Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Câu 1: Theo tôi, triều đại Việt Nam thành công nhất trong lĩnh vực đối ngoại là

nhà Tiền Lê.


Sự thành công đầu tiên được thể hiện ngay từ khi vua Lê Hoàn mới lên ngôi.
Sau khi được tiến cử lên ngôi năm 980, Lê Hoàn vẫn bang giao với nhà Tống
trên danh nghĩa là Đinh Toàn.
Tháng 8 năm đó, vua Tống không biết được điều này, tưởng chừng Đại Cồ Việt
đang có vua nhỏ mà nảy ý đồ xâm lược, sai cận thần đưa thư đe dọa, muốn nước
ta đầu hàng trước. Hai tháng sau, Lê Hoàn cho người đưa thư giả là của Đinh
Toàn, thỉnh cầu nối ngôi, xin lệnh chính thức của thiên triều với chủ đích xin
hòa hoãn cuộc xâm lược của nhà Tống. Nhà Tống lấy cớ trách cứ việc xưng đế,
đổi tên hiệu không báo trước mà yêu cầu mẹ con Đinh Toàn sang quy phụ, nếu
không sẽ không từ bỏ ý đồ tiến đánh. Lê Hoàn cứ thế để cho quân Tống xuất
binh rồi đích thân chặn giặc, thẳng tay đánh bại chúng. Sự việc này vừa tỏ rõ
thái độ của vị vua mới nước Việt, vừa dọa nhà Tống một phen bất ngờ, thất trận
nặng nề, thể hiện uy phong của quân ta dưới triều đình mới. Sau khi nhận chuỗi
thua liên tiếp, lại phải đối phó với nhà Liêu nên vua Tống rất mềm mỏng với
nhà Tiền Lê. Lê Hoàn nắm bắt đúng thời điểm, thể hiện ý muốn giao hảo, quan
hệ hai nước bình đẳng, không quy phục. Tháng 10 năm 986, vua Tống sai người
phong chức An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu cho
Lê Hoàn. Đây là một sự công nhận của nhà Tống với Tiền Lê, công nhận dòng
dõi mới kế thừa ngôi vua nước Đại Cồ Việt.

So sánh với các triều đại khác của Việt Nam, mượn danh nghĩa vua nhỏ là việc
làm hoàn toàn độc nhất vô nhị. Hành động này đã gây bất ngờ lớn cho nhà Tống
khi đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt rồi nhận thất bại nặng nề. Đồng thời,
mượn danh nghĩa tiểu Vệ vương có lẽ cũng là nước đi thăm dò thái độ, ý đồ của
nhà Tống, làm lộ rõ lòng tham xâm lược của triều đình phương Bắc. Nếu như
không lấy danh nghĩa Đinh Toàn, vua Tống có thể đã cẩn trọng hơn trong việc
xâm lược Đại Cồ Việt, gây khó khăn cho công cuộc kháng chiến chặn giặc.

Sau này, Lê Hoàn đã có rất nhiều chính sách ngoại giao để gìn giữ sự hữu nghị
nhưng cũng có những đấu tranh ngoại giao trên nhiều phương diện để tỏ rõ vị
thế của Đại Cồ Việt. Trong suốt hai đời vua là Lê Hoàn và Lê Ngoạ Triều (tức
từ năm 982 đến năm 1010) nhà Lê đã cử 15 phái bộ sang Trung Quốc với mục
đích là duy trì quan hệ bang giao giữa hai nước. Tuy ngỏ ý "thần phục" Thiên
triều nhưng điều đó không có nghĩa là Lê Hoàn cúi mình. Ông thực hiện chính
sách "trong xưng đế, ngoài xưng vương" để thể hiện một ý chí mà tất cả các đế
vương dưới thời phong kiến nước ta đều theo đuổi: "Tự coi mình như một
"Trung Quốc" nhỏ hơn ở phía Nam đối với các nước chư hầu, ngang hàng với
nước Trung Quốc ở phía Bắc". Về quân sự, Lê Hoàn chủ trương thể hiện bản
lĩnh của một nước thắng trận qua việc phô diễn sức mạnh và lực lượng để uy
hiếp hai sứ Tống Cảo, Vương Thế Tắc năm 990. Ông cho người thực hiện nghi
lễ đón sứ nhưng thực chất là đe dọa, uy hiếp sứ Tống. Trong suốt quá trình tiếp
sứ, Lê Hoàn cũng có những động thái từ chối tuân thủ nghi thức truyền thống
mà từ trước đến nay các nước nhỏ phải tuân theo, ví dụ như việc lạy khi tiếp
nhận chiếu thư hay việc phải xuống ngựa đón sứ giả. Khi thết đãi yến tiệc, Lê
Hoàn cũng thành công trong việc khiến cho các sứ Tàu lúng túng, mất đi vẻ uy
nghiêm của người đại diện "thiên triều". Ông thể hiện ý định sử dụng những con
thú dữ như món ăn đến việc tự thân hát mời rượu và tham gia lễ đâm cá. Khi
tiễn sứ về nước, câu nói đanh thép "Không phiền sứ thần sang đây nữa" của ông
cũng dẫn đến việc nhà Tống không có những động thái hạch sách, chèn ép cũng
như gây áp lực lên nước ta như một nước chư hầu nhỏ bé; trái lại, sự tôn trọng
kéo dài đến cả khi
Lê Hoàn mất. Vũ Dương Huân cũng đã nhận xét rằng: "Đối với những sứ thần
có thái độ ngạo mạn, có tâm địa xấu như Tống Cảo và Vương Thế Tắc, ông
có đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh quân sự, sự giàu có, thịnh vượng,
uy hiếp tinh thần sứ Tống. Còn đối với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như
Lý Giác, ông đón tiếp với cách ứng xử khác: rất văn hóa, nêu bật Đại Việt là
nước văn hiến có nhiều nhân tài.." (Về triết lý ngoại giao truyền thống Việt
Nam - Nghiên cứu quốc tế, ngày 24/09/2021).

Ở các đời vua sau, có thể thấy sự kế thừa các đường lối ngoại giao từ nhà Tiền
Lê. Vào đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông luôn kiên quyết khước từ việc sang
chầu bằng cách viện đủ các lý lẽ khéo léo như sức yếu, tuổi cao, triều đại có vua
cũ mất... Hay ở nhà Lý, kế thừa cách nắm bắt thời cơ mà có kế hoạch hòa hoãn,
tránh gia tăng xung đột. Trong cuộc chiến với nhà Tống (1075 - 1077), tại
phòng tuyến sông Như Nguyệt, khi Quách Quỳ ở tình thế tiến thoái lưỡng nan,
Lý Thường Kiệt cũng thấy quân ta sức cũng sắp cạn; do đó, ông đã sai sứ thần
sang dinh Quách Quỳ bàn hòa, mở đường cho Quách Quỳ rút quân trong danh
dự. Ở đây, ông đã chọn đúng thời điểm đề "dùng biện sĩ bàn hòa" bằng cách đưa
ra một sáng kiến hòa bình phải chăng ….
Tóm lại, thành công ngoại giao suốt 24 năm trị vì của Lê Hoàn được thể hiện ở
việc nhà Tống không ý có gây hấn, tiếp tục giữ hòa hiếu với nước ta sau khi Lê
Hoàn mất. Thái độ này của vua Tống thực sự đã tỏ rõ sự tôn trọng, trọng nhân
nghĩa dành cho nhà Tiền Lê, thể hiện niềm tin được bồi đắp từ mối giao hảo
suốt thời gian trị vì của Lê Hoàn. Lê Hoàn vừa giữ vững vị thế quốc gia, quốc
thể, không tỏ ý thần phục, vừa giữ gìn được hòa hiếu hai bên, thậm chí nhận
được sự tôn trọng của vua Tống. Các đường lối ngoại giao của nhà Tiền Lê vẫn
được kế thừa, áp dụng ở các triều đại đi sau.
Do đó, triều Tiền Lê xứng đáng là triều đại thành công nhất trong lĩnh vực đối
ngoại của Việt Nam.
Câu 2:
Tôi đồng ý với nhận định triều đình Mãn Thanh đã ""bán đứng" Việt Nam cho
Pháp', tuy nhiên vẫn có điểm phản đối.
Khi nhìn lại tổng thể ngoại giao nhà Nguyễn với Trung Hoa, chính hoàn cảnh ra
đời rất đặc biệt của nhà Nguyễn đã khiến quan hệ triều cống hết sức được coi
trọng, thậm chí được điển chế hóa nhằm tạo dựng được tính chính thống, uy tín
cho triều đại mình. Dù chịu tác động của những nhân tố mới do hoàn cảnh lịch
sử quy định, song cũng như các triều đại phong kiến trước đó, "triều cống" vẫn
là một trong hai cơ sở chủ yếu (bên cạnh việc "sách phong") để xây dựng nên
quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng việc thực hiện triều
cống của nhà Nguyễn với Trung Hoa lúc này xét về cơ bản là không xâm phạm
vào nguyên tắc độc lập, cùng với hàng loạt nỗ lực khác như: xin đổi quốc hiệu,
không cho gọi nước Nam là 'man di', kiên quyết đánh trả bằng mọi phương tiện:
chính trị, ngoại giao, quân sự,... đã minh chứng cho một nguyên tắc bất biến chi
phối mọi hoạt động bang giao giữa triều Nguyễn với triều Thanh: giữ vững độc
lập, chủ quyền dân tộc. Như vậy, xét về phương diện triều cống của các vị vua
triều Nguyễn với Trung Quốc thực chất là sự tiếp tục vận dụng lối ngoại giao
hòa bình, 'lấy nhu thắng cương', mang bản sắc ứng xử Việt Nam trong mối quan
hệ bang giao với Trung Quốc.
Có thể thấy, quan hệ hai nước hầu như là tốt đẹp, giao thương phát triển nhờ
các Hoa thương. Khi Pháp mở cuộc xâm lấn Bắc Kỳ thì triều đình Huế cầu viện
nhà Thanh can thiệp. Năm 1884-1885, chiến tranh Pháp-Thanh bùng nổ trên
chiến trường miền Bắc Việt Nam. Nhưng sau đó, Lý Hồng Chương phải ký hiệp
ước Pháp-Thanh gây nhiều tranh cãi ngày 6/9/1885. Theo hiệp ước này, nhà
Thanh chấp nhận từ bỏ quyền bá chủ của mình và thừa nhận sự bảo hộ của Pháp
đối với Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đây do Pháp đảm
nhiệm.
Vậy có thể khẳng định rằng, nhà Thanh đã "bán đứng Việt Nam" cho thực dân
Pháp mặc cho quan hệ hòa hảo tốt đẹp của hai nước. Triều đình Mãn Thanh đã
tỏ ra sợ hãi trước sức mạnh của Pháp, muốn né tránh trách nhiệm, sự can thiệp
của mình vào cuộc chiến giữa Pháp và Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà Mãn Thanh, và cả các triều đại đi trước của Trung Hoa cũng
chưa bao giờ hoàn toàn có ý định hòa hảo lâu dài, tôn trọng chủ quyền của Việt
Nam mà hầu hết luôn có ý đồ xâm lược. Do vậy, cũng khó có thể nói rằng
Trung Hoa đã hoàn toàn bán đứng Việt Nam cho Pháp khi có lẽ bản hòa ước mà
nhà Mãn Thanh kí với thực dân cũng chỉ là một nước đi có tính toán của nhà
Thanh nhằm phân chia tầm ảnh hưởng tới Việt Nam của hai thế lực.
Kết lại, nhận định rằng nhà Thanh đã bán đứng Việt Nam là có thể khẳng định
khi nhà Nguyễn đã cầu viện triều đình Trung Hoa. Nhưng khi nhìn lại toàn bộ
lịch sử, qua các cuộc chiến giữa hai nước, thì có lẽ đây cũng chỉ là một nước cờ
đã có tính toán từ trước, phục vụ cho mưu đồ xâm lược Việt Nam.

You might also like