Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp Lửa

Thuở tấm bé, bất kì đứa trẻ nào, kể cả tôi, đều mong muốn được lớn lên thật nhanh, được đi đây đi đó mở rộng
tầm mắt. Vậy mà khi đã trưởng thành, đã được bước chân tới những vùng đất mới nơi đất khách quê người như
tôi hiện giờ, thì lại bồi hồi, xúc động lặng nhớ về chốn quê cũ, về hình ảnh quen thuộc ấm áp thưở xưa bên bếp
lửa nồng đượm cùng người bà mà tôi luôn kính trọng. Cái hình ảnh, cái cảm giác phải trải qua khó khăn nhưng
được bà yêu thương, đùm bọc, che chở cùng hơi ấm của bếp lửa cứ quấn quít trong tâm trí tôi chẳng rời. Nhớ về
bếp lửa, chính là điểm khơi nguồn của bao cảm xúc, nỗi nhớ thương da diết về bà.

Có lẽ cả đời này tôi cũng chẳng thể nào quên được cái tuổi thơ gian khó mà đầy ắp tình thương bên bà. Từ thuở
tấm bé, tôi đã phải xa cha mẹ nhưng may mắn được bà cưu mang, chăm sóc, dạy bảo nên người. Tôi dần lớn lên,
đến năm bốn tuổi đã dần quen với mùi hương hăng hắc của khói mỗi sớm mai lẽo đẽo theo bà nhóm bếp. Buổi
sáng sớm, trời se se lạnh và đầy sương, việc nhóm lửa quả thực chẳng dễ dàng gì. Ấy thế mà bà tôi lại rất tỉ mẩn,
khéo léo ấp ủ ngọn lửa nhỏ vừa bén từ vài que củi, hòn than. Bàn tay bà kiên nhẫn mà ấm áp, cẩn thận từng chút
một nhóm lên ngọn lửa, cái ngọn lửa leo lắt, chập chờn trong sương sớm mới đầu dần trở nên lớn hơn, sưởi ấm
cả một vùng. Thời gian thật khắc nghiệt, nó đã bào mòn tuổi xuân của bà, lấy đi sức khỏe của bà, đẩy đưa bà qua
biết bao thăng trầm, gian truân, nhọc nhằn của cuộc sống. Nhìn thấy bà cặm cụi, vất vả lo cho tôi trong cái tuổi xế
chiều mà lòng tôi dâng lên bao nhiêu thương xót, chỉ mong mình lớn thật nhanh để còn phụ giúp bà.

Như đã nói, khi lên bốn tôi đã quen với mùi hương khói, mùi hương bếp lửa vừa gợi cho tôi bao nỗi nhớ, lại vừa
vẽ ra cái bóng đen ghê rợn của nạn đói khủng khiếp năm 1945- lúc tôi vừa bốn tuổi. Cái đói như bao trùm lên cả
đất nước, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người, làm kiệt quệ sức người lẫn sức thú. Bố tôi làm nghề đánh xe,
ông đã ốm, thì mấy chú ngựa khô rạc cả người. Người dân, người nào người nấy đều chẳng có thứ gì lót dạ. Nạn
đói triền miên, dai dẳng cứ đeo bám dân nghèo chúng tôi mà đày đọa, mà đay nghiến cái cuộc sống vốn đã khổ
cực của chúng tôi. Hình ảnh ấy khiến ai ai cũng rùng mình sợ hãi khi nhắc lại, tôi cũng chẳng muốn nhớ đến
những tội ác kinh hoàng năm xưa của đám giặc ngoại xâm nữa. Năm ấy, hương khói từ nơi bếp lửa hun nhèm đôi
mắt tôi, xộc thẳng vào mũi tôi khiến sống mũi tôi cứ cay cay khi bên bà nhóm lửa. Bây giờ nghĩ lại hình ảnh ấy, tôi
cũng cay cay sống mũi, nhưng là vì xúc động, nhớ thương cái hình ảnh bếp lửa hừng hực cháy bên cạnh người bà
mà tôi luôn yêu quý.

Sau này, khi đã lớn hơn, cuối cùng tôi cũng có thể giúp bà một tay châm lửa nhóm bếp. Tám năm ròng rã trôi qua
với hình ảnh bếp lửa mỗi buổi sớm bên bà. Khi loay hoay nhóm bếp, tôi càng thấu hiểu tấm lòng bà, dù đã lớn
tuổi nhưng vẫn phải vất vả lo toan cho đứa cháu như tôi, tôi thương bà khôn xiết, vì bà đã khổ, đã phải sống khó
khăn lắm rồi. Quanh nhà tôi có rất nhiều chim tu hú, chúng cứ kêu vang vọng trên khắp các cánh đồng xa, nghe
vô cùng tha thiết, da diết như những hồi tưởng về quê cũ và những người thân yêu. Tiếng chim ấy có lẽ đã trở
thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ tôi. Tiếng tu hú kêu gợi cho tôi những ngày còn ở Huế, bà vẫn hay
kể cho tôi những câu chuyện thú vị, xưa cũ về nó, những mẩu chuyện nhỏ mà tôi rất thích nghe. Tôi tỏ ra vô cùng
thích thú khi được nghe câu nói “Để bà kể cháu nghe, những ngày xưa ta còn ở Huế ấy,…”.Tiếng tu hú cứ gợi vẻ
hiu quạnh, cô đơn nơi ruộng đồng bao la, chứa đựng bao nhớ thương, xúc cảm, làm tôi càng thương bà hơn.
Gian nhà thường vắng lặng, khiến tôi muốn làm gì đó để vơi bớt đi sự quạnh vắng này, để bà được vui vẻ, hạnh
phúc hơn. Cha mẹ tôi bận bịu công việc trên chiến khu, chẳng thể về được. Tôi thương họ lắm, nhưng họ cũng chỉ
thường xuất hiện qua lời kể của bà tôi. Tôi và bà cứ thế nương tựa vào nhau mà sống, một già một trẻ cứ thế cui
cút, quấn quít sống với nhau. Tôi được như bây giờ là nhờ bà dạy dỗ, khuyên răn, bà chỉ dạy tôi làm rất nhiều
việc, giúp tôi có tính tự lập từ khi còn bé. Nhưng bà chỉ chăm chút, nhắc nhở tôi học hành mà không dạy tôi, cũng
bởi sự trọng nam khinh nữ của xã hội thời ấy, bà chẳng được đi học. Tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng cái khát
khao được lớn lên thật nhanh, trở thành một người đàn ông cứng cỏi, mạnh mẽ để chăm sóc, bảo vệ lại người bà
mà tôi luôn yêu thương.
Nói về mùi khói, cũng không thể không nhớ đến cái mùi khói độc tràn lan khắp làng tôi năm ấy, cái năm giặc đốt
làng tôi, đốt nhẵn, cả làng trở thành một mớ hỗn độn, tan tác, hoang tàn, chỉ còn những tàn tro, tàn dư xơ xác.
Nhà tôi cũng vậy, cháy rụi, khiến bà và tôi chẳng còn chốn nương thân. Trong cái cảnh loạn lạc, bi thương ấy, vẫn
có những tia sáng le lói của tình người ánh lên, bà con láng giềng đã đỡ đần bà cháu tôi dựng tạm một túp lều
tranh để trú ẩn. Bác hàng xóm cạnh nhà tôi, khi ấy độ chừng đã ngoài bốn mươi, giọng nói bác ấm áp mà từ tốn
đề nghị giúp đỡ bà cháu tôi:

-Cô cứ để đấy, cháu cùng các bác đây sẽ giúp bác dựng tạm chiếc lều để hai bà cháu còn tránh mưa tránh nắng!

Tình làng nghĩa xóm là thế đấy, vẫn chẳng bao giờ vơi bớt, nhạt phai đi. Bà và tôi vô cùng biết ơn họ, những
người hàng xóm tốt bụng, nhân hậu lúc nào cũng sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ chúng tôi. Dù hoàn cảnh hiện tại
của bà cháu tôi chẳng khá khẩm là mấy, thế mà bà vẫn vững lòng, dặn dò tôi chắc nịch: “Cháu có viết thư cho bố
mẹ thì cũng đừng kể những chuyện không may ở nhà, bố mẹ đã phải lo việc nước,vô cùng căng thẳng và lo lắng
rồi, không nên làm họ phải lo, bận tâm vì việc nhà nữa. Cứ bảo bố mẹ rằng ta vẫn được bình yên, để họ yên lòng,
tập trung làm việc cho nước nhà, đánh thắng giặc, rồi bố mẹ sẽ về với cháu sớm thôi!”. Có thể thấy, tấm lòng bao
dung, ấm áp của bà vẫn chẳng hề lung lay trước gian khổ, chông gai. Dù có phải đối mặt với khó khăn, thử thách,
bà vẫn luôn lo nghĩ cho người khác, còn lo cho đất nước ta. Tôi thương bà lắm, bà luôn là người phụ nữ mạnh mẽ
mà ấm áp, trong lòng tôi, bà có lẽ đã là đại diện cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, cần cù và giàu đức hi
sinh, tình thương của bà luôn mênh mông chẳng bao giờ đổi khác.

Bà vẫn đều đặn nhóm bếp lửa mỗi sáng mỗi chiều, cái ngọn lửa bập bùng, ấm áp kia cũng như cái ngọn lửa mà bà
ấp ủ trong lòng vậy. Đó là ngọn lửa chẳng bao giờ bị dập tắt, và cũng chẳng có thứ gì có thể dập tắt đi những
niềm tin, hi vọng của bà về một tương lai tươi đẹp.Trong niềm tin của bà, giặc giã rồi sẽ tan, hòa bình của nước ta
rồi sẽ lặp lại, con bà- bố mẹ tôi rồi sẽ bình yên trở về trong niềm vui chiến thắng. Và, đứa cháu nhỏ dại, vô tư
ngày nào là tôi, rồi sẽ lớn lên, trưởng thành và trở thành một người tốt, biết đóng góp sức mình cho công cuộc
xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là những khát khao bình dị của bà mà mỗi ngày, bà luôn nói với tôi: “Bà chẳng
mong gì hơn…”. Niềm tin của bà là thế đấy, nó dai dẳng, chẳng bao giờ có thể biến mất, chẳng có gì khiến nó lung
lay được. Cuối cùng, khát khao mãnh liệt ấy của bà đã thành sự thật, chẳng phụ công bà mong mỏi bấy lâu. Giờ
đây, dù bà đã lớn tuổi, đã phải sống một đời vất vả, nhọc nhằn, khổ cực, thế mà bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
nhóm lên cái ngọn lửa nồng đượm như ngày xưa. Tôi mong bà được hưởng thụ cuộc sống ở cái tuổi này, vì bà
xứng đáng được sống nhàn hạ, hạnh phúc bên con cháu sau bao nhiêu sóng gió, lầm than trước kia. Mấy chục
năm trước tới tận giờ vẫn chẳng đổi thay, bà nhóm lửa nấu khoai, nấu sắn và cả nồi xôi gạo mới để cùng sẻ chia
niềm vui với bà con xóm làng. Tấm lòng thơm thảo của bà vẫn vậy, bà coi trọng cái tình làng nghĩa xóm biết bao.
Dường như, bà còn nhóm lên cả những tâm tình tuổi nhỏ của tôi, vì bà chính là người dạy dỗ tôi nên người, giúp
tôi hình thành những đức tính tốt. Tôi biết ơn bà lắm, nhờ bà thì mới có tôi như ngày hôm nay, bà chính là bệ
phóng giúp tôi bay cao, bay xa trong vùng trời kiến thức. Giờ đây, hình ảnh bếp lửa vốn vô cùng quen thuộc, bình
dị của vùng quê sao lại trở nên kì lạ và thiêng liêng đến thế! Nó như chứa đựng cả tâm hồn, là hình ảnh đại diện
cho cội nguồn của tôi và cũng nhắc nhở tôi phải “uống nước nhớ nguồn”.

Quay về hiện tại, ở cái nơi đất khách quê người này, nơi phồn hoa đô thị, tôi được chu du đó đây trên những con
tàu lớn, cái ngọn khói của chúng vẫn cứ gợi cho tôi nhớ về ngọn khói bếp lửa ngày xưa. Tôi cũng được chứng kiến
nhiều cảnh đời khác nhau, tận hưởng bao niềm vui, hạnh phúc nơi xứ người. Nhưng chẳng khi nào tôi cho phép
mình quên đi điểm bắt đầu của mình, dù nó có khổ cực, khó khăn đến đâu. Khi nào tôi cũng nhớ tới bà, tự vấn
lòng mình rằng “Sớm mai bà đã nhóm bếp lên chưa?”. Có lẽ, chẳng có từ ngữ nào có thể miêu tả được hết nỗi
nhớ cồn cào, da diết của tôi về bà, về cái bếp lửa thân yêu nơi quê nhà. Tôi lại muốn trở về, mong được đỡ đần,
giúp đỡ bà nhiều hơn để bù đắp phần nào cho công lao to lớn của bà đã nuôi lớn, yêu thương tôi hết mực.

You might also like