Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

UNIT 1

Quyết liệt ngăn chặn tội trốn thuế ở Hoa Kỳ


(Động thái của ngân hàng Hoa Kỳ trước phán quyết của Tòa liên bang về tội trốn thuế)

Những năm gần đây chẳng dễ dàng chút nào với người Mỹ có tài khoản bí mật ở nước ngoài bởi
vì công tố viên liên bang truy tân cùng người Mỹ đầu tư nước ngoài lẫn luật sư bị cáo buộc dung
túng việc trốn thuế, nhất là ở Thụy Sĩ. Nay lại có những biện pháp cứng rắn hơn đối với những
nhà đầu tư nước ngoài tại Mỹ trốn nộp thuế bằng cách tuồn tiền vào các tài khoản tiết kiệm tại
ngân hàng Mỹ.
Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ thúc ép các nước khác phải chia sẻ thông tin về người Mỹ gian lận
thuế khi kinh doanh ở nước ngoài, nhưng điều này có nghĩa là cơ quan của Mỹ cũng phải thể
hiện mức độ tương trợ ngươc lại. Do vậy, năm 2012 Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ đã ban hành luật buộc
các ngân hàng Hoa Kỳ phải công khai dữ liệu về những nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản
ngân hàng ở Mỹ. Thông tin này sau đó được chuyển cho thuế vụ ở nước nguyên quán của chính
các chủ tài khoản này.
Điều này gây ra nhiều xáo động ở các ngân hàng giao dịch chủ yếu với các nhà đầu tư
đến từ vùng Mỹ Latin, đặc biệt là trung tâm tài chính ở Miami (ảnh minh họa). Ngân hàng chi
nhánh ở các tiểu bang Florida và Texas đồng nộp đơn kiện lên liên bang, cho rằng quy định này
rất nhiêu khê và hậu quả sẽ làm hao hụt vốn đáng kể vì những khách hàng hợp pháp của họ có
thể e ngại việc thông tin kinh doanh bị tiết lộ và thao túng bởi những hệ thống chính quyền thiếu
minh bạch. Trong tuần này, tòa án liên bang ở thủ đô Washington đã bác bỏ đơn kiện này, hay
nói cách khác luật mới chắc chắn sẽ có hiệu lực vào tháng ba năm nay.

Phía ngân hàng đưa ra lập luận là quy định này đã vi phạm đạo luật Thủ tục hành chính
và Linh hoạt quy định. Họ cho rằng Sở Thuế vụ đã hiểu sai vấn đề kinh tế và không lường hết
những tổn hại mà quy định này sẽ gây ra cho giới ngân hàng. Khi lập luận động thái này có thể
làm thất thoát vốn dẫn đến hoạt động ngân hàng và nền kinh tế rơi vào bất ổn, họ viện dẫn ví dụ
điển hình là Canada. Đây là quốc gia duy nhất ký hiệp ước trao đổi thông tin ngân hàng song
phương với Hoa Kỳ. Theo họ lý giải, thời điểm hiệp ước có hiệu lực vào năm 2000 cũng là lúc
các khách hàng Canada lo lắng rút lượng tiền rất lớn khỏi các ngân hàng Hoa Kỳ.

Trong phán quyết dài 23 trang, thẩm phán James Boasberg đã bác bỏ những lập luận này.
Ông phê rằng Sở Thuế vụ đã kết luận hợp lý là bộ quy định mới ban hành sẽ cải tổ việc tuân thủ
luật thuế của Hoa Kỳ, ngăn chặn việc trốn thuế trong và ngoài nước. Đồng thời bộ luật cũng chỉ
đòi hỏi các ngân hàng phải báo cáo chứ không khiến cho những khách hàng thông thường – trừ
phi là những người cố tình trốn thuế – phải rút hết vốn liếng của mình ra khỏi các ngân hàng Hoa
Kỳ. Ngài thẩm phán đồng thuận với lập luận của Sở Thuế vụ là vụ việc ngân hàng Hoa Kỳ bị
tiêu hao vốn do khách hàng Canada rút hết tiền chỉ là ‘tin đồn’: mặc dù lượng tiền gởi hưởng lãi
suất của người Canada đã giảm sâu sau khi công bố các báo cáo, nhưng chúng đã nhanh chóng
phục hồi ngay sau đó. Tòa án cũng lưu ý Sở Thuế vụ chỉ chuyển thông tin này cho 70 quốc gia
có ký kết hiệp ước trao đổi thông tin với Hoa Kỳ. Hiệp ước cũng quy định nước thành viên phải
có trách nhiệm lưu trữ và bảo mật thông tin này.
Vẫn chưa xác định rõ mức độ hao hụt tài chính là bao nhiêu. Theo ước tính của Sở Thuế
vụ, số tiền gởi vào ngân hàng Hoa Kỳ của người nước ngoài lên đến những 400 tỉ dollar. Trung
tâm tài chính ở Miami sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất mặc dù trong thập niên qua lợi nhuận kinh
doanh phi pháp không còn dễ dàng tìm được chỗ cất trữ ở đây nữa, đồng thời khá nhiều những
tài khoản còn lại trong hệ thống đã được rút ra khỏi ngân hàng và đổ vào thị trường bất động sản
địa phương. Phán quyết của tòa án cũng đánh dấu sự thất bại của rất nhiều chính khách ở tiểu
bang Florida và Texas vốn là lực lượng hậu thuẫn cho giới ngân hàng. Trong số đó là ngài Marco
Rubio, một nghị sĩ Hoa Kỳ có tham vọng tranh cử tổng thống và thậm chí từng đề ra dự luật
nhằm bãi bỏ quy định này.

Ngược lại, giả dụ phe chống đối quy định mới lật ngược được thế cờ tại phiên tòa, hẳn
chính phủ Hoa Kỳ sẽ khó thuyết phục các nước khác tuân theo Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài
khoản nước ngoài (FATCA) của Hoa Kỳ. Được ban hành vào năm 2010, đạo luật quy định các
cơ quan tài chính ở các nước khác phải báo cáo cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ biết tài khoản của khách
hàng Hoa Kỳ ở nước họ là bao nhiêu. Sau nhiều lần bị trì hoãn, cũng đến lúc FATCA có hiệu
lực, càng hối thúc việc mở rộng phạm vi hiệp ước trao đổi thông tin thuế song phương, khiến cho
những người trốn thuế hầu như không còn chỗ ẩn nấp. Thời gian qua nước Mỹ đã quyết liệt thi
hành chính sách vung gậy (trừng phạt tội trốn thuế) mới có được kết quả như thế. Dù vậy, phán
quyết của tòa án liên bang trong tuần này khẳng định chính phủ Hoa Kỳ vẫn có ý tạo điều kiện
thuận lợi cho những ai kinh doanh đúng luật.

You might also like