Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 10

CHƢƠNG 6: ĐIỀU TRỊ NGỘ ĐỘC CẤP TÍNH

Bài 17: ĐIỀU TRỊ NGỘ ĐỘC THUỐC CẤP TÍNH

A. MỤC TIÊU
1. VỀ KIẾN THỨC
Cung cấp cho sinh viên những kiến thức:
- Trình bày và phân tích được nguyên tắc loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể.
- Trình bày và phân tích được nguyên tắc trung hòa chất độc trong cơ thể.
- Trình bày được các biện pháp điều trị hổ trợ và hồi sức trong ngộ độc thuốc.
2. VỀ KỸ NĂNG
Sau khi học xong chương này sinh viên có thể vận dụng những kiến thức vào thực tế để:
- Xử trí một số trường hợp ngộ độc thuốc: paracetamol, ngộ độc thuốc trừ sâu
phosphor hữu cơ, ngộ độc khí carbon monoxide.
B. NỘI DUNG
- Ngộ độc thuốc thường là do nhầm lẫn (thầy thuốc, người bệnh) hoặc do cố ý (tự tử,
đầu độc). Những trường hợp nhầm lẫn thường không nặng lắm, vì được chẩn đoán đúng
và sớm nên xử lý kịp thời. Còn những trường hợp cố ý thì thường rất nặng vì nạn nhân
che giấu tên thuốc đã dùng, liều thuốc nhiễm độc lại quá lớn và lúc đưa đến điều trị
thường đã muộn, cho nên chẩn đoán khó khăn, xử trí nhiều khi phải mò mẫm.
- Chỉ có rất ít thuốc có triệu chứng ngộ độc đặc hiệu và cách điều trị đặc hiệu.
- Điều trị ngộ độc cấp bao gồm 3 giải pháp chủ yếu sau:
1. Hỗ trợ các chức năng sống của cơ thể (trợ hô hấp, tuần hoàn) và điều trị triệu chứng.
2. Làm giảm hấp thu và thải trừ nhanh các chất độc.
3. Dùng các chất giải độc đặc hiệu
1. Loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể
1.1. Qua da, niêm mạc
- Cởi bỏ quần áo bẩn lẫn hóa chất độc, tắm rửa bằng xối nước ấm và xà phòng,
gội đầu.
- Rửa mắt khi chất độc bắn vào: cần rửa mắt liên tục 15 phút bằng dòng nước
sạch, chảy liên tục trước khi đưa đi khám chuyên khoa mắt.
1.2. Qua đƣờng tiêu hoá
1.2.1. Gây nôn
- Chỉ định: nếu mới uống phải chất độc và nạn nhân còn tỉnh táo, chưa có triệu
chứng ngộ độc.
1
- Chống chỉ định: nạn nhân lờ đờ, hôn mê hay co giật, ngộ độc axít hay kiềm mạnh.
- Gây nôn bằng cách cho nạn nhân uống 100-200 ml nước sạch rồi ngay lập tức
dùng tăm bông hoặc ống xông ngoáy họng, cúi thấp đầu nôn, tránh sặc vào phổi. Quan
sát chất nôn, giữ lại vào một lọ gửi xét nghiệm.
1.2.2. Rửa dạ dày
- Chỉ định
+ Hầu hết các ngộ độc đường tiêu hóa.
+ Cho các bệnh nhân không gây nôn được.
- Chống chỉ định
+ Sau uống các chất ăn mòn : acid, kiềm mạnh
+ Sau uống các hoá chất: dầu hoả, ét xăng, parafin: đặt sonde nhỏ mềm và hút để
phòng tránh biến chứng sặc vào phổi, bệnh nhân hôn mê, co giật trừ khi được đặt ống nội
khí quản và dùng thuốc chống co giật.
1.3. Qua đƣờng hô hấp
Ngộ độc các thuốc thải qua đường hô hấp như các thuốc mê bay hơi, rượu, khí
đốt, xăng, aceton...cần làm tăng hô hấp bằng các thuốc kích thích như cardiazol (tiêm tĩnh
mạch ống 5 ml, dung dịch 10%), lobelin (tiêm tĩnh mạch ống 1 ml, dung dịch 1%), hoặc
hô hấp nhân tạo.
1.4. Qua đƣờng tiết niệu
1.4.1. Bài niệu tích cực
- Bài niệu tích cực nhằm mục đích nhanh chóng thải trừ chất độc qua đường thận
với tốc độ 150-200ml giờ ở người lớn, 100ml/giờ ở trẻ em. Dịch truyền chọn trong bài
niệu tích cự tùy thuộc vào loại chất độc, tình trạng điện giải và bệnh kèm của bệnh nhân.
- Dịch đẳng trương thường được lựa chọn nhiều nhất (1/2 glucose 5%, 1/2 NaCl
0,9%). Nếu đã truyền đủ dịch, huyết áp đảm bảo mà không đạt lưu lượng nước tiểu
khoảng 200ml/giờ có thể dùng thêm furosemide tĩnh mạch. Chống chỉ định bài niệu tích
cực cho bệnh nhân suy thận thể thiểu niệu hay vô niệu.
1.4.2. Kiềm hoá nƣớc tiểu
- Kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicarbonat (NaHC03) 1,4% làm tăng thải trừ
acid yếu. Các chất độc có bản chất acid gặp môi trường kiềm pH7-8, khi đi vào ống thận
sẽ chuyển thành dạng ion không được tái hấp thu và được đào thải. Kiềm hóa nước tiểu
được chỉ định trong ngộ độc salicylate, methotrexate, chất diệt cỏ 2,4-
diclorophenoxyacetic acid (2,4 D), phenobarbital.
2
- Nhược điểm là đưa thêm Na+ vào cơ thể vì vậy khi chức năng thận không được
tốt, dễ gây tai biến phù não.
1.4.3. Acid hóa nƣớc tiểu
- Acid hóa nước tiểu sẽ làm tăng thải trừ những thuốc có bản chất là base yếu
như cloroquin, quinin…
- Chất thường dùng để acid hóa nước tiểu là NH4Cl để đạt pH= 4,5-5,5.
2. Trung hòa chất độc
Thường dùng các chất tương kỵ để ngăn cản hấp thu chất độc, làm mất hoạt tính
hoặc đối kháng với tác dụng của chất độc.
2.1. Các chất tƣơng kỵ hóa học tại dạ dày
Để ngăn cản hấp thụ chất độc, thường dùng rửa dạ dày bằng các dung dịch:
- Tanin 1-2%: 100-200 ml (có thể thay thế bằng nước chè đặc) có tác dụng làm kết
tủa một số alcaloid và kim loại như strychnin, apomorphin, cocain, muốỉ kẽm, coban,
đồng, thuỷ ngân, chì...
- Sữa, lòng trắng trứng (6 quả cho 1 lít nước) ngăn cản hấp thu các muối thủy
ngân, phenol.
- Than hoạt (nhũ dịch 2%) hoặc bột gạo rang cháy, kaolin có tác dụng hấp phụ các
chất độc như HgCl2, strychnin, morphin... Than hoạt còn hấp phụ mạnh cả các chất mang
điện tích dương cũng như âm cho nên có thể dùng được trong hầu hết các trường hợp
nhiễm độc đường tiêu hóa.
2.2. Sử dụng các thuốc đối kháng dƣợc lý đặc hiệu
- Dùng naloxon tiêm tĩnh mạch khi bị ngộ độc morphin và các opiat khác, dùng
vitamin K liều cao khi ngộ độc dicumarol, truyền tĩnh mạch dung dịch glucose khi bị ngộ
độc insulin...
- Phương pháp này dùng điều trị có hiệu quả nhanh và tốt, nhưng chỉ có rất ít thuốc có
tác dụng đối kháng dược lý đặc hiệu, cho nên phần lớn phải điều trị theo triệu chứng.
3. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống
Trong nhiều trường hợp ngộ độc cấp nếu hồi sức và điều trị triệu chứng tốt thì
người bệnh có thể “tự giải độc”.
3.1. Hôn mê
- Đối với bệnh nhân hôn mê, vấn đề đầu tiên là thông khí.
- Thông khí bị cản trở có thể do dịch tiết của đường hô hấp, phù nề lưỡi, phù nề thanh
quản…vì vậy cần cho bệnh nhân thở oxy đầy đủ.
3
- Đánh giá sự thông khí bằng cách theo dõi nhịp thở, mức độ thở sâu. Nếu có điều
kiện và cần thiết, tiến hành phân tích khí trong máu động mạch.
3.2. Co giật
- Bệnh nhân bị co giật có thể do trực tiếp các chất độc hại gây nên (như dùng quá
nhiều chất kích thích thần kinh trung ương hoặc gián tiếp các chất đó gây rối loạn cơ thể:
hạ đường huyết, thiếu oxy máu…)
- Xử lý đầu tiên là phòng ngừa các thương tổn có thể có do co giật gây ra. Nếu co giật
do hạ đường huyết cần tiêm truyền dung dịch glucose, đồng thời nên tiêm chậm tĩnh
mạch dung dịch diazepam hoặc dung dịch barbiturat.
3.3. Biến chứng về tim mạch, huyết áp
- Biến chứng về tim mạch và huyết áp cũng hay xảy ra khi ngộ độc thuốc. Hạ huyết áp
có thể do các chất độc hại ảnh hưởng đến lưu lượng tim hoặc giảm sức cản mạch ngoại
vi…Xử lý bằng cách tiêm truyền các dung dịch truyền thích hợp. Nếu giảm huyết áp gắn
liền với giảm tưới máu, nên dùng các chất gây co mạch (có thể dùng noradrenalin tiêm
truyền tĩnh mạch).
-Tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch não. Tùy thuộc vào mức độ tăng huyết áp và
bản chất của chất độc hại mà lựa chọn các chất gây hạ huyết áp thích hợp.
- Loạn nhịp tim có thể do tác dụng trực tiếp của chất độc hại trên tim hoặc gián tiếp do
chúng gây rối loạn cơ thể như mất cân bằng kiềm toan, hạ oxy máu…
- Điều trị bằng các chất chống loạn nhịp như lidocain, propanolol nếu cần thiết có thể
dùng máy điều hòa nhịp tim.
3.4. Nhiễm độc tại chỗ
- Nhiễm độc tại chỗ thường do các base, acid mạnh tiếp xúc trực tiếp và gây tổn
thương trên da, mắt, niêm mạc. Khi nhiễm độc tại chỗ cần rửa ngay bằng nước sạch
nhiều lần, càng sớm càng tốt.
- Tuyệt đối không dùng các acid hoặc base để trung hòa các tác nhân gây độc vì có thể
gây tổn thương thêm cho tổ chức do nhiệt giải phóng ra từ phản ứng trung hòa. Nếu
những chất gây độc tan trong dầu mỡ, nên dùng nước và xà phòng để làm sạch các chất
đó. Nếu quần áo, tóc bị nhiễm các chất gây độc cần phải được làm sạch để tránh tái
nhiễm cho cơ thể.
- Khi các acid hoặc base nhiễm vào mắt có thể gây bỏng giác mạc và kết mạc. Biện pháp
xử lý đầu tiên là phải rửa mắt ngay bằng nước sạch trong vòng 10-15 phút. Hậu quả của
nhiễm trùng ở mắt thường là nghiêm trọng, nên sau khi sơ cứu hoặc nếu có thể chuyển bệnh
nhân đến thầy thuốc chuyên khoa càng sớm càng tốt.

4
- Cần lưu ý một số chất như các dẫn chất phospho hữu cơ, carbamat, các thuốc diệt
cỏ… khi tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc gây tổn thương tại chỗ, chúng còn có thể
được hấp thu và gây độc toàn thân.
3.5. Công tác chăm sóc ngƣời bệnh
- Chế độ dinh dưỡng: cho ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu, đủ calo... Cần cho thêm nhiều
vitamin đặc biệt là vitamin B, C, cho thêm insulin khi phải truyền nhiều đường.
- Các kháng sinh đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.
- Làm tốt công tác chăm sóc: hút đờm dãi, vệ sinh chống loét...
4. Xử trí một số trƣờng hợp ngộ độc
4.1. Ngộ độc Paracetamol
- Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi không cần đơn do
vậy tỉ lệ ngộ độc paracetamol xu hướng tăng nhanh. Khi dùng quá liều, phần lớn thuốc
được hấp thu trong vòng 2 giờ, nồng độ đỉnh đạt được sau uống là 4 giờ. 90%
paracetamol được chuyển hoá ở gan theo con đường sulphat hoá và glucuronide hoá,
phần còn lại được hệ enzym cytochrome P-450 chuyển hoá (hệ này chủ yếu ở gan) thành
N-acetyl-parabenzoquinonimine (NAPQI).
- Khi uống quá liều paracetamol thì quá trình sulfat hóa bị bão hòa, làm lượng NAPQI
tăng lên gây độc với gan. NAPQI gắn với màng tế bào gan và gây tổn thương lớp màng
lipid kép của tế bào gan.
- Glutathione của gan là chất chống oxy hoá chủ yếu, chất này gắn và trung hoà NAPQI.
Nhưng khi dùng liều cao, N-acetyl parabenzoquinonimin quá thừa (glutathion của gan sẽ
không còn đủ để trung hoà nữa) sẽ gắn vào protein của tế bào gan và gây ra hoại tử tế bào.
- Liều paracetamol gây ngộ độc là > 150mg/kg/lần.
- Điều trị
+ Ổn định bệnh nhân: xử trí cấp cứu ổn định tình trạng bệnh nhân: áp dụng theo
nguyên tắc chung, xử trí các tình trạng nặng (như suy hô hấp, tụt huyết áp,…).
+ Loại bỏ chất độc
* Gây nôn: nếu bệnh nhân mới uống paracetamol trong vòng 1 giờ.
* Rửa dạ dày: khi bệnh nhân mới uống trong vòng 6 giờ.
* Than hoạt: sau khi bệnh nhân được gây nôn hoặc rửa dạ dày. Dùng 1 liều 1g/kg,
kết hợp với sorbitol liều tương đương. Nếu bệnh nhân đến viện sớm trước 6 giờ, có thể
dùng than hoạt trước 1-2 giờ hoặc đồng thời với liều NAC đầu tiên.Việc dùng than hoạt
không được làm chậm trễ việc dùng NAC của bệnh nhân, đặc biệt khi bệnh nhân đến
viện sau 6 giờ.

5
+ Thuốc giải độc
* N-acetylcystein, NAC (Mucomyst, Acemuc). Là thuốc giải độc đơn giản, rất
hiệu quả, có tác dụng tránh cho bệnh nhân không bị viêm gan (khi đến sớm, chưa có
viêm gan) hoặc cải thiện tình trạng viêm gan, suy gan cấp của bệnh nhân.
* NAC đóng vai trò thúc đẩy chuyển hóa paracetamol theo con đường sulfat (con
đường không gây độc) và là tiền chất của glutathione.
* NAC cần được dùng sớm ngay khi có chỉ định, đặc biệt trong vòng trước 8 giờ
sau uống quá liều paracetamol để đảm bảo tác dụng giải độc hoàn toàn của thuốc. Nếu
dùng muộn sau 8 giờ, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm gan.
* Chỉ định: tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ ngộ độc
paracetamol.
* Tác dụng phụ của NAC: nói chung thuốc an toàn, tác dụng phụ thường gặp là
nôn, ỉa chảy với chế phẩm dạng uống, tuy nhiên có thể nhầm với với nôn do bản thân ngộ
độc paracetamol thực sự. Cần điều trị hết nôn để bệnh nhân có thể uống đủ NAC. Nếu
nôn khó kiểm soát thì có thể chuyển sang dùng NAC tĩnh mạch (nếu có thuốc).
* Liều dùng: NAC dạng uống, liều ban đầu là 140 mg/kg, các liều sau 70mg/kg/lần, 4
giờ/lần (tổng 18 liều). NAC dạng truyền tĩnh mạch: hiện có nhiều phác đồ dùng, tất cả các
phác đồ đều hiệu quả tốt. Sau đây là liều ban đầu 150mg/kg truyền trong 60 phút, liều tiếp
theo 50mg/kg truyền trong 4 giờ, liều duy trì 100mg/kg, truyền trong 16 giờ.
* Thời gian dùng: dùng đến khi paracetamol máu âm tính và men gan không tăng,
chức năng gan chưa rối loạn.
4.2. Ngộ độc cấp thuốc trừ sâu phospho hữu cơ
- Các hợp chất phospho hữu cơ khi vào cơ thể sẽ gắn với acetylcholinesterse
(AchE) dẫn đến phosphoryl hóa và làm mất hoạt tính của AChE. Hậu quả là acetylcholin
tích lũy và kích thích liên tục các receptor ở hậu synap gây lên hội chứng cường
cholinergic là bệnh cảnh chính của ngộ độc phospho hữu cơ.
- Thuốc giải độc: Atropin, Pralidoxim (PAM)
- Các biện pháp hạn chế hấp thu
+ Ngộ độc đường hô hấp: đưa ngay bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc.
+ Ngộ độc đường da: cởi bỏ quần áo nhiễm độc chất, rửa vùng da tiếp xúc độc
chất với xà phòng và nhiều nước sạch.
+ Ngộ độc đường tiêu hoá
* Gây nôn nếu không có chống chỉ định.
6
* Đặt ống thông dạ dày lấy dịch để xét nghiệm độc chất
* Than hoạt 50 g + 200ml nước bơm vào dạ dày, trong 3 phút, rồi lắc bụng tháo ra.
* Rửa dạ dày: 5-10 lít nước muối 5-9%o, 2-3 lít đầu cho kèm than hoạt 20g/l.
- Các điều trị hỗ trợ
+ Bảo đảm hô hấp: thở oxy qua xông mũi. Đặt nội khí quản hút đờm dãi và thở
máy nếu có suy hô hấp . ƒ
+ Bảo đảm tuần hoàn: Truyền đủ dịch. Nếu có tụt huyết áp: bù đủ dịch; truyền
TM dopamin 5-15 μg/kg/phút (thuốc làm tăng tính co bóp cơ tim và tần số tim tăng)ƒ
+ Nuôi dưỡng
* Ngày đầu: nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.
* Ngày thứ 2 trở đi : 2.000 kcalo/ ngày bằng cả 2 đường tiêu hoá và TM.
* Chăm sóc toàn diện, vệ sinh thân thể, giáo dục phòng tái nhiễm, khám “tâm
thần” cho các bệnh nhân tự tử.
4.3. Ngộ độc khí carbon monoxide
- Carbon monoxide (CO) là khí không màu, không mùi, không vị, không gây kích
thích, một sản phẩm của sự đốt cháy không hoàn toàn.
- Nồng độ trung bình của CO trong không khí 0,1ppm (ppm: parts per million, số
phần tử chất đó trong 1 triệu phân tử không khí). Ở những nơi xe cộ dày đặc, nồng độ có
thể vượt quá 100 ppm.
- Cơ chế tác dụng
CO gắn kết thuận nghịch với hemoglobine ở vị trí oxygen gắn vào và có ái lực
với hemoglobine mạnh hơn oxygen khoảng 220 lần, hình thành carboxyhemoglobin
không có khả năng vận chuyển oxygen. Hơn nữa, carboxyhemoglobin cản trở sự tách
ra của oxygen từ oxyhemoglobin còn lại, kết quả làm giảm vận chuyển oxygen đến
mô. Não và tim chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
- Biểu hiện lâm sàng
+ Dấu hiệu chính của nhiễm độc CO là chứng giảm O2 không khí thở vào và hậu
quả tiếp theo:
* Suy yếu tâm thần vận động.
* Đau đầu và căng tức ở vùng thái dương.
* Lẫn lộn và mắt lờ đờ.
* Tim đập nhanh, nhịp thở nhanh; ngất và hôn mê.
* Hôn mê sâu, co giật, shock và suy hô hấp.
7
+ Mức carboxyhemoglobin dưới 15% ít gây ra những triệu chứng, đột quỵ và ngất
xảy ra ở mức 40% và trên 60% có thể gây ra tử vong. Giảm O2 không khí thở vào kéo
dài và mất ý thức sau đó có thể dẫn đến tổn thương không hồi phục não và cơ tim. Ở
người lao động nặng, ở độ cao quá cao, nhiệt độ nơi làm việc cao những dấu hiệu trên có
thể nặng thêm lên.
+ Nhiễm độc CO thường nhiễm độc cấp nhưng tiếp xúc lâu ngày với liều thấp có
thể gây ra những tác dụng không mong muốn đó là bệnh xơ vữa động mạch vành ở người
hút thuốc lá.
- Điều trị
+ Trường hợp nhiễm độc cấp
+ Cần di chuyển bệnh nhân ra khỏi vùng nhiễm độc
+ Duy trì hô hấp cho bệnh nhân
+ Cho bệnh nhân thở O2 (chất đối kháng đặc hiệu của CO).
Áp suất không khí trong phòng 1 atm, thời gian bán hủy của CO 320 phút, 100%
O2 thời gian bán hủy còn khoảng 80 phút.
Kết luận
- Xử trí ngộ độc thuốc cấp là vấn đề cần giải quyết nhanh và hiệu quả, tuy nhiên
những trường hợp ngộ độc thuốc cấp do tự tử thường bệnh nhân đến muộn.
- Bác sĩ cần đánh giá các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trước khi can thiệp. Cần
loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể, trung hòa chất độc và dùng các chất giiar độc đặc hiệu
nếu có. Bên cạnh đó để dự phòng, cần để các thuốc khỏi tầm với của trẻ, phải có nhãn ghi
rõ tên thuốc.
C. HÌNH THỨC VÀ PHƢƠNG PHÁP DẠY-HỌC
a. Nội dung
 Trình chiếu Powerpoint, phấn bảng.

 Đặt vấn đề, trao đổi.

b. Sau khi học xong lý thuyết sinh viên vận dụng làm bài tập để hệ thống hóa lại kiến
thức chương.
LƢỢNG GIÁ
1. Cách sau giúp loại trừ chất độc ra khỏi đường tiêu hóa
A. Súc rửa dạ dày
B. Dùng các thuốc kích thích hô hấp
8
C. Thuốc lợi niệu thẩm thấu
D. Kiềm hóa nước tiểu
2. Chống chỉ định súc rửa dạ dày trong trường hợp sau
A. Suy gan
B. Suy thận
C. Ngộ độc các chất ăn mòn
D. Tăng cholesterol máu
3. Chất giải độc đặc hiệu khi ngộ độc thuốc trừ sâu phosphor hữu cơ là atropin
A. Đúng
B. Sai
4. Trong điều trị ngộ độc thuốc cấp tính, người bệnh bị hôn mê, tăng tiết nhiều đờm giải
việc đầu tiên và quan trọng đó là
A. Đảm bảo thông khí cho bệnh nhân
B. Truyền glucose ưu trương
C. Dùng các thuốc an thần kinh
D. Dùng các thuốc chống loạn nhịp tim
5. Công việc đầu tiên khi sơ cấp cứu bệnh nhân ngộ độc khí carbon monoxide là hà hơi
thổi ngạt
A. Đúng
B. Sai

9
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách Giáo Khoa:


1. Bộ Y Tế (2009). Dược Lý học (Tập 1). Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất bản Giáo Dục.
2. Bộ Y Tế (2009). Dược Lý học (Tập 2). Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất bản Giáo Dục.
Sách tham khảo:
1. Bộ môn Dược Lý (2018). Giáo trình Dược Lý Học 1. Huế, Việt Nam: Đại học Y Dược
Huế.
2. Hoàng Kim Huyền-J-R.B.J.Brouwers (2014). Dược lâm sàng-Những nguyên lý cơ bản
và sử dụng thuốc trong điều trị (Tập 1). Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y học.
3. Hoàng Kim Huyền-J-R.B.J.Brouwers (2014). Dược lâm sàng-Những nguyên lý cơ bản
và sử dụng thuốc trong điều trị (Tập 2). Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y học.
4. Nguyễn Thị Ái Thủy (2022). Giáo trình Dược lý học cho Y. Đà Nẵng, Việt Nam: Đại học
Duy Tân.

10

You might also like