Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Xuân Diệu là một nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam nói chung

và phong trào thơ Mới nói riêng. Ông được xem là nhà thơ của tình
yêu và tuổi trẻ, các tác phẩm của Xuân Diệu là những hồn thơ yêu
cuộc đời, say mê cuộc đời, gắn bó với cuộc đời thiết tha, mãnh liệt.
Xuân Diệu đã mang đến cho Thơ mới một luồng gió mới mẻ, đó là
cái nồng nàn, sục sôi và một cái tôi đầy ý thức về bản thân. Bài thơ
Vội vàng là một trong những bài thơ thành công nhất của ông.

Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một bông hoa xinh đẹp
trong vườn thơ đầy hương sắc trên văn đàn văn học Việt Nam. Bài
thơ đã bộc lộ những khát khao mãnh liệt của nhà thơ trước mùa
xuân, trước thời gian và tuổi trẻ. Qua tác phẩm, Xuân Diệu còn gửi
đến người đọc những quan niệm nhân sinh đầy mới mẻ, sâu sắc.
Trong 13 câu thơ mở đầu bài thơ, ta bắt gặp một cái tôi tha thiết
yêu đời, yêu cuộc sống của người thi sĩ.

“Tôi muốn tắt nắng đi


Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Bài thơ mở đầu bằng 4 câu thơ viết theo thể 5 chữ, cảm xúc dường
như được dồn nén đến tột độ rồi bung tỏa mãnh liệt mong ước đầy
táo bạo mà cũng vô cùng lãng mạn của nhà thơ. Điệp ngữ “Tôi
muốn” đầu câu khẳng định cái tôi đầy chủ động của chủ thể trữ
tình trước vũ trụ bao la tuyệt sắc. Biện pháp điệp cấu trúc càng
nhấn mạnh được khát vọng mạnh mẽ của cái tôi cá nhân, muốn
được “tắt nắng”, “buộc gió’ để níu giữ khoảnh khắc tươi mới của
màu nắng, hương gió, níu giữ những tinh túy của đất trời. Đó là
ước muốn được thay đổi tạo hóa, ngăn chặn bước đi của thời gian
để tận hưởng trọn vẹn, “đã đầy” hương sắc của trần gian. Đứng
giữa một vũ trụ xinh đẹp ấy là một cái tôi đầy mạnh mẽ, quyết liệt,
táo bạo.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả muốn đước tắt nắng, buộc gió,
không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ lại có những ước mơ táo bạo
như vậy. Bởi vẻ đẹp của mùa xuân, của đất trời đã khiến nhà thơ
không khỏi thổn thức, mê đắm. Một bức tranh mùa xuân rực rỡ,
tươi tắn, căng tràn nhựa sống hiện ra trước mắt thi nhân.

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật


Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

Điệp khúc “này đây…của” tạo nên âm hưởng tươi vui, rộn ràng,
háo hức, nôn nao khi xuân về. Cảnh vật dưới con mắt của thi nhân
đều trong trạng thái căng tràn sức sống, đua nhau khoe sắc, tỏa
hương khi mùa xuân vào độ “chín”. Những hình ảnh gợi cảm của
thiên nhiên dần hiện ra, đó là ong bướm đua nhau tìm mật hoa vào
độ “tuần tháng mật”- một khoảng thời gian đẹp nhất của tình yêu
đôi lứa và cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi
con người. Nào đâu chỉ có ong bướm, hương hoa, mùa xuân đem
đến cho đồng nội một sắc xanh kì diệu “xanh rì”, cỏ đồng nội như
trải thảm, khoác lên mình sắc xanh tươi mới, giàu sức sống.
Những chiếc lá non trên “cành tơ” cũng kiêu hãnh phất phơ trên
từng đợt gió xuân, mơ màng khiêu vũ dưới màu nắng xuân đầy trẻ
trung và nhiệt huyết. Khúc nhạc tình say đắm được cất lên bởi
những nàng chim bay về hội tụ “của yến anh này đây khúc tình si”.

Bằng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, sử dụng các tính từ
chỉ trạng thái và những hình ảnh gần gũi, đời thường, tác giả đã
khắc họa nên một bức tranh xuân về đầy sinh động, tươi đẹp, gợi
cảm mà vô cùng quyến rũ. Bức tranh ấy có hoa cỏ, ong bướm,
chim chóc, có màu xanh của lá, màu vàng của nắng, có ánh sáng
tinh khôi qua hàng mi cong của người thiếu nữ, có hương hoa, có
âm thanh rộn ràng của tiếng chim, có cả tiếng lòng mê đắm của
người thi sĩ. Khắc họa bức tranh ấy, phải chăng tác giả muốn gửi
gắm tới người đọc rằng cái đẹp không ở đâu xa, cái đẹp hiện hữu
xung quanh chúng ta, vì vậy, hãy chắt chiu và tận hưởng, hãy trân
trọng và giữ gìn.

“Mỗi buổi sáng, thần vui hằng gõ cửa”

Với Xuân Diệu, bình minh lên mỗi ngày là một niềm hy vọng, một
ngày mới bắt đầu sẽ luôn là một ngày may mắn và ngập tràn niềm
vui. Bởi có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui được sống, được tận
hưởng và cống hiến. Thần Niềm vui luôn đón đợi mọi người, mang
hạnh phúc và tiếng cười đến nhà nhà, nơi nơi.

Tác giả cảm nhận mùa xuân bằng chính bản thể của mình, bằng cả
tâm hồn và thể xác. Bởi thế mà mùa xuân ấy không chỉ được gợi ra
bằng những hình ảnh mắt thấy, tai nghe mà còn bởi những rung
động tinh tế của tâm hồn:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Cái mới mẻ trong hồn thơ Xuân Diệu một lần nữa được thể hiện rõ
qua hình ảnh so sánh đầy táo bạo “tháng giêng” với “cặp môi gần”
kết hợp cùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác với tính từ
“ngon”. Phải hạnh phúc đến nhường nào, mê đắm đến nhường
nào, Xuân Diệu mới cảm nhận được sự ngọt ngào của dòng thời
gian đến như vậy. Đó là mùa xuân ngọt ngào, là dòng ngày tháng
ngọt ngào, là tuổi trẻ ngọt ngào của nhà thơ. Thơ Trung đại, lấy
thiên nhiên làm chuẩn mực để gợi tả vẻ con người, thì Xuân Diệu
lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, đây là một nét nổi bật
trong tư duy đầy mới mẻ của nhà thơ. Bởi con người chính là trung
tâm của văn học, của đời sống xã hội.

Vẻ đẹp của trần gian khi xuân về tựa thiên đường mê đắm hay vẻ
đẹp của cuộc đời con người vào những năm tháng tuổi trẻ đã
khiến nhà thơ sợ hãi thời gian trôi. Hai câu cuối đoạn thơ đột ngột
vang lên đầy tiếc nuối, dư âm:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Dấu chấm câu giữa dòng thơ như một bản lề khép mở hai dòng
tâm trạng. Vừa là nỗi vui sướng, hạnh phúc vô bờ trước cảnh sắc
quyến rũ, quấn quýt của mùa xuân lại vừa vội vàng, lo sợ trước sự
chảy trôi của thời gian nên phải “vội vàng một nửa”. Thật kì lạ!
Người ta thường tiếc nuối những gì đã mất, còn với Xuân Diệu thì
lại nuối tiếc những gì đang có ở hiện tại, phải chăng bởi thi nhân
nhận ra rằng thời gian sẽ làm phai tàn, xóa nhòa đi tất cả. Không
chờ hạ đến mới nhớ xuân, tác giả tiếc xuân ngay giữa mùa xuân,
tiếc tuổi trẻ ngay khi mình còn trẻ, để rồi nhắc nhở bản thân hãy
trân quý từng phút, từng giây của hiện tại. Chạy đua với thời gian,
với tuổi trẻ để sống một cuộc đời đáng sống, sống một tuổi trẻ huy
hoàng bởi tuổi trẻ nào được hai lần thắm lại.

Đoạn thơ với 13 câu thơ dạt dào cảm xúc, một bức tranh xuân tươi
mới hiện hữu trước mắt người đọc như báo trước một tương lai
đầy tốt đẹp, một tuổi trẻ đáng tự hào. Lời thơ thúc giục mỗi chúng
ta hãy sống, hãy tận hưởng và trân quý những phút giây hiện tại,
trân quý những vẻ đẹp quanh mình đừng để mất đi rồi mới vội
vàng hối tiếc.

You might also like