Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 22

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÌNH PHƯỚC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CHỦ YẾU CỦA TỈNH
BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1866/QĐ-UBND ngày 10 / 10 /2022 của UBND tỉnh Bình Phước)

PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung khai thác tiềm
năng, lợi thế của tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ
cấu ngành dịch vụ nhằm hình thành một số sản phẩm chủ yếu đảm bảo phát
triển theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất
lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao góp phần quan trọng trong việc
ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu. Thực tế phát triển đã ghi nhận các sản phẩm trên các lĩnh
vực như: nông nghiệp (tiêu, cà phê, điều, cao su, trái cây), sản phẩm công nghiệp
chế biến (gỗ), sản phẩm từ chăn nuôi (heo, gà) và sản phẩm du lịch đã được quan
tâm đầu tư để phát triển thành các sản phẩm chủ yếu, có lợi thế cạnh tranh. Tuy
nhiên, việc tìm kiếm và phát triển thị trường cho các sản phẩm này chưa có những
định hướng, giải pháp một cách căn cơ, khoa học, cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát
triển chưa rõ ràng; kết nối cung cầu chưa thực sự hiệu quả; nguồn lực ưu tiên tập
trung cho phát triển chưa đủ mạnh; năng lực logistics của các huyện, thị xã và thành
phố chưa đảm bảo được yêu cầu, chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực
đầu tư. Do vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu
tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” là việc làm hết
sức cần thiết nhằm xác định và tìm ra giải pháp căn cơ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của
người tiêu dùng tại thị trường nào, trên cơ sở đó đề ra định hướng phát triển thị
trường cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp chế biến và sản phẩm
du lịch.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ để phát triển các
sản phẩm có lợi thế;
Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia;
Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030;

1
Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI,
nhiệm kỳ 2020-2025;
Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 5/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh
quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh
Bình Phước;
Quyết định số 2808/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt
Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Phước giai đoạn 2019 -
2020 và định hướng đến năm 2030;
Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;
Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh ban hành
Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình
Phước;
Quyết định số 1899/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tỉnh Bình Phước.
Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 18/8/2020 của UBND tỉnh Bình Phước về
việc phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh
Bình Phước.
Kết luận số 366-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình
Phước về phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030.

PHẦN THỨ NHẤT


THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG CỦA MỘT SỐ SẢN PHẨM CHỦ YẾU
CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC

I. THỰC TRẠNG
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, chương trình phát triển thương mại - dịch vụ, xuất
- nhập khẩu mặc dù có nhiều khó khăn, chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan
nhưng cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kim ngạch xuất - nhập khẩu vượt chỉ tiêu nghị
quyết đề ra. Giai đoạn 2015-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh
đạt 10,7 tỷ USD. Bình Phước đã tạo được lực hút rất lớn trong đầu tư, nhất là đầu tư
FDI trong các lĩnh vực: chế biến nông sản xuất khẩu (đặc biệt là chế biến hạt điều
Bình Phước nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới); chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ;
chế biến cao su thiên nhiên và sản phẩm từ cao su cùng công nghiệp hỗ trợ; năng
lượng tái tạo… Khoảng 90% sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất trên
địa bàn tỉnh đều được xuất khẩu. Thời tiết diễn biến thất thường, giá xuất khẩu các
mặt hàng nông sản chưa ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác
động không nhỏ đến quá trình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Bình Phước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ,

2
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường,
đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tiễn cho thấy tỉnh Bình Phước hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát
triển du lịch nhưng chưa được quan tâm xứng tầm để phát huy. Sự đầu tư trong thời
gian qua chưa bài bản, mới dừng lại ở việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tu bổ các di
tích lịch sử văn hóa, chưa có định hướng để đầu tư phát triển du lịch và chưa có các
sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có sức cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch.
1. Sản phẩm nông nghiệp
a) Sản phẩm từ cao su: Hiện nay, Bình Phước có diện tích trồng cây cao su lên
đến 212.607 ha. Trong đó, 49.431 ha thuộc các công ty nhà nước, còn lại là của các
hộ dân; các huyện Hớn Quản và Đồng Phú có diện tích trồng cây cao su lớn nhất
trong toàn tỉnh, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các sản phẩm từ cao su gồm: Đài
Loan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… Mặt hàng cao su xuất khẩu chủ yếu là:
cao su tổng hợp, cao su thiên nhiên, cao su hỗn hợp.
Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ cao su: Năm 2021, sản lượng xuất khẩu
đạt 612,3 nghìn tấn, tăng 18,93% so với cùng kỳ năm 2020, trị giá đạt 980,3 triệu
USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các sản phẩm như nệm, gối
cao su được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
b) Sản phẩm từ hồ tiêu: Tổng diện tích trồng tiêu của tỉnh là 15.001 ha, tập
trung nhiều tại huyện Bù Đốp và huyện Lộc Ninh, hồ tiêu là một trong những cây
công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bình Phước với năng suất khoảng 19,5 tạ/ha, sản lượng
hơn 28.500 tấn/năm. Hồ tiêu Bình Phước được đánh giá là có chất lượng thơm ngon,
vị cay đặc trưng. Một số sản phẩm tiêu biểu từ hồ tiêu tại Bình Phước đã được người
tiêu dùng đón nhận có thể kể đến gồm: tiêu đen, tiêu trắng, muối tiêu, bột tiêu đen, bột
tiêu mịn và bột tiêu tấm… của các đơn vị: Công ty Vân Hải, Hiệp hội Hồ tiêu Lộc
Ninh, Cơ sở sản xuất Tiêu sạch Cô Hai…
Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ hồ tiêu: Năm 2021, sản lượng đạt 506 tấn
và kim ngạch xuất khẩu là 2.830.571 USD. Phần lớn sản phẩm hồ tiêu được thu mua và
tiêu thụ ở thị trường nội địa.
c) Sản phẩm cà phê: Hiện nay, diện tích loại cây trồng này trên địa bàn tỉnh đã
lên đến hơn 14.738 ha. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là 03 thị trường tiêu thụ cà phê
lớn nhất của Việt Nam. Thị trường cà phê Đài Loan đang phát triển rất nhanh nhưng
lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này còn rất nhỏ, nguyên nhân là do
đại đa số cà phê trồng ở Việt Nam là giống Robusta, trong khi người Đài Loan lại ưa
chuộng cà phê Arabica và thích uống cà phê rang xay thủ công theo khẩu vị riêng.
Sản lượng xuất khẩu cà phê: Năm 2020 đạt 275 tấn và kim ngạch 140.977 USD;
năm 2021 đạt 167 tấn và kim ngạch 98.997 USD. Sản lượng xuất khẩu cà phê: Năm 2021
đạt 167 tấn và kim ngạch đạt 98.997 USD.
d) Rau quả: Diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh là 12.702 ha, tập trung chủ yếu
ở huyện Bù Đăng và huyện Lộc Ninh. Tỉnh đang có hơn 20 loại trái cây: sầu riêng,
bưởi, mít, cam, quýt, nhãn, xoài, chuối, bơ, dưa lưới,… với sản lượng trung bình
hàng năm như sau: sầu riêng hơn 10.000 tấn, bưởi gần 7.200 tấn, mít hơn 9.500 tấn,
cam, quýt gần 11.200 tấn và nhãn hơn 7.700 tấn... Giai đoạn 2015 - 2020, tổng kim
ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,2 triệu USD. Các sản phẩm rau quả tiêu biểu thuộc về
3
các đơn vị hoặc thương hiệu sau: Công ty Bình Phước ECOFARM sản xuất nông
nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm tạo ra bằng sản xuất nông nghiệp
hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế, các khu nông nghiệp công nghệ cao, HTX bưởi da
xanh Bù Đốp, mít nghệ Lộc Ninh, sầu riêng Ba Đảo, bơ Ông Hoàng, bơ sáp Mã
Dưỡng…
2. Sản phẩm công nghiệp chế biến
a) Hạt điều chế biến:
Tổng diện tích trồng điều là 151.180 ha, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập
là nơi có diện tích trồng điều lớn nhất trong toàn tỉnh. Hạt điều Bình Phước có 03
dòng sản phẩm chính: (1) hạt điều nhân trắng (216.613 tấn, chiếm 99% sản lượng
hạt điều nhân); (2) hạt điều nhân chế biến sâu, tiêu biểu như: hạt điều rang muối, phủ
wasabi, mật ong, nước cốt dừa,… (2.004 tấn, chiếm 1% sản lượng hạt điều nhân); và
(3) dầu vỏ hạt điều (CNSL) chưa tinh lọc được chế biến (29.412 tấn, chiếm 1% trong
kim ngạch xuất khẩu của điều). Dòng sản phẩm chế biến sâu (điều rang muối còn vỏ
lụa, điều rang muối bóc vỏ lụa, điều gia vị, điều mật ong, điều wasabi,…) dần bán
được ở thị trường trong nước và được xuất khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt là ở thị
trường Trung Quốc và Trung Đông, Hồng Kông, Thái Lan…, trong đó chủ yếu là
điều rang muối còn vỏ lụa được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Một số công
ty hạt điều tiêu biểu có thể kể đến gồm: Công ty TNHH Hạt điều vàng, Công ty
TNHH Mỹ Lệ , Công ty cổ phần Hà Mỵ, Công ty TNHH Vinahe, Công ty TNHH
MTV SX TM Phúc Thịnh, Công ty Sơn Thành, Công ty TNHH Hoàng Sơn I, Công
ty Cổ phần Long Sơn, Công ty Cổ phần Long Sơn Inter Foods, Chi nhánh Bình
Phước - Công ty Cổ phần tập đoàn Hanfimex Việt Nam… Mặt hàng hạt điều Bình
Phước luôn đảm bảo được chất lượng ổn định, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng
những người thưởng thức, chính vì thế mà nhu cầu của các nước nhập khẩu hạt điều
vô cùng lớn, có thể kể qua một vài thị trường xuất khẩu chủ yếu như: thị trường
Châu Á (Singapore, Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập, Israel, Ả Rập - Xê -
Út, Thái Lan, Úc); Thị trường EU (Hoa Kỳ, Đức, Canada, Thụy Sĩ, Anh, Thổ Nhĩ
Kỳ, Hà Lan).
Sản lượng xuất khẩu hạt điều: Năm 2021 đạt 205,4 nghìn tấn tăng 34,86% so với
cùng kỳ năm 2020, trị giá đạt 1.291,5 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.
b) Sản phẩm từ gỗ: Lĩnh vực chế biến lâm sản như sản xuất giấy, ván MDF,
đồ gỗ xuất khẩu… đã từng bước khẳng định vị trí và góp phần quan trọng trong việc
đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước Hoa Kỳ, Nhật
Bản, Trung Quốc, Indonesia…, từ đó nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Sản phẩm gỗ của Bình Phước được tiêu thụ nội địa chủ yếu là hàng mộc mỹ nghệ
và gia dụng với quy mô nhỏ. Do đó, phần lớn sản phẩm gỗ của tỉnh chủ yếu phục vụ
xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2021 đạt 263,8 triệu USD, đóng góp vào kim
ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 6,7% và chỉ chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng xuất khẩu
gỗ của cả nước. Thị trường xuất khẩu gỗ tập trung ở một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật
Bản, Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc với các dòng sản phẩm như: viên nén, ván lạng,
ván MDF, gỗ xẻ hộp, gỗ xẻ thanh và ván ghép các loại.
Các sản phẩm gỗ chế biến xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở 06 dòng sản phẩm vào
gần 50 thị trường quốc tế gồm: viên nén gỗ (chiếm tỷ trọng tối đa 31% về kim ngạch
4
xuất khẩu), ván lạng (26%), ván MDF các loại (22%), gỗ xẻ hộp (9%), gỗ xẻ thanh
(8%) và ván ghép các loại (khoảng 4% còn lại).
c) Sản phẩm chăn nuôi: Bình Phước hiện có 28 cơ sở giết mổ gia súc tập
trung và 03 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Hớn
Quản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản
xuất ngành chăn nuôi đạt 3,3%; ngành đã chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp
gắn với chuỗi giá trị, qua đó tạo chuyển biến rõ nét, thu hút 10 tập đoàn, công ty
chăn nuôi lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần chăn
nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH DE HEUS… đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn
nuôi tại Bình Phước, tạo ra khối lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước
và xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Nhật Bản… Bình Phước có 01 nhà máy giết
mổ, chế biến thịt gà tại huyện Chơn Thành; ngoài ra, vào năm 2021, Công ty TNHH
Japfa Comfeed Việt Nam đã xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia
cầm tại KCN Minh Hưng - Sikico phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản
phẩm chế biến từ thịt gà của tỉnh gồm: thịt gà tươi, thịt gà đông lạnh, thịt gà tươi tẩm
ướp, thịt gà đông lạnh tẩm ướp, thịt gà chế biến.
3. Sản phẩm du lịch
Trong thời gian qua, du lịch Bình Phước đã hình thành các sản phẩm du lịch
sinh thái và trải nghiệm, sản phẩm du lịch văn hóa và lịch sử, sản phẩm du lịch
tâm linh và sản phẩm du lịch cuối tuần gắn với các điểm đến tại Khu Quần thể
văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân
giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom
Bo, Miếu Bà Rá, Chùa Phật Quốc Vạn Thành, Khu du lịch Lâm viên Mỹ Lệ,
Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Trảng cỏ Bù Lạch và hệ thống các di tích lịch sử
trên địa bàn tỉnh. Về không gian phát triển du lịch, cơ bản đã hình thành đúng
định hướng quy hoạch theo 03 tuyến du lịch nội tỉnh (tuyến du lịch tìm hiểu lịch
sử, tuyến du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng và tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm) và
01 tuyến du lịch quốc tế trải nghiệm “Một ngày - 04 quốc gia”. Về các chỉ tiêu
phát triển: tổng lượt khách đến Bình Phước giai đoạn 2010 - 2020 đạt 3.692.320
lượt khách, đạt 85,43% chỉ tiêu giai đoạn. Trong đó, khách nội địa đạt 3.544.530
lượt, đạt 88,07% chỉ tiêu; khách quốc tế đạt 147.790 lượt, đạt 72,15% chỉ tiêu.
Nhóm khách du lịch nghỉ qua đêm: 1.351.800 lượt, chiếm 36,61%, nhóm khách
phượt, khách đi trong ngày: 2.340.520 lượt, chiếm 63,39% tổng lượt khách đến
Bình Phước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 22,5%/năm.
Trong đó: khách nội địa đạt 23,05%/năm, khách quốc tế đạt 4,00%/năm. Tổng
doanh thu giai đoạn 2011 - 2020 đạt 2.689 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng doanh thu
bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 14,76 %/ năm.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách ưu
đãi, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp có hiệu quả tích cực; chú trọng đầu tư
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đồng
thời, theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 -
2025, tầm nhìn 2030, tỉnh Bình Phước sẽ có 05 khu nông nghiệp công nghệ cao
5
gồm: Đồng Xoài 68 ha, Thanh Lễ 260 ha, Đồng Phú 496 ha, Hải Vương 650 ha và
khu trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng xây
dựng 10 vùng sản xuất điều với quy mô tối thiểu 300ha/vùng, 5 vùng sản xuất tiêu
với diện tích 2.000 ha, 10 vùng sản xuất cây ăn quả với 100 ha, 3 vùng chăn nuôi bò
thịt với 40.000 con/năm, 10 vùng chăn nuôi lợn giống với 2.000 con/năm, 5 vùng
chăn nuôi gia cầm với 50.000 con/lứa nhằm từng bước phục vụ cho việc phát triển
thị trường trong và ngoài nước. Với tổng diện tích trồng cây ăn trái trên toàn tỉnh
như hiện nay, nhiều loại trái cây của Bình Phước, tiêu biểu như sầu riêng, bưởi da
xanh, xoài, mít, chuối, chôm chôm và bơ có thể xuất khẩu đi châu Âu.
Hàng năm, thông qua những hoạt động xúc tiến, các sản phẩm du lịch của Bình
Phước đã được giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch tại các chương trình hội chợ
hoặc ngày hội du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, An Giang, Quảng
Ninh, Kiên Giang, Vũng Tàu… Những năm qua, tỉnh Bình Phước đã tổ chức các
đoàn khảo sát tuyến du lịch qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và tiến hành ký kết hợp
tác song phương với các tỉnh Kratie, Stungtreng (Campuchia), Champasak (Lào) và
Ubon Rachathani (Thái Lan); tổ chức một số hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch Bình
Phước; tổ chức khảo sát tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng kế
hoạch giới thiệu điểm đến du lịch trong tỉnh; xây dựng phim tài liệu, phóng sự,
chuyên đề, bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, tờ gấp, bản đồ giới thiệu các sản phẩm
du lịch…; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử, trang
mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá du lịch.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
Ngành nông nghiệp chưa phát huy tiềm năng, lợi thế, chưa chuyển mạnh sang
sản xuất theo hướng chất lượng (tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…): Một số mặt
hàng chưa gắn với chế biến sâu, chưa xây dựng được thương hiệu, giá cả thị trường
không ổn định, sản phẩm xuất khẩu thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, một
số mặt hàng có tỷ trọng lớn nhưng không làm chủ được thị trường, còn xuất khẩu
qua trung gian.
Ngành chế biến thực phẩm từ thịt heo, thịt gà, rau quả mới được hình thành
trên địa bàn tỉnh nên chưa đa dạng về sản phẩm và sản lượng chế biến sâu, nội tại
của nhóm sản phẩm này đã bộc lộ những khó khăn cần giải quyết ngay, cụ thể như:
việc chăn nuôi phân tán, nhất là các trang trại chăn nuôi gia công đang ảnh hưởng
đến môi trường, gây ra mùi hôi và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm - đây là những
điều mà tiêu chuẩn quốc tế xem là chưa phù hợp.
Việc liên kết sản xuất mới chỉ dừng lại ở việc nông dân liên kết với nông dân;
còn việc nông dân liên kết với doanh nghiệp rất hạn chế trong khi sự kết nối giữa
người sản xuất với doanh nghiệp lại là yếu tố sống còn. Cụ thể là nông dân không
thể đi vào sản xuất quy mô mà không biết thị trường ở đâu, nhu cầu cung ứng, sản
phẩm quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào… trong khi những điều này doanh nghiệp
rất am tường. Khi biết được yêu cầu của thị trường thông qua việc chia sẻ thông tin,
cơ chế liên kết, nông dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất và thuận lợi hơn trong việc
tìm đầu ra cho nông sản.

6
Công tác xúc tiến du lịch chưa có sự bứt phá, chủ yếu là đưa các tờ rơi, tờ gấp,
các sản phẩm tiêu biểu đến các chương trình hội chợ để quảng bá, các hội thảo về
xúc tiến du lịch chưa hiệu quả, chưa đi sâu vào việc khảo sát các điểm, tuyến du lịch
và có những định hướng phát triển cho doanh nghiệp du lịch một cách cụ thể.
2.2. Nguyên nhân
Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; những yếu kém vốn
có của nền kinh tế cần phải có thời gian giải quyết. Ngành nông nghiệp gặp nhiều bất
lợi do thiên tai (hạn hán, gió lốc, ngập lụt), dịch bệnh… nghiêm trọng, giá cả các mặt
hàng nông sản chủ yếu của tỉnh giảm sâu nên tăng trưởng của ngành rất thấp. Tỉnh có
thế mạnh lớn trong việc phát triển vùng chăn nuôi heo, gà và trồng rau quả nhưng rất
phân tán do tiêu chuẩn quốc tế trước đó chưa đòi hỏi gay gắt. Thị trường trong nước
hiện đang rất cạnh tranh với thực phẩm nhập khẩu; tuy nhiên, yêu cầu hiện tại của thị
trường tiêu thụ quốc tế lại đòi hỏi vùng chăn nuôi heo, gà và rau quả phải tập trung theo
tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh khắt khe mà khó có khả năng hình thành vùng lớn khi quy
hoạch sử dụng đất đã phân tán. Trong tỉnh, chưa có nhiều sản phẩm chế biến theo
chiều sâu, ít sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng (như điều tẩm gia vị, sữa
hạt điều, gỗ trang trí nội - ngoại thất, bàn ghế cao cấp…); chưa tạo thành chuỗi liên
kết ngành để nâng cao giá trị gia tăng.
Trong thời gian qua, tỉnh nhà chưa thực sự chủ động thực hiện tốt công tác xúc
tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; doanh nghiệp chưa quan tâm và đầu tư cho
xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và chủ động tìm kiếm đối tác; việc phát
triển thị trường trên không gian mạng còn nhiều hạn chế.
Chính sách kêu gọi đầu tư riêng về du lịch chưa có, các điểm du lịch chưa hoàn
thiện, còn đầu tư dàn trải, chưa mang tính đặc trưng, hấp dẫn. Lực lượng nhân sự
thực hiện công tác xúc tiến du lịch ít, chưa được đào tạo chuyên môn, nguồn kinh
phí dành cho xúc tiến du lịch còn hạn chế.
3. Bối cảnh phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh
Hiện nay, Việt Nam có thị trường nội địa trên 100 triệu dân, đây chính là điều
kiện để các sản phẩm chủ yếu của Bình Phước tham gia vào thị phần trong nước.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do
song phương, đa phương với các nước trên thế giới (FTA với Hàn Quốc, FTA với
Liên minh Châu Âu, CPTPP, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN…), vì thế, trong thời
gian tới, Việt Nam sẽ có thể mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản với thuế suất
thấp hoặc không thuế suất; đồng thời có cơ hội nhập khẩu các nguyên, phụ liệu nông
nghiệp một cách thuận lợi hơn với giá thành rẻ hơn, khắc phục được tình trạng bị phụ
thuộc vào một số đối tác, một số thị trường cụ thể. Trong bối cảnh ấy, các doanh
nghiệp Bình Phước sẽ có điều kiện dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các đối tác, đẩy
mạnh việc hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử đang ngày càng được phát triển trên thế giới
nói chung và tại Việt Nam nói riêng, qua đó tạo điều kiện để thị trường tiêu thụ trên
không gian mạng được mở rộng.
Bình Phước có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
So với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, du lịch Bình Phước đang sở hữu những
lợi thế về tài nguyên du lịch, cụ thể như: có diện tích đất rộng, có hệ thống rừng
7
nguyên sinh và danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào. Bình Phước có hệ thống di
tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, di chỉ khảo cổ
thành đất dạng tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ; là nơi hội tụ, sinh sống của
41 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm
đầu tư phát triển 7 dự án du lịch trọng điểm với tổng số vốn thu hút đầu tư hơn
10.000 tỷ đồng (02 dự án đã hoàn thành và 05 dự án đang thực hiện).
Vì vậy, với các ưu điểm, tồn tại, hạn chế và bối cảnh trên, Bình Phước cần đề
ra các mục tiêu, quan điểm, chiến lược phù hợp để phát triển thị trường cho các sản
phẩm chủ yếu của tỉnh.

PHẦN THỨ HAI


QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VÀ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU


1. Quan điểm
Phát triển thị trường trong và ngoài nước giữ vai trò rất quan trọng trong việc
tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh; trong đó, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ
chính quyền và địa phương đóng vai trò nòng cốt cho việc phát triển thị trường.
Tạo lập và phát triển thị trường các sản phẩm chủ yếu của tỉnh theo hướng ổn
định, bền vững trên cơ sở tận dụng và khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, gắn với
chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất, chế biến theo hướng tập trung, ứng dụng
công nghệ sạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy chuẩn tiến tiến; tận
dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia để mở rộng
thị trường xuất khẩu.
Phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh trên cơ sở tận
dụng và khai thác hiệu quả những cơ hội của hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường
xuất khẩu, đặc biệt là từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam
đã tham gia, ký kết và có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ
xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU
(EVFTA).
Phát triển hiệu quả, tập trung vào những thị trường trọng điểm, có tiềm năng
theo phương thức truyền thống (trực tiếp) và hiện đại (trên không gian mạng, sử
dụng công nghệ).
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển thị trường, xây dựng
và phát triển thương hiệu sản phẩm; khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới
công nghệ, chủ động tham gia mạng lưới sản xuất, hệ thống phân phối sản phẩm
hiện đại và các chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh du lịch
tiếp cận các chính sách ưu đãi để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị
trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch.
Phổ biến cho các doanh nghiệp những thông tin về thị trường, về thị hiếu của người
tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ

8
sở sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh phát triển thị trường thông qua các
chương trình, đề án phát triển sản xuất; phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh
nghiệp - nông dân; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực.
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có
giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát
triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Cần đề
ra nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước mở lối cho du lịch phát triển bền vững, đóng
góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh làm động lực thúc đẩy
tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho
người lao động.
Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh góp phần tăng nhanh
kim ngạch xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp chế biến sâu, khẳng định uy
tín và vị thế hàng nông sản và sản phẩm công nghiệp chế biến của Việt Nam, nói
chung và của tỉnh, nói riêng trên thị trường thế giới, đồng thời làm tăng giá trị gia
tăng của sản phẩm xuất khẩu.
Phát triển mở rộng về thị trường, gia tăng về thị phần, nâng cao sức cạnh tranh
của sản phẩm, tạo động lực phát triển sản xuất và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu;
đóng góp tỷ trọng lớn vào GRDP của tỉnh
Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh và nông hộ liên kết
hợp tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu,
bao bì sản phẩm hoàn chỉnh, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng (VietGAP,
GlobalGAP,…); củng cố, mở rộng thị trường phát triển sản phẩm góp phần nâng cao
hiệu quả chung.
Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, từ đó hình thành tour, tuyến du
lịch, khu, điểm du lịch hướng đến mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách đến Bình
Phước, doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng vào năm 2030, qua đó góp phần tăng thu
ngân sách tỉnh và giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động.
Tập trung các nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm:
du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm hướng đến
mục tiêu tạo lập và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, biến du lịch thành
ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025: (1) Các sản phẩm chủ yếu của tỉnh (tiêu, cà phê, rau quả,
sản phẩm chế biến từ điều, gỗ, cao su, chăn nuôi heo, gà… có mặt tại 50% các hệ
thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động theo chuỗi trong nước; (2) Tổng kim
ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ yếu đạt 2,5 tỷ USD/năm; (3) Xuất khẩu
thành công các sản phẩm chủ yếu của tỉnh sang các thị trường khu vực; (4) Đón
khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm
khoảng 3,21% đến 4,00% tổng số lượt khách), doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng.

9
b) Đến năm 2030: (1) Các sản phẩm chủ yếu của tỉnh (tiêu, cà phê, rau quả,
sản phẩm chế biến từ điều, gỗ, cao su, chăn nuôi heo, gà … có mặt tại hầu hết các
hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động theo chuỗi trong nước; (2) Tổng
kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu đạt 03 tỷ USD/năm; (3) Xuất khẩu
thành công các sản phẩm chủ yếu của tỉnh sang các thị trường Châu Âu, Mỹ; (4)
Đón khoảng 04 triệu lượt khách du lịch (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế
chiếm khoảng 4,00 - 5,05% tổng lượt khách), doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ
đồng.
II. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
1. Phát triển thị trường trong nước
Tiếp tục duy trì các hợp đồng tiêu thụ nông sản đang phát triển mạnh, tiêu biểu
như: Chuỗi liên kết sản xuất tiêu bền vững (Nespice); Điều hữu cơ (HTX Đồng
Xanh với Công ty TNHH Ogranics More, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu
Long An (LAFOOCO) với HTX Đồng Nai), cây ăn trái (các HTX cây ăn trái trên
địa bàn các huyện Bù Đăng, Phú Riềng với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Xuất
nhập khẩu trái cây Chánh Thu); rau ăn lá (giữa HTX Nguyên Khang Garden với hệ
thống siêu thị AEON, Big C, Coopmart)...; Sản phẩm từ chăn nuôi (heo, gà), liên kết
giữa Tập đoàn chăn nuôi (như CP, Japfa…) với các trang trại, HTX, doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh và phát triển mở rộng ở các tỉnh, thành khác trong cả nước.
a) Sản phẩm từ gỗ: Tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và chất lượng tốt,
chú trọng vào các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Liên kết đưa các sản phẩm từ gỗ vào các kênh phân phối hiện đại.
b) Sản phẩm cao su: Tiếp tục củng cố chất lượng sản phẩm nệm, gối cao su để
duy trì và phát triển thêm thị trường ở các tỉnh, chú trọng thị trường tại Huế, Đà
Nẵng và các tỉnh phía Bắc…; đưa vào các hệ thống siêu thị như Big C, Coopmart,
VinMart… và các trung tâm phân phối như Gemadept Logistics, Vinalines
Logistics…
c) Sản phẩm điều, hồ tiêu, cà phê: Xây dựng thương hiệu riêng cho nông dân
Bình Phước, đóng gói, bao bì, nhãn hiệu để đưa vào hệ thống các siêu thị, kênh phân
phối tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác; đồng
thời đưa vào các hệ thống siêu thị như VinMart, CoopMart, Lotte Mart… cùng các
sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…; trung tâm phân phối
nông sản và thực phẩm an toàn tại Hà Nội…
d) Ngành hàng trái cây: Khai thác tốt thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành
trong cả nước, đặc biệt là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đối với các sản phẩm
được cấp giấy chứng nhận VietGAP; đưa vào các hệ thống siêu thị như Big C,
Coopmart, AEON Mall, Vinmart, Lotte Mart…
e) Sản phẩm từ chăn nuôi: Hầu hết các nhà đầu tư FDI trên địa bàn sẵn có thị
trường tiêu thụ, thương hiệu nên chỉ cần tăng quy mô chăn nuôi gà, đầu tư vào chế biến
heo, mở rộng thêm thị trường trong nước và các hệ thống siêu thị lớn ở các tỉnh, thành.
Liên kết với các công ty chế biến như: Công ty cổ phần Vissan, Công ty CP Thực
phẩm Đức Việt, Công ty CP Masan MEATLife… để đưa các sản phẩm từ chăn nuôi
vào chế biến, đưa trứng gia cầm vào hệ thống siêu thị như Bách Hóa Xanh, Satra,
Aeon và Mega Market… tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
10
f) Sản phẩm du lịch:
Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Giai với các sản phẩm du lịch nghỉ
dưỡng, giải trí và đánh golf.
Hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn
Thành - Gia Nghĩa, trong đó lấy Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch làm động lực
phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải
nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham
quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu
nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và đánh golf.
Khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành với các sản phẩm
du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf.
Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá với các sản phẩm du lịch tâm
linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm các
hoạt động thể thao mạo hiểm, đánh golf.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam
Việt Nam với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử; du lịch về
nguồn; du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại và tham quan động vật hoang dã tại
Công viên safari Tà Thiết và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui
chơi giải trí.
Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với các sản phẩm du
lịch trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng Bình Phước như
tham gia các lễ hội truyền thống của đồng bào, tham gia giã gạo bằng chày tay,
homestay...
Vườn quốc gia Bù Gia Mập với các sản phẩm du lịch trải nghiệm và
khám phá sinh thái rừng.
Xây dựng Công viên văn hóa tại phường Tân Bình, thành phố Đồng
Xoài tạo sân chơi và điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Khuyến khích đầu tư hoàn thiện các dự án đã và đang hình thành các
sản phẩm du lịch, bổ sung các dịch vụ phù hợp, đủ điều kiện công nhận điểm du
lịch tại Khu lâm viên Mỹ Lệ (huyện Phú Riềng); Khu du lịch Đảo yến Sơn Hà,
Khu du lịch sinh thái vườn Vĩnh Phúc và Khu du lịch hồ Suối Lam (huyện Đồng
Phú)...
Khuyến khích đầu tư, nâng cấp dịch vụ hấp dẫn nhằm thu hút du khách
đối với các cơ sở có thể công nhận điểm du lịch như: Chùa Phật Quốc Vạn
Thành (thị xã Bình Long); Khu dịch vụ sinh thái Thanh Tùng, Nông trại Phú Gia
(huyện Hớn Quản), Vườn cây ăn trái Quýt Hồng (huyện Bù Đốp), Trang trại Quý
Đông (huyện Đồng Phú) và các trang trại khác có tiềm năng phát triển.
2. Phát triển thị trường ngoài nước
a) Sản phẩm nông nghiệp
- Cà phê:

11
Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất
khẩu thông qua việc nâng cao chất lượng chế biến, đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế
biến cà phê thô sang cà phê thành phẩm, đa dạng hóa mặt hàng cà phê xuất khẩu (cà
phê Robusta, Arabica, Excelsa…). Tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo
EVFTA để xuất khẩu cà phê. Thị trường, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là
các thị trường xuất khẩu chính dành cho cà phê. Đẩy mạnh sản xuất các loại cà phê
chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê túi lọc... để xuất khẩu thành công sang thị
trường tiềm năng Đài Loan. Ngoài ra, tăng cường sản xuất cà phê hòa tan đóng hộp,
cà phê chưa rang xay - các sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Ả Rập Xê Út.
Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục phát triển các thị trường hiện tại và mở
rộng thêm các thị trường tiềm năng, chú trọng sản phẩm cà phê chế biến có giá trị
tăng cao, xây dựng thương hiệu cà phê xuất khẩu của Bình Phước và giảm xuất khẩu
qua trung gian. Tăng cường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Nga, Bỉ,
Algeria, Anh, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ… và tìm kiếm các thị
trường mới.
- Cao su:
Giai đoạn 2021 - 2025: Chú trọng vào các thị trường tiềm năng và có lượng
tiêu thụ cao như Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Marshall
Islands… Phát triển xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm cao su
nguyên liệu, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ cao su…, chú trọng phát triển các sản
phẩm chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu. Đối với các sản
phẩm như nệm, gối cao su, thị trường tiềm năng hướng tới là Nhật Bản, Hàn Quốc,
Campuchia và các nước EU.
Định hướng đến năm 2030: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu
theo hướng giảm tỷ trọng cao su nguyên liệu, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, từng
bước nâng cao hàm lượng chế biến và chất lượng sản phẩm xuất khẩu, xây dựng
thương hiệu cho sản phẩm cao su xuất khẩu. Tiếp tục phát triển các thị trường hiện
tại và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa thị trường, vừa tăng
cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, vừa mở rộng xuất khẩu sang các
thị trường tiềm năng như Mỹ, Thái Lan, Hồng Kông…
- Hồ tiêu:
Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như
EU, chú trọng phát triển vào thị trường Đức và Hà Lan. Các dòng sản phẩm như hạt
tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp
tục là hai dòng hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này vào thị
trường EU. Trên thực tế, sự phục hồi của nền kinh tế Đức kéo theo nhu cầu tiêu thụ
thực phẩm, trong đó có các sản phẩm từ hồ tiêu bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng
tại Đức, có khả năng tiêu thụ hạt tiêu nhiều hơn trong các bữa ăn hàng ngày và nguồn
cung hạt tiêu tại Châu Âu phải nhập khẩu hoàn toàn. Do đó, thị trường châu Âu, nói
chung và thị trường Đức, nói riêng luôn tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm từ hồ
tiêu ổn định cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm từ hạt tiêu đều có
nhu cầu lớn tại thị trường Ả Rập Xê Út trong thời gian tới.
Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục phát triển các thị trường hiện tại và mở rộng
thêm các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản
12
phẩm xuất khẩu và bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Phát triển mạnh vào thị trường EU,
đặc biệt phát triển mạnh vào các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc,
Nhật Bản…
- Rau quả:
Giai đoạn 2021 - 2025: Phát triển sản xuất và tăng cường xuất khẩu chính ngạch
một số mặt hàng trái cây có tiềm năng, có lợi thế quy mô lớn như: sầu riêng, bưởi, mít,
cam, quýt, nhãn, xoài, chuối, bơ, dưa lưới,… sang các thị trường truyền thống như Ấn
Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, đặc biệt là thị trường EU. Các
chủng loại trái cây có tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới là
mít, xoài… tương ứng với các thị trường mục tiêu là Hà Lan, Pháp và Đức. Không phát
triển dàn trải mà chỉ lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế và thị trường thế giới có nhu
cầu cao để tập trung phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Sản phẩm rau quả
tươi tập trung vào thị trường có khoảng cách địa lý gần hoặc tương đối gần để giảm chi
phí dịch vụ logistics và tỷ lệ hư hao sản phẩm, nhất là các thị trường Trung Quốc, Đài
Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN; sản phẩm rau quả chế biến tập trung
vào thị trường các nước phát triển và có khoảng cách địa lý như EU, Mỹ, Trung Đông,
Nga, Romania, Úc.
Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục phát triển các thị trường hiện tại và mở
rộng thêm các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng
cho sản phẩm xuất khẩu, phát triển mạnh vào thị trường EU vì đây là thị trường tiềm
năng có sức tiêu thụ trái cây lớn từ Việt Nam.
b) Sản phẩm công nghiệp chế biến
- Hạt điều:
Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng
nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu đảm bảo chất
lượng cho chế biến điều nhân xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường
truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Anh. Đặc biệt, việc những sản phẩm chế
biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA sẽ tạo sự thuận lợi
hơn rất nhiều khi xuất khẩu hạt điều sang các nước EU, trong đó chú trọng các thị
trường Hà Lan, Đức vì nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Hà Lan và Đức liên tục tăng do
nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối
cùng của người dân. Chính vì vậy, cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị
trường tiềm năng như Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức…
Định hướng đến năm 2030: Tập trung nguồn lực cho chế biến sâu, nâng cao giá trị
gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, minh
bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến công bố chất lượng sản phẩm, đáp ứng
yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Tiếp tục phát triển các thị trường hiện tại
và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu (điều nhân,
các sản phẩm chế biến từ điều) và bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Tập trung phát triển
thương hiệu mạng lưới phân phối các sản phẩm chế biến từ điều tại các thị trường trọng
điểm, đặc biệt là các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc.
- Sản phẩm từ gỗ:
Giai đoạn 2021 - 2025: Cần tập trung đầu tư công nghệ, hướng mạnh sang gia
công các sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm gỗ xuất
13
khẩu có xuất xứ rõ ràng, khai thác hiệu quả cơ hội của các FTA để đẩy mạnh xuất
khẩu sang các thị trường như Philippines, Canada và các nước trong khu vực EU…;
đồng thời tìm kiếm thị trường mới nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một số thị
trường nhất định. Giữ ổn định và tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền
thống như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ.
Định hướng đến năm 2030: Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu (sản phẩm gỗ nội
thất gia đình, văn phòng, sản phẩm ngoại thất, ván nhân tạo, dăm gỗ, viên nén…).
Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc
sắc, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đổi mới mẫu mã, kiểu dáng để tăng giá trị gia
tăng và hiệu quả xuất khẩu. Hỗ trợ các nhà cung cấp nguyên liệu thô đầu tư vào
công nghệ chế biến và kỹ thuật xử lý tiên tiến, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào
lĩnh vực chế biến nguyên liệu gỗ. Khai thác các thị trường mới như Canada, Hồng
Kông, Hàn Quốc, Trung Đông, Nga.
- Sản phẩm chăn nuôi:
Giai đoạn 2021 - 2025: Hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế và tháo gỡ khó
khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường. Đến
năm 2023, xuất khẩu thành công sản phẩm từ gà vào các thị trường Hồng Kông,
Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Myanmar. Đến năm 2025,
khai thác thêm các thị trường Mỹ và Úc. Thu hút các dự án chế biến sâu sản phẩm từ
heo (nhằm vào vùng nguyên liệu với tổng đàn đạt 0,8 - 1 triệu con trong vùng chăn
nuôi an toàn dịch bệnh).
Định hướng đến năm 2030: Để ngành chăn nuôi tăng trưởng bền vững, cần
phải tìm hướng mở cửa thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường tiềm năng,
cần phát triển các sản phẩm chế biến (trứng muối, thịt gà đã qua chế biến nhiệt...)
nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ
sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất
lượng, đồng thời cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu
cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản
phẩm gia súc, gia cầm chế biến sang các thị trường tiềm năng như, Úc, Trung Quốc,
Thái Lan, Hồng Kông…
c) Sản phẩm du lịch
Giai đoạn năm 2021 - 2025: Xây dựng tour du lịch mẫu của tỉnh nhằm tổ chức
đưa đón khách tham quan, quảng bá những tiềm năng du lịch và thu hút khách du
lịch đến từ Campuchia, Lào. Tập trung thu hút du khách đến từ các nước Hàn Quốc,
Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia thông qua các
hoạt động giao thương và đầu tư kinh doanh tại các khu công nghiệp trong và ngoài
tỉnh.
Định hướng đến năm 2030: Tăng cường thu hút du khách đến từ Mỹ, Úc và các
nước Châu Âu thông qua các hoạt động thăm lại chiến trường xưa.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Tập trung các nhóm sản phẩm có lợi thế, có tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất
khẩu; quan tâm phát triển các nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất
khẩu nhưng có giá trị gia tăng cao hoặc có tốc độ tăng trưởng cao. Chủ động tổ chức
hoặc tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, triển lãm quốc tế để tìm kiếm thị
14
trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại
các thị trường mới; triển khai các phương án, giải pháp ứng phó về xuất nhập khẩu
trước các diễn biến mới của thương mại thế giới.
1. Về cơ chế, chính sách
Phát huy có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức,
hợp tác xã, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và du lịch, tiêu thụ nông sản,
tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí dán nhãn truy
xuất nguồn gốc, xuất xứ cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về
mặt bằng, ưu tiên thuê đất để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư phát
triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xây dựng thị trường tại chỗ, đồng thời
hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện để xây dựng thị trường tại các thành phố lớn như Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…; xây dựng các chính sách khuyến khích
thành lập các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và khuyến khích cộng đồng dân cư tham
gia hoạt động du lịch.
2. Về thu hút đầu tư
Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, nhanh
gọn, hiệu quả, công khai, minh bạch; tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp nông thôn trong thời gian ngắn nhất; tạo môi
trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút đầu tư xây dựng các tập đoàn, các công
ty lớn có uy tín và có hàm lượng đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật cao trong lĩnh
vực nông nghiệp. Kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm thịt heo và gà tại
các huyện Hớn Quản, Bù Đăng và Chơn Thành vì đây là vùng chăn nuôi lớn của
tỉnh. Tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, quy hoạch quỹ đất sạch thu
hút đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 đến 5 sao, các khu vui chơi giải trí
với quy mô lớn, hiện đại. Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án hình thành các
khu du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh và các điểm du lịch.
3. Tổ chức sản xuất - tạo nguồn hàng
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là phát
triển các doanh nghiệp nông nghiệp đủ mạnh, làm nòng cốt để thực hiện có hiệu quả
liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; đổi mới và phát triển các hợp tác xã
nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn.
Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong tất cả các khâu của
hoạt động tổ chức sản xuất tạo thành chuỗi khép kín từ khâu giống - nuôi trồng,
chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - tiêu thụ; hoàn thiện quy trình canh tác
tiên tiến để từ đó có thể khai thác hiệu quả thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất
khẩu với các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu của tỉnh
Bình Phước nhằm giúp người dân và các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất dễ
dàng tiếp cận nhiều thị trường một cách nhanh chóng, làm cơ sở để tham khảo, định
hướng thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Mở rộng đối tượng tiếp
nhận bản tin thị trường đến các nông hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phát triển thương hiệu nông sản được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn
hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo
vệ sở hữu trí tuệ tại các nước nhập khẩu và tại các thị trường tiêu thụ nội địa cao cấp.
15
Xây dựng thương hiệu nông sản gồm: nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn
hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.
Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đào tạo các
thành viên có liên quan trong chuỗi giá trị; thu hút đầu tư để hình thành các cơ sở sơ
chế, kho hàng, kho lạnh nhằm kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm và giảm tổn thất
sau thu hoạch.
Hoàn thiện quy trình sản xuất nhằm khắc phục và hạn chế tính thời vụ, đẩy
mạnh áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP
và các tiêu chuẩn tương đương).
Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất theo hướng tăng năng suất, nâng cao
kỹ năng tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm chủ yếu
của tỉnh.
4. Giải pháp liên kết
Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa
Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế
biến, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng
cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương
hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong chuỗi liên
kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm
cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; đẩy
mạnh liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... Tiếp tục thực
hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ,
Tây Nam Bộ, Bắc Bộ và một số tỉnh của Campuchia, Lào, Thái Lan.
5. Giải pháp về nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và
du lịch
Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, hệ
thống thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân
phối trong và ngoài nước.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, định hướng sản
xuất phù hợp với nhu cầu; củng cố, duy trì và phát triển Sàn giao dịch nông sản tỉnh
Bình Phước; đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức có kiến
thức về kinh tế thị trường, luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế; kịp thời bố trí nguồn
kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch theo đúng quy định.
Kết nối, phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV),
các thương vụ Việt Nam, các văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước
ngoài tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, hợp tác xã… tại
Bình Phước với các doanh nghiệp nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
ở nước ngoài để tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của thị trường ngoài nước, từ đó kết nối
và xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài để đưa các sản phẩm
chủ yếu của tỉnh sang một số thị trường như Nhật Bản (tập đoàn AEON), Mỹ
(Walmart), Pháp và Thái Lan (Big C, MM Mega Market), Ý (Central Retail)…
Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du
lịch và xúc tiến đầu tư, quan tâm tổ chức đoàn xúc tiến ra thị trường nước ngoài; tăng

16
cường kết hợp 03 hình thức xúc tiến giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách thu hút
đầu tư, giới thiệu môi trường kinh doanh, giới thiệu tiềm năng. Kết hợp các hình thức
xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ thương mại quốc tế kết hợp với khảo sát thị
trường, tổ chức hội thảo giao thương giữa doanh nghiệp trong tỉnh và các nhà nhập
khẩu; tạo cầu nối vững chắc giữa Nhà nước với các doanh nghiệp và nông dân. Tập
trung quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng, làm cầu nối cho các đơn vị cung
ứng sản phẩm củng cố và mở rộng thị trường tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng
bán lẻ, các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, tổ
hợp tác, hợp tác xã xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như ISO,
HACCP, GMP…; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới.
Triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại và du lịch giai đoạn 2021
- 2025. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển
thị trường vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu hàng hóa. Hỗ trợ
các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các
làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,...) trong hoạt động xúc tiến thương mại và
du lịch, xây dựng thương hiệu và quảng bá một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh; tổ chức
các cuộc khảo sát, kết nối thị trường trong nước, lựa chọn một số thị trường tiềm năng
xuất khẩu đối với các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh; tổ chức và tham gia các
hội chợ thương mại khu vực trong nước và một số hội chợ tiềm năng ngoài nước
nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh; tổ chức các hoạt động đưa
hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu vực biên giới để giúp các doanh nghiệp
tiếp cận thị trường nông thôn; xây dựng các cửa hàng cung cấp những sản phẩm nông
nghiệp an toàn, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP; ký kết các thỏa thuận cấp tỉnh giữa
Bình Phước và các địa phương khác, đặc biệt là những địa phương nằm trong Vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết hợp tác về mua bán nông sản và công nghiệp
chế biến, có thể là cung ứng nguyên vật liệu và nhận tiêu thụ lại một phần sản phẩm
hay cam kết xây dựng quan hệ bạn hàng ổn định, lâu dài và đảm bảo chữ tín trong
kinh doanh.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về xúc tiến thương mại và du lịch
thông qua các kênh thông tin; trong đó chú trọng quảng bá, xúc tiến trên các trang
thông tin điện tử, trang mạng xã hội; đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông
tin, truyền thông trong và ngoài nước; quảng bá trực quan tại khu vực trung tâm nhà
ga, sân bay, trên phương tiện giao thông công cộng… Đẩy mạnh công tác quảng bá
hình ảnh, con người Bình Phước thông qua báo đài, phương tiện thông tin đại chúng,
các trang mạng xã hội, câu lạc bộ, hội, nhóm về du lịch hay các cuộc thi tìm hiểu
lịch sử, nét đẹp văn hóa con người của tỉnh nhà, góp phần thu hút và phát triển du
lịch tỉnh Bình Phước.
Tổ chức những cuộc thi thiết kế các sản phẩm quà tặng, hàng hóa lưu niệm
phục vụ khách du lịch mang tính đặc trưng riêng của tỉnh Bình Phước. Thường
xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, các đoàn phóng viên, nhà báo, nhiếp
ảnh gia, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đến khảo sát các sản phẩm du lịch, quảng
bá các điểm đến bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thu hút du khách. Tăng
cường chương trình kích cầu du lịch trong năm để thu hút khách du lịch và giới
thiệu, quảng bá các điểm đến cho du lịch Bình Phước.

17
Chủ động đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương về du lịch trên cơ sở
liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ và Biên bản làm việc với các tỉnh Kratie,
Stung Treng (Campuchia) - Champasak (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan) trên
tuyến du lịch xuyên Á qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa trong xúc tiến, quảng
bá du lịch tỉnh Bình Phước.
Liên kết với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (công ty/đại lý du lịch/lữ
hành, công ty vận tải du lịch, đại lý bán vé máy bay, tàu hỏa, nhà hàng, cơ sở lưu
trú,...) thông qua Hiệp hội Du lịch ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá
các sản phẩm chủ yếu của tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ
trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ yếu của
tỉnh đã có thương hiệu tham gia hoạt động xúc tiến thương mại theo các chương
trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia, chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và
du lịch của tỉnh. Xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ yếu của
tỉnh Bình Phước tại Hà Nội và một số tỉnh, thành có tiềm năng.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí để triển khai Đề án “Phát triển thị trường một số sản phẩm
chủ yếu tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” là
38.820,75 tỷ đồng (Ba mươi tám tỷ, tám trăm hai mười triệu, bảy trăm năm mươi
nghìn đồng); trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 28.067,75 tỷ đồng
(Hai mươi tám tỷ không trăm sáu mươi bảy ngàn bảy trăm năm mươi ngàn đồng) và
nguồn kinh phí xã hội hóa là 10.735 tỷ đồng (Mười tỷ bảy trăm ba mươi lăm triệu
đồng).
Tổng kinh phí để triển khai Đề án được phân bổ cụ thể như sau:
1. Nguồn kinh phí xúc tiến thương mại: 28.182,75 triệu đồng. (Hai mươi tám
tỷ, một trăm tám mươi hai triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng).
2. Nguồn kinh phí xúc tiến du lịch: 10.620 triệu đồng (Mười tỷ sáu trăm hai
mươi triệu đồng).
(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

PHẦN THỨ BA
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh
Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã,
thành phố triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để
kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Chủ trì tổ chức các hoạt động nâng cao xúc tiến thương mại và du lịch, tạo điều
kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến
thương mại và du lịch hàng năm của tỉnh. Tổ chức đoàn tham gia các hội chợ thương
mại, triển lãm để quảng bá và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho một số
sản phẩm chủ yếu của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương
hiệu, sản phẩm, hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng liên quan đến xúc tiến
18
thương mại và du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp trong và
ngoài nước để hợp tác tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh, đưa các sản phẩm chủ
yếu của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng hội chợ thương mại ở
các nước có thị trường tiềm năng. Tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, giới
thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Tổ chức các hoạt động thu hút các nhà
đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển 04 sản phẩm du lịch tại Bình Phước
(du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm).
Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Thông
tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh
Hợp tác xã, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, các cơ sở kinh doanh,
các doanh nghiệp lữ hành, du lịch; cộng đồng dân cư hoạt động trong lĩnh vực du
lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố có các dự án thu hút đầu tư du lịch, các
tổ chức xúc tiến thương mại và du lịch trong và ngoài nước.
2. Sở Công Thương
Chủ trì tham mưu xây dựng các chương trình, đề án khuyến khích xúc tiến
thương mại. Tăng cường theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin về tình hình thị trường
xuất nhập khẩu, thương mại - đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và phát triển các
thị trường chiến lược cho các sản phẩm chủ yếu; phổ biến, cung cấp các thông tin
liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật, chính sách, các tiêu chuẩn, quy định, điều kiện
của nước nhập khẩu… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất
kinh doanh.
Chủ trì, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, hình thành cơ chế mới thích hợp hơn, đề
xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp
trong chế biến sâu, liên kết trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu bền vững. Triển khai
đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường
mạng. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội của các
Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia với tư
cách thành viên để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.
Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu xây dựng và tổ chức thực
hiện các chương trình, đề án khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân
đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh phục
vụ nhu cầu của khách du lịch. Phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã,
thành phố trong tỉnh có liên quan xây dựng và hình thành khu ẩm thực phố đêm, chợ
đêm phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm của khách du lịch nhằm tăng chi tiêu và thời
gian lưu trú của du khách khi đến Bình Phước.
Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và
Du lịch tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã, các
hội/hiệp hội doanh nhân/doanh nghiệp tỉnh.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng và tổ chức thực
hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã, doanh
nghiệp trong xúc tiến du lịch. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham
mưu Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực
hiện Đề án để khai thác hiệu quả các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với
19
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và quảng bá các sản phẩm du lịch
trong tỉnh.
Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và
Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch; cộng đồng dân cư hoạt động trong
lĩnh vực du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố có các dự án thu hút đầu tư
du lịch, các tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và tạo điều kiện
để các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tham mưu
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành, trong đó chú trọng xây dựng ngành nghề đặc
biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản; đồng thời phối hợp
với các đơn vị có liên quan lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động
xúc tiến thương mại và du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ yếu của
tỉnh.
Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu Kinh tế, các nhà đầu tư
trong và ngoài nước.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ vào khả năng cân đối của
ngân sách, tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí triển khai thực hiện Đề án
theo quy định.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất đúng
quy hoạch, tạo nguồn hàng hóa, sản phẩm chủ yếu của tỉnh, đảm bảo về số lượng và
chất lượng để cung ứng theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tuyên truyền,
vận động, chuyển giao kỹ thuật để người chăn nuôi biết cách sử dụng tiết kiệm và hiệu
quả các loại thức ăn chăn nuôi, tận dụng nguồn nguyên phụ liệu sẵn có tại địa phương
để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, phát
triển thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.
Xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả
trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh. Hướng dẫn các
doanh nghiệp xây dựng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GMP), hệ
thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý
ATTP (ISO22000).
Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính,
Liên minh Hợp tác xã, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, các cơ sở kinh
doanh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội/ hiệp hội doanh nhân/ doanh
nghiệp tỉnh.
7. Liên minh Hợp tác xã
Chủ trì tổ chức ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất cho một số sản
phẩm chủ yếu của Bình Phước với các tỉnh, thành khác trong cả nước, hỗ trợ tư vấn các
hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp
20
tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát
triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại
và Du lịch tỉnh giới thiệu và quảng bá các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đến thị trường
trong và ngoài nước.
Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính,
các cơ sở kinh doanh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội/ hiệp hội doanh
nhân/doanh nghiệp tỉnh.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về
các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm chủ
yếu của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương
và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xúc tiến đầu tư ở lĩnh vực nông
nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch, đồng thời tiếp tục tuyên truyền Cuộc vận
động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chủ trì triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi
số” và Đề án “Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ
trợ doanh nghiệp chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển
tông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Liên minh Hợp tác
xã, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, UBND các huyện, thị xã, thành
phố, các hội/ hiệp hội doanh nhân/ doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ sở
kinh doanh về thương mại và du lịch trong tỉnh.
9. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng và áp dụng
các hệ thống quản lý chất lượng như ISO, HACCP, GMP…; hỗ trợ chuyển giao ứng
dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, hiệu quả; khuyến khích phát triển sản
phẩm mới, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp
tác xã, nông hộ; hỗ trợ ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng sản
phẩm, hàng hóa… Hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ sản
phẩm và chỉ dẫn địa lý.
Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Liên minh Hợp tác
xã, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội/ hiệp hội doanh nhân/ doanh nghiệp
tỉnh, các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh về thương mại và du lịch trong tỉnh.
10. Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, hiệp hội/ hội doanh nghiệp/
doanh nhân của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước và các đơn vị
có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc
tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh triển khai thực hiện Đề án này.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch sản xuất các sản
phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện
có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm
21
nông nghiệp và các sản phẩm chủ yếu tại địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh trên
địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và du lịch trong và ngoài tỉnh để
liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, các đơn vị lập kế hoạch
triển khai và xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực
hiện nhiệm vụ có liên quan được nêu trong Đề án này. Tập trung chỉ đạo tổ chức
triển khai thực hiện hiệu quả và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, định kỳ hàng
năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư,
Thương mại và Du lịch tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh những khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các Sở, ban, ngành, kịp thời báo cáo về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư,
Thương mại và Du lịch tỉnh để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

22

You might also like