Xẩm 12.8.2023

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 9

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG

TRONG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT HÁT XẨM
TẠI NINH BÌNH
ThS. Phạm Thị Thu Thuỷ 1
ThS. Đỗ Thị Hồng Thu 2
Tóm tắt
Hiện nay, hát Xẩm là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, được
kỳ vọng giúp khách du lịch có nhiều trải nghiệm hơn khi đến với Ninh Bình thông
qua việc thưởng thức các buổi biểu diễn và trải nghiệm thực hành di sản. Gắn hát
Xẩm với phát triển du lịch được xem là một trong những cách thức hiệu quả và bền
vững hướng tới thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền
thống đặc sắc này; đồng thời cần sự vào cuộc của các bên liên quan, trong đó, cộng
đồng địa phương (CĐĐP) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây trên cơ
sở phân tích thực trạng sự tham gia của CĐĐP trong công tác bảo tồn và phát huy
giá trị hát Xẩm gắn với du lịch tại Ninh Bình, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng
cường vai trò CĐĐP trong hoạt động này.
Từ khoá: cộng đồng địa phương, bảo tồn, phát huy, giá trị, hát Xẩm, Ninh
Bình.

INCREASE THE ROLE OF THE LOCAL COMMUNITY IN CONSERVING AND


PROMOTING THE ART OF XẨM SINGING
IN NINH BÌNH PROVINCE
Abstract:
Nowaday, Xẩm singing, one of unique intangible cultural heritages, can be
expected to bring a richer experience for tourists to Ninh Bình through performances
and participation of heritage. Connecting Xẩm singing with tourism development will
be an effective and sustainable way towards the goals of preserving and promoting the
value of this unique cultural tradition heritage. It needs the participation of
stakeholders, in which, the role of community is extremely important. This paper,
based on analyzing the current status of local communities' participation in the
preserving and promoting of Xam singing values, suggests some measures to increase
the role of local community in this activity.

Keywords: local community, preserve, promote, value, Xẩm singging, Ninh


Binh.
1. Đặt vấn đề
Thị hiếu của công chúng đang dần thay đổi theo sự phát triển của xã hội,
các nghệ nhân hát Xẩm không còn nữa, nghệ thuật hát Xẩm đang đứng trước
thách thức bị mai một trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, Ninh Bình đang

1
& 2 Khoa Văn hoá – Du lịch, Đại học Hoa Lư. Email: pttthuy@hluv.edu.vn
2
được biết đến là một địa phương có tốc độ phát triển du lịch mạnh mẽ luôn coi
giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn lực quan trọng để phát triển
du lịch [1]. Việc tỉnh Ninh Bình, một trong những quê hương lâu đời nhất của
hát Xẩm, là địa danh gắn với cuộc đời cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người “Nghệ
nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” được kỳ vọng góp phần tạo nên sự
khác biệt, lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của tỉnh Ninh Bình. Đưa nghệ
thuật hát Xẩm vào các chương trình du lịch vừa giúp nâng cao chất lượng sản
phẩm du lịch Ninh Bình đồng thời tăng thêm thời gian lưu trú và chi tiêu của
khách du lịch.
Tuy nhiên, cũng như các di sản văn hoá phi vật thể khác, nghệ thuật hát
Xẩm chỉ có thể được bảo vệ và phát huy giá trị khi chúng được thực hành và
truyền dạy thường xuyên. Để làm được điều này, nghệ thuật hát Xẩm phải gắn
với cộng đồng, nơi chúng được sinh ra và nuôi dưỡng. Khi đó, CĐĐP đóng vai
trò vừa lưu giữ, bảo tồn, vừa truyền tải những giá trị văn hoá mang bản sắc riêng
có của loại hình nghệ thuật hát Xẩm đến với khách du lịch.
Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự ủng
hộ của cộng đồng dân cư nơi có di sản nhưng việc thực hiện bảo tồn, phát huy
giá trị nghệ thuật hát Xẩm gắn với du lịch còn gặp nhiều khó khăn, CĐĐP còn
chưa được hưởng lợi nhiều từ hoạt động này. Chính vì vậy, việc tăng cường vai
trò của các bên liên quan, trong đó tập trung đẩy mạnh, nâng vai trò của CĐĐP
khuyến khích họ tự nguyện tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản là rất cần
thiết.
2. Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động bảo tồn và phát
huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm gắn với du lịch tại Ninh Bình
2.1. Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động bảo tồn giá trị
nghệ thuật hát Xẩm tại Ninh Bình
So với các địa phương khác, Ninh Bình là tỉnh đi đầu trong việc đưa ra các
chính sách về khôi phục và bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm. Ngay từ năm 2011, Nhà
hát Chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô (Ninh Bình) thực hiện
Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 14/11/2011 về việc “Khôi phục, bảo tồn và phát
triển nghệ thuật hát Xẩm”. Phương cách để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ
thuật hát Xẩm được đề án chỉ ra là: sưu tầm, truyền dạy phổ biến các bài hát
Xẩm cổ; bảo tồn các bài hát, các làn điệu Xẩm cổ qua các chương tình dàn
dựng; phổ biến nghệ thuật hát Xẩm thông qua các phương tiện thông tin đại
chúng…[4, Tr4- 5]. Từ khi đề án được triển khai, người dân càng nhận thức rõ
hơn về vai trò của nghệ thuật hát Xẩm đối với đời sống văn hoá và kinh tế địa
phương. Sau bao năm bị mai một, hát Xẩm đang dần được phục hồi bởi sự nỗ
lực của chính quyền địa phương, sự nhiệt huyết và đam mê đối với loại hình
nghệ thuật truyền thống của nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ và đặc biệt có sự tham gia
của những người dân tại cộng đồng. Các nhóm chủ thể văn hoá ở Ninh Bình nói
trên hầu hết đã hiểu được những khó khăn trong hoạt động bảo tồn loại hình
nghệ thuật hát Xẩm và mỗi người đã bằng những cách khác nhau chung tay, góp
phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật hát Xẩm trong cuộc
sống hiện đại.
Công tác sưu tầm:
Việc sưu tầm phục dựng nghệ thuật hát Xẩm rất khó khăn. Vì phương
thức truyền dạy hát Xẩm trước đây chủ yếu bằng truyền khẩu, đến khi hoạt
động bảo tồn nghệ thuật này được quan tâm thì số lượng các nghệ nhân hát
Xẩm còn ít và hầu hết tuổi đã cao không còn nhớ hết các làn điệu. Hiện nay,
Viện Âm nhạc là nơi sưu tầm, lưu giữ nhiều tư liệu âm thanh, video về Xẩm
trong đó có nhiều video thu thanh các bài Xẩm do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu
đàn hát.
Tại Yên Mô, những tư liệu về làn điệu Xẩm cổ do cô Nguyễn Thị Mận –
con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu lưu giữ. Ngoài ra, tại ngôi nhà, nơi cố nghệ
nhân sinh sống ngoài những tấm bằng khen, cô Nguyễn Thị Mận vẫn còn giữ
gìn cẩn thận những trang phục biểu diễn của bà. Cây đàn nhị, đôi trống Xẩm và
sênh cũng được đặt ngay ngắn trên bàn thờ cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đây là tư
liệu rất quí báu cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm sau này.
Hoạt động truyền dạy:
Phong trào dạy hát và học hát được tổ chức thường xuyên với sự hưởng
ứng và ủng hộ của đông đảo CĐĐP, sôi nổi nhất là ở huyện Yên Mô (Ninh
Bình). Ở Yên Mô, hát Xẩm đã trở thành một phần cuộc sống của người dân ở
đây, đặc biệt là trên mảnh đất Yên Phong – quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị
Cầu. Hầu như, làng nào cũng có các nhóm văn nghệ, lúc rảnh rỗi họ lại ngồi với
nhau, hát những làn điệu Xẩm cho nhau nghe. Tính đến hết năm 2022, huyện
Yên Mô có 26 Câu lạc bộ (CLB) hát Chèo, hát Xẩm được thành lập và đi vào
hoạt động, bình quân mỗi CLB có trên 30 thành viên, thường xuyên và tham gia
tích cực vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ do tỉnh, huyện, xã tổ chức, tiêu
biểu như: CLB Xẩm Hà Thị Cầu, CLB Xẩm chợ Lồng, CLB hát chèo Xẩm xã
Yên Nhân, CLB Xẩm Kim Ngân…[3, tr24]. Hầu hết, thành viên các CLB Xẩm
hiện nay là người cao tuổi hoặc các cháu nhỏ lứa tuổi học sinh sinh sống tại địa
phương. Các CLB Xẩm hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, nguồn kinh phí
tự đóng góp từ các thành viên để mua sắm trang phục, dụng cụ. Các CLB duy trì
sinh hoạt hàng tuần, vào mùa hè thì tổ chức các buổi sinh hoạt thường xuyên
hơn do thành viên chủ yếu là các bạn nhỏ đang trong độ tuổi đi học. Tại đây, các
truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tham gia truyền dạy hát và nhạc cụ
hoàn toàn miễn phí, tiêu biểu như: cô Nguyễn Thị Mận (CLB Xẩm Hà Thị Cầu),
NNƯT Nguyễn Thị Kim Ngân (CLB Xẩm Kim Ngân)… Họ là những người học
trò được cố nghệ nhân Hà Thị Cầu bồi dưỡng. Với mong muốn được truyền bá
sâu rộng giá trị của loại hình nghệ thuật hát Xẩm tới cộng đồng, giờ đây họ lại
tiếp bước công cuộc truyền dạy lớp kế cận. Mặc dù, chưa có những hỗ trợ dành
cho nghệ nhân dân gian, họ vẫn đang từng ngày cố gắng lưu giữ, duy trì và phát
huy những giá trị tốt đẹp của di sản quê hương.
Xác định bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm, từ năm 2014 đến nay, Ninh Bình tổ chức được 14 lớp
truyền dạy nhằm nâng cao, mở rộng phát triển năng khiếu hát các làn điệu Xẩm
và sử dụng các loại nhạc cụ trong nghệ thuật hát Xẩm. Bình quân mỗi lớp có từ
30 học viên trở lên tham gia học. Tham gia lớp học là những người dân yêu
thích hát Xẩm, các giáo viên âm nhạc trong các trường Tiểu học, Trung học cơ
sở trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp học, các học viên hát được các làn điệu
của Xẩm như: Hà liễu, Tàu điện, Ba bậc, Thập ân,..., có khả năng sử dụng các
nhạc cụ như: sênh, phách, trống, nhị... Đặc biệt, khi tham gia các lớp những
người trẻ được khơi gợi niềm yêu thích với Xẩm – loại hình nghệ thuật đặc sắc
của quê hương. Việc tổ chức kịp thời các hoạt động truyền dạy có ý nghĩa quan
trọng thực hiện mục tiêu bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có
nguy cơ bị thất truyền này.
2.2. Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động phát huy giá
trị nghệ thuật hát Xẩm gắn với du lịch
Năm 2019, nhận thức rõ sự cấp thiết trong việc bảo vệ và phát huy giá trị
của loại hình nghệ thuật hát Xẩm, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định
số 1274/QĐ-UBND ngày 23/10/2019 phê duyệt Đề án Khôi phục, bảo tồn và
phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2022.
Đề án có mục tiêu “Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo mang
tính xã hội và nhân văn của nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất
là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, để
nghệ thuật hát Xẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với phát triển du lịch
bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” [5, tr4]. Nghệ thuật hát Xẩm được khôi
phục và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan sẽ trở thành nguồn tài
nguyên quý giá góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Ninh
Bình, mang lại những sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm của du khách
trong và ngoài nước.
Nếu như trước đây, những tiết mục Xẩm chỉ được biết đến trong các
chương trình hội diễn văn nghệ thì hiện nay các CLB hát Xẩm tại Ninh Bình có
cơ hội tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch góp phần tạo ra nét độc đáo,
hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của Ninh Bình. Hoạt động biểu diễn hát Xẩm
được đưa vào một số chương trình xúc tiến du lịch tại Ninh Bình như: tuần lễ
Sắc vàng Tam Cốc, lễ hội Tràng An, lễ hội Cố đô Hoa Lư… tạo được ấn tượng
mạnh với khách tham quan. Những bài hát Xẩm tham gia biểu diễn hiện nay
được đặt lời mới theo các làn điệu cổ để phù hợp với bối cảnh đương đại và thị
hiếu của người trẻ.
Chỉ trong thời gian ngắn từ khi các chính sách của địa phương về bảo tồn
và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm tại Ninh Bình được thực hiện, các CLB
hát Xẩm xã Yên Phong, Yên Nhân… được mời biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện
lớn của tỉnh đã tạo điều kiện cho nghệ thuật hát Xẩm gần gũi, được xã hội đón
nhận, đồng thời cũng mang lại niềm vui, hi vọng cho những nghệ nhân hát Xẩm,
các thành viên CLB Xẩm tại Ninh Bình. Từ năm 2020, để các CLB có điều kiện
tổ chức đều đặn các lớp dạy Xẩm miễn phí cho cộng đồng, quỹ Thiện Tâm (Tập
đoàn Vingroup) đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số CLB trên địa bàn
huyện Yên Mô nhằm ươm mầm tài năng, góp phần xây dựng lớp thế hệ trẻ kế
cận, tiếp nối các nghệ nhân đi trước trong công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ
thuật Xẩm truyền thống. Tuy sự hỗ trợ về kinh tế này không nhiều, nhưng người
dân địa phương rất vui mừng vì có thể góp thêm một phần kinh phí vào việc
chăm lo đời sống cho các em nhỏ yên tâm sinh hoạt tại CLB cũng như để mua
thêm nhạc cụ Xẩm. Trẻ em tại địa phương có thêm sân chơi lành mạnh, được
rèn luyện một số kỹ năng trở nên tự tin, bạo dạn hơn.
Nghệ thuật hát Xẩm trong giai đoạn đầu khôi phục và bảo tồn đạt được một
số kết quả nhất định, nhưng thực tế cho thấy: phát huy nghệ thuật Xẩm gắn với
du lịch ở Ninh Bình vẫn ở giai đoạn manh nha, cần phải có những nỗ lực lớn
hơn từ doanh nghiệp, chính quyền và CĐĐP để hát Xẩm thực sự trở thành sản
phẩm du lịch đặc sắc của Ninh Bình. Hiện nay, các bên liên quan mới đang chú
ý đến việc khôi phục nghệ thuật hát Xẩm, công tác xây dựng các sản phẩm du
lịch từ hát Xẩm để phục vụ du khách chưa được xây dựng thành các kế hoạch
hành động cụ thể, kinh phí hoạt động cho các CLB còn thiếu. Cán bộ văn hoá xã
và huyện phụ trách nhiều đầu việc mới nắm được các thông tin đầu việc liên
quan chứ không có chuyên môn về hát Xẩm hay loại hình nghệ thuật dân gian.
Trong khi đó, hát Xẩm là loại hình nghệ thuật rất khó hát, số lượng người
có khả năng biểu diễn không nhiều. Để đạt được các mục tiêu kinh tế, các doanh
nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn những đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp thay vì phối
hợp với CĐĐP nhằm giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho
du khách. Cho đến nay, hiện chưa có doanh nghiệp du lịch nào có kế hoạch hợp
tác lâu dài với các CLB hát Xẩm địa phương trong hoạt động biểu diễn phục vụ
khách du lịch.
3. Một số giải pháp tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo
tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm gắn với du lịch
Để hát Xẩm trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của Ninh Bình, cần
phải có những giải pháp thúc đẩy CĐĐP tham gia theo hướng chủ động tích cực
hơn, cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho CĐĐP: Đối với
người dân địa phương, tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho họ về vai trò của
hát Xẩm; trong đó nhấn mạnh để CĐĐP hiểu được bất kỳ ai trong cộng đồng
cũng có thể hưởng lợi từ hoạt động phát huy giá trị hát Xẩm với du lịch, khi đó
chính họ sẽ trở thành những người bảo vệ hiệu quả nhất loại hình nghệ thuật
này. Bên cạnh đó, để người dân địa phương có đủ năng lực phục vụ khách du
lịch cần tập huấn cho họ kỹ năng phục vụ khách du lịch như nghiệp vụ phục vụ
khách lưu trú, nghiệp vụ hướng dẫn, kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp với
khách du lịch… 100% hướng dẫn viên và những người phục vụ trong hoạt động
du lịch tại địa phương phải là người dân bản địa. Chính những người sinh sống
và làm việc trong khu vực có di sản sẽ là người tuyên truyền tốt nhất.
Hai là, chú trọng ươm mầm đào tạo cho lớp trẻ đặc biệt là thế hệ học
sinh tiểu học, THCS góp phần tạo ra thế hệ vừa biết thưởng thức, cảm thụ nghệ
thuật Xẩm trong tương lai vừa là đội ngũ kế cận tham gia bảo tồn và phát huy
loại hình nghệ thuật này. Nội dung kiến thức nghệ thuật hát Xẩm cần được kết
hợp với các hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục địa phương để
học sinh sớm tiếp cận và yêu thích nghệ thuật hát Xẩm. Bên cạnh đó, giáo viên
chú ý phát hiện sớm những nhân tố có thiên phú về Xẩm, nếu kịp thời định
hướng nghề nghiệp cho các em từ sớm có thể góp phần vào phát triển tài năng
cho các em cũng như giữ cho Xẩm có những thế hệ truyền nhân tiếp theo.
Ba là, phát huy vai trò của các CLB CLB Xẩm hiện nay: để hoạt động
truyền dạy hát Xẩm được diễn ra thường xuyên, người hát Xẩm phải thường
xuyên thực hành thì mới có thể biểu diễn được Xẩm. Chính vì vậy, vai trò của
CLB hát Xẩm tại Yên Mô là vô cùng quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần
có sự khen thưởng đối với các thành viên tham gia hoạt động tích cực, có nhiều
tâm huyết đối với CLB, tạo động lực, khuyến khích các thành viên nỗ lực hơn
nữa trong việc xây dựng và phát triển CLB Xẩm ngày một vững mạnh hơn. Với
số lượng các CLB ngày càng tăng lên, rất cần có các cuộc thi, hội diễn để CLB
Xẩm giao lưu, học hỏi nhau. Qua đó lựa chọn những thành viên có chất Xẩm và
đào tạo họ một cách bài bản hơn.
Bốn là, xây dựng các chính sách hỗ đội ngũ thực hành di sản. Họ là những
nghệ nhân dân gian có công trong việc bảo tồn, thực hành và truyền dạy di sản.
Không có nghệ nhân thì sẽ không còn di sản. Những giá trị của di sản văn hoá
như hát Xẩm có được bảo tồn và phát huy hay không phải dựa trên những đóng
góp quan trọng của đội ngũ này. Phải có các chế độ, chính sách đãi ngộ dành
cho lớp các nghệ nhân già cũng như các nghệ nhân thế hệ tiếp nối, có như thế
mới khuyến khích ngày càng có nhiều người trẻ có chuyên môn, có đam mê với
Xẩm tham gia vào công cuộc truyền bá nghệ thuật hát Xẩm.
Năm là, tăng cường sự hợp tác các bên liên quan trong phát huy giá trị
nghệ thuật hát Xẩm gắn với du lịch: Thực tế trong hoạt động phát triển các sản
phẩm du lịch văn hoá gắn với Hát Xẩm, cộng đồng đóng vai trò quan trọng nhất
vì họ chính là người sở hữu, bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch này. Chính
vì thế, trong hoạch định chiến lược và quản lý du lịch, chính quyền địa phương
phải đặt lợi ích của CĐĐP lên trên hết, đảm bảo lợi ích lâu dài về kinh tế để họ
có thể tham gia sâu hơn nữa vào hoạt động du lịch. Với các doanh nghiệp du
lịch, chính họ với vai trò kết nối giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương tới
khách du lịch sẽ tham gia vào hoạt động tham vấn cho chính quyền và CĐĐP
xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá vừa giữ được giá trị bản địa, vừa phù
hợp với thị hiếu của xã hội đương đại. Trong mối quan hệ này, quan trọng nhất
là cần minh bạch hoá các hoạt động đặc biệt là trong việc chia sẻ lợi ích, trách
nhiệm về những vấn đề liên quan đến hát Xẩm.
4. Kết luận
Tích hợp các giá trị của di sản văn hoá với sản phẩm du lịch một cách
hài hoà là giải pháp để ngành du lịch có những bước tiến đột phá hơn trong
quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm gần đây, hát Xẩm được
Ninh Bình nhìn nhận như một di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp,
đồng thời là nguồn lực độc đáo để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch
của tỉnh. Việc thực hiện các chính sách của Nhà nước hướng tới mục tiêu bảo
tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian
qua đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, nhận thức của CĐĐP và các cấp chính
quyền về loại hình di sản văn hóa phi vật thể này được nâng cao. Tuy nhiên, để
chuyển hoá các giá trị nghệ thuật hát Xẩm vào các chương trình du lịch một
cách hiệu quả, Ninh Bình cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên liên quan trong
hoạt động phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị hát
Xẩm. Đặc biệt, các biện pháp khuyến khích CĐĐP tham gia vào hoạt động này
cần được chú trọng hơn nữa để đưa di sản trở về cộng đồng, nơi nuôi dưỡng di
sản, để những người dân nơi đây thực sự trở thành chủ nhân của di sản, chủ
động, tự nguyện, tự giác tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Diệp Anh, “Giá trị văn hoá làm nên điều khác biệt để du lịch Ninh Bình cất
cảnh”, https://baochinhphu.vn/gia-tri-van-hoa-lam-nen-dieu-khac-biet-de-du-
lich-ninh-binh-cat-canh-102230429164144758, truy cập ngày 6/7/2023
[2] Trần Thị Thanh Dung (2018), “Bảo tồn và phát huy văn hóa hát Xẩm tại
Ninh Bình”, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Hà Nội.
[3] An Đôn Nghĩa (2022), Yên Mô bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát
Xẩm, Kỷ yếu Hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di sản
văn hoá phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình”.
[4] UBND Tỉnh Ninh Bình (2011), Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 14/11/2011 về
việc “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm”.
[5] UBND Tỉnh Ninh Bình (2019), Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày
23/10/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Đề án Khôi phục, bảo tồn và
phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2022.

You might also like