Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

2.1.3.

Nguyên tắc tổ chức hệ thống ngân sách nhà nước


2.1.3.1. Nguyên tắc thống nhất trong tổ chức ngân sách nhà nước

Thống nhất trong tổ chức ngân sách nhà nước là ngân sách nhà nước mặc dù được tổ
chức thành nhiều cấp nhưng những bộ phận cấu thành của một hệ thống ngân sách
thống nhất và duy nhất. Trong hệ thống ngân sách đó, mặc dù mỗi cấp ngân sách
đều có hoạt động thu, chi của mình nhưng các hoạt động đó phải nhất quán, phải
cùng dựa trên những chuẩn mực, những định mức nhất định và phải tuân thủ
cùng một chính sách, chế độ về thu chi ngân sách.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống ngân sách cần phải thực hiện ba yêu cầu:

● Phải thể chế hóa thành phần pháp luật mọi chủ chương, chính sách, tiêu
chuẩn, định mức về thu, chi ngân sách. Các quy định này là cơ sở pháp lý
chung cho hoạt động của mọi cấp ngân sách chứ không phải là những quy chế
riêng cho từng cấp ngân sách.

● Đảm bảo sự nhất quán trên phạm vi toàn quốc về hệ thống và chuẩn mực
kế toán, về phương thức báo cáo, về trình tự lập, phê chuẩn, chấp hành và
quyết toán ngân sách nhà nước. Trong quá trình chấp hành ngân sách, chính
quyền địa phương có thể thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ để cân đối ngân
sách cấp mình nhưng pháp luật cần phải quy định rõ loại nghiệp vụ nào được
phép thực hiện.

● Phải tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mối quan hệ giữa ngân sách cấp trên
và ngân sách cấp dưới trong việc điều chuyển nguồn vốn giữa các cấp ngân
sách này. Các cấp ngân sách là những bộ phận cấu thành của một ngân sách
duy nhất và thống nhất, vì vậy, tiền trên tài khoản của từng cấp ngân sách cũng
chính là tiền của ngân sách nhà nước. Vì thế, việc điều hòa vốn giữa các cấp
ngân sách trong hệ thống là cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng ứ đọng
tiền ở cấp ngân sách này và thiết hụt tiền ở cấp ngân sách khác làm cản
trở hoạt động trôi chảy của hệ thống ngân sách.

2.1.3.2. Nguyên tắc độc lập và tự chủ của các cấp ngân sách nhà nước.

Mỗi cấp chính quyền nhà nước đều phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên
địa bàn của mình. Để đảm bảo các cấp chính quyền có thể chủ động trong việc
thực hiện thì mỗi cấp đều cần có nguồn vốn tiền tệ nhất định. Nói cách khác, các
cấp chính quyền nhà nước hay các cấp ngân sách cần có sự độc lập, tự chủ ở chừng
mực nhất định trong quá trình thực hiện chức năng của mình.

Để bảo đảm ngân sách mỗi cấp được độc lập và tự chủ, một mặt cần phân giao
các nguồn thu và các nhiệm vụ chỉ cho các cấp ngân sách, mặt khác, cần cho
phép mỗi cấp ngân sách có quyền quyết định ngân sách của cấp mình. Việc làm
này không dẫn đến hoạt động của ngân sách địa phương nằm ngoài sự chỉ đạo của nhà
nước trung ương và độc lập với ngân sách nhà nước mà chỉ tạo ra sự độc lập cần thiết
cho mỗi cấp ngân sách. Đây là sự độc lập của các khâu ngân sách trong một hệ thống
ngân sách thống nhất.

2.1.3.3 Nguyên tắc tập trung quyền lực trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa
các cấp chính quyền nhà nước trong hoạt động ngân sách

Tập trung quyền lực thể hiện ở quyền quyết định của Quốc hội và sự điều hành
thống nhất của Chính phủ đối với ngân sách nhà nước; thể hiện ở vai trò chủ đạo
của chính quyền trung ương trong việc sử dụng ngân sách trung ương để thực
hiện những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia, những chính sách điều
tiết kinh tế vĩ mô và hỗ trợ những địa phương có khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói
giảm nghèo.
Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng của quản lý
ngân sách nhà nước. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước không chỉ liên quan
đến công tác quản lý ngân sách mà còn liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước
và các vấn đề kinh tế - xã hội. Mục tiêu cốt lõi của phân cấp quản lý ngân sách nhà
nước (NSNN) là nhằm đảm bảo các nguồn lực tài chính quốc gia được huy động
và phân phối sử dụng một cách hiệu quả nhất, đồng thời, đảm bảo tính chủ động,
sáng tạo trong hoạt động khai thác, sử dụng vốn NSNN, sự hài hòa về quyền lực
trong quản lý kinh tế - xã hội và quản lý ngân sách của các cấp chính quyền.

Nội dung của phân cấp quản lý NSNN gồm 5 vấn đề chính: Phân chia nguồn thu
giữa các cấp ngân sách; Giao nhiệm vụ chi cho các cấp; Các khoản bổ sung từ
ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; Vay nợ của chính quyền địa phương;
Vấn đề trao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng vốn NSNN.

Để phân cấp quản lý ngân sách hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ của hệ thống chính quyền
các cấp, cần xây dựng một hệ thống các cấp NSNN phù hợp và gắn kết với hệ thống
tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Một hệ thống phân cấp
ngân sách lý tưởng phải đảm bảo tính minh bạch và xác định rõ quyền hạn,
trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc huy động phân bổ, sử dụng các
nguồn lực tài chính quốc gia.

Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, phân cấp quản lý NSNN nhằm đảm bảo các nguồn lực tài
chính quốc gia được huy động và phân phối sử dụng một cách hiệu quả nhất và đạt
được những kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, đảm bảo thực quyền của Quốc hội, tăng tính chủ động của Hội đồng
nhân dân các cấp trong việc quyết định dự toán ngân sách, quyết định phân bổ
ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách.

Luật NSNN quy định Quốc hội thảo luận và quyết định phân bổ ngân sách chi tiết
theo lĩnh vực đến từng bộ, cơ quan trung ương và mức bổ sung từ NSTW cho từng
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thể hiện quyền lực tối cao của cơ quan đại
diện cao nhất của nhân dân trong quyết định NSNN.

Thứ hai, phân cấp quản lý ngân sách theo Luật NSNN năm 2015 đã góp phần
thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý NSNN. Việc ban hành và
thực hiện chính sách chế độ mới làm tăng chi ngân sách, tình trạng cấp ban hành
chính sách phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối
ngân sách của từng cấp.

Thứ ba, phân cấp quản lý NSNN đã đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW.

Việc quy định NSTW giữ vai trò chủ đạo và hưởng các nguồn thu quan trọng đã
đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia; Đảm bảo nguồn
lực để bổ sung cho các địa phương khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các
vùng miền, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân,
từng bước phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, cơ chế phân cấp quản lý NSNN đã giao quyền chủ động cho các địa
phương tăng thu, tiết kiệm chi NSNN để có nguồn lực phát triển kinh tế xã hội
trên địa bàn. Cơ chế phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách
đã khuyến khích chính quyền địa phương: Chủ động trong việc xác định, bồi dưỡng
nguồn thu, tăng thu ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi đã được phân cấp, với cơ
chế: tăng thu thì tăng chi, giảm thu thì giảm chi đã khắc phục được tình trạng ỷ lại vào
cấp trên.

You might also like