Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học hiện đại Việt Nam thế kỉ XX.

Trước
cách mạng tháng 8 tên tuổi của ông được biết đến thông qua tác phẩm “Vang bóng
một thời”, “Một chuyến đi”,…Sau cách mạng tháng 8, ông chuyển sang thể loại tùy
bút và thành công nhất ở thể loại này chính là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Tác
phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ ở hình tượng con
sông Đà “hung bạo, trữ tình” mà còn bởi hình tượng người lái đò hiên ngang trên
thác dữ.
Người lái đò sông Đà là một thiên tùy bút xuất sắc được in trong tập Sông Đà (1960)
của Nguyễn Tuân. Đó là kết quả của nhiều dịp đi và viết về Tây Bắc trong thời kì
kháng chiến chống Pháp của ông. Tác phẩm là một thiên tùy bút mang đậm phong
cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Người nghệ sĩ tài hoa đã dùng cây bút của mình
để khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người lao động Việt
Nam.
Mở đầu thiên tùy bút, Nguyễn Tuân đã dẫn hai câu thơ làm đề từ: “đẹp vây thay
tiếng hát trên dòng sông” và “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu”. Như
vậy nhà văn đã ngầm thông báo với bạn đọc về hai đặc điểm của con sông với nét
tính cách đối nghịch: dữ dội, hiểm ác – kiều diễm, thơ mộng. Dưới con mắt của bậc
du tử luôn khát tìm sự lạ hóa, thiên nhiên sông Đà như một bản thể có tâm tính
phức tạp. Thoạt tiên ta có thể nhận thấy tính chất hùng vĩ, dữ dội hiểm ác của con
sông Đà.
Theo Nguyễn Tuân có lẽ đây là con sông lắm thác ghềnh, vực xoáy, vô cùng nguy
hiểm cho con người. Mùa lũ đến, nó “ác như người dì ghẻ”, dữ dằn như con quái
vật, trở thành “kẻ thù số một” của con người. Chất hùng vĩ của con sông Đà được
hiện lên trước hết ở cảnh đá bờ sông dựng đứng vách thành. Những bức thành
vách đá chẹt lấy lòng sông hẹp. Độ hẹp của lòng sông được nhà văn xoay ngắm đủ
các giác độ: “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”, “chẹt lòng sông Đà
như một cái yết hầu”,…thật thú vị. Một sức hút bình thường làm sao có nổi sự so
sánh vừa chính xác, vừa tinh tế vừa phong phú, vừa bất ngờ và lạ lùng đến thế.
Nguyễn Tuân luôn lục lọi đến kiệt cùng cái khó ngôn ngữ muôn màu sắc để đem
đến cho người đọc không chỉ cảm nhận bằng thị giác, cảm giác mà cả những tưởng
tượng thú vị. Cái khủng khiếp, dữ dội và hiểm ác của con sông Đà tiếp tục được
Nguyễn Tuân đặc tả ở những quãng mặt ghềnh Hát Loong: nước xô đá, đá xô sóng,
sóng xô gió cuồn cuộn,..rồi tiếp đến là những hút xoáy nước “Hút nước xoáy nước
tít đáy lừ lừ như cánh quạ đàn…sâu như tiếng bê tông thả xuống”, “Tiếng nước thở
và kêu như cống cái bị sặc”. Chưa dừng lại ở đó Nguyễn Tuân tiếp tục tìm cho ra
cảnh tượng gây được ấn tượng mạnh cho đọc giả. Đó là cảnh thác nước: “Tiếng
thác nước nghe gần mãi lại réo to mãi lên,…nghe như oán trách rồi lại như van
xin…Thế rồi nó bỗng rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa
rừng vầu, rừng tre, nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét
với đàn trâu da cháy bừng bừng,..”. Nếu như ở đoạn trên nhà văn dùng ngôn ngữ
điện ảnh để diễn tả sự khủng khiếp mà đầy lý thú của những xoáy hút nước thì ở
đoạn này ta nghe như có âm thanh của bản nhạc giao hưởng, dạo đầu bằng những
tiếng nỉ non của dòng thác, rồi nghe như oán trách, van xin, rồi lại như chế nhạo,
khiêu khích. Thế rồi bỗng phóng to hết cỡ dồn dập, bừng bừng gào thét hỗn độn tất
cả các loại âm thanh của núi rừng, thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của cơn phấn
khích dữ dội, man dại và cuồng loạn bởi những âm thanh đập ầm ầm vào đá. Để nói
cho tận cùng tình dữ dội, hiểm ác của con sông, Nguyễn Tuân tiếp tục đưa người
đọc đến khúc ngoặt của sông và chân trời đá: “đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục
hết trong lòng sông”. Chúng ngỗ ngược, đứng, ngồi, nằm tùy sở thích. Dường như
từ ngàn xưa, sông đã giao việc cho chúng phải bày binh bố trận, có hàng tiền vệ,
tuyết giữa và hậu vệ, có cửa sinh, cửa tử, biết dụ biết lừa, biết đánh, biết đá, biết hỏi
và biết cả thách thức. Phối hợp với đá là thác nước, chúng hò la vang động làm
thanh viện cho đá, có khi liều mạng sóng nước ùa vào làm “bẻ gãy cán chèo, đá trái,
thúc gối, túm thắt lưng lật ngửa đánh đòn hiểm…”. Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn
ngữ của nhiều ngành khác nhau: võ thuật, thể thao, quân sự để làm sống dậy một
con sông. Nhà văn xoay ngắm ở nhiều chiều, nhiều bề: cao – rộng, trên bề mặt –
dưới lòng sâu, đào xới đến tận cùng bản chất dữ dằn, hiểm ác để chứng tỏ sông Đà
– con thủy quái – kẻ thù số một của con người.
Sông Đà làm một bản thể chính vì vậy mà bên cạnh sự hùng vĩ, dữ dằn của con
sông, sông Đà còn hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình.
Viết về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con sông Đà, Nguyễn Tuân không bằng lòng
với những tri thức hời hợt, quen nhàm mà luôn dồn hết tâm huyết, dựng công khó
nhọc tìm tòi mang đến cho người đọc sự hiểu biết phong phú, toàn diện về một con
sông, một vùng đất giàu giá trị vàng với những trang văn dạt dào cảm xúc. Đây là
đoạn văn không còn sự hiện diện của thác, ghềnh, đá, sông Đà ở đoạn này hiền hòa
và thơ mộng. Lời văn của Nguyễn Tuân bỗng đổi giọng dạt dào, tha thiết, ngôn ngữ
giàu chất thơ, chất nhạc, chất họa. Người đọc có cảm giác như đang được cùng
Nguyễn Tuân bồng bềnh trên máy bay rà “từng nét sông tã ra trên đại dương đá lờ
lờ bóng mây dưới chân mình”, thấy Tổ quốc thật bao la. Để từ đó bậc du tử vảy bút
vẽ một bức tranh thủy mặc chỉ trong một câu văn: “Con sông Đà tuôn dài như một
áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban,
hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân”. Thật không còn
so sánh nào đẹp hơn dòng chảy của sông Đà với áng tóc của một mĩ nữ.
Trữ tình và đáng yêu hơn nữa là màu sắc của con sông Đà. Nguyễn Tuân cũng đã
nhận ra những sắc màu khác nhau của sông Đà theo từng mùa mang vẻ đẹp riêng
“mùa xuân dòng xanh màu xanh ngọc bích”, qua ánh nắng mùa thu “sông Đà lừ lừ
chín đỏ như da mặt người bần đi vì rượu bữa”. Cách nhân hóa và so sánh này cho
thấy sự tài hoa của bậc du tử khi miêu tả sắc nước sông Đà.
Là cây bút suốt đời tìm kiếm và khám phá cái đẹp, Nguyễn Tuân cùng với các đồng
nghiệp của mình không quản khó khăn gian khổ băng đèo, lội suối đến với miền Tây
Bắc xa xôi của Tổ quốc để tìm cho ra “cái thứ vàng mười” của núi sông Tây Bắc.
Trên sông Đà, người lái đò xuôi ngược cả trăm lần. Dòng sông đối với ông “như một
trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu
và những đoạn xuống dòng”. Ông hiểu quy luật của dòng nước, đóng đinh vào trí
nhớ của mình từng con thác, xoáy nước, luồng lành, luồng dữ, luồng tử luồng sinh,
thông minh gan dạ, hoạt bát tự tin như một dũng tướng trong trận đồ bát quái. Vẻ
đẹp ngoại hình của người lái đò được Nguyễn Tuân khắc họa đã ngoài bảy mươi,
đầu tóc bạc trắng, thân hình như một pho tượng được tạc bằng đá cẩm thạch. Nước
da ánh lên chất sừng chất mun. Cánh tay rắn chắc trẻ tráng “lêu nghêu như cái sào”.
Cặp mắt tinh anh với nhãn lực nhìn xa vời vợi. Trên ngực nổi lên một số thương tích
trên “chiến trường Sông Đà” mà Nguyễn Tuân ngưỡng mộ gọi đó là “thứ Huân
chương lao động siêu hạng”. Ông lái đò là một “tay lái tài hoa” từng vượt qua bao
trùng vây thạch trận, giao phong sinh tử với “lũ đá nơi ải nước”. Ông là một nhân vật
không tên bởi ông là đại diện cho bao con người trên khắp đất nước Việt Nam ngày
đêm âm thầm cần mẫn trong lao động, không ngừng đối mặt với những thiên tai,
địch họa để giành lấy sự sống và bảo vệ quê hương đất nước. Chính bởi vậy mà
hình tượng người lái đò càng trở lên lớn lao và kì vĩ.
Vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà được Nguyễn Tuân khắc họa trong ba lần
thủy chiến. Cuộc giao tranh giữa một bên là chiếc thuyền con én cùng một con
người nhỏ bé, mong manh đơn độc với một bên là gần trăm con thác dữ lớn nhỏ
được ví như con quái vật khổng lồ tâm địa hiểm ác đại diện cho sức mạnh kỳ vĩ, dữ
dội của thiên nhiên. Cuộc chiến diễn ra không cân sức nhưng hình ảnh người lái đò
tay vẫn giữ chặt mái chèo, chân kẹp chặt cuống lái, hiên ngang, ngoan cường, bình
tâm xử lí tình huống một cách dũng cảm, mưu trí, quyết liệt, táo bạo trước con quái
vật nanh ác và giành được chiến thắng. Để miêu tả cuộc giao tranh đầy cam go,
quyết liệt giữa người lái đò và con sông Đà hung bạo, Nguyễn Tuân đã tung ra vốn
kiến thức uyên bác về địa lí, lịch sử và vốn ngôn ngữ thuộc các lĩnh vực thể thao, võ
thuật, quân sự kết hợp với các thủ pháp nhân hóa, so sánh liên tưởng khôn lường,
bất ngờ để cống hiến cho người đọc những trang văn, những bức tranh thủy chiến,
những cảnh quay sống động bằng nghệ thuật ngôn từ đầy tài hoa, kì thú và hấp
dẫn.
Cuộc giao chiến lần một sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt, đó
là chân trời đá. Đá ở con thác này mai phục hàng ngàn năm, chúng ngỗ ngược
đứng, nằm, ngồi tùy sở thích, biết bày binh bố trận như binh pháp Tôn Tử. Gồm 5
cửa trận, trong đó có 4 cửa tử, một cửa sinh chia làm ba tuyến: tiến, trung, hậu vệ…
đòi ăn chết con thuyền đơn độc nhưng ông lái vẫn nhớ mặt từng đứa. Khi thạch trận
bày xong, có sự phối hợp của nước thác, sóng thác. Nước hò la vang dậy làm thanh
viện cho đá. Đá oai phong lẫm liệt, tiến lùi thách thức. Sóng nước như quân liều
mạng đá trái, thúc gối vào bụng, vào hông thuyền, lại như đòi túm lấy thắt lưng ông
lái dò mà lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt đánh đòn hiểm
độc nhất. Song ông lái đò vẫn giữ chặt mái chèo để khỏi bị hất tung ra khỏi trận địa
sóng. Sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vô cùng thâm hiểm nhưng
ông đò cố nén những vết thương, kiên cường vượt qua cơn hỗn chiến.
Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ truyền hồn sống vào từng
khối đá, biến chúng thành bày thạch tinh hung hãn trong cuộc giao chiến với con
người. Miêu tả thiên nhiên dữ dội nguy hiểm chẳng qua là để tôn vinh sức mạnh,
lòng quả cảm của con người trong cuộc chinh phục thiên nhiên. Đoạn văn thật đặc
sắc, đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ mới mẻ, lo âu và đầy kiêu hãnh
như chính mình là người trong cuộc.
Để tô đậm hình ảnh người lái đò tài hoa, trí dũng, Nguyễn Tuân tiếp tục miêu tả
cuộc giao tranh lần hai. Dưới cây bút tài hoa, phóng túng, con sông Đà tiếp tục được
dựng dậy như “kẻ thù số một” của con người với tâm địa còn độc ác và xảo quyệt
hơn. Khúc sông này nhiều cửa tử chỉ có một cửa sinh. Dòng thác hùm beo hồng hộc
tế mạnh trên sông đá. Ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên con sông như cưỡi
trên lưng hổ, ông nắm chắc bờm sóng, ghì cương bám chắc vào dòng nước, phóng
nhanh vào cửa sinh, lái miết. Bốn năm bọn thủ quân cửa ải nước liên xô ra định níu
thuyền vào cửa tử. Dòng sông như con thú hoang lồng lộn đòi ăn chết con thuyền.
Nó là hiện thân của sức mạnh thiên nhiên khó chế ngự. Ông lái đò nắm chắc quy
luật của thần sông thần đá, không hề nao núng, luôn tỉnh táo, sáng tạo, thay đổi
chiến thuật, ứng phó kịp thời. Mặc cho Đà giang hung dữ, hiểm ác ông vẫn bám
chặt dòng nước, ghì cương lái như bám chặt vào sự sống. Nguyễn Tuân thật tài hoa
trong cách dùng từ, ông không dùng “ghì tay lái” mà “ghì cương lái” khiến dòng sông
như con hổ, dòng thác là hùm beo và con thuyền là chiến mã, còn ông lái vụt lớn
cao như kị sĩ anh hùng điều khiển con chiến mã tung hoành trên chiến trận sông Đà.
Để chiến thắng, ông lái đò không chỉ dũng cảm mà còn mưu trí trong cách đối phó.
Thông qua nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Tuân hình ảnh con người hiện lên thật
oanh liệt, hào hùng.
Cuộc giao tranh thứ ba kịch tính được đẩy lên đỉnh điểm. Ngòi bút của Nguyễn Tuân
trở nên bay bổng, linh hoạt bởi nhiều liên tưởng tạt ngang đầy thú vị. Trong trùng vi
thạch trận thứ ba này, dòng thác càng trở nên điên cuồng, dữ dội hơn, ít cửa hơn,
bên phải bên trái đều là cửa tử. Cái luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu nên sự
sống của ông đò càng hết sức mong manh. Chính giữa ranh giới của sự sống và cái
chết, người đọc càng thấy tài nghệ chèo đò vượt thác thật tuyệt của ông lái. Ông cứ
phóng thẳng, chọc thủng, vút qua cổng đá để rồi chiến thắng vinh quang. Thác dữ
không chặn bắt được con thuyền, cuối cùng vẫn là con người chiến thắng. Sức
mạnh thần thánh của tự nhiên cũng phải cúi đầu. Con người cưỡi lên thác ghềnh, xé
toang hết lớp này đến lớp khác trùng vi thạch trận, biểu lộ sức mạnh phi thường
trong quá trình thuần phục sự hung hãn của dòng sông. Ngôn ngữ miêu tả nhanh,
gọn mà nhẹ nhàng như chính ông lái đò đang lướt đi trên băng khiến người đọc vô
cùng cảm phục những con người lao độ động bình thường giản dị mà rất đỗi phi
thường.
Con sông Đà hung dữ là vậy ông lái đò chỉ coi nó như một chiếc lá thu. Ông đến với
nó như đến với một người lắm chứng nhiều tật nhưng đằm thắm như một cố nhân.
Ông hiểu nó, lắng nghe âm vang của nó, thủy chung với nó. Qua mỗi lần chinh
phục, mọi nguy hiểm đều tan biến: “Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Họ lại đốt
lửa nướng cơm lam, bàn chuyện về cá anh vũ, cá dầm xanh như không hề có
chuyện gì xảy ra, mặc dù ngày nào họ cũng phải vật lộn, đối mặt với thác dữ. Đó
thực là vẻ đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.
Có thể nói, thiên tùy bút Người lái đò sông Đà là tác phẩm mang đậm phong cách
nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. Độc đáo, tài hoa, uyên bác trong cách tiếp
cận và khai thác đối tượng từ nhiều khía cạnh, phương diện thẩm mĩ, văn hóa.
Dòng sông được miêu tả như một công trình mĩ thuật tuyệt vời của tạo hóa, người
lái đò được khắc họa với tư chất trí dũng tài hoa, nghệ sĩ. Tác giả vận dụng ngôn
ngữ điêu luyện của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau như: hội họa, âm nhạc, điện
ảnh, điêu khắc,…huy động kiến thức nhiều lĩnh vực: địa lí, lịch sử, thể thao, võ
thuật,..Tất cả đã tổng hợp, tựu chung lại làm nổi bật vẻ đẹp một dòng sông Đà hùng
vĩ, dữ dội và thơ mộng cùng với đó là vẻ đẹp hình tượng người lao động rất đỗi bình
dị mà kì vĩ, lớn lao.
Khép lại tùy bút sông Đà, Nguyễn Tuân đã đem đến cho độc giả bức tranh về thiên
nhiên sông nước hùng vĩ, dội nhưng cũng không kém phần thơ mộng trữ tình. Hiện
lên trong bức tranh đó là hình ảnh con người lao động trí dũng tài hoa của thời đại
mới – thời đại Hồ Chí Minh.

You might also like