Tránh những điều kiện dẫn đến sự đơn điệu.
118

Nguyên tắc thiết kế kiểm soát sự chán nản:


Để tránh tâm trạng chán nản của người vận hành, phải tránh các thao tác lặp
đi lặp lại. Chỉ tránh những phần việc giống hệt nhau sẽ không đủ mà tốt hơn là
tránh sự giống nhau về cấu trúc của công việc hoặc các công đoạn. Nếu phải thực
hiện các công việc hoặc những thành phần công việc giống nhau, điều cơ bản là người
vận hành phải có khả năng cảm nhận được sự tiến bộ trong công việc của mình.
Điều này có thể đạt được bằng cách:
- Phân công chức năng phù hợp giữa người vận hành và máy. Thí dụ: tự
động hoá những phần việc đơn giản và lặp đi lặp lại.
- Phân công nhiệm vụ phù hợp giữa những người vận hành với nhau.
- Bảo đảm công việc có ý nghĩa được xem như một công việc trọn vẹn và
người vận hành có thể hiểu được điều có liên quan đến việc hoàn thành tổng thể
công việc.
- Đảm bảo những công việc cho phép phát huy riêng cho từng cá nhân. Thí
dụ cần phải học điều gì đó và được phép tiến hành theo các cách khác nhau để
phát triển phù hợp với năng lực.
- Sự phong phú của công việc, liên kết các phần công việc ở mức độ vận
hành khác nhau.
- Mở rộng công việc, liên kết các phần công việc ở mức độ thao tác giống nhau.
- Sự quay vòng công việc, luân chuyển có hệ thống giữa các vị trí khác nhau
với các yêu cầu cụ thể.
- Nghỉ giữa giờ và cấu trúc thời gian nghỉ trong quá trình làm việc bằng cách
đưa ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ và phản hồi về việc hoàn thành nhiệm vụ.
- Tránh những điều kiện dẫn tới sự đơn điệu và giảm sự tỉnh táo. Tính cách
của người sử dụng là đặc biệt quan trọng đối với việc tăng tâm trạng chán nản.
Nên đặc biệt chú ý đến thế hệ người vận hành tương lai trong việc thiết kế công
việc, tránh cảm giác chán nản. Sự đa dạng của yêu cầu công việc và thông tin khi
thực hiện công việc là cần thiết để tránh cảm giác chán nản.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 3
1. Trình bày về: khái niệm, phân loại các tác hại nghề nghiệp trong lao động ?
119

2. Phân tích các nguyên nhân phát sinh các tác hại nghề nghiệp trong sản xuất ?
3. Bệnh nghề nghiệp: khái niệm; danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở
Việt Nam?
4. Biện pháp kiểm soát các tác hại vật lý ?
5. Biện pháp kiểm soát các tác hại bụi và hóa học?
6. Biện pháp kiểm soát các tác hại sinh học?
7. Biện pháp kiểm soát các tác hại tâm, sinh lý học lao động?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 3
1. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2012), Tài liệu huấn luyện về an toàn vệ
sinh lao động cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, NXB Lao
động, Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 19/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
3. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 21/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
4. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 22/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
5. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 23/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
6. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 24/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
7. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 25/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
8. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 26/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
9. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 27/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
10. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 28/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
11. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 29/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
12. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 30/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
13. Bộ Y tế (2019), Thông tư số 10/2019/TT-BYT, ngày 10/06/2019.
14. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2019), Tài liệu huấn luyện về an toàn
lao động, vệ sinh lao động, NXB Thanh niên, Hà Nội.
15. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2022), Tập hợp các văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành về ATVSLĐ và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
NXB Thanh niên, Hà Nội.
16. Hoàng Văn Bính (2010), Vệ sinh lao động, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
120

17. Nguyễn An Lương và các tác giả (2013), Bảo hộ lao động, NXB Lao động,
Hà Nội.
18. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động.
19. Tạ Đăng Thuần (2020), Giáo trình An toàn lao động & Bảo vệ môi trường,
NXB Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
20. Vũ Quang Thọ (2011), Tập bài giảng Bảo hộ lao động, NXB Dân trí, Hà Nội,
21. Hoàng Trí (2013), Giáo trình An toàn lao động và môi trường công nghiệp,
NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
22. Lê Vân Trình (2010), Quản lý Môi trường lao động, NXB Lao động, Hà Nội.
23. Benjamin O.Alli, Fundamental principles of Occupational health and safety,
2008.
24. British Standard Institute, BS OHSAS 18001:2007 Occupational Health and
Safety Management system: requirement. 2007.
25. Ferrett, P. H. a. E, Introduction to health and safety at work, ITALY,
ELSEVIER. 2011.
121

Chương 4
HOẠT ĐỘNG AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
TRONG DOANH NGHIỆP
4.1. Tổ chức bộ máy quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong
doanh nghiệp
An toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp bao gồm nhiều nội dung phức
tạp, nó có liên quan đến nhiều bộ phận, phòng ban, cá nhân và phụ thuộc vào đặc
điểm của doanh nghiệp. Mô hình bộ máy tổ chức quản lý công tác an toàn, vệ
sinh lao động của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp đối với công tác an
toàn, vệ sinh lao động.
- Thể hiện rõ trách nhiệm với từng nội dung cụ thể của công tác an toàn, vệ
sinh lao động, phù hợp với chức năng của mình.
- Bảo đảm sự chỉ đạo tập trung thống nhất và có hiệu quả của giám đốc
trong công tác an toàn, vệ sinh lao động và phù hợp với quy định của pháp luật.
4.1.1. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động
4.1.1.1.Cơ cấu tổ chức
Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động doanh nghiệp là một tổ chức phối hợp và
tư vấn về các hoạt động an toàn, vệ sinh lao động ở doanh nghiệp và để đảm bảo
quyền được tham gia và kiểm tra giám sát về an toàn, vệ sinh lao động của tổ
chức công đoàn.
Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở bao gồm:
- Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng;
- Đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người
lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh
là ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng;
- Người làm công tác y tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh;
- Các thành viên khác có liên quan.
122

Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải bảo đảm tỷ lệ
thành viên nữ tham gia phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, điều kiện thực tế
ở cơ sở sản xuất, kinh doanh.
4.1.1.2. Nguyên tắc thành lập
Nguyên tắc thành lập:
- Từ 300 người lao động trở lên: cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh
vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh
chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất
sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu
biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
- Từ 1.000 người lao động trở lên: cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động
trong các lĩnh vực, ngành nghề khác.
- Các tập đoàn kinh tế; tổng công ty nhà nước.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nếu thấy cần thiết và đủ điều kiện để
hoạt động.
4.1.1.3. Nhiệm vụ và quyền hạn
- Tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy,
quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
sản xuất, kinh doanh: Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng nội quy,
quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bản thân người sử dụng lao động không thể thực
hiện toàn bộ các trách nhiệm này do yếu tố chuyên môn và thời gian làm việc, vì
vậy cần đến sự giúp sức, tham mưu của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao
động và người làm công tác y tế. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động bao gồm
người đại diện người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao
động, người làm công tác y tế, Ban chấp hành Công đoàn (có trách nhiệm quản lý
an toàn, vệ sinh viên), tức là tập hợp tất cả các chủ thể có trách nhiệm giúp sức,
tham mưu cho người sử dụng lao động thực hiện xây dựng và ban hành các quy
định về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều đó có nghĩa
là tại Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở, các chủ thể này có thể phối hợp
123

với nhau cùng đưa ra các ý kiến thảo luận nhất quán, tránh tình trạng không
thống nhất khiến người sử dụng lao động gặp khó khăn khi xây dựng các quy
định an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động của mình.
- Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử
dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải
thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao
hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản
xuất, kinh doanh: Theo Điều 63 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày
20/11/2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện
người lao động tại cơ sở để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Như vậy về lý
thuyết thì Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động không có quyền hạn tổ chức đối
thoại tại nơi làm việc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động là
đại diện người sử dụng lao động, và Phó Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao
động là đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. 02 chủ thể có thể đại diện cho
người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở tiến hành tổ chức đối thoại tại nơi
làm việc. Khi tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, các bên tiến hành chia sẻ thông
tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công
bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, đây cũng là một
trong các nội dung mà các bên được lựa chọn khi tham gia đối thoại tại nơi làm
việc.
- Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại
cơ sở sản xuất, kinh doanh: Các chủ thể tham gia Hội đồng an toàn, vệ sinh lao
động chủ yếu là các chủ thể có trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại
cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các chủ thể này, như người sử dụng lao động, người
làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, có nghĩa vụ phải
tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
sản xuất theo các đợt định kỳ (dựa trên kế hoạch của người sử dụng lao động)
hoặc đột xuất. Vì vậy, để hoạt động này được thực hiện một cách nhất quán và có
124

sự kết hợp của nhiều bộ phận khác nhau thông qua Hội đồng an toàn, vệ sinh lao
động đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh phức tạp, khó quản lý.
- Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục
nếu phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động: Người lao động, an
toàn, vệ sinh viên, người thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm
công tác y tế khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động thì phải báo
với người sử dụng lao động. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người sử dụng
lao động cũng nhanh chóng có biện pháp để khắc phục, xử lý các vấn đề này. Vì
vậy, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, với trách nhiệm quản lý về an toàn, vệ
sinh lao động tại cơ sở phải yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện
pháp xử lý, khắc phục khi thấy người sử dụng lao động chưa có phản hồi, cũng
như tình trạng cấp thiết cần sự chỉ đạo từ phía người sử dụng lao động một cách
nhanh nhất.
4.1.1.4. Quy chế và phân công nhiệm vụ trong hội đồng
- Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động soạn thảo quy chế hoạt động trình
người sử dụng ký ban hành, từng thành viên trong hội đồng căn cứ vào quy chế
đã ban hành mà thực hiện nhiệm vụ được phân công;
- Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động doanh nghiệp căn cứ vào số
lượng thành viên trong hội đồng và tình hình thực tế sản xuất cũng như nhiệm vụ
chuyên môn để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong hội đồng.
4.1.2. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
4.1.2.1. Tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
Việc tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành
nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản
xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm
từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản
xuất, truyền tải và phân phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận
an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
125

- Cơ sở sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác
an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
- Cơ sở sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01
người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 02
người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành lập phòng an
toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh
lao động theo chế độ chuyên trách.
b) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực,
ngành nghề khác:
- Cơ sở sử dụng dưới 300 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm
công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
- Cơ sở sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 01
người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
- Cơ sở sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động, phải thành lập phòng an
toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn, vệ sinh
lao động theo chế độ chuyên trách.
4.1.2.2. Quy định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác an
toàn, vệ sinh lao động
a) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách:
- Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01
năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 03
năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp
làm các công việc kỹ thuật; có 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản
xuất, kinh doanh của cơ sở.
b) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách:
- Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật;
126

- Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01
năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
- Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp
làm các công việc kỹ thuật; có 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản
xuất, kinh doanh của cơ sở.
4.1.2.3. Nhiệm vụ của bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
- Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
phòng, chống cháy, nổ;
- Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng
năm; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
- Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an
toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho
người lao động;
- Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động,
sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy
hiểm, yếu tố có hại;
- Tổng hợp và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị của
đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động;
- Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm
vụ của an toàn, vệ sinh viên;
- Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an
toàn, vệ sinh lao động.
4.1.2.4. Quyền hạn của bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
- Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc
có thể quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện
các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn,
vệ sinh lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;
127

- Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết
hạn sử dụng;
- Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi
dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
4.1.3. Bộ phận y tế
4.1.3.1. Tổ chức bộ phận y tế
a) Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề
chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất
sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản
phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại,
đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng, người sử dụng lao động
phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
- Cơ sở sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01 người làm công
tác y tế có trình độ trung cấp;
- Cơ sở sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít nhất 01 bác
sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
- Cơ sở sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có ít nhất 01 bác
sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
- Cơ sở sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình
thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
b) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực,
ngành nghề khác
- Cơ sở sử dụng dưới 500 người lao động ít nhất phải có 01 người làm công
tác y tế trình độ trung cấp;
- Cơ sở sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động ít nhất phải có 01 y
sỹ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
- Cơ sở sử dụng trên 1.000 người lao động phải có 01 bác sỹ và 1 người làm
công tác y tế khác.
4.1.3.2. Quy định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác y tế ở
cơ sở
128

a).Người làm công tác y tế ở cơ sở phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có trình độ chuyên môn y tế bao gồm: bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, cử
nhân điều dưỡng, y sỹ, điều dưỡng trung học, hộ sinh viên;
- Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
b) Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không
thành lập được bộ phận y tế thực hiện theo quy định sau đây:
Ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định
sau đây:
- Cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế;
- Có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp
khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60
phút đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
4.1.3.3. Nhiệm vụ
Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử
dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động,
với nội dung chủ yếu sau đây:
- Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình
huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho
người lao động tại cơ sở;
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề
nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư
vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc
phù hợp với sức khỏe người lao động;
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cứu, cấp cứu
người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh
lao động theo quy định;
- Tuyên truyền, phổ biến thông tin về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh
nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ
129

vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm
cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định;
- Lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ
chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ
sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);
- Phối hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động thực hiện các nhiệm vụ có
liên quan.
4.1.3.4. Quyền hạn
Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có quyền sau đây:
- Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc
có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát
hiện các dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật,
ốm đau cho người lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về
tình trạng này; quản lý trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ sơ cứu, cấp cứu tại nơi
làm việc; hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;
- Đình chỉ việc sử dụng các chất không bảo đảm quy định về an toàn, vệ
sinh lao động;
- Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham gia các cuộc họp, hội
nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao
nghiệp vụ và phối hợp công tác.
4.1.4. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên
4.1.4.1. Tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở
- Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an
toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra
quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ
sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở
sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và
kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành
các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.
130

- An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban
chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn,
vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế
hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.
4.1.4.2. Nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên
An toàn, vệ sinh viên có nhiệm vụ sau đây:
- Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, đội, phân xưởng chấp
hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị
an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc
chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động;
- Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ
sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, những
trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;
- Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tham gia hướng
dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ;
- Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao
động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những
trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;
- Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm
về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc trường hợp mất an toàn của
máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã
kiến nghị với người sử dụng lao động mà không được khắc phục.
4.1.4.3. Quyền hạn của an toàn, vệ sinh viên
An toàn, vệ sinh viên có quyền sau đây:
- Được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động
tiến hành để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
131

- Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an
toàn, vệ sinh viên nhưng vẫn được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và
được hưởng phụ cấp trách nhiệm;
- Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành
công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của
mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
- Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện
pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố,
tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
phương pháp hoạt động.
4.1.5. Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
4.1.5.1. Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
Công đoàn cơ sở có 6 nhiệm vụ chính sau:
a) Xây dựng và ký Thoả ước lao động tập thể có nội dung an toàn, vệ sinh
lao động
Trong 6 nội dung cơ bản của Thoả ước lao động tập thể có 2 nội dung về an
toàn, vệ sinh lao động, đó là: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và điều kiện an
toàn, vệ sinh lao động. Về điều kiện an toàn, vệ sinh lao động: thoả ước lao động
tập thể phải quy định rõ các chế độ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động
như: chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng độc hại;
khám sức khỏe định kỳ…; phải áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định đối
với máy móc, thiết bị, ngành nghề và thực hiện các biện pháp đảm bảo điều kiện
làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động.
b) Tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động cho người lao động
Công đoàn cơ sở tuyên truyền hướng dẫn luật pháp và các chính sách, chế
độ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; phối hợp với người sử dụng lao
động để tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Có
các loại: huấn luyện bước đầu, huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại khi chuyển
132

công việc theo NĐ 44/2016/ND-CP. Đối với các công việc yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn thì chỉ giao việc cho người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn.
c) Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động là trách nhiệm của thủ trưởng
cơ quan, đơn vị. Hằng năm khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh
nghiệp phải xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Để kế hoạch an toàn,
vệ sinh lao động sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, mang tính khả thi,
Ban chấp hành công đoàn cần lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, người lao động
tham gia với người sử dụng lao động trước khi ban hành.
d) Việc kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
Công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia, đề xuất để người sử dụng lao động
tổ chức thực hiện và quy định hình thức, thời hạn kiểm tra công tác an toàn, vệ
sinh lao động ở cơ sở.
e) Tham gia điều tra xử lý các vụ tai nạn lao động
Theo điều 11 của nghị định 39/2016/NĐ-CP về triển khai Luật An toàn, vệ
sinh lao động, công đoàn là thành viên của đoàn điều tra tai nạn lao động. Khi có
tai nạn lao động xảy ra ở doanh nghiệp, công đoàn cơ sở phải thể hiện vai trò là
chỗ dựa của người lao động. Khi tham gia điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động,
công đoàn cơ sở cần có chính kiến rõ ràng, tránh khuynh hướng đổ hết lỗi cho
người lao động (nhất là đối với các vụ tai nạn lao động chết người) và kiến nghị
các biện pháp để đề phòng tai nạn tái diễn.
f) Tổ chức phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
Đây là nhiệm vụ công đoàn cơ sở phải trực tiếp thực hiện, bao gồm các việc
như sau:
- Thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”;
- Tổ chức và quản lý hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên;
- Phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện điều
kiện lao động;
- Tổ chức kiểm tra chấm điểm thi đua về an toàn, vệ sinh lao động;
133

- Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền;


- Tham gia Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động;
- Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cử một cán bộ trong Ban Chấp hành phụ
trách công tác an toàn, vệ sinh lao động, có trách nhiệm phối hợp với bộ phận y
tế doanh nghiệp; tham mưu giúp Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tham gia phối hợp
với Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở, tổ chức phong trào quần chúng làm an toàn, vệ
sinh lao động và tổ chức hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
4.1.5.2. Quyền hạn của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
- Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện
kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao
động, cải thiện điều kiện lao động.
- Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự
cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi
vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn,
vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi
phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của
người lao động.
- Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở; tham gia, phối hợp với
người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an
toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; trường hợp người sử dụng lao động
không thực hiện nghĩa vụ khai báo thì công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông báo
ngay với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định để tiến hành
điều tra.
4.2. Các nội dung cơ bản của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong
doanh nghiệp
4.2.1. Lập và thực hiện kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động
134

Theo quy định của pháp luật, hằng năm, người sử dụng lao động phải xây
dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các công
việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế
hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động chủ trì lập kế
hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm. Điều 76 Luật An toàn, vệ sinh lao
động, quy định việc lập và thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động như sau:
4.2.1.1. Căn cứ lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
- Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm
soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
- Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;
- Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao
động của năm kế hoạch;
- Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh
tra, đoàn kiểm tra;
- Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành
công đoàn cơ sở.
4.2.1.2. Nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có 5 nội dung sau đây:
a) Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ.
Cơ sở lập và thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn, bao gồm:
- Chế tạo, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, bộ phận, dụng cụ nhằm mục đích
che, chắn, hãm, đóng, mở các máy, thiết bị, bộ phận, công trình, khu vực nguy
hiểm, có nguy cơ gây sự cố, tai nạn lao động;
- Các giá để nguyên vật liệu, thành phẩm;
- Hệ thống chống sét, chống rò điện;
- Các thiết bị báo động bằng màu sắc, ánh sáng, tiếng động; đặt biển báo;
- Mua sắm, sản xuất các thiết bị, trang bị phòng cháy chữa cháy;
- Tổ chức lại nơi làm việc phù hợp với người lao động;
- Di chuyển các bộ phận sản xuất, kho chứa các chất độc hại, dễ cháy nổ ra
xa nơi có nhiều người qua lại;
135

- Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh
lao động;
- Các biện pháp khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
b) Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải
thiện điều kiện lao động.
Cơ sở lập và thực hiện các biện pháp kỹ thuật vệ sinh lao động, bao gồm:
- Lắp đặt các quạt thông gió, hệ thống hút bụi, hút hơi khí độc;
- Nâng cấp, hoàn thiện làm cho nhà xưởng thông thoáng, chống nóng, ồn và
các yếu tố độc hại lan truyền;
- Xây dựng, cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh;
- Lắp đặt máy giặt, máy tẩy chất độc;
- Đo đạc các yếu tố môi trường lao động;
- Thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại;
- Các biện pháp khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
c) Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động
- Dây an toàn; mặt nạ phòng độc; tất chống lạnh; tất chống vắt; ủng cách
điện; ủng chịu axít; mũ bao tóc, mũ chống chấn thương sọ não; khẩu trang chống
bụi; bao tai chống ồn; quần áo chống phóng xạ, chống điện từ trường, quần áo
chống rét, quần áo chịu nhiệt.
- Các trang thiết bị khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
d) Chăm sóc sức khỏe người lao động
- Khám sức khỏe khi tuyển dụng;
- Khám sức khỏe định kỳ;
- Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;
- Bồi dưỡng bằng hiện vật;
- Điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động; …
e) Tuyên truyền giáo dục, huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động
- Tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao
động, người lao động;
- Chiếu phim, tham quan triển lãm an toàn, vệ sinh lao động;
136

- Tổ chức thi an toàn vệ sinh viên giỏi;


- Tổ chức thi viết, thi vẽ đề xuất các biện pháp tăng cường công tác an toàn ,
vệ sinh lao động;
- Kẻ pa nô, áp phích, tranh an toàn lao động; mua tài liệu, tạp chí an toàn, vệ
sinh lao động;
- Phát các bản tin về an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện truyền
thông của cơ sở lao động.
- Các biện pháp, hình thức tuyên truyền giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ
sinh lao động khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
4.2.2. Xây dựng và phổ biến nội quy, quy chế quản lý công tác an toàn, vệ
sinh lao động
Xây dựng, ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy
định, quy trình và hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động là nội dung quan trọng
trong hoạt động an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở. Tại cơ sở, bộ phận an toàn có
trách nhiệm phối hợp với các phân xưởng, phòng ban có liên quan để xây dựng
đầy đủ các quy trình, quy phạm, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động đối với sử
dụng, vận hành thiết bị, thực hiện đúng quy trình công nghệ và các quy định về
an toàn khác trong các công việc hoặc công đoạn sản xuất khác nhau; phối hợp
với đội phòng cháy chữa cháy của cơ sở để xây dựng các biện pháp phòng chống
cháy nổ; xây dựng các biện pháp đối phó với các tình trạng khẩn cấp trong cơ sở.
Bộ phận an toàn và các phân xưởng có liên quan chịu trách nhiệm về việc trang
bị các biển báo, bảng chỉ dẫn, các nội quy an toàn tại các vị trí cần thiết.
4.2.3. Kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động
Hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động có tác dụng giáo
dục, nhắc nhở người sử dụng lao động và người lao động nâng cao ý thức trách
nhiệm trong việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời
phát hiện các thiếu sót và đề ra các biện pháp khắc phục. Kiểm tra phải có ghi
vào sổ biên bản, có ký xác nhận của người sử dụng lao động và của công đoàn.
- Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm
tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
137

- Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao
động chủ động quyết định, đáp ứng quy định sau:
+ Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề có
nguy cơ cao, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01
lần trong 06 tháng ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 03 tháng ở
cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.
+ Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề
khác, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong
một năm ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 06 tháng ở cấp phân
xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.
Nội dung kiểm tra bao gồm:
+ Việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như: khám sức
khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
bồi dưỡng bằng hiện vật, khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động; đánh giá
nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao
động;
+ Hồ sơ, sổ sách, nội quy, quy trình và biện pháp an toàn, sổ ghi biên bản
kiểm tra, sổ ghi kiến nghị;
+ Việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp an toàn đã ban hành;
+ Tình trạng an toàn, vệ sinh của các máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng và
nơi làm việc như: Che chắn tại các vị trí nguy hiểm, độ tin cậy của các cơ cấu an
toàn, chống nóng, chống bụi, chiếu sáng, thông gió, thoát nước;
+ Việc sử dụng, bảo quản trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện
kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu y tế;
+ Việc thực hiện các nội dung của kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động;
+ Việc thực hiện kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra;
+ Việc quản lý, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động và việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại;
+ Kiến thức an toàn, vệ sinh lao động, khả năng xử lý sự cố và sơ cứu, cấp
cứu của người lao động.
138

+ Việc tổ chức ăn uống bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe người lao động;
+ Hoạt động tự kiểm tra của cấp dưới, việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị
về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động;
+ Trách nhiệm quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động và phong trào
quần chúng về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Các nội dung khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các hình thức kiểm tra:
+ Kiểm tra tổng thể các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan
đền quyền hạn của cấp kiểm tra;
+ Kiểm tra chuyên đề từng nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
+ Kiểm tra sau đợt nghỉ sản xuất dài ngày;
+ Kiểm tra trước hoặc sau mùa mưa, bão;
+ Kiểm tra sau sự cố, sau sửa chữa lớn;
+ Kiểm tra định kỳ để nhắc nhở hoặc chấm điểm để xét duyệt thi đua;
+ Các hình thức kiểm tra khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
Tổ chức việc kiểm tra: Để việc tự kiểm tra có hiệu quả, tránh hình thức, đối
phó cần phải chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm chỉnh các bước sau:
+ Thành lập đoàn kiểm tra: ở cấp doanh nghiệp và cấp phân xưởng hoặc
tương đương khi tự kiểm tra nhất thiết phải tổ chức đoàn kiểm tra, những người
tham gia kiểm tra phải là những người có trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh
doanh, có hiểu biết về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động;
+ Họp đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định lịch
kiểm tra;
+ Thông báo lịch kiểm tra đến các đơn vị hoặc các tổ chức sản xuất;
Tiến hành kiểm tra:
+ Quản đốc phân xưởng (nếu là kiểm tra ở phân xưởng) phải báo cáo tóm tắt
tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động với đoàn kiểm tra và đề
xuất các kiến nghị, biện pháp khắc phục thiếu sót tồn tại ngoài khả năng tự giải
quyết của phân xưởng; dẫn đoàn kiểm tra đi xem xét thực tế và trả lời các câu
hỏi, cũng như tiếp thu các chỉ dẫn của đoàn kiểm tra;
139

+ Mọi vị trí sản xuất, kho tàng đều phải được kiểm tra.
Lập biên bản kiểm tra:
+ Đoàn kiểm tra ghi nhận xét và kiến nghị đối với đơn vị được kiểm tra; ghi
nhận các vấn đề giải quyết thuộc trách nhiệm của cấp kiểm tra vào sổ biên bản
kiểm tra của đơn vị được kiểm tra;
+ Trưởng đoàn kiểm tra và trưởng bộ phận được kiểm tra phải ký vào biên
bản kiểm tra.
Xử lý kết quả sau kiểm tra:
+ Đối với các đơn vị được kiểm tra phải xây dựng kế hoạch khắc phục các
thiếu sót tồn tại thuộc phạm vi của đơn vị giải quyết, đồng thời gửi cấp kiểm tra
để theo dõi thực hiện;
+ Cấp kiểm tra phải có kế hoạch phúc tra việc thực hiện kiến nghị đối với cơ
sở sản xuất, kinh doanh; tổng hợp những nội dung thuộc trách nhiệm và thẩm
quyền giải quyết của mình đối với cấp dưới và giao các bộ phận giúp việc tổ chức
thực hiện.
+ Thông báo kết quả tự kiểm tra đến toàn thể người lao động.
4.2.4. Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp
Ngày 15/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Nghị định
có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy
định về khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an
toàn, vệ sinh lao động, cụ thể như sau:
4.2.4.1. Thời gian, nội dung khai báo tai nạn lao động
Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng
từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn
phải khai báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh
lao động như sau:
a) Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công
điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra
140

tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công
an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an cấp huyện);
b) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo
Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp
đồng lao động, thì việc khai báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật
An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
a) Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do
tai nạn lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai
báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban
nhân dân cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động;
b) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị
thương nặng từ 02 người lao động trở lên, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai
nạn phải báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư
điện tử) với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Công an cấp
huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số
39/2016/NĐ-CP.
4.2.4.2. Thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở:
a) Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị
thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao
động quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử
dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo
mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP;
b) Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý
của người sử dụng lao động, nhưng nạn nhân là người lao động thuộc quyền quản
lý của người sử dụng lao động khác, thì người sử dụng lao động tại nơi xảy ra tai
nạn có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đồng thời
mời đại diện người sử dụng lao động của nạn nhân tham gia Đoàn điều tra.
141

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh:


a) Khi nhận được tin báo xảy ra tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người
bị tai nạn nặng trở lên thuộc thẩm quyền điều tra, Thanh tra Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội cử người đến hiện trường trong thời hạn 02 giờ và thông
báo cho các cơ quan cử người tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh;
b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Nghị định số
39/2016/NĐ-CP, sau khi nhận đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao
động, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan
cử người tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, tiến hành điều tra và
lập biên bản xác minh tai nạn lao động;
c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm
theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương:
Việc thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương theo Khoản 3
Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương, trừ các vụ tai nạn lao động được
quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
b) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
chuyên ngành hoặc Bộ trưởng các bộ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21
Nghị định số 39/2016/NĐ-CP thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung
ương để điều tra các vụ tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực quy định tại
Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
c) Quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương theo
mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
4.2.4.3. Nhiệm vụ của thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động
Nhiệm vụ của trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động:
a) Quyết định tiến hành việc điều tra ngay, kể cả trường hợp vắng một trong
142

các thành viên Đoàn điều tra;


b) Phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Đoàn điều tra;
c) Tổ chức thảo luận về kết quả điều tra vụ tai nạn lao động; quyết định và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả điều tra tai nạn lao động;
d) Tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.
Nhiệm vụ các thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động:
a) Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt
động chung của Đoàn điều tra;
b) Có quyền nêu và bảo lưu ý kiến; trường hợp không thống nhất với quyết
định của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động thì báo cáo lãnh đạo cơ quan cử
tham gia Đoàn điều tra;
c) Không được tiết lộ thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa
công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.
4.2.4.4. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao
động cấp cơ sở
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:
Thứ nhất: thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai
nạn lao động.
Thứ hai: lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên
quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm
theo Nghị định này.
Thứ ba: đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).
Thứ tư: phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao
động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý
đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng
ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.
Thứ năm: lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại
Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
Thứ sáu: tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều
tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định số
143

39/2016/NĐ-CP.
Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động bao gồm:
a) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động;
b) Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy
quyền bằng văn bản;
c) Thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động;
d) Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc
hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn;
e) Ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công
đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở.
Lưu ý:
+ Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản điều tra
tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố
Biên bản điều tra tai nạn lao động.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản
điều tra tai nạn lao động, Ðoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên
bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra
tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn;
Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động có
người bị nạn đặt trụ sở chính; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
nơi xảy ra tai nạn lao động.
4.2.4.5. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của đoàn điều tra tai nạn lao
động cấp tỉnh
Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:
a) Thực hiện các nội dung như quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 13
Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
b) Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục X
ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
c) Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai
nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định số
144

39/2016/NĐ-CP tại cơ sở hoặc tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai
nạn.
Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động gồm:
a) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động;
b) Thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động;
c) Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy
quyền bằng văn bản trong trường hợp người lao động bị tai nạn làm việc theo hợp
đồng lao động; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai nạn trong trường
hợp người lao động bị tai nạn làm việc không theo hợp đồng lao động;
d) Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc,
người có liên quan đến vụ tai nạn;
e) Ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn
cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở trong trường hợp
người lao động bị tai nạn làm việc theo hợp đồng lao động;
g) Mời đại diện cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân đã tham gia điều
tra trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người.
Lưu ý:
+ Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản điều tra
tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố
Biên bản điều tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người được
người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản ký tên, đóng dấu (nếu có) vào
Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản điều
tra tai nạn lao động, Ðoàn điều tra tai nạn lao động gửi Biên bản điều tra tai nạn
lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tới
các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động và nạn nhân hoặc thân nhân
người bị nạn.
4.2.4.6. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của đoàn điều tra tai nạn lao
động cấp Trung ương
145

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương điều tra theo quy trình, thủ
tục sau đây:
+ Sau khi có quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động, Trưởng
đoàn điều tra tai nạn lao động thông báo ngay cho các cơ quan thuộc thành phần
Đoàn điều tra tai nạn lao động tham gia điều tra tai nạn lao động.
+ Đoàn điều tra tai nạn lao động đến ngay nơi xảy ra tai nạn, yêu cầu người
sử dụng lao động, cơ quan có thẩm quyền cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương
tiện có liên quan đến vụ tai nạn và phối hợp với Công an cấp huyện hoặc cấp
tỉnh tiến hành điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám
nghiệm thương tích, thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai
nạn.
+ Thực hiện nội dung như quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và 4 Điều 14 Nghị
định số 39/2016/NĐ-CP.
+ Thành viên dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung Biên bản điều tra
tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên của mình vào Biên bản cuộc họp
công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người
được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản ký tên, đóng dấu (nếu có)
vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố biên bản điều tra
tai nạn lao động, Ðoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương gửi Biên bản
điều tra tai nạn lao động và Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn
lao động tới các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động,
người sử dụng lao động và nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn; trường hợp vụ
tai nạn lao động được điều tra theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 21 Nghị định
số 39/2016/NĐ-CP thì đồng thời phải gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4.2.4.7. Hồ sơ vụ tai nạn lao động
Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động. Hồ sơ
bao gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu sau đây:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);
- Sơ đồ hiện trường; ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
146

- Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ
trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;
- Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư
pháp (nếu có);
- Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có
liên quan đến vụ tai nạn lao động;
- Biên bản điều tra tai nạn lao động;
- Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;
- Giấy chứng thương của cơ sở y tế được điều trị (nếu có);
- Giấy ra viện của cơ sở y tế được điều trị (nếu có).
Lưu ý: Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao
động thì mỗi người bị tai nạn lao động được lập một bộ hồ sơ riêng.
Quy định lữu trữ hồ sơ tai nạn lao động:
a) Người sử dụng lao động lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động theo quy định
tại Khoản 8 Điều 18 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
b) Cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, cấp Trung
ương lưu trữ hồ sơ vụ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
4.2.4.8. Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động
- Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
- Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định số
39/2016/NĐ-CP.
- Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động
nặng theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại
có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao
động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện
trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn
thành các bước điều tra theo quy định của Nghị định số 39/2016/NĐ-CP và được
sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan
147

công an.
- Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn
theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
- Tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông
tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
- Thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để điều tra các vụ tai
nạn lao động thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ
sinh lao động và Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
- Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người
lao động thuộc cơ sở của mình.
- Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động
trong thời gian như sau:
a) 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người;
b) Đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động
khác.
- Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể
cả việc điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều
27 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, trừ trường hợp tai nạn lao động được điều tra
lại theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
- Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao
động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các
kiến nghị ghi trong biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền
những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.
4.2.4.9.Thời điểm, mẫu báo cáo tai nạn lao động
Việc báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn, vệ
sinh lao động được thực hiện như sau:
- Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao
động; báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu
148

năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định
tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP. Báo cáo gửi
bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.
- Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất
an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc
không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn theo quy định tại Khoản 2 Điều
36 Luật An toàn, vệ sinh lao động với Ủy ban nhân dân cấp huyện theo mẫu quy
định Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP trước ngày 05
tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 05 tháng 01 năm sau đối
với báo cáo năm.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây
mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm
việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn, báo cáo Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị
định số 39/2016/NĐ-CP trước ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm
và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
- Trách nhiệm báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
a) Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động
nặng làm bị thương từ hai người lao động trở lên về Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định
số 39/2016/NĐ-CP;
b) Tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một
năm trên địa bàn tỉnh; gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động theo mẫu
quy định tại Phụ lục XIV và Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định số
39/2016/NĐ-CP về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao
động) và Cục Thống kê tỉnh trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu
năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
- Các cơ quan chủ trì thực hiện điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực
đặc thù theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động và
Điều 21 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP có trách nhiệm báo cáo tình hình tai nạn
149

lao động thuộc thẩm quyền điều tra, gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội
trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 25 tháng 01
năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm
theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
4.2.5. Quản lý máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn, vệ sinh lao động
4.2.5.1. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao
động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản,
sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng
trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các
loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao
động trên cơ sở đề nghị của các bộ, được quy định tại Điều 33 của Luật an toàn,
vệ sinh lao động, cụ thể như bảng 4.1:
Bảng 4.1: Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
STT
vệ sinh lao động
Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất
1 làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar; nồi đun nước nóng có nhiệt
độ môi chất trên 115oC.
2 Nồi gia nhiệt dầu.
Hệ thống đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp I và II có đường
kính ngoài từ 51mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và cấp IV có
3
đường kính ngoài từ 76mm trở lên theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt
Nam TCVN 6158:1996 và TCVN 6159:1996 .
4 Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 bar
(không kể áp suất thủy tĩnh) theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt
150

Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
STT
vệ sinh lao động
Nam TCVN 8366:2010 và các bình chịu áp lực có áp suất làm việc
định mức trên 210 bar.
Bồn, bể (xi téc), thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hóa lỏng, khí
dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất
5 làm việc cao hơn 0,7 bar hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không
có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 bar theo
phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8366:2010.
Các loại chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hóa lỏng, khí
6 thiên nhiên nén, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí hòa tan có áp suất làm việc
cao hơn 0,7 bar.
Hệ thống cung cấp, hệ thống điều chế, hệ thống nạp khí nén, khí hóa
7
lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí hòa tan.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt cố định, đường ống dẫn khí đốt trên
8 biển; Hệ thống đường ống dẫn khí y tế; Hệ thống đường ống dẫn khí
nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan.
Hệ thống lạnh theo phân loại tại TCVN 6739:2015 bao gồm: Sử dụng
môi chất lạnh nhóm A3, B2L, B2, B3; Sử dụng môi chất lạnh nhóm
9
A2 có lượng nạp vào hệ thống từ 1,5kg trở lên; Sử dụng môi chất
lạnh nhóm A1, A2L, B1 có lượng nạp vào hệ thống từ 05kg trở lên.
10, 11 Cần trục, Cầu trục
12 Cổng trục, bán cổng trục.
Trục cáp chở hàng; Trục cáp chở người; Trục cáp trong các máy thi
13
công, trục tải giếng nghiêng, trục tải giếng đứng.
14 Pa lăng điện; Palăng kéo tay có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
15 Xe tời điện chạy trên ray.
16 Tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng; bàn nâng;
sàn nâng; sàn nâng dùng để nâng người làm việc trên cao; tời nâng
151

Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
STT
vệ sinh lao động
người làm việc trên cao.
17 Tời tay có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
18 Xe nâng hàng dùng động cơ có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
Xe nâng người: Xe nâng người tự hành, xe nâng người sử dụng cơ
19 cấu truyền động thủy lực, xích truyền động bằng tay nâng người lên
cao quá 2m.
Máy vận thăng nâng hàng; máy vận thăng nâng hàng kèm người; máy
20 vận thăng nâng người; máy vận thăng sử dụng trong thi công xây
dựng.
21 Thang máy các loại.
22 Thang cuốn; băng tải chở người.
23 Sàn biểu diễn di động.
Các thiết bị trò chơi: tàu lượn, đu quay, máng trượt mang theo người
24 lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3m/s so với sàn
cố định trừ các phương tiện thi đấu thể thao.
25 Hệ thống cáp treo chở người.
Tời, trục tải có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên sử dụng trong khai
26
thác hầm lò.
Cột chống thủy lực đơn, giá khung di động và dàn chống tự hành cấu
27 tạo từ các cột chống thủy lực đơn sử dụng trong việc chống giữ lò
trong khai thác hầm lò.
Động cơ đốt trong (thể tích Cac-te trên 0,6 m 3 hoặc đường kính xi
28
lanh trên 200mm).
29 Máy biến áp phòng nổ.
30 Động cơ điện phòng nổ.
Thiết bị phân phối, đóng cắt phòng nổ (khởi động từ, khởi động mềm,
31
Aptomat, máy cắt điện tự động, biến tần, rơ le dòng điện rò).
152

Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
STT
vệ sinh lao động
32 Thiết bị điều khiển phòng nổ (bảng điều khiển, hộp nút nhấn).
33 Máy phát điện phòng nổ.
34 Cáp điện phòng nổ.
35 Đèn chiếu sáng phòng nổ.
36 Máy nổ mìn điện.
37 Hệ thống cốp pha trượt.
38 Máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc
39 Hệ thống bơm bê tông độc lập
40 Hệ giàn giáo, đà giáo, cột chống chịu lực
41 Sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng.
42 Đài phát thanh có công suất phát cực đại từ 150W trở lên.
43 Đài truyền hình có công suất phát cực đại từ 150W trở lên.
44 Hệ nổi (Phao, phà, ca nô,…)
45 Xe vận chuyển dầm siêu trường, siêu trọng; xe lao lắp dầm

4.2.5.2. Quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động
Lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi xây dựng mới, mở
rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy,
thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động:
a) Trong hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới,
mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ
máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động,
chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường.
b) Phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ
yếu sau đây:
153

+ Địa điểm, quy mô công trình, cơ sở;


+ Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục trong công trình, cơ sở;
+ Nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, sự cố có thể phát sinh trong
quá trình hoạt động;
+ Các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố
có hại; phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm
trọng, ứng cứu khẩn cấp.
4.2.5.3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động
- Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong thời hạn sử dụng, bảo đảm
chất lượng, phải được kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật an
toàn, vệ sinh lao động, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.
- Khi đưa vào sử dụng hoặc không còn sử dụng, thải bỏ các loại máy, thiết
bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức, cá
nhân phải khai báo với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tại nơi sử dụng theo
thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật an toàn, vệ sinh
lao động, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.
- Trong quá trình sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn, vệ sinh lao động, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm định kỳ kiểm tra, bảo
dưỡng, lập và lưu giữ hồ sơ kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư theo quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia tương ứng.
- Việc sử dụng chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa chất và pháp luật chuyên ngành.
4.2.5.4. Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
- Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá
trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
154

- Việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch.
- Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ
sở vật chất, kỹ thuật, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an
toàn lao động; tiêu chuẩn kiểm định viên đáp ứng các yêu cầu kiểm định của đối
tượng kiểm định; việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn lao động.
4.2.6. Thực hiện chính sách, chế độ an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp
4.2.6.1. Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động
Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân được coi là một trong các biện pháp
đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Phương tiện bảo vệ cá
nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang
bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi
tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi
các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm
việc chưa thể loại trừ hết. phương tiện bảo vệ cá nhân gồm các yếu tố sau:
+ Là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được
trang bị để sử dụng khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ: Các phương tiện bảo
vệ cá nhân này trang bị riêng cho người lao động, không phải là thiết bị sử dụng
chung, mỗi dụng cụ, phương tiện như vậy không thể cùng lúc trang bị cho nhiều
người. Đồng thời, các dụng cụ, phương tiện này hầu hết chỉ có thể được sử dụng
trong quá trình lao động của người lao động do cơ chế kỹ thuật cũng như chức
năng của từng phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ phù hợp khi người sử dụng chúng
đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ.
+ Mục đích sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là để bảo vệ cơ thể khỏi tác
động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động: Một
trong những lý do khiến nhiều phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ được sử dụng
trong quá trình lao động vì mục đích chính của phương tiện bảo vệ cá nhân để
bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong
155

quá trình lao động. Các thiết bị này hỗ trợ giúp người lao động giảm thiểu tiếp
xúc với các yếu tố nguy hiểm vật lý, hóa học, giảm nguy cơ tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
+ Được trang cấp khi các giải pháp công nghệ, thiết bị kỹ thuật an toàn, vệ
sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết: Người sử dụng lao động có
nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có nhiều biện
pháp kỹ thuật (như bố trí lại, cải tiến công nghệ máy móc, trang thiết bị,…) hay
các biện pháp về tổ chức, quản lý (tuyên truyền, thông tin,…). Các biện pháp này
có thể phát huy tối đa tác dụng nhưng trong phần lớn các trường hợp không thể
nào hoàn toàn giải quyết các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Trang
bị biện pháp này giúp người lao động thực chất cũng là một biện pháp bảo đảm
an toàn, vệ sinh lao động, nhưng đối tượng tác động trực tiếp của biện pháp này
là người lao động. Mỗi cá nhân khi sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ có
thể bảo vệ an toàn cho bản thân, không thể đảm bảo cho những người khác.
Có 10 loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tùy theo bộ phận
mà các thiết bị này bảo vệ hoặc mục đích bảo vệ:
- Bảo vệ đầu (ví dụ: mũ bảo hộ)
- Bảo vệ mắt, mặt (ví dụ: kính mắt bảo hộ)
- Bảo vệ thính giác (ví dụ: bông bịt tai)
- Bảo vệ cơ quan hô hấp (ví dụ: khẩu trang phòng độc)
- Bảo vệ tay, chân (ví dụ: bao găng tay)
- Bảo vệ thân thể (ví dụ: đồ bảo hộ)
- Chống ngã cao (ví dụ: cáp treo an toàn)
- Chống điện giật, điện từ trường (ví dụ: bao tay cao su)
- Chống chết đuối (ví dụ: phao)
- Các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác (ví dụ: dây
giữ, buộc khẩu trang cho người lao động)
Như vậy, phương tiện bảo vệ cá nhân là các dụng cụ, thiết bị quan trọng với
người lao động. Việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động là
trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
156

chung và tính mạng, sức khỏe cho từng cá nhân người lao động. Các dụng cụ,
thiết bị này cũng phải được trang cấp phù hợp với môi trường làm việc, điều
kiện làm việc của người lao động. Các quy định cụ thể về trang cấp phương tiện
bảo vệ cá nhân cho người lao động cụ thể như sau:
+ Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng niên hạn các trang
bị bảo hộ lao động phù hợp với từng công việc cho người lao động làm việc trong
toàn doanh nghiệp.
+ Hàng năm các đơn vị lập bảng nhu cầu sử dụng trang bị bảo hộ lao động
(ghi rõ kích cỡ, chủng loại đối với các trang bị bảo hộ lao động cần thiết như
quần áo, giầy, găng tay…) để tổng hợp trình Lãnh đạo doanh nghiệp phê duyệt.
Sau khi đã được phê duyệt, các bộ phận chức năng tiến hành mua và cấp phát
trang bị bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định.
+ Các đơn vị sau khi nhận trang bị bảo hộ lao động cấp phát cho người lao
động của đơn vị mình thì phải ghi vào sổ cấp phát trang bị bảo hộ lao động và
yêu cầu người nhận ký vào sổ.
+ Người lao động được cấp trang bị bảo hộ lao động bắt buộc phải sử dụng
đầy đủ trong thời gian làm việc. Người quản lý và giao việc không bố trí công
việc hoặc đình chỉ làm việc đối với người lao động không thực hiện các quy định
về sử dụng trang bị bảo hộ lao động.
4.2.6.2. Chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp
Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất
lượng, năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, việc
các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, môi
trường lao động an toàn, đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ chế độ,
chính sách về chăm sóc sức khoẻ là biện pháp quan trọng xây dựng doanh nghiệp
bền vững. Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp
hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề
nghiệp tác động đến người lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh
nghề nghiệp, như ảnh hưởng bởi các yếu tố trong quá trình sản xuất (vật lý, hoá
học, sinh học) tác động trực tiếp đến người lao động hay người lao động làm việc
157

quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức hoặc do điều kiện vệ
sinh và an toàn xung quanh người lao động không đảm bảo. Bên cạnh đó, bệnh
nghề nghiệp còn xảy ra do người lao động chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức
khoẻ của chính mình; trong khi người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm
đến chăm sóc sức khỏe, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động
với người lao động. Theo quy định của Nhà nước, người lao động được khám sức
khỏe định kỳ mỗi năm một lần; riêng người lao động làm việc nặng nhọc, môi
trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một
lần. Người lao động cũng được khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc; Khám
phát hiện bệnh nghề nghiệp; Khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề
nghiệp; Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, hàng năm, doanh nghiệp
cần triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn
vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ
sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động. Trong
đó công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung: luật An toàn vệ sinh lao
động, các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, như: thời gian làm
việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;
danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ trợ cấp tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp; các nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp đối với sức khỏe người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử
dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc
sức khỏe lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Chủ động phòng ngừa,
giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm an toàn tính mạng, sức
khỏe cho người lao động, Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh
doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao
động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động; kiểm định các loại máy,
thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử
dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Người lao động làm công
việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ,
158

đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong
quá trình làm việc theo quy định, đồng thời được tham dự khóa huấn luyện an
toàn lao động, vệ sinh lao động. Bản thân người lao động cần có kiến thức, biết
tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao
động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
4.2.6.3. Bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật
Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật là thông qua việc sử dụng một số hiện vật
có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng giảm bớt hậu quả của các yếu tố độc hại
mà người lao động phải đối mặt trong môi trường làm việc có yếu tố nguy hiểm,
độc hại. Hiện vật bồi dưỡng thường là trứng, sữa, hoa quả … những sản phẩm dễ
sử dụng có tác dụng tốt trong việc tăng sức đề kháng của cơ thể người lao động,
phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật là
quy định có tính nhân văn cao của luật lao động hiện nay, không chỉ góp phần
bảo vệ sức khỏe cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho người sử dụng lao
động có cơ hội chăm sóc, quan tâm hơn đến người lao động của mình thông qua
những hành động đơn giản nhưng hết sức ý nghĩa.
Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các
điều kiện sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động-
Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH;
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố
nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ
Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm;
Việc xác định các yếu tố quy định tại này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ
điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây
gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động). Việc đo các giá trị vi khí hậu
trong môi trường lao động thực hiện theo quy định tại thông tư số 26/2016/TT-
BYT ngày 30/6/2016 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu - giá trị
cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc.
159

Mức bồi dưỡng:


- Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày. Việc xác
định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi
trường lao động được pháp luật quy định.
Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật:
- Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca hoặc ngày
làm việc, bảo đảm thuận tiện và vệ sinh.
- Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn
giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
- Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi
dưỡng tập trung tại chỗ được (ví dụ: làm việc lưu động, phân tán, ít người), người
sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có
trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng
lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường
xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.
- Mức bồi dưỡng cụ thể đối với từng người lao động được xác định như sau:
+ Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định, nếu làm việc từ
50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả
định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày
làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng theo quy định; Trong trường
hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng
lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên;
+ Người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng
bằng hiện vật ở mức 1 (10.000 đồng) đối với người lao động làm các công việc
không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban
hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các
yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp
tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
160

- Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động
thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở lao động và là chi phí hợp lý
khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở lao động theo quy định
hiện hành của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; riêng đối với các đối
tượng là học sinh, sinh viên thực tập, học nghề, tập nghề thuộc cơ quan nào quản
lý thì cơ quan đó cấp kinh phí.
- Trường hợp có sự thay đổi về tiêu chuẩn cũng như hình thức bồi dưỡng để
phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp thì cũng được thực hiện theo
hướng có lợi cho người lao động.
4.2.7. Giáo dục, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức phong trào an toàn, vệ
sinh lao động trong doanh nghiệp
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm
việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Muốn cho các biện pháp khoa học
kỹ thuật cũng như các luật lệ, chế độ, qui định về an toàn, vệ sinh lao động được
thực hiện một cách có hiệu quả, điều cực kỳ quan trọng là phải làm sao cho mọi
người, từ các cán bộ quản lý, người sử dụng lao động đến đông đảo người lao
động nhận thức đầy đủ, thấy rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình để tự giác thực
hiện. Trong đó chúng ta cần đặc biệt quan tâm đối với đông đảo người lao động
vì họ vừa là mục tiêu, đối tượng vận động, lại vừa là chủ thể của hoạt động sản
xuất và an toàn, vệ sinh lao động. Họ có nhận thức và tự giác thực hiện, biết tự
bảo vệ mình thì mới hạn chế được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sản
xuất. Nội dung công tác giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và tổ
chức vận động quần chúng bao gồm những hoạt động chủ yếu sau đây:
- Phải bằng mọi hình thức, tuyên truyền giáo dục cho người lao động nhận
thức được sự cần thiết phải bảo đảm an toàn trong sản xuất, phải phổ biến và
huấn luyện cho họ có những hiểu biết về an toàn, vệ sinh lao động để họ biết tự
bảo vệ mình... Trong các nội dung huấn luyện, cần đặc biệt coi trọng việc phổ
biến để họ quán triệt đầy đủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đặc biệt là cho
họ thấy nghĩa vụ và quyền lợi trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời
161

huấn luyện cho người lao động thành thạo tay nghề và nắm vững các yêu cầu về
kỹ thuật an toàn trong sản xuất biết sử dụng thành thạo, bảo quản và sử dụng hợp
lý các phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Giáo dục ý thức lao động có kỷ luật, bảo đảm các nguyên tắc an toàn, thực
hiện nghiêm chỉnh tiêu chuẩn, qui định, nội qui an toàn, chống làm bừa, làm ẩu.
- Vận động đông đảo quần chúng phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, tự
cải thiện điều kiện làm việc. Cần dấy lên một phong trào quần chúng sôi nổi, thi
đua làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động với những tên gọi, mục tiêu thiết
thực như ''Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động'', ''chiến dịch không có tai nạn lao
động'', ''an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn'', ''an toàn là bạn, tai nạn là
thù'', tổ chức phong trào “Xanh,sạch, đẹp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”…
Thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, công tác huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp rất cần được quan tâm, thực hiện.
Hàng năm, người lao động được huấn luyện đầy đủ nội dung về an toàn lao động,
vệ sinh lao động cần thiết và phù hợp với công việc đảm nhiệm trước khi được
phân công nhiệm vụ lần đầu, khi chuyển từ công việc này sang công việc khác và
huấn luyện lại hàng năm. Việc tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho những
người mới được điều chuyển đến đơn vị hoặc khi chuyển từ công việc này sang
công việc khác do đơn vị có trách nhiệm tổ chức huấn luyện. Các đợt huấn luyện
đều phải có bài thu hoạch, có chấm điểm và lưu trữ đến khi người lao động
chuyển đi khỏi cơ sở hoặc nghỉ hưu. Kết quả huấn luyện phải ghi đầy đủ trong
“Sổ đăng ký huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động” với các nội dung: các lớp
huấn luyện, số người được huấn luyện, số đạt huấn luyện. Cơ sở có trách nhiệm
tổ chức huấn luyện đặc biệt đối với người lao động làm các công việc có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động.
Người lao động có quyền từ chối công việc được phân công khi không được huấn
luyện các kỹ thuật an toàn lao động cần thiết đối với công việc được phân công.
4.2.8. Tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động
Đánh giá rủi ro trong an toàn lao động là việc phân tích, nhận diện nguy cơ
và tác hại của yếu tố có hại tại nơi làm việc. Nhằm chủ động phòng ngừa tai nạn
162

lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động. Người sử dụng lao
động, chủ doanh nghiệp phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn người lao động
tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động trước khi làm việc và
thường xuyên trong quá trình hoạt động. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp thì phải áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ
sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc dựa theo thông
tư 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội.
Đánh giá rủi ro trong an toàn lao động là việc đầu tiên cần làm để có thể
kiểm soát được các mối nguy hại, nguy hiểm và đảm bảo an toàn trong lao động
tại nơi làm việc. Qua đó đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.
4.2.8.1.Thời điểm đánh giá rủi ro trong an toàn lao động
Trước khi doanh nghiệp, cơ sở bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Và định kỳ ít nhất 01 lần/năm trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh
doanh. Trừ những trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực
hiện theo quy định đó. Thời điểm thực hiện đánh giá định kỳ do người sử dụng
lao động quyết định.
Khi doanh nghiệp có thay đổi về nguyên vật liệu, công nghệ, tổ chức sản
xuất hay khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động nghiêm trọng.
4.2.8.2. Quy trình thực hiện đánh giá rủi ro an toàn lao động
Đánh giá rủi ro an toàn lao động được tiến hành theo 5 bước:
Bước 1: Xác định các mối nguy
Xác định phạm vi và mục tiêu, đối tượng và thời gian thực hiện.
Lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Lựa chọn
phương pháp nhận diện, phân tích nguy cơ và tác hại các yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại.
+ Nhận diện mối nguy: Kiểm tra xung quanh nơi làm việc và tìm kiếm
những mối nguy có thể gây hại đến người lao động. Kiểm tra thiết bị, máy móc.
163

Xem xét hồ sơ tai nạn lao động và các hồ sơ y tế của công ty. Qua đó xác
định những mối nguy tiềm ẩn.
Trao đổi với người lao động để tìm hiểu về những mối nguy mà họ cho là có
thể ảnh hưởng trong quá trình làm việc.
Bước 2: Xác định những người có thể bị ảnh hưởng từ những mối nguy
và tác động ảnh hưởng như thế nào
Sau khi xác định các mối nguy thì cần xác định rõ các đối tượng bị ảnh
hưởng và ảnh hưởng như thế nào, mức độ ảnh hưởng ra sao. Khảo sát người lao
động xem đối tượng nào có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công việc của họ
hay không.
Bước 3: Đánh giá rủi ro. Từ những thông tin về mối nguy hiểm và quyết
định các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn sức khỏe
Triển khai đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động: Thành lập
nhóm đánh giá kiểm tra thực tế tại nơi làm việc. Khảo sát người lao động về
những yếu tố có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của họ tại
nơi làm việc.
Xem xét những những gì đã kiểm tra, so sánh điều này với các chuẩn mực
và xem xét đưa ra những biện pháp để đạt đến chuẩn.
Chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn mối nguy hiểm không?
Làm thế nào để kiểm soát rủi ro để các mối nguy không xảy ra?
Bước 4: Ghi lại những người chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm
soát rủi ro và thời gian thực hiện
Cần phân công trách nhiệm cho từng người cụ thể, thời gian thực hiện và tần
suất thực hiện.
Bước 5: Tổng hợp lại những phát hiện, giám sát và rà soát việc đánh giá
rủi ro
Xếp loại mức độ nghiêm trọng của nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao
động tương ứng với các yếu tốt nguy hiểm, yếu tố có hại được nhận diện.
Xác định nhưng nguy cơ có thể chấp được và các biện pháp giảm thiểu nguy
cơ rủi ro đến mức hợp lý.
164

Tổng hợp kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn lao động, vệ sinh lao
động. Đề xuất các biện pháp nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở
sản xuất, kinh doanh.
4.2.8.3. Hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ an toàn lao động
Căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro, người sử dụng lao động xác
định nội dung, quy định, tổ chức cho người lao động thực hiện:
Nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
Áp dụng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại
nơi làm việc.
Phát hiện và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm về nguy cơ xảy ra sự
cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp.
Thực hiện tốt công tác đánh giá rủi ro an toàn lao động tại nơi làm việc sẽ
góp phần bảo vệ người lao động về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nâng
cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
4.2.9. Lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp
Căn cứ vào nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh tật tại nơi làm việc và quy
định pháp luật, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn
cấp tại nơi làm việc.
4.2.9.1. Nội dung kế hoạch ứng cứu khẩn cấp
Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Phương án sơ tán người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm;
b) Biện pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn;
c) Biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả do sự cố gây ra;
d) Trang thiết bị phục vụ ứng cứu;
đ) Lực lượng ứng cứu tại chỗ; phương án phối hợp với các lực lượng bên
ngoài cơ sở; phương án diễn tập.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được
thực hiện theo quy định của pháp luật.
165

4.2.9.2. Tổ chức lực lượng ứng cứu


- Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có nguy cơ gây tai nạn lao
động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức lực lượng ứng cứu
chuyên trách hoặc bán chuyên trách theo quy định và tổ chức huấn luyện sơ cứu,
cấp cứu cho người lao động.
- Lực lượng ứng cứu phải được trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo
đảm ứng cứu, sơ cứu, cấp cứu kịp thời và phải được huấn luyện.
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc tổ chức, trang thiết bị và huấn
luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.
4.2.10. Quản lý vệ sinh lao động
Theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016, có
07 nội dung quản lý vệ sinh lao động tại cơ sở:
4.2.10.1. Lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động
Người sử dụng lao động lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao
động dưới sự tham mưu của người làm công tác y tế và người làm công tác an
toàn, vệ sinh lao động. Hồ sơ này bao gồm:
- Hồ sơ sức khỏe người lao động: Hồ sơ sức khỏe của người lao động được người
sử dụng lao động lập sau khi người lao động khám sức khỏe, khám phát hiện
bệnh nghề nghiệp nhằm phục vụ cho mục đích quản lý người lao động.
- Kết quả kiểm tra, theo dõi các yếu tố nguy hiểm, có hại: Kết quả kiểm tra, theo
dõi các yếu tố có hại được lập ra sau quá trình theo dõi, kiểm tra các yếu tố nguy
hiểm, có hại theo đúng quy trình mà pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động quy
định (Điều 18 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015
và Chương II Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ).
4.2.10.2. Quan trắc môi trường lao động
Người sử dụng lao động tổ chức quan trắc môi trường lao động định kỳ hoặc
lên kế hoạch quan trắc do sự kiện pháp lý như tai nạn lao động, bệnh nghề nhiệp.
Mục đích của hoạt động quan trắc nhằm phát hiện ra các yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động khi tiến hành quan trắc phải
báo cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và cơ quan Nhà
166

nước có thẩm quyền, đảm bảo sự kết nối trong trách nhiệm quản lý của người sử
dụng lao động và các cơ quan Nhà nước cũng như quyền lợi của người lao động.
4.2.10.3. Khám sức khỏe và khám bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động phải bố trí khám sức khỏe cho người lao động ít
nhất 01 năm 01 lần, đối với các đối tượng người lao động đặc biệt như người lao
động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, người lao động là người khuyết
tật,… thì phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 06 tháng 01 lần. Các hoạt động
khám sức khỏe này giúp người sử dụng lao động phát hiện ra tình trạng chung về
sức khỏe của người lao động tại cơ sở, người nào đủ điều kiện sức khỏe để thực
hiện công việc, người nào không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện công việc,
người nào bị mắc bệnh nghề nghiệp, để người sử dụng lao động kịp thời có biện
pháp khắc phục cũng như thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động
bị chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp.
4.2.10.4. Kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có
hại
Người sử dụng lao động kiểm soát người lao động thực hiện an toàn, vệ sinh
lao động tại cơ sở thông qua các biện pháp tổ chức, quản lý của mình. Người sử
dụng lao động phân công người lao động thực hiện các công việc quản lý, giám
sát người lao động trong an toàn, vệ sinh lao động như người làm công tác an
toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên.
Việc kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại
trong môi trường lao động đối với sức khỏe bao gồm các hoạt động nhận diện,
đánh giá các yếu tố có hại trong môi trường lao động, xác định mục tiêu và biện
pháp phòng, chống, triển khai các biện pháp phòng, chống đã lên kế hoạch.
4.2.10.5. Vệ sinh phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi dưỡng bằng hiện vật cho người
lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc,
độc hại, ngu hiểm (chủ yếu là thực phẩm), nên cũng phải đảm bảo thực phẩm bồi
dưỡng cho người lao động an toàn, vệ sinh và có tác dụng nâng cao khả năng đề
kháng của người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động có thể tổ chức nhà
167

ăn tại nơi làm việc, cung cấp bữa ăn cho người lao động, thì cũng phải chịu trách
nhiệm về chất lượng thực phẩm đã cung cấp cho người lao động.
4.2.11. Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo hoạt động an toàn, vệ sinh lao
động trong doanh nghiệp
Báo cáo là loại văn bản hành chính thông thường và rất phong phú. Dựa trên
những tiêu chí khác nhau có thể chia báo cáo ra thành các loại khác nhau. Căn cứ
vào nội dung báo cáo có thể chia thành: báo cáo chung và báo cáo chuyên đề.
Căn cứ vào tính ổn định của quá trình ban hành báo cáo có thể chia thành: báo
cáo thường kỳ và báo báo đột xuất.
Báo cáo sơ kết: Là báo cáo về một công việc đang còn được tiếp tục thực
hiện. Trong quản lý, có những công việc đã được lập kế hoạch, lên chương trình
từ trước, có những công việc được thực hiện ngoài kế hoạch khi phát sinh những
tình huống không dự kiến trước. Dù trong trường hợp nào thì quá trình thực hiện
cũng có thể nảy sinh những vấn đề không thể dự liệu được hoặc đã được dự liệu
chưa chính xác. Để hoạt động quản lý có chất lượng cao, việc thường xuyên nắm
bắt tình hình thực tế, đánh giá thuận lợi, khó khăn, rút kinh nghiệm, đề ra những
biện pháp mới, điều chỉnh hoạt động quản lý cho phù hợp với thực tế là điều cần
thiết. Báo cáo sơ kết giúp cho cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo sát sao, kịp thời,
thiết thực đối với hoạt động của cấp dưới.
Báo cáo tổng kết: là loại văn bản được ban hành sau khi đã hoàn thành hoặc
đã hoàn thành một cách căn bản một công việc nhất định. Khác với báo cáo sơ
kết có mục đích tiếp tục hoàn thành công việc một cách tốt nhất, trong báo cáo
tổng kết, mục đích là để đánh giá lại quá trình thực hiện một công việc, so sánh
kết quả đạt được với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, rút kinh nghiệm cho các hoạt
động quản lý cùng loại hoặc tương tự về sau từ việc lập kế hoạch hoạt động đến
tổ chức thực hiện các hoạt động đó trên thực tế. Báo cáo tổng kết thường gắn vào
một thời gian nhất định, thường là một năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm,..
Theo quy định tại Điều 81 Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH và thông
tư 07/2016/TT-BLĐTBXH: đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng
168

lao động tổ chức thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về công tác an toàn, vệ sinh
lao động, cụ thể:
Thống kê, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động:
+ Người sử dụng lao động phải mở sổ thống kê các nội dung cần phải báo
cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Các số liệu thống kê phải được lưu trữ
theo quy định của pháp luật, làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính
sách, giải pháp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.
+ Người sử dụng lao động phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao
động định kỳ hằng năm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực
tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu được quy định tại Thông tư
07/2016/TT-BLĐTBXH. Báo cáo phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau.
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tổng hợp tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của
các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn, gửi Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội theo mẫu quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH trước ngày 25
tháng 01 hằng năm.
Sơ kết, tổng kết:
+ Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức sơ kết, tổng kết công tác
an toàn, vệ sinh lao động, với các nội dung sau: phân tích kết quả, hạn chế, tồn tại
và bài học kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân làm
tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát động
phong trào thi đua bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
+ Việc sơ kết, tổng kết phải được thực hiện từ cấp phân xưởng, tổ, đội sản
xuất lên đến cơ sở sản xuất, kinh doanh.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 4
1. Tổ chức bộ máy làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp?
2. Chức năng, nhiệm vụ của hội đồng an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp?
3. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận an toàn trong doanh nghiệp ?
4. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận y tế trong doanh nghiệp ?
5. Chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.?
169

6. quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ
sinh lao động ?
7. Các nội dung cơ bản của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp ?
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 4
1. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (2011), Sổ tay hướng dẫn áp dụng hệ
thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, Hà Nội.
2. Bộ lao động Thương binh & Xã hội (2002), Hướng dẫn Hệ thống quản lý
ATVSLĐ (ILO - OHS), Hà Nội.
3. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2016), Thông tư Số 07/2016/TT-
BLĐTBXH, ngày 15/5/2016.
4. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 19/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
5. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 28/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
6. Chính phủ nước CHXHCNVN (2016), Nghị định Số 39/2016/NĐ-CP, ngày
15/5/2016.
7. Chính phủ nước CHXHCNVN (2016), Nghị định Số 44/2016/NĐ-CP, ngày
15/5/2016.
8. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2019), Tài liệu huấn luyện về an toàn lao
động, vệ sinh lao động, NXB Thanh niên, Hà Nội.
9. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2022), Tập hợp các văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành về ATVSLĐ và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
NXB Thanh niên, Hà Nội.
10. Hoàng Văn Bính (2010), Vệ sinh lao động, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
11. Nguyễn An Lương và các tác giả (2013), Bảo hộ lao động, NXB Lao động,
12. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động.
13. Quốc hội nước CHXHCNVN (2013), Luật Công đoàn.
14. Tạ Đăng Thuần (2020), Giáo trình An toàn lao động & Bảo vệ môi trường,
NXB Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
15. Vũ Quang Thọ (2011), Tập bài giảng Bảo hộ lao động, NXB Dân trí, Hà Nội,
16. Hoàng Trí (2013), Giáo trình An toàn lao động và môi trường công nghiệp,
NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
170

Chương 5
QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG
5.1. Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
5.1.1. Lý luận chung quản lý nhà nước về An toàn và vệ sinh lao động
Quản lý xã hội là quá trình phức tạp, đa dạng vì đối tượng tác động - khách
thể của nó là hành vi con người có ý chí và tư duy độc lập, là hoạt động của cơ
quan, tổ chức của con người. Còn chủ thể của quản lý xã hội là Nhà nước, một tổ
chức chính trị đặc biệt và các bộ phận cấu thành khác của hệ thống chính trị (giai
cấp, chính đảng, tổ chức xã hội...). Như vậy quản lý xã hội bao hàm khái niệm
quản lý các công việc của Nhà nước (tức là phần quản lý xã hội do Nhà nước
đảm nhận, hay còn gọi là quản lý nhà nước) và quản lý các công việc xã hội
(phần quản lý xã hội còn lại do các chủ thể khác đảm nhận).
Ta có thể hiểu quản lý nhà nước là hoạt động có tổ chức và bằng pháp quyền
của bộ máy nhà nước để điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của công dân
và mọi tổ chức xã hội, nhằm giữ gìn trật tự xã hội và phát triển xã hội theo những
mục tiêu đã định.
Như vậy, quản lý nhà nước là khoa học sử dụng quyền lực để tổ chức, điều
hành công việc quản lý của Nhà nước trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế -
xã hội. Nó cũng là nghệ thuật chỉ huy với sự vận dụng sáng tạo, thích ứng với
tình thế nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật để đem lại hiệu quả cao
nhất cho công việc.
Để thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả, cần phải thực hiện tốt qui trình
quản lý bao gồm 7 vấn đề sau đây:
- Quy hoạch và kế hoạch: Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,
quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, cần phải tiến hành xây dựng kế
hoạch quy hoạch cụ thể cho lĩnh vực mà chúng ta đang quản lý.
- Tổ chức bộ máy: Cần xây dựng một bộ máy gọn nhẹ, có qui định chức
năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp đầy đủ và quản lý chặt chẽ hoạt động của bộ
máy quản lý.
171

- Sắp xếp, bố trí, quản lý nhân sự: Cần xây dựng tiêu chuẩn, yêu cầu và sắp
xếp đội ngũ cán bộ, công chức vào các nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy; quản lý,
đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt các chế độ chính sách
đối với họ.
- Ra các quyết định quản lý: Trên cơ sở tập hợp đầy đủ các thông tin, xử lý
và đề ra các phương án khác nhau, lựa chọn và thẩm định phương án, sau đó ban
hành các quyết định quản lý nhà nước.
- Phối hợp: Cần phải có một cơ chế phối hợp có hiệu quả trong quá trình
thực hiện các hoạt động.
- Sử dụng các nguồn lực: Đây là một nội dung quan trọng, liên quan đến
ngân sách, tài chính, cơ sở vật chất cần được khai thác, quản lý một cách có hiệu
quả, chặt chẽ.
- Chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết, đánh giá: Cần phải có sự chỉ đạo sát sao để
thực hiện các quyết định, đồng thời phải tiến hành kiểm tra, đánh giá để có những
biện pháp điều chỉnh kịp thời, cần sơ, tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện
các quyết định quản lý.
Như đã trình bày ở phần trên, quản lý nhà nước là quản lý vĩ mô của Nhà
nước về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong thực tế hiện nay, Nhà
nước ta thực hiện chức năng quản lý trên tất cả các mặt chủ yếu của xã hội như
quản lý nhà nước về kinh tế, quản lý Nhà nước về quốc phòng và an ninh, quản
lý nhà nước về tài chính, tiền tệ, quản lý nhà nước về văn hoá tư tưởng, về khoa
học công nghệ, về y tế, về giáo dục, về dân số và lao động... Các lĩnh vực quản lý
nhà nước nói trên đã được thực hiện trong nhiều năm với mục tiêu, nhiệm vụ,
chức năng, phương pháp quản lý đã được xác định rõ, ngày càng đổi mới, hoàn
thiện. Trong khi đó, quản lý nhà nước về ATVSLĐ tuy cũng đã được thực hiện
trong nhiều năm qua, nhất là từ khi có Bộ luật Lao động (1995), nhưng vẫn còn
nhiều vấn đề đặt ra, chưa được giải quyết tốt và hoàn chỉnh. Bởi vậy, việc không
ngừng nghiên cứu để góp phần xây dựng, hoàn thiện sự quản lý nhà nước về
ATVSLĐ là một nội dung hết sức quan trọng trong chiến lược về ATVSLĐ của
nước ta.
172

Nói đến quản lý nhà nước về ATVSLĐ là nói các cơ quan quản lý của Nhà
nước, trên cơ sở những văn bản pháp luật chủ yếu đã được Quốc hội ban hành,
xây dựng và ban hành các văn bản pháp qui dưới luật, sử dụng các phương pháp
quản lý nhà nước thích hợp, thực hiện các hoạt động theo qui trình quản lý để chỉ
đạo, hướng dẫn, điều chỉnh các hoạt động ATVSLĐ nhằm phát triển công tác này
đạt mục tiêu đã đề ra.
Ở đây có một vấn đề đặt ra từ trong thực tiễn hoạt động ATVSLĐ những
năm qua là làm sao phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước với nhiệm vụ, hoạt
động cụ thể của các cơ quan chuyên môn, tổ chức xã hội để tránh sự dẫm đạp,
chồng chéo, bao biện lẫn nhau và cũng không để sót việc, không có người chăm
lo đến hoạt động này. Theo quan điểm đó, quản lý nhà nước là tạo ra hành lang
pháp lý, hướng dẫn, điều chỉnh mọi hành vi, hoạt động phải đi đúng quỹ đạo,
nằm đúng trong hành lang pháp lý đó, còn các cơ quan chuyên môn, khoa học,
các tổ chức, cá nhân khi đã tôn trọng hành lang pháp lý đó thì được phép thực
hiện những nhiệm vụ chuyên môn, khoa học của mình. Tránh việc cơ quan quản
lý vừa tạo hành lang pháp lý, vừa đứng ra hoạt động tác nghiệp chuyên môn,
khoa học, không cho phép và không tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn,
khoa học hoạt động tác nghiệp của mình.
5.1.2. Nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
Cũng như các lĩnh vực khác, công tác quản lý ATVSLĐ ở nước ta hiện nay
gồm có quản lý vĩ mô của Nhà nước về ATVSLĐ và quản lý vi mô của tổ chức
cơ sở về ATVSLĐ. Những nội dung chủ yếu của công tác quản lý ATVSLĐ, ở cả
hai cấp độ hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung
hoàn chỉnh. Trên cơ sở các qui định của pháp luật ATVSLĐ và tham khảo hướng
dẫn hệ thống quản lý ATVSLĐ của ILO, chúng ta cần xác định một cách rõ ràng,
đầy đủ hơn những nội dung, nhiệm vụ quản lý của Nhà nước về ATVSLĐ cũng
như quản lý của cơ sở về ATVSLĐ.
5.1.2.1. Nội dung quản lý nhà nước về An toàn và vệ sinh lao động
Vấn đề quản lý nhà nước trong công tác an toàn, vệ sinh lao động ở Việt
Nam được pháp luật qui định chung trong chương 15 về "Quản lý nhà nước về
173

lao động" tại các Điều 180, 181 (Bộ luật Lao động năm 1994) và nay là các Điều
235, 236 của Bộ luật Lao động năm 2012; tại một số Nghị định hướng dẫn thực
hiện Bộ luật Lao động như ở các Điều 18, 19 của Nghị định 06/CP của Chính phủ
và điểm 7 sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 110/2002/NĐ-CP. Ngoài ra, theo
từng nhiệm kỳ của Chính phủ, nội dung quản lý nhà nước còn được qui định cụ
thể trong một số Nghị định của Chính phủ, như nhiệm kỳ trước là các Nghị định
số 86/2002/NĐ-CP, Nghị định số 29/2003/NĐ-CP và Nghị định số 49/2003/NĐ-
CP và trong nhiệm kỳ hiện nay là tại các Nghị định số 36/2012/NĐ-CP; Nghị
định số 106/2012/NĐ-CP và Nghị định số 63/2012/NĐ-CP. Căn cứ vào các qui
định của pháp luật và thực tế những năm hoạt động trong công tác ATVSLĐ vừa
qua ở nước ta, đồng thời tham khảo hướng dẫn về hệ thống quản lý ATVSLĐ của
ILO, chúng ta có thể tổng hợp và nêu lên những nội dung chủ yếu trong quản lý
nhà nước về ATVSLĐ bao gồm những điểm chính sau đây:
(1) Ban hành các văn bản pháp luật để quản lý và điều hành thống nhất hoạt
động ATVSLĐ. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, căn cứ vào Bộ luật
Lao động đã được Quốc hội thông qua, tiến hành xây dựng và ban hành các văn
bản pháp quy dưới luật (Nghị định, thông tư, hướng dẫn, qui định...) về ATVSLĐ
cũng như các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ để hướng dẫn, điều
chỉnh các mối quan hệ, các hành vi cũng như các hoạt động của mọi tổ chức, cá
nhân, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động trong công tác
ATVSLĐ.
(2) Xây dựng chương trình quốc gia về ATVSLĐ cho từng giai đoạn 5 năm
trên cơ sở chiến lược phát triển công tác ATVSLĐ của nước ta trong từng thời kỳ
phát triển (2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030). Trong chương trình phải nêu
rõ mục tiêu, nội dung, biện pháp, các dự án, đề tài về ATVSLĐ và huy động
đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.
(3) Nhà nước xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm cho ATVSLĐ và dự
toán kinh phí để đưa vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời khuyến khích các tổ chức,
cá nhân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, các cá nhân người sử dụng lao động đóng
góp nguồn lực, tài chính cho sự phát triển ATVSLĐ. Thực hiện chính sách bảo hiểm
174

xã hội trong việc chi phí đền bù cho những người bị mất sức lao động do tai nạn lao
động và bệnh nghề nghiệp.
(4) Tổ chức bộ máy và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước
về ATVSLĐ từ trung ương đến địa phương. Theo qui định của Chính phủ, ở
nước ta Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì quản lý nhà
nước về công tác ATVSLĐ. Ngoài ra một số bộ khác như Y tế, Giáo dục đào tạo,
Khoa học công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Quốc phòng... được giao quản
lý nhà nước từng phần theo chức năng của mình. Việc củng cố bộ máy tổ chức và
bố trí đội ngũ cán bộ quản lý ATVSLĐ ở các bộ nói trên được quan tâm đúng
mức tương ứng với nhiệm vụ được giao. Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn,
huấn luyện cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở để họ nắm vững pháp luật, nâng
cao năng lực, làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ ở cơ sở.
Nhà nước tạo cơ chế và khi cần thiết thì thành lập tổ chức để tư vấn cho
Chính phủ và làm đầu mối phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức trong
công tác nhà nước về An toàn và vệ sinh lao động. Tháng 2/2005 Thủ tướng
Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động quốc gia. Đồng thời
các cấp chính quyền ở các tỉnh, thành phố cũng cần có cơ chế và thành lập tổ
chức tương ứng để tư vấn cho ủy ban nhân dân và làm đầu mối phối hợp giữa các
sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác ATVSLĐ.
(5) Nhà nước có những qui định cụ thể để thực hiện việc quản lý của Nhà
nước trên các lĩnh vực thông tin khoa học, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ về ATVSLĐ, nghiên cứu khoa học kỹ thuật ATVSLĐ. Việc quản
lý nhà nước ở đây là đưa ra những qui định, yêu cầu, phân công, phân cấp, xây
dựng kế hoạch, chương trình, đặt hàng các nhiệm vụ và theo dõi, hướng dẫn, tạo
điều kiện để cho các cơ quan chuyên môn, các tổ chức nghề nghiệp thực hiện các
hoạt động tác nghiệp cụ thể về các nội dung trên.
(6) Nhà nước thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, khen thưởng,
xử phạt trong công tác ATVSLĐ, mà chủ yếu là:
- Tổ chức hệ thống thanh tra nhà nước về ATVSLĐ.
175

- Tổ chức các đoàn kiểm tra của Nhà nước, đoàn kiểm tra liên ngành để thực
hiện các cuộc kiểm tra về ATVSLĐ khi cần thiết.
- Tổ chức các đoàn điều tra tai nạn lao động theo qui định của pháp luật.
Thống nhất quản lý việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo về tai nạn lao động.
- Thực hiện việc khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác
ATVSLĐ. Tiến hành xử phạt, kể cả đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự những
người vi phạm trong công tác ATVSLĐ.
(7) Nhà nước quản lý những vấn đề liên quan đến sức khoẻ người lao động, chủ
yếu là:
- Thống nhất quản lý, bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam.
- Quản lý việc giám định, công nhận người bị mắc bệnh nghề nghiệp.
Hướng dẫn công tác quản lý sức khoẻ người lao động ở cơ sở.
- Quản lý việc điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho những người lao
động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
(8) Nhà nước tạo điều kiện, ủng hộ, khuyến khích đẩy mạnh phong trào
quần chúng hoạt động ATVSLĐ; chủ trì tổ chức tháng hành động về an toàn, vệ
sinh lao động hàng năm. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, trong
đó có các tổ chức đại diện NSDLĐ và tổ chức đại diện người lao động (ở Việt
Nam là tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam), các tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó có Hội khoa học kỹ thuật ATVSLĐ
Việt Nam, được chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động ATVSLĐ theo
chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình. Nhà nước tạo điều kiện để từng bước
xã hội hoá công tác ATVSLĐ ở Việt Nam.
(9) Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để mở rộng hợp tác quốc tế về
ATVSLĐ, tạo điều kiện để cho các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân được
mở rộng quan hệ trao đổi hợp tác quốc tế trên cơ sở giữ vững quan điểm, đường
lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
5.1.2.2. Những nội dung chủ yếu của quản lý An toàn và vệ sinh lao động ở cơ sở
Trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm sự thống nhất quản
lý của Nhà nước về ATVSLĐ, các cơ quan quản lý nhà nước, sau khi thoả thuận với
176

tổ chức công đoàn, ban hành những qui định, hướng dẫn về công tác quản lý
ATVSLĐ ở cơ sở. Một trong những văn bản loại đó là Thông tư liên tịch số
14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hướng dẫn
việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp. Đến năm 2011, Thông tư liên tịch số
01/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT đã thay thế cho Thông tư liên tịch số
14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN. Về cơ bản các Thông tư trên đã thể
hiện tương đối tốt yêu cầu và nội dung của công tác quản lý công tác ATVSLĐ ở
các cơ sở.
Với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, tham khảo các Công ước của
ILO; sự phối hợp của các Bộ, các cơ quan đại diện người sử dụng lao động,
người lao động và các tổ chức xã hội khác liên quan, Luật An toàn lao động, vệ
sinh lao động (sau đây viết tắt là Luật An toàn, vệ sinh lao động) đã được Quốc
hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25/6/2015 và có
hiệu lực từ ngày 01/7/2016 (Luật số 84/2015/QH13). Luật An toàn, vệ sinh lao
động được ban hành đã thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng
đất nước của Đảng và Hiến pháp về bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động
trong quá trình lao động sản xuất, chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp trong công tác An toàn và Vệ sinh lao động; tăng cường
cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; Theo quy
định của Luật an toàn, vệ sinh lao động, những nội dung chủ yếu của công tác
quản lý ATVSLĐ ở các cơ sở như sau:
(1) Mỗi một đơn vị cơ sở, dù đó là đơn vị sản xuất kinh doanh hay hành
chính sự nghiệp, đều phải có quan điểm và chủ trương rõ ràng về công tác
ATVSLĐ. Trước hết, đó là sự cam kết của cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt những qui
định của pháp luật về ATVSLĐ, coi công tác ATVSLĐ là một nhiệm vụ quan
trọng gắn liền với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác của đơn vị mà mọi
người trong đơn vị, từ người quản lý (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, thủ
trưởng đơn vị, người sử dụng lao động) cho đến cán bộ, nhân viên và người lao
177

động đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện tốt. Sự cam kết cũng như
những quan điểm, nhận thức đó phải được thể hiện bằng văn bản, bằng nghị
quyết (Đối với cơ sở nhà nước thì thể hiện trong nghị quyết Đại hội công nhân
viên chức hay Hội nghị cán bộ công chức cơ quan, còn đối với cơ sở ngoài quốc
doanh thì thể hiện trong các thoả ước lao động tập thể, trong các thông báo của
người sử dụng lao động). Những cam kết, nhận thức, quan điểm về ATVSLĐ đó
phải được thể hiện như một văn bản pháp lý về chủ trương, phương hướng,
nhiệm vụ của đơn vị đối với công tác ATVSLĐ, làm cơ sở cho việc quản lý, thực
thi công tác ATVSLĐ ở cơ sở. Người sử dụng lao động cần phối hợp chặt chẽ
với đại diện người lao động ở cơ sở là tổ chức công đoàn để xác định những nội
dung của các văn bản đó, cùng tổ chức, vận động mọi người trong đơn vị thực
hiện tốt những cam kết đã đề ra.
(2) Để làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ ở cơ sở, cần hết sức coi trọng việc
tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực, phân định trách nhiệm của từng bộ phận thực
hiện công tác ATVSLĐ trong đơn vị. Để làm tốt nhiệm vụ này cần thực hiện các
việc sau đây:
- Thành lập hội đồng ATVSLĐ ở cơ sở để tư vấn cho người quản lý và làm
đầu mối phối hợp hoạt động công tác ATVSLĐ ở cơ sở.
- Tuỳ theo quy mô của đơn vị mà tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ làm công
tác ATVSLĐ và cán bộ y tế hợp lý.
- Cần qui định rõ chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác ATVSLĐ của
các bộ phận (phòng, ban) trong đơn vị.
- Thành lập và chỉ đạo hoạt động mạng lưới An toàn vệ sinh viên ở cơ sở.
(3) Hàng năm, từng đơn vị cơ sở phải tiến hành xây dựng kế hoạch về
ATVSLĐ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh, công tác của đơn vị và phải
được phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt. Nội dung của kế hoạch ATVSLĐ phải
đề cập toàn diện các vấn đề, từ nội dung đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện
làm việc, các biện pháp vệ sinh lao động, xử lý ô nhiễm môi trường lao động,
biện pháp kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ, trang bị phương tiện bảo vệ cá
nhân...cho đến các công tác thông tin, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ, biện
178

pháp chăm sóc, theo dõi sức khoẻ, khám, giám định bệnh nghề nghiệp v.v..
Trong bản kế hoạch phải nêu rõ yêu cầu đầu tư kinh phí, nhân lực, biện pháp tổ
chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các công việc đã đề ra.
(4) Cơ sở cần hết sức coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý, có
kế hoạch cụ thể để tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ATVSLĐ
của đơn vị. Đơn vị không chỉ tự mình kiểm tra đánh giá mà còn phải biết tôn
trọng, tạo điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra nhà nước về lao
động, cơ quan quản lý cấp trên, tổ chức công đoàn) thực hiện việc thanh tra, kiểm
tra tình hình công tác ATVSLĐ của cơ sở. Cơ sở phải có biện pháp thực hiện tốt
các kiến nghị của đoàn kiểm tra, kịp thời khắc phục các thiếu sót, tồn tại. Cơ sở
cần tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật về khai báo,
điều tra, thống kê, báo cáo về tai nạn lao động, tạo điều kiện cho đoàn điều tra tai
nạn lao động làm nhiệm vụ nếu như có tai nạn lao động xảy ra ở cơ sở.
(5). Một nội dung hết sức quan trọng trong công tác quản lý ATVSLĐ ở cơ
sở là người sử dụng lao động phải thực hiện một loạt những hoạt động và những
biện pháp quản lý như nghiêm chỉnh thực hiện các thủ tục đăng ký và kiểm định
các loại máy và thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động; tiến hành biên soạn và ban hành đầy đủ những qui định, qui trình, nội qui
an toàn cho từng loại công việc, từng thiết bị, từng chỗ làm việc trong đơn vị, phổ
biến và dán ở những nơi dễ thấy, nơi cần có qui định, hướng dẫn. Cũng như vậy,
việc tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho từng loại đối tượng trong đơn
vị, đăng ký thực hiện các đề tài công trình nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ
thuật ATVSLĐ, thực hiện các chế độ chính sách về ATVSLĐ như trang cấp
phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện bồi dưỡng độc hại, trả công làm thêm giờ,
thực hiện các biện pháp theo dõi, quản lý sức khoẻ người lao động, điều trị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện chính sách trợ cấp, bồi thường người
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng là những công tác cụ thể nhưng rất
quan trọng trong quá trình tổ chức, quản lý công tác ATVSLĐ ở cơ sở.
(6) Người sử dụng lao động, người quản lý ở cơ sở cần coi trọng phong trào
quần chúng hoạt động ATVSLĐ ở cơ sở, tạo điều kiện và có chính sách khuyến
179

khích mọi người, nhất là người lao động phát huy sáng kiến tự cải thiện điều kiện
làm việc, đẩy mạnh phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ", hưởng ứng
Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN hàng năm. Có cơ chế để phát huy vai trò của
công đoàn và các tổ chức quần chúng ở cơ sở, phối hợp với người quản lý làm tốt
công tác ATVSLĐ.
(7) Cơ sở cần thực hiện tốt việc sơ, tổng kết hoạt động ATVSLĐ của đơn vị
định kỳ 6 tháng, hàng năm. Qua đó phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt
được, những thiếu sót, tồn tại và rút ra những bài học kinh nghiệm để bổ sung
cho công tác quản lý, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cho năm sau.
Đồng thời cần thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo lên các cơ quan quản lý cấp
trên, nhất là việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
5.1.3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về An toàn, vệ sinh lao động
5.1.3.1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
- Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà
nước cao nhất của một nước;
- Chính phủ thống nhất quản lí Nhà nước về An toàn và Vệ sinh lao động
- Phân giao nhiệm vụ quản lí Nhà nước về An toàn - Vệ sinh lao động cho
các Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Y tế, Khoa học Công nghệ, Giáo dục
và đào tạo…
- Chính phủ quy định chi tiết việ thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và
hoạt động của Hội đồng quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động và Hội đồng An
toàn - Vệ sinh lao động cấp tỉnh.
5.1.3.2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ
thống nhất thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
- Chủ trì xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc
ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch
về an toàn, vệ sinh lao động, chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;
lập hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
- Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật An
180

toàn, vệ sinh lao động; chủ trì thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt
động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động kiểm định các loại máy,
thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Xây dựng hoặc tham gia ý kiến theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 87 của Luật An
toàn, vệ sinh lao động.
- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về an toàn, vệ sinh lao động; thống
kê về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về thống kê.
- Chủ trì tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để
bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
của người lao động.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
thực hiện, phối hợp điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ
sinh lao động; kiến nghị với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra,
xử lý tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm.
- Hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.
5.1.3.3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
a) Bộ Y tế
- Xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành
theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường lao động;
đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý, tổ chức
quan trắc môi trường lao động.
- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao
động đối với các yếu tố vệ sinh lao động trong môi trường lao động; tham gia ý
kiến về nội dung vệ sinh lao động theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 87
của luật An toàn, vệ sinh lao động.
181

- Hướng dẫn theo thẩm quyền công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng,
chống bệnh nghề nghiệp.
- Hướng dẫn việc khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề
nghiệp, giám định mức suy giảm khả năng lao động, điều trị, phục hồi chức năng
đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý hồ sơ sức
khỏe lao động.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nội dung
huấn luyện về vệ sinh lao động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ
sinh lao động.
- Xây dựng, ban hành và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục bệnh nghề
nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ
chức giám định bệnh nghề nghiệp; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sức khỏe cho
từng loại nghề, công việc sau khi có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.
- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về công tác vệ sinh lao động; thống
kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe người lao
động tại nơi làm việc.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chí đánh
giá cho Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt
nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra
chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
- Hằng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình
thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực quản lý.
b) Bộ Khoa học công nghệ
- Quản lí thống nhất việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào an
toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp.
- Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng, quy cách trang bị phương tiện
bảo vệ cá nhân trong lao động.
182

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế xây dựng,
ban hành và quản lí thống nhất hệ thống tiêu chuẩn kĩ thuật Nhà nước về An toàn
- Vệ sinh lao động.
c) Bộ Giáo dục và đào tạo
- Chỉ đạo việc đưa nội dung an toàn lao động vào chương trình giảng dạy
trong các trườngđại học, các trường kĩ thuật, nghiệp vụ quản lí lao động.
5.1.3.4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
- Xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành
theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
- Chịu trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương; xây
dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại
địa phương.
- Hằng năm, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ
sinh lao động tại địa phương với Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc báo cáo đột xuất
theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Hằng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa
phương; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật
về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.
5.1.3.5. Trách nhiệm của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, Hội
đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh
a) Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động: Tổ chức tư vấn cho
Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật
về an toàn, vệ sinh lao động. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, bao
gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao
183

động, các bộ, ngành có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực
an toàn, vệ sinh lao động.
b) Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh: Tổ chức tư vấn cho Ủy ban
nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động tại địa phương. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành
lập, bao gồm đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn
Lao động, Hội nông dân, một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và chuyên gia,
nhà khoa học về lĩnh vực An toàn, Vệ sinh lao động tại địa phương.
Hằng năm, Hội đồng An toàn, Vệ sinh lao động có trách nhiệm tổ chức đối
thoại nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao
động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao
động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc
công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện
chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và
hoạt động của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Hội đồng an
toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh.
5.1.4. Cơ chế và nội dung phối hợp quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
5.1.4.1. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện
các nội dung phối hợp trong phạm vi trách nhiệm của mình được quy định trong
Luật an toàn, vệ sinh lao động.
- Cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động các cấp phối hợp
với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác trong công tác an toàn,
vệ sinh lao động theo lĩnh vực có liên quan.
5.1.4.2. Nội dung phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động
- Xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động;
184

- Xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;
- Điều tra tai nạn lao động; tai nạn, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh
lao động; chính sách, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp;
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thống kê, báo cáo về an
toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn lao động;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý vi phạm
pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.
5.1.5. Chiến lược quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động
5.1.5.1. Sự cần thiết phải có chiến lược quốc gia về ATVSLĐ
Trong mấy chục năm qua, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công,
Đảng, Bác Hồ và Chính phủ ta đã quan tâm chỉ đạo công tác ATVSLĐ. Sự quan
tâm của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước đối với công tác ATVSLĐ thể hiện tầm quan
trọng của công tác ATVSLĐ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Rõ
ràng với quan điểm coi con người, nhất là người lao động là mục tiêu và động lực
chính của sự phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác ATVSLĐ là
một chính sách kinh tế - xã hội lớn, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Muốn cho công tác ATVSLĐ phát triển mạnh mẽ, đúng với quan điểm của
Đảng và qui định của pháp luật, đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn, bảo vệ tốt
sức khoẻ người lao động - yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất, nhất
thiết chúng ta phải xây dựng cho được một chiến lược quốc gia về ATVSLĐ.
Chiến lược đó phải được xây dựng phù hợp với quan điểm và các qui định của
pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với đặc điểm và trình độ nền kinh
tế, khoa học và công nghệ cũng như yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội
nước ta trong thời gian tới. Nội dung của chiến lược phải bao gồm các quan
điểm, mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cùng các biện pháp chủ yếu để đẩy
185

mạnh công tác ATVSLĐ trong giai đoạn sắp tới đến năm 2020 và tầm nhìn đến
2030 và xa hơn thực hiện mục tiêu phấn đấu nước ta trở thành một nước công
nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Chiến lược ATVSLĐ đó trước hết
phải được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai
ðoạn công nghiệp hoá, hiện ðại hoá và hội nhập quốc tế.
Tuy công tác ATVSLĐ đã đạt được kết quả rất tốt, song vẫn chưa đáp ứng
được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công tác
ATVSLĐ của nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều thiếu sót, yếu kém mà chủ yếu là:
- Điều kiện lao động, đặc biệt là môi trường lao động trong nhiều ngành sản
xuất, nhất là trong một số ngành như khai thác khoáng sản, xây dựng, thủy sản,
nông nghiệp và trong các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, cơ sở cá thể, các hợp tác xã,
làng nghề... còn xấu, thậm chí có nơi còn rất khắc nghiệt, bị ô nhiễm nghiêm
trọng; lao động thủ công nặng nhọc còn chiếm tỷ lệ cao. Các yếu tố nguy hiểm và
có hại trong nhiều cơ sở sản xuất còn cao, vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Tai
nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn nghiêm trọng, thậm chí có nơi, có lúc còn
có chiều hướng gia tăng, nhất là trong khu vực sản xuất ngoài quốc doanh, cơ sở
sản xuất nhỏ và vừa, một số ngành như nông nghiệp, thuỷ sản, khai thác than,
xây dựng. Bệnh nghề nghiệp xảy ra trong thực tế còn rất phức tạp, nhiều loại,
nhưng đến nay chúng ta chỉ mới có 34 bệnh nghề nghiệp được công nhận bảo
hiểm, còn nhiều bệnh nghề nghiệp chưa được đưa vào danh mục. Một số chế độ
chính sách, qui định về ATVSLĐ chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh; ở
khá nhiều nơi người sử dụng lao động, cấp quản lý và cả người lao động còn cố
tình vi phạm nghiêm trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ còn bất cập,
chưa được tiến hành thường xuyên. Nhiều vi phạm về ATVSLĐ, nhất là các vụ vi
phạm để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng chưa được xử lý nghiêm minh kịp
thời.
Thực trạng tình hình nêu trên cho thấy công tác ATVSLĐ của nước ta hiện
nay, tuy đã có nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một
lần nữa điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược quốc gia toàn diện về
ATVSLĐ để phát huy thành tựu, khắc phục yếu kém, bám sát yêu cầu của thời kỳ
186

công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế để đưa công tác ATVSLĐ phát
triển lên một bước mới, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
5.1.5.2. Những nội dung chủ yếu của chiến lược an toàn và vệ sinh lao động
Để đạt mục tiêu, phương hướng đã nêu, trên cơ sở các quan điểm đã xác
định, phát huy những thành tựu đã đạt được, lưu tâm khắc phục những yếu kém,
khuyết điểm, trong chiến lược ATVSLĐ cần thực hiện tốt những nội dung chủ
yếu sau đây:
- Cần phải tiếp tục giải quyết tốt hơn nữa nhận thức, nâng cao trách nhiệm của
các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội
và mọi cá nhân, trước hết là những người sử dụng lao động, người quản lý, người
lao động đối với công tác ATVSLĐ. Cần lưu ý một số điểm cụ thể sau:
+ Đề cập đến vấn đề ATVSLĐ một cách đúng mức trong các nghị quyết,
chủ trương công tác của các cấp uỷ Đảng.
+ Quán triệt sâu sắc, nhận rõ trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật,
chế độ chính sách và thực hiện các kế hoạch, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ đối
với người sử dụng lao động.
- Đối với người lao động cần có ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật, chế độ chính sách, nội qui qui định về ATVSLĐ.
- Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan chuyên
môn, khoa học, giáo dục, đào tạo, cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình, tuỳ
theo chức năng, nhiệm vụ, khả năng chuyên môn mà tích cực tham gia thực hiện
các hoạt động liên quan đến ATVSLĐ.
- Cần bảo đảm ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật, chế độ
chính sách, hướng dẫn quy định và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về
ATVSLĐ để đảm bảo sao cho nước ta có đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản pháp
luật về ATVSLĐ. Để làm tốt điều này cần lưu ý một số điểm sau:
+ Khẩn trương biên soạn và ban hành các văn bản pháp qui dưới Luật để
hướng dẫn các điều của Luật ATVSLĐ.
+ Bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
ATVSLĐ của nước ta.
187

+ Nghiên cứu để bổ sung thêm những bệnh nghề nghiệp mới vào danh mục
các BNN được bảo hiểm ở nước ta.
Song song với việc ban hành đủ văn bản pháp luật, cần có cơ chế để phổ
biến, quán triệt và nhất là thực thi nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật đó. Đặc
biệt cần có chế tài chặt chẽ để bắt buộc các cơ sở, địa phương thực hiện tốt việc
điều tra, khai báo, thống kê báo cáo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
- Cần cải tiến, xây dựng một hệ thống tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ
của nước ta từ Trung ương đến địa phương, ngành, cơ sở sao cho đồng bộ, có
chất lượng và có hiệu lực, tránh chồng chéo hoặc rời rạc. Ở đây cần làm rõ chức
năng và bộ máy quản lý nhà nước về ATVSLĐ; làm rõ cơ chế, trách nhiệm và bộ
máy quản lý ATVSLĐ của Bộ, ngành, địa phương, cấp trên cơ sở trong nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều thành phần kinh tế, đồng thời
cần quan tâm xây dựng bộ máy tổ chức quản lý, bố trí cán bộ làm công tác
ATVSLĐ của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị.
- Cần coi trọng việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cấp
chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt
trong đó có tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội khoa học
kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, để chỉ đạo và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ từ
Trung ương đến địa phương, cơ sở. Trước mắt cần phát huy tốt vai trò của Hội
đồng ATVSLĐ quốc gia để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và làm đầu mối cho
sự phối hợp chung trong công tác ATVSLĐ ở nước ta.
- Cần tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả của hệ thống thanh tra nhà nước
về ATVSLĐ. Trước hết cần tăng thêm số lượng và tăng cường đào tạo nâng cao
trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra ATVSLĐ. Đồng thời cần tăng cường
các điều kiện, công cụ, thiết bị, cơ sở vật chất cho thanh tra ATVSLĐ để họ có thể
hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần thiết có cơ sở để đào tạo thanh tra ATVSLĐ ở nước
ta. Cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, đều đặn việc thực hiện pháp luật, chế độ chính
sách ATVSLĐ ở các cơ sở. Tiến hành xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm và
tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác ATVSLĐ.
188

- Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa
học kỹ thuật ATVSLĐ các cấp để giải quyết từng bước yêu cầu cấp bách của sản
xuất như cải tiến công nghệ, đổi mới trang thiết bị, cải tạo nhà xưởng, thiết kế và
lắp đặt sử dụng các công trình kỹ thuật vệ sinh, cải tạo và xử lý môi trường lao
động (chống nóng, ồn, rung, bụi, hơi khí độc, bức xạ...), các công trình kỹ thuật
an toàn, các phương tiện bảo vệ cá nhân để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có
hại, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề
nghiệp. Phải coi hoạt động khoa học kỹ thuật ATVSLĐ là một trong những nội
dung quan trọng chủ yếu, có tính chất quyết định đến hiệu quả và chất lượng
công tác ATVSLĐ. Trong chiến lược cần xây dựng một chương trình nghiên cứu
khoa học cấp nhà nước về ATVSLĐ và giành kinh phí thoả đáng cho hoạt động
này. Đồng thời các cơ sở sản xuất phải xây dựng các đề tài, dự án, kế hoạch, biện
pháp cụ thể nhằm cải thiện điều kiện lao động trong cơ sở mình và đầu tư kinh
phí cho công việc này.
- Cần chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào
tạo về ATVSLĐ, coi đây là một nội dung quan trọng, có hiệu quả cao, tác động
trực tiếp đến con người, chủ thể của hoạt động ATVSLĐ, tạo nên động lực mạnh
mẽ để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ.
- Duy trì, đẩy mạnh hoạt động của quần chúng trong công tác ATVSLĐ.
Đưa phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ" do Tổng Liên đoàn lao
động Việt Nam phát động phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu
quả thiết thực cao hơn. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động về
ATVSLĐ. Củng cố, đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ATVSV ở cơ sở, tổ chức
tốt các hội thi ATVSV giỏi hàng năm ở cơ sở và ở qui mô toàn quốc.
- Thúc đẩy mạnh mẽ việc xã hội hoá công tác ATVSLĐ theo hướng vừa
tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước, vừa phát huy vai trò và sự
đóng góp của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cho công tác ATVSLĐ. Quan
tâm đầu tư thoả đáng cho công tác ATVSLĐ, đa dạng hoá nguồn đóng góp tài
chính cho ATVSLĐ.
189

- Mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế về ATVSLĐ. Tranh thủ
tốt sự giúp đỡ kỹ thuật và tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Lao
động quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới và của các quốc gia đối với công tác
ATVSLĐ của Việt Nam. Tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo có
sự tham gia của quốc tế và tham gia đầy đủ các hội nghị, hội thảo quốc tế. Thực
hiện sự hợp tác kỹ thuật, kể cả việc thực hiện các đề tài, dự án hợp tác với quốc tế
về ATVSLĐ.
- Đối với một số ngành nghề đặc thù, có nhiều nguy cơ gây tai nạ lao động,
bệnh nghề nghiệp (như xây dựng, thuỷ sản, khai thác than, nông nghiệp), một số
khu vực phi kết cấu (làng nghề, hộ sản xuất cá thể), khu vực nông thôn (nông
dân), trong chiến lược cần có sự quan tâm thích đáng, có những chương trình
hành động cụ thể, giành sự ưu tiên để giải quyết các yêu cầu bức xúc về
ATVSLĐ ở các khu vực đó.
5.1.6. Xã hội hóa an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam
5.1.6.1. Khái niệm cơ bản và nội dung của xã hội hóa
Sau mấy chục năm Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương xã hội hóa
các hoạt động xã hội thì bên cạnh cách định nghĩa theo truyền thống: “Xã hội hóa
là làm cho trở thành của chung của xã hội”, đã xuất hiện định nghĩa mới mang ý
nghĩa của một quá trình mở rộng sự tham gia của xã hội vào một lĩnh vực nào đó.
Theo cách định nghĩa thứ hai này, phạm trù xã hội hóa bao gồm các
điểm chính sau:
- Xã hội hóa là mở rộng sự tham gia và huy động nguồn lực của các tầng lớp
nhân dân và toàn xã hội, cộng đồng trách nhiệm với nhà nước trong việc thúc đẩy
có hiệu quả sự phát triển của một lĩnh vực, một vấn đề xã hội nào đó.
- Trong xã hội hóa càng cần xác định rõ hơn, nêu cao hơn vai trò của Nhà
nước. Nhà nước cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho sự tham gia cũng như thụ
hưởng thành quả của nhân dân, của xã hội trong quá trình phát triển lĩnh vực đó.
- Mở rộng cơ hội cho các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội tham gia rộng rãi
chủ động và bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
190

- Đa dạng hoá các phương thức, hình thức và mô hình thực hiện các hoạt
động trong quá trình xã hội hóa các lĩnh vực đó.
Từ những ý tổng quan trên, với cách tiếp cận xã hội hóa trong lĩnh vực phát
triển xã hội, có thể định nghĩa xã hội hoá như sau: "Xã hội hoá là quá trình huy
động có hiệu quả và mở rộng sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã
hội với nhiều phương thức và mô hình hoạt động phong phú, linh hoạt, để cùng
với Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của một số lĩnh vực nào đó nhằm mục tiêu vì
con người và phát triển bền vững đất nước. Ở Việt Nam, xã hội hoá là chính sách
lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước".
Về nguyên tắc mỗi một lĩnh vực chính sách xã hội có nội dung xã hội hoá cụ
thể khác nhau (y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, an sinh xã hội...), nhưng khái
quát lại đều có những nội dung chung xoay quanh làm rõ vai trò, trách nhiệm của
Nhà nước, vai trò, trách nhiệm tham gia của các chủ thế (đối tác xã hội) khác và
mối quan hệ giữa chúng, trên cả 3 mặt: Nội dung công việc; cơ chế vận hành và
thiết chế tổ chức thực hiện, sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cơ sở.
Bởi vậy, nội dung xã hội hoá nói chung, có thể là:
- Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước. Thực hiện xã hội hoá không phải là
rũ bỏ trách nhiệm của Nhà nước hoặc chuyển giao trách nhiệm của Nhà nước cho
khu vực ngoài Nhà nước mà là tiếp tục nâng cao trách nghiệm của Nhà nước,
nhất là:
+ Nhà nước tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp
về lĩnh vực xã hội nào đó, phù hợp với mục tiêu phát triển xã hội, thực hiện công
bằng và tiến bộ xã hội; đồng thời phù hợp với kinh tế thị trường và trình độ phát
triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập quốc tế.
+ Tăng nguồn lực đầu tư, kể cả nguồn đầu tư từ Ngân sách nhà nước mặc dù
tỷ lệ cơ cấu nguồn lực của Nhà nước có thể giảm, nhưng cơ cấu đầu tư phải đổi
mới, Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư vào các mục tiêu ưu tiên (đối tượng,
lĩnh vực, vùng, miền).
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật.
191

- Mở rộng sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng (các đối tác xã
hội khác ngoài Nhà nước) nhằm huy động thêm nguồn lực để cùng Nhà nước giải
quyết các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề xã hội bức xúc. Nguồn lực cộng đồng ở
đây cần phải hiểu là phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân, của cả hệ thống
chính trị, của truyền thống văn hoá dân tộc, trong đó có nguồn lực về trí tuệ, kinh
nghiệm, tinh thần, tình cảm, sức lao động, tài chính... Đối với các nước trên thế
giới, nguồn lực ngoài nhà nước chủ yếu là của khu vực tư nhân và của cộng đồng
mà đại diện phổ biến là các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Tuy nhiên, đối với
Việt Nam, nguồn lực của cộng đồng (ngoài nhà nước), bao gồm cả khu vực tư
nhân, những nét đặc thù của thiết chế xã hội Việt Nam là có vai trò to lớn của hệ
thống tổ chức quần chúng, bao gồm tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là
trút trách nhiệm của Nhà nước sang cho dân mà là tăng cường vận động sự tham
gia tự nguyện của người dân theo khả năng của họ.
- Nâng cao trách nhiệm của bản thân đối tượng chính sách xã hội, để họ chủ
động tự lực vươn lên hoà nhập vào cộng đồng, không tự ti, ỷ lại và trông chờ vào
sự bao cấp của Nhà nước, của cộng đồng. Đây là nội dung rất quan trọng của xã
hội hoá. Trong đó, sự tham gia chủ động của bản thân đối tượng vào các quyết
định, sự tự nâng cao năng lực vươn lên và tích cực tham gia giám sát việc thực
hiện là một trong những yếu tố quan trọng đặc biệt để thực hiện thành công và
hiệu quả chính sách xã hội.
- Chuyển mạnh các cơ sở sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế
cung cấp dịch vụ công.
- Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với nhiều hoạt động phong phú.
- Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở trong tổ chức thực hiện.
5.1.6.2. Mục tiêu và ý nghĩa của xã hội hoá công tác an toàn vệ sinh lao động
An toàn vệ sinh lao động với nội dung chủ yếu là chăm lo cải thiện điều
kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao
động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một
trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của
192

đất nước. Ở đâu có lao động sản xuất, công tác, có người lao động làm việc th ì ở
đó phải làm tốt công tác ATVSLĐ. Tất cả những người tổ chức, quản lý hoạt
động sản xuất, công tác, sử dụng NLĐ làm việc và bản thân người lao động đều
phải làm tốt công tác ATVSLĐ.
Như vậy công tác ATVSLĐ vừa có ý nghĩa kinh tế lớn, vừa có tính xã hội,
nhân đạo rất cao. Việc bảo đảm một điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh cho
người lao động là trách nhiệm của mọi cấp chính quyền, mọi tổ chức, cá nhân,
trong đó đặc biệt là người sử dụng lao động và bản thân người lao động. Tổ chức
Lao động quốc tế (ILO) coi ATVSLĐ là một trong những tiêu chuẩn lao động
đặc biệt, có tính bắt buộc phải thực hiện. Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh thế
giới tại Seoul - Hàn Quốc (29/6 đến 2/7/2008) về An toàn và sức khoẻ trong lao
động coi việc bảo đảm một điều kiện và môi trường lao động an toàn và vệ sinh
là quyền cơ bản của con người và nhấn mạnh cần nêu cao trách nhiệm của toàn
xã hội, trước hết là của các Chính phủ, các tổ chức xã hội, NSDLĐ và NLĐ trong
công tác ATVSLĐ.
Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Bác
Hồ căn dặn: "Phải bảo đảm an toàn lao động vì người lao động là vốn quí nhất" ).
Đảng ta, trong các văn bản tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều có đề cập đến
nhiệm vụ bảo đảm ATVSLĐ, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nhà nước ta đã ban hành
các văn bản pháp luật, từ văn pháp luật khung (Bộ luật Lao động) cho đến các văn
bản pháp qui dưới luật, các thông tư, hướng dẫn, các tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ
thuật về ATVSLĐ. Tất cả điều đó nói lên tầm quan trọng, ý nghĩa kinh tế - xã hội
của công tác ATVSLĐ, đồng thời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, yêu cầu và mong
muốn của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta làm sao cho công tác ATVSLĐ đạt hiệu
quả cao, bảo vệ tốt sức khoẻ người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu
vì con người và phát triển bền vững đất nước.
Muốn vậy, mọi cấp chính quyền, mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, nhất là
người sử dụng lao động và người lao động, tuỳ theo cương vị, chức năng, nhiệm
vụ của mình mà tích cực thực hiện tốt các hoạt động ATVSLĐ trong thời gian tới.
193

Căn cứ vào những phân tích, định nghĩa đã nêu, chúng ta thấy lĩnh vực
ATVSLĐ cũng là một lĩnh vực có ý nghĩa xã hội rất to lớn. Cũng như các vấn đề
xã hội khác, lĩnh vực ATVSLĐ cũng cần thiết phải được xã hội hoá. Phân tích
sâu vào lĩnh vực ATVSLĐ chúng ta thấy nổi lên những điểm chủ yếu mà khi đặt
vấn đề xã hội hoá lĩnh vực đó, cần thiết phải xem xét đến. Có thể nêu đó là những
điểm sau:
- ATVSLĐ luôn luôn hướng về cơ sở và trực tiếp đến người lao động với
mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người lao động, vì vậy ATVSLĐ có
tính quần chúng rộng rãi và có ý nghĩa xã hội, nhân đạo sâu sắc. Bởi vậy, xã hội
hoá ATVSLĐ là một yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp phát triển kinh tế
- xã hội của đất nước, phù hợp với các quan điểm, chủ trương, chính sách xã hội
hóa của Đảng và Nhà nước ta.
- Việc đảm bảo một điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh cho người lao
động đã được toàn thế giới khẳng định là một quyền cơ bản của con người. Toàn
xã hội phải có trách nhiệm bảo đảm điều kiện đó cho người lao động; phải coi
giải pháp phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu và phải xây dựng một nền văn hoá an
toàn và vệ sinh trong sản xuất, tại nơi làm việc. Quan điểm nói trên của thế giới
cũng phù hợp với quan điểm của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta về ATVSLĐ.
- Cần tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý, nâng cao trách nhiệm của
Nhà nước trong việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động. Pháp luật của nước
ta đã qui định rất rõ ràng điều đó.
- Người sử dụng lao động và người lao động là những chủ thể hết sức quan
trọng trong công tác ATVSLĐ, họ cần phải nắm vững pháp luật, hiểu rõ trách
nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình trong ATVSLĐ để thực hiện tốt những
qui định của pháp luật, những kế hoạch, biện pháp về ATVSLĐ nhằm bảo đảm
an toàn, bảo vệ tốt sức khoẻ người lao động tại cơ sở mình.
- Các đối tác xã hội khác (ngoài Nhà nước, người sử dụng lao động và người
lao động đã được đề cập ở trên) như các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội
nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ khác, các tổ chức tư nhân cần thiết và
phải được tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào các hoạt động ATVSLĐ
194

tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ và sở trường của mình, trong khuôn khổ qui định
của pháp luật. Điều này hết sức quan trọng vì có như vậy thì mới có thể khai thác
được các tiềm năng về nhân tài, vật lực trong xã hội đóng góp cho sự phát triển
công tác ATVSLĐ.
- Cũng như đối với các vấn đề xã hội khác, cần thiết phải đa dạng hoá các
phương thức, mô hình hoạt động về ATVSLĐ để có thể huy động được tối đa sự
đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội vào công tác ATVSLĐ.
Với những đặc điểm nêu trên, tương đồng với khái niệm xã hội hoá các lĩnh
vực xã hội nói chung như đã nêu, có thể cụ thể hoá khái niệm xã hội hoá cho lĩnh
vực ATVSLĐ như sau:
"Xã hội hoá an toàn vệ sinh lao động là quá trình nâng cao trách nhiệm của
Nhà nước, các cấp chính quyền, của người sử dụng lao động và người lao động,
đồng thời mở rộng sự tham gia chủ động và bình đẳng của các tầng lớp nhân dân,
của toàn xã hội, với nhiều phương thức và mô hình hoạt động phong phú, linh
hoạt để chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo
đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh
nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động".
5.1.6.3. Nội dung xã hội hoá công tác an toàn vệ sinh lao động
Phù hợp với khái niệm xã hội hóa ATVSLĐ và những nội dung cơ bản của
công tác ATVSLĐ, có thể định hướng xã hội hoá ATVSLĐ với những nội dung
cụ thể như sau:
(1) Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và đầu tư cho công
tác ATVSLĐ, tập trung vào các điểm chính sau:
- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với kinh tế
thị trường và hội nhập. Nghiên cứu xây dựng luật chuyên ngành về ATVSLĐ.
Bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp qui dưới luật về ATVSLĐ và hệ thống
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.
- Nghiên cứu xây dựng chiến lược về ATVSLĐ và xây dựng các chương
trình quốc gia về ATVSLĐ trong các giai đoạn 5 năm.
195

- Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho chương trình quốc gia về
ATVSLĐ đang thực hiện; cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ phát triển các cơ sở
sản xuất dụng cụ, thiết bị an toàn lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân; hỗ trợ
các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động.
- Tăng biên chế và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho hệ thống thanh tra để
tăng cường kiểm tra, thanh tra ATVSLĐ.
(2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động, nhất là ở các
doanh nghiệp trong việc chấp hành các qui định của pháp luật về ATVSLĐ, trong
đầu tư cải thiện điều kiện lao động nhằm đảm bảo ATVSLĐ tốt nhất cho người
lao động.
Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong việc đầu tư về ATVSLĐ
khi xây dựng doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, trang bị đầy đủ phương tiện bảo
vệ cá nhân cho người lao động; thường xuyên cải thiện điều kiện lao động trong
doanh nghiệp; có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo
người lao động về ATVSLĐ; xây dựng văn hoá an toàn trong doanh nghiệp...
Những việc làm đó là hướng cơ bản nhất về xã hội hoá ATVSLĐ tại cơ sở.
(3) Nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm, tham gia tích cực của những
người lao động trong việc tự cải thiện điều kiện lao động, chấp hành kỷ luật công
nghệ, các quy định về ATVSLĐ và nội quy lao động trong doanh nghiệp, xây dựng
văn hoá an toàn trong doanh nghiệp. Sự tham gia tự giác, trở thành nếp sống văn
hoá an toàn hàng ngày của người lao động là nội dung xã hội hoá đặc biệt quan
trọng, nhiều khi là yếu tố quyết định đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
(4) Xây dựng cơ chế và đưa ra các qui định để phát huy vai trò và sự tham
gia ngày càng tăng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp
và các tổ chức khác, kể cả của tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ
qui định của pháp luật. Cần tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trong diện trên
được tham gia chủ động và bình đẳng, không phân biệt đối xử; đồng thời để cho
các tầng lớp nhân dân, người lao động, kể cả các trường hợp lao động tự do,
không có quan hệ lao động được thụ hưởng các thành quả do việc xã hội hóa
ATVSLĐ mang lại.
196

(5) Chuyển mạnh các hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ sang cung cấp dịch vụ
công theo các hướng sau:
- Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ công về ATVSLĐ do Nhà nước
trực tiếp làm từ nguồn ngân sách nhà nước theo cơ chế khoán chi hành chính.
Trong trường hợp Nhà nước không trực tiếp thực hiện thì có thể uỷ thác cho các
đơn vị sự nghiệp thực hiện theo cơ chế đầu thầu và hợp đồng có sự giám sát về
mục tiêu và chất lượng của Nhà nước.
- Phát triển các cơ sở sự nghiệp điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người
lao động theo cơ chế mở, lấy thu bù chi. Các cơ sở này hoạt động như một bệnh
viện hoặc trung tâm điều dưỡng đuợc ngân sách Nhà nước cấp 100%, cho phép
mở một số dịch vụ theo chuyên môn để tăng nguồn thu đầu tư trở lại phục vụ cho
điều dưỡng, phục hồi chức năng người lao động.
- Phát triển hệ thống các đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ, tự chịu trách
nhiệm và tự trang trải. Hoạt động này được Nhà nước quản lý chặt chẽ về phí, lệ
phí (kiểm định) và giá bán sản phẩm (sản xuất phương tiện bảo vệ cá nhân).
Trong tương lai, nếu đơn vị nào đủ điều kiện, Nhà nước khuyến khích chuyển
sang doanh nghiệp công ích hoặc hoạt động theo luật doanh nghiệp, nhưng có
điều kiện, được Nhà nước hỗ trợ khi cần thiết.
- Chuyển các đơn vị nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ATVSLĐ sang
đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải và gắn với doanh nghiệp. Nhà
nước chỉ cấp kinh phí cho các cơ sở nghiên cứu cơ bản về ATVSLĐ, còn các
nghiên cứu ứng dụng thì tuỳ trường hợp Nhà nước có sự hỗ trợ cần thiết. Nhà
nước thực hiện cơ chế đấu thầu các đề tài nghiên cứu, khuyến khích các đơn vị
liên kết với doanh nghiệp để nghiên cứu các đề tài phục vụ cho cải thiện điều
kiện lao động ở doanh nghiệp.
- Khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức phù
hợp với yêu cầu và đặc điểm của từng hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ.
(6) Nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực đai diện của các bên (đại diện
Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động) trong quan hệ lao động tại
doanh nghiệp và thực hiện tốt cơ chế hai bên là người sử dụng lao động và người
197

lao động về ATVSLĐ thông qua việc ký kết thoả ước lao động tập thể. Cần phát
triển tổ chức công đoàn và nâng cao năng lực đại diện thực sự, nhất là năng lực
đàm phán, bảo vệ quyền lợi người lao động và giải quyết tranh chấp lao động nói
chung, về ATVSLĐ nói riêng tại doanh nghiệp. Đồng thời mở rộng sự tham gia
của các tổ chức xã hội khác trong doanh nghiệp trong việc thực hiện và giám sát
thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp và
xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp.
(7) Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở trong việc thực hiện chính sách
ATVSLĐ.
- Cấp Trung ương ban hành chính sách vĩ mô; xây dựng và chỉ đạo thực hiện
chương trình quốc gia; xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
phân bổ nguồn lực đầu tư ATVSLĐ; thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách
ATVSLĐ.
- Các địa phương tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và
tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, dự án ATVSLĐ; tiếp nhận nguồn
lực của Trung ương và huy động nguồn lực tại chỗ; quản lý nhà nước các hoạt
động sự nghiệp ATVSLĐ do Trung ương chuyển giao về địa phương; thực hiện
quy chế dân chủ công khai, minh bạch về chính sách, về chương trình dự án và
tài chính; Kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách ATVSLĐ ở địa
phương, nhất là trong doanh nghiệp.
5.1.6.4. Một số giải pháp cơ bản để đẩy mạnh xã hội hóa công tác an toàn vệ sinh
lao động ở nước ta
Căn cứ vào những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề xã hội
hóa nói chung, sau khi phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xã hội hóa
công tác ATVSLĐ và sau khi tổng hợp ý kiến điều tra khảo sát, phỏng vấn về
những nhận thức, quan điểm cũng như thực trạng tình hình xã hội hóa ATVSLĐ
ở nước ta thời gian qua, chúng ta có thể nêu lên một số quan điểm và giải pháp cơ
bản để thúc đẩy công tác ATVSLĐ ở nước ta trong thời gian tới như sau:
(1) Công tác ATVSLĐ là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa có ý nghĩa kinh tế lớn, vừa có tính xã hội
198

rất cao, đòi hỏi mọi cấp chính quyền, mọi ngành, địa phương, cơ sở, mọi tổ chức,
cá nhân trong xã hội phải nêu cao trách nhiệm, cùng nhau phối hợp để tổ chức
thực hiện tốt các nội dung hoạt động của nó thì công tác ATVSLĐ mới đạt hiệu
quả cao được. Bởi vậy việc xã hội hóa hoạt động ATVSLĐ là một yêu cầu tất
yếu khách quan của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp
với các quan điểm, chủ trương và chính sách về xã hội hóa của Đảng và Nhà
nước ta. Phải coi xã hội hóa là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện
chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm tới, muốn đạt hiệu
quả cao, bảo vệ tốt sức khoẻ người lao động, nhất thiết công tác ATVSLĐ phải
được xã hội hóa một cách mạnh mẽ, toàn diện.
(2) Muốn cho vấn đề xã hội hóa công tác ATVSLĐ đạt được kết quả tốt, điều
quan trọng trước hết là phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác ATVSLĐ
và việc xã hội hóa công tác ATVSLĐ trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vấn đề
nâng cao nhận thức nói trên cần tập trung chủ yếu vào các mặt sau đây:
- Vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước. Cần quán triệt quan điểm tư tưởng nhân văn đúng
đắn của Đảng và Bác Hồ về ATVSLĐ, xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng
thực hiện chiến lược con người của Đảng ta, coi con người, nhất là người lao
động là vốn quí nhất của xã hội.
- Cần hiểu biết đầy đủ về ba tính chất pháp lý, khoa học kỹ thuật và quần
chúng của công tác ATVSLĐ, trong đó tính quần chúng và yêu cầu xã hội hóa rất
cao của công tác ATVSLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng. ATVSLĐ hướng về cơ
sở, phục vụ cho mọi người lao động, bất kể họ là công nhân, cán bộ, viên chức
hay là người lao động tự do, người nông dân cá thể. Tất cả người Việt Nam, dù
thành phần kinh tế nào, cũng đều phải tham gia và được hưởng thành quả của
công tác ATVSLĐ.
- Hết sức coi trọng sự hiểu biết pháp luật và nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và
quyền hạn của các cấp chính quyền, mọi ngành, địa phương, cơ sở, đặc biệt là
người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác ATVSLĐ. Các doanh
nghiệp mà trực tiếp là NSDLĐ phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội của
199

mình, mà vấn đề ATVSLĐ là một nội dung quan trọng, thể hiện trách nhiệm xã
hội của doanh nghiệp.
- Cần thấy rõ hai mục tiêu quan trọng của xã hội hóa nói chung và xã hội
hóa ATVSLĐ nói riêng là vừa phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân
dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp đó, vừa tạo điều kiện để toàn xã
hội, đặc biệt là các đối tượng, chủ thể của chính sách xã hội (với lĩnh vực
ATVSLĐ đó chính là người lao động) được thụ hưởng ngày càng cao thành quả
của chính sách đó mang lại.
- Phải hiểu rõ, càng xã hội hóa, càng phải nêu cao trách nhiệm của Nhà nước
đối với chính sách đó; đồng thời Nhà nước thông qua trách nhiệm quản lý của
mình, cần tạo điều kiện, cơ hội, động viên khuyến khích các tầng lớp nhân dân
tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào hoạt động đó. Nhà nước không ôm
đồm, làm thay hoặc hạn chế sự tham gia của xã hội, các tầng lớp nhân dân vào
các hoạt động đó. Có như vậy thì vấn đề xã hội hóa mới đi vào thực chất, có hiệu
quả cao được.
- Cần phê phán quan niệm sai, một mặt coi xã hội hóa nói chung và xã hội
hóa ATVSLĐ nói riêng chủ yếu chỉ là sự huy động đóng góp tài chính của nhân
dân, mặt khác lại thiếu tôn trọng, coi nhẹ vai trò, không tạo điều kiện cho các
tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội được tham gia chủ động, bình đẳng vào
lĩnh vực đó.
(3) Trên cơ sở nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về xã hội hóa nói chung
và xã hội hóa ATVSLĐ nói riêng, cần đề ra một cách đầy đủ, toàn diện với cách
nhìn mới về các nội dung cần tiến hành để thúc đẩy xã hội hóa công tác
ATVSLĐ. Các nội dung xã hội hóa ATVSLĐ cần bao gồm từ những vấn đề về
cơ sở pháp lý, những qui định của pháp luật về ATVSLĐ nói chung và xã hội hóa
ATVSLĐ nói riêng; về vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước, sự phân cấp và
mối quan hệ của nó với việc phát huy sự đóng góp của các ngành, địa phương, cơ
sở, của toàn xã hội, của các tầng lớp nhân dân trong ATVSLĐ; về vai trò, nhiệm
vụ thanh tra của Nhà nước và sự kiểm tra, đánh giá của xã hội, của cộng đồng
trong công tác ATVSLĐ, cho đến những vấn đề về đầu tư kinh phí, nguồn lực
200

của Nhà nước và toàn xã hội, của người sử dụng lao động và người lao động vào
công tác ATVSLĐ; những phương thức và mô hình hoạt động phong phú, có
hiệu quả trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trong các dịch vụ
công, trong công tác tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức phong trào quần chúng
hoạt động ATVSLĐ. Để thực hiện các giải pháp chủ yếu về xã hội hóa ATVSLĐ
nêu trên, đối với mỗi nhóm giải pháp cần đề ra những quan điểm, yêu cầu, nội
dung cụ thể và phương thức tiến hành. Điều hết sức quan trọng là phải tổ chức
thực hiện tốt các giải pháp và đánh giá được hiệu quả của chúng đối với công tác
ATVSLĐ.
(4) Để đánh giá được hiệu quả của vấn đề xã hội hóa ATVSLĐ, cần thiết phải
xây dựng được các chỉ tiêu đánh giá. Các chỉ tiêu đó có thể lượng hoá thành các chỉ
tiêu cụ thể, song cũng có những chỉ tiêu thể hiện dưới dạng các nhận định, đánh giá
hiệu quả xã hội hóa ATVSLĐ về mặt chính trị, xã hội và nhân đạo của nó.
5.1.7. Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam
5.1.7.1. Sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất
Trong quá trình lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, con người
luôn phải làm việc trong một điều kiện và môi trường lao động cụ thể, mà ở đó
với các mức độ khác nhau thường xuất hiện các yếu tố nguy hiểm và có hại, có
tác động xấu đến sức khỏe, có thể gây ra thương tật, bệnh tật, thậm chí gây tử
vong cho con người. Bởi vậy từ xưa cho đến nay, mong muốn cơ bản tối thiểu
của người lao động là làm sao trong khi lao động sản xuất không bị tai nạn, bệnh
nghề nghiệp, ít bị ốm đau, giảm sút sức khỏe để họ có thể làm việc nuôi sống cho
bản thâm và gia đình. Song chỉ riêng điều đó là hoàn toàn chưa đủ, chỉ mới là
mong muốn rất tối thiểu của người lao động. Điều mà chúng ta mong muốn là
cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, của kinh tế - xã hội, người lao
động - yếu tố cơ bản và năng động nhất của lực lượng sản xuất xã hội, người làm
ra mọi của cải xã hội, không những không bị tai nạn, ốm đau, bệnh nghề nghiệp
trong khi làm việc, mà còn phải được làm việc trong một điều kiện ngày càng an
toàn, tiện nghi hơn, tính mạng và sức khỏe của họ được bảo vệ tốt hơn,bản đảm
cho họ cuộc sống lao động an toàn, hạnh phúc trong một môi trường có văn hóa.
201

Chúng ta mong muốn các cấp chính quyền, người quản lý, người sử dụng lao
động có thái độ và cách ứng xử đúng đắn trong công tác quản lý ATVSLĐ và có
trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm tốt quyền của người lao động được làm việc
trong điều kiện an toàn, vệ sinh và ngày càng được cải thiện.
Công tác ATVSLĐ nếu phấn đấu đạt được những yêu cầu và mong muốn
nói trên có thể gọi đó là một sự nghiệp ATVSLĐ có văn hóa, có tính nhân văn
cao. Hay nói cách khác, đó là “Văn hóa an toàn trong sản xuất” mà mọi quốc gia
trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang mong muốn xây dựng và phát
triển hiện nay.
Để xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam có
hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu nắm vững các cơ sở lý luận và thực
tiến về văn hóa an toàn nói chung liên hệ với điều kiện thực tế của nước ta để xác
định được khái niệm cơ bản, các yêu cầu, nội dung văn hóa an toàn trong sản
xuất ở Việt Nam; trên cơ sở đó cần nghiên cứu xây dựng mô hình một cơ sở sản
xuất có văn hóa an toàn, áp dụng thử và hoàn chỉnh mô hình đó để có thể áp dụng
đại trà ở Việt Nam.
5.1.7.2. Sự ra đời và phát triển của khái niệm văn hóa an toàn
Thuật ngữ văn hóa an toàn đã được thế giới nhắc đến hơn 30 năm trước khi
các chuyên gia ATVSLĐ khẳng định yếu tố con người đóng vai trò quan trọng
trong hệ thống đảm bảo ATVSLĐ và cho rằng cùng với các yếu tố pháp lý và kỹ
thuật, cần phải huy động sự tham gia rộng rãi của con người vào công tác
ATVSLĐ. Đó chính là nhân tố quan trọng để có văn hóa an toàn.
Tuy nhiên vấn đề tầm quan trọng của con người trong hệ thống quản lý
ATVSLĐ phải trải qua một quá trính mới được đặt đúng vị trí của nó. Khi vụ tai
nạn nguyên tử ở Three Mile Islan (Pennsylvania – Mỹ) xảy ra vào tháng 3/1979,
người ta vẫn chỉ chú ý đến vấn đề kỹ thuật mà thôi. Mãi đến năm 1986 khi sự cố
thảm khốc tại nhà máy điện nguyên tử Chernlbyl (Liên xô cũ) xảy ra, yếu tố con
người mới được thực sự nhắc đến. Trong báo cáo của tập đoàn tư vấn an toàn hạt
nhân (INSAG) thuộc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cho rằng
nguyên nhân của thảm họa là do văn hóa an toàn kém. Từ đó trở đi, vấn đề văn
202

hóa an toàn được nhắc đến ngày càng nhiều, được triển khai sang hàng loạt
ngành công nghiệp khác.
Như vậy là từ sau khi IAEA công bố báo cáo phân tích đầy đủ về vụ
Chernobyl vào năm 1991, khái niệm văn hóa an toàn ngày càng được nghiên cứu
bổ sung, hoàn chỉnh, được nhiều tác giả, nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra nhiều
định nghĩa.
Trong mấy chục năm qua, nhiều tác gỉa và tổ chức đã công bố những quan
điểm, ý kiến phân tích và định nghĩa về văn hóa an toàn. Chúng có nhiều điểm
tương đồng và cũng có nhiều điểm khác nhau. Đã có hàng chục định nghĩa về
văn hóa an toàn được nêu lên, trong đó phải kể đến những định nghĩa sau:
- Ủy ban tư vấn an toàn lắp đặt hạt nhân (ASCNI, 1993): “Văn hóa an toàn
của một tổ chức là một sản phẩm của các giá trị tập thể và cá nhân, thái độ, năng
lực và hành vi được xác định bằng sự cam kết cũng như những phương thức và
sự thực hiện có kết quả tốt chương trình về an toàn và sức khỏe của tổ chức đó”.
- Ủy ban an toàn và sức khỏe của Anh (HSC, 1993): “Văn hóa an toàn của
một tổ chức là sản phẩm của các giá trị tập thể và cá nhân, thái độ, năng lực và
hành vi được xác định bằng sự cam kết cũng như những phương thức và sự thực
hiện có kết quả tốt chương trình về an toàn và sức khỏe của tổ chức đó”.
- Tổ chức dịch vụ không lưu quốc tế (CANSO): “Văn hóa an toàn là giá trị
bền vững, sự ưu tiên và cam kết của mỗi cá nhân, tập thể và mọi cấp của tổ chức
đối với việc đảm bảo ATVSLĐ. Văn hóa an toàn phản ánh quan niệm, thái độ,
các quy tắc và hành vi của các cá nhân, tập thể và tổ chức đối với việc bảo đảm
ATVSLĐ trong hoạt động hàng ngày của mình”.
- Năm 2002, Wiegmann và cộng sự đã đưa ra 13 định nghĩa khác nhau về
văn hóa an toàn trong một tài liệu nghiên cứu của mình, mà mỗi định nghĩa đều
có những sự thay đổi khác nhau.
- Thaden và Gibbon (2008) cũng đã đưa ra một định nghĩa khá cô đọng:
“Văn hóa an toàn được xác định như là một giá trị bền vững và ưu tiên của người
lao động và an toàn xã hội, được xây dựng bởi mỗi thành viên của từng nhóm
người, trong mọi cấp của tổ chức đó”.
203

- Trong khi trao đổi về khái nhiệm, định nghĩa văn hóa an toàn, các nhà
nghiên cứu lại bổ sung thêm nhiều ý mới. Có người thì nhấn mạnh thêm khía
cạnh về nhận thức do đó ra đời cụm thuật ngữ “nhận thức về an toàn được chia sẻ
của Glendon; có người khác lại nhấn mạnh về tính thực tế, cụ thể của văn hóa an
toàn nên mới đưa ra khái niệm đơn giản nhưng rất ý nghĩa, đó là: “Văn hóa an
toàn là cái cách chúng ta thường làm hàng ngày” để đề cập từ việc đơn giản là có
đeo khẩu trang trong khi làm việc hay không, cho đến sự nghiêm túc hay không
của lãnh đạo khi nói đến văn hóa an toàn của tác giả Cullen; thậm chí Reason
(1998) lại nhấn mạnh rằng “Văn hóa an toàn là một khái niệm của một thời đại đã
đến” để nói đến thách thức và cơ hội cho việc xây dựng cơ sở lý luận, nguyên lý
cơ bản cho văn hóa an toàn trong một giai đoạn mới.
Qua một số định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, cho đến nay, vấn
đề văn hóa an toàn trên thế giới vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, khá trừu tượng
và các nghiên cứu vẫn còn có nhiều điểm chưa thống nhất khi đưa ra các định
nghĩa về văn hóa an toàn.
Có lẽ vì thế mà Tổ chức lao động quốc tế (ILO) vào năm 2003 đã chủ động
đặt vấn đề văn hóa an toàn một cách có hệ thống và kêu gọi các quốc gia hưởng
ứng chiến lược toàn cầu về ATVSLĐ của ILO được hoạch định dựa trên 2 cơ sở
là nâng cao văn hóa an toàn và thực hiện hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong đó
vấn đề nâng cao văn hóa an toàn được đặc biệt nhấn mạnh và được ILO đưa
thành chủ đề chính của ngày thế giới về ATVSLĐ tại nơi làm việc hằng năm
(ngày 28 tháng 4 hàng năm).
ILO cũng đã đưa ra định nghĩa về văn hóa an toàn như sau: “Văn hóa an
toàn tại nơi làm việc là văn hóa mà trong đó quyền có một môi trường làm việc
an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ,
người sử dụng lao động, người lao động đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo
môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách
nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào
vị trí ưu tiên hàng đầu”.
204

Hưởng ứng cách đặt vấn đề của ILO về văn hóa an toàn và tiếp tục thúc đẩy
sự phát triển của ATVSLĐ trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhiều hoạt động trên phạm vị quốc tế và trong
từng quốc gia về ATVSLĐ, nhất là về nâng cao văn hóa an toàn đã và đang diễn
ra trong những năm vừa qua.
- Các Đại hội thế giới về an toàn và sức khỏe trong lao động diễn ra 3 năm
một lần, bắt đầu từ Đại hội lần thứ 17 ở Orlando, Florida – Mỹ (18 – 22/9/2005)
đã đưa ra chủ đề “Phòng ngừa trong một thế giới toàn cầu – thành quả xuyên suốt
của sự hợp tác về ATVSLĐ”. Đại hội lần thứ 18 diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc
(tháng 6 năm 2008) đã đặt vấn đề phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề
nghiệp - một nội dung được coi là ưu tiên trong văn hóa an toàn, trở thành một
chủ đề quan trọng nhất. Tại Đại hội 18 đã có bản Tuyên bố Seoul về an toàn và
sức khỏe trong lao động và sau đó đã ra đời khái nhiệm “văn hóa phòng ngừa”
trong ATVSLĐ (tích hợp giữa khái nhiệm văn hóa an toàn với nguyên tắc lấy
phòng ngừa làm biện pháp ưu tiên hàng đầu). Cũng từ đó, một “Tiểu ban về văn
hóa phòng ngừa” (Section for a Culture of Prevention) đã được thành lập tháng 6
năm 2011 theo sáng kiến của Tổ chức An sinh xã hội quốc tế (ISSA), Tổ chức
lao động quốc tế (ILO) và cơ quan ATVSLĐ của Hàn Quốc (KOSHA).
Các Đại hội thế giới tiếp theo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (lần thứ 19, từ 11 đến
14/9/2011), ở Frankfurt, CHLB Đức (lần thứ 20, từ ngày 14 đến 27/8/2014) cũng
đều đã đưa ra các chủ đề liên quan đến văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ.
- Các Hội nghị thường niên của Tổ chức ATVSLĐ Châu Á - Thái bình
Dương (APOSHO) cũng đều nhấn mạnh đến chủ đề xây dựng văn hóa an toàn. Có
nhiều báo cáo về vấn đề văn hóa an toàn của nhiều quốc gia, trong đó phải kể đến
vai trò tích cực và những đóng góp cho văn hóa an toàn của KOSHA (Hàn Quốc).
- Nhiều tổ chức liên quốc gia hoặc quốc gia như Cơ quan An toàn và Sức
khỏe Châu Âu (EUOSHA), Cơ quan An toàn và Sức khỏe của Anh (HSE), của
New Zealand, Cơ quan ATVSLĐ của Hàn Quốc (KOSHA), Hội đồng An toàn
Singapore (NSCS), Hiệp hội an toàn và vệ sinh công nghiệp Nhật Bản (JISHA)…
cũng đã coi trọng phát triển văn hóa an toàn, có nhiều công trình nghiên cứu về
205

văn hóa an toàn được công bố.


- Nhiều Hội thảo về văn hóa an toàn đã được diễn ra trên thế giới và ở nhiều
quốc gia, trong đó có nhiều hội thảo do Tiểu ban Văn hóa phòng ngừa đứng ra tổ
chức. Một số thư tin tức liên quan đến văn hóa an toàn được phát hành trên thế giới.
Qua những điều đã trình bày về sự ra đời, quá trính phát triển của văn hóa an
toàn và qua phân tích các định nghĩa khác nhau về văn hóa an toàn, chúng ta thấy
rằng văn hóa an toàn là một xu hướng phát triển tất yếu mà ATVSLĐ phải hướng
đến ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù khái niệm văn hóa an toàn hiện nay còn có
những ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn có những điểm thống nhất đó là
văn hóa an toàn thể hiện quan điểm, nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đúng
đắn của tổ chức và cá nhân người lãnh đạo cũng như mọi người trong tổ chức đó
đối với việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho con người trong lao động. Văn hóa
an toàn phải coi trọng, lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên hàng đầu. Văn hóa
an toàn của một tổ chức cần được thể hiện bởi trạng thái bên ngoài, đó là một bầu
không khí an toàn và vừa thể hiện bởi giá trị, niềm tin sâu xa bên trong, nói lên
bản chất, truyền thống tốt đẹp của tổ chức đó đối với sự nghiệp bảo đảm an toàn,
bảo vệ sức khỏe người lao động.
5.1.7.3. Những vấn đề cơ bản trong nội dung của văn hóa an toàn
Văn hóa an toàn có nội dung rất phong phú, liên quan đến nhiều mặt, từ các
vấn đền về luật pháp, chính sách, tổ chức quản lý, các vấn đề về tâm lý xã hội,
hành vi ứng xử, cho đến các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ sản xuất, máy móc
thiết bị.
Vì vậy nhiều tác giả trên thế giới khi nghiên cứu về văn hóa an toàn đã đưa
ra nhiều câu hỏi cần giải đáp như: Các thành tố cấu thành văn hóa an toàn là gì,
nội dung và cách phân loại chúng ra sao? Cần phải đánh giá mức độ đạt được của
văn hóa an toàn như thế nào? Những tiêu chí nào cần phải được nêu lên để xác
định, phân loại và đánh giá một tổ chức, một cơ sở có văn hóa an toàn?
Nói đến các thành tố của văn hóa an toàn là nói đến việc những vấn đề gì,
hoạt động nào cần phải tiến hành để xây dựng một cơ quan, tổ chức có văn hóa
an toàn. Hay nói cụ thể hơn là nhưng điểm nào cấu tạo nên văn hóa an toàn.
206

Có nhiều tác giả nêu các ý kiến khác nhau về các lĩnh vực mà văn hóa an
toàn phải quan tâm, coi đó là những thành tố cơ bản cấu tạo nên văn hóa an toàn.
Cũng có tác giả phân văn hóa an toàn ra nhiều thành phần rồi mô tả, giải thích
các thành phần đó để có thể thấy rõ bản chất của văn hóa an toàn. Có thể nêu vài
trường hợp:
- Theo James Reason (1997) thì văn hóa an toàn bao gồm chủ yếu các vấn
đề về văn hóa tuân thủ pháp luật, văn hóa báo cáo, văn hóa học tập, văn hóa
thông tin, văn hóa ứng xử…
- Theo Ron Westrum (1999) thì văn hóa an toàn phải trả lời được các vấn đề
đặt ra, cũng là những thành tố chủ yếu của văn hóa an toàn, đó là: Tổ chức, cơ
quan đã đặt tầm quan trọng của ATVSLĐ như thế nào? Chính sách của tổ chức
trong việc tuân thủ pháp luật, đề cao trách nhiệm ra sao? Vấn đề thông tin, huấn
luyện cho mọi người về ATVSLĐ thế nào? Nguồn lực đã dành cho ATVSLĐ thế
nào? Tình hình thực tế tại các chỗ làm việc ra sao? Hiệu quả của công tác
ATVSLĐ thế nào?
- Theo Mark Flemming (2000) thì nhiều vấn đền cụ thể phải đề ra và trả lời
được các vấn đó tức là đã làm tốt văn hóa an toàn. Đó là: Sự cam kết của lãnh
đạo đơn vị về ATVSLĐ. Việc tổ chức thông tin một cách thông suốt, công khai
trong đơn vị về những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ; Nguồn lực dành cho
ATVSLĐ; Sự tham gia của mọi người trong đơn vị vào công tác ATVSLĐ; Công
tác huấn luyện về ATVSLĐ; Đánh giá về nhận thức của mọi cấp, mọi người về
ATVSLĐ, về mối quan hệ và sự tin cậy lẫn nhau, về mức độ hài lòng của họ đối
với công tác ATVSLĐ; Vấn đề rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác quản lý
ATVSLĐ của đơn vị. Công trình nghiên cứu trên đây của Mark Flemming đã
được nhiều nước chú ý và áp dụng, trong đó có cả một số doanh nghiệp của nước
ngoài đầu tư ở Việt Nam.
Từ đó để làm rõ hơn nội dung văn hóa an toàn, sau khi tổng hợp phân tích
hệ thống hóa lại, chúng ta có thể nêu lên những điểm chính sau:
- Điểm quan trọng đầu tiên là vấn đề văn hóa an toàn phải được đưa thành
những quy định trong các văn bản pháp luật, thể hiện quan điểm nhân văn, coi
207

việc đảm bảo quyền được làm việc trong điều kiện an toàn và tiện nghi của người
lao động là quyền cơ bản của con người.
- Văn hóa an toàn phải được thể hiện đầy đủ,đúng mức trong nhận thức của
mọi cấp quản lý, mọi người trong cộng đồng. Mọi người phải thấy rõ trách nhiệm
của mình trong ATVSLĐ và phải cam kết thực hiện tốt ATVSLĐ cho cộng đồng,
đơn vị.
- Từ cơ sở pháp lý, từ nhận thức đúng đắn đề ra những chính sách, nguyên
tắc ứng xử trong việc thực hiện ATVSLĐ ở từng đơn vị.
- Cần phải xây dựng một hệ thống quản lý ATVSLĐ ở từng quốc gia, từng
ngành và từng cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức
và cách ứng xử, bản sắc và truyền thống của quốc gia, ngành, đơn vị đó.
- Cần huy động mọi nguồn lực một cách hợp lý cho hoạt động ATVSLĐ; áp
dụng thành tựu khoa học và công nghệ và lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên
hàng đầu trong ATVSLĐ.
- Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Động
viên tính tự giác tham gia vào công tác ATVSLĐ của mọi người trong đơn vị.
- Thực hiện tốt chế độ kiểm tra ATVSLĐ một cách thường xuyên. Từ đó rút
kinh nghiệm để cải tiến quản lý ATVSLĐ.
- Thực hiện chế độ báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, báo cáo
công tác ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ.
- Thực hiện tốt việc đánh giá kết quả, khen thưởng, tôn vinh người làm tốt
ATVSLĐ, xử lý kịp thời những vi phạm.
- Xây dựng tuyền thống, giữ gìn bản sắc và uy tín, thương hiệu của đơn vị
nói chung và trong ATVSLĐ nói riêng.
Những điểm được nêu trên là nội dung chủ yếu của ATVSLĐ mà một tổ
chức (cơ quan, đơn vị) cần thực hiện để có thể trở thành một tổ chức có văn hóa
an toàn.
5.7.1.4. Văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam
a) Những quan điểm và yêu cầu cơ bản để nghiên cứu xây dựng và triển
khai văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam
208

Trong quá trình nghiên cứu đưa ra định nghĩa, xác định nội dung và triển
khai văn hóa an toàn trong sản xuất sao cho phù hợp với Việt Nam, chúng ta cần
xem xét và nắm vững các quan điểm và yêu cầu cơ bản sau đây:
- Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất là xu thế
phát triển tất yếu của sự nghiệp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động
của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
- Cần nắm vững và rút ra những điểm cơ bản từ các quan điểm, chủ trương,
chính sách của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta về ATVSLĐ có liên quan để làm
cơ sở cho việc xây dựng văn hóa an toàn ở Việt Nam.
Các điểm cần nhấn mạnh ở đây là:
+ Tư tưởng nhân văn, coi con người, nhất là người lao động là vốn quý nhất của
xã hội. Do đó, bảo đảm ATVSLĐ là thực hiện quyền cơ bản của người lao động.
+ ATVSLĐ vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc,
luôn gắn liền với hoạt động của con người trong lao động, công tác, với cuộc
sống tinh thần, vật chất của người lao động và trách nhiệm xã hội, uy tín và
truyền thống của doanh nghiệp.
+ Gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát
triển bền vững đất nước.
+ Lấy phòng ngừa làm biện pháp ưu tiên hàng đầu.
+ Xây dựng văn hóa an toàn là cho cơ sở và người lao động, vì vậy cần huy
động sự tham gia tự giác của mọi người trong đơn vị, đặc biệt là người lao động
và người sử dụng lao động và toàn xã hội cho hoạt động ATVSLĐ.
- Cần bám sát thực tiễn kinh tế xã hội, điều kiện thiên nhiên, con người và
cơ chế quản lý của nước ta cũng như đặc điểm và bản sắc văn hóa của dân tộc ta
để xây dựng văn hóa an toàn phù hợp với Việt Nam.
- Cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay của công tác ATVSLĐ ở nước ta,
chú ý đi sâu phân tích xem chúng ta đang có những hoạt động liên quan đến văn
hóa an toàn như thế nào? Đạt kết quả ở mức độ ra sao so với bình diện chung của
quốc tế để từ đó đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng và phát triển văn hóa an
toàn ở nước ta cho hợp lý.
209

- Cần nhận thức cho đúng rằng về bản chất văn hóa an toàn là nội dung của
ATVSLĐ ở một tầm cao mới, có văn hóa, có tính nhân văn, coi trọng yếu tố con
người, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Không được để văn
hóa an toàn đứng bên lề, hoặc coi như là một khẩu hiệu kêu gọi chung chung.
b) Khái niệm văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam
Với thế giới, khái niệm văn hóa an toàn vẫn còn mới mẻ, còn có nhiều ý
kiến khác nhau và đang dần bổ sung, hoàn chỉnh. Với Việt Nam thì lại càng rất
mới mẻ, cho đến nay chúng ta có thể hiểu văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt
Nam là hoạt động ATVSLĐ của cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi là doanh nghiệp)
mà ở đó mọi người có nhận thức, quan niệm đúng đắn về ATVSLĐ, coi việc bảo
đảm điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, phòng chống tốt tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp cho người lao động là quyền rất cơ bản - nhân quyền, cần được
tôn trọng; ở đó các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về
ATVSLĐ cũng như những giá trị cao đẹp của truyền thống dân tộc ta được mọi
người quán triệt và tuân thủ, có thái độ ứng xử và hành vi đúng, thấy rõ trách
nhiệm và nghĩa vụ, cam kết rõ ràng, tự giác và hợp tác cùng nhau thực hiện tốt
công tác ATVSLĐ; có một chương trình hành động cụ thể, toàn diện, lấy phòng
ngừa làm biện pháp ưu tiên hàng đầu; có sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá rút kinh
nghiệm, bổ sung, cải tiến để công tác ATVSLĐ ngày càng có hiệu quả hơn, nhằm
bảo đảm an toàn, bảo vệ tốt tính mạng và sức khỏe người lao động. Một hoạt
động ATVSLĐ như vậy là một sự nghiệp ATVSLĐ có văn hóa, có tính nhân văn
cao, phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước ta và trở thành một tài sản
vô giá, một truyền thống quý báu của doanh nghiệp”.
Mặc dù hơi dài, nhưng định nghĩa này đã trình bày rõ hết nội dung của khái
niệm văn hóa an toàn trong sản xuất phù hợp với Việt Nam, Tuy nhiên, định
nghĩa này đã giúp chúng ta nắm vững, hiểu thấu đáo các khái niệm của văn hóa
an toàn trong sản xuất ở Việt Nam hiện nay.
c) Những nội dung chủ yếu cần thực hiện để xây dựng văn hóa an toàn trong
sản xuất ở Việt Nam
210

Từ các khái niệm và định nghĩa bước đầu về văn hóa an toàn trong sản xuất
ở Việt Nam như đã nêu trên, để có thể triển khai văn hóa an toàn vào thực tế,
chúng ta cần thực hiện tốt những nội dung chính sau đây:
Một là: Cần giải quyết tốt vấn đề nhận thức và cơ sở pháp lý về văn hóa an
toàn bảo đảm sao cho các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Bác Hồ và
Nhà nước ta về ATVSLĐ, trong đó có những điểm liên quan đến văn hóa an toàn
được mọi cấp, mọi tổ chức, cá nhân nắm vững và vận dụng để thúc đẩy việc xây
dựng, triển hai văn hóa an toàn ở nước ta. Nghiên cứu đề xuất đưa vấn đề văn hóa
an toàn vào trong các nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, các
quy định và cam kết của Lãnh đạo các cấp, nhất là ở cơ sở.
Hai là: Mọi người cần nắm vững khái niệm và định nghĩa về văn hóa an
toàn và góp phần bổ sung cho định nghĩa về văn hóa an toàn đã nêu ngày càng
hoàn chỉnh hơn.
Ba là: Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến
thức về ATVSLĐ, đặc biệt nhấn mạnh đến văn hóa an toàn cho mọi đối tượng, từ
người lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cho đến người lao động. Sử dụng nhiều
phương pháp và phương tiện, công cụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả công
tác này. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn, phổ biến về văn hóa an toàn.
Bốn là: Xây dựng một chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy văn hóa
an toàn trong sản xuất. Chương trình này phải được xây dựng trên cơ sở nắm
vững khái niệm văn hóa an toàn, từ đó mà đánh giá thực trạng công tác ATVSLĐ
của cơ sở, tham khảo ý kiến của cộng đồng, nhất là của người lao động để có nội
dung toàn diện, cụ thể. Về cơ bản, chương trình phải bao gồm từ chính sách, cam
kết của Lãnh đạo cơ sở về văn hóa an toàn cho đến các nội dung, biện pháp về
văn hóa an toàn đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của cơ sở.
Năm là: Thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai văn hóa an toàn bao
gồm các điểm chủ yếu sau:
- Các biện pháp đầu tư, bố trí nhân lực để thông tin, tuyên truyền và huấn
luyện về văn hóa an toàn cho các đối tượng khác nhau trong đơn vị. Bên cạnh
việc nâng cao hiểu biết cho cá nhân, cần xây dựng bầu không khí an toàn trong
211

đơn vị thông qua các hoạt động thông tin, phát thanh nội bộ, panô, bản tin, khẩu
hiệu hành động.
- Các biện pháp cụ thể về khoa học công nghệ, trong đó lấy mục tiêu phòng
ngừa làm ưu tiên hàng đầu; các biện pháp để chăm sóc, theo dõi và quản lý sức
khỏe người lao động.
- Các biện pháp về tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ, bố trí nhân lực để thực
hiện văn hóa an toàn.
- Các biện pháp kiểm tra, giám sát, động viên, tôn vinh khen thưởng và xử
phạt vi phạm.
- Thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ.
- Tiến hành đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm việc xây dựng văn hóa an
toàn, đưa ra những biện pháp cải tiến, bổ sung, sửa đổi, kịp thời kế hoạch hiện tại
và hoàn thiện hơn kế hoạch tới.
Sáu là: Hết sức coi trọng việc tổ chức vận động quần chúng phát huy sáng
kiến tự cải thiện điều kiện làm việc; tổ chức các hình thức lấy ý kiến thường
xuyên của người lao động đóng góp cho công tác ATVSLĐ ở cơ sở; Xây dựng cơ
chế cộng đồng trách nhiệm phối hợp trong công tác ATVSLĐ ở cơ sở giữa người
sử dụng lao động và người lao động; tổ chức Công đoàn và các đoàn thể khác.
Xây dựng các giá trị về văn hóa an toàn gắn liền với đặc điểm, truyền thống của
cơ sở.
Trên đây là một số nội dung chủ yếu cần thực hiện để xây dựng và triển khai
văn hóa an toàn trong sản xuất đối với các cơ sở, trước hết là các doanh nghiệp ở
nước ta.
5.2. Hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
5.2.1. Khái quát hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
5.2.1.1. Công ước và khuyến nghị của tổ chức Lao động quốc tế về an toàn vệ
sinh lao động
Công ước: Là bản giao ước do nhiều nước cùng ký kết để quy định các
nguyên tắc, thể lệ, để giải quyết cho từng vấn đề trong quan hệ quốc tế.
212

Các công ước có thể so sánh với các điều ước quốc tế đa phương: chúng
được các thành viên phê chuẩn và mỗi lần được phê chuẩn tạo ra những nghĩa vụ
ràng buộc cụ thể. Một nước đã phê chuẩn một Công ước sẽ áp dụng các điều
khoản của Công ước đó thông qua các điều luật hoặc các hình thức phù hợp khác
như đã được chỉ ra trong Công ước.
Công ước của ILO: là bản giao ước được các đại diện của các chính phủ,
người lao động và người sử dụng lao động thông qua, trong đó có quy định các
tiêu chuẩn lao động quốc tế điều chỉnh một loạt các vấn đề như tự do hiệp hội và
thương lượng tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, bình đẳng cơ hội và
đối xử, tham vấn ba bên, quản lý lao động và thanh tra lao động, chính sách và
khuyến trợ việc làm, hướng nghiệp và dạy nghề, bảo vệ việc làm, chính sách xã
hội, tiền công, thời giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, an sinh xã
hội…
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua 189 Công ước và 200
Khuyến Nghị, trong đó có 8 Công ước cơ bản. Các Công ước cơ bản của ILO
quy định về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo đó các nước
thành viên có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện. Đến nay, Việt Nam đã
gia nhập 21 Công ước của ILO, trong đó có năm trong số tám Công ước cơ bản
của ILO.
Khuyến nghị của ILO là các công cụ không ràng buộc, thường xuyên mở
rộng và cung cấp các hướng dẫn chi tiết cho Công ước của ILO để các nước
thành viên thực hiện.
Trong nhiều trường hợp, một Công ước đưa ra các nguyên tắc cơ bản được
thực hiện bởi các nước phê chuẩn, trong khi đó, một Khuyến nghị bổ sung cho
Công ước bằng cách đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách thức áp dụng Công
ước. Các Khuyến nghị cũng có thể độc lập, tức là không kết nối với bất kỳ Công
ước nào.
Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 21 Công ước của ILO, với 12
Công ước liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là
Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc
213

(năm 1981) và Công ước số 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh
lao động (năm 2006). Tại Công ước số 155 và Công ước số 187 của ILO đã quy
định các nước thành viên phải chủ động các bước để tiến đến môi trường lao
động an toàn và lành mạnh thông qua chính sách, hệ thống và chương trình quốc
gia về ATVSLĐ phù hợp. Tuân thủ các quy định tại các Công ước của ILO mà
Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập, việc nội luật hóa các quy định tại Công ước
phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết.
5.2.1.2. Luật an toàn lao động, vệ sinh lao động của Việt Nam và sự phù hợp với
các Công ước của ILO về An toàn và Vệ sinh lao động
Với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, tham khảo các Công ước của
ILO; sự phối hợp của các Bộ, các cơ quan đại diện người sử dụng lao động,
người lao động và các tổ chức xã hội khác liên quan, Luật An toàn và Vệ sinh lao
động đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua
ngày 25/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 (Luật số 84/2015/QH13). Luật
An toàn lao động, Vệ sinh lao động được ban hành đã thể chế hoá mục tiêu, quan
điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng và Hiến pháp về bảo đảm an toàn
và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, chú trọng các hoạt
động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác An toàn và
Vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an
toàn trong sản xuất; tăng cường quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử
dụng lao động ; khẳng định vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt
Nam, Tổ chức Công đoàn và Hội Nông dân các cấp; gắn An toàn và Vệ sinh lao
động với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giúp cho
công tác An toàn và Vệ sinh lao động của Việt Nam phát triển và khá phù hợp
với các Công ước quốc tế nói chung và các Công ước mà Việt Nam đã gia nhập;
thực hiện các cam kết khi gia nhập các Công ước quốc tế về An toàn và Vệ sinh
lao động.
214

Bảng 5.1. Danh mục công ước của ILO Việt Nam đã phê chuẩn
Thời gian
T
Tên và nội dung Công ước ILO VN phê Tình trạng
T
chuẩn
I- Các Công ước cơ bản
1 Công ước số 29 - về lao động cưỡng bức 05/3/2007 Đang có
hoặc bắt buộc, năm 1930 hiệu lực
2 Công ước số 100-Về trả công bình đẳng 07/10/1997 Đang có
giữa lao động nam và lao động nữ cho một hiệu lực
công việc có giá trị ngang nhau, 1951
3 Công ước số 111- về Phân biệt đối xử trong 07/10/1997 Đang có
việc làm và nghề nghiệp, năm 1958 hiệu lực
4 Công ước số 138-về tuổi tối thiểu được đi 24/6/2003 Đang có
làm việc, 1973 hiệu lực
5 Công ước số 182- về nghiêm cấm và hành 19/12/2000 Đang có
động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao hiệu lực
động trẻ em tồi tệ nhất, 1999
II-Các Công ước kỹ thuật
6 Công ước số 81- Thanh tra lao động trong 03/10/1994 Đang có
công nghiệp và thương mại, 1947 hiệu lực
7 Công ước số 122-Chính sách việc làm, 11/6/2012 Đang có
1964 hiệu lực
8 Công ước 144-về Tham khảo ý kiến ba bên 09/6/2008 Đang có
nhằm xúc tiến việc thi hành các quy phạm hiệu lực
quốc tế về lao động, 1976
9 Công ước 5-Độ tuổi tối thiểu (trong công 03/10/1994 Chưa có
nghiệp), 1919 (tự động bị bãi bỏ bởi Công hiệu lực
ước số 138 ngày 24/6/2003)
10 Công ước số 6- về làm việc ban đêm của trẻ 03/10/1994 Đang có
em trong công nghiệp, 1919 hiệu lực

11 Công ước số 14- về áp dụng nghỉ hằng tuần 03/10/1994 Đang có


215

trong các cơ sở công nghiệp, năm 1921 hiệu lực


12 Công ước số 27- về ghi trọng lượng trên 03/10/1994 Đang có
các kiện hàng lớn chở bằng tàu, 1929 hiệu lực
13 Công ước số 45- về sử dụng phụ nữ vào 03/10/1994 Đang có
những công việc dưới lòng đất trong hầm hiệu lực
mỏ, 1935
14 Công ước 80- về sửa đổi các điều khoản 03/10/1994 Đang có
cuối cùng, 1946 hiệu lực
15 Công ước số 116- về sửa đổi các điều 03/10/1994 Đang có
khoản cuối cùng, 1961 hiệu lực
16 Công ước số 120- về vệ sinh trong thương 03/10/1994 Đang có
mại và văn phòng, 1964 hiệu lực
17 Công ước số 123- về độ tuổi tối thiểu được 20/02/1995 Đang có
làm các công việc dưới lòng đất, hiệu lực
18 Công ước 124- về kiểm tra y tế cho thiếu niên 03/10/1994 Đang có
làm việc dưới lòng đất trong hầm mỏ, 1965 hiệu lực
19 Công ước số 155- về an toàn lao động, vệ sinh 03/10/1994 Đang có
lao động và môi trường làm việc, 1981 hiệu lực
20 Công ước lao động hàng hải năm 2006 phù 08/5/2013 Đang có
hợp với tiêu chuẩn an sinh xã hội: chăm sóc hiệu lực
y tế; trợ cấp cao tuổi; trợ cấp tai nạn lao
động
21 Công ước 187- về khung chính sách thúc 23/01/2014 Đang có
đẩy an toàn vệ sinh lao động, 2006 hiệu lực

5.2.2. Những căn cứ để xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật về an toàn,
vệ sinh lao động
Kế thừa, phát triển pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của nước
ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Chương IX Bộ luật lao động
năm 1994 đã tập hợp, hoàn thiện và điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực an
toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đến Bộ luật lao động năm 2012, tại
216

Chương IX đã bổ sung nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao
động, các chế độ, chính sách và quản lý về ATVSLĐ nhằm góp phần ổn định sản
xuất, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định...
Sau gần 20 năm thi hành, các quy định ATVSLĐ của Bộ luật Lao động cơ bản đã
đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động, nâng cao
nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự gia tăng về số lượng
doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới, thì những yêu cầu về đảm bảo
ATVSLĐ và phúc lợi xã hội đã đặt ra những thách thức mới, và bộc lộ hạn chế,
bất cập như sau:
Thứ nhất, nội dung ATVSLĐ được quy định trong Bộ luật lao động và được
quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật khác như Luật bảo hiểm xã hội,
Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa... gây
khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Thứ hai, việc đưa vào sản xuất và sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới
ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về ATVSLĐ, nếu người
lao động không được huấn luyện thích ứng, đòi hỏi phải có hướng dẫn kịp thời;
Thứ ba, theo Bộ luật lao động 2012, tất cả những tổ chức, cá nhân có liên
quan đến lao động, sản xuất đều phải tuân theo quy định của pháp luật về
ATVSLĐ. Nói cách khác ở đâu có việc làm, có người lao động thì ở đó cần được
bảo đảm về ATVSLĐ. Vì vậy, đối tượng điều chỉnh của công tác ATVSLĐ được
nghiên cứu hướng đến không chỉ áp dụng với khu vực có quan hệ lao động mà cả
những người không có quan hệ lao động;
Thứ tư, chính sách hiện hành về ATVSLĐ chưa thu hút và huy động hiệu
quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác ATVSLĐ cũng như phát triển các
dịch vụ trong lĩnh vực này;
Thứ năm, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới quy
định việc giải quyết hậu quả thông qua chi trả chế độ cho người bị tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp mà chưa quy định về việc phòng ngừa tai nạn lao động,
217

bệnh nghề nghiệp, chia sẻ rủi ro với người sử dụng lao động khi xảy ra các vụ tai
nạn lao động nghiêm trọng. Trong khi công tác phòng ngừa tại nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, đang là xu thế chung, là chuẩn mực
quốc tế cũng như yêu cầu nội luật hóa các Công ước của Tổ chức lao động Quốc
tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Việc xây dựng Luật an toàn, vệ sinh lao động được chuẩn bị trên cơ sở quán
triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:
1) Thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định
hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2) Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản
xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của
doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử
dụng lao động, người lao động trong công tác ATVSLĐ.
3) Chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
trong công tác ATVSLĐ; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn
hóa an toàn trong sản xuất; gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường và phát triển
bền vững kinh tế - xã hội.
4) Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về ATVSLĐ; đẩy mạnh xã hội hóa và
phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật ATVSLĐ; đổi mới
và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
thông qua các hoạt động phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao
động và xã hội.
5) Pháp điển hoá các quy định trong hệ thống pháp luật ATVSLĐ hiện hành;
kế thừa và phát triển các quy định đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong
thực tiễn, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp và bảo đảm tính đồng bộ,
thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng
pháp luật ATVSLĐ.
218

6) Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng Luật an toàn,
vệ sinh lao động của một số quốc gia trong khu vực và thế giới; Tuân thủ các
thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, phù hợp
với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội
nhập quốc tế.
5.2.3. Những nội dung chính của Luật An toàn, vệ sinh lao động
Luật An toàn lao động, Vệ sinh lao động chú trọng các hoạt động phòng
ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác An toàn và Vệ sinh lao
động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong
sản xuất.
Luật An toàn và Vệ sinh lao động có 7 Chương với 93 Điều, bao gồm:
Chương I: Những quy định chung (có 12 điều). Quy định các nội dung về
Phạm vi, đối tượng áp dụng; Chính sách của Nhà nước về An toàn và Vệ sinh lao
động; Nguyên tắc bảo đảm An toàn và Vệ sinh lao động; Quyền và nghĩa vụ về
An toàn và Vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động;
Quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Hội nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác
về An toàn và Vệ sinh lao động; và các hành vi bị nghiêm cấm trong An toàn và
Vệ sinh lao động.
Chương II: Các biện pháp phòng chống yếu tố nguy hiểm, có hại cho người
lao động (có 21 điều, từ Điều 13 đến Điều 33,chia làm 4 mục với nội dung hướng
tới việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệpvà sự cố gây mất An toàn
và Vệ sinh lao động). Quy định các nội dung về thông tin, tuyên truyền, giáo dục,
huấn luyện An toàn và Vệ sinh lao động; Nội quy, quy trình và các biện pháp bảo
đảm An toàn và Vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Chế độ Bảo hộ lao động, chăm
sóc sức khỏe người lao động; Quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về An toàn và Vệ sinh lao động.
Chương III: Các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất An toàn và Vệ sinh
lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ chính sách đối với
người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (có 29 điều, từ Điều 34 đến Điều 62,
219

với 3 mục chính). Quy định khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố kỹ thuật
gây mất An toàn và Vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Trách
nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp; Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chương IV: Bảo đảm An toàn và Vệ sinh lao động đối với một số lao động
đặc thù (có 08 điều, từ Điều 63 đến Điều 70). Quy định về An toàn và Vệ sinh lao
động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật;
điều kiện sử dụng người lao độngcao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm. An toàn và Vệ sinh lao động trong trường hợp:Cho thuê lại lao
động;nơi có nhiều người lao độngthuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm
việc; đối với người lao độngViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài; lao độnggiúp
việc gia đình; người lao độngnhận công việc về làm tại nhà; và đối với học sinh,
sinh viên, người học nghề, tập nghề, thử việc.
Chương V: Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất kinh
doanh (có 11 điều, từ điều 71 đến điều 81). Quy định về việc thực hiện công tác
An toàn và Vệ sinh lao độngtrong các cơ sở sản xuất kinh doanh; bộ phận làm An
toàn và Vệ sinh lao động tại cơ sở; bộ phận y tế; An toàn, vệ sinh viên;Hội đồng
An toàn và Vệ sinh lao động cơ sở; xây dựngkế hoạch An toàn và Vệ sinh lao
động; đánh giá nguy cơ, rủi ro về An toàn và Vệ sinh lao động; kế hoạch ứng cứu
khẩn cấp và tổ chức lực lượng ứng cứu; tự kiểm tra An toàn và Vệ sinh lao động;
quy định việc thống kê, báo cáo về An toàn và Vệ sinh lao động.
Chương VI: Quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (có 10 điều từ
điều 82 đến điều 91). Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nướcAn toàn và Vệ sinh
lao động; trách nhiệm quản lý Nhà nướcAn toàn và Vệ sinh lao độngcủa Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Uỷ ban Nhân dân các
cấp; trách nhiệm xây dựng, công bố các tiêu chuẩn quốc gia về An toàn và Vệ
sinh lao động và xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc giaAn toàn và
Vệ sinh lao động; Hội đồng quốc gia về An toàn và Vệ sinh lao động, Hội đồng
An toàn và Vệ sinh lao động cấp tỉnh;Thanh tra An toàn và Vệ sinh lao động; xử
220

lý vi phạm pháp luật về An toàn và Vệ sinh lao động; quy định về cơ chế phối
hợp về An toàn và Vệ sinh lao động.
Chương VII: Điều khoản thi hành (có 2 điều, từ Điều 93 đến Điều 94)
5.3. Hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
5.3.1. Khái niệm về hệ thống quản lí An toàn, vệ sinh lao động
Hiện nay, thuật ngữ về hệ thống quản lý An toàn và Vệ sinh lao động (tiếng
Anh là: Occupational Safety and Health Management System, OSHMS) ngày càng
trở nên quen thuộc đối với những ai quan tâm và trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực
An toàn và Vệ sinh lao động trên thế giới và ở Việt Nam. Có rất nhiều định nghĩa
về khái niệm hệ thống quản lý An toàn và Vệ sinh lao động do các học giả hay tổ
chức đưa ra. Sau đây, là 3 định nghĩa được cho là phổ biến hiện nay.
Định nghĩa thứ nhất là của Tổ chức lao động thế giới (ILO): “Hệ thống quản
lý An toàn và Vệ sinh lao động là một tập hợp các yếu tố (thành phần) liên quan
và tương tác lẫn nhau để thiết lập chính sách và các mục tiêu, và đạt được các
mục tiêu đó”.
Định nghĩa thứ hai được nêu trong tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 của Viện
tiêu chuẩn Anh (BSI): “Hệ thống quản lý An toàn và Vệ sinh lao động là một
phần của hệ thống quản lý của tổ chức được sử dụng để xây dựng và thực hiện
chính sách về An toàn và Vệ sinh lao động và quản lý các rủi ro An toàn và Vệ
sinh lao động của tổ chức đó”. Sau đó, giải thích thêm: i) Hệ thống quản lý là một
tập hợp các yếu tố (thành phần) liên quan với nhau được sử dụng để thiết lập
chính sách và các mục tiêu, và đạt được các mục tiêu đó; ii) Một hệ thống quản lý
bao gồm cấu trúc tổ chức, hoạt động lập kế hoạch ( ví dụ, bao gồm đánh giá rủi
ro và thiết lập các mục tiêu), trách nhiệm, thực hành, các qui trình, quá trình và
nguồn lực.
Định nghĩa thứ ba được nêu trong tiêu chuẩn ISO 45001 của Tổ chức tiêu
chuẩn hóa quốc tế: “Hệ thống quản lý là tập hợp các yếu tố liên quan đến nhau
hay tương tác của một tổ chức để thiết lập các chính sách và các mục tiêu và các
quá trình để đạt được những mục tiêu”.
221

Theo lý thuyết về hệ thống, thì hệ thống quản lý An toàn và Vệ sinh lao
động, cũng giống như bất kỳ một hệ thống quản lý nào khác, phải có 4 yêu cầu
chung cơ bản nhất sau đây:
- Có các mục tiêu của hệ thống (mục tiêu An toàn và Vệ sinh lao động có
thể là mục tiêu mang tính đạo đức, mục tiêu mang tính kinh tế, mục tiêu mang
tính pháp lý và mục tiêu riêng của doanh nghiệp. Không phải tất cả các hệ thống
đều có các mục tiêu giống nhau);
- Xác định rõ các thành phần của hệ thống và mối quan hệ giữa chúng
(Không phải tất cả các hệ thống đều có các thành phẩn như nhau);
- Xác định mối quan hệ giữa hệ thống quản lý An toàn và Vệ sinh lao động
với các hệ thống quản lý khác của doanh nghiệp (hệ thống quản lý chất lượng, hệ
thống quản lý môi trường ....);
- Có những yêu cầu về việc duy trì hệ thống (có thể là những yêu cầu bên
trong liên quan đến việc xem xét đánh giá, hay các yêu cầu bên ngoài liên quan
đến chính sách của ngành đối với An toàn và Vệ sinh lao động. Các hệ thống
khác nhau có những yêu cầu khác nhau về duy trì hệ thống).
Mặt khác, theo tiêu chuẩn ISO 72:2000 Hướng dẫn về tiêu chuẩn xem xét
và xây dựng hệ thống quản lý, một hệ thống quản lý, muốn thiết lập được
chính sách và mục tiêu, và thực hiện được các mục tiêu đó, thì cần phải có
những yếu tố sau đây:
- Cấu trúc tổ chức với vai trò, trách nhiệm và quyền hạn được xác định rõ ràng;
- Các quá trình của hệ thống và nguồn lực tương ứng;
- Các phương pháp đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống;
- Quá trình xem xét, đánh giá nhằm đảm bảo khắc phục được các khiếm
khuyết, phát hiện được các cơ hội và thực thi chúng sau khi đã phân tích, đánh
giá thoả đáng.

5.3.2. Sự cần thiết phải áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
trong sản xuất
222

Trong lịch sử phát triển, khoa học công nghệ đã giúp doanh nghiệp đi từ
thời kỳ công nghiệp 1.0 đến 4.0. Hệ thống sản xuất hiện tại đã được phát triển
theo hướng hiện đại hóa, thiên về tự động hóa và kết nối vạn vật. Xu hướng công
nghiệp hóa và tự động hóa đã từng bước thay đổi cách con người tham gia vào
quá trình sản xuất, thay vì trực tiếp dùng sức mạnh cơ bắp để thực hiện công việc,
giờ đây con người chỉ thực hiện các hoạt động có hàm lượng trí tuệ cao. Cùng với
sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống sản xuất, chúng ta phải đối mặt với các thách
thức về an toàn, vệ sinh lao động. Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp là làm sao vẫn
thực hiện được việc sản xuất đạt yêu cầu về năng suất và chất lượng nhưng phải
đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, máy thiết bị, cơ sở hạ tầng
và môi trường. Để giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp phải thực hiện thiết
lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động. Tại Việt Nam - Chính phủ đã ban
hành luật số 84/2015/QH13 - Luật An toàn, Vệ sinh lao động - có hiệu lực vào
ngày 25 tháng 06 năm 2015. Đây là bộ luật mới nhất của Việt Nam điều chỉnh về
lĩnh vực quản lý an toàn, vệ sinh lao động. Luật này cùng với các văn bản pháp
luật khác (luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn) sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn
tổng thể về an toàn vệ sinh lao động và thực hiện tuân thủ. Với hoạt động quản lý
an toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường làm việc an toàn và
lành mạnh, giúp người lao động yên tâm làm việc và cống hiến lâu dài cho doanh
nghiệp. Với phương châm “Con người là nguồn lực quý giá nhất của Doanh
nghiệp” - Đây cũng là yêu cầu và điều kiện để doanh nghiệp thu hút lực lượng
lao động có chất lượng, tạo nên thành công cho doanh nghiệp. Việc xây dựng Hệ
thống quản lý An toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp là một
phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống giữa các nội dung của công tác quản lý
ATVSLĐ, pháp luật sở tại và thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,
nhằm quản lý tối đa các rủi ro về tai nạn, bệnh nghề nghiệp và tổn hại tới môi
trường xung quanh. Từ đó, góp phần vào việc gia tăng giá trị nhân văn, về
thương hiệu, sản phẩm dịch vụ và mang tới cho doanh nghiệp sự phát triển bền
vững.
5.3.3. Nội dung cơ bản của các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
223

Việc xây dựng Hệ thống quản lý An toàn - vệ sinh lao động tại doanh
nghiệp là một phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống giữa các nội dung của
công tác quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp, nhằm quản lý các rủi ro đối với vấn
đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Luật pháp Việt Nam quy định nhiều nội
dung liên quan đến công tác ATVSLĐ như: Tổ chức bộ máy làm công tác
ATVSLĐ; huấn luyện, truyền thông, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp.
Sự kết hợp các nội dung được luật pháp quy định với các nội dung mang
tính tác nghiệp phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp (như xây dựng chính
sách, đánh giá rủi ro; xác định mục tiêu; kiểm tra, giám sát hàng ngày, cải thiện
điều kiện lao động) theo một trình tự nhất định tạo thành một Hệ thống quản lý
ATVSLĐ đặc thù của doanh nghiệp. Hệ thống quản lý ATVSLĐ hoạt động dựa
trên nguyên tắc cải tiến liên tục. Bởi vậy, nếu thực hiện đơn thuần từng bước
công việc riêng biệt là chưa đủ, cần phải kết hợp các bước với nhau, ví dụ việc
xác định các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại (thông qua quy
trình đánh giá rủi ro) sẽ trở nên vô nghĩa nếu sau đó các biện pháp đó không được
áp dụng chính xác và hiệu quả. Khi xác định được các biện pháp kiểm soát cần
thiết và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, thì bước tiếp theo phải kiểm tra
việc thực hiện các biện pháp đó có đầy đủ, hiệu quả không và cần đề xuất giải
pháp khắc phục nếu biện pháp kiểm soát chưa đầy đủ, hiệu quả hoặc điều chỉnh
để phù hợp hơn với doanh nghiệp. Nếu xét theo nội dung như trên để triển khai
thì cấu trúc Hệ thống quản lý ATVSLĐ được xây dựng thành 10 nhóm nội dung
cụ thể sau:
5.3.3.1. Xây dựng chính sách an toàn, vệ sinh lao động
Bước đầu tiên triển khai Hệ thống quản lý là phải xây dựng được chính sách
ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Đây là cơ sở vận hành Hệ thống quản lý và là nền
tảng định hướng cho việc tổ chức thực hiện tiếp theo. Chính sách ATVSLĐ phải
được thể hiện bằng văn bản trong đó có những cam kết mang tính định hướng của
doanh nghiệp đối với việc bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người lao
động. Chính sách nên tác động đến tất cả các hoạt động trong doanh nghiệp bao
224

gồm cả việc tuyển chọn NLĐ, chọn mua thiết bị, công nghệ đến phương thức tổ
chức làm việc cũng như cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
5.3.3.2. Xác định các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp
Để xây dựng được mục tiêu trong công tác quản lý ATVSLĐ thì đầu tiên
cần phải xác định rõ những yếu tố nguy hiểm, có hại nào có trong môi trường làm
việc hoặc trong quá trình làm việc. Để nắm bắt được vấn đề xác định các mối
nguy hại liên quan đến các yếu tố trên, điều quan trọng nhất phải nhận thức rõ
ràng về bản chất của các mối nguy hại.
5.3.3.3. Đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động
Trên cơ sở xác yếu tố nguy hiểm, có hại được nhận diện tại nơi làm việc,
doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá rủi ro dựa trên những tác hại có thể có tất cả
các yếu tố đó đối với người lao động, làm cơ sở đưa ra các biện pháp giảm thiểu
rủi ro đến mức hợp lý mà doanh nghiệp và xã hội có thể chấp nhận được.
5.3.3.4. Xây dựng mục tiêu an toàn, vệ sinh lao động
Mục tiêu là cụ thể hóa các chính sách của doanh nghiệp, chỉ ra những vấn đề
mà doanh nghiệp cần nỗ lực đạt được về công tác ATVSLĐ. Xác định mục tiêu
là khâu rất cần thiết để xác lập kế hoạch và phân công trách nhiệm. Mục tiêu về
ATVSLĐ phải cụ thể và phù hợp có quy mô, tính chất hoạt động của doanh
nghiệp. Đó là cơ sở để phân bố các nguồn lực, xác định những vấn đề ưu tiên
trong triển khai kế hoạch.
5.3.3.5. Xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Bản kế hoạch ATVSLĐ là một tài liệu chi tiết hóa các nội dung công việc
bắt buộc phải thực hiện để đạt được những mục tiêu và chính sách về ATVSLĐ
đã đề ra. Theo Luật An toàn vệ sinh lao động thì hằng năm, người sử dụng lao
động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Đối
với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù
hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh
lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các
căn cứ sau đây:
225

- Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm
soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
- Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;
- Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao
động của năm kế hoạch;
- Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh
tra, đoàn kiểm tra.
Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;
- Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải
thiện điều kiện lao động;
- Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
- Chăm sóc sức khỏe người lao động;
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
5.3.3.6. Thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Đó là việc các bộ phận, phòng ban và cá nhân có liên quan trong doanh
nghiệp triển khai: nội dung trong kế hoạch ATVSLĐ đã được người sử dụng lao
động thông qua. Để thực hiện hiệu quả, thì doanh nghiệp phải tính toán đến các
tình huống giả định, đồng thời có một bộ phận tư vấn hỗ trợ kỹ thuật khi cần
thiết, song song với việc triển khai truyền thông, huấn luyện nhằm để mọi người
nắm bắt và thống nhất cách hiểu khi triển khai kế hoạch.
5.3.3.7. Giám sát việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Đây là công việc nhằm thường xuyên theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình
thực hiện kế hoạch, là cơ sở để đánh giá và đề xuất các biện pháp điều chỉnh tức
thì. Công việc này gồm các nội dung chủ yếu:
- Tự kiểm tra, đánh giá việc thực hiện từng chỉ số trong mục tiêu được giao;
thực hiện thống kê, báo cáo việc thực hiện;
- Điều tra về tai nạn, sự cố và bệnh tật liên quan đến nơi làm việc;
- Tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện kế hoạch;
226

5.3.3.8. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và khắc phục


Thông qua kết quả kiểm tra và các số liệu thống kê, báo cáo, các doanh
nghiệp có thể xem xét và đánh giá liên tục về hiệu quả của công tác ATVSLĐ
của họ. Sau đó đi sâu phân tích nguyên nhân việc chưa đạt mục tiêu, những việc
làm chưa đúng với quy trình, kế hoạch đã đặt ra, nhằm đề xuất các giải pháp
phòng ngừa và khắc phục. Hành động khắc phục là một hành động tiến hành ứng
phó với tác hại của việc làm chưa đúng quy định, đồng thời cố gắng loại trừ việc
này tái diễn thông qua xác định và triệt tiêu tận gốc nguyên nhân của việc làm
chưa đúng quy định. Trong khi đó hành động phòng ngừa là phương pháp tiếp
cận chủ động ngay từ ban đầu trên cơ sở xác định nguyên nhân có khả năng cao
nhất gây ra những việc làm chưa đúng quy định, đây là nội dung để khởi đầu một
sự cải tiên Hệ thống quản lý ATVSLĐ.
5.3.3.9. Đánh giá hệ thống, cải tiến liên tục
Đánh giá toàn diện hệ thống là đánh giá tổng thể việc thực hiện các mục tiêu
cũng như việc triển khai các nội dung trong kế hoạch ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
Việc đánh giá xem xét lại hệ thống liên quan đến sự cải tiến liên tục hoặc quá
trình đánh giá. Việc xem xét lại hệ thống cần được thực hiện đều đặn nhằm giúp
các cấp quản lý cao nhất đánh giá hiệu quả của hệ thống, đồng thời để đảm bảo
rằng hệ thống này tuân thủ các yêu cầu pháp luật hiện hành. Việc cải tiến liên tục
có thể được bắt đầu thông qua việc sử dụng các chính sách, mục tiêu, kết quả
kiểm tra tổng thể, phân tích dữ liệu, hành động khắc phục và phòng ngừa, Việc
liên tục cải tiến sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện công tác an toàn và giảm tỉ lệ tai
nạn lao động trong doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp cũng cần thường
xuyên được thông báo về cơ hội cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, những cơ hội này cần có mối liên kết với các mục tiêu và định hướng
sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.
5.3.3.10. Nhóm yếu tố hỗ trợ để triển khai hiệu quả hệ thống
Để bảo đảm triển khai hiệu quả các nội dung công việc trong Hệ thống quản
lý cần phải lưu ý nhóm yếu tố hỗ trợ đóng vai trò xuyên suốt tất cả các hoạt động
trong hệ thống. Đó là những yếu tố thuộc về quản lý, điều hành.
227

- Nguồn lực, chế độ kiểm soát việc vận hành, bao gồm cả tng phó khẩn cấp
(tổ chức bộ máy và phân công nhiệm vụ).
- Năng lực, đào tạo và nhận thức (giáo dục và đào tạo).
- Trao đổi thông tin, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật (thông tin và truyền thông)
- Hệ thống tài liệu (tài liệu hóa về thủ tục hành chính quản lý).
- Chế độ kiểm soát tài liệu, thực hiện thống kê, báo cáo (quản lý tài liệu).
- Cơ chế tham gia của người lao động.
a) Tổ chức bộ máy và phân công trách nhiệm: hệ thống có được áp dụng
thành công hay không phụ thuộc vào yếu tố con người, điều này thể hiện qua việc
phân công trách nhiệm, nỗ lực tham gia của các bộ phận, phòng ban và tập thể
NLĐ tại doanh nghiệp vào việc triển khai tất cả các nội dung của Hệ thống quản
lý. Cũng bởi tầm quan trọng của yếu tố con người và tổ chức bộ máy làm công tác
ATVSLĐ, nên trong luật pháp của các quốc gia đều có quy định về nội dung này.
b) Thông tin: hệ thống sẽ không thể triển khai hiệu quả nếu không được hỗ
trợ bởi dòng thông tin hai chiều hiệu quả ở các cấp quản lý trong doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin bao gồm tất cả các kênh thông tin liên lạc, giao tiếp bằng
ngôn từ, bằng văn bản hoặc điện tử trong doanh nghiệp. Người được giao trách
nhiệm chính trong doanh nghiệp cần thiết kế các quy trình đường đi của thông tin
và nhằm phác thảo, cập nhật và phổ biến các thông tin liên quan đến ATVSLĐ
của toàn doanh nghiệp đặc biệt là việc triển khai hệ thống.
c) Huấn luyện: huấn luyện là một yêu cầu cơ bản đối với tất cả mọi nơi làm
việc nhằm đạt được thành công trong việc thực hiện các mục tiêu và định hướng
ATVSLĐ, bao gồm:
- Huấn luyện kiến thức chung mang tính phổ biến, tuyên truyền nâng cao
nhận thức về ATVSLĐ theo yêu cầu chung, chẳng hạn như huấn luyện lần đầu
cho người lao động mới tuyển dụng, các kiến thức cơ bản trong các tình huống
khẩn cấp.
- Huấn luyện chuyên sâu thường áp dụng đối với những người làm nghề,
công việc có nguy cơ cao bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp hoặc những
người phải chịu trách nhiệm về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
228

d) Sự tham gia của người lao động: người sử dụng lao động nên khuyến
khích mạnh mẽ sự tham gia của người lao động vào tất cả các khâu của quá trình
triển khai hệ thống quản lý. Hoạt động này sẽ thiết lập sự làm chủ các hành vi an
toàn ở cấp độ thực hiện của chính đối tượng cần bảo vệ.
5.3.4. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001: 2018
5.3.4.1. Sự ra đời của tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018
Tai nạn lao động luôn là một nguy cơ tồn tại thường xuyên đối với người lao
động trong quá trình họ trực tiếp tham gia làm việc. Hậu quả của vấn đề này
không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn tính mạng của người lao động mà nó
còn ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bởi chi phí bồi thường, hoạt động sản
xuất kinh doanh trì trệ cũng như uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp…Chính
vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho người lao động cần được chú trọng, thực hiện
đồng bộ và có sự chung tay đóng góp trách nhiệm của mỗi một cá nhân người lao
động, người sử dụng lao động và của cả cộng đồng xã hội. Để thực hiện được
điều đó cũng như giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên, Tổ chức ISO đã
phát triển và cho ra đời một tiêu chuẩn mới có tên gọi là Tiêu chuẩn quốc tế ISO
45001:2018 về Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OH&S).
Tiêu chuẩn này được ban hành chính thức vào ngày 12 tháng 3 năm 2018.
Trước khi tiêu chuẩn ISO 45001 ra đời, thế giới đã và đang áp dụng tiêu
chuẩn An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007. Tuy nhiên theo
triết lý và sự vận động của thế giới qua từng thời kỳ, các tổ chức không chỉ mong
muốn cung cấp một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, giảm thiểu nguy
cơ tai nạn mà còn thể hiện được sự chủ động của mình trong việc phòng ngừa,
quản lý các rủi ro, thương tích và bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp. Bên cạnh
đó, các tổ chức còn mong muốn có sự thống nhất và thuận tiện trong việc tích
hợp nhiều hệ thống quản lý nhằm cải tiến hiệu suất tổng thể của mình. Do đó tiêu
chuẩn ISO 45001:2018 đã ra đời và đáp ứng được các tiêu chí trên.
5.3.4.2. Đối tượng áp dụng ISO 45001:2018
ISO 45001:2018 có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào trên thế giới. Với bất
kể quy mô, loại hình hoặc tính chất của doanh nghiệp. Chỉ cần các tổ chức có
229

mong muốn giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho
người lao động thì có thể áp dụng ISO 45001 ngay bây giờ.
Đồng thời, ISO 45001 cho phép các tổ chức, doanh nghiệp, công ty thông
qua hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp để tích hợp các khía cạnh
khác nhau về sức khỏe và an toàn tại doanh nghiệp như chăm sóc sức khỏe hay
phúc lợi của nhân viên… Từ đó, tạo nên một môi trường làm việc an toàn và lành
mạnh cho người lao động.
5.3.4.3. Mục đích và lợi ích của tiêu chuẩn ISO 45001
Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 nhằm
đưa ra khung quản lý các rủi ro và cơ hội về an toàn trong lao động. Vì vậy mục
đích mà tiêu chuẩn này muốn hướng đến là nhằm ngăn ngừa thương tích, bệnh tật
liên quan tới công việc, qua đó cung cấp một môi trường làm việc đảm bảo an
toàn và sức khỏe cho người lao động.
Với mục đích to lớn như vậy, việc các doanh nghiệp áp dụng ISO 45001 vào
hệ thống quản lý của mình sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể như:
 Là minh chứng cho việc tổ chức/doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu của
pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
 Hạn chế tối đa những rủi ro, tai nạn có thể xảy đến, từ đó nâng cao thái độ,
tinh thần và sức khỏe của người lao động
 Tạo ra một văn hóa an toàn và sức khỏe trong doanh nghiệp, từ đó nâng
cao mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động
 Nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp mình với đối tác, khách
hàng, đồng thời giảm thiểu các chi phí về bảo hiểm và khám chữa bệnh
 Nâng cao nhận thức về các rủi ro trong an toàn vệ sinh lao động cho toàn
bộ nhân viên trong doanh nghiệp
 Cải thiện kiểm soát hệ thống và hiệu suất, nâng cao chất lượng, từ đó dễ
dàng thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 thay thế OHSAS 18001:2007: Tiêu chuẩn ISO
45001 được ban hành trên cơ sở tiếp nối thành công của việc áp dụng OHSAS
18001:2007 được Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) ban hành. Đồng thời, ISO
230

45001:2018 sẽ thay thế cho OHSAS 18001:2007. Các doanh nghiệp được chứng
nhận theo OHSAS 18001:2007 đến ngày 12/03/2021 sẽ được chuyển sang ISO
45001:2018. Theo Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, thời gian chuyển đổi từ
OHSAS 18001:2007 sang ISO 45001:2018 là 3 năm. Nếu doanh nghiệp đã được
chứng nhận trước ngày 12 tháng 3 năm 2018 thì việc đánh giá giám sát sẽ theo
tiêu chuẩn cũ. Nhưng khi chứng nhận thì bắt buộc chứng nhận theo tiêu chuẩn
ISO 45001, vì tại thời điểm chứng nhận lại tiêu chuẩn cũ đã hết hạn. Nếu doanh
nghiệp chứng nhận sau ngày 12 tháng 3 năm 2018 thì doanh nghiệp bạn nên lựa
chọn chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.
Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001 dễ tích hợp với các tiêu chuẩn khác: Tương
tự với các tiêu chuẩn đã được ban hành trước đó như ISO 9001:2015 về hệ thống
quản lý chất lượng và ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, ISO
45001 cũng tuân theo cấu trúc cấp cao (HLS). Đồng thời, trong quá trình xây
dựng, nội dung của các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét như OHSAS 18001
hoặc “Hướng dẫn ILO – OSH” của Tổ chức Lao động quốc tế. Vì vậy, khi áp
dụng tiêu chuẩn ISO 45001:2018 chúng ta sẽ thấy các yêu cầu của tiêu chuẩn này
hoàn toàn tương thích và phù hợp với các tiêu chuẩn khác. Điều này sẽ giúp cho
việc chuyển đổi OHSAS 18001 hiện có sang sử dụng tiêu chuẩn ISO 45001 một
cách dễ dàng. Đồng thời, còn cho phép liên kết, tích hợp các các yêu cầu của các
tiêu chuẩn ISO khác về hệ thống quản lý vào quá trình quản lý tổng thể của tổ
chức. Việc áp dụng hệ thống quản lý ISO 45001 là một quyết định đúng đắn và
có tính chiến lược đối với tổ chức, giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho
người lao động cũng như tăng lợi nhuận của tổ chức, từ đó hướng đến sự phát
triển bền vững.
5.3.4.4. Cấu trúc và nội dung của tiêu chuẩn ISO 45001:2018
Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001 có cấu trúc rõ ràng xác định các yêu cầu phải
đáp ứng khi xây dựng hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp. Cấu
trúc này bao gồm 10 điều khoản, cụ thể như sau:
Điều khoản 1: Phạm vi áp dụng
231

Nếu như OHSAS 18001 chỉ hướng tới việc thúc đẩy và hỗ trợ các chuẩn
mực thực hành về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thì ISO 45001 không chỉ
hướng đến việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe mà tiêu chuẩn này
còn đưa ra các biện pháp giúp phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy hoặc thương
tích có thể phát sinh trong khi làm việc và cung cấp một nơi làm việc an toàn,
lành mạnh.
Điều khoản 2: Tài liệu viện dẫn
ISO 45001 không có tài liệu viện dẫn.
Điều khoản 3: Thuật ngữ và định nghĩa
Thuật ngữ và định nghĩa ở ISO 45001 không theo bảng chữ cái như các tiêu
chuẩn khác mà được liệt kê theo tầm quan trọng. Đặc biệt, có một số thuật ngữ và
định nghĩa mới được sửa đổi từ OHSAS 18001:2007.
Điều khoản 4: Bối cảnh của Tổ chức
Ở điều khoản này yêu cầu các doanh nghiệp cần phải phân tích và hiểu bối
cảnh hoạt động của tổ chức mình. Bao gồm các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong
hoặc các nguyên nhân có thể làm ảnh hưởng đến khả năng đạt được kết quả của
hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng
cần xác định nhu cầu của các bên quan tâm, như: đối tác, khách hàng, nhà cung
cấp, cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu này cũng sẽ bao gồm những hiểu biết về
pháp luật, nhân viên, các bên liên quan hay các yêu cầu của cổ đông. Cuối cùng,
doanh nghiệp cần xác định phạm vi của hệ thống quản lý OH&S.
Điều khoản 5: Lãnh đạo và tham gia của mọi người
Tại điều khoản này yêu cầu cần có sự cam kết của lãnh đạo và tất cả nhân
viên trong tổ chức. Việc thực hiện xây dựng và áp dụng ISO 45001 là trách
nhiệm của toàn bộ doanh nghiệp, cần có sự đồng lòng thực hiện chứ không phải
chỉ 1 người hoặc 1 nhóm.
Điều khoản 6: Lập kế hoạch cho hệ thống OH&S
Việc lập kế hoạch đối với yêu cầu của ISO 45001 là rất quan trọng. Bởi kế
hoạch nhằm giúp giảm thiểu những kết quả không như mong muốn như các rủi
ro, sự cố lao động xảy ra, thương tích, bệnh tật hoặc vi phạm pháp luật. Đồng
232

thời, điều khoản này còn đề cập đến việc thiết lập các mục tiêu cho hệ thống quản
lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của tổ chức cũng như cho các phòng ban hay
hoạt động của tổ chức. Cần lưu ý rằng các kế hoạch và mục tiêu bắt buộc phải có
bằng chứng bằng văn bản (được ghi chép và lưu trữ cẩn thận).
Điều khoản 7: Hỗ trợ
Điều khoản 7 bao gồm các yếu tố hỗ trợ như năng lực, nhận thức, thông tin
cũng như các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, ISO 45001 còn yêu cầu tổ chức phải
cung cấp nguồn lực thích hợp để thực hiện ISO 45001. Đồng thời, ISO 45001
cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên thiết lập mục tiêu về ISO 45001 sao cho
phù hợp với mục tiêu và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều khoản 8: Hoạt động
Điều khoản 8 yêu cầu phải kiểm soát hoạt động cũng như chuẩn bị ứng phó
khẩn cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quản lý về gia công và mua hàng cũng
như việc quản lý các rủi ro. Không được chuyển giao rủi ro này cho các nhà thầu
phụ và bản thân mình cần có trách nhiệm. Kiểm soát hoạt động hiệu quả là yếu tố
quan trọng đối với bất kỳ hệ thống quản lý nào, nếu thực hiện tốt điều này sẽ đem
đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Điều khoản 9: Đánh giá hiệu suất
Tuân thủ luật pháp và đánh giá nội bộ là những yếu tố quan trọng trọng việc
giám sát và đo lường hiệu suất. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần phải xem xét hiệu quả
của hệ thống quản lý OH & S, đồng thời có các biện pháp cải tiến và xử lý sự
không phù hợp của hệ thống.
Điều khoản 10: Cải tiến
Tổ chức phải đảm bảo rằng luôn có các biện pháp cải tiến liên tục cho hệ
thống quản lý. Điều này có thể bao gồm xử lý hiệu quả với các điểm sai lỗi và
quy trình hành động khắc phục sự không phù hợp. Việc xử lý và khắc phục này
nên có sự tham gia của những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất vì
họ là người hiểu rõ nhất.
Để thực hiện thành công tiêu chuẩn ISO 45001 là một thách thức lớn, các
doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng các quy trình, chính sách được thực hiện
233

một cách chính xác và hiệu quả. Điều này có thể đạt được bằng cách áp dụng
đúng công thức lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, cải tiến. Đồng thời, tập trung
vào việc đáp ứng các yêu cầu được nêu trong các điều khoản ISO 45001. Nếu
thực hiện được những yếu tố trên cùng với sự đồng lòng và đoàn kết của toàn bộ
nhân viên, chúng tôi chắc chắn công việc triển khai ISO 45001 của bạn sẽ trở nên
dễ dàng hơn.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 5


1. Nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động?
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động?
3. Cơ chế và nội dung phối hợp quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động?
4. Chiến lược quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động?
5. Xã hội hóa an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam?
6. Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam?
7. Khái quát hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động ?
8. Những nội dung chính của Luật An toàn, vệ sinh lao động ?
9. Sự cần thiết phải áp dụng hệ thống quản lý An toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất?
10. Nội dung cơ bản của các hệ thống quản lý An toàn, vệ sinh lao động?

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 5


1. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (2011), Sổ tay hướng dẫn áp dụng hệ
thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, Hà Nội.
2. Bộ lao động Thương binh & Xã hội (2002), Hướng dẫn Hệ thống quản lý
ATVSLĐ (ILO - OHS), Hà Nội.
3. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2012), Tài liệu huấn luyện về an toàn vệ
sinh lao động cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, NXB Lao
động, Hà Nội.
4. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Thông tư Số: 41/2016/TT-BLĐTBXH,
ngày 11/11/2016.
234

5. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2016), Thông tư Số 07/2016/TT-


BLĐTBXH, ngày 15/5/2016.
6. Bộ Y tế (2016), Thông tư số 19/2016/TT-BYT, ngày 30/06/2016.
7. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2019), Tài liệu huấn luyện về an toàn lao
động, vệ sinh lao động, NXB Thanh niên, Hà Nội.
8. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (2022), Tập hợp các văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành về ATVSLĐ và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
NXB Thanh niên, Hà Nội.
9. Hoàng Văn Bính (2010), Vệ sinh lao động, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
10. Đinh Tuấn Hải, Nguyễn Hữu Huế (2018), Quản lý rủi ro trong xây dựng,
NXB Xây dựng, Hà Nội.
11. Trần Quang Khánh (2012), Bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn điện, NXB
Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
12. Nguyễn An Lương và các tác giả (2013), Bảo hộ lao động, NXB Lao động,
Hà Nội.
13. Nguyễn An Lương (2013), “Những vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn, Khái
niệm và nội dung văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam”, Báo cáo
chuyên đề, Hà Nội.
14. Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động.
15. Tạ Đăng Thuần (2020), Giáo trình An toàn lao động & Bảo vệ môi trường,
NXB Khoa Học & Kỹ Thuật, Hà Nội,
16. Vũ Quang Thọ (2011), Tập bài giảng Bảo hộ lao động, NXB Dân trí, Hà Nội,
17. Hoàng Trí (2013), Giáo trình An toàn lao động và môi trường công nghiệp,
NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
18. Lê Vân Trình (2010), Quản lý Môi trường lao động, NXB Lao động, Hà Nội.
19. Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn ISO 45001: 2018, Hệ thống quản lý
an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng, 2018.
20. A. Ian Glendon, Sharon G.Clarke and Eugene F.Mckenna, Human Safety and
Risk management, 2006.
21. AES Corporation, Health and safety technical workshop materials, 2012.
235

22. Benjamin O.Alli, Fundamental principles of Occupational health and safety, 2008.
23. British Standard Institute, BS OHSAS 18001:2007 Occupational Health and
Safety Management system: requirement. 2007.
24. Charles D.Reese, James Verron Eidons, Handbook of OSHA Construction
Safety and health, 2006.
25. David Cliff, The management of Occupational health and safety in
Australian Mining Industry, 2012.
26. Ferrett, P. H. a. E, Introduction to health and safety at work, ITALY,
ELSEVIER. 2011.
27. Helen Lingard and Steve Rowlinson, Occupational health and safety in
construction project management, 2005.

You might also like