Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

1. Hoàn cảnh chiến tranh và những tình huống éo le, trớ trêu.

- “Chiếc lược ngà” không phải là tác phẩm có chủ đề trực tiếp tố cáo chiến
tranh, nhưng những dấu vết của chiến tranh vẫn hằn in trong từng chi tiết
của tác phẩm này.
- Chiến tranh, trước hết đã tạo nên những vết thương về thể chất, đó là những
vết thương trên thân thể - là vết thẹo xấu xí trên mặt ông Sáu và cả vết
thương trên ngực đã cướp đi tính mạng ông.
- Nhưng chiến tranh thực sự còn gây ra những vết thương sâu thẳm trong trái
tim con người. Và những vết thương ấy, còn nhiều lần đau đớn, còn nhiều
lần tái tê hơn cả những vết thương trên da thịt con người. Đó là nỗi đau của
một người cha tám năm trời không được gặp con. Thế mà khi trở về, dù có
dỗ dành thế nào, nó cũng nhất định không gọi một tiếng “ba”. Đó cũng là
nỗi đau của một đứa con, chỉ vì vết thẹo xấu xí, mà đã lỡ không gọi “ba”.
Đến khi cất tiếng gọi “ba” nghẹn ngào, thì cũng là lúc phải rời xa ba mãi
mãi. Một tình cảm rất đỗi tự nhiên, chỉ vì chiến tranh, trở thành một thử
thách đầy nghiệt ngã. Nhưng chiến tranh với sức mạnh hủy diệt của nó, đôi
khi cũng phải cúi đầu khuất phục trước những điều tưởng chừng như nhỏ bé
mà thực sự có sức sống mãnh liệt.
- Và bất chấp sự thử thách, nghiệt ngã của số phận, tình cảm của cha con ông
Sáu vẫn thực sự là tình cảm sâu sắc và rất đỗi cảm động.
2. Tình cảm ông Sáu dành cho con.
- Ông Sáu là cán bộ kháng chiến, vì hoàn cảnh ông đã phải xa nhà, xa đứa con
đầu lòng bé nhỏ trong 8 năm trời.
- Hoàn cảnh trớ trêu ấy cho ông mong gặp con một cách khắc khoải. Và tưởng
như ngày hạnh phúc đã đến. Đó là ngày ông được trở về thăm nhà trong 3 ngày
và những tưởng rằng đó phải là 3 ngày thấm đẫm nước mắt vì xúc động, tràn trề
tiếng cười vì hạnh phúc và những tiếng gọi “ba-con” trao nhau đầy thương nhớ.
a. Giây phút gặp con.
- Với tâm trạng ấy, mới chỉ nhác thấy con bé, chưa cần ai bảo thì linh tính đã
mách bảo: đó đích thị là con gái của anh. Vì thế, dù thuyền chưa cập bến nhưng
đã vội vã nhảy lên, khiến chiếc xuồng bị tạt ra, khiến cho bác Ba chới với. Điều
đó chứng tỏ, ông Sáu đã nôn nóng gặp con tới cỡ nào. Chứng tỏ, trong mắt ông,
thì cả thế giới lúc đó thu gọn lại chỉ trong dáng hình bé Thu. Người cha đã vội
vàng bước những bước dài và kêu thật to “Thu, con!” – tiếng kêu mà anh đã
kìm nén trong 8 năm trời nay – giờ vỡ òa trong bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu
mong ước, đợi chờ. Với cả những khía cạnh đầy xúc động là con bé sẽ chạy xô
vào lòng, sẽ ôm chặt lấy cổ và ông khom người, vừa đưa tay chờ đón con.
- Ông khom người, vừa đưa tay đón chờ con. Thế nhưng trả lời cho những nỗ
lực, những khát khao ấy, đứa con đã tái mặt, vụt chạy và kêu thét lên gọi mẹ.
Và điều này nằm ngoài khả năng tưởng tượng của ông Sáu – một người lính
tưởng như đã dạn dày bom đạn, không một thử thách nào không trải qua.
- Thế nhưng những gì mà con bé gây ra lớn hơn rất nhiều so với những gì mà
anh có thể chịu đựng. Vì thế mà anh đã đứng sững lại, nhìn theo con. Nỗi đau
khiến cho mặt anh sầm lại, trông rất đáng thương, và hai tay anh thì buông
thõng xuống như vừa bị gãy. Có lẽ là khi anh bị vết thương vào mặt, anh cũng
không đau đớn như giây phút này.
b. Ba ngày ở bên con.
- Từ thời điểm đó, câu chuyện đã bước vào một tình thế thật éo le. Ông Sáu rất
muốn được gần gũi, được lắng nghe con gọi một tiếng “ba”. Nhưng bé Thu lại
cố tình lẩn tránh. Má kêu nó gọi anh vào ăn cơm, thì nó nói trổng “Vô ăn
cơm.”. Gặp phải tình huống bắt buộc nhờ đến ông, những tưởng con bé phải
chịu thua. Nhưng con bé thông minh, hay là đáo để, cho nên nó đã tự tìm cách
giải quyết. Nói cách khác, con bé đã “chiến thắng” ông Sáu.
c. Giây phút đánh con.
- Trong một bữa cơm, ông Sáu đã có cử chỉ đầy chăm sóc cho con khi gắp cho
nó một miếng trứng cá to, vàng vào chén nó. Nó liền lấy đũa soi vào chén và
hất cái trứng cá ra. Lúc này, giận quá và không kịp suy nghĩ, ông đã vung tay
đánh nó. Có lẽ ông Sáu không giận con vì nó vô lễ, mà ông đánh con chỉ vì ông
đã quá bất lực. Chỉ vì ông cay đắng nhận ra rằng, đời người lính phải chịu bao
thiệt thòi, tất cả những điều ấy ông đều có thể vượt qua được. Nhưng ông đâu
có thể ngờ, ông không thể vượt qua được đứa con gái của mình. Con bé mới 8
tuổi, cái tuổi còn bao non nớt, mà sao một người hiểu biết và đầy kinh nghiệm
như ông lại không thể thuyết phục được ông chính là ba nó, ông yêu nó đến
nhường nào? Ông đánh con mà như đánh vào trái tim mình. Con bé lạnh lùng
không biết đau nhưng ông lại đau đớn vô cùng. Con bé không thèm khóc. Nó
sang ngoại và mách với ngoại ở bên đó. Nó không bao giờ khóc trước mặt
người lạ.
d. Giây phút chia tay
- Vào thời điểm anh không dám hi vọng nữa, thì nó đã nhận anh làm ba. Đến
lúc đó bao nhiêu vui sướng, buồn tủi trào ra, nhưng tất cả đã quá muộn. Từ một
cuộc gặp gỡ đáng ra phải vô cùng cảm động, đã trở thành một cuộc gặp đau đớn
và đầy hối hận. Sự tha thiết và sự dày vò, tất cả đã khiến cho những người
chứng kiến không cầm nổi nước mắt. Còn với riêng bác Ba, người hiểu ông Sáu
nhất, cũng thấy khó thở, và như có bàn tay ai nắm chặt lấy trái tim.
- Chiến tranh biến những điều bình thường thành bất thường. Nhưng chính
những điều bất thường ấy, lại càng tô đậm tình yêu con mãnh liệt của một người
cha.
- Ở giây phút ấy, ông Sáu cũng không thể dỗ được con xuống. Chỉ cho đến khi
ngoại nói với Thu, là Thu để ba đi, thống nhất ba về, rồi ba sẽ mua cho Thu một
cây lược. Thì đến lúc đó, con bé mới chịu tụt xuống.
e. Ông Sáu làm chiếc lược cho con.
- Xa con, thì cả cuộc sống của ông Sáu lúc này, dồn hết vào mong muốn là thực
hiện trọn vẹn lời hứa với con – làm cho con một cây lược ngà. Và đôi bàn tay
tưởng chỉ quen cầm súng, giờ tỉ mỉ như một người thợ thủ công, mài giũa cẩn thận
từng chiếc răng lược. Những lúc như thế, hình như ông luôn nhớ về Thu. Từng ý
nghĩ đều tạo nên từng hành động trong ông.
- Lược làm xong, ông đã chải lên mái đầu. Và thật sự cây lược như phần nào gỡ
rối được tâm trạng của ông. Ông cẩn thận khắc lên cây lược dòng chữ “Yêu nhớ
tặng Thu con của ba”.
- Thế nhưng định mệnh vẫn đeo đuổi ông, ông không thể tự tay trao cây lược
cho con gái được. Ông đã hi sinh trong 1 trận càn. Và trong giờ phút cuối, không
đủ sức trăng trối lại điều gì. Hình như chỉ có tình cha con là không chết. Ông chỉ
đành tâm nhắm mắt khi người bạn gật đầu đồng ý trao tận tay chiếc lược ngà cho
Thu
3. Tình cảm của bé Thu dành cho ba.
a.
- Nhiều nhà văn đã viết rất hay về tình cảm con cái dành cho cha mẹ. Thế nhưng,
thế giới tình cảm phong phú ấy vẫn được thể hiện rất khác nhau qua phong cách
riêng của mỗi nhà văn. Thông thường, người đọc sẽ chờ đợi đó là một thứ tình cảm
rất đỗi ngọt ngào, mến thương, âu yếm, tha thiết, đầy biết ơn. Thậm chí, con cái
chấp nhận hi sinh cho cha mẹ. Ví dụ không ai có thể quên được sự hi sinh mà cái
Tí trong tác phẩm “Tắt đèn” dành cho cha mẹ cũng như tình cảm thật xúc động mà
nhân vật “tôi” trong “Những ngày thơ ấu” đã dành tặng cho mẹ của mình. Nhưng
Nguyễn Quang Sáng thì khác, bởi một hoàn cảnh đầy éo le, cô bé Thu trong truyện
đã có cách hành xử bướng bỉnh, cố chấp, thậm chí là vô lễ. Tất cả tạo nên kịch tính
và những bước ngoặt đầy bất ngờ cho câu truyện.
b.
- Sự việc bắt đầu khi nó nhìn thấy một người đàn ông không hề quen biết, đang
dang tay ra gọi mình là con. Con bé tái mặt đi. Và đó là chi tiết bắt đầu cho cuộc
gặp gỡ đầy bi kịch của hai cha con. Cô bé vốn không phải đứa trẻ vô tình và đó
cũng không phải sự sợ hãi đơn thuần của một đứa trẻ khi gặp người lạ. Bởi lẽ nếu
chỉ sợ hãi, nó đã không đến mức tái mặt đi. Cái cảm giác bàng hoàng, sửng sốt ấy
là bởi một nguyên nhân khác. Cũng như ông Sáu, bé Thu rất mong chờ ngày gặp
gỡ giữa hai cha con đầy sung sướng, đầy hạnh phúc. Thế thì làm sao nó có thể
tưởng tượng được sẽ có một ngày, một người không hề giống trong ảnh – một
người có khuôn mặt rất đáng sợ xuất hiện và gọi nó là con. Nó tái mặt không phải
vì sợ cho nó, mà vì người xa lạ kia đã “phá hỏng” hình ảnh người cha của nó. Nó
gọi mẹ như cầu cứu, như cần lời giải thích. Nhưng chắc nó càng thất vọng và hốt
hoảng hơn khi mẹ nó lại đương nhiên chấp nhận điều đó.
- Những ngày ở bên ba, con bé nhất định không chịu nghe lời người lớn, đặc biệt
không chịu gọi người đàn ông mặt thẹo là ba. Thái độ của nó là vô cùng bướng
bỉnh khi rơi vào những tình huống tưởng như nó bắt buộc phải nghe theo người
lớn, bắt buộc phải nhận ông Sáu là ba, thì nó càng tỏ ra mạnh mẽ, kiên quyết. Điều
đó đã thể hiện rất rõ bản lĩnh của con bé. Dường như trong lòng nó, không ai có thể
thay thế vị trí của “ba”. Và cho dù hoàn cảnh có như thế nào, nó nhất định không
chịu bỏ cuộc.
- Người đọc có thể nhận ra một dụng ý nghệ thuật khi nhà văn đã cố tình không tạo
ra một điều kiện nào để lí giải được vì sao Thu không nhận ba. Nhà văn đã để chi
tiết đó cho đến tận khi bé Thu ghé sang nhà bà ngoại. Còn trước đó, Nguyễn
Quang Sáng đã đẩy câu chuyện lên đến tận cao trào. Đó là khi ông Sáu muốn thể
hiện sự quan tâm của ông đối với con cho nên đã gắp cho con bé một miếng trứng
cá. Thế mà bất thần, con bé hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Khiến cho
anh Sáu không kìm được mà đánh con. Nguyễn Quang Sáng đã xử lý chi tiết này
rất tinh tế vì con bé hành động như thế không phải vì nó hỗn láo. Bằng chứng là
khi bị anh Sáu đánh, nó không hề khóc, không hề đạp đổ mâm, không hề ăn vạ hay
chạy vụt đi. Nó không định hỗn với người lớn, nó chỉ lặng lẽ đứng dậy, bày tỏ với
má và “người lạ mặt” rằng nó không có chịu, nó sẽ sang méc ngoại. Và sang đó nó
mới khóc. Con bé thấy mình oan ức, nhưng nó kìm giữ được để không thèm khóc
trước mặt người lạ. Nhờ có chi tiết ấy, giây phút chia tay của hai cha con đã rất xúc
động.
c. Giây phút chia tay
- Việc chậm trễ lí giải nguyên nhân của nhà văn đã tạo nên một hiệu quả rất cao.
Bởi nó đã thúc đẩy cuộc gặp gỡ của hai cha con khi chia tay. Trong cuộc chia tay,
con bé đứng tách ra một mình với một tâm trạng vô cùng bối rối. Nó như lạc lõng
và ngơ ngác, nhưng rõ ràng đã có một sự thay đổi rất lớn trong nó bởi trông nó
bâng khuâng, bối rối hơn với một đôi mắt mênh mông, xôn xao. Cho đến khi ông
Sáu nói.
“Thôi, ba đi nghe con.”
Thì tiếng “ba” đã được bật ra như xé lòng, làm cho trái tim mọi người như nghẹn
lại bởi đó là tiếng gọi “ba” được nó dồn nén và ấp ủ bấy lâu nay. Đó cũng là tiếng
gọi “ba” nó nâng niu, trân trọng bấy lâu nay .Vì tiếng gọi “ba” thiêng liêng ấy, nó
đã không chịu nhận ba nó với vết thẹo trên mặt và nó đã chối bỏ cơ hội quý báu để
được ở bên ba. Ông Ba đã như có một cảm giác những sợi tóc sau ót của con bé
dựng đứng lên. Sự xúc động của con bé cũng mãnh liệt như khi nó từ chối không
nhận ba nó. Tội nghiệp nó. Chắc nó không bao giờ có thể biết rằng, đó lại là cuộc
gặp gỡ đồng thời là cuộc chia tay mãi mãi của hai cha con. Và tiếng gọi “ba” được
cất giấu ấy hóa ra cũng là lời gọi “ba” duy nhất trong đời của con bé. Và mặc dù nó
ôm chặt ba nó bằng tay, nó câu chặt ba nó bằng chân, nó hôn khắp lên mặt ba nó,
hôn cả lên vết thẹo. Nhưng rồi nó phải để cho ba đi.
 Bằng lối kể chuyện xúc động, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện đầy tinh tế,
chân thực, cảm động tình cảm của cô con gái bé nhỏ đối với người cha của
mình trong một hoàn cảnh đầy éo le, thử thách.
Tổng kết:
 Nội dung: Câu chuyện đã phơi bày một cuộc chiến tranh đầy khốc liệt.
Nhưng từ cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, đã thể hiện tình cảm cao đẹp vượt
lên trên tất cả như tình cảm cha con, tình cảm vợ chồng, tình cảm bạn bè. Và
chính những tình cảm đẹp đẽ đó, đã tạo nên một sức mạnh giúp cho cuộc
kháng chiến đi đến được những thắng lợi cuối cùng.
 Nghệ thuật: Tác phẩm rất xuất sắc trong nghệ thuật xây dựng tình huống
truyện, xây dựng nhân vật. Và với một lối kể chuyện vô cùng sống động

You might also like