Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 7

LUẬT LAO ĐỘNG

Điều 90 – 93

Điều 90. Tiền lương

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa
thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ
cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức
tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận
trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công
việc của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận
trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa
thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong
mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người
lao động.
- Mặt khác, các khoản phụ cấp lương và khoản bổ sung khác sẽ do các bên tự thỏa
thuận chứ không bắt buộc phải có.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính
đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
- Trả lương bình đẳng: nghĩa là công việc có giá trị như nhau và yêu cầu người sử
dụng lao động trả lương bình đẳng cho tất cả người lao động không phân biệt giới
tính.

Điều 91. Mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công
việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu
của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm
việc theo hợp đồng lao động:
Mức lương tối thiểu tháng Mức lương tối thiểu giờ
Vùng
(Đơn vị: đồng/tháng) (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I 4.680.000 22.500

Vùng II 4.160.000 20.000

Vùng III 3.640.000 17.500

Vùng IV 3.250.000 15.600

4 vùng được phân theo đơn vị hành chính theo khu vực

- Theo Nghị định số 38:

+ Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả
lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương
theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình
thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không
được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
+ Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả
lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương
theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành
định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu
giờ.

+ Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày
hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán (căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và
thời gian phải hoàn thành được người sử dụng lao động vận dụng để tính toán và trả tiền
lương cho người lao động để họ thực hiện công việc) thì mức lương của các hình thức trả
lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu
tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ
sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của
pháp luật lao động như sau:

a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12
tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng;
hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình
thường trong tháng.

b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm
việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán
chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực
hiện nhiệm vụ khoán”.

3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động
và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số
giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất
nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên
cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Điều 92. Hội đồng tiền lương quốc gia

1.Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu
và chính sách tiền lương đối với người lao động.

Hội đồng tiền lương quốc gia chỉ là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về việc xác lập
mức lương tối thiểu vùng chứ không có quyền tự quyết định mức lương tối thiểu
vùng

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên
là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

3.Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng
tiền lương quốc gia.

Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia: Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện
chức năng tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức
lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ) và chính sách tiền lương đối
với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia:

1. Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương,
mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ
cung cầu lao động, việc làm và thất nghiệp trong nền kinh tế làm cơ sở xác định mức lương
tối thiểu.
2. Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác
định mức lương tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động.

3. Định kỳ rà soát, xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người
lao động làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.

4. Hằng năm, tổ chức thương lượng trên cơ sở đó khuyến nghị với Chính phủ phương
án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo
tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

5. Tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về chính sách tiền lương áp dụng chung đối với
người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cơ cấu tổ chức Hội đồng tiền lương quốc gia như sau: Có tối đa 18 thành viên

a) Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Ba Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phó Chủ tịch Liên minh
Hợp tác xã Việt Nam.

c) Các ủy viên Hội đồng, gồm:

- Bốn Ủy viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bốn Ủy viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Một Ủy viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; hai Ủy viên
đại diện của hai hiệp hội ngành nghề có sử dụng nhiều lao động do Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam thống nhất với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lựa chọn, đề xuất.

- Tối đa ba Ủy viên độc lập, là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đang làm công
tác nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên
cứu, trường đại học thuộc hệ thống các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học của
Việt Nam (không bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống tổ chức của
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức của người sử dụng lao động).

Hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia:

1. Hội đồng tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ tập thể thông qua các phiên họp
của Hội đồng; thảo luận dân chủ, công khai, biểu quyết và kết luận theo đa số.

2. Các thành viên Hội đồng, thành viên Bộ phận kỹ thuật, Bộ phận thường trực giúp việc
Hội đồng tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Hội đồng tiền lương quốc gia có con dấu riêng, được áp dụng cơ chế tài chính theo
định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và
công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia do ngân sách nhà nước bảo
đảm, được bố trí thành mục riêng trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội.

5. Hội đồng tiền lương quốc gia được huy động chuyên gia trong nước, ngoài nước và
các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng, nhiệm
vụ.

Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao
động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc
hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

+ Thang lương, đó là bảng gồm một số bậc lương (hoặc mức lương) theo mức độ phức
tạp kỹ thuật của một nghề, nhóm nghề hoặc công việc; các bậc trong thang lương được
thiết kế gắn với tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, được sắp xếp từ bậc có mức độ phức tạp kỹ
thuật thấp nhất đến bậc có độ phức tạp cao nhất.

+ Bảng lương, đó là bảng gồm một số hệ số (hoặc mức lương) được thiết kế cho chức
danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc. Tuỳ theo tính chất, vị trí, độ phức tạp của
nghề, công việc có thể thiết kế bảng lương 1 ngạch hoặc nhiều ngạch, mỗi ngạch thể hiện
trình độ, vị trí làm việc khác nhau. Trong 1 ngạch có thể thiết kế một bậc hoặc nhiều bậc
hoặc khung lượng.

+ Mức lao động (hay mức lao động) được quan niệm là lượng hao phí sức lao động cần
thiết để sản xuất một đơn vị sản phẩm (hoặc để hoàn thành khối lượng công việc) theo tiêu
chuẩn chất lượng quy định trong điều kiện tổ chức sản xuất, kỹ thuật nhất định. Mức lao
động gồm nhiều loại khác nhau như mức thời gian, mức sản lượng, mức phục vụ, mức biên
chế, mức tổng hợp… Trong tổ chức lao động tại doanh nghiệp, mức lao động có vai trò rất
quan trọng, nó là căn cứ để phân công và hợp tác lao động, là cơ sở để kế hoạch hoá nguồn
lao động, tạo điều kiện để cải thiện

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện
được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước
khi ban hành chính thức. → Bổ sung cho khái niệm mức lao động ở trên

3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động
tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương,
bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm
việc trước khi thực hiện.

Vì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích
hợp pháp của người lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công
đoàn cấp cơ sở và Tổ chức của người lao động tại DN

You might also like