Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 20

BÀI 5.

VĂN HÓA CAMPUCHIA

Quốc kỳ Huy hiệu

Bản đồ Campuchia

Tên chính thức: Vương quốc Campuchia


Diện tích:181.035km2
Thủ đô: Phnôm Pênh
Ngày quốc khánh: 09/11/1953
Ngôn ngữ: Tiếng Khmer
Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến dân chủ
Ngày gia nhập Asean: 30/04/1999
Đơn vị tiền tệ: Riel
1. Điều kiện địa lý, dân cư

1
Vị trí địa lý: Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và
Tây Bắc giáp Thái Lan, phía Đông giáp Việt Nam, phía Đông Bắc giáp Lào. Sông ngòi
tập trung ở ba lưu vực chính (Tonlé Thom, Tonlé Sap và vịnh Thái Lan). Đồng Bằng
chiếm ½ diện tích, tập trung ở hướng Nam và Đông Nam, còn lại là núi, đồi, bao
quanh đất nước.
Sông ngòi chiếm 12% tổng diện tích đất đai Campuchia. Hai con sông lớn nhất
và quan trọng nhất là Mê Kông và Tonlé Sap. Ngoài ra, hai con sông lớn còn có các
phụ lưu của nó và một hệ thống sông nhỏ ở miền duyên hải.
Campuchia có một hồ lớn nổi tiếng là hồ Tonle Sap (Biển Hồ). Đây là hồ nước
thiên tạo có hình dáng gần giống chiếc đàn vĩ cầm dài 110km. Đây là nơi phù hợp
trồng lúa nước. Ngoại trừ một số con sông nhỏ ở phía Tây Nam, hầu hết các con sông
và hệ thống sông tại Campuchia đều đổ vào Tonlé Sap hay sông Mê Kông. Ở phía
Đông, các con sông đổ nước vào Tonlé Sap, trong khi các con sông ở sườn Tây chảy ra
vịnh Thái Lan. Lưu lượng nước vào Tonlé Sap tùy thuộc theo mùa.
Sông hồ Campuchia không chỉ là nguồn cung cấp nước tưới tiêu, làm ruộng
đồng phì nhiêu màu mỡ, là đường giao thông quan trọng, mà còn là nguồn cấp thủy
sản, đặc biệt là cá.
Đồng bằng châu thổ Mê Kông trải dài qua miền Nam, Việt Nam cho đến biển
Đông. Các vùng bồn địa và đồng bằng bị bao quanh bởi Phnom Kravanh (dãy núi
Bạch đậu khấu) và dãy núi Damrei (con Voi) ở phía Tây Nam và phía Bắc là dãy núi
Dangrek. Khu bồn địa Tonle Sap và đất thấp Mê Kông chủ yếu là đồng bằng có độ cao
dưới 100m.
Phnom Kravanh ở phía Tây Nam, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có
nhiều nơi cao trên 1.500m. Đỉnh núi cao nhất Campuchia là Phnom Aural cao khoảng
1.771m…
Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Một năm có hai mùa: mùa mưa và mùa
khô rõ rệt. Campuchia có các mùa mưa nhiệt đới. Độ ẩm ban đêm tương đối cao trong
suốt năm.
Dân cư: Campuchia là quốc gia thuần nhất về dân cư với hơn 90% dân số là
người Khmer và nói tiếng Khmer. Mọi công dân Campuchia được gọi là người mang
quốc tịch Khmer…
2
Một số tộc người có nguồn gốc bản địa chính ở Campuchia như: người Êđê,
Người Giarai, người Xtiêng, người Kui, người Pơ, người Chàm-Mã Lai, người Hoa,
người Việt
2. Điều kiện lịch sử
2.1. Thời đại Phù Nam và Chân Lạp

Theo truyền thuyết cổ được ghi chép lại bởi Khang Thái (Kang Tai), một quan
lại Trung Hoa đã từng tới Phù Nam giữa thế kỷ thứ III, xứ này do một người phụ nữ
tên Liễu Diệp cai trị. Sự kết hôn của Hỗn Điền – Liễu Diệp là sự kết đôi của một
chàng trai Bà la môn với người con gái bản địa, nơi có nền văn hóa bản địa, vẫn ở trần,
xăm mình, tóc ngang lưng,… Sự kết hợp này đã làm thành một đôi vương giả đẹp đẽ,
mở đầu cho vương triều Phù Nam. Vương triều Phù Nam từ Hồn Điền có thể bắt đầu
từ thế kỳ I, từ những năm đầu công nguyên đến giữa thế kỷ VII. Triều đại Phù Nam
đầu tiên có 4 đời vua kế tiếp nhau là: Hỗn Điền, Con Hỗn Điền (chưa rõ tên họ), Hỗn
Bàn Huống, Hỗn Bàn Bàn. Tiếp đó một viên tướng khác lên ngôi, lập một triều đại
khác bắt đầu là Phạm Sư Man hay Phạm Man (trị vì khoảng năm 225-230), Phạm
Chiên (con gái của của Phạm Man, trị vì khoảng từ năm 230 - 250), Phạm Tràng (con
gái út của Phạm Man, giành ngôi của Phạm Chiên, trị vì được ít ngày), Phạm Tầm (là
tướng của Phạm Chiên hạ sát Phạm Tràng, lên ngôi, trị vì khoảng từ năm 250 - 290)…

Vào thế kỷ thứ V, VI, có người Ấn Độ sang làm vua Phù Nam: Trì Lê Đà Bạt
Ma (424-453); Đồ Da Bạt Ma (483-493) và Lưu Đà Bạt Ma (514).

Cũng như Phù Nam, Chân Lạp cũng có truyền thuyết dựng nước riêng của
mình. Một nhà đạo sĩ tu hành khổ hạnh tên là Kam-bu-vây-am-buva kết hôn với một
tiên nữ, nàng tiên Mê-ra, con gái thần Shiva, sinh ra dòng dõi các vua chúa của
Kam-bu-ja, tức vương quốc Kam-bu. Từ đó tên gọi nước Campuchia cho đến ngày
nay.

Trước đây Chân Lạp là nước lệ thuộc Phù Nam. Công cuộc chinh phục Phù
Nam của người Chân Lạp cũng như sự hợp nhất giữa hai nước Chân Lạp và Phù Nam
đã tạo ra quốc gia Khmer mới.

2.2. Thời kỳ Angkor (802 – 1432)

3
Thời kỳ phục quốc ((802-944)
Đầu thế kỷ thứ IX, nhân khi vương triều Sailendra suy yếu, một người trong
hoàng tộc Chân Lạp bị bắt làm tù binh đã trốn về nước, tập hợp lực lượng đấu tranh để
thoát ra khỏi ảnh hưởng của Sailendra và thống nhất lại Campuchia, khởi đầu một đế
chế hùng mạnh ở Đông Nam Á - đế quốc Khmer (802-1434). Ông lên ngôi vua, lấy
hiệu là Jayavarman II. Trong thời của ông, vương quốc đã dời đô nhiều lần,
từ Indrapura cho tới Hariharalaya và Mahendra Pura ở núi Kulen rồi cuối cùng là quay
trở lại Hariharalaya.
Thời kỳ Jayavarman II tại vị, sự sùng bái thần Shiva có khuynh hướng biến
thành sự sùng bái nhà vua (Devaraja). Do đó mà ông cũng được tôn sùng như một vị
thần. Khi ông qua đời năm 854, người ta đã phong tặng cho ông danh hiệu
Paramesvara tức “Chúa tể”.
Cháu của Jayavarman II là Yasovarman I cai trị từ 889-900 lại tiếp tục dời đô
thêm 50km, tại một nơi mà ông gọi là Yasodharapura tức là Angkor. Đế quốc Khmer
vì thế còn được gọi là vương quốc Angkor, đế quốc Angkor.

Thời kỳ phát triển (944-1181)

Rajendravarman II lên ngôi năm 944 được thừa kế cả hai dòng Khmer Nam và
Bắc. Ông là con Mahendravarman thuộc hoàng tộc Bhavapura (phía Bắc) và
Mahendra Devi, dì ruột của Harshavarman II (942-944), vua của dòng Nam. Do sự
kiện này mà hai dòng tộc Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp đã lập lại được sự thống
nhất. Nước được xác định là Kambuja và vua là Kambuja Raja.

Rajendravarman II mất năm 968. Con là Jayavarman V lên ngôi khi còn rất trẻ
(968-1001), công việc triều chính thực tế nằm trong tay tăng lữ Bà la môn
Yadinyavaraha. Đến tuổi trưởng thành Jayavarman V tiến hành xây dựng kinh đô mới
với ngôi đền thờ Linga của nhà vua ở trung tâm kinh đô như thường lệ. Là nhà vua
sùng đạo Bà la môn nhưng ông vẫn thực hành chính sách khoan dung tôn giáo vốn có
của các vua chúa Khmer, khuyến khích phát triển đạo Phật và xây dựng chùa chiền.
Sau khi Jayavarman V mất năm 1001, đánh dấu thời kỳ nội chính rối ren. Cuối cùng
cuộc đấu tranh kết thúc bằng sự lên ngôi của Suryavarman năm 1010, một trong những

4
ông vua Khmer nổi tiếng, người sáng lập ra triều đại thống trị ở Campuchia trong suốt
thế kỷ XI, mở đầu thời kỳ thịnh vượng của nhà nước Angkor.

Thời kỳ cực thịnh (1181-1201)

Sau khi Suryavarman II qua đời, ngôi vua bị một người lạ tự xưng là Tribhuvan
Adi, tức Tyavarman, đánh cướp năm 1165 khiến quốc gia suy yếu. Năm 1177, Jaya
Indravarman V của Champa thừa cơ tấn công Angkor. Một hoàng thân trẻ của Angkor
phải chờ đợi trong 16 năm mới tập hợp được lực lượng để đánh bại Champa và lên
ngôi vua năm 1181, tức Jayavarman VII.

Trong thời kỳ cai trị của Jayavarman VII, vương quốc Angkor đã đạt tới đỉnh
cao của sự phát triển.

Sau vài năm để khôi phục vương quốc, Jayavarman VII đã tính tới chuyện trả
thù Champa. Năm 1190, Jayavarman VII đã cử một đạo binh lớn sang tấn công
Champa và đánh bại hoàn toàn người Chăm. Một hoàng thân người Chăm thân Khmer
được cử tới cai trị và Champa trở thành một tỉnh của Chân Lạp trong một thời gian dài.
Ngoài việc đánh Champa, ông còn thôn tính luôn cả Haripunjaya gần biên giới Miến
Điện-Thái Lan và bán đảo Malaya. Có thể quân Chân Lạp đã tới được cả Luang
Prabang ở Lào nữa.

Vương quốc Chân Lạp dưới thời Jayavarman VII có 23 tỉnh. Để cai trị đất nước
rộng lớn, ông đã cho xây dựng 121 trạm nghỉ (Dharamsala) dọc theo các tuyến giao
thông quan trọng mà ngày nay vẫn còn tồn tại dấu tích trên tuyến đường nối Angkor
với Pimai ở Thái Lan và từ Sambor cho tới Vijaya của Champa (kinh đô Phật Thệ, nay
ở Bình Định). Jayavarman VII cũng đã cho xây dựng kinh đô mới là Angkor Thom.

Thời kỳ suy vong

Jayavarman VII qua đời, con trai ông là Indravarman II đã lên ngôi và cai trị tới
năm 1243. Dưới thời vua Indravarman, người Thái nổi dậy đẩy lui người Khmer, tấn
công liên tiếp đế quốc Angkor.

Nối ngôi Indravarman II là Jayavarman VIII (trị vì từ 1243-1295). Từ bên


ngoài, đế quốc này bị đe dọa bởi quân Mông Cổ. Đế quốc Khmer dần mất hết những
vùng đất đai.
5
2.3. Campuchia thời cận đại

Sự xâm nhập của thực dân Pháp vào Campuchia


Sau thời kỳ phát triển cực thịnh (từ thế kỷ IX – thế kỷ XV) với nền văn minh
Angkor huy hoàng. Từ thế kỷ XVI, vương quốc Campuchia rơi vào tình trạng suy
thoái.
Từ cuối cuối kỷ XVI, ở Campuchia tồn tại chính quyền phong kiến không tập
trung. Về danh nghĩa, vua là người có quyền tối thượng nhưng trên thực tế quyền lực
còn bị phân chia thành 3 nhánh với 3 vương phủ:
- Vương phủ của phó vương được quyền cai quản và thu thuế 7 tỉnh
- Vương phủ thái tử được quyền cai quản và thu thuế 5 tỉnh
- Vương phủ của hoàng thái hậu cai quản và thu thuế 3 tỉnh
Đạo Phật là quốc giáo. Các nhà chùa cũng chiếm nhiều ruộng đất và có nhiều
nông dân lệ thuộc.
Vào thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đặt chân đến Campuchia, tiếp đó các
thương nhân Tây Ban Nha và Hà Lan cũng có mặt ở nước này.
Năm 1662, đạo Thiên chúa được truyền vào Campuchia, tuy nhiên không có kết
quả, bởi Campuchia là quốc gia theo Phật giáo.
Từ giữa thế kỷ 17 trở đi, Campuchia trở nên suy yếu trầm trọng trước hai láng
giềng hùng mạnh và tham vọng bành trướng là Xiêm và Đàng Trong (Việt Nam).
Năm 1863 vua Norodom ký một hiệp ước với Pháp để thành lập một chính
quyền bảo hộ trên toàn vương quốc nhờ vậy Campuchia thoát khỏi nguy cơ bị Xiêm
và Đại Nam thôn tính hoàn toàn. Năm 1906, Pháp gây chiến với Xiêm và giành lại 4
tỉnh vùng Tây Bắc từng bị người Xiêm chiếm trong thế kỷ XVIII. XIX
là Battambang, Siem Reap, Meanchey, Oddar.
Phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Campuchia
Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Campuchia đã đứng dậy cầm vũ khí chống
xâm lược, đặc biệt từ khi giai cấp phong kiến hoàn toàn đầu hàng quân xâm lược
phong trào đấu tranh phát triển trên quy mô mới.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân Campuchia liên tiếp đứng dậy
chống quân xâm lược. Điều đó chứng tỏ tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân
Campuchia.
6
Khởi nghĩa của hoàng thân Xivoha (1861-1892)
Khởi nghĩa của Acha Xoa (1863-1865)
Khởi nghĩa Pucombo (1866-1867)
Hoạt động của thái tử Yucangto (1900)
Khởi nghĩa của nhà sư Ang Snuol (1905)
Tuy nhiên, do tính chất phân tán, trình độ tổ chức và nhất là do sự chênh lệch về
lực lượng nên các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại.
2.4. Quá trình phát triển từ sau năm 1945
Giai đoạn 1945 – 1954:
Tháng 8.1945, trong lúc nhân dân Việt Nam, Lào nổi dậy làm cách mạng và
giành chính quyền, thì ở Campuchia phong trào cách mạng tuy có lên cao nhưng
không dẫn tới sự bùng nổ cách mạng.
Ngày 9.10.1945, Pháp tấn công Phnom Penh, Chính phủ thân Nhật bị đổ.
Sihanouk một lần nữa ký vào bản Hiệp định tạm thời ngày 7.7.1946 với thực dân
Pháp, chấp nhận quyền “bảo hộ” của Pháp một lần nữa. Tuy nhiên, những người yêu
nước Campuchia vẫn tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược. từ năm 1946 đến đầu năm 1948, Ủy ban giải phóng Đông Nam Campuchia và
Hội Ixarac ra đời, ở Tây Nam Campuchia đã cuất hiện quân khu Tây Nam gồm 4 tỉnh
Takeo, Campot, Cong pong xpe, Congpong Chonang,… Từ năm 1948, Ủy ban giải
phóng ở các khu ra đời, Ủy ban đóng vai trò như tổ chức chính quyền ở khu giải phóng
và chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích. Cuối năm 1949, đầu 1950, lực lượng vũ trang ở
các khu giải phóng đã khá lớn mạnh, đủ sức chống trả các cuộc càn quét của thực dân
Pháp ở cấp 2 tiểu đoàn.
Từ năm 1950, phong trào kháng chiến phát triển mạnh mẽ. Thực dân Pháp ngày
càng sa lầy ở chiến tranh Đông Dương và đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp ngày càng sâu
vào cuộc chiến tranh này. Yêu cầu thống nhất tất cả lực lượng cách mạng trong cả
nước được đặt ra…
Cuối năm 1952, tình hình chính trị, quân sự và tài chính của thực dân Pháp
trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương hết sức nguy kịch. Trong bối cảnh đó từ
tháng 6.1952, Sihanouk đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao buộc chính phủ
Pháp phải ký Hiệp ước “trao trả độc lập cho Campuchia” ngày 9.11.1953. Tuy nhiên,
7
Hiệp ước lại quy định quân đội Pháp vẫn tiếp tục chiếm đóng Campuchia và
Campuchia vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp.
Từ năm 1952, phong trào chiến tranh du kích ở Campuchia phát triển mạnh mẽ,
thắng lợi ở nhiều trận lớn, đến cuối 1953, đầu 1954 lực lượng vũ trang Khmer Ixarac
đã trưởng thành với tư cách là quân đội chính quy. Đông Xuân 1953-1954, khu giải
phóng của lực lượng kháng chiến đã mở rộng. Phối hợp với chiến trường Điện Biên
Phủ, Việt Nam và chiến trường Lào, lực lượng Khmer Ixarac đã đẩy mạnh đánh địch
trên khắp các mặt trận.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp
định Gionevo, công nhận nền độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ
Campuchia, Lào, Việt Nam. Hiệp định cũng quy định tất cả các lực lượng quân đội
Pháp rút khỏi lãnh thổ Campuchia, vĩnh viễn chấm dứt chế độ thống trị thực dân Pháp
ở Campuchia.
Giai đoạn 1954-1970
Campuchia dưới sự dẫn dắt của Sihanouk lựa chọn con đường hòa bình, trung
lập, không tham gia bất cứ liên minh chính trị hoặc quân sự nào, tiếp nhận viện trợ từ
mọi phía, miễn là không có điều kiện ràng buộc.
Đường lối hòa bình, trung lập cùng với chính sách hòa hợp dân tộc đã tạo điều
kiện cho Campuchia đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Trong thời gian này, Campuchia ngày càng có quan hệ chặt chẽ với các nước xã
hội chủ nghĩa. Đối với cách mạng Việt Nam, Chính phủ Campuchia cũng có thái độ
tích cực, lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa, công nhận đại diện
của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, công nhận Chính phủ cách
mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam,…
Giai đoạn 1970-1975
Tháng 3 năm 1970, khi hoàng tử Sihanouk đang vắng mặt, tướng Lon Nol lật
đổ hoàng tử Sihanouk và nắm lấy quyền lực. Ngày 9 tháng 10, chế độ quân chủ ở
Campuchia bị bãi bỏ, và đất nước được đổi tên thành Cộng hòa Khmer.
Năm 1972, một hiến pháp ra đời, nghị viện được bầu ra, và Lon Nol trở thành
tổng thống.

8
Đầu năm 1975, quân cộng sản mở một cuộc tấn công kéo dài 117 ngày vô cùng
ác liệt làm sụp đổ chính quyền Cộng hòa Khmer. Chính phủ Lon Nol đầu hàng ngày
17 tháng 4.
Giai đoạn 1975-1979

Ngay sau khi giành chiến thắng, Chính phủ Khmer ra lệnh sơ tán dân ra khỏi tất
cả các thành phố và thị trấn, đưa những người dân thành thị tới những vùng nông thôn
để làm việc như những nông dân. Hàng ngàn người chết đói, thiếu ăn, suy dinh dưỡng.
Những tàn tích của xã hội cũ bị xoá bỏ và tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Thiên chúa
giáo, bị đàn áp. Ở nhiều vùng trong nước, người dân bị hành quyết vì tội nói tiếng
nước ngoài, đeo kính, bới rác kiếm thức ăn, và thậm chí là than khóc khi có người thân
qua đời. Những doanh nghiệp và các quan chức thời trước bị săn đuổi một cách tàn
nhẫn và bị giết chết cùng toàn bộ gia đình họ… Giai đoạn 1975 và 1979, hàng trăm
ngàn người đã bị hành quyết một cách tàn nhẫn bởi chính quyền Khmer đỏ.

Quan hệ của Campuchia dân chủ với Việt Nam và Thái Lan trở nên xấu đi
nhanh chóng vì các cuộc xung đột biên giới và khác biệt về ý thức hệ. Campuchia dân
chủ thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Tháng 12 năm 1977,
Campuchia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Hà Nội, buộc tội Việt Nam có mưu đồ
thành lập một Liên bang Đông Dương. Giữa năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn
công Campuchia, tiến sâu khoảng 30km rồi rút lui trước khi mùa mưa diễn ra.

Tháng 12, 1978, Việt Nam thông báo thành lập Mặt trận Campuchia thống nhất
bảo vệ quốc gia (KNUFNS) dưới sự lãnh đạo của Heng Samrin, một cựu chỉ huy trong
quân đội Campuchia Dân chủ.Cuối tháng 12 năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn
công tổng lực vào Campuchia, chiếm Phnom Penh vào ngày 7 tháng 1, đuổi những tàn
quân của nước Campuchia Dân chủ chạy về phía tây sang Thái Lan. Được Việt Nam
hậu thuẫn, ngày 8 tháng 1 năm 1979 Hội đồng Nhân dân Cách mạng nước Cộng hòa
Nhân dân Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập. Tuy vậy chính
quyền này chỉ được một số nước cộng sản công nhận và chưa tự bảo vệ được mà vẫn
cần đến sự có mặt của quân đội Việt Nam

Thời kỳ sau năm 1979

9
Ngay từ năm 1979 dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng
Campuchia, nhân dân Campuchia vừa phải thực hiện công cuộc xây dựng đất nước,
vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài chống lại các thế lực đối lập liên kết với
nhau chông sohas cách mạng.
Trong giai đoạn 1979 – 1991, Campuchia đề ra mục tiêu “xây dựng thành công
một nước Campuchia hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết và tiến lên
chủ nghĩa xã hội”
Ngày 30.04.1999, Campuchia trở thành thành viên chính thức của ASEAN.
3. Những thành tựu văn hóa

3.1. Ngôn ngữ

Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Khmer là tiếng của người Khmer,
là ngôn ngữ chính thức của Vương quốc Campuchia. Đây là ngôn ngữ thuộc hệ ngôn
ngữ Nam Á, chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn và tiếng Pali. Do ảnh hưởng về mặt địa lý
tiếng Khmer có ảnh hưởng lên các ngôn ngữ khác trong khu vực như tiếng Thái, tiếng
Lào, tiếng Việt và tiếng Chăm, những ngôn ngữ tạo nên một vùng “ngôn ngữ hỗn hợp”
ở bán đảo Đông Nam Á. Tiếng Khmer khác các thứ tiếng các nước lân cận như tiếng
Thái, tiếng Lào, tiếng Việt ở chỗ không phải là ngôn ngữ có thanh điệu.
Tiếng Pháp và tiếng Anh được nhiều người Campuchia sử dụng như là ngôn
ngữ thứ hai và thông thường là ngôn ngữ phải học trong các trường phổ thông và đại
học. Tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là thế hệ người lớn tuổi do thời gian
Campuchia là thuộc địa của Pháp vào đầu thế kỷ XX. Nó cũng được sử dụng thường
xuyên trong chính quyền.
3.2. Văn học
Văn học Campuchia ảnh hưởng ít nhiều các nền văn học Thái Lan, Lào, Việt
Nam, đặc biệt là ảnh hưởng văn học Ấn Độ.
Những văn bản còn lại đến ngày nay sớm nhất chỉ từ cuối thế kỷ XVII. Còn từ
thế kỷ XVI về trước đều đã bị hủy hoại, chỉ còn lại những trang sách trên đá và các
văn bia.
Văn học dân gian (truyền miệng)

10
Văn học dân gian dựa trên văn học dân gian bản địa. Loại văn học này bị ảnh
hưởng mạnh mẽ bởi đạo Phật và sử thi Ramayana và Mahabharata.
Một trong những đại diện tiêu biểu của truyện kể là truyện Vorvong và
Sorvong, một truyện dài thuộc truyền thống truyền khẩu Khmer kể về hai hoàng từ
Khmer bị ruồng bỏ, sau đó vượt qua nhiều thử thách đã lấy lại được ngôi vị.
Tum Tiêu là một thiên tình sử bi thảm cổ điển lấy bối cảnh Kampong Chàm phổ
biến khắp đất nước, ít nhất là từ giữa thế kỷ XIX.
Ngoài ra truyền thuyết, ca dao, dân ca tục ngữ Campuchia phát triển rực rỡ.
Văn học viết (văn học bác học)
Văn học viết hầu như phổ biến ở cung đình và các chùa Phật giáo.
Riêm kê (Reamker) dựa trên nguyên bản của sử thi Ramayana nhưng đã được
Phật hóa. Cốt truyện chủ yếu vay mượn từ sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Văn bia, bia đầu tiên của người Campuchia viết bằng chữ Khmer cổ là bia tìm
thấy ở Angkor Boray Takeo. Bia được viết bằng chữ Khmer cổ và chữ cổ Ấn Độ, chữ
Phạn đã được truyền bá sớm vào khu vực Đông Nam Á. Người ta đã tìm thấy các bia
đá viết bằng chữ Phạn ở hạ lưu sông Mê Kông và Vatphu là địa bàn của Campuchia
cổ.
Những bản khắc cổ trên đá, những bằng chứng về ngôn ngữ cổ Khmer được tìm
thấy vô số bản khắc trên đá, những cột, bia, bức tường. Nội dung của nó viết về những
sự kiện xảy ra với những người thuộc dòng dõi Hoàng gia; chúng cũng là sắc lệnh tôn
giáo, viết về các cuộc chinh phạt chiếm lãnh thổ và tổ chức công việc nội bộ của
vương quốc.
Văn học cung đình, có tác phẩm Tiểu thuyết của nàng Kakey (nghĩa là quạ cái),
tác phẩm Puthisen Neang Kong Rey.
Văn học Phật giáo, ngoài các văn bản khắc đá, thuộc dạng tài liệu cổ xưa của
người Khmer còn có những bản dịch hoặc chú giải văn bản Phật giáo Pali là kinh Tam
Tạng viết bằng ký tự Khmer. Các bản kinh Sa t’ra được các nhà sư viết trên lá.
Nền văn học Campuchia mang đậm dấu ấn của tư tưởng triết học Phật giáo.
3.3. Tín ngưỡng, tôn giáo
Mỗi dân tộc ở các địa phương khác khác nhau nhau đều có thần thánh địa
phương của họ. Người Campuchia tin vào thuyết vật linh. Đất, nước, lửa, đá, đường
11
đi,... đều có linh hồn. Mỗi pháp sư, thầy phù thủy hay thầy cúng trong mỗi làng đều có
thể “liên hệ” được với những linh hồn. Họ cũng có tục tế thần.
Người Campuchia cho rằng bệnh tật thường do ma quỷ hoặc phù thủy gây ra.
Một số làng bản thường có pháp pháp sư hoặc “bác sĩ đặc biệt” để chữa bệnh cho mọi
người.
Đạo Bà la môn có mặt tại Campuchia từ thời kỳ sơ khai và nhanh chóng chiếm
được niềm tin của người dân. Trước khi Phật giáo du nhập vào Campuchia, đạo Bà la
môn được xem là quốc giáo. Đến thế kỷ thứ VII, đạo Phật du nhập vào và nhanh
chóng trở thành quốc giáo. Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của vương quốc
Campuchia, khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao, còn khi
độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt
của Phật giáo Campuchia đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa
riêng của nước nhà, ngôi chùa ngoài việc là trung tâm văn hóa của bản làng còn là nơi
bảo vệ và xây dựng vẻ đẹp cho cuộc sống người dân Campuchia. Ngày nay, Phật giáo
là nền tảng văn hóa – xã hội của đất nước Campuchia.
Phật giáo là tôn giáo phổ biến và phát triển mạnh ở Campuchia. Ước tính có
khoảng 4.392 đền thờ, tu viện trên cả nước. Tuân thủ đạo Phật được xem là bản sắc
dân tộc và văn hóa của đất nước. Tôn giáo ở Campuchia, đã bị chế độ Khmer đỏ đản
áp cuối những năm 70 nhưng kể từ khi chế độ này bị lật đổ, Phật giáo đã hồi sinh trở
lại.
Vì lợi ích của đạo Phật và lợi ích của quốc gia, cho nên Vương quyền đã hợp
tác với Phật giáo, trở thành công cụ hiệu lực cho việc thống nhất tư tưởng của các quốc
gia phong kiến Đông Nam Á, điển hình như Campuchia đã tôn Phật giáo lên địa vị độc
tôn với vai trò đó, nó đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố quốc gia
thống nhất, vun đắp sự đoàn kết nội bộ giai cấp cầm quyền, thậm chí còn góp phần lựa
chọn cả những con người ngồi trên ngai vàng của vương quốc. Đồng thời cũng để lại
nhiều dấu ấn trên nhiều mặt trong đời sống văn hóa, xã hội như: văn học, nghệ thuật
kiến trúc, điêu khắc,…
Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của quốc gia, khi quốc gia hưng thịnh,
Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật
giáo cũng chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt của Phật giáo Campuchia đã
12
góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của Campuchia, ngôi chùa ngoài
việc là trung tâm văn hóa của nhân dân còn là nơi bảo vệ nền văn hóa lâu đời của dân
tộc. Ngày nay, Phật giáo là nền tảng văn hóa, xã hội của đất nước Campuchia.
Phật giáo đại thừa là tôn giáo của đa số người Trung Quốc và Việt Nam tại
Campuchia. Các yếu tố của thực hành tôn giáo khác như việc tôn kính các anh hùng
dân gian và tổ tiên, Khổng giáo và Đạo giáo kết hợp với Phật giáo Trung Quốc cũng
được thực hành.
Hồi giáo là tôn giáo của đa số người Chăm và người Mã Lai thiếu số ở
Campuchia. Đa số là người Hồi giáo Sunni và tập trung ở ở tỉnh Kampong Cham.
Khoảng 1% dân số Campuchia được xác định là Kitô hữu.
Trước chế độ Khmer đỏ, có khoảng hơn 70.000 tín đồ đạo Cao Đài ở
Campuchia. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2.000 tín đồ Cao Đài tập trung ở Phnom Penh
với một thánh thất Cao Đài.
3.4. Phong tục, tập quán đặc sắc
3.4.1. Ẩm thực, trang phục, nhà ở
Ẩm thực
Cũng như thói quen của nhiều dân tộc thuộc nền văn minh lúa nước trong khu
vực, người Campuchia ảnh hưởng phong cách mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Hoa.
Hầu hết các món ăn có vị nhạt, ngọt và béo.
Người dân Campuchia có thói quen ăn gạo tẻ và nhiều cá hơn là thịt. Vào các
ngày lễ tết, nông thôn cũng như thành thị đều gói bánh tét, bánh ít. Phần lớn trong mỗi
gia đình đều có mắm bồ hóc để ăn quanh năm. Hầu như mỗi bữa ăn đều có cơm. Các
món ăn khác như cari, súp hoặc khoai tây chiên… Người Campuchia còn sử dụng nếp
để chế biến các món xôi và cơm lam. Xôi đi kèm sầu riêng như một món tráng miệng.
Món canh chua nóng là một phần không thể thiếu trong bữa cơm của người Khmer.
Một số món ăn thông dụng như: đu đủ trộn, chè ngọt, Amok, cơm lam, mắm bồ
hóc, món ăn từ các loại côn trùng (dế, trứng kiến, cà cuống, nhện…), hủ tiếu Nam
Vang, món ăn chế biến từ hoa sầu đâu,… ngoài ra còn có các thức uống như thốt nốt,
cà phê, rượu thốt nốt
Trang phục
Người Campuchia có ý thức rất cao trong các ứng xử xã hội và cách ăn mặc.
13
Krama là chiếc khăn truyền thống của người Campuchia, thường được làm từ
lụa hoặc vải cotton. Người dân thường quấn Krama ở quanh đầu hoặc cổ. Đôi khi
được dùng thay gối đầu, địu,…
SamPôt là trang phục truyền thống của Campuchia, có niên đại từ thời Funan.
SamPôt được thiết kế là một miếng vải lớn, quấn quanh phần eo, che phần bụng, chân
và được buộc lại ngay trước bụng. Thường làm từ lụa nhuộm theo các tông màu cơ
bản như vàng, xanh lá, đỏ, đen,… Bên cạnh đó có thể đính thêm đá quý hoặc thêu
hình. Phần phía trên cơ thể, người Campuchia sẽ dùng Chang Pong – một loại vải có
màu bất kỳ vắt chéo ngang một bên vai và che đi phần ngực của phụ nữ, chỉ để hở một
ít phần bụng. Người Campuchia thường mặc SamPôt vào những dịp lễ hội hoặc các sự
kiện trang trọng. SamPôt được chia ra làm ba loại phổ biến: SamPôt Chang Kben,
SamPôt Phamuong, SamPôt hot. Ngoài ra còn một số loại không phổ biến như SamPôt
Tep Apsara, SamPôt Samloy, SamPôt Sâng,…
Sarong là bộ trang phục truyền thống của Campuchia dành cho cả nam và nữ ở
tầng lớp thấp, được thiết kế từ 1 miếng vải được may ở 2 đầu và được buộc ở thắt lưng
với nhiều màu sắc khác nhau
Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ vẫn mặc áo và sa rông, đàn ông chủ yếu mặc
theo lối mới.
Khi đến chùa phụ nữ không mặc váy ngắn quá, mỏng quá, không mặc áo hở
nách, áo không được khoét cổ quá rộng….Trước đây khi đến chùa, phụ nữ thường mặc
váy SamPôt. Khi mặc SamPôt thường đi giày kèm tất. Áo BomPông ngắn hoặc dài và
khăn Krama trùm đầu.
Trước đây, đàn ông khi đến chùa cũng mặc SamPôt với chiếc áo tay hẹp mở cúc
ở giữa, không nhất thiết đội chiếc khăn Krama
Nhà ở
Phong cách nhà của người Khmer là một điển hình về nhà ở của Campuchia.
Ngôi nhà của người Khmer đặc biệt là cấu trúc mái và cách trang trí.
Tùy từng đối tượng mà vật liệu xây dựng nhà ở cũng khác nhau. Gia đình quý
tộc, giàu có sử dụng đá, gạch, ngói. Thương nhân giàu có dùng nhà ngói bằng gỗ. Các
hộ nghèo sử dụng gỗ, tre, nứa và những người nghèo nhất sống trong những túp lều.

14
Những nơi hay xảy ra lũ lụt thường sử dụng mô hình nhà có sàn cao. Nhà sàn
ngắn, tầng trệt thường dùng để trữ củi hoặc nhốt gia súc vào ban đêm. Nhà sàn vừa,
tầng trệt được sử dụng như phòng khách và cũng là nơi để các nông cụ. Tầng trên,
phần trước được sử dụng như phòng khách. Phần thứ hai được sử dụng làm phòng
ngủ. Bếp tùy thuộc vào chủ sở hữu nhà, nhưng không được dựng ở phía Nam và phía
Đông của ngôi nhà.
Người Campuchia thích xây nhà quay về hướng Nam. Khi vào nhà phía bên trái
dành cho các phụ lão, phía bên phải dành cho các trẻ em nhỏ.
3.4.2. Lễ phép – giao tế
Người Campuchia thường chào hỏi theo lối nhà Phật, chắp tay và vái. Xoa đầu,
bước qua đầu người khác, đây là điều tối kỵ.
Cách chào hỏi truyền thống của người Campuchia là cúi người với động tác tay
trước ngực. Khi đi qua mặt người khác phải cúi xuống. Để gọi người khác một cách
lịch sự và kính trọng, người ta thường thêm từ Lok đối với đàn ông là Lok srey đối với
phụ nữ trước họ hoặc tên đầy đủ. Nếu quấn khăn Krama thì đi gặp người trên phải bỏ
khăn xuống cổ. Vào đền, chùa không đội khăn trên đầu. Đi trong nhà sản phải đi nhẹ
nhàng. Trước các ông lớn phải quỳ hoặc cúi rạp người xuống…
3.4.3. Tặng quà
Người Campuchia ít tổ chức sinh nhật và sinh nhật không được coi là một dịp
kỷ niệm đáng nhớ. Người ta thường tặng quà cho nhau vào dịp tết cổ truyền. Khi được
mời đến dự tiệc thường mang theo một món quà nhỏ. Tránh tặng dao cho người khác.
Quà tặng thường được gói cẩn thận trong những tờ giấy gói quà đầy màu sắc. Khi tặng
quà nên dùng cả hai tặng để trao quà. Tuyệt đối không nói chuyện làm ăn, kinh doanh
trong những dịp này.

3.4.4. Cưới hỏi, tang ma

Cưới hỏi
Trước lễ cưới, nhà trai tìm một bà uy tín đến nhà gái để dạm hỏi và tìm hiểu về
năm sinh của cô gái. Thường các bà mối phải đi lại nhà gái ba lần để nói chuyện với bà
mẹ. Cũng có nơi sau khi ba bà mối đến phải có ba ông mối đến để nói chuyện với bố
cô gái. Vào một ngày nhất định nào đó, ba bà mối và ba ông mối đều đến cùng với lễ

15
vật. Nếu phía nhà gái ưng thuận thì bố mẹ cô gái xuống cầu thang đón lên nhà ngồi nói
chuyện và bàn cụ thể việc tổ chức lễ cưới. Sau khi thỏa thuận xong, nhà gái yêu cầu
được xem mặt chú rể. Nhà trai đưa chú rể đến cùng với tư trang để tặng cho cô dâu
(tục lệ này đến nay nhiều nơi đã bỏ)
Đến ngày đã định, nhà trai đưa trầu cau, lễ vật đến nhà gái để cúng tổ tiên. Lễ
vật được đặt trên các đĩa bằng bạc hoặc trong các thạp gỗ sơn son thếp vàng. Sau đó
mọi người dự tiệc ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi, chồng chưa cưới đến nhà cô dâu để hầu hạ bố
mẹ vợ. Ngày cưới không được tổ chức vào tháng thiếu mà phải vào tháng đủ, tránh
năm sáu tháng mùa mưa. Đám cưới tiến hành trong 3 ngày, khá phức tạp và tốn kém.
Sau khi kết thúc lễ bái đường, người hát sẽ hát bài cuốn chiếu cỏ và cuốn chiếu cỏ cô
dâu chú rể ngồi và đem bán đấu giá. Cô dâu và chú rể phải mua lại chiếu để đem vào
phòng tân hôn và trải trên giường của họ.
Tang ma
Người Campuchia theo đạo Phật tin rằng mọi người không thể tránh khỏi cái
chết và họ tin vào một cuộc sống sau khi chết và sự đầu thai. Khi gia đình có người
chết tại nhà thì gia đình giữ lại xác từ 3 đến 7 ngày, sau đó mới đem đi thiêu, còn nếu
chết ở ngoài thì xác được đưa vào trong chùa để 1 tuần lễ sau đó mới hỏa táng.
Xung quanh người chết căng toàn vải trắng. Trong khi các nhà sư cầu kinh thì
mọi người trong gia đình phải giữ im lặng tuyệt đối. Người chết được phủ lên một
miếng vải trắng, một ngọn nến thắp trên đầu giường, năm ngọn khác ở trên đầu, hai
bên vai và hai bên chân. Dưới chân để một giỏ thóc tượng trưng cho sự sống.
Nơi hỏa táng thường đặt gần chùa hoặc ngay trong chùa. Đài hỏa táng nóc hình
tháp tượng trưng cho núi Mêru, trung tâm vũ trụ, cũng có nơi đài hỏa táng được dựng
lên tạm thời có mái che để chất củi vào giữa….
Đám tang đi vòng đống củi ba lần từ trái sang phải. Sau đó quan tài được đặt
lên trên đống củi, đầu người chết hướng về phía Đông. Các nhà sư tụng kinh. Những
người thân thích ném vào đống lửa những nến, hương và trầm. Người ta vứt vào đống
lửa những hạt gạo, đỗ vừng (theo quan niệm xưa, họ cho rằng cái chết tạo ra sự sống
mới cũng như hạt giống kia sẽ sinh ra những cây mới).

16
Thông thường phải năm hay sáu giờ thì quan tài và xương cốt người chết mới
cháy hết. Sau khi làm tắt đống lửa bằng “nước thánh”, những người trong gia đình đến
nhặt xương cốt để vào trong một cái lọ con đem về nhà rồi sau đó đem đến chùa.
100 ngày sau mời sư đến làm lễ cúng và như vậy là hết tang.
3.4.5. Lễ dựng cột chùa
Đối với người Campuchia, việc dựng làm cột chùa là một nghi lễ quan trọng, có
ý nghĩa lớn, bởi theo quan niệm của nhân dân, người nào đã tham gia được bảy lần
dựng cột chùa thì có thể thoát mọi tội lỗi. Tất cả mọi người tham gia vào lễ coi như
làm xong một việc thiện, việc này có ảnh hưởng tốt đến tương lai, hậu vận của bản
thân và con cái.
3.4.6. Lễ Cà thân
Được tổ chức vào tháng 10 dương lịch. Theo truyền thuyết, lễ Cà thân là do
chính Đức Phật đặt ra vì các nhà tu hành sau ba tháng không ra khỏi chùa, phải đi khất
thực, quần áo lấm láp, bẩn thỉu, phải được may quần áo mới, sạch sẽ. Do đó, trong dịp
này các gia đình trong làng góp tiền mua áo màu vàng cho nhà sư cùng chăn màn, bát
đĩa, thức ăn. Trong lễ bắt buộc có múa Chaydăm.

3.5. Lễ hội, lễ tết

Hầu như tháng nào nhân dân Campuchia cũng mở hội. Các lễ hội và lễ nghi khá
phong phú và đa dạng, mang nhiều nét đặc thù khác nhau.
Ngày lễ lớn nhất trong năm là Bon Chol Chnam Thmay (Tết đón năm mới).
Ngày thứ nhất, đầu năm theo lịch của Campuchia thường rơi vào ngày 13 tháng 4
dương lịch. Lễ thường kéo dài trong ba, bốn ngày. Nghi lễ lớn nhất là lễ đắp các núi
cát. Ở những nơi không có cát người ta đắp hình núi cát bằng thóc, gạo hay các thứ
bánh chồng lên nhau. Một núi ở giữa coi như trung tâm vũ trụ. Buổi chiều người ta
tắm cho sư, cho các tượng Phật và cầu cho mưa xuống để làm mùa.
Trong các ngày lễ tết có nhiều trò chơi diễn ra. Trò chơi phổ biến nhất là trò
ném còn giữa nam và nữ. Vừa ném vừa hát. Những vùng như Xiêm Riệp,
Batđomboong, Pô Xát có những đoàn múa trốt đi từ nhà này đến nhà khác, làng này
sang làng khác, vừa múa vừa hát. Nhà nào nhà nấy cho tiền hoặc quà bánh.

17
Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp và đi lễ chùa. Vào thời
điểm đó các chùa rất bận rộn để trang hoàng cổng chùa bằng hoa, lá dừa, các tượng
Phật được lau rửa sạch sẽ và mặc những bộ quần áo cà sa mới. Trong các ngày tết,
người ta ra chùa và vui chơi công cộng ở các sân chùa hơn là tổ chức ăn uống lớn
trong nhà. Các gia đình cùng bạn bè mặc quần áo đẹp nhất đến chùa để làm lễ cầu
nguyện. Khi đi chùa họ chuẩn bị và mang theo đồ lễ cẩn thận để dâng như hoa quả,
bánh kẹo, cơm, thức ăn và đồ uống. Lễ vật sẽ thay đổi tùy theo năm. Tháng tết là tháng
có dưa hấu và xoài nên nhà nào cũng cúng bằng hoa quả và làm bánh tét, bánh ít.
Vào khoảng đầu tháng 9 dương lịch, ngày 16 theo lịch mặt trăng đó là bắt đầu
giai đoạn cúng tổ tiên trong 15 ngày, gọi là lễ Prochungban hay Đôn tà có nghĩa là
bánh (bánh nếp luộc bằng nước dừa, nhân đậu, nhân mỡ). Ban nghĩa là bánh, các gia
đình làm bánh nếp. Ngày đầu tiên làm một cái bánh, ngày thức hai tăng dần lên và đến
ngày thứ 15 thì làm 15 cái. Mỗi vùng khác nhau sẽ có quy định khác nhau về số lượng
bánh.
Ngày thứ 15, từ sáng sớm, trẻ con, người lớn, người già, trẻ đều thay phiên
nhau đến chùa để làm lễ. Làm lễ xong, tặng các thứ bánh và thức ăn cho sư. Sau khi
tặng bánh, thức ăn xong, mọi người ăn ngay tại chùa. Đến chiều tối mọi mọi người
mới họp lại để ăn cỗ trong nhà. Chủ gia đình thắp nến và hương mời tổ tiên về cùng
ăn. Lễ Prochungban là lễ to nhất trong năm ở Campuchia.
Lễ Bon Om Touk còn gọi là lễ hội nước. Lễ được tổ chức vào đúng lúc nước
sông Mê Kông bắt đầu chu kỳ cạn của nó. Có rất nhiều nơi tổ chức đua ghe, nhưng tập
trung đông nhất là lễ hội tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh trên sông Tonlé Sap ngay phía
trước cung điện Hoàng gia. Lễ tổ chức vào ngày 15 trăng tròn theo lịch âm (thường
vào ngày 11 đến 13 tháng 11 dương lịch)
Lễ hội đua ghe diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 11 trùng với cuối mùa
mưa.

3.6. Nghệ thuật

Âm nhạc, múa và ca kịch


Âm nhạc: Dàn nhạc cổ pinpeat của Campuchia chủ yếu là bộ gõ, được trình
diễn trong các buổi lễ tại các ngôi chùa và các dịp tế lễ dân gian khác, cũng như trong

18
các tiết mục văn nghệ. Dàn nhạc bao gồm roneat ek (đàn tre giọng cao), roneat thung
(đàn tre giọng thấp), kong vong tut và kongpong thom (dàn cồng nhỏ và dàn cồng lớn),
sampho (trống hai mặt), skor thom (1 cặp trống lớn) và sralai (một loại sáo có 4 âm
vực)
Múa: Nghệ thuật múa cổ Campuchia là sự tái hiện sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Nghệ thuật múa cung đình của người Khmer là một biến thể của nghệ thuật
múa cung đình Ấn Độ, có nguồn gốc từ nhân vật apsara trong truyền thuyết Hindu
giáo là những nàng tiên chuyên múa cho các vị thần.
Hình thức ca múa dân gian như lăm vông cũng phổ biến, thường được trình
diễn với một dàn trống ngẫu hứng trong các dịp lễ hội như đám cưới, mừng thọ,…
Ca kịch: Tại các làng của Campuchia, kịch mặt nạ cũng được phổ biến khá rộng
rãi, bên cạnh loại hình múa rối bóng truyền thống.
Điêu khắc, kiến trúc
Điêu khắc: tượng Phật, tượng các vị thần như Brahma, Harihana,… Nguyên
liệu chủ yếu là đá, gỗ, đồng.
Kiến trúc: phần lớn được biết đến là những công trình xây dựng từ thời Khmer
cổ đại (Khoảng cuối TK XII đầu XIII)
Kiến trúc đền - núi Angkor là ngôi đền thờ thần Vishnu. Khu đền gồm 4 tầng
nền, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Xung quanh đền có hào, rãnh bao bọc, bên ngoài
bức tường có nhiều hồ chứa nước. Trung tâm của đền là một tòa tháp cao 61m. Đền
được trang trí bởi những tấm phù điêu nhiều màu sắc về sử thi Ấn Độ.
Đền Preah Rup, nằm trong di tích Angkor. Ngôi đền được sử dụng như là nơi
hỏa táng thi hài của dòng dõi Hoàng gia.
Đền Bayon, nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom. Đây là ngôi đền ấn tượng
nhất của kiến trúc đền núi Campuchia do sự hùng vĩ về quy mô cũng như về cảm xúc.
Ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ, mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt thần Lokesvara
(Quan Âm Bồ Tát) hay còn gọi là Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của
thần linh về bốn hướng của Campuchia.
Đền Ta Keo, là ngôi đền chưa hoàn thành trong kinh thành Angkor Thom, thờ
thần Shiva. Đền được xây dựng từ đá sa thạch màu xanh lá.

19
Đền Ta Prohm, là ngôi đền Phật giáo dành riêng cho mẹ vua Giay A vac man
VII.
Chùa Banteay Kdei, còn được gọi là thành của tế bào các nhà sư. Đây là một
ngôi chùa Phật giáo tại Angkor. Nằm ở phía Đông Nam của Ta Prohm và Đông của
Angkor Thom.
Đền Preah Khan, là một trong những khu phức hợp lớn nhất tại Angkor.
Đền Phnom Bakheng, là ngôi đền Hindu dưới dạng một đền thờ núi.
Đền Banteay Srei, là một trong những ngôi đền nhỏ nhất tại Angkor, nhưng
được coi như là một viên ngọc quý của nghệ thuật Khmer.
Câu hỏi:
1. Hãy phân tích điều kiện hình thành văn hóa Campuchia?
2. Bằng những ví dụ cụ thể hãy phân tích những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm
thực, trang phục, nhà ở của người Campuchia?
3. Hãy phân tích về những nét đặc sắc trong văn hóa lễ hội của người
Campuchia?
4. Hãy phân tích về ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ trong điêu khắc và kiến
trúc của người Campuchia?
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thanh Tịnh (2014), Tìm hiểu lịch sử, văn hóa Campuchia, Nxb Văn hóa
Thông tin, Hà Nội.
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Campuchia

20

You might also like