Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 36

Chương 3

GIÁ TRỊ PHONG CÁCH CỦA MỘT SỐ ĐƠN VỊ NGÔN NGỮ


VÀ BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG TIẾNG VIỆT
3.1. Giá trị phong cách của một số lớp từ tiếng Việt
3.1.1. Lớp từ Hán Việt so với từ thuần Việt tương đương
3.1.1.1. Vài nét về từ Hán Việt
Từ Hán Việt là lớp từ được phát âm theo cách phát âm của người Việt, và người Việt dùng
để đọc các văn bản viết bằng chữ Hán. Xét về chữ thì có chữ Hán mà không có chữ Hán Việt và
cũng không có tiếng Hán Việt; Hán Việt chỉ là cách phát âm riêng của người Việt về chữ Hán.
Trong từ vựng tiếng Việt hiện nay, theo một thống kê trước đây của H. Maspéro (1912),
lớp từ Hán Việt chiếm khoảng gần 70%; 30% còn lại là từ thuần Việt và vay mượn từ các ngôn
ngữ khác. Sở dĩ có số lượng từ gốc Hán nhiều như vậy là vì lịch sử của đất nước, giai đoạn đầu
chúng ta dùng chữ Hán, sau đó mới sáng tạo và dùng chữ Nôm và mới đến chữ Quốc ngữ như
bây giờ.
Trải qua quá trình lựa chọn, cải biên và vận dụng kéo dài hàng nghìn năm, lớp từ Hán Việt
đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc ta và được chúng ta
sử dụng trong giao tiếp thể hiện sắc thái tu từ trong các phong cách chức năng khác nhau. Từ
Hán Việt là nguồn chất liệu khá lớn với tư cách là nhóm thuật ngữ trong khoa học xã hội và nhân
văn, trong văn bản hành chính, trong báo chí truyền thông, trong văn bản chính luận và trong văn
học nghệ thuật.
Các sắc thái ngữ nghĩa của từ Hán Việt có sức mạnh tu từ một mặt chính là vì chúng nằm
trong thế đối lập với các từ thuần Việt. Hay nói một cách khác, chính sự đối lập với tiếng Việt là
nguyên nhân làm cho nó có sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ mà nó vốn không có khi ở trong tiếng
Hán. Và sắc thái mới ấy chính là bằng chứng chắc chắn cho thấy rằng từ Hán Việt đã là một bộ
phận hữu cơ của hệ thống từ vựng tiếng Việt.
3.1.1.2. Đặc điểm
- Về cấu tạo, những từ Hán Việt có trong tiếng Việt đa số tồn tại dưới dạng từ ghép, tức là ít
tồn tại dạng đơn tiết, nhất là trong hoạt động tạo câu trong giao tiếp. Ví dụ, chúng ta không nói:
“Tôi đi lên sơn. Tôi uống thuỷ”. Chúng ta nói “Nhập gia tuỳ tục” mà không nói “Vào gia tuỳ
tục”… Hãn hữu chúng ta thấy có hiện tượng dùng chêm xen như một thủ pháp nghệ thuật, chẳng
hạn, việc sử dụng từ “nguyệt” trong một số câu thơ của Nguyễn Trãi: “Nguyệt mọc đầu non kình
dội”, “Đêm thanh hớp nguyệt nghiên chén”, “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt”, … Việc chêm
xen từ “nguyệt” và đặt nó vào các vị trí cú pháp khác nhau đã tạo ra một cặp đối lập “trăng”,
“nguyệt” về phong cách sử dụng và sắc thái ngữ nghĩa.
- Vì cùng có gốc là từ đơn âm, cho nên từ Hán Việt có sức sản sinh rất lớn, tức là có thể dùng
làm cơ sở cho việc sáng tạo ra từ mới, ví dụ: Những yếu tố như: nhân, trưởng, viên, gia, giả, sĩ,
hoá…có thể tạo ra hàng loạt từ mới khi ghép với một từ căn chỉ sự vật khác: công nhân, thuyền
nhân, yếu nhân, doanh nhân, phạm nhân, cử nhân, tiền nhân, cổ nhân, cố nhân, siêu nhân, …; tổ
trưởng, đội trưởng, sư trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, cục trưởng, thủ trưởng, đoàn
trưởng, nhóm trưởng, lớp trưởng, thuyền trưởng, kíp trưởng, nhạc trưởng, tộc trưởng, gia trưởng,
viện trưởng…; trưởng đoàn, trưởng họ, trưởng thôn, trưởng khoa, trưởng tàu…; đoàn viên, đảng
viên, nhân viên, tiếp viên, kĩ thuật viên, phóng viên, biên tập viên, nghiên cứu viên, giáo viên,
giảng viên, báo cáo viên…; chuyên gia, triết gia, đại gia, thương gia, quốc gia, hoàng gia, thông
gia, quản gia, danh gia, tác gia…; tác giả, soạn giả, dịch giả, kí giả, khán giả, độc giả, trưởng
giả…; thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, nhân sĩ, chí sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, chiến sĩ,
vệ sĩ, võ sĩ, lực sĩ, liệt sĩ, tu sĩ, giáo sĩ,…; hợp tác hoá, nông nghiệp hoá, công nghiệp hoá, hiện đại
hoá, hoá học hoá, phổ cập hoá, tin học hoá, số hoá, Việt hoá, hư hoá… Trong cuốn “Mẹo giải
nghĩa từ Hán Việt”, giáo sư Phan Ngọc đã thống kê được 250 âm tiết Hán Việt có sức sản xuất cao.
[18]
- Nét chung về nghĩa của từ Hán Việt là hiện tượng mờ nghĩa, tức là thường mang tính trừu
tượng, khái quát cao, vì thế, khi tiếp cận từ Hán Việt, chúng ta thường cảm thấy nghĩa của nó mơ
hồ, khó giải thích. Chẳng hạn, khi nghe các từ như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, độc lập, tự
do, hoà bình, chiến tranh, hàm số, hằng số..., chúng ta phải tìm yếu tố tương đương trong từ
thuần Việt hoặc đối chiếu với nghĩa của ngôn ngữ khác thì mới suy ra được ý nghĩa của chúng.
3.1.1.3. Sắc thái tu từ của từ Hán Việt
a. Sắc thái trang trọng
Có thể nhận thấy, lớp từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng, trong khi lớp từ thuần
Việt lại bình dân và sinh động hơn. Một số từ Hán Việt so với từ thuần Việt thì tạo cảm giác
trang trọng, nghiêm trang hơn: phụ nữ - đàn bà; hi sinh - chết, lưu thuỷ - nước chảy, phong trần -
gió bụi, tử thi - xác chết....
Dùng sinh, phế, phúng, tặng, tẩy… thay cho: đẻ, bỏ, viếng, cho, rửa… rõ ràng là trang trọng
hơn.
Cách đặt tên phố, chợ, bút danh (các nhà thơ trào phúng lại dùng các từ thuần Việt cho có vẻ
hài hước).
Bác Hồ dùng từ Hán Việt trong trường hợp trang nghiêm: Các em quyết tử cho Tổ
quốc quyết sinh.
Về sắc thái phong cách: từ Hán Việt có phong cách gọt giũa và thường được dùng trong lĩnh
vực khoa học, chính luận, hành chính. Trong khi đó tiếng Việt nhìn chung có màu sắc đa phong
cách, thông dụng, đời thường. Ví dụ: huynh đệ - anh em, bằng hữu - bạn bè, thiên thu - ngàn
năm, bách niên - trăm năm...
Giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt đồng nghĩa thì từ Hán Việt có sắc thái trừu tượng, trang
trọng, tao nhã, cổ kính còn từ thuần Việt mang sắc thái cụ thể, gần gũi. Vì thế, người ta dùng từ
Hán Việt trong các trường hợp muốn tạo sắc thái trang trọng, nghiêm trang, biểu thị thái độ tôn
kính, trân trọng, làm nổi bật ý nghĩ lớn lao của sự vật, sự việc. Ví dụ: báo Phụ nữ (không gọi là
báo đàn bà), đồng hồ/xe đạp nữ (không gọi là đồng hồ/xe đạp gái), thôn nữ (không gọi là gái
quê), Hội phụ nữ (không nói hội đàn bà), Quốc tế thiếu nhi (không nói quốc tế trẻ con)...
b. Sắc thái tao nhã
Về sắc thái biểu cảm, cảm xúc, nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, thanh nhã.
Trong khi đó, nhiều từ thuần Việt biểu thị cụ thể về sự vật, hiện tượng, do đó mang sắc thái thân
mật, trung hòa, thậm chí khiếm nhã. Khi đó, từ Hán Việt thay thế cho từ thuần Việt trong trường
hợp từ thuần Việt khi được nói ra gây cảm giác thô tục, khiếm nhã. Điều này giải thích vì sao
trong tiếng Việt tồn tại song song cả hai nhóm từ này. Ví dụ: phu nhân - vợ, thôn nữ - gái quê, hi
sinh - chết...
Các từ chỉ bệnh tật : thổ huyết – mửa ra máu, xuất huyết – chảy máu, viêm – sưng, phong –
hủi/cùi, bệnh tâm thần – bệnh điên…
Các từ chỉ tai nạn, chết chóc: hoả hoạn – cháy, mai táng - chôn, từ trần – chết…
Các từ chỉ bộ phận cơ thể người và hoạt động sinh lí: phụ khoa, hậu môn, đại tiện, tiểu tiện,
tiểu đường, …
Từ Hán Việt được dùng với tư cách là uyển ngữ: mãn nguyệt khai hoa, động phòng hoa
trúc, thanh mai trúc mã, du lịch, khai phóng, nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, hộ chiếu…
Trong giao tiếp, việc dùng từ bao hàm một sự đánh giá hiện thực khách quan và có tính
đến hiệu quả của lời nói. Nhưng khi những sự thật trần trụi quá thường gây cảm giác thô tục ở cả
người nói lẫn người nghe. Để giảm thiểu sắc thái biểu cảm thô tục, người Việt tìm những từ Hán
Việt tương đương để thay thế vì chúng làm mờ nghĩa hơn từ thuần Việt.
c. Sắc thái khái quát và trừu tượng
Một số từ Hán Việt, đặc biệt là thuật ngữ khoa học có ý nghĩa khái quát hoá cao mà từ
thuần Việt không có hoặc không có nghĩa tương đương.
- Về chính trị: độc lập, tự do, dân chủ, dân quyền, chính phủ, quốc hội…
- Về ngoại giao: công hàm, công ước, hiệp ước, lãnh sự, sứ quán, tuỳ viên, quyền tài phán,
hữu nghị, đàm phán, …
- Về quân sự: tiến công, kháng chiến, du kích, hậu cần, sĩ quan, binh sĩ, thương binh, liệt sĩ,
tiền tuyến, hậu phương…
- Về khoa học: địa lí, địa cầu, đồng quy, tiếp tuyến, vi phân, tích phân, số học, hình học,
lượng giác, quỹ tích, vô cơ, hữu cơ…
- Tên mùa, hướng, tiết…: Xuân, hạ, thu, đông; đông, tây, nam, bắc; lập xuân, xuân phân,
lập hạ, tiểu thử, đại hàn…
- Những từ chỉ sự vật, hiện tượng: bách khoa, thấp cẩm, thiên cơ, tạo hoá, hoá công, cơ đồ,
tư duy, phong kiến, đình công, lãn công, công sản, công quỹ…
Những thuật ngữ này có nội hàm lớn, tính khái quát cao, nếu dùng từ thuần Việt thì dài
dòng.
Từ Hán Việt một mặt có tính chất trừu tượng, tĩnh, gợi cho ta hình ảnh thế giới ý niệm im
lìm, tĩnh tại… , mặt khác lại gợi sắc thái sinh động, cụ thể của thế giới thực tại. Có thể lấy ví dụ
so sánh bằng hai bài thơ: Thu điếu của Nguyễn Khuyến và Chiều hôm nhớ nhà của Bà huyện
Thanh Quan. Trong bài Thu điếu, Nguyễn Khuyến dùng toàn từ thuần Việt để gợi về mùa thu có
thực, về nông thôn bình dị, đẹp nên thơ và rất đỗi thân yêu của làng quê Việt Nam. Ông không
dùng từ Hán Việt vì nếu dùng thì cảm giác thân quen, gần gũi rất có thể sẽ bị mất đi. Và ở đây,
chính các từ thuần Việt đã tạo nên âm hưởng, tạo nên cảm giác thân quen ấy. Trái lại, trong bài
thơ của bà huyện Thanh Quan đó lại là hình ảnh về buổi chiều của nội tâm. Tác giả đã đẩy lùi
bức tranh vào thế giới của tâm tưởng, ý niệm. Trong Mẹo giải thích từ Hán Việt của Phan Ngọc
có viết: Các từ Hán Việt mà nữ thi sĩ dùng đẩy ta vào thế giới muôn đời. Trên đời chỉ có những
ông chài, những thôn bản, những trẻ chăn trâu, những người ở đài cao, những người khách trọ
cảnh ấm lạnh của cuộc đời. Làm gì có những ngư ông, những viễn phố, những mục tử, những cô
thôn, làm gì có trang đài, người lữ… Từ Hán Việt đều đặt vào vị trí quyết định – vần cuối câu
thơ – dễ gây tiếng vọng trong tâm hồn ta, kéo ta về cõi vĩnh viễn của ý niệm. Và nỗi u hoài của
nhà thơ là nỗi u hoài của cái kiếp trước không biết đến tháng năm, thời đại. Đây là nghệ thuật lựa
chọn từ ngữ rất công phu. Những từ đó là những tín hiệu thẩm mĩ, những mô típ nghệ thuật gắn
với phong cách Đường thi và trở thành nét đẹp truyền thống của thơ ca Việt Nam.
d. Sắc thái cổ
Từ Hán Việt tạo sắc thái cổ kính, làm cho người đọc như được sống trong bầu không khí
xã hội xa xưa, ví dụ: trẫm, bệ hạ, thần, hoàng hậu, cung phi, thái giám, yết kiến, khải tấu, hoàng
tử, công chúa, phò mã, đại quan, công tử...
Một số từ Hán cổ quen dùng trong quá khứ đến bây giờ dùng lại gợi sắc thái cổ: tôn ông,
hiền huynh, đệ tử, phụ vương, ái phi, đồng môn, đồng tuế, đồng liêu, đồng tịch, đồng sàng (đồng
sàng dị mộng),… Trong các truyền thuyết, truyện cổ tích, các tác phẩm văn học cổ điển, trung
đại của dân tộc ta, như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều, Sơ kính tân trang, Nhị
độ mai, Thăng long thành hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà… đều sử dụng nhiều từ Hán Việt.
Mô tả những hình ảnh cổ kính của một triều đại đã qua với một tâm trạng nuối tiếc – hoài
cổ, như trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ, bà huyện Thanh Quan đã sử dụng những từ Hán
Việt một cách có ý thức. Và việc xếp những từ này vào cuối các dòng thơ càng in đậm những
hình tượng ngưng đọng trong kí ức. Tất cả đưa đến cho ta cảm giác về một sự đổi thay của tạo
hoá:
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi thành cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Từ Hán Việt có sắc thái cổ còn thường được dùng trong thể loại kịch, tuồng. Khi viết về
một sự kiện lịch sử, nhà văn thường dùng ngôn ngữ của thời kì lịch sử đó, nếu không, người xem
có thể thấy lạc điệu.
Ngày nay, trong kho từ ngữ tiếng Việt còn tồn tại hàng loạt cặp từ Hán Việt và thuần Việt
có nghĩa tương đương nhau về sắc thái ý nghĩa, về mặt biểu cảm và được dùng song song với
nhau. Trong đó, từ Hán Việt thường mang sắc thái cổ kính và không thông dụng, còn các từ
thuần Việt mang tính hiện đại, thông dụng hơn thì được dịch sang nghĩa thuần Việt hiện đại. Ví
dụ: quyền môn - cửa quyền, thanh sử - sử xanh, phù vân - mây nổi, giáng vân- mây chìm/sa,
đoạn trường- ngắn dài, tuế nguyệt năm tháng, thu thảo - cỏ thu, đông tây – hàng hoá, phong trần
– gió bụi…
3.1.2. Lớp từ xưng hô và đại từ nhân xưng
3.1.2.1. Từ xưng hô
Trong giao tiếp, nghi thức xưng hô bao gồm hành vi “xưng” và “hô” gắn với vai nhân xưng
giao tiếp theo ngôi, theo vị trí xưng và hô. Bên cạnh hai ngôi dùng để xưng và hô, còn có ngôi
thứ 3 không phải là ngôi nhân xưng mà chỉ là ngôi “được nói đến” trong hội thoại. Từ xưng hô là
từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp. Từ ngữ xưng hô trong
tiếng Việt rất phong phú cả về số lượng cũng như rất đa dạng về cách dùng. Tùy vào hoàn cảnh
giao tiếp, tâm trạng quan hệ giữa những người nói mà người ta sử dụng những từ xưng hô khác
nhau. Người Việt dùng các lớp từ xưng hô bao gồm:
a. Đại từ nhân xưng:
Ngôi thứ 1 (chỉ người nói), số ít (tôi, ta, tao, tớ…), số nhiều (chúng tôi, chúng tao, chúng
tớ,…)
Ngôi thứ 2 (chỉ người nghe), số ít (mày, cậu, mi, bay…), số nhiều (chúng mày, các cậu,
bọn mi, chúng bay…)
Ngôi thứ 3 (người được 2 người ở ngôi thứ nhất và thứ 2 nói tới), số ít (nó, hắn, gã, y…),
số nhiều (chúng, chúng nó, họ, bọn họ, bọn chúng…). Thực ra, ngôi thứ 3 không phải là ngôi
xưng hô mà là ngôi chỉ người, vật, sự vật được nói đến mà thôi.
Ngôi gộp là ngôi dùng chung, tuỳ tình huống giao tiếp mà biểu thị bao gồm ngôi 1 và 2, có
thể bao gồm cả người nói và người nghe (mình, chúng mình, chúng ta ); hoặc có thể dùng ở ngôi
1, ngôi 2 hoặc ngôi 3 – người ta, ví dụ: Người ta đã ở đây từ lâu rồi. (ngôi 1); Em thì ai người ta
yêu cơ chứ. (ngôi 2); Người ta đang xôn xao chuyện của chúng mình kia kìa. (ngôi 3).
Từ “mình” trước hết là một danh từ chỉ cơ thể người và động vật, không kể đầu, đuôi và
các chi. 2/ Cái cá nhân của mỗi con người (Sống hết mình. Lao động quên mình); 3/ Danh xưng
ngôi 1 trong quan hệ thân mật, hoặc vợ chồng (Tự ngắm mình trong gương. Mình với ta tuy hai
mà một. Ta với mình tuy một mà hai. Giật mình mình lại thương mình xót xa).
b. Danh từ xưng hô, bao gồm ba nhóm:
- Tên riêng: Dùng tên riêng để tự xưng và gọi người khác, thường xuất hiện trong quan hệ
thân tình (ví dụ: Tí không nghe u đâu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố), trong quan hệ bạn bè, bình đẳng,
ví dụ: Hợi đang đứng ở cửa phòng đợi bạn rồi nè (nhân xưng ngôi 1). Cậu đưa cho Hoa mượn
cái thước với. (xưng hô ngôi 2). Hoặc:
- Nhóm danh từ chỉ quan hệ thân tộc (ông, bà, bố, mẹ, anh, em, con, cháu, cô, dì, chú, bác,
cậu, mợ…)
- Nhóm danh từ chỉ chức nghiệp (thủ trưởng, giám đốc, trưởng phòng, chủ tịch, chủ nhiệm,
thầy giáo, cô giáo, giáo sư, bác sĩ, y sĩ…). Tuy dùng trong giao tiếp hội thoại nhưng những danh
từ trỏ chức danh, nghề nghiệp chỉ dùng để hô gọi ở ngôi thứ 2, chứ không dùng để xưng hô, tức
là không dùng ở ngôi thứ nhất. Chẳng hạn, nói : Chào giám đốc ! Thưa bác sĩ! nhưng không thể
có ông/bà giám đốc nào lại nói: Giám đốc cảm ơn, hay: Bác sĩ về đây.
3.1.2.2. Sắc thái biểu cảm trong các tình huống xưng hô
Quan hệ xưng hô trong tiếng Việt chú ý tới các yêu tố chi phối: tuổi tác, giới tính, địa vị,
quan hệ vị thế với chính người xưng hô, thông qua các tình huống và mức độ quan hệ giữa
những người nói.
Nhìn chung, trừ từ “tôi” là có sắc thái khá trung hoà, còn lại đều có sắc thái biểu cảm ở
những tính chất đậm nhạt, mức độ nhiều ít khác nhau.
+ Tình huống thân mật: Đây là tình huống được đặc trưng bởi mối quan hệ huyết thống
trong gia tộc. Theo đó, lối xưng hô phổ biến gồm các từ biểu thị quan hệ thân tộc, ví dụ: ông –
cháu, cha - con, chú - bác, anh – em, cô - cháu, bác - cháu, dì – cháu… Cặp vợ chồng có thể
xưng hô với nhau bằng các cặp : anh - em, mình - mình, bố nó - mẹ nó, mẹ + tên con (mẹ cái Tý)
- bố + tên con (bố thằng Dần), bố + tên bố (bố Minh) - mẹ + tên mẹ (mẹ Hà); khi cao tuổi, có
cháu chắt thì có thể xưng và gọi nhau: tôi - bà/ông… Hoặc quan hệ bạn bè thân mật, bên cạnh
các cặp mày - tao, cậu - tớ, cậu- mình, mình- ta… để xưng hô thì còn dùng tên riêng để xưng hô,
ví dụ:
- Thằng Lạp đấy hả?
- Lạp đây. Lạp cũng không đồng ý với Lê chuyện hôm qua đâu.
Hoặc có thể dùng tên riêng kèm thêm đại từ hoặc danh từ thân thuộc để xưng hô, ví dụ:
Mèn tôi xin kết thúc thiên phóng sự.
Hợi con có lời chào bố mẹ.
Trong tình huống thân mật, người Việt có thể xưng hô với nhau bằng biệt danh. Những
cách xưng hô như thế này thường được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Một trong những
cách sử dụng từ xưng hô rất đặc biệt của người Việt là dùng các từ chỉ nơi chốn: ấy, đây, đấy,
đằng ấy, đằng này… để xưng hô trong quá trình giao tiếp. Ví dụ:
- Đằng này nói cho đằng ấy biết nhé…
- Đây là đây không sợ đâu nhé!
Riêng ở quan hệ yêu đương, vợ chồng, cặp anh-em không phản ánh đúng thực chất quan hệ
tình cảm thực tế là bình đẳng.
+ Tình huống xã giao: Là tình huống giữa hai người chưa quen biết, hoặc mới làm quen,
Những người nói phải xác định tuổi tác, địa vị xã hội của người nghe và cương vị của mình với
người ấy. Thông thường những người nói dùng các từ biểu thị quan hệ gia tộc để xưng hô như:
anh - em, tôi-ông/bà/cô/chú, cháu- ông/bà/ chú/bác/cô…
Ở môi công cộng, các vai xưng hô có thể thay đổi theo sự hiểu biết chính xác về nhau và về
mối quan hệ giữa những người nói theo hướng tăng cường về mức độ thân mật. Với tình huống
những giao tiếp là những người quen biết nhau nhưng chỉ thuần tuý quan hệ công việc mang tính
xã hội, được đặc trưng bởi quan hệ quyền thế, thì thường dùng những danh từ chỉ chức vụ, địa vị,
nghề nghiệp, như: thủ trưởng, giám đốc, hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng, bác sĩ, thầy/cô…
Hành vi xưng hô gắn với thiết chế văn hoá dân tộc theo nguyên tắc “xưng khiêm hô tôn”.
Nhưng trong thực tế giao tiếp, nhất là ở môi trường giao tiếp quy thức nơi công sở, công quyền
hiện nay, đang có xu hướng lấy các vai trong quan hệ gia tộc để phủ lên trên quan hệ xã hội, tức
là dùng những từ xưng hô trong gia đình thay cho những từ xưng hô nơi công sở. Chẳng hạn,
dùng quan hệ em – anh, cháu – bác/chú/cô, bố - con… thay cho quan hệ công sở: tôi - thủ
trưởng…
- Tình huống thông báo khách quan: được dùng phổ biến trong các văn bản báo cáo khoa
học, chính luận, hành chính với sắc thái trung tính, vô cảm, ví dụ: tôi, chúng tôi, chúng ta, họ,
chúng, người ta…
Trong ngôn ngữ các địa phương, bên cạnh những từ xưng hô và cách xưng hô mang tính
toàn dân, thì còn có những từ xưng hô mang tính đặc trưng về phát âm, về từ được sử dụng riêng
trong giao tiếp ở các địa phương, vùng miền đó. Ví dụ: trong tiếng địa phương Bắc Trung Bộ có
từ đại từ “choa” - (tôi, tao hoặc chúng tôi, chúng tao), ví dụ: "Thôi thì thác cũng ra ma,
Ruộng choa, choa cứ hai mùa làm ăn." Hoặc ở Nam Bộ có từ “qua" (tôi): từ người trên nhiều
tuổi tự xưng một cách thân mật khi nói với người vai dưới, ví dụ: “Qua đây là bạn của má”.
Trong văn học nghệ thuật, nhất là trong thơ ca, vai xưng hô còn được thể hiện ở nhiều hình
thái khác như ẩn dụ: Thiếp - chàng, ta - nàng, mận - đào, trúc- mai, thuyền - bến, thuyền - biển,
cá – nước, non – nước…, ví dụ:
Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hoặc hoán dụ như: má hồng, má đào, đào tơ, đào liễu, thân lươn, phận bèo, cỏ nội, hoa
hèn…, ví dụ:
Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
3.1.3. Thành ngữ so với các từ ngữ tương đương
3.1.3.1. Định nghĩa
Theo cách hiểu truyền thống, thành ngữ là những cụm từ cố định có kết cấu lớn hơn từ, có
chức năng định danh và chức năng ngữ pháp giống như từ; thành ngữ mang ý nghĩa khái quát và
biểu trưng, mang tính đúc kết kinh nghiệm, nhận thức dân gian về thiên nhiên, xã hội, văn hoá,
đạo đức…, ví dụ: Đứng núi này trông núi nọ. Mưa to gió lớn. Ngày lành tháng tốt. Bắt cá hai
tay. Được chim bỏ ná, được cá quăng nơm…
Do đặc điểm ý nghĩa mà giá trị phong cách của thành ngữ bộc lộ ở chỗ, nó làm cho câu nói
trở nên sinh động, giàu sắc thái biểu cảm. So sánh hai câu sau:
- A. Hắn ta là người ki bo, kiệt xỉ hết chỗ nói.
- A’. Hắn ta là người vắt cổ chày ra nước.
Xét về nội dung thông báo thì A và A’ là đồng nghĩa, nhưng xét về sắc thái thì cách nói A’
rất giàu hình ảnh, có khả năng gợi cảm rất cao. Vì vậy, những câu thành ngữ được đưa vào câu
nói sẽ có tác dụng làm cho người ta tiết kiệm được lời nói mà vẫn đạt được ý đồ giao tiếp với
một cách nói sinh động có hình ảnh.
Nếu từ vựng học nghiên cứu thành ngữ về cấu tạo, về nghĩa và cách sử dụng trong các văn
bản khác nhau thì phong cách học nghiên cứu thành ngữ ở giá trị tu từ, sắc thái biểu cảm của nó.
Dưới góc độ phong cách học, mỗi thành ngữ được xem như một bức tranh nhỏ nhất về hiện thực
khách quan, sinh động về miêu tả, xúc cảm về tâm trạng.
Việc nói thành ngữ là một tập hợp từ cố định có nghĩa là thành ngữ không tạo thành câu
hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, cũng không thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ. Thành ngữ
thường bị nhầm lẫn với tục ngữ và quán ngữ.
Trong khi tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý nhằm nhận xét quan
hệ xã hội, truyền đạt kinh nghiệm sống, hay phê phán sự việc, hiện tượng. Một câu tục ngữ có
thể được coi là một tác phẩm văn học khá hoàn chỉnh vì nó mang trong mình cả ba chức năng cơ
bản của văn học là chức năng nhận thức, và chức năng thẩm mĩ, cũng như chức năng giáo dục.
Còn quán ngữ là tổ hợp từ cố định đã dùng lâu thành quen, nghĩa có thể suy ra từ nghĩa của các
yếu tố hợp thành.
3.1.3.2. Các loại thành ngữ và giá trị tu từ của chúng
Thành ngữ có thể được phân loại dựa theo nhiều tiêu chí, tùy thuộc mục đích nghiên cứu
tìm hiểu, tra nghĩa, giải nghĩa.
a. Phân loại theo cấu tạo:
Dựa vào cơ chế cấu tạo, tức là cách tổ chức cấu trúc nghĩa để chia thành ngữ tiếng Việt ra
hai loại: thành ngữ so sánh và thành ngữ miêu tả ẩn dụ.
+ Thành ngữ so sánh: Loại này bao gồm những thành ngữ có hình thức là một cấu trúc so
sánh. Ví dụ: Đẹp như tiên. Nhanh như cắt. Rẻ như bèo. Chậm như rùa. Nhát như thỏ đế. Đắt như
tôm tươi. Nhẹ tựa lông hồng. Chắc như đinh đóng cột. Vui như mở cờ trong bụng. To như bồ
tuột cạp. Khinh như rác. Khinh như mẻ. Lừ đừ như ông từ vào đền. Cấm cảu như chó cắn ma..
+ Thành ngữ miêu tả ẩn dụ: Thành ngữ miêu tả ẩn dụ là thành ngữ được xây dựng trên cơ
sở miêu tả một sự kiện, một hiện tượng bằng cụm từ, nhưng lại biểu hiện ý nghĩa một cách ẩn dụ,
theo đó thực chất là phải hiểu theo nghĩa bóng- nghĩa biểu trưng. Xét về bản chất, ẩn dụ cũng là
so sánh, nhưng đây là so sánh ngầm, không có từ so sánh, ví dụ: Mẹ tròn con vuông. Nuôi ong
tay áo. Ruột để ngoài da. Trứng để đầu gậy. Trao trứng cho ác…
Cấu trúc bề mặt của thành ngữ loại này không phản ánh cái nghĩa đích thực của chúng. Cấu
trúc đó, có chăng chỉ là cơ sở để nhận ra một nghĩa đen, hay nghĩa "sơ khởi", "cấp một" nào đó,
rồi trên nền tảng của "nghĩa cấp một" này, người ta mới rút ra, nhận ra và hiểu lấy ý nghĩa đích
thực của thành ngữ. Ví dụ: Ngã vào võng đào. Nước đổ đầu vịt. Chó có váy lĩnh. Áo gấm đi đêm.
Vải thưa che mắt thánh. Mẹ hát con khen hay. Múa rìu qua mắt thợ. Vắt cổ chày ra nước. Rán
sành ra mỡ...
Những thành ngữ miêu tả ẩn dụ nêu hai sự kiện tương đồng, hoặc tương phản, ví dụ: Ba
đầu sáu tay. Nói có sách mách có chứng. Ăn trên ngồi trốc. Trong ấm ngoài êm. Rau nào sâu ấy.
Nồi nào vung ấy… (tương đồng); Một vốn bốn lời. Ăn mày đòi xôi gấc. Làm phúc phải tội. Của
ít lòng nhiều. Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm. Mặt người dạ thú. Bán bò tậu ễnh ương … (tương
phản).
b. Phân loại theo số lượng âm tiết hay tiếng:
Ta có thể thấy thành ngữ có tối thiểu từ 3 âm tiết trở lên.
+ Loại 3 âm tiết: Ác như hùm. Bụng bảo dạ. Bé hạt tiêu. Cá cắn câu. Khỏe như vâm.
Thẳng ruột ngựa…
+ Loại 4 âm tiết khá phổ biến: Một nắng hai sương. Đá thúng đụng nia. Đầu chày đít thớt.
Đầu Ngô mình Sở. Trên kính dưới nhường. Tam sao thất bản. Tứ tung ngũ hoành. Cao chạy xa
bay. Áo gấm đi đêm…
Loại thành ngữ kết cấu bốn từ đơn hay hai từ ghép liên hợp theo kiểu đối, nối tiếp hoặc xen
kẽ. Có thể coi đây là kiểu phổ biến nhất của thành ngữ tiếng Việt, ví dụ: Ở hiền gặp lành. Bán vợ
đợ con. Buôn thúng bán mẹt. Bảng vàng bia đá. Phong ba bão táp. Ăn to nói lớn. Ăn no vác
nặng. Ác giả ác báo. Nước mắt chảy xuôi. Quá mù ra mưa. Qua cầu rút ván…
Trong loại thành ngữ 4 âm tiết, có những thành ngữ có kết cấu uyển chuyển thành những
biến thể khác nhau do có thể đảo vị trí các yếu tố trong nội bộ nhưng ý nghĩa gioongs nhau, ví
dụ: Tắt lửa tối đèn = Tối lửa tắt đèn. Một nắng hai sương = Hai sương một nắng. Kẻ đi người ở
= Kẻ ở người đi. Nằm gai nếm mật = Nếm mật nằm gai…
• Cũng ở loại này còn có kiểu cấu trúc đối hoặc điệp vần độc đáo. Quy tắc đối được thể
hiện ở sự hiệp vần, hay hô ứng giữa các âm tiết và cả ở mặt nghĩa giữa các vế trong thành ngữ.
Ví dụ: Trong ấm ngoài êm. Trước lạ sau quen. Sớm nắng chiều mưa. Trên kính dưới nhường.
Xanh vỏ đỏ lòng. Hàm chó vó ngựa. Miệng quan trôn trẻ. Rau nào sâu ấy. Tiền nào của ấy…
• + Loại 5 âm tiết: Vắt cổ chày ra nước. Dùi đục chấm mắm cáy. Nhàn cư vi bất thiện. No
bụng đói con mắt. Nói ngọt lọt đến xương...
• Loại thành ngữ kết cấu 5 âm tiết là số lẻ nên thường có cấu trúc nghĩa giải thích, tường
trình: Sống lâu lên lão làng. Tốt danh hơn lành áo. Thằng chết cãi thằng khiêng. Trâu buộc ghét
trâu ăn. Trâu chậm uống nước đục…
• + Một số thành ngữ có kiểu kết cấu từ bảy đến hơn mười âm tiết thì khá ít, thường bao
gồm hai hay ba ngữ đoạn, hoặc mệnh đề liên hợp tạo thành một tổ hợp kiểu ngữ cú dài cố định,
như: Theo đóm ăn tàn theo voi hít bã mía. Gần nhà giàu đau răng ăn cốm, gần kẻ trộm ốm lưng
chịu đòn. Vênh váo như khố rợ phải lấm. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Gái
thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm,v.v…
• + Loại thành ngữ, có kết cấu tự do có ý nghĩa miêu tả những sự tình cụ thể, ví dụ: Theo
đóm ăn tàn, theo voi hít bã mía. Vạch áo cho người xem lưng. Cà cuống chết đến đít còn cay.
Châu chấu đá xe. Ếch ngồi đáy giếng. Ếch chết tại miệng. Lạy ông tôi ở bụi này. Nhìn gà hoá
cuốc…
• + Đặc biệt thành ngữ tiếng Việt có những thành ngữ ở dạng những câu ca dao, ví dụ:
• - Mấy đời bánh đúc có xương
• Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
• - Cười người chớ có cười lâu
• Cười người hôm trước hôm sau người cười.
• - Toét mắt là tại hướng đình
• Cả làng toét mắt một mình em đâu.
c. Phân loại theo nguồn gốc:
Căn cứ vào nguồn gốc, ta có thể chia thành hai loại là thành ngữ thuần Việt và thành ngữ
gốc Hán. Bên cạnh những thành ngữ thuần Việt như: Ăn xổi ở thì. Buôn thúng bán mẹt. Đầu
chày đít thớt..., trong tiếng Việt cũng có những thành ngữ có gốc từ trong tiếng Hán, qua tiếng
Việt được biểu hiện bằng những từ Hán Việt như: Dục tốc bất đạt. Thâm căn cố đế. Đồng thanh
tương ứng. Đồng bệnh tương liên. Đồng sàng dị mộng. Tri kỉ tri bỉ. Thượng bất chính hạ tắc
loạn. Tiền hô hậu ủng. Tiền hậu bất nhất. Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Hữu danh vô thực. Hạ
mục vô nhân. Kính nhi viễn chi. Phi thương bất phú. Kính lão đắc thọ. Dĩ hoà vi quý. Quý hồ
tinh bất quý hồ đa, …
Thành ngữ du nhập từ các ngôn ngữ khác, ví dụ: Một con én không làm nên mùa xuân Một
chiếc áo không làm nên thầy tu. Lấy tay che mặt trời. Gieo gió gặt bão. Thời gian là tiền bạc.
Mình vì mọi người…
Những thành ngữ được lấy từ lịch sử, văn học: Chết đứng như Từ Hải. Đa nghi Tào Tháo.
Dương đông kích tây. Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Công Dã Tràng. Oan Thị Mầu, Thói
Grăng đê. Gót chân Asin. Con ngựa thành Troy…
3.1.4. Từ láy
3.1.4.1. Định nghĩa
Láy là một phương thức cấu tạo từ quan trọng của tiếng Việt. Từ láy là những từ cấu tạo
theo phương thức láy, đó là phương thức lặp lại toàn bộ hay bộ phận hình vị cơ sở, với sự biến
đổi của phụ âm đầu, vần và thanh điệu theo quy tắc biến thanh. Từ láy đã được nghiên cứu về
các mặt đặc trưng chung, về cấu tạo, khuôn vần láy, về đặc trưng ngữ nghĩa, về giá trị biểu trưng,
giá trị gợi tả âm thanh, hình ảnh, giá trị biểu cảm…
3.1.4.2. Đặc điểm cấu tạo
Về từ loại, dạng láy chủ yếu được thực hiện với các thực từ, nhiều nhất là tính từ, động từ,
danh từ. Về kiểu láy, phổ biến là láy đôi, rồi đến loại láy bốn âm tiết và láy ba âm tiết ít hơn cả.
- Láy đôi: là dạng láy lặp lại hình vị gốc được lặp lại; hình vị gốc thường đứng trước nhưng
đôi khi là đứng sau: .
Từ láy toàn bộ: Là loại từ đươc láy giống nhau cả phần âm, vần, thanh điệu, ví dụ: cao cao, xanh
xanh, ào ào…
Từ láy bộ phận: Là loại từ được láy giống phụ âm đầu, vần, hoặc thanh điệu, ví dụ: đo đỏ, thăm
thẳm, lanh lảnh, ngơ ngẫn, lác đác, dào dạt… Từ láy bộ phận thường được sử dụng nhiều hơn từ
láy toàn bộ vì dễ phối vần và âm.
Một số khuôn vần – iêc, -ung, -âp, -uc… với những đặc điểm về biểu thị nghĩa khái quát về
sự vật, hoạt động và sắc thái biểu cảm; ví dụ: sách siếc, nhà nhiếc, đen điếc, nhảy nhiếc…; nhấp
nhô, bập bùng, trập trùng…; xục xịch, nhúc nhích, rục rịch…
- Láy ba: Từ láy ba là từ láy gồm ba âm tiết có sự hòa phối ngữ âm với nhau. Trong hệ
thống từ tiếng Việt, từ láy ba không nhiều, có nhiều từ láy ba khi chúng ta bỏ âm tiết ở giữa sẽ
cho một từ láy đôi tương ứng. Đặc điểm cấu tạo từ láy ba thể hiện chỗ thanh điệu ở âm tiết thứ
hai thường mang thanh bằng. Ví dụ: mảy mày may, sát sàn sạt, tuốt tuồn tuột, tẻo tèo teo, dửng
dừng dưng,…
- Láy tư (bốn): Từ láy bốn âm tiết là dạng láy được phát triển từ từ láy đôi, ví dụ: nhấp
nhổm- nhấp nha nhấp nhổm, hấp tấp- hấp ta hấp tấp, hí hoáy- hí ha hí hoáy, hì hục- hì hà hì
hục…
3.1.4.3. Đặc trưng ngữ nghĩa
Mỗi từ láy đều mang trong mình một ý nghĩa, một sắc thái riêng biệt. Nhìn chung, các từ
láy tiếng Việt thường có nghĩa sau: nghĩa tổng hợp, khái quát; nghĩa sắc thái hóa; nghĩa của các
khuôn vần láy.
Trong các ngôn ngữ đơn lập kiểu như tiếng Việt, từ láy có một vị trí rất quan trọng trong
việc tạo ra tiết tấu, và đặc biệt là tạo ra hiện tượng sắc thái hoá nghĩa biểu đạt của nó.
Một câu văn xuôi nếu sử dụng nhiều từ láy, khi đọc lên ta thấy câu văn như có sự nhịp
nhàng, uyển chuyển. Một câu thơ có nhiều từ láy thường là câu thơ nghiêng về chất trữ tình, gợi
tả có hình ảnh, gợi cảm về tâm lí, tâm trạng làm đối tượng miêu tả. Ví dụ:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
(Truyện Kiều)
Hoặc:
Đang cơn nắng cực chẳng mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve.
Mải việc làm ăn quên cả mệt,
Dạng hang một lúc đã đầy phè.
(Tát nước - Hồ Xuân Hương)
Về nghĩa sắc thái hoá, thông thường từ láy tạo ra nét nghĩa sắc thái tu từ rất rõ, tức ý nghĩa
của từ láy khác so với từ đơn cơ sở ở hướng tăng, cũng gọi là hướng dương, hoặc là giảm -
hướng âm. Ví dụ:
- đỏ - đo đỏ, xanh – xanh xanh, nhớ - nhơ nhớ, tiếc- tiêng tiếc, buồn – buồn buồn, vui – vui
vui, cao – cao cao, xa – xa xa… (giảm nghĩa).
- khít - khít khìn khịt, sạch - sạch sành sanh, sục - lục sà lục sục, hí hửng - hí hai hí hửng, lục
cục - lục cà lục cục… (tăng nghĩa).
Quan sát các ví dụ trên ta có thể thấy đa số những từ láy đôi có xu hướng giảm nghĩa,
trong khi đó những từ láy ở dạng láy 3, láy 4 lại thường thiên về hướng tăng nghĩa.
3.1.5. Từ ngữ địa phương
3.1.5.1. Quan niệm về từ địa phương
Phương ngữ là ngôn ngữ của một địa phương bao gồm cả mặt ngữ âm, từ vựng lẫn ngữ
pháp. Từ địa phương là một bộ phận của phương ngữ, bao gồm những từ được sử dụng hạn chế ở
một hoặc vài địa phương nào đó. Nguyên nhân xuất hiện chủ yếu của từ địa phương là do sự
phân hoá về dân cư, địa lí và hàng rào kinh tế. Ngoài ra sự phân hóa về mặt chính trị, xã hội và
văn hoá cũng là một nhân tố khác tác động đến sự hình thành của phương ngữ. Trong các
phương ngữ lại có thể có những thổ ngữ ở những khu vực hẹp hơn trong địa phương đó.
3.1.5.2. Vấn đề phân chia các vùng phương ngữ trong tiếng Việt
a. Xu hướng phân loại:
Có hai xu hướng phân chia khác nhau:
- Xu hướng thứ nhất, phân chia thành ba vùng phương ngữ, bao gồm các phương ngữ sau:
+ Phương ngữ Bắc Bộ gồm phương ngữ các vùng từ Thanh Hoá trở ra
+ Phương ngữ Trung Bộ gồm phương ngữ các vùng từ Nghệ An trở vào.
+ Phương ngữ Nam Bộ gồm các phương ngữ các vùng từ Sông Bé trở vào.
- Xu hướng thứ hai, phân chia thành bốn vùng phương ngữ. Bao gồm các phương ngữ cụ thể sau:
+ Phương ngữ Bắc Bộ bao gồm các từ ngữ được sử dụng ở trung tâm Hà Nội và
các tỉnh phía Bắc đến Thanh Hóa.
+ Phương ngữ Bắc Trung Bộ bao gồm phương ngữ các vùng từ Nghệ Tĩnh đến
Bình Trị Thiên.
+ Phương ngữ Nam Trung Bộ bao gồm phương ngữ các vùng từ Quảng Nam, Ðà
Nẵng đến Thuận Hải.
+ Phương ngữ Nam Bộ bao gồm phương ngữ vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nam
Bộ. Phương ngữ Nam Bộ kéo dài từ Ðồng Nai, Sông Bé đến Mũi Cà Mau. Trung tâm của
phương ngữ Bắc Bộ là Hà Nội, trung tâm của phương ngữ Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh.
b. Các loại từ địa phương
Có thể một số kiểu từ địa phương sau:
+ Từ địa phương không có sự đối lập với từ vựng toàn dân. Ðó là những từ ngữ biểu thị
những sự vật, hiện tượng, những hoạt động, cách sống, nề thói sinh hoạt riêng biệt chỉ có ở một
địa phương nào đó chứ không phổ biến đối với toàn dân, do đó không có từ song song trong
ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:
Từ địa phương Nam Bộ: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, chao, tràm, đước,...
Từ địa phương Bắc Trung Bộ: Chẻo, cối, khoé, nhút, thưng,..
+ Từ địa phương có sự đối lập với từ vựng toàn dân toàn dân.
Kiểu này có thể chia ra hai loại nhỏ. Căn cứ vào hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của chúng.
Từ địa phương đối lập về mặt ý nghĩa.
Những từ ngữ này về ngữ âm giống với từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ văn học toàn
dân, nhưng ý nghĩa khác nhau. Ví dụ:
Từ ngữ Ngôn ngữ toàn dân Nghĩa trong phương ngữ
- Cậu - Em trai mẹ - Hưng Yên: Anh trai của mẹ.
- Ngã - Hắt nước - Nam Bộ: Té
Ở các từ ngữ địa phương kiểu trên, cần phân biệt hai trường hợp:
- Từ địa phương và từ toàn dân vốn cùng một nguồn gốc, nhưng có sự biến đổi về nghĩa. Sự
biến đổi này diễn ra theo hướng mở rộng (Ví dụ: nón = nón + mũ), hoặc chuyển đổi trong phạm
vi cùng một trường nghĩa (Ví dụ: chén - bát, mận – roi, ốm - gầy, mập – béo…).
- Từ địa phương và từ toàn dân đồng âm với nhau chứ không có quan hệ nguồn gốc. Ví dụ,
giữa té (hắt nước) và té (ngã).
- Từ địa phương có sự đối lâp về mặt ngữ âm. Có thể chia ra làm hai loại nhỏ, căn cứ vào
mức độ khác biệt về ngữ âm so với từ ngữ toàn dân tương ứng.
+ Các từ ngữ địa phương có hình thức ngữ âm khác hoàn toàn với từ ngữ tương ứng trong
ngôn ngữ toàn dân.
Ví dụ:
- Toàn dân - Hải Hưng - Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh - Nam Bộ
bà mậu mụ
cá quả cá tràu cá lóc
lợn ỉn heo
đầu chốc trốc
tao choa choa
không nỏ hổng
thuyền nốc ghe
xoan cây đu sầu đâu
+ Các từ ngữ địa phương có hình thức ngữ âm khác bộ phận với từ ngữ tương ứng trong
ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:
- Toàn dân - Hải Hưng - Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh - Nam Bộ
đu đủ thù đủ thu đủ
chào mào chốc mào chúc mào
gà kê kha
trâu râu tru tru
lưới lái lái
thật thiệt
sinh sanh
Trong văn học nghệ thuật, từ địa phương cũng được sử dụng để xây dựng, mô tả tính cách,
khắc hoạ chân dung nhân vật một cách đặc tả, ví dụ:
…Bây chừ sông nước về ta
Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào
Bây chừ biển rộng trời cao
Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!
Ông nhà theo bạn “xuất quân”
Tui may cũng được vô chân “sẵn sàng”…
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng…
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai…
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...
Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
“Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”
(Mẹ Suốt – Tố Hữu)
3.1.5.3. Đặc điểm của từ địa phương
Từ địa phương là bộ phận của ngôn ngữ toàn dân. Cùng với thuật ngữ khoa học kỹ thuật, từ
nghề nghiệp và biệt ngữ, từ địa phương cũng là những nhánh phụ của ngôn ngữ toàn dân. Từ địa
phương chủ yếu là từ vựng khẩu ngữ, sinh động và luôn có sắc thái biểu cảm, do đó cần sử dụng
nó đúng chỗ, đúng lúc để đảm bảo tính đúng đắn, tính trong sáng của văn bản được tạo lập.
` Cũng như thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng, biệt ngữ, từ địa phương được sử dụng phổ biến
trong phong cách các sinh hoạt và văn bản như nghệ thuật, hạn chế sử dụng trong báo chí và
không dùng trong văn bản khoa học, hành chính, chính luận. Do phạm vi sử dụng hạn chế của
chúng cho nên cần chú ý đến loại phong cách ngôn ngữ phù hợp với từng lớp từ để có thể sử
dụng chúng một cách phù hợp, đồng thời phát huy được hiệu quả của chúng.
Trong ngôn ngữ nghệ thuật, việc sử dụng tiếng địa phương có một dụng ý tu từ rõ rệt, tạo
ra sự tu từ học của từ địa phương và từ toàn dân. Lời ăn tiếng nói, cách nói và từ ngữ địa phương
là chất liệu tạo ra hình ảnh, mô tả con người và cảnh vật đặc sắc của địa phương. Từ ngữ địa
phương có tác dụng tạo ra nét khắc hoạ khác biệt về hình ảnh nhân vật qua việc sử dụng ngôn
ngữ địa phương. Sau thời gian được thử thách, những yếu tố được đánh giá là tích cực sẽ được
bổ sung vào kho từ vựng chung của ngôn ngữ toàn dân, làm giàu cho ngôn ngữ toàn dân.
3.1.6. Từ đồng âm
3.1.6.1. Định nghĩa
Từ đồng âm là những từ phát âm hay cấu tạo âm thanh giống nhau nhưng có nghĩa khác
nhau; gọi ngắn gọn là đồng âm khác nghĩa hay đồng âm dị nghĩa.
3.1.6.2. Phân loại:
Căn cứ vào mối liên hệ nghĩa giữa các từ đồng âm với nhau, người ta nói đến hai loại từ
đồng âm: đồng âm ngẫu nhiên và đồng âm không ngẫu nhiên, tức là có thể giải thích được lí do
của sự đồng âm đó.
a. Đồng âm ngẫu nhiên, ví dụ:
- cây hoa súng và khẩu súng; cái mè nhà – con cá mè; tấm bia – cốc bia…
- sao1 (tinh tú trên trời); sao2 (sao – từ để hỏi về nguyên nhân); sao3 (copy, chép lại giấy tờ); sao4
(chế biến bằng cách rang vị thuốc thảo mộc)…
- “Con đường này thật rộng!” - “Muốn ngọt thì pha thêm đường”
- “Chú ấy câu được rất nhiều cá.” - “Vài câu nói ấy thì được cái gì!”
- Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.
Thầy bói xem quẻ nói rằng :
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
(Ca dao)
b. Đồng âm không ngẫu nhiên, ví dụ:
+ Hiện tượng đồng âm dị nghĩa hay nhất tự đa loại, ví dụ: cày (danh từ) – cày (động từ), bó
(danh từ) – bó (động từ)…
+ Hiện tượng chuyển nghĩa, ví dụ:
- quà (đồ ăn vặt, ăn thêm) – quà (vật tặng, biếu); bèo (cây sống nổi trên mặt nước), bèo (thân
phận hèn mọn – phận bèo), bèo (rẻ mạt, giá rẻ - giá rất bèo).
Lên phố mía gặp cô hàng mật, tay cầm kẹo lại hỏi thăm đường.
Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò (giò) đến hàng nem, chả muốn ăn.
3.1.6.3. Giá trị tu từ:
Từ đồng âm trong tiếng Việt có rất nhiều cách hiểu nên nhiều khi người ta cố ý tạo ra các
nghĩa mơ hồ, nước đôi. Mặt khác, từ đồng âm có tác dụng tạo hiệu quả nghệ thuật cao cho sự
diễn đạt như sự liên tưởng bất ngờ thú vị, hoặc nhằm chế giễu, châm biếm. Ví dụ:
- Hôm qua, qua bảo qua qua nhà Qua mà không thấy qua qua, hôm nay qua không bảo qua
qua nhà Qua thì Qua thấy qua lại qua.
Trong câu văn trên: "Qua" viết hoa là tên riêng của một người; "qua" - anh (ấy) của người
miền Trung; "qua" để nguyên là động từ "qua"; “qua” đi với động từ di chuyển là từ chỉ hướng.
3.1.7. Từ đồng nghĩa
3.1.7.1. Định nghĩa
Từ đồng nghĩa trong tiếng Việt là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Các
từ đồng nghĩa có thể tạo thành một nhóm - trường nghĩa, ví dụ:
- ăn-xơi-chén-đớp-chứa-đả…: chỉ hoạt động đưa thức ăn vào miệng
- cha-thầy-bố-ba-tía: đều chỉ người sinh thành ra mình
- mẹ-má-mế-bủ: chỉ người mẹ, người sinh ra mình
- chết-mất-chầu trời-hy sinh, tạ thế, tử vong, thiệt mạng…: mất khả năng sống, không còn
biểu hiện của sự sống.
- đen- hắc- thâm-mun-huyền-nhung-ô-ác-mun-mực… (cùng chỉ màu tối)
- nhanh -mau- chóng- gấp- vội- kíp- hối… (cùng có tính chất bị thúc bách về thời gian).
3.1.7.2. Phân loại từ đồng nghĩa
Từ đồng nghĩa được chia thành hai loại chính là:
a. Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): là những từ có nghĩa hoàn toàn giống
nhau, ví dụ: đất nước-non sông-non nước-tổ quốc, bố-ba, mẹ-má, xe lửa-tàu hỏa, con lợn-con
heo…
Trong một số trường hợp từ đồng nghĩa hoàn toàn có thể thay thế hoàn toàn cho nhau,
một số khác có thể khác biệt về sắc thái biểu cảm trong trường hợp cụ thể với nguyên do khác
nhau.
- Hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn thường do sự tồn tại song hành giữa từ thuần Việt và
từ Hán Việt, ví dụ:
Da trắng vỗ bì bạch (vế thách đối của Đoàn Thị Điểm)
Chuồng gà kê áp chuồng vịt (kê là gà, áp là vịt)
Cha con về quê quảy một gánh hồi hương phụ tử (cha con= phụ tử, về quê = hồi
hương)
- Hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn thường do sự tồn tại song hành giữa từ toàn dân
và từ địa phương, ví dụ:
Bát-chén, mũ-nón, xấu hổ-mắc cỡ, bắt nạt-ăn hiếp, quả roi-quả mận…
- Hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn thường do sự tồn tại song hành trong các phong cách
ngôn ngữ, ví dụ:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
(Ca dao)
Ở đây, chó là từ thuộc lớp từ toàn dân, trong khi cầy thuộc lớp từ khẩu ngữ.
b. Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối): là những từ có nghĩa giống
nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm hoặc cách thức hành động; chúng thường được lựa
chọn sử dụng riêng trong từng ngữ cảnh vì giữa chúng khó có sự thay thế cho nhau. Ví dụ: chết-
hy sinh-từ trần- về quê- tử vong-quyên sinh; buồn, buồn thiu, buồn thỉu, buồn như trấu cắn, buồn
chán, buồn trĩu, buồn hắt buồn hiu, buồn tênh, buồn vắng; vui, vui vẻ, vui đùa, đùa vui, vui tươi,
vui vầy, phấn khởi, phấn chấn, phấn khích, thoải mái, phơi phới…
3.1.8. Từ trái nghĩa
3.1.8.1. Định nghĩa
Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa trái ngược nhau, đối lập nhau trong mối quan hệ
đương liên. Có rất nhiều từ trái nghĩa, ví dụ như: cao-thấp, trái-phải, trắng-đen, thiện-ác, đúng-
sai, tốt-xấu, giàu-nghèo, béo-gầy, mặn-nhạt, vui-buồn, thật thà-dối trá, chăm chỉ-lười biếng, giỏi
giang-kém cỏi, đoàn kết-chia rẽ…
Người Việt rất hay dùng từ trái nghĩa để tạo ra sự đối nghĩa và việc sử dụng tính chất đối
nghĩa này nhằm làm nổi bật sự đối lập giữa hai vế, hai mặt, hai đối tượng,… nào đó.
3.1.8.2. Đặc điểm từ trái nghĩa
a. Tính đồng nghĩa: Thực ra, từ trái nghĩa lại có bản chất hay nguồn gốc là từ đồng nghĩa. Đó là
khi ta lưỡng cực hoá một cặp từ trong nhóm hay dãy từ đồng nghĩa thì ta có cặp từ trái nghĩa. Ví
dụ:
Trắng-nhờ nhờ-xám-đen; cao-khá cao-trung bình-hơi thấp-thấp…
Ở các ví dụ trên, rõ ràng trắng và nhờ nhờ là đồng nghĩa, nhờ nhờ với xám và đen là gần
nghĩa, và khi ta lưỡng cực hoá, tức lấy các từ ở hai cực của nhóm sẽ tạo thành cặp từ trái nghĩa:
trắng-đen. Cao và trung bình là đồng nghĩa, trung bình và thấp là đồng nghĩa và cũng là gần
nghĩa, do đó khi ta thấy cao và thấp là kết quả của phép lưỡng cực hoá các từ trong nhóm đồng
nghĩa này mà có. Như vậy, ta có thể xác định được từ trái nghĩa bằng cách xác lập dãy hay nhóm
từ đồng nghĩa và lưỡng cực hóa dãy đó.
Bằng cách khác, ta xác định được hai từ trái nghĩa nhau khi chúng có khả năng kết hợp
với cùng một đơn vị ngôn ngữ, ví dụ:
Cao >< thấp vì cùng kết hợp được với Nhiệt độ =>Nhiệt độ cao >< nhiệt độ thấp;
Tương tự: Người cao ><người thấp;
Điểm cao ><điểm thấp;
Giọng cao ><giọng thấp;
Thấp giọng>< cao giọng;
Trắng >< Đen =>(màu sắc)
Đen >< đỏ => (số phận))
Đen >< bạc => (cuộc đời)…
b. Tính tương liên: Quan niệm tương liên là có mối quan hệ liên tưởng đối lập với nhau, tương
ứng với nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay sự tình. Chẳng hạn, khi nói đến từ “đen” thì khiến
người ta nghĩ đến từ “trắng”.
Mặt khác, cũng do liên tưởng mà một từ có thể tham gia vào nhiều quan hệ đối lập về nghĩa,
tức là chúng tạo thành những cặp trái nghĩa như:
Mở >< đóng, khép, đóng chặt, đậy, (cửa, nắp hộp)
Mở >< khép, đóng (trái tim, tâm hồn)
Mở >< hẹp hòi, chi li, bủn xỉn, keo kiệt, kỹ lưỡng (Tính cách)
Mở >< đóng, đóng kín, chặt, hé (môi trường đầu tư)
Như vậy, từ “mở” đã tham gia vào bốn dãy từ trái nghĩa.
Tính tương liên còn được thể hiện ở nhóm từ chỉ quan hệ nhân quả, hữu cơ…, ví dụ: ông
nội >< cháu nội; bà ngoại >< cháu ngoại…
c. Tính đẳng cấu: Trường liên tưởng và cũng bảo đảm tính đẳng cấu về nghĩa thì cặp liên tưởng
nào nhanh nhất, mạnh nhất, có tần số xuất hiện cao nhất,… sẽ được gọi là trung tâm, đứng đầu
trong chuỗi các cặp trái nghĩa. Ví dụ:
cứng – mềm: Chân cứng đá mềm
cứng – dẻo: Thép cứng thay cho thép dẻo
cứng – nhũn: Khi quả xanh, vỏ cứng; khi chín, vỏ nhũn…
Trong ba cặp liên tưởng này, cặp “cứng – mềm” phải đứng ở vị trí trung tâm, vị trí hàng đầu.
Có người gọi sự liên tưởng đối lập là hiện tượng trái nghĩa lâm thời (về ngữ cảnh), ví dụ:
Miệng nhà quan có gang có thép.
Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
(Truyện Trạng Quỳnh)
Ở đây “miệng” và “đồ” lâm thời hình thành thế đối lập, cùng với cặp đôi “nhà quan” – “nhà
khó” đã tạo nên sự sắc sảo trong cách châm biếm của ông Trạng dân gian.
3.1.8.3. Phân loại
Xuất phát từ quan niệm cho rằng, từ trái nghĩa có nguyên gốc từ từ đồng nghĩa, tức là
chúng được “nhặt ra” từ hai cực của một nhóm từ đồng nghĩa, mà từ trái nghĩa cũng được phân
loại thành từ trái nghĩa hoàn toàn và từ trái nghĩa không hoàn toàn.
a. Từ trái nghĩa hoàn toàn là những từ luôn trái ngược với nhau trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ:
sống-chết, cao-thấp, trắng-đen, già-trẻ...
b. Từ trái nghĩa không hoàn toàn là những từ sẽ trái với nhau trong những trường hợp nhất
định chứ không phải lúc nào cũng có nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ: cao chót vót-sâu thăm thẳm
(“cao” không hẳn trái nghĩa với “sâu” nhưng trong trường hợp này “cao chót vót” được coi là
trái nghĩa với “sâu thăm thẳm”). Đây cũng là một kiểu trái nghĩa lâm thời về ngữ cảnh sử dụng.
3.2. Các biện pháp tu từ ngữ nghĩa
3.2.1. Phép so sánh
3.2.1.1. Khái niệm
So sánh tu từ được hiểu là biện pháp đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với các sự
vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng để tăng thêm sự lôi cuốn, gợi cảm, gợi hình cho
biểu đạt.
- Cổ tay em trắng như ngà
- Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương
(Ca dao)
3.2.1.2. Mô hình cấu trúc
Mô hình chung về cấu tạo của một phép so sánh thông thường là : “A-
x-B- y”
(Cái được so sánh – phương diện so sánh + từ so sánh + cái so sánh)
– Vế A (tên sự vật, sự tình, hiện tượng, con người được so sánh).
– Vế B (tên sự vật, sự tình, hiện tượng, con người được so sánh với vế A).
– x là phương diện, thuộc tính, tính chất, hành động được so sánh.
– y là từ so sánh biểu hiện các bậc, cấp độ so sánh.
Phân biệt so sánh tu từ với so sánh logic: Trong thực tiễn giao tiếp, phép so sánh thường
được sử dụng nhằm những mục đích khác nhau gắn với việc sử dụng phương thức và phương
tiện so sánh khác nhau. Theo đó, bên cạnh phép so sánh tu từ, còn có kiểu so sánh logic khác về
tính chất và mục đích. So sánh logic là đặt hai hay nhiều sự vật, hiện tượng đồng dạng, đồng loại
vào các mối quan hệ nhất định nhằm tìm ra các sự giống nhau và khác biệt giữa chúng, ví dụ:
- Nam lớn hơn Hải
- Cái nhà này cao bằng cái nhà kia.
Kiểu so sánh này nhằm mục đích tìm ra sự tương đồng và dị biệt của các sự vật, hiện
tượng bằng lí trí nên người ta cũng gọi là so sánh vật lí hay duy lí. Về quan hệ giá trị, khác với so
sánh tu từ, ở so sánh logic ta luôn có thể coi là sự cân bằng khi a = b thì suy ra b = a, và so sánh
trong ngôn ngữ: “Nhà ấy con cũng giỏi như bố”, nhưng không nói “Nhà ấy bố cũng giỏi như
con”. Hoặc là có thể nói: Thơ Xuân Quỳnh cũng hay như thơ Nguyễn Du nhưng không thể nói
“Thơ Nguyễn Du hay như thơ Xuân Quỳnh”. Bởi vì trong cấu trúc so sánh, cái so sánh luôn có
một tiền giả định đã được khẳng định, được thừa nhận là đúng, là chuẩn, nhưng không hoàn toàn
đồng nhất với cái được so sánh (bố luôn giỏi hơn con, thơ Nguyễn Du là hay). Chính tiền giả
định này là cái tạo nên nhận thức cố hữu, chủ quan của người so sánh, và đây là điều giải thích vì
sao mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Khi ta nói “Đẹp như tiên”, “Đẹp như hoa”, “Chậm như rùa” là dựa trên tiền giả định: tiên
thì đẹp, hoa thì đẹp, rùa thì chậm, và những tiền giả định này được coi là chuẩn để so sánh. Cho
nên, khác thường khi so sánh hoa với người là đã tạo ra một tiền giả định mới và chỉ có thể là
người đẹp khác thường. Đó là khi Lí Bạch ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quý Phi trong Thanh bình
điệu: “Ở đây hoa cũng đẹp như người” (Vân tưởng y thường hoa tưởng dung). Hay khi Tố Hữu
viết:
Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư.
Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người.
Ở những lối “so sánh ngược” này, chính sự thái quá của cảm xúc, sự so sánh dị biệt, trái
ngược với lẽ thường (so hoa với người, mặt trăng với mặt người) đã nâng hình tượng cảm xúc
vượt hẳn lên trên mức độ của sự so sánh thông thường.
Tóm lại, nếu như phép so sánh logic dựa trên tính chất đồng loạt của các sự vật, hiện tượng
và để nhận thức, tức là để tìm ra bản chất, giá trị của sự vật, hiện tượng qua sự so sánh, thì so
sánh tu từ lại là kiểu so sánh các sự vật, hiện tượng khác loại và không phải để tìm sự khác nhau
mà là để mô tả, để tạo hình ảnh, để biểu cảm, để thể hiện cảm xúc, tức là để tìm ra cái hay, cái
đẹp của sự vật, hiện tượng. Cho nên, người ta cũng gọi so sánh tu từ là so sánh thẩm mĩ. Nói
khác đi, so sánh tu từ học khác với so sánh logic ở tính hình tượng, tính biểu cảm và tính dị loại
của sự vật, hiện tượng, sự tình.
3.2.1.3. Cấp độ so sánh
a. So sánh ngang bằng
So sánh không ngang bằng là loại so sánh đối chiếu sự vật, sự việc, sự tình, hiện tượng
trong mối quan hệ bằng nhau để làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của cái được so sánh. Trong
cấu trúc so sánh có các từ so sánh gồm những từ: như, tựa, tựa như, tựa hồ, là, như là, giống,
giống như, hệt, y hệt, giống hệt; (không kém, không hơn…, cũng có thể là bằng, như…), ví dụ:
Cổ tay em trắng như ngà
Trong mô hình, bên cạnh dạng đầy đủ các yếu tố so sánh thì dạng biến thể của mô hình là
khi A không xuất hiện mà chỉ có “x-B-y”, ví dụ:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
(Truyện Kiều)
Trong tiếng Việt có hàng loạt thành ngữ được cấu tạo theo kiểu này, và khi được sử dụng
trong giao tiếp thì thường đóng vai trò là thành phần mô tả đặc tính của A, ví dụ: Đẹp như tiên.
Xấu như ma. Nhanh như cắt. Chậm như rùa. Trắng như trứng gà bóc. Im như thóc nấu. Câm
như hến. Lười như hủi. Đứng như trời trồng. Đứng như Từ Hải. Chạy như ma đuổi. Khóc như
cha chết…
Hoặc đôi khi không có từ so sánh với mô hình biến thể là “A-x-B” như phép so sánh các sự
tình trong ví dụ sau:
Gái thương chồng đương đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
(Thành ngữ)
So sánh ngang bằng là dạng so sánh đa dạng nhất về tính chất dị loại. Có một số kiểu so
sánh thường gặp:
+ So sánh các sự vật khác loại, ví dụ:
Cây gạo to lớn như một tháp đèn khổng lồ.
+ So sánh sự vật với con người hoặc ngược lại, ví dụ:
Trẻ em như búp trên cành.
+ So sánh âm thanh với âm thanh, ví dụ:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
(Cảnh khuya - Hồ Chí Minh)
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
(Truyện Kiều)
+ So sánh chuyển đổi cảm giác, ví dụ:
Tiếng hát dài như nỗi nhớ
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.
(Tương tư chiều - Xuân Diệu)
Tóc em dài như một ngày mỏi mệt (Bầy ong trong đêm sâu - Lưu Quang Vũ)
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
(Trần Đăng Khoa)
+ So sánh hoạt động với các hoạt động khác, ví dụ:
Huyền đi như giậm chân.
b. So sánh hơn kém
So sánh hơn kém cũng được gọi là so sánh không ngang bằng, được dùng phổ biến trong so
sánh logic. Đây là kiểu so sánh các sự vật, sự việc có cùng loại, không ngoài mục đích tìm sự
giống và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng. Trong cấu trúc so sánh dạng này thường có các
như: hơn, kém, kém hơn, khác, chẳng bằng, không bằng,… Ví dụ:
Áo này lành hơn áo kia
Tiền giả định: Cả hai áo cùng rách.
c. So sánh bậc cao nhất
So sánh cấp cao nhất cũng được gọi là cấp so sánh tuyệt đối, tức là một sự vật, hiện tượng
nào đó là nhất, là trên hất, hơn cả trong một tập hợp hay hệ thống hay tập hợp đồng đẳng, đồng
loạt. Đây là một kiểu diễn đạt sự nhận định, đánh giá lựa chọn nhiều hơn là sự so sánh, với các
từ: nhất, không gì hơn, không ai bằng… Ví dụ:
Con này lớn nhất đàn.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
3.2.1.4. Tác dụng của biện pháp so sánh
Từ sự phân tích các kiểu dạng so sánh ở trên ta có thể thấy, đ ặc điểm ý nghĩa hàm ẩn trong
cấu trúc nghĩa so sánh tu từ là ở chỗ, A là cái chưa biết được đem ra so sánh và cũng thường là
cái trừu tượng, nhất là trong thơ ca; B là cái đã biết, cái ưu trội, tích cực và cụ thể. Do đó, so
sánh được sử dụng để nhằm cụ thể hoá cái trừu tượng, làm nổi bật lên các khía cạnh, đặc điểm,
tính chất nào đó của sự vật, sự tình trong từng hoàn cảnh khác nhau. Với cách này sẽ làm cho
hình ảnh sự vật, hiện tượng sự tình đó trở nên sinh động hơn, góp phần giúp cho người đọc,
người nghe dễ dàng hình dung được rõ hơn về sự vật, sự việc đang nói đến.
3.2.2. Phép ẩn dụ
3.2.2.1. Khái niệm
Ẩn dụ là biện pháp tu từ mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để lâm thời gọi
tên, biểu thị sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở một nét tương đồng (giống nhau) nào đấy giữa
chúng. Sự so sánh nét tương đồng giữa hai đối tượng có thể là về đặc điểm, tính chất, trạng thái,
màu sắc..., nhằm làm tăng khả năng gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Nói gọn lại, có thể hiểu
khái quát rằng ẩn dụ là hình thức thay đổi tên gọi của sự vật hiện tượng có tên là A bằng sự vật
hiện tượng có tên là B, trong đó A với B có nét tương đồng với nhau. Như vậy, vì không nói
thẳng ra mà mượn tên gọi khác để gọi thay cho nên ẩn dụ thực chất là một sự so sánh ngầm, tức
là không so sánh một cách tường minh bằng tên thật. Ví dụ:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa….
(Ca dao)
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mấy cuối trời
(Truyện Kiều)
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)
3.2.2.2. Các loại ẩn dụ và giá trị tu từ
Ẩn dụ có cả trong giao tiếp hàng ngày và trong tác phẩm văn chương, nhất là ca dao, thơ
thường sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ. Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng giúp tăng sức biểu cảm
cho câu văn/câu thơ. Ẩn dụ giàu hình ảnh và có tính hàm súc cao giúp người đọc người nghe hấp
dẫn và bị lôi cuốn.
Các nhà nghiên cứu về ẩn dụ có phân biệt, xếp loại rất khác nhau về ẩn dụ. Ở đây chúng tôi
tập hợp lại và nếu một số kiểu loại sử dụng phổ biến từ nhiều tài liệu khác nhau.
a. Ẩn dụ hình thức: Với phép ẩn dụ này hai sự vật, sự việc, hiện tượng trong phép ẩn dụ có nét
tương đồng về hình thức, ví dụ:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
(Truyện Kiều)
“Khuôn trăng” là chỉ mặt trăng, mặt trăng tròn trịa đầy đặn, ở đây tác giả lấy đặc điểm đó
của mặt trăng để ẩn dụ cho khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn của Thúy Vân.
b. Ẩn dụ cách thức: là phép ẩn dụ các sự vật, hiện tượng có tương đồng về cách thức, ví dụ:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng
(Tục ngữ)
Quả, cây, khoai là thành quả của lao động, còn hành động trồng cây là hành động lao động,
các sự vật hiện tượng này có tương đồng về cách thức đều thuộc về hành động lao động.
c. Ẩn dụ phẩm chất: Các sự vật, hiện tượng có nét tương đồng về phẩm chất, ví dụ:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
(Ca dao)
Trong câu ca dao này, hình ảnh thuyền – bến ẩn dụ về nam và nữ, với phẩm chất, tương đồng
với tính cách động và tĩnh, gợi lên phẩm chất chung thuỷ của người phụ nữ đối với người mình
yêu.
Vì chanh nên quýt đèo bòng
Vô duyên cam phận nạ dòng, trách ai?
(Ca dao)
d. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:
Có người gọi ẩn dụ này là ẩn dụ bổ sung, tức là sự sự cảm nhận và diễn đạt ngôn ngữ
được thay thế từ một giác quan này bằng một giác quan khác, ví dụ:
- Tiếng hát của cô ấy thật ngọt ngào
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Trần Đăng Khoa)
Trong các ví dụ trên, từ việc nghe bằng tai nhưng lại thể hiện cảm giác bằng miệng “ngọt
ngào”, chuyển từ thính giác sang vị giác; từ tiếng nghe được chuyển sang nhìn mà thấy giống
dáng rơi “nghiêng”.
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác xuất hiện trong lời nói hàng ngày khá phổ biến tạo thành những
cách nói gần ổn định như những khuôn diễn đạt, như “nghe trong hương lúa mùi no ấm”; tôi
thấy nóng, thấy lạnh, thấy đói, thấy thơm, thấy ngọt, thấy đắng; tiếng rên lành lạnh, tiếng cười
giòn tan, tiếng khóc khô khốc, giọng nói ấm áp, giọng khê nồng, giọng cứng nhắc, khúc ca mùi
mẫn, lời ngọt ngào, chuyện nhạt phèo, tin nóng hổi, tin sốt dẻo... Trong thi ca, ẩn dụ chuyển đổi
cảm giác rất được ưa dùng vì nó tạo ra sự độc đáo trong quan sát và cảm nhận, cũng như có giá
trị xây dựng hình tượng thơ, nhất là thơ lãng mạn. Ví dụ, trong bài thơ Huyền diệu, Xuân Diệu
đã sử dụng hàng loạt ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để nói về sự diệu huyền của thanh âm trong
khúc nhạc tình yêu:
Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn;
Như hương thấm tận qua xương tuỷ,
Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn.
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du dương
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương...
Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai
Giọng suối, lời chim, tiếng khóc người;
Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc
Ngọt ngào kêu gọi thuở xa khơi...
3.2.3. Nhân hoá và vật hoá
3.2.3.1. Khái niệm
Theo cách hiểu truyền thống, nhân hoá là biện pháp gán cho sự vật, đồ vật những hành động,
tính cách, cảm nghĩ, nói năng như người. Nói cách khác, nhân hoá (hay nhân cách hoá) là một
loại ẩn dụ khi chuyển đổi từ những sự vật sang vật hữu sinh, hữu linh hoặc từ thế giới vật chất
sang thế giới ý thức của con người.
3.2.3.2. Giá trị tu từ
Thủ pháp nhân cách hóa rất quan trọng không chỉ trong văn học, mà biện pháp này còn
hữu ích trong giao tiếp sinh hoạt của con người. Tác dụng của biện pháp nhân hóa gồm:
– Giúp loài vật/cây cối/ trở nên sinh động, gần gũi với con người.
– Các loài vật/cây cối/ con vật có thể biểu thị được suy nghĩ hoặc tình cảm của con người.
Hàng ngày ta vẫn thường nghe nói: điếu cày kêu sòng sọc, gió rít từng cơn, biển gào thét,
sóng thì thầm, ông mặt trời thức dậy, nắng cười vui trên cành lá xôn xao, đá đổ mồ hôi, con
đường lượn vòng quanh núi, sách nằm trên tủ, cái bụng muốn đi mà cái chân không muốn
bước… Những vật vô sinh, vô tri như điếu cày, gió, biển, sóng, nắng, đá… được con người thổi
hồn mà trở nên sống động như những sinh vật, như con người trước mắt ta. Đặc biệt là ở ngôn
ngữ trẻ em, cách nhìn, cách cảm nhận và cách nói của trẻ thật nên thơ và ngộ nghĩnh, ví dụ:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non.
(Ca dao)
Trong thơ văn, các sử thi, trường ca (Đam San, Xinh Nhã), hoặc trong thơ ca truyền miệng
của dân gian, ta thường gặp lối nhân hoá, phản ánh tư duy, cách nhìn nhận sự vật trong đời sống
của con người, ví dụ:
Núi cao chí lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.
(Ca dao)
Trong thơ hiện đại, nhân hoá cũng được sử dụng để tả cảnh; mượn cảnh vật để nói lên nỗi
lòng.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành.
(Tương tư chiều- Xuân Diệu)
Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
(Bài ca xuân 1961 - Tố Hữu)
Bên cạnh biện pháp nhân hoá, ta còn thấy phép vật hoá, tức là cách chuyển nghĩa những
những từ ngữ thuộc trường nghĩa chỉ người sang trường nghĩa chỉ đồ vật, loài vật. Nói cách khác,
vật hoá (trái ngược với nhân hoá) là biện pháp biểu đạt chuyển ngược lại từ người đến động vật
hoặc đồ vật, tức là gán cho con người những hành động, tính chất, tính nết, thuộc tính của động
vật, sự vật, đồ vật...
Trong lời nói hàng ngày, ta thường gọi những em bé một cách thân mật là cái: cái Lan, cái
Hoa; gọi người yêu là cây si, là cục cưng, là con bò mộng, là con cún, gọi bạn hát karaoke là tay
vịn, gọi vợ là cái ngân hàng….
Trong văn chương, người ta dùng vật hoá để châm biếm, đùa vui nhưng không phải dung
tục, ví dụ:
Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
(Ca dao)
Bằng cách dùng danh loại từ “mớ” cũng đã thể hiện rất rõ thái độ châm biếm hài hước khi
coi đàn ông rẻ rúng tầm thường chỉ như mớ tôm, mớ cá hay mớ rau.
3.2.4. Ẩn dụ tượng trưng
3.2.4.1. Khái niệm
Tượng trưng (symbol) là phép chuyển nghĩa dựa vào những ẩn dụ và hoán dụ ngôn ngữ
gắn với những biểu tượng xã hội. Chẳng hạn, biểu chung phổ quát: màu đỏ biểu trưng của đấu
tranh, màu xanh - hoà bình, màu trắng - tinh khiết, màu tím -thuỷ chung; với người Pháp: màu
đen là màu tang tóc, đau buồn, màu xanh là màu của tình yêu, màu vàng nghệ là màu của bệnh
tật,v.v.. Ở nước ta, màu trắng – tang tóc, màu đỏ son là màu của sự may mắn, màu vàng là màu
của quý phái, vua chúa…
3.2.4.2. Đặc điểm và giá trị tu từ
Ẩn dụ tượng trưng là ẩn dụ của những từ ngữ được gắn với những hình ảnh có giá trị hình
tượng, ví dụ: trong phong cách nghệ thuật người ta dùng:
- Tùng, cúc, trúc, thông… để biểu thị người quân tử, vẻ đẹp cao quý, ví dụ:
Kiếp sau xin chớ làm người.
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
(Nguyễn Công Trứ)
- Con cò, con vạc, con tằm, con ong, cái kiến, bèo, mây… biểu thị thân phận thấp hèn, bé mọn,
yếu đuối của những con người nhỏ bé trong xã hội, ví dụ:
Thương thay thân phận con tằm
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ
Thương thay lũ kiến li ti
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi
Thương thay con cuốc giữa trời
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.
(Ca dao)
- Thắt đáy lưng ong, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn… biểu thị dáng người và nét đẹp
của người phụ nữ.
Những người thắt đáy lưng ong
Vừa giỏi chiều chồng lại khéo nuôi con
(Ca dao)
- Cây đa, giếng nước, ao làng, sân đình, luỹ tre, đồng lúa, cây rơm…là hình ảnh làng quên Việt
Nam xưa.
3.2.5. Ẩn dụ ngụ ngôn
3.2.5.1. Khái niệm
Ẩn dụ ngụ ngôn còn được gọi là phúng dụ, là cách nói để nêu ra những giáo lí về đạo đức,
về cách ứng xử giữa con người với con người. Ẩn dụ ngụ ngôn là phương thức chủ yếu của
những truyện ngụ ngôn biểu đạt một nội dung triết lí hay bài học luân lí mà người nói không
muốn trình bày trực tiếp. Nhiều truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Ê dốp thời cổ, truyện ngụ ngôn
của La Phông ten ở Pháp, truyện Trê Cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công của ta thời trước hay
Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài…
3.2.5.2. Đặc điểm và giá trị tu từ
Ẩn dụ ngụ ngôn thực chất là phương thức chuyển nghĩa theo lối liên tưởng tương đồng giữa
hai sự vật, trong đó, cái được so sánh gọi tên thay cho cái so sánh. Đó là cơ chế chuyển từ trường
nghĩa này sang trường nghĩa khác.
Trong các tác phẩm văn học ngụ ngôn, nhà văn gán cho các loài vật, đồ vật sử dụng các từ
xưng hô chỉ người và viết hoa chúng ở ngôi nhân xưng trong tác phẩm: Ông mặt trời, ông hổ,
bác gấu, chị sáo nâu, chị chích choè, chú gà trống, chú voi, chú khỉ, thím gà mái mơ…. Đồng
thời, nhà văn cũng gán các đồ vật và loài vật mọi hoạt động, đặc tính, quan hệ, cư xử với nhau và
với con người như con người trong bối cảnh sinh tồn và sinh hoạt của chúng. Ví dụ:
Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến Đất bạc đầu
Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang
Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến Đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần...
(Đám ma bác Giun - Trần Đăng Khoa)
Trong phong cách nghệ thuật ẩn dụ ngụ ngôn được dùng nhiều trong thơ ca. Đặc điểm của
phép tu từ này là mang ý nghĩa xã hội và đạo lí sâu sắc, sống động mà hóm hỉnh trong cách tổ
chức văn bản, tổ chức cốt truyện, tổ chức sự kiện, sự tình, sự chọn lựa hình ảnh, bối cảnh và
hành động phù hợp độc đáo. Giá trị của ẩn dụ ngụ ngôn không chỉ ở hình tượng, sự biểu trưng và
biểu cảm mà còn ở chỗ phát hiện chiều sâu, bề xa của sự vật, sự tình của tác giả. Ví dụ:
Cái cò, cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò?
Không, không tôi đứng trên bờ.
Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi.
Không tin ông đến ông coi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia. (Ca dao)
Ở đây là cả một bối cảnh xã hội, quan hệ và sinh hoạt đời sống trong xã hội phong kiến với
hình ảnh ẩn dụ về mối quan hệ giữa người nông dân và địa chủ.
3.2.6. Hoán dụ
3.2.6.1. Khái niệm
Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa bằng cách dùng một đặc điểm, một dấu hiệu hay một
nét tiêu biểu của một đối tượng để gọi tên chính đối tượng đó. Khác với nhóm ẩn dụ dựa trên cơ
sở liên tưởng tương đồng hoặc đồng nhất, nhóm hoán dụ dựa vào cơ sở liên tưởng kế cận. Nhóm
hoán dụ bao gồm: hoán dụ, cải dung, cải danh, cải số… và lấy hoán dụ làm phương thức tiêu
biểu.
3.2.6.2. Cơ chế chuyển nghĩa
Cơ chế chuyển nghĩa hay các biện pháp tạo hoán dụ thường là:
- Lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể, ví dụ: Những chiếc mũ sắt cúi xuống.
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
(Hoàng Trung Thông)
Áo nâu cùng với áo xanh,
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.
(Tố Hữu)
Hình ảnh “áo nâu, áo xanh” chỉ người nông dân và người công nhân, đây là bộ phận nhỏ
của nông thôn và thành thị.
- Lấy đặc điểm, dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật, ví dụ:
Áo chàm đưa buổi phân li,
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
(Việt Bắc- Tố Hữu)
“Áo chàm” là hình ảnh những đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, ở đây chính là dấu hiệu ám chỉ
những cuộc chia li.
- Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng. Biện pháp này cũng được gọi là phép cải dung,
ví dụ:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai.
(Truyện Kiều)
Bóng hồng là chỉ về vẻ đẹp của mỗi người con gái, đây được coi là vật chứa đựng. Xuân
lan, thu cúc là chỉ về vẻ đẹp riêng của từng người con gái, đây là cái bị chứa đựng.
- Lấy số ít biểu thị nhiều, lấy con số cụ thể thay cho số khái quát. Biện pháp này còn được
gọi là phép cải số. Trong đời sống ta gặp không ít phép cải số này. Chẳng hạn, mớ ba, mớ bảy,
ba chìm nổi, cửa hàng bách hoá, trường bách khoa, cơm thập cẩm, bốn phương tám hướng, tứ
chiếng giang hồ, làm dâu trăm họ, trăm tay nghìn mắt, thiên hình vạn trạng; Trong nghệ thuật
phép cải số cũng được sử dụng với ý nghĩa phiếm chỉ, khái quát về những con số, ví dụ:
Trăm năm trong cõi tình duyên
Xe tơ kết tóc đính nguyền chẳng sai.
(Sơ kính tân trang - Phạm Thái )
Trăm năm trong cõi người ta…
Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
(Truyện Kiều-Nguyễn Du)
- Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng, ví dụ:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
(Ca dao)
(Một, ba là cái cụ thể dùng để chỉ cái trừu tượng: riêng lẻ, đoàn kết)
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng…
(Tiếng ru - Tố Hữu)
(Một ngôi sao là số ít, nhỏ mọn, ánh sáng không thể bao trùm, biến đêm thành ngày được;
một bông lúa không thể đại diện và được coi là cả một mùa màng bội thu được)
Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.
(Ta đi tới - Tố Hữu)
(Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân là cái cụ thể biểu thị cái trừu tượng: tinh thần kháng chiến dẻo
dai)
3.2.6.3. Đặc điểm và giá trị tu từ
Trong giao tiếp hàng ngày, hoán dụ là biện pháp được sử dụng thường xuyên và phổ biến
nhất. Trong các phong cách chức năng văn bản thì biện pháp tu từ này cũng được sử dụng rộng
rãi ở mọi phong cách, đặc biệt phổ dụng hơn cả là ở phong cách khẩu ngữ, phong cách nghệ
thuật và phong cách báo chí.
Về giá trị phong cách, hoán dụ là cách tạo tên mới cho đối tượng dựa trên mối quan hệ giữa
bộ phận và toàn thể nhằm diễn tả sinh động nội dung thông báo mà người nói muốn đề cập.
Chẳng hạn, chỉ riêng cách gọi tên một người nào đó mà ta không biết tên hoặc muốn tránh, ta có
thể dùng:
- Đặc điểm ngoại hình: Bác râu xồm, bà chống gậy, chị tóc xanh, bác răng vàng…
- Quần áo, vật dụng: Bác mặc comlê, anh áo cộc, chú đeo kính, chị đi giày thể thao…
- Nghề nghiệp: Cô giáo, ông bác sĩ, chú lái xe, bà đồng nát, bà chủ quán, chú cảnh sát, chị lao
công…
- Chức vụ: Ông giám đốc, thầy hiệu trưởng, chú trưởng phòng, bạn lớp trưởng, đồng chí đại
tá…
- Quan hệ thứ bậc trong gia đình: ông, bà, cha, mẹ, anh, em…
Những kiểu thay đổi tên gọi này xuất hiện rất đa dạng trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ
thể và có giá trị lâm thời trong lời nói. Trong nghệ thuật, hoán dụ là phương thức sáng tạo có giá
trị miêu tả rất rõ. Ví dụ:
Hỡi cô yếm thắm loà xoà
Lại đây đập đất trồng cà với anh
(Ca dao)
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về nhà.
(Ca dao)
Thay tên gọi bằng cách thêm định ngữ cho tên gọi là vừa để giới thiệu vừa để phân biệt
với những tên gọi khác. Nói một cách tu từ thì hoán dụ cách gọi tên là vừa dẫn xuất vừa miêu tả.
Trong Truyện Kiều, để tránh lặp lại, Nguyễn Du đã dùng những hoán dụ khác nhau để gọi tên
nàng Kiều (gót sen, đầu xanh, má hồng, má đào, hồng quân, hồng quần, hoa nô, giai nhân, hoa
nô…). Cứ mỗi lần gọi như vậy chân dung nàng Kiều lại được thể hiện bằng một nét khắc hoạ
riêng.
Thời trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường…
Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi
(Truyện Kiều)
3.2.7. Khoa trương
3.2.7.1. Khái niệm
Tên gọi khác: ngoa dụ, thậm xưng, nói quá, phóng đại, cường điệu, ngoa ngữ, nói ngoa.
Khoa trương là phép tu từ phóng đại quy mô, tính chất, đặc điểm của đối tượng nhằm làm nổi rõ
đặc trưng bản chất của đối tượng miêu tả, gây sự chú ý, tăng cường sức biểu cảm.
3.2.7.2. Đặc trưng và giá trị tu từ
Khoa trương là biện pháp nói quá sự thật hay nói thậm xưng nhằm diễn tả sự vật, hiện tượng
dưới cách nhìn hài hước, châm biếm hoặc vui đùa.
Khoa trương hay được dùng trong khẩu ngữ tiếng Việt, ví dụ: nghĩ nát óc, giận tím mặt,
bầm gan, tức sôi máu, nóng mắt, tức lộn ruột, nghe rát tai, nghe ngứa tai, cười vỡ bụng, ngượng
chín cả mặt, làm mửa mật, nói ngọt lọt đến xương, cháy túi, cháy hàng, sướng tê cả người, tiếc
đứt ruột, thề đứt răng đứt lợi…
Trong thơ ca cũng sử dụng biện pháp khoa trương như một thủ pháp có tác dụng nhận thức,
tác dụng biểu cảm và gây ấn tượng bằng cách phóng đại quy mô, kích thước của sự vật, hiện
tượng, hoặc khuếch đại, nói quá tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng lên, ví dụ:
Hoa thơm thơm lạ thơm lùng,
Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm.
(Ca dao)
Gặp nhau chưa kịp hỏi chào
Nước mắt đã trào rơi xuống bỏng tay
(Ca dao)
Bà già tuổi tám mươi tư
Ngồi bên cửa số viết thư lấy chồng
(Ca dao)
Con rận bằng con ba ba
Nửa đêm nó ngáy cả nhà thất kinh.
Hàng xóm vác gậy đi rình
Té ra con rận trong mình bò ra.
(Ca dao)
Bằng lối diễn tả khác thường, nhiều khi rất vô lý của phép khoa trương lại gây sự chú ý,
tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt. Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rạ cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu
(Ca dao)
3.2.8. Uyển ngữ - Nói giảm
3.2.8.1. Khái niệm
Uyển ngữ, còn gọi là nói tránh, nói giảm, hay khinh từ (nói nhẹ), nhã ngữ (nói mềm) là phép
tu từ dùng cách nói bằng từ ngữ diễn đạt sự thanh tao, lịch sự, mềm mỏng, tế nhị, hình tượng
thay cho cách gọi tên bình thường hoặc thô tục, khó nghe trong những hoàn cảnh giao tiếp mà
người nói không tiện nói ra.
3.2.8.2. Các trường hợp thường dùng nói giảm
- Khi nói về cái chết hoặc sự mất mát, đau thương với những từ ngữ thường được sử dụng
như: đi, yên giấc ngàn thu, về quê, rời cõi tạm, hai năm mươi về già, về chín suối, lên cõi tiên…..
Trong thơ ca cũng được các nhà thơ nói tới với tình cảm yêu mến, thương xót, ví dụ:
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
(Truyện Kiều)
Bác Dương thôi đã thôi rồi.
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
(Khóc Dương Khuê- Nguyễn Khuyến)
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Tây tiến - Quang Dũng)
3.2.8.3. Đặc điểm
- Nói giảm xuất hiện phổ biến với loại đề tài tự nói về mình (khiêm ngữ), nhất là trong giao
tiếp trước đây của người Á Đông. Nhiều từ ngữ đã được từ vựng hoá đến mức trở thành công
thức diễn đạt chung của xã hội Ví dụ: vua chúa tự cho mình là quả nhân, quan lại thì nói khiêm
tốn “theo ngu ý” (ý của kẻ ngu dốt) của hạ thần, thiển ý (ý kiến nông cạn) của tôi; người dân thị
tự coi mình là thấp hèn: thảo dân, lê dân, lão lạp ... (thảo là cỏ, lê là đen, lạp là rác).
Trong thơ ca, nói giảm là:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa….
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau !
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng…
(Truyện Kiều)
(Thân lươn, bèo bọt, cát đằng – dây leo, biểu thị thân phận bé mọn, thấp hèn)
- Về cấu tạo, uyển ngữ được tao ra dựa trên ý nghĩa ẩn dụ hoặc hoán dụ của từ ngữ, tức là
lấy đặc điểm, thuộc tính hay phẩm chất ưu trội, đẹp đẽ nào đấy của sự vật để tạo ra uyển ngữ.
Theo đó, uyển ngữ chỉ có một vế - vế cái dùng để biểu thị, tức là gọi tên sự vật, hiện tượng bằng
một tên khác mềm, nhẹ, nhã hơn tên thật, ví dụ:
- phụ nữ - đội quân tóc dài, phái đẹp, phái yếu, thân bồ liễu…
- đàn ông - phái mạnh, giới mày râu…
- Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông
- thế kỉ 18 - thế kỉ ánh sáng
- than đá (dầu mỏ) - vàng đen
Với mục đích gợi ra cách nói tu từ bằng những từ ngữ nhã nhặn, lịch sự thay thế cho
những từ ngữ thô lỗ, khó nghe, người ta tạo ra uyển ngữ. Chẳng hạn, thay vì nói “chết”, người ta
nói: đi rồi, mất, rời cõi tạm, về cõi thiên thu, không còn nữa, khuất núi, về với tổ tiên…; bị kỉ
luật, bị cách chức thì nói xử lí hành chính, hạ tầng công tác, ăn cắp tài sản nhà nước – tham ô,
doạ nạt, ức hiếp quần chúng – quan liêu, mệnh lệnh với quần chúng…
3.2.8.4. Tác dụng
Tác dụng chủ yếu của uyển ngữ là tạo ra sự biểu cảm. Cụ thể, uyển ngữ tạo ra cách diễn
đạt, cách gọi tên mềm mại, uyển chuyển, tinh tế, văn chương. Vì vậy, lẽ tự nhiên là uyển ngữ
được dùng nhiều trong giao tiếp nói chung, nhất là trong ngôn ngữ văn chương và trong giao tiếp
trang trọng, nghi thức. Trong tác phẩm văn chương, uyển ngữ được sử dụng khá nhiều vì tác
dụng biểu cảm và cũng là tạo ra cách gọi tên mới, khác, uyển chuyển và sinh động cho sự vật,
hiện tượng. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều, tác giả đã sử dụng hàng loạt uyển ngữ khác nhau:
Vẻ chi một đoá yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh…
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung…
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Ở đây, vườn hồng – tình yêu của Kiều, chim xanh – Kim Trọng, mây mưa – sự ân ái, đá
vàng - sự chung thuỷ, nhị đào - trinh tiết, đoá trà mi – nàng Kiều, thoắt gãy cành thiên hương –
cái chết.
3.2.9. Chơi chữ
3.2.9.1. Khái niệm
Chơi chữ (tên gọi khác: lộng ngữ) là phép tu từ sử dụng một cách độc đáo, sáng tạo dựa trên
sự liên tưởng đến chỗ giống nhau hoặc gần giống nhau về ngữ âm, chữ viết, ngữ nghĩa, ngữ pháp
của từ ngữ để tạo ra lượng thông tin mới, bất ngờ, thú vị, có hình ảnh, có cảm xúc.
Cấu trúc liên tưởng bề sâu: những hàm ý, ngụ ý, ẩn ý kín đáo, sâu sắc, hoặc hài hước
(humour) gợi ra từ sự giống nhau của các thành tố trên cấu trúc bề mặt. Thông tin liên tưởng và
thông tin cấu trúc bề mặt trong phép chơi chữ là khác loại, hoàn toàn không liên quan gì với
nhau. Mối liên hệ khác loại giữa hai loại thông tin càng xa thì sự bất ngờ, lý thú của phép chơi
chữ càng lớn.
3.2.9.2. Tác dụng
Tác dụng chủ yếu của phép chơi chữ là biểu cảm. Chơi chữ tạo ra sự hài hước (humour),
vui đùa hoặc châm biếm, mỉa mai. Chơi chữ thường có giá trị lật ngược tình huống do những liên
tưởng bất ngờ, độc đáo. Chơi chữ cũng có tác dụng nhận thức. Chơi chữ tạo ra những liên tưởng
bất ngờ, kỳ thú, kích thich trí tuệ của người nghe (đọc), đem lại nhận thức mới mẻ về cơ cấu
ngôn ngữ hoặc những vấn đề đời sống xã hội mà nó gợi ra. Chơi chữ được dùng nhiều trong
khẩu ngữ, ngôn ngữ văn chương, báo chí. Người Việt Nam là một dân tộc thích chơi chữ và hay
chơi chữ. Chơi chữ là một phép tu từ cực kỳ phong phú trong tiếng Việt. Đã có khá nhiều cuốn
sách và luận án tiến sĩ viết về phép chơi chữ.
3.2.9.3. Các kiểu chơi chữ
Chơi chữ là hình thức cải tạo và biến đổi cấu trúc và ngữ nghĩa của từ ngữ cho nên rất
phong phú và đa dạng về kiểu dạng và hình thái về chất liệu, về cách thức cải biến, về nội dung
ngữ nghĩa. Có thể nói đến một số kiểu chơi chữ phổ biến sau:
a. Chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm, chữ viết
+ Dùng từ đồng âm, gần âm, ví dụ:
Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu
Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
(Truyện Kiều)
- Dùng tiếng cùng phụ âm đầu, ví dụ: Thiên tiểu thuyết trinh thám trữ tình tám tập toàn “t”
của nhà văn Nguyễn Quang Lập, hoặc văn bản toàn bằng một chữ cái “b”, “đ”, “th”, “c”,v.v.; ví
dụ:
Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chiều chua chát chán chê chưa?
Cha chài chú chóp chơi chung chạ,
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ.
(Trách người đa tình - Khuyết danh)
Thôi thế thì thôi, thôi thế thì
Thôi thì thôi thế thế thì thôi
Thôi thôi thế thế thôi thì thế
Thế thế thôi thì thôi thế thôi…
(Nguyễn Công Trứ)
- Dùng cách chiết tự, “chẻ” chữ (phân tích chữ):
Duyên thiên (天 – trời) chưa thấy nhô đầu dọc (夫 – chữ phu – chồng).
Phận liễu (了- phận bồ liễu) sao đà nảy nét ngang (子 – chữ tử - con).
(Không chồng mà chửa - Hồ Xuân Hương)
- Dùng cách phiên âm hài hước: Wesmoreland (Oét-mo-len) –> Vét mỡ lợn, Vét mồ lên; Marc
Artheur (Mác Ác-thơ) –> Mặt ác tệ.
b. Chơi chữ bằng phương tiện từ vựng – ngữ nghĩa
- Tách từ:
Trong giao tiếp hàng ngày, người Việt thường sử dụng lối tách các âm tiết của một từ ra kết
hợp với những yếu tố khác để tạo ra kết cấu mới: đã nghèo lại hèn, đã xấu lại xa, đã hiếm lại
hoi, chân chính chân phụ, cà phê cà pháo, tàu bay tàu bò...
- Dùng từ đồng nghĩa thuần Việt
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
(Ca dao)
- Dùng từ thuần Việt và Hán Việt đồng nghĩa, ví dụ:
Ô, quạ tha gà
Xà, rắn bắt ngoé
Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa, vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông
Thị vào chầu, thị đứng thị trông, thị cũng muốn, thị không có ấy.
- Dùng từ đa nghĩa, từ cùng trường nghĩa, ví dụ:
Chị Xuân đi chợ Hạ mua con cá thu về chợ hãy còn đông.
Anh Hươu đi chợ Đồng Nai, bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.
Bà đồ Nứa đi võng đòn tre, đến khóm trúc, thở dài hí hóp.
Lên phố mía gặp cô hàng mật, tay cầm kẹo lại hỏi thăm đường.
c. Chơi chữ ở bậc cú pháp
+ Câu đối, ví dụ:
- Hoạ hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm
- Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Hoặc: Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp.
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
(Điếu người thợ rèn - Nguyễn Khyến)
Thiếp từ khi lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh?
(Câu đối tặng gia đình người thợ nhuộm - Nguyễn Khuyến)
- Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thẳng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
(Nguyễn Công Trứ)
* Đối đồng nghĩa, ví dụ:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đáo bên sông chợ mấy nhà.
(Qua đèo Ngang- Bà huyện Thanh quan)
* Đối trái nghĩa, ví dụ:
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây
(Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm)
+ Nói lái
- Khái niệm
Nói lái là phép tu từ, một hình thức đặc biệt của phép chơi chữ, bằng cách đảo lộn, đánh tráo
phụ âm đầu, phần vần, thanh điệu giữa các âm tiết để tạo nên những tổ hợp âm tiết khác với một
nghĩa mới, bất ngờ, thú vị.
- Các kiểu nói lái: Dựa vào số lượng âm tiết, ta thấy có các kiểu:
Lái đôi, ví dụ: mộc tồn - cây còn- con cầy; đại phong- gió to-chùa đổ - tượng lo - lọ tương;
lái lợn – lớn lại, chủ đề - để chù, đủ chề, bí mật- bật mí, báo chí – cháo bí/ bí cháo, đôi tấm- tâm
đối- đối tâm- đám tôi - tấm đôi; thanh kiu (thank you ) – canh thiu...
Lái ba (chà đồ nhôm → chôm đồ nhà; gió đầu cành → cánh đầu giò; Vũ Như Cẩn → vẫn
như cũ…
Lái tư: mộc tồn bách diệp là cây còn trăm lá → con cầy tra (già) lắm…
Có khi lái ở trong cả những câu đối, ví dụ:
Chị chờ em ở Chợ Chì
Tao kéo mày về Keo Táo
- Chủ báo bảo chú cứ làm
Kinh tế cần tính kế mới được.
- Đặc điểm
Cơ sở của biện pháp nói lái là do tính đơn lập phân tiết tính của tiếng Việt. Âm tiết trong
tiếng âm tiết độc lập và có cấu trúc các bộ phận khá riêng rẽ, ổn định, ranh giới giữa các âm tiết
rõ ràng. Việc nói lái được là do ba bộ phận trong âm tiết tiếng Việt là phụ âm đầu, vần, thanh
điệu có thể dễ dàng tách ra, di chuyển vị trí để kết hợp với những bộ phận tương ứng, tạo thành
một âm tiết hoặc tổ hợp âm tiết mới. Theo đó, nghĩa của tổ hợp âm tiết mới cũng khác với nghĩa
ban đầu về sự hài hước (humour), trào phúng hoặc những hàm ý thâm thuý, nghịch thường, cắc
cớ, ví dụ:
Thầy giáo tháo giầy, tháo giáo án dán áo
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương.
- Tác dụng
Nói lái có tác dụng chủ yếu là biểu cảm nhằm tạo sự đùa vui, hài hước (humour) hoặc
châm biếm, mỉa mai, đả kích. Trong khá nhiều trường hợp, nói lái cũng gợi ý cho chúng ta
những nhận thức mới, bất ngờ, đáng suy ngẫm về sự vật, hiện tượng hoặc những vấn đề đặt ra
trong cuộc sống. Hiện đại thì hại điện; Đấu tranh rồi tránh đâu? Nói lái được sử dụng nhiều trong
câu đố, truyện cười, thơ văn trào phúng, châm biếm, trong tiểu phẩm báo chí.
Dù được coi là biện pháp dùng để đùa cợt không nghiêm chỉnh trong giao tiếp nhưng nói lái
vẫn được sử dụng trong văn học nghệ thuật, với mục đích hài hước, châm biếm, ví dụ: bài thơ
Chùa Quán sứ của Hồ Xuân Hương:
Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào người móc kẽ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo,
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.
3.3. Các biện pháp tu từ ngữ âm và ngữ pháp
3.3.1. Phép điệp (lặp)
3.3.1.1. Khái niệm
Điệp (lặp) là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong văn học chỉ việc đi lặp
lại cấu trúc của một âm, một từ hay mô hình cụm từ hoặc câu trong nhằm tạo sự khẳng định, tạo
sự liệt kê, tạo sự nhấn mạnh và tạo cảm xúc, nhấn mạnh ý nghĩa và cuốn hút sự tập trung sự chú
ý của người đọc, người nghe.
3.3.1.2. Những giá trị của phép điệp
Yếu tố âm, từ ngữ, câu được lặp đi lặp lại: Điệp âm là thủ pháp nghệ thuật được thực hiện
ở mọi cấp độ ngôn ngữ tức là các phương tiện ngôn ngữ từ ngữ âm, từ vựng đến ngữ pháp đều
được sử dụng để thực hiện biện pháp này.
Phép lặp tu từ có sự phân biệt với hiện tượng dư (nét rườm) xuất hiện trong giao tiếp như
một thứ tật ngôn ngữ. Thủ pháp này được sử dụng nhiều trong văn phong chính luận, trong
phong cách hành chính, phong cách khoa học và phong cách nghệ thuật mà tiêu biểu nhất là
phong cách thơ ca. Ví dụ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành
công”.

3.3.1.3. Một số kiểu điệp


Do giáo trình này không dành cho khối chuyên ngữ nên chúng tôi chỉ giới thiệu một số
biện pháp tu từ điệp ở bậc ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp phổ biến.
a. Điệp âm tiết
Điệp âm là biện pháp dùng láy phương tiện âm thanh để tạo cộng hưởng ý nghĩa, hoặc là tô
đậm thêm hình tượng hoặc xúc cảm, gợi tưởng tượng.
+ Điệp phụ âm đầu, ví dụ:
Dan díu dằng dai dáng dật dờ!
Vấn vương vô vị việc vu vơ!
Tưởng tin tươm tất tình tươi tốt!
Mong mỏi mặn mà má mởn mơ!
Đắm đuối đầu đường đi đớ đẩn!
Ngập ngừng, ngang ngở ngó ngu ngơ!
Lâm ly lưu luyến lòng lai láng!
Thắc thỏm thương thầm thả thẩn thơ.
(Tình vấn Vương - Nguyễn Đường Lý)
+ Điệp vần, ví dụ:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
(Truyện Kiều)
Hoặc :
Lá bàng đang đỏ ngọn cây
Sếu giang mang lạnh đang bay ngang trời.
Mùa xuân còn hết em ơi
Mà con én đã gọi người sang xuân !
(Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu)
+ Điệp thanh điệu, ví dụ:
Trời buồn làm gì trời rầu rầu
Anh yêu em xong anh đi đâu?
Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc
Một bụng một dạ một nặng nhọc
Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi
Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi
Thương thay cho em, căm thay anh
Tình hoài càng ngày càng tày đình.
(Tình hoài – Lê Ta)
b. Điệp từ ngữ theo trục quan hệ kết hợp - theo chiều ngang:
+ Điệp từ, ví dụ:
Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say xưa
(Ca dao)
Cuối cùng em đã lớn lên
Cuối cùng bấc đã khêu đèn sáng trăng
Cuối cùng thì lá cũng xanh
Rằng me chua chát xin đành chát chua
Cuối cùng hoa đã nở hoa
Cuối cùng trái ủ trong vò lên men
Cuối cùng gió đã mang tên
Rằng đem bão tố mà đền phong ba
Cuối cùng em đã đi qua
Cuối cùng cỏ cũng thành bờ tóc tiên
Cuối cùng giọt nắng bừng lên
Rằng chim còn biết hót tìm đến nhau
Cuối cùng em đã làm dâu
Cuối cùng anh lại đến sau... Cuối cùng...
(Cuối cùng - Nguyễn Trọng Văn)
+ Điệp ngữ (cụm từ), ví dụ:
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ.
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
(Ca dao)
c. Điệp từ ngữ tiếp nối theo tuyến tính
Đây là kiểu lặp từ ngữ theo lối chuyển tiếp (điệp từ vòng hay điệp từ móc xích) với hiệu quả
tạo ra sự diễn tiến liên tục, triền miên của sự tình cũng như cảm xúc. Ví dụ:
Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn)
d. Điệp từ ngữ theo hình tuyến, tức theo trục dọc, ví dụ:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
(Truyện Kiều)
đ. Phép điệp cú pháp
+ Điệp cú pháp (còn được gọi là lặp cú pháp hay phép dùng cú pháp sóng đôi) là một kiểu lặp
do người nói, người viết cố ý dùng đi dùng lại một mô hình hay một thành phần chức năng cú
pháp nào đó với mục đích nhấn mạnh sự chú ý đến đối tượng miêu tả. Cụ thể, đây là biện pháp tu
từ tạo ra những câu văn đi liền nhau theo hướng đối lập hay bổ sung, bằng một mô hình cú pháp,
một kết cấu điệp cú pháp hay sóng đôi cú pháp nhằm nhấn mạnh ý và tạo sự nhịp nhàng, cân đối
cho văn bản.
+ Các dạng lặp cú pháp
- Lặp lại một thành phần cú pháp trong câu.
Lặp lại thành phần chủ ngữ, ví dụ:
Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...
(Cảm xúc – Xuân Diệu)
Con sóng dưới lòng sâu.
Con sóng trên mặt nước.
(Sóng - Xuân Quỳnh)
- Lặp lại thành phần vị ngữ, ví dụ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
(Ca dao)
- Lặp mô hình cấu trúc ngữ pháp
* Lặp cấu trúc so sánh, ví dụ:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
(Truyện Kiều)
* Lặp mô hình câu, ví dụ:
Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một.
(Hồ Chí Minh)
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
e. Hiệu quả nghệ thuật của phép điệp cú pháp
+ Dựa vào hiệu quả của phép điệp mà người ta vận dụng để cấu tạo nên thành ngữ, tục ngữ, ví
dụ:
Ăn cây nào, rào cây ấy
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
(Tục ngữ)
Cha nào con ấy
Rau nào sâu ấy
Nồi nào vung ấy
(Thành ngữ)
+ Để tạo câu đối dựa vào sự điệp âm và đồng âm, ví dụ:
- Con trai Văn Cốc lên dốc bắn cò, đứng lăm le cười khanh khách.
Con gái Bát Chàng bán hàng thịt ếch, ngồi chầu chẫu, nói ương ương.
- Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại.
+ Lặp nhằm tạo ra sự liệt kê, ví dụ:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba…
(Hạt gạo làng ta - Trần Đăng Khoa)
+ Gợi hình ảnh, ví dụ:
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
(Truyện Kiều)
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
(Tây tiến - Quang Dũng)
+ Mô phỏng âm thanh, ví dụ:
Những đườmg Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
(Tố Hữu)
+ Điệp từ tiếp nối tạo ra sự nhấn mạnh, ví dụ:
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Những cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn.
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách áo mở tung, trắng cả trời chiều.
(Gửi em, cô thanh niên xung phong – Phạm Tiến Duật)
3.3.2. Đảo cú pháp
3.3.2.1. Khái niệm
Tiếng Việt sử dụng giá trị thứ tự theo vị trí làm phương thức kết cấu cú pháp; thay đổi vị trí
là thay đổi giá trị của đơn vị cấu trúc. Lê Văn Lý đã lấy ví dụ năm từ “ Sao, nó, bảo, không, đến”
để tạo thành những câu thụ động. Sau khi tính giai thừa (5x4x3x2x1=120) rồi loại trừ những câu
vô nghĩa thì cũng còn được khoảng 40 câu. Tuy nhiên, ở cấp độ câu, vị trí các thành phần chính
trong câu được mặc định theo cấu trúc thông báo và luôn được tuân thủ nghiêm nhặt. Việc thay
đổi vị trí các thành phần nòng cốt cũng như các thành phận phụ không làm thay đổi ý nghĩa ngữ
pháp cơ bản, vẫn giữ được nội dung thông báo nhưng lại tạo ra hiệu quả ngữ dụng nhất định.
3.3.2.2. Tác dụng của việc đảo cú pháp
Phép đảo từ ngữ là một biện pháp tu từ tạo ra hiệu quả nêu bật đặc điểm, tính chất, hoạt
động của sự vật, hiện tượng mà có người gọi phép đảo này là phép nhấn mạnh.
Các bộ phận câu khi được đưa lên ở vị trí đầu câu thì tạo ra hiệu quả mô tả, khắc hoạ sẽ
mạnh và rõ nét hơn hắn. Đồng thời với việc sử dụng thủ pháp này một cách thường xuyên, ổn
định cũng tạo nên nét phong cách riêng của tác giả.
3.3.2.3. Các dạng đảo ngữ
Có một số kiểu dạng đảo nhấn mạnh thường gặp trong văn học nghệ thuật như sau:
a. Đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ
Ví dụ:
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng tám.
( Ta đi tới - Tố Hữu)
So với:
Những bóng thù hắc ám đã tan tác
Trời thu tháng tám đã sáng lại
Rõ ràng những câu thơ do đảo vị trí mà ý nghĩa của vị ngữ được nhấn mạnh và câu thơ
cũng giàu âm hưởng hơn rất nhiều.
Người xưa đã biết sử dụng lối đảo này để tạo ra hình ảnh, hình tượng thơ, ví dụ:
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ…
(Cảnh thu – Thơ Hồ Xuân Hương)
Hoặc: Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà …
(Qua đèo Ngang – Bà huyện Thanh Quan)
Cách đảo nhằm nhấn mạnh hoạt động, đặc điểm của sự vật, cũng là tạo cho chất liệu âm
thanh, màu sắc, hình khối, tư thế, hành động… khi ở vị trí đầu tiên đã có được cái thế bao trùm
và đập mạnh vào tri giác người nhận thành một ấn tượng khó quên.
b. Đảo bổ ngữ của động từ lên đầu câu
Bổ ngữ là thành phần biểu thị sự vật có mối quan hệ ràng buộc với động từ, tính từ trung
tâm. Bổ ngữ đối tượng của động từ vị ngữ thường đứng sau động từ đó. Bổ ngữ đối tượng có thể
dùng quan hệ từ trực tiếp hoặc không cần dùng quan hệ từ. Có những loại bổ ngữ có thể đổi vị
trí, có loại thì không thể. Ví dụ từ những câu theo trật tự bình thường:
Tôi đã đọc cuốn sách này rồi
Nó thương mẹ nhất.
Bà ấy có hàng dãy nhà ở thành phố
Bà ấy có hàng mẫu ruộng ở nhà quê.
Khi đảo bổ ngữ lên đầu câu thì sức nhấn mạnh đã được thể hiện rất rõ rệt:
Cuốn sách này (thì) tôi đã đọc rồi.
Mẹ (là) nó thương nhất.
Nhà, bà ấy có hàng dãy ở thành phố.
Ruộng, bà ấy có hàng mẫu ở nhà quê. So với:
Ở vị trí tiếp nối giữa bổ ngữ đảo với phần còn lại của câu, tuỳ quan hệ nghĩa mà có thể
dùng dấu phảy hoặc từ “thì, là” để liên kết.
c. Đặt trạng ngữ của câu lên trước
Trạng ngữ của câu thì có nhiều loại và đứng ở những vị trí khác nhau; ở đầu câu, ở giữa
câu hoặc ở cuối câu; mang những ý nghĩa khác nhau: thời gian, không gian, nguyên nhân, mục
đích, tình thái, tình hình, cách thức. Tuy vị trí trạng ngữ của câu khá linh động và có phần tự do
nhưng nếu đặt ở vị trí đầu câu, nhất là với loại trạng ngữ tình thái thì hiệu quả mô tả, khắc hoạ sẽ
mạnh và rõ nét hơn, cảm xúc cũng được thể hiện rõ hơn. Có những tác giả tạo được dấu ấn riêng
về phong cách với việc sử dụng đậm đặc thủ pháp đảo này.
Loại trạng ngữ tình thái, tình hình, cách thức không biểu thị sự tình, nó chỉ nêu lên cái tình
huống, cái cách thức mà sự tình hay hành động được biểu thị ở nòng cốt câu diễn ra. So sánh,
nếu viết “Chị Dậu hoảng hốt bồng cả hai con đứng dậy” thì sắc thái biểu cảm bị mờ đi. Nhưng
viết: “Hoảng hốt, chị Dậu bồng cả hai con đứng dậy” (Tắt đèn - Ngô Tất Tố). Với hàng loạt ví
dụ tương tự sau đây, ta thất tất cả đều có sức tạo dáng, tạo hình, tư thế, đặc điểm hành vi, thái độ
của nhân vật sống động hơn nhiều so với trật tự xuôi:
Lễ phép, hai mẹ con chị Dậu cùng cúi chào.
Thẽ thọt, chị Dậu nâng dải yếm lau nước mắt.
Rón rén, chị Dậu đến cạnh tràng kỷ.
Cằm ghếch đầu gối, hắn ngồi bổ củi.
Rồi vội vàng, ông vớ khăn áo, rủ Tới cùng đi.
Lạch cạch, cái xe ngựa chuyển bánh.
Lặng lẽ và kiên tâm, bà mẹ vẫn tiếp tục nhích tới như theo một tiếng gọi mơ hồ nào...
3.3.3. Tách câu
3.3.3.1. Khái niệm
Tách câu là tách một bộ phận của câu thành một câu riêng biệt nhằm mục đích tu từ (nhấn
mạnh nội dung thông tin) hoặc để chuyển nội dung. Cụ thể, trong một câu có nhiều thành phần,
bộ phận đồng chức thì ta có thể tách một hoặc một vài thành phần, bộ phận cuối của nhóm đó
thành những câu riêng biệt.
Việc đặt dấu câu bất thường như vậy đa số xuất hiện trong văn học nghệ thuật. Mục tiêu
chung của biện pháp tu từ này là: Tách ra một cách không bình thường cái thông thường là để
nhấn mạnh cái thông thường đó.
- Cô hàng xóm vừa du học ở Ô-trây-li-a về. Cho một đĩa ổi chín.
- Tôi cắn trái ổi đầu mùa. Và mời cha một trái.
Ở những câu trên có dùng dấu chấm một cách bất thường nhưng vẫn chuẩn ngữ pháp. Đây chính
là hiện tượng tách câu. Nó tạo ra sự rạch ròi và một điểm nhấn.

3.3.3.2. Các kiểu tách câu


+ Tách câu ở phần vị ngữ khi có nhiều vị ngữ. Ví dụ:
- Ông già không nói, đang nhấp ngụm trà thơm phức mùi ngâu.
 Ông già không nói. Đang nhấp ngụm trà thơm phức mùi ngâu.
Khi câu đã có đủ chủ ngữ, vị ngữ, rõ nghĩa, truyền tải một nội dung thông tin nào đó. Ta có thể
đặt dấu chấm để tách câu khi cần nhấn mạnh một nội dung nào đó ở các thành phần phụ:
+ Tách một bổ ngữ thành câu riêng khi câu có nhiều bổ ngữ. Ví dụ:
- Tối về, tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ mãi đến chuyện đã xảy ra, cả chuyện sắp xảy ra.
 Tối về, tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ mãi đến chuyện đã xảy ra. Cả chuyện sắp xảy ra.
- Tôi nghĩ đến sức mạnh của thơ, chức năng và vinh dự của thơ.
 Tôi nghĩ đến sức mạnh của thơ. Chức năng và vinh dự của thơ.
+ Tách một phần của định ngữ thành câu riêng khi câu có nhiều định ngữ, ví dụ:
- Đó là một cuốn sách hay và gợi nhiều suy nghĩ.
 Đó là một cuốn sách hay. Và gợi nhiều suy nghĩ.
+ Tách thành phần chú giải thành câu riêng khi thành phần này đứng ở cuối câu. Ví dụ:
- Bà Hà ghét vợ chồng anh xe ra mặt, nhất là chị vợ.
 Bà Hà ghét vợ chồng anh xe ra mặt. Nhất là chị vợ.
+ Tách thành phần trạng ngữ thành câu riêng khi thành phần này đứng ở cuối câu. Ví dụ:
- Rồi đột ngột, một cái đầu ló lên, từ dưới gầm bàn.
 Rồi đột ngột, một cái đầu ló lên. Từ dưới gầm bàn.
+ Tách vế phụ đứng ở cuối câu ghép thành câu riêng, ví dụ:
- Anh cứ giữ cuốn sách ấy đi, nếu cần.
 Anh cứ giữ cuốn sách ấy đi. Nếu cần.
- Anh ấy không muốn đi vì dịch đang lan rộng
 - Anh ấy không muốn đi. Vì dịch đang lan rộng
3.3.3.3. Tác dụng
Cách tách một câu bình thường ra thành những câu mới sẽ làm tăng hiệu quả biểu đạt của
câu, cụ thể là nhấn mạnh nội dung thông tin chính (phần in nghiêng). Nếu thay dấu phảy vào dấu
chấm, câu văn đúng về ngữ pháp nhưng giảm hiệu quả diễn đạt, câu văn chỉ là một câu kể bình
thường.
Phép tách câu là một biện pháp tu từ học có dụng ý tu từ rõ rệt, hoặc là miêu tả nhịp điệu
diễn biến của hình tượng, hoặc miêu tả nhịp điệu cảm xúc. Vì thế, phép tách câu được chủ yếu
trong văn học và cả trong phong cách báo chí, trong cả văn chính luận. Nhưng trong ngôn ngữ
khoa học, việc dùng câu kiểu này lại bị xem như là sự vi phạm chuẩn mực cú pháp.
Thứ hai, phần được tách trong không chỉ được nhấn mạnh, mà việc tách các yếu tố này ra
như vậy còn có vai trò đề dẫn để mở rộng nội dung sang một vấn đề khác. Ví dụ:
- Dung là cô gái rượu bà béo chủ nhà. Chẳng đẹp gì nhưng mũm mĩm và trắng trẻo. Mà lại
diện. Cô diện nhất vùng này. (Nam Cao)
- Tôi phải bày ra nhiều trò khác, để thấy mình có ích. Như đọc sách. Tôi nghĩ trong kháng chiến
mình không có nhiều thì giờ, lại thiếu sách thì nay cố mà đọc. (Nguyễn Văn Bổng)
Trong các ví dụ trên, những câu đã được tách ra “Mà lại diện”, “Như đọc sách” lại có tác
dụng như một sự gợi ý để mở rộng sang một nội dung mới (Cô diện nhất vùng này; Tôi nghĩ
trong kháng chiến mình không có nhiều thì giờ, lại thiếu sách thì nay cố mà đọc.)

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH CHƯƠNG 3


A. Câu hỏi ôn tập
1. Giá trị phong cách của từ Hán Việt so sánh với từ thuần Việt.
2. Đặc điểm và vai trò của từ địa phương.
3. Giá trị phong cách của các từ xưng hô trong tiếng Việt.
4. Nêu những giá trị phong cách của từ láy tiếng Việt.
5. Giới thiệu thú chơi chữ trong tiếng Việt.
6. Thế nào là so sánh logic và so sánh tu từ ?
7. Nêu giá trị của phép so sánh tu từ.
8. Ẩn dụ: quan niệm, đặc điểm và giá trị phong cách.
9. Phong cách chức năng nào thường hay sử dụng phép hoán dụ và khoa trương? Vì sao?
11. Nêu một số đặc điểm chính của phép tu từ cú pháp trong tiếng Việt.
12. Vai trò của biện pháp tách câu, phép đảo trên văn học?
13. Giá trị của phép điệp trong tiếng Việt.
B. Bài tập thực hành
1. Tìm 5 ví dụ về chơ chữ bằng nói lái, 5 ví dụ chơi chữ bằng chiết tự.
2. Tìm 10 ví dụ có liên quan đến thủ pháp khoa trương trong thơ ca Việt Nam hiện đại.
3. Chọn một văn bản nghệ thuật rồi phân tích cái hay của phép ẩn dụ ngụ ngôn.
4. Xác định biện pháp tu từ trong các câu sau:
a) “Gió thổi là chổi trời”, “Nước mưa là cưa trời” (Tục ngữ)
b) Quê hương là chùm khế ngọt (Đỗ Trung Quân)
c) Xắn tay mở khoá động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.
(Truyện Kiều- Nguyễn Du)
5. Chỉ ra các phương tiện ẩn dụ và hoán dụ trong trong các biểu đạt sau:
a) Bóng cây Knia (trong bài “Bóng cây Knia” của nhà thơ Ngọc Anh)
b) Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên)
c) Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai.
(Chế Lan Viên)
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha ! Nó nói cái gì vui vui nghe thật ngộ !
(Thư tháng Tám – Tố Hữu)

6. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai đoạn thơ sau:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
Làn nước qua ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến bàn tay em vẫy
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy
(Bài thơ tình ở Hàng Châu – Tế Hanh)
7. Phân tích để tìm ra sự khác biệt về giá trị tu từ trong hai bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến
và Cảnh chiều hôm của Bà huyện Thanh Quan:
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
- Cảnh chiều hôm
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc đưa xa vẳng trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố.
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai, gió cuốn chim bay mỏi.
Dặm liễu, sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ.
Lấy ai mà kể nổi hàn ôn?
8. Phân tích biện pháp tu từ trong bài thơ sau:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)
9. Những câu sau đây trích từ tác phẩm của một số tác giả, nhưng có điều chỉnh về dấu câu. Thử
tách mỗi câu đó thành nhiều câu, sao cho đúng với ngữ pháp; nêu lí do để tách.
- Bỗng lòng suối vắng bật lên tiếng người reo to, rồi í ới gọi nhau.
- Tôi ngồi yên với một cốc rượu mạnh, một cái tẩu thuốc lá tắt và một người bạn, nhận làm
hướng đạo và thông ngôn.
- Nói xong, ạnh ta vùng đứng lên, giơ tay chào mọi người rồi đi ra cửa. Mọi người nhìn theo
anh ta, im lặng.
- Tôi đứng dậy dưới trời mưa.
- Đêm hôm qua cầu gãy
- Nói đoạn, ông cụ chạy đến mắc áo, giật cái áo trắng dài và cái áo the xuống, rồi rũ rõ kĩ, rồi
cởi tuột cái áo cộc ra, lộn các túi.
- Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn
ngủ cầu kinh mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm, mà không hề bận tâm đến vợ con nhà
cửa như họ vẫn thường thế nữa.
10. Đặt một ví dụ minh hoạ cho mỗi trường hợp có thể tách thành một câu riêng sau đây :
− vị ngữ khi có nhiều vị ngữ;
− bổ ngữ khi có nhiều bổ ngữ;
− định ngữ khi có nhiều định ngữ;
− thành phần chú giải khi thành phần này đứng cuối câu;
− trạng ngữ khi trạng ngữ đứng cuối câu;
− vế phụ của câu ghép khi vế phụ này đứng cuối câu.

------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ch. Bally (1972), Tu từ học tiếng Pháp (bản dịch của Trường ĐHSP Vinh).
2. Võ Bình – Cù Đình Tú – Nguyễn Thái Hòa (1982), Phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản
Giáo dục, Hà Nội.
3. Võ Bình – Lê Anh Hiền (1983), Phong cách học – thực hành tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo
dục.
4. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nhà xuất bản ĐH&THCN.
5. Cao Hữu Công – Mai Tổ Lân (2000), Nghệ thuật thơ Đường (Trần Đình Sử – Lê Tẩm dịch),
Nxb Văn học.
6. Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến (1997), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng
Việt. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Dững (2018), Cơ sở lý luận báo chí, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
8. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nhà xuất bản ĐHQGHN.
9. Cao Xuân Hạo – Hoàng Dũng (2004), Từ điển thuật ngữ Ngôn ngữ học đối chiếu, Nhà xuất
bản Khoa học Xã hội.
10. Nguyễn Thái Hòa (1997), Dẫn luận Phong cách học, Nhà xuất bản Giáo dục.
11. Nguyễn Thái Hoà (2004), Từ điển tu từ – thi pháp – phong cách học, Nhà xuất bản Giáo dục.
12. Đinh Trọng Lạc (1964), Giáo trình Việt ngữ (tập 3) – Tu từ học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà
Nội.
13. Đinh Trọng Lạc - Nguyễn Thái Hòa (2016), Phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo
dục, Hà Nội.
14. Đinh Trọng Lạc - Nguyễn Thái Hòa (1993), Thực hành phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất
bản Giáo dục, Hà Nội.
15. Đinh Trọng Lạc (1994), Phong cách học văn bản, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
16. Đinh Trọng Lạc (1994), 99 biện pháp và phương tiện tu từ tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo
dục, Hà Nội.
17. Đinh Trọng Lạc (1999), 300 bài tập phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà
Nội.
18. Phan Ngọc (2009), Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt, Nhà xuất bản KHXH.
19. Yu. Stepanov (1975), Phong cách học tiếng Pháp (bản dịch của Trường ĐHSP Vinh).
20. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục.
21. Cù Đình Tú – Lê Anh Hiền – Nguyễn Thái Hoà – Võ Bình (1982), Phong cách học tiếng
Việt, Nhà xuất bản Giáo dục.
22. Bùi Tất Tươm (Chủ biên) – Nguyễn Văn Bằng – Hoàng Xuân Tâm – Nguyễn Thị Quy –
Hoàng Diệu Minh (1995), Giáo trình tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục.
23. Nguyễn Nguyên Trứ (1988), Đề cương bài giảng về Phong cách học, Trường Đại học Tổng
hợp TP. HCM, Niên khoá 1988-1989.
24. Viện Thông tin khoa học xã hội (2000), Chuẩn hoá và phong cách ngôn ngữ, Hà Nội.
25. Viện Từ điển học và bách khoa thư (2005), Từ điển bách khoa Việt Nam, 4 tập, Nhà xuất bản
Từ điển bách khoa.
26. Các loại từ điển.
-------------------

You might also like